Đề bài: Viết bài thuyết minh về một quy trình hoạt động hoặc một đối tượng mà bạn quan tâm

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 18 Tháng sáu 2024.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    [​IMG]

    Bài làm


    "Định Yên có vựa chiếu to

    Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm".​

    Hai câu ca dao bất hủ ấy đã gợi nên những dòng suy tưởng về một làng nghề truyền thống với tuổi đời hàng trăm năm - Làng nghề dệt chiếu Định Yên. Trải bao biến đổi thăng trầm của cuộc sống, sự tiếp nối và tân tiến của thời đại đã làm phai mờ đi những giá trị văn hóa của làng nghề truyền thống. Hiện nay, làng nghề ấy đã đi qua thời kì huy hoàng mà lặng lẽ đi vào hồi ức của những bậc cao niên về những kỉ niệm xa xưa và khép nép tìm cho mình một chỗ đứng để tồn tại giữa chốn tranh đua của những sản phẩm hiện đại. Tuy nhiên, với tấm lòng yêu nghề, tinh thần lưu giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, người dân Định Yên đang chung tay, góp sức đưa làng nghề sang trang mới mà vẫn bền bỉ, vẫn giữ được bản sắc của một làng nghề truyền thống tự bao đời nay.

    Làng chiếu Định Yên tập trung chủ yếu ở hai xã Định An và Định Yên, nhất là Định Yên - nơi mà 70% hộ dân theo nghề làm chiếu, tập trung ở các ấp: An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình. Các hộ dân nơi đây đã sản xuất ra sản phẩm chiếu có hoa văn rực rỡ, mịn màng và bền chắc. Làng chiếu Định Yên, như nhiều làng nghề truyền thống khác, phải chăng ngày càng dạt xa khỏi cuộc sống hiện đại? Những chiếc chiếu tre, chiếu nhựa, những chiếc nệm êm ái hơn, tiện ích hơn, mẫu mã đẹp hơn, từng ngày lấn át những chiếc chiếu với sợi lác sợi bố truyền thống.

    Chiếu lác Định Yên phong phú với nhiều chủng loại, mẫu mã và kích thước, như: Chiếu bông vuông hình con cờ, chiếu bông động phòng hoa chúc, chiếu hoa văn, chiếu vẩy ốc, chiếu cổ.. Mỗi loại chiếu có chiều dài thống nhất 2m, chiều ngang 1, 4-1, 6m, giá bán tùy theo chủng loại, kích cỡ ". Để cho ra một chiếc chiếu đạt chuẩn là cả một quá trình lao động miệt mài, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ đến từng công đoạn. Nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt.

    Nguyên liệu chủ yếu được dùng để dệt chiếu chính là lác (cói) và sợi đay (bố). Đây là hai loại cây hay mọc và được trồng ở những vùng gần sông nước, nơi nhiều phù sa bồi đắp. Sau đó, những loại cây này được thu hoạch và trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận để có thể đạt yêu cầu về nguyên liệu làm chiếu. Lác thu hoạch đến đâu, phân loại và sơ chế ngay đến đấy, đồng thời phân loại theo chất lượng lác và theo chiều dài của sợi lác. Cọng lác tươi được cắt gốc bỏ ngọn, rồi tỉ mỉ dùng dao lột từng sợi, bỏ ruột chỉ lấy phần vỏ ngoài, chẻ hai hay ba sợi tùy theo ý muốn, tùy loại lác, yêu cầu dệt loại chiếu dày hay mỏng và kiểu dáng khác nhau. Ngoài lác, thợ dệt còn phải tự làm lấy sợi đay (bố) dùng để dệt xương chiếu. Cây đay nhổ đem về cạo sạch, đem phơi nắng cho khô, rồi xé sợi thành những sợi mảnh như tơ, sau đó xé sợi đay được làm bằng tay hoặc dùng con quay. Sợi đay buộc một đầu vào con quay, rồi dùng tay miết lăn nhẹ con quay vào đầu gối để quấn sợi đã được xoắn đều thành từng cuộn.

    Sau đó, lác được mang đi phơi nắng qua hàng chục ngày đến khi sợi lác chuyển sang màu trắng đục, cuộn lại thành sợi tròn thì coi như xong giai đoạn quan trọng nhất. Trong quá trình này nếu dính chút nước mưa, hoặc phơi không kỹ thì sợi lác khô sẽ cho màu xanh thâm thâm, không thể nhuộm màu, hoặc sẽ mốc meo không bền được.

    Tùy theo từng loại cần dệt mà các sợi lác (cói), sợi đay sẽ được nhuộm màu theo từng sản phẩm. Màu đỏ, màu xanh, màu lục, màu vàng.. Màu dùng để nhuộm chiếu đều lấy từ tự nhiên như cây giang, cây nghệ, cây mít, lá chàm, quả dành dành, lá me chua, phèn chua.. với liều lượng vừa đủ để có độ màu, độ dính nhất định khi nhuộm sẽ không phai. Công đoạn nhuộm màu cho lác, cần phải đảm bảo được sự đều tay thì lên màu mới tươi và giữ được lâu. Phẩm màu nấu lên và nhúng sợi lác vào, nhúng từng nạm một và đem phơi. Một nạm lác có thể nhuộm một hoặc hai ba lần tùy phẩm màu và độ pha chế đậm nhạt. Lác nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. Sau khi nhuộm, các bó lác được treo lên giàn cho cọng lác thẳng đẹp, rồi đem ra phơi nắng, trở đều hai bề và hai đầu sợi lác. Dạo bước quanh các lò nhuộm lác, ta sẽ không khỏi rời mắt trước những hình ảnh lung linh đa sắc, huyền ảo của màu nhuộm lác và đâu đó trong không gian vùng thôn quê yên bình ta lại chợt cảm nhận được sự phảng phất của hương thơm đặc trưng nhè nhẹ từ thiên nhiên của những bó lác tươi mới vừa được nhuộm ra từ bàn tay cần mẫn khéo léo của người thợ.

    Công cụ dệt chính là chiếc khung dệt, gồm 6 bộ phận liên kết với nhau bằng những đường trân: Cọc nêm (còn gọi là trụ đứng hay nọc) liên kết với đòn ngang để mắc sợi dọc vào; Đòn ngang để căng sợi dọc (sợi trân) nối từ đòn ngang bên này luồn qua khung dạo với đòn ngang bên kia; Đòn kê (ngựa) có chiều dài ngang với chiếc chiếu cần dệt, được đặt cố định để nâng sợi dọc và khung dạo không chạm đất; Khung dạo (lược go) là bộ phận quan trọng nhất của chiếc khung dệt, cũng như trong toàn bộ kỹ thuật dệt chiếu. Khung dọc của dạo làm bằng gỗ nhẹ, dày 5- 6 cm, chiều dài tương đương chiều rộng của thân chiếu. Cây chùi sợi công cụ quan trọng chỉ sau chiếc khung dạo, là một chiếc thoi dùng để chùi (lau) sợi lác, có chiều dài khoảng 2m, hình dáng giống cần cầu, đầu của nó vạt nhọn để quấn sợi cói; Ghế cho người dệt ngồi. Ngoài ra còn có dụng cụ xơ dầu, làm bằng sợi đay trông tựa như cái chổi nhỏ. Xơ dầu dùng để quét dầu lên sợi đay để khi dệt được trơn, dễ dệt và tránh đứt sợi đay.

    Nghề dệt chiếu thủ công xem qua tưởng như đơn giản, nhưng nó cũng đòi hỏi thợ dệt phải có những kỹ năng nhất định và sự sáng tạo phong phú. Trước khi dệt, người thợ dệt phải rũ lác, đảo lác và mắc sợi đay tạo thành mặt sợi dọc trên khung dệt. Khi dệt chiếu phải có hai người. Một người xếp cói và một người dệt. Người xếp cói và người dệt có thể thay thế vị trí cho nhau. Hai người phải phối hợp nhịp nhàng, lúc người dệt điều chỉnh cây dệt về tư thế ngửa thì người xếp cói sẽ xếp phần gốc của cọng cói và ngược lại, khi người dệt đưa cây dệt về vị trí sấp thì người xếp cói xếp phần ngọn của cọng lác. Hai người phối hợp như thế cho đến khi dệt xong chiếc chiếu. Đây là quy trình dệt cơ bản đối với chiếu thông thường. Với từng loại chiếu khác nhau, có những nguyên tắc kỹ thuật, cách thức chuẩn bị nguyên liệu đặc trưng khác nhau. Thông thường khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ hai luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức lực dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Mỗi động tác dệt được kết hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa hai người thợ. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Có tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền. Trên bước đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa các làng nghề dệt chiếu đang dần chuyển mình theo phương thức và công nghệ, máy móc tiên tiến. Số lượng chiếu làm ra nhanh hơn và ngày một nhiều sản phẩm.

    Tuy nhiên, giờ đây tại làng chiếu Định Yên, cảnh người ngồi đan chiếu không còn nhiều. Nhịp sống ở làng nghề Định Yên cũng theo đó mà trầm lắng, nhiều người vì mưu sinh, bất đắc dĩ phải chuyển nghề. Hoài tưởng lại xa xưa, tiếng" lách cách "êm tai rộn rã khắp mọi nẻo đường Định Yên của những khung dệt nay đã thưa thớt dần, những con đường quê trước kia phủ đầy những bó lác muôn sắc muôn màu cuộn tròn xoe, rực rỡ, lung linh trong ánh nắng chiều tà giữa nhịp sống bình dị nơi làng quê và chứa chan tình người của những người dân quê chất phác, hiền hòa dần trở thành hồi ức. Thậm chí, phiên chợ chiếu Định Yên nổi tiếng, là" chợ ma "hay" chợ âm dương "của Định Yên cũng mai một dần. Còn đâu cảnh 2 -3 giờ sáng, người buôn kẻ bán trên bến dưới thuyền xôn xao, tấp nập, vui cười rộn rã cầm những ngọn đèn dầu leo lét lúc ẩn lúc hiện soi rọi giữa màn đêm tạo nên khung cảnh đặc trưng của khu chợ tuy tăm tối nhưng ngập tràn sức sống của con người cùng nhau buôn bán, trao đổi từng chiếc chiếu tinh xảo.

    Manh chiếu, chiếc chiếu hay đôi chiếu từ xa xưa đã gắn liền với đời sống người Việt. Hơn thế nữa, nó đã trở thành biểu tượng cho tình cảnh, tình cảm của bản thân, gia đình. Chính những giá trị vật chất và tinh thần vô vùng đặc sắc. Manh chiếu đâu chỉ là vật vô tri vô giác trải trên những chiếc giường tre, những tấm bộ ngựa gỗ để mọi người nghỉ lưng. Mà dường như nó còn chứa đựng một thứ tình cảm êm ái khi đưa con người vào giấc ngủ ngon. Ẩn sâu bên trong làng nghề còn là văn hóa, phong tục tập quán, với không gian làng quê rộng lớn, thân thuộc bao đời. Tiếng khung dệt" lách cách"là nhịp thở hàng ngày của làng chiếu Định Yên rộn ràng, ấm áp tình quê và trĩu nặng hương hồn xứ sở. Bộ mặt nông thôn Định Yên càng thêm tươi trẻ bởi sắc màu rực rỡ của những đôi chiếu hoa mang lại
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...