Nam Cao đã từng khẳng định "Còn gì đẹp hơn một tác phẩm ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình.. Nó làm cho người gần người hơn" và chính Nam Cao cũng là người cho tôi thấy rõ những gì đẹp đẽ nhất ấy. Nếu như Chí Phèo tha hóa khiến cho muôn người chửi rủa thì này ta lại thấy ngàn lời thương xót mà mọi người dành cho con quỷ đã lấy lại được lương tri. Hãy cùng mình đi tìm hiểu quá trình trở về của "con quỷ làng Vũ Đại" này nhé! Đề bài: Phân tích quá trình thức tỉnh của Phí Phèo? Bài làm Nhà văn Ai-ma-tốp từng khẳng định: "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp". Nam Cao là một nhà văn như vậy, trên mảnh đất hiện thực màu mỡ nhưng đã có rất nhiều cây bút tài năng "cày xới", khám phá thì ông vẫn khẳng định được vị thế và vai trò của mình. Truyện của Nam Cao không chỉ phản ánh hiện thực của cuộc sống mà còn khơi dậy những tình cảm tốt đẹp, đánh động đến tình thương và ý thức đấu tranh, bảo vệ những điều tốt đẹp. Tiêu biểu nhất cho tài năng và tấm lòng của Nam Cao có thể kể đến Chí Phèo. Trong truyện, Nam Cao không chỉ tập trung tái hiện bi kịch của Chí Phèo mà còn xây dựng thành công những hình ảnh đặc sắc mang ý nghĩa biểu tượng cho bi kịch ấy bằng tài năng nghệ thuật bậc thầy của mình, đặc biệt nhất phải kể đến là khi ánh sáng trở lại với Chí Phèo. Gương mặt quỷ dữ, hành động tác quái theo kiểu quỷ dữ của Chí đã khiến con đường trở về của Chí bị cụt lối. Cánh cửa của xã hội thiện lương đã đóng sầm trước mặt khi hắn hồi hướng, cánh cửa ấy được chèn cài kỹ lưỡng, im ỉm như một khối băng. Và Chí. Chí hiện lên như một bóng hình hắc ám đi bên lề cuộc sống của làng Vũ Đại. Thế nhưng, phía cuối con đường ấy vẫn còn chút ánh sáng để Chí được hi vọng. Trong làng Vũ Đại ấy vẫn còn một con người nhìn đến và quan tâm đến Chí - Thị Nở. Người phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với các nhà văn, nhà thơ của nền văn học Việt Nam, cũng như của thế giới. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, hiếm có hình tượng người phụ nữ nào lại độc đáo như nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Nếu như Chí Phèo hiện lên với những tính cách, bộ dạng của một con quỷ dữ trong một cuộc sống đầy mâu thuẫn và cùng cực thì Thị Nở lại hiện lên với bộ dạng xấu xí chưa từng thấy trong lịch sử văn học. Hai con người bị xã hội ruồng rẫy được đặt cạnh nhau, thật xứng đôi để tạo nên câu chuyện với biết bao giá trị nhân văn cao đẹp. Có ai ngờ đâu một nhân vật như Thị lại có thể đem đến và kéo Chí Phèo từ trong bóng tối trở về với xã hội loài người. Hai con người ấy - họ gặp nhau một cách tình cờ khi Chí Phèo lảo đảo ra về từ nhà Tư Lãng, hắn muốn ra sông tắm cho mát thì gặp Thị Nở đã ngủ quên. Hai người đã ăn nằm với nhau rồi cùng ngủ say dưới ánh trăng. Một cuộc gặp gỡ tình cờ nhưng cũng đầy thi vị đã khiến cho cuộc đời Chí bước sang một trang mới: Lần đầu tiên hắn đã tỉnh rượu. Trớ trêu thay nhưng đã lâu lắm rồi hắn mới cảm nhận được không gian mình sống rõ ràng đến thế. Sau bao ngày không phân biệt được ngày hay đêm, thật hay ảo, Chí Phèo cuối cùng cũng có thể khẳng định chắc chắn "trời sáng đã lâu". Thật vui mừng biết bao nhiêu khi hắn đoán chắc "mặt trời đã lên cao và nắng bên ngoài chắc đã rực rỡ", tất cả những điều đó đều được hắn đoán bởi có "tiếng chim ríu rít bên ngoài". Tuy nhiên, trong căn lều ẩm thấp của hắn lại chỉ mới hơi lờ mờ và cảm nhận "thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng" khiến cho Chí Phèo nao nao buồn. Hắn bâng khuâng khi tỉnh dậy sau một cơn sau dài thật dài và hắn đủ tỉnh táo để nghĩ về mọi điều oái oăm, trái khoáy mà bản thân mình phải chịu. Hắn lắng nghe những âm thanh của cuộc sống bận rộn thường nhật ngoài kia: Nghe tiếng chim hót sao mà vui vẻ quá! Nghe tiếng người đi chợ, tiếng anh thuyền chài khua mái chèo đuổi cá. Những âm thanh quen thuộc khiến cho hắn thật buồn. Buồn vì bây giờ hắn mới nghe rõ, nghe thấy, và còn buồn vì những âm thanh ấy gợi lại cho hắn nhớ về quá khứ với một cái gì đó rất xa xôi. Hắn nhớ về tuổi trẻ của mình với những ước mơ bình dị là: "Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Đó là những ước mong đời thường giản dị nhưng với Chí Phèo lại tựa như "hoa trong gương, trăng trong nước". Ước mơ cứ mờ mờ, ảo ảo khiến Chí cuồng quay mà chẳng thể theo đuổi còn nói gì đến nắm bắt. Rồi khi trở về với thực tại, khi đã "tỉnh dậy", hắn mới thấy sao mình cô độc. Không tin và không chấp nhận, hắn tự hỏi mình và hỏi cả ông trời: "Có lý nào như thế được? Hắn đã già rồi hay sao?". Rượu vào khiến hắn u mê không tỉnh dậy nổi. Hắn quên đi khái niệm về thời gian để rồi giờ đây hắn bẽ bàng nhận ra: "Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời". Cuộc đời con người được ví như băng qua một ngọn núi mà với Chí Phèo, khi mới leo được một nửa, hắn đã bị những bàn tay vô hình gô cổ lôi sang cái sườn núi sa đọa bên kia. Thật đáng buồn thay và hắn đã nhận ra những dấu hiệu về sự sa sút của bản thân. Để rồi chính hắn tự vẽ lên một tương lai u tối trước mắt: Tuổi già của hắn sẽ chỉ có đói rét, ốm đau và cả cô độc. Hắn lo sợ rồi đến hãi hùng. Những cảm xúc rất "người" đó đã đánh dấu sự trở lại của lí trí trong Chí Phèo. Chí đang dần thức tỉnh và hồi sinh. Lại nói về Thị Nở, người con gái "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" ấy đã thương xót cho Chí. Thị Nở nấu và mang cho Chí một bát cháo hành. Đẹp đẽ làm sao! Ấm áp làm sao cái bát cháo ấy. Dù cho nó không ngon, dù có tồi tệ đến đâu, bát cháo ấy cũng đã cứu rỗi Chí. Ngay khi Chí suy nghĩ rồi sợ hãi vẩn vơ đến chực khóc, Thị Nở đã bước vào. Dưới con mắt ngạc nhiên của Chí, Thị múc cho Chí một bát cháo nóng và hắn thấy mình "như ươn ướt". Bởi đã lâu lắm rồi, cũng là lần đầu tiên hắn được người ta cho một thứ gì, nhất là đó lại là một người con gái. Hắn nhìn bát cháo trên tay mà bâng khuâng, vừa vui, vừa buồn. Chí thấy sao cuộc đời mình đáng thương đến thế, cô đơn đến thế và còn một chút vui sướng như của một đứa trẻ lần đầu được cho kẹo. Người dân làng Vũ Đại ấy đã không cho hắn quyền được sống như một con người và giờ đây, người con gái cũng bị hắt hủi như Chí lại đã và đang đem đến nguồn sáng hy vọng len lỏi dần trong Chí. Rồi khi Chí Phèo đã ăn xong một bát, Thị Nở lại săn sóc múc thêm một bát nữa và giục Chí ăn mau cho nóng. Hắn đã trân trọng Thị, hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ của mình. Hành động "làm nũng" là hành động bản năng của một đứa trẻ. Còn Chí, Chí đã bốn mươi tuổi rồi. Nhưng Chí đâu có được làm nũng, mà có ai cho Chí làm nũng đâu. Chí đã coi Thị Nở như mẹ - một người đáng tin, đáng quý và hết mực trân trọng. Hắn muốn được nũng nịu, vuốt ve trong vòng tay ấm áp của Thị và hắn nhận ra mình đã có một thứ gì đó đổi thay một cách mãnh liệt. Và hắn hoảng hốt: "Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn!". Gặp được Thị Nở, Chí đã tìm ra được con đường trở về với xã hội của mình. Hắn sẽ được mọi người tha thứ và đón nhận trở về với xã hội bằng phẳng và lương thiện của loài người. Cùng với khao khát được bước vào vòng tròn lương thiện, Chí còn có khát khao có được một gia đình hoàn thiện. Hắn nhìn Thị Nở và ngỏ ý: "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui". Không hay cũng chẳng ngọt ngào như những lời tỏ tình lãng mạn như: "Cao hơn những đồi núi, sáng hơn cả mặt trăng, ấm hơn cả mặt trời, đến tận cùng vũ trụ là tình yêu anh dành cho em" hay: "lênh đênh bảy nổi ba chìm Thiếp chàng một dạ tấc phim cuộc đời Trải qua sóng gió đầy vơi Song hành vững bước cho đời đắm say!" Lời tỏ tình của Chí có vẻ bộc phát và vội vàng hơn. Lời ngỏ ấy chứa đựng tất cả hi vọng, khát khao được hoàn lương và cả tình yêu mới chớm nở giữa "đôi lứa xứng đôi" ấy. Tình yêu ấy khiến hắn trông Thị "thế mà có duyên", rồi khi Thị "lườm yêu hắn, hắn thích Chí và khanh khách cười:" Hắn thấy lòng rất vui! "Người ta thường nói:" Tình nhân trong mắt hóa tây thi "nhưng để thấy Thị có" duyên "thì con mắt của Chí chắc cũng phải khác đời lắm. Hay phải chăng do Chí đã quá khao khát tình yêu, tình thương nên chỉ một chút ấm áp cũng làm Chí nhớ mong suốt đời. Hình ảnh của Chí khiến ta nhớ tới Tràng trong tác phẩm" Vợ nhặt "của nhà văn Kim Lân, từ một anh phu xe cục mịch không biết lo nghĩ nhưng từ khi vô tình có được vợ lại biết quan tâm, có trách nhiệm và khao khát đổi đời. Tình yêu là vậy đấy! Nó có sức cảm hóa con người mãnh liệt, đẩy những khao khát nguyên thủy của con người lên đến tận cùng và vỡ kén thoát ra, cháy sáng và bất diệt. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng những tư tưởng sâu sắc và mãnh liệt của Nam Cao đã được bộc lộ sâu sắc. Đó là sự trân trọng mà thậm chí là thiên vị mà Nam Cao dành cho Chí Phèo: Thị Nở đã mở ra trong Chí bao khát khao và hy vọng. Hắn thèm muốn được lương thiện, được yêu thương và hơn hết, hắn muốn được sống, sống cuộc sống như một con người. Thế nhưng, hạnh phúc với Chí chỉ như một vầng lưu tinh vụt sáng rồi đi khuất, Thị Nở cũng đã cự tuyệt thỉnh cầu của hắn và rồi hắn chết. Chết trên ngưỡng cửa trở về với cái thiện! Xây dựng lên những nhân vật tiêu biểu, nhà văn đã dùng những ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ được quần chúng nhân dân sử dụng hằng ngày, rất phong phú, sinh động, giàu hình ảnh. Có thể nói hơn bất kì một nhà văn nào khác cùng thời, ngôn ngữ Nam Cao cho đến bây giờ vẫn tỏ ra không cũ với thời gian, cả về mặt từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp. Đọc Chí Phèo, người đọc sẽ ám ảnh mãi không thôi, cũng như đọng lại sâu sắc niềm thương cảm với thân phận của những con người sinh ra nhầm thời, vì hoàn cảnh mà phải lâm vào bước đường cùng, trượt dài trong hố sâu của tội lỗi. Một Chí Phèo tha hóa, một Chí Phèo thức tỉnh đều khiến cho biết bao độc giả phải cuồng hoan trong bữa tiệc văn học không hồi kết và tin chắc rằng, với một Chí Phèo biết quay đầu, người đọc sẽ muôn đời trân trọng và nâng niu. Tham khảo các bài cùng chuyên đề: Phân Tích Quá Trình Tha Hóa Và Ý Nghĩa Tiếng Chửi Của Chí Phèo Phân Tích Nhân Vật Chí Phèo Trước Khi Đi Tù Phân Tích Quá Trình Tha Hóa Và Thức Tỉnh Của Chí Phèo? Cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho bài viết. Hãy để lại bình luận để chúng ta được cùng bàn luận về chủ đề này nhé! Chúc các bạn một ngày tốt lành!
Em nên khái quát thêm một chút nữa về tấm lòng nhân đạo của nhà văn Nam Cao khi miêu tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, bài viết sẽ trọn vẹn hơn. Ví dụ: Miêu tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, Nam Cao đã soi vào tác phẩm một ánh sáng nhân đạo đẹp đẽ. Nhà văn như muốn hòa vào nhân vật để cảm thông, chia sẻ những giây phút hạnh phúc hiếm hoi trong đời Chí. Tấm lòng Nam Cao không chỉ có xót thương, ông còn đột phá vào thế giới bên trong nhân vật Chí Phèo, nỗ lực phát hiện phần nhân phẩm bấy lâu đã bị tê liệt trong hình hài con quỷ dữ Chí Phèo. Khẳng định sự trở về của tính người, của lòng thiện lương trong Chí, nhà văn tràn đầy niềm tin vào sự bền vững của nhân phẩm ở người lao động. Đó chính là chiều sâu nhân đạo cũng như bản lĩnh nghệ thuật của ngòi bút Nam Cao.