Tâm sự Áp Lực Vô Hình - Nhẹ Nhàng Nhưng Nặng Nhọc

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Trần Huỳnh Minh Ánh, 6 Tháng hai 2022.

  1. Ai trong chúng ta cũng đều có những áp lực riêng của bản thân, không riêng gì người lớn mà có cả học sinh, trẻ em. Hầu như người lớn hay nói rằng "Mới bé tí thì có áp lực gì chứ?" "Mày mà cũng có áp lực à" "Mày lười thì có, không đủ năng lực còn nói dối". Những câu nói đó nhưng ngàn mũi tên đâm vào trái tim đang mệt mỏi và rỉ máu của chúng ta. Họ có áp lực nhưng họ đâu biết chúng ta cũng có. Người lớn đi làm, họ có áp lực về thời gian, tiền bạc, gia đình, kinh tế.. Còn chúng ta đi học thì có áp lực về bài tập, thời hạn, điểm số, thứ hạng.. Nhưng người lớn đâu biết điều đó và cứ vô tình nói những lời lẽ như thế.

    Lúc trước thì ở thời học sinh - sinh viên, chuyện học hành không nặng như bây giờ. Thời học sinh - sinh viên lúc đó thật đẹp và tươi vui, học hành cũng không nhiều giống bây giờ. Thế nên nhiều người lớn nghĩ rằng chương trình học của con cái mình sẽ giống vậy, nếu có thay đổi thì sẽ nặng hơn bao nhiêu đâu chứ. Nhưng sự thật thì ngược lại hoàn toàn đấy. Xã hội, công nghệ và kinh tế phát triển thì con người phải học thêm nhiều thứ mới mẻ, khó khắn hơn. Đặc biệt là chương trình học cũng sẽ thay đổi và nặng hơn rất nhiều, có khi phải thức xuyên đêm học đến ba bốn giờ sáng.

    Áp lực về điểm số không dừng lại ở đó mà còn đi kèm với nhiều thứ áp lực khác. Khi bạn có điểm số, bạn sẽ có thứ hạng. Nhiều phụ huynh hiện nay không chỉ quan tâm đến điểm số mà còn quan tâm cả thứ hạng, thứ hạng không chỉ dừng lại ở top mười lớp mà đối với nhiều phụ huynh thì con cái của họ phải nằm trong top ba lớp hoặc top mười khối. Áp lực thật đấy, nhưng còn nhiều nữa cơ. Muốn có được điểm số và thứ hạng cao phải đạt được điểm giỏi trở lên, chỉ cần một môn không đạt thì ngay lập tức bạn sẽ bị tuột thứ hạng.

    Hầu như phụ huynh không quan tâm lý do mà quan tâm kết quả, dù bạn có giải thích bao nhiêu thì họ vẫn chỉ quan tâm kết quả mà thôi. Nếu muốn đạt điểm giỏi và không bị trừ điểm hạnh kiểm thì bạn phải làm bài tập đầy đủ và nộp đúng thời hạn. Bài tập thì chống chất, cao như dãy núi Himalaya. Nhiều phụ huynh còn bắt con mình phải học tới hai trường, sáng học trường này tối học trường kia.

    Chưa kể đến thời nay ai cũng phải đi học thêm, thời gian đi học thêm đã rất mệt mỏi, về nhà không được nghỉ ngơi mà còn phải học, học và học. Trên trường thì có bài tập ở trường còn đi học thêm thì không có chắc? Bài ở học thêm đôi khi còn dài hơn trên trường nữa, đôi lúc bản thân thấy thật mệt mỏi nhưng nếu không làm thì sẽ bị la, phê bình.

    Thật ra nhiều bạn còn phải học thêm những thứ khác như: Những môn thể thao, chơi cờ để thi đấu, múa để lấy giải.. Đó là những thứ mà chúng ta hầu như đều phải học. Nếu các bạn thích thì đó là may mắn của các bạn nhưng nhiều bạn không hề thích cũng phải học vì các bạn ấy sợ sự tức giận và thất vọng của gia đình. Bạn thử nghĩ xem, chúng ta đi học ở trường đã có hàng tá bài tập rồi, giờ đây còn phải làm thêm bài tập khi đi học thêm. Chúng ta tốn sức và thời gian rất nhiều nhưng còn phải tốn thêm nhiều thời gian nữa khi học những thứ khác. Nếu bạn làm tốt thì được gia đình khen ngợi nhưng nếu bạn làm chưa tốt một phần nhỏ thì bạn sẽ thấy được sự tức giận của gia đình.

    Còn một thứ quan trọng nữa mà các bạn phải học đó là ngoại ngữ. Tiếng Anh là một ngoại ngữ rất phổ biến ở Việt Nam cũng như các nước khác. Đa số ở nước ngoài, người ta sẽ dùng Tiếng Anh để giao tiếp thường xuyên. Học Tiếng Anh không phải là vấn đề. Mà vấn đề ở đây là ngoài Tiếng Anh ra, nhiều phụ huynh còn cho con họ học thêm những tiếng phổ biến khác như Tiếng Trung, Tiếng Đức.. Học những ngoại ngữ đó rất tốt nhưng bạn nghĩ sao nếu chúng ta học trong gượng ép?

    Bình thường thì chúng ta sẽ học bài khá dễ thuộc nhưng bỗng nhiên một ngày bạn học mãi mà không học được gì cả. Vì sao? Vì bạn không hề thích nó mà chỉ gượng ép bản thân mà thôi. Bạn ngoan ngoãn đến mức xem thường bản thân như thế, đổi lại bạn có kiến thức sâu rộng, nhưng hậu quả phải trả chính là sức khỏe và tuối thơ của bạn.

    Nhiều sở thích của chúng ta như: Vẽ tranh, học hát, học nhạc cụ.. Được nhiều phụ huynh xem là vô ích. Thế là chúng ta cứ bỏ lỡ đam mê một cách tiếc nuối như thế. Tuổi thơ mà chỉ có học, học và học thì còn gì thú vị nữa?

    Mình không khuyên các bạn hãy cãi nhau với ba mẹ của các bạn. Mình chỉ muốn khuyên các bạn rằng hãy thử dành chút ít thời gian ngồi lại nói chuyện thẳng thắn (có mức độ, nằm trong khả năng đạo đức) với ba mẹ mình để họ có thể hiểu bạn hơn. Đừng tự gồng mình quá, hãy tôn trọng bản thân của bạn nhé!
     
  2. Nevertalkname Không có gì để xem

    Bài viết:
    271
    Đây là vấn đề hầu như ai cũng gặp phải khi các gia đình ở Việt Nam thường không xem trọng việc con mình thật sự có năng khiếu gì, thích gì, đam mê gì mà chỉ nhìn vào con nhà người ta mà áp lên con mình thôi. Tôi thì chưa phải ở trong cái tình trạng này nhưng tôi đã từng chứng kiến và còn được nghe nữa. Tôi vốn dĩ cũng là người được đánh giá là khá môn tiếng Anh (giỏi thì chưa phải), và có một vài cha mẹ của những đứa nhỏ muốn tôi chỉ dạy cho chúng nó nhưng tôi không dám nhận vì thứ nhất tôi học thì có thể tốt nhưng dạy lại không tốt, ngộ nhỡ làm đứa đó yếu đi thì lại tội cho nó, thứ hai phụ huynh của những đứa đó muốn tôi phải làm sao cho con họ phải đứng đầu, đứng top của lớp thì điều này lại càng là quá khó kể cả là với giáo viên. Mỗi người có một thế mạnh riêng, tại sao phải ép buộc những đứa trẻ đó phải thật giỏi cái môn mà nó không mạnh, không có niềm đam mê? Có chăng giúp chúng cũng chỉ làm cho chúng tiến bộ hơn thôi chứ không thể nào bắt chúng phải xuất sắc được. Khi ai nói với tôi điều đó, tôi thường hỏi đứa trẻ kia là có thích tiếng Anh không? Nếu không thì có thể học cho đạt trung bình là được, khá thì tốt còn không thì hãy chọn một ngôn ngữ mà nó yêu thích để học thêm và học thật tốt nó. Còn nếu như nó đam mê một môn học khác thì tôi sẽ khuyên phụ huynh nó là nên để nó phát triển thế mạnh của nó, đừng nên gượng ép. Nhưng tất cả đều thất bại vì họ sẽ nói rằng "tại sao phải chiều theo sở thích của nó?", "cho nó học cái môn nó thích mà hỏng à?" hoặc "cái môn mà nó thích có ích lợi gì đâu".
     
    Trần Huỳnh Minh Ánh thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...