Hảo Hán Sài Gòn Dân Chơi Bến Nghé - Thượng Hồng

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 11 Tháng mười hai 2019.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-2: Hồn ma con gái chú Hỏa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Do chú Hỏa (Hui Bon Hoa) quá giàu và được người Sài Gòn coi như một nhân vật huyền thoại, nên những điều thêu dệt quanh ông và gia đình ông cũng không ít. Trong số này có câu chuyện mà mãi đến ngày nay vẫn còn là điều bí ẩn.. Chúng tôi ghi lại đây qua một số truyền thuyết, chưa chắc đã chính xác, nhưng cũng xem như là một tư liệu để góp thêm vào sự hiểu biết về chú Hỏa..

    Bóng ma trong lâu đài

    Vì cuộc sống của một phú hộ như chú Hỏa quá biệt lập nên mọi chuyện riêng tư của gia đình này lọt được ra ngoài chỉ bằng những lời đồn đại.

    Thực hư ra sao chưa được kiểm chứng, nhưng hầu như người sống ở Sài Gòn lâu đời cũng đã từng nghe, tuy có nhiều cách bàn tán, nên có nhiều tình tiết không đồng nhất. Một trong những truyền thuyết đó là một bóng ma thường xuất hiện trong tòa dinh thự rộng lớn của gia đình chú Hỏa! Chuyện này do một số á sẫm hầu hạ trong nhà tiết lộ ra.

    Họ nói rằng, cứ đêm đêm thường có những tiếng khóc tỉ tê trong một căn phòng trên lầu vắng. Và đã có lần họ nhìn thấy một người con gái mặc toàn đồ trắng, tóc xõa dài chấm đất, đứng ở dầu cầu thang. Những tôi tớ trong nhà báo chuyện này cho chủ, nhưng chủ gạt ngang và còn cấm nói ra ngoài. Một người hầu già sau này kể lại rằng bà được lệnh của bà chủ, hàng ngày phải mang một mâm cơm lên một phòng không có người ở trên lầu, mà theo bà chủ giải thích, thì đó là để cúng cho một người khuất mặt được thờ trong nhà.

    Có điều lạ là cửa phòng không hề được mở, nên không biết được bên trong thờ ai. Người hầu già bưng mâm cơm mỗi bữa lên đặt vào một ô cửa nhỏ bằng một gang tay, rồi cứ để đó và đi xuống.

    Người ta đã dặn bà này thật kỹ, coi như một nghiêm lệnh: "Khi mang cơm lên phải đi lùi. Đặt xong mâm cơm xuống thì phải bước đi ngay, không được quay đầu lại, nếu trái lời sẽ bị bẻ cổ hộc máu chết liền!"

    Với lời đe dọa đó thì đâu có người nào dám cãi. Những mâm cơm cứ thường xuyên mang lên cúng với toàn món ngon vật lạ. Nhưng có một điều hết sức kỳ lạ là hầu như mâm cơm cúng nào khi dọn xuống cũng đều hết sạch như có người vừa ăn!

    Chính điều đó đã làm cho những người hầu hạ trong nhà sợ hãi thêm. Họ tin chắc là người "khuất mặt" trong căn phòng kia đã "hiển linh" hiện hồn về!

    Vì quá sợ nên người hầu xin nghỉ việc, nhưng bà đã được cho nhiều tiền cùng những lời động viên nên cuối cùng đã ở lại tiếp tục công việc "lạnh xương sống" kia!

    Người đẹp trong nhà mồ

    Vẫn theo truyền thuyết thì sau đó ít lâu, bỗng có tin một cô gái trong lâu đài đã mang "bệnh kín" và từ trần. Đám tang được tổ chức khá âm thầm, theo chủ gia thì bởi cô này chết nhằm giờ trùng, lại mang bệnh lạ nên không làm đám tang rình rang theo lệ con nhà giàu. Người chết được an táng trong ngôi nhà mồ ở vùng ngoại ô xa, nơi mà gia đình chú Hỏa có một ngôi biệt thự dùng để nghỉ mát cuối tuần. Người hầu già quen thuộc cũng được điều tới để lo nhang khói trong ngôi nhà mồ này, đặc biệt là mỗi bữa một mâm cơm cúng và kèm những điều kiện nghiêm ngặt như trước.

    Một tháng sau, lại có một cái tin giật gân được tung ra làm thót tim mọi người chung quanh: Ma hiện hồn trong nhà mồ!

    Nhiều người đã rình và thấy, cứ vào lúc nửa đêm thì có một bóng trắng của một cô gái xõa tóc dài đi ra từ trong nhà mồ..

    Câu chuyện ma hiện hồn đã lan truyền rộng khắp vùng, nên hễ trời tối là ít có người dám bén mảng tới. Kể cả thân nhân người chết cũng ít tới lui..

    Hai tên trộm

    Trên đời này, có lẽ chỉ những tay trộm đêm là không hề biết sợ ma! Bằng cớ là đã từng xảy ra những vụ đào mồ để lấy cắp vật quý chôn theo người chết.

    Nhưng đó là đối với những ngôi mộ mới chôn, mộ bình thường, không có hiện tượng có ma. Chứ còn như khu nhà mồ của dòng họ chú Hỏa thì câu chuyện ma hiện hồn đã làm cho thiên hạ khiếp vía, đâu riêng gì lũ trộm?

    Vậy mà có hai người không sợ. Chỉ sau khi có tin ma hiện độ vài tuần là có bóng đen lẻn vào nhà mồ lúc trời sụp tối, trăng chưa lên. Mục tiêu của chúng là chiếc quan tài của cô gái mà chúng nghi là có chôn theo nhiều của quý giá. Vì theo tục lệ người Tàu, nếu con gái cưng hay vợ yêu mà bị chết thì gia chủ cho liệm theo xác nhiều vật quý như vàng, ngọc. Đặc biệt họ tin rằng một cục vàng hay viên ngọc bỏ vào miệng cho xác chết ngậm sẽ cho người chết được an hưởng chốn suối vàng, đồng thời người sống trên dương thế cũng sẽ được hưởng phúc lộc theo, làm ăn phát đạt hơn.

    Hai tên trộm dùng xà beng nạy nắp áo quan dưới ánh đèn pin. Nắp quan tài bật ra, bọn chúng phải sửng sốt kêu lên, vì quan tài trống không, chẳng có đồ đạc, cũng chẳng có xác chết!

    Trong lúc hai tên còn đang ngơ ngác thì chợt xuất hiện sừng sững giữa nhà một người con gái mặc toàn đồ trắng, tóc dài quá gót, đang cất lên một tiếng rú kinh hoàng!

    Hai kẻ bất lương bỏ cả đồ nghề, ù té chạy bán sống bán chết, chạy đến khi va đầu vào một gốc cây và nằm lăn ra..

    Sự thật về hồn ma

    Cũng như lời truyền miệng sau này về hồn ma con gái chú Hỏa, theo người am hiểu, thì chú Hỏa có một cô con gái (có người nói là cháu gái, cũng có tin nói là một cô hầu gái cưng yêu của ông chủ) chẳng may bị bệnh nan y lúc bấy giờ, đó là bệnh cùi. Bệnh phát nhanh nên dù nhiều tiền chữa cũng không khỏi được.

    Đến khi bệnh hành quá, gia chủ phải nhốt cô ta vào phòng riêng, không cho ai thấy, hàng ngày mang thức ăn nuôi dưỡng. Đến lúc bệnh quá nặng thì chuyển ra nhà mồ, giả như người chết, để tránh tai mắt của mọi người. Và cũng nhằm ngăn sự tò mò của kẻ hiếu kỳ, gia chủ đã tung tin ma hiện hồn về cho thiên hạ sợ.

    Thời gian sau, nghe đâu cô gái đó chết thật, xác được chôn đúng nơi cô giả chết. Và lại có tin, lần này cô ta đã hiện hồn thật?

    Hư thật ra sao, theo năm tháng qua đi, cũng chẳng ai kiểm chứng được gì, và câu chuyện chìm vào quên lãng. Ngày nay còn lại chăng là ngôi dinh cơ đồ sộ kia cùng với cái danh tiếng chú Hỏa, và câu chuyện gần như hoang đường được mỗi người thêu dệt đôi chút cho thêm phần hấp dẫn.
     
  2. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-3: Chú Hỷ: Ông vua tàu thủy

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sài Gòn cách đây một thế kỷ không đông người và không có các phương tiện đi lại như ngày nay. Giao thông chủ yếu dựa vào đường thủy. Do đó, khi người Pháp muốn kinh doanh ngành giao thông, họ đã lập ra những công ty vận tải đường sông (Compagnie des messageries fluviales), sắm những chiếc tàu đóng từ châu Âu đem sang. Có thể nói, vào thời ấy, ngoài người Pháp, chưa ai dám nghĩ đến chuyện đứng ra cạnh tranh trong lĩnh vực này.

    Song, có một người phá được cái lệ đó. Người ta không rõ ông tên họ thật là gì, chỉ quen gọi biệt danh "chú Hỷ". Hỷ, có lẽ phát âm từ một cái tên tiếng Hoa, nhưng cũng có thể là cách gọi của người Việt để chỉ một người may mắn. Ông này sống cùng thời với Hui Bon Hoa (chú Hỏa) và cũng từ tay trắng làm nên sự nghiệp, nên những gì được kể lại về cá nhân ông sau này, đều đượm tính huyền thoại. Tuy nhiên, không một ai ở Sài Gòn thời trước lại không nghe danh về con người mà họ xem là tấm gương phấn đấu làm giàu.

    Câu hát ví: "Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa", đủ nói lên mức giàu có của chú Hỷ. Nhưng làm cách nào mà một con người khố rách áo ôm lại có thể ngoi lên địa vị đôi đầu ngang ngửa với các tay trùm tư bản người Pháp vốn có ưu thế về nhiều mặt trong lĩnh vực kinh doanh tàu thủy? Điều này nhắc ta nhớ đến một khía cạnh đặc thù của người Hoa: Tính cần cù, nhẫn nại và có máu liều. Chú Hỷ có thừa những điều đó. Ngày ấy, ở miền Bắc thì có ông Bạch Thái Bưởi, người đã thành công lớn trong ngành vận tải sông biển, nên có người cho rằng chú Hỷ đã bắt chước ông Bưởi khi bước vào ngành tàu thủy. Tuy nhiên, khi rà lại thời gian, thì nhận thấy rằng chú Hỷ lớn tuổi hơn Bạch Thái Bưởi và công cuộc kinh doanh tàu thủy của chú Hỷ cũng diễn ra sớm hơn ông Bưởi vài chục năm. Như vậy, có thể nói rằng người đầu tiên "làm vua" ngành tàu thủy ở Việt Nam chính là chú Hỷ (không kể các tay tư bản người Pháp).

    Theo một tài liệu riêng, chúng tôi thu thập được từ vài gia đình người Hoa ở Chợ Lớn thì, chú Hỷ là một người Hoa gốc Quảng Đông (Trung Quốc), lánh nạn Mãn Thanh vào giữa thế kỷ XIX. Ông đến và định cư ở vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn) với nghề buôn bán "hàng xén" trên sông. Cửa hiệu hàng xén của cậu trai 17 tuổi chỉ có chiếc xuồng con, một ít hàng tiêu dùng rẻ tiền, nhưng thiết thực cho đời sống như ống chỉ, kim may, muối, đường, tiêu, tỏi.. Một loại tiệm "chạp phô" thu nhỏ. Vùng hoạt động của cậu ta là các kênh rạch chằng chịt của thành phố Chợ Lớn thời đó, song đôi khi cũng xa hơn, ra tận Kinh Đôi, Nhà Bè để mua hoặc trao đổi hàng hóa. Những cuộc đi lại này đã hun đúc trong lòng chú Hỷ cái mộng "làm vua" sông nước.

    Một hôm, nhân cập xuồng bên hông một chiếc tàu khách thuộc Công ty vận tải đường sông của người Pháp, chú Hỷ lần đầu tiên được bước chân lên chiếc tàu to gấp trăm lần chiếc thuyền con của mình. Thấy chú dạn dĩ, lanh lẹ, viên tài công người Pháp đã hỏi đùa: "Mày có muốn đi tàu không?". Chú gật đầu, mà không ngờ đó là cái gật đầu định mệnh. Bởi vì, chỉ sau đó vài hôm, qua sự giới thiệu của viên tài công, chủ tàu người Pháp đã đồng ý nhận cậu trai người Hoa đó vào làm chân hỏa đầu vụ trên tàu.

    Trong ba năm đi khắp các miền sông nước Nam Kỳ, đôi khi còn lên tận Nam Vang (Phnom Pênh), chú Hỷ đã được mở tầm mắt, được thấy một tương lai khác rộng lớn hơn là nghề bán hàng xén trên sông của mình nhiều. Và cũng chính trong những ngày này, đã hình thành một giấc mơ trong đầu chú Hỷ: Được làm chủ những chiếc tàu xuôi ngược khắp nơi. Thời đó (1883-1884), sở hữu các đội tàu thủy ở Nam Kỳ là Công ty Messageries fluviales (tàu chạy sông). Về sau đổi tên là Compagnie saigonnaise de navigation, do một người Pháp nhiều thế lực là Jules Rueff làm chủ. Đội tàu của Công ty này chạy khắp Nam Kỳ lục tỉnh (Nam Bộ) và Nam Vang, do các tài công được thuê từ Pháp sang. Bọn này tuy lái tàu giỏi, nhưng thường được trả lương rất thấp, nên sinh ra chán nản, phục vụ khách không tận tình. Có người lại nói rằng, do phải kiếm ăn thêm ngoài đồng lương chết đói, nên bọn tài công và em út thường hay vận chuyển lén lút các hàng quốc cấm như thuốc phiện đem từ Cambodge về tiêu thụ ở Sài Gòn. Nhận biết điều ấy, chú Hỷ nảy ra ý nghĩ: Tại sao người mình (chú tự coi mình là người bản xứ, người Việt) không đứng ra cạnh tranh ngành này?

    Với một ít vốn dành dụm được, cộng thêm tiền vay mượn, quyên góp từ đồng hương, đầu tiên chú Hỷ xin mua một chiếc tàu sắp đến ngày "trồng hành" (tàu cũ, dùng các tàu này chứa phân trồng rau, trồng hành) của Công ty mà chú đang phục vụ. Người Pháp thấy chú có ý định đó thì cho rằng chú điên, nên đồng ý bán cho với giá rẻ mạt, thâm ý muốn làm cho chú hết vốn, sáng mắt ra! Tuy nhiên, khi người Hoa muốn làm ăn, thì một mảnh giẻ rách cũng có thể biến thành một bức gấm hoa. Khi mua được chiếc tàu cũ, chú Hỷ xin nghỉ việc, để "làm gì đó chưa ai biết". Một năm sau, tại Sở đăng kiểm tàu chở khách, người ta thấy tên chú Hỷ, đăng ký tàu sông, chở khách đi khắp Nam Kỳ lục tỉnh! Lão chủ tàu người Pháp Jules Rueff phì cười, tuyên bố với thuộc hạ: "Cho nó chết nhăn răng!". Vì lão ta nghĩ, trong lĩnh vực tàu thủy, không ai có thể cạnh tranh với người Pháp.

    Nhưng, thật bất ngờ, chỉ sau khi hạ thủy vài tháng, chiếc tàu khách mang tên Nam Long (Rồng Nam) của chủ Hỷ luôn đầy khách, hơn hẳn lượng khách của tàu Tây! Điều gì đang xảy ra vậy? Đó là câu hỏi mà Jules Rueff đang muốn được trả lời. Thì ra, rất đơn giản: Khách Việt đi tàu Nam Long được tự do, thoải mái hơn và nhất là giá cả rẻ hơn!

    Hỏi tại sao dám cạnh tranh kiểu đó, chú Hỷ đáp: Sở phí của mình thấp, khách của mình lại bình dân, nên phải lấy giá thấp thôi.

    Còn hơn thế nữa, khách đi tàu của chú Hỷ sẽ được chăm sóc kỹ hơn, ăn uống hợp khẩu vị hơn, đặc biệt là được ghé bến theo yêu cầu của khách (tàu Tây chỉ ghé bến chính, không ghé bến dọc đường, mà người Việt mình thì lại thích được lên, xuống theo nhu cầu). Từ thành công ban đầu đó, một năm sau nữa, chủ Hỷ có thêm chiếc tàu Nam Hưng (Việt Nam hưng thịnh), được mua từ Singapore mang về. Và sau năm năm, đội tàu của chú Hỷ đã lên tới 20 chiếc. Khách đi tàu đã đổ xô đi tàu "ta", vì những cái lợi như trên. Ngoài ra, còn một điều thuận tiện khác mà khách ta rất khoái, đó là vừa đi vừa chở được hàng hóa cồng kềnh, điều mà với tàu Tây, họ không được phép.

    Với cung cách làm ăn như vậy, nên chỉ vài năm, đội tàu của chú Hỷ đã trở thành đối thủ đáng gờm của tàu Tây. Lúc đầu, chú Hỷ còn khiêm nhường, luôn tránh đụng độ với lộ trình của hãng tàu Pháp, song dần dần, do thấy đã đủ lực, chú Hỷ "chơi tới bến" luôn, chẳng cần kiêng dè gì nữa. Hễ nơi nào có tàu Pháp chạy, thì có tàu Nam Long, Nam Hưng.. Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Nam Vang.. đâu đâu cũng có tiếng "súp lê" (còi báo) của tàu chú Hỷ. Cuộc cạnh tranh đã ngang ngửa..

    Và thật bất ngờ, ngoạn mục, cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, tàu của Compagnie saigonnaise de Navigation đã phải né tàu của chú Hỷ, để tránh cảnh "xách tàu không mà chạy". "Ta" đã thắng "Tây" một keo quá đã, như nhiều người Nam Bộ lúc đó nghĩ vậy. Chú Hỷ trở thành ông vua tàu thủy một cách chắc chắn.

    Vào những năm đầu thế kỷ XX, tại khu "phố Wall" của Sài Gòn (tức tập trung nhiều ngân hàng, gồm tứ giác Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Hàm Nghi - Pasteur - Bến Chương Dương ngày nay) đã hình thành một "thị trường chứng khoán" không văn tự, không quy ước chính thức, nhưng các tay mại bản hàng đầu, gồm người Pháp, người Việt, người Hoa, đã mặc nhiên công nhận Công ty tàu thủy của chú Hỷ là một trong bốn Công ty hàng đầu của Sài Gòn thời ấy (ba Công ty còn lại đều là của người Pháp). Nghe nói, đã có vài tay môi giới chứng khoán từ Hồng Kông sang, có ý định mua cổ phần của Công ty chú Hỷ. Nhưng "ông vua" này đã thẳng thừng từ chối với lời khẳng định: "Tôi đã tạo ra được nó, tất phải giữ được nó bằng sức của mình".

    Giới tư bản Pháp lủc ấy cũng không vui gì khi thấy cái gai trong mắt mình. Họ cố bành trướng trong lĩnh vực tàu thủy, nhằm chèn ép thế lực của chú Hỷ, nhưng vẫn không sao thực hiện được trọn vẹn ý đồ.

    Cho đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), ở Nam Kỳ vẫn còn ưa chuộng phương tiện đi lại bằng tàu thủy của chú Hỷ. Chỉ đến khi Sài Gòn và các tỉnh có đường giao thông bộ như ô-tô, tàu hỏa, thì ảnh hưởng của tàu thủy mới giảm dần. Chú Hỷ qua đời vào đầu thế kỷ XX, sau đó con cháu ông tiếp tục nối nghiệp, và nghe nói phải tới thời điểm sau này thì việc cổ phần hóa Công ty tàu thủy của chủ Hỷ mới được thực hiện. Nhưng nghe đâu, bởi cung cách làm ăn chia năm, xẻ bảy, nên dần dần sự phát đạt không còn cao nữa.

    Tuy vậy, tiếng tăm của chú Hỷ vẫn còn nguyên. Người dân Sài Gòn, Chợ Lớn mỗi khi nhắc đến tàu thủy, thảy đều nhớ đến chú Hỷ. Thậm chí, ở nước ngoài cũng có người biết tên chú Hỷ. Năm 1961, một tờ báo ở Singapore, khi viết về vận tải thủy ở Đông Nam Á, đã có nhắc đến một ông vua tàu thủy ở Chợ Lớn, mà họ gọi là Hsui, phong ông ngang hàng với nhiều "vua sông nước" khác ở châu Á.
     
  3. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-4: Vụ "đốt tiền" của công tử Bạc Liêu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ những mẩu chuyện về hai anh chàng công tử khét tiếng đất phương Nam ngày xưa: Hắc công tử và Bạch công tử, chỉ là sự tô vẽ hai con người ăn chơi phóng đãng. Thực ra, Hắc - Bạch công tử ngoài "tài" ăn chơi, còn là những nhà doanh nghiệp cỡ bự ở Sài Gòn một thuở. Hắc công tử còn được gọi là công tử Bạc Liêu, bởi gốc gác ông ta xứ Bạc Liêu bạt ngàn ruộng lúa, tên thường gọi là Ba Qui, hay có biệt danh là Tám Bò, tên đầy đủ là Trần Trinh Qui. Bố là viên hội đồng (hàm) Trần Trinh Trạch, giàu "nứt đố, đổ vách". Giàu từ đời ông, đời cha, nhờ điền sản và các cuộc kinh doanh muối, lúa gạo thuộc loại bậc nhất đất Nam Kỳ thời ấy, cho nên khi công tử Trần Trinh Qui mở mắt chào đời đã nhảy ngay lên hàng quý tộc, được giới bình dân tô vẽ huyền thoại, lại vừa được giới nhà giàu nể nang.

    Thời đó, đất Nam Kỳ tuy rộng, nhưng mọi đầu mối đều đổ về Sài Gòn, nơi quy tụ mọi cuộc kinh doanh, mọi hình thức ăn chơi. Ba Qui ngay lúc 16 tuổi đã được cha mẹ cho lên Sài Gòn ăn học và sau đó không lâu sang Pháp "du học", theo cái mode con nhà giàu thời ấy, "phải đi Tây mới làm nên đại nghiệp".

    Tuy nhiên, sau năm năm học ở Pháp, Ba Qui về nước chẳng hề mang theo bằng cấp nào, ngoài cái bằng nhảy đầm (khiêu vũ) thuộc loại cừ khôi! Cũng từ đó, đất Sài Gòn đã nổi lên "đại danh" công tử Bạc Liêu. Đó là vào những năm của thập niên 30.

    Khắp Sài Gòn - Chợ Lớn, thiên hạ đều biết đến Ba Qui dưới hỗn danh "công tử Bạc Liêu", bởi muốn phân biệt ông với công tử khác cùng thời, cũng nổi danh như ông, đó là Bạch công tử Phước George, tức công tử Mỹ Tho. (Chuyện về Bạch công tử, sẽ nói ở bài kế tiếp). Trở lại chuyện của Hắc công tử, xin kể một chuyện về "làm ăn" của anh ta, khá ngông cuồng, nhưng cũng không kém phần "lý thú" cho những doanh nghiệp ngày nay. Tất nhiên, chàng công tử này kinh doanh lúa gạo và muối, nguồn sở hữu gần như vô tận của gia đình anh ta. Thời đó, việc kinh doanh lúa gạo hầu hết nằm trong tay những đại phú thương người gốc Hoa, thuộc dây mơ, rễ má của chú Hỷ, của bá hộ Xường, nhưng khi Hắc công tử đứng ra kinh doanh mặt hàng này, thì những đại phú kia đều phải né mặt, âm thầm nhường bước. Bởi một lẽ dễ hiểu, cạnh tranh với một "núi lửa" như gia đình hội đồng Trạch thì không chột cũng què.

    Hắc công tử hầu như đóng đô thường xuyên ở Sài Gòn, chỉ về Bạc Liêu mỗi khi cần tiền. Những lần trước, mỗi khi công tử hồi hương thì y như rằng, hội đồng Trạch phải mất vài chục ngàn giạ lúa để cho cậu con trai có tiền xài phá ở Sài Gòn. Nhưng lần đó thì khác, Ba Qui đã bảo thẳng ông bố: "Ba già rồi, nên nghỉ, con sẽ thay ba lo mọi thứ". Hội đồng Trạch đã trợn tròn mắt ngạc nhiên, nhưng sau đó cũng thử để cho cậu ấm Ba Qui "kinh doanh". Cậu Ba tổ chức thu gom lúa gạo với mục đích tích trữ, nhằm độc quyền làm giá, dự kiến sẽ hốt to. Theo tính toán thì lãi chắc, bởi lủc đó có vài tay có máu mặt đủ sức cạnh tranh với gia đình Hắc công tử, nhưng họ đều tỏ ý nhường bước, mặc sức cho Ba Qui tung hoành. Như diều gặp gió.. chướng, Ba Qui tung đến vài triệu bạc (vài triệu lúc đó là hàng trăm tỷ bây giờ) để thu gom gạo, lúa. Các ghe chài vận chuyển gạo của Ba Qui nườm nượp về Sài Gòn, chứa đầy các kho thóc thuê của người Hoa. Chỉ cần vài tàu buôn ăn hàng, lập tức Ba Qui sẽ hốt bạc. Nào ngờ.. vâng, trong thương trường vẫn có những bất trắc chết người, điều không may đã đến với một tay đầu cơ: Lúa gạo đột ngột hạ giá đến mức không ai ngờ tới.

    Thì ra, tuy ngoài mặt, các ông chủ người Hoa tỏ ra nể nang Ba Qui, nhưng trong bóng tối, họ đã ngấm ngầm phá bĩnh, bằng cách tuôn gạo trong các kho ra bán hạ giá, đồng thời báo động cho các mối lái nước ngoài (chủ yếu là Singapore và Hồng kông) biết, để họ liên tục phá giá. Ba Qui lãnh một cú quá mạng, lỗ đến trên bạc triệu.

    Nhưng, đó là.. chuyện nhỏ. Thua keo này, chàng lại bày keo khác. Mà lần sau thì chàng ta không dại gì dấn chân vào thương trường chi cho mệt, phải tính toán lời lỗ lôi thôi, cứ sẵn tiền của ông bố đó, tha hồ xài đến già cũng không hết. Nghĩ vậy, nên chàng Hắc quên ngay cú vừa rồi, lại tiếp tục lao vào cuộc đỏ đen, các cuộc chơi ngông, đốt tiền ở các sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung. Cuộc đối đầu giữa hai công tử, một trắng một đen lại tiếp diễn..
     
  4. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-5: Bạch công tử - Tỷ phú đa tình

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ở bài trước, các bạn đã nghe kể chuyện công tử Bạc Liêu, hay còn gọi là Hắc công tử. Bài này mời các bạn nghe chuyện về nhân vật thứ hai trong bộ đôi mà người đời còn gọi là Hắc - Bạch công tử. Tên cúng cơm đầy đủ của Bạch công tử là Lê Công Phước, còn gọi là Phước George. Cha của Phước là Đốc sứ Lê Công Xuân, người gốc Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay), vốn làm giàu nhờ nhiều ruộng, nhiều của chìm của nổi trong các dịch vụ làm ăn mờ ám. Dòng dõi họ Lê vốn có nhiều công lao với người Pháp thời ấy, cho nên ngoài những ưu đãi trong công cuộc làm ăn, họ còn được chính quyền bảo hộ cho nhập Pháp tịch, bởi thế Lê Công Phước mới có tên là Phước George.

    Ngay từ thuở thiếu thời, Phước George đã được gia đình gửi sang Pháp du học. Và cũng giống như Hắc công tử Bạc Liêu, anh chàng Phước sau một thời gian học ở Pháp, khi về nước chỉ vỏn vẹn có một cái bằng cấp.. nhảy đầm! Thất thu về học vấn, nhưng lại bội thu về vốn liếng ăn chơi, trác táng, thành tích "lẫy lừng" nhất của Phước George là mối tình giữa anh ta với cô công chúa của Sa hoàng Nicolas đệ nhị, lúc đó đang lưu vong ở Paris. Chàng Phước bằng tiền từ quê gửi sang, qua trương mục ở ngân hàng, đã rút ra tiêu xài xả láng, quyến rũ được cô gái Nga vương giả thất sủng đang cần tiền.

    Qua cuộc phiêu lưu tình ái đó, Phước George đã tiêu xài khá nhiều tiền của ông bố, đến nỗi Đốc phủ Xuân phải triệu hồi cậu ấm về nước. Vốn trắng trẻo, đẹp trai, và cũng để phân biệt với một công tử đương thời, người ta đặt cho Phước biệt danh là Bạch công tử có phần kém hơn Hắc công tử Bạc Liêu, song kể về ăn chơi thì chàng Bạch lại có phần trội hơn, có lẽ do bản tính hào hoa, do đã từng mê hoặc được cả công chúa Nga. Có nhiều giai thoại về những cuộc ăn chơi trác táng, đốt tiền như đốt rác của hai anh chàng này, mà tiêu biểu nhất là chàng này đốt giấy bạc cho chàng kia tìm tiền rơi. Hắc công tử hận lắm, nhưng anh chàng biết nhẫn nhục chờ cơ hội. Và, cuộc trả thù nghe nói đã diễn ra sau đó chỉ vài tháng, khá ngông cuồng. Hôm ấy, đích thân Hắc công tử mời bạn bè từ quê nhà ở Bạc Liêu, để chiêu đãi một tiệc thật linh đình. Trong số khách đó, không thể thiếu Bạch công tử. Trong buổi tiệc, khi ăn đến món tả pín lù (bò nhúng dấm), Hắc công tử đã dùng cả một bao toàn giấy bạc bộ lư (giấy 100 đồng Đông Dương có in hình chiếc lư đồng) để dùng làm củi đốt lò! (Thời đó vàng chỉ giá 50 đồng một lạng).

    Cuộc rửa hận của Hắc công tử đã làm chấn động Nam Kỳ lục tỉnh thời ấy. Phước George thấm thía điều đó hơn ai hết, nên anh chàng quyết chí tạo nên thanh thế, hầu lấn lướt địch thủ. Mục đích duy nhất của Phước là giành lại ảnh hưởng trong giới mỹ nhân đất Sài Gòn thời đó.

    Bạch công tử tung "độc chiêu" bằng cách lập một đoàn hát lấy tên là Huỳnh Kỳ (thuở ấy dân chơi, hào phú rất mê đào hát, làm chủ một gánh hát lớn là một cách kinh doanh "thời thượng" vừa hốt bạc, lại vừa lấy tiếng). Gánh hát của Bạch công tử được tổ chức khá quy mô, ba chiếc ghe chài vận chuyển đoàn đi lưu diễn đây đó, được thiết kế như những chiếc du thuyền, và đặc biệt hơn nữa là cách bố trí của chủ nhà: Chiếc thứ nhất có hai tầng, chia nhiều phòng, trong đó có phòng dành riêng cho ông bầu Bạch công tử và các phòng để giải trí (đánh bạc, bida). Chiếc ghe thứ hai dành cho đào kép, có cả phòng tập tuồng. Còn chiếc ghe thứ ba chỉ dành chở.. đội bóng đá của gánh hát Huỳnh Kỳ! Đội bóng đá quy tụ nhiều cầu thủ có tiếng, được trả lương cao, chỉ để đá bóng mỗi khi gánh hát đi lưu diễn. Vào thời ấy, đội bóng đá này đã gây thích thú cho khán giả nhiều nơi..

    Mục đích ban đầu của Bạch công tử là dùng đoàn hát để kinh doanh, nhưng bởi máu ăn chơi đã nhiễm nặng, nên dần dần gánh Huỳnh Kỳ trở thành môi trường thuận lợi cho chàng công tử trắng này tiếp tục đốt tiền. Ông Đốc phủ Xuân lúc đó đã già, những dịch vụ tài chính khác đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Thêm vào đó, với cách làm ăn như phá của Bạch công tử nên chẳng mấy chốc nhà họ Lê mang những món nợ không thể ngờ nổi.

    Lúc ấy, Bạch công tử lại đưa đoàn hát đi xuất ngoại, diễn cho Việt kiều ở Pháp xem. Họa vô đơn chí, thành công chẳng được bao nhiêu, nhưng khi trở về lại bị chìm tàu ở Địa Trung Hải. Của cải đổ xuống biển, chỉ may mắn là người còn sống sót. Lúc trở lại Sài Gòn, hầu như Bạch công tử đã trắng tay. Về cuối đời, Bạch công tử sống cô độc, nghèo hơn cả những người trước đây vốn sống nhờ vào đồng tiền của ông ta.

    Thế đấy, kinh doanh và trác táng không bao giờ có mảnh đất chung.
     
  5. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-6: Trương Văn Bền và xà bông Cô Ba

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cách đây ngót một thế kỷ, người dân Sài Gòn cũng như trên cả nước đều biết đến xà bông hiệu Cô Ba (loại xà bông thơm) và xà bông 72 phần dầu (loại xà bông giặt). Thời đó chưa có các loại bột giặt, mọi người đều dùng các loại xà bông giặt dạng cục (còn gọi là xà bông đá) cho nên hễ nói đến xà bông thì ai cũng nhớ đến thứ xà bông có ghi dòng chữ 72 phần dầu. Xà bông thơm hầu như chưa có các nhãn hiệu nước ngoài phong phú như sau này, do đó ai cũng biết loại xà bông hiệu Cô Ba. Tất cả những nhãn hiệu này đều cùng một xuất xứ, của một người chủ, đó là nhà kỹ nghệ Trương văn Bền, một kỹ nghệ gia Việt Nam có thể nói đã làm rạng danh uy tín nền công nghiệp nước ta. Thời ấy, nền kỹ nghệ nước nhà còn ở dạng phôi thai, vậy mà ông Trương văn Bền đã dám đứng ra thành lập một Công ty chuyên sản xuất chất tẩy rửa đầu tiên ở Việt Nam, đặt tên Công ty là "Trương văn Bền Và Các Con". Xà bông được sản xuất từ dầu dừa, soude và một vài phụ gia khác, nhưng dầu dừa là chủ yếu, bởi vùng lục tỉnh (đồng bằng sông Cửu Long) có nhiều dừa, thừa sức cung cấp nguyên liệu cho việc nấu xà bông. Có lẽ ông Bền đã nghĩ đến điều đó trước khi dựng lên nhà máy sản xuất chất tẩy rửa.

    Buổi đầu, có nhiều người hoài nghi về sự thành công của Trương văn Bền, bởi họ nghĩ rằng, với trình độ kỹ thuật học lỏm, máy móc thô sơ, thì làm sao một người Việt Nam có thể cạnh tranh nổi với người Pháp hoặc người Hoa nhiều thế lực, nhiều tiền cửa? Ngay những thân nhân của ông Bền lúc ấy khuyên ông không nên phiêu lưu vào ngành đó. Họ sợ ông tiêu phí hết các đồng vốn ít ỏi lúc ban đầu. Nhưng mọi lời can ngăn hầu như không làm nao núng con người có đầu óc cấp tiến, thích tự lập và đương đầu với nền công nghệ mạnh gấp nhiều lần của ngoại bang lúc ấy. Ông Trương văn Bền đã từng sống ở Phnom Pênh (Campuchia), từng đi đây đó một số nơi ở ngoại quốc, nhìn thấy sự phát triển công nghiệp ở các nước. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, nếu quyết tâm thì không một trở lực nào có thể ngăn cản được con đường phát triển công nghệ. Ông Bền đã bắt đúng mạch, đánh đúng thị hiếu người tiêu dùng, bằng một mặt hàng mà không một đời sống văn minh nào không cần đến, đó là chất giặt tẩy. Cho tới lúc ấy (các thập niên đầu thế kỷ XX), thị trường chất tẩy rửa hầu như mở ngỏ cho các mặt hàng của nước ngoài, chủ yếu là Pháp, vừa ít vừa đắt, cung chưa đáp ứng được cầu.

    Công ty "Trương văn Bền Và Các Con" đã đáp ứng yêu cầu đó một cách đúng đắn. Chỉ một năm sau ngày ra đời, mặt hàng xà bông 72 phần dầu của ông Trương văn Bền đã gần như hạ gục các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, do giá rẻ, hợp thị hiếu người tiêu dùng và chất lượng cao.

    Ngay lúc thành lập cho đến mãi sau này (gần ngót một thế kỷ), trụ sở của Công ty Trương văn Bền vẫn ở yên một chỗ: Tại đường Kim Biên (bên hông chợ Kim Biên ngày nay). Sản phẩm làm ra ngày càng nhiều, cung cấp cho toàn quốc, có thời xuất đi toàn Đông Dương. Nơi nào xà bông Trương văn Bền cũng được hoan nghênh.

    Thành công với mặt hàng xà bông đá (xà bông giặt) rồi, ông Trương văn Bền nghĩ tới bước thứ hai, mặt hàng cao cấp hơn đó xà bông thơm. Và sản phẩm xà bông Cô Ba ra đời. Những người lớn tuổi vẫn còn nhớ ảnh bán thân của một cô gái Việt Nam (trang phục phụ nữ Nam Bộ) với áo dài, đầu chải chẻ ngôi, tóc búi, đeo kiềng vàng. Chân dung đó gọi là Cô Ba và mặc nhiên sản phẩm được gọi là xà bông Cô Ba, nhập tâm từ người bình dân cho tới giới thượng lưu. Một lần nữa, ông Trương văn Bền đã thành công lớn. Xà bông Cô Ba là sản phẩm duy nhất đã đương đầu ngang ngửa với nhãn hiệu xà bông Cadeau danh tiếng của Pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ông Trương văn Bền chọn biểu tượng hình cô gái gọi là Cô Ba đó, cô gái đoạt danh hiệu hoa khôi của cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn vào thập niên 30. Cô vốn là con một ông thông phán người Sài Gòn, nghe nói có sắc đẹp thuần túy Việt Nam, đã vượt qua được hàng trăm cô gái khác đến từ nhiều nơi, để đăng quang tại vườn ông Thượng (Công viên Văn hóa TP Hồ Chí Minh ngày nay). Sắc đẹp của cô đã làm cho những người Pháp phải trầm trồ. Họ ngỏ lời mời cô sang Pháp mặc đồ đầm (Âu phục) và dự thi hoa hậu thế giới. Nhưng cô hoa hậu từ chối, tuyên bố chỉ thích mặc quốc phục (áo dài) và chỉ muốn là hoa hậu của Sài Gòn mà thôi!

    Ông Trương văn Bền cách đây hơn nửa thế kỷ đã chứng minh rằng, hàng nội địa không hề thua kém hàng ngoại!
     
  6. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-7: Tja Ma Yeng nhà kinh tế trong bóng tối

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào những năm 20, khi ở vùng Chợ Lớn vang danh Quách Đàm thì trong bóng tối có một tên còn lẫy lừng hơn, đó là Tja Ma Yeng, mà người Việt tại Sài Gòn thường gọi ông ta bằng cái tên cộng "chức danh" là Má Chín Dảnh, hơn là tục danh đầy đủ. "Má Chín" để chỉ những nhà doanh nghiệp giàu có. Ông ta thuộc bang hội Quảng Đông ở Chợ Lớn, nhưng thế lực thì coi như bao trùm hết các bang hội khác của người Hoa, chỉ chuyên về.. làm kinh tế bằng nước bọt! Tja Ma Yeng là con trai trưởng của một phú thương bị phá sản, từ Quảng Đông di cư sang Hồng Kông từ thế kỷ 19. Đúng ra họ Tja (Tạ) đã lưu lại mảnh đất có nhiều cơ hội làm giàu là Hồng Kông, nhưng chẳng hiểu sao, thân sinh ông lại dìu dắt cả gia đình sang tận Sài Gòn để lập nghiệp. Ông bố của Tja Ma Yeng không buôn bán bất cứ thứ gì, chỉ tiêu xài nốt số tiền còn lại. Ba năm sau, đợi cho đứa con trai đầu là Tja Ma Yeng đủ tuổi trưởng thành, họ Tạ mới đề ra phương án làm ăn khá lạ lùng: Làm kinh tế bằng nước bọt!

    Ông huấn thị cho Tja Ma Yeng: "Trong thương trường muốn thành công thì điều trước tiên là phải có bộ óc nhạy bén. Sự nhạy bén của bộ óc còn quý hơn là tài sản nữa. Con là người có điều đó". Tja Ma Yeng rất giống tính cha: Can đảm, mưu lược và thông minh. Chính những điều ấy đã giúp ông từ cậu con trai một phú thương phá sản, đã trở thành một "Má Chín" chỉ trong vòng năm năm. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1908, khi đó tại Sài Gòn đang nổi lên một "đại ca Tư Mắt", là nhân vật trùm giới giang hồ, chuyên bảo kê sòng bạc và lãnh đạo nhóm "mafia", thế lực nghiêng trời, gây khiếp hãi giới doanh thương người Hoa.

    Giới Hoa kiều là những người lúc nào cũng muốn được yên ổn làm ăn, nên rất cần một ai đó đứng ra che chở cho mình trước những đe dọa như loại Tư Mắt. Và người đó, bỗng nhiên xuất hiện là Tja Ma Yeng!

    Họ Tạ không phải tay hảo hán giang hồ, cũng không có thế lực của chính quyền, vậy mà sự xuất hiện của ông ta đã làm cho Tư Mắt và đàn em phải chùn chân, nương nhẹ tay đối với giới doanh thương người Hoa Chợ Lớn. Lý do? Mãi sau đó người ta mới biết: Bằng tài nghệ riêng của mình, Tja Ma Yeng đã ngầm thương lượng với Tư Mắt, đóng góp cho nhóm này một số tiền "hụi chết" khá hậu. Thế là các phú thương người Hoa được đặt ra ngoài vòng nguy hiểm.

    Nhưng tiền đâu Tja Ma Yeng thực hiện ý đồ táo bạo đó? Dĩ nhiên là không phải tiền túi của ông ta. Tất cả là do sự đóng góp của toàn giới Hoa kiều. Tja Ma Yeng chỉ là người vận động, môi giới. Nhưng để làm được, lại phải cần một "bộ óc" có tầm cỡ. Người con trai của họ Tạ đã là người duy nhất làm được việc mà cả giới Hoa kiều không một ai có khả năng. Sau vụ đó, Tja Ma Yeng nghiễm nhiên trở thành một "quân sư" đầy uy tín của cộng đồng Hoa kiều trong mọi mặt, chứ không riêng gì những cuộc dàn xếp như vừa kể trên. Vào thập niên 20 của thế kỷ XX, khi nền kinh tế của Việt Nam đã bắt đầu vươn ra thế giới bằng việc xuất nhập khẩu lương thực và hàng tiêu dùng như Đông dược, thì nhất thiết phải có bàn tay cửa Tja Ma Yeng. Ông đóng vai trò là "nhà chiến lược" hoạch định tất cả những công cuộc giao thương với nước ngoài cho giới người Hoa lúc đó. Quách Đàm muốn xuất lúa gạo cho Singapore, Hồng Kông ư? Nếu không có sự tham mưu của Tja Ma Yeng thì không thế thành công. Tja Ma Yeng bằng tài riêng của mình, đã có sự liên hệ với các nhà doanh nghiệp châu Á. Ông ta nghiên cứu thị trường thế giới và khu vực, đánh hơi đường đi nước bước của thương trường hiện tại, tương lai, rồi đưa ra những quyết định tối hậu cho Hoa kiều Chợ Lớn. Do đó, các bang hội khác nhau đã không xem Tja Ma Yeng là người Quảng Đông, họ tôn vinh ông như là "lãnh chúa" của mình. Vào thời đó, chỉ cần một cái gật hay lắc đầu của Tja Ma Yeng thì giá cả thị trường có thể thay đổi.

    Chẳng mấy chốc Tja Ma Yeng giàu lên không thua gì Quách Đàm - chủ chợ Bình Tây. Và đúng như phong cách một nhà chiến lược kinh tế, Tja Ma Yeng không bao giờ chường mặt ra để thiên hạ nhận diện. Ông luôn hành động âm thầm, kinh doanh trong lặng lẽ. Nghe nói, có thời kỳ, tài sản, vốn liếng của ông ta lên tới mức bằng phân nửa sản nghiệp của người Hoa cộng lại!

    Vào thập niên 30, thời kỳ kinh tế Việt Nam suy thoái, Tja Ma Yeng đã chuyển dần cuộc làm ăn và tài sản về Hồng Kông.
     
  7. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-8: Tây làm giàu ở xứ ta

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cách đây trên một thế kỷ, khi thực dân Pháp hùng hổ kéo sang Việt Nam, thì bên cạnh đó, cũng có những người Pháp không dùng súng, không mang ý đồ chính trị, họ đặt chân lên vùng đất "tân thuộc địa" với một mục đích rất hòa bình: Làm giàu. Họ có thể là những thương nhân từng kinh doanh phát đạt ở "mẫu quốc", hoặc chỉ là những người mới bắt đầu bước vào thương trường, nhưng tất cả họ đã chọn Việt Nam (đặc biệt là Sài Gòn) để hằng nuôi mộng làm giàu.

    Thời đó, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn còn là hai địa phương láng giềng, có tên riêng, tính chất riêng. Theo một số người, chữ Sài Gòn có lẽ đọc trại ra từ những tiếng Tai ngon hoặc Tingon của người Hoa khi họ đặt cho vùng đất mà họ đã có mặt trước đó khá lâu. Người Hoa đã bám rễ ở vùng đất giàu tiềm năng của phương Nam này, chỉ vì họ đã nhìn thấy được Sài Gòn là nơi về sau sẽ là miếng mật ngọt hiếm có. Do đó, trong số họ đã có nhiều người phất lên rất nhanh và nổi tiếng như Hui Bon Hoa (chú Hỏa), Chú Hỷ, Tja Ma Yeng, Wang Tai, Thông Hiệp, Quách Đàm.. Những thương nhân người Pháp tuy có chậm chân hơn, nhưng cũng tỏ ra không hề thua kém trong mục tiêu làm giàu.

    Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin kể ra một số nhân vật điển hình, một thời đã là tấm gương cho những tay tư bản nước ngoài khi bắt đầu muốn đặt nền móng cho công cuộc kinh doanh của họ.

    Thị trường đầu tiên được những tay tư bản Pháp nhắm là làng báo. Thời đó, ở Sài Gòn báo chí rất hiếm hoi, mà nhu cầu truyền đạt thông tin là cực kỳ quan trọng, nếu biết khai thác sẽ làm giàu mấy hồi. Có lẽ nghĩ vậy, nên ngay những ngày đầu thế kỷ XVIII, đã có vài tay trùm tư bản nhảy vào làng báo Sài Gòn. Sừng sỏ hơn cả là Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và chủ tịch Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ Paul Blanchy. Họ vừa có chức, quyền, vừa có nghề viết lách và đặc biệt hơn cả, có vốn liếng rất lớn. Paul Blanchy đứng làm chủ tờ Le Courrier Saigonnais, còn Paul Doumer thì núp sau hậu trường tờ Le Mékong. Họ dùng báo chí để tuyên truyền cho chính sách thuộc địa của Chính phủ Pháp, đồng thời cũng dùng nó để thu lợi riêng. Trong nhiều năm, cả hai đã được lợi rất lớn qua công cuộc kinh doanh này.

    Bên cạnh đó còn có Lucien Héloury chủ trương tờ L'opinion, nữ triệu phú Louis Alcan ra tờ La France D'Asie, De La Chevrotière thì tách ra khỏi nhóm của Lucien Héloury để thành lập tờ báo riêng. Đặc biệt hơn hết, trong nhóm "tư sản báo chí" này, có Ganesco, vốn xuất thân từ chánh văn phòng cho Thống đốc Rodier, gia nhập làng báo Pháp tại Sài Gòn, vỉết rất hăng, báo bán rất chạy, làm giàu rất nhanh.. Nhưng Ganesco không an phận, chỉ một thời gian sau đã bỏ nghề kinh doanh "nhật trình", đứng ra thành lập một câu lạc bộ giải trí rất lạ, đó là những cuộc đua chó (thay vì đua ngựa) gọi là ratadrome, tổ chức tận thị trấn Tầm Vu, thuộc tỉnh Tân An (tức Long An ngày nay). Đây là một hình thức cờ bạc trá hình, vừa lạ mắt, vừa hấp dẫn, nên chẳng mấy chốc chúng đã thu hút đông đảo người chơi. Ganesco hốt bạc to, làm điêu đứng trường đua ngựa Phú Thọ ở Sài Gòn.

    Dịch vụ "đỏ đen" như trên còn đa dạng qua nhiều kiểu chơi. Ngoài dịch vụ đua chó, còn phải nói đến đua ngựa. Đầu thế kỷ XX, Pháp kiều Jean Duclos sau khi thành công với trường đua ở Hà Nội, đã chở cả một bầy ngựa giống châu Âu và Ai Cập vào Sài Gòn, làm "dậy sóng" dân mê cờ bạc ở trường đua Phú Thọ. Năm sau đó, đến phiên một người Pháp khác, de Monpezat, vào Sài Gòn tung hoành bằng những con ngựa đua hấp dẫn. Dân ta thua cháy túi, trong lúc giới thương nhân Tây thì ngày càng giàu. Họ bắt đầu một hiện tượng mới trong thương trường ở Sài Gòn và được thiên hạ gọi đó là "Tây làm giàu ở xứ ta".

    Các nhà hàng, khách sạn lớn, sang trọng ở đường Catinat, Bonard đều có những casino (sòng bạc) không chỉ dành cho ngoại kiều, mà còn rộng cửa để các nhà giàu bản xứ có chỗ đốt tiền. Một trong những casino nổi tiếng thời đó (cuối thế kỷ XIX) là Hotel de France ở đường Catinat, nơi hội tụ hầu như không thiếu một nhân vật tai to mặt lớn nào. Bên cạnh dịch vụ kinh doanh đỏ đen dễ hốt bạc, các nhà tư sản Tây còn ngự trị gần như độc quyền lĩnh vực khai khẩn điền địa, kinh doanh địa ốc. Có ba người Pháp, một người Ấn (dân thời ấy quen gọi là Chà Và) được liệt kê đứng đầu danh sách làm giàu về ngành đất đai.

    Đầu tiên là Fernand Lafon, sớm nhìn thấy đà phát triển đô thị của Sài Gòn, nên đã mạnh dạn bỏ tiền ra mua cả một vùng đất hoang "ruồi bu" gồm khu tứ giác Verdun (Cách Mạng Tháng 8 ngày nay), Colombier (Hồ Xuân Hương), Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Bà Huyện Thanh Quan, với giá "bèo". Thời ấy, khu vực này còn hoang sơ, chưa có nhà cửa, nên việc Lafon dám bỏ ra 0, 5 đồng để mua 1m2 đất đã là đề tài cho mọi người cười nhạo. Vậy mà chỉ một năm sau, Lafon đã "trúng lớn" gấp trăm lần.

    Mézin, nhờ quen biết với Thống đốc Nam Kỳ, được ban đặc ân mua đất giá rẻ ở tỉnh Cần Thơ. Mézin đã mua một vùng đất bạt ngàn, rồi thành lập một đồn điền lớn chưa từng thấy ở Nam Kỳ thời đó, gọi là "Đồn điền miền Tây" (domaine de L'Ouest). Trở thành "chúa đất" ở miền Tây, Mézin chuyển tiền thu được về "mẫu quốc" không xuể!

    Đồng thời với Mézin, còn có Grossier, âm thầm tậu vài chục ngàn hécta ruộng ở vùng Phú Lộc, Sóc Trăng, thuê mướn nông dân bản địa làm công, để thu tô hàng năm.

    Người thứ tư độc đáo hơn, là một Ấn kiều, từ Ấn Độ sang Sài Gòn với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ có nghề truyền thống nuôi dê lấy sữa, nên đã sớm độc chiếm thị trường sữa dê. Tuy nhiên, việc làm giàu của người này do sự may mắn. Nguyên thời ấy, cả khu vực đất mà ngày nay là sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ là bãi đất hoang vu, nhìn mỏi mắt cũng không thấy được nhà. Người Ấn này hàng ngày chăn thả bầy dê trên đất đó. Bỗng một hôm, ông ta bị cấm không cho chăn thả nữa, khác nào bị đập bể nồi cơm. Ông thưa kiện tùm lum, nhưng cuối cùng vẫn bị buộc một điều kiện: Nếu muốn tiếp tục chăn thả dê, thì phải bỏ tiền ra mua đứt mảnh đất rộng đó!

    Đành phải bóp bụng mà mua. Tiền thiếu đã có cộng đồng Ấn kiều ở Sài Gòn giúp (mà cụ thể là những Ấn kiều chuyên cho vay không cần thế chấp tài sản). Đất "chó ngáp" đó về sau được nhà nước Pháp trưng dụng một phần để làm sân bay, đã phải bồi hoàn cho "khổ chủ" một số tiền lớn gấp nghìn lần giá mua! Số còn lại, chủ đất đã chia lô ra bán làm đất thổ cư, mối lợi không tài nào tính nổi!

    Chỉ kể sơ một số nhân vật "Tây làm giàu ở xứ ta" như trên, chúng ta đã thấy rằng, những người Pháp đã thu vén được quá nhiều nguồn lợi từ "thuộc địa" của mình. Sài Gòn trong suốt thời kỳ bị Pháp đô hộ đã phải ngậm ngùi nhìn đất đai, lợi lộc của mình lọt vào túi của người nước ngoài.
     
  8. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-9: Làm giàu từ "Đại Thế Giới"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Làm giàu từ cờ bạc thì chẳng có gì để được nhắc nhở, đừng nói là khen ngợi. Tuy nhiên, bởi nét đặc thù của Sài Gòn thời xưa là sự pha lẫn giữa làm giàu bằng ý chí, bằng sự phấn đấu tự vươn lên, lại có những kẻ làm giàu bằng bóc lột, bằng những mánh khóe gian xảo. Ghi lại đây những bộ mặt đã từng một thời làm giàu bất chính, để phản ánh toàn diện hơn về bề trái của một Sài Gòn từng được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông".

    Grand Monde (Đại Thế Giới) là một sòng bạc được người Pháp dựng lên, nhưng bị khống chế bởi những đầu nậu Hoa kiều và sau đó là những thế lực "Lục lâm thảo khấu". Nếu so về tầm cỡ lúc đó, thì Đại Thế Giới được ví ngang với vài sòng bạc thuộc loại lớn nhất nhì của Macau. Khi thấy cái bảng hiệu bằng chữ Pháp thật to "GRAND MONDE" được trương lên trước khu đất rộng trên một hécta, dân Sài Gòn cứ ngỡ đó là một câu lạc bộ giải trí dành cho người Pháp, như câu lạc bộ Cercle sportif Saigonnais chẳng hạn. Nhưng đến ngày khai trương, thì thiên hạ mới ngớ ra, bởi điều khiển toàn bộ công việc trong Grand Monde là người Hoa, và dịch vụ của nó không phải là giải trí thể thao mà chính là một sòng bạc.

    Người trực tiếp điều hành là Lâm Giống, một trùm cờ bạc từ Hồng Kông tới. Đó là một tỷ phú nhờ kinh doanh dịch vụ cờ bạc ở Macau, Hồng Kông, trước khi được móc nối tới Sài Gòn và trụ lại khá lâu ở Đại Thế Giới. Về nhân vật này, nghe nói cũng lắm huyền thoại khá ly kỳ, được thêu dệt từ chính những bạn bè đồng sự của ông ta. Theo đó, Lâm Giống thời thanh niên đã từng làm đủ nghề, từ phổ ky (chạy bàn trong quán ăn), rửa chén, quét nhà, dọn bàn ghế và hầu phòng, đánh giày cho mấy tay trùm cờ bạc. Chính nhờ nghề sau cùng đó, Lâm Giống đã làm quen với nghề cờ bạc. Từ một tên tép riu, dần dần Lâm Giống đã học được nghề, lão luyện các mánh để làm trùm. Đầu thập niên 30, họ Lâm đã có cổ phần trong hai sòng bạc lớn nhất Macau. Vào năm 1937, khi Sài Gòn lập hai sòng bạc Đại Thế Giới (Chợ Lớn) và Kim Chung (vùng cầu Ông Lãnh) thì Lâm Giống đã có mặt. Nghe nói ông ta đã đấu thầu để được quyền khai thác sòng bạc Đại Thế Giới với giá mười triệu (nên nhớ vào những năm đó, giá một lạng vàng chỉ trên dưới 100 đồng) và chịu đóng thuế 200 ngàn đồng mỗi ngày cho công quỹ.

    Suốt trong thời gian xảy ra thế chiến thứ 2, khắp nơi điêu đứng vì chiến tranh và nền kinh tế suy sụp thì ở Sài Gòn, Chợ Lớn, hai sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung vẫn bình yên mở ngày đêm, sát phạt nhau điên đảo. Bao nhiêu con thiêu thân đã lao đầu vào ánh đèn néon rực sáng hai chữ Grand Monde đó, bao nhiêu người đã tán gia bại sản, bao nhiêu mạng sống đã bị hủy hoại một cách oan uổng bởi cái máu đỏ đen.. Lâm Giống càng ngày càng giàu, thu vào bạc tỷ một cách dễ dàng. Người ta đồn rằng, vào thời ấy, ở Sài Gòn - Chợ Lớn không ai giàu hơn Lâm Giống. Hắn đầu tư vào nhiều ngành, đặc biệt là nhà hàng, khách sạn và vũ trường (dancing). Hắn tổ chức đưa vũ nữ, gái lầu xanh từ Hồng Kông, Macau sang lũng đoạn cả thế giới ăn chơi của Hòn Ngọc Viễn Đông.

    Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, cũng là lúc Lâm Giống ngự trên đỉnh cao sự giàu sang của hắn, hắn là "vua" muốn gì được nấy, trong nhiều năm.

    Đến đầu thập niên 50, một "khắc tinh" của Lâm Giống đã loại y ra khỏi cuộc chơi. Đó là Bảy Viễn. Người nào từng sống ở Sài Gòn vào thời kỳ đó, đều biết đến cái tên thuần túy Nam Bộ này. Bởi Bảy Viễn là một con người cùng lúc có đến ba, bốn chức danh: Đầu đảng thảo khấu Bình Xuyên, "tư lệnh" lực lượng võ trang Bình Xuyên, chủ sòng bạc Đại Thế Giới kiêm.. tỷ phú!

    Bảy Viễn vào những năm đầu thập niên 40 là một trong bốn, năm tên tuổi đứng đầu của làng thảo khấu vùng Sài Gòn - Chợ Lớn (Bình Xuyên và một làng vùng ven, chạy dài từ Nhà Bè, quận 8, đến giáp Bình Chánh), từng ở tù Côn Đảo về tội cướp. Khi Cách mạng Tháng 8 nổ ra, Bảy Viễn cũng len lỏi vào hàng ngũ, đội lốt "chống Pháp" một thời gian, nhưng sau đó bị Tây mua chuộc, được người Pháp ưu đãi cho cát cứ vùng Chánh Hưng, lập nên "lực lượng Bình Xuyên". Với cái "mác" Bình Xuyên, Bảy Viễn nhắm vào "kho bạc" Đại Thế Giới và chiếc ghế "thần bài" của Lâm Giống.

    Với chủ trương sắt máu, áp dụng luật mafia, Bảy Viễn đã làm áp lực, buộc Lâm Giống phải nhường lại Đại Thế Giới cho ông ta. Lúc đó Bình Xuyên quá mạnh, Lâm Giống chẳng dại gì cưỡng lại, nên chỉ sau một đêm thương lượng, ông ta đã lẳng lặng rút lui, nhường lại toàn bộ cơ ngơi Đại Thế Giới cho Bảy Viễn. Thật ra thì đằng sau Bảy Viễn đã có một bàn tay nâng đỡ rất có thế lực, đó là Bảo Đại và Chính phủ bảo hộ Pháp. Bảy Viễn chấp nhận nâng mức thuế đóng cho Nhà nước lên năm trăm ngàn đồng mỗi ngày. Với số thuế lớn như thế nhưng Bảy Viễn vẫn còn lãi gấp năm, bảy lần. Chẳng mấy chốc Bảy Viễn trở thành một tỷ phú vượt tất cả các nhà giàu đương thời.

    Tuy nhiên, loại làm giàu kiểu Bảy Viễn không bao giờ bền. Chỉ đến cuối năm 1954, xảy ra cuộc "tương tàn" giữa lực lượng Bình Xuyên và Ngô Đình Diệm, để rồi cuối cùng Bình Xuyên bị đánh tan tác, Bảy Viễn bỏ chạy sang Pháp ẩn thân. Đại Thế Giới "rụng" bảng hiệu.
     
  9. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-10: Nhà tỷ phú rửa chén

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhân vật mà chúng tôi kể ra đây còn tương đối gần với chúng ta, do một vài việc cần dè dặt, nên chỉ xin nêu tên tắt. Nhưng với người từng theo dõi thương trường Sài Gòn trước 1975 ắt không lạ tỷ phú NĐQ.

    Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền Trung, vào những năm trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, NĐQ không chịu sống hẩm hiu cùng quê nghèo của mình. Con người nghèo tiền nhưng có chí lớn này, vào một hôm, đã âm thầm lên tàu hỏa xuôi vào Sài Gòn, nơi cậu ta lần đầu tiên đặt bước chân đến.

    Không tiền, không thân nhân, dù là thân con trai cũng thường là miếng mồi ngon cho tệ nạn xã hội Sài Gòn thời ấy. Vậy mà NĐQ đã không hề ngần ngại. Vừa xuống xe lửa ở ga Sài Gòn, cậu đã vội cuốc bộ ra khu vực trung tâm thành phố, nơi có các phố Catinat, Charner và Bonad (Đồng Khởi - Nguyễn Huệ và Lê Lợi ngày nay). Đi một lượt qua các phố phường hoa lệ, cuối cùng cậu ta dừng lại trước một nhà hàng, khách sạn sang trọng nhất thời ấy, đó là Hotel Coninental.

    Ngang nhiên bước vào một nhà hàng cực kỳ sang trọng, mà ngay như dân có tiền ở Sài Gòn cũng chưa chắc đã dám mạnh dạn như vậy, kéo ghế ngồi xuống một cách đường hoàng, NĐQ không thèm nhìn ai, cậu chờ.. Bồi nhà hàng loại quý tộc này, xưa nay chỉ quen tiếp những khách sang trọng, nay thấy có một cậu ăn mặc tuy sạch sẽ, nhưng lại quá đơn giản, đượm nét tỉnh lẻ, họ trịch thượng hỏi:

    - Anh cần gì?

    Q. Nhìn vào bảng thực đơn bằng tiếng Pháp, cậu gọi một món ăn kèm theo chai rượu khai vị, rất đúng giọng Pháp, lại chững chạc, trước sự ngỡ ngàng của các phục vụ viên. Họ ngần ngừ, nhưng cuối cùng cũng phải bán hàng. Q. Ăn uống xong, đòi gặp Chef d'hotel (người quản lý khách sạn). Một tay người Pháp bước tới, anh ta tỏ vẻ hoài nghi, hơi khinh thường và lại càng bực dọc hơn khi nghe Q. Yêu cầu cho gặp Monsieur Directeur (giám đốc). Hỏi có chuyện gì, Q. Đáp thẳng:

    - Không giấu ông, tôi thật không có tiền trả bữa ăn này. Bây giờ đã lỡ ăn, tôi muốn gặp ngài giám đốc để xin thương lượng. Tôi nói rõ, tôi chỉ tạm thời thiếu, chứ không ăn quỵt.

    Chef d'hotel và cả ê kíp phục vụ đều không ngớt lời thóa mạ, đòi báo cảnh sát, nhưng Q. Vẫn bình tĩnh, xin được gặp chủ nhà hàng. Cũng may, vừa lúc ấy lão chủ người Pháp trờ tới, ông ta nghe được những câu đối đáp bằng tiếng Pháp của Q. Nên hơi tò mò, cho mời Q. Vào phòng riêng. Q. Thưa chuyện:

    - Thú thật với ông, tôi là một người ở tỉnh xa tới, hết tiền, lại đang đói, vì chưa tìm ra việc làm, cho nên tôi đánh bạo ăn một bữa cơm của nhà hàng ông, nhưng không ăn quỵt, nên tôi xin được làm bất cứ công việc gì ở đây, từ quét dọn, bưng bê, chà rửa toa lét cho đến rửa chén bát, miễn là giúp tôi có thể trả lại tiền bữa cơm hôm nay.

    Người chủ Tây không hài lòng lắm, nhưng trước thái độ khá thành khẩn và lễ độ, cộng với những câu cú tiếng Pháp khá chuẩn của chàng trai, cuối cùng ông ta cũng bằng lòng như một cách thử việc cho những chỗ làm còn đang thiếu. Q. Được bố trí cho rửa chén ở nhà bếp. Cậu ta chăm chỉ làm việc y như một nhân viên thực thụ và hiệu suất rất cao. Đúng một tuần lễ, khi được gọi lên để lĩnh lương, NĐQ đã lễ phép thưa với chủ là mình xin nghỉ việc. Cậu ta hỏi lại:

    - Tiền công tôi làm so với tiền bữa ăn hôm trước đã đủ hay chưa?

    - Tất nhiên là còn thừa tiền.

    Lão chủ Tây cố cầm giữ cách nào, Q. Cũng từ chối, anh ta nói:

    - Xin cám ơn ông về lòng hào hiệp mà ông đã dành cho. Tuy nhiên, tôi có cái mộng riêng của mình nên không thể tiếp tục ở đây giúp việc được.

    Trước khi chia tay, người chủ Tây còn hỏi:

    - Anh có thể cho tôi biết giấc mộng mà anh đang ấp ủ là gì không?

    Q. Úp mở đáp:

    - Làm chủ. Làm một nhà đại doanh nghiệp.

    Câu trả lời của Q. Lúc đó có thể làm trò cười cho người chủ Tây.

    Bẵng đi một thời gian khá lâu, trong lúc ở nhà hàng Continental hầu như chẳng ai còn nhớ gì đến cậu trai ăn chực ngày nào, thì thật bất ngờ, vào một ngày cuối năm 1949, tức mười lăm năm sau, có một "ông chủ" đi xe Traction bóng loáng, bước vào khách sạn. Ông ta đặt một bàn sang trọng nhất trong nhà hàng và xin được gặp chủ nhân.

    Người chủ Pháp năm xưa vẫn còn đó. Khách lên tiếng:

    - Ông chủ chắc không còn nhớ tôi? NĐQ - người năm xưa ăn thiếu ông một bữa cơm, phải rửa chén để trừ.

    - Tôi đã nhớ ra ông. Rất hân hạnh.

    Nhờ có bằng tiểu học, lại nói lưu loát tiếng Pháp, Q. Đã xin vào làm thư ký cho một đồn điền cao su, sau dần dần được cất nhắc lên làm cai thợ. Và cái đích cuối cùng của Q. Đã đạt được: Làm chủ. Trong suốt thời gian dài làm việc, Q. Không nhận hết tiền lương, chỉ lấy đủ tiền vặt, còn bao nhiêu cậu gởi lại chủ: Tích lũy dần, đến lúc đủ tiền mua một ít cổ phần của Công ty, rồi sau đó một cơ may đến, khi chủ Tây cần bán bớt một phần Công ty, Q. Đã mua trả góp.

    Công ty nhỏ, lại đang hồi cây cao su bị thoái hóa, nhưng về tay Q. Thì chỉ một thời gian ngắn đã phát triển trở lại. Trong vòng năm năm, Công ty cao su do Q. Làm chủ đã có thể sánh ngang với một số công ty bậc trung. Khi Q. Về thăm lại ông chủ nhà hàng Continental là lúc có quyền xưng mình là "triệu phú", địa vị của anh ta trên thương trường đã được nhiều người nể nang. Những mặt khác, trong kinh doanh, có thể NĐQ chưa hẳn là một ông chủ hoàn hảo, nhưng xét về mặt thành công bằng chính ý chí của mình, thì Q. Được đánh giá cao.

    NĐQ tậu một ngôi nhà lớn ở đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng ngày nay), lọt vào danh sách hai mươi người giàu nhất Sài Gòn thời đó. Có lẽ giai đoạn "đẹp" nhất trong đời Q. Là thời gian đó. Bởi từ 1961 trở về sau, NĐQ bắt đầu rước vào những bất hạnh: Con gái ông lái xe đi chơi Vũng Tàu bị tai nạn chết thảm dưới gầm cầu Rạch Hào, tiếp theo là vụ tự phá sản (thực ra ông đã bị phá sản do nhiều nguyên nhân, trong đó sai lầm lớn nhất về cuối đời là "giấc mộng pholitic" (làm chính trị). Ông ta đã tập tành ứng cử để rồi nhận lấy những ê chề.. Vào giữa thập niên 60, tỷ phú NĐQ đã chính thức bị xem là phá sản. Ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng về tay chủ khác. Q. Lặn mất vào bóng tối.
     
  10. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    179
    II-11: Nguyễn Tấn Đời và vụ sụp đổ Thần Tài Tín Nghĩa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những năm đầu của thập niên 70, khi cường độ cuộc chiến tranh chống Mỹ đã đến hồi khốc liệt thì cũng là thời điểm cực thịnh của hệ thống ngân hàng tư nhân ở Sài Gòn, trong đó đứng đầu là Tín Nghĩa Ngân Hàng (TNNH), hay còn gọi một cách bình dân là ngân hàng Ông Thần Tài, của ông Nguyễn Tấn Đời. Với hàng trăm chi nhánh trên toàn miền Nam, hầu như TNNH đã chiếm lĩnh toàn bộ các dịch vụ tiền gửi và cho vay. Cùng lúc đó, những công trình lớn được ông đầu tư đã mọc lên, như khách sạn Président (Trần Hưng Đạo, Q. 5), bệnh viện tư loại lớn nhất nhì thành phố (đường Trần Hưng Đạo, Q. 5), một hãng gạch bông có uy tín, một ngôi nhà thủy tạ (gần cầu Bình Lợi) được gọi là "nhà mát" của Nguyễn Tấn Đời và một số công trình khác.

    Từ giữa thập niên 60 về trước, ở Sài Gòn chỉ những người trong giới ngân hàng là biết đến tên ông, còn người dân thì hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, từ năm 67, hầu như ai cũng nghe nhắc đến tên con người có gốc gác từ Rạch Giá và Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang ngày nay) này. Ông Nguyễn Tấn Đời vốn là một nhân viên của Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín (ngân hàng Nhà nước) trong nhiều năm, leo lên được chức trưởng phòng. Sự nghiệp công danh đang hồi hanh thông, bởi ban lãnh đạo ngân hàng đang có ý tin dùng và cất nhắc ông lên cao nữa.. Bỗng một hôm, vào giữa năm 1966, ông đột ngột xin nghỉ việc. Tại sao? Đó là câu hỏi đầy ngạc nhiên của nhiều người, và chỉ được trả lời sau đó sáu tháng, khi có tin chính thức về việc ông Nguyễn Tấn Đời thành lập Ngân Hàng Tín Nghĩa. Thì ra, con người có chí lớn đó không chịu "an phận" làm một chuyên viên có thế lực ở ngân hàng Nhà nước.

    Bốn năm sau, vào năm 1971, TNNH hầu như trùm thiên hạ, lấn hẳn các ngân hàng khác, kể cả Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Biểu tượng ông thần tài đưa cao tay với xâu tiền điếu trong tay, hầu như quen thuộc với mọi người. Ở tận các hang cùng ngõ hẻm, dân nghèo sở hữu một món tiền nho nhỏ đều có thể có cuốn sổ tiết kiệm "Thần Tài". Nhưng, đùng một cái, tỷ phú Nguyễn Tấn Đời bị bắt! TNNH bị sụp đổ!

    Chuyện gì đã xảy ra cho nhà tỷ phú tiếng tăm này? Nếu theo tin tức đăng tải công khai trên các báo xuất bản tại Sài Gòn vào thời điểm đó, thì Nguyễn Tấn Đời đã phạm vào các tội làm TNNH mất cân đối thu chi và không còn khả năng chi trả cho khách hàng; cá nhân ông Đời vi phạm việc huy động vốn và đầu tư kinh doanh.. Nhưng theo dư luận bên ngoài, kể cả của những người am tường nghiệp vụ ngân hàng, thì ông đã bị các đối thủ "chơi" một vố thẳng tay, hết đường chống đỡ. Đó là các tập đoàn tài phiệt đang cạnh tranh với ông, họ thấy cái thế của ông trong hệ thống ngân hàng quá lớn (theo con số được báo chí công bố lúc đó, thì tổng số tiền của TNNH lên đến 22 tỷ đồng, số tiền này lúc đó rất lớn, gần bằng tổng số tiền của tất cả các ngân hàng tư nhân gộp lại), và có khả năng ông ta sẽ bỏ vòi sang địa hạt chính trị. Một câu hỏi khác đã từng được dư luận nêu lên: Phải chăng ông Nguyễn Tấn Đời đã bị thế lực của các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn ra tay triệt hạ? Bởi cạnh tranh với TNNH còn có Kỹ Thương ngân hàng, một ngân hàng quân đội mà đa số vốn là của các tướng lĩnh chóp bu trong quân đội Sài Gòn, trong đó có Nguyễn văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm..

    Bốn mươi tám giờ đồng hồ sau, khi chính quyền Sài Gòn ra lệnh phong tỏa tất cả các TNNH, ông Nguyễn Tấn Đời đã bị bắt tại nhà một người cháu ở đường Phan Liêm. Cuộc thẩm vấn ông Đời diễn ra chóng vánh, gần như đã được xếp đặt sẵn, để rồi tội danh được công bố như đã nói ở trên. Ông đã bị tống giam vào khám Chí Hòa, như một tội nhân đặc biệt.

    Nguyễn Tấn Đời ở tù cho đến ngày Sài Gòn được giải phóng, nghe nói nhân lúc tình hình còn lộn xộn, ông ta đã thoát ra khỏi Chí Hòa, sau đó về Rạch Giá để lên tàu (do người nhà chuẩn bị sẵn) rời khỏi Việt Nam.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...