Hành trình Thành phố Hồ Chí Minh - Buôn Ma Thuột - Đà Lạt - Nha Trang 7 ngày 6 đêm

Thảo luận trong 'Nhật Ký' bắt đầu bởi Huệ Lê Thị, 7 Tháng mười hai 2021.

  1. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Hành trình Thành phố Hồ Chí MinhBuôn Ma Thuột – Đà Lạt – Nha Trang

    (7 ngày 6 đêm)


    Huệ Lê Thị

    [​IMG]

    Ảnh: Đường hoa Dã quỳ

    Link thảo luận và góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị

    Xin chào, xin chào!

    Hôm nay mình sẽ viết chuyên mục nhật ký về chuyến đi thực tế trong quá trình học tập của mình. Hy vọng thông qua những con chữ mọi người cũng sẽ có một chuyến đi cùng với nhật ký của mình.

    Đây là hành trình Thành phố Hồ Chí Minh – Buôn Ma Thuột – Đà Lạt – Nha Trang trong 7 ngày 6 đêm.

    Mình sẽ chia ra thành nhiều bài viết ngắn để chia sẻ cùng mọi người.

    Hy vọng sẽ được mọi người đón đọc.

    Hãy dõi theo hành trình của mình nhé!

    Cảm ơn mọi người rất nhiều! *Tim*

    Còn tiếp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  2. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 1. Tổng quan về hành trình

    [​IMG]

    Những phần tiếp theo mình sẽ kể chi tiết về toàn bộ hành trình của chuyến đi.

    Hãy cùng theo dõi hành trình 7 ngày 6 đêm của mình nhé!


    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tạm rời xa nắng nóng của Sài Gòn, chúng mình lên đường đến với cao nguyên phía Tây của Việt Nam để hòa mình vào những cơn gió của đại ngàn, hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng và đời sống của người dân xứ lạ.

    Ngang qua Bình Dương, Bình Phước trên chặng đường dài. Điểm đến đầu tiên của chúng mình chính là thác Draysap duyên dáng thuộc tỉnh Đăk Nông.

    Tiếp tục hành trình, chúng mình tiến vào địa phận tỉnh Đăk Lăk, vào thẳng trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột- thủ phủ cà phê của nước ta, tham quan và khám phá nơi sinh ra bài hát "Chú voi con ở Bản Đôn".

    Lưu luyến chia tay thành phố cà phê chúng mình di chuyển đến vùng đất được mệnh danh là xứ sở tình yêu. Chắc hẳn mọi người đã biết, đó chính là thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, đây là thành phố gắn liền với những truyền thuyết, những câu chuyện tình yêu thật buồn nhưng cũng thật đẹp.

    Ghé qua thành phố biển Nha Trang để thưởng ngoạn và được hòa mình vào làn nước biển trong xanh, tình cờ chúng mình lại được chiêm ngưỡng bức tranh mặt trời lặn trên biển với nét man mác buồn nhưng cũng chẳng kém phần hùng vĩ.

    Ngang qua Phan Thiết về lại Sài Gòn với những câu chuyện, những lời tâm sự và những bài hát mà các thành viên tặng cho nhau sau chuyến hành trình 7 ngày 6 đêm đầy trải nghiệm và thú vị.

    Còn tiếp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  3. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 2. Ngày 1: Thành phố Hồ Chí Minh- Buôn Ma Thuột

    [​IMG]

    Ảnh: Ngã 6 Buôn Ma Thuột

    Bấm để xem
    Đóng lại
    3g 00, 23/04/2016: Chúng mình lục tục thức dậy, sau đó nhanh chóng sửa soạn rồi kéo theo vali hành lý rời khỏi dãy trọ còn chìm trong bóng tối với niềm hưng phấn kèm theo một chút lo lắng.

    5g 00: Xe đã đến, tất cả mọi người cùng nhau lên xe, ổn định chổ ngồi chuẩn bị xuất phát.

    5g 35: Chúng mình chính thức rời khỏi địa phận TP. HCM, sau đó khoảng 15 phút xe dừng và.. Trong bao nhiêu ngày tháng đã trôi qua thì hôm nay là ngày mà chúng mình ăn sáng cực kì cực kì sớm vào lúc 6g hơn.

    7g 00: Chúng mình tiếp tục hành trình đến với nắng gió của Tây Nguyên, trên đường đi cả đoàn cũng dừng lại nghỉ ngơi tại một trạm dừng chân.

    11g 25: Chúng mình dừng chân ăn trưa và nghỉ ngơi trong vòng 1 tiếng, sau đó đi thẳng đến địa điểm tham quan đầu tiên của hành trình, đó chính là thác Dray- sap. Chúng mình tham quan từ lúc 14g 45 đến 15g 45 .

    Thác Dray- sap


    [​IMG]

    Thác Dray- sap

    Thác Dray- sap là một thác nước trên dòng sông Sê- rê- pôk, thuộc xã Nam Hà, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông.

    Theo tiếng Êđê, "Dray" có nghĩa là thác, "sap" là khói => "Dray- sap" có nghĩa là "thác khói". Sở dĩ gọi như vậy bởi khi dòng nước từ trên cao đổ xuống sẽ tạo thành một khối lớn bụi nước bay là là giống như sương khói.

    Để đến thác chúng mình sẽ đi xuống vài trăm bậc tam cấp rồi tiến vào một con đường đất đá và tiếp tục đi bộ đến thác. Đối với những du khách thích chụp ảnh thì đoạn đường đất đá này cũng là một địa điểm lý tưởng để có những bức ảnh đẹp trước khi đến thác.

    Đi thêm vài bước chân nữa chúng mình đã nghe được tiếng nước đổ, tiếng reo của thác. Thác hiện ra với màu xanh của nước, màu xanh của cây, của bèo.. Những màu xanh đó hòa quyện với màu xanh của bầu trời tạo nên một cảnh đẹp thật khó tả.

    16g 30: Đoàn đã đến trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và nhận phòng tại khách sạn. Sau khi nghỉ ngơi, chúng mình ăn tối vào lúc 18g 00.

    Ngày đầu tiên của hành trình chủ yếu dành cho việc di chuyển, bởi vì khoảng cách giữa hai thành phố quá xa (hơn 300km) cho nên cả ngày chúng mình chỉ có một điểm tham quan duy nhất ở Đăk Nông. Tuy nhiên cảnh quan trên đường đi cũng rất tuyệt, những con đường đã được sửa chữa rất đẹp, chúng uốn lượn vòng quanh, chạy ngang qua những rừng thông xanh ngắt, nhìn phía xa xa là những triền dốc, những ngọn đồi nhỏ nhấp nhô, thấy khắp nơi đều là màu xanh, lòng mình bỗng thấy thanh thản.

    Còn tiếp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  4. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 3. Ngày 2: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn (buổi sáng)

    [​IMG]

    Ảnh: Nhà rông Tây Nguyên

    Hành trình buổi sáng ngày thứ 2 của chuyến hành trình 7 ngày 6 đêm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm nay sẽ là một hành trình dài với dày đặc các điểm tham quan. Để có thể lực cho hoạt động cả ngày chúng mình ăn sáng vào lúc 6 giờ hơn. Và bữa sáng là buffet tại nhà hàng của khách sạn chúng mình đang lưu trú.

    Vào lúc 7g 38: Đoàn bắt đầu khởi hành, rời khỏi khách sạn và đến tham quan địa điểm đầu tiên chỉ cách khách sạn khoảng 10 phút, đó chính là chùa Sắc Tứ Khải Đoan. Chúng mình tham quan chùa khoảng 40 phút từ lúc 7g 45 đến 8g 25 .

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan


    [​IMG]

    [​IMG]

    Chùa Sắc Tứ Khải Đoan tọa lạc tại số 117 đường Phan Bội Châu, phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Chùa bắt đầu xây dựng vào năm 1951 và hoàn thành vào năm 1953.

    Chùa được xây dựng bởi Đoan Hy Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Cúc- chính phi của Vua Khải Định cùng một số Phật tử phát tâm xây dựng.

    Tên của ngôi chùa Khải Đoan được ghép từ tên vua Khải Định và vợ ông là Đoan Hy Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Cúc.

    Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa lớn nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột và là ngôi chùa cuối cùng được phong sắc tứ của chế độ phong kiến.

    Chùa rất khang trang, thoáng đãng và rộng lớn. Đây là một điểm đến tâm linh mà các bạn nên ghé khi đến Buôn Ma Thuột. Đối với các bạn thích chụp ảnh thì chùa Sắc Tứ Khải Đoan cũng là một địa điểm mà các bạn có thể thu được những bức ảnh rất đẹp. Tuy nhiên, khi đến đây các bạn nên giữ trật tự, đi đứng, nói năng nhẹ nhàng và ăn mặc kín đáo, lịch sự nhé!

    8g 25: Cả đoàn rời khỏi chùa và tiếp tục di chuyển.

    9g 17: Chúng mình đã đến Khu Du Lịch Buôn Đôn.


    [​IMG]

    Ảnh: Cầu treo trong Khu Du Lịch Buôn Đôn

    Buôn Ðôn là tên gọi theo tiếng Lào, có nghĩa là làng Ðảo. Khu du lịch Buôn Đôn thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42 km về phía Tây Bắc.

    9g 36: Cả đoàn bắt đầu đi tham quan Nhà mồ và khu nhà sàn cổ trong Khu Du Lịch Buôn Đôn.


    Mộ Vua Voi

    [​IMG]

    Khu lăng mộ của vua voi nằm trong quần thể nghĩa địa của buôn Yang Lành với những ngôi mộ được trang trí bằng tượng nhà mồ, một nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Đây là khu lăng mộ của gia đình vua voi Khunjunob.

    Khu lăng mộ được xây dựng với mong muốn để cho mọi người nhớ đến công lao của những vị vua săn voi của đồng bào Tây Nguyên nói chung và dân làng Buôn Đôn nói riêng.

    Mộ có kiến trúc M'nông và Lào với mô típ hình khối đơn giản, trên có trang trí hình búp sen ở bốn góc và đỉnh mộ. Mộ vua voi ở Buôn Đôn là một điểm tham quan du lịch quan trọng trong quần thể du lịch Buôn Đôn.


    Nhà sàn cổ

    Chúng mình tham quan hai khu nhà sàn cổ riêng biệt, cách nhau cũng không quá xa.

    [​IMG]

    Ảnh: Vật dụng săn voi trong nhà sàn cổ

    Nhà sàn cổ được khởi công vào ngày 7/10/1883 và hoàn thành vào ngày 19/2/1885.

    Không biết chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ai nhưng theo kể lại thì Khunjunob đã mua lại nhà này từ một người dì. Khi Khunjunob mất, ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của cháu ngoại ông là Ama Kong, nay thuộc sự quản lý của khu du lịch Buôn Đôn.

    Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn và những người Kế tục. Đây là ngôi nhà trên 115 năm tuổi.

    Đến với Khu Du Lịch Buôn Độn thật sự rất thoải mái, đi trên những chiếc cầu treo vừa ngắm cảnh vừa nhìn nước chảy dưới chân rất thú vị và có cả những chú voi to lớn nữa. Cây cối cũng rất nhiều và hầu như là những cây lâu năm, những bộ rễ và các nhánh cây cũng được tạo hình hoặc trở thành nơi để mọi người ngồi nghỉ ngơi, chụp ảnh, không khí vô cùng, vô cùng trong lành.

    11g 30: Chúng mình đã tham quan xong hành trình của buổi sáng và bây giờ là thời gian nghỉ ngơi, ăn trưa và giao lưu văn nghệ tại Khu Du Lịch Buôn Đôn.

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi buổi sáng ngày thứ 2 trong chuyến hành trình của mình. Hãy cùng chờ đón hành trình tham quan của buổi chiều ngày thứ 2 nhé!

    Còn tiếp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 21 Tháng mười hai 2021
  5. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 4. Ngày 2: Buôn Ma Thuột – Buôn Đôn (buổi chiều)

    [​IMG]


    Ảnh: Bảo tàng Đăk Lăk

    Hành trình buổi chiều ngày thứ 2 của chuyến hành trình 7 ngày 6 đêm.

    Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi và giao lưu văn nghệ thì hành trình tham quan tiếp tục bắt đầu.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    13g 30: Chúng mình rời khỏi Khu Du Lịch Buôn Đôn, khởi hành về lại Thành phố Buôn Ma Thuột

    13g 55: Dừng chân và tham quan bảo tàng Đăk Lăk


    Bảo Tàng Đăk Lăk


    [​IMG]

    [​IMG]

    Bảo tàng các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk được đặt tại tòa nhà Biệt điện Bảo Đại cũ, một di tích lịch sử của Đắk Lắk, nằm tại số 4 đường Nguyễn Du (nay là số 02 đường Y Ngông) thành phố Buôn Ma Thuột.

    Năm 1926 ngôi nhà được xây dựng bằng gạch, vôi và hoàn thành vào năm 1927.

    Trước đây khu nhà là biệt điện của vua Bảo Đại lúc đương vị và trước nữa là Tòa nhà Công sứ của chính phủ Pháp tại Tây Nguyên, năm 1950 tòa nhà được giao lại cho chính phủ Quốc gia Việt Nam.

    Tòa nhà được xây dựng lại như hiện tại vào năm 1940 với kiến trúc rất đẹp mang đậm dấu ấn phong cách nhà dài truyền thống của người dân tộc Ê Đê bản địa, mái ngói, sàn gỗ.

    Sau năm 1975 một phần tòa của tòa nhà được sử dụng làm nhà khách, một phần làm bảo tàng văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.

    Bảo tàng Đăk Lăk cũng là bảo tàng đầu tiên trong cả nước sử dụng bốn ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ê Đê trong trưng bày và thuyết minh.

    Ở đây có những góc chụp hình rất đẹp đó nha! Không gian xung quanh cũng rất rộng lớn và được bao phủ bởi màu xanh của cây cối. Dù trời nắng nhưng lại rất mát mẻ.

    15g 00: Đoàn rời khỏi Bảo tàng.

    15g 17 - 15g 35: Tham quan Khu du lịch sinh thái Ako D'hong

    Khu du lịch sinh thái Ako D'hong nằm về phía Bắc và cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km.

    Theo tiếng Ê Đê: "Ako" có nghĩa là đầu nguồn, "D'hong" có nghĩa là lũng. Như vậy, "Ako D'hong" có nghĩa là Buôn lũng đầu nguồn. Nơi đây có tiếng là buôn giàu có nên còn được gọi là Buôn nhà ngói hay Buôn Ama Rin- là một trong số những người đầu tiên khai phá mảnh đất này.

    Thật ra thì lúc đến đây mọi chuyện không được suôn sẻ lắm nên chúng mình nhanh chóng kết thúc tham quan tại đây.

    15g 45: Chúng mình về lại khách sạn lưu trú, nghỉ ngơi và ăn tối. Sau bữa tối sẽ tiếp tục đến tham quan điểm cuối cùng trong ngày 2 của chuyến hành trình.

    18g 20: Di chuyển đến điểm tham quan tiếp theo.

    18g 30- 19g 07: Tham quan Làng cà phê Trung Nguyên.

    Làng cà phê Trung Nguyên

    Mình sẽ chèn hình ban ngày ở làng để các bạn ngắm nhé. Mình nghĩ nếu các bạn đi buổi tối thì nên đi theo nhóm vì không gian rất rộng và nhà kiểu hơi hướng xưa xưa, thêm nữa là ở đây cũng trồng cây tương đối nhiều nên đi một mình thì hơi sợ nha các bạn :)


    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Làng cà phê Trung Nguyên tọa lạc tại số 222 Lê Thánh Tông, Tp. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk và được đưa vào hoạt động từ tháng 12 năm 2008.

    Làng cà phê Trung Nguyên hay còn được gọi là Làng Cà phê là một cụm công trình kiến trúc có diện tích khoảng 20.000m2 thuộc sở hữu Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên.

    Làng cà phê gồm 5 khu chính: Quầy thông tin, khu thưởng thức, khu ẩm thực, khu bảo tàng và khu siêu thị.

    Ngoài ra, trong khuôn viên công trình còn có: Vườn cà phê cổ được trồng xen kẽ trong không gian của Làng Cà phê. Đây là nơi có nhà sàn dài nhất Buôn Ma Thuột. Có khu thác nước, nơi trình diễn Barista.

    Ở đây thật sự rất rộng và cảm thấy yên bình và trong lành. Các bạn nên đến vào ban ngày nếu muốn chụp hình, mình đến vào buổi tối thì thấy thật sự rất yên bình và thư giãn luôn.

    19g 10: Về lại nơi lưu trú.

    Hành trình tham quan của ngày 2 đã kết thúc. Thật sự thì hơi mệt vì chủ yếu là đi bộ khi tham quan trong khu du lịch Buôn Đôn, đi vòng quanh Bảo tàng (lúc ở đây chúng mình ngồi tê liệt nghỉ ngơi luôn, quá mỏi chân), rồi lại đi lòng vòng ở Làng cà phê. Về khách sạn cũng không muốn đi dạo xung quanh nữa.

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi hành trình của mình. Hãy cùng chờ đón ngày thứ 3 của hành trình nhé!

    Còn tiếp..
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng một 2022
  6. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 5. Ngày 3: Buôn Ma Thuột - Đà Lạt

    [​IMG]


    Ảnh: Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt

    Bấm để xem
    Đóng lại
    5g 15: Chúng mình trả phòng, ăn sáng buffet tại nhà hàng của khách sạn.

    6g 15: Cả đoàn khởi hành, di chuyển đến thành phố tiếp theo trong hành trình, chính là thành phố Đà Lạt.

    7g 18: Dừng chân tham quan Hồ Lăk và Buôn Jun

    Hồ Lăk và Buôn Jun


    [​IMG]

    Vị trí: Nằm trên tuyến đường giao thông nối giữa thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Đà Lạt, cách Tp. Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía nam theo quốc lộ 27.

    Hồ Lăk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của tỉnh Đăk Lăk và lớn thứ hai Việt Nam, sau Hồ Ba Bể. Buôn Jun là một buôn làng nổi tiếng của người M'Nông, nằm cạnh Hồ Lăk.

    Hồ rộng trên 5km², được thông với con sông Krông Ana. Theo truyền thuyết Hồ Lắk được tạo ra bởi anh hùng Lắk Liêng, người dân tộc M'Nông.

    Hồ được bao phủ bởi những dãy núi lớn và những cánh rừng nguyên sinh. Xung quanh hồ còn có những kiến trúc lịch sử như biệt điện của hoàng đế Bảo Đại, nhà dài của người M'Nông.


    [​IMG]

    Vì thời gian tham quan có hạn nên chúng mình không thể ngồi thuyền. Nếu các bạn đến đây thì có thể dùng dịch vụ ngồi thuyền trên hồ ngắm cảnh nhé.

    [​IMG]

    7g 50: Chúng mình lên xe tiếp tục di chuyển.

    12g 00: Dừng chân ăn trưa.

    12g 50: Nhận phòng khách sạn tại Đà Lạt. Chúng mình sẽ được nghỉ ngơi khoảng một tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu tham quan các địa điểm đầu tiên của thành phố ngàn hoa.

    14g 00: Đoàn khởi hành đi tham quan.

    14g 15: Địa điểm tham quan đầu tiên ở Đà Lạt là Trung tâm lưu trữ quốc gia IV

    Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân cũ)


    [​IMG]

    Vị trí: Số 2 đường Yết Kiêu, P. 5, thành phố Đà Lạt.

    Trung tâm được thành lập vào ngày 25/8/2006 do Bộ Nội Vụ đầu tư trùng tu vào năm 2007.

    Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tức Khu Biệt điện Trần Lệ Xuân cũ có những phòng trưng bày với những tấm pa- nô lớn thể hiện nhiều mô hình như Chiếu dời đô, bìa sách Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, lời di huấn của vua Minh Mạng..

    Ở đây chúng mình được chiêm ngưỡng mộc bản triều Nguyễn (bản sao), cùng với những tác phẩm nổi tiếng như: Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà.. Và được giới thiệu về gia đình Ngô Đình Diệm, cuộc đời Trần Lệ Xuân và lịch sử Việt Nam qua những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.


    [​IMG]

    Đây cũng chính là nơi bảo quản, lưu giữ hơn 30.000 mộc bản cực kỳ quý giá của triều Nguyễn mà chính Ngô Đình Nhu đã từng sưu tầm trong những ngày mới tốt nghiệp trường Ecole Nationale des Chartes - trường đào tạo lưu trữ viên cổ tự học danh tiếng của Pháp.

    15g 22: Rời khỏi Trung tâm lưu trữ quốc gia IV

    15g 25: Chúng mình đã đến nhà thờ Domain De Marie

    Nhà thờ Domain De Marie


    [​IMG]

    Vị trí: Nhà thờ nằm trên đường Ngô Quyền, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 1km về phía tây nam.

    Nhà thờ có tên chính thức là: "Nhà Thờ Mai Anh Tước Hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội", còn được gọi là Nhà Thờ Mai Anh hay Nhà Thờ Vinh Sơn.

    Nhà thờ được xây dựng vào những năm 1930, đến năm 1943 nhà thờ được xây dựng lại với một kiến trúc hoàn toàn mới lạ và độc đáo mang chút dáng dấp nhà Rông của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên.


    [​IMG]

    Nhà thờ có kiến trúc và bố cục pha lẫn kiến trúc phương Tây và kiến trúc nhà rông Tây Nguyên tạo nên những nét kiến trúc vô cùng độc đáo, với chiều dài khoảng 33m và chiều rộng là 11m, các mái vòm nhô ra, nhìn từ xa giống như một hình tam giác cân, hai bên cửa chính được thiết kế hai hàng cầu thang rất đẹp và cũng thuận tiện cho việc đi lại.

    Khi đến đây điều khiến chúng mình bất ngờ nhất chính là màu sắc của nhà thờ, cả nhà thờ được sơn bằng màu hồng đậm, dưới ánh nắng cả nhà thờ như bừng sáng vậy.

    Nhà thờ còn lưu trữ pho tượng Ðức Mẹ Ban Ơn cao 3m, nặng 1 tấn, đây là quà tặng của phu nhân Toàn Quyền Ðông Dương Decoux.


    [​IMG]

    Phần sân sau của nhà thờ được dùng làm nơi ở của các nữ tu sĩ với thiết kế hiện đại với 3 dãy nhà bao quanh một khu vườn đầy hoa. Và nơi đây cũng là nơi yên nghỉ của bà Decoux.

    Mình nói thật là khi đến đây các bạn hãy mặc những bộ đồ thật đẹp, bất kỳ chỗ nào trong nhà thờ các bạn cũng sẽ chụp được những bức ảnh vô cùng, vô cùng tuyệt. Nhưng hãy ăn mặc kín đáo và lịch sự nhé!

    15g 58: Chúng mình rời khỏi nhà thờ và di chuyển sang địa điểm tiếp theo

    16g 05: Bắt đầu tham quan Dinh III

    Dinh III


    [​IMG]

    Vị trí: Dinh III tọa lạc trên đường Triệu Việt Vương, Phường 4, Tp. Đà Lạt, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 2km về hướng tây nam.

    Dinh được xây dựng từ năm 1933 và hoàn thành vào năm 1938. Dinh III được kiến trúc sư người Pháp và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế.

    Dinh III là biệt thự nghỉ hè của vua Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, đồng thời cũng là vị hoàng đế cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam. Sau này khi người Pháp đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền từ năm 1948 rồi thành lập "Hoàng triều Cương Thổ" vào năm 1950, nơi đây còn được gọi là Biệt điện Quốc trưởng.

    Dinh III mang đậm phong cách kiến trúc châu Âu, điển hình là trước biệt điện và sau biệt điện đều có vườn hoa. Hiện nay, Dinh III vẫn được bảo tồn gần như nguyên trạng.


    [​IMG]

    Đến với Dinh III, các bạn sẽ phần nào hiểu biết về đời sống của gia đình vị Vua cuối cùng của nước ta và có thể thuê đồ để đóng vai Vua, Hoàng Hậu hay những Hoàng tử, Công chúa để có những bức ảnh kỉ niệm tại Dinh III.

    Dinh III rất rộng và cũng rất đẹp nữa, hầu như xung quanh được bao phủ toàn bộ bởi màu xanh của lá và những màu sắc rực rỡ của hoa.

    Lưu ý nhỏ: Các bạn đừng tùy tiện đụng chạm vào những vật được trưng bày trong Dinh nhé! Đặc biệt là nơi có dây bảo vệ.

    17g 05: Chúng mình đã kết thúc hành trình tham quan của ngày thứ 3, cả đoàn di chuyển đến nhà hàng ăn tối sau đó về lại khách sạn nghỉ ngơi và tự do đi dạo.

    Hành trình ngày 3 tập trung chủ yếu vào buổi chiều và các địa điểm cũng rất gần nhau. Nếu đã đến thì các bạn hãy tham quan tất cả những địa điểm trên nhé!

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi hành trình của mình. Nếu các bạn thấy thú vị thì hãy ấn vào nút "Thích" để ủng hộ mình nè *năn nỉ luôn á*

    Hãy cùng chờ đón ngày thứ 4 của hành trình nhé!

    Còn tiếp..
     
  7. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 6. Ngày 4. Thành phố Đà Lạt

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Xin chào các bạn đang tiếp tục theo dõi hành trình du lịch 7 ngày 6 đêm của mình!

    Hôm nay chúng ta sẽ đến với ngày thứ 4 trong hành trình. Vậy là chúng ta đã đi được một nửa chặng đường rồi, ngày thứ 4 sẽ dành trọn cho thành phố lãng mạn, thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu..

    Chúng ta đi thôi nào!

    6g 30- 7g 12: Sáng nay tiếp tục là bữa sáng buffet.

    7g 14: Chúng mình khởi hành đến Khu Du Lịch Lang Biang

    7g 44: Đã đến Khu Du Lịch Lang Biang. Sau đó chính là khoảng thời gian ổn định và chờ đợi mua vé tham quan. Trong khoảng thời gian chờ đợi tầm 1 tiếng này, phải nói là chúng mình tám đủ thứ từ trên trời xuống dưới đất, từ cây hoa lá cành đến chim chóc bay lượn, rồi lại đi loanh quanh loanh quanh khắp nơi. ^^

    8g 51: Cuối cùng mình cũng được ngồi vào xe jeep để lên núi Lang Biang và bắt đầu tham quan.


    Khu Du Lịch Lang Biang

    [​IMG]

    Khu Du Lịch Lang Biang nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12km về phía Bắc.

    Có một truyền thuyết kể về chuyện tình bi thương của chàng Lang và nàng Biang. Mình có bài review kể chi tiết về chuyện tình này, mình sẽ để link ở cuối bài nhé!

    Ngọn núi cao ở làng La Ngự Thượng, nơi mà Lang cùng Biang chết và được chôn cất đã được người dân đặt tên là núi Lang Biang.

    Đến với Khu du lịch Lang Biang, các bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác lắc lư khi di chuyển từ chân núi lên trên đỉnh của đồi Radar bằng xe jeep trong khoảng 10 phút và được trò chuyện với những bác tài rất dễ thương.


    [​IMG]

    Lên đến nơi tham quan bạn sẽ cảm nhận được hết cái mát lạnh của không khí Đà Lạt và trải rộng tầm mắt của mình ra xa, nhìn ngắm những ngôi nhà nhỏ bé dưới chân mình. Bên cạnh đó, còn có thể sử dụng dịch vụ cho thuê ống nhòm để có thể nhìn từ đỉnh núi xuống toàn thành phố Đà Lạt với một khung cảnh vô cùng tuyệt vời, còn có thể cưỡi ngựa chụp hình nữa, trên đỉnh núi cũng có vườn hoa với màu sắc rực rỡ.

    Khu du lịch Lang Biang được chia ra làm 5 khu vực: Khu vực đón tiếp, Thung lũng Trăm năm, Bãi Mimosa, Đồi Dankia (Radar) và khu vực đỉnh Lang Biang.


    [​IMG]

    Đến khu du lịch Lang Biang, các bạn có thể di chuyển bằng xe jeep thời gian để lên đến đỉnh Rada tầm 10 phút, hoặc là đi bộ dọc theo đường nhựa khoảng 6km, còn bạn nào thích trải nghiệm thì có thể chọn hình thức trekking để có thể hòa mình và đắm chìm vào thiên nhiên.

    9g 55: Thời gian hạn hẹp, chúng mình nhanh chóng xuống lại chân núi và tất nhiên cũng ngồi lên xe jeep và xổ dốc thôi, mỗi lần thấy có xe jeep chạy lên trên núi là cả hai xe lại hú hét chào nhau dù rằng chúng mình chẳng hề quen biết nhau. Hì hì.

    10g 12: Đoàn mình rời Khu Du Lịch Lang Biang và đến địa điểm tham quan thứ 2 của ngày hôm nay.

    10g 45: Đã đến Làng Cù Lần


    Làng Cù Lần

    [​IMG]

    Làng Cù Lần tọa lạc trên địa giới thuộc thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

    Cái tên Cù Lần được xuất phát từ tên của một loại thực vật và cũng là tên của một loài động vật: Cây Cù Lần và con Cù Lần (còn có tên gọi khác là culi).

    Cũng có một truyền thuyết nói về sự hình thành của làng Cù Lần, đó là một câu chuyện của một chàng trai si tình với một cô gái nơi phố thị. Mình sẽ để link về câu chuyện này cho các bạn ở cuối bài nhé!


    [​IMG]

    Đến với Làng Cù Lần bạn sẽ tìm lại được cảm giác bình yên, thanh tịnh và có thể cảm nhận những âm thanh gần gũi như tiếng suối chảy, tiếng thông reo, tiếng chim hót.

    11g 40: Chúng mình rời khỏi Làng Cù Lần. Nếu các bạn muốn đến đây tham quan thì hãy chọn cho mình một đôi giày thoải mái nhé, đi bộ rất nhiều đó và đường dốc lên xuống cũng rất nhiều, đi đến mức mình cảm thấy mỏi cả chân luôn. Cảnh ở đây thật sự là vô cùng, vô cùng tuyệt vời, chính là cái cảm giác mà mình như một đứa con bé bỏng của mẹ thiên nhiên vậy.

    12g 10- 12g 58: Tới giờ ăn trưa rồi.

    13g 00: Ăn trưa xong chúng mình lập tức di chuyển đến điểm tham quan tiếp theo, chính là Ga Đà Lạt.


    Ga Đà Lạt

    [​IMG]

    Ga Đà Lạt tọa lạc tại số 1 Quang Trung, P. 10, Thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố chưa đến 2km.

    Ga được khởi công xây dựng vào năm 1932, hoàn thành năm 1938 và được thiết kế bởi hai kiến trúc sư nổi tiếng là Moncet và Reveron. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung với kinh phí xây dựng là 200.000 france.

    Đến với Ga Đà Lạt bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo, vừa hoài cổ vừa lãng mạn của công trình này, đồng thời sẽ có những bức ảnh tuyệt vời với những đoàn tàu và những đường ray lịch sử.

    Ga Đà Lạt là một trong hai nhà ga cổ nhất và là nhà Ga nằm ở vị trí cao nhất nước ta. Đây cũng là nơi vẫn còn lưu giữ đầu xe tàu lửa chạy bằng hơi nước cổ xưa.

    Chính vì sự cổ kính và sang trọng trong kiến trúc ấy đã làm cho Ga Đà Lạt trở thành một trong những địa điểm được các cặp đôi chọn làm nơi chụp ảnh cưới. Và chúng mình cũng nhìn thấy một cặp đang chụp ảnh cưới ở đây, cô dâu rất xinh đẹp, hì hì.


    [​IMG]

    ***

    Vì hôm nay chúng mình có rất nhiều điểm tham quan, mà mỗi điểm tham quan cũng tương đối lâu nên mình sẽ chia ngày thứ 4 thành hai phần.

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi hành trình của mình nha, hãy cùng chờ đón những điểm tham quan tiếp theo của buổi chiều nhé!


    Còn tiếp..

    Dưới đây là link bài review chi tiết về Lang Biang và Làng Cù Lần, các bạn có thể ghé qua để có nhiều thông tin hơn nhé:

    Review - Khu Du Lịch Lang Biang - Đà Lạt

    Review - Làng Cù Lần - Đà Lạt

    Cảm ơn các bạn rất nhiều!
     
  8. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 7. Ngày 4. Thành Phố Đà Lạt (Buổi chiều)

    [​IMG]


    Ảnh: Thác Datanla

    Chào mừng các bạn đang đến với hành trình tham quan Buổi chiều ngày thứ 4 của chuyến hành trình 7 ngày 6 đêm.

    Chúng ta bắt đầu nhé!


    Bấm để xem
    Đóng lại
    13g 38: Chúng mình đã đến điểm tham quan tiếp theo - Khu Du Lịch Thác Datanla

    Khu Du Lịch Thác Datanla

    [​IMG]

    Khu du lịch thác Datanla nằm trên quốc lộ 20, gần đèo Prenn, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về phía Nam và cách đèo Prenn khoảng 8km.

    Ở đây có rất nhiều truyền thuyết nói về thác, chẳng hạn như đây là nơi mà chàng K'lang và nàng H'Biang đã gặp nhau, cũng là nơi mà các nàng tiên hay xuống tắm, còn có một truyền thuyết liên quan đến vấn đề lịch sử nữa.

    Lúc đầu nơi này được người Lạch gọi là "Đạ Tam Nha" tức là "Dưới lá có nước". Về sau, người Việt đọc trại ra thành Datanla và cái tên Datanla tồn tại đến bây giờ.

    Khu du lịch Datanla rộng khoảng 312 ha, thác cao khoảng 20m và có độ nghiêng khoảng 75o, dưới chân thác có một vực sâu gọi là "Vực tử thần".

    Từ cổng chào các bạn có hai cách để đến thác đó là đi bộ hoặc đi máng trượt.

    Mình đã có bài review chi tiết về nơi này, mình sẽ để link ở dưới nhé!

    14g 40: Cả đoàn rời khỏi khu du lịch thác Datanla.

    14g 44: Đã đến Thiền viện Trúc Lâm


    Thiền viện Trúc Lâm

    [​IMG]

    Thiền viện Trúc Lâm nằm trên núi Phụng Hoàng, phía trên Hồ Tuyền Lâm thuộc phường 3, thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5 km.

    Thiền viện do Hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập và được xây dựng vào năm 1993, đến năm 1994 thì hoàn thành

    Thiền viện được chia ra làm 4 khu vực: Khu vực ngoại viện, khu tịnh thất hòa thượng, hòa thượng viện trưởng, khu nội viện tăng và khu nội viện ni.

    Đây là một công trình kiến trúc độc đáo bên cạnh hồ Tuyền Lâm. Giữa điện thờ tượng đức phật Thích Ca Mâu Ni cao khoảng 2m, bên phải là Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử, bên trái là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà. Chung quanh phía trên chính điện là các bức phù điêu chạm khắc tám tướng thị hiện của đức phật và các bao lam, án thờ bằng gỗ được chạm khắc rất công phu.

    Một lưu ý nhỏ cho các bạn: Khi đến tham quan tại Thiền Viện Trúc Lâm bạn cần mặc trang phục kín đáo, lịch sự, không đùa giỡn ở nơi thờ tự để thể hiện sự tôn trọng và giữ vững sự trang nghiêm nhé.

    15g 30: Rời khỏi Thiền Viện Trúc Lâm

    15g 48 - 16g 08: Đoàn dừng chân tại một trạm dừng Đặc sản Đà Lạt.

    16g 12: Địa điểm tham quan tiếp theo chính là Showroom hoa khô


    Showroom Hoa Khô Đà Lạt

    [​IMG]

    Showroom này nằm bên trong khu du lịch Rừng Hoa Đà Lạt, tại số 7A/1 cuối đường Mai Anh Đào, bên cạnh khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu do Công Ty Cổ Phần Sinh Học Rừng Hoa Đà Lạt quản lí.

    Showroom hoa khô được thành lập vào năm 2003, đây là một khu triển lãm các loại hoa tươi và hoa sấy khô lớn nhất ở Việt Nam.

    Khu showroom hoa khô này được chia làm hai khu vực: Khu vực rộng lớn phía bên trái được sử dụng để trưng bày các loại hoa tươi và các loại đặc sản của Đà Lạt. Khu vực nằm bên phải được dùng làm nơi trưng bày hoa khô.

    Phía sau showroom hoa khô Đà Lạt là một khu vực rộng lớn bao gồm các tiểu cảnh như cầu treo, vườn hoa Cẩm Tú Cầu, khách sạn, quán cà phê trên sân thượng.. Tất cả đều hài hòa và yên tĩnh giữa một rừng thông rộng lớn, bên dưới ngọn đồi là hồ Đa Thiện tĩnh lặng với khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu nằm ngay bên cạnh.

    16g40: Rời khỏi showroom và di chuyển đến địa điểm cuối cùng trong ngày.

    16g 43: Tham quan XQ sử quán


    XQ sử quán

    [​IMG]

    Vị trí: 258 Mai Anh Đào, phường 8, thành phố Đà Lạt.

    XQ - Đà Lạt Sử Quán chính thức khai trương ngày 29/12/ 2001 với diện tích hơn 2ha.

    XQ Sử Quán được hình thành bởi hai nghệ nhân đó là Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh thêu mang đầy tính nghệ thuật, chân thực và vô cùng sinh động. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ hết sức ấn tượng với nghệ thuật sắp đặt của chủ nhân nơi đây, nhờ nghệ thuật sắp đặt cùng với những câu nói hết sức trừu tượng và những tác phẩm thêu chân thực mà người xem sẽ cảm thấy "ớn lạnh, nổi da gà" trước những tác phẩm được trưng bày.

    Mình sẽ để link review chi tiết về nơi này ở cuối bài nhé!

    Khi đến đây mình thật sự, thật sự rất rất ấn tượng với các tác phẩm thêu ở đây. Mình nghĩ rằng, nếu có dịp lên Đà Lạt, bạn hãy đến đây một lần, không hề uổng phí thời gian đâu, thật đó!

    17g 15: Rời khỏi XQ xử quán

    17g 30: Hôm nay chúng mình ăn tối tại nhà hàng Khu Du Lịch Đồi Mộng Mơ, cùng giao lưu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thưởng thức rượu cần và thịt nướng.


    Khu Du Lịch Đồi Mộng Mơ

    [​IMG]

    Vị trí: Số 05 đường Mai Anh Đào, Phường 8, thành phố Đà Lạt. Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 5km về phía Bắc.

    Khu Du Lịch Đồi Mộng Mơ được thành lập vào năm 2003 trong sự kiện toàn dân thành phố Đà Lạt chào đón lễ kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển của thành phố Hoa, khu du lịch được quản lí bởi công ty cổ phần Thành Ngọc.

    20g 55: Sau khi nhảy múa quanh đống lửa và uống rượu cần thì chúng mình chính thức tạm biệt Khu du lịch Đồi Mộng Mơ.


    [​IMG]

    21g 05: Đã về lại khách sạn.

    Vậy là ngày thứ 4 trong hành trình 7 ngày 6 đêm đã kết thúc. Hôm nay đúng là một ngày tham quan tận hưởng thiên nhiên và hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

    Có một điều lưu ý nho nhỏ, lẽ ra mình phải nói trong hành trình của ngày 3 nhưng lại quên mất, đó chính là: Bạn nên hỏi giá trước khi sử dụng bất kỳ một dịch vụ nào đó nhé, đặc biệt là khi mua đồ ăn, thức uống và cả chụp hình với người mặc đồ thú bông nữa! Hãy hỏi giá trước, nhớ nha!

    * * *

    Dưới đây là link thảo luận và góp ý, các bạn có thể nhấp vào để xem những bài review chi tiết về Thác Datanla, Đồi Mộng Mơ và XQ - Đà Lạt Sử Quán, mời các bạn ghé qua:

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị

    Cảm ơn các bạn đã theo dõi hành trình của mình, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong ngày thứ 5 của chuyến đi nha! Tạm biệt.
     
  9. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 8. Ngày 5: Đà Lạt - Nha Trang

    [​IMG]

    Ảnh: Búp sen - Biểu tượng của thành phố Nha Trang

    Hôm nay chúng mình sẽ di chuyển đến thành phố khác nên hành trình sẽ khởi hành tương đối sớm.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    5g 45: Đoàn trả phòng và rời khách sạn

    6g 05: Thời gian ăn sáng

    6g 58: Chúng mình khởi hành đi Nha Trang

    8g 53- 9g 25: Cả đoàn dừng chân nghỉ ngơi tại Trạm dừng Bến lộ quán

    10g 11: Đã vào đến thành phố Nha Trang, chúng mình bắt đầu hành trình tham quan của ngày hôm nay.

    10g 21: Tham quan chùa Long Sơn


    Chùa Long Sơn

    [​IMG]

    Chùa Long Sơn tọa lạc ở số 20 đường 23 tháng 10, phường Phương Sơn, nằm dưới chân đồi Trại Thủy, thành phố Nha Trang.

    Chùa được xây dựng tại vị trí hiện nay vào năm 1900 dưới sự chỉ đạo của Hòa Thượng Ngộ Chí.

    Chùa được dựng trên một khu đất cao, thoáng mát, cây cối xanh tươi, nằm bên cạnh đường giao thông và phố xá đông đúc mà vẫn giữ được vẻ thâm u, tĩnh mịch.

    Năm 1936 tuân theo di nguyện của Hòa Thượng Ngộ Chí, gia tộc họ Nguyễn đã hiến cúng toàn bộ tài sản của chùa Long Sơn cho Hội An Nam Phật học để làm trụ sở chấn hưng Phật giáo Khánh Hòa, từ đó đến nay Chùa trở thành trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa.


    [​IMG]

    Từ chùa chính, các bạn sẽ đi theo bậc tam cấp lên tham quan tượng Phật Tổ nhập Niết Bàn dài 7m, cao 5m, đằng sau tượng là bức phù điêu mô tả cảnh 49 đệ tử túc trực niệm phật và viếng thăm tượng Kim Thân Phật Tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngự trên đỉnh đồi. Cấu trúc của pho tượng là Đức Phật đang ngồi thuyết pháp, tượng cao từ đế lên là 21m.

    11g 07: Chúng mình rời khỏi chùa Long Sơn

    11g 26: Đoàn đi ăn trưa

    12g 06: Chúng mình nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi

    14g 42: Điểm tham quan tiếp theo chính là Viện Hải Dương học


    Bảo Tàng Viện Hải Dương Học

    [​IMG]

    Ảnh: Cá Mao Tiên - Biểu tượng của Viện Hải Dương Học​

    Bảo tàng Viện Hải Dương Học nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi tại số 1, Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 6km về hướng Đông Nam.

    Ngày 14 tháng 9 năm 1922, Viện Hải Dương Học được thành lập với tên gọi Sở Hải dương học nghề cá Đông dương.

    Hiện nay nơi này đã trở thành trung tâm lưu giữ, trưng bày giới thiệu và giáo dục truyền thống chinh phục, khai thác và bảo vệ biển Đông của người Việt.

    Đến với Bảo tàng Viện Hải Dương học, bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hàng trăm loài sinh vật biển nhiệt đới. Những loại cá có hình thù kỳ dị và nhiều sắc màu tung tăng bơi lội trong các hồ nuôi lớn nhỏ khác nhau. Trong hồ nuôi cá lớn còn có cả những chú cá Mập có kích thước gần 2m và bể nuôi hải cẩu..


    [​IMG]

    Ảnh: Xương cá voi lưng gù

    Tại phòng trưng bày mẫu vật lớn bạn sẽ được nhìn thấy một bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng 18 tấn (được khai quật tại tỉnh Nam Hà năm 1994) ; bộ xương nàng tiên cá (Dugong) khai quật tháng 11/1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo) ; những chú cá mập, những con cá nạng.. có kích thước rất lớn.

    Khu trưng bày mẫu sinh vật biển với 22.000 mẫu vật được tích luỹ trong 90 năm hoạt động của Viện Hải dương học, trong đó có nhiều vật lạ như hải miên, san hô đỏ, trai khổng lồ, cá anh vũ, mực bay khổng lồ, cá tầm, cá heo, hải cẩu..

    Tháng 6 năm 2011, Viện Hải Dương học Nha Trang đã khánh thành Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa nằm trong hệ thống hầm xuyên lòng núi phía sau Viện, thuộc khu vực Bảo tàng.

    15g 02: Rời khỏi Viện Hải Dương học trong sự vội vội vàng vàng. Thiệt là đi tham quan mà cứ chạy quài thôi.

    15g 46: Chúng mình đã đến điểm tham quan tiếp theo là tháp bà Ponagar


    Tháp Bà Ponagar

    [​IMG]

    Tháp còn gọi là núi Tháp Bà, nằm trên một ngọn đồi nhỏ nơi cửa sông Cái, bên quốc lộ 1A, thuộc phường Vĩnh Phước, phía bắc thành phố Nha Trang.

    Tháp được xây dựng từ khoảng thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ 13 vào thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại vương quốc Chăm cổ. Trong tháp thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở Po Inư Nagar của người Chăm.

    Ở đây cũng có một truyền thuyết được lưu truyền về sự hình thành của tháp, mình sẽ kể chi tiết trong một bài review và sẽ để link ở cuối bài viết nhé, các bạn có thể ghé qua đó để tham khảo.

    Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng kiến trúc tháp, cùng với sự bào mòn của thời gian, dường như càng ngày tháp càng mang đậm dấu ấn của lịch sử, hiện tại người dân vẫn thường xuyên đến tháp bà để dâng lễ và cầu nguyện.

    16g 38: Chúng mình rời khỏi Tháp Bà, chiều nay ở Tháp Bà đang có lễ nên người dân và du khách đến đây cũng rất đông.

    16g 41: Tham quan thắng cảnh Hòn Chồng


    Thắng cảnh Hòn Chồng

    [​IMG]

    Thắng cảnh Hòn Chồng thuộc phường Vĩnh Phước, nằm ở phía Bắc của trung tâm thành phố Nha Trang.

    Theo lý giải của các nhà khoa học, nơi đây là dấu tích của nước biển xâm thực chân núi. Sự xâm thực ngày càng sâu, một phần chân đồi La San bị tách rời, hình thành một cụm đá chồng chất lên nhau nên gọi là Hòn Chồng.

    Có rất nhiều truyền thuyết nói về sự hình thành của Hòn Chồng, mình sẽ để link bài review về nơi này ở cuối bài viết này nhé.

    Nơi đây, phong cảnh hữu tình. Núi, biển và bờ nằm sát bên nhau. Khác với bãi biển dọc theo đường Trần Phú ở khu trung tâm, bãi biển ở khu vực Hòn Chồng khá yên tĩnh.

    17g 30: Chúng mình rời khỏi Hòn Chồng và đi ăn tối.

    18g 27: Về lại khách sạn và tự do hoạt động.


    Dưới đây là link thảo luận và góp ý, các bạn có thể nhấp vào để xem những bài review về Chùa Long Sơn và Tháp Bà của mình, mời các bạn ghé qua:

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị

    Còn tiếp..
     
  10. Huệ Lê Thị

    Bài viết:
    196
    Phần 9. Ngày 6: Thành Phố Nha Trang



    [​IMG]

    Ảnh: Bánh Xoài - Một trong những món nên thử tại Nha Trang


    Bấm để xem
    Đóng lại
    6g 30: Chúng mình rời khỏi khách sạn. Ngày mai đã là ngày kết thúc hành trình nên hôm nay đoàn sẽ tổ chức team building với các trò chơi mang tính gắn kết thành viên và gia tăng tinh thần đồng đội, cùng tập thể vì vậy chúng mình sẽ đến một địa điểm rất rộng rãi để bắt đầu chơi game.

    6g 51: Đến Diamond Bay. Chúng mình sẽ ăn sáng, sau đó nhận ghế dù, chơi game và tắm biển


    Khu du lịch Diamond Bay

    [​IMG]

    Khu du lịch Diamond Bay tọa lạc trên Đại Lộ Nguyễn Tất Thành, Phước Hạ, Phước Đồng, Thành phố Nha Trang.

    Khu du lịch Diamond Bay do công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàn Cầu làm chủ đầu tư.

    Diamond Bay được biết đến là nơi từng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ vào năm 2008, đây cũng là một trong những địa điểm du lịch thua hút rất nhiều khách tham quan tại Nha Trang.

    Diamond Bay được chia làm 8 khu vực chính: Khu vực sân golf, Khu nghĩ dưỡng resort 5 sao, Khu Trung tâm thương mại, Khu nhà hàng, Khu Spa, Khu vực vui chơi giải trí, Khu vực bãi tắm và Khu vực Hồ Bơi.

    Diamond Bay tọa lạc tại vị trí đắc địa có tầm nhìn hướng biển lưng tựa núi nên khu vực này đã được thiên nhiên ban tặng kết hợp với các công trình độc đáo mà con người đã tạo nên hòa quyện vào nhau tạo nên sự hoàn hảo tuyệt đối.

    10g 37: Rời khỏi Diamond Bay

    11g 00- 11g 37: Ăn trưa tại Khải Hoàn Viên, sau đó là thời gian nghỉ trưa.

    14g 40: Chúng mình tiếp tục hành trình với điểm tham quan, mua sắm tại chợ Đầm

    Chợ Đầm




    [​IMG]


    Chợ Đầm nằm tại Bến Chợ, Vạn Thạnh, TP. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, chợ được xây dựng lần đầu vào năm 1908 đến 3/2/1980 thì chợ được sửa sang và khai trương lại.

    Chợ được xây dựng dựa theo đồ án của Kiến trúc sư Lê Quý Phong và các Kiến trúc sư Hồ Thăng, Võ Đình Hiệp, Kỹ sư Nguyễn Xuân Phương cải tiến và bổ sung thêm một số chi tiết.

    Lý do người dân nơi đây đặt tên cho cái chợ này là chợ Đầm vì chợ nằm ngay trên một cái Đầm rộng 7 ha, thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra, phía cuối đầm là một cái chợ do người dân tự phát để mua bán hải sản.

    Tại đây chủ yếu bán các mặt hàng thời trang như áo quần, giày dép, giỏ xách, đồng hồ.. và một số hàng gia dụng. Chính giữa chợ có một tầng lầu, chuyên bán các sản phẩm lưu niệm, đồ mỹ nghệ như tranh ảnh, vỏ sò, ốc.. được rất nhiều khách du lịch quốc tế tìm đến.

    Bên cạnh đó, du khách còn có thể mua các loại hải sản khô hay nem, chả Nha Trang về làm quà. Sản phẩm bày bán tại vòng cánh cung bên ngoài chợ chính rất đa dạng, từ tôm khô, mực tẩm, rong biển đến cá ngựa khô, hải sâm, vi cá.. Ngoài ra ở chợ có một món bánh đặc sản của Nha Trang chính là bánh xoài, ăn vào dẻo dẻo thơm thơm, mình cũng rất thích món bánh này.

    Tuy nhiên theo thông tin mình tìm hiểu được thì vì tình trạng cơ sở vật chất của chợ đã bị xuống cấp nên hiện tại các tiểu thương trong chợ đã được di chuyển sang khu chợ Đầm mới, ngay phía sau chợ cũ.


    [​IMG]

    Mình đã có bài review chi tiết về Chợ Đầm, nếu có hứng thú thì mời các bạn ghé qua nhé, mình sẽ để link ở cuối hành trình hôm nay..

    15g 28: Sau khi dạo vài vòng quanh chợ và được nếm thử quá trời món thì chúng mình rời khỏi chợ Đầm và đến địa điểm tham quan tiếp theo.

    15g 33: Tham quan Nhà Thờ Đá

    Nhà Thờ Đá




    [​IMG]

    Nhà Thờ Đá tọa lạc tại đường Nguyễn Trãi, gần đường Lê Thánh Tôn và Thái Nguyên.

    Nhà thờ được xây dựng vào ngày 3/9/1928 và hoàn thành vào tháng 5/1933, do cha sứ Louis Vallet khởi công xây dựng.

    Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua, nhưng thường được người dân trong vùng nhắc đến với tên gọi giản dị là Nhà Thờ Đá, Nhà Thờ Nha Trang, Nhà Thờ Ngã Sáu hay Nhà Thờ Núi.

    Nhà thờ là một trong những nét kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Pháp. Nhìn tổng thể, nhà thờ có bố cục chắc khỏe với những khối đá lập thể nhỏ vươn dần từ thấp lên trời xanh. Ðiểm cao nhất nhà thờ là nơi đặt Thánh Giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38m tính từ mặt đường.

    Tuy đã trải qua bao nhiêu năm hứng mưa chịu nắng nhưng với lối cấu trúc độc đáo Nhà Thờ Núi vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị kiến trúc từ xa xưa. Và vẫn là nơi được rất nhiều khách du lịch đến tham quan trong hành trình du lịch của mình.

    Mình sẽ viết một bài review kỹ hơn về nơi này và để link ở cuối bài hành trình ngày 6 này nhé!

    16g 01: Chúng mình rời Nhà Thờ Đá và về lại khách sạn để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho buổi Gala Dinner.

    18g 00: Bữa tiệc Gala Dinner tại nhà hàng với những tiết mục văn nghệ và những màn trình diễn đến từ những thành viên trong đoàn với không khí vui vẻ và thoải mái.

    21g 42: Chúng mình di chuyển về lại Khách sạn

    * * *

    Vậy là ngày thứ 6, đêm cuối cùng của chuyến hành trình đã đến, chỉ còn một ngày nữa là hành trình du lịch 7 ngày 6 đêm đã kết thúc rồi. Hãy cùng chờ đón ngày cuối cùng của hành trình nhé!

    Dưới đây là link thảo luận và góp ý, các bạn có thể nhấp vào để xem bài review về Chợ Đầm và Nhà Thờ Đá, cùng những địa điểm khác của mình nhé:

    [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Huệ Lê Thị

    Còn tiếp..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...