Phân tích quá trình tha hóa và thức tỉnh của Chí Phèo? Hướng dẫn Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và yêu cầu của đề. Giải quyết vấn đề: 1. Khái quát một số chi tiết tiêu biểu của tác phẩm và tác giả. 2. Quá trình tha hóa. A. Trước khi đi tù. - Chí là đứa trẻ mồ côi, được người dân truyền tay nhau nuôi, lớn lên trở thành anh canh điền hiền như đất. - Ước mơ bình dị với một gia đình nhỏ. - Ý thức cao về nhân phẩm của mình. => Người nông dân lương thiện. B. Khi đi tù về. - Chí bị Bá Kiến ghen, phải đi tù. - Sau khi đi tù về, hắn bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính. - Hắn triền miên trong những cơn say. - Trở thành tay sai cho Bá Kiến. => Con quỷ của làng Vũ Đại. 3. Quá trình thức tỉnh. A. Cuộc gặp gỡ với Thị Nở - Lần đầu tiên hắn tỉnh rượu và nhận thức được hoàn cảnh và mọi vật xung quanh. - Lương tâm và lương tri trong hắn tỉnh dần. - Bát cháo hành đã đánh thức hắn và hắn khao khát được yêu thương, được hoàn lương. B. Khi bị Thị Nở từ chối. - Hắn bị cự tuyệt quyền làm người. - Thất vọng, phẫn hận tột cùng. - Giết kẻ thù, tự sát trên ngưỡng cửa của lương thiện. 4. Giá trị nội dung, nghệ thuật. A. Giá trị nội dung. - Khái quát xã hội bất công nhiễu nhưỡng đương thời. - Kết tội đanh thép những thế lực tàn bạo hủy diệt cả thể xác và tâm hồn con người. - Trân trọng, nâng niu những giá trị tốt đẹp của người nông dân. B. Giá trị nghệ thuật. - Nghệ thuật viết truyện ngắn bậc thầy: Xây dựng nhân vật, tình huống.. - Ngôn ngữ điêu luyện, giọng văn đanh thép, biến đổi linh hoạt. - Kết cấu truyện mới mẻ, hấp dẫn. Kết thúc vấn đề: Tóm tắt, nhận xét, đánh giá khách quan về nội dung của đề. Bài làm Nhà văn Nam Cao- một nhân tài của nền văn học Việt Nam- một cây bút vừa hiện thực, vừa nhân đạo đã không ít lần khẳng định: "Một tác phẩm thật sự có giá trị phải vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung của cả loài người. Nó phải chứa đựng cái gì lớn lao, vừa đau đớn, vừa hứng khởi, nó ca ngợi sự bác ái và công bình". Phải chăng quan điểm tiến bộ và sâu sắc ấy đã trở thành lưỡi gươm sắc bén, giúp Nam Cao viết lên những kiệt tác bất hủ nghìn đời. Quan điểm của Nam Cao còn được thể hiện rõ ràng và độc đáo hơn khi ông chắp bút viết lên câu chuyện về cuộc đời Chí Phèo, về quá trình tha hóa và thức tỉnh của một người nông dân lương thiện bị đày ải và bị tước đi quyền làm người. Giữa muôn vàn những câu chuyện cổ tích đời thường, "Chí Phèo" của Nam Cao vẫn còn sáng mãi những giá trị nghệ thuật sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của người văn nhân. Trải qua bao thăng trầm và biến động, lịch sử đã trở thành kho tài liệu và thi đề phong phú cho những người tao nhân, mặc khách. Với Nam Cao, ông đã sử dụng những "người thật việc thật" trong chính làng quê mình để hoàn thiện Chí Phèo vào năm 1941 mà nổi bật trong đó là hình ảnh con quỷ làng Vũ Đại - Chí Phèo. Cũng như bao nhân vật chính khác của Nam Cao, Chí Phèo xuất hiện với bộ dạng vừa quen thuộc lại lạ lùng. Cuộc đời của Chí Phèo là một chuỗi những bi kịch và bản thân Chí Phèo là hiện tượng có tính quy luật của một bộ phận nông dân bị xô đẩy vào con đường bị tha hóa, lưu manh hóa trong xã hội phong kiến thực dân đương thời. Xuất phát điểm, Chí Phèo là một người nông dân lương thiện. Chí là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi ở lò gạch cũ. Chí được bà con trong làng truyền tay nhau nuôi và tình thương của làng xóm đã dạy dỗ và giúp Chí trở thành một anh canh điền hiền lành như đất. Chí có cho mình những ước mơ bình dị với một gia đình nho nhỏ: "Chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng". Người nông dân xưa kia vẫn luôn trằn trọc với bao âu lo: "Thứ nhất con đói, thứ hai nợ đòi và thứ ba nhà dột" như dân gian đã nói nhưng Chí không lấy, không coi những thứ đó là gánh nặng mà biến chúng trở thành động lực, tự vẽ ra tương lai tươi sáng để khích lệ bản thân. Chí có ý thức rất cao về nhân phẩm và lòng tự trọng của mình. Bởi vậy nên khi đi ở cho nhà Bá Kiến bị bà Ba bắt bóp chân "bóp cao lên tí nữa" thì Chí thấy nhục hơn là thấy thích. Anh nông dân ấy nhận thức được bản thân sâu sắc và luôn có niềm tin, nổ lực để đạt được những ước mơ nhỏ bé của mình. Ấy thế mà, cuộc đời đâu bao giờ được như ý. "Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt". (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân). Chí bị Bá Kiến ghen, phải đi tù. Sau bảy, tám năm, Chí trở về và trở thành con quỷ đáng ghê sợ của làng Vũ Đại. Dưới sự tiếp tay của nhà tù thực dân, Chí bị tàn phá cả về nhân hình lẫn nhân tính. Từ một anh thanh niên hai mươi tuổi tràn trề sức sống, Chí giờ trông "đặc như thằng săng đá". Ngoại hình của Chí khiến không ai nhận ra nổi: "Cái đầu thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà cơng cơng, hai mắt gườm gườm, cái ngực phanh ra, đầy những nét chạm trổ rồng phượng". Ngoại hình khác lạ và hung bạo ấy khiến dân làng Vũ Đại và chính Nam Cao cũng phải thốt lên "trông gớm chết". Ngoại hình thay đổi đã báo hiệu một điều gì đã thay đổi trong nội tâm Chí và cả cuộc đời Chí sau này. Nhân hình thôi chưa đủ, Chí bị hủy diệt cả về nhân tính. Nếu như trong truyện Kiều, nghệ thuật đòn bẩy của Nguyễn Du đã đẩy vẻ đẹp của Thúy Kiều sánh ngang với trời đất thì trong "Chí Phèo", Nam Cao đã khiến cho sự hủy diệt trong Chí đã xấu lại càng xấu hơn. Chí như chìm sâu xuống vũng lầy và khoảng không ma quỷ không cách nào thoát ra được. Hắn triền miên trong những cơn say, cứ say là hắn chửi và tiếng chửi cứ thu hẹp dần như nhận thức và lương tâm của hắn vậy. Ban đầu, Chí Phèo chửi trời nhưng trời đâu có của riêng ai và mỗi khi buồn sầu tủi cực, người ta cũng đều chửi trời cho hả dạ. Kế đến, hắn lại chửi đời rồi chửi cả làng Vũ Đại. Đời là tất cả nhưng chẳng là ai nên đâu thể cãi tay đôi với hắn còn người dân trong làng, ai cũng tặc lưỡi. "Chắc hắn chừa mình ra" nên đâu có ai ra điều gì. Tức lắm rồi, hắn tiếp tục chửi, chửi "cha đứa nào không cãi nhau với hắn" rồi đến người thân sinh ra hắn, hắn cũng chửi. Thật đáng buồn làm sao! Mới ở tù về mà hắn đã ra ngồi uống rượu. Hành động uống rượu say đã đẩy hắn đi xa hơn người ta tưởng. Ban đầu, Chí làm trong vô thức, say để chửi Bá Kiến - người đã hại đời Chí, nhưng dần dần, Chí Phèo say để vòi vĩnh lợi ích cho mình. Chí tình nguyện biến mình trở thành tay sai đắc lực cho Bá Kiến, tình nguyện đâm thuê, chém mướn, đốt nhà hay thậm chí là rạch mặt ăn vạ. Chẳng biết từ lúc nào, Chí đã bán linh hồn mình cho ác quỷ. Từ việc bị đẩy nhưng rồi Chí Phèo lại tự mình trượt dài trên cái dốc của sự tha hóa và cũng từ ấy, chẳng ai coi Chí là người nữa. Chí trở thành Chí Phèo - một người thừa thãi, bỏ đi chẳng ai buồn nghe, buồn đáp lại. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Do bài có hơi dài nên mình sẽ chia đôi bài phân tích, mọi người có thể đọc tiếp tại: Phân Tích Quá Trình Tha Hóa Và Thức Tỉnh Của Chí Phèo? Xin lỗi vì sự bất tiện này!
Quá trình thức tỉnh của Chí Phèo? Cứ tưởng Chí Phèo sẽ mãi sống trong kiếp thú vật, rồi sẽ vùi xác ở một bờ bụi nào đó nhưng trái tim nhân đạo của Nam Cao đã vẽ ra một con đường nhỏ cho Chí. Ông đã soi rọi ánh sáng của tình yêu thương vào tận đáy tâm hồn đen tối của con quỷ dữ làng Vũ Đại. Trong một đêm trăng đẹp bên vườn chuối, hắn tình cờ gặp Thị Nở - người đàn bà dở hơi, xấu xí và quá lứa lỡ thì. Đêm hôm ấy, họ ăn nằm với nhau. Sự chung dụng tình cờ mang tính bản năng của người đàn ông trong cơn say ấy đã giúp Chí Phèo nhận ra những điều bấy lâu nay bị bóng đen vùi lấp. Chính tình yêu thương của Thị Nở đã tạo nên một sự chuyển biến lớn trong Chí: Lần đầu tiên hắn tỉnh rượu để rồi từ tỉnh rượu, hắn bắt đầu tỉnh ngộ. Lâu lắm rồi hắn mới nhận thấy không gian mà mình sống - một túp lều ẩm thấp lờ mờ như cuộc đời của hắn. Chí Phèo nghe thấy tiếng chim hót ríu rít, thấy tiếng nói của những người đi chợ, tiếng gõ mái chèo đuổi cá. Những âm thanh rất đỗi quen thuộc nhưng với Chí lại như mới nghe lần đầu. Vui vẻ nhưng cũng buồn lắm nên hắn mới thốt lên: "Chao ôi là buồn!" Cay đắng làm sao! Bao nhiêu điều nên biết, nên nghe từ lâu mà giờ hắn mới thấy! Và vì nghe được những âm thanh của cuốc sống gói trong những sự vật ấy, hắn mới dần tỉnh ngộ. Hắn nhớ về quá khứ với những ước mơ nho nhỏ mà lòng nao nao buồn. Rồi nghĩ về hiện tại, hắn thấy mình thật cô độc trong chính ngôi làng của mình. Hắn nghĩ rằng có lẽ "hắn đã tới cái dốc bên kia cuộc đời" và trận ốm này phải chăng là điềm báo cho sự suy kiệt của cơ thể hắn. Chí Phèo rùng mình và lo sợ khi nghĩ đến tương lai đen tối trước mắt: Đói rét, ốm đau và cô độc. Những cảm xúc rất "người" đó đã đánh dấu sự trở lại của lí trí, Chí đang thức tỉnh và dần hồi sinh. Khi nhận được bát cháo hành của Thị Nở, Chí đã có lại được cái lương tâm, lương tri của một con người. Chí Phèo đang suy nghĩ vẩn vơ đến sắp khóc thì thấy Thị Nở bước vào: "Thị cắp theo một cái rổ, trong có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên". Chí rất ngạc nhiên rồi đến xúc động mà thấy mắt "hình như ươn ướt". Bởi vì đó là lần đầu tiên sau rất nhiều năm Chí được ai đó cho một thứ gì. Hắn nhìn bát cháo mà bâng khuâng, vừa vui vừa buồn. Hắn húp xong một bát, Thị Nở còn săn sóc múc thêm bát nữa khiến Chí bất ngờ muốn làm nũng với Thị như với mẹ của mình. Hắn thấy mình đã có một thứ gì thay đổi và hắn hốt hoảng: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn". Chí Phèo tìm ra được con đường trở về với xã hội, để được "nhận vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện" và hắn nhìn Thị ngỏ ý: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui" lời ngỏ tình tứ, nhẹ nhàng như dân ca ta vẫn bảo "Hôm qua tát nước đầu đình Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà? Áo anh sứt chỉ đường tà Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu Áo anh sứt chỉ đã lâu Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng" Tuy không sến súa, văn thơ nhưng lời ngỏ của Chí chứa đựng tất cả hy vọng, khát khao được hoàn lương và cả tình yêu mới chớm nở của Chí dành cho Thị. Tình yêu ấy khiến hắn trông Thị "thế mà có duyên" rồi khi Thị "lườm yêu" hắn, hắn thích chí, khanh khách cười: "Hắn thấy lòng rất vui". Hình ảnh của Chí Phèo và Thị Nở khiến ta liên tưởng tới Tràng trong tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, từ một anh phu xe cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt nhưng từ khi có vợ lại biết quan tâm tới gia đình, có ý thức trách nhiệm và khao khát đổi đời mãnh liệt. Tình yêu là vậy đấy! Trong tăm tối khôn cùng, khát vọng được yêu thương giống như một bản năng bất diệt vẫn cháy sáng. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng ta đã nhận ra tính nhân đạo sâu sắc và mới mẻ mà Nam Cao dành tặng thậm chí thiên vị cho Chí Phèo. Khi đọc Chí Phèo của Nam Cao, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận thấy một điều thật sâu sắc: Chí Phèo là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người nông dân cày ở một nước thuộc địa, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân hình đến nhân tính. Chị Dậu bán con, bán chó, bán sữa nhưng chị vẫn còn được là con người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn mình, tự biến mình thành con "quỷ dữ". Trong muôn vàn nỗi tủi nhục mà Chí Phèo đã nếm trải, nổi đau khổ lớn nhất có lẽ chính là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người thật xót xa, nhức nhối cứ mãi hoài cắn xé trên từng câu chữ của Nam Cao. Chí Phèo sống trong hạnh phúc của tình yêu được trọn vẹn năm ngày. Khi Thị Nở nhớ ra, đi hỏi ý và nhận được lời mắng nhiếc của bà cô Thị. Thị đã vô cùng bực bội, đã trút hết cơn giận ấy lên đầu Chí Phèo trong sự ngơ ngác và ngỡ ngàng của hắn. Có thể nói, nhân vật bà cô là một nhân vật ta đã bắt gặp không ít lần trong cả cuộc sống và văn chương. Ngay trong tác phẩm "Những ngày thơ ấu", bà cô của chú bé Hồng cũng tựa như một bàn tay vô hình, đại diện cho những lề thói, những hủ tục bất công của xã hội không ngừng reo rắc những suy nghĩ sai trái, lệch lạc lên Hồng. Nhưng không như chú bé Hồng vẫn dành tình thương cho mẹ, Thị Nở đã nghe lời mà từ chối Chí Phèo theo lời Bà Cô. Ganh tị và cổ hủ, bà cô đã trực tiếp chia lìa đôi chim uyên, khiến Chí Phèo mất đi nơi tưởng chừng như đã sắp là nhà. Người như hắn, như Thị không đáng được hưởng tình yêu ư? Sao cái xã hội ấy lại bất công thế? Một tròng chưa đủ, nó lại muốn những người nông dân chất phác tự tay đeo lên trăm ngàn gông xiềng lớn nhỏ đến khi đủ sức để kéo họ xuống vũng bùn lầy mới thôi. Nó đã trực tiếp phá đi cái ảo tưởng về một gia đình của Chí và càng quá đáng hơn, nó lấy đi chút nhân văn ít ỏi mà Chí nhận được trong cuộc đời mình. Quay lại với Chí Phèo, sau khi nghe những lời của bà cô từ Thị, hắn ngẩn người ra thật lâu, không nói gì. Cái sự im lặng ấy tựa như một người ngoài cuộc, đang đánh giá cuộc đời của thằng "không cha" và "làm nghề rạch mặt ăn vạ" trong lời Thị nói. Mãi cho đến khi Thị định ra về, hắn mới sửng sốt, đứng lên níu Thị lại nhưng lại bị Thị gạt ra và giúi hắn lăn khoèo xuống sân. Chí Phèo tức lắm! Hắn toan ăn vạ, nhưng hình như chưa say hẳn nên hắn nghĩ lại. Rồi hắn quyết tâm uống rượu. Nhưng lạ thay, càng uống lại càng tỉnh như bao người thường nói: "Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm" Càng tỉnh, hắn lại càng đau. Hắn thoang thoảng thấy hơi cháo hành và ôm mặt khóc rưng rức. Vậy nên mới nói, tình là sợi tơ, mỏng manh dễ đứt, tình là duyên nợ, không nợ sao có duyên. Tình có thể cứu vớt con người khỏi chốn lầm than, cùng cực nhưng cũng có thể đẩy con người vào bước đường không lối thoát. Và cái mùi cháo hành Chí Phèo ngửi thấy ấy đâu chỉ là tình yêu, tình thương, là sự chăm sóc ân cần của Thị Nở mà còn có tác dụng cảm hóa, thức tỉnh phần người, phần nhân tính bị vùi lấp bao lâu nay của Chí. Hơi cháo hành xuất hiện lần cuối để giữ Chí lại bên bờ thanh tỉnh, để hắn tự ngẫm bi kịch cuộc đời mình. Tất cả hy vọng của Chí Phèo đã tan theo hương khói mong manh, hư ảo, hắn không thể sống như trước nữa. Hắn khóc rưng rức trong tuyệt vọng khi cánh cửa vừa mở ra đã vội vàng đóng lại ngay trước mặt. Hắn khóc cho mối tình không trọn vẹn của mình và cả một cuộc sống tối tăm dư thừa của hắn nữa. Và hắn phẫn uất, hắn lại càng uống, uống đến khi say mềm người ra. Con người đong đầy phẫn uất ấy ra đi, với một con dao ở thắt lưng. Hắn tự nhủ sẽ đến nhà Thị để "đâm chết con khom già" đã ngăn cấm tình yêu của hắn nhưng cơ thể lại cứ lê bước tới nhà Bá Kiến. Lần này hắn đến không phải đòi tiền, mà để đòi lương thiện. Và khi hắn tuyệt vọng nhận ra chẳng ai có thể cứu rỗi hắn nữa. Hắn đã đau đớn, chất vấn Bá Kiến - kẻ chủ mưu gây nên những bi kịch cuộc đời hắn: "Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?" Hắn chưa bao giờ quên đi kẻ thù lớn nhất của cuộc đời mình. "Bát cháo hành" của Thị đã chẳng thể giữ tay hắn lại; hắn đã chém chết Bá Kiến và kêu làng thật to. Chí Phèo tự tay giết chết kẻ thù, báo thù cho bản thân và cũng là trừ hại cho dân làng. Hành động giết Bá Kiến không chỉ thể hiện sự phẫn uất và tuyệt vọng mà còn là một món quà tạ lỗi mà hắn muộn màng gửi đến cho người dân làng Vũ Đại. Hắn kêu to lên mong dân làng sẽ có một người hồi đáp nhưng hắn như một chú bé chăn cừu không ai tin, không ai ngó, hắn tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết đã đến và giải thoát cho hắn, đau đớn và dằn vặt như cái chết của Lão Hạc đầy lòng tự trọng. Hắn ú ớ muốn nói cái gì đó nhưng thời gian đâu có đợi ai và hắn chẳng thể thốt lên lời. Phải chăng đó là một lời xin lỗi, một lời ước nguyện hay chúc phúc chân thành mà Chí dành cho những người ở lại. Hắn đã chết! Chết trên ngưỡng cửa trở về với xã hội loài người! Chí Phèo chết đi, mang theo sự thanh thản, nhẹ nhõm đôi phần nhưng để lại cả một bài học nhân đạo lớn. Chí là nhân vật điển hình, đại diện cho một bộ phận nông dân bị đẩy vào bần cùng, lưu manh hóa và cũng là đại diện cho cái vòng luẩn quẩn không hồi kết của xã hội phong kiến. Chí phèo chết, một Chí Phèo con sẽ ra đời và Bá Kiến chết, Lí cường sẽ lên thay, chỉ khi nào không còn người thống trị, những người nông dân như Chí mới hoàn toàn được giải phóng. Có thể thấy, truyện ngắn Chí Phèo thể hiện toàn diện và khách quanh nhất tài năng viết truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao. Không chỉ thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, Nam Cao còn đưa người đọc đến với những tràng "cười ra nước mắt" mà ta sẽ không bao giờ quên. Qua "Chí Phèo", ta còn thấy được những niềm thương cảm xót xa của nhà văn dành cho những người nông dân khốn khổ đồng thời không ngừng lên án một cách mạnh mẽ những thế lực đã đày đọa, chà đạp lên quyền sống của con người. Gấp lại "Chí Phèo", ta được diện kiến và trực tiếp đánh giá ngòi bút tinh tế sắc xảo của Nam Cao. Thông qua quá trình tha hóa và hồi sinh của Chí, nhà văn đã mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Bên cạnh đó còn lên án, tố cáo những tội ác phong kiến và đồng cảm với những con người khốn khổ bị đày đọa và bế tắc. Chính những cái nhỏ nhoi bình dị được Nam Cao xoáy sâu ấy đã góp phần tạo nên tầm vóc kinh điển cho kiệt tác Chí Phèo. Đôi lời tới bạn: Chí Phèo là một trong những tác phẩm hay nhất trong nền văn học Việt Nam mà các bạn chắc chắn không thể bỏ qua. Qua Chí Phèo, chúng ta được gửi gắm rất nhiều bài học ý nghĩa và chính Chí Phèo cũng đã và đang lớn dần lên, trở thành một "Truyện Kiều nhỏ" để ai ai cũng biết đến Chí Phèo. Cứ nhắc tới Chí Phèo, người dân Việt Nam ta dành cho hắn những tình cảm khó nói nhất, yêu thương có, trân trọng có, kinh ghét có, và thậm chí ghê sợ cũng có. Nhưng với tôi và rất nhiều bạn đọc khác, Chí là một tấm gương sống, phản ánh đúng và chân thực cuộc sống cũng như xã hội tàn khốc vốn có mà ta sẽ khó bắt gặp lại trong những tác phẩm khác. Trong Chí Phèo, vẫn còn rất nhiều tranh cãi, bởi: Một đoạn trong "Làng Vũ Đại ngày ấy" Bài hát "Chí Phèo" - Bùi Công Nam: