[Bài Thơ] Người Con Gái Việt Nam - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi Admin, 16 Tháng hai 2017.

  1. Admin Nothing to lose.. your love to win..

    Bài viết:
    4,093
    Em là ai?

    Cô gái hay nàng tiên

    Em có tuổi hay không có tuổi

    Mái tóc em đây, hay là mây là suối

    Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

    Thịt da em hay là sắt là đồng?


    Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt

    Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt

    Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh

    Trên mình em đau đớn cả thân cành


    Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

    Em đã sống lại rồi, em đã sống!

    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

    Không giết được em, người con gái anh hùng!


    Ôi trái tim em trái tim vĩ đại

    Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

    Không phải cho em. Cho lẽ phải trên đời

    Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!


    Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

    Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

    Em trở về, người con gái quang vinh

    Cả nước ôm em, khúc ruột của mình.


    Em đã sống, bởi vì em đã thắng

    Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng

    Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa

    Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa..


    Cả nước cho em, cho em tất cả

    Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má

    Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân

    Cho thịt da em lại nở trắng ngần


    Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ

    Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ

    Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang

    Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!


    Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp

    Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép

    Như quê em Gò Nổi, Kỳ Lam

    Hỡi em, người con gái Việt Nam!


    Tố Hữu

    Tặng chị Trần Thị Lý anh dũng

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng tám 2019
  2. Admin Nothing to lose.. your love to win..

    Bài viết:
    4,093
    Sự thật đằng sau bài thơ

    Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô đã tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Tình trạng bệnh nhân: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục.

    Chị Trần Thị Lý tên thật là Trần Thị Nhâm, sinh năm 1933 ở Quảng Nam, tham gia hoạt động cách mạng và được kết nạp Đảng năm 18 tuổi. Năm 1956, chị bị địch bắt và thuyên chuyển qua rất nhiều nhà tù. Để khuất phục chị, bọn địch đã không từ bất cứ thủ đoạn tra tấn dã man tàn ác nào: Lấy móc sắt xuyên qua bàn chân rồi treo ngược lên xà nhà, lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt.. Sau hơn 2 năm giam cầm, tù đầy, tra tấn dã man mà không khai thác được gì, địch vứt chị Lý ra ngoài nhà lao vì tưởng chị đã chết.

    Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô đã tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: "Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê Miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh nhân: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, đầu vú bị cắt còn loét nham nhở, bộ phận sinh dục chảy máu liên tục."

    Trần Thị Lý sinh năm 1933 tại Quảng Nam, bà tham gia Cách Mạng từ năm 12 tuổi. Trong giai đoạn từ 1951 - 1956, bà tham gia đường dây cán bộ nằm vùng và đã từng 2 lần bị bắt nhưng đều được tha vì không đủ chứng cứ. Năm 1956 bà bị chính quyền tay sai VNCH bắt lần thứ 3, bà bị tra tấn với những hình thức dã man nhất như: Điện giật, dùi đâm, đổ nước xà phòng, dùng dao cắt vú, dùng lửa nung bộ phận sinh dục đến nỗi bị mất khả năng sinh sản.. nhưng người phụ nữ trung kiên ấy vẫn không hé răng dù chỉ một lời.

    Tháng 10 năm 1958, Trần Thị Lý bị tra tấn tới kiệt sức, phía chính quyền tay sai VNCH cho rằng bà không thể sống được nữa nên đem vứt bà ra ngoài nhà lao, bà may mắn thoát chết một cách hi hữu, được đồng đội bí mật đón về, chuyển sang Campuchia và được đưa ra Bắc chữa trị. Sự kiện Trần Thị Lý bị bắt, bị tra tấn ngoài sức tưởng tượng đã làm rúng động dư luận thế giới bấy giờ và nó bắt đầu châm ngòi cho cuộc chiến truyền thông giữa hai miền Nam Bắc.

    Ngay lập tức không lâu sau đó, 17 giờ ngày 25-10-1958, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội đã phát đi bản tin về Trần Thị Lý với nội dung: "Chị Lý bị bọn tay chân của Diệm bắt đánh đập," sám hối "với những nhục hình dã man như: Lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt, dùng điện tra vào đầu vú và bộ phận sinh dục!"

    Tiếp đó, lúc 7 giờ 15 ngày 19-11-1958, Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam lại phát đi lời kêu gọi của Trần Thị Lý gửi Ủy ban Quốc tế, chị kể: "Lần thứ 3, tháng 3-1956, chúng bắt tôi về nhà lao Hội An và tra tấn vô cùng dã man, tên Phan Văn Lợi, người do Diệm cử từ Sài Gòn ra, cùng nhiều tên khác trực tiếp tra tấn. Chúng đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng tôi rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Chúng lấy móc sắt xuyên bàn chân tôi rồi treo ngược lên xà nhà, dùng điện tra vào cửa mình và vú; lấy dao xẻo từng miếng thịt trên đùi, cánh tay và ngực. Chúng dùng kìm sắt nung đỏ rồi kẹp vào bắp thịt tôi rứt ra từng mảng, dùng thước sắt thọc vào âm đạo.. Chúng bắt tôi phải nhận tội" Thân cộng "và" Chống chính phủ quốc gia "của chúng!"

    Ngày 21-11-1958, 5 bộ đội Liên khu 5 viết kiến nghị và được 2.000 đại biểu ký gửi đến Ủy ban Quốc tế phản đối sự dã man của chính quyền tay sai Sài Gòn đối với Trần Thị Lý. Từ ngày 11 đến 21-11-1958, 39 đoàn khách quốc tế đến thăm chị Lý và 62 đoàn tiếp tục đăng ký vào thăm. Đài Phát thanh Hà Nội cũng phát đi lời của ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt–Anh rằng:

    "Tôi đã từng chứng kiến tội ác của bọn thực dân đối với nhân dân thuộc địa song tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy người Việt Nam nỡ đối xử với người Việt Nam tàn tệ như thế. Với chính sách đàn áp dã man này, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tỏ ra rất thối nát. Ủy ban Quốc tế tại Việt Nam cần lưu ý ngay đến vấn đề này, đó là nhiệm vụ của họ!"

    Khi nhà thơ Tố Hữu đến thăm Trần Thị Lý, ông đã khóc rất nhiều vì quá xúc động. Tháng 12-1958, bài thơ Người con gái Việt Nam của ông ra đời và sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

    "Em là ai? Cô gái hay nàng tiên

    Em có tuổi hay không có tuổi

    Mái tóc em đây, là mây hay là suối

    Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông

    Thịt da em hay là sắt là đồng?"

    "Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

    Em đã sống lại rồi em đã sống!

    Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

    Không giết được em, người con gái anh hùng!"

    "Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

    Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

    Em trở về, người con gái quang vinh

    Cả nước ôm em, khúc ruột của mình."

    Lúc sinh thời, chị kể:

    "Lần thứ ba tôi bị bắt trong một đợt tấn công của địch ở địa phương tôi, và cũng là lần mà tôi phải chịu sự tra tấn tàn bạo nhất. Chúng giam tôi ở Hội An, trong một nhà lao chật ních những người kháng chiến.

    Hai tên công an lưu động của chính quyền Ngô Đình Diệm tên là Sáng và Lợi từ Sài Gòn đặc phái đến nhà lao Hội An cùng với bọn công an của quận như các tên: Lịch, Chanh, Khánh, Lương, Thôi, Tre.. liên tục tra tấn tôi hàng tháng trời. Chúng tuyên bố: Dùng phương pháp tra tấn Mỹ để đánh cho tiệt đường con cái, đánh cho tàn phế, đánh chết không đền mạng. Chúng lột trần tôi, căng người tôi lên một miếng ván, đổ nước xà phòng và một thứ nước bẩn thỉu nhất vào mồm, vào mũi tôi, rồi thay nhau đi giày đinh giẫm lên bụng, lên ngực tôi. Máu và nước ộc ra, tôi chết ngất nhiều lần. Chúng lấy móc sắt xiên ngang bàn chân tôi treo ngược lên xà nhà, dùng điện quay vào vú, vào cửa mình tôi, lấy dao xẻo từng mảng thịt ở đùi non, ở vú, ở bắt chân, ở cánh tay tôi, lấy thước thọc mạnh vào âm hộ tôi, bứt từng mảng tóc tôi và nắm tai tôi lôi đi hàng chục thước, rồi nung kìm sắt đỏ cặp vào các bắp thịt tôi, rứt ra từng miếng cháy xèo xèo.. Cứ thế, những hình thức tra tấn kéo dài hàng tháng trời, thân hình tôi đầy những vết thương. Mục đích của bọn tra tấn là bắt tôi phải nhận là thân cộng, là hoạt động chống lại Chính phủ quốc gia, phải vu cáo những người kháng chiến cũ.

    Và tất nhiên, chẳng bao giờ tôi - người con gái sông nước Thu Bồn lại nhận trước kẻ thù, rằng mình sẽ phản bội lại đồng bào, đồng chí, mặc dù luôn bị điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung.."

    Trong thời gian dưỡng bệnh ở Hà Nội, Trần Thị Lý có tình cảm với một thương binh đồng hương. Chồng chị là Thầy giáo Nguyễn Viết Tuấn. Tháng 3 năm 1978, khước từ mọi mai mối, bất chấp lời khuyên của chị Lý nên xây dựng hạnh phúc với những người con gái lành lặn khác, anh Tuấn vẫn quyết tâm xây dựng đời sống gia đình với chị. Và đám cưới của họ được tổ chức tại quê hương Đại Lộc. Tháng 5 năm 1978, Nguyễn Viết Tuấn tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội rồi trở về Quảng Nam - Đà Nẵng làm CB giảng dạy ở khoa điện. Ngôi nhà 63 - đường Hải Phòng giữa lòng Đà Nẵng thân thương ghi dấu biết bao nhiêu là ý chí, nghị lực của cả hai để có được hơi ấm thực sự của hạnh phúc gia đình, trong đó, có cả tương lai của đứa con gái tên gọi Thùy Linh.

    Do bị tra tấn, chị mất khả năng sinh nở nên hai người nhận một con gái nuôi. Năm 1979, Trần Thị Lý từ Hà Nội về sống tại Đà Nẵng, trong điều kiện sức khỏe được phục hồi một phần. Gia cảnh gia đình thời gian đó khó khăn, nhiều năm liền sống trong căn nhà cấp 4. Chị mất vào ngày 20/11/1992 tại Đà Nẵng.

    Ở Đà Nẵng từng có cây cầu mang tên chị Trần Thị Lý. Đến nay, sau thời gian xuống cấp, cây cầu đã bị dỡ bỏ và được thay thế bởi một cây cầu dây văng hiện đại mang tên Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý. Hình ảnh chị tô điểm thêm hồn thiêng sông núi, làm rạng ngời vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Chị cùng với bao anh hùng liệt sĩ khác đã hi sinh xương máu để dân tộc Việt Nam hôm nay được hưởng ngày Tết Độc Lập trọn vẹn.
     
  3. Admin Nothing to lose.. your love to win..

    Bài viết:
    4,093
    Mối tình thầm lặng của Người con gái Việt Nam

    Tháng Bảy không giống với những tháng khác trong năm, đó là khi hầu hết mọi vùng quê, thành thị trên dải đất chữ S đều nóng rẫy.

    Cái nóng đến từ thiên nhiên của những ngày cuối hè. Còn có những cháy bỏng khác từ một ngày đặc biệt - Ngày Thương binh, liệt sĩ. Và những ngày này, tôi được nghe một câu chuyện thật đẹp về thương binh - AHLLVT Trần Thị Lý - nhân vật trong bài thơ xúc động "Người con gái Việt Nam" của nhà thơ Tố Hữu.

    Em là ai? Cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi? Mái tóc em đây, là mây hay là suối? Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông. Thịt da em hay là sắt là đồng? "- Là những câu thơ cảm động về chị Lý mà nhiều thế hệ trẻ Việt Nam thuộc nằm lòng với nhiều xúc cảm đặc biệt.


    Tình yêu thầm lặng bên án tử

    Tôi có dịp được gặp bác Lê Quang Vịnh, nguyên" thủ lĩnh "sinh viên học sinh Sài Gòn Gia Định trước năm 1975, nghe bác kể về mối tình thầm lặng của chị Lý và bác. Vào năm 1958, chị Lý bị bắt ở Quảng Nam, được bí mật đưa vào Sài Gòn. Trong những ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, chị làm công tác giao liên của Liên khu 5, nhận lệnh từ cấp trên, tìm gặp Lê Quang Vịnh để bắt mối kết nối cho các cán bộ tham gia hoạt động công khai trong phong trào học sinh, sinh viên. Trong một chuyến Lê Quang Vịnh đi họp, chị Trần Thị Lý tìm tới gặp. Hai người quen biết nhau trong quá trình công tác.

    Đó là thời gian sau khi chị Lý bị giặc bắt, tra tấn bằng những đòn dã man tới mức" thân tàn ma dại ". Hơi thở chị yếu tới mức, nhìn qua tưởng như đã tắt thở. Chị bị vứt ra bãi nghĩa địa bên nhà xác của địch. Đồng đội chị tranh thủ buổi tối đến đánh cắp cái xác ấy về. Chị chỉ còn nặng 26 kg ở tuổi thanh xuân. Chính đồng đội chị là những người đầu tiên chăm từng muỗng cháo, hớp nước, kéo Người con gái Việt Nam" Từ cõi chết, em trở về, chói lọi ".

    Về sau, chị Lý được đồng đội đưa vòng qua Campuchia để ra Bệnh viện Việt Xô chăm sóc sức khỏe (Nơi nhà thơ Tố Hữu gặp chị và viết bài Người con gái Việt Nam). Chỉ một thời gian ngắn gặp mặt, chị đem lòng quý mến người thanh niên Lê QuangVịnh, lúc ấy vừa là một giáo sư (dạy ở Trường Petrus Ký - Sài Gòn) ngoài 20 tuổi, nổi tiếng về hoạt động đấu tranh trong giới trí thức trẻ ở Sài Gòn. Lê Quang Vịnh còn là người hiểu biết rộng, lịch lãm, có nhiều biệt tài như viết văn, làm thơ, sáng tác ca khúc.. Lê Quang Vịnh là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành, Trưởng Ban cán sự sinh viên. Lực lượng vũ trang thanh niên, sinh viên đã tiến hành nhiều trận đánh như ném lựu đạn MK2 vào xe tuần tiễu giết chết 8 tên lính dù ngụy; đốt cháy một kho xăng của quân đội ngụy, ném thủ pháo vào xe chở Đại sứ Mỹ Nolting, giết hụt tên này; đánh vào cư xá Mỹ; phục kích diệt tên đại tá cố vấn chỉ huy xây dựng phi trường Tân Sơn Nhất. Năm 1962, ông bị kết án tử hình và đưa ra Côn Đảo, chị Lý đã đưa tấm hình chân dung Lê Quang Vịnh cho bác Phạm Văn Đồng xem, nói:" Đây là người con thương ". Phía sau tấm hình ấy ghi: Chờ anh mãi mãi, âm thầm chờ anh - Đạo Tĩnh". Đạo Tĩnh là biệt hiệu của Trần Thị Lý khi hoạt động ở Củ Chi. Tình yêu thương ấy bất chấp án tử hình dành cho người trai trẻ, cùng chị Lý qua những ngày thanh xuân gian truân khắc nghiệt nhất.


    Tấm hình đặc biệt

    Sau khi Lê Quang Vịnh và các đồng đội bị tòa án ngụy quyền Sài Gòn tuyên án tử hình, các báo ở Hà Nội tới tấp đăng bài phản đối bản án, tố cáo ngụy quyền Sài Gòn đàn áp trí thức, sinh viên học sinh. Nhưng các báo đều không có một tấm ảnh nào của giáo sư Lê Quang Vịnh cả. May thay, lúc đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới nhớ ra là người nữ chiến sĩ Trần Thị Lý đang chữa bệnh ở Hà Nội đã có lần khoe với mình tấm ảnh Lê Quang Vịnh. Nhờ chị Lý giữ tấm ảnh, và nhờ trí nhớ tuyệt vời của bác Đồng, các báo đến chỗ chị Lý mượn ảnh. Ảnh Lê Quang Vịnh được đăng lên báo, minh chứng một việc thật, người thật, làm xúc động người đọc cả miền Bắc và trên thế giới.

    [​IMG]

    Anh hùng LLVT Trần Thị Lý trò chuyện cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1975


    Tấm hình và câu chuyện về anh Lê Quang Vịnh đặc biệt gián tiếp truyền thêm lửa đấu tranh trong phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên, thanh niên trong nước và góp phần tạo nên những hiệu ứng tích cực với phong trào phản chiến của thanh niên quốc tế. Tác động tích cực nhất là, dù mang án tử tù, nhốt vào chuồng cọp - Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian nhưng chính quyền Sài Gòn không thể xử bắn anh Lê Quang Vịnh mà để anh mang án tử cho tới hơn 10 năm sau đó, sau Hiệp định Giơ - ne - vơ, anh được trao trả về.

    Chị Trần Thị Lý (tên thật Trần Thị Nhâm) sinh năm 1933, tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - mất năm 1992 tại Đà Nẵng. Chị tham gia từ kháng chiến chống Pháp qua kháng chiến chống Mỹ, là nữ tù chính trị và là Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Chị là một nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên, gan dạ, dũng cảm, đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man, vô nhân đạo trong các nhà tù mà vẫn bất khuất, không khai báo, kiên trì chịu đựng, không khuất phục. Chị trở thành biểu tượng "Người con gái Việt Nam" trong kháng chiến chống Mỹ.

    Có nhiều câu chuyện được xem như "giai thoại" kháng chiến xung quanh bức hình nhỏ này. Bức ảnh ấy là ảnh anh Vịnh chụp cuối những năm 50 thế kỷ trước để làm thẻ sinh viên. Một lần ra bưng họp, Lê Quang Vịnh có mang theo tập ảnh gia đình trong người, trong đó có bức ảnh ấy. Anh Vịnh có đưa cho các bạn gái trong bưng xem. Tấm ảnh đó đã bị (được) một người "ém nhẹm" cho riêng mình mà anh không hay.

    Bằng cách nào đó, bức hình lại có trong tay của chị Trần Thị Lý, một cô gái tận sông Thu Bồn. Mãi sau này anh mới biết chị Lý luôn mang theo tấm hình ấy bên mình như một báu vật của đời. Lê Quang Vịnh nói, có thể bức hình ấy được trao về cho các anh cán bộ của chị Lý, và vì có nhiệm vụ kết nối với Lê Quang Vịnh, phải tìm được chính xác người cần kết nối mà chị Lý có tấm hình ấy.

    Sau này, qua nhiều năm tù đày, lưu lạc, anh Lê Quang Vịnh chỉ biết tới tình cảm của "Người con gái Việt Nam" dành cho mình khi anh đã đính hôn với một cô gái đồng hương, là em gái của bạn tù Côn Đảo. Chính chị Lý đã kể hết tâm tình, nỗi lòng mình với vợ chưa cưới của anh Lê Quang Vịnh lúc ấy. Nói về tình cảm này, Lê Quang Vịnh tới giờ vẫn bùi ngùi cảm động về sự chân thành, thuần khiết của một cô gái hồn hậu, mạnh mẽ dành cho mình.

    Sau đó, chị Lý có tình cảm với một thương binh đồng hương và có một đám cưới giản dị. Sau nhiều cuộc hành hình, tra tấn khắc nghiệt, chị mất khả năng sinh nở nên có nhận một người con gái nuôi. Hình ảnh anh Lê Quang Vịnh và chị Trần Thị Lý từng là đề tài của thơ ca, nhạc, họa, phim ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là bài thơ Người con gái Việt Nam của nhà thơ Tố Hữu viết về chị Lý và bài hát Lê Quang Vịnh, người con quang vinh của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

    Ở Đà Nẵng từng có cây cầu mang tên chị Trần Thị Lý. Đến nay, sau thời gian xuống cấp, cây cầu đã bị dỡ bỏ và được thay thế bởi một cây cầu dây văng hiện đại mang tên Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý.

    Nguồn: Infonet
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...