Phương Pháp Cải Thiện Kĩ Năng Thuyết Trình Trước Đám Đông

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi punhana, 11 Tháng hai 2022.

  1. punhana

    Bài viết:
    11
    Phương Pháp Cải Thiện Kĩ Năng Thuyết Trình Trước Đám Đông

    Kỹ năng thuyết trình là một trong những kỹ năng không thể thiếu của những người thành công. Từ nhà lãnh đạo, nhân viên, cho đến sinh viên, học sinh cũng đều trải qua nhiều tình huống phải nói chuyện, linh hoạt trước đám đông hay một nhóm người. Thuyết trình chính là chìa khóa cần thiết để mở cánh cửa đến với thành công, hay nói cách khác là những người thành công là những người có kỹ năng thuyết trình tốt.

    Một bài thuyết trình thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ tính cách đến kĩ năng đến sử dụng các phương thức hỗ trợ. Bài nghiên cứu này sẽ chỉ ra một số điểm thiếu sót lúc thuyết trình để từ đó rút ra những giải pháp giúp cải thiện, nâng cao hơn khả năng diễn thuyết dành cho đối tượng là sinh viên.

    1. Chuẩn bị nội dung thuyết trình

    a. Nội dung đầy đủ

    Cái tiên quyết nhất để xem đó có phải là một bài thuyết trình hay, hoàn chỉnh hay không chính là nằm ở nội dụng truyền đạt.

    Chắc chắn một điều tất yếu rằng, phía sau bất kì một thành công nào cũng đều đầy ắp những chăm chỉ, nỗ lực trau dồi. Vậy, hãy mang đến một bài thuyết trình hoàn hảo đầu tiên từ thu việc cung cấp đầy đủ thông tin, nội dung rõ ràng mà không kém phần sâu sắc. Bạn phải xác định rõ mục tiêu thuyết trình của mình là gì, đối tượng khán giả của bạn là ai? Bạn có am hiểu kĩ về đề tài đó hay có kiến thức chuyên sâu đến lĩnh vực đó không để từ đó tìm cách dựng nên một bài diễn thuyết phù hợp. Để có đủ những nội dung đa dạng và phong phú, hãy cố gắng tìm kiếm thật nhiều nguồn tham khảo, tìm tòi những nguồn tài liệu từ internet, sách báo hay thậm chí để tăng độ thú vị, chân thật và gần gũi hơn nữa, chúng ta có thể thu thập thông tin từ chính cuộc sống sung quanh như làm những cuộc khảo sát nhỏ với bạn bè, người thân, thầy cô, người qua đường. Bỏ ra công sức của bạn để nhận về một nội dung mang tính hiệu quả cao cho bài thuyết trình.

    b. Chắt lọc thông tin

    Nội dung đầy đủ, phong phú là rất tốt, thế nhưng hãy biết vừa đủ. Lưu ý chắt lọc thông tin cho bài thuyết trình trở nên xúc tích và vẫn khiến cho người nghe dễ dàng hấp thu hết những nội dung bạn muốn truyền tải. Rất nhiều diễn giả vì mong muốn bài thuyết trình "có vẻ như" chuyên nghiệp, đã chọn cách cố tình chắp vá thêm thật nhiều các lý thuyết, thông tin, dẫn chứng ít liên quan trực tiếp đến bài nói. Thực tế thì không cần phải vậy. Việc cố gắng chèn thêm quá nhiều thông tin bên lề vào bài thuyết trình sẽ dễ mang lại tác dụng ngược. Nội dung bị xáo trộn và không có tính liên kết sẽ không những khiến cho bài diễn thuyết bị rời rạc, người thuyết trình khó nắm bắt nội dung để truyền đạt mà ngay cả khán giả cũng sẽ cảm thấy bị rối ren thông tin, dẫn tới mất tập trung và nhàm chán đối với bài nói.

    c. Tránh dài dòng lan man

    Tránh việc lan man lúc thuyết trình là một điểm lưu ý vô cùng quan trọng mà có vẻ như vẫn có rất rất nhiều diễn giả đang mắc phải sai lầm này. Khi xem qua những màn thuyết trình hội nghị, những phần phát biểu ý kiến, cảm nghĩ.. ta dễ dàng nhận ra một điểm tương đồng ở hầu hết người Việt Nam khi thuyết trình, rằng họ rất dễ bị lan man, lạc hướng nội dung cần truyền tải. Chúng ta có xu hướng và suy nghĩ cho rằng việc nói nhiều, kể nhiều vấn đề liên quan sẽ khiến khán giả nghĩ rằng chúng ta có một trình độ cao, khối kiến thức sâu rộng từ đó sẽ dễ đặt niềm tin cao hơn. Tuy nhiên trên thực tế, ở một bài thuyết trình đã được vạch sẵn nội dung trọng điểm, có giới hạn về thời gian diễn thuyết, thì việc nói lan man dài dòng thật sự không cần thiết. Hãy biết điểm dừng, thêm thắt vừa đủ những câu chuyện ngắn mà nội dung bao quát rõ ràng, những câu trích dẫn nhỏ để nội dung bài nói phong phú mà vẫn đảm bảo được yếu tố xúc tích, thu hút, dễ dàng đi vào tâm trí người nghe.

    2. Phong thái tự tin

    Tự tin là một trong những yếu tố quan trọng giúp mang lại thành công cho mọi việc và đặc biệt là trong thuyết trình – lúc cần dùng mọi sự diễn đạt để có thể lấy được sự tín nhiệm từ người khác. Phong thái tự tin sẽ mang lại cho bài diễn thuyết hiệu quả tốt hơn và hấp dẫn người nghe hơn. Không thể phủ nhận sức hút từ phong thái của sự tự tin, rõ ràng rành mạch, nắm bắt được bài nói và bầu không khí xung quanh buổi thuyết trình. Việc thuyết trình với sự tự tin sẽ thu hút được khán giả, lấy được sự đồng cảm, tin tưởng và thuyết phục từ người nghe thì sự tự tin có thể nói là một yếu tố quyết định tiếp theo sau khi chúng ta đã có một nội dung thuyết trình hoàn chỉnh.

    Hãy thử tưởng tượng xem, giữa hai người đều thuyết trình về cùng một vấn đề như nhau, nhưng một một người mang phong thái gượng gạo, cứng nhắc, và biểu hiện lo lắng rõ rệt chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến nội dung muốn truyền đạt, tiếp đó cũng sẽ khiến người nghe khó nắm bắt được thông tin một cách suôn sẻ, làm giảm đi khả năng thuyết phục. Một dáng vẻ đầy năng lượng, tự tin, câu từ dõng dạc sẽ ghi điểm mạnh với người nghe, cũng từ đó khiến bạn trở nên trông ấn tượng và đáng tin nhiệm hơn rất nhiều.

    Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để có kỹ năng tự tin tốt hơn trong bài thuyết trình cho sinh viên? Phần đông sinh viên Việt Nam hiện tại vẫn còn rất rụt rè, không mạnh dạn khi đối mặt với việc dùng ngôn từ của bản thân để diễn tả điều mình mong muốn, hay phát biểu ý kiến khi đứng trước nhiều người. Xuất phát từ việc rụt rè này đa số là tâm lý ngại cái sai, ngại bị nhận xét, phê phán, đóng góp từ người khác. Bạn luôn tự cho rằng mình sẽ không đủ năng lực để nói, làm không đủ tốt và sợ bị mọi người chê cười. Về lâu dài, những cảm xúc tiêu cực đó sẽ tạo thành những áp lực vô hình khiến bản thân nảy sinh tâm lý phản kháng là không thực hiện công việc mình cần làm. Thế nhưng, "sự tự tin không đến từ việc luôn luôn làm đúng, mà là từ việc không sợ bị sai" - Peter T. Mcintyre.

    Giải pháp rèn luyện sự tự tin là cả một chặng đường dần dần thay đổi và một vài phương thức để giúp cho học sinh sinh viên có thể gạt bỏ đi tâm lý sợ hãi để trở nên tự tin hơn, thuyết trình thu hút hơn:

    • Tích cực gạt bỏ rào cản tâm lý e ngại người xung quanh bằng cách cởi bỏ bản thân, thử tham gia vào các hoạt động tập thể, từ trong lớp, trường học, đến các hoạt động xã hội. Việc phải tiếp xúc, nói chuyện với nhiều người sẽ khiến bạn mạnh dạn hơn, cởi mở hơn rất nhiều, từ đó dần buông bỏ đi sự yếu đuối khi phải đối mặt với nhiều người nghe lúc thuyết trình.
    • Học cách chấp nhận bạn sẽ phải vấp vài lỗi sai, nhận được vài lời phê phán. Bởi vì dù thế nào đi nữa bạn cũng không thể đảm bảo rằng cuộc đời này bạn sẽ không mắc lỗi, và vàng muốn cứng thì phải qua thử lửa. Đừng lo sợ rằng mình bị sai, hay bị nhận xét. Bạn cần biết rằng những người đưa ra lời nhận xét cho bạn họ cũng đã phải trải qua việc bị người khác nhận xét nhiều rồi, vì chúng ta chẳng ai hoàn hảo cả. Hãy cố gắng đem những lỗi sai đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn vào lần sau.
    • Tự rèn luyện cho bản thân sự thoải mái, tự tin, lưu loát trước các bài thuyết trình bằng cách tập nói trước gương hoặc tự ghi hình lại bản thân lúc thuyết trình, từ đó tự rút ra các lỗi sai và sửa chữa dần đến khi có được một phong thái diễn thuyết hoàn thiện.

    Kỹ năng để thuyết trình hay nói chúng hay rèn luyện sự tư tin nói riêng đều cần có thời gian từ từ học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm dựa trên nhiều nguồn tài liệu và qua các lần thực hành mà rút ra. Chăm chỉ và mạnh dạn thử thách là mấu chốt quan trọng để học sinh sinh viên tích góp cho mình những kỹ năng mềm thiết yếu cho công cuộc chinh phục khán giả sau này.

    3. Sử dụng ngôn ngữ hình thể

    a. Ánh mắt, giọng nói:

    Xem qua những màn thuyết trình xuất chúng từ những nhà diễn thuyết gia hàng đầu, ta nhận ra được sức hút của họ không chỉ đơn thuần nằm ở nội dung truyền tải, mà còn nằm ở cách điều chỉnh không khí qua ánh mắt, giọng nói. Hòa mình vào nội dung bài thuyết trình để lựa chọn âm điệu phù hợp với từng đoạn nội dung. Hãy thử linh hoạt hạ tông giọng xuống, nói chậm rãi và đôi mắt bày tỏ đau thương khi nói về việc thiên nhiên bị tàn phá, cá thể động vật bị giảm đi do ô nhiễm môi trường; hay nâng cao giọng lên, sử dụng cách nói hóm hỉnh tươi vui, ánh mắt tươi sáng khi kể về câu chuyện hài hước giúp tăng sự náo nhiệt chẳng hạn.. Tất cả sự phối hợp linh hoạt đó sẽ góp thêm rất nhiều điểm cộng để tạo nên một bài thuyết trình thú vị, đánh vào tâm lý của người nghe từ đó thuyết phục thành công khán giả.

    B. Cử chỉ bàn tay

    Để bàn tay trong khoảng từ trên phía thắt lưng và trong khoảng dưới cằm: Nếu vung tay cao quá thì có thể khiến tay che mặt, khả năng truyền âm kém hơn, còn nếu vung tay thấp quá thì người khác sẽ không thấy cử chỉ của tay bạn. Khi để tay từ trên phía thắt lưng và trong khoảng dưới cằm thuận tiện cho người thuyết trình nhất, tạo cảm giác thoải mái và trông tự nhiên nhất.

    - Vung tay "trong ra, dưới lên" : Hướng đưa tay nên tuân thủ theo hướng từ trong ra ngoài, và hướng từ dưới lên.

    - Ngửa tay, và các ngón tay khép lại: Khi để lòng bàn tay ngửa bày tỏ sự mong đợi, thu thập ý kiến, nếu làm ngược lại thì hàm ý đè nén, dồn ép thính giả thì chỉ phù hợp cho những người mạnh mè, quyền lực. Đồng thời khi khép các ngón tay bày tỏ sự nghiêm túc, ngón tay mở mang lại cảm giác thiếu sinh lực, thiếu nhiệt tình, cảm giác ta đang vơ vét, cào cấu cái gì đó từ bên ngoài vào.

    Bạn đừng nên chỉ giữ bàn tay trong một vị trí nhất định, cũng đừng nên khua tay loạn xạ, nên áp dụng cách làm cho bản thân cảm thấy thoải mái nhưng không khiến khán giả quá rối là được. Bên cạnh đó cũng số điều nên tránh trong việc sử dụng ngôn ngữ đôi tay để tránh gây tác dụng ngược:

    - Khoanh tay: Cách thể hiện này tạo sự xa cách, phòng thủ, khi người khoanh tay nghĩa là họ chưa cởi mở, đang dò xét.

    - "Hoa chân múa tay" quá nhiều, liên tục: Tạo cảm giác mệt mỏi, rối loạn mà tệ hơn nữa, khán giả có thể sẽ cho rằng bạn không chuyên nghiệp, đang quá lúng túng và căng thẳng đến mức bộc lộ qua việc không thể kiểm soát được cơ thể.

    - Cho tay vào túi quần: Mang lại cảm giác kênh kiệu, thiếu hòa nhập. Đây là một trong những điều tối kị khi thuyết trình vì cảm giác coi thường, không tôn trọng khán giả mà nó đem lại.

    - Trỏ tay: Không ai thích bị trỏ tay vào mặt vì vậy khi thuyết trình chúng ta cũng không nên chỉ tay vào người nghe của mình, đây là hành động rất thiếu lịch sự. Trường hợp cần mời khách mời phát biểu ý kiến, hãy cẩn trọng và lịch thiệp ngửa lòng bàn tay, các ngón tay khép lại và nhẹ nhàng đưa về phía khách mời để tạo tự tôn trọng và lịch thiệp.

    4. Tạo dựng bầu không khí:

    Xét cho cùng, thuyết trình là việc bạn lấy khán thính giả làm trung tâm, bạn ra sức truyền tải nội dung với mong muốn nhận được sự hộ từ khán giả của mình. Vậy nên chắc chắn không ai mong muốn thuyết trình trong một bầu không khí nhạt nhẽo gượng gạo, khán giả lạnh nhạt, miễn cưỡng với bài thuyết trình cứng nhắc. Hãy thử thay đổi bầu không khí đôi chút, đi vào lòng người nghe hơn bằng một vài phương thức đơn giản.

    a. Sử dụng âm nhạc

    Đầu tiên, đến với thứ gần gũi nhất, nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống chúng ta: Âm nhạc.

    Âm nhạc là sự phối hợp âm thanh theo những quy luật nhất định. Âm nhạc bắt nguồn từ âm thanh đơn giản trong cuộc sống, gần gũi và thân thuộc. Giá trị của âm nhạc không chỉ dừng lại ở việc giúp con người giải trí. Một số nhạc sóng não như Alpha còn có ảnh hưởng tích cực đến não bộ, nó giúp chúng ta tăng khả năng ghi nhớ, trong khi đó nhạc cổ điển sẽ giúp tăng khả năng tập trung khi làm việc, âm nhạc cũng góp phần nhiều vào việc tăng trí sáng tạo. Và khi đặt tâm hồn vào bản nhạc, ta sẽ dễ bị chi phối cảm xúc theo những giai điệu đó. Bật lên một giai điệu du dương khi thuyết trình về tình yêu, lòng nhân ái; một bản nhạc chầm chậm mang sắc thái buồn thương lấy đi cảm xúc khán giả khi cần tìm sự đồng cảm; hay những âm điệu dồn dập quyết liệt, mạnh mẽ, ghê rợn.. tuỳ thuộc vào những nội dung diễn thuyết khác nhau mà linh hoạt trong việc sử dụng âm thanh để chi phối cảm xúc người xem. Một bước đi rất nhỏ, rất dễ dàng nhưng có thể mang lại hiệu quả vô cùng bất ngờ cho những diễn giả.

    b. Tương tác với khán giả

    Một cách khác, để mang khán giả của mình hòa nhập vào bài thuyết trình của bản thân hơn, hãy thử khuấy động bầu không khí bằng cách tương tác trực tiếp với khán giả. Thử mượn đến những trò chơi nhỏ, hỏi đáp nhanh những câu hỏi liên quan đến bài thuyết trình. Dừng lại đôi chút và mời một vài người nghe bất kì trả lời hoặc chia sẻ đôi chút những vấn đề liên quan đến nội dung sắp nói tiếp theo. Bằng cách này, chúng ta có thể buộc khán giả phải tập trung vào bài nói một cách tự nhiên mà không gây miễn cưỡng hay nhàm chán. Hãy chuẩn bị cả những món quà nho nhỏ để tăng phần thú vị và hấp dẫn cho phần tương tác này nhé.

    5. Powerpoint – Công cụ đắc lực

    Powerpoint là một công cụ hỗ trợ quá quen thuộc với các thuyết trình viên. Thông qua những màn hình slide mà cả diễn giả lẫn người nghe đều có thể dễ dàng nắm bắt thông tin của bài thuyết trình, làm tăng tính hiệu quả và sự thu hút cho bài nói đó. Tuy nhiên, không phải người thuyết trình nào cũng có thể sử dụng đúng cách công cụ đắc lực này. Dưới đây là một vài cách giúp sinh viên có thể tận dụng hiệu quả việc đưa Powerpoint vào bài diễn thuyết:

    a. Văn bản ngắn gọn, trọng tâm

    Văn bản quá nhiều trong 1 slide là một lỗi rất cơ bản, cũng rất cấm kỵ mà có không ít người mắc phải. Áp dụng luật KISS - là chữ viết tắt của cụm từ "Keep It Straight and Simple". Điều đó có nghĩa là các hệ thống sẽ hoạt động tốt nhất khi chúng đơn giản thay vì phức tạp. Và như vậy, sự đơn giản là mục đích trọng tâm trong thiết kế, còn những cái phức tạp không cần thiết thì nên tránh.

    • Chỉ đưa từ khóa xuất hiện trên slide.

    • Không sử dụng câu hoàn chỉnh.

    • Đừng đọc toàn bộ theo slide của bạn.

    Hãy nhớ rằng các trang slide của bạn chỉ để hỗ trợ, chứ không phải thay thế bài thuyết trình! Bạn muốn kể một câu chuyện, mô tả dữ liệu hoặc diễn giải tình huống, chỉ đưa ra các điểm chính thông qua các trang slide của mình. Nếu bạn đọc lại toàn bộ thông tin trên các trang slide của mình, bạn sẽ thể hiện cho mọi người thấy điểm yếu kém và khán giả sẽ cảm thấy xấu hổ thay cho bạn. Tồi tệ hơn, họ sẽ ngừng nghe và xem điện thoại của họ để thay thế.

    Luôn tóm tắt điểm chính của bạn trong một thông điệp muốn truyền tải đến cho người nghe. Hãy tự hỏi bản thân rằng, nếu bạn là khán giả thì bạn nên học hay nhớ một điều duy nhất nào từ bài thuyết trình này? Đó chính là Take Home Message.

    Take Home Message đưa ra thông điệp quan trọng của bạn, một bản tóm tắt dữ liệu hay câu chuyện. Nếu là một bài thuyết trình dài hơn một giờ đồng hồ, bạn thực sự có thể đưa ra một vài Take Home Message. Vậy là ổn! Chỉ cần đảm bảo truyền tải được những gì bạn nghĩ là quan trọng, thực sự quan trọng đối với khán giả.

    Hãy làm cho Take Home Message của bạn trở nên đáng nhớ. Trách nhiệm của bạn là để cho khán giả thu được một cái gì đó có giá trị. Giúp họ "lấy nó" bằng cách làm cho Take Home Message của bạn nổi bật, bằng trực quan hoặc thông qua cách bạn sắp xếp lời nói.

    b. Sử dụng đúng kiểu chữ, font chữ, màu sắc

    • Hãy để các slides của bạn trông chuyên nghiệp hơn bằng việc thống nhất 1 kiểu thiết kế xuyên suốt cả bài thuyết trình. Tránh chắp vá mỗi slide mỗi phong cách, gây rối, khó chịu cho người xem và giảm đi tính chuyên nghiệp.
    • Sử dụng font chữ chuẩn cho tiếng Việt, tránh size font gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến nội dung bài nói.
    • Chọn màu sắc nhã nhặn, hài hòa để chữ được rõ ràng, dễ đọc, người nhìn dễ dàng theo dõi được thông tin.
    • Hạn chế các họa tiết cầu kì không cần thiết, các màu sắc, hình ảnh mang tính tương phản, gây chóng mặt, khó nhìn cho bài thuyết trình.

    c. Tăng tính thu hút bằng video, hình ảnh

    Đừng để hàng chục chiếc slides lướt qua chỉ nhìn thấy toàn chữ và những khoảng trắng. Một vài hình ảnh minh họa hay một đoạn phim ngắn sẽ dễ dàng đưa đẩy nội dung vào tâm trí khán giả hơn, giúp họ dễ dàng hình dung ra vấn đề cũng như bài thuyết trình được tăng thêm phần thú vị.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...