Chùa Long Sơn Ai về viếng cảnh Khánh Hòa Long Sơn nên ghé, Tháp Bà đừng quên Kim Thân Phật Tổ nhớ lên Nhìn ông Phật trắng ngồi trên lưng trời. Chùa Long Sơn tọa lạc tại số 20 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, nằm dưới chân đồi Trại Thủy, thành phố Nha Trang. Lúc đầu, vào năm 1886, chùa là một căn nhà mái tranh vách lá nằm trên đỉnh đồi Trại Thủy (ngay tại vị trí Phật Trắng bây giờ) với tên gọi là Đăng Sơn Tự, do Hòa thượng Thích Ngộ Chí (1856 - 1935) pháp danh Phổ Chí trụ trì, Hòa thượng là người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Năm Canh Tý, tức năm 1900, sau một trận bão mạnh thì chùa bị sập hoàn toàn nên tổ khai sơn chùa quyết định dời chùa xuống chân đồi Trại Thủy như ngày nay. Khi dời xuống chân đồi, Hòa Thượng Ngộ Chí cho xây một ngôi chùa nhỏ có một gian hai chái rồi đổi tên chùa từ Đăng Sơn Tự thành Long Sơn Tự. Chùa được xây dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc nhưng vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch vốn có của nơi tôn nghiêm. Những dãy nhà làm học viện, văn phòng, tịnh thất hợp với ngôi chùa đồ sộ đã tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh ẩn bóng dưới những hàng cây Bồ đề cao lớn, cành lá sum suê cùng những hàng cây kiểng bao quanh luôn là nơi tạo bóng mát. Năm 1936, tuân theo di nguyện của Hòa Thượng Ngộ Chí, gia tộc họ Nguyễn đã hiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Long Sơn cho Hội An Nam Phật Học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa. Từ đó đến nay Chùa trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Năm Bảo Đại thứ 14 - tức năm 1938, chùa được vua ban "Sắc tứ Long Sơn tự". Điều đó chứng tỏ, lúc bấy giờ Long Sơn đã trở thành một ngôi chùa vô cùng có danh tiếng và có phạm vi ảnh hưởng rất rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân và Phật tử Khánh Hòa. Năm 1940, chùa được trùng tu do công lao chính của Hội trưởng Tôn Thất Quyền và Phật tử Võ Đình Thụy. Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, chùa bị hư hỏng nhẹ. Năm 1971, Thượng tọa Thích Thiện Bình đứng ra lo việc trùng tu chùa và cho đến năm 1975, việc trùng tu chỉ mới hoàn thành được 60% theo họa đồ của kiến trúc sư Võ Đình Diệp. Trải qua hơn 130 năm xây dựng và trùng tu, Chùa Long Sơn đã trở thành ngôi chùa nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất nhì ở Nha Trang. Chánh điện Chùa Long Sơn được thiết kế thông thoáng, bài trí tôn nghiêm. Chính giữa thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, hai bên là các vị phù Điêu Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chi. Từ chùa chính, nếu bạn muốn lên pho tượng Kim Thân Phật Tổ thì phải đi lên 193 bậc tam cấp. Khi đến bậc tam cấp thứ 44 bạn sẽ được tham quan tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn được xây dựng năm 2003, tượng có chiều dài 7m, cao 5m. Phía sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh bốn mươi chín đệ tử vẫn đang túc trực niệm phật. Lên khoảng mười bậc tam cấp nữa là đại hồng chung, là tháp chuông cao 2, 2m, nặng 1, 5 tấn do các Phật Tử ở Huế cúng dường cho chùa. Sau đó tiếp tục đi lên đến đỉnh đồi bạn sẽ được viếng tượng Kim Thân Phật Tổ (còn gọi là tượng Phật trắng). Đây là tượng Phật ngoài trời lớn nhất Việt Nam, tượng có dáng vẻ là Đức Phật đang ngồi thuyết pháp, với chiều cao từ mặt bằng lên là 24m; từ đế lên là 21m gồm phần tượng cao 14m và đài sen 7m; đường kính đài sen rộng 10m. Xung quanh đài là hình bảy vị Thánh tử vì đạo trong cuộc chiến chống chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Trong đó có Chân Dung hòa thượng Thích Quảng Đức với trái tim bất diệt. Một số lưu ý khi tham quan Chùa Long Sơn: Thứ nhất, Chùa Long Sơn là cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cho nên khi đến thăm chùa bạn cần chọn cho mình một bộ trang phục kín đáo, lịch sự để thể hiện sự tôn trọng với cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo. Khi vào chùa cần hạn chế đùa giỡn, cười cợt. Thứ hai, vì chúng ta phải leo bậc tam cấp nên bạn hãy chọn một đôi giày vừa chân, thuận tiện cho việc di chuyển, ưu tiên chọn giày đế bằng để chân được thoải mái. Thứ ba, mình nghĩ là bạn nên mang theo một chai nước nhỏ để không bị khát trong quá trình viếng thăm chùa. Thứ tư, khi lên đến tượng Phật Trắng trên đồi, nếu muốn chụp ảnh thành phố Nha Trang từ trên cao thì các bạn cần chú ý an toàn, đặc biệt khi đi với gia đình có con nhỏ hoặc em nhỏ. Thứ năm, hãy vứt rác đúng nơi quy định để giữ cho chùa được sạch và đẹp nhé! *** Dưới đây là link thảo luận và góp ý, các bạn có thể nhấp vào để xem những bài review khác của mình, mời các bạn ghé qua: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị Cảm ơn các bạn đã đọc bài review của mình, chúc bạn có một chuyến đi ý nghĩa nha! Huệ Lê Thị. Nguồn ảnh: Internet.