Viết một đoạn văn nghị luận xã hội bàn về hậu quả của việc mất kiểm soát khi giận dữ - LCPS

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 23 Tháng một 2022.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Viết một đoạn văn nghị luận xã hội bàn về hậu quả của việc mất kiểm soát khi giận dữ.

    Tác giả: Love cà phê sữa

    Dung lượng: Hơn 700 từ

    [​IMG]

    Có một câu nói rất hay mà tôi cực kì tâm đắc: "Cuộc đời cũng như hơi thở vậy. Ta không thể hít một hơi dài quá khả năng của mình. Nhưng ra có thể hít sâu hết khả năng của mình trong từng hơi thở. Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ sao ta không sống thật sâu?" (Phạm Lữ Ân). Đời người vốn ngắn ngủi, vậy mà thay vì "sống sâu" thì con người ta lại "chìm sâu" vào những cảm xúc tiêu cực. Và, giận dữ chính là một trong số những trạng thái xúc cảm ấy. Sự tức giận trở thành nguồn cơn gây nên những vết nứt khó lành, đặc biệt, khi ta không kiểm soát được cơn sóng lòng dữ dội của mình thì sự giận dữ lại chẳng khác nào con dao hai lưỡi không ngừng làm tim đối phương rỉ máu. Mất kiểm soát khi tức giận là trạng thái không tự chủ được hành vi, suy nghĩ, lời nói của bản thân, đồng thời ý thức về việc kiềm chế cảm xúc dần biến mất và đó cũng là lúc nhu cầu trút giận tăng cao. Sự giận dữ như ngọn núi lửa ngấm ngầm sôi sục trong lòng người, nó âm ỉ tích tụ những thương tổn nơi trái tim và ăn mòn lí trí khiến ta cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Khi sức chịu đựng của con người vượt quá giới hạn thì việc mất kiểm soát cơn giận là kết quả tất yếu. Núi lửa phun trào, dung nham được giải phóng, ắt những giá trị tốt đẹp sẽ bị thiêu rụi và phá hủy. Không kiểm soát được sự giận dữ của bản thân, ta rất dễ lạc vào những suy nghĩ tiêu cực, từ đó những ác ý dần hình thành khiến ta bị mờ mắt, không nhìn nhận được điều tốt đẹp, tích cực ở người khác. Ác cảm khiến ta không suy sét được vấn đề một cách kĩ càng, không phận biệt rạch ròi đúng sai dẫn đến việc đưa ra những quyết định sai lầm. Hơn nữa, sự tức giận còn khiến ta khước từ việc nhận thức sai lầm của bản thân, luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh và cho rằng người khác chính là cội nguồn của những đau khổ mà bản thân đang phải chịu đựng. Thậm chí, khi cơn giận lên đỉnh điểm, ta sẵn sàng thốt ra những lời cay độc hay dùng nắm đấm làm tổn thương người khác để giải tỏa sự khó chịu trong lòng. Bức tường ngăn cách giữa người với người xuất hiện từ ấy. Nghiêm trọng hơn, khi không thể trút giận đúng đối tượng, con người ta chọn cách "giận cá chém thớt", làm tổn thương người vô tội để thỏa mãn mong muốn trả thù. Thử hỏi, cảnh đánh đập, hành hạ con cái tàn nhẫn từ đâu mà ra? Vì sao nạn bạo hành gia đình, bạo lực học đường lại trở thành thực trạng đánh báo động? Đó chẳng phải là do sự mất kiểm soát khi giận dự của con người gây nên hay sao? Sự việc đau lòng ở quận Từ Liên (Hà Nội) càng khiến tôi trăn trở về việc mất kiểm soát khi giận dữ của con người. Vì không đồng tình với cách đỗ xe của anh Nguyễn Vũ Thái, anh Đinh Văn Điềm đã bấm còi nhắc nhở. Sự việc chỉ có vậy mà sau vài lời đối thoại, anh Thái hùng hổ cầm mảnh bê tông đập vào anh Điềm khiến nạn nhân phải nhập viện. Đó chỉ là một trong vô vàn những sự nông nổi của lối hành xử thiếu kiềm chế. Thật đắng lòng biết bao khi con người sẵn sàng đánh mất đi sự bình yên trong tâm hồn chỉ vì sự nóng giận nhất thời. Thay vào đó, sao ta không tìm cách để kiểm soát cơn giận? Dẫu biết kiềm chế cảm xúc không phải là điều dễ dàng nhưng không gì là không thể nếu ta thay đổi. Giận dữ là khắc tinh của yêu thương. Vì thế, thay vì để dòng nham thạch của cơn giận sục sôi trong lòng, tôi chọn cách bình thản buông bỏ oán giận, ghen tị, đố kị để yêu thương mình, dang tay đón nhận người khác và ôm lấy cuộc đời.
     
    Last edited by a moderator: 7 Tháng hai 2022
  2. Ngoc Pig

    Bài viết:
    8
    Ngưỡng mộ lối viết văn sáng tạo và riêng biệt của chị
     
    chiqudoll, Tiên NhiLove cà phê sữa thích bài này.
  3. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều nhé
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...