Con Chim Xanh Biếc Bay Về - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 13 Tháng chín 2021.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
  2. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi gửi chiếc Cúp 81 ngoài cổng chợ Nguyễn Tri Phương, cẩn thận nhét thẻ xe vô bóp rồi lật đật vòng qua hàng rau, hàng cá, đi học đến gian gia cầm của chị Dần.

    Từ chỗ rẽ tôi đã nghe thấy tiếng nói quen thuộc của chị trước khi nhìn thấy mái tóc búi gọn gàng hiện ra sau giỏ cần xe đặt bên tay trái chị, trên chiếc sạp gỗ được ghép từ những thanh ván rắn chắc lúc này đang rất đầy lông gà.

    Hôm nay có mưa buổi sáng, tôi phải một tay vén gấu quần vừa đào mắt nhìn xuống chân để tránh những vũng nước đọng lấp lánh nắng. Thời trung học, tôi rất thích dẫm chân lên những vạt nắng lung linh đó để ngắm nó vỡ ra, chốc sau lại liền lại, rồi lại vỡ ra khi có bàn chân nào đó đằng sau tôi tiếp tục tinh nghịch bước vào vũng nước. Nhưng bây giờ thì tôi đang vội. Tôi cũng không muốn làm ướt đôi giày mới mua tháng trước bằng tiền vay của nhỏ bạn cùng phòng trọ mà đến hôm nay tôi mới trả được phân nửa tiền. Đó là đôi giày bệt màu đen mũi tròn phối khóa cài mà bọn con gái tuổi tôi bây giờ rất thích mang, có lẽ do loại giày này phù hợp với nhiều kiểu trang phục: Các loại váy, các loại quần tây, kể cả quần gin lửng hay quần gin ống rộng, đặc biệt nó đem lại cho các cô gái một vẻ trẻ trung khỏe khoắn.

    Chị Dần nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy tôi:

    - Lấy gà hả em?

    - Dạ.

    Chị thò tay xuống dưới gầm quầy, lôi ra ba con gà đã làm sẵn nhét trong bịch ni-lông:

    - Của em đây.

    Tôi móc tiền ra trả và sách bịch gà lên.

    - Cảm ơn chị.

    Động tác của tôi và chị lắp lại giống hệt ngày hôm qua và những ngày trước đó. Mẫu đối đáp giữa người mua và người bán cũng chỉ gói gọn trong bốn câu vỏn vẹn. Hôm nào vui miệng thì thêm được hai câu: "Sâm khỏe chứ hả em?". "Dạ, ảnh vẫn khỏe ạ."

    Tôi ghé lấy gà chỗ chị Dần vào tám giờ sáng mỗi ngày, bất kể nắng mưa. Chợ Nguyễn Tri Phương nhiều người bạn gà, nhưng Sâm bảo tôi chỉ được mua chỗ này.

    - Chỉ mua gà chỗ chị Dần thôi nha! Cô không được tùy tiện mua chỗ khác.

    Hôm đầu tiên giới thiệu tôi với chị Dần, trên đường về Sâm dặn tôi kỹ lưỡng.

    - Gà chị Dần rẻ hơn chỗ khác hả anh?

    - Mắc hơn!

    Tôi mở to mắt, chưa kịp hỏi tiếp thì Sâm nói luôn như để giải đáp thắc mắc trong đầu tôi:

    - Nhưng ngon hơn.

    - Em thấy trong chợ có nhiều chỗ bán gà ta mà.

    - Gà ta thì nhiều chỗ bán. Nhưng gà chỗ chị Dần ngon nhất.

    - Sao anh biết?

    - Ăn thì biết.

    Tôi ngồi sau lưng sâm, ngậm tăm khi nghe anh đáp trả cộc lốc. Tôi là đứa bướng bỉnh, nếu là trường hợp khác tôi đã cự lại. Nhưng Sâm là sếp tôi. Tôi đi làm cũng chỉ được mười ngày, không biết bị đuổi việc lúc nào.

    Như đoán được tâm trạng của tôi, Sâm nói:

    - Bằng tai, bằng mắt, cả bằng mũi, tóm lại là bằng trực giác, nói khác đi là bằng kinh nghiệm, ai cũng có thể đoán biết gà ngon gà dở. Tất nhiên, cuối cùng vẫn phải kiểm tra lại bằng miệng. Vị giác sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.

    - Vậy anh phải ăn hết mười con gà ở mười chỗ bán trong chợ Nguyễn Tri Phương để quyết định chọn mua gà của chị Dần sao?

    - Gần như vậy.

    Tôi bĩu môi vào lưng Sâm:

    - Quá lãng phí!

    - Ăn mười con gà để từ đó bán được hàng trăm con gà thì không thể gọi là lãng phí. Sâm nhún vai:

    - Thực ra tôi chỉ ăn đùi gà hay ức gà thôi. Đâu cần phải ăn nguyên con gà mới biết được chất lượng của nó.

    - Ý anh muốn nói chỉ cần nhìn một giọt nước con người ta cũng có thể suy ra cả đại dương hả?

    - Tôi không có nói văn hoa như vậy.

    - Anh vừa nói đó.

    - Vậy tôi là người có tài nói những điều mà tôi không nghĩ. - Sâm cười khẽ, nụ cười mà tôi rất ghét. Tuy ngồi phía sau, tôi vẫn hình dung ra nụ cười nửa miệng của anh. Đó là nụ cười rất khó nắm bắt. Nó nửa như đùa giỡn nửa như giễu cợt.

    Sâm là con người nguyên tắc. Anh không có kiểu nói năng khéo léo, mềm dẻo để lấy lòng người khác. Hai tuần đầu tiên tôi rất ác cảm với kiểu ăn nói đó, đến mức có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện bỏ việc. Rất may, qua tuần thứ ba lòng tôi dịu đi. Tất nhiên là mãi rất lâu về sau, khi những cuộc trò chuyện đã trôi qua và lúc tôi tái hiện lại trong đầu thì chúng đã mang một dáng vẻ khác, ít gây cấn hơn, tôi mới nhận ra Sâm không đến nỗi tệ lắm, những điều anh nói cũng chẳng có gì sai, nhưng ngay lúc đó thì tôi rất khó khăn để bắt mình bình tĩnh. Tôi cứ rơi vào cảm giác thèm gây gổ.

    Có cả tỷ lý do để con người ta muốn nổi điên lên với chung quanh.

    Tôi là cấp dưới của Sâm - đó là lý do đầu tiên. Ở thế yếu nên tôi không thể cãi nhau tay đôi với anh. Sau này thì tôi hiểu đó là do tôi tự nghĩ thế, là do tôi tự trói tay trói chân mình giống như một kiểu tự kỷ ám thị. Trên thực tế, nếu tôi cãi nhau với Sâm cả ngày chắc anh cũng chẳng hề khó chịu. Tôi nghĩ Sâm thậm chí còn thích tranh luận vì anh xem đó là cách để anh dạy việc cho tôi. Nhưng có lẽ là lý do chính khiến tôi bực mình là tôi luôn đuổi lý trước Sâm. Làm gì có chuyện một cô gái học việc hiểu biết hơn người quản lý cô ta? Tôi tự an ủi mình và phát cáu lên với ý nghĩa đó.

    Hôm đó, sau khi rời khỏi chợ Nguyễn Tri Phương, Sâm chở tôi đến chợ Bến Thành. Len lỏi qua gian trái cây tràn ngập màu sắc, được bày biện đẹp đẽ và chất cao như núi, anh kéo tôi đến gian bán thịt heo, vui vẻ giới thiệu tôi với cô Mười, một người phụ nữ về sau tôi khám phá cả đời chỉ thích mặc quần lụa đen và áo vải bông sặc sỡ.

    Lần này thì tôi không thắc mắc tại sao anh chọn mua thịt heo chỗ này. Ra khỏi chợ tôi nói ngay, giọng ngập trong hiểu biết:

    - Vì thịt heo quầy cô Mười ngon nhất chợ Bến Thành phải không?

    - Không. Chợ Bến Thành có hai chỗ bán thịt heo ngon như nhau.

    Một dấu hỏi bay lơ lửng trong đầu tôi. Câu trả lời của Sâm thật bất ngờ. Có cảm giác tôi luôn luôn bị hố khi nói chuyện với Sâm. Cái cảm giác của người bước hụt chân. Rất may lần này anh không thốt ra tiếng cười đáng ghét.

    Tôi ngồi làm thinh phía sau nhưng Sâm vẫn biết tôi đang chờ anh giải thích.

    - Chọn một bạn hàng tất nhiên vì chất lượng món hàng nhưng trên hết là ở chất lượng người bán món hàng đó.

    - Chất lượng người bán? Anh không nói nhầm đó chứ? Chất lượng thịt heo thịt gà anh có thể kiểm tra bằng miệng, chứ chất lượng người bán anh kiểm tra bằng cái gì?

    - Cũng bằng miệng.

    - Anh cắn họ hả?

    Sâm phớt lờ câu chọc ngoáy của tôi. Anh thản nhiên:

    - Bằng miệng, tôi muốn nói là bắt chuyện với họ. Họ sẽ cho mình biết về chất lượng và nguồn gốc món hàng. Bằng năng lực thẩm định, mình sẽ biết họ nói thật hay nói dối. Có những người miệng rất dẻo, nói năng rất hay nhưng mình biết ngay là họ không thật thà. Giữa hai hàng thịt có chất lượng tương đương, mình sẽ chọn người bán nào kỹ lưỡng, đàng hoàng, trung thực. Tóm lại, tôi muốn nói đến đạo đức của họ. Từ từ rồi cô sẽ thấy, đạo đức mua bán bao giờ cũng dựa trên đạo đức cá nhân.

    Tôi có cảm giác Sâm là một thầy giáo và tôi đang nghe anh giảng bài. Tôi hơi buồn cười dù tôi biết anh nói đúng. Lúc đó, tôi nghĩ anh cố tình nghiêm trọng hóa vấn đề và bằng cách đó hù dọa một ma mới như tôi.

    Sau này tôi mới biết Lương, cô nhân viên tiếp phẩm trước tôi, bị chuyển sang công việc khác vì đã bỏ ngoài tai những chỉ dẫn của Sâm.

    Lâu nay, quán ăn chỉ lấy trứng vịt chỗ dì Hai Anh ở chợ An Đông. Đó là chỉ định của Sâm. Sâm chỉ mua trứng mới, không mua trứng cũ, đặc biệt chỉ mua trứng có màu xanh nhạt, còn gọi là trứng cà cuống. Trứng cà cuống là loại trứng ngon, nhưng hiếm. Trong một thùng trứng chỉ có chừng mười, hai mươi quả trứng loại này.

    "Dạ, quán vẫn bình thường mà dì. Sao gì lại hỏi vậy?". "Tại mấy tháng nay không thể cháu Lương ghé lấy trứng nữa, dì tưởng là tụi con bán chậm." Sâm về hỏi cô thu ngân "Dạo này món thịt kho trứng bán được không cô?". "Vẫn bán được.". "Vậy sao cô Lương không lấy trứng chỗ dì Hai Anh nữa?". Tìm hiểu một hồi, Sâm mới biết gần đây Lương chuyển sang mua trứng ở chợ Thái Bình. Lý do thứ nhất: Chợ Thái Bình gần quán, khỏi phải đi xa. Lý do thứ hai: Trứng ở chợ Thái Bình rẻ hơn chỗ gì Hai Anh hai trăm đồng một quả. "Mua rẻ, lợi cho quán!". Lương hồn nhiên giải thích. Sâm nổi cáu: "Tôi thích mua mắc, không thích mua rẻ!" Trước vẻ mặt ngớ ra của Lương, Sâm nói như vỗ vào mặt "Nhưng người quyết định mua hàng ở chỗ nào là tôi chứ đâu phải là cô!".

    Lương là một cô gái vui tính, lanh lợi, nhỏ hơn tôi một tuổi, đang học năm thứ ba ngành Sư phạm Ngữ Văn tại Đại học Sài Gòn. Thoạt đầu, Lương thi vào ngành Giáo dục chính trị. Học được một năm, Lương bỏ ngang, nộp hồ sơ thi vào ngành Ngữ văn. "Sao kì vậy em?". "Tại em yêu văn chương". "Vậy là em bỏ phí mất một năm?". Lương thản nhiên: "Đời còn dài mà chị. Em mất một năm nhưng được nhiều thứ khác, quan trọng là em được học ngành mình thích."

    Lương thích để tóc mái bằng nên thoạt trông ai cũng tưởng nó là học sinh cấp ba. Ngày tôi vào quán, Lương đã chuyển qua làm tiếp viên. Lương là nhân viên bán thời gian, làm theo giờ, vì nó còn phải đến lớp. Tôi chỉ biết chuyện Lương bị điều chuyển công tác gần đây. Khi đã thân tình rồi, Lương mới kể cho tôi nghe. Và thú nhận "Em tưởng trứng nào nào cũng là trứng, đâu có biết trứng màu xanh ngon hơn". Rồi ân cần dặn:

    - Anh Sâm dặn mua hàng chỗ nào, chị nhớ mua chỗ đó nghe chưa.

    - Cảm ơn em. Chị biết rồi.

    Tự nhiên tôi buột miệng hỏi:

    - Anh Sâm nhiêu tuổi vậy em?

    Lương nheo mắt nhìn tôi, nhí nhảnh:

    - Con gái ai lại đi hỏi tuổi con trai! Chị để ý anh Sâm rồi hả?

    - Con quỷ này! Tao hỏi thì mày trả lời đi!

    Lương nhíu mày:

    - Em đâu có biết. Chắc ảnh ba mươi quá à.

    - Gì già dữ vậy?

    - Thì ảnh già chát mà. Nói năng lúc nào cũng nghiêm nghị. Mặt mày thì khó đăm đăm. Còn khó hơn ông nội em.

    Lương làm tôi phì cười:

    - Ờ, và khó hơn ông ngoại của chị nữa.

    Tôi năm nay hăm ba tuổi. Tôi đoán tuổi Sâm tầm hăm lăm. Cũng có thể là hăm sáu, hăm bảy. Lương nói đúng, Sâm trông chững chạc hơn tuổi, không chỉ rõ tính cách mà còn do cách ăn mặc. Tôi, Lương và các nhân viên khác của quán bao giờ cũng đi làm sớm hơn giờ quy định khoảng năm, mười phút để vào nhà tắm thay đồng phục của quán. Sâm là ngoại lệ, từ sáng đến tối lúc nào cũng đóng bộ quần tây vải mềm ống suông, áo sơ mi màu nhạt không họa tiết, tay luôn luôn đeo đồng hồ trong khi bọn trẻ chúng tôi thích coi giờ trên điện thoại di động hơn. Đại khái trông Sâm rất giống một ông thầy giáo làng sắp nghỉ hưu.

    Ông thầy giáo làng đó, sau khi rời khỏi chợ Bến Thành, đã chở cô bé học việc trên chiếc Cúp 81 cà tàng đi cả chục ngôi chợ khác nữa nằm rải rác ở các quận Đông Tây Nam Bắc trong thành phố. Chợ mua trứng, chợ mua rau, chợ mua cá.. Chỉ nhớ tên các chợ thôi đã chóng cả mặt với cô bé chỉ quen mua mì gói, xôi bắp, trứng vịt, đậu phộng rang ở các tiệm tạp hóa gần nhà.

    Theo đạo trái đất quay, rồi tôi cũng quen dần. Vào hôm tôi ghé chị Dần ở chợ Nguyễn Tri Phương ngay lúc cơn mưa buổi sáng vừa ngớt hạt và xách ra xe ba con gà đựng trong túi ni-lông, tôi đã làm việc ở quán được hai tháng và chiếc Cúp 81 của Sâm đã thuộc về tôi được một tuần.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng chín 2021
  3. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bốn năm đại học và một năm lang thang tìm việc, tôi toàn đi xe đạp. Tôi là dân tỉnh lẻ, nhà tôi không khá giả gì, lên thành phố đi học được ba mẹ sắm cho chiếc xe đạp đã là quá may mắn đối với tôi.

    Thực ra ba tháng đầu tiên sau khi nhập học, tôi vẫn chưa có xe riêng. Hàng ngày tôi phải đi xe buýt để đến lớp. Trường tôi học có tới bốn cơ sở nằm ở bốn địa điểm khác nhau, và không phải tuyến xe buýt nào cũng đỗ gần nơi tôi học. Có những hôm tôi phải đi bộ từ trạm xe đến trường học mất gần ba mươi phút và đó là lý do thỉnh thoảng tôi lại vào lớp trễ.

    Ba tôi làm nghề mua bán phế liệu. Có một thời gian nghề này rất khấm khá. Đó là cái thời tôi còn bé, ba mẹ tôi cho ghe máy xuôi Tiền Giang, Bến Tre thu mua phế liệu phải đưa tôi lên sống trên ghe để tiện trông nom. Sống lênh đênh trên sông nước, tôi suýt chết đuối cả chục lần. Có khi đang ngồi ăn cơm, tàu lớn đi ngang qua làm sóng duềnh lên, ghe lắc mạnh thế là tôi rơi tõm xuống nước. Tôi còn bé tí, chưa biết bơi, lần nào ba tôi cũng hối hả lao xuống nước vớt tôi lên. Có một lần tôi chạy nhảy ở bến sông, ống quần vướng vào bàn đạp của chiếc xe ba tôi dựng bên cạnh khiến tôi ngã vào túi đựng các mảnh kim loại. Đầu gối tôi bị rách một đường dài, đến nay vẫn còn vết thẹo cong cong như hình nốt nhạc trông rất buồn cười. Bây giờ hàng nhập khẩu về nhiều, người ta ít xài đồ tái chế nên phế liệu hiếm chỗ thu mua, giá rớt thê thảm. Gia đình tôi dần lâm vào cảnh khó khăn.

    Dù vậy khi biết tôi đi lại vất vả trên thành phố, ba tôi quyết dành dụm tiền mua xe cho tôi. Lúc ba tôi dẫn tôi đến cửa hàng xe đạp, tôi cứ mân mê chiếc xe màu xanh lá cây có kiểu dáng rất đẹp. Tôi thích chiếc xe này quá. Tôi thích cả giỏ xe, vè xe yên sau của các họa tiết rất biết cách tạo điểm nhấn được trang trí khéo léo trên sườn xe.

    Nhưng ba tôi lại chọn cho tôi một chiếc xe theo tôi là quá sức thô kệch.

    - Con nè! - Ba tôi gật gù - Chiếc xe này có khung sườn theo ba là rất chắc chắn. Ba biết loại thép này. Chiếc này có thể đi theo con suốt bốn năm đại học mà không phải sửa chữa lần nào.

    - Nếu nó bị cán đinh thì sao?

    - Cán đinh hay bị gai đâm thì vá lại. Cùng lắm là thay ruột xe. Chuyện nhỏ mà!

    Tôi tin ba tôi hiểu biết về lãnh vực này hơn tôi nên tôi không cãi lại ông, dù rất muốn. Nhưng tôi nằng nặc quyết đòi chủ tiệm gắn thêm cho xe tôi một cái chuông. Ba tôi nhún vai:

    - Thời bây giờ đi xe đạp ai mà nhấn chuông?

    - Con sẽ nhấn.

    - Chạy trên thành phố, xe ô tô xe gắn máy ầm ĩ ngoài đường, con nhấn chuông ai mà nghe. Lên chốn đô thị đông đúc con cứ chạy chầm chậm sát lề phải là an toàn, gióng chuông gõ mõ mà làm gì!

    Tuy nói vậy, ba tôi vẫn chiều ý tôi, đồng ý trả thêm một khoản tiền để chủ tiệm gắn chuông vào.

    Cái chuồng nhỏ bé đó, sau này những buổi tối đi dạy thêm hay đi làm về khuya tôi vẫn buồn tay nhấn để nghe tiếng leng keng vang lên trong hẻm vắng. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà. Để tan đi trong lòng những muộn phiền của cuộc mưu sinh vất vả. Để thấy đời vui hơn.

    Sau nhiều lần chuyển chỗ ở, cuối cùng tôi trọ ở một căn phòng nhỏ nằm trên tầng ba một chung cư cũ kỹ. Chung cư có bãi giữ xe nhưng để tiết kiệm một trăm ngàn một tháng, ngày ngày tôi phải ì ạch khiêng xe lên vác xe xuống theo cầu thang bộ.

    Đến khi nhỏ Huyền, bạn cùng lớp về ở chung với tôi và ngày ngày hai đứa thay phiên đèo nhau đến trường thì gánh nặng của tôi được chia đôi.

    Ngày đầu tiên Huyền dọn tới, hai đứa giao hẹn:

    - Hai tư sáu, mình khiêng. Ba năm bảy tới phiên bạn.

    Sau ba ngày, bọn tôi nhận ra cả hai đều có vấn đề về não. Và lập tức khắc phục:

    - Ủa, tại sao tụi mình không thể cùng khiêng cho đỡ mệt. Đứa phía trước đứa phía sau.

    Chiếc xe đó, sau khi ra trường, đã rong ruổi cùng tôi trên khắp các nẻo đường tìm việc. Đúng như ba tôi nói, suốt năm năm qua tôi đã nhiều lần ngã xe và sau mỗi lần như vậy người tôi trầy trua lung tung nhưng chiếc xe vẫn chẳng hề hấn gì.

    Khi đi làm ở chỗ Sâm, mỗi buổi sáng tôi đạp xe đến quán, vội vã thay đồng phục rồi vội vã đi khắp các chợ với chiếc giỏ cột ở yên sau. Thời gian đầu tôi hơi ngại ngùng với chiếc giỏ to tướng chất đầy thực phẩm sau lưng. Dù vậy trong thâm tâm tôi vẫn thầm biết ơn ba tôi. Nếu hồi trước tôi quyết mua xe theo ý tôi thì chiếc xe điệu đàng đó chắc không kham nổi công việc chợ búa nhiêu khê này.

    Một ngày, tôi vừa dắt xe đạp ra khỏi quán, Sâm bất ngờ giờ tay cản lại:

    - Cô cất xe đạp đi!

    Sâm chỉ chiếc Cúp 81 dựng bên cạnh:

    - Cô lấy chiếc này mà đi!

    - Đưa xe cho em, anh đi bằng gì?

    - Tôi từ sáng đến tối chỉ quanh quẩn ở quán đâu có đụng đến xe cộ.

    Từ hôm đó, tôi chỉ phải chạy xe đạp đến quán và đạp xe từ quán về nhà trọ. Rong ruổi các chợ, tôi cưỡi chiếc Cúp 81 Sâm cho mượn.

    Niềm vui của tôi không dừng lại ở đó.

    Một ngày khác, Sâm hỏi:

    - Cô lên Sài Gòn ở nhà bà con hay ở trọ?

    - Em ở nhà trọ.

    - Nhà trọ cô nằm ở đâu?

    Tôi không hiểu Sâm hỏi điều đó làm gì nhưng vẫn đáp:

    - Ở ngã ba Bà Quẹo, gần quận 12.

    - Cô ở xa quá! – Sâm nhíu mày - Sao cô không thuê nhà gần đây để đi làm cho tiện?

    - Nhà ở trung tâm giá mắc lắm, em thuê sao nổi!

    Sâm nhìn con hẻm hun hút chạy ngang trước cửa quán, thở ra:

    - Hàng ngày cô chạy xe đạp từ nhà trọ đến quán mất nhiều thời gian quá.

    Sâm nói đúng. Mỗi sáng tôi phải để đồng hồ reo lúc 5 giờ 30. Thức dậy cũng chỉ đủ thời gian làm vệ sinh, thay quần áo, chải tóc qua loa, bôi vội lên môi một tí son rồi lật đật dắt xe ra khỏi nhà, không kịp cả ăn sáng. Chỉ khi đến quán rồi tôi mới mua ổ bánh mì kẹp thịt hay tô mì gói bày bán gần đó để lót dạ. Hôm nào tới trễ do kẹt xe, tôi chạy ra chợ luôn, bỏ cả bữa sáng.

    Sâm có vẻ quan sát tôi rất kỹ. Anh chép miệng:

    - Tôi thấy có hôm cô không có cả thì giờ ăn sáng

    - Em quen rồi.

    - Đó là thói quen xấu - Sâm nhún vai - Cứ như vậy cô sẽ không có đủ sức khỏe làm việc lâu dài.

    Sâm dán mắt vào mặt tôi, giọng thăm dò:

    - Tôi nhượng lại chiếc Cúp 81 cho cô đó, cô đồng ý không?

    Tôi như không tin vào tai mình.

    - Nhượng lại là sao?

    - Là bán lại.

    - Rồi anh đi làm bằng gì?

    - Tôi mua xe mới.

    - Anh bán giá bao nhiêu?

    - Xe cũ, tôi bán rẻ thôi. Khoảng ba triệu.

    Tôi cắn môi, nghe hai gò má nóng lên:

    - Em không có ba triệu.

    Sâm đưa ra một cái giá quá rẻ. Xe Cúp 81 cũ có chỗ bản sáu, bày triệu. Có chiếc lên đến mười triệu. Nhưng thật tình tôi không có ba triệu. Một triệu cũng không. Lương thử việc của tôi hiện bốn triệu một tháng. Qua tháng thứ ba, có thể tôi nhận lương cao hơn. Nhưng tôi còn phải chi xài cho việc sinh hoạt. Thật ra, từ ngày đi làm tôi đã nuôi nấng ý nghĩ sắm một chiếc xe gắn máy. Tôi biết tôi không thể tiếp tục đi cả chục ngôi chợ mỗi ngày bằng xe đạp, dù đó là chiếc xe "có thể đi theo con suốt bốn năm đại học mà không phải sửa chữa lần nào" như ba tôi ca ngợi. Gần đây, tôi chạy chiếc Cúp 8 Sâm cho mượn, đỡ vật vả hơn, nhưng việc phải đi đi về về hằng ngày bằng xe đạp giữa vùng ven và trung tâm thành phố ngốn của tôi quá nhiều thời gian và sức lực.

    Để thực hiện ước mơ của mình, tôi đã vẽ ra trong đầu cả chục kịch bản nhưng làm thế nào để biến những kịch bản đó thành hiện thực thì tôi vẫn chưa nghĩ ra. Tôi định mỗi tháng sẽ trích một ít tiền gửi về quê nhờ ba mẹ tôi chơi hụi. Chỉ như vậy tôi mới có thể có một món tiền lớn. Nhưng nếu có tiền, tôi vẫn chưa thể mua xe ngay được. Tôi còn phải trả nợ cho ngân hàng chính sách xã hội số tiền tôi vay để đóng học phí đại học bốn năm qua.

    Tôi đành dẹp bỏ những nung nấu qua một bên. Mỗi buổi sáng, tôi len lỏi giữa dòng người xuôi ngược, nhấm nháp nỗi buồn theo từng vòng quay của bánh xe và tự động viên mình cố gắng thêm một thời gian nữa, trước khi vận may thình lình rơi trong đầu mình.

    Và hôm đó – là cái hôm mà thực tế đã đi xa hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của tôi, vận may mà tôi chờ đợi đã hiện ra trong vẻ mặt đăm chiêu của Sâm kèm theo lời đề nghị bất ngờ của anh.

    Nghe tôi bảo không có tiền, Sâm nheo mắt:

    - Cô không cần trả ngay bây giờ. Mỗi kỳ lương, cô trả tôi một ít là được rồi. Kiểu như trả góp vậy đó.

    - Một ít là bao nhiêu?

    - Cái đó tùy theo khả năng của cô.

    Câu chuyện thần tiên này không hề có trong vô số kịch bản tôi từng vẽ ra. Tôi nghĩ Sâm muốn giúp đỡ tôi. Trong một thoáng tôi bắt gặp mình cảm động. Lúc này hai đứa tôi đang đứng trước của quán, tắm mình trong cái nắng chói chang phản chiếu từ mái tôn nhà đối diện nhưng tôi không thấy nóng dù mồ hôi đã đẫm lưng áo. Tôi gần như không suy nghĩ được gì nữa. Tôi nói, mơ hồ nhận ra trí óc tôi đã làm việc không đúng cách, lẽ ra tôi nên tìm một câu khác, ít máy móc hơn:

    - Cảm ơn anh.

    - Cô không phải cảm ơn tôi. Tôi sắp mua xe mới nên không cần đến chiếc xe này nữa. Cô đồng ý mua nó là tôi mừng rồi.

    - Nhưng..

    - Tôi vì quán ăn chứ không phải vì cô! - Sâm cắt ngang lời tôi, giọng ráo hoảnh – Tôi hy vọng với chiếc xe này, cô sẽ đi làm đúng giờ hơn. Hơn nữa, hàng ngày chạy xe đạp từ Ba Quẹo xuống đây rồi chạy về thì quá vất và cho cô. Tôi sợ tới một ngày cô không chịu nổi sẽ nghỉ việc!

    Sâm xoa cầm:

    - Cô mà bỏ việc ngang thì chết tôi!

    Cách nói chuyện của Sâm làm tôi khó chịu. Tôi như người và phải tường, chưa kịp vui với thứ cảm xúc đẹp đẽ vừa nảy mầm đã lập tức khựng lại. Nhưng tôi chỉ hụt hẫng trong một giây. Một giây thôi. Một giây sau tôi tự nhủ: Vậy cũng tốt! Thái độ thẳng thắn, sòng phẳng của Sâm dù sao cũng khiến tôi dễ chịu hơn là cảm giác phải chịu ơn anh.

    Tôi nói, lạnh lùng:

    - Vậy thì em không cảm ơn anh nữa.

    Trước khi tôi quay đi, Sâm chợt buột miệng:

    – Nè, cô tô loại son gì mà nhợt nhạt quá vậy?

    Tôi ngớ người ra, không hiểu Sâm nói gì. Thật khó mà tin con người khô khan đó cũng có lúc quan tâm đến vẻ bề ngoài của tôi.

    - Anh nói gì? – Tôi ngơ ngác hỏi lại.

    - Tôi hỏi cô tô loại son gì mà nhợt nhạt quá vậy.

    - Anh hỏi làm gì?

    - Đây là loại son có tác dụng giữ ẩm phải không?

    - Anh rành về mỹ phẩm của con gái quá ha.

    - Quán này đa số là con gái. Tiếp xúc với các cô lâu ngày thì tôi phải biết chứ.

    Sâm tặc lưỡi:

    - Cô nên dùng loại son gì khác cho mặt mày tươi lên.

    Sau khi ra trường, nhỏ Huyền chuyển qua phòng trọ khác, gần với chỗ làm. Ở chung với tôi bây gia là nhỏ Tịnh. Tịnh cùng quê với tôi. Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi, học trung cấp y tế, ngành điều dưỡng, bây giờ đang làm ở một phòng khám tai mũi họng cách chỗ trọ khoảng năm cây số.

    Mái tóc xoăn, bồng bệnh giúp gương mặt Tịnh lúc nào cũng bằng sáng. Vẻ rạng rỡ của Tịnh có thêm phần giúp sức của loại son thời trang tụi con gái bây giờ hay xài, bọn tôi thường gọi là son lì. Nó nói với tôi y như Sâm:

    - Sáng ngủ dậy mặt mày nhợt nhạt, chị nên dùng loại son như em nè. Trông tươi tắn hơn!

    - Chị đủ đẹp rồi.

    - Đã đẹp phải làm cho đẹp hơn chứ!

    Tôi phớt lờ lời khuyên của Tịnh. Nhưng đến khi Sâm nói y như thế, tôi buộc phải suy nghĩ. Bạn gái chê thì không sao, nhưng khi một người con trai cũng có nhận xét tương tự thì tôi không thể làm ngơ.

    Ờ, son lì thì đã sao, nhất là loại son này đang có đợt khuyến mãi. Tôi động viên mình - Là con gái, đôi khi mình cũng nên o bế bản thân một chút!

    Ngày hôm sau tôi chạy chiếc Cúp 81 đến quán với đôi môi đỏ thẫm. Sâm phát hiện ra ngay sự thay đổi trên gương mặt tôi nhưng anh không nói gì, chỉ mỉm cười và quay mặt đi. Vẫn nụ cười nửa miệng đó, nhưng lần này trông nó bớt đáng ghét hơn.
     
  4. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi mua cá tràu ở chợ Bà Hoa, gần chỗ tôi trọ. Chủ sạp cá là chị Điệp.

    Từ khi được Sâm nhượng lại chiếc Cúp, việc đi lại của tôi đỡ vất vả hơn hẳn. Sáng ra, tôi có thể đi thẳng từ nhà đến chợ, không cần phải ghé quán đổi xe và thay đồng phục như trước đây.

    Thực đơn của quán có nhiều loại cá. Cá thu, cá ngừ, cá chim, cá cơm, cá bạc má, cá ngân, cá nục, cá trê, cá tràu. Sâm bảo, mỗi chợ chỉ có vài người bán cả uy tín, "chuyên trị" một, hai loại cá ngon. Đó là lý do tôi phải đi lòng vòng mua cá ở nhiều ngôi chợ khác nhau.

    Sâm chọn mua cá tràu của chị Điệp vì chị chuyên bán cá ruộng. Cá tràu ruộng nhỏ bằng cổ tay trẻ con, thịt ngon và thơm hơn cá tràu nuôi, Sâm bảo vậy. Xưa nay, món canh cá tràu nấu chuối khế của quán chỉ dùng loại cá này.

    Tôi nhớ nguyên tác của Sâm. Tôi cũng nhớ cả lời dặn dò của Lương, trước sau chỉ lấy cá chỗ chị Điệp.

    Tôi chỉ băn khoăn khi gần đây cá tràu liên tục lên giá. Từ 80.000 đồng một ký, giá tăng lên 90.000 đồng rồi 100.000 đồng. Tôi nói với Sâm "Cả tràu dạo này lên giá gần như mỗi ngày anh à". "Cô có biết tại sao không?" "Chị Điệp bảo tại mùa này cá tràu ruộng khan hiếm". Sâm chép miệng "Khi hết khan hiếm nó sẽ xuống lại giá cũ thôi.

    Sâm thản nhiên nhưng tôi thì sốt suốt. Khi giá lên tới 110.000 đồng, tôi về bảo Sâm" Hay mình lấy cá chỗ khác đi anh! "." Chỗ khác là chỗ nào? "." Sạp cá của dì Tư Lợi, cách sạp chị Điệp mấy gian. Hôm qua dì Tư Lợi ngoắt em, bảo "Con lấy cá chỗ dì đi. Dì cũng có cá tràu ruộng nhưng chỉ lấy con 100.000 đồng một kỳ, rẻ hơn bên kia!". Sam gạt phắt "Cô đừng bao giờ nghe lời mấy người đó. Tôi là tôi ghét nhất hạng người tranh mối của đồng nghiệp".

    Sâm nói như nạt nộ. Thấy tôi xịu mặt, Sâm tặc lưỡi, chuyển giọng nhẹ nhàng:

    - Tôi nói cô nghe nè. Vấn đề ở đây không phải là giá thấp hay giá cao. Nếu thị trường đồng loạt lên giá do hàng hóa đột ngột khan hiếm thì mình đành phải chấp nhận giá lên. Nếu không, mình sẽ không có được thịt ngon cá tươi. Chỉ khi nào người bán cố tình bán cao hơn giá thị trường, tức là tăng giá một cách phi lý, mình mới phải xem xét lại tư cách của họ. Còn với những chỗ đề nghị giá rẻ hơn, mình phải tập nghi ngờ, phải đặt câu hỏi về chất lượng món hàng. Cô hiểu ý tôi không?

    Tất nhiên là tôi hiểu. Tôi không để mình bị mê hoặc bởi những lời ngọt ngào của dì Tư Lợi nữa nhưng mỗi khi lấy cá chỗ chị Điệp, tôi vẫn không thể nào bắt mình đừng than vãn. Nhiều lúc tôi cũng lấy làm lạ về chính mình. Tôi chỉ là người được phân công đi chợ cho quán, không phải cho tôi. Nhưng khi giá lên, tôi bồn chồn như người mất của. Đối với tôi, cảm giác hầu hạ thị trường rất gần với cảm giác bị ai móc ví.

    Không biết do tôi ngày nào cũng kêu ca mắc rẻ hay do cá ruộng đã bắt đầu về nhiều, mức giá đóng băng ở mức 110.000 dòng suốt bảy ngày liên. Mặt tôi từ từ dãn ra.

    Nhưng tôi chỉ nhẹ nhõm được một tuần. Tới ngày thứ tám, Sâm kêu tôi ra, nghiêm nghị:

    - Ngày mai chị Điệp sẽ bán cả tràu cho cô với giá 130.000 đồng một ký. Có cứ mua, không cần trả giá.

    - Anh nói gì? - Tôi giật bắn người - Tại sao là 130.000 đồng? Giá đang 110.000 đồng kia mà!

    Sự ấm ức tích tụ lâu nay trong ngực tôi bất thần bùng ra. Tôi thờ gấp, đanh đá một cách bất thường:

    - Buôn bán chứ đâu phải ăn cướp!

    Sâm đưa tay ra, có vẻ như anh định đặt tay lên vai tôi để trấn an. Nhưng đến phút chót Sâm tỏ ra ngần ngừ và rụt tay lại.

    - Cô đừng có nói lung tung! - Sâm khẽ lắc đầu - Chính tôi đề nghị chị Điệp cái giá đó.

    - Trời đất! – Câu nói của Sâm đốt nóng toàn bộ con người tôi, thổi bay cả phép lịch sự thông thường. Tôi gần như ré lên – Anh bị làm sao vậy? Bữa nay trời đâu có nóng đến mức..

    Lần này thì Sâm quyết định đặt tay lên vai tôi, như bằng cách đó anh muốn dập tắt câu nói bất nhã tôi sắp sửa phun ra.

    - Cô không biết đó thôi. - Anh chặn lời tôi bằng một tiếng thở dài - Tuần vừa rồi, cá tràu cô mua không hoàn toàn là cá ruộng.

    Những ngày gần đây. Sâm nhận thấy thực khách không ăn hết cá trong tô canh trước đây họ rất ưa chuộng. Có người còn chừa lại nguyên con.

    Sám lặng lẽ ghé chợ Bà Hoa, đến trước mặt chị Điệp:

    - Còn cá tràu ruộng không chị, lấy cho em mấy con?

    - Còn đây. - Chị Điệp vồn vã – Đế chị bán rẻ cho em. Chị bán cho người ta 150.000 đồng một ký. Chị lấy em 130.000 đồng thôi.

    - Chị bán cho người ta sao, cứ bán cho em như vậy! Bộ chị bán cho quán mắc lắm hả?

    - Đâu có! Chị bán cho quán có 110.000 đồng một ký à!

    - Ủa, sao chị tính cho em 130.000 đồng mà tính cho quán có 110.000 đồng?

    Chị Điệp đột nhiên ấp úng, có vẻ như lúc này chị mới nhớ ra người đứng trước mặt mình là ai:

    - À.. à..

    - "À, à" là sao?

    - À.. cá chị bán cho quán là cá ruộng mà.. mà.. cho ăn.

    - Cá ruộng mà cho ăn là sao hả chị?

    - À.. à..

    - Tức là không phải cá ruộng. Đúng không?

    - À.. là cá nuôi.. nhưng mà cá cũng ngon lắm đó em!

    Câu chuyện của Sâm khiến tôi sững người. Thì ra cá chị Điệp bán cho tôi gần đây một nửa là cả ruộng một nửa là cá nuôi. Để đánh lừa tôi, chị chọn những con cá nuôi có kích thước vừa phải, nhìn bằng mắt thường không thể nào phân biệt được với cá ruộng.

    Tôi nghĩ đến những tô canh cá tràu nấu chuối khế bị khách bỏ mứa cả tuần nay, áy náy thốt:

    - Em xin lỗi. Chuyện này nghiêm trọng quá..

    - Cô không có lỗi gì trong chuyện này. Nếu người ta cố tình chọn những con cá có kích cỡ bằng nhau rồi trộn lẫn hai loại với nhau thì ngay cả tôi cũng không thể nhìn ra.

    - Cho dù như vậy..

    - Tôi nói cho cô nghe nè. - Sâm nhìn sâu vào mắt tôi - Nếu cô nhất định tìm cho mình một cái lỗi thì đó là cô than vãn nhiều quá! Có than với tôi thì được. Ngày nào cô cũng than với người bán, họ sẽ thắc thỏm, sẽ hoang mang, cuối cùng dẫn tới chỗ làm bừa.

    - Nhưng vừa rồi giá tăng từng ngày..

    - Chuyện giá lên giá xuống, cô chỉ cần báo với tôi. Tôi sẽ tự đi tìm hiểu thị trường. Nếu phát hiện ra điều gì bất thường, tôi sẽ làm việc với các chủ sạp. Chi vì giá lên mà hôm nào cô cũng than mắc than rẻ, tất nhiên người bán họ sẽ lo lắng. Họ sợ bị mất mối, nhất là với mối mua nhiều và mua thường xuyên như mình. Để giữ mối, họ buộc phải ghìm giá lại.

    Chị Điệp ghìm giá bằng cách trộn cá nuôi vào cá ruộng. Giá không tăng nhưng chất lượng món hàng giảm xuống. Càng nghĩ tôi càng tức tối. Tôi có cảm giác mình là con bé quá ngây thơ. Cả tuần nay, tôi không hề biết niềm tin của tôi bị đánh cắp một cách thô bạo.

    Tôi nghiến răng:

    - Tất cả là do chị Điệp?

    - Có thể nói như vậy. - Sâm buông tay khỏi vai tôi, giọng xa vắng và buồn bã.

    Tự nhiên tôi phát khùng:

    - Nhưng chính anh chọn chị ấy kia mà! Như vậy anh cũng có lỗi. Thậm chí lỗi của anh nặng nhất!

    Lần đầu tiên Sâm im lặng khi bị tôi phê bình.

    Sự thất vọng khiến tôi đột ngột dạn dĩ. Hơn thế nữa, nó giống như một sự phản kháng. Lần đầu tiên tôi tìm thấy khuyết điểm của Sâm, một con người tôi cứ nghĩ là hoàn hảo - con người mà tôi luôn luôn thua trong mọi cuộc tranh luận. Và tôi không phủ nhận là tôi cảm thấy vô cùng hả hê khi vạch trấn được sai lầm hiếm hoi của anh.

    Lẽ ra tôi nên dừng lại ở đó. Nhưng không hiểu do điều gì thúc đẩy, có thể do một thứ khoái cảm thầm kín đang len lỏi trong từng mạch máu, lòng tôi bỗng dậy lên khát khao lật đổ thần tượng:

    - Có nghĩa là phương pháp của anh cũng sai. Chúng ta không thể đánh giá được con người. Cái đạo đức mua bán mà anh luôn đề cao thật ra không hề tồn tại.

    - Tôi thấy cô đi xa quá rồi đó. - Sâm cau mày nhìn tôi – Trong chuyện này, tôi thừa nhận tôi có lỗi. Lỗi của tôi là một cái lỗi cụ thể và về một con người cụ thể. Nhưng quan điểm và phương pháp chọn người của tôi không vì chuyện này mà bị sổ toẹt đi. Cô học ngoại ngữ, cô có học các quy tắc chia động từ chứ?

    - Anh hỏi chuyện này để làm gì?

    - Để làm gì ư? – Sâm nhún vai, bắt đầu sa đà vào lý luận theo thói quen – Để nói với cô rằng trên thực tế vẫn tồn tại những động từ bất quy tắc. Nhưng không vì những ngoại lệ này mà các quy tắc chia động từ trở thành vô giá trị. Ngoại lệ, xét ở góc độ nào đó, có ý nghĩa củng cố sự đúng đắn của quy luật chứ không phải là phủ định nó. Cô hiểu ý tôi không?

    Tôi hiểu, nhưng rất muốn đáp là "không hiểu" để xem Sâm làm gì. Nhưng rất nhanh, tôi kịp nhận ra bướng bỉnh không phải là cách khôn ngoan để chiến thắng một cuộc tranh cãi về lãnh vực mà tôi thua xa Sâm về kinh nghiệm.

    Tôi gật đầu rất nhẹ nhưng Sâm vẫn nhìn thấy. Anh chép miệng, chuyển qua giọng giảng bài quen thuộc của một thầy giáo già:

    - Chúng ta hoàn toàn có thể thẩm định được sự đàng hoàng, trung thực của người bán hàng. Đạo đức mua bán là tiêu chí hàng đầu khi chọn đối tác, và đó là nguyên tắc bất di bất dịch khi đi vào nghề này. Nhưng cô cũng biết rồi đó, trên đời này không có gì là toàn bích. Tôi chọn chị Điệp vì chị ấy đáp ứng được đòi hỏi về mặt con người. Chỉ vì quá sợ mất mối mà chị ấy đã có những phút giây nông nổi. Điều này chúng ta không thể nào lường trước được.

    Và khi nối tiếp thì Sâm đã rất giống một triết gia:

    - Đó là sự bất toàn của cuộc đời chứ không phải sự bất lực của phương pháp.

    Triết gia thở hắt ra:

    - Tóm lại, nếu chúng ta xem việc chọn lựa bạn hàng là nguyên tắc vàng trong mua bán thì nếu có sai số, sai số đó sẽ ở mức thấp nhất.

    Có vẻ Sâm đã thuyết phục được tôi. Dù vậy tôi không thể không nhăn nhó:

    - Nhưng tại sao anh còn tiếp tục lấy cá chỗ chị Điệp?

    - Bởi vì cho đến lúc này tôi vẫn chưa thấy ai đáng tín hơn chị Điệp, bất chấp chuyện đáng tiếc vừa xảy ra. Nếu thật sự ma mãnh, chị ấy không mất cảnh giác đến mức không nhớ ra tôi là ai.

    Câu chuyện cá tràu đột ngột kết thúc khi một thực khách bước vào quán.

    - Này con, bữa nay cô có đến đây không? - Khách hỏi Lương lúc này đang đứng cạnh chiếc bàn kế quầy thu ngân.

    - Dạ có.

    Khách dòm dáo dác:

    - Cô ngồi đâu?

    Lương mỉm cười:

    - Dạ, có ngồi bên khu B, trên gác.

    - Vậy chú ngồi đây. – Khách thở phào – Cho chú một tô mì. Lẹ lên nha!

    Tôi tò mò quan sát vị khách lạ. Ông lật đật gọi món. Lật đật ăn, lật đật kêu tính tiền. Ông bước ra khỏi quán cũng bất ngờ như khi ông bước vào, nhanh như gió, hấp tấp đến mức không kịp lấy tiền thối.

    Lương cầm mớ tiền chạy theo:

    - Chú ơi. Tiền dư nè chú.

    Khách đẩy xe ra khỏi bãi gửi, nhảy lên yên, rồ máy.

    - Khỏi, khỏi! "Bo" cho con luôn!

    Tôi hỏi Lương khi khách biến mất chỗ đầu hẻm:

    - Ông này là điệp viên hả em?

    Lương cười:

    - Ổng né người yêu cũ.

    - Người yêu cũ?

    Gần một năm trước, có một khách nam và một khách nữ ghé quán. Đó là một buổi chiều trời mưa tầm tã và kéo dài lê thê. Gió thổi u u từ đầu hẻm đến cuối hẻm, làm lắc lay mấy tàu cau kiểng trồng trong chậu. Giàn huỳnh anh hoa rụng tơi bời trên mặt bàn kê trước cửa quán, rơi cả vào trong ly nước nhân viên chưa kịp dọn.

    Hai người họ đi riêng, mỗi người ngồi một bàn. Trời mưa quán vắng, vừa ăn họ vừa bắt chuyện cho đỡ buồn. Thoạt đầu là nhận xét các món ăn của quán, tiếp theo họ nói về âm nhạc. Sau âm nhạc là phim ảnh. Sau khi rời khỏi những câu chuyện trên màn ảnh, họ bắt đầu nổi tới những chuyện xảy ra ngoài đời thực, trước tiên là nói tới sự bất tiện của vị trí họ đang ngồi nếu còn muốn tiếp tục chuyện trò trong khi cơn mưa có vẻ đồng lõa với họ bằng cách dội nước xuống không ngừng. Thế là họ quyết định đổi chỗ.

    Lúc này thì hai người ngồi chung một bàn. Lương nói "Kể từ hôm đó, họ gần như không rời nhau". Họ cùng đến, cùng đi, cùng ăn những món giống nhau, uống những thứ nước giống nhau. "Khi trái tim nhúng vào tình yêu, nó sẽ lên men và làm con người ta ngây ngất say". Lương kết luận như một có gái đã mười sáu lần yêu. Và tủm tỉm dẫn chứng: Ba tháng sau chiều mưa lướt thướt đó, các nhân viên trong quán hầu như không nhận ra hai người khách nữa. Họ như biến thành con người khác. Họ ăn mặc đẹp hơn, đi đừng tự tin và duyên dáng hơn, cười nhiều hơn, nếu lúc nào họ ngưng cười chỉ vì miệng họ đang ríu rít như chim. Bấy giờ thì ai cũng biết: Họ yêu nhau.

    Khi yêu, người ta nhìn đâu cũng thấy toàn một màu hồng. Qua tấm giấy kính màu đó, họ thấy đời người đẹp hơn và người đời dễ thương hơn. Lòng họ trở nên bao dung và tràn ngập sự biết ơn. Khách ngoắt Sâm và Lương, rưng rưng:

    - Cảm ơn quán nhỏ. Cảm ơn tụi con. Chính nơi này. Đã ươm mầm chuyện tình cảm giữa chú và cô.

    Tôi cắt ngang lời kể của Lương:

    - Như vậy câu nói "dạ dày là con đường ngắn nhất đi qua hai trái tim" đâu phải là câu nói chơi.

    Lương cười:

    - Con đường đó ngó vậy chứ cũng chông gai lắm, chị.

    Ba tháng sau của cái ba tháng sau đó, các véc-tơ tình cảm bắt đầu xoay chiều. Đôi tình nhân no vẫn ghé quán, họ vẫn ăn những món giống nhau, uống những thứ nước giống nhau. Chỉ có giờ đến và giờ đi khác nhau.

    Lần đầu tiên hiện tượng lạ này xảy ra, Lương ngạc nhiên:

    - Ủa, bữa nay cô không đi với chú hả?

    Mặt khách buồn thui:

    - Thôi rồi.

    - Là sao hả chú?

    - Là chia tay rồi.

    Tới đây thì Lương biết mình không nên hỏi nữa. Lương biết, có đôi lúc câu hỏi rất giống cái móc câu theo nghĩa đen. Nó sẽ cào rách trái tim người đối diện.

    Lương không hỏi thì khách hỏi:

    - Mấy bữa nay cô có ghé quán không con?

    - Dạ có.

    - Cô đi một mình hay đi với ai?

    - Dạ, cô đi với bạn.

    Thấy mặt khách không vui, Lương vội vã bổ sung:

    – Là bạn gái đó chú.

    Mặt khách vừa dãn ra đã lập tức căng thẳng:

    - Hôm nay cô có ghé đây không?

    Lương chỉ tay lên trời:

    - Cô đang ngồi trên gác đó chú.

    - Trời đất, sao mày không báo động sớm! Vậy để chú qua khu B ngồi.

    Mỗi lần ghé quán, khách nữ cũng hỏi các tiếp với với mẫu câu y hệt – như thể họ cùng ôn chung một bài tập đàm thoại. Chỉ khác ở đại từ nhân xưng:

    - Hôm nay chú có ghé đây không?

    Cho tới ngày khách thình lình bước vào quán, thình lình đặt dấu chấm hết cho cuộc trò chuyện về đề tài cá tràu giữa tôi và Sâm, Lương bảo hai người họ đã một mình đến quán như thế đã một trăm năm mươi ngày rồi và trong thời gian đó, chỉ quan sát họ thôi Lương đã làm được gần một tập thơ.

    - Thật không đó? – Tôi nhướn mày.

    - Thật mà, chị.

    - Đọc chị nghe đi!

    Lương đọc:

    Ta đi về phía không nhau

    Tự nhiên ôm một nỗi đau nhói lòng

    Mới hay thương mến vô cùng

    Đẩy nhau về phía long đong cũng nhiều.

    - Hay đó, em. Phải thơ em làm thật không?

    - Sao chị lại nghi ngờ tài năng của em? – Lương chun mũi – Thơ em làm thì mới hay như vậy chứ.

    - Thôi, thôi, chị tin rồi. Đọc thêm bài nữa đi!

    Có người ngủ suốt mùa đông

    Tỉnh ra không biết có chồng hay chưa

    Có người ngủ suốt mùa mưa

    Tỉnh ra mới biết hiện chưa có gì.

    Tôi tấm tắc:

    - Bây giờ chị mới hiểu tại sao em quyết định bỏ một năm đại học để chuyển qua ngành Ngữ văn.

    Thơ Lương hay, rất đáng khen, nhưng cũng rất đáng ngờ. Tôi véo môi, trầm ngâm:

    - Bài này hay hơn bài trước, nhưng sao giống như em ám chỉ chị quá à. Chị đâu có ế đến mức đó!

    Lương cong môi "xì" một tiếng, chân nhích vội ra xa.

    - Chị có anh Sâm mà ế gì!

    - Cái con này! Tao đập mày đó nha!
     
  5. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Không chỉ Lương, nhiều người trong quán cũng nghi giữa tôi và Sâm có chuyện gì đó. Tôi biết sau lưng tôi có không ít lời xì xầm. Nhưng tôi không trách họ. Nhân viên trong quán đa số là sinh viên đi làm thêm và tình cảm phát sinh giữa những người trẻ tuổi cũng bình thường như nấm mọc sau mưa. Lịch sử kinh doanh kéo theo lịch sử tình ái: Đã có không ít những cặp lấy nhau, sinh con đẻ cái. Có cặp bây giờ vẫn còn làm tại quán. Lương tiết lộ với tôi như vậy, và tủm tỉm đế thêm "Em đang chờ chị nối gót họ đó".

    Thật ra ngay cả tôi, tôi cũng thấy cách Sâm đối xử với tôi khá đặc biệt.

    Sâm luôn khoác một vẻ mặt lạnh lùng, sử dụng một thứ ngôn ngữ còn lạnh lùng hơn, nhưng càng ngày tôi càng cảm nhận được ngọn lửa ấm nóng lặn sâu bên dưới cái bề mặt băng giá đó.

    Tôi chỉ cảm thấy thế thôi, còn ngọn lửa đó đang hâm nóng thứ tình cảm gì thì tôi không biết được. Sâm có muốn ở bên cạnh tôi, cùng lớn lên với tôi, rồi cùng già đi với tôi hay không thì tôi không biết. Đôi khi tôi vẩn vơ nghĩ và ngay lập tức tự chế nhạo những ý nghĩ linh tinh trong đầu mình.

    Gần đây Sâm làm tôi phát khóc.

    Thời tiết những ngày cận Tết lạnh hắt hiu và mưa nhiều hơn mọi năm. Một buổi sáng, tôi rào khắp các chợ và ngạc nhiên thấy chị Dần, cô Mười, chị Điệp và các bạn hàng khác niềm nở trao cho tôi những giỏ quà to tưởng bọc giấy kiếng sặc sỡ.

    - Quà Tết cho tụi em.

    - Đây là quả cho quán, con lấy cho cô vui!

    - Đấy là tấm lòng của chị.

    Tôi cảm ơn rối rít và khệ nệ xách quà ra xe. Tôi chở về đống quà cao như núi, hớn hở khoe Sâm:

    - Các cô, các dì, các chị tặng quà Tết cho mình nè anh.

    Trái với sự chờ đợi của tôi, Sâm khoát tay:

    - Trời, cô nhận quà cáp làm gì! Cô đem trả lại hết đi!

    - Trả? Sao lại trả?

    - Tôi quên nói với cô. Nguyên tắc của tôi là không nhận quà cáp biếu xén. Tặng quà dịp Tết là thói quen xấu của người bán. Và nhận quà dịp Tết là thói quen còn xấu hơn của người mua.

    - Thói quen xấu?

    - Đúng vậy! Khi mình nhận quà của người ta là mình mắc nợ, là mang ơn người ta rồi. Năm sau dù giá mắc giá rẻ, đồ xấu đồ tốt gì mình cũng sẽ không dám phản ứng. Có phản ứng cũng chỉ phản ứng nhẹ nhàng chứ không thể làm căng với họ.

    Tôi chở quà đi trả mà nước mắt như mưa. Lần đầu tiên trong đời tôi buộc phải làm cái chuyện trớ trêu như vậy. Lát nữa đối diện với các chủ sạp với túi quà kè kè trên tay, thật tôi không biết giấu mặt vào đâu. Tự nhiên tôi ghét Sâm kinh khủng. Nguyên tắc, nguyên tắc, nguyên tắc. Sao tôi ghét cái gọi là nguyên tắc đến thế! Sao chuyện gì Sâm cũng giữ gìn, cũng biến mọi thứ thành gông cùm? Chẳng lẽ giữa người mua kẻ bán lúc nào cũng sòng phẳng, rạch ròi, không có chút xíu tình cảm gì sao? Chẳng lẽ cuộc sống lúc nào cũng gắn liền với sự lợi dụng như một cặp anh em sinh đôi? Nếu sống quá lý tính, lúc nào cũng lắp sẵn sự cảnh giác trên cánh cung và lăm le bắn ra bốn phía thì liệu có phải tự mình đang kéo căng đầu óc của mình ra không?

    Sau khi đi một vòng các chợ để muối mặt trả lại các tới quả, tôi chán nản đến mức không muốn về ngay. Tôi dừng xe ở một quán nước góc phố, uể oái ngồi ngắm mưa rơi.

    Đã gần trưa mà mưa vẫn còn rả rích. Vẫn có thể thấy rõ những sợi mưa lất phất bay trên những cành bàng dọc vỉa hè. Trên những dãy dây điện chi chút cắt ngang bầu trời, vài con chim sẻ đứng ủ rũ trong mưa. Bên kia đường, cạnh tiệm buffet chay sang trọng là quán ăn bình dân với tấm bằng thực đơn to bằng cánh cửa treo trước cửa quán "hủ tiếu - mì - bánh canh - nui - bún thịt nướng - bún nem nướng". Nhích tới một chút là con hẻm rộng tạo nên bởi hai dây chung cư cũ kỹ đối diện nhau, với những ô cửa sổ xếp hàng buồn rầu sau màn mưa lướt thướt. Ngay đầu hẻm, kế bức tường ố vàng có dán tờ giấy "nơi đây bán mật ong nguyên chất", một người phụ nữ mặc áo xanh đội nón lá ngồi sau xe bánh mì bó gối đợi khách.

    Tôi sống ở thành phố này bao nhiêu năm nhưng mải học hành, mải tất bật mưu sinh, hôm nay là lần đầu tiên tôi có thời gian rảnh rỗi ngồi tò mò nhìn ngắm chung quanh. Trong một lúc, tôi chợt nhận ra cả thành phố đều tối mày tối mặt kiếm sống chứ không chỉ riêng tôi.

    Nhiều người nói với tôi, Sài Gòn là thành phố bao dung, cởi mở, khoan hòa, không hề kỳ thi, phân biệt vùng miền. Là nơi hồn nhiên và vui vẻ dung nạp mọi cư dân đến từ địa phương khác. Hàng ngày đi ngoài phố, tôi thường có thói quen quan sát các biển số xe trước mặt và từ lâu đã nhận thấy biển số xe các tỉnh thành khác lưu thông trên đường nhiều không kém các biển số xe Sài Gòn.

    Sài Gòn bao dung, đúng vậy. Nhưng Sài Gòn cũng sàng lọc ghê gớm. Để kiếm được việc làm như ý và trụ lại lâu dài ở thành phố này, con người ta phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với khi sinh sống ở những nơi khác.

    Như tôi, một cô gái hai mươi ba tuổi, ra trường hơn một năm, ngày nào cũng bươn chải từ sáng đến tối, sẵn sàng chịu khó chịu khổ, vẫn chưa thể tìm được chỗ làm đúng ngành nghề. Công việc của tôi ở quán ăn hiện nay chỉ là tạm thời. Suốt một năm qua tôi vẫn cần mẫn nộp đơn xin việc khắp nơi, vẫn vò võ chờ một cơ quan hay một công ty thích hợp tiếp nhận.

    Tự nhiên tôi nhớ nhà. Phía xa xa, cách xe bán bánh mì đầu hẻm chừng mười mét là một trung tâm ngoại ngữ năm tầng đồ sộ, ngay đằng trước hiên kế một chậu mai lớn, báo hiệu Tết sắp về. Chỉ vậy thôi dù làm lòng tôi nao nao. Có lẽ chàng trai cô gái xa quê nào cũng vậy, mỗi khi trời trở lạnh, lòng mình bỗng lạnh theo.

    Cách đối xử của Sâm trong thời gian qua giúp lòng tôi ấm áp lên một chút. Tôi vơi được phần nào nỗi nhớ quê. Tôi không còn thấy quá sốt ruột vì phải mỏi mòn chờ xin việc mới. Dẫu sao tôi cũng học được ở Sâm nhiều điều hay. Lương tôi tháng này cũng đã tăng lên.

    Nhưng chuyến đi trả quà vừa rồi như một cú đánh mạnh vào đầu tôi. Nhìn vẻ mặt thất vọng của các chủ sạp khi tôi ngượng ngùng đặt những túi quà xuống trước mặt họ, tôi có cảm tưởng không chỉ tôi làm họ tổn thương mà tôi còn tự gây thương tích cho chính mình.

    Sâm nhận ngay ra vẻ mặt buồn rười rượi của tôi khi tôi quay trở về quán.

    - Cô đi đâu mà lâu vậy?

    Lòng đẩy ấm ức, tôi không thèm trả lời Sâm.

    Sâm nhìn đăm đăm vào mặt tôi:

    - Cô có chuyện gì buồn hả?

    - Em muốn nghỉ việc.

    - Cô nói gì vậy?

    - Em sẽ về quê.

    - Tại sao lại về quê? – Sâm ngạc nhiên – Ba mẹ cô kêu cô về hả?

    Tôi gật đầu. Mặt Sâm thoảng về ngơ ngác khi thấy nước mắt tôi chực ứa ra.

    - Nhà có xảy ra chuyện gì sao? – Sâm hỏi, không giấu về lo lắng.

    Tôi lắc đầu.

    Sâm nhíu mày, ngập ngừng:

    - Hay là cô giận tôi chuyện gì?

    Rất giống một bình nén khí thình lình bị hở van, tôi bất thần tuôn một tràng:

    - Em không muốn ở lại đây rồi phải tiếp tục mang quà đi trả nữa. Em không thích chuyện đó. Em không thích biến thành con người lúc nào cũng đề phòng người khác lợi dụng mình.

    Lần này Sâm để mặc tôi nói. Anh không ngắt lời tôi như mọi lần. Có lẽ anh biết lòng tôi đang chất chứa hờn giận.

    Sâm đưa mắt nhìn đi đâu đó một lúc lâu. Mãi một hồi, anh mới quay lại nhìn tôi, nhẹ giọng:

    - Tôi xin lỗi cô. Các túi quà đó, lẽ ra tôi nên tự mình đem đi trả. Dù sao tôi cũng đã quen với việc trả quà mỗi dịp Tết rồi.

    - Ai trả cũng vậy thôi. Tôi không thích việc từ chối tình cảm của người khác.

    - Thật ra, tôi không nhận quà của các đối tác không phải vì tôi sợ "ăn xôi chùa ngọng miệng". Đó chỉ là một phần nhỏ. - Sâm thở dài, giọng ưu tư – Lý do quan trọng là họ buôn bán quanh năm cực khổ, những ngày cuối năm chưa chắc họ đã mua được gạo ngon, áo đẹp cho con cái, vậy mà họ cố dành dụm tiền bạc, có khi phải vay nợ, để lo quà biếu mình. Mà có phải họ chỉ tặng quà cho riêng mình thôi đâu. Có bao nhiêu mối hàng là họ phải tặng bấy nhiêu phần quà. Cùng một lúc họ phải mua một số lượng lớn bia, đường, bột ngọt, đó quả là một gánh nặng với họ mỗi khi Tết đến, cô à.

    Lòng tôi bất giác se lại. Tôi chớp mắt, vẫn còn rưng rưng, nhưng lần này là vì những thổ lộ của Sâm.

    Tôi hóa ra vẫn chưa hiểu hết con người anh. Có lẽ trái tim anh không sắt đá như tôi nghĩ. Có những người, dù sống rất lâu bên cạnh họ, mình vẫn không dám tự nhận là biết rõ về họ. Sâm giống như ống kính vạn hoa, cứ xoay một cái trong mắt tôi lại hiện ra một bông hoa mới.

    Tôi cắn môi:

    - Anh đã nhiều lần trả quà, nghĩa là họ biết anh không thích quà. Thế tại sao họ vẫn tiếp tục tặng?

    - Vì vậy tôi mới bảo đó là thói quen xấu.

    - Anh cương quyết không nhận thì họ làm sao đưa quà được?

    - Họ cho người đem quà tới tận quán cô à. Thế mới khổ!

    Sâm lảng sang chuyện khác.

    - Chừng nào cô về quê? Cô có muốn về sớm hơn vài ngày không?

    Lòng tôi đã thôi cay đắng. Có một điều gì đó giống như một ngọn nến vừa thắp lên trong tôi.

    - Dạ thôi. - Tôi mỉm cười – Em sẽ về cùng lượt với các anh chị em trong quán.

    Tự dưng tôi buột miệng nói thêm:

    - Anh ưu ái em nhiều quá, người ta lại đồn thổi lung tung.

    Nói xong, tôi chợt nghe hai gò má nóng ran nhưng đã quá muộn để thu câu nói bất cẩn đó lại.

    Tôi không hiểu tại sao tôi có thể sẩy miệng như vậy. Có cả nghìn câu tôi có thể nói trong lúc đó nhưng tôi lại chọn câu nói lẽ ra tôi nên gói lại và vùi sâu dưới đáy tâm tư. Sâm không phải là Lương, tôi đâu có thể phơi tất cả những gì mình nghĩ ra trước mặt anh.

    Có lẽ tôi đang bị ám ảnh bởi những gì đang xảy ra chung quanh. Mấy hôm nay, tôi hay bắt gặp mình vẩn vơ nghĩ đến đối thực khách ngộ nghĩnh của quán và mỗi khi nhớ lại gương mặt của họ, tôi thường tủm tỉm cười một mình.

    Vào một chiều mưa giống như chiều mưa mà định mệnh đã xếp ông ngồi cạnh người con gái sau này trở thành người yêu, khách lại đến quán một mình như mọi lần.

    Lương chạy ra, hớn hở:

    - Chào chú. Trời mưa mà cũng đi ăn hả chú?

    Khách chưa kịp trả lời, nó đã láu táu báo tin lành:

    - Hôm nay con không thấy cô đến. Chú yên tâm.

    Khách cởi áo mưa, đứng giũ nước ngay trước hiện, nheo mắt nhìn cô nhân viên lí lắc:

    - Yên tâm sao nổi! Con nhìn sau lưng chú đi.

    Lương nhón chân nhìn qua vai khách, tái mặt khi nhận ra người phụ nữ nấp dưới tán dù bảy màu đang hiên ngang tiến vào:

    - Chết rồi! Chú bị cô theo dõi hả? Kiểu này chắc lát nữa đánh nhau to!

    - Con nổi bậy bạ gì đó. - Người phụ nữ trừng mắt ngó Lương, lúc này cô ta đã đặt chân lên thềm và kịp nghe câu nói hoảng hốt của cô nhân viên

    - Xếp cho cô chú cái bàn giống y như cái bàn lần đầu tiên cô chú ngồi nghe chưa!

    Lương lấm lét liếc vị khách nam, thì thầm:

    - Vậy là hai bên làm hòa rồi hả chú?

    - Cái con nhỏ này! – Khách nam nạt, nhưng trong mặt thì có vẻ như đang tán thành Lương – Cô bảo xếp bàn thì mày lo xếp bàn đi!

    Sau vụ đó, tôi đập vai Lương, kết luận:

    - Như vậy dạ dày là chỗ hai trái tim gặp nhau, nhưng con người ta cũng có thể xuyên qua dạ dày để đi về hai ngả, rồi đến một ngày đẹp trời nào đó con người ta bất chợt quay lại điểm ban đầu.

    Tôi kết luận bằng triết học. Còn Lương kết luận bằng thơ:

    Dạ dày dù đói củ khoai

    Tay em vẫn cứ no hoài tay anh.

    Tôi không biết đó là bài thơ thứ bao nhiêu Lương viết về cuộc tình nhiều màu sắc này.

    Nhưng bây giờ thì tôi biết chắc chính cuộc tình này đã xui tôi thốt lên câu nói hớ hênh vừa rồi trước mặt Sâm.

    - Cô nói gì? – Sâm nhíu đôi mày rậm - Đồn thổi lung tung là sao?

    - Chẳng lẽ anh không biết?

    - Tôi biết. – Sâm thản nhiên - Nhưng tôi không để những lời nói của người khác kiểm soát cảm xúc của mình. Tôi không ngốc đến mức để dư luận nhốt tôi vào lồng và mặc sức hành hạ. Nếu sống mà cứ lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình và suốt ngày bị điều đó chi phối thì cuộc đời mình khác gì con ốc lúc nào cũng bị thiên hạ siết chặt.

    Câu nói của Sâm thoạt đầu gãi lên vỏ nào tôi. Rồi tôi nghe trong người tôi xảy ra điều gì đó như một vụ nổ nhỏ khiến toàn thân tôi chấn động. Có lẽ Sâm đã khoan đúng vào điểm yếu chí mạng của tôi. Lâu nay, dường như cuộc sống của tôi luôn bị tác động bởi những lực điều chỉnh chung quanh. Tôi luôn sợ ba mẹ tôi, bạn bè tôi, các đồng nghiệp trong quán, cả các bạn hàng nghĩ không đúng về mình mặc dù tôi chẳng làm gì sai. Có vẻ như tôi không sống mà chỉ rón rén đi chung quanh cuộc sống.

    Giọng Sâm vẫn đều đều, giọng không cao hơn, nhưng tôi có cảm giác anh đang đánh lên một que diêm trong đầu tôi:

    - Chính sự tự tin vào bản thân mới đem lại năng lượng tích cực cho mình, cô à. Nếu mình không làm điều gì trái với lương tâm thì chẳng có lý do gì mình phải sống một cách rụt rè.
     
  6. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi mang theo câu nói của Sâm về quê trong dịp Tết năm đó như mang một món quà. Nhờ món quà tinh thần đó, tôi cảm thấy bình tĩnh hơn khi đối diện với ba mẹ tôi - những người lúc nào cũng giục tôi về quê kiếm việc và những lời trách cứ của ba mẹ luôn khiến tôi cảm thấy có lỗi.

    Ba tôi nói:

    - Về quê đi con à. Quê mình dạo này đã nhộn nhịp chứ không còn đìu hiu như xưa. Công ăn việc làm bây giờ cũng dễ kiếm.

    Ba tôi nói đúng. Xã bên cạnh gần đây đã được chọn làm huyện lỵ. Các nhà máy, công ty, cửa hàng, quán xá mọc lên san sát. Ruộng vườn, đồng có càng ngày càng bị đẩy lùi ra xa.

    - Từ từ đã, ba.

    - Từ từ gì mà từ từ! Con lang thang trên thành phố đã một năm rồi mà có kiếm được việc làm nào ra hồn đâu. Chẳng lẽ con tốt nghiệp đại học Tài chính rồi bây giờ đi bán quán ăn?

    Tôi muốn nói với ba tôi bán quán ăn không phải công việc "không ra hồn" như ba tôi nghĩ. Thú thật càng ngày tôi càng yêu cái nghề này. Trước đây tôi cũng nghĩ bán quán là công việc đơn giản nhưng từ ngày làm việc chung với Sâm, tôi phát hiện nghề nào cũng công phu, tỉ mỉ, đầy nghệ thuật và hao tổn tâm trí rất nhiều. Đặc biệt thú vị là tôi học được ở Sâm không chỉ về kiến thức chuyên môn mà còn ở cách ứng xử với con người, với cuộc sống. Những bài học đó, nếu không trải nghiệm trong thực tế tôi không thể học được ở bất cứ đầu. Nhờ Sâm, đường biên của cuộc sống mở rộng dần trong mắt tôi.

    - Con nghe lời ba mẹ, về quê đi! – Ba tôi tiếp tục thuyết phục tôi – Cậu con đang làm trong ngành bưu điện, ba sẽ nói cậu xin việc cho con. Hoặc con cũng có thể xin vô ngân hàng tỉnh. Chú thằng Sẹo đang làm phó giám đốc ở đó.

    Mặt tôi ngẩn ra:

    - Thằng Sẹo..

    Mẹ tôi chen lời:

    - Thằng Sẹo là con ông Bảy Sớm, hồi nhỏ nó học cùng lớp với con đó. Con nhớ ra nó chưa?

    Tôi nhớ thằng Sẹo. Tôi chỉ bất ngờ vì đã lâu lắm tôi mới nghe nhắc đến tên nó.

    Thằng Sẹo học chung với tôi tới giữa năm lớp Năm. Sau khi mẹ nó chết đuối dưới sông, gia đình nó đột ngột chuyển nhà đi đâu mất. Từ đó tôi không nghe ai nhắc gì đến cha con nó nữa và thật tình tôi cũng quên mất nó mặc dù khi còn nhỏ tôi là một trong những đứa bắt nạt Sẹo nhiều nhất.

    Tôi chắc thằng Sẹo cùng tuổi với tôi, vì hai đứa học chung một lớp. Sẹo là một đứa lanh lẹ nhưng gầy còm, đặc biệt đầu nó nhiều ghẻ. Lắm ghẻ khi lành biến thành sẹo. Tôi không nhớ tên nó, chỉ nhớ bạn bè gọi nó là thằng Sẹo.

    - Con không thích nhờ vả người ngoài.

    - Chú thằng Sẹo vừa dạm hỏi con cho thằng Sẹo đó. Cũng không tính là người ngoài.

    - Mẹ nói gì vậy? – Tôi ré lên – Mẹ định gả con cho thằng Sẹo hả? Con đã đồng ý đâu. Mẹ phải hỏi ý kiến của con trước khi nhận lời người ta chứ.

    - Ông Bảy Sớm là người có ơn với nhà mình. Hồi ba con bị nhồi máu cơ tim, nếu ông Bảy không đưa đi bệnh viện kịp thời, ba con đã chết rồi.

    - Mẹ đừng có kể chuyện hỏi xưa. - Tôi gạt phắt – Con không thích nghe chuyện hồi xưa. Hu hu, hết thằng Quyền đến tháng Sẹo! Con mệt quá!

    Tôi giống như con nhím đang xù lông lên với mẹ tôi. Nhưng biết sao được, tôi phải sống cuộc đời mình. Những gì Sâm nói vẫn còn nóng hỏi trong óc tôi. Tôi không thể để bất cứ ai vẽ kịch bản cho cuộc đời mình. Cuộc đời tối không thể mãi mãi là một bản nháp lúc nào cũng lăm le sửa chữa theo ý của người khác, dù người khác đó chính là ba mẹ tôi.

    Ba tôi từ tốn:

    - Thằng Sẹo nghe nói bây giờ làm ăn khá làm. Cho nó lại là phó giám đốc ngân hàng..

    Ba khác mẹ. Tôi không dám hét lên với ba tôi.

    - Ba ơi, gần mười làm năm nay con không gặp tháng Sẹo – Tôi nói như rên – Con không biết mặt mũi nó bây giờ tròn méo ra sao. Hơn nữa, con không thích thằng đó.

    Ba tôi hắng giọng:

    - Con yên tâm đi, không thích thì từ từ sẽ thích. Hồi ba lấy mẹ con cũng vậy thôi. Giường chiếu sẽ làm vợ chồng xích lại gần nhau, con à.

    Tôi không biết quan niệm của ba tôi đúng hay không, nhưng sao nghe nó cổ lỗ quá, thậm chí gần như một sự xúc phạm đối với tôi. Bây giờ không biết thời đại nào rồi mà ba tôi còn nghĩ như vậy. Chắc đây là câu nói từ ông cố tôi truyền xuống cho ông nội tôi, rồi ông nội tôi khắc câu đó vào tâm trí của ba tôi.

    Thằng Sẹo là chồng tôi? Thật là buồn cười. Chồng tôi là cái đứa còm nhom, đầu đầy sẹo, luôn bị bạn bè ruồng rẫy? Tôi nhớ hồi đó càng bị đẩy ra, Sẹo càng tìm mọi cách để xáp lại với bọn tôi. Trong lớp, Sẹo là đứa thích kể chuyện ma. Nhà Sẹo ở cuối làng, gần nghĩa trang, có lẽ vì vậy mà trong óc nó có lắm câu chuyện rùng rợn. Con nít đứa nào mà chẳng thích nghe chuyện ma. Nắm được tâm lý đó, Sẹo đem chuyện ma ra làm quà để được bọn tôi cho chơi chung.

    Những câu chuyện của thằng Sẹo hấp dẫn, đầy kích thích, luôn khiến bọn tôi sợ hãi một cách thích thú. Nhưng bao giờ cũng vậy, sau khi hồi hộp nghe chuyện của Sẹo, bọn tôi không đếm xỉa gì đến nó nữa, gần như quẳng nó sang một bên như quẳng một trái táo sâu. Bọn tôi bày ra trò chơi mới, và dứt khoát không cho Sẹo tham gia bất chấp nó lẵng nhẵng bám theo và luôn miệng năn nỉ.

    Tôi không hiểu tại sao bọn tôi lại tẩy chay Sẹo, mặc dù nó chẳng có lỗi gì. Thậm chí khi tôi vật nó xuống đất, nó cũng chẳng giận. Khi tôi kêu nó trèo lên cây trứng cá mọc trước cổng trường để hái trái chín cho tôi, nó tỏ ra vui mừng như thể được tôi sai vặt là một đặc ân. Có lẽ lúc đó bọn tôi xem một đứa nhút nhát, gầy gò với những vết sẹo chi chít trên đầu là một sinh vật ở đẳng cấp thấp. Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ trẻ con lắm lúc vô tâm, đôi khi hơi ác.

    Nhớ lại chuyện cũ, tôi có chút hối hận. Nhưng bây giờ bắt tôi phải lấy một đứa như vậy làm chồng, thà giết tôi còn hơn.

    Một người con trai để tôi có thể nghĩ đến chuyện tình cảm, ít ra phải là người có nét gì đó giống như Sâm. Tôi nhủ bụng, và len lén liếc ba mẹ tôi, như sợ hai người đọc được ý nghĩ trong đầu mình.

    ∼∼∼​

    Tết năm đó đối với tôi rốt cuộc là một cái Tết không vui. Đi xa, tôi nhớ ba mẹ, nhớ những món ăn quen thuộc mẹ nấu, nhớ món cá rô kho tộ hay tô canh mồng tơi cua đồng, nhớ giàn mướp sau vườn, nhớ cánh chuồn chuồn đậu rung rinh trên nhành ớt, nhớ đủ thứ. Lẽ ra những ngày về quê là quãng thời gian nhẹ nhõm đáng chờ đợi với tôi nhưng câu chuyện chồng con bất thần chen ngang đã nhanh chóng tẩy xóa những niềm vui vừa chớm nở trong tôi, biến những giây phút đối diện với ba mẹ thành khoảnh khắc căng thẳng, đầy lo âu.

    Tôi không biết ba mẹ muốn tôi giã từ thành phố để quay về nhà là do ba mẹ thật sự muốn tôi ở gần hay vì muốn tôi sớm lập gia đình. Đằng nào rồi tôi cùng sẽ lập gia đình, dĩ nhiên rồi, nhưng như bất cứ đứa con gái nào ở tuổi tôi, tôi ao ước hôn nhân của mình được xây dựng trên nền một chuyện tình lãng mạn, đẹp đẽ. Tôi tin chuyện tình thi vị trong những cuốn sách tôi đọc, những bộ phim tôi xem đang chờ tôi ở đâu đó trong cuộc đời này. Có thể, ngay lúc này đây, tôi đã mường tượng được nó đang ở đâu. Nhiều đêm tôi từng nằm mơ thấy chuyện tình của mình, tôi thấy trái tim tôi đi xuyên qua dạ dày để đến chỗ hẹn với một trái tim khác. Tôi thấy hai câu thơ của Lương hiện ra lấp lánh trong giấc mơ tôi "Dạ dày dù đói củ khoai. Tay em vẫn cứ no hoài tay anh" như điềm báo tốt đẹp.

    Thời gian gần đây, công việc mua bán ve chai của ba tôi ngày càng ế ẩm. Hai năm nay mẹ tôi đi bốc vác trái cây cho ông Mười Thái để phụ tiến chợ với ba tôi.

    Ông Mười Thái là chủ vựa trái cây lớn nhất huyện. Mẹ tôi vào làm chừng ba, bốn tháng, vợ chồng ông bất ngờ ướm hỏi tôi cho thằng Quyền, con trai ông - là cái thằng mà tôi ghét cay ghét đắng. Nhớ tới Quyền là tôi nhớ đến một đứa chuyên ăn tục nói phét, quậy làng phá xóm, suốt ngày chỉ biết moi tiền ba mẹ ăn chơi lêu lổng. Mỗi lần về quê, thấy bóng thằng Quyền thấp thoáng ngoài đường là tôi tránh xa.

    Vợ chồng ông Mười Thái chắc chắn không biết tôi. Có lẽ họ chiều ý thằng con. May cho tôi, ba mẹ tôi vốn không ưa gì thằng Quyền, bất chấp nhà nó giàu nứt đố đổ vách. Mẹ tôi kể tôi nghe lời dạm hỏi của ông Mười Thái. Đang làm thuê cho ông này, mẹ tôi không tiện từ chối thẳng, chỉ nói "Để tôi hỏi ý con gái tôi".

    Chuyện thằng Quyền vừa nguội đi chưa được bao lâu đã bùng lên chuyện tháng Sẹo. Lần này tôi không gặp may như lần trước. Ba mẹ tôi có vẻ xiêu lòng trước lời tỉ tê của chú thằng Sẹo. Lại thêm cái ơn gì đó hồi xa hồi xưa của ba thằng Sẹo nữa.

    Trước ngày tôi quay lại thành phố, mẹ tôi nắm tay tôi bằng cả tay trái lẫn tay phải và cái cách bà nhìn tôi như thế tôi sắp sửa phạm một sai lầm tày trời nếu tôi không nghe lời căn dặn tha thiết của bà:

    - Suy nghĩ kỹ chuyện ba mẹ vừa nói đi nghe con. Tết này con hăm bốn tuổi, sắp ế rồi đó. Mấy đứa bạn cùng lớp với mày đã hai ba mặt con rồi.

    - Dạ.

    Tôi gật đầu "dạ" qua loa cho mẹ tôi yên lòng, nhất là để cho bà đừng nói thêm câu nào nữa. Tôi biết ba mẹ tôi rất thương tôi nhưng khi chuyện chồng con của tôi phủ bóng lên tình thương đó thì sự nôn nóng khiến lý lẽ của ba mẹ tôi xuất hiện chi chít những lỗ hổng, tất nhiên chẳng thuyết phục được tôi. Tôi vốn là đứa bướng bỉnh nhưng chỉ bướng bỉnh ngoài đường. Từ trước đến nay tuy tôi hay phản kháng với ba mẹ nhưng cuối cùng bao giờ tôi cũng thuận theo ý của họ; kể cả khi ba tôi quyết mua cho tôi chiếc xe đạp cục mịch mà không đứa con gái nào ở tuổi tôi dám cưỡi, tôi cũng một mực phục tùng. Nhưng chuyện tình cảm khác chuyện xe cộ. Hôn nhân không phải là cuộc chạy đua trong đó đứa con gái phải cố lấy chồng bằng bất cứ giá nào để cho bằng bạn bằng bè. Tôi nhớ lời Sâm nói, "đừng để những lời nói của người khác kiểm soát cảm xúc của mình."

    Tôi tự hứa với mình: Tôi sẽ không biến cuộc đời tôi thành một bộ sưu tập những sai lầm. Tôi cũng không sợ ế. Tôi nhớ câu chọc ghẹo của Lương "Chị có anh Sâm mà ế gì!". Chỉ là câu nói trêu thôi nhưng mỗi khi nhớ lại tôi cảm thấy trong ngực mình hình như có con chim gì đang hót. Có phải vì vậy mà trên đường ra bến xe, tôi thấy nắng trên những ngọn cây bỗng vàng hơn năm ngoái?
     
  7. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chiều mùng sáu Tết, tôi đã có mặt ở nhà trọ.

    Mùng tám quán khai trương, vì vậy sáng mùng bảy tất cả nhân viên của quán, từ quản lý, tiếp viên, tiếp phẩm đến bảo vệ, nhà bếp, thu ngân đều phải có mặt để chuẩn bị.

    Phòng trọ chiều mùng sáu chỉ có một mình tôi. Tịnh chưa thấy lên. Tịnh ở cùng huyện với tôi nhưng khác xã. Những ngày về quê vừa rồi tôi chỉ gặp nó có mỗi một lần khi tôi qua chợ huyện chơi lô tô với mấy đứa bạn. Bữa đó hai đứa đập tay, hẹn hò "Mùng sáu gặp nhau nghe" nhưng chẳng hiểu sao hôm nay nó lặn mất tăm. Tôi gọi điện thoại cho Tịnh, nghe nó cười hí hí bên kia "Ít hôm nữa em lên. Ba mẹ em giữ em ở nhà chơi thêm vài bữa cho đỡ nhớ."

    Sáng mùng bảy, tôi để đồng hồ báo thức sớm hơn nửa tiếng so với thường lệ, bắt gặp mình nôn nao như thế lần đầu hò hẹn. Tôi tự xấu hổ với mình nhưng không làm sao kềm cảm giác đó lại. "Ngày đi làm đầu năm, chắc ai cũng háo hức như vậy", tôi tặc lưỡi, cố tìm một lời giải thích chính đáng và hối hả dắt chiếc Cúp 81 ra khỏi bãi gửi.

    Khi tôi tới, quán đã đông vui nhộn nhịp. Đồng nghiệp gặp lại nhau hỏi han chuyện trò ríu rít, miệng nói tay làm tất bật. Người rửa sàn nhà, người lau tủ kệ ly chén, người dọn dẹp bàn ghế, người lôi nồi chảo ra nấu nướng.

    Tôi đưa mắt tìm Sâm, chưa nhìn thấy anh đã nghe tiếng anh từ sau lưng:

    - Về quê ăn Tết vui không cô?

    - Dạ vui. – Tôi quay lại, mắt long lanh – Còn anh thì sao? Anh có về quê không?

    - Có.

    - Quê anh ở đâu vậy?

    - Quê tôi ở ngoài Trung.

    Tôi nheo mắt:

    - Anh ở miền Trung sao tôi nghe giọng anh giống người miền Nam quá vậy?

    - Chắc tại tôi vô trong này lâu rồi.

    Gặp lại Sâm, lòng tôi nửa vui nửa buồn. Có lẽ tôi vẫn chưa ra khỏi câu chuyện của ba mẹ tôi. Những gì họ gieo vào đầu tôi đã bắt đầu nảy mầm khiến lòng tôi dậy lên nỗi lo lắng mơ hồ. Tại sao ba mẹ tôi lại mềm lòng trước sự ngỏ lời của chú thằng Sẹo? Phải chăng vì chú nó đang là phó giám đốc ngân hàng tỉnh? Nhưng ba mẹ tôi đâu phải là những người mờ mắt vì đồng tiền. Họ đã từng từ chối lời dạm hỏi của ông Mười Thái, người giàu nhất huyện. Hay ba mẹ tôi muốn nhân chuyện này để xin tôi về làm việc gần nhà?

    Tôi quần thảo đầu óc đến mệt nhoài, cuối cùng kết luận mọi chuyện có lẽ bắt nguồn từ món nợ ân tình giữa ba tôi và ông Bảy Sớm. Tôi không nhớ tôi đã gặp ông Bảy Sớm bao giờ chưa. Nhà thằng Sẹo ở rìa làng cách khá xa nhà tôi. Hơn nữa, hồi tiểu học nó là đứa để tôi bắt nạt hơn là để kết bạn. Tôi không có lý do gì để đến nhà nó. Điều duy nhất tôi còn nhớ về gia đình thằng Sẹo là cái chết của mẹ nó. Cũng chỉ là nghe người trong làng đồn thổi. Người bảo bà sẩy chân té xuống sông vì có chuyện gấp phải đi đêm. Người thì bảo bà tự tử vì bị mẹ chồng ghét bỏ. Với đầu óc non nớt của đứa con gái mười tuổi, những chuyện như vậy chỉ gợi chút tò mò trẻ thơ rồi sau đó mải chơi tôi quên bẵng. Nếu có điều gì còn neo lại trong trí nhớ tôi, đó là lần đầu tiên tôi bị thằng Sẹo quát đuối khi tôi đến gần nó. Khi mẹ thằng Sẹo vừa qua đời, thấy nó hôm nào đến trường cũng ra ngồi một mình chỗ gốc đa, tự dưng tôi thấy tồi tội nên chạy lại ngồi chung với nó. Hàng ngày tôi không chỉ bắt nạt mà còn hay sai vặt Sẹo, lúc này thấy nó đột ngột mồ côi mẹ, tự dưng tôi thấy áy náy, muốn ngồi cạnh nó cho nó đỡ buồn. Nào ngờ nó chẳng thèm biết ơn, còn lớn tiếng đuổi tôi đi khiến tôi nghĩ rằng nó cố tình trả thù chuyện tôi từng xua đuổi nó khi nó mon men lại gần và ý nghĩ đó làm tôi ấm ức suốt mấy ngày sau.

    Dẫu sao câu chuyện về gia đình thằng Sẹo cũng đã chìm vào dĩ vãng từ lâu. Chỉ đến khi ba mẹ tôi bất ngờ nhắc đến thì nó mới được trục vớt lên và khuấy động ký ức tôi.

    Mùng bảy Tết, chợ Bến Thành lác đác người. Chỉ có khoảng một phần ba gian bày hàng ra bán. Đa số chủ sạp chọn khai trương vào mùng tám hoặc mùng mười.

    Tôi nhìn thấy cô Mười từ xa, bên cạnh chậu mai hoa rụng gần hết, chỉ toòng teng những tấm thiệp lòe loẹt đỏ mà dù chưa đến gần tôi vẫn mường tượng được những hàng chữ "Khai trương hồng phát", "Vạn sự như ý", Cung chúc tân xuân "..

    Vẫn gói người trong quần lụa đen và áo vải bông màu mè quen thuộc, cô Mười tươi cười chìa ra túi thịt heo khi tôi đến gần:

    - Của con nè.

    - Bữa nay khai trương rồi hả cô?

    - Chưa. Ngày mai cô mới khai trương. Cô ngồi đây đợi con.

    Hôm đó tôi đi một vòng các chợ dưới tiết xuân mát mẻ. Sạp cá, sạp gia cầm, quầy trứng, quầy rau, có nơi khai trương có nơi chưa, nhưng chị Dần, chị Điệp, dì Hai Anh và các chủ sạp khác đều kiên nhẫn đợi tôi.

    Sau Tết các mặt hàng đều tăng giá nhưng vị tôi là mối quen, các chủ sạp vẫn tính theo giá cả. Chỉ có cá biển chỗ dì Ba Được ở chợ Hòa Bình là ngoại lệ. Thông thường dù hàng tăng giá tôi vẫn lấy rồi về báo lại với Sâm. Nhưng lần này tôi lôi điện thoại ra gọi trực tiếp cho anh.

    - Sao cô không lấy hàng về cho nhà bếp kịp nấu rồi trao đổi sau? – Sâm có vẻ không hài lòng khi nghe điện thoại của tôi.

    - Nhưng giá chỗ dì Ba Được tăng cao quá anh à. Cá thu tăng tới 80.000 đồng một ký. Cá bạc má tăng 50.000 đồng..

    - Mấy ngày Tết ngư dân chưa đi tàu, chưa ra khơi đánh bắt nên cá biển khan hiếm thôi. Cô cứ lấy về đi.

    Tôi" dạ ", định cúp máy đã nghe Sâm nói thêm:

    - À, cô nói với dì Ba Được, đợt này tôi đề nghị mỗi bên chịu thiệt một chút. Phần giá tăng đột ngột, bên mua chịu một nửa, bên bán chịu một nửa.

    Tôi định hỏi lại nếu dì Ba Được không đồng ý thì sao, đã nghe tiếng" tít tít"ở đầu bên kia. Trái với lo ngại của tôi, dì Ba Được vui về gật đầu khi nghe tôi chuyển lời của Sâm. Có lẽ Sâm cũng đoán được điều đó nên anh đã tắt máy một cách tự tin! Tôi như bụng khi xách giỏ cá đi ra cổng chợ.

    - Có gì đâu mà cô ngạc nhiên! – Sâm giải thích khi tôi xuýt xoa về sự đồng ý nhanh nhẹn của dì Ba Được – Dì Ba chịu phân nửa thì dì chỉ không có lời thôi, chứ đầu có lỗ lã gì. Mình thì chịu giá cao một tí. Hơn nữa, dì thừa biết tôi đã dự trữ sẵn cá biển từ trước Tết. Tôi không nhất thiết phải lấy cá của dì bằng mọi giá. Và không chỉ cá biển, những mặt hàng dễ bị ảnh hưởng bởi Tết, tôi cũng phải lên kế hoạch đối phó để không bị động hoặc lệ thuộc vào người khác.

    Tôi nghệt mặt nghe Sâm phân tích:

    - Các loại thịt thì không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ thỉnh thoảng gặp trục trặc khi vài lò mổ khai trương trễ. Riêng các mặt hàng lấy từ các tỉnh như bánh tráng hay các loại mắm, khâu vận chuyển trong những ngày Tết bao giờ cũng khó khăn. Các tài xế liên tục quay đầu xe, không có thời gian cho mình chuyển hàng và nhận hàng như ngày thường. Hành khách lại đông, hành lý nhiều, xe muốn chở hàng cho mình cũng không có chỗ. Phí vận chuyển lại tăng chóng mặt.

    Sâm nói với tôi như thầy giáo đang giảng bài cho học trò. Với tôi, những điều Sâm nói thật mới mẻ. Tôi có cảm giác lần nào trao đổi với anh, tôi cũng biết thêm một điều gì đó.

    Cuộc trò chuyện chỉ chấm dứt khi Lương kêu to:

    - Vào liên hoan tân niên đi, anh Sâm chị Khuê ơi.

    Tiếng kêu réo của Lương làm mặt tôi nóng ran. Không biết vô tình hay cố ý nhưng cái cách Lương ghép tên tôi và tên Sâm chung với nhau như thể chúng tôi là một cặp và hét lên lồng lộng như phát qua một cái máy khuếch âm công suất lớn khiến tôi có cảm giác như đang đút đầu vào lò nướng.

    Mấy đứa khác không bỏ là cơ hội, nhanh nhảu hùa theo:

    - Đúng rồi đó! Anh Sâm chị Khuê vào đi!

    - Lẹ lên! Mọi người ngồi vô bàn hết rồi, chỉ còn thiếu hai anh chị thôi đó!

    Tôi ngượng nghịu liếc Sâm, thấy anh vẫn thản nhiên như không biết mọi người đang trêu chọc mình. Anh nhìn tôi, hất đầu:

    - Mình vào đi!

    Trên chiếc bàn dài kê giữa quán, thức ăn đầy ắp. Bánh chưng, bánh tét, thịt kho tàu, tôm khô củ kiệu, có cả nước ngọt dành cho bọn con gái và bia cho lũ con trai.

    Tiếng trò chuyện, tiếng khua bát đũa, tiếng bật nắp lon, tiếng giành giật và trêu chọc nhau rộn lên như hội. Không khí nhộn nhịp đó chỉ khựng lại khi hai bóng người từ ngoài cửa bất thần tiến vào.

    Khách nam oang oang:

    - Happy New Year tụi con nha!

    - Ủa, cô chú ghé quán sớm vậy? – Lương nhận ra hai vị khách quen – Ngày mai quán tụi con mới khai trương, chú ơi.

    - Chú có đọc tấm bảng thông báo treo trước cửa rồi. Nhưng nhớ quán quá nên cô chủ ghé chơi.

    Sâm lịch sự:

    - Dạ, mời cô chú ngồi ăn với tụi con cho vui.

    Khách nam ngồi xuống ghế, liếc các món ăn trên bàn:

    - Chú ngồi chơi với tụi con chữ ăn uống gì. Mấy ngày Tết chú ăn mấy món này phát ngán rồi. Giờ chú chỉ tương tư cá nục hấp cuốn rau muống hay bánh bèo bánh đập thôi!

    Khách nữ ngồi xuống theo, mỉm cười:

    - Còn cô thì đang nhớ món rau lang, rau dền luộc chấm mắm cái.

    Tiệc gần tàn, Sâm đứng dậy:

    - Bây giờ tới tiết mục lì xì!

    Cả bàn ăn vỗ tay, hét ầm:

    - Hoan hô!

    - Đúng rồi đó! Phải lì xì đầu năm chứ!

    - Tiết mục cuối cùng bao giờ cũng là tiết mục hấp dẫn nhất!

    Sau khi Sâm chia hết xấp bao lì xì trên tay cho mọi người, khách nam thình lình bật lên khỏi chỗ. Ông cho tay vào túi móc ra mớ bao màu đỏ, huơ qua huơ lại trên đầu, cười khì khì:

    - Tiết mục vừa rồi chưa phải là cuối cùng đâu, tụi con! Cái này mới là tiết mục cuối cùng nè.
     
  8. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nửa tháng sau ngày khai trương quán ăn, mẹ tôi bất ngờ gọi điện thoại cho tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe như thông lệ, bà bâng quơ nói:

    - Hôm qua chú thằng Sẹo mới ghé nhà mình đó con.

    - Dạ. – Tôi lí nhí, biết thừa mẹ tôi muốn gì.

    - Chú nó hỏi con đã quyết định chưa?

    Tôi cau mày:

    - Quyết định chuyện gì hả mẹ?

    - Chuyện xin vào làm trong ngân hàng đó.

    - Con cần thêm thời gian để suy nghĩ mẹ à.

    Tôi đoán mẹ tôi chỉ mới mào đầu. Những gì quan trọng nhất có lẽ còn ở phía sau. Chắc chắn chú thằng Sẹo không rảnh rỗi đến mức ghé thăm ba mẹ tôi ngay sau Tết chỉ để hỏi mỗi chuyện đó.

    Tôi vội vàng:

    - Con đang đi chợ. Ở đây ồn lắm. Bữa khác nói chuyện tiếp nghe mẹ.

    Sâm nhận ra ngay vẻ mặt khác thường của tôi khi tôi tấp xe vào bãi gửi trước cửa quán.

    - Cô sao vậy?

    - Sao là sao?

    - Cô đang lo lắng chuyện gì phải không?

    Tự nhiên tôi giận Sâm. Cái cách quan tâm của anh khiến sự giận dỗi đột ngột bùng lên trong tôi. Tôi không biết tại sao tôi giận nhưng tôi biết là tôi đang giận. Người ta bảo con gái là sinh vật hay giận hờn vô cớ và tôi chưa bao giờ tin vào nhận xét đó cho đến hôm nay, khi tôi nhận ra tâm trạng của mình đang bị cột chặt vào nỗi ấm ức mà ngay cả tôi cũng không rõ nguyên do. Có phải tôi giận Sâm vì mối quan hệ mập mờ hiện nay giữa tôi và anh? Vì sự quan tâm của anh đối với tôi đặc biệt đến mức làm tôi mất quá nhiều thì giờ để nghĩ ngợi? Vì anh tốt với tôi một cách vô lối, do đó mà rất đáng ngờ?

    - Không có gì đâu, anh – Tôi đáp, cố giữ vẻ bình thản nhưng giọng nói đột nhiên khàn đi. - Chỉ là ba mẹ em kêu em về quê.

    Sâm nhìn chằm chằm vào mặt tôi:

    - Chắc ba mẹ cô đã xin được việc làm cho cô ở dưới quê?

    - Dạ. Ba mẹ định xin cho em vô ngành ngân hàng.

    - Vậy cô phải vui lên mới phải chứ.

    Thái độ bàng quan của Sâm khiến tôi tức run người. Tôi lúc mạnh mái tóc, cố kềm một cái nghiến răng.

    - Bộ anh thích em nghỉ việc ở đây lắm sao?

    Tôi hừ giọng, nói như trút giận:

    - Nói cho anh biết, ba mẹ em còn bắt em về quê lấy chồng nữa đó.

    - Lấy chồng cũng là chuyện tốt mà.

    Tôi nghe tin mình nhói một cái. Tôi không nghĩ Sâm đón nhận tin này bằng thái độ hững hờ như vậy. Tôi nhìn Sâm trừng trừng, vất vả lắm mới không xông vào bóp cổ anh:

    - Anh muốn em về quê lấy chồng thật đó hả?

    - Thì con gái lớn ai cũng phải lấy chồng mà.

    Tôi gần như hét lên:

    - Nhưng em không thích lấy thằng đó.

    - Trời đất! Sao cô kêu chồng cô bằng "thằng"?

    - Thằng đó là chồng em hồi nào!

    Đêm đó tôi lên cơn sốt.

    Tôi ít khi bị ốm vặt. Có lẽ tôi có thể trạng tốt nhờ vào một tuổi thơ lênh đênh sông nước, quen dãi nắng dầm mưa. Suốt năm năm sống ở thành phố, tôi chỉ bị sốt có hai lần, nếu không tính lần này.

    Nửa đêm người tôi đột nhiên nóng hầm hập, đầu nhức như búa bổ. Miệng lưỡi khô rang, tôi dạy uống nước bốn, năm lần vẫn còn thấy khát.

    Tiếng lục đục của tôi đánh thức Tịnh ở giường bên cạnh. Nó ngồi lên, dụi mắt:

    - Chị bị sao vậy?

    Tôi thều thào:

    - Chắc chị bệnh rồi.

    Tịnh bước lại sờ tay lên trán tôi, la hoảng:

    - Trời ơi. Sao đầu chị nóng như hơ lửa vậy nè?

    - Có lẽ hồi sáng chị mắc mưa.

    Hồi sáng quả có mưa thật. Nhưng chỉ là mưa bụi, mảnh như tơ và chỉ thoảng qua không đến mười phút trên đường tôi đi từ chợ Nguyễn Tri Phương đến chợ An Đông. Cơn mưa như gió thoảng thế kia không đủ làm ướt người, làm sao gây sốt cho được? Hay tôi đổ bệnh vì một nguyên nhân khác?

    Tịnh vào nhà tắm, lấy khăn nhúng nước rồi đắp lên trán tôi. Xong, nó lật tôi lại, vén áo lên và cẩn thận lau khắp người.

    Tay chân xụi lơ, tôi mặc cho Tịnh chăm sóc, đầu óc mê mê tỉnh tỉnh và thiếp đi lúc nào không hay.

    Khi tôi thức dậy, trán đã bớt nóng nhưng người vẫn còn rất mệt. Tôi nhìn quanh không thấy Tịnh đâu, đoán nó đã đi làm. Sực nhớ đến Sâm, tôi hoảng hốt với tay chộp chiếc điện thoại trên bàn, giật bắn người khi thấy đồng hồ chỉ 7 giờ. Chết rồi! Tôi hấp tấp khua chân xuống sàn nhà tìm dép nhưng vừa đứng lên tôi đã vội buông mình rơi xuống. Chỗ là đôi chân bây giờ là một thứ gì đó yếu ớt không còn chút hơi sức.

    - Chị nằm nghỉ đi! Chị chưa khỏe hẳn, dậy làm gì! – Tịnh từ ngoài đi vào, tay cầm mấy vị thuốc, hớt hải nói.

    - Em chưa đi làm sao?

    - Hôm nay em làm ca chiều.

    Tịnh đặt mấy vỉ thuốc bên cạnh chai nước suối trên bàn, rồi bước lại chỗ kê bếp ga:

    - Em nấu cháo cho chị ăn nha. Ăn xong rồi uống thuốc.

    Tịnh vừa nhấc chiếc nồi treo trên vách, chưa kịp lấy gạo, đã quay lại nhìn tôi, tròn mắt:

    - Ủa, anh Sâm là ai vậy chị?

    - Anh Sâm á? – Tôi ngơ ngác hỏi lại, nhớ ra mình chưa từng nhắc tên Sâm trước mặt cô bạn cùng phòng.

    - Dạ. Tối qua chị mê sảng cứ gọi tên anh Sâm. Em nghi ảnh là người yêu của chị quá à.

    Tịnh vừa nói vừa nheo nheo mắt, giọng hào hứng như bắt được trộm. Mái tóc xoăn viền quanh gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ khiến nó giống như một con mèo láu lỉnh.

    - Em đừng có nghĩ bậy! – Tôi nạt – Sâm là sếp của chị. Có lẽ tối qua bị sốt, chị lo anh Sâm sẽ la chị nếu chị nghỉ làm bất thình lình nên nói mớ đó thôi.

    Tôi chỉ nói cho qua. Nhưng ngay sau đó, tôi quyết định bấm số máy của Sâm.

    - Em xin phép nghỉ làm hôm nay nghe anh.

    - Sao vậy?

    - Em đang bị sốt.

    - Vậy mà tôi cứ tưởng các loại bệnh không thể chạm tay được vào người cô chứ. Từ khi quen biết cô, tôi có thấy cô bị bệnh lần nào đâu.

    - Nhưng lần này thì em bệnh.

    Tôi đáp, cơn giận hôm qua tưởng đã nguôi chợt dâng lên ngang cổ khiến tôi thấy giọng mình méo đi. Tôi định nơi "Tại anh đó!" nhưng đến phút chót tôi kịp tỉnh táo để tốp câu nói điên rồ đó lại.

    - Thôi cô bệnh thì nghỉ đi – Giọng Sâm chợt dịu dàng, có lẽ anh sực nhớ đang nói chuyện với người ốm - Khi nào hết sốt thì đi làm lại.

    - Rồi ai đi chợ?

    - Tôi sẽ đi thay cô.

    Sáng hôm đó, tôi quanh quẩn trong nhà, người bứt rứt khó chịu, cứ chốc chốc lại đưa tay lên sờ trán. Tịnh lăng xăng quanh tôi, ríu rít đủ thứ chuyện, có lẽ nó muốn làm tôi vui.

    Tôi nhìn đôi môi đỏ tươi của nó:

    - Em điệu quá rồi đó nha! Nghỉ làm mà cũng tô son à?

    - Hồi sáng đi ra tiệm thuốc tây, em cũng phải xanh xanh đỏ đỏ với thiên hạ một tí.

    Tôi chợt nhớ câu nói hôm nào của Sâm "Cô nên dùng loại son gì khác cho mặt mày tươi lên", liền báo Tịnh:

    - Vậy em cho chị một tí xanh xanh đỏ đỏ đi! Bệnh thế này, chắc mặt chị trông giống con ma quá!

    Tôi ngồi xếp bằng trên giường chìa môi cho Tịnh tô son, trong đầu hiện ra cảnh đối đáp với Sâm cách đây mấy ngày.

    - Sao cô không cài băng đô cho đẹp?

    - Bộ anh tưởng em còn tuổi "teen" hả? Em hăm bốn rồi, anh.

    – Tôi thấy con gái cài băng đô trông xinh và trẻ. Nhất là khi để tóc mái ngang hoặc chải ngược ra sau.

    - Anh quan tâm đến sắc đẹp của phụ nữ từ lúc nào vậy? Hay anh chê em già?

    - Tôi chỉ ngạc nhiên thôi. Trong quán tôi chẳng thấy cô nào xài băng đô.

    Trước đây tôi cũng hay cài băng đô. Nhưng từ khi có quy định đội nón bảo hiểm, băng đô trở nên bất tiện. Mỗi ngày tôi đi cả chục ngôi chợ, cứ phải tháo ra đeo vào liên tục. Tôi chuyển qua xài kẹp tóc, vừa gọn vừa nhanh, mặc dù xài kẹp thỉnh thoảng tôi vẫn bị gãy tóc.

    Tiếng gõ cửa thình lình vang lên, cắt đứt những nghĩ ngợi miên man trong đầu tôi.

    Tịnh nhấc thỏi son ra khỏi môi tôi, nói:

    - Xong rồi đó, chị. Để em ra xem ai. Chắc bà chủ nhà lên đòi tiền trọ quá.

    Tôi tưởng mình bị hoa mắt khi thấy Sâm hiện ra ngay cửa. Có giỏi tưởng tượng đến mấy tôi cũng không nghĩ anh lộn lại đến tận nhà trọ của tôi vào lúc này.

    Tịnh trố mắt nhìn người khách lạ:

    - Xin lỗi, anh tìm ai?

    - Tôi tìm cô Khuê – Sâm đáp lời Tịnh nhưng ánh mắt anh nhìn về phía tôi.

    Tịnh bỗng "à" lên một tiếng, rất giống tiếng reo:

    - Chắc anh là anh Sâm?

    - Sao cô biết tôi? – Tới lượt Sâm dựng mắt lên.

    - Chị Khuê vẫn hay nhắc anh mà.

    Tịnh cười đáp, giọng thật như đếm. Nghe nó bịa chuyện, bụng tôi giật thon thót. Tính chửi thầm nó nhưng ngẫm lại tôi thấy nó nói vậy dù sao cũng tốt hơn là bảo tôi nằm mơ gọi tên Sâm.

    Trên tay Sâm là một túi trái cây. Anh đặt chiếc túi lên chiếc bàn cạnh đầu giường, giơ tay ra cản khi thấy tôi thõng chân xuống đất định đứng lên

    - Cô cứ ngồi đi!

    Tôi nhíu mày:

    - Sao anh biết địa chỉ nhà em?

    - Tôi hỏi cô Lương. Lương đến đây mấy lần rồi mà.

    Sâm đảo mắt nhìn quanh:

    - Phòng này chắc khoảng mười sáu mét vuông.

    Phòng tôi ở khá chật. Ngoài toa-lét, không gian còn lại chỉ đủ chỗ kê tủ quần áo, hai chiếc giường nhỏ và một chiếc bàn hẹp và dài chạy sát vách, kiểu bàn học trò, đầu bên này để ly tách, đầu bên kia kê chiếc bếp ga tôi và Tịnh vẫn dùng để nấu mì gói, nấu nước sôi pha sữa, cà phê, thỉnh thoảng nấu cơm, kho cá vào những hôm được nghỉ làm. Ngay phía trên là chiếc kệ lửng bằng gỗ tạp chia làm nhiều ngăn, ngăn xếp sách và tập vở, ngăn đựng chén bát, ngăn chứa đồ hộp, trứng, mì gói, mắm muối, tương chao.

    Sâm quét mắt lên kệ, thắc mắc:

    - Cô ra trường hơn một năm rồi, sao sách vở còn nhiều vậy?

    Lâu nay tôi vẫn kiếm sống bằng nghề dạy kèm. Ngay năm đầu tiên bước chân vào đại học, tôi đã đi làm gia sư vào buổi tối và vào những ngày tôi không phải đến lớp. Trong thời gian thất nghiệp sau khi ra trường, tôi tiếp tục mưu sinh bằng nghề này. Trước khi làm chỗ Sâm, mỗi ngày tôi dạy hai lớp. Một lớp Toán cho các bé tiểu học. Một lớp tiếng Anh cho các bé lớp Sáu và lớp Bảy. Thu nhập hàng tháng khoảng hai, ba triệu đồng, không nhiều nhặn gì nhưng cũng đã giúp tôi tằn tiện sống để nuôi nấng ước mơ. Tôi chỉ thôi công việc dạy kèm khi nhận ra tôi không thể sắp xếp thời gian để dạy một ngày hai lớp một cách ổn thỏa. Tôi chỉ có vỏn vẹn ba mươi phút để chạy sang lớp thứ hai sau khi kết thúc lớp thứ nhất trong khi tôi cần gấp rưỡi quảng thời gian như thế cho hai nơi ở rất xa nhau. Đúng vào lúc tôi chưa biết làm gì sau khi nghỉ dạy thì quán của Sâm thông báo tuyển người.

    - Trước khi vô làm ở quán, em đi dạy kèm nên phải cần tới sách vở. – Trước về mặt tò mò của Sâm, tôi từ tốn đáp.

    Thấy Sâm vẫn đứng giữa nhà nghiêng ngó, Tịnh đẩy chiếc ghế về phía anh:

    - Anh Sâm ngồi đi.

    Tôi nhìn Tịnh, sực nhớ chưa giới thiệu nó với Sâm:

    - Đây là Tịnh, bạn trọ cùng quê với em.

    - Vậy chắc hai cô học chung với nhau từ nhỏ?

    Tịnh mỉm cười:

    - Dạ không. Em nhỏ hơn chị Khuê hai tuổi. Em lại ở khác xã nên học khác trường.

    - Cô ở xã nào?

    Tịnh nói xã. Và ngạc nhiên hỏi lại:

    - Anh biết quê em à?

    - Cách đây nhiều năm tôi từng tới quê của cô Khuê. Tôi theo ông cậu đi buôn dưa hấu ở miệt này.

    - Ồ, nhà em là vựa trái cây lớn ở dưới đó. Vậy chắc là anh biết ba em?

    - Ba em tên gì?

    - Ba em là ông Mười Thái.

    Giống như có một tiếng sét xẹt ngang đầu tôi. Khi nghe Tịnh bảo nhà nó là vựa trái cây lớn ở dưới quê, tôi đã thấp thỏm, ngờ ngợ. Đến khi Tịnh nói tên ba mình, dù đã chuẩn bị tinh thần, tôi có cảm giác người tôi phát sốt trở lại, mồ hôi ùa ra đây chân tóc. Hóa ra lâu nay tôi ở chung với con gái ông Mười Thái mà không hề biết. Một thời gian dài tôi vô tâm không hỏi gốc gác của Tịnh, chỉ biết nó ở xã bên cạnh. Tịnh chắc cũng không biết tôi là người ba mẹ nó dạm hỏi cho anh trai mình. Lúc ông Mười Thái ngỏ lời với mẹ tôi, Tịnh đang sống trên thành phố, hơn nữa đó là một cuộc kết thân thất bại nên có lẽ ba mẹ nó không muốn để lộ cho nhiều người biết, kể cả con gái mình.

    Tôi không bao giờ nghĩ Tịnh là con của ông Mười Thái còn vì một lẽ khác: Ngược lại với anh trai mình, Tịnh không ra dáng tiểu thư con nhà giàu. Từ cách ăn mặc đến sinh hoạt hàng ngày, tất cả đều giản dị. Nếu là con nhà giàu, tôi nghĩ, không việc gì Tịnh phải xin đi làm ở phòng khám tai mũi họng với đồng lương ba cọc ba đồng. Tịnh đi làm theo ca. Hôm nay làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì hôm sau làm từ 2 giờ chiều đến 8 giờ tối. Hôm nào tăng ca do bệnh nhân đông hoặc phải đi phụ các ca mổ ở bệnh viện thì nó làm một mạch từ sáng đến tối. Lúc đầu, lương thử việc còn Tịnh chỉ có hai triệu. Sau hai tháng, lên được ba triệu. Sau một năm, lương của nó cũng chỉ ở mức năm triệu rưỡi, thỉnh thoảng tháng nào tăng ca thì nó lãnh được sáu, bảy triệu.

    Gần đây, Tịnh than với tôi:

    - Chỗ này lương bèo bọt quá chị à. Thu nhập thấp quá, nhân viên nghỉ gần hết. Chắc sắp tới em cũng xin nghỉ, đi kiếm việc chỗ khác.

    Câu nói yếm thế đó chỉ có thể thốt ra từ một cô gái có hoàn cảnh khó khăn như tôi. Đó là lý do tôi chưa bao giờ tò mò về gia cảnh của cô bạn chung phòng. Tóm lại, nhìn bề ngoài Tịnh không khác gì tôi, dù mẹ tôi đi làm thuê cho ba mẹ nó.

    Trong khi tôi muốn ngất vì tiết lộ của Tịnh, Sâm có về chẳng khá hơn.

    - Ra cô là con ông Mười Thái? – Anh dán mắt vào một Tịnh, giọng ngỡ ngàng.

    - Vậy là anh biết ba em?

    - Đúng là cậu tôi từng mua dưa ở vựa trái cây của ba cô.

    - Hèn gì em thấy anh quen quen. Chắc anh và em từng gặp nhau. Hồi đó em hay chạy ra vựa xém người ta bốc hàng, dỡ hàng.

    - Ờ, có thể lắm.

    Hôm đó tôi có cảm tưởng Sâm ghé thăm Tịnh chứ không phải thăm tôi. Sâm chỉ hỏi tôi qua loa vài câu về sức khỏe rồi lật đật quay sang trò chuyện với Tịnh. "Dạo này ba mẹ em có khỏe không?". "Vựa trái cây có gì khác trước?". "Em lên thành phố bao lâu rồi?". "Công việc của em có ổn không?"..

    Tôi nhớ chưa bao giờ Sâm hỏi tôi những câu như vậy. Thái độ nhiệt tình khác thường của anh đối với cô gái mới quen khiến tôi thấy khó chịu. Đến khi phát hiện chiếc băng-đô màu vàng bằng vải đang quấn quanh mái tóc óng ả của Tịnh thì sự khó chịu trong tôi bỗng lớn phồng lên thành một cảm giác gì do rất gần với sự ghen tức. Hóa ra nguyên nhân nằm ở đây! "Sao cô không cài băng-đô cho đẹp? Tôi thấy con gái cài băng-đô trông xinh và trẻ". Câu nói hôm nào của Sâm xoáy vào tim tôi khiến tôi muốn tức thở. Cũng may lúc này mình tô son, tôi tự an ủi, nếu không bữa nay trông mình thật là tệ!

    Có một lúc tôi bắt gặp mình ước gì hôm nay Tịnh đi làm ca sáng. Nếu vậy đã không xảy ra cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn này. Tôi không hiểu tại sao tôi lại nảy ra ước muốn kỳ quặc đó, có lẽ trực giác đang mách cho tôi biết những gì tôi không chờ đợi nhất chỉ mới bắt đầu.

    Khi Sâm về rồi, tôi quay sang Tịnh, bóng gió:

    - Chị chưa thấy em trò chuyện với ai vui vẻ như vậy. Ngạc nhiên thật đó.

    - Em thấy anh Sâm gần gũi mà, chị.

    Suýt chút nữa tôi đã rơi ra khỏi giường. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe có người khen Sâm gần gũi. Khen Sâm gần gũi chẳng khác nào khen hổ báo hiền lành. Lâu nay Sâm nổi tiếng là người khép kín, khó gần và cực kỳ nguyên tắc. Sâm ít khi cười với ai, nếu có chỉ là nụ cười nửa miệng. Tôi cực ghét kiểu cười của Sâm dù tôi không biết nụ cười đó thật ra mang ý nghĩa gì: Chế giễu, khinh mạn, khiêu khích hay chỉ đơn giản là anh chưa bao giờ cảm nhận được một niềm vui trọn vẹn. Nụ cười vẽ ra trên môi Sâm bao giờ cũng dừng lại nửa chừng, giống như niềm vui trong anh vừa chớm nở thì bị ai giật mất. Có lần Lương hỏi tôi "Chị đọc cuốn Người đàn ông có bộ mặt cười của Victor Hugo chưa?". "Chưa." "Vậy cuốn Người đàn ông có bộ mặt không biết cười chắc chị đọc rồi?". "Cũng chưa". "Chị đọc mỗi ngày mà chị quên đó thôi". Tôi ngẩn ra một lúc mới hiểu Lương muốn nói gì "Con quỷ con! Em không sợ chị méc anh Sâm hả?". Lương cong môi "Sợ gì chứ!" Rồi nó tủm tỉm: "Chị cẩn thận đó. Hồi trước có vài cô trong quán thích anh Sâm nhưng sau một thời gian các cô nàng nông nổi đó chợt nhận ra mình thích một cục đá còn lãng mạn hơn nhiều".

    Lương hay ghép đôi tôi với Sâm. Thoạt đầu tôi hơi khó chịu, dần dần tôi mặc kệ, gần đây thì phản ứng của tôi giống như là đồng tình, mặc dù tôi không biết tôi đang có thứ gì nhiều nhất trong mối quan hệ này: Là tình cảm trai gái hay chỉ là lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ.

    Cho đến lúc này, sau nhiều lần cẩn thận sàng lọc cảm xúc, tôi vẫn chưa thể tự tin xếp loại và dán mác cho tình cảm của mình, dù tôi biết rõ thứ tình cảm phức tạp đó chắc chắn đã được sinh ra. Giống như một đứa trẻ, nó đang âm thầm lớn lên dù chưa có giấy khai sinh hợp lệ. Thứ tình cảm chưa được đặt tên đó bắt đầu làm tôi hoang mang, mệt mỏi, đặc biệt từ khi Sâm ghé nhà trọ thăm tôi.

    Và đúng như tôi linh cảm, cuộc trò chuyện thân mật giữa Sâm và Tịnh trong buổi trưa hôm đó chỉ là khúc dạo đầu. Đến khi biết Sâm vẫn hay gọi điện thoại cho Tịnh thì tôi đâm ra bần thần. Cao hơn sự bần thần nữa, đó là cảm giác uất nghẹn. Nó rất giống với cảm giác của người bị đâm sau lưng mặc dù xét cho cùng tôi không thể nhân danh bất cứ điều gì để phán xét hay lên án Sâm.
     
  9. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi tình cờ nghe được cuộc gọi đó ba ngày sau lần Sâm ghé thăm tôi.

    - Anh Sâm hả? Em nghe đây! – Tịnh luồn máy vào dưới các lọn tóc lòa xòa bên thái dương, giọng vui mừng.

    Tiếng reo của Tịnh làm tôi bàng hoàng, máu nóng đua nhau dồn hết lên đầu. Tôi không biết bằng cách nào Sâm có số điện thoại của Tịnh và thật ra thì anh đã gọi cho nó bao nhiêu lần rồi. Tôi liếc về phía Tịnh, lần đầu tiên phát hiện động tác của nó thật duyên dáng và mái tóc loăn xoăn của nó nữa, cũng thật trẻ trung đáng yêu, dù hôm nay nó không cài băng-đô.

    - Dạ, chị Khuê đỡ nhiều rồi. Anh yên tâm.

    Tôi không nghe được Sâm nói gì bên kia nhưng vẫn đoán ra anh hỏi thăm tôi. Lẽ ra tôi phải cảm thấy được an ủi nhưng sự nghi ngờ trong tôi đang đứng cao hơn mối cảm kích khiến thứ đang lấp đầy tôi lúc này chỉ là sự hờn giận ngút trời.

    - Dạ dạ.

    Tịnh vừa nói vừa đi ra cửa nên tôi không biết cả hai tiếp tục nói với nhau những gì.

    Tôi cố giữ cho giọng mình đừng gầm gừ khi Tịnh quay vào:

    - Anh Sâm gọi hả em?

    - Dạ.

    - Ảnh nói gì vậy?

    - Ảnh hỏi chị đã khỏe chưa.

    Tôi định hỏi Sâm còn nói gì với em nữa nhưng đến phút chót tôi kịp nuốt câu hỏi vào bụng. Tôi không muốn đẩy mọi chuyện đi quá xa. Nhưng còn một câu hỏi khác, lẽ ra tôi cũng không nên hỏi nhưng tôi biết nếu không hỏi tôi sẽ chết vì tò mò:

    - Làm sao anh Sâm có số phone của em?

    Thái độ của tôi dù không cố ý, cũng đã rất giống thái độ của một quan tòa. Nhưng Tịnh dường như không để ý đến điều đó. Nó đáp, vui vẻ:

    - À, hôm trước lúc em đưa anh ra cửa, ảnh hỏi điện thoại em số mấy.

    Vẻ hồn nhiên của Tịnh làm tôi vừa tức vừa bối rối. Tôi không biết nó vô tâm thật hay vờ làm ra thế. Dĩ nhiên câu trả lời của Tịnh không làm tôi thỏa mãn.

    Vẫn còn vô số câu hỏi đang xếp hàng trong đầu tôi và tôi rất muốn nghiến răng: "Ảnh có nói ảnh xin số phone của em để làm gì không?". Rất may tôi còn đủ tỉnh táo để không sa vào chiếc bẫy của cảm xúc. Tôi biết nếu tôi không cảnh giác, nỗi ghen tức sẽ lập tức che mờ lý trí tôi. Tôi không muốn vì chuyện này mà tôi lọt vào top 3 những người vô duyên nhất trên đời. Vả lại, nếu tôi hỏi như thế, và nghe Tịnh đáp "Em thấy chuyện đó bình thường mà chị", hoặc nặng nề hơn "Chị hỏi làm gì?", tôi không biết mặt tôi lúc đó sẽ chuyển sang gam màu gì, tôi sẽ tiếp tục cuộc đối thoại như thế nào và hai đứa tôi sẽ nhìn mặt nhau trong những ngày sắp tới ra sao.

    Tôi không hỏi Tịnh. Nhưng với Sâm thì tôi chẳng việc gì phải kiêng kỵ.

    "Chúc mừng cô khỏi bệnh", Sâm chào đón tôi khi tôi đi làm lại sau năm ngày nghỉ ốm.

    Tôi không cảm ơn Sâm như lẽ ra tôi phải làm thế. Sáng hôm đó, tôi đã bực bội ngay từ khi dắt xe ra khỏi bãi gửi của khu chung cư, và tôi đã đáp lại lời chúc của anh bằng câu hỏi tôi đã nhẩm đi nhẩm lại trong đầu suốt dọc đường đi:

    - Muốn hỏi thăm sức khỏe em, tại sao anh không gọi trực tiếp cho em mà gọi cho Tịnh?

    - Vì cô bệnh, tôi phải hỏi qua người khác. – Sâm thản nhiên, không hề lúng túng như tôi nghĩ – Gọi cho cô nhằm lúc cô đang cần nghỉ ngơi khác gì quấy rầy cô, làm cho cô mệt hơn.

    Lý lẽ của Sâm chính đáng đến mức tôi thộn mặt ra vì bất ngờ. Tôi đã xếp sẵn trong đầu hàng chục mẫu câu bắt đầu bằng hai chữ "tại sao" như người đi săn tích trữ đạn dược với mục đích dồn Sâm vào thế bí nhưng rốt cuộc, giống như một con thú tinh khôn, anh thoát thân một cách dễ dàng.

    Tất nhiên tôi không có lý do gì để tiếp tục hạch hỏi Sâm nhưng linh tính mách cho tôi biết Sâm xin số phone của Tịnh không phải chỉ để hỏi thăm tôi.

    Ngoài Sâm ra, hôm đó rất nhiều đồng nghiệp chúc mừng tôi nhưng lòng tôi chẳng thấy vui. Gần trưa, tôi kín đáo ngoắt Lương ra đầu hẻm.

    - Chuyện gì bí mật vậy chị? – Lương lém lỉnh hỏi - Định tặng quà cho em hả?

    Tôi nghiêm nghị:

    - Hôm trước anh Sâm ghé phòng trọ của chị.

    - Trời! – Mặt Lương rạng ra – Vậy là ảnh thích chị rồi.

    - Bậy! Ảnh nghe chị bị sốt nên ghé thăm.

    - Đó là ảnh kiếm cớ thôi. Muốn hỏi thăm thì gọi điện thoại được rồi.

    - Ảnh có gọi. – Tôi tặc lưỡi, cố giữ giọng bình tĩnh - Nhưng không phải gọi cho chị.

    Lương ngạc nhiên:

    - Chứ ảnh gọi cho ai.

    - Anh gọi cho nhỏ Tịnh.

    Tôi thuật cho Lương nghe những gì xảy ra mấy ngày vừa rồi. Tôi có nén ấm ức nhưng cái cách nhấn nhá trong giọng điệu vẫn cho thấy tôi đang hăng hái kể tội Sâm. Lương biết Tịnh, vì nó từng đến chỗ tôi trọ nhiều lần.

    - Bộ chị nghi anh Sâm và Tịnh có gì với nhau hả? - Lương nhìn sững vào mặt tôi – Em nhớ Tịnh có bạn trai rồi mà. Anh chàng gì học trường kiến trúc, hay đưa đón nó đi làm đó.

    - Hai đứa nó chia tay rồi.

    Tôi đáp, và thở dài:

    - Thật ra chị không nghi gì hết. Nhưng chị khó chịu khi bọn họ lén lút gặp gỡ sau lưng chị. Lương lắc mái tóc học trò, nói như an ủi:

    - Gọi điện thoại thì đâu có thể bảo là gặp gỡ?

    Lương nói đúng. Gọi điện thoại thì không thể bảo là gặp gỡ. Nhưng đi ăn với nhau thì không thể nói khác đi.

    Ba ngày sau, Tịnh khoe tôi:

    - Anh Sâm mời em đi ăn tối nay đó, chị.

    - Vậy hả em?

    - Chị đi với em nha.

    - Tối nay chị bận rồi.

    Tôi hờ hững đáp, cố không nhìn về phía Tịnh. Tôi không muốn nó thấy mặt tôi đang méo đi từng phút một. Vậy là quá rõ! Tôi xót xa nghĩ. Đối với Sâm, hóa ra tôi không là gì. Anh chưa từng mời tôi đi ăn một lần, điều mà anh dễ dàng làm với cô gái anh chỉ quen mới có vài ngày. Tất cả những gì đẹp đẽ nhất, những gì tôi vẫn bắt gặp trong mơ, hóa ra chỉ là ảo ảnh, là những cuộc phiêu lưu tình cảm do tôi tự vẽ ra. Tôi đã bị trí tưởng tượng cầm tù và tự nguyện để nó thao túng suốt một thời gian dài.

    Tôi từng nghe ai đó bảo tình yêu là trò chơi của những sai lầm. Tôi không rõ tôi đã thật yêu chưa, nhưng sai lầm thì tôi có thừa. Tôi tự mua dây buộc mình, buộc luôn những kẻ vô can như Sâm, Tịnh vào đó và không ngừng làm phiền họ.

    Bỗng chốc tôi ngạc nhiên nhận ra tôi không cảm thấy ghen tức hay giận hơn như những ngày qua. Cái đang bóp nghẹt trái tim tôi lúc này là sự buồn tủi. Là nỗi đắng cay. Bây giờ nhớ lại, tôi thất vọng nhận ra quan hệ giữa tôi và Sâm lâu nay dường như không có một điểm nhấn nào để có thể nghĩ là anh có tình cảm đặc biệt với tôi. Tất cả chỉ đơn giản là quan hệ giữa người dạy việc và người học việc. Ờ, tất cả chỉ có thế thôi.

    - Em đi nha, chị.

    Tịnh đeo túi xách lên vai, nhìn tôi nói, khi đồng hồ chỉ sáu giờ chiều.

    - Em đi chơi vui vẻ.

    Tôi nói, ngạc nhiên về sự bình thản của mình.

    Nhưng tôi chỉ ngạc nhiên một giây thôi. Rồi tôi buồn bã nhận ra lòng tôi đang trống rỗng. Có lẽ đó là tâm trạng của người chấp nhận thua cuộc, sẵn sàng chúc mừng chiến thắng của đối phương một cách cao thượng.

    Cô bé mơ mộng là tôi đó, bây giờ ngồi thu mình trong căn phòng nhỏ, lặng lẽ thăm dò lòng mình và âu sầu tự hỏi: Thật ra tôi đang quan tâm đến điều gì? Tôi đang theo đuổi những giá trị nào trong cuộc sống? Tôi đến thành phố này, chịu đựng vất vả suốt một thời gian dài, rốt lại là vì điều gì hay vì ai? Học tập? Tìm kiếm công ăn việc làm? Giúp đỡ ba mẹ? Phát triển bản thân? Hay để tìm kiếm yêu đương? Tôi ngồi bất động suốt nhiều giờ liền, bỏ cả bữa tối, chỉ để thẫn thờ nhận ra mình đang lạc lối. Tôi nhận ra tôi đã phí quá nhiều thời gian và tâm trí để dọ dẫm trên con đường không phải của mình. Tôi như người đội nắng đội mưa cắm mặt cày bừa, cuối cùng nhận ra mình đang đổ mồ hôi trên cánh đồng của người khác.

    Người khác đó, gần mười giờ tối mới đẩy cửa vào nhà, thấy tôi đang nằm quay mặt vào vách, khẽ hỏi:

    - Ngủ sớm vậy, chị?

    Tôi vờ ngủ, không trả lời, chỉ nằm im nghe tiếng chân Tịnh nhẹ bước vào phòng tắm.

    Nếu như trước đây, cũng chẳng lâu la gì – chừng ba ngày trước thôi, tôi sẽ nôn nao thức đợi Tịnh về, sẽ hồi hộp quan sát vẻ mặt của nó, điệu bộ của nó, cả bước chân của nó, để đoán xem nó hào hứng đến mức nào sau khi gặp Sâm, rằng bọn họ đi nói hay đã làm những gì suốt bốn tiếng đồng hồ bên nhau - quãng thời gian quá thừa thãi cho một bữa ăn nhưng rất phù hợp với một buổi hẹn hò. Nhưng bây giờ, tôi chỉ muốn ngủ, thoạt đầu là vờ ngủ nhưng rồi tôi bị sự mệt mỏi đánh gục lúc nào không hay.

    Hôm sau đến quán, tôi không nói gì với Sâm về chuyện anh mời Tịnh đi ăn. Chấp nhận vị trí của kẻ đứng ngoài lề, tôi bắt đầu tập xem chuyện giao du của Sâm không liên quan gì đến mình. Tôi sân si của ngày hôm qua đã chết rồi. Tôi xác định tôi đi làm ở quán ăn này là để kiếm sống.

    Kể từ hôm đó, mỗi ngày tôi lẳng lặng chạy xe đi các chợ mua hàng, cố bắt đầu óc tập trung vào công việc và tránh xa Sâm càng nhiều càng tốt.

    Lương vẫn âm thầm theo dõi tôi.

    - Dạo này em thấy chị là lạ thế nào? – Một hôm nó thì thầm vào tai tôi.

    - Lạ gì đâu!

    Lương liếm môi:

    - Chị và anh Sâm đang giận nhau hả?

    - Làm gì có!

    - Nếu không thì tại sao bây giờ quán mình có tới hai bộ mặt không biết cười?

    Tôi không trả lời Lương, vì tôi không biết trả lời thế nào. Tôi kiếm cớ lảng đi chỗ khác, bất chấp ánh mắt dò hỏi của nó.

    Tôi tránh bắt chuyện với Sâm nhưng do công việc, tôi không thể tránh mãi được. Sáng hôm đó tôi ghé chợ Hòa Bình như thường lệ, ngạc nhiên thấy sạp cá của dì Ba Được trống trơn. Nhìn quanh không thấy dì đâu, tôi lo lắng chạy sang hỏi chị Hội, chủ sạp kế bên:

    - Dì Ba Được hôm nay nghỉ bán hả chị?

    - Ừ.

    - Chết em rồi. Dì nghỉ không báo trước, em biết làm sao bây giờ?

    - Báo sao được mà báo! Hồi sáng vừa dọn hàng ra, thình lình bả bị đột quỵ, chồng bả chở bả đi bệnh viện rồi. – Đang nói, chị Hội chợt nhận ra tôi – À, em là mối quen của bà Ba phải không?

    - Dạ, ngày nào em cũng lấy cá ở đây.

    Chị Hội chỉ tay xuống gầm quầy:

    - Cá của bà Ba tụi chị sợ hư nên đóng hết vô thùng giùm bả, xếp đầy nước đá ở trỏng rồi nhét dưới gầm này nè.

    Tôi chưa hết ngơ ngác, chị đã phẩy tay nói tỉnh bơ:

    - Em cứ lôi hết cá trong thùng ra đi, rồi muốn lấy thứ gì thì lấy. Chuyện tiền bạc, em chờ bà Ba xuất viện về rồi tính. Bây giờ bả vô bệnh viện rồi, tụi chị không biết gì hết á.

    Tôi ngần ngừ:

    - Hay em ở đây đợi chồng dì Ba về?

    - Ông Ba ổng có biết gì đâu. Em gặp ổng cũng như không.

    Lần đầu tiên gặp tình huống này, tôi lúng túng không biết phải làm thế nào. Tôi đi tới đi lui, đầu xoay như chong chóng. Nếu tôi đi về tay không thể nào Sâm cũng mắng. Nhưng thò tay vào thùng lấy cá khi dì Ba vắng mặt, tôi lại ngại.

    Cuối cùng tôi đành làm cái chuyện tôi không muốn chút nào là gọi điện thoại cho Sâm. Sau khi nghe tôi trình bày, Sâm nói:

    - Cô cứ lấy phần cá của mình đi.

    - Cứ lấy tự nhiên hả anh?

    - Ờ. Nhưng cô khoan về đã. Chờ một chút xem có mối nào tới lấy cá nữa không.

    - Chi vậy anh?

    - Đợi các mối quen lấy phần của họ rồi, cô xem còn bao nhiêu cá trong thùng, cứ chở hết về cho tôi. Tiền bạc tính sau.

    Nghe lời Sâm, tôi chở cá về nhưng lòng không ngớt thấp thỏm. Tôi không biết Sâm nghĩ gì mà mua nhiều thế, nhất là làm sao tiêu thụ hết số cá dôi ra.

    - Mua gì nhiều vậy anh? – Vừa gặp Sâm, tôi hỏi ngay.

    - Mua giúp dì Ba. Sau khi giao hàng cho các mối quen, phần lớn cá còn lại dì dành để bán lẻ trong ngày. Hôm nay đóng quầy, số cá này thế nào cũng hư.

    - Nhưng mình lấy nhiều vậy bán sao hết?

    - Bán không hết thì nấu cho nhân viên ăn. – Sâm nói, giản dị.

    Bếp ăn của quán xưa nay vẫn nấu cơm miễn phí cho nhân viên. Ai làm ca sáng thì được phục vụ cơm trưa, ai làm ca chiều thì được phục vụ cơm tối. Người nào làm từ sáng đến tối thì ăn ngày hai bữa tại quán.

    Tự nhiên tôi cảm thấy vui. Như trước nay, Sâm hay có những cách ứng xử khiến tôi phải ngẫm nghĩ. Nếu không có chuyện của Tịnh, mối quan hệ giữa tôi và anh có lẽ sẽ ấm áp hơn nhiều. Nhưng cuộc sống là vậy, tôi thở dài, trong xã hội, trong gia đình, trong các mối quan hệ và ngay trong tâm hồn ta đôi khi vẫn xuất hiện những vết nứt gãy mà ta không hề chờ đợi.

    Sâm cắt ngang luồng suy nghĩ trong đầu tôi:

    - Bây giờ tôi và cô quay lại chợ Hòa Bình.

    - Ngay bây giờ hả anh?

    - Ờ. Tôi nghĩ chồng dì Ba lúc này đang ở ngoài đó.

    Sâm chở tôi trên chiếc Wave anh mới sắm sau khi nhường chiếc Cúp 81 lại cho tôi. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi chung xe với Sâm, nhưng lần này tôi không thấy thoải mái lắm. Nếu như trước đây, tâm trạng tôi có thể đã khác, thậm chí trái tim tôi sẽ ca hát dọc đường đi, tâm trí tôi sẽ không ngừng suy diễn chuyện này theo chiều hướng có lợi nhất cho những gì tôi đang rụt rè ấp ủ. Nhưng bây giờ cây mơ mộng trong hồn tôi đã héo. Tôi không còn nghĩ ngợi lung tung. Tôi không muốn cá cược với tương lai của mình nữa.

    Đúng như Sâm đoán, khi chúng tôi tới chợ, đã thấy chồng dì Ba đang loay hoay thu dọn đồ đạc chỗ sạp cá của vợ.

    - Sức khỏe dì sao rồi, dượng? – Sâm thắc thỏm hỏi.

    - Bả qua cơn nguy kịch rồi. Chắc vài bữa nữa bác sĩ sẽ cho về. Sắp tới chỉ cần nằm nhà uống thuốc thôi.

    - May quá! – Sâm thở phào – Dượng nói dì Ba cứ ở nhà nghỉ ngơi đi. Khi nào khỏe hẳn hãy ra chợ.

    - Chợ búa gì nữa! – Dượng Ba chép miệng - Sau vụ này, chắc bả nghỉ luôn. Mấy đứa con đâu có cho mẹ nó buôn bán nữa.

    Sâm tặc tặc lưỡi, không nói gì nhưng trông anh có vẻ buồn. Hụt hẫng nữa. Tôi biết, nếu dì Ba nghỉ bán chắc Sâm tiếc lắm.

    - Giờ sao đây, anh? – Tôi nhìn Sâm.

    - Cô tính tiền cá cho dượng Ba đi. Gửi thêm cho dượng ít tiền để phụ lo thuốc men cho dì Ba.

    Đúng như chị Hội nói, về chuyện tiền bạc dượng Ba ù ù cạc cạc. Tôi phải tính giùm dượng giá cả từng loại cá rồi theo số ký lô mà nhân lên.

    Lúc tôi và Sâm ra khỏi chợ, mặt trời đã gần đứng bóng nhưng tôi không thấy đói. Cứ nghĩ đến chuyện sắp tới không gặp dì Ba Được nữa, tự nhiên tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Tôi và dì chỉ là bạn hàng nhưng mối quan hệ đó được thời gian bồi đắp thành mối giao tình thân thiết hơn nhiều so với mối quan hệ giữa người mua và người bán thông thường.

    Tự nhiên tôi nhớ đến chị Dần, cô Mười, chị Điệp, dì Hai Anh.. những mặt người thân thuộc, và tôi nhận ra không biết từ lúc nào họ đã trở thành một phần của cuộc đời tôi.

    Đối với tôi hóa ra chợ không chỉ là nơi mua bán mà chính là không gian sống của tôi lâu nay.
     
  10. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    192
    PHẦN MỘT: QUÁN CHỢ

    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày hôm đó, Sâm chở tôi đi lòng vòng các chợ để tìm người thay thế dì Ba Được.

    Đi với Sâm mới thấy anh chọn mối hàng giống như phụ nữ chọn lựa quần áo: Được kích cỡ thì không bằng lòng màu sắc. Được màu sắc thì chê chất liệu vải. Được chất liệu vải thì không thích kiểu dáng. Tóm lại là kỹ lưỡng kinh hoàng. Nhưng tôi chẳng lạ gì Sâm nữa. Tôi nhớ có lần anh hỏi tôi "Cô biết tôi ghét nhất thói xấu nào của con người ta không?". "Em không biết". "Thói cẩu thả". Anh mím môi "Thói cẩu thả có thể làm chết người đó, cô".

    Cuộc tìm kiếm tốn nhiều thời gian đến mức Sâm phải chở tôi vào một quán cơm ven đường để ăn trưa trước khi đi tiếp.

    Như vậy, rốt cuộc cũng đến lúc Sâm mời tôi đi ăn nhưng tôi không thấy hào hứng hay cảm động. Sâm đi ăn với tôi khác xa lần Sâm đi ăn với Tịnh. Đó chỉ là một bữa ăn tình thế. Chúng tôi ghé vào quán ăn giống như tài xế ghé vào trạm xăng đổ nhiên liệu. Ăn để cho nó chứ không phải để kiếm cớ tâm tình. Chúng tôi ngồi bên nhau như hai đứa con trai hoặc hai đứa con gái và cho đến khi tôi quán, thời gian tôi nhìn vào đĩa cơm của mình nhiều hơn là nhìn Sâm. Nếu cả hai có trò chuyển đôi câu cũng chỉ xoay quanh đề tài nhân sự.

    - Em thấy chị bán cá ở chợ An Đông cũng được mà anh.

    Sâm gật gù:

    - Tính tình chị ấy hiền lành, thật thà. Nhưng tôi chưa biết cá chị ấy bán có tươi ngon không.

    Sâm bảo tính thật thà phải đi kèm với tính kỹ lưỡng mới thực sự đáng tin.

    - Kỹ lưỡng là sao?

    - Là họ cũng phải cẩn thận chọn lựa nơi cung cấp như mình chọn họ. Họ phải chịu khó dùng miệng để đánh giá chất lượng món hàng, nếu không họ sẽ không chọn được nhà cung cấp uy tín.

    Bây giờ thì tôi hiểu tại sao ghé sạp nào Sâm cũng mua mỗi loại cá vài con, bỏ riêng vào từng túi ni-lông. Anh sẽ đem cá về, nấu nướng, chế biến và ăn thử. Sẽ mới vài người khác trong quán cùng ăn. Rồi tập hợp ý kiến, nhận xét, so sánh, đánh giá. Cuối cũng là quyết định.

    Tôi khá bất ngờ khi ba ngày sau Sâm quyết định lấy cá của chị Ký ở chợ Hoàng Hoa Thám.

    Tôi dè dặt nói:

    - Em thấy cá chỗ chị Ký giá cao hơn mấy chỗ khác.

    - Cá chỗ chị Ký là ngon nhất. Chị ấy mua giá cao dĩ nhiên phải bán giá cao. Mình lấy mắc một chút cũng không sao.

    Mặc dù đã ở bên Sâm lâu ngày và biết khá rõ tính cách của anh, tôi vẫn không ngừng bị anh chinh phục. Nếu không để chuyện tình cảm chi phối, tôi sẵn sàng chấm anh ở thang điểm cao nhất so với những người tôi từng có cơ hội làm việc chung. Càng ngày tôi càng nhận ra Sâm là người không thích đặt ra giới hạn cho mình. Anh luôn cố làm những gì tốt nhất có thể trong việc phục vụ khách hàng. Anh chấp nhận lợi nhuận có thể bị sụt giảm để tạo dựng thương hiệu và uy tín lâu dài. Đặc biệt, anh làm điều đó một cách bình thản như mọi thứ đương nhiên phải thế, với một nhiệt tình không đổi.

    Có lẽ nhờ vậy mà quán ngày càng đông khách. Gần đây có thêm khách du lịch theo đoàn. Mỗi tháng vài ba lần, khách đi tour đều đặn ghé quán. Xe thả khách ngoài đầu hẻm, đợi khách ăn xong tiếp tục chở đến các điểm vui chơi, mua sắm.

    Hôm nào xe du lịch chở khách tới, quán gần như không còn một chỗ trống. Thực khách chậm chân phải xếp hàng chờ tới lượt. Lương kề miệng vào tai tôi, cười hí hí "Kiểu này chắc bọn mình sắp được tăng lương".

    Chợ Hoàng Hoa Thám không xa chỗ tôi trọ lắm. Tôi ở ngã ba Bà Quẹo, sáng dậy chạy thẳng đến chợ Bà Hoa lấy cá ruộng chỗ chị Điệp, tạt qua chợ Hoàng Hoa Thám lấy cá biển chỗ chị Ký, sau đó ghé chợ Nguyễn Tri Phương lấy gà chỗ chị Dần rồi sang chợ An Đông lấy hột vịt chỗ dì Hai Anh. Bốn ngôi chợ này gần như nằm trên một cung đường. Dĩ nhiên sau khi chở hàng về quán, tôi phải chạy một vòng nữa để ghé chợ Bến Thành và vài ngôi chợ khác.

    Có lần tôi hỏi Sâm:

    - Đi chợ chở hàng đâu phải là chuyện nhẹ nhàng, sao anh không phân công cho tụi con trai?

    - Con trai đâu phải đứa nào cũng cẩn thận và làm giống như tôi. – Sâm nhún vai - Lấy thịt cá ở các mối quan thì không sao. Nhưng khi mua các thứ lặt vặt như bí, dưa hay các loại cả, tụi nó đâu có thèm lựa như cô hay cô Lương.

    Thấy tôi ngẩn mặt vẻ không hiểu, Sâm tặc lưỡi:

    - Tụi con trai là chúa sĩ diện, mắc cỡ. Lựa tới lựa lui, tụi nó sợ bị trêu. Chủ sạp chỉ nói một câu "Đàn ông con trai gì mà kỹ quá vậy mày!", có đứa đã đỏ mặt tía tai liệng ngay trái khổ qua trên tay xuống. Đã vậy, nhiều đứa tính rất ẩu. Gửi xe ở bãi sợ lâu, tụi nó cứ cưỡi xe chạy lòng vòng quanh chợ, thấy quầy rau củ nào bày ngoài rìa là chống chân xuống đất, hét vọng vào "Cho con năm trái bí, cô ơi!", "Lấy cho em ba ký dưa đi, chị!". Đợi người ta bỏ hàng vô bịch xách ra, tụi nó liệng đại vô giỏ xe, chẳng thèm kiểm tra. Lúc đem về đổ ra, trái thì cong, trái thì đèo, trái thì sâu. Cô cũng biết rồi đó, tôi là tôi tối kỵ mấy đứa hời hợt, qua loa, cẩu thả. Sai tụi nó đi chợ, thà tôi đi còn hơn.

    Tôi phì cười nhớ đến tụi con trai trong quán. Tụi nó hầu hết là sinh viên, có đưa ra trường có đứa đang còn đi học. Mặt mày đứa nào cũng sáng sủa, trắng trẻo thư sinh. Nếu tôi là tụi nó, chắc tôi cũng không đủ can đảm đứng mân mê cầm lên đặt xuống từng trái cà, trái dưa trước ánh mắt cười cợt hay khó chịu của những người bán hàng.

    Bất giác tôi liếc Sâm:

    - Như vậy chắc anh không phải là con trai.

    - Cô định ám chỉ gì đó?

    - Em đâu có ám chỉ gì. Tại em thấy tính anh kỹ lưỡng. Cũng không ngại các bà các cô xì xào, chọc ghẹo.

    - Tôi từng nói với cô rồi. Tôi không ở trong số những người lúc nào cũng căng ra xem thiên hạ bàn tán gì về mình.

    Bất giác tôi nhớ lại lời Sâm nói hôm trước "Tôi không ngốc đến mức để dư luận nhốt tôi vào lồng và mặc sức hành hạ". Có lẽ Sâm đã sống đúng với quan niệm của anh. Sâm chẳng mảy may bối rối khi đám nhân viên trong quán cố tình ghép đôi tôi với anh. Anh chẳng buồn che giấu mối quan tâm anh dành cho Tịnh. Và tất nhiên, anh cũng không bận tâm tôi nghĩ gì.

    Dạo gần đây, Sâm thỉnh thoảng vẫn ghé phòng trọ của tôi dù tôi đã hết bệnh từ lâu. Dĩ nhiên anh chỉ ghé sau năm giờ, vào những ngày Tịnh nghỉ ca chiều. Nhiều hôm anh rủ tôi và Tịnh đi ăn nhưng tôi thường viện cớ để ở nhà. Hôm nào phải đi lấy lệ vì không thể từ chối mãi, tôi chỉ ngồi lơ đãng gặp thức ăn, chốc chốc góp chuyện khi Sâm hoặc Tịnh hỏi tôi điều gì đó.

    Những lúc đó, lòng tôi không vui cũng không buồn. Tôi không cần phải quá cố gắng để không phá hỏng không khí của bữa ăn. Tôi ngồi đó, trên chiếc ghế thứ ba, làm một người thứ ba - nhưng không phải trong tư cách một người phá đám cố kéo về phía mình tấm chăn vốn chỉ đủ đắp cho hai người.

    Có lẽ nhờ tôi biết cách tự thu xếp với chính mình, quan hệ giữa tôi và Tịnh thời gian qua không tốt lên nhưng cũng không xấu đi. Dù có Sâm xen vào giữa hai đứa tôi, tôi không thấy mình ghét Tịnh. Tôi không phủ nhận khi phát hiện ra mối quan hệ giữa Sâm và Tịnh, tâm trạng tôi rất tệ. Tôi cảm thấy hậm hực như bị cả thế giới hùa vào bịt mắt. Nhưng sau khi bình tĩnh nghiền ngẫm mọi thứ, tôi dần cởi trói được cho mình. Những sợi dây buộc đó, thỉnh thoảng vẫn bướng bỉnh quấn lấy đầu óc tôi. Đó là lúc tôi bắt gặp mình cay đắng: Tôi từ chối Quyền, anh trai Tịnh, bây giờ đến lượt Tịnh giành lấy giấc mơ của tôi - phải chăng đó là sự trả thù của số phận? Nhưng rất may ý nghĩa u ám đó trôi qua rất nhanh với tôi không bị nó dày vò như tôi vẫn lo lắng.

    Dẫu sao trong mắt tôi, Tịnh vẫn là một cô gái đặc biệt. Không phải đứa con gái nào ở trong hoàn cảnh sung túc như nó cũng quyết chọn cho mình lối sống tự lập, và tôi đoán ba mẹ nó chẳng vui vẻ gì khi thấy nó cày ải mỗi ngày để kiếm từng đồng trong khi nó có thể ngủ trên đống vàng mà không cần phải động tay động chân, nếu nó muốn.

    Có lẽ Sâm thích Tịnh vì lý do này. Tôi thầm nghĩ. Hồn nhiên cũng là một điểm cộng của Tịnh. Hồi Tịnh mới quen Sâm, tôi rất bực mình khi mỗi lần đi ăn với Sâm về, Tịnh thường huyên thuyên Sâm thế này, Sâm thế kia, Sâm hỏi em thích ăn món gì, thích nghe loại nhạc nào, có thường về quê hay không. Thoạt đầu tôi nghĩ Tịnh chọc tức tôi. Nhưng về sau tôi biết là do nó vô tâm. Sau nhiều lần để ý, tôi thấy vẻ mặt của nó lúc đó giống với vẻ mặt của một đứa trẻ sung sướng khoe bánh kẹo hay đồ chơi hơn là vẻ mặt của kẻ muốn đóng đinh người khác vào tường. Chắc Tịnh không biết tôi hay nghĩ ngợi về Sâm! Ờ, làm sao Tịnh biết được khi ngay cả tôi cũng không xác định được tình cảm của mình. "Anh Sâm là ai vậy chị? – Anh Sâm á? - Dạ. Tối qua chị mê sảng có gọi tên anh Sâm. Em nghi ảnh là người yêu của chị quá à. – Em đừng có nghĩ bậy! Sâm là sếp của chị. Có lẽ tối qua bị sốt, chị lo anh Sâm sẽ la chị nếu chị nghỉ làm bất thình lình nên nói mớ đó thôi." Tôi dở cười dở mếu khi nhớ lại mẩu đối thoại hôm nào giữa tôi và Tịnh. Một đứa có tâm tính trẻ con như Tịnh thế nào cũng tin những lời tôi nói. Chắc vậy! Nếu không nó sẽ không hào hứng bô bô về Sâm trước mặt tôi.

    Mẹ tôi lại gọi điện thoại cho tôi. Lần này tôi không tìm cớ để cúp máy đột ngột. Đúng như tôi nghĩ, sau vài câu đưa đẩy "Con khỏe không?", "Con ăn ngủ được không?", mẹ tôi lái câu chuyện đến chỗ mà tôi đã biết trước:

    - Con đã quyết định chuyện đi làm chỗ chú thằng Sẹo chưa?

    - Vẫn chưa, mẹ à.

    - Thôi, chuyện đó con trả lời sau cũng được. – Mẹ tôi dễ dãi.

    - Dạ.

    - Nhưng còn chuyện ông Bảy Sớm muốn hỏi con cho thằng Sẹo, con tính thế nào?

    - Từ từ con tính.

    - Từ từ là bao lâu?

    Tự nhiên tôi buột miệng.

    - Dạ, tháng sau con trả lời.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...