Thuyết minh về thể thơ lục bát

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 5 Tháng một 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    218
    Đề bài: Viết bài văn thuyết minh về thể thơ lục bát

    [​IMG]

    Lời thầy vẫn mãi thân thương

    Tình cô vẫn mãi trên đường em đi

    Lệ nhòa mắt đã tràn mi

    Tiếc thời cắp sách qua đi vội vàng

    Chỉ cần đọc một đoạn thơ như vậy thôi, người đọc cũng biết được tác giả đã vận dụng thể loại thơ gì để viết. Ấy là thể thơ lục bát. Bên cạnh song thất lục bát, thơ lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của dân tộc Việt Nam. Thể thơ được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn người Việt qua các bài ca dao, đồng dao, hát ru. "Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta", "Thân cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non", "Đêm nay con ngủ giấc tròn/Mẹ là ngọn gió của con suốt đời".. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

    Thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ nhớ, dễ làm. Thông thường, thể thơ có câu đầu 6 (lục) chữ, câu sau 8 (bát) chữ. Cứ như vậy, từng cặp câu thơ kết lại tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh. Số câu trong bài không hạn định, ít nhất là hai, nhiều có thể lên tới hàng ngàn, vài ngàn câu như các truyện thơ Nôm, tiêu biểu nhất là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Trong ca dao, có những bài chỉ vẻn vẹn hai câu mà đủ sức thể hiện, khái quát một nội dung, một vấn đề nào đó của xã hội, hay một trạng thái tình cảm của con người. "Đã giàu thì lại giàu thêm/Đã khó lại khó cả đêm lẫn ngày" hay "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn". Đại đa số các ca dao truyền tự bao đời nay đều thuộc thể thơ lục bát, già trẻ lớn bé đều thuộc, rất gần gũi, thân thương. Bên cạnh đó, nhiều truyện trường thiên cũng được viết bằng thể thơ lục bát, xâu chuỗi toàn bộ biến cố trong suốt cuộc đời dài dằng dặc của nhân vật. Điều đó cũng chứng tỏ độ dài ngắn của thơ lục bát hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đích của người sáng tác.

    Về luật bằng-trắc, cũng như thơ Đường luật, thể thơ lục bát tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận, nhị, tứ, lục phân minh. Đối với câu lục, các tiếng thứ 2-4-6 sẽ lần lượt mang thanh Bằng (thanh huyền và thanh ngang) Trắc (các thanh còn lại) Bằng. Còn với câu bát, tiếng thứ 2-4-6-8 theo thứ tự sẽ là B-T-B-B. Ví dụ: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B - T – B) / Bâng khuâng nhớ cụ, thương thân nàng Kiều (B-T-B-B). Thế nhưng đôi khi thể thơ lục bát cũng có những biến thể của nó, các tiếng có thể tự do về thanh mà không cần tuân thủ chặt chẽ nghiêm ngặt như Đường luật. Ví dụ: Có sáo thì sáo nước trong (T-T-B) /Đừng sáo nước đục đau lòng cò con (T-T-B-B). Hoặc nếu ở câu lục có hiện tượng tiểu đối thì luật bằng trắc có thể thay đổi. "Khi tựa gối, khi cúi đầu/Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày."

    [​IMG]

    Về cách gieo vần thơ lục bát có cách gieo khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thể thơ tính uyển chuyển, linh hoạt. Tiếng thứ 6 của câu lục vần với tiếng thứ sáu của câu bát kế nó, ấy là vần lưng. Rồi tiếng thứ tám câu bát đó lại vần với tiếng thứ sáu của câu lục kế tiếp, gọi là vần chân. Ví dụ: Trăm năm trong cõi người ta

    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

    Trải qua một cuộc bể dâu

    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

    [​IMG]

    Cũng có trường hợp biến thiên, ấy là tiếng cuối câu lục vần với tiếng bốn câu bát.

    Con cò mà đi ăn đêm

    Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.

    Nhịp trong thơ lục bát phần lớn là nhịp chẵn, (2/2/2) để tạo âm điệu êm đềm, trong trẻo, thong thả, du dương, thích hợp làm lời hát ru, hát ngâm.

    Ví dụ:

    Gió sao / gió mát / sau lưng

    Dạ sao / dạ nhớ / người dưng / thế này?


    Nhưng khi cần biểu đạt một nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định nào đó, người ta có thể biến đổi nhịp thơ cho thích hợp. Ví dụ như nhịp câu lục bẻ làm đôi, thể hiện rõ sự thương xót, căm phẫn, bi ai khi nói về số phận của những người phụ nữ thời pk: "Đau đớn thay/phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh/cũng là lời chung". Hay lời Thúy Kiều nói với Hoạn Thư trong cảnh Kiều báo ân báo oán:

    Dễ dàng / là thói / hồng nhan,

    Càng / cay nghiệt lắm / càng / oan trái nhiều!


    Không còn giọng điệu nhẹ nhàng, êm tai, thay vào đó là sự đay nghiến, chì chiết khi Thúy Kiều nhắc tới máu ghen đáo để có một không hai của tiểu thư họ Hoạn.

    Thơ lục bát đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam. Cái hay, cái đẹp của nó là tinh hoa của ngôn ngữ Việt, hòa chung với lời ngợi ca của nhà thơ Lưu Quang Vũ "Ôi TV như bùn và như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ". Thơ lục bát đủ khả năng diễn tả đời sống tình cảm phong phú, đa dạng của người Việt. Cho đến nay, giữa rất nhiều thể thơ khác nhau, thì thơ lục bát vẫn có vị trí xứng đáng và vẫn được đông đảo bạn đọc yêu mến. Sau kiệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã tôn vinh thơ lục bát lên tới đỉnh cao của nghệ thuật thi ca, các bài thơ lục bát của Nguyễn Bính, Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa và một số nhà thơ khác vẫn kế tục và phát huy thế mạnh của thể thơ thuần túy này, để thơ lục bát mãi mãi là niềm tự hào – là sản phẩm tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam.

    [​IMG]
     
    Jenny QwQ, Ưu Đàm Thanh Titoicuatuoitre thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...