Chính Hữu được biết đến là một nhà thơ tài ba của nền văn học hiện đại Việt Nam. Thế giới nghệ thuật nổi bật trong tác phẩm của ông là đề tài viết về chiến tranh và người lính Nhắc đến ông không thể không nhắc đến bài thơ "Đồng chí". Bài thơ là một bức chân dung đẹp về các anh bộ đội Cụ Hồ, những người nông dân mặc áo lính, những anh hùng áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh. Qua bài thơ, đặc biệt là bảy câu thơ đầu đã lý giải thật sâu sắc cơ sở hình thành nên tình đồng chí của những người lính. "Quê hương anh nước mặn đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá Anh với tôi đôi người xa lạ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ Đồng chí!" "Đồng chí" Được viết vào năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, sau khi tác giả cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc của quân và dân ta đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Trong một lần đi hành quân, Chính Hữu bị ốm nặng, Đơn vị đã cử một người đồng chí xuống chăm sóc ông, cảm động trước tình cảm của người đồng đội dành cho mình, nhà thơ đã viết nên bài thơ này để chiên và ca ngợi tình đồng chí giữa những người lính. Xuyên suốt bài thơ là giọng thơ mộc mạc, chân chất mà gợi cảm. Từ mỗi hình ảnh, mỗi câu thơ đều tập trung về tình đồng chí, đồng đội giữa những người lính. Hầu hết họ đều là người nông dân, dưới mặt trời rạng soi của cách mạng, họ khoác lên mình màu áo quân nhân, ra đi tìm lại độc lập cho đất nước. Quê hương của họ không phải là những làng quê trù phú mà: "Quê hương anh nước mặn đồng chua Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá." Bằng ngôn ngữ bình dị, vận dụng thành ngữ và cách nói quen thuộc cùng nghệ thuật sóng đôi, Chính Hữu Đã đưa ra hình ảnh rất cụ thể mà ý nghĩa khái quát về hoàn cảnh xuất thân của những người lính Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp. Anh đến từ vùng đất phèn chua nước mặn, quanh năm chiêm chũng. Còn tôi lại đến từ vùng trung du đồi núi, đất đai khô cằn, sỏi đá. Hai người đến từ những vùng miền quê khác nhau, những nơi chốn khác nhau, song lại có một Điểm chung là đều xuất thân từ những vùng quê nghèo khó, lam lũ. Chính điểm tương đồng về cảnh ngộ ấy đã dẫn đến tình giai cấp giữa những người lính. Đồng thời là mảnh đất màu mỡ cho hạt giống của tình đồng chí này nở, phát triển. Tiếng gọi của Tổ quốc đã đưa những con người từ mọi miền đất nước, từ các phương trời xa lạ đến gần nhau để họ được cùng đứng trong một hàng ngũ quân đội: "Anh với tôi đôi người xa lạ Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau." Từ "đôi" được tác giả sử dụng thay cho từ "hai" mang giá trị biểu đạt rất lớn, đã là "đôi" tức là lúc nào cũng gắn bó chặt chẽ, cũng quấn quýt bên nhau không thể tách rời. Cách dùng từ ngữ giản dị của nhà thơ như một lời khẳng định về tình thân, về sự gắn bó giữa những người lính. Anh với tôi tưởng như chẳng hẹn nhưng thật ra lại là có hẹn. Hẹn về lòng yêu nước nồng nàn, hẹn về ước mong, ý chí diệt giặc. Anh với tôi tưởng chừng là xa lạ, đến từ hai miền quê khác nhau nhưng lại cùng sống trên mảnh đất Việt Nam, cùng chảy trong người dòng máu Việt Nam, cùng là đồng bào, để rồi quen thân: "Súng bên súng, đầu sát bên đầu Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ." "Tri kỷ" là người bạn tốt, người này luôn hiểu thấu tâm sự của người kia. Sự nghiệp chung của đất nước đã xóa nhòa lằn ranh địa lý, xóa nhòa sự khác biệt về văn hóa, đã đưa hai con người đến đứng cạnh nhau trên mặt trận, nâng tình đồng cảm giai cấp giữa họ thành tình tri kỷ. Giữa hai người lính đã không còn khoảng cách, không còn xa lạ nữa mà đã hòa là một. Đằng sau những khẩu súng sát cạnh, những mái đầu tựa vào nhau, đằng sau những tấm chăn đắp chung là cả một tình cảm dạt dào. Nhà thơ đã sử dụng cấu trúc sóng đôi độc đáo cùng cách miêu tả hàm súc trong câu thơ "súng bên súng, đầu sát bên đầu". Nếu như "súng" nói về chung hoàn cảnh, kẻ thù, chung một trận tuyến, một khao khát độc lập tự do thì "Đầu sát bên đầu" còn là cái chung về tâm tư, tình cảm, sự hòa quyện tâm hồn của đôi bạn tâm giao. Hình ảnh giàu cảm xúc đó còn ca ngợi sự đoàn kết giữa hai anh lính bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến đấu gian khổ, vẫn kể vai sát cánh. Trong khó khăn đời lính thì trao cho nhau từng lời tâm sự, san sẻ cho nhau hơi ấm "chung chăn" trong đêm đông giá rét giữa núi rừng Việt Bắc. Cái chăn đắp chung ấy có lẽ không còn là cái chăn bình thường mà là cái chăn của tình đồng chí, đồng đội. Chiếc chăn ấm nồng, sưởi ấm tâm hồn người lính trong cái rét buốt da thịt triền miên, trong cái lạnh lùng, vô tình của súng ống, đạn bom. Đắp chung chăn, anh và tôi cùng chia nhau hơi ấm tâm hồn, tiếp thêm cho nhau sức mạnh. Vậy là tiếng gọi quê hương mới tha thiết làm sao, nó đã khiến cho đôi người xa lạ có thể trở thành đôi tri kỷ, thật là một hình ảnh đẹp đến nao lòng. Bạn tri kỷ thật sự không dễ kiếm, có khi cả đời không tìm được một ai. Vậy mà hai anh lính lại thành tri kỷ của nhau, gắn bó với nhau nhanh chóng, bất chấp chiến trường lắm kẻ thù, đường rừng lắm chông gai. Phải chăng khi đứng giáp ranh giữa sự sống và cái chết của chiến tranh, khi quên cả bản thân mình vì lợi ích chung, Con người ta mới có những tình cảm tự nhiên và sâu sắc đến vậy. Phải chăng khi đất nước hoạn nạn thì tình bạn, tình tri kỷ mới sớm này nữa nơi hai con người xa lạ. Đắp chung chăn, hai người bộ đội đã coi nhau như anh em một nhà. Câu thơ nói đến cái lạnh buốt của đêm rừng nhưng người đọc lại cảm nhận được hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa mang tên tình đồng đội. Đó chính là cơ sở vững vàng, là nguồn cội của tình đồng chí. Và như một phép màu, sự đồng cảnh, đồng cảm, đồng giai cấp, đồng tâm tư đã hóa thành tình cảm cao quý, thiêng liêng giữa hai anh. Họ gọi nhau bằng: "Đồng chí!" Câu thơ từ bảy, tám từ đột ngột rút ngắn lại thành hai tiếng "Đồng chí". Không chỉ đóng vai trò là tiếng gọi quân đội trang nghiêm mà đó còn là tiếng gọi chân thành từ sâu thẳm con tim người lính chiến, là tiếng gọi reo vui của hai con người cùng chung chí hướng, cùng chung lý tưởng, mục đích. Khi đứng dưới lá cờ cách mạng, "đồng chí" không chỉ là danh từ mà còn là một tính từ bộc lộ niềm xúc động xen lẫn lòng tự hào. Xúc động trước tình bạn tri giao cao đẹp, không lợi dụng, không tính toán mà gắn bó với nhau vô điều kiện. Bởi cả hai có rất nhiều điểm chung, từ xuất thân, cảnh ngộ đến lòng căm thù giặc, tự hào khi tình cảm cao đẹp này được nâng lên thành một thứ tình cảm thiêng liêng, và quý giá hơn: Tình đồng chí. Đồng chí là kết tinh, tinh hoa của mọi thứ, tình người, tình giai cấp, tình bạn, tình tri kỷ và tình đồng chí. Hai tiếng "đồng chí" mới thiêng liêng, tha thiết làm sao. Gọi nhau là đồng chí, dường như anh với tôi không còn nữa những khác nhau về văn hóa, sự chênh lệch về tuổi tác, những e dè của hai con người đến từ hai phương trời khác biệt. Họ là các cá thể khác nhau nhưng đã quyện làm một, trở thành một khối đoàn kết vững chắc. Tuy chỉ có hai tiếng ngắn ngủi nhưng câu thơ lại đóng vai trò quan trọng trong bố cục toàn bài. Nó đánh dấu cột mốc mới trong mạch cảm xúc của tác giả, bao hàm nhiều suy nghĩ sâu sa, nhiều tư tưởng mang tính triết lý như nét chấm phá tuyệt vời trong bức tranh thủy mặc, như nốt nhạc nhấn âm trong bản giao hưởng bằng lời thơ. Hai tiếng "đồng chí" đã đem lại cho bài thơ về người lính một kết cấu mạch lạc chỉ có ở văn thơ chính luận. Tất cả đã làm cho giọng thơ xao xuyến hơn, lời thơ lưu luyến hơn và bản hòa ca bất tận của người lính trở nên sâu sắc hơn, lắng đọng hơn. Chỉ vỏn vẹn bảy câu thơ thôi nhưng bằng ngôn ngữ giản dị, hàm súc kết hợp với cấu trúc sóng đôi và các thành ngữ, Chính Hữu đã lý giải thật sâu sắc, thật cảm động về cơ sở hình thành nên tình đồng chí của người lính Cụ Hồ. Có thể khẳng định bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu là một thi phẩm xuất sắc của nền thơ ca kháng chiến viết về những người nông dân mặc áo lính, những anh hùng áo vải trong thời đại Hồ Chí Minh. Với thể thơ tự do, hình tượng người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp hiện lên thật giản dị, chân thực, hàm súc mà giàu sức biểu cảm. Tình đồng chí của họ dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lý tưởng chiến đấu đã góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng. Bài thơ giản dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều rung cảm sâu xa. Lịch sử đã lùi vào dĩ vãng nhưng bài thơ vẫn mãi là một bằng chứng xác thực về một thời oanh liệt, về tình người cao đẹp- tình đồng chí.