Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 13 Tháng chín 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Dạ, tháng sau con trả lời."

    Khi trả lời mẹ tôi như vậy, tôi có cảm giác đôi môi tôi đã hoạt động nhanh hơn ý nghĩ của tôi. Tôi không hiểu tại sao tôi lại hứa với mẹ tôi điều đó. Tôi đã bao nhiêu lần kiếm cớ trì hoãn khi ba mẹ tôi nhắc đến chuyện lấy chồng và tôi luôn đinh ninh tôi sẽ là người chiến thắng trong cuộc đua xem ai kiên trì hơn ai này.

    Nhưng rồi tôi đã nói "tháng sau con trả lời", nghe như một cái gật đầu. Thật là điên!

    Phải chăng ngoại cảnh đã tác động tới tâm trạng của tôi? Tôi bâng khuâng nghĩ, khi nhớ tới đôi thực khách quen thuộc. Cách đây một tuần, khách nam ghé quán. Lần đầu tiên tôi thấy ông vào quán không để ăn gì. Chỉ đứng giữa nhà, oang oang:

    - Chú báo tin vui cho tụi con nè.

    Lương láu táu:

    - Chú và cô sắp cưới nhau hả chú?

    - Chà, con nhỏ này! Chú ít thấy ai vừa đẹp vừa thông minh như con!

    Lương cười tít mắt:

    - Dạ, nhiều người cũng khen con vậy đó chú.

    Sâm hỏi:

    - Bữa nay chú tới đưa thiệp cưới cho tụi con hả?

    - Chưa. – Khách tặc lưỡi – Chú và cô đã định in thiệp cưới nhưng còn kẹt cái địa điểm.

    - Là sao hả chú?

    - Chú và cô muốn tổ chức đám cưới tại quán tụi con. Dẫu gì đây cũng là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của cô chú. Nhưng chú phải hỏi tụi con trước.

    Sâm chưa kịp đáp, Lương đã vọt miệng:

    - Chắc không được đâu chú ơi. Quán tụi con nhỏ xíu à.

    - Nhỏ thì mình làm quy mô nhỏ. Chú và cô chỉ mời tụi con và những bạn bè thật thân thiết thôi.

    - Vậy bữa đó tụi con phải treo bảng nghỉ bán hả chú?

    - Cứ bán bình thường. Tụi con bán bên khu A, còn đám cưới tổ chức bên khu B. Vậy là ổn!

    - Không ổn đâu, chú ơi. – Vẫn Lương trả lời, trong bọn nó là đưa thân thiết với đôi thực khách này nhất – Nếu quán không đóng cửa, tụi con phải phục vụ khách, đâu có dự đám cưới của cô chú được.

    - Chà, rắc rối hè. – Khách sờ cằm, phân vân – Hay là bữa đó mình đóng cửa?

    - Đóng cửa cũng vậy à. Tụi con không thể vừa lăng xăng phục vụ đám cưới vừa ngồi một chỗ đóng vai khách mời của chính đám cưới đó được.

    Sâm mặc cho Lương đối đáp. Anh đứng bên cạnh, nhìn khách bằng ánh mắt áy náy.

    Chuyện lâm vào bế tắc. Khách vò đầu, thở hắt ra:

    - Căng hè. Vậy để chú về bàn lại với cô.

    Tôi không biết khách sẽ bàn lại với vị hôn thê của mình như thế nào và rốt cuộc thì đám cưới của họ sẽ tổ chức ở đâu nhưng trong khoảnh khắc đó tôi cảm thấy mình giống như chú gấu ngủ đông bị đánh thức. Tôi nhận ra tôi đã chìm đắm quá lâu trong câu chuyện cổ tích của chính mình. Tôi đã tự kể cho mình hằng đêm câu chuyện đẹp đẽ đó, đã bị nó huyễn hoặc đến mức bỏ ngoài tai những kế hoạch của ba mẹ để rồi thất vọng nhận ra tôi chỉ góp mặt ở phần đầu câu chuyện và hoàn toàn vắng bóng ở phần kết thúc. Chàng bạch mã hoàng tử cuối cùng rồi cũng đến, nhưng chàng đến với Tịnh, con gái ông Mười Thái, cô bạn chung phòng trọ với tôi.

    Còn tôi, với hoàn cảnh éo le của mình, đã rất giống hình ảnh một học sinh bỏ lớp ngay khi học kỳ một vừa mới bắt đầu. Trong bộ phim tình cảm được đạo diễn bởi bàn tay của thần may rủi đó, hóa ra tôi chỉ là một nhân vật phụ ngớ ngẩn, chết ngay từ cú vấp té đầu tiên ở cảnh đầu tiên. Cũng may là khi đã thoát ra khỏi vai diễn khốn khổ của đời mình, tôi kịp nhận ra tôi không có lý do gì để nấn ná trước lời gợi ý của ba mẹ và lời hứa đầy quyết tâm "tháng sau con trả lời" có lẽ là thông điệp tôi muốn gửi cho chính bản thân mình.

    Tịnh vẫn luôn thức dậy mỗi ngày trong dáng vẻ phơi phới yêu đời. Trừ những khi nhắc đến phòng khám tai mũi họng, là cái nơi càng nhắc nó càng chán, Tịnh lúc nào cũng hiện ra với vẻ rạng rỡ của một cô gái đang yêu. Tóc xoăn, môi đỏ, đôi mắt long lanh như hai vì sao đang chuẩn bị đổi ngôi, Tịnh càng ngày càng giống các cô gái mắt to bước ra từ truyện tranh Nhật Bản và điều đó khiến tôi cảm thấy cố níu kéo giấc mơ của mình là một việc vô ích. Trước khi mối quan hệ giữa Sâm và Tịnh xảy ra, tôi luôn tự tin về vẻ bề ngoài của mình. Chỉ đến khi niềm tin đó lung lay thì tôi mới biết bọn con gái có chút nhan sắc bao giờ cũng thích cộng thêm điểm cho ngoại hình của mình, rồi đến một ngày chúng sẽ như tôi, buồn bã nhìn thực tế lạnh lùng trừ đi từng điểm một.

    Cho đến hôm nay, Tịnh vẫn chưa biết gì nhiều về tôi. Nó không biết ba mẹ nó từng dạm hỏi tôi cho anh trai nó. Nó không biết tôi từng học chung với Quyền và ghét thằng này vô hạn. Tịnh cũng không biết mẹ tôi hiện nay đang làm thuê cho vựa trái cây của ba mẹ nó. Theo như Tịnh vô tình kể mới đây, thằng Quyền hiện đang sống ở Đà Nẵng. Quyền đang quản lý một khách sạn ông bà Mười Thái mua cho nó để mong thằng con lêu lỏng biết chí thú làm ăn. Cũng là cách giam chân con mình trong hình thức thô sơ nhất.

    Một hôm Tịnh hồn nhiên rủ tôi:

    - Hai ngày nữa em về quê. Chị về chung với em không?

    Tôi cũng đang định về nhà. Ngày mai quán sẽ tạm thời nghỉ bán một tuần để lót gạch lại nền nhà, sơn lại tường và sắp xếp lại các đường ống dẫn nước.

    - Em nghỉ phép thường niên hả?

    - Không. Mẹ em ốm, em phải về thăm.

    Tôi và Tịnh cùng huyện nhưng ở hai xã khác nhau. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ ghé nhà nó. Cũng không có lý do gì để ghé, nhất là thằng Quyền đang ở đó. Nghĩ đến chuyện chạm mặt thằng này, đặc biệt sau lần nó đòi ba mẹ nó hỏi cưới tôi cho nó, tôi nghe gai ốc nói khắp người.

    Tịnh tất nhiên không biết chuyện oái oăm đó. Về nhà hôm trước, hôm sau nó điện thoại cho tôi:

    - Hôm nay chị rảnh không qua nhà em chơi!

    Lời mời của Tịnh khiến tôi bất giác đưa tay véo má mình một cái. Xưa nay, dù trọ chung phòng, tôi và Tịnh không thân thiết đến mức tôi qua nhà nó hay nó qua nhà tôi mỗi khi hai đứa về quê. Kể cả những ngày lễ Tết, Tịnh cũng chưa từng rủ tôi ghé nó chơi. Hôm nay con nhỏ này làm sao thế nhỉ? Tôi chép miệng, lấp lửng:

    - Để chị xem ba mẹ có kêu chị làm gì không đã. Rồi chị trả lời em sau.

    Đến nhà nhỏ Tịnh lúc này, tôi không sợ gặp thằng Quyền. Tôi cũng không sợ vợ chồng ông Mười Thái nhận ra tôi. Chắc chắn họ không biết đứa con dâu hụt của họ mặt ngang mũi dọc ra sao. Nhưng thị lòng tôi không cảm thấy hào hứng khi nghĩ đến chuyện ghé nhà Tịnh. Sau những gì đã xảy ra, tôi không ghét Tịnh nhưng dĩ nhiên tôi cũng không yêu nó hơn. Làm sao bạn có thể yêu kẻ vừa chen ngang vào đời sống tình cảm của mình? À, một kẻ đang yêu thì họ nhìn đời như thế nào nhỉ? Thốt nhiên tôi lẩm bẩm. Chắc họ sẽ thấy cuộc đời đẹp lên trong mắt họ. Cây mộng mơ trong hồn họ sẽ trổ hoa. Và trong lòng họ chắc chắn sẽ có chim về hót. Nghĩa là hoàn toàn khác với tâm hồn héo úa của tôi.

    Tôi chợt nhớ hai câu thơ trong bài thơ mới nhất của Lương:

    Trong hồn tôi hoa trái rụng âm thầm

    Khu vườn cũ ong thôi về làm tổ

    Khi Lương khoe tôi bài thơ của nó vừa được đăng trên báo Áo Trắng, tôi tặc lưỡi:

    - Thơ buồn vậy em. Em đang thất tình hả?

    - Đâu có – Lương toét miệng ra cười – Em nhìn người khác yêu và tưởng tượng ra thôi.

    - Tao đập máy nghe, con quỷ con!

    Tôi nạt Lương mà lòng chùng xuống. Đúng rồi, chỉ có hồn tôi là mối mọt về xây thành. Còn Tịnh, chắc lồng ngực thanh xuân của nó đang căng phồng và trái tim nó đang đập từng hồi rộn rã. Con người nó trở nên lấp lánh vui tươi cởi mở. Người ta bảo đó là tâm trạng khi yêu. Khi yêu, người ta muốn ôm cả thế giới vào lòng. Và người ta muốn rủ người khác đến chơi nhà.

    Trong khi tôi đang đắn đo không biết có nên nhận lời của Tịnh hay không, mẹ tôi kêu tôi, bảo:

    - Con đem chục cam này qua biếu bà Mười Thái giùm mẹ. Nghe nói bả đang ốm.

    Tôi nhăn nhó:

    - Người ta là chủ vựa trái cây, mẹ tặng cam khác nào chở củi về rừng.

    - Thì biết vậy. Nhưng đây là mình bày tỏ tấm lòng.

    Tôi tìm cớ thoái thác:

    - Con không biết nhà bà Mười Thái.

    - Đường ở trong miệng chứ đâu. Nhà bà Mười Thái cả huyện này ai chẳng biết.

    - Sao mẹ không đi mà sai con? - Tôi tiếp tục vùng vằng.

    - Con bé này! Hôm qua mẹ bị dưa hấu rớt trúng chân, còn ê ẩm đây nè.

    Nhà bà Mười Thái ở ngay huyện lị. Nhà cửa khu đó san sát, sầm uất hơn chỗ tôi nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn theo mẹ đi chợ huyện nhưng tôi chưa lần nào bước chân vào nhà bà Mười Thái, kể cả khi biết bà là mẹ của Tịnh.

    Đó là ngôi nhà ba tầng mái nhọn, tường quét vôi trắng, với những bao lơn hình lục lăng nom rất kiểu cách. Sân rộng, bao quanh bởi hàng rào lắp bằng những thanh kim loại trắng. Ngay cạnh hai trụ cổng bằng đá hoa cương là hai trụ đèn cao có lẽ để thắp sáng ban đêm. Dây trang leo um tùm phủ kín hàng rào, hoa màu tím hồng chen chúc với huỳnh anh vàng rực rỡ.

    Trước khi đi, tôi không gọi điện cho Tịnh, định gây bất ngờ. Nhưng đến đây rồi thì tôi lại ngại vào nhà. Tôi dừng xe tuốt đằng xa, tắt máy nhưng vẫn ngồi trên yên, ngập ngừng đưa mắt nhìn ngôi biệt thự sang trọng. Mình có nên vào không nhỉ? Vào thì sao, không vào thì sao? Mà tại sao lại không vào khi mình đã chạy đến tận đây? Tôi tự hỏi, hoang mang lừng khừng, cảm thấy đầu óc ngu đi từng chút một. Đang bần thần nghĩ ngợi, người tôi chợt run lên khi sực nhớ ra vợ chồng bà Mười Thái có thể không biết mặt tôi nhưng khi nghe tôi xưng mình là con bà Cầm, tên của mẹ tôi, thế nào họ cũng sẽ biết chính là đứa con gái đã từ chối con trai họ. Lúc đó không biết họ sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt như thế nào, và họ có sẽ buông lời mỉa mai hay trách móc tôi không. Ờ, mẹ mình lẩm cẩm đã đành, còn mình sao không nghĩ ra chuyện này từ sớm nhỉ?

    - Về thôi!

    Tôi bặm môi, đưa tay bật công tắc xe. Nhưng tôi vẫn chưa nổ máy ngay. Khi tia nhìn chạm phải giỏ cam đang treo ở sườn xe, tôi lại ngần ngừ. Nếu không đưa giỏ trái cây này cho bà Mười Thái, tôi không biết phải trả lời như thế nào với mẹ tôi.

    Đang tiến thoái lưỡng nan, tôi bỗng giật bắn người khi nhìn thấy Sâm. Thoạt đầu tôi không nghĩ đó là anh. Sâm không thể xuất hiện ở đây được. Vào giờ này lẽ ra anh đang bận tối mày tối mặt ở Sài Gòn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chuyện chỉnh trang quán xá. Tại sao anh bỏ hết công chuyện để đến một nơi xa xôi như thế này và đến làm gì? Tôi đưa tay dụi mắt hai ba lần. Đến lần thứ ba thì tôi biết mình không trông lầm.

    Vẫn trong bộ dạng thầy giáo làng với quần tây áo sơ mi tay dài, lần này thêm chiếc nón vải thùm thụp kéo xuống tận trán, Sâm đứng lấp ló trước hàng rào nhà bà Mười Thái. Không nhìn thấy chiếc xe nào bên cạnh, tôi đoán anh đi bộ tới đây. Đang thắc mắc, tôi bỗng đưa tay lên gõ đầu mình một cái: Ngu ơi là ngu! Sâm mò xuống tận dưới này dĩ nhiên là để đi thăm mẹ Tịnh. Nghe tin mẹ bạn gái bị ốm, chàng trai nào mà không tận dụng cơ hội để ghi điểm trong mắt người mình yêu. Bất giác tôi thấy mình ghen tị với Tịnh, vừa ngạc nhiên về sự ghen tị đó. Về chuyện tình cảm, tôi đã buông tay, đã gần như không còn vướng bận gì. Nhưng bây giờ lòng tôi lại cồn lên cảm giác khó chịu. Tôi cắn môi, khẽ lúc lắc đầu và tự giải thích: Có lẽ những cảnh gai mắt như thế này diễn ra sau lưng không làm con người ta rơi vào tâm trạng tồi tệ như khi chúng đập thẳng vào mắt.

    Tự nhiên tôi nghĩ đến thằng Sẹo, một hình bóng mông lung mà tôi biết thế nào ba mẹ tôi cũng sẽ nhắc tới trước ngày tôi quay lại Sài Gòn. So với Sâm, dù sao thằng Sẹo cũng chưa từng làm tổn thương tôi, trừ lần duy nhất nó kiên quyết không cho tôi lại gần sau ngày mẹ nó mất. Ờ, chỉ có một lần đó thôi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng mười một 2021
  2. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 11

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sâm vẫn đứng thập thò trước hàng rào nhà bà Mười Thái, kiên nhẫn giấu mình sau dãy dây leo, đưa mắt nhìn vào bên trong qua kẽ lá. Anh đứng đó có lẽ đã hơn mười lăm phút nhưng tôi ngạc nhiên thấy anh không gọi cửa, cũng không đưa tay nhấn chuông. Tôi nhíu mày: Đã đến tận đây rồi, sao Sâm không gọi điện thoại cho Tịnh ra đón? Hay anh muốn dành cho Tịnh sự bất ngờ? Hay như mọi chàng trai đang yêu, khi đến nơi thì anh lại rụt rè không dám vào nhà?

    Đợi thêm một lúc, tôi có cảm tưởng như Sâm đang rình rập điều gì, và tôi bất giác đỏ mặt nhận ra tôi cũng đang rình rập Sâm.

    Để đỡ ngượng, dù là ngượng với chính mình, tôi quyết định nổ máy xe và chầm chậm chạy về phía trước. Hơn nữa tôi cũng không tìm ra lý do để đứng lì ở đây. Đã tự rạch ròi với mình về chuyện tình cảm, tôi đâu có cần phải tránh mặt Sâm. Nếu muốn trở thành một người mạnh mẽ, tôi buộc phải bắt đầu cư xử như một người mạnh mẽ. Chưa kể lúc này tôi lại đang có chuyện nhờ Sâm.

    Nghe tiếng xe phía sau, Sâm giật mình ngoảnh lại và mặt anh lộ vẻ sửng sốt khi nhìn thấy tôi.

    - Cô.. cô.. đi đâu đây?

    Tôi ngạc nhiên thấy Sâm lắp bắp trước mặt tôi, điều chưa từng xảy ra. Trong mắt tôi, Sâm xưa nay vẫn vững vàng như hòn đá tảng. Tôi chưa thấy anh bối rối trước mặt ai hay trước bất kỳ chuyện gì. Nhưng hòn đá đó hôm nay bị sự xuất hiện thình lình của tôi làm mẻ một miếng lớn.

    - Em đi thăm mẹ Tịnh. – Tôi xoáy mắt vào mặt anh, giọng thăm dò – Còn anh, anh đi đâu đây?

    Sâm ấp úng, vẫn với điệu bộ của cậu bé ăn vụng bị bắt quả tang:

    - Ờ, tôi cũng.. cũng đi thăm mẹ Tịnh. Nghe nói mẹ cổ bị ốm.

    Tôi nhìn chiếc nón vải trùm kín đầu anh, mỉm cười:

    - Trừ nón bảo hiểm ra, em chưa thấy anh đội nón bao giờ.

    - Ờ, hôm nay trời nắng quá.

    - Nếu không đứng đằng kia quan sát anh suốt mười lăm phút, em cũng không nhận ra anh với chiếc nón này.

    Sâm có vẻ chột dạ trước câu nói đùa của tôi. Chắc anh cảm thấy nhột khi bị tôi âm thầm theo dõi. Tôi định trêu Sâm vài câu nữa nhưng tôi lại sợ Tịnh bất thần đi ra. Gặp tôi thế nào nó cũng lôi tôi vào nhà. Tôi sẽ phải đối diện với ba mẹ nó, điều tôi không hề muốn chút nào.

    Tôi chồm người tháo túi cam trên xe, đưa Sâm:

    - Lát gặp Tịnh, anh đưa thứ này giùm em. Nói là của bà Cầm gửi biếu.

    Sợ Sâm không hiểu, tôi vội vàng nói thêm:

    - Bà Cầm là mẹ em.

    Sâm nhíu mày:

    - Cô không vào nhà sao?

    - Em phải đi công chuyện gấp. Hôm khác em ghé.

    Giúi vội túi trái cây vào tay Sâm, tôi quay xe chạy thẳng. Nhưng đi một quãng xa, tôi lại đâm lo. Tôi không biết túi quà của mẹ tôi có sẽ tới tay bà Mười Thái hay không. Nhớ lại thái độ của Sâm, tôi có cảm giác anh không định vào nhà. Tôi cũng không rõ anh có định gặp Tịnh không nữa. Nhưng nếu không gặp Tịnh thì anh xuống tận đây làm gì. Tôi tự đặt ra hàng chục câu hỏi, thất vọng khi không trả lời được câu hỏi nào và điều đó làm tôi nhức đầu đến tận nhà.

    Mẹ tôi hỏi:

    - Con gặp bà Mười Thái không con?

    Tôi nói dối:

    - Dạ, bà Mười Thái không có nhà. Con đưa túi cam cho con gái bả.

    - Con gái bả là đứa nào?

    - Nhỏ Tịnh đó, mẹ.

    Tôi đáp, giấu chuyện nhỏ Tịnh ở chung phòng trọ với tôi trên Sài Gòn. Tôi không biết tại sao tôi làm vậy, có lẽ tôi không muốn mẹ tôi tiếp tục hỏi han, sau đó là thắc mắc về quan hệ giữa tôi và Tịnh.

    Tôi không rõ mẹ tôi có biết nhỏ Tịnh hay không. Thằng Quyền thì chắc chắn bà biết, vì những năm tiểu học Quyền học ở trường tôi, cả làng ai cũng biết nó là con ông bà Mười Thái.

    Đang nghĩ ngợi vẩn vơ, một tia chớp chợt lóe lên trong óc tới "Ngốc ơi! Chỉ cần gọi điện thoại cho Tịnh, mình sẽ biết Sâm có vào nhà và quà của mình có tới tay mẹ nó hay không".

    - Tịnh hả?

    - Trời đất, sao chị không vào nhà em chơi mà đưa quà cho anh Sâm? – Tịnh nói như hét vào điện thoại, lời lẽ thì trách móc nhưng giọng lại ríu rít như chim.

    - Xin lỗi em. Tại chị đang có việc gấp phải đi - Tôi đáp, cố nén tiếng thở phào nhẹ nhõm.

    Giọng Tịnh tiếp tục reo vui:

    - Anh Sâm xuống tận nhà thăm mẹ em làm em bất ngờ quá, chị ơi.

    - Chị thì không bất ngờ. Anh Sâm lúc nào cũng quan tâm đến người khác mà.

    Tôi trả lời Tịnh. Câu đầu tiên có thể tôi nói dối, nhưng câu thứ hai chắc chắn tôi nói thật. Sâm có thói quen quan tâm đến người chung quanh. Tôi nhớ hôm hăm sáu tháng chạp năm ngoái, sau khi dọn dẹp mọi thứ đâu vào đấy, quán chiêu đãi nhân viên món bánh canh cua trước khi bọn tôi chia tay về quê nghỉ Tết. Tôi nhớ hôm đó là buổi trưa. Khi những tô bánh canh thơm phức, nóng hổi dọn ra, mọi người vừa xì xụp vừa khen ngon, Sâm vẫn ngồi trầm ngâm chưa buồn động đũa.

    - Nghĩ gì vậy anh? Ăn đi cho nóng! – Tôi nhìn Sâm, giục.

    Sâm ngước nhìn tôi:

    - Cô vào bảo nhà bếp chia bánh canh ra từng hộp, lát nữa cô chạy ra chợ đưa cho chị Dần, cô Mười, chị Điệp, dì Hai Anh, dì Ba Được..

    - Chi vậy anh? – Tôi tròn mắt trước đề nghị lạ lùng của Sâm.

    - Đem cho họ ăn chứ chi. Mấy ngày cuối năm khách đông, họ bán đầu tắt mặt tối, không có thì giờ ăn uống đàng hoàng đâu.

    Đúng là chợ nào chợ nấy nườm nượp. So với mấy ngày trước, lúc tôi đem quà đi trả, người đông hơn nhiều. Những ngày Tết nhà nào cũng cúng kiếng, họp mặt gia đình, tiếp khách khứa bạn bè và đón bà con tới chơi nên ai cũng phải chuẩn bị. Về tâm lý, gia đình người Việt lại có thói quen sắm sửa dịp Tết. Tết nhất trong nhà mọi thứ phải đầy đủ để lấy hên cho cả năm. Chưa kể sau Tết các sạp hàng đóng cửa, mùng tám mới lác đác mở lại nên các bà nội trợ cũng phải lo tích trữ thực phẩm. Các chủ sạp bán không ngơi tay, có khi ham quả bán đêm, miệng chỉ kịp nhai vội mẩu bánh mì để cầm hơi. Chắc Sâm quá rành không khí chợ Tết nên mới nghĩ ra chuyện "tiếp tế" này!

    - Hộp gì vậy em? – Chị Dần thắc mắc khi thấy tôi chìa cái hộp ra.

    - Dạ, bánh canh cua. Anh Sâm kêu em đem ra cho chị.

    - Ôi, đúng lúc quá! – Chị Dần đưa tay đón lấy chiếc hộp, vui vẻ – Cảm ơn tụi em nhiều nha.

    Cô Mười không giấu vẻ mừng rỡ khi nhận được món quà bất ngờ. Cô mắng yêu:

    - Cái thằng Sâm này! Quà Tết của cô thì nó không nhận, lại bày đặt tặng thức ăn cho cô!

    Giọng Tịnh cất lên cắt ngang hồi tưởng trong đầu tôi:

    - Có nhiều chuyện vui lắm, hôm nào lên Sài Gòn em kể cho chị nghe.

    - Ờ, hôm nào. – Tôi nói, và tắt máy.

    Tôi chưa biết Tịnh sẽ kể tôi nghe những gì về chuyến ghé thăm của Sâm nhưng ngay từ lúc này, qua giọng điệu hớn hở của nó, tôi biết tôi đã đi đến cuối con đường tình cảm của mình. Sấm chớp đã nổi lên ở chân trời và mọi thứ không còn như cũ. Thế giới đã chính thức quay theo một hướng khác. Hướng đó không có tôi.

    Tôi không muốn ngược đãi bản thân mình nữa. Cũng không muốn phụ lòng ba mẹ.

    Trước hôm tôi quay lại Sài Gòn, mẹ tôi nhìn tôi, dè dặt:

    - Chuyện hôm trước mẹ nói với con..

    Tôi ngoan ngoãn:

    - Dạ, con biết rồi. Chuyện thằng Sẹo.

    Mẹ tôi có vẻ ngạc nhiên trước thái độ mềm mỏng bất thường của tôi. Bà đang chờ tôi giãy đùng đùng như trước đây. Nhưng hôm nay tôi không giống một khẩu đại liên bị cướp cò nữa. Hôm nay lòng tôi súng ướt, không còn khói lửa để phun ra.

    - Vậy ý con thế nào? – Mẹ tôi thận trọng thăm dò – Hôm trước con nói tháng sau con trả lời.

    - Chưa được một tháng mà, mẹ.

    Mẹ tôi chỉ cần nghe tôi nói thế. Câu nói không hàm ý phản kháng, ngược lại gần như xác nhận lại lời hứa của mình. Vậy là yên tâm rồi, thời gian sẽ giải quyết nốt phần còn lại. Có lẽ mẹ tôi nghĩ vậy nên bà cũng không hối thúc gì, chỉ dặn dò:

    - Con nhớ giữ gìn sức khỏe nha!
     
  3. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 12

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi không thể ra vẻ không có chuyện gì xảy ra khi gặp lại Sâm ở quán. Nếu tôi im lặng thì câu chuyện vẫn còn nguyên đó – trong tâm trí của hai đứa tôi, thậm chí còn sống động hơn là khi tôi nói ra. Cuộc chạm mặt bất ngờ giữa tôi và Sâm trước cổng nhà nhỏ Tịnh mấy hôm trước rất giống một màn kịch éo le. Đến mức khi tấm màn nhung đã khép lại thì dư âm của nó vẫn còn theo tôi về đến tận nhà, âm ỉ tận những ngày sau.

    - Hôm đó anh ở chơi nhà Tịnh lâu không? – Tôi hỏi Sâm, cố giữ giọng bình thản – theo cái cách người ta vẫn hỏi nhau "Hôm đó trời có mưa không?".

    - Tôi chỉ đến thăm mẹ cô ấy chút thôi rồi về ngay.

    Sâm đáp, cũng với một thái độ tự nhiên giống như đang nói "Hôm đó trời chỉ mưa lắc rắc".

    Sâm xuống tận vùng quê xa lăng lắc để thăm mẹ Tịnh, lại ngay trong lúc lẽ ra anh phải trông coi việc sửa sang quán xá, là chuyện khá đặc biệt. Nhưng về mặt của Sâm như muốn khẳng định chuyện đó quá bình thường khiến những câu hỏi trong đầu tôi bị đóng băng mất một lúc. Tự nhiên tôi thấy mình kỳ cục. Tôi đã dứt khoát rời bỏ mối quan hệ này. Tôi đã quyết chuyển hướng tình cảm của mình bằng cách sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của ba mẹ tôi về chuyện hôn nhân. Thế mà khi đối diện với Sâm, lòng tôi vẫn đầy xáo trộn. Sự bực tức khó chịu mỗi lúc một phồng lên trong tôi như quả bóng bơm căng.

    Tôi bỏ đi tìm Lương trước khi quả bóng phát nổ.

    - Có chuyện gì hay hả chị? – Lương dòm lom lom vào mặt tôi, vui vẻ hỏi.

    - Hôm trước anh Sâm xuống quê chị.

    - Tuyệt quá! – Lương nói như reo – Vậy là chuyện tình của chị đã tiến một bước dài rồi.

    Tôi buồn bã:

    - Ảnh đi thăm nhỏ Tịnh chứ không phải thăm chị.

    - Cái gì? – Lương há hốc miệng như bị một quả chanh chèn ngang họng

    - Ờ. Vậy đó!

    - Sao anh Sâm có thể..

    - Mẹ Tịnh bị ốm, ảnh đi thăm. – Tôi giải thích bằng giọng uể oải, không rõ mình đang bào chữa hay kết án Sâm.

    - Xì! - Lương bĩu môi - Ảnh mới quen nhỏ Tịnh đây mà. Có cần phải nhiệt tình như vậy không!

    Thấy tôi không nói gì, Lương quay đầu nhìn đi chỗ khác, nhè nhẹ thở ra:

    - Vậy chuyện hai người đó thích nhau không còn nghi ngờ nữa rồi.

    Rồi nó ngân nga theo thói quen:

    Tôi nhớ một người không nhớ tôi

    Tôi yêu một kẻ hết yêu rồi.

    Tôi hừ mũi:

    - Hết yêu cái gì! Anh Sâm chưa bao giờ yêu chị.

    Trước đây nếu tôi nói vậy, thế nào Lương cũng gào cổ cãi lại cho bằng được. Nhưng lần này, có vẻ như sự thật đó dần hạ gục cả tôi lẫn nó.

    Lương không phản bác, chỉ rủ:

    - Tối nay chị em mình đi ăn đi. Em mời.

    Tôi và Lương thỉnh thoảng vẫn đi ăn với nhau mỗi khi có dịp. Đây là một dịp như thế. Tôi đang cần người để tâm sự. Tôi đang cần một giá đỡ tinh thần có thể nâng tôi dậy, giúp tôi đứng thẳng người trong bão táp – cơn bão tôi tưởng đã qua đi nhưng hóa ra vẫn đang vần vũ và không ngừng dày xéo lòng tôi. Vai trò đó không ai thích hợp hơn Lương, một cô gái vô tư, lanh lợi, hài hước, đặc biệt lúc nào cũng yêu đời. Tôi từng nhủ, nếu phải chọn một người bạn duy nhất để đem theo trong cuộc đời mình, tôi sẽ chọn Lương. Với tôi, Lương là một thứ thuốc hiền, một liều vitamin tâm hồn, ít ra cũng là một miếng băng gạc có thể giúp vết thương lòng tôi màu lành miệng.

    ~~~​

    Lương chọn chỗ ngồi trên tầng hai, sát lan can để có thể nhìn ra đường. Bọn tôi ngồi đối diện qua một chiếc bàn nhỏ dành cho hai người.

    Lương giới thiệu:

    - Quán này chỉ bán đồ nướng.

    - Tại sao em không chọn quán bình dân hơn? Quán này có vẻ sang quá.

    - Em thích các món ăn ở đây.

    Lương chọn món ăn trong thực đơn, kêu nhân viên quán nướng giùm. Còn dặn với:

    - Cho em mấy chai bia nữa nha, anh.

    Tôi nhướn mắt:

    - Uống bia á?

    - Em muốn uống.

    Tôi không cản Lương, vì tôi cũng muốn uống một chút gì đó trong lúc này.

    - Chị này. - Lương nói, khi món ăn đã bày ra bàn.

    - Gì?

    - Anh Sâm không có tình cảm đặc biệt gì với chị thật à?

    - Ờ.

    - Thế mà em cứ tưởng..

    Tôi tặc lưỡi:

    - Không chỉ mình em.

    Tự nhiên tôi phát khùng.

    - Một người con trai không có tình ý gì với một người con gái nhưng lại quan tâm đến người con gái đó một cách quá mức thì đó là một tội ác.

    Lương đặt ly bia xuống bàn, phụ họa:

    - Bọn con trai là vậy. Chuyên đi gây tội ác.

    Tôi nhìn mái tóc học trò của Lương, vừa cảm động, vừa buồn cười. Tôi cảm giác nó đang cố gồng người lên để làm vui lòng tôi.

    Tôi đưa mắt nhìn xuống phố, ngắm hai dòng xe xuôi ngược. Ngoài kia người ta đang hối hả sống. Xe lên đèn vàng. Xe xuống đèn đỏ. Ở giữa là dải phân cách. Đầu óc tôi bỗng chốc miên man. Tôi mường tượng tôi và Sâm là hai chiếc xe trong dòng người tất bật đó. Đó là hai chiếc xe nào, và dải phân cách nào đang chắn giữa chúng tôi?

    Tôi và Lương lặng thinh ăn và im lìm uống, sau khi nhiệt tình lên án bọn con trai . Dưới phố, đèn cao áp vẫn tỏa những chùm màu vàng rực ra, đèn nê-ông vẫn tưng bừng hắt ra thứ ánh sáng trắng lóa từ các cửa hiệu bên đường và hai dòng xe vẫn rầm rập đuổi bắt nhau. Không ai trong số họ biết tôi đang ngồi đây, muộn phiền, bơ vơ, tách biệt khỏi thế giới, thấy mình nhỏ nhoi và vô dụng.

    - Chắc là chị sẽ đi lấy chồng. – Tôi nói, khi hơi men đã ngà ngà.

    - Lấy ai vậy chị?

    Lương hỏi, tò mò và thận trọng, răng trên cắn vào môi dưới, khác hẳn bản tính thích bông đùa của nó - có lẽ nó biết tôi đang nghiêm túc.

    - Một người bạn thời tiểu học.

    Lương chau mày:

    - Chị chưa từng kể em nghe chuyện này.

    - Chẳng có gì để kể. Hơn mười năm rồi chị chưa gặp lại anh chàng đó.

    Lương ngoẹo đầu ngó tôi.

    - Hôn nhân không tình yêu hả chị?

    - Ờ. - Tôi nhún vai - Không kịp yêu.

    - Mà vẫn lấy?

    Tôi cười méo xẹo:

    - Lấy trước rồi yêu sau. Ba chị bảo vậy.

    Tôi tưởng Lương sẽ phản đối. Nào ngờ, nó gật gù:

    - Ba chị nói đúng đó. Yêu đương mất thì giờ. Mà con gái tụi mình thì không có nhiều thì giờ để mất.

    Tôi cay đắng.

    - Ờ, chớp mắt một cái tụi mình đã biến thành những bà già.

    Tôi uống một hơi nửa ly bia rồi dằn ly xuống bàn.

    - Nhưng chị vẫn muốn yêu một ai đó, em à. Chỉ tại tình yêu không ngó ngàng đến chị.

    - Nếu nó ngó đến chị thì sẽ đến một ngày nó ngó sang người khác. Lúc đó chị càng khổ hơn. Chẳng thà nó không nhìn mặt chị ngay từ đầu.

    Lương thở ra giọng yếm thế, và nâng ly bia trước mặt uống một mạch. Nó đã uống đến chai thứ năm.

    Hai đứa bắt đầu lè nhè, và khi chuyển qua phê phán tình yêu, giọng càng lè nhè hơn.

    Thơ Lương cũng xỉn theo nó:

    Vắt chân lên ghế Lương ngồi

    Ly bia bên đó đĩa mồi bên đây

    Đĩa buồn, đĩa đắng, đĩa cay

    Lấy mình ra nhậu suốt ngày đi Lương!

    Lương vừa đọc thơ vừa xoay người duỗi chân lên chiếc ghế trống bên cạnh. Trông nó như một thằng bợm. Chắc nó đã say lắm. Tôi từng uống bia với Lương trong những dịp vui nhưng chưa bao giờ thấy nó uống quá hai chai. Hôm nay giống như nó không uống mà nó nhúng cả người vào thứ chứ lỏng này.

    Tôi nhăn mặt:

    - Bỏ chân xuống đi em.

    Lương bướng:

    - Không.

    - Lịch sự chút đi. Người ta nhìn kìa.

    - Kệ người ta.

    - Chị đi về trước à.

    Nghe tôi dọa, Lương chậm chạp bỏ chân khỏi ghế. Rồi trước ánh mắt ngơ ngác của tôi, nó bỗng òa ra khóc.

    Lương khóc nức nở làm tôi phát hoảng. Tôi thò tay qua bàn nắm tay nó:

    - Nín đi em.

    Nghe tôi dỗ, Lương càng khóc lớn hơn. Tôi thấp thỏm liếc mắt nhìn quanh, tim đập rộn khi thấy nhiều cái đầu ở bàn bên cạnh đang hiếu kỳ ngoảnh về phía bọn tôi.

    Tôi cố khuyên giải:

    - Chuyện buồn của chị, chị không khóc thì thôi, việc gì em phải khóc cho chị?

    Lương úp hai tay lên mặt:

    - Em khóc cho em mà.. hu hu..

    - Khóc cho em? – Tôi ngớ người – Là sao?

    - Thằng đó nó bỏ rơi em.

    - Thằng nào?

    - Thằng người yêu em.

    - Người yêu em sao em gọi bằng "thằng"?

    Tôi chợt nhớ tôi vẫn gọi Sẹo bằng "thằng" và có lần bị Sâm bắt bẻ "Sao cô gọi chồng có bằng 'thằng'?".

    "Nhưng em không thích lấy thằng đó". Lập luận của Lương còn thù địch hơn.

    - Hồi trước em vẫn gọi nó là "người yêu" đàng hoàng. Từ khi nó đá em, em thêm chữ "thằng" vào đằng trước.

    - Trả thù hả?

    - Dạ, một cách trả thù ngu ngốc. Tại nó đâu có biết em gọi nó là "thằng". Chữ "thằng" kia đâm vào tim em chứ đâu có đâm vào tim nó. Giống như em cố đá vào gốc cây rồi ngồi chờ cho nó gãy giò.

    Nói tới đây, như động lòng, Lương bưng mặt khóc tiếp. Bây giờ tôi mới biết Lương cũng làm nỗi niềm. Đằng sau về tươi tỉnh, lém lỉnh hàng ngày của nó hóa ra là một khối sầu bi. Hèn gì nãy giờ nó dè bỉu tình yêu và công kích bọn con trai không tiếc lời. Cũng như tôi, Lương đang mắc kẹt trong vở kịch mà vai diễn của nó bị trúng đạn ngay từ những màn đầu. Toàn bộ phân cảnh còn lại nó không chịu chết một cách êm ái, mà có ngắc ngoải sống để trả thù tên sát nhân bằng cách bắn vào tim mình. Tội nghiệp cô bạn khờ khạo của tôi!

    Tôi chợt nhớ những câu thơ của Lương: "Trong hồn tôi hoa trái rụng âm thầm. Khu vườn cũ ong thôi về làm tổ" . Thì ra nó không hề "nhìn người khác yêu và tưởng tượng ra" như nó vờ thú nhận. Đó chính là tâm trạng của nó. Cây lá trong hồn nó đã héo, hoa trái đã rụng, ong bướm cũng thôi bay. Chỉ còn sót lại những vần thơ trách phận "Có người ngủ suốt mùa mưa. Tỉnh ra mới biết mình chưa có gì" . Câu thơ mới nhất của Lương sáng nay "Tôi nhớ một người không nhớ tôi. Tôi yêu một kẻ hết yêu rồi" cũng là nó viết cho nó đó thôi.

    Tự nhiên tôi muốn nói với Lương:

    - Về thôi em. Đừng đem đời mình ra làm mồi nhậu nữa! Thằng đó không đáng cho em phải tiêu phí đời mình nhiều đến thế đâu.

    Nhưng tôi đã không có dịp nói với nó. Lương đã gục xuống bàn, ngủ thiếp.

    Ngoài kia, cuộc sống vẫn nhộn nhịp, réo sôi. Xe lên đèn vàng. Xe xuống đèn đỏ.

    ~~~​

    Sáng hôm sau gặp tôi, Lương tỉnh bơ:

    - Hôm qua đi uống vui quá hả chị?

    - Vui con khỉ! Em ghé quán lấy xe chưa?

    Lương cười hì hì:

    - Dạ rồi.

    Hôm qua tôi phải kêu taxi chở Lương về nhà trọ, xong quay lại lấy xe. Chiếc Sirius của Lương định nhờ bảo vệ quán giữ qua đêm.

    Tôi cứ tưởng hôm nay tôi sẽ gặp một bộ thật u sầu với đôi mắt đỏ hoe. Nhưng Lương khiến tôi ngẩn ngơ. Nó chẳng giống chút gì với cô gái ngồi khóc tồ tồ bên bàn ăn tối hôm trước. Mặt nó rạng rỡ như vừa được tăng lương, lại may mắn trúng thưởng một cặp vé đi du lịch Đà Lạt; đã thế chó nhà nó vừa đẻ mười chú cún xinh xắn, bụ bẫm.

    Dáng điệu tươi tỉnh của Lương khiến tôi cứ thấy là lạ. Con bé này, nó luôn làm tôi ngạc nhiên. Tôi không biết Lương có nhớ những gì xảy ra tối hôm trước hay không. Sáng nay nó ghé lấy xe, chắc chắn là nó biết hôm qua nó say lắm. Nhưng nó nói gì, làm gì trong cơn say, cả trò khóc lóc om sòm giữa đám đông nữa, những hình ảnh khó coi đó không biết có còn neo trong đầu nó không. Chỉ thấy gặp tôi, nó toét miệng ra cười như thể tôi mới chính là đứa làm ầm ĩ trong quán.

    Tôi ngậm cả mớ câu hỏi trong miệng nhưng chưa kịp hỏi Lương thì Sâm đã kêu tôi đi công chuyện.

    Sạp cá biển của chị Ký ở chợ Hoàng Hoa Thám hôm nay bất ngờ nghỉ bán. Trước đó một ngày, chồng chị bị xe đụng, rất may không nguy hiểm đến tính mạng. Anh Ký chỉ gãy chân, bó bột nằm nhà. Lâu nay, hằng ngày cứ khoảng sáu, bảy giờ tối là anh chở vợ qua chợ đầu mối Bình Điền bên quận 8 đợi xe tải về để lấy cá. Chợ Bình Điền hoạt động suốt đêm, từ bảy giờ tối đến bốn giờ sáng, phân phối hàng nghìn tấn nông, thủy, hải sản mỗi ngày, giá rẻ hơn các chợ nhỏ. Có lần tôi thắc mắc với Sâm "Sao mình không mua cá ở chợ Bình Điền cho rẻ hả anh?". "Đây là chợ bán sỉ, phải mua số lượng lớn mới được".

    Anh Ký bị tai nạn, không có người chở đi lấy hàng, sạp cá của chị Ký lâm nạn theo, Lúc tôi ghé, chị ngồi bó gối sau chiếc quầy trống trơn, mặt buồn thiu.

    - Ảnh bị ai tông vậy chị? – Tôi hỏi sau khi biết lý do chị đóng cửa quầy.

    - Một ông xe ôm chạy ngược chiều.

    - Ẩu quá vậy! Ổng có bồi thường gì không?

    - Ổng đề nghị trả tiền bệnh viện và thuốc men nhưng chị không nhận. – Chị Ký thở ra – Mấy người chạy xe ôm họ có dư dả gì đâu. Thôi, coi như mình xui đi, em.

    Chị Ký nghỉ bán, Sâm buộc phải tìm người cung cấp mới. Anh dắt chiếc Wave ra, ngó tôi:

    - Để tôi chở cô đi!

    Tôi nhún vai:

    - Em chạy xe em được rồi.

    Tôi từ chối, ngạc nhiên về sự từ chối của mình, ngạc nhiên nhất là tôi thấy mình vọt miệng nhanh đến mức có cảm giác lời từ chối đã nằm sẵn ở đó, ngay trên đầu lưỡi, như mũi tên đã được lắp sẵn vào dây cung, chỉ đợi Sâm rủ là nó bắn ra. Trước đây, tôi từng ngồi trên chiếc Wave của Sâm một lần, lúc dì Ba Được quyết định bỏ nghề sau cơn đột quỵ. Lần đó Sâm chở tôi đi lòng vòng các chợ trong thành phố, cuối cùng chọn chị Ký ở chợ Hoàng Hoa Thám. Ngay từ lần đó, tôi đã thấy không thật thoải mái khi ngồi sau lưng Sâm. Cứ nghĩ đến chuyện anh thường xuyên gọi điện thoại cho Tịnh, cứ vài ba bữa lại rủ Tịnh đi ăn, tôi cảm thấy thật là khó chịu nếu vờ tỏ ra vui vẻ khi ngồi chung xe với Sâm.

    Lần này mọi thứ còn tệ hơn: Tận mắt nhìn Sâm bỏ bê công việc để xuống tận nhà Tịnh ở dưới quê, tình cảnh đó đẩy tôi vào tâm trạng nặng nề y như tâm trạng của kẻ đang dự đám tang của chính mình, cho dù lúc bắt gặp Sâm thập thò trước cổng nhà Tịnh, tôi đã cố ghìm mình, không để cơn ghen tức bùng lên. Tôi đã cố tin tôi đã bỏ được những rối rắm tình cảm lại sau lưng. Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ. Tôi tự thuyết phục tôi rằng giữa tôi và Sâm không hề tồn tại cuộc tình nào, vì một cuộc tình thực sự thì không thể tạo ra từ một phía, cũng như một nụ hôn không thể được thực hiện chỉ bởi một người.

    Lý trí bao giờ cũng thông thái và lạnh lùng. Nhờ lý trí, lúc đó tôi đã điềm tĩnh đưa giỏ cam nhờ Sâm chuyển cho bà Mười Thái. Tôi không xem chuyện chạm mặt Sâm trước cổng nhà Tịnh nghiêm trọng đến mức tôi phải trừng mắt lên với cuộc đời. Nhưng những ngày sau, khi trái tim lên cơn sốt thì lý trí tìm cớ đi vắng. Tôi trở lại là tôi – kẻ suốt đời bất hòa với bản thân. Trái tim tôi đùng đùng phản ứng "Em chạy xe em được rồi".
     
  4. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 13

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sâm hơi nhíu mày khi tôi bất ngờ từ chối đi chung xe với anh. Nhưng anh không thắc mặc, chỉ nhẹ nhàng:

    - Ờ, vậy mỗi người đi một xe.

    Cũng như lần trước, Sâm quần thảo ba, bốn chợ mới chọn được một người thay cho chị Ký. Nhưng lần này Sâm chỉ hỏi mua vài ký cá. Tôi định ninh anh sẽ đề nghị chủ sạp cung cấp cá thường xuyên nhưng rốt cuộc anh không nói gì về chuyện đó.

    Sâm bảo tôi, lúc cả hai đi ra cổng chợ:

    - Mỗi ngày cô chịu khó chạy ra đây mua. Nhớ lựa cá cho kỹ.

    - Sao anh không đặt mua dài hạn như những mối khác, như vậy họ sẽ chọn cá và để dành cho mình mỗi ngày?

    - Mình chỉ mua tạm chỗ này một thời gian thôi. Nếu mình xây dựng mối mới, mình buộc phải bỏ chị Ký.

    Không đợi tôi hỏi tiếp, anh nói luôn:

    - Hồi trước mình chọn chị Ký làm mối lâu dài chẳng qua do dì Ba Được quyết bỏ nghề. Đó là sự thay đổi bắt buộc. Trường hợp này không giống như vậy. Anh Ký sẽ lành, sẽ chở vợ đi lấy hàng và sạp cá chị Ký sẽ bán lại.

    - Biết chừng nào chân anh Ký mới lành?

    - Chắc không lâu đâu. Nhưng dù có lâu, mình vẫn phải đợi. Anh Ký bị xe đụng gãy giò đã xui lắm rồi. Nếu mình không lấy cá chỗ họ nữa, vợ chồng ảnh sẽ xui gấp đôi. Mình đâu nỡ làm vậy. Đã là bạn hàng quen, mình phải nghĩ cho họ chứ không chỉ được việc mình.

    Tôi lại thấy mình là cô học trò nhỏ trước mặt Sâm. Và tôi lại thấy bớt ghét anh một chút. Tôi chuyển qua ghét chính mình. Ghét sự lẫn lộn giữa chuyện tình cảm và chuyện chợ búa. Đã đành là trong công việc, trong giao tiếp với bạn hàng, Sâm có những suy nghĩ và cách ứng xử rất đáng cho tôi học hỏi nhưng khi ứng xử với một người con gái, cụ thể là tôi, Sâm lại giống như một người vô cảm. Anh dường như không biết tôi nghĩ gì và những hành động của anh làm tôi tổn thương ra sao. Từ khi quen Sâm, trái tim tôi giống như chiếc máy bay đi qua vùng thời tiết xấu, không ngừng rung lắc và cuối cùng thay vì hạ cánh xuống đường băng lại đáp xuống ruộng lúa mấp mô lồi lõm. Thế nhưng tôi lại lấy điểm cộng của bên này bù cho điểm trừ của bên kia, như du khách san sẻ đồ đạc giữa hai vali, để tìm cách tha thứ cho anh.

    Tôi hóa ra cũng là một cô gái ngốc nghếch. Giống như Lương.

    ~~~​

    Lương chỉ ngốc trong chuyện yêu đương. Những chuyện khác, nó không ngốc. Nó biết thừa tôi còn nhiều điều muốn hỏi nó.

    Gặp tôi vào hôm sau, nó nói ngay:

    - Quán ăn hôm trước đó, chị.

    - Ờ. Sao?

    - Em đã tới đó một lần. Vừa rồi là lần thứ hai.

    - Chị biết rồi. – Tôi gật đầu – Hôm trước em bảo em thích các món ăn ở đó.

    - Em không dư dả đến mức tự nhiên vào quán đó đâu. – Lương nháy mắt – Có người mời em đi ăn.

    - Ai vậy? Người yêu cũ hả? Tôi hỏi trêu, không ngờ Lương đáp tỉnh rụi:

    - Không. Người yêu mới. Người yêu cũ chỉ đủ sức mời em đi ăn ốc ngoài vỉa hè.

    - Con khỉ con này! - Tôi đập tay lên tay Lương. Người yêu đâu mà làm thế!

    - Cái anh chàng mặc áo pull màu đỏ hay ghé quán mình đó!

    - Ồ, chị nhớ anh chàng đẹp trai đó rồi.

    - Đẹp trai. Con nhà giàu. Đang làm giám đốc công ty.

    Lương giới thiệu một tràng, giống như nó đang gạch đầu dòng trong tờ khai lý lịch. Tôi bắt đầu tin Lương không đùa:

    - Trẻ mà giỏi vậy?

    - Công ty của gia đình.

    - Vậy em sắp thành bà giám đốc rồi.

    Lương nhún vai:

    - Nhưng em không yêu anh chàng đó, chỉ xem ảnh là bạn. Em chỉ yêu thằng người yêu tệ bạc của em.

    Lương triết lý:

    - Tình yêu là câu chuyện giữa hai trái tim chứ không phải giữa hai cái ví.

    Rồi nó thản nhiên đọc thơ minh họa:

    Tuy anh A thích chị B

    Chị B lại thích anh C mất rồi.

    Khi tỉnh, Lương trở lại là nó, vui vẻ, nghịch ngợm. Nó nói về chuyện tình của mình như nói về chuyện tình của người khác. Nó cũng quên rằng hôm trước nó từng hùng hồn "Yêu đương mất thì giờ!".

    Tôi cười:

    - Đó là lý do em chỉ nhận lời đi ăn với anh chàng đó có mỗi một lần?

    - Dạ. Em không muốn ảnh hiểu lầm. Em cũng nói thẳng với ảnh rồi: "Em chỉ xem anh là bạn".

    - Thế ảnh nói sao?

    - Ảnh bảo "Vậy là tốt rồi. Làm bạn dù sao cũng còn cơ hội. Anh chỉ sợ em xem anh là kẻ thù".

    Anh chàng đó vẫn kiên trì theo đuổi Lương mấy tháng nay. Những ngày Tết, ngày lễ Tình yêu, ngày Quốc tế Phụ nữ, phòng trọ của Lương ngập trong hoa và quà. Lương nhăn nhó:

    - Mấy ngày đó phòng em giống như bị bỏ bom. Sắp tới chắc em phải đào hầm trú ẩn.

    Tôi có gặp anh-chàng-pull-đỏ này vài lần ở quán. Anh ta hay ngồi ở khu A, bàn số 13, ngay trước quầy thu ngân. Đó là khu vực Lương phụ trách. Dạo này, tôi ít thấy anh ta ghé, không biết có phải vì thái độ hờ hững của Lương.

    Tôi tò mò nhìn Lương:

    - Em đã đỡ buồn chưa?

    - Em có buồn gì đâu.

    - Chứ hôm trước ai đòi "Lấy mình ra nhậu suốt ngày đi Lương" ?

    Lương cười hì hì:

    - Chắc lúc đó em đang thèm uống bia.

    Một trong những chức năng của nụ cười là che giấu những giọt nước mắt. Tôi nhìn miệng cười tươi tắn của Lương, đoán nó đang cố khỏa lấp nỗi buồn, chắc vậy.

    - Còn chị thì sao? – Tới lượt Lương hỏi tôi.

    - Sao là sao?

    - Chị đã đỡ buồn chưa?

    - Chị có buồn gì đâu.

    Tôi nhại lại câu trả lời của Lương, và bắt chước nó nhoẻn miệng cười. Mà sao vẫn thấy miệng đắng nghét.

    Ba ngày sau, Tịnh lên.

    Mái tóc xoăn cài băng-đô vàng chanh, đẹp thấy ghét. Tôi ngắm nó, thử đặt mình vào vị trí của Sâm. Nếu là Sâm, tôi sẽ thích điểm gì ở Tịnh? Tôi sẽ nhìn vào đâu đầu tiên: Mái tóc bềnh bồng, đôi mắt long lanh hay đôi môi đỏ thắm lúc nào cũng hơi trề ra nũng nịu như trẻ con.

    Tôi nhớ câu nói của Tịnh mấy hôm trước "Có nhiều chuyện vui lắm, hôm nào lên Sài Gòn, em kể cho chị nghe" nhưng tôi cố dằn lòng. Tôi không muốn là người gợi chuyện trước.

    - Mẹ đã đỡ chưa em? – Tôi hỏi.

    - Dạ, cảm ơn chị. Mẹ em khỏe hẳn rồi.

    Tịnh đáp, vừa lui cui lục lọi ba lô lôi thức ăn gia đình tiếp tế bày ra chiếc bàn dài dọc tường. Có vẻ như nó chẳng nhớ gì đến chuyện Sâm về quê thăm mẹ nó, chính xác là thăm nó.

    Tôi vẫn ngồi co chân lên giường đợi Tịnh nhớ ra. Quạt máy trên tường quay vù vù nhưng tôi vẫn thấy nóng bức, một phần vì hồi hộp, một phần vì tôi mặc chiếc áo mới vải còn cứng. Có lúc tôi bắt gặp mình khó chịu với chiếc áo, mặc dù tôi biết thật ra tôi đang bực mình vì phải ngóc cổ hóng nghe chuyện của Tịnh nhưng nó lại làm như bị mất trí nhớ đột xuất.

    Trong khi tôi sắp sửa mất kiên nhẫn thì điện thoại của Tịnh đột ngột đổ chuông.

    - A lô.. Dạ, em mới lên tức thì.. Mẹ em khỏe rồi, anh.. Ba em cũng khỏe ạ.. Dạ, mai mốt gặp lại anh há.

    Tịnh cúp máy, quay sang tôi:

    - Anh Sâm gọi.

    - À, – Tôi hỏi, ra vẻ nhân tiện – hôm trước anh Sâm ghé chơi nhà em lâu không?

    - Dạ không lâu lắm. Mẹ em mời ảnh ở lại ăn cơm nhưng ảnh bảo phải về lo công chuyện.

    Tịnh khoe:

    - Mới gặp lần đầu mà ảnh có vẻ rất quý mẹ em. Ảnh cứ quấn quýt mẹ em nói chuyện suốt. Mẹ em cũng rất mến ảnh. Mẹ bảo không hiểu sao mới gặp ảnh lần đầu mà mẹ rất có cảm tình.

    - Thế còn ba em?

    - Ba em cũng mến ảnh. Chỉ thắc mắc mỗi chuyện: Thằng đó nó mắc bệnh gì mà chiếc nón lúc nào cũng thùm thụp trên đầu.

    Tôi không quan tâm đến chiếc nón của Sâm lắm, mặc dù nó cũng rất đáng quan tâm vì hôm đó là lần đầu tiên tôi thấy Sâm đội một chiếc nón không phải là nón bảo hiểm. Tuy nhiên có chuyện đáng để tôi tò mò hơn:

    - Có ai hỏi gì về mối quan hệ giữa em và anh Sâm không?

    - Có. – Tịnh cười – Khi ảnh về rồi, mẹ em hỏi em đủ thứ. Nào anh đó là ai, làm nghề gì. Em quen ảnh bao lâu rồi, quen trong trường hợp nào. Hic, em trả lời phát mệt.

    Tôi định hỏi tiếp "Chắc mẹ em đã biết anh Sâm là bạn trai của em?" nhưng cuối cùng tôi đã không hỏi. Chỉ vì tôi sợ phải nghe câu trả lời. Chẳng thà nghi Sâm và Tịnh yêu nhau còn hơn là nghe chính Tịnh xác nhận chuyện đó. Tôi biết những ngày qua tôi đang cố tỏ ra mạnh mẽ, nhưng tôi cũng biết chỉ những người yếu đuối mới cố tỏ ra mạnh mẽ. Tôi biết trái tim tôi cần gắn một cái ổn áp mới có thể giữ bình tĩnh khi đón nhận sự thật phũ phàng đó.

    Tịnh không biết tôi đang lo lắng. Nó tiếp tục bằng giọng vui vẻ:

    - Bữa đó mẹ em tra hỏi em quá trời.

    Tôi nín thở:

    - Tra hỏi chuyện gì?

    - Mẹ hỏi giữa em và anh Sâm có gì không?

    - Em trả lời sao? – Tôi hỏi, cố tỏ ra không hấp tấp nhưng vẫn nghe giọng nghẹn lại.

    - Em trả lời là không có gì . Nhưng mẹ em không tin. Mẹ bảo "Không có gì sao nó xuống tận đây thăm mày?". Em cãi "Ảnh xuống thăm mẹ chứ đâu phải thăm con".

    Tịnh nói, tay vuốt tóc một cách tự nhiên nhưng tôi lại thấy động tác của nó duyên dáng hơn mức cần thiết – lúc nào tôi cũng cảm thấy thế, từ ngày Tịnh quen Sâm.

    Tôi không biết những lời Tịnh nói có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Giữa người nam và người nữ khoảng cách giữa có gìkhông có gì rất mong manh, đặc biệt trong trường hợp thân thiết như Sâm và Tịnh. Tôi từng nghe ai đó bảo: Khi người con gái nói "không", nghĩa là "có thể". Tôi là con gái và tôi thấy nhận xét đó không phải là cách nói cường điệu.

    Trong khi Tịnh vào phòng tắm, tôi vẫn ngồi thừ ra với những câu hỏi chập chờn trong đầu. Thật ra tình cảm Sâm dành cho Tịnh đã quá rõ ràng nhưng tôi cứ muốn nhốt mình trong ảo giác. Phải chăng để tâm hồn được bình yên đôi khi con người ta phải tự đánh lừa mình?

    Tiếng Tịnh vọng ra từ bên kia cánh cửa gỗ:

    - À, khi mẹ em hỏi anh Sâm tên gì, ảnh bảo ảnh tên Lâm. Lúc đưa ảnh ra cổng, em thắc mắc thì mới biết ba ảnh đặt ảnh tên Lâm nhưng khi làm giấy tờ hộ tịch người ta ghi lộn thành Sâm. Chị thấy có ngộ không?

    - Vậy hả em?

    Tôi thờ ơ đáp. Sâm hay Lâm đối với tôi lúc này không còn quan trọng nữa. Một khi Sâm đã trượt khỏi đời tôi thì anh mang tên gì cũng vậy thôi. Giống như con cáo bất lực trong truyện ngụ ngôn La Fontaine, tôi đã chấp nhận từ bỏ chùm nho mơ ước. Tôi không tự an ủi "nho còn xanh quá" nhưng xét về hoàn cảnh tôi và con cáo kia đều mang về tội nghiệp như nhau.

    Bất giác tôi lúc lắc đầu, thở một hơi dài và cầm điện thoại lên xem ngày. Cái hẹn một tháng với mẹ tôi đã gần kề.
     
  5. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 14

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khách nam lại đến quán. Như thường lệ, ông ập vào như cơn lốc.

    - Rồi, rồi! Chú và cô quyết định rồi! – Khách hét lên đầy hứng khởi, mặt rạng ra, trông ông giống như giám đốc công ty chuẩn bị công bố quyết định tăng lương cho nhân viên.

    Lương đứng ngay cửa, toét miệng cười:

    - Chuyện đám cưới hả chú?

    Khách trợn mắt:

    - Lúc này có chuyện gì quan trọng hơn chuyện đám cưới nữa đâu, con.

    - Rốt lại cô chú định tổ chức ở đâu?

    - Dĩ nhiên không thể tổ chức ở quán tụi con rồi – Khách nheo mắt ngó Lương – Con nói đúng. Tổ chức ở quán, tụi con đâu có ngồi yên một chỗ để dự đám cưới cô chú được, đúng không?

    - Vậy chắc chú tổ chức ở nhà hàng năm sao?

    - Ngàn sao luôn! – Khách khoa tay, rồi vui vẻ giải thích – Chú sẽ tổ chức ở ngoài trời.

    Nói xong, khách lấy từ trong túi xách một xấp thiệp mời, đưa Sâm:

    - Con phát cho mấy đứa giùm chú.

    Rồi nghiêm giọng dặn:

    - Ê, mà cấm tụi con đi quà cáp, tiền bạc gì nghe chưa. Tụi con là sinh viên, làm gì có tiền.

    Khách giơ ngón tay trỏ, hăm dọa:

    - Đứa nào đi phong bì, hôm sau chú ghé quán trả lại đó.

    Khách lật đật đi ra, cũng chớp nhoáng như khi đi vô.

    Tôi đọc thiệp mời, thấy đám cưới tổ chức ở khu du lịch Cỏ Xanh bên Nhà Bè.

    Chủ nhật đó, quán chỉ mở cửa buổi sáng. Trưa, Sâm treo bảng nghỉ bán cho mọi người ở nhà sửa soạn để buổi chiều đi đám cưới.

    Khu du lịch Cỏ Xanh nằm trên một bãi cỏ rộng mênh mông, có hai nhà hàng lớn nằm cạnh hồ sen. Lúc bọn tôi tới, nhà hàng bên trái đang treo đèn kết hoa, tiếng nhạc xập xình, tấm bảng "Lễ thành hôn" đỏ tươi nằm vắt ngang cổng chào.

    Nhưng đó không phải là đám cưới của đôi thực khách quen. Cả bọn tẽn tò kéo qua nhà hàng bên

    Phải, thấy bên trong khách nhậu ngồi san sát, cười nói ồn ào. Tiếng cụng ly chan chát, tiếng "dzô, dzô" chói tai cho biết đây cũng không phải là nơi chúng tôi định đến.

    Trong khi cả bọn đang dáo dác nhìn quanh, khách nam từ xa chạy tới, hổn hển:

    - Nè, nè, mấy đứa! Nãy giờ tụi con đi đâu vậy?

    Khách mặc áo vét, cài nơ đỏ trước ngực áo, nhìn lạ hoắc.

    - Tụi con đang đi tìm.

    - Ở đâu đây mà tìm. - Khách ngoắt tay - Đi theo chú.

    Lương nhìn chú rể ăn mặc trịnh trọng kéo một đám thanh niên lóc chóc rối rít khua chân trên cỏ, ghê tai tôi tủm tỉm:

    - Giống đang đuổi bắt gà quá hả, chị.

    Giữa bãi cỏ rộng mọc lên một cái quán giống hệt cái quán của bọn tôi. Quán dựng bằng vật liệu nhẹ nhưng trang hoàng rất đẹp. Cũng có khu A, khu B với hai căn gác nhỏ phía trên. Phía trước cũng có hai chậu cau kiểng kê hai bên lối vào. Dàn huỳnh anh vàng quấn quít trên lan can, hoa lá rũ lòa xòa, quẹt cả vào tóc vào áo khách.

    - Thấy chưa, mấy đứa! – Khách đắc ý – Có khác gì đang tổ chức ở quán của tụi con đâu.

    Đến khi ngồi vào bàn, tôi lại tiếp tục há hốc miệng Các món đãi khách trong tiệc hóa ra cũng toàn những món ở quán bọn tôi.

    - Bó tay chú này luôn! - Sâm dựng mắt, sửng sốt – Hèn gì hồi sáng thấy có người đặt món quá trời. Mình cứ tưởng hôm nay có khách đại tiệc công ty.

    Sự ngạc nhiên cô dâu chú rể tạo ra không dừng lại ở đó.

    Cả bọn đang ăn, bỗng giật nảy mình khi nghe chú rể kêu lớn.

    - Lương, lấy thêm chén đũa cho bàn này đi con!

    Trong khi bọn tôi ngơ ngác nhìn nhau, Lương nhấp nhổm định đứng lên.

    - Ngồi xuống đi, cô! – Sâm vọt miệng càn – Không phải chú kêu cô đâu.

    Qua thật khách nam không kêu Lương. Từ chỗ quầy phục vụ, một cô bé tóc đuôi gà mặc đồ tiếp viên nhanh nhẹn bước tới chỗ cô dâu chú rể đứng với chén đũa trên tay.

    Suốt buổi, cả hai nắm tay nhau đi lòng vòng các bàn tiệc, tươi cười chụp hình kỷ niệm. Chốc chốc lại kêu ầm:

    - Sâm ơi, đem thùng bia lại đây!

    Cô dâu chú rể đi một vòng, tên tuổi bọn tôi bị chú lôi ra hầu như không sót đứa nào. Thì ra chú không chỉ thuê chỗ xây sảnh cưới giống quán, đãi các món ăn của quân mà tên các tiếp viên chú cũng đạt theo tên của mấy đứa trong quán luôn.

    Cuối cùng, cả hai bước đến bàn bọn tôi.

    Chú rể hớn hở:

    - Thấy chú sáng tạo không, tụi con?

    - Sáng tạo lắm, chú - Lương nhanh nhảu – Chú làm tụi con ngồi ăn mà cứ giật mình thon thót.

    - Con nhỏ này – Khách cười hì hì – Con đừng có ghen tị với sự thông minh của chú chứ!

    Khách nữ ngoài đầu nhìn cô bé tóc đuổi gà đang bưng mâm bánh đứng sau lưng:

    - Đưa bánh cho cô đi, Lương.

    Cô dâu đặt xuống trước mặt mỗi đứa một chiếc hộp vuông màu sắc trang nhã:

    - Bánh may mắn. Tụi con đem về làm kỷ niệm.

    Chiếc hộp đẹp đẽ đó, tôi về nhà mở ra, thấy bên trong là chiếc bánh ít lá gai. Cũng là bánh của quán.

    Chưa bao giờ tôi dự một đám cưới lạ lùng như thế. Hôm đó, cả bọn cười đùa vui vẻ nhưng tôi biết trong lòng đứa nào cũng cảm động.

    Lương nói với tôi:

    - Sau này em sẽ làm đám cưới giống như cô chú. Thuê một bãi cỏ, dựng một cái quán đặt những món ăn và cao giọng quát "Khuê, cho thêm chén đũa bàn này đi, chị." Thật là sung sướng!

    - Sung sướng nè!

    Vừa nói tôi vừa véo Lương khiến nó là oai oái và nhanh chân vọt tuốt ra xa.

    Đôi vợ chồng nọ - bây giờ thì có thể gọi họ là vợ chồng, có lẽ nằm trong số ít người biết cách làm cho cuộc sống của mình thêm giàu có. Trong mắt họ, cuộc đời lúc nào cũng đẹp, gần như không có tạp chất kể cả khi họ chia tay, hoặc nếu có như không thể không có thì họ cũng biết gạn lọc và giảm nó xuống mức thấp nhất.

    Bất giác tôi thèm được như họ. Tôi không muốn đời sống tinh thần của mình lúc nào cũng bị vây bọc và nhấn chìm trong sự hỗn loạn. Nghe lời ba mẹ trong trường hợp của tôi có lẽ là một quyết định không tồi. Đâu phải chuyện gì ở đời cũng có được chọn lựa đúng. Chỉ gần đúng thôi đã tốt lắm rồi. Tôi nhớ lời Lương nói "Yêu đương mất thì giờ. Mà con gái tụi mình thì không có nhiều thì giờ để mất". Lương nói đúng, tôi đã mất quá nhiều thì giờ vào những tháng ngày mộng mị. Một thời gian dài trái tim tôi giống như hạt thóc ngủ quên trên cánh đồng khô hạn, chờ tình yêu nảy mầm trong vô vọng.

    Mẹ tôi lại gọi điện lên:

    - Còn ba ngày nữa thôi đó, con.

    - Dạ.

    - Con phải về đó nghe.

    - Dạ.

    "Dạ" xong, tôi chợt hoang mang:

    - Ủa, nhưng về làm gì hả mẹ?

    - Cái con này! Về để đàng trai coi mắt chứ để làm gì! Con bảo mười mấy năm nay con không gặp thằng Sẹo, không biết mặt mũi nó tròn méo ra sao. Đây chính là dịp để con gặp lại nó.

    - Nếu sau khi gặp thằng Sẹo, con không đồng ý lấy nó thì có được không?

    - Con đừng có nói chuyện trẻ con! – Mẹ tôi có vẻ giận.

    - Không được! – Tôi cương quyết – Ba mẹ phải cho con quyền quyết định, con mới về.

    Nghe tôi dọa, mẹ tôi đành nhượng bộ:

    - Thôi được, tới lúc đó rồi tính.

    Sau khi chứng kiến những gì xảy ra giữa Sâm và Tịnh, tôi đã quyết tâm nghe lời ba mẹ. Nhưng khi ngày đó đến gần, tôi đâm ra ngần ngừ, sợ hãi. Thậm chí có lúc tôi bắt quả tang mình đang nghĩ đến chuyện chạy trốn. Nhưng ba mẹ tôi đã lỡ ấn định ngày gặp mặt với bên nhà ông Bảy Sớm rồi. Ba mẹ tôi đã tin tôi, tôi không thể biến ba mẹ tôi thành những người thất tín. Tôi chỉ biết tự trấn an: Không sao, đằng nào sau lưng tôi vẫn còn đường lùi! Đồng ý gặp thằng Sẹo đâu có nghĩa là đồng ý lấy nó!

    Nhưng tôi rất ghét chuyện coi mắt .

    - Mẹ ơi, hôm đó chỉ gặp nhau cho vui thôi nha, không có coi mắt coi miếc gì hết á. Con không thích!

    - Được rồi. Mẹ sẽ làm một bữa cơm, mời họ qua ăn thôi.

    Mẹ tôi lại chiều ý tôi. Tất nhiên tôi biết thừa sở dĩ hôm nay mẹ tôi dễ dãi như vậy chẳng qua dù tôi có vùng vằng cỡ nào, mẹ tôi vẫn là người chiến thắng. Mẹ chỉ cần tôi về quê. Mẹ cần tôi ngồi lại với gia đình thằng Sẹo. Mẹ tôi chỉ cần có vậy. Coi mắt hay không coi mắt thì bản chất cuộc gặp gỡ cũng không thay đổi. Tôi biết sau đó mẹ tôi sẽ bằng mọi cách thuyết phục tôi gật đầu với lời dạm hỏi của ông Bảy Sớm nếu lúc đó đầu tôi chỉ muốn lắc. Tôi biết, tôi biết và tôi biết.. Và tôi cảm thấy mệt mỏi vì cái sự biết đó, nửa muốn phản kháng đến cùng nửa muốn liều nhắm mắt đưa chân để xem rốt cuộc tôi sẽ trôi đến đâu trong dòng xoáy của cuộc đời này.
     
  6. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 15

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi nói với Lương:

    - Ngày mai chị về quê, có đàng trai tới coi mắt.

    Tôi rất ghét từ coi mắt nhưng không nghĩ ra từ nào dễ hiểu hơn.

    - Thật hả chị?

    - Thật.

    - Anh chàng học chung hồi tiểu học hả?

    - Ờ.

    - Vậy chị sắp lên xe hoa rồi. Chúc mừng chị nha.

    - Từ từ hay chúc.

    - Sao vậy?

    - Chắc gì chị đã đồng ý lấy thằng đó, à quên, anh đó.

    Sẹo có thể trở thành chồng tôi, có thể không. Nhưng ngay từ giây phút này, tôi cảm thấy thật là sỗ sàng nếu tiếp tục gọi người con trai sắp có cuộc gặp gỡ quan trọng trong đời tôi là "thằng".

    - Lấy đi chị! Em hứa trong đám cưới chị, em sẽ cho chị bắt nạt em.

    - Bắt nạt á.

    - Dạ. Hôm đó chị tha hồ hét "Lấy cho bàn này mấy trái ớt đi, Lương!". Thậm chí "Lương, toa lét chỗ nào vậy, dẫn chị đi gấp! Chị nhịn hết nổi rồi!".

    Lương làm tôi không nhịn được cười. Tôi nhìn đăm đăm vào gương mặt tươi hơn hớn của nó, nheo mắt:

    - Bữa nay em có chuyện gì vui hả?

    - Dạ.

    - Chuyện gì vậy?

    - Giống như chị vậy đó. Em sắp đi lấy chồng.

    Tôi bĩu môi:

    - Còn lâu!

    - Ờ, có thể là còn lâu, nhưng em đã biết em sẽ lấy ai rồi.

    - Anh chàng giám-đốc-công-ty-đẹp-trai-con-nhà-giàu hả?

    - Không. Em sẽ lấy thằng người yêu nghèo rớt mồng tơi của em.

    Tôi tướng Lương nói đùa. Nhưng thái độ của Lương đang cho thấy điều ngược lại. Tia nhìn tôi rọi quanh mặt nó:

    - Tụi em quay lại với nhau rồi hả?

    - Dạ.

    Lương nhìn lên trời:

    Xưa anh dứt áo ra đi

    Nay anh quay lại chắc vì mỏi chân

    - Thôi, đừng đọc thơ nữa. Thơ gì cà rỡn quá.

    Tôi lay tay Lương:

    - Kể chị nghe đi. Hai đứa em gặp lại nhau hồi nào vậy?

    - Hôm qua.

    - Hôm qua?

    - Ờ. Gặp ngay tại quán ăn hôm trước em ngồi với chị.

    - Tuyệt quá! Người nào chủ động mời? Em hay người yêu em?

    Lương nheo mắt:

    - Anh chàng áo pull đỏ mời.

    - Đừng giỡn!

    - Em đâu có giỡn. Hôm qua áo pull đỏ mời em. Em đã định từ chối nhưng ảnh bảo đây là bữa ăn cuối cùng. Ăn để chia tay.

    - Chia tay là sao?

    - Ảnh bảo là ảnh sẽ không quấy rầy em nữa.

    Lương nhí nhảnh:

    - Em đã định từ chối, nghe vậy em gật đầu ngay. Cảm giác giống như tù nhân được tòa tuyên bố phóng thích. Phải ăn mừng chứ.

    Theo lời Lương, cả hai đến quán, ngồi một lát bỗng thấy anh chàng người yêu cũ lù lù đi vô. Cũng áo pull. Màu xanh.

    "Có chuyện rồi!", Lương nhủ bụng, chưa biết phản ứng thế nào, áo pull xanh đã kéo chiếc ghế cạnh áo pull đỏ, dè dặt ngồi xuống

    - Sao anh lại ở đây? – Lương cau mày hỏi người mới đến, giọng sửng sốt như hồi một người trước giờ vẫn sống trên mặt trăng.

    Áo pull đỏ trả lời thay:

    - Anh mời. Tụi anh là bạn.

    Trước về mặt ngơ ngác của Lương, áo pull đỏ chìa tay bắt tay áo pull xanh:

    - Chúc mừng!

    Áo pull xanh lấm lét nhìn Lương:

    - Em khỏe không?

    Lương cáu:

    - Không! Em sắp chết rồi!

    - Bình tĩnh đi em! – Áo pull đỏ mỉm cười với Lương - Anh trả người yêu lại cho em đó.

    Nói xong, anh ta đột ngột đứng dậy:

    - Hai người chia nhau trả tiền bữa ăn hôm nay đi nha. Anh thua cuộc rồi. Biến đây!

    Lương nhìn theo áo pull đỏ, lẩm bẩm:

    - Đồ trùm sò!

    Tôi vẫn chưa hiểu hết những lắt léo bên trong câu chuyện này. Cứ như thể Lương đang nói tiếng Ả Rập.

    - Chị đang có vấn đề về nghe hiểu. – Tôi nhăn nhó. – Nói tiếng Việt đi em.

    Hóa ra hai người đó là bạn bè thật. Nhưng áo pull đỏ không biết Lương là người yêu của bạn mình. Anh thích Lương, sau một lần đến quán. Anh thích thái độ phục vụ thân thiện, chu đáo của Lương. Thích ở Lương tính tình vui vẻ, bặt thiệp. Thích nghị lực và tính lạc quan của cô sinh viên nghèo khổ. Thích cả mái tóc học trò của cô bé nữa. Nói tóm lại là thích tất tần tật.

    Áo pull đỏ hớn hở về khoe áo pull xanh:

    - Tao yêu mất rồi, mày ạ.

    - Yêu ai?

    Áo pull đỏ kể chuyện gặp Lương ở quán. Chỉ nghe vài câu, áo pull xanh biết ngay bạn mình đang nói đến ai.

    Anh đã định gầm gừ "Tránh xa cô ấy ra. Người yêu của tao đó, thằng ngu!" nhưng đến phút chót áo pull xanh đâm ngần ngừ. Lâu nay anh vẫn cảm thấy anh chưa làm được gì cho Lương. Anh học trường nhạc, khoa ghi-ta. Ra trường hơn một năm rồi vẫn chưa có việc làm và thu nhập ổn định. Chủ nhật hằng tuần, anh và đứa bạn thân cùng khoa chơi song tấu ghi-ta cho một nhà hàng từ mười hai giờ trưa đến ba giờ chiều, tiền bạc chẳng bao nhiêu. Anh lo cho mình còn không xong, huống gì lo cho người khác. Chuyện lấy vợ càng xa tít tắp. Nhiều lúc anh cũng chẳng biết anh và Lương sẽ đi được bao xa trong cuộc tình này. Chưa kể nếu lấy nhau, viễn ảnh nửa này sẽ trở thành gánh nặng cho nửa kia, thậm chí làm nghèo thêm cho nửa kia là khả năng rất cao. Ngược lại với anh, áo pull đỏ có thừa điều kiện để bảo bọc và đem lại cuộc sống đầy đủ cho Lương.

    - Mày nói nghiêm túc đó hả? – Áo pull xanh lừ mắt nhìn bạn.

    - Nghiêm túc chuyện gì?

    - Tình cảm của mày với cô gái kia.

    - Tao tin là nghiêm túc. Tao chưa từng gặp ai thu hút tao ngay từ lần gặp đầu tiên như thế.

    Áo pull đỏ áp tay lên ngực:

    - Trái tim tạo lỗi nhịp mấy hôm nay.

    - Vậy tiến tới đi! Cơ hội thường chỉ đến một lần, đừng bỏ lỡ.

    Lương không biết những gì diễn ra sau lưng minh. Nó không hiểu vì sao bạn trai nó thình lình tuyên bố chia tay. Trước đó, không hề có một cuộc cãi vã, thậm chí không cả giận hờn. Vậy mà đùng một cái, đường ai nấy đi. Đơn giản như một phép trừ.

    Lương yêu văn chương, dám bỏ một năm đại học để thi lại vào ngành mình thích. Tuy vậy Lương chưa bao giờ thử làm thơ. Nhưng từ hôm đó nó trở thành thi sĩ.

    Một ngày, nó nghe nỗi đau trong lòng mình cất tiếng:

    Con chim xanh biếc

    Đậu hờ trên tay

    Yêu anh đến thế

    Mà thành mây bay..

    Một ngày khác, nó nhận ra nó không còn tin vào tình yêu nữa:

    Lẫn trong tình yêu một chút gì tính toán

    Lẫn trong vàng một sắc đồng pha

    Lẫn trong thủy chung một hạt mầm phản bội

    Trong trăng non người lẫn chút trăng tà.

    Nó đọc truyện của Luis Sepúlveda, truyện vui như thế nó chỉ toàn thấy buồn:

    Con mèo dạy hải âu bay

    Đời dạy phân ly những dấu giày

    Mùa thu về nấp trong hương cốm

    Đêm nằm nghe lá khóc thơ ngây.

    Nó khóc trong nhiều ngày, nhỏ Lương thơ ngây và mỏng manh như lá đó, và thơ nó còn khổ hơn nó gấp bội:

    Gặp nhau bất chợt

    Xa nhau bất ngờ

    Yêu như oán giận

    Khổ vào trong thơ.

    Sau buổi tối "vắt chân lên ghế Lương ngồi", Lương thú nhận với tôi khi trút hết nỗi khổ vào trong thơ, nó thấy nhẹ nhõm hẳn. Rồi nó nhe răng cười: "Điều may mắn của cuộc đời là thất bại trong tình yêu đôi khi dẫn đến thành công trong nghệ thuật" và tôi lập tức tán thành dù tôi không biết nó nói thật, nó tự an ủi hay nó tự chế giễu chính mình.

    Nhưng tôi biết nhờ vậy mà nó không suy sụp như những đứa con gái khác. Tôi chẳng may rơi vào hoàn cảnh như nó, hậu quả sẽ đến nhãn tiền: Nếu tôi không sút mười ký vì biếng ăn thì sẽ tăng mười lăm ký vì không thể ngừng ăn để khỏa lấp cõi lòng trống rỗng.

    Hôm tái ngộ người yêu cũ, Lương cũng chẳng buồn ăn, không phải vì suy sụp mà vì nó đang có nhiều thứ trong đầu đến nỗi nó không biết nên hỏi chuyện gì trước.

    Đợi áo pull đỏ đi khuất, Lương gác đũa, đặt cái nhìn sắc lạnh lên mặt người đối diện, gọn lỏn:

    - Chuyện gì vậy?

    Áo pull xanh ngập ngừng kể. Nghe đến đâu, mặt Lương méo xệch đến đó. Nó không ngờ cuộc chia tay vẫn khiến nó thắc mắc lâu nay lại bắt nguồn từ một nguyên nhân lãng òm như vậy.

    Cách đây hai ngày, áo pull đỏ than thở với áo pull xanh:

    - Tao quyết định rút lui, mày ạ. Tao đã làm mọi cách nhưng không ăn thua.

    - Mày không tin vào câu "có công mài sắt nên kim" à?

    - Trước đây thì tao tin – Áo pull đỏ vuốt tóc – Nhưng đến bây giờ thì tạo ngờ rằng khi sáng tác cái câu tục ngũ đó ông bà chỉ có mục đích dạy con cháu làm một cây kim thôi. Trái tim con người ta không phải là cục sắt.

    - Ông bà không nói sai. – Áo pull xanh nhè nhẹ thở ra – Chẳng qua cô ấy có người yêu rồi.

    - Sao mày biết?

    Áo pull xanh dốc bầu tâm sự. Và điều duy nhất áo pull đỏ có thể làm sau khi biết rõ ngọn ngành là nhảy bắn lên như nút chai sâm banh:

    - Thằng khùng! Máu mày có dồn lên não không vậy hả?

    Áo pull đỏ đấm tay vào không khí:

    - Ngày mai tao sẽ hẹn với Lương. Chiều ngày mốt, mày phái tới gặp và xin lỗi cô ấy.

    Lương nói với tôi:

    - Vậy đó!

    Tôi không biết mình nên khóc hay nên cười, vì tôi không chắc câu chuyện tình của bạn tôi là bi kịch hay hài kịch. Nhưng tôi tin vở kịch đó rốt cuộc đã thay đổi theo chiều hướng tốt với Lương. Cũng những vai diễn đó, nhưng kịch bản bây giờ đã khác. Nhạc nền cũng chuyển qua giai điệu mới rồi. Tươi vui hơn.

    Bất giác tôi nghĩ đến vở kịch của đời mình. Hai ngày nữa tôi sẽ gặp người con trai mà ba mẹ tôi đã lựa chọn cho tôi. Hôm đó sẽ không có đèn follow chiếu xuống, không có tiếng đàn sáo cất lên nhưng tấm màn nhung sẽ mở cho tôi bước ra sân khấu cuộc đời, đứng đối diện với người hoặc sẽ trở thành chồng tôi hoặc mãi mãi chỉ là người xa lạ.

    Hôm đó tôi sẽ bước về phía thằng Sẹo với bông hồng trên tay hay với con dao giấu trong tay áo, tôi không thể nào biết được. Coi chừng nghe, Sẹo!
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng một 2022
  7. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 16

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Buổi sáng tôi đi một vòng các chợ.

    - Ngày mai con nghỉ, anh Sâm sẽ đi lấy thịt heo giùm con nghe, cô Mười.

    - Mai em vô quê, chị Điệp. Cá tràu chị cứ để đó, anh Sâm sẽ ghé lấy.

    Chị Dần chọc tôi:

    - Về quê lấy chồng hả em?

    Tôi cười:

    - Chắc vậy đó, chị.

    Tối, tôi tạm biệt Tịnh:

    - Mai chị đi sớm, vài bữa chị lên.

    Tịnh nhắc:

    - Chị nhớ lên sớm. Còn đi thử việc nữa.

    Tôi quên mất chuyện đó. Cách đây vài hôm tôi khoe Tịnh thư tiếp nhận thử việc của một công ty ở khu chế xuất Tân Thuận. Họ muốn nhận tôi làm kế toán kho bãi theo dõi hàng. Đây là lá thư tôi chờ đợi từ lâu và không nghĩ sẽ có ngày tôi nhận được nó. Nhưng khi cầm lá thư trên tay, lòng tôi lại chẳng gợn chút vui mừng. Nếu thư hồi âm đến cách đây vài tháng, hẳn tôi đã nhảy cẫng lên và hét vang nhà. Nhưng từ lúc tôi nộp đơn đến khi nhận được giấy báo, thời gian trôi qua quá lâu đã bào mòn nỗi háo hức trong tôi.

    Đã thế, thư đến ngay vào lúc tôi không muốn rời bỏ chỗ làm hiện nay. Cứ mỗi ngày trôi qua, cái công việc ngỡ chỉ là tạm thời càng hấp dẫn tôi và tôi tin nếu dùng để chuyện tình cảm rối rắm xen vào thì tôi thật sự yêu thích công việc này. "Ẩm thực không chỉ là nhu cầu tự nhiên, còn là nghệ thuật, thậm chỉ là văn hóa. Người ta vẫn gọi văn hóa ẩm thực đó thôi". Có lần Sâm nói với tôi như vậy và tôi ngờ rằng anh cố tình đề cao chuyện ăn uống bằng cách nói quá lên. Gần đây tôi đọc được bài viết của giáo sư Trần Văn Khê, đại ý "Người Việt thường ăn bằng cả ngũ quan: Thị giác, xúc giác, khứu giác, vị giác, thính giác. Đã ăn thì mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn". Ông còn bảo "Người Việt ăn một cách dân chủ. Tất cả món ăn đều dọn sẵn lên bàn cùng một lúc. Các thực khách quây quần bên mâm cơm, ai thích ăn gì gắp nấy. Muốn ăn ít hay tùy ý, không bị 'ép' phải ăn một mình không thích. Nó khác với kiểu bưng lên từng món như ở các nước khác. Từ khi tình cờ đọc được những nhận xét thú vị này, tôi bắt đầu nghĩ ngợi một cách nghiêm túc về những điều Sâm nói.

    Sâm không chỉ nói. Một ngày, anh bảo tôi" Tuần sau cô không cần đi chợ nữa. Cơ sở làm việc trong nhà bếp ". Tôi ngơ ngác" Em có sai sót gì hả anh? "Sâm lúc đầu" Không, cô làm rất tốt. Chỉ là tôi muốn cô biết thêm một công đoạn khác trong nghề này ". Sâm nói thêm" Tôi còn muốn cô lần lượt làm tiếp viên, điều phối viên, thu ngân, thậm chí quét dọn, rửa chén bát. Cô có phản đối không? "Tôi háo hức" Dạ không, em thích làm "Sâm gật gù" Sự phân công đó sẽ giúp cô có cái nhìn toàn diện về cách thức tổ chức và kinh doanh một quán ăn ". Tuy Sâm không nói rõ, tôi vẫn có cảm giác qua cách sắp xếp này, anh muốn giữ tôi lại lâu dài.

    Nhưng cho dù ý định của tôi và Sâm khá trùng hợp và hai đứa tôi rất có thể sẽ tiếp tục gắn bó với nhau trong những ngày tháng tới, tôi vẫn phải đi lấy chồng. Hôm xin phép anh về quê, tôi nhớ đến câu nói của Scarlett O'Hara ở cuối phim Cuốn theo chiều gió:" Ngày mai sẽ là một ngày khác". Cuốn phim tình cảm của tôi cũng đã đến hồi kết, dù đó là hồi kết tôi không mong muốn. Cuộc đời tôi tới sẽ rẽ sang một lối khác. Lối đi đó không có Sâm đi cùng. Sâm có thể vẫn ở bên tôi nhưng mãi mãi chỉ là người quản lý tốt bụng và thạo việc.

    Mẹ tôi không giấu vẻ mừng rỡ khi tôi bước vào nhà. Thậm chí bà ân cần một cách quá mức khi sốt sắng giúp tôi tháo ba lô trên vai.

    - Mẹ để con. Tự con làm được.

    - Từ sáng đến giờ mẹ cứ sợ con không về.

    - Con đã hứa rồi mà.

    - Thì mẹ cứ lo lo trong bụng. Cái tính bướng bỉnh của mày, mẹ còn lạ gì.

    Ba tôi lo theo kiểu khác:

    - Ngày mai gặp người ta, con nhớ nhu mì hiền thục chút nha con.

    Tôi tự ái:

    - Nhu mì hiền thục là sao, ba?

    - Là trò chuyện phải lễ phép. Đừng có hở ra câu nào là cái câu đó như xưa nay chứ sao.

    So với ba mẹ, dĩ nhiên tôi là người lo nhất. Nhưng tôi không thể nói ra nỗi lo của mình. Điều kinh khủng nhất với một người con gái là sắp gặp lại người con trai chung lớp sau mười ba năm xa cách, không biết mặt mũi anh ta thế nào, tính tình anh ta thay đổi ra sao, đã buộc phải đưa ra đáp án: Lấy hay không lấy? Đã thế, hình ảnh Sẹo trong đầu tôi quá đỗi mù mờ. Tôi chỉ nhớ những vết sẹo trên đầu nó, những trò vật nhau và những màn sai vặt bất tận. Trong ký ức của tôi, Sẹo giống như một đứa trẻ được sinh ra cho cuộc đời bắt nạt.

    Đứa trẻ bị số phận bạc đãi đó sắp trở thành chồng tôi?

    Tự nhiên tôi thấy cuộc gặp mặt ngày mai giống như chuyện điên rồ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng một 2022
  8. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN HAI: SÂM

    Chương 17

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi là Sâm.

    Nhưng hồi tiểu học, bạn bè chẳng bao giờ gọi đúng tên tôi. Chúng toàn gọi tôi là thằng Sẹo. Tôi không biết đứa đầu tiên gắn cái tên xấu xí đó cho tôi là đứa nào nhưng khi tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện truy tìm thủ phạm thì cả lớp rồi cả trường, tiếp theo là cả làng đều gọi tôi bằng cái tên đó rồi. Những ngày đầu tôi khóc tấm tức, vì giận vì xấu hổ và cả vì tủi thân. Nhưng rồi tôi buộc phải quen dần, giống như một đứa bé tập làm quen với cái mụn cóc trên tay, nhìn mãi thấy nó cũng không đến nỗi chướng mắt lắm.

    Nhỏ Khuê dĩ nhiên cũng gọi tôi bằng cái tên cục mịch đó. Tôi không nhớ tôi chơi với con nhỏ này từ lúc nào. Chỉ nhớ từ khi ôm tập đến lớp, tôi đã học chung với nó rồi. Tôi với nó chỉ là bạn học. Vì nhà tôi ở rìa làng, cách rất xa nhà nó, đi học về chúng tôi gần như không chơi với nhau. Chỉ khi nào được mẹ dẫn đi chợ, thỉnh thoảng tôi mới gặp nó.

    Nhỏ Khuê có đôi gò má phinh phính và lúc nào cũng ửng hồng. Hàm răng nhỏ Khuê trắng và đều tăm tắp. Có lẽ nhờ vậy tôi rất thích nhìn nó cười. Khi nó cười, mặt nó sáng bừng như có nắng chiếu vào. Nhìn gương mặt tươi tắn của nó, tôi có cảm giác ấm áp như đang đứng dưới ngọn gió mùa xuân.

    Nhỏ Khuê xinh xắn nhưng tính tình ngang ngạnh y hệt con trai. Từ năm lớp Ba, nó đã thích bắt nạt tôi. Bắt nạt tôi, tất nhiên không chỉ có nó. Nhưng nó là đứa khiến tôi khổ sở nhất.

    Ngày nào nó cũng chặn tôi ngay cửa lớp. Tôi vừa ôm cặp bước lên bậc thềm là nó giang rộng hai tay chân bít lối đi.

    - Chào chị đi, rồi mới được qua!

    - Dẹp mày đi!

    - Dẹp thì đứng ngoài cửa, khi nào có chuông vào lớp mày mới được vào.

    Tôi là con trai, nó là con gái. Con trai mà để con gái hiếp đáp thì ê mặt quá, nhất là lúc đó tụi bạn cùng lớp xúm đen xúm đỏ chung quanh. Cả đám vỗ tay bôm bốp, miệng đứa nào đứa nấy ngoác đến mang tai:

    - Chào chị đi!

    - Chào chị Khuê đi, Sẹo!

    Mặt đỏ như tôm luộc, tôi mím môi xông bừa vào. Nhỏ Khuê lập tức ôm lấy cổ tôi, vật xuống đất. Tôi gồng mình chống lại, chiếc cặp văng tuốt đằng chân tường.

    Tụi bạn không những không can ngăn, còn gân cổ reo hò. Khung cảnh nào nhiệt giống hệt cả bọn đang xem chọi gà.

    Nhỏ Khuê từ bé đã theo ba mẹ lênh đênh sông nước mua bán ve chai. Bây giờ năm nào nó cũng theo ghe đi suốt ba tháng hè. Có lẽ nhờ vậy mà nó cao hơn tôi, to hơn tôi, dĩ nhiên khỏe hơn tôi. Cả hai ôm nhau níu qua kéo lại một hồi, tôi ngã lăn ra đất. Nhỏ Khuê nằm đè lên người tôi, hí hửng.

    - Mày chịu thua chưa?

    Tôi hổn hển:

    - Thua.

    - Chào chị một tiếng đi!

    Tôi nghiến răng.

    - Chị cái đầu mày!

    Khuê ấn cườm tay lên cổ tôi:

    - Bướng hả?

    Cườm tay nhỏ Khuê làm tôi muốn nghẹt thở. Nhưng tôi nhất quyết không gọi nó bằng "chị".

    Trò này chỉ chấm dứt khi chúng tôi lên lớp Năm. Lên lớp Năm, tôi đã cao ngang nhỏ Khuê, những lần vật nhau nó không đè được tôi nữa. Nhưng cho dù không thắng được tôi, nhỏ Khuê vẫn không từ bỏ thói quen chặn tôi trước cửa lớp để rồi sau đó hai đứa ôm cổ nhau xoay mòng mòng và ngã lăn ra đất trước tiếng cổ vũ ầm ĩ của tụi bạn.

    Trò vật nhau dơ quần dơ áo này chỉ chấm dứt vào ngày thằng Quyền buông lời mất dạy:

    - Nằm đè lên con Khuê chắc là êm lắm! Cho tao vào thay mày đi, Sẹo.

    Vừa nói nó vừa cười hê hê, trông rất khả ố. Quyền là con nhà giàu. Ba nó là ông Mười Thái, một nhà buôn lớn, chuyên cung cấp trái cây cho thương lái các nơi. Nhà nó ở xã bên cạnh, không hiểu sao từ năm lớp Ba nó chuyển qua học trường làng tôi. Có lẽ chú nó đang dạy học ở trường tôi, hằng ngày ba nó nhờ chú nó đưa đón cho thuận đường, tiện thể nhờ ông chú thầy giáo nhắc nhở nó chuyện học hành. Nếu đúng vậy, tôi tin chắc chú nó đã thất bại thảm hại trong việc kèm cặp thằng cháu lười học.

    Quyền là đứa hay gây sự với bạn bè, thường tìm cớ trốn học, lại chúa nói tục. Sau này tôi mới biết nó hay ra chơi ngoài vựa trái cây, đánh đu với cánh tài xế chở hàng, toàn nghe bọn này kể chuyện bậy bạ, riết rồi bị nhiễm. Năm lớp Bốn, thấy Quyền to con nhất lớp, cô giáo phân công nó làm lớp trưởng. Nhưng chỉ sau một tháng, nhận ra thói càn quấy của thằng này, cô ngán ngẩm thay nó bằng đứa khác.

    Câu nói của thằng Quyền như ong chích vào lưng khiến tôi lập tức buông nhỏ Khuê ra, lóp ngóp bò dậy, mặt đỏ bừng.

    Tôi vừa thẹn vừa tức, định rủ nhỏ Khuê xông vào đánh nhau với thằng Quyền nhưng khi tôi quay sang đã không thấy con nhỏ này đâu nữa. Tôi nghĩ chắc nó cũng xấu hổ giống như tôi và điều đó làm tôi ngạc nhiên vô kể. Xưa nay tôi chưa thấy nhỏ Khuê xấu hổ bao giờ. Mỗi lần vật nhau với nó, tôi có cảm tưởng đang vật nhau với một đứa con trai ngổ ngáo, thậm chí có lần tôi bảo nó "Tao thấy mày mặc quần soóc áo thun xem ra hợp hơn là mặc đồ con gái".

    Kể từ bữa đó, nhỏ Khuê đã thôi chặn đường tôi trước cửa lớp. Tôi đã không còn bị nó ép gọi bằng "chị", hai đứa không còn ôm nhau té lăn quay dưới đất khiến quần áo lấm lem nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy không vui.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng một 2022
  9. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN HAI: SÂM

    Chương 18

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lúc nhỏ Khuê lần đầu đến quán, tôi chưa nhận ra nó ngay. Từ cô bé mười tuổi đến cô gái hai mươi ba tuổi, đó là một hành trình đủ dài để một người bạn cũ đánh rơi không ít nét quen thuộc dọc đường. Hơn nữa, hôm đó ngoài nhỏ Khuê ra còn hơn mười người khác dự buổi phỏng vấn xin việc nên tôi không chú ý đến nó lắm. Chỉ khi ngồi đối diện với Khuê qua chiếc bàn vuông trong văn phòng trên gác, sau vài câu trao đổi mang tính chất thủ tục, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra nó chính là cô bạn thuở thiếu thời.

    - Cô tên gì?

    Khuê nói tên.

    - Cô quê ở đâu?

    Khuê nói quê.

    Tới đây thì tôi bắt đầu ngờ ngợ. Sau khi hỏi thêm vài câu về huyện, xã thì tôi phải bám chặt tay vào thành ghế để giữ cho mình đừng run. Ra là Khuê đang ngồi trước mặt tôi. Nó không nhận ra tôi, có lẽ vì tôi cũng như nó, đã bị thời gian nhào nặn sau ngần ấy năm để đánh lừa ký ức của những người quen cũ.

    Kể từ giây phút đó, đầu óc tôi không còn tập trung được nữa. Phần tiếp theo của cuộc phỏng vấn diễn ra một cách máy móc. Cô bao nhiêu tuổi? Đang làm gì? Cô rảnh vào khung giờ nào? Chúng tôi tuyển người làm phụ bếp, tiếp viên, đi chợ, cô làm được không? Lương ở đây tính theo giờ, mức lương khởi điểm từ mười lăm ngàn đến ba mươi ngàn một giờ tùy loại công việc. Chúng tôi sẽ phát lương vào ngày 5 mỗi tháng. Cô có đề nghị gì không?

    Suốt ba mươi phút, tôi nhìn Khuê trả lời hơn là nghe nó trả lời. Tôi vẫn nhớ đôi má phinh phính của cô bé ngày nào cũng chặn tôi ngoài hành lang và vật tôi xuống đất. Khuôn mặt Khuê bây giờ thon hơn, đã là khuôn mặt của một thiếu nữ. Riêng hàm răng nó vẫn trắng đều như những gì tôi còn nhớ được về những ngày thơ bé. Khi nó trả lời tôi, đằng sau đôi môi quen thuộc kia vẫn thấp thoáng những viên cuội xếp hàng đều đặn từng thắp sáng gương mặt trẻ thơ của nó mỗi khi nó cười.

    Khuê không biết tôi đã nhận ra nó. Nó không biết một phần do tôi đã thay đổi khá nhiều. Tôi không còn sở hữu cái đầu đầy sẹo như một loại giấy căn cước mà qua đó bạn bè thuở nhỏ dễ dàng nhận ra tôi. Phần quan trọng hơn là do tôi không có biểu hiện gì cho biết tôi từng quen nó. Dù giàu tưởng tượng đến mấy nhỏ Khuê cũng không nghĩ tôi lại đóng vai kẻ xa lạ trước mặt nó sau nhiều năm xa cách.

    Dĩ nhiên tôi làm thế là có nguyên do, mặc dù giữ cho mình đừng reo lên khi tình cờ gặp lại Khuê đối với tôi cũng khó ngang với việc bắt mình không được cựa quậy khi thằn lằn bất thần chui vào cổ áo. Rõ ràng tim tôi đập nhanh hơn, và trái đất cũng quay nhanh hơn trong buổi sáng hôm đó. Cho đến khi Khuê ra về, tôi vẫn còn bần thần. Hồn tôi vẫn lơ lửng trên mây và chưa biết làm sao tiếp đất.

    Để các bạn hiểu được tâm trạng bất thường của tôi, tôi cần phải quay lại mốc thời gian cách đây hai tháng. Lúc đó tôi tốt nghiệp đại học tròn một năm và mở quán ăn gần bảy tháng với tiền đầu tư của chú Sáu Có, em họ của ba tôi, hiện đang là phó giám đốc ngân hàng ở dưới quê.

    Sau một bữa cơm tối, ba tôi kêu tôi ra:

    - Sâm à.

    - Dạ.

    Nhìn vẻ mặt nghiêm nghị của ba tôi, tôi đoán ông muốn góp ý, dặn dò tôi về chuyện làm ăn. Nào ngờ mối quan tâm của ông nằm ở chỗ khác, hoàn toàn ra ngoài dự đoán của tôi:

    - Con tính chuyện lấy vợ là vừa rồi đó, con.

    - Lấy vợ? – Tôi há hốc miệng, tưởng mình nghe nhầm.

    - Ừ.

    Môi tôi méo xệch:

    - Con mới hai mươi ba tuổi mà, ba.

    - Thanh niên quê mình học xong đại học, ra trường, lấy vợ là chuyện bình thường mà. Hơn nữa, công ăn việc làm của con hiện giờ cũng ổn định rồi.

    - Nhưng con biết lấy ai? Con chưa có bạn gái, ba à.

    - Chưa có rồi sẽ có.

    - Chắc còn lâu lắm, ba. Bây giờ con chỉ muốn dành thời gian và tâm trí cho công việc thôi.

    - Không có bạn mới thì có bạn cũ. Con nhớ lại coi, con có thích đứa con gái nào học chung hồi nhỏ không? Ba cũng muốn con lấy vợ quê mình.

    - Hồi đi học dưới quê, con mới có mười tuổi, ba à. Con..

    Đang nói bỗng dưng tôi ngắc ngứ. Tự nhiên tôi nhớ đến Khuê - nhỏ bạn ngang ngạnh như con trai và cứ thích được tôi kêu bằng "chị". Tôi nhớ đến trò vật nhau triền miên giữa hai đứa tôi trước cửa lớp, quần áo lấm lem, mỗi khi về đến nhà tôi phải lén lút thay ra để ba mẹ tôi không nhìn thấy. Cái trò chơi mà tôi thua nhiều hơn thắng đó, thoạt đầu thì tôi rất bực mình nhưng đến khi lên lớp Năm tôi lại cảm thấy thích thú, chẳng rõ vì sao. Lên lớp Năm, tôi đã có thể vật nhau ngang ngửa với nhỏ Khuê, không còn thường xuyên bị nó cưỡi lên người và chèn tay ngang cổ họng khiến tôi muốn ngạt thở như hồi lớp Ba, lớp Bốn nhưng đó không phải là lý do tôi muốn kéo dài trò chơi mạnh bạo này. Tôi không cắt nghĩa được tâm trạng của mình nhưng khi thằng Quyên buông lời thô lỗ khiến trò vật nhau giữa tôi và nhỏ Khuê đột ngột chấm dứt, một cảm giác gì đó như là sự hụt hẫng, mất mát len vào hồn tôi, giống như tôi vừa bị ai giật mất món đồ chơi yêu thích và tôi đi buồn bã một thời gian dài.

    Những năm tháng đi xa, giữa bao khó khăn lo toan bộn bề, tôi vẫn bắt gặp mình không ít lần nghĩ đến nhỏ Khuê như nghĩ đến một đốm sáng nhỏ trong những ngày u ám của tuổi thơ tôi. Khuê bắt nạt tôi nếu không nhiều hơn thì cũng không ít hơn lũ bạn trong trường nhưng không hiểu sao tôi không ghét nó như ghét những đứa khác. Ngược lại, tôi luôn sung sướng mỗi khi được Khuê nhờ vả – sai khiến thì đúng hơn: "Nhặt bông sứ xâu chuỗi giùm chị đi, Sẹo." "Sẹo hái trái trứng cá cho chị đi", "Mày xếp cho chị chiếc tàu bay giấy đi, Sẹo". Bao giờ tôi cũng đỏ mặt tía tai "Chị cái đầu mày" nhưng sau đó tôi lại vui vẻ làm theo lời nó.

    Lúc đó tôi còn quá bé để biết mình có thích một đứa con gái hay không nhưng tính cách đặc biệt của nhỏ Khuê dường như có một sức hút kỳ lạ với tôi, đã khiến tôi không ngớt tò mò về nó và cho đến bây giờ ấn tượng về nó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Mỗi lần nhớ đến nhỏ Khuê và những trò bắt nạt của nó, tôi luôn bắt gặp mình đang mỉm cười.

    Nhưng cho dù vẫn nhớ đến nhỏ bạn ấu thơ của mình, tôi chưa bao giờ vẽ ra một dấu gạch nối tình cảm giữa hai đứa tôi, chưa bao giờ đẩy trí tưởng tượng đi xa hơn tuổi lên mười, càng chưa bao giờ mơ đến ngày hỏi nó làm vợ khi hai đứa lớn lên.

    Chẳng qua chuyện vợ chồng chưa từng len vào đầu óc tôi. Từ khi theo ba tôi lên thành phố sinh sống tôi chỉ biết cắm đầu vào chuyện học hành, không hề tơ tưởng đến chuyện yêu đương. Tôi chỉ có một tâm niệm là học thật giỏi, sớm đỗ đạt thành tài để báo đáp công dưỡng dục của ba tôi và an ủi linh hồn của mẹ tôi.

    Vì vậy khi nghe ba tôi đột ngột đề cập đến chuyện này, tôi không khỏi sừng sốt, tiếp theo là bối rối. Tôi thừ người ra một lúc, tay không ngớt chà lên mép bàn như thể câu trả lời đang được giấu bên dưới lớp ván lót.

    Thấy tôi ấp úng, ba tôi không bỏ lỡ thời cơ:

    - Như vậy hồi nhỏ con có thích đứa nào phải không?

    - Con không biết.

    - Không biết cái đầu mày.

    Tôi gãi gáy:

    - Hồi đó con còn nhỏ xíu à.

    Ba tôi phớt là lời phân trần của tôi:

    - Đứa nào vậy?

    - Con Khuê.

    - Nó là con cái nhà ai?

    - Dạ, nó là con ông Cầm.

    - Trời đất! Tưởng ai chứ ông Cầm ve chai thì ba lạ gì. Ba cũng hay ngồi lai rai với ổng. Hồi trước nếu ba không kịp đưa ổng tới bệnh viện thì ổng về chầu ông bà từ lâu rồi.

    Ba tôi gục gặc đầu:

    - Được rồi. Con để ba lo.

    - Ba lo gì, ba? – Tôi giật nẩy – Con đã quyết định đâu.

    - Quyết định gì nữa. Rõ ràng là con thích nó mà.

    - Nhưng đó là chuyện hồi nhỏ. – Tôi nhăn nhó – Bây giờ nó thế nào, con đâu có biết. Biết đâu nó có chồng rồi..

    Tôi bỏ lửng câu nói, đột nhiên nghe cổ họng nghẹn lại. Tự nhiên tôi nhớ đến bài ca dao tôi thuộc từ bé: "Trèo lên cây bưởi hái hoa. Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân. Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay". Ờ, có khi nhỏ Khuê lấy chồng rồi cũng nên. Thời gian đã trôi qua lâu thế rồi còn gì. Con gái quê tôi hai mươi tuổi lắm đứa đã có con. Đằng này nhỏ Khuê đã hai mươi ba tuổi. Nghĩ đến đó, tôi chép miệng tưởng tượng trong đầu cảnh nhỏ Khuê đang dẫn bầy con đi tắm, lòng tràn ngập thất vọng, tiếc nuối: "Ba đồng một mớ trầu cay. Sao anh không hỏi những ngày còn không?" Bất giác tôi nghe ngực mình nhoi nhói. Từng câu thơ đâm vào tim tôi: "Bây giờ em đã có chồng. Như chim vào lòng như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ. Chim vào lồng biết thuở nào ra". Bài này tôi thuộc đã lâu nhưng chưa khi nào tôi nhớ đến nó. Hôm nay nó bất chợt hiện ra trong đầu tôi, có lẽ là do sự gợi ý của hoàn cảnh.

    Hồi bé, tôi không hiểu hết những gì bài ca dao muốn nói. Tôi chỉ thích những câu về chim và cá. Vì thuở nhỏ tôi không có bạn bè, thường một mình lủi thủi các bờ bãi bắn chim câu cá để tìm vui. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Tôi hiểu và tôi nghe lạnh sống lưng. Bài thơ giống như lời cảnh báo dành cho tôi. Rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng cho phép mình chậm chân. Nếu muốn, tôi còn nguyên cuộc đời phía trước để lưỡng lự, riêng lúc này thì tôi phải dứt khoát. Bây giờ có thể ba mẹ nhỏ Khuê chưa gả nó cho ai, nhưng không có gì bảo đảm năm sau, thậm chí tháng sau, tình thế không thay đổi theo chiều hướng xấu.

    - Nếu con không phản đối thì ba sẽ nhờ chú Sáu thăm dò.

    Dĩ nhiên là tôi không phản đối, mặc dù tôi thấy mọi thứ diễn ra quá vội. Tôi chưa sẵn sàng tâm lý cho chuyện lấy vợ. Tôi chưa chuẩn bị tinh thần để đối diện với câu chuyện này nhưng khi ba tôi thúc ép, tôi lại đồng ý nhanh đến mức bản thân tôi cũng lấy làm ngạc nhiên. Có lẽ vì tôi thích nhỏ Khuê thật. Nó là đứa con gái đi vào đời tôi theo cách hết sức kỳ quặc và cũng là đứa con gái khiến tôi thường nhớ về trong những ngày xa xứ.

    Nhưng đó không phải là lý do khiến tôi làm ngơ nhỏ Khuê khi gặp lại nó trong buổi phỏng vấn xin việc. Tất nhiên nếu Khuê biết tôi là thằng Sẹo ngày xưa, nó sẽ biết ba tôi và ba mẹ nó đang có ý định kết sui gia với nhau và điều đó sẽ khiến cả hai ngượng ngừng khó xử. Nhưng dù sao chúng tôi cũng không phải là những đứa trẻ mới lớn. Tôi tin hai đứa tôi sẽ nhanh chóng vượt qua cảm giác xấu hổ ban đầu và sự tiếp xúc hàng ngày trong công việc sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tìm hiểu lẫn nhau cũng như kiểm tra tình cảm của bản thân mình.

    Lý do tôi phớt lờ nhỏ Khuê đến từ chuyện khác.

    Chú Sáu Có gọi điện thoại cho ba tôi:

    - Em đã gặp vợ chồng ông Cầm. Họ vẫn còn nhắc chuyện anh đưa ông Cầm đi cấp cứu hồi mười mấy năm về trước.

    - Còn chuyện kia?

    - Dạ, nghe nhà mình ngỏ ý cầu thân, họ mừng lắm. Họ còn nhớ cả thằng Sâm. Nghe em nhắc con trai anh Bảy Sớm, bà Cầm nói ngay "Là thằng Sẹo phải không?".

    - Tức là họ chưa gả con gái cho ai.

    - Dạ chưa. Bà Cầm bảo cách đây hai năm bà Mười Thái có dạm hỏi con Khuê cho.. cho.. thằng Quyền nhưng họ đã từ chối.

    Tôi đứng bên cạnh, nghe tiếng chú Sáu vọng ra rõ mồn một. Nghe cả sự ngắt quãng trong câu nói vừa rồi của chú.

    Ba tôi hừ giọng:

    - Thằng Quyền thì cứ nói là thằng Quyền! Có gì đâu mà chú ngập ngừng!

    - Dạ.

    - Chú đừng sợ tôi buồn. Nếu tôi là chị Cầm, tôi cũng không đời nào rước thằng Quyền về nhà.

    Ba tôi nói dứt khoát nhưng tôi vẫn cảm nhận được nỗi đau trong giọng nói của ông.

    Thằng Quyền. Đúng rồi, chính vì thằng Quyền bất ngờ chen vào chuyện này mà chú Sáu tôi lắp bắp, ba tôi buồn bực và câu chuyện giữa tôi và nhỏ Khuê trở nên phức tạp hơn một hôn ước thông thường. Trong một thoáng tôi nhận ra tôi đang rơi vào một tình huống cực kỳ éo le, nan giải. Thằng Quyền giống như một cái ổ gà đột ngột hiện ra trên con đường tình cảm của tôi, biến nó từ chỗ bằng phẳng thành ra lồi lõm, gập ghềnh. Tôi trở nên phân vân, thối chí, ngập trong lo lắng.

    - Hay là thôi chuyện này đi, ba. – Tôi rụt rè nói.

    - Thôi sao được mà thôi! – Ba tôi nạt – Ba tin vợ chồng ông Mười Thái sẽ ủng hộ con.

    Vợ chồng ông Mười Thái có ủng hộ chuyện tôi đến với Khuê hay không thì tôi không biết. Nhưng ngay cả như vậy, tôi vẫn không thấy yên tâm. Tôi còn phải tính đến phản ứng của thằng Quyền. Thái độ của nó không chỉ tác động đến tôi mà chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ba tôi và cả vợ chồng ông Mười Thái. Tuy đã lâu không gặp thằng này nhưng những gì tôi còn nhớ được về nó trước khi tôi theo ba tôi rời làng vẫn khiến tôi không thể không đề phòng. Với một đứa có tính khí thất thường như Quyền, không ai biết nó có sẽ nổi điên lên mà quậy đục ngầu cuộc sống của mọi người hay không.

    Tôi cần phải quay lại những biến cố đã xảy ra trong cuộc đời tôi mười ba năm về trước để các bạn hiểu tại sao tôi lại e dè với thằng Quyền đến thế, và tại sao tôi đắn đo khi gặp lại nhỏ Khuê. Tôi phải thú thật đây là quãng đời nặng nề tôi luôn sợ phải nhắc đến mặc dù những gì tôi nếm trải trong thời gian đó đều khắc sâu vào vỏ não tôi đến từng chi tiết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng một 2022
  10. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN HAI: SÂM

    Chương 19

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi còn nhớ rõ buổi chiều ba tôi trở về nhà sau khi ghé thăm bà nội tôi.

    Ông bước vào nhà với những sải chân dài hơn bình thường, kéo ghế đánh rột, buông người nặng nề, mặt hầm hầm.

    Mẹ tôi nhìn chồng, khẽ thở dài. Thái độ ba tôi giống như sắp gây sự, chỉ nhìn thoáng qua mẹ tôi biết lúc này làm thinh là chọn lựa tốt nhất.

    Tôi nấp sau kẹt cửa, tim đập thình thịch, lo lắng và sợ hãi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này.

    Ba tôi vớ bình nước trước mặt, rót ồng ộc vào ly, nước chảy tràn cả ra mặt bàn. Nhìn cái cách rót nước như trút giận của ba tôi, tôi biết ông đang bực bội lắm.

    Ba tôi lầm lì uống hết ly này đến ly khác, tuyệt không liếc mắt về phía vợ.

    - Mẹ lại nói gì hả anh? – Mẹ tôi rụt rè hỏi.

    - Cũng như mọi lần thôi.

    Ba tôi đáp, dằn mạnh chiếc ly xuống bàn, gây nên một tiếng động lớn khiến tôi rúm người lại. Tôi cảm tưởng mình là con thú nhỏ đang bị bủa vây và sắp sửa bị bắt trói. Tôi sờ tay lên mặt, thấy nước mắt bắt đầu ứa ra.

    Hơn một năm nay, bà nội tôi đột nhiên khăng khăng tôi không phải là con của ba tôi. Bà tôi bảo tôi không hề giống ba tôi chút nào, từ khuôn mặt, mắt mũi, tóc tai đến tưởng đi dáng đứng. Theo lời bà, càng lớn tôi càng khác ba tôi. Bà bảo tôi giống như đứa trẻ từ đâu đi lạc vào nhà tôi.

    Tôi từng nghe ba tôi cãi nhau với bà tôi:

    - Con cái không giống ba mẹ đâu phải là chuyện hiếm.

    - Con trai không giống mẹ là bình thường. Nhưng con trai không giống ba là chuyện bất thường.

    - Mẹ à..

    - Mẹ để ý mấy năm nay rồi. Dòng họ nhà mình làm gì có đứa nào tóc tai xoăn tít thế kia. Con mày càng lớn nó càng giống ai ở ngoài đường.

    - Giống ai là giống ai? Mẹ nói gì kỳ vậy?

    Giọng bà tôi lạnh tanh:

    - Muốn biết kỳ hay không thì mày hỏi vợ mày ấy!

    Tôi biết ba tôi rất yêu mẹ tôi. Từ khi bắt đầu có trí khôn, tôi chưa thấy ba gây gổ với mẹ lần nào. Cho tới trước khi bà nội tôi nêu chuyện này ra, gia đình tôi giống như một con thuyền êm đềm lướt trên mặt nước, cũng có khi ba mẹ tôi cãi nhau những chuyện vặt vãnh nhưng dẫu sao con thuyền đó cũng chưa gặp sóng to gió lớn bao giờ.

    Ba tôi lái xe cứu thương cho bệnh viện huyện. Mẹ tôi nấu ăn cho xưởng đá hoa cương của người cô ruột ở Đồng Nai. Vì có con nhỏ, mẹ tôi được bà cô cho về nhà mỗi cuối tuần để chăm tôi.

    Vì ba mẹ tôi thường xuyên vắng nhà, tôi lớn lên như một chồi cây cô độc. Nhà tôi ở cách xa khu dân cư nên tôi hầu như không có bạn cùng xóm. Tôi là đứa bé sinh ra đã gầy còm, lại suốt ngày nghịch đất cát một mình trong vườn, đầu tôi chẳng bao lâu đầy ghẻ chốc. Mãi đến khi học hết lớp Ba, sau khi uống và bôi đủ thứ thuốc trên đời, các mụn ghẻ trên đầu tôi bắt đầu liền da nhưng lại để lại chi chít sẹo trông chẳng khác nào bề mặt mặt trăng chụp từ vệ tinh.

    Những năm tháng đó, tôi rất thèm bạn. Nhưng bạn hàng xóm không có ai. Ở trường thì chẳng đứa nào chơi với tôi. Chúng không thích cho nhập bọn một đứa ốm yếu với những vết sẹo kỳ quặc trên đầu. Chúng chỉ thích trêu ghẹo tôi, sai vặt tôi hay vật tôi xuống đất. Và gọi tôi là thằng Sẹo. Gọi mãi thành tên, người lớn trong làng gặp tôi cũng bảo "Chạy ra chợ mùa giùm bác mấy cục pin đi, Sẹo".

    Rốt lại, bạn của tôi trong quãng thời gian đầu đời buồn tẻ là những cuốn truyện tranh cũ kỹ và nhàu nát tôi có được từ bà bán ve chai thỉnh thoảng vẫn đi ngang trước ngõ nhà tôi. Tôi đã dùng những vỏ chai mẹ tôi chất trên đầu tủ chén để đổi lấy những cuốn sách và đọc chúng dưới ánh nắng chiều trong khi chờ ba tôi trở về vào cuối ngày nếu hôm đó ông không phải trực ca đêm.

    Có hôm tôi đem sách ra nghĩa trang phía sau nhà ngồi đọc dưới bóng dương liễu. Tôi đọc sách và tưởng tượng ra những câu chuyện kỳ quái. Chính nhờ những câu chuyện này, tôi có nhiều cơ hội hơn để mon men lại gần bạn bè. Nhưng sau khi tròn mất nghe chuyện của tôi xong, chúng lại quên mất tôi, như thể tôi đột ngột biến thành người vô hình.

    Bây giờ nhớ lại, tôi thấy tôi đã đứng ngoài rìa cuộc vui của bạn bè trong một thời gian dài. Nhưng vốn là đứa bé quen sống cô độc, tôi dần thích nghi với cảnh ngộ của mình. Tôi ngạc nhiên nhận ra tôi không thật sự ghét bỏ hay oán giận ai. Tôi buồn tủi, nhưng không đến mức đau đớn.

    Nhưng nếu tôi không phải là con của ba tôi, nếu tôi là đứa bé "đi lạc vào nhà mình" như lời chì chiết của bà nội tôi thì điều đó khiến tôi vô cùng khổ sở.

    Như mọi đứa trẻ, tôi luôn yêu ba mẹ mình. Cũng như tôi biết ba mẹ tôi luôn yêu tôi. Tôi muốn tôi mãi mãi là con của ba mẹ tôi và tôi không bao giờ nghi ngờ gì về điều đó.

    Cũng như tôi, ba tôi không tin tôi không phải là con ông, bất chấp sự ngờ vực dai dẳng của bà nội tôi và các cô tôi.

    Trong thời gian đó, những cuộc cãi cọ giữa bà nội tôi và ba tôi diễn ra bất tận. Mỗi khi bà nội tôi ghé nhà tôi là hai mẹ con lại ầm ĩ, lần nào cũng vậy. Tôi không nghe được tất cả nhưng hôm nào không phải đến trường, tôi lại len lén chui vào chỗ khuất dỏng tai nghe ngóng để thấy trái tim mình tan ra từng phút một.

    - Con luôn tin tưởng vợ con, mẹ à.

    - Thằng ngốc! – Bà tôi sẵng giọng - Sao mày mù quáng đến vậy hả con?

    - Con không mù quáng!

    - Nếu không mù quáng thì mày và thằng bé đi thử ADN đi! Rồi mày sẽ biết ngay thằng bé có phải là con mày hay không?

    - Con sẽ không làm chuyện đó.

    - Tại sao?

    - Con không muốn làm tổn thương vợ con.

    - Thằng điên! Vợ mày làm tổn thương mày thì được hả?

    Nhiều năm về sau, tôi mới biết ba tôi từ chối xét nghiệm ADN không chỉ vì ông không muốn xúc phạm mẹ tôi mà do ông sợ chẳng may kết quả xét nghiệm cho thấy tôi không phải là con ông thì ông sẽ không sống nối. Vì ông rất yêu hai mẹ con tôi. Nếu điều trớ trêu đó trở thành sự thật, ông e rằng ông sẽ không đủ sức lái xe cứu thương để cấp cứu chính mình. Hóa ra những gì bà nội tôi và các cô tôi thấy, ba tôi cũng đã nhìn thấy từ lâu.

    Trong một thời gian dài, ba tôi sống trong sự giằng xé giữa niềm tin và sự hoài nghi, vừa chống lại bà tôi và các cô tôi vừa khổ sở chống lại chính mình và sự sát hạch tình cảm nghiệt ngã đó khiến ông gần như kiệt sức và tính tình ông dần thay đổi. Con người vui vẻ biến mất, thay vào đó là một ông chồng lầm lì và một ông bố hay gắt gỏng. Và đứa bé con là tôi đã phải sống nơm nớp trong nỗi hoang mang thắc thỏm suốt hai năm cuối tiểu học, giống như một con chuột nhắt sống trong hang tối, lo sợ một ngày trần hang sẽ sập xuống chốn lấy cuộc đời mình.

    Trong một đêm trằn trọc, tôi nghe tiếng mẹ tôi thủ thỉ với ba tôi ở chiếc giường kế bên.

    - Anh tin em không?

    - Anh luôn tin em mà.

    - Vậy anh nghe lời mẹ đi!

    - Là sao?

    - Sáng mai đầu tuần, hai cha con đi xét nghiệm ADN đi!

    - Không!

    - Tại sao anh không đi, nếu anh tin em.

    * * *

    - Em không muốn nhìn thấy cảnh anh và mẹ cãi nhau liên miên. Có kết quả ADN, mẹ sẽ hết nghi ngờ. Và gia đình mình lại êm ấm như xưa.

    Tôi nhớ mẹ tôi đã đề cập chuyện này với ba tôi nhiều lần nhưng lần nào cũng vấp phải sự phản đối quyết liệt của ông. Nhưng lần này dường như mà tôi đã thuyết phục được ba tôi.

    Tôi nghe thấy tiếng tặc lưỡi, không rõ là từ ba tôi hay từ con thằn lằn đang hóng chuyện trên kèo nhà. Sau đó tôi không nghe ông nói thêm gì nữa. Căn nhà chìm trong im lặng, bị bóng đêm gói kín và tôi thấy tôi nằm đó, đôi mắt thao láo nhìn lên đinh mùng tối mịt, những ý nghĩ rối bời làm đầu óc tôi vón cục lại còn trái tim tôi đang bị nỗi phập phồng cuốn đi đâu đó, xa tít tắp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng một 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...