Lời Tri Ân Bạn Đọc Từ Thanh Trắc Nguyễn Văn

Thảo luận trong 'Văn Thơ' bắt đầu bởi Thanh Trắc Nguyễn Văn, 11 Tháng bảy 2021.

  1. [​IMG]

    Nhớ Lại Một Bài Thơ

    Thanh Trắc Nguyễn Văn đã từng gặp tôi trong những giây phút thả hồn theo khói, những giây phút gọi là phiêu trong quán cà phê Nghêu Ngao ở quận Nhất. Lúc ấy tôi đang tàn tạ vì bịnh ung thư cùng với một nỗi buồn vô vọng, rồi Thanh Trắc Nguyễn Văn đã viết nên những vần thơ ma quái tặng tôi trước cuộc sống văn học mà thi ca hiện đang xuống cấp trầm trọng. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã thể hiện một tấm lòng nghệ sĩ thật hồn nhiên và đầy niềm tin trước văn học nghệ thuật, không biết có phải là do tâm hồn của một nhà giáo hay không mà anh đã thể hiện được những câu thơ xoáy vào tận trái tim tôi.

    Do mất liên lạc khá lâu Thanh Trắc Nguyễn Văn cứ nghĩ là tôi đã từ giã cuộc đời tươi đẹp này. Nhưng giờ đây tôi vẫn sống và hiên ngang để làm người, để tiếp tục đi tiếp với những ước mơ còn dang dở như thơ anh đã viết tặng. Khi gặp lại tôi ở Hội Nhà Văn Tp.Hồ Chí Minh năm 2019, Thanh Trắc Nguyễn Văn rất mừng.

    Rất cảm ơn bạn đã hiểu về gã Thơ Say.

    2019

    Nguyễn Hồng Xuân
    (Chủ nhiệm Câu Lạc Bộ Thơ Say)


    [​IMG]

    Nghêu Ngao Ca

    Nghêu ngao hát giữa nhân gian
    Hỏi ai địa ngục, thiên đàng là đâu?
    Tìm người trong chốn không nhau
    Tháng năm nối lại toàn màu cô đơn.

    Nghêu ngao gảy khúc nhạc hờn
    Tiếng yêu, tiếng hận chập chờn gần xa
    Đường đời lắm nẻo bôn ba
    Cầm lên mảnh nhớ vẫn là bóng em!

    Nghêu ngao rót rượu vào đêm
    Trăng thu bỗng rụng xuống thềm ngả nghiêng
    Kìa kìa môi thắm, mắt duyên
    Tỉnh say chẳng biết là tiên hay mình?

    Nghêu ngao ngồi trước bình minh
    Câu thơ ném giữa tử sinh mà cười
    Cuội xưa nói dối lên trời
    Thương ta viết thật mãi đời trần gian...

    2014
    (Tập thơ Nghêu Ngao Ca - NXB Văn Học 2018)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]
     
  2. Rất cảm ơn nhà thơ Nguyễn Xuân Huy đã tặng thơ.

    [​IMG]

    Tình Xuân

    (Cảm tác từ bài thơ Đêm Mộng Ca Dao của Thanh Trắc Nguyễn Văn)

    Anh còn một đóa hoa lòng
    Ngày yêu dồn nén chờ mong vô ngần
    Em là cả một mùa xuân
    Trên đời anh những ân cần cho em...

    Xuân về đẹp giữa bình yên
    Đầu đình trúc mọc vẫn nguyên thuở nào
    Em sang, má thắm hoa đào
    Còn hơn cõi mộng... dạt dào Tình Xuân!

    (Trang thơ Lục Bát Việt Nam)

    Nguyễn Xuân Huy


    [​IMG]

    Đêm Mộng Ca Dao

    Đêm xuân mộng
    Gọi ca dao
    Cưỡi con sẻ xám bay vào hoàng hôn
    Gặp em gánh thóc đầu thôn
    Cái cười lúng liếng
    Làm hồn đi hoang.

    Đêm xuân mộng
    Thấy em sang
    Áo bà ba tím tím loang vườn cà
    Thảo hiền nâng mẹ đỡ cha
    Quả thị vỡ bốn
    Đầy nhà sắc hương.

    Đêm xuân mộng
    Hẹn em luôn
    Qua cầu dải yếm cứ tuồn tuột bay
    Hạt mưa chưa rớt đã gầy
    Lời yêu chưa hé
    Đã ngây ngây sầu.

    Đêm xuân mộng
    Thấy rước dâu
    Nửa đêm giờ tí rủ nhau động phòng
    Cô dâu da trắng má hồng...
    Bỗng dưng thức giấc
    Nằm không một mình!

    2009
    (Tập thơ Giọt Lệ Trăng - NXB Văn Nghệ 2010)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười hai 2022
  3. [​IMG]

    Lời Tri Ân Của Thanh Trắc Nguyễn Văn Với Fan Thơ

    Thanh Trắc Nguyễn Văn rất biết ơn và xin chân thành cảm ơn cô B. đã luôn ủng hộ thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn trong nhiều năm qua. Mến chúc cô B. luôn trẻ đẹp và gặp thật nhiều may mắn.

    Thanh Trắc Nguyễn Văn
     
  4. Lời tác giả: Một trong những bài thơ cô B. Rất thích

    [​IMG]

    Sen Đồng Tháp

    Tháng này sen nở chưa em?
    Mây lằng lặng trắng, nắng lem lém vàng
    Ngỡ ngàng qua chuyến đò ngang
    Hương bay Đồng Tháp mênh mang gió chiều!

    Nửa đời lăn lốc phiêu diêu
    Gặp sen cháy lại những điều ta mơ
    Giật mình dẫm nẻo bơ vơ
    Nhớ hương khói lạnh bàn thờ mẹ cha...

    Bùn tràn, lạnh cắt, mưa sa
    Vẫn rừng rực sáng cánh hoa tím hồng
    Khơi trong, gạn đục giữa đồng
    Lá che đội bão xanh dòng ca dao.

    Ngọt ngào mà cũng thanh tao
    Phải em thôn nữ thơm màu tóc mây?
    Gánh nghiêng chiều nắng vai gầy
    Khăn rằn quấn gió thả say môi cười.

    Tìm ai tìm đến Tháp Mười
    Ngẩn ngơ chẳng biết tìm người hay sen?

    Đồng Tháp 2022

    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]
     
  5. Rất cảm ơn cô giáo Trử Thị Nguyệt Thu đã yêu thích bài thơ Khúc Hát Ngày Ra Trường.

    [​IMG]

    Khúc Hát Ngày Ra Trường

    Thôi, từ giã giảng đường
    Từ giã tuổi sinh viên
    Chúng mình ra đi để mang hoài nỗi nhớ
    Hoa phượng vĩ chiều nay tưng bừng nở
    Đỏ thắm ven trời. Những cánh chim bay.

    Ngày mai xa rồi ta biết nói gì đây
    Ánh mắt ấy nhìn ai chợt có gì khang khác!
    Tạm biệt nhé con đường về xanh mát
    Bao dấu chân xưa. Sao xao xuyến bồi hồi?

    - Em sẽ về miền đất ấy xa xôi...
    Lời nói khẽ như bao lời muốn nói
    Mái trường xa sẽ đón chào cô giáo mới
    Và tình yêu thoảng nhẹ trong chiều.

    Họ bên nhau chưa nói được nhiều
    Lòng mải hẹn những phương trời xa lắc!
    Để những ước mơ thầm thì khẽ hát
    Khúc - hát - vào - đời những mơ ước lứa đôi...

    1994
    (Tập thơ Hoa Sứ Trắng - NXB Đà Nẵng 1997)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]
     
  6. [​IMG]

    Bình bài thơ Ghen của Thanh Trắc Nguyễn Văn (1)

    Vung tay bỏng lửa ghen hờn
    Dở dang giờ nhặt cô đơn bốn mùa...

    Thanh Trắc Nguyễn Văn đã đun sôi cái "ghen" lên sùng sục của sự đỗ vỡ ngang tàng lắm xót thương. Rồi thì cũng không tài nào lý giải nỗi cái ghen kia có còn chính đáng hơn cái nỗi buồn xót xa đang cào xé con tim người trong cuộc.

    Giận em đập nát câu thề
    Nắng hồng rơi vỡ dầm dề mưa tuôn
    Bão dông giăng kín mây nguồn
    Gió tan tác nhớ, sóng cuồn cuộn đau...

    Cái ngỗ ngáo trong cách dùng từ của nhà thơ: "đập nát" nghe mà ớn lạnh. Nhưng không nó vỗ về cho cái nguồn cơn ghen tuông của chàng trai kia với cô gái mình yêu. Rồi nạt mỡ giữa tức tưởi ghen tuông và nỗi uất ức, tủi buồn sâu lắng, lúc trào sôi, lúc tĩnh lặng lạnh lùng. Một cái ghen của một người bị phụ bạc rất ngu ngơ.

    Bây giờ người ấy trầu cau
    Dửng dưng qua bến sông sâu, xuống đò.

    Rồi thì cái nhìn bất lực, cam chịu phủ trùm lên cuộc tình vỡ tan kia một gam màu chia ly tàn úa, đơn sơ đến dửng dưng. Cái ghen đã chết đi không bằng, không cớ, không một lời thố lộ.

    Lơ ngơ tôi đứng trên bờ
    Lời thương hoá đá... Hết chờ, hết mong!

    Và rồi sự phũ phàng của tình cảm, hay sự vùi chôn sâu thẳm đã kéo bức màn sân khấu trò tình nông nỗi bằng ánh mắt ngu ngơ chưa hiểu nỗi gì của người trong cuộc. Ghen đã hình thành từ cái đập nát tàn nhẫn, vô tình kia giờ tắt lịm lạnh tanh trong nỗi chơ vơ vô tội vạ.

    Thanh Trắc Nguyễn Văn đã vẽ lên một cái "ghen" rất đẹp, rất thực của một mối tình đầu dở dang. Một người đi, một kẻ ở lại, một cuộc tình kết trong chơ vơ sỏi đá, không thương, không nhớ, không ghen tuông hờn dỗi.

    Ôi! Sao mà tha thiết cái triết lý bao dung trong tình yêu. Đến độ chín nào đó "ghen" chỉ là một thứ gì rất ngốc.

    Một cách ghen đáng để học, đáng để trải nghiệm, vì ai dám nói rằng mình không có nỗi một lần "ghen".


    Hàn Tuyết Băng


    [​IMG]

    Ghen

    Giận em đập nát câu thề
    Nắng hồng rơi vỡ dầm dề mưa tuôn
    Bão dông giăng kín mây buồn
    Gió tan tác nhớ, sóng cuồn cuộn đau...

    Bây giờ người ấy trầu cau
    Dửng dưng qua bến sông sâu, xuống đò
    Lơ ngơ tôi đứng trên bờ
    Lời thương hóa đá... Hết chờ, hết mong!

    Lội đò tiễn sáo sang sông
    Câu thơ xưa thả bềnh bồng hoàng hôn
    Vung tay bỏng lửa ghen hờn
    Dở dang giờ nhặt cô đơn bốn mùa...

    (Tuyển tập thơ Thơ Nhà Giáo Tp.HCM - NXB Trẻ 1997)


    Thanh Trắc Nguyễn Văn


    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng một 2023
  7. [​IMG]

    Bài Thơ Nửa Đời Và Bốn Bi Kịch Lớn Của Con người

    1. Bi kịch thứ nhất: Bi kịch trong tình yêu

    Nửa đời
    Nhỏ lệ làm sông
    Thuyền yêu chèo mãi
    Vẫn không thấy bờ.

    Với giọng thơ lục bát nhưng Thanh Trắc Nguyễn Văn đã vận dụng lối ngắt nhịp biến 2 câu thơ lục bát 6 - 8 thành 2 - 4 - 4 - 4 để tạo nên một âm điệu vừa trữ tình vừa khoắc khoải bi thương. Yêu như trong bài thơ thì làm sao giữ gìn hạnh phúc được? Yêu là phải có nghị lực vươn lên. Tôi nhớ một bài thơ khác cũng của Thanh Trắc Nguyễn Văn, đã có một ý thức và một cách xử lý trong tình yêu hoàn toàn khác hẳn:

    Cầm lên một trái khổ qua
    Khổ mà kêu khổ đúng là khổ thôi
    Yêu nhau leo núi vượt đồi
    Chia bùi xẻ đắng khổ rồi cũng qua!
    (Trái khổ qua – Thanh Trắc Nguyễn Văn)

    Bi kịch trong tình yêu chính là sự ủy mị, sướt mướt. Nước mắt chỉ làm người ta thương hại chứ không giữ được tình yêu. Khoảng những năm 1980 Liên Xô có bộ phim nổi tiếng Mat-xcơ-va không tin vào những giọt nước mắt. Nay qua bốn câu thơ đầu của bài thơ Nửa đời nên có thêm một thành ngữ mới: "Tình yêu không giữ được từ những giọt nước mắt". Hình ảnh và hình tượng bài thơ rất đắt: "Nhỏ lệ làm sông", "Thuyền yêu chèo mãi/ Vẫn không thấy bờ" gợi đến những hình ảnh đã có từ rất lâu trong tình yêu: "biển tình", "biển ái" nhưng nghiệt ngã hơn rất nhiều. Cái giá phải trả của một người không có "bản lĩnh" trong tình yêu cũng thật đáng thương "thuyền yêu chèo mãi vẫn không thấy bờ". Thanh Trắc Nguyễn Văn đã khéo léo dùng tu từ và nghệ thuật đúc kết cho người đọc một kinh nghiệm trong tình trường mà chắc có lẽ anh đã từng ít nhiều trải nghiệm qua.

    2. Bi kịch thứ hai: Bi kịch của những người muốn làm "nhà thơ"

    Nửa đời
    Xếp chữ làm thơ
    Chữ "tình" đi mất
    Bỏ "khờ" chèo queo.

    Chưa bao giờ nước ta lại có rất nhiều người làm thơ như hiện nay. Người làm thơ thì nhiều nhưng những nhà thơ đúng nghĩa thì lại rất ít. Thơ phải viết ra từ cảm xúc, từ nghệ thuật tinh tế. "Sáng tác" thơ mà xếp chữ cho ra một bài thơ có vần, có điệu như quay một khối rubik thì còn gì là thơ! Đó là "thợ thơ" thì đúng hơn! Tôi còn nhớ có lần nghe một "nhà thơ " tự phong ở một câu lạc bộ thơ nọ, tuổi cũng đã lục tuần, lên hội trường đọc những câu thơ ngô nghê như sau:

    Sáng nay mùng tám tháng ba
    Chào mừng đại hội các bà các cô...

    Nghe thật tức cười nhưng cũng thật giật mình vì nghe đâu "nhà thơ" này đã xuất bản được hơn tám tập thơ và hiện đang chuẩn bị xuất bản tập thơ thứ chín! Thế mới hay làm thơ thì dễ nhưng làm thơ để đi được vào lòng người thì khó vô cùng. Cái giá phải trả của những người làm thơ loại này là đến một lúc nào đó họ mới hiểu ra mình đã quá dại dột. Họ làm thơ "tình" nhưng chỉ để người ta xem xong và cười, có người còn xấu miệng hơn bảo họ là những kẻ háo danh. Đó chính là chữ "khờ" của những "nhà thơ" không có thực tài. Tuy nhiên đây là bi kịch rất dễ thương. Họ "khờ" vì sự đam mê nghệ thuật quá đáng của mình. Có thể sự đam mê đó gây phiền nhiễu cho nhiều người khác nhưng không hề gây ra nguy hại nghiêm trọng cho xã hội. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã dùng tu từ nhân cách hóa cho chữ "tình" và chữ "khờ" để biểu hiện một cách thật sinh động và cũng thật hài hước:

    Chữ "tình" đi mất
    Bỏ "khờ" chèo queo

    Nhìn chung Thanh Trắc Nguyễn Văn đã khá thành công khi anh tạo nên một tiếng cười vui nhưng đầy cảm thông cho loại bi kịch đáng yêu này.


    3. Bi kịch thứ ba: Bi kịch trong kinh doanh


    Nửa đời
    Bán mảnh trăng treo
    Tháng năm rơi trắng
    Cái nghèo còn mang.

    Đã là nhà thơ hầu hết ai cũng có chút bệnh ngông! Ở Trung Quốc có nhà thơ Lý Bạch nhảy xuống dòng sông ôm trăng mà chết. Ở Việt Nam ta thì có nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng đòi bán trăng trên trời! Nhiều người khác cũng thế, họ kinh doanh rất nhiều thứ và nhiều người trong số đó đã phải cam chịu thất bại, chẳng hạn như những người "kinh doanh thơ". Trong một bài thơ trào lộng nhà thơ Tản Đà cũng đã từng kể chuyện ông gánh "đống thơ ế" lên bán chợ trời!

    Ở đây Thanh Trắc Nguyễn Văn dùng tu từ ẩn dụ "mảnh trăng treo" để nói lên những cái gì rất đẹp và rất nghệ thuật. Nhưng cái đẹp, cái nghệ thuật ấy chưa chắc đã kiếm ra tiền! Kết quả là gì? Là hơn "nửa đời" người kinh doanh, đầu tư nhưng trắng tay vẫn hoàn trắng tay! Họ hoàn toàn hiểu những điều gì họ đã và đang làm nhưng chưa chắc họ đã nhận được sự đồng cảm của những người thân. Có những người luôn bị vợ hoặc con cái chì chiết là "vô dụng" hoặc nặng nề hơn "là đồ ăn hại"!

    Câu thơ thật phũ phàng:

    Tháng năm rơi trắng

    Không sinh được lợi lại còn bị mất thời gian:"tháng năm rơi". Càng đọc, càng ngẫm nghĩ lại càng thêm chua xót. Thật đúng là "Cơm áo không áo không đùa với khách thơ" (Thơ Xuân Diệu).


    4. Bi kịch thứ tư: Bi kịch cho những người đi tìm hạnh phúc


    Nửa đời
    Nhặt giấc mơ hoang
    Một đêm vấp nhớ
    Bàng hoàng tìm em.

    Nhân vật trong bài thơ hình như yêu rất nhiều. Anh ta luôn mơ đến những mối tình cao và xa đối với những nàng hoa hậu chân dài. Những chuyện tình đó thật phù phiếm và không thực. Thanh Trắc Nguyễn Văn đã dùng hình ảnh rất sinh động để diễn tả :

    Nhặt giấc mơ hoang

    Vâng đúng vậy, loại tình yêu đơn phương chỉ một chiều, không cân xứng kiểu như Trương Chi yêu Mỵ Nương thì quả thật đúng là một loại bi hài kịch xã hội. Đó là những "giấc mơ hoang tưởng" không thực tế.

    Thanh Trắc Nguyễn Văn đã dùng một từ rất "đắc" đó là "vấp"! "Vấp" chỉ xảy ra khi người ta không chú ý và giúp con người thật sự được "bừng tỉnh"! Đã vậy, ở đây còn lại là "vấp" vào nỗi "nhớ". Thật rất mới và rất lạ! Nhờ "vấp" mà nhân vật trữ tình trong bài thơ chợt "nhớ" đến một người con gái vẫn còn yêu thương mình thật lòng. Nhân vật vội vã "bàng hoàng" đi "tìm em". Nhưng dù sao cũng đã hơn "nửa đời" người rồi, không biết "người ấy" đã mất hay vẫn còn trên dương thế? Nếu vẫn còn liệu người ấy có còn chờ đợi hay đã sang thuyền khác mất rồi? Than ôi!

    (Giải nhất Bình thơ trong tháng tại trang web văn học Đất Đứng năm 2010)


    Hùng Thanh


    [​IMG]

    Nừa Đời

    Nửa đời
    Nhỏ lệ làm sông
    Thuyền yêu chèo mãi
    Vẫn không thấy bờ.

    Nửa đời
    Xếp chữ làm thơ
    Chữ "tình" đi mất
    Bỏ "khờ" chèo queo.

    Nửa đời
    Bán mảnh trăng treo
    Tháng năm rơi trắng
    Cái nghèo còn mang.

    Nửa đời
    Nhặt giấc mơ hoang
    Một đêm vấp nhớ
    Bàng hoàng tìm em.

    (Bài thơ đã đăng trên báo Văn Nghệ Trẻ 14.12.2008)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    [​IMG]
     
  8. [​IMG]

    Bình bài thơ Tạm biệt Phong Nha của Thanh Trắc Nguyễn Văn

    Động Phong Nha là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Việt Nam. Tôi cũng đã đến Phong Nha được hai lần nhưng đều là ban ngày. Tác giả Thanh Trắc Nguyễn Văn tỏ ra rất sắc sảo khi chọn cảnh đêm có trăng để đặc tả cảnh đẹp của động Phong Nha. Đối với tôi đó là điều khá bất ngờ và khá độc đáo!

    "Quảng Bình có động Phong Nha
    Nửa đêm trăng xuống là đà trên sông"

    Câu thơ rất tự nhiên và cảnh cũng rất đẹp. Trăng xuống ở đây không phải là trăng trên bầu trời rơi xuống mà là chính ánh trăng rọi rơi xuống mặt nước sông và nổi là đà theo sóng. Theo ý bài thơ thì có lẽ tác giả đang ngồi trên thuyền và sắp ra đi "tạm biệt Phong Nha". Một cảnh chia ly thật nhiều cảm xúc. Cảm xúc như được nhân lên gấp bội theo các câu thơ:

    "Người đi nổi nhớ, chìm mong
    Câu thơ gởi lại mãi bồng bềnh trôi"

    Thuyền đưa người đi bập bềnh theo sóng. Khi sóng đưa thuyền "nổi" lên thì "nhớ", còn khi sóng đưa thuyền "chìm" xuống thì lại "mong"! Câu thơ tác giả gởi lại cũng da diết không kém: "bồng bềnh trôi", nghĩa là cũng có "mong" có "nhớ" trong đó! Bút pháp thơ tình của Thanh Trắc Nguyễn Văn thật lãng mạng và cũng thật là đa tình!

    "Động Tiên tiên ở trên trời
    Tôi theo níu vội rối bời sợi tơ
    Kìa em Mái Tóc mộng mơ
    Chàng Khổng Lồ ngó cứ vờ không quen..."

    Đây có lẽ là đoạn thơ tác giả hồi tưởng khi vào thăm động Phong Nha. Những địa danh trong động Phong Nha như Động Tiên, Mái Tóc, Chàng Khổng Lồ,... đều được tác giả nhân cách hóa rất khéo và cài vào bài thơ một cách thật sinh động. "Em" chính là cảnh, cảnh cũng chính là người thiếu nữ đất Quảng Bình? Thơ tả cảnh nhưng thật ra tả tình, thơ tả tình thật ra để tả cảnh. Ảo và thật cứ hòa quyện vào nhau đúng như một người đi lạc vào "Động Tiên" vậy!

    "Chén nồng cạn với đêm đen
    Gió thu rạo rực cũng len lén về
    Phong Nha sóng vỗ tứ bề
    Nhanh tay hứng được câu thề tặng em."

    Đây là đoạn thơ mà có rất nhiều bạn thích. Theo các bạn ấy thì câu thơ nghe thật sinh động và thật trữ tình, nhất là từ "gió thu rạo rực". Nhưng theo tôi lại nghĩ khác. Đồng ý là đoạn thơ này Thanh Trắc Nguyễn Văn đã viết được những câu thơ lục bát rất điêu luyện, nhuần nhuyễn khiến âm điệu nghe thật nhịp nhàng, ý tứ thật mới lạ, thật bay bổng. Song le "câu thề mà hứng từ sóng nước" lên rồi trao tặng cho "người đẹp" thì tôi e có vẻ ngẫu nhiên và không thật lòng! Nhưng xin cũng đừng trách Thanh Trắc Nguyễn Văn vội. Đó là bản chất của các nhà thơ. Họ luôn thường rất đa tình, đa sầu, đa cảm và cũng rất đa mang!

    "Sông Son son sắt nào quên
    Giọng hò xứ Quảng cứ chênh vênh sầu"

    Đoạn thơ cuối đưa người đọc rời khỏi cảnh hồi tưởng để quay về cảnh đầu lúc chia ly. Sông Son theo tôi biết nước có màu xanh ngọc rất đẹp, nhưng ở đây tác giả muốn nói đến một ý khác: "son sắt", nhằm để nói lên cái tình của người con gái Quảng Bình thủy chung như nhất. Hình tượng cuối bài thơ được trải dài và thật đẹp:

    "Nụ cười em rải sông sâu
    Trăm năm tôi vớt
    Vẫn màu nhớ nhung..."

    Tạm biệt Phong Nha là một bài thơ tình hay. Lời thơ thật trong sáng, thật dễ hiểu nhưng cũng rất trữ tình. Tác giả cố ý dùng nhiều từ lấp láy như: là đà, bồng bềnh, chênh vênh,... hoặc sử dụng tu từ điệp từ như: Động Tiên tiên ở trên trời (hai từ "tiên" liền nhau), Sông Son son sắt nào quên (hai từ "son" liền nhau) khiến các câu thơ trở nên giàu âm điệu và giàu hình ảnh một cách rất đặc sắc

    (Giải nhất Bình thơ trong tháng tại trang web văn học Đất Đứng năm 2010)

    Huỳnh Ngọc

    [​IMG]

    Tạm Biệt Phong Nha

    Quảng Bình có động Phong Nha
    Nửa đêm trăng xuống là đà trên sông
    Người đi nổi nhớ, chìm mong
    Câu thơ gởi lại mãi bồng bềnh trôi.

    Động Tiên tiên ở trên trời
    Tôi theo níu vội rối bời sợi tơ
    Kìa em Mái Tóc mộng mơ
    Chàng Khổng Lồ ngó cứ vờ không quen...

    Chén nồng cạn với đêm đen
    Gió thu rạo rực cũng len lén về
    Phong Nha sóng vỗ tứ bề
    Nhanh tay hứng được câu thề tặng em.

    Sông Son son sắt nào quên
    Giọng hò xứ Quảng cứ chênh vênh sầu
    Nụ cười em rải sông sâu
    Trăm năm tôi vớt
    Vẫn màu nhớ nhung...

    (Bài thơ đã đăng trên trang web văn học Quang Binh News tháng 6 năm 2010)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng một 2023
  9. [​IMG]

    Bình thơ: Giai Nhân Và Hoa Quỳnh

    Hoa quỳnh chỉ nở vào lúc giữa đêm, nhưng đã nửa đêm rồi hoa vẫn không nở. Hoa không dám nở vì thấy hình như vẫn còn thiếu một cái gì đó. Cái thiếu mà hoa quỳnh mơ hồ cảm nhận được chính là một bông hoa xinh đẹp biết nói khác cũng có tên là Quỳnh! Tên của người trùng với tên hoa! Giai nhân Quỳnh chưa về thì hoa quỳnh, tuy có hương sắc nhưng vẫn không sánh bằng, làm sao dám tùy tiện nở một mình! Hoa đành phải chờ, phải đợi thôi!

    Và đúng như vậy, khi cô gái xinh đẹp tên là Quỳnh về đến nơi thì những ý chính của bài thơ mới bắt đầu hé mở. Nàng Quỳnh xuất hiện lấp lánh hào quang khiến ta cứ ngỡ nàng như một tiên nga:

    "Em về lấp lánh sương mai"

    Người ta thường nói người đẹp sẽ đẹp lên rất nhiều mỗi khi nàng cười. Đôi môi của nàng Quỳnh vừa nở một nụ cười (cũng là lúc sắc đẹp của nàng lên đến cực đỉnh) thì cũng là vào thời điểm hoa quỳnh hé nở. Như vậy có đến hai đóa hoa quỳnh! Tựa bài thơ tuy nói hoa quỳnh nở, nhưng thật sự muốn nói đến một nhan sắc khác còn đẹp, còn quí hơn hoa quỳnh đó là một giai nhân tên Quỳnh... Bút lực của tác giả rất tài hoa, khi ẩn khi hiện. Dùng bút vẽ mây, nhưng thật sự là vẽ trăng!

    Theo tôi nghĩ bài thơ này chắc chắn tác giả đã viết tặng cho một cô gái rất xinh đẹp có tên là Quỳnh mà anh đã từng gặp gỡ ở ngoài đời.

    (Bài bình đã đăng trên trang web văn học Đất Đứng tháng 8 năm 2010)

    Trần Thị Hảo

    [​IMG]

    Hoa Quỳnh Nở

    Hương đêm dìu dịu trăng tròn
    Cánh quỳnh vẫn khép như còn đợi ai
    Em về lấp lánh sương mai
    Môi cười, hoa nở ngát hai đóa quỳnh!

    (Tuyển tập thơ Tứ Tuyệt Tình Thi – NXB Đà Nẵng 2005)

    Thanh Trắc Nguyễn Văn

    [​IMG]
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...