Lắng Nghe Yêu Thương - Susanna Tamaro

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Hoài Dương, 24 Tháng sáu 2018.

  1. Hoài Dương

    Bài viết:
    177
    Chương 14
    Bấm để xem
    Đóng lại

    SỨC NẶNG CỦA MÀN ĐÊM chính là sự đè nén của những câu hỏi không lời giải đáp. Chúng ta bước ra khỏi bóng tối, rồi trở lại bóng tối; trước khi vũ trụ được hình thành, khắp nơi chỉ toàn là màn đêm đen đặc.

    Ông Jonathan đã hỏi cháu tin vào điều gì. Cháu trằn trọc trên giường trong màn đêm yên tĩnh. Cháu biết giấc ngủ sẽ không đến, nhưng vẫn cứ hi vọng (vô ích) rằng ít ra mình có thể ngủ lơ mơ một chút. Câu hỏi của ông Jonathan cứ quanh quẩn bên cháu, kéo theo nhiều câu hỏi khác mà cốt yếu trong số đó là: Vì sao bạn sống?

    Bạn tin vào điều gì? Vì sao bạn sống? Khi sinh ra, mỗi đứa trẻ sẽ nhận được một tấm da dê viết hai câu hỏi đó, chờ được trả lời.

    Vậy bà tin vào điều gì?

    Cháu tin vào nỗi đau. Nỗi đau đã chiếm hữu cháu từ giây phút cháu mở mắt chào đời, xâm chiếm thể xác và tinh thần cháu, kích thích, tàn phá và làm chúng biến dạng; nỗi đau đã đặt một quả bom hẹn giờ trong trái tim cháu và cài kíp nổ cho một vụ nổ chắc chắn xảy ra.

    Những ký ức đầu tiên của cháu đầy ắp nỗi đau thay vì niềm vui, đầy nỗi lo lắng, sợ hãi thay vì sự che chở yên bình của tình thương. Lúc cháu đi quanh căn hộ, tìm kiếm mẹ mình trong số những người đang quá chén, lúc cháu nhìn thấy mẹ đang ngủ cạnh một người tình chẳng lúc nào giống người trước đó, cháu có thể cảm thấy gì khác ngoài sự mất mát? Mặc dù vậy, khi theo bản năng, cháu biết mình là một đứa trẻ được sinh ra không phải bởi tình yêu mà là do sự sơ ý, thì chính nhận thức này, thay vì khiến cháu cảm thấy đau đớn hay giận dữ, lại khuấy động trong cháu một mong muốn kỳ lạ được bảo vệ mẹ mình.

    Cháu luôn luôn phát hiện ra dấu hiệu của nỗi buồn bên dưới sự vui vẻ gượng gạo của mẹ; cháu cảm thấy mẹ đang trôi dạt về phía một tai họa và cháu sẵn sàng liều mạng sống của mình để thay đổi điều đó.

    Linh hồn cháu đến từ đâu? Nó đã hình thành cùng cháu, hay nó mới nảy ra từ bí ẩn của thời gian vượt trên thời gian? Lẽ nào nó đã hạ xuống trần gian, bất chấp các quy luật tự nhiên để giúp một cơ thể đã vô tình triệu hồi nó và rồi buộc nó có một cuộc đời đau khổ và ghẻ lạnh, như cha cháu từng nói: “Không quan trọng cha đến từ đâu hay đến vì ai, bởi vì mọi thứ, kể từ hạt đất tới những con voi, đều tự tái sinh bất động tâm?”

    Như vậy, cháu là con gái của sự bất động tâm ư?

    * * *

    Cháu trở dậy. Trời vẫn tối, đồng hồ trên đài điểm ba giờ sáng. Vài giờ nữa, ánh sáng sẽ chan hòa. Vào ban đêm, định mệnh phải đối mặt với quá nhiều lời năn nỉ; nên mỗi tia sáng khi đêm đã qua là một ký ức không yên bình, cháu nghĩ thế khi đi dọc khuôn viên một vườn cam.

    Cháu tới đầu kia cánh đồng và ngồi xuống một phiến đá. Cơn gió đêm đã tắt; mọi thứ, kể cả tiếng ồn ào và mùi hương, đều bất động. Cháu cảm thấy mình như đang trong một khán phòng trước khi bắt đầu một buổi hòa nhạc; mọi thành viên của ban nhạc đã vào vị trí, nhạc trưởng đã sẵn sàng trên bục, nhưng vẫn chưa phất tay nên mọi đôi mắt, trí não, trái tim, cơ bắp vẫn đứng yên, đợi lúc hòa vào một bản hợp xướng âm thanh.

    Có tiếng gà gáy từ làng của người Ả rập trên các bậc dốc của ngọn đồi. Một lát sau, tia sáng le lói bắt đầu tràn ngập vòm trời đen tối.

    Tuần sau đó, cháu bắt đầu làm việc ở khu định cư, giúp đỡ bất cứ ai cần. Đó là lúc có ít việc trên các cánh đồng, nên phần lớn cháu giúp làm việc trong bếp hoặc trong phòng giặt ủi lớn.

    * * *

    Một buổi tối, ông Jonathan kể cho cháu nghe chuyện về cha mình, cụ Ottavio.

    Lúc đó bầu không khí ở Trieste trĩu xuống bởi mối đe dọa. Bạn bè của cụ Ottavio đã di cư đến nơi an toàn, sau khi khuyên hai người cùng làm như vậy. Nhưng cụ Ottavio không muốn rời đi; cụ phản đối ngay cả ý nghĩ về từ “chạy trốn”. Cụ nói “Tại sao ta lại phải chạy trốn? Đó là cách hành xử của những tên trộm, và những kẻ sát nhân, những người sai trái, những tên hèn nhát. Còn ta đã làm sai gì chứ?”

    Cụ Ottavio không hiểu nổi rằng người ta có thể giết người khác chỉ vì cái họ của anh ta.

    “Tôi là một công dân nước Ý”! Cụ Ottavio tuyên bố khi người ta tới bắt mình, như thể sự sáp nhập về địa lý sẽ cho ông tấm thẻ thông hành kỳ diệu.

    Ông Jonathan đang ở ngoài lúc xảy ra vụ bắt bớ. Khi trở về nhà, ông hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra và lập tức bước theo một phụ nữ đến từ Carso, người mang bơ đến cho gia đình ông từ nhiều năm nay. Tin rằng mái tóc vàng và đôi mắt xanh có thể cứu mình, ông giả vờ làm con của bà và đứng nhìn trong sự bất lực câm lặng khi bố mẹ mình bị bắt đưa đi.

    Ông Jonathan không trở lại ngôi nhà đó nữa. Người phụ nữ kia đã mang ông về nơi ở của bà trên cao nguyên và ông ở đó cho tới khi chiến tranh kết thúc. Chìm đắm trong suy tưởng, ông nói “Đó là lúc giữa đất đai và sách vở ta đã chọn đất. Trong ngôn ngữ in ấn, chỉ có những câu hỏi và chẳng có gì khác nữa, nhưng trong các cánh đồng, có đời sống, và cuộc đời cứ tiếp diễn, một cách giản dị.”

    Trong những tuần sau đó, một giám mục, người từ lâu ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của cụ Ottavio đã cố gắng tác động cùng với sự giúp đỡ từ những người bạn có tầm ảnh hưởng của mình đòi trả tự do lại cho cụ. Nhưng do giấy thông hành chỉ có hiệu lực cho một người nên cụ Ottavio đã từ chối.

    Vào Lễ sám hối năm 1944, cha mẹ của ông Jonathan rời nước Ý đến vùng đồng bằng hoang sơ của Ba Lan. Tại đó, mẹ ông sớm biến mất không một dấu vết còn cha ông, ba tháng sau khi chiến tranh kết thúc, hội Chữ thập đỏ đã báo cho ông rằng cụ Ottavio vẫn còn sống.

    “Mùa thu năm 1945, cha ta trở lại Trieste, gần như không thể nhận ra về mặt thể xác nhưng rõ ràng không hề thay đổi về mặt tâm hồn. Cụ nhanh chóng mời người chỉnh đàn piano tới; sau khi người bạn già đi khỏi, cụ ngồi xuống và bắt đầu chơi đàn. Có vẻ cụ không cần thứ gì khác nữa. Cụ không thiết ăn uống,
    ngủ nghỉ hay đi dạo - mọi điều cụ muốn làm là chơi nhạc, và thế là đủ. Lúc đầu, ta nghĩ âm nhạc cùng vai trò chính của nó trong cuộc đời cha mình có lẽ đã góp phần lớn vào sự sống sót của ông ấy, nhưng ta đã sớm phải thay đổi suy nghĩ ấy.”

    Một tháng sau ngày trở về, cụ Ottavio bắt đầu khăng khăng bày tỏ mong muốn được trình diễn trong buổi hòa nhạc. Yêu cầu của cụ nhanh chóng được chấp nhận.

    Buổi tối hôm đó, khán phòng chật ních khán giả; không một con ruồi vo ve, không ai hắt hơi, không ai ho hắng. Mọi người dường như đã bị mang đi nơi khác bởi một sức mạnh siêu hình từ bản nhạc của cụ Ottavio. Khuôn mặt của người nghệ sĩ dương cầm như được thần hóa. Khi khán giả nhìn cụ, một cảm giác nghẹt thở bao trùm lên họ. Ông Jonathan cũng vậy.

    Người đang chơi đàn này là ai? Là cha mình, người mà mình luôn biết, hay chỉ là người giống ông ấy? Đôi bàn tay ông lướt trên phím đàn nhưng không một niềm vui trong mắt; một ánh sáng xa vời, lạnh lẽo như đang đẩy ông đi xa, xa mãi, tới một nơi không ai với tới.

    Khi bản nhạc kết thúc, cả khán phòng đứng dậy và tặng cụ Ottavio một tràng pháo tay kéo dài tới mười phút, yêu cầu ông trình diễn thêm bản nữa, nhưng cụ Ottavio chỉ trở lại sân khấu, cúi đầu trang trọng, rồi làm cả hội trường ớn lạnh bằng một cái phất tay dứt khoát từ trái sang phải, như thể từ chối, rằng điều đó là không thể. Đừng nài xin nữa, tôi đã trình diễn xong rồi.

    Nhiều người thì thầm “Thật không thể quên được, không thể quên được” khi họ lấy áo khoác ở sảnh. Không rõ họ đang nói về buổi hòa nhạc hay về kết thúc khác thường của nó.

    Ngày hôm sau, cụ Ottavio thức dậy, quăng hết bằng khen vào lò sưởi, đậy nắp cây dương cầm, khoác áo choàng và ra ngoài.

    Từ đó trở đi, cả trong suốt mùa đông dài, đi ra ngoài là hoạt động duy nhất của cụ. Cụ rời nhà từ lúc bình minh và về nhà thật muộn sau hoàng hôn. Thi thoảng, có người biết cụ lại báo rằng họ nhìn thấy cụ đi dọc bờ biển ở Muggia hoặc Aurisina. Cụ sải những bước dài, đầu cúi xuống và ngó lơ tất cả. Bạn bè có chào thì cụ vẫn cứ bước tiếp mà không thèm nhìn họ. Đôi môi cụ mấp máy liên hồi, tựa như đang nói chuyện một mình. Cụ không tắm, không cạo râu và mặc mãi chiếc áo khoác bẩn thỉu cùng đôi giày ống rách rưới thảm hại và một chiếc mũ lưỡi trai sùm sụp che đôi mắt cùng vài đoạn dây thừng buộc quanh hông.

    Sau một vài tháng, cụ bắt đầu dùng mấy sợi thừng ấy để mang chó về nhà.

    Đầu tiên là đôi chó lai thuộc giống chó săn; cụ dành cho chúng một chỗ ở sân sau, gần gara. Cụ ở nhà một tuần, dựng vài cái cũi bằng lưới thô sơ; khi làm xong, cụ lại tiếp tục đi lang thang. Cụ ra ngoài vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi tối, luôn dẫn theo một con chó mới bị buộc vào một trong những sợi thừng của mình.

    “Không lâu,” bác Jonathan hồi tưởng “trước khi tình hình trở nên không thể chịu nổi. Bầy chó bày bừa khắp mọi nơi, chúng sủa, hú, cắn xé lẫn nhau để tranh giành thức ăn. Phải thừa nhận rằng cha ta không cho chúng ăn đều, chỉ khi nào cụ nhớ ra hoặc cụ thấy thích, và không ai khác được phép cho chúng ăn thay cụ. Một lần cụ bắt gặp ta cho chúng ăn và cụ lao vào ta như một người điên. Nếu lũ chó đánh nhau, cụ liền xông vào giữa, vụt gậy túi bụi cho tới khi cuộc đánh nhau dừng lại, rồi cụ ngã vật xuống đất kiệt sức; tuy nhiên, nếu chúng ăn hết khẩu phần và chịu yên ổn, cụ sẽ dành hàng giờ vuốt ve chúng, ngồi giữa chúng, nói với giọng trầm tĩnh, dịu dàng như thể chúng là lũ trẻ:
    “Chúng mày có trái tim biết yêu thương, không giống như...” Và bầy chó ve vẩy đuôi, liếm tay cụ âu yếm.

    “Rõ ràng là cụ cần được đưa vào viện và chữa trị, nhưng bằng cách nào? Cụ không bao giờ đồng ý vào bệnh viện cả. Đó là một vấn đề tế nhị. Làm sao để giúp cụ? Cụ có thực sự muốn quay lại làm một nghệ sĩ dương cầm già cả, hay cử chỉ kiên quyết vào cuối buổi hòa nhạc sau cùng kia đã đánh dấu một bước ngoặt rõ ràng giữa quá khứ và tương lai, giữa con người của cụ lúc trước và con người cụ buộc phải trở thành? Ranh giới chia cắt đó, ranh giới đánh dấu sự khai tử của cái đẹp, chắc chắn cũng báo hiệu sự bắt đầu cuộc đời kế tiếp của cụ.

    “Thật may, thần chết đôi lúc cũng rất nhân từ. Một ngày nọ khi về nhà, không nghe thấy lũ chó sủa, nhưng ta chẳng quan tâm lắm. Chỉ tới sau đó, khi nhìn ra ngoài cửa sổ phòng tắm và nhận ra chúng yên lặng thế nào, ta mới chạy bổ ra sân sau và thấy cha.

    “Ông ấy nằm đấy, như đang cười, đôi mắt mở to giữa những chiếc cũi. Tim ông đã ngừng đập đột ngột và không đau đớn gì. Lũ chó đứng canh thi thể của ông trong im lặng, ve vẩy đuôi như đang nói chuyện với nhau. Người ta nói rằng chó có khả năng nhìn thấy thiên sứ của tử thần. Vào khoảnh khắc ấy, ta tin điều đó là sự thật. Ta nghĩ có lẽ chính bầy chó là những thiên sứ, bởi cái cách chúng dành trái tim mình cho chủ. Dù thế nào, ta vẫn thấy được an ủi vì thấy cha ra đi trong yên bình.”
    Còn nữa
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
  2. Hoài Dương

    Bài viết:
    177
    Chương 15
    Bấm để xem
    Đóng lại

    SAU BỮA TỐI HÔM ẤY, khi trở lại phòng mình, cháu bắt đầu đọc Kinh thánh. Cháu cứ mở cuốn kinh một cách ngẫu nhiên và đọc lướt qua những trang sách. Cháu tự hỏi sao bà chưa bao giờ kể cho cháu nghe về cụ Ottavio?

    Có lẽ bà đã quyết định lảng tránh bất cứ liên hệ nào với vấn đề ấy cho tới khi cháu đủ lớn để hiểu; sau này, khi cháu rốt cuộc đã đến độ tuổi thích hợp, bà đã choáng ngợp khi thấy cháu lo lắng và buồn bã nhường nào, và cảm xúc dữ dội này đã nhanh chóng kéo theo trận ốm của bà, và vậy là thời điểm phù hợp để gợi lại những kỉ niệm này không bao giờ đến.

    Bà đã cho cháu tình thương, chắc chắn rồi, nhưng nền tảng của nó là gì, thứ gì đã nuôi dưỡng nó, thứ gì thúc đẩy nó ngoài những thôi thúc tự nhiên mang tính di truyền?

    Và tại sao bà không thể yêu mẹ cháu? Điều gì khiến bà để mẹ lang thang, như một con thuyền không bánh lái?

    Chẳng phải không có thứ gì mà bà không làm được đấy ư?

    Hay là dòng chảy thời gian, dòng chảy lịch sử luôn kéo lê sự sống, và mang chúng đi xa? Mẹ cháu chỉ là con gái của bà vào lúc đó, giống như bà là con gái của mẹ bà, và cháu là con của mẹ?

    Và cứ cho rằng lịch sử đúng là một dòng chảy, thì thứ gì có thể cưỡng lại, thứ gì có thể thay đổi? Chính trong lịch sử, bí ẩn của sự cứu rỗi linh hồn đã bị giấu đi chăng? Hay sự cứu rỗi linh hồn nằm trong đường đi của chân lý đã được soi rọi?

    * * *

    Cuối tuần đó, cháu quyết định rời khỏi khu định cư, bắt xe buýt tới Safed. Khi đến nơi, cháu ngồi trên một bờ tường thấp ăn chút thức ăn đã lấy từ nhà bếp của khu định cư. Tiếng nhạc ầm ĩ phát ra từ những quán bar du lịch gần đó trong lúc một giọng tiếng Anh trôi chảy của hướng dẫn viên giới thiệu các cảnh đẹp của nơi này cho một nhóm người Mỹ mệt mỏi, buồn chán.

    “Trong những thế kỷ đầu, Safed trên hết chính là một pháo đài, một dinh lũy của lực lượng chống lại những người La Mã xâm lược. Phải tới tận thế kỷ 16 thì Safed mới trở thành một trong những trung tâm quan trọng nhất của chủ nghĩa thần bí Do Thái. Thời kỳ này cũng chứng kiến việc xây dựng các giáo đường Do Thái quan trọng nhất mà ngày nay vẫn được ngưỡng mộ...”

    Hơi nóng bốc lên, nhẹ nhàng rung rinh các tán lá. Xa tít tắp, đôi chim thiên nga giang rộng cánh, lượn thành những vòng tròn lớn trong không khí.

    * * *

    Đầu giờ chiều, cháu đi xe buýt xuống Tiberias trên bờ biển Galilee. Cứ ngỡ sẽ thấy một làng chài nghèo, vậy mà cháu lại đặt chân tới một thị trấn du lịch, nửa Rimini, nửa Las Vegas. Cái ảm đạm của khu du lịch trong mùa vắng khách đã lắng xuống nơi đây, nấn ná ẩn trong mùi dầu mỡ, mùi thức ăn và đồ lạnh; le lói trong những tấm biển hiệu sáng trưng với một nửa số bóng đèn đã bị cháy; tràn vào cửa hàng đồ lưu niệm nơi cháu mua một tấm bưu thiếp, và viết mấy chữ phía sau. Đây là một tiền đồn thích hợp với cha... rồi gửi cho cha.

    Cháu nghỉ đêm đầu tiên trong một khách sạn nhỏ ở Tiberias. Ngày hôm sau, cháu lên đường đến khu tàn tích Capernaum.

    Trời nổi gió to và những con sóng đáng sợ khuấy động mặt hồ rộng lớn.

    Cháu làm một chuyến thăm khu khảo cổ học Tabgha và ở đó cháu gặp một đám đông những người đồng hương nói giọng Veneto, cổ quàng những chiếc khăn rực rỡ giống nhau và đầu đội mũ lưỡi trai. Nhiều người còn mang nét về một cuộc đời làm nông lam lũ. Một mục sư trung tuổi, có lẽ là linh mục ở giáo xứ đi cùng với họ. Ông có vẻ lo lắng như một cô giáo đang đưa đám học trò nhỏ đi dã ngoại và liên tục lặp lại những lời chỉ dẫn: “Đến đây nào... đến gần hơn...nghe này...”

    Nhưng ngoại trừ ba hay bốn giáo dân không rời khỏi chỗ ông, một số người bạo dạn nhất đã cởi giày và lội xuống hồ, té nước vào nhau ầm ĩ như một đám trẻ.

    Trong lúc đó, hai chiếc xe khác dừng lại bên bờ hồ và thả xuống từng đợt những người hành hương mới. Lần này là người Đức và người Hàn Quốc.

    Nhóm người Hàn Quốc có vẻ trật tự và đông hơn. Tất cả bọn họ đều dõi mắt đồng loạt theo những gì mà vị linh mục của họ chỉ, như thể họ là bộ phận của cùng một cơ quan.

    Cuối cùng thì những nỗ lực của vị linh mục người Ý cũng được ghi nhận. Sau khi khoa tay múa chân, cao giọng một cách vô vọng, ông đã tập hợp được đám giáo dân quanh mình và đọc cho họ câu chuyện trong sách phúc âm ở đó: “Trong những ngày khi dân chúng ngày càng đông và không có gì để ăn, Chúa Jesus đã gọi các môn đệ đến và bảo họ: “Ta thương dân chúng vì họ đã ở cùng ta ba ngày và không có gì ăn. Nếu ta đuổi họ, để họ nhịn mà về thì họ sẽ đói lả mất vì nhiều người trong số họ ở xa đến.” Các môn đệ trả lời ông: “Chúng ta kiếm bánh mì ở đâu tại nơi hoang vu này để có thể cho đám đông đó ăn chứ?” Chúa Jesus hỏi: “Chúng ta còn bao nhiêu ổ bánh mì?”. Họ trả lời: “Bảy ổ bánh, và một ít cá”. Chúa yêu cầu dân chúng ngồi xuống đất. Người lấy bảy ổ bánh và cá ra, nói lời tạ ơn rồi bẻ chúng, đưa cho các môn đệ, và các môn đệ đưa cho dân chúng.”

    Đọc hết đoạn này, vị linh mục rời mắt khỏi trang giấy và nói: “Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nhịn ăn mà đi theo Chúa nhiều ngày? Liệu chúng ta có thể chứng tỏ sự tận tâm như vậy chỉ để nghe những lời của Người không? Và bao nhiêu người trong chúng ta sẽ nghiêng mình chấp nhận nó?”

    Một vài giáo dân bày tỏ sự chăm chú trong khi một số khác ngó nghiêng, hơi xấu hổ hoặc bối rối, như thể họ đang nghĩ còn bao lâu nữa thì được ăn bữa trưa mang theo của mình.

    Trong lúc ấy, gió từ mặt hồ càng mạnh hơn, thổi bay vài chiếc mũ lưỡi trai dọc theo những hòn đá cổ; những tấm khăn choàng bay phấp phới như những lá cờ, từ các cành cây bạch đàn, ta có thể nghe tiếng lá khô xào xạc hòa lẫn tiếng hót líu lo của bầy chim sẻ.

    Cháu ngồi trên bậc thang của khán đài, chăm chú ngắm nhìn những khuôn mặt xung quanh. Nếu đã chọn cất công tới đây, cháu nghĩ, chắc hẳn họ đã tin vào điều gì đó. Nếu không thì họ thà đi tắm nắng ở Quần đảo Canary còn hơn.

    Buổi sáng hôm ấy, khi đứng đợi xe buýt, cháu đọc được đoạn này trong sách phúc âm của Thánh Matthew: “Ngọn đèn của cơ thể là con mắt: vì vậy, nếu con mắt của ngươi trong sáng, thì toàn bộ cơ thể sẽ ngập tràn ánh sáng”.

    Nhiều giờ sau đó, cháu đến Capernaum và gặp ở đó hàng loạt xe du lịch với các hướng dẫn viên, với những ngôn ngữ khác nhau, lấp đầy bầu không khí bằng những lời giải thích mà cháu chỉ nắm bắt được một cách rời rạc khi đi qua đám đông mặc đồ tươi sáng theo chỉ dẫn vào khu còn lại của giáo đường cổ, gồm bốn cây cột bằng đá vôi màu trắng, và trên nền đất là một số mảnh vụn của bức phù điêu phủ hình chạm trổ quả lựu và những chùm nho.

    Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu nên thời tiết khá nóng. Theo sau dòng người đang lộn xộn lê bước, vài người ăn bánh mì kẹp, vài người giải khát bằng những chai nước khoáng nhỏ, cháu tới một nơi có bóng râm ở nơi xa nhất phía nam của khu khai quật rồi ngồi xuống ăn.

    Thị trấn nơi chôn nhau cắt rốn của Thánh Simon Peter giờ chẳng còn gì ngoài những chiếc móng nhà trơ trọi. Hàng tá hàng tá đồng xu do khách du lịch quăng vào lấp lánh trên sàn nhà cổ kính. Cháu không hiểu nghi lễ này có ý nghĩa gì. Phải chăng là để Cầu phước? Hay có lẽ là sự khởi đầu một vụ quyên góp nhằm biến Capernaum trở lại vẻ đam mê của nó ở những ngày vui vẻ không lâu trước đây?

    Trong suốt chuyến trở về khu định cư, khi phong cảnh dần bị bóng tối nuốt chửng, cháu hồi tưởng lại cả ngày vừa trải qua. Đám đông thông thái chính là cứu thế. - Cháu đã đọc câu đó trong Kinh thánh lúc trước. Sự thông thái thực ra là gì chứ? Trên bờ biển hồ Galilee, ông thầy tu xứ Nazareth đã ban thức ăn cho hàng ngàn người. Liệu có còn ổ bánh hay con cá nào để ban ra? Và họ còn phải thỏa mãn cơn đói gì nữa? Con người hiện đại còn ham muốn điều gì khi đã sở hữu mọi thứ, trừ chính bản thân anh ta? Linh hồn ham muốn điều gì? Vinh quang, chiến thắng, những lời phán quyết, những cuộc phân ly? Hay đơn giản là khám phá ra một ngưỡng cửa để nó có thể quỳ gối xuống?

    Còn nữa
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
  3. Hoài Dương

    Bài viết:
    177
    Chương 16
    Bấm để xem
    Đóng lại

    TRONG MẤY THÁNG SAU ĐÓ, cháu làm việc trong phòng giặt ủi cùng một nhóm các bà già nói tiếng Đức cổ. Kiến thức tiếng Đức giúp cháu hiểu một số lời họ nói và tham gia chút ít vào câu chuyện.

    Cháu dành phần lớn thời gian rảnh của mình cùng ông cậu Jonathan; ông cũng có vẻ vui vì tìm lại được nhánh phả hệ thất lạc của mình. Vào các buổi tối, cháu và ông ngồi nói chuyện hàng giờ trong căn phòng khách nhỏ hoặc đi dạo dọc theo các hàng cam do chính ông trồng.

    “Một thời gian dài, đối với ta, việc trồng cây giống như xây một bức tường; ta không thấy có gì khác biệt. Nhưng khi năm tháng qua đi, ta chăm sóc các cây và nhìn chúng lớn lên, và dần có mối đam mê thực sự với chúng. Vợ ta thường trêu: “Anh nghĩ về những cái cây này nhiều hơn nghĩ về các con” và có lẽ bà ấy đã đúng.

    “Xét cho cùng, định mệnh của bọn trẻ là không thể tránh được. Dù cố gắng nuôi dạy chúng theo cách tốt nhất có thể, ta biết chắc rằng tự chúng, có thể có một lựa chọn sai, hoặc đơn giản là khác với lựa chọn của ta.”

    “Tuy nhiên, với cây cối thì lại khác. Chúng phụ thuộc vào sự chăm sóc của ta. Chúng cần nước khi đất khô cằn, cần dầu khoáng để bảo vệ chúng khỏi lũ rệp son, và lượng phân bón phù hợp vào cuối mùa đông, vì nếu bón sai tỷ lệ các loại phân trộn, cây sẽ ra quá nhiều lá hoặc quả sẽ rụng non, hoặc thậm chí gây ra những vết rám nguy hại. Đó là lỗi mà ta rất hay mắc phải trong thời gian đầu: ta cho đất quá nhiều dinh dưỡng. Ta bón phân cho đất nhiều như một bà mẹ hay lo và khiến nó phát ốm lên. Phân bón phải được dùng đúng tỉ lệ, đúng thời điểm và đôi khi, không cần bón gì cả. Rút đi một lượng phân hợp lý sẽ tốt cho cây cối cũng giống như bớt chăm bẵm quá độ đối với trẻ con vậy; để biết ham muốn thứ gì đó, trước hết phải biết từ bỏ.

    “Ta thường thảo luận vấn đề này với các cặp đôi trẻ, và họ bảo rằng ta cổ hủ và thậm chí hơi khắc nghiệt. Họ không hiểu là ta phải cảm thấy luyến tiếc gì đó trước khi tiếp tục một cuộc hành trình. Nếu ta lấy đi ánh sáng của cây cối, chúng sẽ tập trung mọi sức mạnh để tìm lại nó. Các phần tử trên ngọn cây sẽ cố gắng từng chút để tìm ra một kẽ hở, và khi làm được, cái cây sẽ mạnh lên vì nó đã phải đương đầu và vượt qua nghịch cảnh. Những cái cây sâu, giống lũ trẻ hư, chỉ biết chiều theo bản ngã.

    “Ta nghĩ, mọi người nên nghĩ nhiều hơn về cây cối, học cách quan tâm tới chúng và biết ơn chúng, bởi vì nếu không có cây cối, cuộc sống của chúng ta sẽ không tồn tại; chính hơi thở của chúng đã giúp chúng ta thở được.

    “Cháu có biết khía cạnh nào của thế giới hiện đại khiến ta e ngại nhất không? Ý nghĩa mở rộng của quyền năng. Con người cho rằng họ có thể làm bất cứ thứ gì vì họ sống trong một thế giới nhân tạo, xây dựng bởi chính đôi bàn tay họ, và họ tin họ có toàn quyền chế ngự nó. Nhưng bất cứ ai trồng cây cối, đều biết là không phải vậy.

    “Tất nhiên, nếu muốn đảm bảo nguồn nước cho cây cối của mình, ta có thể xây một hệ thống tưới tiêu tinh vi, nhưng nếu trời không mưa trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, đến lúc nào đó, đất sẽ khô cằn tới mức nứt nẻ, cây cối và động vật sẽ chết cùng với chúng. Chúng ta không thể làm ra nước,
    cháu biết đấy. Và cũng không thể làm ra khí ô xi. Chúng ta phụ thuộc vào thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu nước biển dâng lên, chúng ta sẽ bị ngập chìm; nếu nạn châu chấu đến, chúng sẽ ăn sạch mùa màng và cây giống, đúng theo cách chúng đã làm trong thời đại của các pha-ra-ông.

    “Những không gian tù túng tạo nên sự trì độn lạ lùng ở con người. Cháu phải đứng ra khoảng trống để thừa nhận rằng có những thứ mà mình không hiểu nổi. Nhận thức mới đó không phải là thất bại; nó khiến cháu có thể trưởng thành.

    “Từ thời điểm đó, cháu có thể tiếp tục những hành trình phi thường khác, còn nếu không, bất cứ con đường nào cháu đi đều chỉ dẫn cháu theo một vòng luẩn quẩn.

    “Giống như mọi đứa trẻ thành thị, lúc mới bắt đầu trồng cây, ta nghĩ rằng chúng chẳng khác nào những chiếc cột, ngoại trừ việc chúng mọc lá. Khi thời gian qua đi và ta lắng nghe chúng, quan sát sự tăng trưởng của chúng, nhìn thấy chúng bị sâu bệnh, chết đi hay ra trái, ta nhận ra rằng chúng không khác trẻ con, chúng cần chăm sóc, yêu thương, nhưng cũng cần một bàn tay cứng rắn. Thật lạ lùng, ta nhận thấy mỗi cây đều có cá tính riêng - cây mạnh mẽ, cây yếu đuối, cây hào phóng, cây keo kiệt, và thậm chí có cây đồng bóng.

    “Ta săn sóc mọi cây với cùng sự tận tâm và nghiêm khắc, nhưng chúng đáp lại theo cách rất khác nhau. Điều này khiến ta thấy chúng không phải là những cái cột, mà là những sinh vật có cả số mệnh. Nếu có điều bí ẩn về chúng, điều bí ẩn bao bọc nhân loại sẽ lớn hơn tới mức nào?”

    * * *

    Cháu kể cho ông Jonathan về niềm đam mê của cháu đối với cây cối. Cháu mô tả cây óc chó mà bà đã chặt đi và cảm giác nặng nề sau đó. Nó cũng giống như một cái cây đã bị chặt nhỏ bên trong cháu. Vết thương luôn luôn há miệng và các nỗi lo âu của cháu cứ tuôn chảy ra từ đó không ngừng.

    Hai ông cháu cũng nói về trận ốm của bà, về cách mà cháu vẫn chưa thể lý giải được trong mối quan hệ của chúng ta: quá gần gũi và bảo bọc trong thời thơ ấu, rồi về sau đầy ắp mâu thuẫn. Cái thực tế rằng bà yêu cháu nhưng lại không thể yêu con gái của bà đã khiến cháu trôi nổi, chênh vênh trong cái mâu thuẫn về tư tưởng đối với bà.

    Rồi cháu kể về cha mình, về mối quan hệ của ông với mẹ cháu và những năm tháng của họ ở Padua. Sau đó cháu và ông cậu bắt đầu chơi trò chơi về cây cối. Ông cậu ví mẹ cháu như một loại cây dưới nước với những cái rễ nổi không đủ sức tạo thành thân cây cứng cáp hoặc giữ nó sống lâu; còn cha cháu thì giống cây cỏ lăn ở vùng sa mạc. Chúng giống các vương miện bằng gai, khi bị gió đẩy, chúng nhảy múa, trèo lên các đụn cát rồi lăn ngược xuống, không bao giờ dừng lại. Vì chúng không có rễ mà cũng không có khả năng để mọc, chúng thậm chí không thể cho bầy ong cái tổ, và số phận của chúng là bị trôi dạt mãi mãi và đơn độc tan vào hư không.

    Cháu kể với ông, khi còn là đứa trẻ, cháu muốn có sự mạnh mẽ vững chắc của cây sồi hay hương thơm của cây chanh, nhưng gần đây cháu đã đổi ý. Cháu lo lắng khi thấy các cây chanh bị giam cầm bên các đại lộ, trong các vườn cây, và thấy buồn với số phận của cây sồi, bị buộc phải sống cô đơn. Vì vậy, bây giờ cháu muốn làm cây liễu, được buông những lọn tóc dài bên một dòng sông, ngâm các nhành rễ của mình trong suối, được lắng nghe âm thanh của dòng nước, chìa những cành cây hiếu khách của mình đón các chú sơn ca cùng bầy
    chim chích, và được ngắm nhìn những con chim bói cá xuất hiện rồi biến vào làn nước, giống như những chiếc cầu vồng bé nhỏ.

    Rồi cháu hỏi ông cậu: “Thế còn ông? Ông muốn thành loại cây nào?”

    Ông Jonathan suy nghĩ một chút trước khi trả lời: “Lúc còn trẻ, ta thích là loại cây bụi nào đó - một cây hồng dại, hoặc một cây táo gai, hay một cây mận, mọc chen vào giữa một hàng rào. Sau khi tới Israel, ta thích là một trong những cây tuyết tùng oai vệ mọc trên sườn núi Hermon. Nhưng những năm gần đây, loại cây mà ta luôn nghĩ tới, cây mà ta lưu luyến nhất, là cây dẻ gai. Ta nhớ các cây dẻ gai từ những chuyến du ngoạn trên núi: những thân cây xám bạc, phủ đầy rêu, những cái lá thắp sáng không khí như những ngọn lửa nhỏ...Vậy đấy, giờ ta thích là một cây dẻ gai. Vì khi cuộc đời sắp sửa tàn lụi, nó sẽ thăng hoa với những tình cảm, những ký ức, những cảm xúc, giống như tán lá của những cái cây kia, sẽ biến thành ngọn lửa vào mùa thu.”
    Còn nữa
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
  4. Hoài Dương

    Bài viết:
    177
    Chương 17
    Bấm để xem
    Đóng lại

    KHÔNG LÂU SAU BỮA TIỆC SHAVUOT, ai đó ở Ý đã cố gắng liên lạc với cháu. Cuộc gọi được chuyển tới phòng ăn, nhưng lúc đó cháu vẫn đang làm việc. Khi cháu tan ca và bê khay thức ăn đầy ắp tới một cái bàn và ngồi xuống, một người lính trẻ đưa cho cháu một mẩu giấy ghi chữ: “Một cuộc gọi từ cha bạn.”

    Đó là cha, đang tìm cháu lần thứ hai trong cuộc đời ông. Điều gì thúc đẩy ông làm thế? Cháu không biết.

    Rốt cuộc thì đã hơn sáu tháng từ lúc cháu rời nước Ý.

    Biết tính cha, cháu đoán chẳng có gì khẩn cấp. Cháu bỏ mảnh giấy vào túi, nghĩ rằng sẽ mua một chiếc thẻ điện thoại và gọi ông vào lúc cháu rời khu định cư.

    * * *

    Cũng tối hôm đó, Arik, người con lớn của ông Jonathan tới thăm cha. Cậu Arik tả cho cha nghe những thành tích gần nhất của hai bé sinh đôi, bí hiểm nói thêm rằng mình còn có một tin tốt khác muốn chia sẻ với ông nhưng phải đợi tới lúc vợ tới. Sau đó cậu kể đôi chút về cô em gái mà mình đã gặp một tuần trước ở Beersheba; ông Jonathan buồn rầu nói: “Nếu bố không gọi nó, bố sẽ không được nói chuyện với nó. Nó chẳng bao giờ gọi cho bố.”

    “Nó quá say mê công việc,” cậu Arik nhanh chóng đáp lời. “Nó nghĩ nhiệm vụ của nó là cứu nhân loại. Nếu cứ tiếp tục vậy, nó sẽ ốm mất”.

    Ông Jonathan lắc đầu “Lạ thật đấy. Thường thì con gái giống cha. Nhưng trong hoàn cảnh của chúng ta, nó lại giống mẹ hơn: Khéo léo, thực tế, sẵn sàng lao vào bất kỳ tình huống nào mà không bao giờ bối rối.”

    Arik không hoàn toàn tán thành. “Không phải vậy. Nó giả vờ không bối rối để chẳng phải đương đầu với những lý do khiến nó thành như vậy. Nó quyết định rằng thế giới phải đi theo cách nó muốn, không đếm xỉa đến bất cứ ai khác.”

    Cháu hỏi cậu Arik nhiều điều về cuộc sống của cậu ở Arad. Cậu nói, lúc đầu cuộc sống không dễ ổn định - khí hậu và phong cảnh hoàn toàn khác với những gì cậu biết - nhưng bây giờ thì cậu không thể sống ở nơi khác được. Cậu cần những viên đá, bầu không khí trong lành khô ráo và những bông hoa bùng nổ trong bản giao hưởng sắc màu sau cơn mưa đầu mùa ở các thung lũng. Cậu luôn dẫn các con gái đi ngắm những bông hoa này dù các bé vẫn còn nhỏ và không thực sự hiểu được. Cậu muốn tập cho chúng ngay từ đầu có niềm vui thú với những kỳ quan thiên nhiên.

    “Người sống ở vùng nhiệt đới sẽ chẳng mấy để ý đến hoa, nhưng một sa mạc mà nở hoa dù chỉ một lần sẽ là một món quà bất ngờ. Nó khiến chúng ta nhận ra ánh sáng có ý nghĩa thế nào khi bị giam cầm trong vật chất.”

    Khoảng 11 giờ tối, ông Jonathan đi ngủ còn cậu Arik cùng cháu đi dạo.

    Sau vài k
    Sau vài khúc cua chỗ chuồng bò, cậu và cháu bắt đầu đi dọc bên lề vườn cam. Hoa cam đã nở, tỏa một mùi hương nồng nàn kỳ lạ trong bầu không khí êm dịu của đêm. Lúc hai cậu cháu ngồi xuống một phiến đá, cậu Arik nói, “Cái đẹp và sự hòa hợp tồn tại trong chừng mực mà chúng ta cảm thụ được và ham thích chúng. Đó là cách duy nhất để chúng nuôi dưỡng tâm hồn ta. Trái tim chính là chiến trường. Ở đó, ý định tốt và ý định xấu chiến đấu với nhau trong một cuộc tranh tài không giới hạn...”

    Quanh hai cậu cháu, lũ chó rừng hùa nhau tru lên từng hồi, thi thoảng được phụ họa bởi vài tiếng chó sủa.

    Bầy gà trống bắt đầu gáy, chào đón một ngày mới.

    Cậu Arik chỉ vào một cái cây nhỏ được buộc vào chiếc cọc. “Giống như cây cối,” cậu nói, “chúng ta có một mong muốn tự nhiên là được vươn lên. Đó là loại cảm giác ẩn trong sâu thẳm mỗi con người. Giống chiếc cọc của cái cây non ấy, nó giúp chúng ta đứng thẳng, vươn tới trời cao mà không bị gió bão làm đổ.”

    Từ giữa các tán cây vọng tới tiếng đập cánh sột soạt của bầy chim sẻ. Khi lũ chim thức giấc, tiếng hót líu lo của chúng lớn dần.

    Khi bầy chim đầu rìu bắt đầu tản mạn qua các hàng cây thì một câu cầu nguyện tạ ơn bật ra khỏi môi cháu. Tạ ơn cuộc đời, tạ ơn sự huy hoàng, tạ ơn khả năng nắm bắt nó.

    * * *

    Tuần sau đó, cháu nhận được một cuộc gọi khác từ Ý, nhưng lần này không phải của cha cháu.

    Đó là cuộc gọi của cảnh sát ở Mestre, thông báo việc họ tìm thấy một người đàn ông chết trong một đường hầm gần Marghera. Tên ông ấy là Massimo Ancona, và trong túi áo khoác của ông ấy, họ tìm thấy một lá thư gửi con gái, với số điện thoại của cháu. Cô có biết ông ấy không? Cô thực sự là con gái của ông ấy chứ? Các giấy tờ của ông ấy không đề cập đến cô, nhưng nếu mối quan hệ được ám chỉ này thực sự là thật, thì cô buộc phải có mặt tại nhà xác ở Mestre càng sớm càng tốt để nhận diện thi thể.

    Buổi chiều cùng ngày, cháu tới Haifa để đặt vé máy bay. Chỉ còn vé đi Tel Aviv-Milan vào ba ngày sau.

    Cháu đặt một vé rồi trở về khu định cư.

    Đêm hôm đó, cháu không thể chợp mắt. Cháu nguyền rủa bản thân vì đã không gọi lại cho cha. Cảnh sát không thể, hoặc sẽ không nói cho cháu biết ông chết thế nào nên cháu ngờ rằng cha đã tự sát: trong sự tuyệt vọng, có lẽ vậy, vì đã cố gắng vô ích để nói với cháu điều gì đó, mà cháu thì không gọi lại...

    Sáng hôm sau, lúc đầu óc minh mẫn hơn, cháu nhận ra những ý nghĩ ấy ngớ ngẩn tới mức nào. Cha cháu, luôn được bảo vệ bởi bản tính không biết yêu thương và ích kỷ, sẽ chẳng bao giờ tự sát chỉ vì một cuộc gọi không có hồi đáp.

    Hôm sau, không còn tâm trí để làm công việc như thường lệ, cháu bắt xe buýt đến núi Beatitudes.

    * * *

    Cháu tới nơi cũng vừa giờ ăn trưa. Những khu vườn lớn vây quanh pháp đình gần như bị bỏ hoang. Xa phía dưới, biển hồ Galilee lấp lánh như một tấm gương sáng bừng, trong khi cơn gió thoang thoảng mang theo âm thanh ồn ào của những phương tiện đi lại vọng tới từ con đường bên dưới.

    Trong vòng vài chục cây số quanh đây, Chúa Jesus đã sống quãng đời quan trọng trong cuộc sống ngắn ngủi của mình. Đám đông theo Người khắp mọi nơi; mỗi bước trên đường, người ta cầu xin Chúa cứu rỗi họ. Cháu không khó tưởng tượng ra Người đã kiệt sức và cô đơn nhường nào, khi không ngừng bị quấy nhiễu bởi những kẻ cầu xin. Sau ba mươi năm yên tĩnh, Người có ba năm đắm chìm trong sự nhiễu loạn triền miên.

    Nhưng việc “cứu rỗi họ” có ý nghĩa gì nhỉ? Khiến họ nhìn được, đi được, hay cảm nhận khác đi, nhưng để làm gì? Để ăn được ngon, để ngủ tốt hơn, để có thể chạy nhanh hơn ư? Hay có lẽ để đạt tới một trình độ nhận thức mới? Có mối liên hệ nào giữa những lời ngọt ngào giả tạo cháu nghe được từ các linh mục trên ti vi, với sự mạnh mẽ và khắc nghiệt trong những lời giảng của vị thầy tu xứ Nazareth? Một ngày nào đó, liệu những lời này có thể cứu rỗi cho cháu không?

    Dọc đường mòn, theo những phiến cẩm thạch màu trắng được chạm khắc những Điều phúc lớn, vạn vật đang trổ hoa rực rỡ, những chú chim hoàng anh buông tiếng hót vào không gian như thể chúng là những câu hỏi.
    Còn nữa
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
  5. Hoài Dương

    Bài viết:
    177
    Chương 18
    Bấm để xem
    Đóng lại

    HAI NGÀY SAU, ông Jonathan đưa cháu tới sân bay Ben Gurion trong chiếc xe Subaru cũ kỹ.

    Ông và cháu tạm biệt sau một cái ôm thật lâu. Cháu mời ông tới thăm cháu ở Trieste, và ông hứa sẽ tới sớm; lẽ tất nhiên, lời mời của cháu dành cho cả Arik và gia đình cậu nữa.

    Đến Milan, cháu đi tàu tới Venice và xuống Mestre. Ngay sau khi trình diện ở trụ sở cảnh sát, một hạ sĩ trẻ đưa cháu tới nhà xác. Trong lúc đi, anh ta giải thích rằng họ đã tiến hành khám nghiệm tử thi, và cha cháu chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Rất nhanh chóng, trái tim cha đã ngừng đập.

    Người phụ trách nhà xác đi trước để dẫn đường. Đôi guốc cao su của cô ta tạo tiếng kêu rin rít lạ lùng trên nền nhà bằng vải sơn lót sàn.

    Một luồng khí lạnh lẽo phả vào khi cháu bước vào khoang lạnh. Ba thi thể đang nằm trên những chiếc bàn bằng inox. Cha nằm ở giữa. Một cánh tay buông thõng và đôi chân ông thò ra ngoài bên dưới tấm vải màu xanh - đây là lần đầu tiên cháu nhìn thấy ông không đi giày.

    Nhân viên nhà xác nâng tấm vải lên: “Cô có nhận ra ông ấy không?”

    Đôi môi ông hé ra như trong một biểu cảm ngạc nhiên.

    “Có,” cháu đáp. “Ông ấy là cha tôi, Massimo Ancona.”

    “Tôi rất tiếc,” người hạ sĩ nói.

    “Tôi cũng vậy,” cháu trả lời, và đó là giây phút cháu cảm thấy những giọt nước mắt lăn xuống đôi gò má.

    Trong trạng thái xúc động, cháu chộp lấy bàn tay trắng bệch của cha đang buông thõng dưới tấm vải và siết chặt nó. Làn da lạnh lẽo như da rắn, trọng lượng và độ dày của nó không khác nhiều so với một bàn tay sống, và các móng tay được cắt tỉa vội vàng.

    “Đây là tiền đồn cuối cùng của cha,” cháu thì thầm và cúi xuống hôn ông rồi nói thêm, “Dù sao đi nữa, con cũng cảm ơn cha. Cảm ơn vì cuộc đời cha đã ban cho con.”

    * * *

    Khi đã trở về nhà ở Trieste, cháu mở chiếc túi nhựa mà người cảnh sát đã đưa. Bên trong là một chiếc chìa khóa nhà và chìa khóa xe của cha, một giấy phép lái xe trên đường cao tốc địa phương (đã hết hạn một tháng trước), một cuốn sổ địa chỉ nhỏ, một chiếc ví đã sờn và một phong bì màu trắng đề tên cháu.

    Chiếc ví chứa vài đồng xu, một tín phiếu 50.000 lia, hai tín phiếu 5.000 lia, một thẻ bảo hiểm y tế, một tấm thẻ nhỏ của một siêu thị ở Monfalcone có dán tem thưởng tích lũy để giành được một phần thưởng mà ông đã mong ước từ lâu: chiếc áo choàng tắm bằng vải bông, và, thò ra từ ngăn ví bên cạnh, một bức ảnh nhỏ cũ mèm. Một phụ nữ thanh lịch, không cao lắm, nắm chặt tay một bé trai, nhìn người chụp ảnh với một biểu cảm nửa kiêu kỳ, nửa bực bội.
    Bức ảnh chắc được chụp ở Venice. Bé trai đang cười, cặp mắt ánh lên sự tò mò và ham thích không ngừng, tay chỉ vào thứ gì đó khiến nó ngạc nhiên. Một con tàu chăng? Hay loài chim biển nào đó mà nó chưa từng thấy? Đằng sau bức ảnh là dòng chữ đã phai màu: Venice năm 1936, mẹ và mình trên bờ kè.

    Cuốn sổ địa chỉ nhỏ chỉ chứa vài số điện thoại. Ở vần D, là số điện thoại của bác sĩ và nha sĩ; ở vần T là số điện thoại của mấy nhà hàng; đôi chỗ có thông tin liên lạc của vài nhà xuất bản và vài ba cái tên phụ nữ; và ở trang đầu là số điện thoại của cháu tại Trieste, bên dưới đó, với nét bút chì run rẩy, là số điện thoại của cháu ở Israel.

    Cũng bàn tay run rẩy ấy nguệch ngoạc tên cháu trên mặt trước phong bì. Cháu mở ra. Bên trong là hai trang giấy ố vàng (có phần tiêu đề của một khách sạn ở Cracow), viết đầy chữ trên hai mặt.

    Grado Pineta, ngày 13 tháng 5

    Cha không biết liệu lá thư này có tới tay con không - nếu con đang đọc nó, nghĩa là cha đã không còn trên đời này nữa. Con biết cha ghét cay ghét đắng sự ủy mị; tuy nhiên, cha không thể không viết cho con những dòng này. Xét cho cùng thì con cũng là món quà không chờ đợi.

    Đáng sợ và không chờ đợi.

    Con đến vào những ngày cuối đời của cha, và, giống một trong số những cái cây len lỏi những cái rễ mỏng manh (và vô cùng mạnh mẽ) nhằm xâm chiếm khu vực xung quanh, con đã mở một vết nứt trong cuộc đời cha bằng đôi mắt, giọng nói, những câu hỏi của con, và kể từ đó, đôi mắt, giọng nói, những câu hỏi ấy, cha mãi không bao giờ giải thoát được chúng ra khỏi mình.

    Liệu đó là tiếng gọi của tình máu mủ hay là sự yếu đuối của tuổi già? Cha không biết. Cha không đủ sức, hay còn đủ thời gian để trả lời con. Nói chung, điều ấy không quá quan trọng. Vào lúc này, cha không phải biện hộ cho mình hay giải thích gì nữa.

    Hôm nay, cha đã cố tự sát.

    Quyết định kết liễu cuộc đời là điều cha đã quyết khi lần đầu tiên hiểu ra mình không được chọn để sinh ra, nhưng việc mình chết ở đâu và chết như nào là tự do duy nhất mình có được. Cơ thể của cha rõ ràng đã suy tàn, và thật không may, trí não cha cũng theo sau nó.

    Sáng nay, cánh cửa chớp bảo vệ trên cửa sổ phòng cha bị gãy, và cha không mở được nó. Cha ở trong bóng tối cho tới 5 giờ chiều, sau khi gọi điện cho thợ sửa chữa một cách vô ích. Cuối cùng, cha quyết định bước ra bầu không khí ôn hòa của tháng Năm, cùng với những chuyến bay không mệt mỏi của bầy chim mang thức ăn về tổ; cha trông thấy những bông hoa vàng bé nhỏ khắp mọi nơi, mọc ra từ những kẽ nứt xi măng. Tháng Năm, cha nghĩ, là thời gian bất thường nhất của năm để rời bỏ trái đất mãi mãi, thời gian cần sự gan dạ nhất, vì đó là khi trời đất đang ở đỉnh cao của sự huy hoàng. Cha không tốn quá nhiều dũng khí để tự sát trong tháng Mười Một, khi bầu trời phủ đầy những đám mây mưa u ám. Lúc này, có thể con sẽ nghĩ chính sự chán nản đã đẩy cha tới điều này, nhưng thực ra cha hoàn toàn minh mẫn và nhận thức đầy đủ sự lựa chọn của mình.

    Sau khi về nhà, cha cố gọi cho con. Cha muốn nghe giọng con lần cuối, nhưng cha không gặp may. Ở đầu dây bên kia, lần lượt có những người khác nhau, nói một chút tiếng Anh, một chút tiếng Do thái, một chút tiếng Tây Ban Nha, nhưng chẳng ai trong số họ cố gắng tìm con.

    Rồi cha trèo lên ghế tìm khẩu súng lục, khẩu súng đã ở trên nóc giá sách, bọc trong miếng vải đen nhiều năm rồi. Cha nạp đạn sẵn, vừa đợi cho hết đêm, vừa đọc những bài thơ yêu thích của mình. Trong sâu thẳm, cha không muốn chết giống như một con chuột; cha muốn ra đi trong một không gian mở rộng, đối diện với biển cả,


    nhìn ngắm bình minh thêm lần nữa, để được thấy mặt trời lên và thế giới ngập tràn ánh sáng.

    Khoảng bốn giờ, cha xuống bãi biển. Khi bước trong bóng tối, cha có thể nghe tiếng vỏ sò lạo xạo dưới gót giày. Cha ngồi xuống chiếc thuyền mà con từng chọn khi chúng ta dừng lại để nghỉ. Cha có thể cảm thấy kim loại lạnh lẽo dưới bắp đùi.

    Hơn 5 giờ sáng, bầu trời phía đông Trieste và Istria bắt đầu hừng sáng. Không khí tràn ngập tiếng kêu của chim biển, và mức thủy triều thấp đang dịu dàng vỗ về bờ cát. Cha nhìn quanh và lấy khẩu súng khỏi túi, chờ đợi. Khi đỉnh chiếc đĩa màu cam nhô lên phía chân trời, cha chĩa súng vào thái dương, bóp cò. Một tiếng tách lớn, và chẳng có gì xảy ra. Cha quay ổ đạn, thử lại lần nữa: thêm một tiếng tách.

    Trong lúc ấy, một ông già cùng đôi chó xù xuất hiện trên bờ biển. Ông ta quăng một quả bóng sặc sỡ vào không khí và những con chó đuổi theo nó, sủa lên vui vẻ. Cha bỏ lại khẩu súng vào trong túi.

    Vài giờ sau đó, thợ sửa cửa chớp đến và mang ánh sáng vào căn phòng của cha. Buổi chiều hôm ấy, cha tới Monfalcone để mua sắm. Cuộc sống lại tiếp tục, cha không biết sẽ dài bao lâu nữa, nhưng nó vẫn tiếp diễn, cha nghĩ khi thả khẩu súng vào ngăn kéo. Cha sẽ đợi cho tới lúc số phận an bài.

    Buổi tối, cha đứng trên ban công nhỏ của nhà bếp. Nhiệt độ gần như lúc mùa hè, đủ ấm để lên men đám tảo trong vịnh và làm đượm bầu không khí bằng hơi nước mặn mòi của biển. Các đèn đã bật trong một căn hộ ở tòa nhà chéo với nhà cha; một phụ nữ đeo tạp dề và cầm một chiếc xô đang dọn khu nhà, sẵn sàng cho mùa du lịch sắp đến.

    Cha định trở vào nhà thì bắt gặp một chùm sáng đột ngột giữa các bụi cây um tùm ngăn cách hai tòa nhà. Những con đom đóm. Đã nhiều năm rồi cha mới thấy đom đóm. Chúng đang nhảy múa giữa mặt đất và các lùm cây, thêu dệt không gian bằng những đốm sáng lập lòe. Nếu là ngày hôm trước, cha sẽ cười vào sự xảo quyệt trong các chiến lược tái sinh của thiên nhiên; ánh sáng đó có thể là gì ngoài mưu mẹo để giành tình cảm trong mùa giao phối?

    Nhưng tối hôm đó, cùng một lúc, mọi thứ như khác đi. Cha không còn coi ánh sáng chập chờn nhỏ bé của những con đom đóm như một phần của một quy trình máy móc nữa.

    Chẳng có gì gian xảo trong ánh sáng ấy, ngoài sự thông thái, cha tự nói với mình, và cha bắt đầu khóc. Gần sáu mươi năm đã trôi qua kể từ lần cuối cùng cha khóc, trên con tàu đưa cha tới Brazil.

    Cha khóc chậm rãi, lặng lẽ, không một tiếng nức nở; cha khóc cho những tàn lửa bé nhỏ đó, bị bao bọc trong bóng đêm thống trị, và cho chuyển động hỗn loạn của chúng, vì bỗng nhiên mọi thứ chợt sáng tỏ đối với cha rằng mỗi một bóng tối đều đè nén một mảnh sáng.

    Cha đang làm con bật cười ư? Cha có vẻ đáng thương ư? Có lẽ vậy. Những lời này có thể sẽ chọc tức thêm cơn thịnh nộ tuổi trẻ chưa được dập tắt của con, nhưng cha đã tới cái độ không còn e ngại điều gì nữa. Vậy nên, cha sẽ che dấu bản thân mình bằng điều thậm chí lố bịch hơn, bằng cách nói cho con biết trong những tháng qua, cha đã sống với niềm hi vọng được gặp lại con lần nữa.

    Những ngày này, trong thời gian còn lại mà số phận dành cho cha, cha tự giải thoát mình khỏi lòng kiêu hãnh, và cha có thể suy ngẫm mọi điều mà không sợ hãi, bởi cơ bản thì, cha đã chết rồi; cha có thể cảm nhận tấm vải liệm trên thân thể và lớp đất ẩm ướt phủ lên cha. Chính vì cha đã thắng (và không còn sợ sự nhạo báng), cha có thể nói với con rằng nỗi sợ hãi đã định đoạt cuộc đời cha; thứ mà cha gọi là dũng cảm thực chất chẳng là gì ngoài nỗi sợ. Cha sợ mọi việc sẽ không theo cách cha đã


    định. Cha sợ đi quá giới hạn nào đó, không phải giới hạn tinh thần, mà là giới hạn của trái tim. Cha sợ yêu và không được yêu lại.

    Rốt cuộc, đó là nỗi khiếp sợ duy nhất có thật của một con người, và nó là nguyên nhân khiến anh ta dâng mình cho sự đê tiện.

    Tình yêu, giống một cây cầu lơ lửng trong hư không.

    Vì sợ hãi, chúng ta làm phức tạp những vấn đề đơn giản. Để đi theo bóng ma ký ức, chúng ta biến một con đường thẳng thành một mê cung mà không biết cách thoát ra.

    Cha đã làm gì trong suốt cuộc đời mình ngoài việc: chạy trốn bản thân, chạy trốn trách nhiệm, làm tổn thương những người khác trước khi họ có thể làm cha đau đớn?

    Khi con đọc những dòng này (và cha đã nằm trong một phòng lạnh hay trên nền đất lạnh), hãy biết rằng trong những ngày cuối đời, cha sống nhờ nỗi buồn - một nỗi buồn u uất, không hề giận dữ, và có lẽ vì thế, lại càng đau đớn hơn.

    Tính tự phụ, sự khiêm nhường; cuối cùng, là hai thứ duy nhất được đặt lên bàn cân. Cha không biết sức nặng cụ thể của chúng, nên cha không thể nói liệu một ngày khiêm nhường có đủ để chuộc lại một đời tự phụ hay không.

    Thật tuyệt vời nếu được ôm con, quả bom hẹn giờ bé nhỏ, người đã xuất hiện bất ngờ (và quá muộn) để tàn phá cuộc đời cha. Mặc dù việc này chẳng bù đắp được gì, cha muốn được ôm con lần cuối, thật lâu, thật chặt, và trong cái ôm đó sẽ là tất cả những cái ôm mà cha chưa từng dành cho con, những cái ôm từ khi con sinh ra, khi con còn bé, khi con lớn lên, những cái ôm con sẽ cần khi cha không còn nữa.

    Hãy thứ tha cho sự xuẩn ngốc của người đàn ông hay nhạo báng, người đã mang con tới thế giới này.

    Cha của con.


    Đám tang diễn ra một tuần sau đó tại nghĩa trang dành cho người Do thái ở Trieste. Ngoài các thành viên của ban tụng niệm và giáo sĩ, cháu là người duy nhất ở đó. Tiếng cầu kinh sắp dứt thì hồi còi tầm buổi chiều vang lên ầm ĩ trong các xưởng đóng tàu gần đấy.

    Trong suốt mùa đông, cơn gió bora đã mang lá cây cùng nhiều loại tờ bướm quảng cáo vào căn nhà nguyện bé nhỏ lâu nay bị bỏ mặc của gia đình ta. Không khí bên trong rất ngột ngạt, có mùi ẩm ướt và nấm mốc; đã nhiều năm rồi không có ai dọn dẹp nơi đây. Cháu mở rộng cửa rồi đi mua một cây chổi và giẻ lau. Khi xong việc, cháu cắm bó hoa hướng dương mua ngoài cổng nghĩa trang vào bình và ngồi xuống cạnh bà một lúc.

    Ai biết bà ở đâu và bà thế nào? Có lẽ, ít ra ở phía bên kia, bà và mẹ đã gặp nhau; có lẽ sau cùng thì hai người đã cố gắng để xua tan những cái bóng đã ngăn hai người có một mối quan hệ yên bình. Có lẽ ở nơi ấy, bà và mẹ có thể nhìn thấy cháu đang ngồi bên mộ bà vào một chiều mùa hè. Có lẽ đúng là người chết có khả năng đứng bên người sống và bảo vệ họ mà không để họ rời khỏi tầm mắt. Hay phải chăng, đó chỉ là một ao ước, một trong những hi vọng quá đỗi con người của chúng ta? Có thật là ở phía bên kia có sự phán xét, với Tổng lãnh thiên thần Michael giơ cao chiếc cân mỏng manh? Phải chăng chỉ có hai loại - thiện và ác - hay là phức tạp hơn? Những đau khổ của một người vô tội nặng bao nhiêu? Cái chết dữ dội của một người chính nghĩa có giống với cái chết của một kẻ xấu xa đã sống trọn đời không? Tại sao kẻ xấu thường có cuộc sống lâu dài yên ổn, như thể ai đó bảo vệ họ, trong khi người hiền lành phải chịu đựng tủi nhục và bất hạnh? Tuổi thọ ban cho những kẻ vô liêm sỉ - có phải là dấu hiệu của sự khoan dung thần thánh, cho phép họ sống lâu để có nhiều thời gian mà sám hối và thay đổi trái tim?

    Và nỗi đau buồn, sức nặng của nỗi đau buồn là gì?

    Nỗi đau buồn của mẹ, của cha, của bà, của cụ Ottavio, và của cháu (khi cháu chết đi) - chuyện gì đã xảy ra với tất cả những nỗi đau buồn ấy? Chúng hóa thành bụi trơ, hay thành nguồn nuôi dưỡng? Liệu có tốt hơn nếu ai đó được sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ? Chuyện gì xảy đến với người không bao giờ tự chất vấn mình, người không có mối hoài nghi nào?

    Cậu Arik đã nói về cuộc đấu tranh diễn ra dai dẳng trong trái tim chúng ta. Sống một cuộc đời trì trệ, không một mối lo chẳng phải cũng bằng với dâng hiến bản thân cho sự tồn tại máy móc, cho định luật về trọng lực, luôn luôn ghì ta xuống? Chẳng phải những ngờ vực và thắc mắc xuất phát từ sự luyến tiếc sao? Như những phần tử trên ngọn luôn kéo cây cối vươn lên, tìm kiếm ánh sáng, những thắc mắc hẳn sẽ kéo con người tới thiên đường.

    Khi ở Israel, cháu quen với Miriam, một phụ nữ Pháp đã sống sót khỏi địa ngục Auschwitz, giờ trông coi thư viện nhỏ của khu định cư. Khi chiến tranh nổ ra, bà là một sinh viên khoa sinh vật học hai mươi hai tuổi. “Tuy nhiên, lịch sử đã đẩy bác vào một hướng đi hoàn toàn khác bằng một cú huých tàn bạo. Bác nhìn thấy cha mẹ mình đến với tử thần; chúng ta nhìn vào mắt nhau lần cuối trước khi họ biến vào tòa nhà nơi có “những phòng tắm hoa sen”. Vài tháng sau, bác cũng suýt chết trong những trận đòn thù vì cố bỏ trốn, nhưng ai đó đã bước lên và thế chỗ cho bác.

    “Bác ở đây vì ông ấy đã tan vào cát bụi. Mọi câu hỏi đều ở trong ba mươi phân nhún nhường ấy: một bước chân tiến lên, bước chân khác lùi lại.”

    Cháu và bác Miriam cùng ngồi trong góc mát nhất của thư viện và nói hàng giờ liền về cái chết, về việc trái tim của Châu Âu đã biến thành tro bụi chỉ trong sáu năm.

    “Mọi người nói, Chúa ở đâu? Sao Người không kết liễu lũ đồ tể ấy bằng một cái búng tay? Sao Người không giáng một trận mưa lửa và diêm xuống đầu những kẻ làm việc xấu?” Miriam thường lặp lại những câu hỏi ấy, và câu trả lời của bác ấy là, “Nhưng phải nói, con người ở đâu? Đâu là sinh vật được Chúa tạo ra “chỉ thua các thiên thần một chút”? Bởi chính con người đã xây lên các buồng hơi ngạt; để tối ưu hóa thời gian, các kỹ sư chuyên nghiệp đã tính ra góc quay chính xác cho những cái xe goòng chuyển người tới lò thiêu; họ tính toán điều ấy trong khi người vợ đang khâu vá trong phòng khách, còn lũ trẻ đang ngủ trên những chiếc giường bé nhỏ, ôm chặt những chú gấu teddy. Chính con người đã đi hết nhà này tới nhà khác, lùa họ ra khỏi những nơi kín nhất. Chính con người, đã ngâm tay mình trong máu, đá những đứa trẻ sơ sinh tới chết, mổ xẻ những người già. Con người có quyền lựa chọn, và đã không chọn. Con người, thay vì coi người khác cũng là người, lại chỉ coi họ như đồ vật.”

    Một lần khác, khi đang nhẹ nhàng phủi bụi cho tủ sách nhỏ nhoi của thư viện như nâng niu lũ trẻ, Miriam nói: “Khi một người mơ tạo ra được thế giới không có nỗi đau, không có khuyết tật, trong thực tế, anh ta đã tháo dỡ dàn thép gai và chia thế giới thành hai nửa phù hợp và bất hợp, thế giới mà ở đó, các thành viên của nhóm thứ hai không khác gì những viên đá dăm, cần được mài giũa dọc đường.

    “Tất nhiên, bác tin những gì bà Curie đã tin - nhiệm vụ của con người là chăm sóc người hàng xóm của anh ta khi cần - nhưng khi sự chăm sóc biến thành nỗi hoang tưởng về quyền năng tuyệt đối, khi nó vướng vào cuộc đấu tranh vì những bằng sáng chế hàng tỉ đô la, nó sẽ biến thành thứ gì đó rất khác với khát vọng chính đáng của loài người. Thay vì tán dương những hứa hẹn vĩ đại của khoa học, chúng ta cần can đảm đặt câu hỏi, ngay cả khi chúng khiến ta không nổi tiếng bằng Jeremiah: không bệnh tật, không yếu đuối, không bất
    định, con người biến thành gì? Chúng ta là những cỗ máy được hoàn thiện, hay những sinh vật đầy phiền muộn bị lưu đày? Liệu ý nghĩa tột cùng của chúng ta có được tìm thấy trong quyền lực vạn năng, hay trong việc chấp nhận bấp bênh? Thắc mắc nảy sinh từ bấp bênh; câu hỏi cũng xuất phát từ ý thức về điều huyền bí và kỳ diệu, nhưng quyền lực vạn năng và sự chắc chắn mang lại điều gì?”

    * * *

    Tiếng mèo kêu làm gián đoạn hồi ức của cháu. Một con mèo gầy trơ xương đang đứng ở cửa nhà nguyện, nhìn vào. Cái đuôi chỉ còn da bọc xương của nó tong teo như chiếc bút chì. Cháu gọi nó vào. Nó cứ để cháu gãi nhẹ vào cằm, miệng kêu gừ gừ còn bộ mặt thì lộ vẻ thích thú.

    Ngoài kia, mặt trời đã qua đỉnh đầu, không khí trong nhà nguyện vẫn nóng bức ngột ngạt. Trước khi rời đi, cháu nhẹ nhàng chạm vào tấm bia đá khắc tên bà. Rồi bước qua tấm bia với hai mốc thời gian vắn tắt trong cuộc đời của mẹ.

    Con mèo lẵng nhẵng bám theo cháu qua cổng nghĩa trang, rồi biến mất sau một phiến đá. Những bông hoa rũ xuống nặng nề, kiệt sức trước cái nóng. Hàng tá ong bắp cày bay vù vù quanh vòi nước, va mạnh vào nhau chờ đợi một giọt nước sắp rơi.

    Cháu nhìn quanh nghĩa trang lần cuối trước khi rời đi. Tất cả mọi người - bà, mẹ, và cha đều an nghỉ nơi đây trong khi những ẩn số cuộc đời vẫn đang mở ra trước mắt cháu; dù tốt hay xấu, mọi người đã dạy cháu nhiều điều; và bằng cách nào đó, những sai lầm của mọi người đã mang lại cho cháu một kho báu.

    * * *

    Cháu về nhà và trở lại việc dọn dẹp.

    Cháu mở tất cả các cửa sổ để mùi bí bách thoát đi; ánh sáng mùa hè rực rỡ tràn vào mạnh mẽ, soi rọi cả những góc tăm tối nhất. Cháu vào phòng bà để lấy vài tấm ga trải giường mới. Chiếc tủ quần áo được sắp xếp hoàn hảo; vì lý do nào đó, nó thoát khỏi cơn giận trong căn bệnh của bà. Những túi hoa oải hương nhỏ bé mà cháu từng thấy bà làm thật khéo léo, qua bao nhiêu thời gian vẫn còn vương vãi đâu đó. Khi với lấy những tấm trải giường, cháu chợt thấy một phong bì lớn màu vàng đặt bên. Bà đã viết gì đó, bằng nét chữ run run, Gửi cháu.

    Cháu chưa từng nhìn thấy nó. Nó đã ở đấy bao lâu rồi? Từ trước khi bà bị ốm chăng? Cháu mở phong bì và thấy trong đó một cuốn sổ lớn với tấm bìa in hoa. Tuy vậy, cháu nhận thấy mình chưa sẵn sàng đối diện với điều gì trong đó nên cháu đặt cuốn sổ trên bàn bếp và tiếp tục lau dọn cho tới quá giờ chiều.

    Ngày hôm ấy, trong khi làm việc cật lực, cháu đi tới hai quyết định quan trọng. Quyết định thứ nhất liên quan tới một con chó: cháu muốn đến nơi nhốt chó mèo đi lạc và chọn một con khác, vì cháu không chịu được khi nhìn khu vườn trống trải. Quyết định thứ hai liên quan đến tương lai của cháu; vào thu, cháu muốn ghi danh vào trường đại học và học ngành lâm nghiệp, vì rốt cuộc cháu đã nhận ra việc cháu muốn làm trong phần còn lại của cuộc đời: chăm sóc cây cối.

    Khi những giờ nóng nực nhất trong ngày qua đi, cháu bắt đầu tưới vườn. Bụi hồng đang ở cuối mùa trổ bông và có vẻ không bị ảnh hưởng mấy vì sự vắng mặt của cháu, trong khi những cây tú cầu trông khá tệ. Cháu tưới cho chúng cả một lúc lâu, thỉnh thoảng nâng cao vòi nước để có thể nhìn dòng nước biến thành một trận mưa những giọt vàng.

    Khi xong việc, cháu đặt chiếc ghế xếp giữa vườn, ngồi nghỉ, một tay cầm cốc nước cam, tay kia cầm cuốn sổ của bà.

    Dòng chữ Opicina, ngày 17 tháng 11, năm 1992 trên trang đầu.

    Cháu nhận ra chữ viết của bà, vẫn gọn gàng, đều đặn.

    Cháu đi đã được hai tháng rồi, và trong suốt hai tháng ấy, bà chẳng nhận được tin tức gì ngoài tấm bưu thiếp vỏn vẹn lời nhắn rằng cháu vẫn còn sống...

    HẾT
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng sáu 2018
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...