Sống Đời Đáng Sống - David Guy Powers

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Thanh Bình, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    Sống Đời Đáng Sống

    Tác giả: David Guy Powers

    Thể loại: Sách kĩ năng



    Cuốn sách Sống Đời Đáng Sống của David Guy Powers do Nguyễn Hiến Lê lược dịch đề cập đến những vấn đề luyện trí óc và tình cảm để làm sao mọi người quí mến, giúp đỡ mình.

    Ngược lại mình cũng phải có trách nhiệm quí mến, giúp đỡ họ, tạo mối dây thông cảm, tôn trọng, xây dựng cuộc sống phong phú hơn, tốt đẹp hơn, tránh những trở ngại, tiêu cực trong tư tưởng và lối sống.

    Là vấn đề tâm lý nên việc luyện tập là quan trọng. Tuy nhiên kết quả chưa thể thấy ngay mà phải trải qua quá trình tự rèn luyện kiên trì, lâu dài trên cơ sở có ý chí và niềm tin.

    Để thấu đạt ý nghĩa và nội dung sách, đòi hỏi người đọc có một tư duy và nhận thức sâu, tranh nóng vội, hiểu lệch, hiểu sai vấn đề.

    Do đặc điểm trên, cuốn sách có ý nghĩa tham khảo là chính, còn việc thực hành lại tùy thuộc khả năng mọi người.

    Được sự đồng ý của người có trách nhiệm về bản quyền, chúng tôi tái bản cuốn sách trên có sửa chữa, để bạn đọc tìm hiểu thêm vấn đề tâm lý trong việc xây dựng một đời sống phong phú hơn.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  2. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    LỜI NÓI ĐẦU

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn đọc đã có trên tay cuốn Sống Đời Đáng Sống của David Guy Powers do Nguyễn Hiến Lê lược dịch. Khi đọc cuốn sách này, xin các bạn lưu ý các vấn đề sau đây:

    1. Đây là cuốn sách dịch nên ta không thể hiểu ý nghĩa của "đời sống mới" theo phong trào hiện nay của ta. Nội dung sách chủ yếu đề cập đến những vấn đề luyện trí óc và tình cảm để làm sao mọi người quí mến, giúp đỡ mình, ngược lại mình cũng phải có trách nhiệm quí mến, giúp đỡ họ, tạo mối dây thông cảm, tôn trọng, xây dựng cuộc sống phong phú hơn, tốt đẹp hơn, tránh những trở ngại, tiêu cực trong tư tưởng và lối sống.

    2. Là vấn đề tâm lý nên việc luyện tập là quan trọng. Tuy nhiên kết quả chưa thể thấy ngay mà phải trải qua quá trình tự rèn luyện kiên trì, lâu dài trên cơ sở có ý chí và niềm tin. Để thấu đạt ý nghĩa và nội dung sách, đòi hỏi người đọc có một tư duy và nhận thức sâu, tranh nóng vội, hiểu lệch, hiểu sai vấn đề.

    3. Do đặc điểm trên, cuốn sách có ý nghĩa tham khảo là chính, còn việc thực hành lại tùy thuộc khả năng mọi người.

    Được sự đồng ý của người có trách nhiệm về bản quyền, chúng tôi tái bản cuốn sách trên có sửa chữa, để bạn đọc tìm hiểu thêm vấn đề tâm lý trong việc xây dựng một đời sống phong phú hơn. Chắc chắn nội dung sách còn nhiều khiếm khuyết, rất mong bạn đọc lượng thứ và chân tình góp ý xây dựng sách.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  3. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    PHẦN THỨ NHẤT: ĐỜI SỐNG MỚI

    I. LÀM SAO TẠO ĐƯỢC SINH LỰC?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mấy năm trước tôi lại Forest Hills và sống trong ngôi nhà cũ của bà Helen Keller. Tôi thường ngồi trước lò sưởi của bà mà ôn lại dĩ vãng của bà. Trong phòng đó bà đã tập đọc bằng tay, tập nghe bằng ngũ quan và tập viết bằng tim. Đã đui lại điếc và câm mà bà học làm được rất nhiều việc.

    Có lần tôi leo lên phòng trên thượng lương được bố trí làm phòng ngủ, ở đó ngó ra cái vũng mà sau này người ta đã lấp để xây dựng ngôi nhà của Liên hiệp quốc. Tôi đã khó nhọc leo lên những bậc thang và tưởng tượng bà đã phải rờ rẫm ra sao mỗi khi lên lầu đi ngủ. Và khi nghĩ đến hình ảnh một người được trời ban cho ít thế mà phân phát tình yêu cho đời được nhiều thế, tôi thường thấy trong lòng phấn khởi[1]

    Tôi lấy làm lạ khi phòng có rất nhiều cửa sổ. Ba bức tường thì có tới tám cái cửa sổ. Nhìn ra chung quanh, thấy sự mênh mông thăm thẳm của vũ trụ. Vậy mà đối với bà chỉ là tối đen như mực. Nhưng ánh sáng trong lòng bà phải rực rỡ thế nào, bà mới có thể sống cao đẹp như vậy mặc dầu trong cảnh tối tăm dày đặc.

    "Đời sống mới" chan hòa trong tâm hồn bà, đã dẫn dắt bà suốt đời. Bà nói:

    "Đời tôi thu hẹp trong một thế giới không màu sắc, không thanh âm. Nhưng ngay từ hồi còn là một sinh viên, tôi đã vui vẻ tin chắc rằng những cơ quan trên cơ thể tôi không đóng một vai trò quan trọng trong đời sống vì nó không thuộc về phần tinh thần của tôi. Lòng tin đó càng mạnh lên khi tôi đọc câu: Tôi suy nghĩ, vậy là có tôi của Descartes. Câu văn mạnh mẽ đó đã đánh thức một cái gì đó trong thâm tâm tôi cho tới suốt đời. Lúc đó tôi hiểu rằng tinh thần có thể tạo nên hạnh phúc cho tôi, bắt cầu cho tôi qua được cái hư vô tối tăm và yên lặng mà cảm thấy hạnh phúc chói lọi, nồng nhiệt. Tôi hiểu rằng chúng ta có thể tạo được ánh sáng, thanh âm và sự bình ổn trong nội tâm mặc dầu gặp tai nạn lớn lao đến đâu ở ngoại giới".

    Bạn thấy đấy, một người đui và điếc mà còn tạo ra được đời sống mới mẻ và phong phú hơn, huống hồ là chúng ta. Phép mầu xảy ra thường ngày ở trên đời. Có những người tiến từ tối tăm tới danh vọng, từ nghèo khổ đến giàu có, từ tuyệt vọng đến đạt nguyện, từ thất bại đến thành công.

    Cái bùa gì làm được những phép thần đó? Đây, bùa đó như vầy: Những kẻ đó đã bắt được hình ảnh của đời sống mới.

    Bắt được hình ảnh đó rồi bạn sẽ muốn thấy sống lại, thấy sự hăng hái làm cho sinh lực bạn đổi mới, làm cho hy vọng biến thành dự định rồi dự định biến thành sự thực.

    Chính hình ảnh đó là cái hy vọng mà Horace đã ca trong bài ca Vita Nov[2] . Nó đã gợi cho loài

    Người tư tưởng về tôn giáo và cảm hứng về nghệ thuật. Nó sẽ làm cho bạn tái sinh nếu bạn biết bắt lấy nó.

    Khi tôi đem ý đó nói với William Zorach, nhà điêu khắc Mỹ trứ danh, ông đã cảm hứng mà tạo được bức tượng nổi tiếng, bức Vita Nova. Về sau ông bảo tôi: "Ý tưởng đời sống mới ám ảnh tôi hoài cho tới khi tôi khắc được nó lên cẩm thạch. Nó đã đổi mới đời tôi".

    Cái năng lực sáng tạo chứa trong tư tưởng đời sống mới mạnh mẽ đến độ ta không ngờ. Cái mà mới lúc nãy đây ta cho là không làm được, mà bây giờ ta thấy là chẳng những làm được mà là điều tự nhiên nữa.

    Bạn thấy như mọc cánh. Tư tưởng này gợi tư tưởng khác, kế hoạch này tạo kế hoạch khác, và rút cục một lối nên sống thành ra lối phải sống.

    Một khả năng sáng tác cháy bùng lên và giải thoát những khả năng khác. Y như là leo lần lần lên ngọn núi trọc mà nhìn xuống một thung lũng phì nhiêu. Con đường leo núi đó là con đường đưa tới hạnh phúc của nhân loại. Xin bạn thử nhìn chung quanh xem. Ai là những người sung sướng nào? Chính là những kẻ xây dựng được một thế giới tin tưởng. Tin ở vận mệnh của mình. Tin ở lòng tốt của người. Tin ở mục đích của đời người. Tin ở lòng vị tha. Họ là những người làm việc và khuyến khích những người chung quanh làm nên việc. Họ là những người mà ta mến và tìm tới mỗi khi cần được an ủi. Họ là những người có tinh thần bình thản, sung sướng. Vì chúng ta cần tin để mà sống và càng tin thì đời ta càng phong phú.

    Hiểu như vậy mà sao ta không thực hiện được sức mạnh làm cho đời ta thêm sinh khí đó? Theo tôi chỉ tại ta có xu hướng muốn ngó về dĩ vãng, để nó phá hủy hiện tại và tương lai của ta. Không có lầm lỡ nào nặng bằng ráng đội trên đầu cái bao nặng của quá khứ và bi kịch của loài người là cứ đòi cho được cái quá khứ khi mà chúng ta chỉ có thể có cái hiện tại.

    Ân hận không lợi gì cả. Có ân hận thì chỉ nên ân hận trong một lúc rồi quyết định sống mạnh mẽ hơn.

    Bạn bảo: "Nhưng tôi phải nghĩ về dĩ vãng vì tôi một phần của nó mà". Đúng. Nhưng phải biết lợi dụng dĩ vãng để sáng suốt nhìn tương lai. Nó chưa có kinh nghiệm để sống lúc này đi. Muốn được như vậy thì phải làm bằng cách nào? Phải lập kế hoạch cho đời bạn. Bạn là một phần tử trong một vũ trụ có trật tự và hệ thống, nếu đời bạn không có trật tự, hệ thống thì bạn sẽ khổ sở. Bạn tự hỏi bạn câu này đi: "Tôi không biết" hoặc "tôi không biết chắc" thì bạn hỏng rồi, tương lai của bạn sẽ đen tối lắm, vì bạn sẽ để cho đời sống trôi qua mà không sống nó.

    Xin bạn thử tính sổ cuộc đời bạn đi, tính ngay bây giờ đi. Tự xét lương tâm rồi xét nhu cầu cùng ước vọng của bạn không? Có phát triển tài năng của mình không? Bạn có đương lội xuống giữa một dòng nước chảy mạnh không hay là giữa một dòng nước lờ đờ? Những cao vọng bạn tiêu tan lần lần đi không? Nếu có thì quyết định sống đời mới mẻ, tươi thắm có mục đích, có hy vọng đi.

    Bạn làm như vầy: Trước hết, lựa một mục đích có thể làm cho đời bạn mãn nguyện, đầy đủ về thể chất cũng như về tinh thần. Tin rằng nó sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn.

    Coi chừng những mục đích nhỏ. Nó không làm thỏa mãn ta đâu. Phải dám nhìn cao, dám yêu cái cao cả.

    Làm sao có được mục đích đó? Rất giản dị: Nhìn tới trước mười năm đi. Tự hỏi trong mười năm nữa mình muốn thành người như thế nào.

    Lập được chương trình mười năm rồi, chia ra từng năm một rồi bắt đầu thực hiện ngay chương trình năm tới. Cứ tiến đều đều nhiều năm như vậy. Chương trình mỗi năm lại chia ra từng tháng, từng tuần, tuần ngày.

    Tiến được bước đầu là một niềm vui quý giá. Nó làm cho ta tin tưởng rằng những bước sau sẽ thực hiện được.

    Phương pháp tôi mới chỉ đó phải là không tưởng không? Không. Nó là một sự thật, về tâm lý. Bác sĩ Charlotte Buhler và các nhà hợp tác với bà ở Viện Nghiên cứu Tâm lý tại đại học đường Vienne đã nghiên cứu đời sống của trên hai trăm danh nhân trong số đó có Rockefeller, Foethe, Oscar Wilde, Jenny Lind và Isadora Duncan.

    Mỗi danh nhân đều tự lựa một mục đích, đều sống vì mục đích đó, đem hết cả khí lực ra thực hiện

    Nó.

    Có mục đích nhất định thì hoạt động của ta mới đầy đủ ý nghĩa và ta mới được lòng nhiệt thành,

    Thứ bảo vật mà trời tặng cho ta đó. Nhiệt thành, Anh ngữ gọi là "Enthusiasm", mà Enthusiasm do tiếng Hy Lạp "Enthoes" nghĩa là có Thượng đế ở trong. Một số người sống có mục đích thì hơn hẳn con người thường, mà gần như có linh cảm. Người đó tìm được sự liên quan giữa hành động hôm nay và mục tiêu ngày mai. Nhờ vậy đời sống sẽ thành một cuộc mạo hiểm để thực hiện lần lần những ước mộng của mình.

    Những người thành công đều có lòng nhiệt thành, chẳng hạn nhà toán học Poincare mê man với công việc của ông. Xin bạn hãy để ý: Ông không phải chỉ thích công việc, cần mẫn làm việc, mà mê man với công việc. Thành thử khí lực của ông không phí đi đâu mà hướng cả vào công việc đó. Struthers Burt nói: "Người ta thất bại không phải vì ngu mà vì không đủ hăng hái".

    Làm sao để hăng hái với công việc của mình? Ông Thomas Buxton đã trả lời câu hỏi đó như sau: "Càng sống tôi càng tin chắc rằng con người sở dĩ khác nhau - người thì yếu, kẻ thì mạnh, người thì thành vĩ nhân, kẻ thì là phàm phu - chính là ở chỗ có nghị lực hay không, có chí cương quyết biết biến hay không, có định rõ mục đích hay không, có điều độ thì ở đời này làm việc gì cũng được, không có nó thì tài năng, hoàn cảnh cũng chẳng giúp ta làm nên được cái gì cả.

    Disraeli cũng tìm ra được điều đó:" Một người đã vạch mục đích rồi thì phải thực hiện nó, và không có cái gì có thể chống nổi cái chí lớn chịu hy sinh cả tính mạng để thực hiện mục đích. "

    Có mục đích thì bao nhiêu năng lực tích cực của ta sẽ được giải phóng, những hành động của ta cũng không tản mác lộn xộn nữa. Người bắn cung phải biết mình nhắm cái gì rồi mới dương cung nhắm cái đó. Chương trình của ta cũng sẽ trật hết nếu không có định hướng." Không có ngọn gió nào có thể giúp một kẻ không biết mình muốn tới bến nào. "

    Sự từng trải của ta phải giúp ta khéo lựa những mục tiêu nào hợp với ta rồi đem tất cả năng lực thể chất và tinh thần ra để theo đuổi. Ta không nên để cho hoàn cảnh lôi cuốn mà phải tạo ra hoàn cảnh.

    Bạn có biết rằng bạn có thể làm được nhiều hơn trước. Bạn đã phí sức vì không hướng nó về một mục đích nhất định, và bạn đã thất bại. Bây giờ bạn phải tập thói quen hành động theo khuôn phép để thành công. Không phải chỉ thành công về vật chất đâu, còn phải thành công về sự luyện tư cách và hiểu người.

    Muốn vậy, bạn phải tự hỏi mỗi ngày:" Hôm nay chương trình của ta đã thực hiện được đến đâu? "Tự vấn tâm như vậy, bạn sẽ tìm hiểu bạn. Hơn nữa, bạn còn tìm ra những phương tiện để thỏa mãn ý muốn của mình, thực hiện được chương trình của mình.

    Các trường đại học thời Trung cổ bắt sinh viên mỗi buổi sáng phải trầm tư rồi mới học. Dante thích làm việc đó, còn Thomas Aquinas thì đặt một sọ người trên bàn mỗi khi trầm tư để tránh cái tật phù phiếm. Tương truyền Socrate có lần trầm tư trọn một ngày. Montaigne ca tụng sự trầm tư, ông nói:" Trầm tư là một hoạt động phong phú, đầy năng lực đối với người nào biết tự xét mình và tu nhân".

    Nhưng bao giờ bạn bắt đầu trầm tư? Và trầmtư về cái gì?

    Phải trầm tư ngay từ bây giờ và suy nghĩ về bản thân bạn. Hạnh phúc của bạn ra sao? Bạn đã làm được cái gì cho mình và cho đời chưa? Ngày hôm nay đâu, bạn có hoạt động hợp với mục đích không?

    Trầm tư như vậy, tự hỏi những câu đó mỗi ngày, bạn có thói quen lập chương trình mỗi ngày một cách sáng suốt, rồi có đủ nghị lực để thực hiện chương trình để làm việc đó bổ ích mà không tốn nhiều thì giờ.

    Sau cùng với mỗi ngày sau khi suy nghĩ về mình, phải có một quyết định. Quyết định đó không cần lớn lao, nhưng phải xác định. Đừng mà mơ hồ, viễn vông; chỉ quyết định cái gì làm được, và quyết định rồi thì phải làm cho được. Như vậy mỗi ngày ghi một thành công, mỗi ngày gây được đức can đảm cho ngày hôm sau. Tiếp tục được hàng tháng, hàng năm thì thành một đời sống mới, chứ có gì lạ đâu.

    Nhưng, điều quan trọng nhất là phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Nếu nán lại thì rồi bạn sẽ ân hận. Có thể nán lại mọi thứ, trừ sự sống. Trời ban cho ta ngày hôm nay thì mọi việc tốt phải bắt đầu từ ngày hôm nay. Và nếu bạn không biết điều này thì bạn không biết một chút gì hết. Đây là một đời sống mới. Nó bắt đầu bằng cái phép mầu này là mặt trời lại mọc mà khí lực của ta lại đổi mới: Đêm tối đã qua mà ta lại có cái may là được sống. Thế thì nắm lấy nó đi. Vì ngày mai đã bắt đầu tiến từ ngày hôm nay.

    • Nếu bạn muốn sống đời mới thì làm như vậy:

    1 - Bắt lấy hình ảnh của một đời sống mới.

    2 - Quên quá khứ đi. Chỉ nên nghĩ tới nó để rút kinh nghiệm thôi.

    3 - Lựa mục đích đem lại cho bạn một đời sống mới hơn và phong phú hơn.

    4 - Trầm tư mỗi ngày để cho đời sống mỗi ngày ăn khớp với mục đích của bạn.

    5 - Nắm l ấy ngày hôm nay. Bắt đầu ngay bây giờ đi.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  4. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    II. TÁM CÁCH ĐỂ LUYỆN TRÍ CHO ĐƯỢC MINH MẪN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năng lực của ta mạnh hay không phần lớn là nhờ trí óc. Mỗi ngày qua là trí óc của ta hoặc sắc bén lên hoặc nhụt đi. Charles Darwin viết trong cuốn Tự truyện: "Nếu tôi được sống lại cuộc đời của tôi thì tôi sẽ theo cái luận ít nhất cùng một lần một tuần, đọc ít bài thơ và nghe vài bản nhạc; vì những bộ phận trong óc tôi, nếu được thường dùng như vậy thì có thể không đến nỗi suy mòn như ngày nay".

    Bà con cũng nói: "Óc của ta có thể thành ra đầy cỏ hay đầy lúa; cho nên mỗi mùa phải nhổ cái kia đi mà tưới bón cái này".

    Muốn luyện trí óc, có một cách là bắt nó làm việc, nghĩa là suy nghĩ. Suy nghĩ là một công việc giản dị và vui thú. Thú hơn là trò chơi, mà tiện lợi là mùa nào làm cũng được.

    Ông Eliot Hiệu trưởng trường Đại học Harvard đã chỉ cho ta thuật suy nghĩ. Ông bảo chỉ có bốn giai đoạn: "Giai đoạn thứ nhất: Nhận xét đúng đắn; giai đoạn thứ nhì: Ghi chép kỹ lưỡng; giai đoạn thứ ba: So sánh, gom góp lại rồi kết luận cho đúng; giai đoạn thứ tư: Phô diễn kết quả của ba công việctrên".

    Ông Alexander Graham Bell rút lại còn ba giai đoạn: "Nhận xét. Nhớ. So sánh!" Bất kỳ làm công việc gì, tìm thủ phạm trong một truyện trinh thám, phân tích một công việc làm ăn hay nghiên cứu, tìm tòi về bom nguyên tử, bạn cũng phải theo những giai đoạn đó.

    Nhưng biết những giai đoạn đó cũng không ích gì nếu không đem ra tập tành. Muốn nhận xét, nhớ và so sánh, trí óc ta phải minh mẫn.

    Dưới đây là tám cách luyện tập để bồi bổ trí óc cho nó được minh mẫn. Bạn bắt đầu tập ngay từ hôm nay đi. Chỉ trong một tuần, bạn sẽ thấy đời sống của bạn thay đổi. Trí óc bạn bắt đầu minh mẫn lên. Ngũ quan bén nhạy hơn. Phán đoán của bạn sáng suốt hơn.

    • Cách thứ nhất: KÍCH THÍCH NGŨ QUAN

    Không có cái gì vô trí óc ta mà không qua ngũ quan. Vậy phải luyện tập ngũ quan. Một đêm nào đó, bạn leo lên một chỗ thật cao rồi nhắm mắt lại, để cho thanh âm của thành phố rót vào tai bạn, và ráng phân biệt những cái ở chung quanh bạnmà không cần ngó.

    Một lần khác, rờ hết thảy những vật trong phòng rồi ghi chép lại cảm giác. Kim loại, quần áo, gỗ, rờ tới khác nhau ra sao? Nhắm mắt lại ngửi bông mà ráng đoán được tên mỗi loại. Có thể nếm mà phân biệt được khoảng trăm món ăn không?

    Nhớ rằng một bản hòa tấu đối với người không luyện tai để nghe chỉ là một mớ âm thanh hỗn độn mà người biết nghe thì rất thú, vì họ phân biệt được âm thanh mỗi nhạc cụ, hiểu được tiết điệu. Vậy phải dùng ngũ quan mỗi khi gặp cơ hội.

    • Cách thứ nhì: SUY NGHĨ ĐỂ SÁNG TẠO.

    Tập tinh thần thí nghiệm. Đừng thỏa mãn về cách thức làm việc của mọi người. Tìm nguyên nhân tại sao người ta lại làm như vậy. Xét xem có cách nào hay hơn không.

    Ông G. Z. Medalie làm luật sư, làm thẩm phán dạy các sinh viên luật. Ông thành công rực rỡ vì biết chỉ cho họ cách suy nghĩ, còn các trường luật chỉ dạy cho họ các quy tắc.

    • Cách thứ ba: TỔ CHỨC TƯ TƯỞNG CỦA BẠN.

    Có khi nào bạn tìm thấy giải pháp về một vấn đề thì đã quá trễ rồi không? Nếu có thì tại sự hiểu biết của bạn không được tổ chức.

    Phần đông chúng ta phải nhồi vào óc nhiều quá đến nỗi nó chứa không hết. Kết quả là trong óc không có những hình ảnh rõ rệt mà là một ấn tượng mù mờ như mây khói. Như vậy cũng nguy hiểm như ra biển khơi trong lúc sương mù.

    Năm 1936 một công ty chuyên chế tạo những dụng cụ để xếp đặt giấy tờ, in một miếng giấy vẽ hai hạng người: Một hạng ngăn nắp, giấy tờ cất có chỗ riêng, nên vẻ mặt hớn hở; một hạng cau có, giấy tờ vung vãi ở chung quanh.

    Đừng nhồi đại mọi thứ vào trong óc bạn mà phải xếp đặt cho đâu ra đấy. Tổ chức những cảm giác của bạn đi. Đừng giữ đủ mọi thứ mà lựa chọn cái gì nên giữ hãy giữ, cái gì quan trọng thì để riêng.

    Chẳng hạn có cái gì mà bạn muốn nhớ hoài thì tạo cho nó một hình ảnh, làm cho nó liên quan tới một chuyện nào đó, vì những cái gì tổng quát thường dễ quên.

    Rồi đứng vào một phương diện độc nhất mà nhận xét cái đó. Tả nó ra như một người quen nghe vậy. Nếu có thể giảng cho một đứa trẻ hiểu được một điều nào thì hình ảnh của điều đó đã rõ ràng trong óc bạn rồi đấy.

    Mấy năm trước, ông Louis Wiley, Giám đốc thương mại tờ Times ở Nữu Ước, mời tôi lại thăm một nhà lý tài mà ông cho là một người tài năng vào bực nhất. Khi tới khách sạn Sherry Netherland, gặp nhà lý tài đó thì cảm giác đầu tiên của tôi là ông ta rất năng động, không khí chung quanh ông ta đầy sinh khí. Ông ta hăng hái lạ thường.

    Wiley muốn bỏ vốn vào một thứ rượu mới và hỏi ý kiến của nhà lý tài đó. Sau khi hỏi ông Wiley những điều cần biết rồi ghi vào một miếng giấy nhỏ, ông ta suy nghĩ một chút, rồi trả lời ông Wiley một cách rõ ràng đầy đủ chi tiết, tỏ ra rằng chẳng những biết rõ vụ làm ăn của ông Wiley mà còn biết rộng hơn nhiều nữa.

    Các luật sư cũng dùng phương pháp đó: Tóm tắc những điểm chính trên một miếng giấy. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề gì cũng nên làm như vậy: Ghi những điểm chính rồi đặt câu hỏi: Tại sao? Tìm ra những nguyên nhân rồi sẽ thấy hướng đi, nếu cần thì tra xét thêm nữa.

    • Cách thứ tư: DÙNG TRỰC GIÁC

    Có khi nào bạn có cảm giác về một người hay một vấn đề nào đó mà không hiểu cảm giác đó do đâu mà ra không? Những lúc như vậy là bạn có trực giác đấy. Các nhà tâm lý học bảo rằng đàn bà có nhiều trực giác hơn đàn ông, nhưng ai cũng có trực giác.

    Trực giác là năng lực thường dùng nhất. Nếu biết phát triển và điều hòa nó thì khả năng của bạn tăng lên rất nhiều. Croce, Bergson, Lossky và các nhà tâm lý học khác bảo rằng trực giác giúp chúng ta thấu sự vật, hiểu được những ý tại ngôn ngoại. Đa số vấn đề của chúng ta giải quyết được nhờ cách khéo đoán được tương quan của những sự kiện, đoán được bản chất những yếu tố mà ta không được biết.

    Ông Owen D. Young, chủ tịch danh dự của ủy ban General Electric, một trong số những nhà doanh nghiệp lớn ở Mỹ có lần bảo tôi: "Tôi cho rằng muốn luyện trí thì không gì bằng luyện trực giác". Mà muốn vậy thì phải tập. Chẳng hạn gặp một người, bạn để ý nhận nét mặt, ngôn ngữ của họ, họ lúng túng, do dự, hay sắc diện thay đổi ra sao mỗi khi xảy ra một việc gì. Như vậy quen rồi chỉ thấy bề ngoài một người khác bạn đoán ngay được trong lòng họ ra sao.

    Lựa ba người bạn biết rõ nhất. Bạn có ý kiến gì về họ, phân tích ý kiến đó ra. Rồi ráng tìm xem tại sao bạn có ý kiến đó, do những việc nào đã xảy ra. Khó ư? Vâng, rất khó. Bạn sẽ thấy rằng những cảm giác sâu sắc của bạn do trực giác mà có. Lý trí chỉ chiếm một phần nhỏ thôi, tình cảm mới chiếm một phần lớn. Như vậy là bạn đã dùng trực giác đấy. Bây giờ đây, bạn ráng tăng năng lực của trực giác lên bằng cách chú ý vào những chi tiết nhỏ nhưng hiển thiện. Rồi kiểm soát xem trực giác của bạn có đích xác không.

    Tập như vậy lâu thì cảm giác của bạn sẽ nhạy lắm, bạn chẳng những thấy bằng ngũ quan, mà còn thấy bằng toàn thân.

    • Cách thứ năm: LUYỆN TRÍ PHÁN ĐOÁN

    Mỗi buổi sáng bạn chỉ cần tập trong mười phút thôi. Sau khi đọc lướt qua số báo hằng ngày rồi, bạn đọc kỹ lấy một bài. Đọc xong, tự hỏi trọng điểm bài đó ở đâu. Gấp tờ báo lại, nhắm mắt, trả lời 5 câu hỏi này:

    1 - Ta có ý kiến gì để bênh vực quan điểm đó? 2 - Ta có ý kiến gì để chống quan điểm đó?

    3 - Vấn đề đó có những giải pháp nào?

    4 - Vấn đề đó có lợi gì cho sự hiểu biết của ta không?

    5 - Ta có thái độ của ta về vấn đề đó cách nào cho rõ ràng?

    Tập như vậy được lợi là đem dùng những sự hiểu biết của ta, bắt ta nhìn cả hai mặt của một vấn đề, bắt ta phân tích rồi phân biệt, suy nghĩ minh bạch.

    Mới đầu bạn sẽ thấy khó khăn; nhưng đừng thất vọng. Bạn sẽ thấy rằng sự hiểu biết của mình hẹp quá, nhưng lần lần sự hiểu biết của bạn sẽ tăng lên. Tập độ một tháng, óc bạn sẽ mẫn tiệp, hiểu biết một vấn đề rất mau rất dễ.

    Phương pháp đó chẳng mới mẻ gì đâu. Hai nghìn năm trước, Aristote đã chỉ nó trong cuốn Rhetorica cho các nhà cầm quyền Hy Lạp để giúp họ suy nghĩ sáng suốt. Phương pháp đó tới nay vẫn

    Còn công hiệu. Bạn thử nó đi.

    • Cách thứ sáu: TĂNG SỐ NGÔN NGỮ LÊN

    Ngôn ngữ là công cụ để biểu hiện tư tưởng. Tôi đã dạy học nhiều năm và nhận thấy rằng phần đông người ta có nhiều ý nghĩ mà chỉ vì thiếu tiếng để diễn nên phải thua kém người khác. Nếu bạn không có đủ ngôn ngữ để khéo diễn tư tưởng của bạn thì chính bạn cũng bớt tin ở những tư tưởng đó.

    Đây là một phương pháp mà hàng ngàn sinh viên của tôi đã nhận là vui, và hữu hiệu: Kiếm một miếng giấy cứng, nhớ mỗi khi gặp một tiếng nào không biết rõ nghĩa thì chép lên giấy. Lúc nào rảnh, tra tự điển rồi ghi ba nghĩa chính của nó lên miếng giấy. Nhưng như vậy, nó vẫn chưa thành dụng ngữ của bạn. Nó với bạn chỉ mới là biết mặt nhau thôi. Phải dùng tiếng đó làm ba câu với ba nghĩa của nó.

    Bây giờ đã thành dụng ngữ của bạn chưa? Vẫn chưa. Phải tập bò trước khi tập đi. Bỏ miếng giấy đó vào trong túi. Trong tuần lễ đó, để ra ít phút để coi lại, khi phải đợi ai chẳng hạn. Trò chuyện với ai, ráng đem dùng tiếng mới học đó.

    Thử mỗi ngày học một tiếng thôi. Biết được tiếng này thì thích biết thêm được một tiếng khác liên quan ít nhiều với nó. Lâu rồi thành thói quen, muốn diễn được đầy đủ những tư tưởng của bạn bằng những tiếng chính xác, rõ ràng.

    • Cách thứ bảy: ĐỌC SÁCH

    Người ta bảo sách là món ăn tinh thần. Nếu trí óc đầy những tư tưởng bậy bạ thì là tại ta đọc những sách bậy bạ. Báo chí không đủ để nuôi tinh thần, phải đọc thêm những sách chứa tư tưởng cao, diễn bằng những lời đẹp.

    Ông William Briggs, giáo sư danh dự của trường Đại học Columbia có lần bảo tôi rằng ông làm cho đời ông phong phú lên bằng cách rất đơn giản: Hồi mới cưới, ông bà quyết định mỗi ngày sau bữa điểm tâm, bỏ ra mười lăm phút để đọc lớn tiếng một tác phẩm cổ điển. Trong ít năm ông bà đọc được nhiều danh tác, rồi thành một thói quen, ông bà giữ tới ngày nay. Và ông nhờ vậy đã thành một nhà mô phạm xuất chúng của Mỹ.

    Tại sao không theo gương ông, sống với các vĩ nhân cổ kim của thế giới, mà lại bắt mình chỉ được sống với những người của thế hệ mình? Ngay đêm nay, bạn có thể mời một nhà bác học danh tiếng nhất của loài người về nhà trò chuyện với bạn. Đơn giản lắm! Chỉ cần lựa một tác phẩm nổi danh nào đó rồi tìm hiểu tư tưởng, cảm xúc của tác giả. Mà không phải ngại rằng quý khách của bạn mệt mỏi. Bạn chẳng phải pha trà tiếp đãi, mà muốn giữ khách đến bao giờ cũng được, muốn mời khách về lúc nào cũng được. Khách luôn luôn vui vẻ, nhã nhặn, tận tâm với bạn, đem hết sở đắc ra chỉ cho bạn.

    Vậy bạn nhớ mỗi ngày bỏ ra một lúc để làm cho tinh thần của bạn phong phú lên nhé? Một ngân hàng ở Manhattan mới rồi quảng cáo: "Một phần lợi tức của bạn kiếm được là của bạn đấy; để dành nó đi". Tôi cũng muốn nói: "Một phần ngày là của bạn đấy, để dành nó vào việc đọc sách đi, hầu làm cho đời của bạn được phong phú hơn".

    • Cách thứ tám: DÙNG CÂY VIẾT CHÌ

    Xin bạn chú ý vào đoạn dưới đây. Nó bày ta một thuật luyện trí trong khi đọc sách, giúp bạn hiểu mau hơn và nhớ kỹ hơn. Mới đầu, cần có kỷ luật và hơi mất thì giờ, nhưng chẳng bao lâu kết quả sẽ làm cho bạn ngạc nhiên.

    Nếu bạn có cái thói đọc lướt qua, nhảy trang thì phải tập đọc chậm chậm lại. Đọc nhanh thì có khi óc chỉ đầy những cảm giác thoáng qua, rồi hết.

    Lựa một bài gợi ta suy nghĩ về một vấn đề ta thích. Lựa một môn nào mà ta muốn nghiên cứu kỹ. Rồi đọc cho hết bài đó. Trong khi đọc, nhớ câu tục ngữ La tinh này: "Học mà không có cây viết thì tức là ngủ". Cầm một cây viết chì, đọc xong mỗi đoạn là tóm tắt lại ý tưởng của tác giả. Cây viết chì là cái quan trọng nhất. Nó cho biết trí óc của bạn chăm chú vào vấn đề hay vơ vẩn ở đâu đâu. Nếu nó ngưng là trí bạn lông bông rồi đấy. Đừng chép lại đúng lời của tác giả. Cách đó là cách làm biếng, không có công hiệu gì mấy. Phải diễn tư tưởng của tác giả bằng lời văn, giọng văn của bạn.

    Như vậy được ba cái lợi: Trước hết nó bắt bạn phải tìm hiểu nghĩa đoạn mà bạn đọc. Nó làm cho năng lực tinh thần của bạn hướng vào một mục tiêu và kích thích bạn.

    Lại thêm lúc mà bạn kiếm đại ý trong đoạn chính là lúc bạn bắt đầu suy nghĩ. Nếu cảm giác còn mơ hồ thì bạn nhận thấy ngay, và bắt buộc phải đọc lại.

    Sau cùng tóm tắt bằng lời lẽ của bạn là cách dùng trí óc đầy đủ nhất. Phải viết thành câu rõ ràng, cô đọng, gọn gàn[3] .

    Tóm tắt

    Đọc lại tám cách luyện trí chỉ ở trên, bạn sẽ nhận thấy chúng có chung một ý này: Tập luyện . Cả tám cách đều bắt bạn làm việc. Có quen làm rồi mới khéo; ngoài ra không có cách nào khác. Nếu chỉ đọc chương này thôi thì bạn chỉ mới luyện con mắt; có thực hành được tám cách đó mới là luyện trí.

    Nên nhớ rằng: Cái gì không dùng sẽ mất.

    Tôi nhắc lại, tám cách đó là:

    1. Kích thích ngũ quan.

    2. Suy nghĩ để sáng tạo.

    3. Tổ chức tư tưởng.

    4. Dùng trực giác.

    5. Luyện trí phán đoán.

    6. Tăng số dụng ngữ.

    7. Đọc sách.

    8. Dùng cây viết chì.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
  5. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    III. LÀM SAO SỐNG MỘT ĐỜI SỐNG PHONG PHÚ HƠN?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 1935, tôi đi thăm nhà tu của giáo phái Luyện tâm (trappist) ở trên Melleray, xứ Ái Nhĩ Lan. Tôi muốn thí nghiệm đời sống tu hành khắc khổ nhất, ở một thời gian với những người không bao giờ nói, chỉ làmviệc và tụng kinh suốt ngày, lại thường nhịn đói, và luôn luôn ngủ trên ván.

    Tôi quyết định leo ngọn núi đó để tới tu viện. Khi leo được nửa đường, tới một chỗ quẹo, một ông già thấy tôi, tươi cười, chào tôi bằng câu hát này: "Thánh mẫu hôm nay phù hộ cho cháu". Từ đó, tôi thấy đường núi hình như dễ leo hơn và cảm thông được tinh thần của những người đã làm cho ngọn núi khô khan này thành một thánh đường - tinh thần của những người chịu cái khắc khổ về phần mình muốn phân phát tình yêu cho khắp thế giới.

    Trước khi rời tu viện, tôi đọc học được bí quyết của sức mạnh tinh thần đó. Những tu sĩ đó đã tập được tinh thần vị tha, tinh thần độc nhất có thể làm cho con người vui vẻ, bình tĩnh.

    Thế nào là có tinh thần vị tha? Là hiểu rằng đời sống xã hội cần thiết cho đời sống cá nhân. Tứ hải giai huynh đệ , lời đó đã có từ xưa. Chúng ta có thể nói thêm rằng: "Chúng ta với những người khác là một"; vì cái chân lý của đời sống mới là: Không có người khác, người khác chỉ là một bản thể bao trùm lấy ta thôi. Chúng ta sống với người khác và ở trong người khác. Người khác không cách biệt hẳn ta mà là một phần tử của ta. Không có họ thì chúng ta chết. Có họ thì chúng ta sống phong phú lên. John Donne nói: "Không ai là một cái cù lao; ai cũng là một phần của lục địa; một phần của toàn thể;một người nào đó chết cũng làm cho tôi giảm đi vì tôi ở trong nhân loại; cho nên đừng bao giờ hỏi: Chuông báo ai chết đó? Nó báo ta chết đấy".

    Tinh thần vị tha làm cho đời bạn hóa đầy đủ. Càng tập được nó thì tinh thần của bạn càng già giặn, vì có tinh thần già giặn là nhận được rằng cái lợi của mình, nằm trong cái lợi của người.

    Khó mà tập được tinh thần đó vì cái bản ngã của ta thường cho thấy người khác chỉ cản trở ta thôi, cho nên mới gọi họ là "đối phương", là "địch thủ", là "kẻ thù". Chúng ta biến người khác thành "đối tượng" để khỏi phải coi họ là người, và rồi có thể tàn nhẫn với họ được.

    Tên cướp nào cũng cho xã hội là kẻ thù. Các bậc danh tướng đều nghĩ rằng quân đội mình diệt cái xấu xa, cái tàn bạo, chứ không phải diệt những sinh vật là con người.

    Mới rồi, tôi nghe lời của người lính trẻ này mà chua xót: "Không bao giờ tôi quên được cảnh này:

    Chúng tôi tảo thanh một châu thành và núp để bắn. Lệnh trên ban xuống:" Hễ thấy cái gì động đậy là bắn ". Thình lình tôi thấy một cái bóng chạy ngang qua một nhà lầu cao, cánh tay kẹp một cái gì. Tôi bắn một phát trúng. Tôi vừa ra khỏi chỗ núp thì thấy một em gái mười tuổi chạy lại cái bóng đó và siết chặt vào lòng. Tôi tiến lại gần, em gái hoảng hốt ngó tôi, la:" Chú đã giết ba tôi. Chú đã giết ba tôi ". Tôi hoang mang, lảo đảo. Như thằng điên, tôi đưa cho em một miếng kẹo. Em tỏ vẻ khinh bỉ tôi và tiếp tục la:" Chú giết ba tôi. Chú giết ba tôi ". Bây giờ đây tôi còn thấy em hôn cái xác của cha em, trên cánh tay ông còn kẹp một ổ bánh mì dính máu".

    Khi bạn thấy rằng mình coi người khác không phải như một con người thì bạn đã mất một phần cái nhân đạo của bạn rồi.

    Tinh thần vị tha là phương thuốc trị bệnh vô nhân đạo. Mấy năm trước, một buổi sáng mùa hè, trời oi bức, tôi đi từ phòng trong khách sạn ra eo biển để tắm. Khi qua sân, tôi thấy ba tôi đang đào đất để trồng một cây nhỏ, mồ hôi ra nhễ nhại. Tôi tự hỏi: "Sao mà đày đọa tấm thân như vậy? Ra biển tắm có khoẻ hơn không?" Rồi tôi hỏi người: "Ba khó nhọc làm gì vậy? Sao không đi tắm mát? Sang năm chúng mình đâu có ra đây nữa?".

    Người ngừng tay, ngó tôi một cách kỳ dị, không biết rằng người phật ý hay thất vọng. Sau cùng người đáp: "Thì có người khác ra đây".

    Tôi đi ra bờ biển, nhưng không thấy ham bơi nữa, trở lại hỏi ba tôi:

    - Ba trồng loại cây gì vậy? Người do dự một chút đáp:

    - Một loại cây trăm năm. Tôi hỏi lại:

    - Một cây trăm năm! Ba muốn nói một trăm năm nữa mới trổ bông?

    - Nhưng sao ba chịu khó trồng nó trong lúc nóng nực như vầy? Người mỉm cười:

    - Tại ba tự hứa phải trồng nó sáng hôm nay. Năm ngoái ba thấy ở vườn Bách thảo Beonx một cây như vậy trổ hoa. Ba nghĩ đến người ba chục năm trước đã trồng nó để bây giờ ba được hưởng và tự nhủ một ngày nào đây ba phải trồng một cây cho người tới sau được hưởng. Hôm nay ba làm công việc đó.

    Giúp cho người khác là một điều vui, vì như vậy là ta dự một phần nào vào sự phối hợp của vũ trụ.

    Tinh thần vị tha cần thiết cho một đời sống đầy đủ trong xã hội. Trước hết nó là cơ sở cho sự phát

    Triển của ta; nó hướng dẫn ta, vạch cho ta một kế hoạch, cho ta thấy sự liên lạc giữa ta và người khác.

    Lại thêm, nó là cơ sở cho sự giao thiệp với người khác. Một phần lớn hạnh phúc của ta là do ta có khéo cư xử với người khác hay không. Chúng ta cần họ mến chúng ta, kính ta, cần họ tán thành ta, ý kiến của ta, cần họ giúp đỡ và hợp tác với ta.

    Sau cùng nó là cơ sở cho sự chỉ huy. Ta lớn lên, có trách nhiệm về hạnh phúc của kẻ khác, không nhiều thì ít. Chúng ta sẽ có năng lực, quyền hành, phải được hướng dẫn, hoặc làm gương cho một sốngười.

    Càng cao niên ta càng có ảnh hưởng, càng phải chỉ huy. Vậy, nếu thiếu tinh thần vị tha thì về cả ba phương diện kể trên, đời của chúng ta sẽ thiếu cơ sở để phát triển và chúng ta không được sung sướng.

    TÓM LẠI

    Tới đây là hết phần thứ nhất. Phần đó chỉ cho bạn thấy rằng bạn có thể sống một đời sống mới.

    Rằng bạn có nhiều khả năng mà mới thực hiện được ít. Rằng bạn có thể đạt được ý muốn của mình.

    Bạn lại thấy có thể gây được năng lực trong đó con người bạn. Phải khéo dùng năng lực đó. Nó cũng như là tình yêu. Phải phân phát nó thì nó mới phát triển được, và lúc đó người khác mới quý bạn. Vì bạn với họ chỉ là một.

    Nếu bạn muốn sống phong phú thì làm như vậy:

    1. Luyện tinh thần vị tha.

    2. Sống đầy đủ bằng cách cùng sống với người.

    3. Kết tình nhân đạo với mọi người.

    4. Coi mọi người như anh em của mình.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  6. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    PHẦN THỨ HAI: ĐỜI SỐNG THUYẾT PHỤC

    I. LÀM SAO CHO NGƯỜI KHÁC TẬN TÂM VỚI MÌNH?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hồi đầu chiến tranh, một sinh viên của tôi bảo tôi: "Giáo sư muốn mua chiếc xe hơi của tôi không? Tôi để lại cho giáo sư đấy". Tôi đã thấy chiếc xe Chevrolet kiểu 1931 đó rồi, nên nghiêm trang đáp: "Cảm ơn anh". Sinh viên đó nói tiếp: "Tôi sắp nhập ngũ và cần hai mươi lăm đôla. Giáo sư có thể lái chiếc xe đó đi dạy học và để dành chiếc xe tốt của giáo sư. Với lại, tôi chắc rằng cậu em ở nhà sẽ thích nó." Thế là tối hôm đó tôi về nhà với chiếc xe cổ lỗ đó.

    Thằng con trai của tôi tên là Guy mê nó; mỗi lần qua cửa, dây điện chạm nhau, còi tự nhiên kêu, và nó la lên: "Ba, cái xe này có phép thần, còi muốn kêu lên lúc nào thì kêu". Một buổi sáng, chúng tôi lái xe ra, thằng Guy thấy những chiếc xe hàng xóm đều kiểu mới, thấp, đường cong uyển chuyển, duy có chiếc Chevrolet của chúng tôi là cao ngồng, cao hơn những chiếc xe khác đến sáu bảy tấc. Mắt nó sáng lên, khoe với tôi: "Ba, xe chúng mình cao nhất trong xóm". Quả thực chiếc Chevrolet chỉ được mỗi đặc điểm đó, còn về điểm nào cũng thua kém những chiếc kia. Nhưng thằng Guy không nghĩ tới những chỗ xấu, mà chỉ nghĩ tới điểm là xe chúng tôi cao hơn những xe khác.

    Không ai thành công được nhờ những đức tính mà mình không có. Nhưng ai cũng có thể thành công ít nhiều nhờ phát triển ưu điểm của mình. Bạn có thể giúp người khác bằng cách khen những ưu điểm của họ. Muốn được người khác tận tâm với ta thì phải biết khen những đức tính tốt của họ.

    Ông John Burroughs, nhà vạn vật học danh tiếng, có lần thề trước lò sưởi rằng không khi nào nói xấu ai hết. Bạn luyện cái tánh chỉ nhìn thấy cái gì tốt nhất ở chung quanh mình, rồi bạn sẽ được sống trong một thế giới mới: Một thế giới tương thân tương ái.

    Somerset Maugham, nhà viết tiểu thuyết trứ danh của Anh bảo: "Hiểu người khác là khen tư cách của người. Là tìm được giá trị nó làm cho đời họ đáng sống". Khi tôi hỏi Lawrence, ông vua không ngôi ở Ả Rập[5] , rằng ông làm cách nào mà được người Ả Rập quý mến như vậy thì ông đáp rằng ông đối đãi với họ như ông muốn rằng họ là người Anh hết. Lời đó tôi cho là đúng: Cứ tự nhiên với mọi người, đừng ngó lên cao, đừng ngó xuống thấp. "Ta muốn gì thì làm cho người cái đó" . Đó là con đường đưa đến sự hiểu biết nhau.

    Tìm ra những cái hay của người là một việc vừa có lợi cho người vừa có lợi cho mình. Lợi cho người vì người ta sẽ tự tin hơn; lợi cho mình vì mình sẽ được người quý mến hơn. Bác sĩ quân y Paul

    C. Boomsliter ở Đại học Cornell, kể chuyện:

    "Hồi ở trong quân đội, tôi trị bệnh cho một người bị bệnh thần kinh và ngọng. Người ta chỉ thấy phần xấu của mình và những cái làm cho mình đau khổ. Không chịu cho ai khen mình cả, tin chắc rằng thiên hạ chỉ nói dối mình để mình thấy dễ chịu hơn thôi. Muốn chữa cái thói đó, tôi bảo ông ta làm việc này: Ra tỉnh, kiếm một tiệm bán đồ nữ trang, nhìn kỹ một chiếc đồng hồ bày ở cửa tiệm, rồi về tả cho tôi xem ông ta thấy nó đẹp ở chỗ nào. Ông ta về, chỉ chê thôi: Nào là chữ đứng xa đọc không được, nào là hình thì xấu xí, nào là cái dây kiểu đó dễ đứt.. Ông ta mới đầu chỉ nói: Tôi không thích vì thế này thế nọ. Tôi bảo ông ta tả những cái ông thích cho tôi nghe. Ông ta ráng làm và sau chịu nhận là thích. Tôi hỏi tại sao thích thì ông ta lúng túng, không trả lời được, hình như làm biếng không muốn tìm lý do. Sau năm sáu lần gắng sức ông mới nói được là thích vì mặt đồng hồ lớn, vì lối chữ số thích hợp với kiểu đồng hồ, và vì dây đeo mềm, không cứa vào cổ tay khi cử động".

    Tập lần lần như vậy rồi sau ông ta nhận được ưu điểm của mỗi vật, rồi tới mỗi người ở chung quanh ông, sau cùng tới bản thân ông. Ông ta đã có được những tư tưởng mới, tình giao du mới, nhận thấy những điều mới, nói tóm lại là được sống một đời sống mới. Ông ta hóa ra hoạt bát lên, vui vẻ lên, tích cực lên.

    John Erskine, một nhà giáo dục kiêm tiểu thuyết gia, bảo: "Theo tôi, nghệ thuật hiểu người là nghệ thuật phỏng đoán rằng người khác tốt hơn là họ tưởng. Phần đông chúng ta được nghe ai khen mình thì vui sướng và ráng hành động cho xứng với lời khen đó dù là chỉ ráng được một lúc.

    " Riêng phần tôi, tôi thích đời sống tích cực hơn là đời sống tiêu cực, và tôi luôn luôn phỏng đoán rằng những người cộng tác với tôi có nghị lực, có mục đích đó và muốn được người khác giúp để họ có một đời sống đầy đủ hơn, thỏa mãn hơn. "

    Có nhiều cách để phát triển khả năng phê bình tích cực. Có khi chỉ một bức thư cũng giúp nhiều cho một người khác. Ông Ernst O. Sayfarth ở Boston đã có kinh nghiệm về điều đó. Ông kể:

    " Trước chiến tranh, ông luật sư đó và tôi, thường đi chung một chuyến xe lửa mà không bao giờ ngồi chung một ghế. Gặp nhau ở sân ga, chúng tôi chỉ "Hi" rồi mỗi người lảng đi một nơi. Nghĩ cho cùng, ngồi chung với người nào đó có thể trở thành khách hàng của mình, vẫn có lợi hơn chứ.

    Rồi chiến tranh xảy ra. Tôi hay tin ông đó nhập ngũ hơn một năm nhưng chẳng lần nào thấy nhớ ông ta cả. Một buổi sáng nọ, tôi nghe nói rằng ông tỏ ra can đảm phi thường ở mặt trận và được bội tin. Ông ta chiến đấu cho ai nhỉ? Tôi tự hỏi câu đó mà thấy lòng hơi xúc động, mắc cỡ rằng không hề tỏ cảm tình với ông ta mặc dầu đã có nhiều lần muốn lắm. Tôi bèn viết một bức thư cho ông hay rằng tôi lấy làm vinh dự thay cho ông, và xin ông đừng trả lời tôi vì tên tuổi ông vang lừng, thì tất nhận được nhiều thư lắm, hơi đâu mà trả lời cho hết.

    Chiến tranh kết liễu. Một buổi sáng nọ, chúng tôi lại gặp nhau trên sân ga. Nhưng l ần này ông chạy lại, vồ lấy và la lên: "Kìa bác Ernst, may quá, được gặp bác. Đọc thư bác, tôi vui lắm". Thế là chúng tôi cùng lên xe với nhau, cùng ngồi một ghế và nói chuyện huyên thuyên. Những lần sau cũng vậy. Bây giờ chúng tôi thành bạn thân, và đời sống chúng tôi đã phong phú thêm nhờ hiểu biết nhau hơn. "

    Người Anh chúng ta theo tục lệ do Thanh giáo chủ nghĩa truyền lại nên không được nhã nhặn, niềm nở. Chúng ta không được tự nhiên, cởi mở, khó chung vui với người khác. Hồi xưa tôi được cái may mắn học giáo sư Gilbert K. Chesterton. Giáo sư phục tinh thần nhã nhặn của dân tộc Pháp. Có lần ông nói:" Có một bức tượng của Shakespeare ở trong Hàn lâm viện Pháp, và dưới bức tượng có hàng chữ: "Thực đáng tiếc cho ta, ông không phải là một người Pháp". Chỉ có người Pháp mới làm được cái việc đó, có được thái độ đó. Chúng ta thử tưởng tượng có một bức tượng của Voltaire ở Balliol với hàng chữ này: "Đáng tiếc không khi nào ông ấy tới đây!" Có tưởng tượng nổi điều đó không? Tuyệt nhiên không ".

    Tìm được cái hay ở người khác không phải là một đức di truyền. Phải luyện tập mới có. Khốn nỗi, đa số chúng ta không bao giờ để ý đến thái độ của mình cả. Chẳng hạn như bạn, bạn có thấy mình buồn rầu không? Một đêm diễn thuyết ở Richmond, Virginia, tôi được Frank Carter kể cho nghe câu chuyện này:" Cha mẹ tôi đã dành cả cuộc đời cho việc chữa bệnh cho người mù. Một việc xảy ra năm ngoái làm cho tôi quyết định cũng đi theo con đường đó. Một trong những bệnh nhân của chúng tôi mù tự hồi mới sanh, nhờ mổ mắt một cách thần tình mà thấy được ánh sáng. Chúng tôi tò mò muốn biết, sau hai chục năm sống trong cảnh tối tăm, nay được thấy thế giới rực rỡ, muôn hình vạn trạng ở chung quanh thì cô ta cho cảnh nào hay vật gì là lạ lùng nhất. Cô ta đáp: "Vật lạ lùng nhất là cái mặt người. Trước kia tôi luôn luôn tưởng tượng rằng nó phải tươi đẹp, rực rỡ lắm. Tôi tưởng nó phản chiếu được những cái đẹp dị thường của trời biển, sông núi và của loài người. Nhưng không. Mặt con người sao mà buồn thế, buồn không thể tưởng tượng được".

    Elihu Rooth năm chín mươi hai tuổi khuyên các nhân viên trong ban Quản đốc của Hội Carnegie: "Mọi vật bây giờ đều tốt đẹp hơn mọi thời từ xưa tới nay. Vậy cứ tin tưởng nhìn thẳng vào sự vật". Lời đó chẳng những đúng với thời đại chúng ta mà còn đúng cả với chúng ta nữa. Tập thói quen nhìn thấy cái đẹp ở chung quanh đi.

    Edward Corsi, giám đốc nhà Lao động ở tiểu bang Nữu Ước, thấy rằng thái độ tìm cái tốt đẹp đó có ảnh hưởng lớn tới tội nhân. Khi ông làm trong ủy ban Di trú ở đảo Ellis, mỗi tháng Hiệp chủng quốc đẩy qua đảo khoảng một ngàn tội nhân. Ông mở cửa phòng giấy tiếp đón bất kỳ một tội nhân nào muốn nói chuyện với ông. Lối cư xử đó được tội nhân hoan nghênh, và tất cả tội nhân các khám đường từ Canada tới Mexico đều nghe danh ông, mến ông. Họ bảo nhau: "Cầu trời cho ông Corsi làm được cái gì".

    Nỗi lo lắng chung của bọn người bị đày đó là: "Tôi già quá rồi, làm sao gây dựng lại cuộc đời mới ở xứ lạ này được". Nghe vậy, ông thường bảo họ: "Vậy ra anh em không biết rằng cái họa của mình chính là cái phước ư? Này nhé, anh em được bắt đầu lại một đời sống mới ở một nơi không ai biết mình, một nơi mà anh em có thể quên quá khứ đi, có thể sống cuộc đời mới theo ý muốn của mình, cuộc đời lương thiện. Trước kia anh em bị giám sát hoài. Mỗi khi có việc gì xảy ra ở hàng xóm, thì luật pháp dòm ngó tới và bắt giam các bạn liền, thành thử không bao giờ các bạn được hàng xóm kính trọng - mà sự kính trọng đó lại là nhu cầu lớn nhất của các bạn. Bây giờ thì tên tuổi các bạn không còn ghi trong sổ Côngan nữa. Các bạn có thể tìm bạn mới, có thể tìm công việc là măn khác, để tạo một cuộc sống bình thường, lương thiện được mọi người trọng, đó đâu phải là việc khó? Ai bảo rằng không cần sự kính trọng của đồng bào là nói láo. Ở đây, các bạn có thể xây dựng một đời sống mới. Vậy thì nên mừng chứ?"

    Đa số tội nhân hiểu ông và vui vẻ sống cuộc sống mới. Ông Paul Henri Spaak, nguyên là chủ tịch thứ nhất Đại hội đồng Liên hợp quốc; và được bầu làm Thủ tướng Bỉ hồi mới ba mươi chín tuổi. Chưa có vị Thủ tướng nào mà trẻ tuổi như vậy. Ông bảo: "Tất cả các hành động của tôi đều theo quy tắc này: Mọi người có một cái gì trong bản thân đáng cho người khác chú ý; và khi tìm ra được cái đó thì cá nhân của ta phong phú lên. Nhưng chúng ta luôn luôn tìm cái tốt ở kẻ khác. Nếu chỉ lâu lâu mới tìm thì không có lợi gì mấy". Lợi có đúng. Kẻ nào kém cỏi, xấu xa tới đâu cũng có chỗ khả thủ; biết tìm ra chỗ khả thủ đó thì có thể phát huy khả năng của người đó, biến đổi người đó thành một người hữu dụng hơn.

    Nếu bạn lại nhớ thêm rằng tật hay lỗi của một người phần lớn cũng tại nền giáo dục người đó đã nhận được, thì đời bạn sẽ sung sướng hơn. Bạn dễ hiểu người thân cùng bằng hữu hơn mà không oán trách họ. Tại sao ta tha thứ cho mình thì dễ mà tha thứ cho người thì khó như vậy? Lý do là ta hiểu ta mà không hiểu người.

    Vậy lần sau, mỗi khi muốn rầy ai thì bạn ráng tự chủ lại đi, tự nhủ: "Hắn có lầm lẫn như vậy thì lần sau hắn mới khôn". Điều ta trách người thì chính người cũng tự trách người rồi. Bài học mà người đó tự tìm ra có sức mạnh hơn tất cả các lời thuyết giáo trong Thánh kinh. Cái gì ta nói với họ, họ chỉ nghe thôi. Cái gì họ tự nói với họ thì họ mới tin.

    Ông Bernard F. Gimbel, giám đốc một công ty danh tiếng tóm tắt nguyên nhân thành công của ông như vầy: "Hồi trẻ, tôi được ba tôi dạy cho tôi biết xử thế. Người đóng một vai quan trọng trong sự phát triển của công ty. Tôi không bao giờ thấy người rầy mắng ai trước mặt người khác. Người thường gọi vào phòng riêng, trước hết khen người đó đã làm được những việc gì, rồi sau mới vạch lỗi và chỉ cho cách nên làm ra sao".

    Tỏ ý quý mến ai thì thế nào cũng được người đó ủng hộ mình. "Chúng ta được cái gì mà chúng ta cho", đó là chân lý rất đúng, trong khu vực giao tế nó còn đúng hơn trong những khu vực khác.

    Khi hỏng việc, bạn nên nhớ thêm điều này nữa: Chính mình cũng chịu một phần trách nhiệm. Nếu nhận một phần trách nhiệm về mình thì các người cộng sự với ta sẽ cảm động lắm. Bạn nên noi gương ông Louis Mountbatten, nguyên phó vương Ấn Độ, một trong những nhà chỉ huy hải quân có tài trong chiến tranh vừa rồi.

    Tháng Chạp năm 1939, chiếc tàu Kelly của Hoàng gia Anh chạy vào khu quân Đức thả thủy lôi ở cửa sông Tyne. Thủy thủ trong tàu đều thấy một thủy lôi trồi lên, chạy trên boong tàu, xuống phòng máy rồi tới phòng các sĩ quan, sau cùng chạm phải cánh quạt chân vịt rồi mới nổ. Một người lính thợ máy trong phòng máy hoảng hồn, bỏ cả máy móc leo vội cầu thang lên trên boong để tránh nạn.

    Khi về tới bến, Mountbatten kêu bắt người thợ máy đó, dẫn lại trước mặt ông hỏi: "Chú có biết đào ngũ khi gặp quân địch là bị tội gì không?"

    Thanh niên đó run lẩy bẩy, đáp nho nhỏ:

    - Thưa ngài, bị xử tửạ.

    - Đúng. Ta hoãn vụ đó lại, sẽ xét sau.

    Ít giờ sau, ông kêu họp hết tất cả nhân viên trong tàu lại tuyên bố:

    - Hôm nay chúng ta đã trải qua một thử thách lớn nhất. Chúng ta đã hồi hộp thấy một trái mìn chạy từ trên boong xuống, nơm nớp lo nó nổ lúc nào không biết. Cũng may là trái mìn đó xấu, mãi tới lúc chạm phải chân vịt mới nổ. Trong số 260 người trên chiếc tàu này, có 159 người giữ được thái độ đàng hoàng, thái độ mà họ phải có: Trừ một người không tự chủ được đã bỏ chỗ làm và bỏ bạn bè ở trong phòng máy để chạy trốn. Hai giờ trước, tôi đã cho dẫn người đó lại trước mặt tôi và người đó đã thưa với tôi rằng biết rõ hình phạt là bị xử tử trong trường hợp như vậy. Tuy thế tôi đề nghị tha tội người đó; rồi tôi tự rầy tôi nữa vì tôi có lỗi là bốn tháng nay tôi không khắc được sâu vào trí não mỗi người trong tàu cần phải tránh cho những chuyện như vậy đừng khi nào xảy ra cả. Từ nay tôi muốn mọi người phải hành động như 159 người kia, phải giữ phận sự của mình cho tới cùng.

    Từ đó, nhân viên trong chiếc Kelly tỏ ra can đảm, có kỷ luật, nghị lực rất đáng làm gương. Khi nó bị tấn công bằng thủy lôi ở Bắc Hải, không một người bỏ phận sự, cả những người ở trong các phòng kế nơi thủy lôi nổ; một lần nữa trong chiến tranh ở Crète, năm 1941, cũng vậy, khi được lệnh bỏ tàu họ mới dời chỗ làm việc của họ.

    Mountbatten đã theo lời khuyên của George Eliot: "Muốn chỉ huy, người ta phải có trí óc sắc bén trong một cái bao nhung". Mà không phải cái óc sắc bén đó làm cho người khác kính mến ta đâu, chính là cái bao nhung.

    • Vậy nếu muốn được người khác tận tâm với mình, bạn nên làm như vầy:

    1. Phát triển óc phê bình một cách tích cực, xây dựng.

    2. Tìm giá trị và tài đức của người quanh ta.

    3. Hợp tác với ai thì vẽ một bức chân dung đẹp nhất cho người đó.

    4. Nhớ rằng có lỗi lầm rồi mới khôn.

    5. Suy nghĩ trước khi rầy ai.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  7. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    II. NẾU LÀM ĐƯỢC NHƯ VẦY THÌ BẠN SẼ CHINH PHỤC ĐƯỢC THẾ GIỚI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mấy năm trước, [6] người ta đã đặt ra một chức vụ quan trọng nhất từ xưa đến nay, chức Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Nhiều chính khách cho rằng sự bầu cử người giữ chức đó sẽ là sự vấp váp đầu tiên trong công cuộc hợp tác quốc tế. Tất nhiên là người giữ ghế đó phải được lựa chọn bằng sự thỏa thuận của các nhân viên Hội Đồng Bảo An, nhất là của hội viên Ngũ Đại Cường [7] . Các quốc gia khác ngại ngùng lắm, nhưng chẳng có ảnh hưởng gì mấy trong sự quyết định. Người ta bàn cãi lâu để ráng tìm một người được tất cả các cường quốc và được các quốc gia khác tin cậy. Sau cùng người được lãnh vinh dự đó là ông Trygve Lie, Bộ trưởng ngoại giao Na Uy thời chiến tranh. Ông Trygve Lie có những đức gì mà được vạn quốc lựa như vậy? Ông William H. Stoneman, cố vấn chuyên môn của Tổng thư ký bảo tôi: "Hiện nay ông Trygve Lie làm cái việc tìm hiểu kỹ mỗi người mà ông phải giao thiệp - ngoại trưởng của mỗi nước, người lái xe cho ông ngoại trưởng đó và những nhân viên trong phái đoàn của ngoại trưởng. Ông cho rằng công việc của ông là tìm hiểu đời sống trong gia đình của người đó ra sao, họ lo nghĩ gì, tiêu khiển ra sao, quan niệm của họ về chính trị và xã hội thế nào. Ông Lie là một nhà chuyên môn về sự hiểu biết người. Ông vui vẻ, nhã nhặn nghe họ nói; mặc dầu rất tin tưởng vào cái quyết định sáng suốt của mình, ông bao giờ cũng để cho người khác cái quyền suy nghĩ khác ông, nghĩa là ai nói gì ông cũng kiên nhẫn nghe, tới khi nào người đó không còn giữ lễ độ thì ông mới bỏ đi hoặc ngắt lời. Ông Chester Bowles cũng nói với tôi như vầy:" Sau năm năm làm việc trong nội các, tôi tin rằng chín phần mười vấn đề của ta là ở chỗ các nhóm kinh tế có hiểu được những vấn đề của nhau hay không ". Nếu bạn muốn thuyết phục người khác thì bạn phải tập tính tôn trọng cảm giác tư tưởng của họ. Phải hiểu quan điểm của họ. Phải tập suy nghĩ và hành động sao cho hợp với nhu cầu của họ - nhất là khi quyền lợi của hai bên khác nhau. Chẳng hạn ông Clark H. Minot, hội trưởng công ty điện Quốc tế, đã kể cho tôi nghe được một kinh nghiệm học được ở Trung Hoa. Ông nói:" Chúng tôi đang xây một cái xưởng mới. Máy đã đặt và người ta đang dạy cho thợ Trung Hoa dùng những lưỡi khoan tự động. Họ chưa dùng những máy móc đó bao giờ. Tất nhiên có vài người vô ý bị máy kẹp nát ngón tay và bị thương. Thình lình họ đình công, bảo rằng có ma quỷ trong máy và đòi trừ tà ma rồi họ mới chịu làm tiếp. Sau cùng chúng tôi phải đón một thầy pháp lập đàn cúng ở trong sân. Thầy pháp đọc thần chú, cầm một nhánh thông dụ tà ma ở máy ra hưởng các đồ cúng ngoài sân. Thấy thức ăn vơi lần đi. Tôi ngờ rằng thầy pháp cầm nhánh thông và cái chai lớn đi chung quanh đàn đá đá thức ăn cho rớt vào đống lửa! Khi tà ma ăn no nê rồi, thầy pháp lấy cánh thông dụ chúng chui vào trong một cái chai, bịt kín lại. Thế là thầy pháp lãnh một số tiền lớn rồi ôm cái chai nhốt tà ma đi. Thợ thuyền thỏa mãn, vui vẻ làm việc lại. "Ông Clark Milore tất nhiên không tin cái trò bắt tà đó, nhưng thợ thuyền Trung Hoa thì tin. Cho nên ông phải làm theo ý họ. Tôn trọng cảm giác, tư tưởng của người khác là thế đấy. Đừng bao giờ bắt người khác theo quan niệm của mình, dù mình chắc mười mươi rằng mình có lý. Khi bắt buộc như vậy, mình tỏ rằng mình biết nhiều hơn, kinh nghiệm hơn người. Mà con người thường không chịu cho ai dạy đời như vậy. Theo luật tâm lý, không thể nào một người từ bỏ kinh nghiệm của mình được. Nó là một phần bản ngã của người đó. Nếu ta bác kinh nghiệm đó đi thì người ta sẽ chống cự lại đến cùng. Năm 1944, quân đội Mỹ muốn cất một phi trường nhỏ ở Chabua, Ấn Độ. Ban kỹ sư cho chở ngàn chiếc xe một bánh để tải đá, cát, xi măng. Nhưng lao công Ấn Độ không chịu dùng những xe đó. Có người khuyên ông Stilwell bắt buộc họ phải dùng. Hiểu được tâm lý họ, ông không nghe, bảo đưa xe cho họ, rồi họ muốn làm gì thì làm. Bạn có biết họ làm gì không? Họ làm theo cách của họ, nghĩa là hai người đỡ bao cát đặt trên đầu một người thứ ba, và người này đội cát đi, mỗi bao nặng gần bằng hai họ. Thế có khổ đời họ chứ! Họ điên ư? Theo kinh nghiệm của mình thì họ quả thực là điên. Nhưng theo họ, thì không. Họ đã quen đội như vậy, những bắp thịt ở cổ vai họ đã nẩy nở mạnh mẽ nên họ đội thấy nhẹ nhàng như không. Bạn đừng tưởng hễ có một ý mới là đủ truyền cho người khác được. Khoan đã, hãy kiên nhẫn một chút. Nếu chỉ nói suông cho họ thì họ chẳng nhận đâu, chính họ phải có kinh nghiệm rồi mới chịu nhận [8] . Có một hồi chúng mình phải té đau rồi mới tìm được cái luật lệ về trọng lượng, phải chăng? Bạn ráng tránh cho họ phải té như mình, nhưng khá lâu và phải kiên nhẫn đấy. Xin bạn nghe lời khuyên của mình một người có tài thuyết phục nhất thời này, ông Franklin Delano Roosevelt. Ba ngày trước khi mất, ông viết, nét run run, cho Thượng nghị sĩ Claude Pepper:" Chúng ta không thể nhảy vọt tới cái mà ta cho là hoàn hảo, nếu người khác chưa đi hết con đường của họ, họ có thể nghĩ rằng quan điểm của họ cũng tốt hơn quan điểm của ta ". Claude Pepper đóng khung lời nói đó và treo trong phòng giấy của ông ở Thượng nghị viện. Lời của Roosevelt cũng tự như lời của William Trotter, nhà tâm lý học kiêm xã hội học Anh:" Nhà lãnh tụ nào bỏ xa quần chúng thì sẽ không được quần chúng biết tới nữa ". Khi bạn chỉ huy thì nghệ thuật thuyết phục giúp bạn làm tròn được trách nhiệm. Trong quân đội, người ta thường nhận thấy như vậy. Một trung úy trẻ tuổi bảo tôi:" Trong chiến tranh vừa rồi, tôi chỉ huy một nhóm người sửa xà lan cho Hải quân, trên Thái Bình Dương. Tinh thần của họ xuống quá: Đã lâu không nhận được tin tức của gia đình, thức ăn thì thiếu mà quần áo thì rách rưới. Khi nhận được thư của nhà, được đầy đủ thực phẩm và y phục, tôi tưởng tinh thần của họ sẽ lên. Nhưng không. Họ cũng vui vẻ thật, nhưng không ham gì công việc cả. Tôi thất vọng, tôi lấy làm hãnh diện được giúp việc cho Hải quân và tưởng họ cũng hãnh diện như tôi. Tôi cưng chiếc xà lan như con tôi. Tôi đã lầm.. Cái gì tôi cũng bảo là của tôi. Công việc của tôi. Chiếc xà lan của tôi. Tôi không đứng vào địa vị người khác mà nói. Tôi thất vọng, thay đổi phương pháp. Tôi giao cho mọi người một công việc nhất định, để cho họ chịu trách nhiệm về công việc đó. Tôi ráng làm cho họ có cảm tưởng rằng họ dự phần vào công việc chung. Có một người làm chẳng được việc gì cả. Tôi quyết định giao cho anh ta một việc rất dễ, và tôi quan trọng hóa việc đó lên. Tôi cho anh ta coi ban sơn, giữ gìn mười cái chổi sơn và mười hộp sơn. Mới đầu khó làm cho anh ta thấy công việc đó là quan trọng. Rồi một hôm, một viên thuyền trưởng lại tôi nhận chỉ thị. Khi viên thuyền trưởng xin sơn, tôi gọi anh ta lại hỏi: "Anh Mac à, ông thuyền trưởng muốn biết mình còn đủ chổi sơn không để đưa cho ông đấy". Anh ta hãnh diện tả ban sơn của anh ta như là một bộ phận quan trọng trong xà lan. Ít lâu sau, chúng tôi tới một hải cảng với một khu trục hạm. Một hôm có người cho tôi hay anh ta đánh nhau với một người ở khu trục hạm. Nguyên nhân chỉ vì người này dám khinh chiếc xà lan của chúng tôi là đồ bỏ, nên anh ta đánh để bênh vực cho xà lan của chúng tôi. "Viên trung úy đó đã khéo chỉ huy vì đã tìm hiểu tâm lý của người dưới, tâm lý đó là muốn nhận trách nhiệm, muốn được người khác thừa nhận mình. Quy tắc ấy áp dụng được trong một chiếc xà lan, trong một toa xe lửa, trong một tiệm lớn ở Nữu Ước. Bất kỳ ở đâu đó có người làm việc, đem áp dụng nó cũng được vì bao giờ con người cùng thèm khát được khen, được hiểu. Cái ly của họ nhỏ xíu mặc dầu họ cũng vẫn muốn nó được đầy. Quan trọng hóa họ đi, họ sẽ tận tâm hợp tác với ta. William Randolph Hearst đã gây dựng được một tập đoàn nhật báo lớn nhất thế giới nhờ chân lý giản dị này:" Người ta chỉ muốn mua tờ báo nào mà ngoài cái công việc thông tin còn cho người ta cảm tưởng rằng nó diễn tả tư tưởng, cảm xúc gần đúng như của người ta ". Kenneth Connell, nhà quảng cáo tinh ý nhất mà tôi được biết, có lần bảo tôi rằng:" Tôi thấy rằng Sears Roebuck đã khôn hơn Montgomery Ward nhiều vì biết nghĩ đến một thói quen của chúng ta. Sears in tập rao hàng nhỏ hơn Montgomery. Khi chúng ta xếp những tập đó thì tập nào chúng ta để lên trên? Tất nhiên là tập nhỏ nhất, chỉ khi nào chúng ta tìm trong tập nhỏ mà không thấy mới mở tập lớn ra. Vậy là Sears nghĩ đến thói quen của chúng ta mà Montgomery thì không ". Vậy lần sau, nếu bạn đã lỡ nói:" Tôi muốn.. "thì bạn ngưng ngay lại đi." Chúng ta muốn.. ". Như vậy là bạn sẽ được cái mà chúng ta muốn một cách mau lẹ lạ thường". Ông William A. Patterson, chủ tịch Công ty Hàng không Hoa Kỳ tin rằng người quan trọng hơn máy và ông coi trọng người hơn máy. Một hôm có người bị tai nạn trong xưởng của ông. Ông suy nghĩ: "Một cái máy hư thì ta có liệng nó đi không? Con người bị tai nạn này, người đó ngồi ngày này qua ngày khác để làm việc, đem hết cả năng lực ra làm, bây giờ bị thương, ta có loại người đó ra không? Sao lại nỡ như vậy? Chúng tôi ráng luyện cho nhân viên hiểu được triết lý của chúng tôi. Triết lý đó như vầy: Tôi định giá trị công việc cho mỗi người. Chẳng hạn một người nào đó lãnh hai ngàn đôla một năm. Tôi tưởng tượng rằng muốn có số tiền đó thì phải bỏ ra một số vốn phỏng chừng là năm chục ngàn đô la. Vậy giá trị người đó là năm chục ngàn đô la. Người đó mất tức là gia đình người đó mất một số vốn năm chục ngàn đôla. Nghĩ vậy, tôi hóa ra thận trọng. Truất quyền một người thì dễ, phục quyền lại mới khó. Phá hoại bao giờ cũng mau hơn là xây dựng." Để ý tới người khác thì ta hiểu ngay lòng tự trọng của họ. Tên nô lệ nào cũng biết tự trọng. Con người cần lòng tự trọng mới sống nổi. Khi người ta đã tự khinh mình thì không còn muốn sống nữa. Trong chiến tranh vừa rồi, xưởng chữa tàu Todd ở Portland, Maine, phải đóng cửa vì một cơn bão tuyết ghê gớm. Sau cơn bão, công ty ra lệnh bất kỳ người làm công nào cũng phải xúc tuyết, quét tuyết và ăn lương như thường ngày. Hay lệnh đó, nhân viên bỏ ra về hết ráo. Ban giám đốc phàn nàn với ông William J. McCaffrey, đại diện toàn quốc cho kỹ nghệ đóng tàu: "Chúng tôi đối với họ tử tế. Chỉ có xúc tuyết đổ đi mà trả ba đôla mỗi giờ. Họ bỏ ra về thế là thiếu lòng ái quốc". Ông McCaffrey mời họ lại, nhã nhặn nghe họ sừng sộ: "Chúng tôi là thợ chuyên môn, không phải là bọn xúc tuyết. Không ai ra lệnh cho chúng tôi xúc tuyết được. Chiến tranh hay không chiến tranh cũng vậy". Và họ la ầm lên. Ông McCaffrey bắt đầu hiểu rồi: Lòng tự ái của họ bị thương tổn. Ông nói: - Xúc tuyết ở lề đường nhà anh em thì anh em có ngại không? Họ đáp là không ngại, nhưng xúc tuyết cho người khác thì họ không chịu. Ông McCaffrey bảo: - Các anh em có lý. Anh em không phải là hạng người xúc tuyết mà là những thợ chuyên môn danh giá, muốn giúp quốc gia một cách đắc lực để thắng chiến tranh này. Nhưng hiện nay tuyết là kẻ thù của anh em, vì nó ngăn trở công việc đóng tàu của anh em. Thế thì anh em trừ tuyệt nó đi để có thể đóng tàu giúp quốc gia thắng trận. Thế là họ vui vẻ đi xúc tuyết. Công ty đã làm cho họ có cảm giác là thuộc hàng nô lệ; ông McCaffrey cho họ cái cảm giác là thuộc hạng anh hùng. Gandhi đã nhận xét: "Gặp người đói thì Thượng đế cũng chỉ dám hiện hình thành cái bánh, chứ không dám hiện hình thành một vật nào khác". Bruce Barton, nhà quảng cáo danh tiếng nhất thế giới, có một cách mới để lúc nào cũng nhớ tới nhu cầu của người khác, là treo một bức ảnh thật lớn, phủ hết một bức tường trong phòng giấy của ông ở Nữu Ước, hình chụp một đám đông quần chúng đông đảo đứng chật cả một khu ở Atlantic City. Ông nói: "Họ là những người mà chúng ta phải nhớ tới. Thị truờng chúng ta phải đạt được là quần chúng. Họ muốn cái gì thì cái đó mới là quan trọng, chứ không phải cái chúng ta muốn là quan trọng. Tấm hình đó luôn nhắc chúng ta nhớ tới họ". Ông Paul Mallon, nhà báo danh tiếng, sở dĩ thành công trong sự phỏng vấn mọi giới người là nhờ cái thuật suy nghĩ về người khác hoài cho tới khi người đó nhập vào bản thể của ông. Mới rồi tôi được cái may mắn nói chuyện với ông Arthur Godrey cả một buổi chiều. Tôi hỏi ông ta làm cách nào mà cả triệu người có cảm tưởng rằng biết rõ ông như một người thân. Ông đáp rằng ông luôn luôn thành thực với họ và dùng ngôn ngữ của họ. Ông biết họ muốn gì, ông chú ý đến họ nên họ chú ý đến ông. Bạn bảo tôi: "Các vị đó là những danh nhân. Còn hạng chúng mình đây làm sao theo gót họ được". Vâng, nhưng bạn có được coi một tấm bảng ở ga Pennsylvania tại Nữu Ước không? Tấm bảng đó có những hàng chữ này: THÂN ÁI VỚI LOÀI NGƯỜI 1910 WILLIAM H. EGAN 1943 XẾP GA Được mọi hành khách đi qua ga này và tất cả nhân viên trong ga yêu mến; tận tâm với những hành khách cô độc, cũng như với các vị Tổng thống, vua chúa, các đào hát danh tiếng. Từ người thấp hèn nhất đến những người danh vọng nhất trên mọi đường đời đều lấy làm vinh dự được biết ông. ÔNG YÊU MỌI NGƯỜI ĐƯỜNG XE LỬA PENNSYLVANIA Từ ngày mai, bạn bắt đầu đặt mình vào địa vị tâm sự một người khác đi. Hãy tìm hiểu những hy vọng, lo âu, ước mơ của họ. Suy nghĩ một lúc về vấn đề của họ. Có nhiều cái lặt vặt có thể làm cho đời người đó tươi lên. Một bộ quần áo hợp người đó, một cuốn sách mà người đó thích, một thứ hạt giống để người đó gieo trong vườn. Chú ý đến người khác như vậy thì tất nhiên người khác sẽ tận tâm với ta. • Nếu bạn muốn hiểu người khác thì làm như vầy: 1- Nhớ lời nói của Gandhi: "Gặp người đói thì Thượng đế cũng chỉ dám hiện hình thành cái bánh, chứ không dám hiện hình thành một vật nào khác". 2- Nghĩ đến nhu cầu của người khác trong khi tính toán, hành động. 3- Lần sau, nếu bạn đã lỡ nói: "Tôi muốn.." thì ngừng ngay lại, suy nghĩ một phút rồi bắt đầu nói: "Chúng ta muốn..". Như vậy bạn sẽ được cái mà chúng ta muốn một cách mau lẹ lạ thường.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  8. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    III. CON ĐƯỜNG ĐỘC NHẤT TỚI THÀNH CÔNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn thử nhớ lại những lần xung đột trong đời bạn xem lúc đó bạn thấy cái gì? Bắt đầu là sự bất bình rồi sau cũng là oán ghét, phải không? Bạn thấy đối thủ của bạn xấu xa, quá xấu xa. Ừ, họ muốn lấy bạn, coi thường bạn, không hiểu bạn, nghi ngờ bậy cho bạn. Bạn phải tự bênh vực cho tới cùng. Rồi bây giờ bận thử nhớ lại những lần hợp tác vui vẻ trong đời xem, bạn cảm thấy cái gì? Thấy tình thân thiện như một sợi dây buộc hai bên với nhau, hai người mà chỉ một người, suy nghĩ như nhau, hành động như nhau. Đúng nhe Epictète đã nói: "Đời sống chung vui như một bữa tiệc". Bí quyết thành công ở chỗ bạn đã tìm được khu vực để thỏa thuận với người khác. Bạn nhường nhịn, hòa giải, thuyết phục để người hợp tác với bạn hiểu rằng quyền lợi là quyền lợi chung. Hai bên tìm những điểm hợp nhau, bỏ qua những điểm khác nhau. Bạn tránh dùng sức mạnh, mà tìm sự hiểu biết. Sức mạnh bao giờ cũng gây ngay một phản ứng mạnh mẽ, còn sự thuyết phục thì ảnh hưởng lần lần mà đi sâu vào lòng. Đức tính đó không phải là dễ tập. Woodrow Wilson, vị Tổng thống học rộng đó nói: "Chúng ta thường có cái thói hăng máu lên để chiến đấu đòi cho được quyền, lợi của mình; tôi đám cam đoan rằng con đường đó là con đường dài chứ không con phải con đường ngắn. Nếu bạn tới với tôi, hai tay nắm chặt lại thì tôi có thể hứa với bạn rằng hai tay tôi cũng nắm chặt lại mau lẹ không kém gì bạn, nhưng nếu bạn tới và bảo:" Nào, chúng ta cùng ngồi xuống để bàn tánh với nhau xem sao, và nếu có điểm khác nhau thì tìm cách giải quyết ", thì chúng ta sẽ thấy ngay rằng chúng ta không cách biệt nhau lắm đâu, rằng những điểm khác nhau thì ít mà những điểm giống nhau thì nhiều, và nếu chúng ta kiên nhẫn, thành thực muốn thỏa thuận với nhau thì chúng ta sẽ thỏa thuận với nhau được". Ít khi ta dùng lý luận mà thuyết phục được ai lắm. Dùng tình cảm thì dễ thuyết phục nhau; phải có thái độ tìm hiểu nhau, thỏa thuận với nhau. Théodore Roosevelt đã chỉ cho ta thấy ông đã gắng sức luyện cái đức đó ra sao. Mới đầu ông chỉ biết ý kiến của ông thôi, tự phán đoán lấy để quyết định mọi việc, không nghe lời khuyên, không nghe lý lẽ của ai hết. Ông đứng trơ vơ trên một đỉnh núi và dân chúng bỏ ông, vì không hiểu ông. Ông hoàn toàn cô độc. Rồi sau ông chịu ngó chung quanh, thấy rằng có nhiều người rất tốt, ý kiến có khác ông nhưng rất chân thành. Ông giúp đỡ họ và họ giúp đỡ lại ông, thế là làm nên việc. Hai bên không hoàn toàn đồng ý nhau, nhưng có những điểm đồng ý và ráng thực hiện cho được những điểm ấy. Đó là bài học thứ nhất của ông về chính trị. Phương pháp đó có gì lạ đâu. Nếu đóng một chiếc tam bản, ta có đủ đồ nghề như cưa, đục, búa thì vẫn hơn. Nhưng nếu không có cưa mà chỉ có búa và đục thì cũng phải dùng tạm búa và đục vậy. Được người cộng tác với ta đồng ý về mọi điểm thì càng quí, nếu không thì cũng vẫn phải hợp tác với nhau về những điểm đồng ý. Đó chỉ là bước đầu của ông. Sau ông luyện đức đó tới mức cao đến nỗi ông Brander Matthews viết về ông, đã khen: "Ông yêu vũ trụ trong đủ mọi cảnh, yêu biển, yêu cánh đồng, yêu núi, nhưng ông còn yêu con người hơn. Trực giác mẫn nhuệ và biết nhìn đời bằng cặp mắt khoáng đạt làm cho ông có thể hiểu được bất kỳ hạng người nào, từ vua chúa đến hạng tiều phu". Trong cuốn Tự truyện, Benjamin Franklin viết: "Tôi đặt cái luật này là tự cấm tôi không được cãi thẳng ngay người khác và không được quả quyết rằng ý kiến của tôi đúng". Ông đã tự luyện như vầy để tìm hiểu người khác: "Tôi tự cấm tôi dùng những tiếng diễn một ý kiến đã nhất định rồi như: Chắc chắn, không ngờ gì nữa.. ; tôi dùng những tiếng: Tôi nghĩ rằng, tưởng rằng để thay vào. Có ai quả quyết một điều gì là đúng mà tôi cho là sai, thì tôi không cãi lại họ hoặc tỏ cho họ thấy ngay chỗ vô lý của họ, mà tôi trả lời rằng trong vài trường hợp hiện tại, thì tôi thấy như hoặc cảm thấy như có chỗ khác nhau. Cái lợi hiện ra liền: Câu chuyện của chúng tôi vui hơn. Ý kiến tôi đưa ra được chấp nhận mau hơn hoặc bị phản đối ít hơn; khi tôi thấy mình có lợi thì tôi cũng đỡ bứt rứt hơn, và khi tôi có lý thì người khác dễ bỏ ý kiến của họ đi mà theo tôi hơn." Chắc bạn bảo rằng đức nhũn nhặn đó quý thật, nhưng bạn đã quen thói bắt bẻ người rồi thi cũng khó mà tập nó lắm. Thì Benjamin Franklin cũng vậy. Ông ta thú nhận rằng mới đầu còn tệ hơn bạn nữa, Nhưng ông ráng luyện tập, sau tự chủ được, thành một nhà kinh doanh, một chánh khách, một nhà ngoại giao giỏi nhất của Mỹ. Ông phải tốn công phu lắm mới có kết quả. Xin bạn nghe ông kể nốt: "Lối xử sự đó mới đầu trái với bản tính của tôi, sau hóa dễ dàng, thành một thói quen đến nỗi trong năm chục năm gần đây, không ai nghe thấy tôi thốt một tiếng gì độc đoán cả". Được vậy là nhờ ông luôn luôn luyện tập, không bỏ một cơ hội nào, và luyện tập đến nơi đến chốn. Bạn phải theo ông mà tự cấm mình cái thói tranh luận, hay cãi người khác. Mới đầu khó như thắng cái yên vào con ngựa bất kham, nhưng sau sẽ quen, có thể thành công như ông được. Ông ăn nói rất kém, không hoạt bát, chậm chạp khi lựa tiếng, may ra thì nói đúng ngữ pháp, vậy mà ý tưởng ông đưa ra đều được người khác nhận. Bà Clara Boothe Luce, một người đàn bà có tài ở Mỹ, khi sắp ra khỏi Quốc hội, bảo tôi: "Ở Quốc hội, tôi đã học được cách đối đãi với người khác. Tôi chắc chắn rằng cách đó có thể áp dụng trong mọi công việc làm ăn và mọi trường hợp giao tế xã hội. Quy tắc là:" Một câu trả lời ngọt ngào làm tan được cơn giận ". Nghĩa là ông nên luôn luôn nhã nhặn, có ý tứ khi nói với người khác, dù người đó đương nổi khùng lên. Trong quan điểm của họ luôn luôn có chỗ phải và rất ít khi tôi gặp một người nào mà tôi không tìm ra được một điểm để thỏa thuận với nhau." Nếu ông thấy có vẻ không thể thỏa thuận được thì cứ kiên nhẫn và cương quyết giảng rằng ông không thể thỏa thuận được, rồi kiên nhẫn nghe người ta giảng cho ông tại sao người ta không thể thỏa thuận được với ông. "Khi hai bên chú ý tới những lý do của nhau thì sự bất đồng ý kiến có thể chịu đựng được rồi. Thứ nhất, xin ông nhớ điều này: Đừng bao giờ gán cho người những lý do vô giá trị như là ích kỷ hoặc gian tham. Thường thường lý do của người ta cũng chính đáng như lỷ do của ông. Đôi khi, người ta có thể nhường ông chỉ vì ông đã chịu khó lễ độ nghe người ta". Dưới đây là kinh nghiệm của một nhà lập pháp: Nghị viện đương xét một dự án pháp luật và tranh luận sôi nổi. Nhà lập pháp đó nói: "Tôi chống lại dự án đó, nhưng nhiều cử tri của tôi viết thư cho tôi bắt tôi phải thay đổi ý kiến nếu không thì lần bầu cử sau họ sẽ loại tôi ra. Tôi có thể viết thư trả lời họ, lý luận với họ, tôi cũng có thể chẳng cần trả lời họ. Nhưng tôi không làm vậy mà gởi cho họ dự án đó; nó dài, cực kỳ dài, lại có tính cách chuyên môn, cực kỳ chuyên môn. Trong thư tôi nói thêm rằng tôi đã bỏ ra một tuần để nghiên cứu nó tỉ mỉ trước khi quyết định. Tất nhiên tổi có thể lầm lẫn, nhưng tôi sẽ mang ơn họ lắm nếu họ chịu khó nghiên cứu, phân tích nó từng đoạn một rồi gởi trả lại tôi và cho biết lý do gì họ chấp thuận dự án đó. Một cử tri đứng trước một vấn đề pháp luật rắc rối như vậy, làm sao có đủ can đảm xét kỹ và thường chịu nhận rằng tôi tất phải biết nhiều hơn họ vì tôi là nhà chuyên môn, lại đã tốn nhiều công nghiên cứu cả tuần lễ". Rút cục ông ta không bị cử tri phản kháng nữa. Ông Malcom W. Davis, phó Giám đốc cơ quan quyên trợ Carnegie cho công cuộc Hòa bình Thế giới, suốt đời lo cho trật tự của thế giới, tóm tắt kinh nghiệm của mình như vầy: "Trước hết ráng xét vấn đề và thái độ của nhóm chống với mình, rồi kiểm xem có cơ sở nào để thỏa thuận với nhau được không, dù cơ sở đó cực kỳ nhỏ hẹp đi nữa, thì cứ dùng làm khởi điểm để hoạt động". Ông John R. Steelman là người thứ nhất được danh dự làm Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống Hoa Kỳ. Trong bảy năm ông giữ trách nhiệm hòa giải chủ và thợ trong các cuộc đình công và ông thành công lạ lùng: 87 phần trăm các vụ tranh chấp được giải quyết ổn thỏa. Tôi hỏi ông bí quyết để thành công. Ông đáp: "Đừng đưa quyết định của mình ra mà bắt hai bên theo. Phải khéo léo khuyến dụ họ sao cho họ quyết định theo ý kiến của mình. Ông không thể bắt buộc ai làm một việc gì cả. Thái độ của ông chỉ có thể như vầy thôi: Đây tình trạng chúng ta như thế, chúng ta cần thỏa thuận với nhau. Chỉ khi nào hai bên hiểu được quan điểm của nhau, hiểu lý do hoạt động của nhau, và hiểu quan điểm của nhau về sự công bình, thì mới có thể hòa giải được. Không có sự xung đột nào của nhân loại mà không có một điểm để hai bên thỏa thuận với nhau. Tìm ra được điểm đó rồi cố bám lấy nó. Trong việc kinh doanh thực tế, quy tắc thỏa thuận là quan trọng nhất. Bạn nên nhận chân rằng có những đồn tiền tuyến cần phải giữ tới cùng, nhưng cũng có những đồn giữ chỉ là hy sinh vố ích. Trong công việc làm ăn, loại đồn thứ nhì đó tắt nhiều. Ta nên phân biệt nó trong khi suy nghĩ và hành động. Cố giữ một cọng rơm rồi thất bại thì có lợi gì đâu?" Ông Moe Colette phó giám đốc công ty quảng cáo Batten, Barton Durstine Osborn kể chuyện một người bán quáng cáo mà công ty bắt buộc phải loại ra. Ông đưa một hình quảng cáo thứ sáp đánh sàn cho một hãng sáp nọ chấp thuận. Hãng đó bằng lòng hết chỉ đòi đổi mỗi một chữ booklet (cuốn sách nhỏ) ra book (cuốn sách) trong cuối câu: "Xin gởi không cho tôi một cuốn sách nhỏ." Người chủ hãng bảo: "Đổi như vậy nghe oai hơn". Ông Collette bằng lòng liền. Nhưng người bán quảng cáo nhất định không chịu, bảo: "Ông phải nhận điều này là cái tập mà hãng ông định tặng cho khách hàng đó không phải là một cuốn sách mà chỉ là một cuốn sách nhỏ. Một cuốn sách thì thường bìa cứng, bọc vải và lớn, dày. Một cuốn sách nhỏ thì bìa mỏng và dày dưới ba mươi hai trang. Cuốn của ông là một cuốn sách nhỏ, không phải là một cuốn sách." Người kia nói: - Thì nó cũng gần là một cuốn sách. Mà nói như vậy nghe hay hơn. - Xin lỗi ông tôi không muốn cãi ông, nhưng đó là vấn đề lương thiện. Hứa gởi một cuốn sách rồi chỉ gởi một cuốn sách nhỏ, như vậy là không lương thiện. Người kia hơi khó chịu: - Không phải là không lương thiện. Nó gần như là một cuốn sách thì tôi gọi nó là cuốn sách. - Ông lầm rồi. Đóng móng ngựa thì ông có thể nói rằng gần như được, quảng cáo thì không thể nói gần như được. Như vậy là lừa khách hàng. Trong hai phút vô tận, ông Collette toát mồ hôi nghe người giúp việc của mình cãi lý, gần như mắng khách hàng của mình như vậy. Thình lình ông nhớ rằng người giúp việc phải về phòng giấy vì có hẹn với ai đó. Trong khi người đó vắng mặt, ông thu xếp xong với khách hàng, bằng lòng để tiếng "sách"; và sau chẳng thấy ai phàn nàn về điều đó cả. Việc nhỏ mà xé ra to như vậy, thực là vô lý. Bạn nên nghe lời Lincoln: "Thà tránh đường một con chó còn hơn là tranh với nó để cho nó cắn. Dù có giết nó thì vết thương vẫn còn". Lần sau bạn nên tự hỏi như vầy: Ta giữ ý kiến đó tới mức nào và bạn sẽ ngạc nhiên thấy có nhiều chỗ nhường nhịn nhau được lắm và nhờ vậy tránh được xung đột. Ông Thomas A. Morgan, hội trưởng công ty Perry, người tiến từ chân thợ điện hạng nhì lên tới địa vị lãnh mỗi năm 181.480 đôla, chỉ cho tôi một thuật hữu ích vào bậc nhất để tránh sự xung đột. Ông ta cười cười: - Không bao giờ tôi nhận là có sự tranh đấu cả. Tôi nói với người kia rằng không có sự tranh đấu và chỉ xin ông ta giúp tôi giải quyết vấn đề thôi, chẳng hạn tôi đang ở cái thế khó xử là phải chủ trì một cuộc họp trong đó một người có cổ phần của công ty Perry cương quyết phản đối rằng lương tôi cao quá. Tôi lạ gì, nếu ráng giảng cho ông ta hiểu rằng tôi xứng đáng nhận số lương đó thì chỉ là một việc làm vô ích. Cho nên tôi hỏi theo ý ông ta thì lương của tôi độ bao nhiêu là vừa. Ông ta trả lời: "Mỗi năm một trăm rưỡi ngàn đôla". Tôi đồng ý với ông ta: Như vậy cũng là nhiều quá rồi. Thế là chiếc buồm của ông ta hết gió và vấn để khỏi bàn cãi gì nữa. Không ai lại tiếp tục tấn công mình nữa khi mình đã đồng ý với họ. Thường thường họ chỉ muốn mình nhận rằng họ đã thắng một điểm, thế thôi. "Trong một cuộc tranh luận cách hay nhất là có thể nhường cho đối phương được tới đâu thì nhường ngay đi rồi làm cho họ tin rằng hai bên có thể thỏa thuận với nhau được. Nên nhớ lời khuyên của giáo sư T. V. Smith ở trường Đại học Chicago, một chánh khách kiêm triết gia. Ông bảo:" Hai bên tranh nhau, mỗi bên được một phần cái mình đòi hỏi, với lại một bên được hết, một bên chẳng được gì cả, hai giải pháp đó giải pháp nào hơn? Người dã man đáp: "Lấy được hết thì hơn". Người văn minh đáp: "Tốt hơn là lấy một phần, nhường một phần, mình sống mà cũng để cho người khác sống với". Người khôn chẳng những nhận rằng nếu cần thì phải biết hưu chiến, như Carlyle đã nói, mà còn nhận rằng sự hưu chiến là rất cần. Người đó luôn luôn tìm cách sửa đổi để tạo sự điều hòa. Người đó biết rằng thỏa thuận được một điểm thì đó là một bước để tiến tới một thỏa thuận nữa. Francis Bacon bảo: "Khi bạn muốn xin ai một việc gì, thì nói chuyện với người ấy về một việc nào khác, để cho họ quên đi mà không phản đối. Tôi biết một viên cố vấn không khi nào trình thẳng dự luật ra cho Hoàng hậu Elizabeth ký mà đem việc này việc khác trong nước ra để Hoàng hậu ít chú ý tới dự luật đó." Khi nói tiếng "vâng" là lòng đã dịu xuống rồi, khi nói tiếng "không" lòng hóa cứng lên. Và khi lòng người ta có vui vẻ thì người ta mới cao cả, đại lượng. Vậy bạn nên làm sao cho người khác dễ dàng nói tiếng "vâng". • Nếu bạn muốn theo con đường chắc chắn đưa tới thành công thì bạn nên làm như vầy: 1. Tập tinh thần thỏa thuận. 2. Người khác ra sao thì bạn chịu nhận người đó như vậy, rồi tìm hiểu người ta, đừng bắt người ta phải như ý mình. 3. Khi tranh luận bạn nên tự hỏi: "Mình có thể chiều ông ta được tới mức nào?" 4. Cam đoan với đối phương rằng có thể thỏa thuận với nhau được. 5. Định khu vực để thỏa thuận rồi sự thỏa thuận sẽ tới.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  9. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    IV. ĐỪNG NÓI SUÔNG, LÀM ĐI!

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khi Wendell Willkie ứng cử tổng thống, những người đứng ra vận động cho ông thắc mắc vì nỗi không ai đọc nổi chữ ký của ông hết. Họ phải gởi đi cả triệu bức thư của ông, nhưng người nhận không đọc được chữ ký thì kết quả sẽ hỏng. Họ tìm ông Monroe Weil nhà chuyên môn về thư từ, để nhờ tìm hộ một giải pháp. Ông Weil đoán rằng Willkie cương quyết lắm, không chịu thay đổi chữ ký. Tuy vậy ông ta cũng lại thăm ông Willkie, kiên nhẫn nghe ông nầy giảng giải rồi lấy một mẫu chữ ký ra về, đưa cho một người chuyên về chữ, bảo phân tích những nét chữ trong vài ngày, rằng giữ được lối viết nhưng sửa đổi sao cho dễ đọc hơn. Khi ông Weil trở lại, ông Willkie nói ngay: "Nếu ông lại đây chú ý là để thuyết phục tôi thay đổi chữ ký thì ông sẽ mất công toi". Ông Weil đáp: - Không ạ. Chữ ký của ông đầy nghị lực. Nó phản ảnh cá tính của ông. Tôi chỉ muốn làm sao cho dễ đọc hơn một chút thôi. Ông Willkie sừng sộ: - Không được. Ông Weil chìa ra một miếng giấy bảo: - Vâng. Xin ông ngó qua một chút. Có giống chữ ký của ông không? Ông Willkie lẩm bẩm: - Ơ, thần tình nhỉ? Ông Weil tiếp tục: - Vẫn giữ được nét mạnh mẽ của ông, mà lại đọc được. Một ứng cử viên chức Tổng thống Hoa Kỳ thì nên ký cho đọc được vì quần chúng sẽ ao ước được chữ ký đó. - Ừ, ông có lý đấy. Từ nay chúng ta dùng chữ ký đó. Thế là bao nhiêu lời thuyết phục của những người đứng ra vận động đều thất bại, mà một miếng giấy nhỏ lại thành công. Phương pháp của Monroe Weil là thuyết phục bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Chỉ hành động mới thuyết phục được vì nó cơ sở, cơ sở đó là kinh nghiệm của người khác. Hành động làm cho người khác trông thấy tận mắt, mà không có ai lại nghi ngờ ngũ quan của mình. Montaigne đã nói: "Trí óc phải nghiêng về những sự vật hiển nhiên cũng như cán cân phải nghiêng về phía nặng." Chân lý đó có sức mạnh vô cùng. "Trông thấy tức là tin". Người ta thường không chú ý tới những bảng đề: "Khúc đường nguy hiểm. Phải cẩn thận"; nhưng thấy một tai nạn thì tài xế nào cũng chạy chậm lại, hồi hộp. Tại sao có nhiều người không chịu tin rằng thuốc độc không có vị ngon ngọt? Tại họ tin cái cảm giác dễ chịu của họ hơn là sự sáng suốt của óc họ. Đây, tôi xin chứng minh chân lý đó: Một sinh viên của tôi quyên tiền cho Hội người mù, thuyết phục thính giả như vầy: "Có bao giờ các bạn thử cảm xem mù sẽ ra sao không? Xin các bạn nhắm mắt lại rồi chúng ta cùng tưởng tượng nào. Thình lình một bức màn tối rủ xuống, che mắt chúng ta cho tới suốt đời. Thôi thế là hết, không bao giờ còn phân biệt được ánh sáng và bóng tối nữa. Không bao giờ còn được trông thấy mặt những người thân nữa. Các bạn muốn ra khỏi phòng này để ra đường ư? Thì phải sờ soạng vào từng bước. Các bạn phải hoàn toàn tùy thuộc cả những em nhỏ xíu. Như vậy thì có cái gì mà không nên đổi để tìm được ánh sáng.." "Bây giờ chúng ta mở mắt ra lại trông thấy được rồi". "Đối với người đui thì con mắt sáng quý báu như vậy đó". Có khi chỉ dùng những vật thường có ở chung quanh cũng đủ chứng minh một cách hùng hồn. Năm 1943, tướng Mỹ Ira C. Eakerr gặp Winston Churchill ở Casablanca và hai ông phải quyết định một điều quan trọng cho chiến tranh: Có nên thả bom ban ngày không? Phi công Anh cho rằng thả như vậy tuy trúng nhưng không thực hiện được, xin ông Churchill thuyết phục người Mỹ để họ bỏ kế hoạch thả bom ban đêm của Anh: Kế hoạch này ít nguy hiểm, nhưng không trúng đích, bom sẽ rớt trong một khu vực hơi rộng. Trong hai giờ, Eaker và Churchill tranh luận với nhau về việc thả bom. Ý kiến trái nhau y như đêm và ngày: Người thì tin ở sự thả bom ban ngày, người thì tin ở sự thả bom ban đêm. Người thì tin ở sự thả bom cho trúng đích, người thì tin ở sự thả rơi rác trên một khu vực; không có giải pháp nào để dung hòa được. Tướng Eaker muốn làm cho Churchill thấy rằng thả bom trúng đích sẽ làm cho chiến tránh mau kết liễu và như vậy đỡ phí nhân mạng. Ông lấy ra một xấp bản đồ, chỉ những điểm chiến lược, hễ diệt hết những điểm đó là êm. Churchill nhìn bản đồ, suy nghĩ rồi tin chiến thuật của ông. Quả nhiên các địa điểm quân sự của Đức bị phá tan tành sau trận thả bom. Ông George Gallup, Giám đốc Viện dư luận Hoa Kỳ, dùng phương pháp chứng minh này để cho người ta thấy giá trị cuộc dò dư luận của Viện ông trong các cuộc đầu phiếu: "Một giáo sư vật lý vẽ một đường trên bảng đen dài năm bộ [9] rồi bảo học sinh đoán xem nó dài bao nhiêu. Người thì đoán là bảy bộ, người thì đoán là tám bộ, có người thì đoán bốn, có kẻ lại chỉ đoán ba thôi. Nhưng có điều lạ lùng là số trung bình những con số đoán lại đúng với số thực: Năm bộ. Vậy lời phán đoán của cá nhân có thể sai, nhưng tổng số của các lời phán đoán thì lại đúng." Có khi phải sửa soạn một cuộc chứng mình từ lâu. Giáo sư Charles Sommers ở Đại học Fordham đã sáng chế được máy dò và ghi sự nói dối. Ông giảng giải hoài mà không ai tin. Sau phải chứng minh, ông ta đưa cho một người tám lá bài, bảo lựa lấy một lá, Rồi ông trang lại cỗ bài, đưa cho người đó lựa nữa, lần này thì nói thực về bảy lá không lựa mà nói dối về lá đã lựa. Ông chìa mỗi lá bài cho người đó coi, hỏi: "Phải ông lựa lá này không?" khi lá bài mà người đó đã lựa hiện ra, người đó nói dối là không lựa thì máy ghi ngay được là "nói dối". Các nhà chế tạo máy lạnh Electrolux muốn khoe rằng máy của họ chạy rất êm; họ biết rằng nói dài dòng về sự chạy êm của máy thì chẳng ai tin cả, nên bảo người bán hàng đánh một cây quẹt lên cho mọi người coi rồi chỉ rằng máy lạnh chạy không ồn gì hơn, vì trong máy có mỗi một bộ phận hoạt động, bộ phận đó là một ngọn lửa nhỏ. Eimer Wheeler quảng cáo một kiểu bàn chà răng khoa học. Người ta hỏi thế nào là khoa học thì ông lấy một bàn chà, cho nó quay đi quay lại, bảo: "Các ông các bà thấy chưa, nó chà được cả những kẽ răng"! Làm sao bạn muốn thuyết phục ai, nên nhớ lời của Shakespeare: "Làm cho hành hợp với ngôn, ngôn hợp với hành". Như vậy bạn đập vào mắt của người khác, mà mắt là con đường đưa tới trí óc. Nếu bạn đập thêm vào một giác quan khác nữa, làm cho người ta dự phần vào cuộc chứng minh thì không thể nào thất bại được. Khi một người nhận xét, thì người đó dùng khả năng phán đoán của mình. Nhưng khi người đó dự vào công việc thì tâm lý người đó khác hẳn: Người đó dùng tinh thần để giải quyết vấn đề với ta. Có thể rằng người đó vẫn còn phán đoán nhưng đồng thời cũng ráng làm cho có kết quả. Nói cách khác, người đó đã thành người hợp tác với ta chứ không phải chỉ nhận xét bàng quan nữa. Ít người biết rằng ông James Bryant Connant, hiệu trưởng trường Đại học Harvard đã nghiên cứu về chất lục diệp (chlorophylle), chất làm cho lá cây xanh, nhưng nhiều người nhớ rằng ông là một "giáo sư có thể nói bằng cục phấn". Một lần giảng bài, ông lấy trong túi ra một quả trứng gà, đập vỡ, đánh nó lên, đổ vào một chất mà ông bảo là có tính cách làm cho lòng trắng trứng đặc lại; xong rồi ông lại đánh nữa và liệng tất cả lên trần nhà; cục lòng trắng trứng dội bật xuống. Có lẽ người tin nhất ở kết quả của sự chứng thực là ông George Washington Hill, Hội trưởng công ty Thuốc lá Mỹ. Ông có tài chứng thực. Quy tắc của ông là: "Phải sáng sủa và chứng thực ra!" Hễ ta chỉ lý luận thôi thì người khác có thể cãi ta hoài được; nhưng nếu ta đưa ra sự thật thì kẻ ương ngạnh mấy cũng phải nhận. Ông William F. Martin, luật sư danh tiếng ở Nữu Ước, kể một chuyện để chứng thực điều đó. Ông nói: "Mấy năm trước tôi nhận cãi cho một bác sĩ có tài, bị một thân chủ kiện là cho uống lầm thuốc đến nỗi tóc cô ta rụng hết. Bác sĩ đó nói thực với tôi rằng không hề ra toa cho cô ta mà cũng không hề gặp cô ta bao giờ. Xem xét vụ đó kỹ lưỡng rồi, tôi cho rằng ông ta có lý. Tuy vậy tôi cũng nẩy ra cái ý đi thăm người đàn bà kia. Trong khi hỏi han, tôi tin chắc rằng tôi thua kiện mất. Cô ta lột mớ tóc giả ra, đầu cô trọc lóc như bình vôi, lòng tôi xúc động mạnh. Không có ai ở trên đời này có thể thuyết phục được bồi thẩm đoàn đừng bênh vực một người như vậy. Vị thẩm phán nào thì cũng nghĩ:" Tội nghiệp cho cô ta. Ai đã gây ra nông nỗi đó, ta chẳng cần biết - nhất định phải có một người nào đó bồi thường cho cô ta ". Tôi gọi thân chủ của tôi lại, trình bày trường hợp như vậy và khuyên ông ta chịu thua ngay đi". Ông William Martin là một luật sư già nhiều kinh nghiệm nên biết rằng không có cách nào đánh đổ được lối chứng thực của cô đó cả. Nếu ông tiếp tục cãi thì thêm tốn tiền cho thân chủ của ông thôi. Luật sư Edward G. Mckay ở Norwich, Connecticut, mỗi khi ra tòa kể tai nạn xe xảy ra sao, cũng nhận rằng lời nói suông sẽ vô hiệu. Ông dùng những xe hơi của con nít chơi, vẽ một khúc đường rồi đặt những chiếc xe đó lên, chỉ cho tòa biết xe chạy ra sao, đụng nhau ra sao. Như vậy đỡ được nhiều thì giờ và tránh được nhiều cuộc tranh luận dài dòng. Một vị thẩm phán Anh khi gần về hưu, nói rằng: "Chán xử những vụ xe hơi đụng nhau, vì trong vụ nào cả hai chiếc xe cũng đều bóp còi, đều chạy đúng luật, mỗi chiếc đậu ở một bên đường mà rồi đụng nhau". Nếu ông ta biết dùng phương pháp của Edward G. Mckay thì chắc ông ta không thốt ra lời đó. Vậy lần sau bạn muốn biện luận thì ráng chứng thực quan điểm của bạn. Đừng nghĩ: "Sao mà họ ngu đến mức đó được!", nhất là đừng nói câu đó ra; cứ chứng thực quan điểm của bạn thôi. Bạn nên tin chắc rằng nếu chỉ cho đối phương trông thấy được điều bạn muốn nói thì họ sẽ tự thuyết phục họ, bạn khỏi cần phải thuyết phục họ nữa. Các trường trung học và đại học tiếp tục tiêu những món tiền rất lớn, mua dụng cụ thí nghiệm để làm gì, nếu không phải là để chứng minh những chân lý khoa học cho học sinh mỗi lớp? Giáo sư biết rõ câu trả lời rồi nhưng cũng biết rằng học sinh không tin câu trả lời đó nếu không thấy chứng minh. Xin bạn áp dụng quy tắc đó trong sự giao thiệp với mọi người. Đôi khi, giữa lúc chứng minh, bạn sẽ nhận thấy mình vô lý. Bạn nên dùng năng lực tâm lý tế nhị mà mạnh mẽ này, tức thái độ "thử xem nào". Kẻ nào nghi ngờ tới mấy mà nghe bạn đề nghị thí nghiệm quan điểm của bạn thì cũng bằng lòng liền và còn chịu phần thí nghiệm nữa. Thế là bạn đã tập được cơ sở phản đối mà làm cho đối phương cùng với bạn tìm hiểu lẫn nhau, nói đúng hơn là tìm hiểu một quan điểm thứ ba. Lúc đó sự thí nghiệm sẽ là ông thầy, mà bạn và đối phương của bạn thành học trò trong việc tìm hiểu. Tập cho phương pháp chứng minh thành lối suy nghĩ của bạn. Tự hỏi: "Làm sao cho điểm đó hiện ra trước ngũ quan của người khác? Làm sao cho một người không có trí óc nữa, chỉ có ngũ quan thôi cũng hiểu được điểm đó?" • Vậy muốn thuyết phục ai, bạn nên làm như vầy: Theo cách của Hóa công: Trình bày vấn đề cho ngũ quan của người khác thấy rồi cảm giác sẽ in vào óc người đó. Vì "trí óc bao giờ cũng phải nhận những cái hiển nhiên". Nhớ rằng không có cái gì vô trí óc ta mà không do con đường của ngũ quan.
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
  10. Thanh Bình

    Bài viết:
    111
    V. TRÌNH BÀY Ý KIẾN CÁCH NÀO?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong nhiều năm ông Owen D. Young đã làm cho người ta ngạc nhiên về cái tài mới nghe xong đề nghị của người khác là hiểu thấu ngay và trả lời tức thì "có" hay "không", trong khi đa số chúng ta phải đợi hỏi ý kiến của nhà chuyên môn. Tôi hỏi ông bí quyết để quyết định mau như vậy. Ông đáp: "Tôi coi cách người ta mở đầu đề nghị ra sao là tôi biết được. Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng nếu người đó không hiểu rõ đề nghị của mình thì mở đầu thế nào cũng lúng túng. Nếu người đó không tin chắc giá trị đề nghị của mình thì vô đề thế nào cũng mơ hồ, muốn tránh vài phương diện nào đó. Nếu chi tiết của đề nghị không cụ thể trong óc người đó thì mở đầu tất phải trừu tượng. Trái lại, nếu mở đầu bằng một ý sáng sủa, lời gọn và cô đọng lại minh chứng một cách cụ thể, thì ý đó thường có giá trị. Có những đức đó là nhờ đã nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần". Đó là một cách hay để định giá tư tưởng của một người. Ta phải biết rõ một vấn đề nào rồi mới trình bày sáng sủa được. Bạn nên tự hỏi: "Ta có thể đưa một thí dụ không? Nếu chứa được thì là ý của bạn còn mơ hồ và bạn phải suy nghĩ lại đi. Bạn nên nhớ ba đức sau này: Sáng sủa, có đặc tính và cụ thể. Bạn có viết thư thì nên nhớ lời Owen D. Young - Diễn đạt cho rõ ràng và giản dị. Mở đầu sao cho người ta chú ý tới ngay. Phương pháp hay nhất là bỏ câu đầu bạn viết đi vì thường bạn thấy câu đó kiểu cách, vô ích. Nghe lời khuyên của các ông giáo là" cắt cái tựa đi! "Ông Marshall Field có lần bảo rằng nếu biết viết thì một bức thư có thể đem lại cả tỉ đôla. Biết viết nghĩa viết sáng sủa, cô đọng và cụ thể. Ông H. N. Rasely, một người có tiếng về tài viết thư kể cho tôi nghe chuyện về một bức thư buôn bán viết khéo nhất từ trước tới nay: Mấy năm trước, một hãng chế tạo hóa phẩm nọ coi lại sổ sách thấy có hằng trăm khách hàng rất sòng phẳng, bẵng đi một thời gian không mua hàng của mình nữa. Hãng bèn cho nhân viên đi khắp nơi thăm các khách hàng đó và mời họ lại mua bán như cũ, nhưng không có kết quả. Hãng nhờ một nhà quảng cáo viết cho một bức thư ngắn. Không đầy một năm sau, hãng kéo lại được hai chục khách hàng cũ, nhờ đó số bán tăng lên được trên một triệu đôla. Đây, bức thư đó như vầy: Thưa ông! Ông đã rõ công việc buôn bán Có nhiều người ông muốn bán hàng cho mà lại không mua của ông. Ngay trong tỉnh của ông, ông biết có cả chục người không lại mua cho ông nữa, mặc dầu ông muốn cho họ lại mua lắm. Ông tin một cách thành thực rằng họ mua của ông thì có lợi cho họ, nên ông muốn biết vi lẽ gi họ không lại mua nữa. Đã lâu rồi, ông không mua hàng của chúng tôi, và chúng tôi muốn biết lý do vì sao. Ông cho chúng tôi biết lý do được không? Nếu được thì ông là người bán cho chúng tôi một ân huệ đó, vì có lẽ lý do đó là điều mà chúng tôi cần phải biết. Kính chúc ông.. Thư trả lời tới nườm nượp và cho hay nhiều điều mà chủ hãng cần biết: Như giao hàng không cẩn thận, người thay mặt hãng thiếu lễ độ khi chào hàng.. Hãng vội vàng thay đổi ngay cách thức làm ăn và kết quả là thu được thêm một triệu đôla nhờ bức thư khéo viết đó. Viết thư cũng như nói trước công chúng, bí quyết thành công ở trọn mấy tiếng đầu và trong giọng văn. Cảm giác ta gây ra trong sáu giây đầu ảnh hưởng tới toàn bài. • Vậy điểm thứ nhất là: Khi có một ý hay bạn nên trình bày nó một cách sáng sủa, cô đọng và có thể - ngay trong đoạn đầu. Năm 1939 người ta mời tôi dạy môn lý luận ở Viện Bách khoa Brooklyn. Tôi muốn bỏ lối thường đi để tìm một cách dạy sao cho hấp dẫn hơn. Khi tôi giảng đến phép tam đoạn luận, chẳng hạn, đáng lẽ dùng thí dụ thông thường:" Người nào cũng chết "làm đại tiền đề thì tôi mượn thí dụ của Louis Carroll:" Con cá sấu đói nào cũng nguy hiểm ". Tôi thử vài lần, sau tôi bỏ thí dụ đó, vì tôi nghĩ có những sinh viên không trông thấy con cá sấu lần nào và nhất là không biết con cá sấu khi đói ra sao, như vậy thí dụ không gợi cho họ một khái niệm gì cả, họ có thể phản đối. Còn thí dụ cũ, thí dụ:" Người nào cũng chết "thực rõ ràng, ai cũng thấy, lại liên quan trực tiếp đến mọi người, không thể nào làm cho sinh viên nghi ngờ được nữa. Ông John Erskine, vị học giả và tiểu thuyết gia trứ danh, đã kể cho tôi nghe một trường hợp tương tự trong nghề dạy học của ông. Ông nói:" Khi tôi bắt đầu dạy học ở Đại học đường Columbia, lớp học của tôi khoảng năm chục sinh viên, và thầy trò tương đắc nhau lắm. Nhưng một đêm, đọc ít bài tường thuật của sinh viên, tôi thấy hai bài y như nhau. Một bài đã cóp đúng bài kia, hoặc cả hai cóp đúng một nguồn nào đó. Kỷ luật nhà trường buộc tôi phải trình cho Hiệu trưởng hay, và hai sinh viên đó sẽ bị đuổi hẳn hay bị đuổi một thời gian, như vậy nguy cho họ. Sáng hôm sau, vô lớp tôi phê bình chung các bài tường thuật của cả lớp, chỉ bảo vài chỗ khiếm khuyết, nhưng đại thể là khen. Rồi tôi trả hết bài cho sinh viên, như vậy là không giữ trong tay những chứng cớ gì về vụ cóp văn đó nữa. Tôi trở về bàn viết của tôi, các sinh viên tưởng rằng tôi sẽ tiếp tục giảng; nhưng không, tôi thu thập hết sách vở đã mang theo rồi cầm luôn chiếc đồng hồ để trên bàn. Họ lấy làm ngạc nhiên lắm. Lúc đó tôi mới bảo rằng có hai sinh viên không được ngay thẳng, bài làm y hệt nhau. Tôi lựa nghề giáo sư không phải để trở thành mật thám hoặc đao phủ nên không muốn thưa ông hiệu trưởng. Tôi nói tiếp: "Khi tôi làm nghề dạy học, tôi mong rằng được cái vui hợp tác với những người cũng thích như tôi vấn đề mà mình nghiên cứu, nhất là tôi mong được hợp tác với những người hoàn toàn nghiêm trang đáng tin cậy. Nếu đương dạy học mà tôi phải về phòng của tôi để lấy một cuốn sách khác, mà tôi có thể để cái đồng hồ này trên bàn và tin rằng khi trở về, đồng hồ vẫn còn đó, không phải dặn- các bạn đừng ăn cắp nó. Bây giờ đã xảy ra một việc như vậy thì tôi không còn có thể hợp tác với các bạn cách nào được nữa. Hợp tác không còn thú gì cả và tôi đã quyết định không trở lại đây nữa". Rồi tôi ra khỏi lớp và trở về phòng của tôi. Khi trở về phòng đựợc khoảng mười lăm phút, hai sinh viên bước vô, xin lỗi tôi một cách cảm động. Sau này tôi được biết rằng lúc tôi đi khỏi, cả lớp phẫn uất, làm cho sinh viên đó xấu hổ. Tôi không tin rằng sự đạo văn đã gây ra thái độ tinh thần đó nhưng thí dụ ăn cắp đồng hồ đã đi sâu vào lòng họ một cách thấm thía. Giờ sau tôi trở lại lớp học, nói vắn tắt rằng tôi đã nghe lời xin lỗi và tôi đã tha thứ, vụ đó coi như đã kết thúc, và tin rằng từ nay không còn xảy ra những chuyện như vậy nữa. Quả nhiên sau đó không còn vụ đạo văn nào cả. Cách xử sự của ông John Erskine có kết quả, vì thí dụ ông dùng để gợi có sức mạnh gấp mười một bài thuyết giáo suông. Ông đã tạo ra một tình trạng bi thảm để dắt sinh viên tới quan điểm của mình. Khi quan điểm của bạn hơi lạ lùng thì phải để cho người khác có thì giờ để hiểu rõ nó. Nếu nó có yếu tố cả nhân thì nên trình bày nó một cách khiêm tốn, như Alexander Pope đã nói: "Muốn dạy đời thì đừng làm ra vẻ dạy đời. Và điều nào mà người ta không biết thì phải trình bày như những điều người ta đã biết nhưng quên rồi. Abraham Lincoln còn đi xa hơn nữa, ông nói:" Tự lãnh cái việc chỉ cách phán đoán cho người ta, hoặc chỉ huy sự hoạt động của người ta, hoặc làm cho người ta phải mắc cỡ, bị khỉnh bỉ thì thế nào người ta cũng tự rút vào trong nội tâm, đóng chặt cửa ngõ đưa vào óc và tim, và dù chủ trương của bạn là một chân lý đi nữa, lý lẽ của bạn có bén như một ngọn giáo vừa mạnh vừa đúng hơn thần Hercule đi nữa, thì bạn cũng không thể nào đâm thủng đối phương được, uổng công vô ích không khác gì dùng cọng rơm mà đòi đâm thủng cái mai rùa ". Quy tắc căn bản của thuật hùng biện là làm cho người khác tin rằng chính họ quyết định lấy, chính họ tự hướng dẫn và họ ý tưởng mà ta trình bày với họ đó, chính họ đã có từ hồi nhỏ rồi. Muốn như vậy, phải tránh cái lối thuyết giáo, và chỉ trình bày ý kiến dưới một hình thức chưa hoàn thành rồi để người khác tự hoàn thành lấy. Nên nhớ rằng bạn đã tốn công suy nghĩ mới tìm ra được một ý, ý đó là kết quả kinh nghiệm khác của bạn, vậy thì phải để cho người ta có thì giờ để sửa lại ý kiến của bạn có thích hợp với kinh nghiệm của người ta. Như vậy phải lâu, nên bạn cần phải kiên nhẫn. Những người thất bại không bảo vệ được ý kiến của mình chỉ vì hấp tấp quá. • Vậy điểm thứ nhì là: Đừng thuyết giáo - phải ngoại giao. Yếu tố thứ ba để thuyết phục người khác theo ý kiến của mình là: Khi bạn thấy mình có nhược điểm nào thì nhận nó đi. Và nếu có thể được nên nhận nó trước khi đối phương nêu ra nó. Bạn càng tự chỉ trích mạnh chừng nào thì người ta càng có thiện cảm với bạn nhiều chừng ấy. Tôi xin kể trường hợp ông thẩm phán Hugs L. Black. Ông là người thứ nhất được tổng thống Roosevelt cử vào tối cao pháp viện. Khi Thượng Nghị viện duyệt y sắc lệnh thì chỉ có 16 phiếu chống. Người ta tưởng là số phiếu chống cao hơn nhiều vì ông trước kia là đảng viên của đảng Ku Klux Klan [10] . Ông biết rằng người ta trách ông như vậy, nhưng cứ làm thinh, rồi ba ngày trước khi tới nhận chức, ông mới tuyên bố ở đài phát thanh với khoảng năm chục triệu thính giả. Ông nhận thẳng ngay rằng:" Khoảng mười lăm năm trước, tôi có vào đảng Ku Klux Klan. Nhưng rồi tôi xin ra khỏi đảng và sau không trở vào nữa. Bây giờ tôi không biết chút gì về tổ chức của đảng cả. Tôi không còn là đảng viên của đảng. Tôi không còn giữ thẻ hội viên của đảng mà cũng không hề dùng nó trong cuộc ứng cử nghị viện, tôi đã bỏ hẳn đảng ". Ông biết nhận trước như vậy cho nên địch thủ của ông không còn cơ hội để trách móc, rêu rao ông nữa. • Vậy điểm thứ ba là: Khi thấy mình có nhược điểm nào thì nhận nó ngay đi. Quy tắc thứ tư để thuyết phục người khác có phần khó theo hơn: Nói nhẹ đi chứ đừng nói quá. Bacon đã bảo:" Tán tụng một người hay một vấn đề nào quá chỉ gây sự phản đối, lòng ghen ghét, sự khinh bỉ thôi ". Khi trình bày chủ trương của mình mà thêm thắt nhiều quá thì người ta tất phản đối; trái lại nếu nói nhẹ đi thì người ta vui vẻ nghe, không chống lại bạn. Hễ bạn nói quá thì người nghe sinh ra nghi ngờ, hỏi:" Điều đó có thể đúng được không? "Thế là bạn lại mất công chứng thực. Còn như nếu bạn nói nhẹ bớt đi thì người nghe khoan khoái, nhận ra rằng bạn nói chưa hết và lời của bạn gợi thêm được ý cho họ. Họ đem ý đó ra bàn với bạn, họ chứng thực dùm cho bạn, và hai bên hóa ra hợp tác với nhau." Cách hay nhất là để chỗ trống trên chiếc xe của bạn, người khác thấy trống sẽ leo lên ngồi chung với bạn. Benjamin Franklin đã nói: "Phương pháp để thuyết phục người khác là trình bày ý kiến của mình một cách vừa phải và đích xác. Rồi gãi đầu hoặc gục gặc cái đầu một chút, bảo rằng nghe theo thiển ý của bạn thì như vậy nhưng tất nhiên bạn có thể lầm lẫn được, thế là người nghe nhận ý kiến của bạn, suy nghĩ thêm rồi thuyết phục bạn tin ý kiến đó chứ đừng nghi ngờ gì nữa. Trái lại, nếu bạn tuyên bố với ai một cách cương quyết, ngạo mạn thì chỉ làm cho người đó phản đối bạn thôi". • Vậy điểm thứ tư là: Nói nhẹ đi, đừng nói quá. Quy tắc thứ năm và cuối cùng là: Để người nghe dự phần sáng kiến vởi bạn. Khi bạn có một ý mới thì bạn nên tin chắc rằng thể nào cũng có sự phản đối. Người ta phản đối chỉ vì nó là một ý mới. Ai cũng vậy, cái gì làm cho mình biết rồi thì mình vững bụng, còn cái gì mới mẻ thì làm cho mình nghi ngờ. Vì vậy, để cho người khác dự phần sáng kiến với mình thì họ mới tin mình. Các nghệ sĩ chính là những người theo cái thuật đó. Nếu tác phẩm của họ chỉ phản ánh cảm xúc của họ thì tác phấm đó vô giá trị. Nó gợi cảm xúc và kinh nghiệm của người khác nữa, làm cho độc giả, khán giả hay thính giả được dự phần sáng tác với tác giả, có vậy tác giả mới được quần chúng bênh vực. Bác sĩ Vitor Heiser trong cuốn "Cuộc phiêu lưu của một bác sĩ Mỹ" (A American Doctor's Odyssey) đã chỉ cho ta phương pháp làm cho đối phương dự phần vào kế hoạch của ta. Ông viết: "Tổng thống Mckinley có lần hứa tôn trọng luật lệ của Philippin. Nhưng cơ quan vệ sinh lại luôn luôn phải đụng chạm với những tục lệ đó, và tôi phải gây cảm tình với người Phi để được việc. Khi tôi đưa ra luật vệ sinh để thi hành ở Manille thì báo chí nổi lên phản đối, một số bác sĩ cũng hùa với họ rằng tôi phạm vào đời tư trong gia đình dân chúng. Họ hoãn đạo luật đó lại một năm. Hết hạn đó tôi mời họ lại dự một buổi hội họp và hỏi họ:" Thưa quý vị, quý vị muốn tôi sửa đạo luật đó ra sao? "họ đề nghị này nọ. Tôi nhận rằng ý kiến của họ rất hay, nhưng về vấn đề kỹ thuật nên sửa đổi một chút. Thế là tôi sửa lại đạo luật mà đại cương cũng vẫn như đạo luật cũ, nhưng lần này họ hoan nghênh liền. Tôi cũng dùng phương pháp đó trong cơ quan lập pháp, để đổi sự phản đối thành sự hợp tác. Tôi thường nói với người phản đối mạnh nhất:" Ông làm ơn thảo luận luật đó giùm tôi nhé? "Thế là sự phản đối của ông ta tiêu tan tức thì và ông ta hăng hái nhận ngay công việc. Thảo xong, ông ta đưa tôi coi, tôi khen là rất hay, rồi sửa lại hết. Nhưng dự luật đó mang tên ông, nên ông ta và tôi thành những bạn đồng thanh đồng khí, tin cậy nhau lắm". Quy tắc đó giản dị: Cho người khác dự phần sáng kiến thì ỷ kiến của bạn sẽ được chấp thuận. Nhưng phải nhớ điều này: Bạn phải có chút tinh thần đẹp mới được, chỉ mong sao ý kiến hoặc kế hoạch của bạn được thực hiện, còn tên tuổi của bạn thì không cần cho người khác biết. Nếu bạn đòi được cho mọi người biết đó là ý kiến, kế hoạch của bạn, thì bạn sẽ thất bại, mà ý kiến và kế hoạch của bạn cũng thất bại luôn. Không có quyền tác giả về ý kiến. Ý kiến nào cũng vậy, chỉ tạm thời ở trong óc bạn một thời gian nào đó thôi rồi qua óc người khác. Không có gì vô lý bằng nhận nó là vật sở hữu của mình. Khi bạn mê một ý nào quá, muốn giữ nó làm của riêng là bạn đã vô tình làm cho nó mất giá trị một phần và người khác sẽ phản đối nó. • Vậy điểm thứ năm là: Cho người khác dự phần sáng kiến với bạn. Muốn trình bày một ý, bạn nên tự hỏi năm câu này: 1. Ta có thể diễn ý đó một cách sáng sủa, cô đọng và cụ thể không? "2. Ta có thể diễn nó một cách" ngoại giao "chứ không ra vẻ" thuyết giáo"không? 3. Có nhược điểm nào mà ta phải tự nhận không? 4. Ta có nói quá không? 5. Ta có muốn cho người khác dự phần sáng kiến với ta không?
     
    Last edited by a moderator: 24 Tháng ba 2019
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...