Chào mọi người và chúc một ngày tốt lành! Lại tiếp tục với chủ đề Chí Phèo không bao giờ nguội, hãy cùng mình đào sâu và giải đáp đề bài sau để có cái nhìn toàn diện hơn về nhân vật Chí Phèo điển hình của Nam Cao nhé! Đề bài: Phân tích quá trình tha hóa và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo? Bài làm Vạch khổ cho người nông dân bị áp bức bóc lột, Nam Cao không đi vào nạn sưu cao, thuế nặng, quan tham, nạn tô tức.. mà ở Chí Phèo và nhiều tác phẩm khác, nhà văn lại khơi sâu những nguồn mới mẻ: Người nông dận bị xã hội tàn phá cả tâm hồn, hủy diệt cả nhân tính rồi từ đó bị phủ nhận giá trị, tư cách làm người. Hơn hết, nỗi thống khổ ghê gớm của Chí Phèo không phải ở chỗ tất cả cuộc đời của người nông dân bần cùng này chỉ là một số không tròn trĩnh, mà chính là ở chỗ hắn đã bị xã hội gạch tên, cướp đi linh hồn để rồi tự trượt dài trên con đường tha hóa. Những điều đó đều được ngọn bút sắc sảo, lạnh lùng của Nam Cao tái hiện trong phần đầu tác phẩm. Khác với các truyện ngắn cùng đề tài của tác giả, Chí Phèo có phạm vi hiện thực được phản ánh trải ra cả bề rộng không gian (một làng quê) và cả bề dài thời gian. Có thể nói, làng Vũ Đại trong truyện chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam đương thời. Trên bối cảnh chung của văn học hiện thực thời kì 1940- 1945, Chí Phèo là một hiện tượng đột xuất. Giống như "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố, "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan.. thời Mặt trận dân chủ, Chí Phèo cũng là "bức tranh xã hội rộng lớn", không chỉ thể hiện những xung đột giai cấp quyết liệt mà còn thể hiện những giá trị lớn lao hơn thế. Nam Cao đã để nhân vật của mình khật khưỡng bước ra với dáng hình của một loài quỷ dữ không tên. Sau bảy - tám năm đi tù trở về làng, bộ dạng của Chí không ai có thể nhận ra. Cái đầu thì trọc lốc, cái răng thì cạo trắng hớn, mặt đen và cơng cơn, cái mắt thì gườm gườm, quần nái đen và áo tây vàng, ngực và tay trạm trổ. Tác giả sử dụng nhiều tính từ cho thấy sự bặm trợn, nhâng nháo. Ngoại hình của Chí bị bóp méo biến dạng, không còn là ngoại hình của người nông dân hiền lành, chất phác. Nhà tù đã nhào nặn và biến đổi Chí từ một người nông dân hiền lành trở thành một kẻ lưu manh. Sau khi đi tù ngày hôm trước thì ngày hôm sau người ta đã thấy hắn ngồi ở chỗ uống rượu. Trong cơn say khướt, hắn xách vỏ chai đến nhà Bá Kiến và cứ gọi tên tục mà chửi. Đây là hành động của một kẻ lưu manh. Hành động này xuất phát từ sự nung nấu một mối thù được nuôi dưỡng từ rất lâu cho nên khi vừa rời khỏi nhà tù, Chí đã sôi sục ý muốn trả thù. Bản chất thì Chí vốn là người nông dân hiền lành ngây thơ, vì thế trong lần đối đầu với Bá Kiến, Chí đã bị hạ ván. Chỉ cần nhìn thoáng qua là cụ đã đoán được tình hình. Cụ quát mấy bà vợ rồi quay sang chấn áp đám đông: "Cả các ông các bà nữa! Về hết đi chứ!" Cụ bá hiểu rằng, sức mạnh của Chí Phèo là rượu và đám đông. Thế nên cụ đã từng bước chặt đứt từng sức mạnh. Sau đó, cụ quay sang, dịu giọng với Chí: "Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi?" Và còn sai Lí Cường đun nước, pha trà, làm cơm để tiếp đãi Chí. Sau đó, Bá Kiến còn cho Chí Phèo vài đồng bạc để về uống rượu. Chỉ bằng vài lời vuốt ve và một vài đồng bạc thì Chí đã lóa mắt và tự đắc rằng Bá Kiến cũng phải sợ mình. Thế nhưng Chí đâu biết rằng, từ vị trí một người đi hỏi tội kẻ thù nhưng thoắt cái, ván bài đã lật ngược. Kẻ có tội thì ung dung như người ra ơn còn kẻ đi hỏi tội thì trở thành tay sai, thành kẻ phục dịch cho kẻ thù mà không hay biết. Thế nhưng một thời gian sau, Chí Phèo lại đến nhà Bá Kiến. Chí Phèo không có nhà để ở, không có cơm để ăn, không có việc để làm, vậy nên Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với mục đích đòi đất, đòi nhà, đòi tiền. Hành động, ngôn ngữ cũng trong dạng điệu say ngật ngưỡng, Chí đến nhà Bá để xin đi tù. Thật ngược đời và vô lý nhưng nó phản ánh đúng thực trạng của Chí. Chí Phèo không có nhà, không cơm, không áo mặc. Cảnh ngộ ấy đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của xã hội lúc bấy giờ. Đó là những con người trót sa chân, lầm đường, lạc lối vào vũng bùn tội lỗi thì không thể nào rút chân ra được. Hay nói đúng hơn, cái xã hội lúc bấy giờ tiếp tục đẩy con người ta vào đường cùng. Chúng ta hãy nghe cách Chí Phèo nói: "Bẩm cụ, quả ở tù sướng quá đi. Ở tù còn được ăn cơm, bây giờ về làng về nước, một thước đất cắm dùi không có". Nhà tù thông thường được mở ra để cải tạo, giáo dưỡng cho những kẻ lầm đường lạc lối nhưng nhà tù này lại làm điều ngược lại, biến người lương thiện trở thành kẻ lưu manh khốn nạn. Với cụ Bá khôn róc đời, cũng như những lần trước, Chí Phèo lại thất bại, Chí bị gạt mà không hề nhận ra. Bá Kiến nói: "Đội Tảo còn đang nợ tôi 50 đồng, anh đến đòi đi." May cho Chí hôm ấy Đội Tảo ốm liệt giường liệt chiếu nên Chí lấy được 50 đồng dễ dàng. Nhưng vấn đề là Chí tưởng mình là anh hùng. Nhưng thực chất, Chí đã rơi vào âm mưu thâm độc của Bá Kiến, "lấy độc trị độc", "dùng nhưng thằng đầu bò để trị những thằng đầu bò". Cả Chí Phèo và Đội Tảo đều là kẻ thù của Bá Kiến nên nếu có xảy ra xô xát, ai được, ai mất đều có lợi cho Bá Kiến cả. Vậy là lần thứ hai Chí Phèo đến nhà Bá Kiến với mục đích đòi đất, đòi nhà, đòi tiền nhưng không biết rằng kể từ đây Chí Phèo đã trở thành công cụ đắc lực trong tay Bá Kiến để trừng trị, trấn áp những kẻ dám bạc ngược với Bá Kiến. Hơn hết, Chí Phèo cứ triền miên trong những cơn say, cứ say là hắn chửi và trở thành con quỷ của làng Vũ Đại. Qua tiếng chửi, Nam Cao đã đặt ra một nghịch lý trong mắt người đọc: Chí Phèo say hay tỉnh? Rõ ràng ông đã khẳng định: "Cứ rượu say là hắn chửi" nhưng nếu đó là tiếng chửi của một người say và mất hết ý thức, tại sao lại có thể rành rọt đến thế? Tại sao hắn vẫn nhận ra "thân hắn khổ đến nông nỗi này?" Say mà tỉnh, tỉnh mà say, cái sự tỉnh táo trong vô thức ấy đánh sâu vào tiềm thức của người đọc theo cấp số nhân, hằn in trong tâm trí người đọc một vết sâu lún mãi. Trong Chí Phèo, Nam Cao đã viết: "Năm hai mươi tuổi hắn đến ở cho Lí Kiến" rồi được một thời gian "Chí bị người ta cho đi tù" hắn đi biền biệt đến bảy, tám năm sau mới về "," về hôm trước, hôm sau hắn đã ngồi uống rượu thịt cho say khướt "rồi" xách vỏ chai đến nhà Bá Kiến gọi tên tục ra mà chửi. Đó là đỉnh điểm của bực tức. "Thật là ầm ĩ". Chí Phèo đã chửi ra trò. Và chắc là phải kèm theo "cả những lời thô tục" v ì Nam Cao đã viết rất rõ: "Mà chửi mới sướng miệng làm sao! Mới ngoa ngoắt làm sao!" Chửi đến mức mà dân làng: "Họ bảo nhau: Phen này cha con thằng Bá Kiến còn dám vác mặt đi đâu nữa! Mả tổ mả tiên lộn lên hết mất rồi!" Thì chắc hắn phải dùng những ngôn từ cay độc lắm. Bằng giọng văn lạnh lùng, sắc lạnh, Nam Cao vừa gợi ra được mối quan hệ giữa Chí Phèo với làng Vũ Đại, vừa gợi ra được số phận, bi kịch của nhân vật trung tâm. Trong những tiếng chửi hẹp dần cả về chiều rộng và chiều sâu ấy, Nam Cao đã tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc, thể hiện một trình độ nghệ thuật bậc thầy. Trước hết, Chí Phèo chửi đời và chửi trời. Khi buồn, khi giận, người ta vẫn thường hay chửi. Ngay cả trong ngữ cảnh rộng lớn của xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám thì phản ứng để trút bỏ bực tức của con người trước những áp bức, bất công là một điều không thể tránh khỏi. Đời là tất cả nhưng lại chẳng là ai nên người ta cứ để mặc cho Chí Phèo chửi. Ai oán làm sao, hắn liền chửi cả cái làng Vũ Đại. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, kị nhất là chửi và bị chửi. Bởi ông cha ta thường hay dạy: "Một điều nhịn, Chín điều lành", "dĩ hòa vi quý". Cho nên tiếng chửi là một sự xúc phạm ghê gớm và tối kỵ. Chửi mà không có người ra lời hồi đáp thì không thành chửi nhau. "Bởi người ta không thể chửi nhau một mình" và sự hiện diện của Chí, chưa bao giờ thiếu đi tiếng chửi, nhưng lại chưa từng "trực tiếp" chửi nhau bao giờ. Và dường như, Chí chửi chỉ để giải tỏa cái tâm trạng cô độc của mình. Hắn chỉ có thể chửi, bởi vì Chí không biết hát, "giá hắn biết hát thì có lẽ hắn không cần chửi". Hát hay chửi thì cũng đều vậy cả thôi, đều là nỗi ai oán não nùng của mình với người dân làng. Mà lạ thay, hắn càng chửi, càng chẳng có ai quan tâm hay hỏi han đến hắn. Đã vậy, hắn chửi: "Cha đứa nào không chửi nhau với hắn". Người dân làng Vũ Đại - nói tốt không tốt, nói xấu không xấu. Còn nhớ khi một người đi thả ống lươn nhặt được Chí trong chiếc váy đụp, hắn đã xanh ngắt. Người thả ống lươn đem Chí cho bà góa mù và bà ta lại bán Chí cho bác phó cối không con. Đến khi bác phó cối mất, Chí bơ vơ và được người dân làng truyền tay nhau nuôi Chí lớn lên như cỏ dại, mặc người đem mua đem bán và những người dân làng nuôi lớn Chí thật đấy. Nhưng là "truyền tay" nhau nuôi. Họ chỉ nuôi Chí "sống" chứ không dạy Chí cách "sống". Sự nuôi dưỡng ấy là quá ít để Chí có thể mang ơn cả đời. Thế nên hắn chửi, chửi cả làng. Vậy mà ai cũng nghĩ "chắc nó chừa mình ra". Oái oăm làm sao. Cả ngôi làng ấy đều không coi hắn là người, bỏ mặc hắn bơ vơ và điều đó khiến cảm xúc của Chí chai sạn, cạn kiệt đi, và tiếng khóc đã được thay bằng tiếng chửi, chỉ có đau đớn hơn chứ không thể nào kém đi, vơi đi được. Bởi trong thâm tâm, Chí vẫn còn khao khát được đáp lại, được đón nhận dù là bằng hình thức đê hèn nhất là tiếng chửi. Chưa dừng lại ở đó, con quỷ đội lốt người ấy trong mắt người dân làng Vũ Đại và bạn đọc còn là một đứa con bất hiếu. Bởi hắn chửi, chửi "đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn". Điều này đã hoàn toàn chạm đến đạo đức và cách làm người cũng những người nông dân xưa khi mà chữ "hiếu" phải tôn làm đầu vì: "Công cha như núi Thái Sơn Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra" Ở một khía cạnh nào đó, Chí thật là vô đạo đức. Xong trở lại với bậc cha mẹ của Chí, họ đẻ hắn ra và để hắn tự sinh tự diệt. Hắn không được hưởng chút tình cảm nào của cha mẹ mà khi họ đẻ hắn ra rồi, hắn cũng nào có sung sướng, hạnh phúc gì? Hắn không hề biết ơn việc mình có mặt trên đời này và hắn chẳng thiết tha gì đến trả nghĩa cha mẹ. Mà có biết là ai đâu mà trả? Dù có biết cũng không trả vì họ chẳng phải là "núi cao" cũng chẳng là "biển lớn". Họ với Chí chỉ là nguyên nhân khiến hắn phải khổ sở, chật vật như vậy mà thôi. Thành ra, tiếng chửi đó có phần đáng thương hơn đáng trách nhưng lại chẳng có ai thèm ban ơn cho hắn, để hắn như một con chó nhỏ đáng thương, gồng mình sủa loạn rồi lại tự lê xác về góc nhỏ u tối ẩm thấp của mình. Sau lần chửi nhau với ba con chó ở nhà Bá Kiến, đẳng cấp của Chí Phèo đã bị hạ xuống hàng súc vật. Đây chính là sự coi thường, sự nhục nhã lớn nhất mọi người dành cho Chí. Ra đi bằng con số không, trở về cũng với con số không: Không gia đình, không người thân thích, không nghề nghiệp mưu sinh, không nơi nương tựa. Hắn trở thành tay sai của Bá Kiến, hắn sống bằng chửi bới, dọa nạt, đập đầu, rạch mặt ăn vạ. Hắn trở thành con quỷ của làng Vũ Đại, hắn tác oai tác quái gây họa cho biết bao dân làng. Hắn phá tan bao nhiêu cơ nghiệp, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, đạp nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm chảy máu và nước mắt của không biết bao nhiêu là người lương thiện ". Hắn đã không còn là người nữa mà sống như kiếp con vật, sống trong vô thức và triền miên trong những cơn say. Sự thay đổi ấy phải chăng cũng có một phần do sự xa lánh của người dân làng với" con người đã từng đi tù ". Không ai cho hắn một nguồn giao tiếp, không ai coi hắn là người nên hắn cứ phải say, phải chửi để quên đi và lâu dần, chính bản thân hắn đã tự hãm mình vào vũng bùn lầy khó gột rửa từ lúc nào. Truyện ngắn Chí Phèo đã thể hiện tài năng viết truyện ngắn bậc thầy của Nam Cao. Ở Chí Phèo, người đọc thấy được một kết cấu truyện mới mẻ, hấp dẫn, những tình tiết giàu kịch tính được miêu tả một cách điêu luyện, linh hoạt và biến đổi không ngừng và chính điều đó đã góp phần làm nên một Chí Phèo thành công rực rỡ. Với ngôn từ sắc cạnh và ngòi bút hiện thực tỉnh táo, Nam Cao đã vạch ra rằng: Những người nông dân khốn khổ phải giành lấy sự tồn tại của mình bằng việc bán cả nhân hình và nhân phẩm. Chí Phèo chính là một hiện tượng có quy luật, có tính phổ biến và là một sản phẩm của tình trạng áp bức, bóc lột tàn bạo. Đó là hiện tựng những người nông dân lao động bị đè nén để rồi" tức nước vỡ bờ "mà đứng lên chống trả, nhưng lại bằng những phương thức lưu manh. Điều đó cũng phần nào thể hiện ngòi bút phân tích xã hội sâu sắc của Nam Cao. Ngay khi Chí Phèo xuất hiện đã trở thành một kiệt tác, một vấn đề được bàn tán sôi nổi trong trào lưu văn học hiện thực. Bởi vậy nên mới có ý kiến cho rằng:" Nếu không viết Chí Phèo, Nam Cao đã để lại cho Văn học Việt Nam một khoảng trống lớn". Chí Phèo được đánh giá cao chính là ở giá trị tố cáo. Thông qua tấm bi kịch tha hóa của Chí Phèo, Nam Cao đã phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội Việt Nam lúc bấy giờ và thực trạng của người nông dân bị đày đọa, đè nén và âm thầm chịu đựng nỗi tuyệt vọng rồi dần trở lên liều lĩnh đến cực đoan. Điều đó được thể hiện rõ nhất trong quá trình tha hóa của Chí Phèo. Hãy để lại bình luận, nhận xét để cùng mình thảo luận và bổ sung cho bài viết được đầy đủ nhé! Tham khảo các bài cùng chủ đề: Phân Tích Quá Trình Tha Hóa Và Thức Tỉnh Của Chí Phèo? Phân Tích Nhân Vật Chí Phèo Trước Khi Đi Tù Chúc các bạn có một ngày tốt lành!
Nghệ thuật nên viết tách riêng thành 1 đoạn nha em, bổ sung thêm chứ như vầy chưa đủ nhé! Ý nghệ thuật của bài văn chỉ 4 - 7 dòng nhưng chiếm 0, 5 điểm trong biểu điểm nên không thể viết ít quá, sẽ bị trừ điểm đó.