Sống Đời Đáng Sống - David Guy Powers

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Thanh Bình, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    VI. LÀM THẾ NÀO ĐỂ Ý KIẾN ĐƯỢC CHẤP THUẬN?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Giáo sư Ormond Drake, phó hiệu trưởng trường Nghệ thuật tự do ở Đại học Nữu Ước; trong một hội nghị các giáo sư về thuật nói trước công chúng đã đưa ra vấn đề này để bàn cãi: Tất cả những danh sách viết về nghệ thuật thuyết phục con người để thúc đẩy họ hoạt động, nếu tóm tắt lại thành một câu ngắn thì câu đó sẽ ra sao? Cuộc bàn cãi kéo dài tới hai giờ, tiếp sau là một ủy ban đặc biệt gồm mười lăm giáo sư đại học có tên tuổi họp nhau tới khuya. Có lẽ chưa bao giờ có một nhóm người danh tiếng bậc nhất bàn về vấn đề đó. Các vị đó đã đọc gần hết các sách viết bằng mọi thứ tiếng về vấn đề ấy và tinh gộp lại thì đã giảng vì vấn đề đó trên hai trăm năm ở nước Mỹ. Và họ tóm tắt lại như vậy: "Óc để ý tới cái gì thì suy nghĩ về cái đó; cái gì nó không để ý tới thì nó bỏ đi. Óc để ý hoài tới cái gì thì nó tin cái đó. Mà cái gì mà óc ta tin thì có thể ta sẽ thực hiện cái đó". Chúng tôi xin diễn chân lý chung đó thành phương pháp. Phải làm cho người khác nghĩ về ý kiến của bạn. Dù người ta chối từ ý kiến đó thì cũng ráng làm cho người ta nghĩ về nó. Lần lần người ta sẽ quen với nó. Nếu bạn kiên trì thì người ta sẽ tin nó. Và đây là kết quả: Một khi đã tin thì người ta sẽ hành động theo lòng tin tưởng. Giáo sư Harry Overstreet cũng nhấn mạnh về chân lý đó trong cuốn sách lý thú Ảnh hưởng đến thái độ của con người (Influencing Human Behavior) : "Ta chú ý đến cái gì thì cái đó chỉ huy thái độ của ta. Ta có thể làm cho người khác chú ý đến cái gì thì cái đó chỉ huy thái độ của họ. Hai câu đó chứa bí quyết ảnh hưởng đến thái độ của loài người". Cơ sở tâm lý của mọi hoạt động là không có gì chống nổi một sự kích thích liên tiếp. "Ta suy nghĩ làm sao thì ta như vậy". Vậy nếu bạn muốn thuyết phục ai thì phải làm cho người đó nghĩ hoài về ý kiến của bạn. Tư tưởng người đó sẽ chỉ huy hành động của họ cũng như hơi thở chỉ huy đời sống vậy. Ông Arthur Brisbane nói: "Lặp lại tức là làm cho có giá trị". Ngay đến những chuyện hoang đường vô lý nhất mà lặp đi lặp lại hoài thì cũng thành một chân lý lịch sử nghiêm trang. Ông Bruce Barton, chủ tịch công ty Batten Barton, Aurstine và Orborn nói: "Bàn một ý là công việc làm ngày nọ qua ngày kia, giờ này qua giờ khác". Chính John Dewey một triết gia danh tiếng ở Mỹ cũng bảo tôi rằng: "Tôi muốn tin rằng ảnh hưởng của tôi trong sự dạy học và sáng tác sở dĩ được như vậy là nhờ cái thuật lặp đi lặp lại chứ không có gì khác". Napoléon cũng thấy sức mạnh của sự lặp đi lặp lại. Một hôm ông gọi một nghị sĩ lại bảo rằng tướng ông coi không oai vì ông lùn quá, rồi ông nhờ nghị sĩ đó tìm cho ông một dáng vẻ bên ngoài nào cho oai. Sau khi so sánh, ông lựa được dáng vẻ tay đút vào sau áo gilê ở trước ngực. Từ đó gặp cơ hội nào ông cũng giữ đúng như thế, đến nỗi hễ vẽ hay tả Napoléon người nào cũng hình dung ông ở tư thế đó. Đưa vấn đề ra, sắp đặt những chi tiết, gây cho người khác cái hướng về quan niệm của bạn, rồi để cho mắt, tai, mũi, tay người đó bênh vực cho quan niệm của bạn, và thuyết phục người đó. Để người đó tự quyết định làm cái mà người đó muốn - và cái mà người đó muốn làm chính là cái mà bạn muốn cho người đó làm. Tôi lấy thí dụ tiệm Macy ở Nữu Ước. Họ dùng một kỹ thuật gọi là kỹ thuật "không quảng cáo". Bạn vô tiệm và người ta đưa cho bạn một miếng giấy ghi hơn hai chục món hàng ngày hôm đó bán thấp hơn giá ghi trên giấy. Bạn coi thì thấy có món ở tầng lầu thứ tư, có món ở tầng thứ bảy, món khác ở tầng mặt đất. Bạn phải mất khoảng một giờ mới coi hết vì trong lúc tìm tòi bạn đi qua các tủ hàng khác, nhìn những hàng hóa bày ở đó và bạn thấy có món cần thiết, có món giúp cho công việc nội trợ được dễ dàng hơn, có món mua về có thể đem khoe với hàng xóm được. Thế là hãng chẳng cần mời bạn mua, bạn cũng mua; hãng để cho bạn tự thuyết phục lấy. Phương pháp đó rất hữu hiệu, giúp cho hãng bán được 160.000.000 đôla mỗi năm. Bí quyết là: Tạo ra những điều kiện để thuyết phục và người ta sẽ hoạt động theo đó. Ông John Studebaker, ủy viên giáo dục ở Mỹ, năm 1929 cầm đầu một phái đoàn nghiên cứu tình hình văn hóa ở Philippin. Ông về nước, đề nghị một điều giản dị và có hiệu nghiệm là gởi cho mỗi gia đình ở Philippin một cuốn mục lục của hãng Sears Roebuck. Như vậy mức văn hóa của Philippin sẽ nâng cao. Vì không ai muốn cái gì mà mình không biết. Không ai mơ mộng tới những vật ở ngoài kinh nghiệm của mình. Đặt vào tay người Philippin cuốn mục lục đó, chỉ cho họ thấy một đời sống dễ dàng hơn, đắc lực hơn. Như vậy là hướng dẫn óc của họ và tự họ sẽ làm điều mà ta muốn. Hitler và Mussolini đã dùng kỹ thuật đó một cách tuyệt xảo để lung lạc tinh thần quân đội Đồng Minh. Họ in hàng triệu tấm giấy nhỏ rồi dùng mọi cách rải lên quân đội Mỹ. Có nhiều mẫu nhưng mẫu nào cũng chỉ chứa mỗi một đề chung, lặp đi lặp lại hoài. Đề đó diễn cái ý về bản năng tự vệ của con người. Nó như vầy: Người chết không còn kể chuyện được nữa Nhưng tù binh còn kể chuyện được. Bạn thử tưởng tưởng một người lính mệt mỏi, chán chiến tranh mà lượm được miếng giấy này: Một bức thư của thân nhân: "Mình ơi, người độc nhất của đời em. Lại một ngày qua mà không có tin tức của mình. Đã mấy tuần nay em không chợp mắt được; nhớ tới cảnh nguy hiểm ở trận mạc mà mình phải dấn thân vào, em lo sợ quá, tưởng như điên được. Tháng chín mình viết thư nói lễ Giáng sinh thì mình về - em biết cái mộng đó đẹp quá, không thể là sự thực được - ai mà chẳng biết chiến, tranh còn kéo dài lâu nữa. Và bây giờ đây, lại tới cái mùa đông ghê gớm nay rồi, mình ơi! Trong những đêm trường, một mình một bóng, em thường nghĩ đến một ngày nào đó được cái tin mình đã" bỏ mình trong lúc hành quân "thì em sẽ ra sao, ý nghĩ về bức điện ghê gớm đó mà biết bao người mẹ và người vợ trẻ đã nhận được, đã ám ảnh em ngày đêm không dứt. Mình ơi! Mình! Em không thể chịu nổi cảnh đó; không có mình thì đời em không có ý nghĩa gì cả. Khi mình ở" ngoài đó ", - quan san cách trở - em xin mình nhớ lại lời nguyền là sống với nhau tới tóc bạc răng long. Em không cần mình là một vị anh hùng em chỉ cần mình được khỏe mạnh về với em thôi. Thể nào cũng có cách thoát được mình ạ. Đừng quên ước mơ của chúng ta là tạo một thiên đường nhỏ trên trần gian, đừng quên rằng" vận mạng em ở trong tay mình ". Em yêu mình - Em yêu mình - Em yêu mình. Người vợ đời đời của mình." Bạn hãy để ý đến những tiếng "chiến tranh còn kéo dài nữa", "mùa đông ghê gớm này", "bỏ mình trong lúc hành quân", "có cách thoát được", "khỏe mạnh về với em". Chủ đề trong bức thư đó là giữ mình để được sống mà về nhà hàm chứa cái ý: Người chết không còn nói chuyện được nữa Nhưng tù binh còn nói chuyện được. Một lời kêu gọi phát từ miệng một đứa con của binh sĩ. Lấy tình con mà kêu gọi thì tất phải đi sâu vào lòng người cha. Đây là lời một em gái đêm đêm cầu nguyện: ".. Xin Trời phù hộ cho ba được mạnh giỏi." Cuối miếng giấy lại có hai hàng: Người chết không bao giờ trở lại Nhưng tù binh thì trở về nhà được. Một em gái khác nói với vú: "Em muốn hẹn một ngày để gặp ba." Ừ, cưng, nhưng.. "Người chết không bao giờ trở lại. Nhưng tù binh thì trở về nhà được. Một tấm giấy khác vẽ một chiếc xe lửa với mấy hàng chữ này:" Ba ơi! Con yêu ba, nhớ ba lắm. Khi nào có dịp, ba về nhà ngay nhé. Ba bảo xe lửa chạy nhanh lên vì con nhớ ba ". Người chết không còn nói chuyện được nữa Những tù binh còn nói chuyện được. Một em nhỏ Hoa Kỳ bốn tuổi chìa một tấm mề đay, nước mắt dòng dòng, nói:" Ba tôi cũng ra trận. "Người chết không còn nói chuyện được nữa Nhưng tù binh còn nói chuyện được. Bạn có để ý đến phương pháp lập đi lập lại để gây lòng chán nản thất vọng trong miếng giấy này: Tính toán gì cũng thất bại.. Hứa hẹn gì cùng hão huyền.. Hy vọng gì cũng tiêu tan.. Nếu hôm nay không sụp đổ thì ngày mai.. Thôi ngưng lại đi.. bằng cách này hay bằng cách kia. Người chết không còn nói chuyện được nữa Nhưng tù binh thì còn nói chuyện được. Tất cả những tờ tuyên truyền đó viết theo quy tắc nào vậy? Quy tắc mà tôi đã tin ở trên mà các thế hệ từ xưa đến nay đã kinh nghiệm:" Óc để ý đến cái gì thì suy nghĩ về cái đó; cái gì nó không để ý tới thì nó bỏ đi. Óc để ý hoài tới cái gì thì nó tin cái đó. Và cái gì mà óc ta tin thì có thể ta thực hiện cái đó! "Quy tắc đó không mới mẻ gì cả. Ngay từ thời thượng cổ, Aristote, bộ óc vĩ đại nhất của Hy Lạp đã nói:" Nếu bạn muốn thuyết phục ai thì gây cho người đó những nguyên động lực thúc đẩy người đó tự ý theo nguyện vọng của bạn". Vậy nếu bạn muốn truyền đạt một ý cho ai thì hãy làm cho người đó suy nghĩ hoài về ý của bạn. Nhồi ý đó vào óc họ, nhồi nữa, nhồi nữa và nhồi nữa. • Nếu bạn muốn ý kiến của mình được chấp nhận thì làm như thế này: 1. Biết rõ ý của mình. 2. Dùng mắt, tai, mũi, tay và hoàn cảnh làm phương tiện để lặp lại ý đó. 3. Mà lặp lại hoài, không bao giờ ngừng.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  2. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    PHẦN THỨ BA: ĐỜI SỐNG CHỈ HUY

    I. BÍ QUYẾT CHỈ HUY

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong cuộc cách mạng Pháp, người ta thấy một sĩ quan hăm hở chạy theo bọn lính đào ngũ của mình. Khi đem ra xử tội thì đáp: - Nhưng tôi phải theo họ chứ. Tôi chỉ huy họ mà. Viện sĩ quan đó đã tìm được bí quyết chỉ huy. Ông ta biết rằng muốn chỉ huy người khác thì phải động lòng với họ. Phải theo đường lối của họ, phải theo mục đích của họ. Ta không thể cho họ một động cơ nào tùy ý ta, ta có thể tìm một động cơ thúc đẩy họ rồi để cho tự ý họ lựa. Muốn chỉ huy, ta không nên như mặt trời mà phải như mặt trăng. Ta không thể ở trên cao chiếu xuống người dưới, ta phải phản chiếu họ. Tháng 8 năm 1887, ở trường Võ bị West Point, đại tướng John M. Schofield đã đọc bài diễn văn có giá trị về văn chương. Nhờ kinh nghiệm chỉ huy trong đời, ông chỉ cho các trung úy trẻ tuổi cái bí quyết gây được lòng quý mến và trung thành của quân đội. Bài học đó có thể là bài học chung cho mọi người. Ông nói: "Muốn làm cho binh sĩ trở thành những người đáng tin cậy trên chiến địa thì không nên dùng chính sách nghiêm khắc, bạo ngược mà đối đãi với họ. Chính sách đó không đoàn kết mà chỉ làm tiêu tan quân đội thôi. Có cách chỉ huy gây được ở người dưới lòng hăng hái muốn tuân lệnh ta; lại có cách chỉ gây lòng bất bình và muốn trái lệnh. Mà cách trên hay cách dưới đều do tinh thần của người chỉ huy cả. Người nào cảm thấy người khác cũng có quyền được kính trọng thì thế nào cũng được người khác kính trọng lại, còn kẻ nào khinh bỉ người khác thì thế nào cũng bị người khác oán ghét." Tâm lý căn bản đó đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ sinh viên trường Võ bị West Point. Tướng Dwight Eisenhower, vị tướng đã theo đúng tinh thần ấy và áp dụng nó để tạo thành một đạo quân lớn nhất từ xưa đến nay, đã kể cho ta nghe hay ảnh hưởng đó ra sao. Ông nói: "Lời của tướng Schofield có nhiều ý nghĩa đối với bất cứ người nào đã phụng sự trong quân đội Hoa Kỳ. Những lời đó diễn tả tinh thần căn bản của những người chỉ huy quân đội một nước tự do. Năm 1911, hồi tôi còn là một sinh viên, những lời đó đã được khắc trên một bảng đồng treo ở cửa trại Lao quân do thám để cho sinh viên ngày nào đi qua cũng trông thấy mà ghi nhớ. Những vị chỉ huy có danh tiếng đều là những người sống theo qui tắc đó". Cuốn sách huấn luyện Sĩ quan Hoa Kỳ có câu này: "Chú ý trước hết tới binh sĩ". Nếu tập được tinh thần đó thì người ta sẽ theo mình. Nếu không mình phải đi tìm người để theo. Chính tinh thần chỉ huy đã đào được kinh Panama. Người ta cho việc tạo kỳ quan thứ tám của Thế giới đó là một việc cơ hồ không thực hiện nổi. Đã nhiều lần thử đào nhưng đều thất bại. Nhưng đại tá George Geothals lại nói rằng ông không thể thất bại được. Ông bảo: "Trong việc đào kinh Panama, tôi chú ý nhất tới người chứ không phải tới máy móc. Nếu ta khéo điều khiển người thì cái kinh tự nó thành." Và ông chú ý đến người một cách tận tâm lạ lùng. Bất kỳ ai muốn lại hỏi ông điều gì, ông cũng tiếp, và câu: "Lại nói với Đại tá" thành một câu tục ngữ ở Panama. Ông Geothals thấy rằng một người chỉ huy mà đóng cửa không tiếp người giúp việc thì là tự giam mình trong phòng. Suốt thời kỳ đào kinh, công việc khó khăn và nguy hiểm như vậy nhưng ông luôn luôn nghĩ tới người dưới. Họ đặt một bài ca về ông như vầy: "Đi kiếm Đại tá Geothals, lại nói với Đại tá Geothals Đó là cách hay hơn cả, hiệu quả hơn cả. Viết cho ông một bức thư, hơn nữa. Xin ông tiếp chuyện một lát trong ngày chủ nhật." Một thí dụ nữa: Đề đốc Henry Ervin Yarnell chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ từ hồi chiến tranh Ý - Hoa Kỳ cho tới khi ông hồi hưu năm 1939. Tên ông biểu trưng tinh thần chỉ huy trong Hải quân. Danh ông vang lừng đến nỗi ông nhận được những huy chương rất quý chẳng những của Mỹ mà còn của Anh và Trung Hoa nữa. Và nhiều trường Đại học Mỹ đã tặng ông bằng danh dự. Ông nói: "Nếu tôi đã thành công trong sự chỉ huy là nhờ các cư xử của tôi, tôi để ý đến ưu điểm và nhược điểm của mỗi người, tránh sự làm mất thể diện người ấy trước mặt người khác; tôi hoàn toàn công bằng, nghe nỗi thắc mắc, lo lắng của người dưới và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Tôi ráng làm sao cho mỗi người hóa ra đắc lực trong sự thi hành bổn phận, và tôi ráng làm cho người ta tin rằng tôi có tư cách phụng sự mọi người trong địa vị chỉ huy của tôi. Muốn thành công thì người chỉ huy phải là người giỏi nhất trong cơ quan của mình bất kỳ về phương diện nào, và phải được người dưới quyền mình công nhận như vậy. Phải để ý đến sự an lạc, đến hạnh phúc, sự ăn uống, nỗi lo lắng của người dưới. Phải nghe những lời tâm sự của bất cứ ai muốn nhờ giúp đỡ. Nói tóm lại, phải yêu người dưới như yêu con. Những quy tắc dưới đây có thể làm cơ sở cho cả nghệ thuật chỉ huy:" Thạo công việc hơn bất kỳ người nào ở dưới quyền mình. Sẵn sàng nhận trách nhiệm. Làm sao cho người dưới làm việc đắc lực. Công bình và lễ độ trong việc cư xử. Trong khi kiểm soát phải tôn trọng người dưới chứ đừng làm cho người ta sợ. "Một đơn vị lớn nhất của Hollywood, ông Delmer L. Daves nói:" May mắn cho tôi, sau khi đậu bằng luật học, tôi quyết định lựa nghề chiếu bóng. Tôi phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất, làm những việc lặt vặt trên phim trường và để cho mọi người sai khiến. Tôi học được điều là có nhiều cách ra lệnh, có thể giữ kỷ luật một cách vui lòng hay miễn cưỡng, và tôi tập được tinh thần nhịn nhục, dẹp lòng tự ái của mình xuống. Tôi đã phải làm việc dưới quyền của ông giám đốc theo chính sách độc tài của Đức và dưới quyền của những tay giám đốc biết tôn trọng người khác; tôi thấy sự khác nhau giữa những công ty có một mục đích là kiếm tiền với những công ty làm việc vì thấy sự hợp tác với những người sung sướng là một niềm vui. Không khi nào tôi quên bài học đó. Tôi biết sự nhã nhặn của mình ảnh hưởng lớn đến người lạ, đến người dưới và đến tất cả những người hợp tác với tôi ". Trong đời sống với mọi người, muốn chỉ huy cũng cần tôn trọng người khác và được người ta tin cậy. Ông Herbert H. Lehman, một chính khách tài giỏi nói:" Tôi tin rằng trình độ chỉ huy của một người cao hay thấp tùy theo người đó được quần chúng tin cậy hay không. Tôi đã thấy rằng, trừ những trường hợp đặc biệt, người ta được quần chúng tin cậy là nhờ có đức thành thực, tánh vui vẻ và thích giúp đỡ người khác mà không nghĩ đến tư lợi.. Tôi thấy rất ít người tỏ tài chỉ huy trong một thời gian khá lâu mà lại không hiểu tâm lý người khác ". Và bí quyết chỉ huy đó - tức khả năng biết nghĩ tới nhu cầu của con người - cũng áp dụng được trong công việc kinh doanh. Ông William A. Patterson có lần bảo tôi:" Mấy năm trước, một nhân viên của tôi bảo tôi: "Trong hãng này, có một nhân viên cần đuổi ra ngay". Tôi đáp: "Những người đó giúp việc công ty đã năm năm rồi. Ông ta đã đóng góp công lao làm cho công ty đáng giá một triệu đôla. Vả lại giúp việc cho công ty năm năm thì không lẽ ông ta không được lòng một người nào ư? Tôi chưa biết ông ta". Nhân viên của tôi nói thêm: "Tôi yêu cầu ông đồng ý với tôi để cho người đó nghỉ việc". Tôi kêu người đó lại, ông ta giữ việc thảo giấy tờ. Mới nhìn qua tôi biết con người đó không thể làm việc quảng cáo được, chỉ làm việc thống kê là tốt, vì rất ngăn nắp cẩn thận. Tôi chuyển ông ta qua phòng thống kê. Bây giờ ông ta là một nhà chuyên môn rất giỏi biết rõ những điều kiện làm ăn về ngành hàng không dân sự. Ông ta dự tính, tiên liệu rất giỏi và công ty nào trong xứ cũng nhờ ông giúp việc. Người đã khuyên tôi nên đuổi ông ta cũng có lý vì công việc thảo thư từ, quảng cáo không hợp với khả năng của ông ta. Chính người nào lần đầu tiên giao cho ông ta công việc đó mới có lỗi. "Ông Walter S. Gifford, chủ tịch công ty Bưu điện Hoa Kỳ nói:" Chúng ta không thể bỏ qua phương diện người trong công việc làm ăn, vì làm ăn không phải chỉ cần máy mà còn cần người nữa. Dù bạn đã tổ chức công việc của bạn một cách hoàn toàn nhất theo lý thuyết thì rồi thế nào bạn cũng phải sửa đổi lại cho nó hợp với nhân viên giúp việc bạn. Tuyệt nhiên không nên dồn ép con người vào một kế hoạch lý thuyết không hợp với nó ". Ông Henry Ford II, chủ tịch công ty xe hơi Ford, đã lập một trung tâm nghiên cứu và sáng chế máy móc, trị giá khoản 5 chục triệu đôla. Một phần lớn trung tâm đó chuyên nghiên cứu về con người. Ông nói:" Có một khu vực rộng trong đó chúng ta mới bắt đầu tiến được vài bước khả quan là khu vực con người. Máy móc tự nó không thể sản xuất ra được, phải nhờ có người. Trong bao nhiêu lâu nay chúng ta chỉ tìm cách cải thiện máy móc, chúng ta vẫn chưa rõ cái yếu tố rất phức tạp là con người. Vì vậy tôi đề nghị xét lại yếu tố đó. Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề giao tế giữa con người trong sản xuất kỹ nghệ, thì tôi tin chắc rằng mười năm sau, sức sản xuất sẽ tăng, phí tổn sẽ giảm nhiều hơn là trong một phần tư thế kỷ vừa qua người ta chỉ nghĩ cách phát triển máy móc. Đó là một trong nhiều vấn đề quan trọng mà chúng tôi hy vọng nghiên cứu để giải quyết trong trung tâm của chúng tôi. Chúng tôi cần biết nhiều hơn về vấn đề người trong sự sản xuất cũng như trong vấn đề tiêu thụ. "Có người hỏi ông Charles F. Kettering, phó chủ tịch công ty General Motors thế nào là nghiên cứu, ông đáp:" Nghiên cứu gồm 10 phần trăm thí nghiệm và 90 phần trăm cư xử với người cộng sự cho được vừa lòng họ ". Vì tới nay, lời này cũng vẫn còn đúng:" Người chăn cừu nào suy nghĩ giống đàn cừu của mình thì thành công ". Muốn chỉ huy phải hiểu người, có thiện cảm với người. Phải coi họ như một phần của bản thân ta. Có người chỉ huy tìm cách" chịu đựng một cách vui vẻ những kẻ ngu ", nhưng những người chỉ huy khôn khéo biết rằng chỉ nhờ tinh thần hiểu người mà kẻ khôn ngoan và kẻ ngu mới có thể sống chung với nhau được. Vậy nếu bạn muốn chỉ huy người khác thì trước hết phải suy nghĩ về họ, chuyện trò với họ, hoạt động theo quyền lợi của họ. Chân lý sẽ hiện rõ trong tư tưởng của bạn, vang lên trong lời nói của bạn, và hành động của bạn sẽ hấp dẫn người khác. Vì không ai có thể chống lại" bản thân mình ở trong một người khác ". • Muốn chỉ huy bạn làm như vầy: 1. Chú ý tới người khác. 2. Coi lợi ích của người là lợi ích của mình. 3. Nhớ rằng:" Người chăn cừu nào suy nghĩ giống đàn cừu của mình thì thành công."
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  3. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    II. HAI ĐỨC TÍNH VẠN NĂNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tướng Omar N. Brandley, một nhà quân sự giỏi có lần cho tôi hay rằng cái hồi đổ bộ lên Normandie, tiếng xe tăng chạy dưới cửa sổ làm ông thức giấc, mà ông không hiểu là xe của Mỹ hay xe của Đức. Tôi hỏi ông: - Thế rồi ông làm gì? Ông giản dị đáp: - Còn làm gì nữa? Lại về giường ngủ. Nếu kế hoạch của tôi mà đúng giờ thì đó là những xe tăng của chúng tôi; còn như kế hoạch của tôi sai thì đành vậy vì tôi đã cố gắng hết sức rồi, không thể làm khác được nữa. Tướng Grant cũng gặp tôi trong một trường hợp tương tự. Trong một trận nọ, ông quấn chăn nằm ngủ dưới một gốc cây. Ba giờ sau một sĩ quan hốt hoảng chạy lại đánh thức ông, báo tin rằng hữu quân phải rút lui, tả quân yếu thế, trung quân đương bị nguy sẽ tan tành mất. Grant suy nghĩ một lúc, bảo sĩ quan đó đi ra rồi nằm xuống ngủ. Ông đã sắp đặt kế hoạch kỳ lưỡng lắm rồi nên biết rằng lời báo cáo đó chỉ là lời đồn bậy. Thượng nghị sĩ Albert W. Hawkes ở New Jersey thích triết lý bình thản đó của Tướng Brandley nên treo hình ông trên một tấm bảng trong phòng giấy ở Washington để làm gương. Trên bảng có mấy hàng chữ này: "Tôi làm hết sức hiểu biết của tôi, hết khả năng của tôi và tôi ráng giữ được như vậy cho tới cùng. Nếu kết quả là tôi có lý thì ai muốn chê trách gì tôi, tôi cũng coi là thường. Nếu tôi lầm lẫn thì dù có muời vị thần cam đoan rằng tôi đúng, tôi cũng vẫn làm." Abraham Lincoln. Rồi xin tướng Brandley cho biết thế nào là tinh thần chỉ huy. Ông đáp: "Tôi tin rằng một người chỉ huy thành công phải có một vài đức tính căn bản nào đó luôn luôn hướng dẫn tư tưởng và hành động của mình. Ở Abraham Lincoln, đức tính đó là tài hiểu người, ở tướng Lee thì đức tính đó là liêm khiết, ngay thẳng, ở tướng Grant, đức tính đó là sự kiên quyết mạnh mẽ tiến tới". Chúng ta đã xét đức tính thứ nhất tức đức hiểu người. Trong chương này chúng ta xét hai đức tính khác là ngay thẳng và kiên nhẫn. Đức làm cho người khác mến phục ta nhất là đức ngay thẳng. Mình thành thực thì người khác cũng thành thực với mình, và một người càng tự nhiên thì càng được người khác quý mến. Mới rồi ông James F. Farley bảo tôi: "Ai cũng phải là" chính mình ", nghĩa là ai cũng phải tự nhiên. Người tự nhiên thì được người khác quý mến; hễ tự nhiên thì không sợ ai và cũng không làm cho ai sợ; hễ mình đáng tin thì được người khác tin. Mười lần thì có tới chín lần như vậy và tôi không thấy có quy tắc nào dễ hơn quy tắc đó". Ông J. Pierpont Morgan nói trước một ủy bản sưu tầm: "Một người đến phòng giấy của tôi và tôi đã ký cho người đó tấm ngân phiếu một triệu đôla mặc dầu tôi biết người đó không có lấy một xu nhỏ. Nhưng người nào mà tôi không tin cậy thì đừng hòng nhận được tiền của tôi dù có trình cho tôi tất cả các thứ phiếu ở Thiên đường". Một người ngay thẳng thì được lòng tin cậy ngay của người bạn thứ nhất của mình tức chính thân mình. Mình có tin và trọng mình thì mới chỉ huy hoặc ảnh hưởng đến người khác được. Tin ở lòng ngay thẳng của mình thì tự nhiên can đảm lên, dám làm, không nao núng trong vận bĩ và làm cho người chung quanh vững bụng. Ông Thống đốc Walter E. Edge viết cho tôi: "Điều kiện thứ nhất để chỉ huy người khác là được lòng tin cậy của họ, như vậy họ mới trung thành, tận tâm với ta. Lời nói của ta phải có giá trị hơn cái chi phiếu của ta. Thì những lời hứa miệng thường gây nhiều cuộc kiện cáo hơn những lời ghi trên giấy. Không có gì làm cho uy tín của một cơ quan mau tiêu tan hơn là cái cảm giác cơ quan đó không giữ lời hứa". Một người giám đốc hoặc chủ sự phải tin chắc tình trạng của mình trước khi hoạt động. Một lời hứa càn cho xong chuyện, một lời hứa thưởng ai mà không xét kỹ kết quả sẽ ra sao, hoặc một quyết định vội vàng, không kịp nghiên cứu kỹ sự kiện đều có thể làm cho cả cơ quan sụp đổ. Một người giám đốc có tài thì phải biết quyết định mau mắn, nhưng phải biết mình hứa cái gì, sẵn sàng giữ lời hứa và giữ lời hứa cho được. Đức ngay thẳng trong sự kinh doanh quan trọng đến nỗi công ty Scribble & Sons đã nêu cao bài học dưới đây: Hồi xưa ở Bagdad có một vị hiền triết tên là Hakeem. Người tứ xứ lại xin ông chỉ bảo và ông sẵn sàng chỉ bảo mà không đòi đền ơn gì cả. Một hôm, một thanh niên bỏ vốn ra nhiều mà kiếm được ít lời, đến hỏi ông phương pháp nhất bản vạn lợi, ông đáp: - Một vật mua bán không có một chút giá trị nào cả trừ phi có chứa một cái gì không thể mua hay bán được. Con thử xét cái yếu tố quý giá vô ngần mà xem. Thanh niên hỏi: - Nhưng thưa cụ, cái gì là yếu tố quý giá vô ngần ạ? Nhà hiền triết đáp: - Này con, yếu tố quý giá vô ngần của bất kỳ thứ hàng hóa nào ở chỗ là "cái Danh dự và sự Ngay thẳng của người chế tạo ra thứ hàng hóa đó. Phải coi tên tuổi của người làm ra nó trước khi mua". Ông John D. Rockefeller nói: "Tôi tin rằng lời hứa là thiêng liêng; rằng lời của một người phải có giá trị như chi phiếu của người đó; rằng tư cách - chứ không phải của cải, uy quyền hoặc địa vị - là cái có giá trị nhất". Ông Bernard Baruch là người đã sắp đặt bộ máy kinh tế của Mỹ một cách rất hoàn hảo trong đại chiến thứ nhất, làm cho Hindenberg phải viết trong tập hồi ký: "Baruch đã đánh bại chúng ta". Ông nói: "Không biết rõ cái gì thì đừng nói về cái đó, và hễ nói về cái gì thì phải nói cho đúng. Không ai tin một người nói sai hoặc hay thay đổi ý kiến". Một người có được sự thông minh và một đức siêng năng trung bình cũng có thể tiến xa được. Như một danh nhân Pháp nào đó đã nói: "Nếu siêng năng không phải là thiên tài thì nó cũng có thể thay được thiên tài". • Vậy đức vạn năng thứ nhất để làm cho người khác quý mến bạn là đức ngay thẳng. Đức tính thứ nhì là đức của tướng Grant, đức kiên nhẫn. Đừng tưởng chỉ những người giữ những địa vị quan trọng thì mới cần đức tính đó. Không phải vậy đâu. Những người thường cũng phải có những đức tính đó. Tôi lấy thí dụ một sinh viên của tôi ở Boston. Bà ta kể: "Khi hai đứa con trai của tôi được ba và năm tuổi, tôi muốn có thêm một đứa con gái lắm. Lúc có mang, tôi tin chắc rằng sẽ sinh gái. Rồi thì vận xui tới. Tôi đau nặng phải nằm nhà thương ba tháng, và đẻ non, hồi bảy tháng. Đẻ sinh đôi:" Một trai, một gái, nhưng chúng chỉ sống được có vài giờ ". Tôi đòi được coi mặt đứa con gái, người ta bồng lại cho tôi một cái thây bé tí teo, trông thấy mà tôi muốn đứt ruột. Tôi khóc lóc." Được mỗi một đứa con gái thì như vậy! "Sau đó, cái ý muốn sinh một đứa con gái ám ảnh tôi hoài. Khi đi dạo phố hoặc coi ca nhạc, chiếu bóng. Vợ chồng tôi thường gặp những cái xe chở em bé, và về nhà tôi khóc lóc thẩn thờ hằng giờ:" Ai cũng có con gái trừ tôi ra ". Hồi đó bạn bè tôi thường hay khuyên bảo:" Cứ như vậy hoài thì chị sống không nổi đâu ". Tôi không muốn chết nên đi gặp một bác sĩ, hỏi:" Tôi có thể sanh được không? "Bác sĩ đáp:" Bà uống thuốc cho mạnh lên rồi muốn có bao nhiêu em bé cũng được ". Tôi nghe lời bác sĩ và mười tám tháng sau tôi sanh một đứa nữa - con gái. Nửa đêm, tôi thường thức giấc, nghĩ:" Bây giờ mình có một đứa con gái rồi đây - Không. Có thể là mình chiêm bao rồi chăng? "Thế là tôi nhảy xuống sàn, chạy lại giường của cháu, rờ cháu Priscilla." Calvin Coolidge nói: "Không có cái gì thay thế được đức kiên nhẫn. Tài năng không thay thế nó được: Ta thường thấy những người không tài giỏi mà thất bại. Thiên tài cũng không, có thiên tài mà chẳng làm nên gì cả là lời chê bai ở cửa miệng mọi người. Chỉ có đức kiên nhẫn và quả quyết là vạn năng". Nhiều khi chúng ta cần có một chút tự tin. Nếu bạn chê khả năng của bạn hoặc tệ hơn nữa, tin rằng mình thiếu khả năng thì nên nghe lời khuyên của Emerson: "Sở đoản của một người đối với người đó có giá trị ra sao thì đối với những người khác cũng có giá trị như vậy. Nếu mình khinh thường sở đoản của chính mình thì người khác cũng khinh thường nó". Ông Perc Westmore, nhà chuyên môn hóa trang nổi tiếng ở Hollywood khuyên: "Đừng bao giờ chú ý hoài đến cái mà bà cho là vẻ xấu của bà. Đừng bao giờ nói cho người khác biết hoặc suy nghĩ về nó". Trước khi hóa trang một cô đào nào thì việc đầu tiên tôi làm là cải hóa cái óc của cô ta làm cho cô ta tin rằng cô không có một vẻ xấu nào hết. Không phải ai sinh ra cũng có cái miệng tươi bông hồng, và cặp mắt đen như mắt bồ câu, nhưng người đàn bà cũng có vẻ sinh tươi riêng. Nếu tin rằng mình đẹp thì người đàn bà nào cũng có thể làm cho người đàn ông mê được ". Owen D. Young khuyên như vầy:" Những lầm lẫn của ta có giá trị đối với ta. Chúng là vật sở hữu duy nhất của đời và may mắn nhất cho ta là rất dễ có được vật sở hữu đó. Không cần gắng sức chúng ta cũng sưu tập được vô số lầm lẫn, nhưng bạn có học được cái gì nhờ những lầm lẫn của bạn không? Có xét tình thế để rút kinh nghiệm không? Có biển chuyển lầm lẫn hoặc thất bại ra thắng lợi không? Nếu có thì bạn sẽ thành công đấy. Nếu không thì thế nào cũng thất bại ". Đời của Disraeli là một điển hình cho điều đó. Ông thử làm một tiểu thuyết gia và thất bại. Ra làm ăn và lại thất bại. Thử lại lần nữa, cũng thất bại. Như vậy có làm cho ông nản chí không? Chính trong lúc thất vọng, nghe tin người bạn được tái cử vào Quốc hội, ông viết thư cho một người chị:".. Macaulay giỏi thật; nhưng giữa chị và em, em có thể nói rằng em thắng cả bọn họ. Không bao giờ em tin điều gì bằng điều này: Em sẽ vào Quốc hội và sẽ làm nên sự nghiệp, vận hội sẽ tới.. "Ông đã tiến tới thành công vì ông biết rằng thành công là tiến từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất lòng hăng hái. Mấy năm trước đây, một y sĩ trẻ tuổi phải đổi gió vì sức khỏe. Ông ta qua Scotland và ở đó ráng viết một tiểu thuyết. Khi viết xong, đọc lại ông thấy nó dở quá, dở nhất đời, ông ta tự như:" Sẽ chẳng ai thèm đọc nó đâu. Mình là thằng điên khùng đã tưởng rằng mình có tài, nên phí sức làm việc đó ". Thế là ông ta liệng nó vào thùng đựng tro. Ông ta kể chuyện đó cho một ông già ở trong miền, tự thú là mình điên, ông già đó đáp:" Bác sĩ có lý đấy, chính tôi mới lầm lẫn. Phụ thân tôi suốt đời đào hào chung quanh cánh đồng này để rút nước làm thành một bãi cỏ và tôi cũng đào suốt đời mà không thành được bãi cỏ. Nhưng dù thành hay không thành thì tôi cũng không thể không đào được và phụ thân tôi với tôi đều biết rằng nếu đào hoài thì sẽ thành một bãi cỏ". Viên y sĩ trở về nhà, mắc cỡ, moi bản thảo ở trong thùng tro ra, đặt lên bàn, rồi cương quyết viết lại như một người tuyệt vọng, nhất định không chịu thua. Viết hăng hái hơn trước. Sau ba tháng thì viết xong. Lúc đó ông thấy nhẹ người một cách không tưởng tượng nổi, thế là đã làm xong một công việc, đã tạo được một tác phẩm nó hay hay dở, ông ta không cần biết. Chính tác phẩm đó đã được một hội văn chương lựa chọn, được đem diễn kịch, được đăng báo, dịch ba mươi chín thứ tiếng được Hollywood mua để quay phim. Cuốn đó đã bán được ba triệu bản, đã thay đổi hẳn đời sống của ông ta, nhờ ông đã học được một bài về đức kiên nhẫn. Bác sĩ đó sau đã bỏ nghề và trở thành một văn sĩ, ký tên A. J. Cronin. Tiểu thuyết đó là cuốn Hatter's Castle, kế sau là những tiểu thuyết The Citadel, The Key of the Kingdom và nhiều cuốn khác nữa. Sức mạnh của đức kiên nhẫn là như vậy đó. • Nếu bạn muốn chỉ huy người khác thì làm như vầy: 1. Luyện đức ngay thẳng trước hết. 2. Kiên nhẫn! Kiên nhẫn và kiên nhẫn!
     
  4. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    PHỤ LỤC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong phần nhất chương này tác giả đã chép một truyện Ả Rập về đức ngay thẳng. Chúng tôi xin kể một truyện Ả Rập về đức kiên nhẫn. Nội dung hai truyện khác nhau nhưng nhân vật cùng địa điểm thì hơi giống nhau: "Ngày xưa, tại Ai Cập có một hiền nhân nổi tiếng là minh triết và vạn năng. Một thanh niên ở Bagdad, mộ tiếng ông, thu xếp khăn gối, trèo đèo lội suối trên một năm trời, đến kiếm ông ở giữa nơi thâm sơn cùng cốc. Tới nơi thì chỉ thấy ông là một người thợ rèn, nhưng chàng không thất vọng, vẫn xin thụ nghiệp. Người thợ rèn nhận lời, biểu:" Cầm chiếc dây thừng này rồi kéo bễ đi ". Chàng ta vâng lời. Năm năm sau chàng vẫn kéo bễ. Một hôm chàng hỏi:" Thưa sư phụ, bao giờ đệ tử học được đạo vạn năng của sư phụ? "Người thợ rèn đáp:" Kéo bễ đi ". Và chàng thanh niên lại kéo trong năm năm nữa. Sau cùng, một buổi sáng, người thợ rèn vỗ vai chàng, bảo:" Thôi. Đừng kéo nữa, con. Con đã học được cái đạo cao rộng nhất ở đời rồi đó, con đã học được đạo Vạn năng, tức đạo Kiên nhẫn".
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  5. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    III. QUI TẮC CỦA DISRAELI ĐỂ GÂY CẢM TÌNH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Disraeli [11] nổi tiếng là người hiểu tâm lý phụ nữ. Ông tiếp đãi các bà một cách lễ độ và nhã nhặn, nghe các bà các cô kể lể hằng giờ những chuyện mà đa số đàn ông cho là chuyện phiếm của bọn ngồi không. Ngay hồi trẻ ông đã viết trong nhật ký: "Nói chuyện với đàn bà càng nhiều càng tốt. Đó là cách để gây cảm tình với họ, rồi họ sẽ về phe với mình mà khi họ về phe mình thì không có gì là xúc phạm cho ta cả vì họ là đàn bà. Một thanh niên khi bước vào đời, được phụ nữ khen là điều rất quan trọng và rất có lợi". Suốt đời ông nghiên cứu tâm lý phụ nữ, dò xét họ, nói chuyện với họ và thường khen họ. Ông nhận thấy rằng nghiêm trang khen một người đàn bà là đẹp thì người đó sẽ vui lắm. Mặc dầu hiểu thấu tâm lý phụ nữ như vậy mà có lần ông cũng thất bại. Ông muốn được lòng nữ hoàng Victoria mà nữ hoàng tiếp ông một cách rất lạnh lùng. Ông suy nghĩ, tìm ra nguyên do: Thì ra chỉ tại nữ hoàng không tin ông. Ông bèn ráng tìm cách làm cho nữ hoàng cảm động. Cơ hội tới: Chồng nữ hoàng mất; ông đem áp dụng sự hiểu biết của ông về đàn bà. Ông biết rằng nữ hoàng rất kính mến chồng, nên trong Nghị viện ông tán tụng chồng bà. Lần này ông đã gãi đúng chỗ, nữ hoàng gởi cho ông những lời này: "Nữ hoàng rất cảm động vì ông Disraeli đã tỏ lòng ngưỡng mộ người chồng yêu quý, cao cả của nữ hoàng. Đọc bài diễn văn của ông Disraeli, nữ hoàng đã khóc nhưng nghe lời khen tư cách trong sạch, siêu việt của chồng thì nỗi đau lòng của nữ hoàng cũng dịu được đôi phần". Disraeli không những gây được mà còn giữ được - điều này mới khó hơn - lòng tin của nữ hoàng Victoria. Ông kiên nhẫn chịu tánh kỳ cục, bướng bỉnh của bà và thường để bà làm theo ý bà. Khi người ta hỏi ông bí quyết thành công với người đàn bà cứng đầu đó, ông đáp: "Không khi nào tôi từ chối; không khi nào tôi cãi, thỉnh thoảng tôi quên đi". Thực là một quy tắc đơn giản để gây lòng tin cậy của đàn bà. Một quy tắc như vậy không thể coi là một luật bất di bất dịch trong phép xử thế được; chúng ta sẽ hóa thành những con người vô lý, kỳ cục mất. Ta chỉ nên nhớ rằng Disraeli muốn khuyên ta nên giữ ý, tránh những xô xát và ráng tìm cách hiểu người. Chúng ta cần một lời khuyên như vậy vì chúng ta hay có thói phân tích để chỉ trích, bác sĩ David Impastato, nhà thần kinh bệnh học nói: "Chúng ta đã thành những nhà phân tích rất giỏi nhưng trị bệnh thì rất dỡ. Nguyên do? Là vì phân tích thì dễ, khoa học dễ, sắp loại dễ, mà sáng tác mới khó. Ra cái toa khó hơn là dò bệnh". Nào bây giờ ta thử áp dụng vào đời sống hàng ngày. Ngày mai nếu bạn thấy cái vui muốn mạt sát người khác, muốn làm cho người khác phải câm miệng, không cãi lại được thì bạn nên nhớ rằng nhắc lại lỗi của người khác không phải là cách để gây cảm tình. Mấy năm trước, tôi nghe một ông khoa trưởng mới nhận chức trình bày chương trình hoạt động của ông trong sáu tháng, tôi muốn vạch chỗ lầm lẫn của ông ta thì giáo sư Maurice J. Hart kéo tôi ngồi xuống. Lúc ra, tôi phản đối thái độ đó: "Anh Maurice, anh biết rằng ông ta lầm lỗi nặng, và nếu để ông ta theo chính sách đó thì sẽ rắc rối cho chúng ta suốt sáu tháng. Tại sao anh không đứng lên nói hoặc để tôi nói?" Ông Maurice đáp: "Tất nhiên là ông ta lầm, nhưng nếu anh vạch lỗi cho ông ta mà không để cho ông ta tự tìm lấy thì ông ta sẽ giận anh". Tôi bảo: - Nhưng nói cho ông ta biết thì có phải hơn không, đỡ rắc rối cho chúng mình. - Ông ta mới tới, phải có quyền lầm lẫn chứ. Nếu ta để cho ông tự tìm ra lầm lỗi, rồi sau này quên lỗi của ông đi thì ông sẽ mang ơn ta. Thử đợi xem. Tôi nghe lời giáo sư Hart và thấy ông ấy có lý và tôi lập ra quy tắc này không phản đối một chính sách nào cả nếu chính tôi, tôi không thử trước nó. Thử rồi mà thấy nó đúng là tôi đã lầm lẫn; nếu thấy nó sai thì lúc đó tôi dễ chỉ được chỗ sai cho người khác thấy. Nhưng phải tế nhị khi vạch chỗ lầm cho người khác. Đừng như Sở trữ bơ sữa nọ ở Richmond. Sở sai người đại diện tới Washington để xin sửa đổi lại giá sữa nhưng nhân viên chính phủ không muốn vậy, bảo họ về điều hòa số sữa sản xuất sao cho phù hợp với giá qui định. Người đại diện bảo không thể điều hòa số sữa được. Nhân viên chính phủ hỏi: - Tôi không hiểu tại sao mà mùa hè lại vắt được nhiều sữa hơn mùa đông. Người đại diện nổi giận, la lên: - Này nghe này, nghe này, đồ ngu như bò, tôi sẽ giảng cho ông nghe để phá cái cục ngu của ông ra. Mùa hè ngày dài, bò ăn nhiều cỏ hơn, uống nhiều nước hơn nên có nhiều sữa hơn. Mùa đông ngày ngắn, bò ra bãi cỏ ít thời giờ hơn, ăn ít hơn, uống ít hơn, nên ít sữa. Kẻ nào không hiểu cái lẽ đó thì nên vô nhà thương điên đi thôi. Bạn đã đoán được: Kết quả là giá sữa không sửa đổi. Dù lý lẽ của bạn đúng cả mười phần đi nữa thì cũng phải nghĩ tới danh dự, lòng tự ái của người khác. Người đại diện đó có lý nhưng lối cư xử của người đó vụng. Một lần tôi lại hỏi ý kiến ông Murray Kavanaugh, một luật sư nổi tiếng ở Nữu Ước về một bức thư tôi muốn gởi cho một người đã làm cho tôi mất mặt và nổi giận. Tôi đem cái tài viết thư của tôi ra để chỉ rằng người đó đã bất công với tôi. Đọc xong bức thư, ông Kavanaugh nói: "Các ông luật sư thích được đọc những bức thư như vậy lắm. Có những bức thư như vậy thì họ mới có công việc." Tôi nhận rằng lời lẽ trong thư hơi mạnh, nhưng vẫn nghĩ rằng phải gởi mới được. Ông Murray nói: "Này, nếu ông muốn có việc ra tòa suốt đời thì lựa nghề luật sư đi, nhưng nếu ông muốn giao thiệp với người khác thì chép lại câu này mà đặt trên bàn viết:" Bức thư này có đem lại một vụ làm ăn nào cho một luật sư không? "Vạch thẳng lỗi của người khác ra mà không tiếc lời - dù người đó có đáng vậy đi chăng nữa - là một việc tai hại vô cùng. Sau này không thể nào vui vẻ giao thiệp với nhau được nữa mà khả năng sáng tạo của ta cũng mất. Phải tránh thói đó đi. Vâng, tôi cũng nhận rằng có lúc bạn phải vạch lỗi cho người khác thấy. Nhưng cả những lúc đó, bạn cũng nên có một thái độ thản nhiên, nếu có thể được, tìm cái giọng trào phúng cho lời của bạn khỏi cay độc. Ông Dale Carnegie, tác giả cuốn How to win friends and influence people có lần buồn bực lắm vì người giúp việc là bà Abigail Connell vẩy mực làm dơ cả tấm giấy hoa Nhật Bản quý dán trên tường. Bạn và tôi gặp trường hợp đó chắc đã nổi dóa lên rồi. Ông Carnegie chỉ viết ít chữ này cho người phụ tá:" Chị Abbie [12] , Có lần Martin Luther ném một bình mực vào một con quỷ. Con quỷ chắc đã tránh được vì mực bắn tóe trên tường. Có bầy quỷ nào lảng vảng chung quanh góc bàn giấy của tôi và quấy rầy chị đấy? Nếu có thì đáng kiếp cho chúng. Trong lúc chờ đợi, chúng ta thử tìm xem có thể kiếm được một cuộn giấy dán tường nào cùng thứ đó không? Phải diệt con quỷ đó đi, cũng như diệt thành Carthage vậy. "Bà Abigail có buồn không? Ba giữ miếng giấy đó và năm năm sau đưa cho tôi coi, bảo:" Không thể nào không mến một người vậy được, cả khi chúng ta bị vạch lỗi. Ông ấy có một cách làm cho chúng ta cảm thấy rằng ông ấy không giận chúng ta, chỉ giận cái thói nào đó mà vô tình chúng ta có ". Đối với bạn thân ta hay có cái thói thành thực chỉ trích. Ta nghĩ rằng tinh thần cho ta cái quyền đó. Ta nên đọc bốn câu thơ sau này của ông George Canning, vị thủ tướng danh tiếng của Anh:" Xin Trời cho tôi một kẻ thù ra mặt, một kẻ thù của nhân loại. Ta có thể can đảm chống cự hắn, có thể đánh lại hắn được nữa; Nhưng lại Trời, Trời có giận thì giận, có bắt tôi chịu tai họa gì thì bắt. Xin Trời tránh cho tôi, tránh cho tôi cái nạn có một người bạn nói thẳng. "Nếu bạn muốn giữ lòng yêu mến của người khác thì phải tránh cái thói nói thẳng đi. Thường thường những điều bạn nói đó chính là những điều người ta đã biết rồi, mà ráng quên nhưng không được. Vậy thì nhắc lại cho người ta làm gì? Tìm hiểu người khác đi rồi họ sẽ hiểu họ. George Eliot nói:" Loài vật thân thiết với nhau lắm vì chúng không hỏi nhau điều này điều nọ, chỉ trích nhau thế này thế khác". Chúng theo cái bản năng âu yếm, còn loài người thì có khi giết cái mà mình yêu. • Muốn gây được cảm tình, bạn làm như vầy: 1. Nên giữ ý, tránh sự xô xát mà tìm hiểu người. 2. Tránh cái thói vạch lỗi của người.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  6. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    IV. NGHE, NGHE RỒI LẠI NGHE

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bác sĩ Thomas Shanahan, nha y danh tiếng ở Nữu Ước, một hôm cầm ống điện thoại lên nghe và ngạc nhiên thấy ở đầu dây có người dọa đánh mình. Một người phụ tá của ông nhổ răng cho một bà nọ. Mặt bà đó sưng vù lên và ông chồng nóng tính sắp tới đập vào mặt bác sĩ cho nó cũng sưng lên ngang với mặt bà vợ. Quả nhiên, ít phút sau, một người vào hạng lực sĩ gạt đường, xông vào phòng riêng của bác sĩ để la lối om sòm cho hả giận. Bác sĩ Shanahan kiên nhẫn nghe, không cãi lấy nửa tiếng, để ông ta nói hoài nói hủy, chán thì thôi. Sau cùng người đó bực mình quá, la: - Ông không có một lời nào để tự bào chữa à? Ông ngó cái gì đó? Bác sĩ đáp: - Ngó chiếc răng lung lay kia của ông, chắc nó làm ông khó chịu ít nhiều, phải không? Người đó ngập ngừng: - À phải. Muốn lại nhờ bác sĩ coi giùm coi. - Nào, để tôi coi. May ra thì chữa được. Thế là người đó ngồi vô ghế cho bác sĩ xem răng. Cơn giận đã tiêu tan hết chỉ vì bác sĩ đã để cho ông ta nói và chăm chú nghe ông ta nói. Thành thử chủ ý tới để gây sự về cái hàm răng của bà vợ rút cục lại là để chữa cái răng của mình. Muốn được lòng người thì phải có thiện cảm tìm hiểu người. Như vậy tránh được nhiều sự rắc rối. Aristote gọi đức đó là đức "cảm thông". Các nhà tâm lý học hiện nay đã thí nghiệm mà chứng thực được sức mạnh của đức đó. Bác sĩ Shanahan đã dùng tinh thần cảm thông để tiếp người khách nóng nảy. Ông biết rằng phải quạt cái lửa giận trong lòng ra, lại biết rằng chiếc răng lung lay làm cho người đó khó chịu. Cho nên ông tự đặt mình vào địa vị người đó, giúp người đó giải quyết được nỗi bực mình của họ. Phương pháp luyện tinh thần cảm thông là một phương pháp rất dễ; bạn có thể dùng ngay bây giờ được. Phương pháp đó là nghe. Để cho người ta nói, nói nữa đi. Và khi người ta hết nói rồi thì làm theo cách của thống đốc Al Smith: Tỏ cho người ta thấy rõ rằng mình đã nghe. Khi ai đề nghị cái gì với ông, ông ráng hiểu rõ đề nghị đến nỗi có thể lập lại đề nghị đó được, rồi ông mới quyết định. Dù quyết định của ông là từ chối thì người ta nghe cũng vui lòng vì đã được ông chăm chú nghe. Tổng thống McKinley cũng có cái tài đó, lắm lúc mất nhiều thời gian nhưng ông cũng không ngại. Ông Grover Cleveland cũng chịu khó nghe cử tri của mình bày tỏ quan điểm. Ông Charles L. Eidlitz cũng theo phương pháp đó. Ông là một nhà hòa giải khéo léo. Trong vụ hòa giải nào cũng vậy, ông khuyến khích cả hai bên trong lòng có cái gì thì cứ tuôn ra hết. Không khi nào ông ngắt lời ai cả, dù người đó có lý hay không. Ông biết rằng cả hai bên thèm khát thiện cảm. Có thiện cảm với ai không nhất định phải nhận người có lý, chỉ cần tỏ ra rằng mình có thể hiểu thái độ của người đó. Nhận rằng lý lẽ của người đó đáng cho ta nghe, nếu người đó bực mình thì xoa dịu người ta một chút. Điều quan trọng là cho hai bên được hưởng lợi, nhưng điều quan trọng hơn nữa là cho họ cảm thấy rằng họ được hưởng lợi. Sau cùng, để cho hai bên nói hết rồi, ông nói họ còn muốn thêm gì nữa không, lúc đó ông mới quyết định. Tóm lại, phương pháp của ông là nghe, nghe, rồi lại nghe. Thành thực nghe là bước đầu để hiểu. Điều đó rất đúng, nhất là khi ý kiến mình khác ý kiến người. Trong trường hợp ấy, mình cũng phải gắng sức nghe người ta nói cho hết. Như vậy thái độ của ta làm cho người trọng và hai bên có chỗ để tìm hiểu nhau. Tổng thống Roosevelt cũng theo phương pháp đó khi giao thiệp với tổng trưởng Cordell Hull. Ông Cordell Hull nói: "Khi ý kiến chúng tôi khác nhau về vấn đề quan trọng, thì tổng thống không khi nào tỏ ý nóng nảy, cứ kiên nhẫn nghe tôi bày tỏ cho tới cùng, không hề ngắt lời tôi". Ông Byron Price, phó tổng thư ký Liên hiệp Quốc cũng dùng phương pháp đó. Ông bảo: "Kinh nghiệm cho tôi hay rằng nếu ta để cho một người giận dữ nói luôn trong hai mươi phút, thì chính là người đó sẽ tự trả lời cho họ, ta khỏi phải trả lời nữa". Sau đại chiến thứ nhất, ông Lloyd George qua thương thuyết với Pháp, ông dắt theo một ban thông ngôn mặc dầu ông rất thạo tiếng Pháp. Như vậy ông có thể nghe hai lần và có thời giờ suy nghĩ về lý lẽ của người thay mặt chính quyền Pháp. Ông William A. Patterson tự cho rằng một đặc điểm của hãng ông là bất kỳ người giúp việc nào muốn hỏi ông, nói với ông điều gì ông cũng sẵn lòng nghe. Ông đi khắp các nơi có công ty Liên hiệp hàng không, nói chuyện với tất cả các nhân viên, cho họ cơ hội hỏi ông về công việc của hãng, tại sao làm việc này mà không làm việc nọ. Có nơi có tới 2.000 nhân viên; có nơi chỉ có 5 nhân viên. Ông mời họ vào phòng của ông ở khách sạn để nói chuyện; và một nhân viên mới vào làm được khoảng 30 ngày, hỏi ông câu này: "Thưa ông Patterson, những nhân viên trả lương tháng làm thêm giờ thì không được thêm tiền, còn những nhân viên trả giờ thì làm thêm giờ lại được thêm tiền?" Ông luýnh quýnh nhưng thẳng thắng đáp: "Tôi không rõ nữa, để về hãng tôi sẽ tìm lý do rồi trả lời ông". Ông ghi câu hỏi đó vào trong sổ tay rồi về Chicago, tới nơi ông mời tất cả các nhân viên chủ sự lại, nói: "Ở Bakersfield, có người hỏi tôi một câu mà tôi không đáp được. Các ông có thể giải cho tôi được không?" Rồi ông nhắc lại câu hỏi đó. Nhìn vẻ mặt của các nhân viên chủ sự đó, ông biết rằng vẻ mặt của ông hôm trước cũng vậy. Sau cùng có người nói: "Công việc của nhân viên làm giờ là công việc bất thường hãng không cần dùng lúc nào là hãng cho thôi lúc đó. Còn nhân viên làm tháng thì không vậy, cho nên làm thêm giờ không được trả thêm". Ông Patterson bảo: "Hãng mình đã cho ai thôi việc vì không cần dùng nữa không? Từ nay bắt ai làm thêm giờ phải trả thêm tiền cho người ta". Thành thử một câu hỏi không quan trọng gì của một nhân viên mới vào làm có 30 ngày ở một chi nhánh nhỏ nhất có 5 nhân viên đã làm lợi cho toàn thể nhân viên là 5.000 của công ty. Chịu khó đi ra ngoài và nghe là một điều lợi. Ông C. R. Smith chủ tịch ban giám đốc công ty Hàng không Mỹ bảo tôi: "Nếu ông thực tâm muốn được lòng ai thì trước hết xem người đó muốn nói chuyện về cái gì. Tôi có một người bạn ở California mà tôi thích lại thăm lắm. Lúc nào ông ta cũng muốn nghe tôi nói chuyện, thỉnh thoảng ông ta hỏi tôi những câu rất hợp đề để khuyến khích tôi nói. Ông ta cũng là người hiểu biết rất nhiều nhờ chăm chú nghe người khác kể chuyện". Một lần tôi hỏi nhà văn và học giả danh tiếng Lewis Mumford: "Nhờ bí quyết gì mà ông có tài hiểu người tới mức đó?" Ông ta đáp: "Nếu tôi có cái tài ấy thì nó chỉ là sản phẩm của những đức tính khác như sẵn sàng nghe người khác và biết tự kiểm thảo. Bạn cứ để cho người khác đóng trò cho mình nghe, rồi người đó sẽ cần bạn như trái đất cần mặt trời vì có bạn thì mặt người đó mới sáng sủa, lòng người đó mới ấm áp lên như trái đất có mặt trời chiếu vậy, vắng bạn thì người đó sẽ buồn rầu và lẻ loi. Vả lại người biết nghe là người có tư cách. Nói thì có lợi thật; nhưng nghe cần khéo léo, tế nhị. Nghe tất là làm cho người khác vui mà giữ kín được lòng mình. Sức mạnh của đức nghe là ở đó. Bacon, nhà bác học rất hiểu biết bản chất con người viết những hàng này để chỉ rằng nghe có lợi nhiều hơn nói:" Người im lặng được nghe những lời tự thú của kẻ khác vì ai mà lại kể lể tâm sự với một kẻ bép xép bao giờ? Những kẻ hay nói thường khoe khoang, nhẹ dạ, vì kẻ nào hay nói về những cái mà họ biết, cũng thường nói về những cái mà họ không biết; cho nên bạn có thể tin chắc rằng thói quen nín tiếng vừa khôn ngoan mà vừa cao cả. Đức yên lặng có những lợi này: Trước hết không có ai phản đối mình; vì không ai biết ý nghĩ của mình ra sao cả; lại thêm mình được cái lợi là để rút lui khi nào muốn, vì nếu ta tuyên bố việc ta sắp làm thì một là phải làm cho xong, hai là phải chịu sự thất bại; sau cùng còn cái lợi nữa là hiểu được tâm tư người khác vì để cho người ta tự do nói tức là để cho người ta tự do tư tưởng. Có một câu tụng niệm rất ngắn mà ich lợi rất lớn có thể giúp loài người tránh được một nửa những lầm lẫn. Câu đó như vầy: "Xin Thượng Đế giúp con bịt cái miệng lớn của con lại". Ai muốn chỉ huy thì phải nhớ câu đó. Đừng bép xép, đừng đem tâm sự, bí mật của người kể lể cho kẻ khác nghe. Bạn nhớ rằng trước hết, không khi nào kể lể mà hoàn toàn đúng cả, thế nào cũng sai đi ít nhiều. Sau nữa người thứ ba nghe rồi mà kể lại nữa thì có thể thay đổi câu chuyện làm cho sai hẳn đi. Đã bao lần muốn thu lại những lời lỡ thốt ra? Đã bao lần chỉ vì lỡ lầm một chút mà rồi phải giảng giải lúng túng, mất uy tín, mất thể diện? Tôi biết một người rất dễ thương, vui tính, nhưng mắc cái thói đó. Nói chuyện với ông ta, ai cũng thấy lòng mình ấm áp cởi mở. Nhưng ông ta thường đem chuyện người này kể lại cho người khác nghe thành thử ông kết bạn rất mau và chỉ trong một thời gian ngắn bạn bè đều bỏ ông. Ông đã không để ý đến lời của Polonius: "Chăm chú nghe mọi người nhưng lựa người mà nói". Có lẽ bạn nghĩ: "Nếu tôi chỉ nghe không thôi thì làm sao ảnh hưởng được tới người khác?" Tôi xin thưa rằng có hai lối chỉ huy: Một lối có tính cách thể chất, một lối thuộc về tinh thần. Chỉ huy tinh thần có nghĩa là hướng dẫn tư tưởng, hoạt động và kế hoạch của người khác. Lối đó là lối của những nhân viên cao cấp cầm đầu một cơ quan. Đối với những người đó, nghe là một điều quan trọng. Nghe cũng có thể là sáng tác, nếu bạn theo dõi tư tưởng người khác, tỏ thiện cảm với họ, và khuyến khích họ tiếp tục. Thuật nghe đó cần khéo léo, phải luyện tập lâu. Không phải chỉ nghe bằng tay mà đủ, phải nghe bằng trí óc và con tim của mình, nghĩa là phải chú ý nghe, có thiện cảm với người nói, để ý tới mỗi tiếng và chăm chú tìm cơ hội giúp người, khuyến khích người, chăm chú như con mèo rình con chim vậy. • Nếu bạn muốn chỉ huy thì làm như vầy: 1. Để người khác nói, nói và nói. 2. Còn bạn thì nghe, nghe rồi lại nghe nữa. 3. Tập cái tài im lặng và cái thuật hiểu người.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...