Thiên Thần Nhỏ Của Tôi - Nguyễn Nhật Ánh

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Cute pikachu, 23 Tháng mười một 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Tác phẩm: Thiên Thần Nhỏ Của Tôi

    Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh

    Thể loại: Truyện dài

    Số chương: 11 chương

    [​IMG]

    Giới thiệu tác phẩm

    "Thiên thần nhỏ của tôi" là một trong những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được hàng triệu bạn trẻ yêu mến và ái mộ. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Kha - Hồng Hoa, đôi bạn nhỏ thân thiết với nhau. Bối cảnh của câu truyện xoay quanh một khu vườn nhỏ sau căn nhà mới của gia đình Kha. Do chức vị của bố mà gia đình Kha chuyển nhà khá thường xuyên. Câu chuyện chứa đựng nhiều xúc cảm thân thật, gần gũi với ký ức tuổi thơ của mỗi người. Tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, thấm đẫm tình người.

    Tác phẩm đã được chuyển thể thành vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi (biên kịch và đạo diễn: Việt Linh), trình chiếu trên Sân khấu kịch Hồng Hạc (thành phố Hồ Chí Minh)
     
  2. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 01

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế là một lần nữa gia đình tôi lại dọn nhà.

    Đây là lần dọn nhà thứ ba trong vòng bốn năm qua.

    Thông thường, sự thay đổi chỗ ở liên tục bao giờ cũng kéo theo những phiền phức. Nó làm cho cuộc sống luôn bị xáo trộn và việc ổn định nề nếp sinh hoạt gập rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người ta thường bắt gập trên gương mặt đẫm mồ hôi và bụi bặm của những người dọn nhà vô số những nét nhăn nhó, mệt mỏi khiến người nào người nấy trông cứ khó đăm đăm.

    Nhưng đó là xét theo lẽ thường. Ngoài lẽ thường ra, cuộc đời còn nhiều lẽ khác nữa. Gia đình tôi thuộc về trường hợp sau. Những ngày dọn nhà đối với chúng tôi là những ngày lễ hội thực sự. Mặt người nào người nấy tươi hơn hớn.

    Ba mẹ tôi lúc nào cũng xoắn xuýt bên nhau y như hồi mới cưới và luôn miệng bàn bạc và nhắc nhở nhau về những việc cần để mắt trong khi vận chuyển đồ đạc đến chỗ ở mới. Trong những ngày đó, hai người nói chuyện với nhau bằng một giọng dịu dàng hiếm có, với ánh mắt lúc nào cũng long lanh, và thú thật tôi rất sung sướng khi được nhìn thấy ba mẹ tôi với hình ảnh như vậy.

    Còn tôi và anh Khánh tôi thì khỏi nói. Chúng tôi lăng xăng sắp xếp đồ đạc, miệng không ngớt ca hát, hò hét và gây gổ trong khi giành giựt nhau từng món đồ chơi nhỏ.

    Thật ra, sở thích và trò chơi của hai anh em tôi rất khác nhau. Anh Khánh tôi mê những trò chơi máy móc tối tân. Anh có riêng một ngăn tủ kiếng chứa những toa tàu lửa chạy pin, những chiếc xe tăng vừa chạy vừa quay nòng đại liên cùng những thứ đồ chơi hiếm hoi tương tự, cái thì do ba tôi, cái thì do những người cùng cơ quan với ba tôi đi công tác nước ngoài mua về làm quà.

    So với anh Khánh, sở thích của tôi "quê mùa" hơn nhiều. Gia tài của tôi ngoài bể cá vàng, mấy hộp để đá, còn có một con sáo đang thời kỳ học nói. Trong những ngày chuẩn bị dọn nhà, con sáo của tôi đã bập bẹ được mấy tiếng "có khách, có khách" và "ba về, ba về" và thế là suốt ngày nó cứ nhảy nhót trong lồng và luôn miệng lặp đi lặp lại các từ đó, nghe đến điếc tai.

    Mỗi lần thấy tôi lúi húi bên bể cá hoặc loay hoay với mấy con dế, anh Khánh thường bĩu môi chê tôi là "thằng nhà quê" khiến tôi tức điên lên, mặc dù suy cho cùng tôi không thể chối cãi rằng những sở thích của tôi bắt nguồn từ những tháng năm dài tôi sống với bà ngoại tôi ở dưới quê, trước khi về thành phố ở hẳn với ba mẹ tôi.

    Trong tài sản của tôi, anh Khánh chỉ "chấm" mỗi con sáo. Anh thường gạ tôi đổi cho anh nhưng dù những lời đường mật của anh có ngọt ngào đến đâu và những món đồ chơi anh đem ra đổi có hấp dẫn đến bao nhiêu, tôi vẫn một mực lắc đầu. Rốt cuộc anh đành phải chấp nhận giải pháp "chơi chung". Cái lồng sáo được treo ngay tại phòng học của hai anh em. Sau này, khi dọn về nhà mới, giải pháp "chơi chung" này bất ngờ bị đổ vỡ. Điều đó xảy ra vào một hôm, khi vừa thấy tôi đi học về, con sáo thân yêu của tôi đã vui vẻ chào tôi bằng cách rống lên tiếng "đ m" mất dạy khiến tôi hốt hoảng kinh và suýt chút nữa ngã lăn đùng ngay giữa nhà. Sau khi trấn tĩnh, tôi bắt đầu hiểu ra mọi chuyện và đoán được con sáo hiền lành của tôi đã bắt chước ngôn ngữ của ai. Vì vậy, ngay lập tức tôi tháo chiếc lồng xuống và đi một mạch ra sau vườn. Tôi trèo lên cây khế cạnh giếng nước, mắc chiếc lồng vào giữa chạc ba, cách mặt đất khoảng ba mét. Con sáo của tôi không tỏ vẻ gì phản đối việc tôi đưa nó ra đây, thậm chí nó còn nhảy nhót một cách sung sướng vì được nhìn thấy bầu trời, hoa lá, cỏ cây quen thuộc. Rồi có lẽ do không ngăn được niềm hứng khởi đang dâng lên trong lòng nên thấy tôi tụt xuống đất, sắp sửa đi vô nhà, con sáo của tôi vội vàng lên tiếng cảm ơn tôi bằng cái từ khủng khiếp kia khiến tôi phải đưa hai tay bịt tai lại.

    Từ đó, con sáo sống luôn trên cây khế ngoài vườn. Còn tôi thì tìm cách "cải tạo" nó một cách vô vọng, chỉ mong rằng với thời gian, nó sẽ quên dần cái từ ngữ tai hại kia đi.

    Nhưng đó là chuyện sau này. Còn vào hôm dọn nhà, con sáo của tôi vẫn còn trong sáng, miệng nói lui nói tới chỉ có hai từ "có khách, có khách" và "ba về, ba về".

    Vì niềm say mê của hai anh em tôi khác nhau như vậy nên trong quá trình thu xếp đồ chơi chuẩn bị đem theo, giữa chúng tôi đã không xảy ra một vụ đụng độ đáng kể nào. Anh Khánh lo chất các loại tàu xe vào hộp các-tông, tôi thì bận bịu với chiếc lồng chim, bể cá và các hộp diêm nhốt dế.

    Chỉ đến khi mẹ tôi lôi ra từ dưới gầm giường gầm tủ và các ngóc ngách tối tăm khác những con gấu bông cũ xì, đồ gọt bút chì, chiếc ống kính vạn hoa đầy bụi thì hai anh em tôi mới nhảy xổ vào giành giựt nhau những thứ đã vứt đi ấy. Chúng tôi vừa giằng co nhau vừa tru tréo vang nhà khiến ba tôi bực mình giằng lấy mọi thứ và vứt hết vào thùng rác trước cặp mắt chẳng lấy gì làm tiếc rẻ của hai anh em tôi.

    Trong khi chờ xe của cơ quan ba tôi đến chở đồ đạc đi, tôi và anh Khánh rủ nhau chơi trò rượt bắt quanh những chiếc tủ và những chiếc bàn đã được kéo ra giữa nhà. Rượt bắt chán, hai anh em tôi lại thi nhau nhảy qua những bao tải, những va-li, những hòm gỗ đủ cỡ được buộc chặt đang nằm ngổn ngang trên nền gạch.

    Lợi dụng sự dễ dãi trời cho đó, anh em tôi càng hăng hái nhảy nhót tợn. Đó cũng là cách biểu lộ niềm vui của hai đứa tôi.

    Qua hai lần đổi nhà trước đây, tôi hiểu rằng ngôi nhà chúng tôi sắp dọn đến chắc chắn lớn hơn và đẹp hơn ngôi nhà chúng tôi đang ở, mặc dù ba mẹ tôi không hề nói ra điều đó. Bao giờ ngôi nhà chúng tôi sắp đến cũng khang trang hơn ngôi nhà chúng tôi sắp rời bỏ. Nếu không vậy, ba mẹ tôi chẳng chạy vậy ngược xuôi lo đổi nhà làm gì, dù rằng dưới mắt tôi, ngôi nhà cũ cũng đã quá rộng và quá đầy đủ tiện nghi đối với một gia đình vỏn vẹn có bốn người như chúng tôi. Tuy vậy, như bất cứ một đứa trẻ mười bốn tuổi khác, tôi luôn luôn cảm thấy thích thú khi sắp sửa "chinh phục" một chỗ ở mới và lòng lúc nào cùng nôn nao mong ngày đó chóng đến.

    Cũng nhờ kinh nghiệm của hai lần đổi nhà trước mà tôi có thể đoán chắc rằng ngôi nhà chúng tôi sắp đến ở chính là ngôi nhà mà bác Tám, thủ trưởng cơ quan của ba tôi, đã từng ở. Tôi vốn không hề chú ý gì đến công việc của người lớn nhưng có những công việc của người lớn cứ xảy ra ngay trước mắt bọn trẻ con, lặp đi lặp lại, thậm chí theo một trật tự ổn định và quen thuộc đến mức dẫu nhắm tịt mắt lại, tôi vẫn biết được mọi việc đang diễn ra chung quanh.

    Chẳng hạn tôi biết chắc rằng sở dĩ bác Tám vui lòng từ giã ngôi nhà đẹp đẽ mà chúng tôi chuẩn bị dọn đến chính bởi bác vừa xin được một ngôi nhà khác đẹp đẽ hơn rất nhiều lần và rất có thể đó là một tòa biệt thự nguy nga xứng đáng với cương vị lãnh đạo của bác.

    Và tôi cũng biết rằng trong khi chúng tôi dọn đến ngôi nhà cũ của bác Tám thì chú Tư, người phó thứ hai trong cơ quan sau ba tôi, sẽ vội vã dọn đến chỗ ở cũ của chúng tôi để nhường lại căn nhà cũ của mình cho nhân vật xếp kế sau chú.

    Sự kế thừa trong lãnh vực nhà cửa sẽ tiếp tục diễn ra theo trình tự từ cao đến thấp như vậy, rốt cuộc người nào cũng thừa hưởng được một chỗ ở mới tốt hơn và điều tự nhiên là ai nấy đều tỏ ra hân hoan phấn khởi. Và khi niềm phấn khởi xẹp dần theo ngày tháng, bởi bản tính con người là không bao giờ bằng lòng với cái đã có, thì nhiều người, trong đó có ba tôi, lại mong cho vị lãnh đạo cao nhất trong cơ quan kiếm được một chỗ ở tốt hơn để sự hoán chuyển ba bốn bên cùng có lợi xảy ra thêm một lần nữa.

    Tuy nhiên, cái chiến dịch dọn nhà vui vẻ này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến các tầng lớp dưới. Chưa có một người nào trong số các nhân viên ở cơ quan ba tôi được hưởng ân huệ của quá trình "đôn lên" này. Họa may chỉ có một vài người thân cận với các thủ trưởng. Đa số còn lại đều nằm ngoài quá trình vận động tinh tế này.

    Như cô Hương nhân viên đánh máy trong cơ quan ba tôi chẳng hạn. Hai vợ chồng và hai đứa con cả bốn, năm năm nay sống chen chúc trong một căn hộ nhếch nhác chừng chín mét vuông, thiếu cả ô-xy để thở, vậy mà sau hàng tá đơn gởi đến hội đồng phân phối nhà của cơ quan, gia đình cô vẫn chưa thoát ra được khỏi ổ chuột của mình.

    Trong khi ba tôi và những người giống như ba tôi đổi hết ngôi nhà xinh xắn này đến ngôi nhà đẹp đẽ khác thì mỗi ngày sau giờ làm việc cô vẫn phải mệt mỏi dắt hai đứa con về căn hộ chật chội của mình, nơi có một ông chồng đêm nào cũng bỏ đi uống rượu vì không chịu nổi sự tù túng của căn nhà.

    Dĩ nhiên, tất cả những điều tôi kể ra trên đây đối với tôi dù sao cũng là chuyện của người lớn. Nhân những lần vào chơi trong cơ quan của ba tôi, tình cờ nghe người lớn nói chuyện với nhau, hoặc có khi nghe thằng Hoành, con trai lớn của cô Hương, nhỏ hơn tôi hai tuổi, buột miệng than thở, tôi mới biết chuyện. Mặc dù người ta thì thào chẳng hay ho gì về ba tôi, tôi vẫn cảm thấy những điều họ nói không phải là không có lý. Nhưng vì tất cả những chuyện đó nằm ngoài khả năng của một đứa trẻ như tôi, trừ khả năng nhận biết, nên tôi chăng quan tâm đến chúng nhiều hơn chuyện đá dế của tôi.

    Và hôm nay, trong khi chờ xe, tôi quên sạch sành sanh mọi lời dị nghị, vẫn nhảy nhót một cách thích thú như trong ngày lễ tết.

    Đúng chín giờ, chiếc xe Ford xanh quen thuộc của cơ quan ba tôi trờ tới, đỗ ngay trước cổng.

    Tôi và anh Khánh chạy ào ra, miệng hét to:

    - Chú Hạnh! Chú Hạnh!

    Chú Hạnh, tài xế chiếc xe Ford, vội vàng nhảy xuống đất, xoa đầu hai đứa tôi và lo lắng hỏi:

    - Ba cháu đợi lâu không?

    Tôi chẳng biết ất giáp gì, gật đầu đại:

    - Lâu lắm rồi!

    Nghi vậy, chú Hạnh hấp tấp rảo bước vào nhà.

    Tôi và anh Khánh định quay vào thì từ trên thùng xe phía sau lục ục nhảy xuống mấy anh bảo vệ cơ quan, toàn là những người quen mặt. Tôi biết họ đến đây để khuân vác đồ đạc giúp ba tôi như những lần dọn nhà trước.

    Quả vậy, lát sau tôi thấy họ khệ nệ khiêng chiếc tủ cẩm lai nặng chịch ra xe. Rồi tới chiếc tủ gõ màu cánh gián. Rồi bộ xa-lông đồ sộ.

    Ba tôi đứng yên quan sát. Chỉ có mẹ tôi lúc nào cũng la hoảng:

    - Nhẹ tay giùm mấy chú ơi!

    - Coi chừng trầy cánh cửa tủ!

    Mẹ tôi trông ngang ngó dọc, miệng hét chằm chặp, mồ hôi chảy thành giọt hai bên thái dương, trông còn vất vả hơn những người khuân vác.

    Đồ đạc trong nhà tôi khá nhiều, xe phải chở làm mấy chuyến.

    Mẹ tôi bảo hai anh em tôi đi chuyến đầu tiên, qua nhà mới đứng trông coi đồ đạc.

    Tôi và anh Khánh nhảy cẫng lên vì khoái chí. Trước đây, chưa bao giờ hai đứa tôi được đến chơi nhà bác Tám, vì vậy đứa nào cũng nóng lòng muốn coi ngôi nhà mới nó ra làm sao.

    Nhưng trước khi leo lên ca-bin ngồi cạnh chú Hạnh, tôi và anh Khánh cứ nằng nặc đòi đem theo mình cho bằng được những tài sản riêng của hai đứa tôi.

    Sau một hồi quát tháo mỏi miệng nhưng không ăn thua gì, cuối cùng mẹ tôi phải bằng lòng cho anh Khánh khuân theo cái hộp các-tông đựng các loại xe cộ của anh. Còn tôi thì hí hửng xách chiếc lồng chim và nhờ chú Hạnh khuân cái bể cá đã đổ đi hơn phân nửa nước lên buồng lái, đặt ngay dưới chân tôi.

    Đâu đó xong xuôi, xe bắt đầu nổ máy. Không ngoái lại nhưng tôi vẫn có thể hình dung ra ở thùng xe phía sau, các anh bảo vệ đang ngồi nhấp nhổm trên băng ghế, miệng mím lại còn tay thì ghì chặt những đồ gia dụng cồng kềnh của gia đình tôi. Chúng đã được ràng kỹ vào thành xe bằng những sợi thừng to tướng nhưng cũng như những tên tù nguy hiểm bị dẫn độ, dọc đường chúng có thể nổi khùng lên đập đầu đập cẳng vào thành xe, tự làm trầy trụa để hả dạ đứng xem mẹ tôi trách cứ những người áp tải dai dẳng như thế nào.
     
  3. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 02

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hóa ra ngôi nhà mới không nằm xa chỗ ở cũ của chúng tôi là bao. Xe quẹo qua hai ngã tư là tới nơi.

    Đó là một ngôi nhà gạch đúc hai tầng khá đẹp, nằm kế một con hẻm nhỏ. Mặt tiền nhà có bề ngang tương đối rộng. Phía trước có một khoảng sân không lớn lắm. Nền sân rải rác những ô tròn phủ một lớp đất sẫm và ướt. Tôi đoán đó là những chỗ trước đây bác Tám đặt những chậu hoa kiểng và khi dọn nhà đi bác đã đem theo.

    Phía sau nhà là một khu vườn không rộng lắm nhưng khá dài, trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, ổi, mận, khế.. Những cây này khá lớn, ít ra cũng khoảng sáu, bảy tuổi trở lên, có lẽ do những người chủ xa xưa của chúng trồng. Khi chúng tôi đến, chắc là do gặp tháng trái mùa nên trên cây chẳng có trái gì ăn được. Ổi thì lưa thưa vài trái, trái lại nhỏ. Khế mới ra hoa. Chỉ có mận là trái hơi to to nhưng chắc còn chua. Những bụi chuối xum xuê nơi cuối vườn, cây thì mới trổ bắp, cây thì trĩu buồng nhưng trái còn xanh.

    Khu vườn được rào xung quanh bằng các dây kẽm gai chăng trên những cọc sắt và cọc gỗ cắm xen kẽ, trên đó bò um tùm và hỗn độn một loại dây leo mà tôi không biết tên. Dãy hàng rào bù xù đó khiến cho khu vườn vốn đã đầy cây cối và cỏ dại càng thêm rậm rạp. Hiện trạng của khu vườn chứng tỏ trước đây bác Tám chẳng quan tâm gì đến việc sửa sang mảnh đất phía sau này, có thể vì bác nghĩ mình chẳng an cư ở đây lâu.

    Thú thật là tôi rất thích khu vườn này. Ngay từ lần đầu tiên đặt chân ra vườn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy khung cảnh quen thuộc mà tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ gặp lại khi giã từ quê ngoại. Những cây khế với những chiếc lá mảnh mai, những cây ổi với những chiếc lá đậm chắc, còn những cây chuối thì với những chiếc lá to như tai voi, tất cả cây cối trong vườn đều vẫy chào tôi với vẻ mừng rỡ thân thiện và tôi cũng vẫy tay chào lại chúng, lòng hân hoan khôn tả.

    Sau khi ngồi bệt xuống bãi cỏ nghỉ mệt sau chuyến dọn nhà mặc dù tôi chẳng phải động tay động chân gì mấy tí, tôi đứng dậy lững thững dạo bước khắp vườn, vừa đi vừa căng ngực hít thở mùi cỏ dại và mùi đất ẩm hệt như đứa con khát khao thưởng thức mùi sữa mẹ, mặc dù thỉnh thoảng vẫn bị xộc vào mũi mùi xăng nhớt từ đâu tít ngoài đường lẩn thẩn bay vào.

    Đang bước đi thơ thẩn dọc hàng rào cuối vườn, bất chợt tôi kêu lên một tiếng kinh ngạc. Trước mắt tôi, cạnh gốc khế là một cái giếng đá cũ xưa hệt như những cái giếng làng. Thành giếng thấp, lại phủ đầy rêu xám, đứng từ xa không thể nào nhìn thấy, nhất là tầm mắt bị khuất sau những vòm lá lúc nào cũng đong đưa.

    Tôi bước lại ngồi trên thành giếng, dòm xuống. Nước giếng trong, bập bềnh bông khế và lấp lánh những giọt nắng rụng xuyên qua kẽ lá. Thỉnh thoảng một cơn gió thoảng qua, những bông khế lại lác đác rơi bám trên tóc tôi, một số khác rơi vào lòng giếng khiến mặt nước khẽ xao động và tôi cứ ngẩn người ngắm những vòng tròn lăng tăng xuất hiện và đuổi bắt nhau đến tận vách giếng, lòng bỗng thấy xao xuyến không cùng.

    Cho đến khi rảo bước vào nhà, tôi vẫn bâng khuâng tự hỏi không hiểu người ta đào cái giếng này để làm gì trong khi ở thành phố nguồn nước máy quá ư thừa thãi. Nhưng rồi ngay sau đó tôi tự giải đáp rằng cái giếng này có lẽ được dùng vào việc tưới cây trong vườn. Và tôi tạm bằng lòng với cách giải thích của mình.

    Khi tôi vào đến nhà, ba mẹ tôi đã có mặt. Nhìn đồ đạc bày la liệt trước sân, tôi đoán là mọi thứ của ngôi nhà cũ đã dược chuyển hết qua đây.

    Các anh bảo vệ đang lăng xăng khiêng đồ đạc vào các phòng và kê dọn lại theo sự sắp xếp của mẹ tôi.

    Đang bận rộn hướng dẫn các anh bảo vệ, chợt nhìn thấy tôi lò dò đi tới, mẹ tôi mắng ngay:

    - Thằng quỷ con, từ nãy đến giờ mày biến đi đâu?

    Tôi chỉ tay ra phía sau:

    - Con chơi sau vườn.

    Mẹ tôi nhăn mặt:

    - Ngoài đó có gì mà chơi! Mày với thằng Khánh phải có mặt ở đây, xem thử bố trí phòng ốc thế nào để còn nhờ các anh đem giùm đồ đạc vào nữa chứ!

    Bị mẹ mắng, tôi im re. Anh Khánh chạy lại nắm tay tôi kéo đi:

    - Tao với mày lên lầu đi! Phòng của tao và mày ở trên này.

    Như được giải thoát, tôi vội vàng đi theo anh Khánh. Chúng tôi băng qua hai căn phòng khá rộng - anh Khánh bảo đó là phòng khách và phòng ăn của chúng tôi - rồi leo lên một cầu thang hình vòng cung nằm sát tường.

    Tầng lầu cũng khá rộng, có ba phòng nối tiếp nhau. Phía trước là một sân thượng xinh xắn, có lan can bằng sắt bao quanh. Theo lời anh Khánh, căn phòng đầu tiên, có cửa mở ra sân thượng là căn phòng của ba mẹ, hai căn phòng còn lại là của hai đứa tôi.

    Nói xong, anh nhìn tôi bảo:

    - Bây giờ tao với mày bốc thăm. Tao xé hai mẩu giấy, ghi số 1 và 2. Đứa nào bốc nhằm số 1 thì ở phòng giữa, đứa nào bốc nhằm số 2 thì ở phòng sát phía sau. Mày chịu không?

    Tôi không nói chịu hay không, mà hỏi lại:

    - Nhưng anh thì anh thích ở phòng nào?

    Anh Khánh khịt mũi:

    - Tao hả? Tao thích ở phòng giữa.

    Tôi gật đầu liền:

    - Vậy thì anh ở phòng giữa đi! Em ở phòng đằng sau cho!

    Anh Khánh tỏ vẻ ngạc nhiên:

    - Bữa nay sao mày tử tế quá vậy! Bộ mày không thích ở phòng giữa hả?

    Tôi thừa nhận:

    - Ừ. Em thích phòng phía sau hơn.

    Anh Khánh tò mò:

    - Phòng đó có gì mà thích?

    - Có.. có cửa sổ trông ra vườn.

    Anh Khánh càng thắc mắc:

    - Mày trông cái gì ngoài đó?

    Tôi ấp úng:

    - Thì trông.. cây.

    Anh Khánh tỏ vẻ thất vọng trước lý do tầm thường của tôi. Anh nhún vai:

    - Hừ, tưởng gì! Nếu chỉ có mỗi cái khoản trông cây thì ở phòng giữa khoái hơn nhiều!

    Tôi ra vẻ hiểu biết:

    - Ở phòng giữa ấm hơn chứ gì!

    - Ừ thì ấm hơn. Nhưng cái quan trọng là ở phòng giữa đỡ phải sợ.. ma. Ban đêm nằm ngủ, hai bên đều có người.

    Nghe anh Khánh nói, tôi đâm chột dạ và bất giác đưa mắt nhìn ra vườn. Hồi ở dưới quê, tôi nghe chuyện ma riết cũng đâm sợ. Về thành phố một thời gian, sống giữa bầu không khí náo nhiệt, điện đóm sáng choang, xe cộ ầm ầm suốt ngày, tôi quên béng chuyện ma cỏ. Bây giờ bỗng nhiên nghe anh Khánh nhắc, tôi cũng hơi hồi hộp.

    Nhưng khu vườn trước mắt tôi hiền lành xiết bao. Nhìn ngắm những vòm lá xanh tươi lấp lánh dưới ánh nắng một lát, tôi dần dần yên tâm trở lại. Tôi nói với anh Khánh, giọng nhẹ nhõm:

    - Vậy là em ở phòng sau hén?

    Tất nhiên anh Khánh không phản đối. Thậm chí tôi còn đọc được trong đôi mắt anh sự thán phục đối với tính gan lì của tôi.

    Thỏa thuận xong, hai đứa tôi rủ nhau đi coi phòng.

    Phòng tôi và phòng anh Khánh giống hệt nhau. Căn nào cũng xinh xắn và rộng rãi, thừa chỗ để kê giường, tủ và bàn học. Hai căn phòng chỉ khác nhau một điểm duy nhất: Cửa sổ phòng anh Khánh mở ra con đường hẻm cạnh nhà, còn cửa sổ phòng tôi thì mở ra khu vườn xanh ngát phía sau.

    Hai anh em vừa dọ dẫm quanh phòng vừa sờ tay lên bức tường mát rượi, miệng trầm trồ thích thú. Như vậy là kể từ hôm nay, mỗi đứa tôi sẽ có một căn phòng riêng, hệt như người lớn. Chúng tôi sẽ ngủ trên những chiếc giường riêng của mình, mặc tình lăn qua lăn lại, xoay ngang xoay dọc, khỏi sợ làm phiền ai. Sẽ không còn tình trạng người này nằm ngủ gác chân lên mặt người kia và suốt đêm cứ vang lên chằm chặp tiếng la lối vì những cú giật mền thô bạo.

    Chỉ có khoản học là chúng tôi phải học chung trong căn phòng dưới nhà, nơi mà anh Khánh bắt tôi phải treo chiếc lồng sáo ở đó để "chơi chung". Theo ý kiến của ba tôi, hai người học chung với nhau bao giờ cũng hứng thú hơn là một người, đồng thời hai anh em tôi có cơ hội kiểm soát lẫn nhau để nếu có đứa nào ngủ gục hoặc trốn học chuồn đi chơi thì đứa kia báo lại cho ba tôi.

    Trong khi hai đứa tôi còn loay hoay trong phòng thì các anh bảo vệ đã khiêng đồ đạc lên tới. Có tiếng hỏi to ngoài cửa:

    - Cái tủ này đem vào phòng nào đây?

    Tôi và anh Khánh tức tốc chạy ra.

    Thấy chiếc tủ đứng chắn ngang cửa, anh Khánh chỉ tay về phía phòng tôi:

    - Cái tủ này của thằng Kha, khiêng vô phòng kia!

    Rồi nhác thấy cái bàn của mình vừa ló lên khỏi cầu thang, anh ngoắc lia:

    - Đem lại đây! Khiêng cái bàn đó vô phòng này!

    Trong khi anh Khánh đang sai khiến các anh bảo vệ theo phong cách "chỉ huy" của mẹ tôi, tôi chạy ù xuống nhà. Tôi sực nhớ đến cái bể cá và chiếc lồng sáo của mình. Từ khi dọn nhà qua đây đến giờ, tôi quên bẵng việc thay nước cho những con cá yêu quí của tôi, chẳng hiểu chúng đã bị chết ngạt chưa.

    Như để làm dịu bớt nỗi lo của tôi, vừa thấy tôi đến bên cạnh, những con cá khôn ngoan kia liền quẫy mạnh chiếc đuôi đẹp đẽ của mình và lượn lờ bơi qua bơi lại trong bể nước cạn. Còn con sáo láu lỉnh thì nhảy nhót quanh lồng với vẻ mừng rỡ, thậm chí nó còn bám cả lên vách lồng với tư thế nghiêng người, miệng tía lia "có khách, có khách", "ba về, ba về" khiến các anh bảo vệ vừa từ trên lầu đi xuống phải đảo mắt ngó quanh.

    Lát sau, anh Khánh hộc tốc chạy xuống. Có lẽ cũng như tôi, trong khi sắp xếp đồ đạc và bài trí căn phòng, anh sực nhớ đến thùng đồ chơi của mình.

    Y vậy, vừa xuống khỏi cầu thang, anh lao ngay đến thùng các-tông nằm kế bể cá của tôi. Anh cầm sợi dây buộc giật giật mấy cái rồi ngó tôi:

    - Mày lục lọi gì trong thùng đồ chơi của tao phải không?

    Tôi đỏ mặt:

    - Em có lục gì trong đó đâu.

    Anh nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ:

    - Tao nhớ hồi sáng tao buộc dây thật chặt, sao bây giờ nó lỏng thế này?

    - Em đâu biết.

    - Chứ không phải mày vừa lấy món gì trong này hả?

    Câu hỏi trắng trợn của anh Khánh khiến tôi nhăn mặt:

    - Em lấy đồ chơi của anh làm gì! Em có lấy, mai mốt anh cũng giật lại vậy!

    Anh Khánh nhún vai:

    - Bây giờ mày có phòng riêng, mày len lén mày chơi trong đó làm sao tao biết!

    Bị nghi ăn cắp, tôi tức điên lên nhưng chẳng biết phải làm gì. Tôi bèn bĩu môi:

    - Em thèm vào đồ chơi của anh! Em thích bể cá, chiếc lồng sáo và những con dế của em hơn.

    Nói xong, tôi cầm chiếc lồng sáo đi lên lầu.

    Thấy tôi bỏ đi, anh Khánh ôm thùng đồ chơi lẽo đẽo đi theo. Vừa đi anh vừa làu bàu hăm dọa:

    - Lát nữa tao mở thùng đồ chơi ra, nếu thiếu một món nào mày sẽ biết tay tao!

    Tôi hừ mũi:

    - Thì anh cứ mở ra đếm lại đi! Càu nhàu hoài!

    Và tôi đưa tay bịt tai lại, tỏ ý không thèm nghe những lời nhấm nhẳng khó chịu của anh.

    Dĩ nhiên là đồ chơi của anh Khánh không thiếu một món nào. Sau khi mở thùng, tẩn mẩn lấy ra từng chiếc xe một, vừa lấy vừa đếm, thấy chúng vẫn còn đầy đủ, anh Khánh chạy qua phòng tôi cười hì hì:

    - Còn đủ cả, Kha ơi! Vậy là mày không lấy cắp!

    Lòng đầy giận dỗi, tôi giả vờ như không nghe thấy. Đứng trên chiếc ghế kê cạnh cửa sổ, tôi loay hoay tìm cách treo chiếc lồng sáo, mắt không thèm liếc về phía cửa phòng lấy một li.
     
  4. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 03

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngoài bể cá vàng, chiếc lồng sáo và những hộp dế, gia tài của tôi còn có một ngăn sách nhỏ. Đó là những cuốn sách do chính tay tôi mua bằng tiền xin mẹ hoặc tiền nhịn quà sáng. Trước đây, những cuốn sách của tôi đặt trong chiếc tủ chung ở phòng học của hai anh em. Nhưng từ khi có phòng riêng, tôi đem chúng về phòng mình. Anh Khánh chẳng ham thích gì chuyện đọc sách nên không hề ngăn cản hành động tư hữu đó của tôi.

    Ngăn sách của tôi không nhiều nhưng hầu như cuốn nào tôi cũng thích. Có những cuốn tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mà vẫn không chán như "Đất rừng phương Nam" hay "Rô-bin-sơn Cơ-ru-xô".

    Từ khi có căn phòng riêng, mỗi buổi chiều tôi thường ngồi đọc sách trên chiếc bàn đặt cạnh cửa sổ. Tiếng gió thoảng, tiếng lá xào xạc và tiếng chim hót líu lo bên tai dường như khiến cho những trang sách sinh động hẳn lên và trong trạng thái êm dịu tuyệt vời đó, tôi tha hồ để cho trí tưởng tượng bay xa.

    Nhiều khi tôi đem sách ra cuối vườn ngồi đọc, túi không quên nhét theo mấy hộp dế để khi nào đọc sách chán, tôi lôi chúng ra khích chúng đá nhau và tận tình cổ vũ cho cả hai phía.

    Mỗi khi ra vườn, tôi thích ngồi bệt xuống trên cỏ, mặc dù không ít lần tôi bị Mẹ mắng về tội làm dơ quần áo. Nhưng không hiểu sao tôi không cưỡng lại được thói quen đó. Có lẽ trước đây trong những trường hợp như vậy, ngoại tôi chẳng bao giờ mắng tôi. Cho nên tới nay, hễ len lỏi giữa màu xanh cây lá, tôi như chìm đắm vào thế giới quen thuộc với những hương vị quen thuộc và thế là cánh mũi tôi hấp háy và tôi lại ngồi bệt xuống cỏ.

    Cũng có khi tôi ngồi đọc sách trên thành giếng mặc dù khi ngồi trên những tảng đá ẩm ướt rêu đó, tôi nhìn vào trang sách thì ít mà ngắm những bông khế dập dềnh trong lòng giếng thì nhiều. Mặt nước trong vắt được trang điểm bởi màu vàng của lá và màu trắng của bông khế với đường viền xanh rêu chung quanh đối với tôi cũng là một trang sách kỳ diệu không kém và tôi đọc chúng không chán mắt.

    Không những đọc sách dưới đất, tôi còn đọc sách ở trên trời. Đó là những lúc tôi nổi máu nghịch ngợm trèo lên cây ổi già, sách giắt nơi cạp quần, và sau khi chọn được một chạc ba chắc chắn, tôi ngồi tựa lưng vào thân cây, chân thõng lơ lửng trong khoảng không, giở sách ra đọc. Có hôm tôi ngồi vắt vẻo như vậy đến hàng giờ, vừa đọc sách vừa nhâm nhi vị chát của ổi non.

    Một điều may mắn đối với tôi là khu vườn phía sau với khoảng sân đằng trước không hề ăn thông với nhau do hai bên hông nhà đều bị bịt kín, không có lấy một lối đi nhỏ. Hông bên trái đụng ngay nhà hàng xóm, gần như chung vách, hông bên phải tiếp giáp với con hẻm. Nhờ vậy, cái không khí huyên náo ở phía trước không có cơ hội lây lan đến cuộc sống yên tĩnh của khu vườn và tôi mặc sức thả hồn theo những giấc mơ điền dã.

    Anh Khánh chẳng mê gì khu vườn. Ngày mới dọn đến, anh còn rảo ra vườn được mấy lần, nghiêng nghiêng ngó ngó. Sau một hồi lùng sục, anh phát hiện ra những chùm mận đầu mùa thưa thớt trên cao. Thế là anh hăm hở trèo lên và hái một lúc đến bốn, năm trái. Nhưng sau khi cho một trái vào miệng cắn thử, anh nhăn mặt tít cả mắt và vội ném tất cả những trái mận vừa hái ra xa.

    Tôi cười hỏi:

    - Chua hả?

    - Ừ, chua lè! Dòm bên ngoài, tao cứ tưởng chín!

    Nói xong, anh bỏ vào nhà một mạch. Từ hôm đó, tôi không thấy anh bén mảng ra sau vườn nữa. Anh thích chơi trong nhà hoặc trước hiên hơn. Chính ở đó, những chiếc xe của anh mới tung hoành được. Chúng không thể chạy trên những mặt đất lồi lõm, càng không thể chạy trên cỏ.

    Chỉ thỉnh thoảng, anh mới chạy ra vườn, chủ yếu để xem những trái mận đã chín chưa và bao giờ anh cũng quay vào với vẻ mặt thất vọng.

    Cũng như anh Khánh, ba mẹ tôi ít đặt chân đến mảnh đất phía sau nhà. Không phải vì hai người không quan tâm đến khu vườn nhưng mẹ tôi hiện nay đang bận rộn trong việc khai thác ưu thế của mặt tiền ngôi nhà trong việc kinh doanh. Việc chạy tới chạy lui chuẩn bị cho công việc làm ăn chiếm hết thì giờ của mẹ. Còn ba tôi, với tầm nhìn xa rộng của mình, thì tuyên bố rằng sắp tới ông sẽ cho đốn tất cả các loại cây vô bổ đang có trong vườn để thay vào đó các loại cây kinh tế hơn hoặc cũng có thể ông sẽ thực hiện những công trình xây dựng trên cái phần diện tích dự trữ đó. Và sở dĩ cho đến hôm nay, ba tôi chưa đả động gì đến khu vườn là vì ông đang còn phải tham khảo thêm ý kiến của bạn bè.

    Tôi đón nhận dự định khủng khiếp đó của ba tôi với nỗi đau khổ vô bờ bến. Đau khổ nhất là trong những vấn đề như thế này, một đứa trẻ con như tôi không được phép có ý kiến, nhất là những ý kiến có tính chất phản kháng. Trong những ngày đó tôi buồn bã như một con chó ốm. Trừ buổi sáng phải đến lớp, suốt thời gian còn lại trong ngày, tôi tha thẩn ở ngoài vườn. Tôi thì thầm trò chuyện với những chiếc lá, thông báo cho chúng biết số phận nghiệt ngã sắp xảy ra với khu vườn đồng thời an ủi chúng bằng một giọng sụt sùi cố nén. Đáp lại sự lo lắng của tôi, những chiếc lá khẽ cựa mình vung vẩy trong gió như muốn an ủi lại tôi bằng thứ ngôn ngữ rì rào của chúng. Điều đó khiến lòng tôi nhẹ nhõm được đôi chút.

    Trong khi cùng chờ đợi cơn ác mộng xảy đến, tôi và khu vườn càng ngày càng trở nên thân thiết. Chúng tôi gắn bó với nhau và hiểu ý nhau như những người bạn quen thân từ thời thơ ấu.

    Suốt một tháng trời sau đó, tôi vẫn sống trong tâm trạng phập phồng. Nhưng rồi nỗi lo âu mỗi ngày một giảm bớt khi tôi nhận thấy ba tôi vẫn chưa tỏ vẻ gì sắp bắt tay vào thực hiện ý định của mình. Có lẽ ông đang còn lưỡng lự trước khi quyết định dứt khoát sẽ cải tạo khu vườn theo hướng nào.

    Lúc này, đám bạn với tôi ngoài vườn còn có con sáo thân yêu của tôi. Sau cái ngày tôi phát hiện ra nó đã kịp bắt chước những từ ngữ không đẹp đẽ gì của anh Khánh, tôi liền đem nó ra ngoài vườn và treo chiếc lồng trên cây khế cạnh giếng đá. Anh Khánh tức lắm nhưng không dám làm gì tôi vì sợ tôi nói lộ ra chuyện chửi thề của mình.

    Từ ngày con sáo ra đây, tôi dạy nó nói thêm được bốn câu mới "chào anh Kha", "chào anh Khánh", "đói bụng" và "khát nước". Con sáo của tôi học nói rất mau nhưng khổ nỗi nó không làm sao học được cách sử dụng những câu nói đúng chỗ, đúng lúc. Thấy tôi, có khi nó nói "chào anh Kha" nhưng lúc hứng lên nó lại "chào anh Khánh" khiến tôi tức điên lên. Cũng vậy, rất nhiều lần nó gào toáng lên "khát nước" làm như sắp chết khát đến nơi nhưng khi tôi vội vã đem nước lại thì nó ngó lơ đi chỗ khác y như muốn chọc quê tôi. Tôi đã cố gắng hết sức giảng giải cho nói hiểu khi nào thì nên nói câu này, lúc nào thì nên nói câu kia và trong những lúc đó, như để đáp lại sự kiên nhẫn của tôi, nó đứng yên lặng nghiêng đầu lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật gù tỏ vẻ hiểu biết khiến tôi cảm động và mừng rỡ vô cùng. Nhưng lần nào cũng vậy, sau khi giảng giải đến khô cả cổ, tôi bảo nó thực hành, nó lại nhìn tôi và hét lên vui vẻ "chào anh Khánh" làm tôi chán nản đến mức sau đó tôi chỉ ăn được có một chén cơm.

    Tuy vậy, tôi vẫn rất mến nó bởi tôi hiểu dù sao nó cũng chỉ là một con vật. Một con vật thì không thể nào buộc nó phải thông minh như con người. Thôi thì kệ nó, nó muốn nói gì thì nói, miễn đừng nói bậy là được rồi! Tôi nghĩ vậy và chẳng còn bứt rứt về chuyện nó kêu tôi là "anh Khánh" nữa.

    Độ rày, tôi phải đi học thêm mỗi tuần ba buổi chiều, vì vậy thì giờ tôi dành cho khu vườn ít hơn. Nhưng cũng chính vì vậy những buổi chiều còn lại, thời gian tôi ở ngoài vườn lâu hơn. Có khi tôi ngồi đọc sách đến sáu giờ, sáu giờ rưỡi, lúc ban ngày và ban đêm bắt đầu giao nhau và những dòng chữ trên trang sách không còn trông rõ nữa, tôi mới lững thững quay vào nhà. Bây giờ, những câu chuyện ma quái của anh Khánh không còn làm tôi sợ hãi nữa. Khu vườn đã trở nên thân thiết với tôi đến mức tôi hoàn toàn tin cậy nó và tôi nghĩ rằng nếu không sợ bị mẹ mắng tôi có thể nằm ngủ qua đêm trên những chiếc nệm cỏ ngoài vườn một cách thanh thảnh với nhiều giấc mơ đẹp.

    Vào một buổi chiều nọ, lúc đó có lẽ khoảng bốn giờ hay hơn một chút gì đó, tôi đang đi tha thẩn ở mé vườn phía bên nhà hàng xóm, mắt nhìn đăm đăm lên những tàng mít để xem thử có cái dái mít nào không, hái xuống chấm muối ăn chơi, thì bỗng nghe có tiếng sột soạt vọng lại từ mé vườn bên kia, phía con hẻm.

    Thoạt đầu tôi không để ý nhưng tiếng sột soạt cứ chốc chốc lại vang lên khiến tôi lấy làm lạ. Tôi bước tới một vài bước, kiễng chân lên nhìn xuyên qua kẽ lá và điều vừa trông thấy khiến tôi giật bắn người, suýt chút nữa miệng bật ra tiếng la hoảng.

    Đứng cạnh giếng là một con nhỏ lạ hoắc. Nó mặc bộ đồ bông, da ngăm đen, tóc ngắn ngang vai. Trông bộ dạng của nó, tôi đoán nó trạc cỡ tuổi tôi hoặc nhỏ hơn tôi một, hai tuổi gì đó. Sự xuất hiện bất thần của nó khiến tôi bàng hoàng tự hỏi không biết từ lúc nào và bằng cách nào nó lọt được vào khu vườn của tôi.

    Lúc đầu tôi nghi nó là ăn trộm nhưng sau khi âm thầm quan sát một hồi, tôi biết là không phải. Một tên trộm thì cặp mắt phải láo liên, cử chỉ phải vụng trộm và hành động luôn luôn lén lút nhưng ở con nhỏ này tất cả đều ngược lại. Chẳng tỏ vẻ gì vội vã, nó đi quanh quẩn bên những gốc cây bằng những bước chân thong thả, chốc chốc lại ngước mắt nhìn lên những vòm lá trên cao khiến tôi cứ tưởng nó định trèo lên hái trộm mận. Nhưng rồi nó lại cúi đầu xuống dòm dáo dác như định tìm kiếm một cái gì đó trong cỏ.

    Tôi vẫn đứng lặng lẽ sau bụi cây, nín thở theo dõi những hành động lạ lùng của nhân vật bí ẩn kia. Bây giờ nó lại đi lòng vòng quanh giếng. Đang đi, thình lình nó dừng lại và cúi xuống nhặt cái gì đó dưới đất. Khi nó đứng lên, tôi căng mắt cố nhìn xem cái vật nó vừa nhặt là khối vàng hay khối kim cương. Hóa ra đó chỉ là một chiếc lá vàng.

    Con nhỏ cầm chiếc lá đi lại bên giếng đá và thả xuống. Rồi bám hai tay vào thành giếng, mắt đăm đăm nhìn ngắm chiếc lá đang bập bềnh dưới kia, nó cứ đứng hoài như vậy. Mặc dù đứng cách con nhỏ một quãng khá xa, tôi vẫn có thể nhìn thấy vẻ thích thú trên khuôn mặt ngăm ngăm của nó. Và tôi cũng hình dung ra chiếc lá nó vừa thả trong lòng giếng lúc này hẳn đang bềnh bồng trên mặt nước hệt như một chiếc thuyền câu. Đã mấy lần tôi định dợm châm chạy lại đứng bên cạnh nó, dòm xuống giếng, xem thử chiếc lá chìm nổi thế nào. Ý muốn đó cứ trào lên trong lòng, thôi thúc mãnh liệt đến mức phải hết sức vất vả tôi mới ghìm lại được.

    Nhưng niềm vui của con nhỏ không kéo dài được lâu. Trong khi nó đang ngẩn ngơ thả hồn theo chiếc lá thì con sáo của tôi thình lình phá đám. Con sáo chắc ngủ mê từ nãy đến giờ, bỗng thức dậy thấy người, liền la hoảng "có khách, có khách". Nghe tiếng kêu thất thanh, con nhỏ choàng tỉnh khỏi giấc mơ, ù té chạy. Tôi chưa kịp can thiệp thì nó đã vọt tới sát hàng rào cạnh con hẻm, vẹt một lỗ hổng, chui ra. Cho đến khi tôi đuổi kịp tới hàng rào thì nó đã biến mất.

    Đứng ngẩn ngơ một hồi, chẳng biết làm gì, tôi ngồi xuống tò mò quan sát chỗ hàng rào con nhỏ vừa chui qua. Hóa ra chỗ này thiếu một cây cọc. Muốn vào vườn, người ta chỉ cần nới rộng hai sợi kẽm gai chăng ngang rồi vẹt bụi dây leo lòa xòa là lọt vào được ngay.

    Nhưng việc phát hiện ra lối đi bí mật đó không khiến tôi ngạc nhiên bằng việc tại sao con nhỏ kia có thể nhìn thấy cái lỗ hổng bị dây leo phủ kín như thế và nó chui vào khu vườn của tôi để làm gì.

    Từ đó cho đến tận khi trời chập choạng tối, tôi ngồi thẫn thờ trong bóng chiều, lòng miên man nghĩ tới nhân vật lạ lùng nọ. Hàng trăm câu hỏi thi nhau mọc ra trong đầu tôi và tôi chẳng trả lời được câu hỏi nào. Tôi không thể nào biết nó là ai và từ đâu đến. Lúc nãy, nếu bất thần chạy vụt ra, tôi có thể làm cho nó hốt hoảng và thừa cơ tóm được nó. Và dĩ nhiên, tôi sẽ vén màn bị mật được ngay. Nhưng thú thật, lúc đó tôi không muốn làm cho nó sợ hãi. Không hiểu sao tôi không cảm thấy ghét nó mặc dù nó dám xâm nhập lén lút vào lãnh địa của tôi. Ngược lại, tôi cảm giác tôi có thiện cảm với nó nữa là khác. Có lẽ do tôi nhìn thấy ở nó có nhiều điểm giống tôi. Cũng đi thơ thơ thẩn thẩn quanh các gốc cây như một tên lãng tử. Cũng nhìn khu vườn bằng ánh mắt thân thiện và ấm áp như nhìn một người bạn. Cũng vẩn vơ nhặt một chiếc lá vàng thả vào lòng giếng rồi đứng ngắm hàng giờ không biết chán. Tôi chỉ khác nó một điểm là tôi biết những tiếng "có khách, có khách" vang lên thất thanh kia là tiếng chim chứ không phải tiếng người và vì vậy tôi không có sợ vãi mật ra như nó.

    Tối đó, tôi kể cho anh Khánh nghe câu chuyện vừa xảy ra ngoài vườn. Nghe xong, anh rụt cổ:

    - Vậy đích thị là ma rồi!

    Tôi bĩu môi:

    - Ma đâu mà ma! Ma mà chui hàng rào!

    - Nó thích chui thì nó chui, ai cấm được!

    - Xì, nói vậy mà cũng nói! Giờ đó không thể nào có ma được. Em từng sống dưới quê em biết, ma chỉ xuất hiện lúc mười hai giờ trưa và mười hai giờ khuya thôi.

    - Chứ lúc con nhỏ đó xuất hiện là mấy giờ?

    - Khoảng bốn giờ.

    - Vậy thì nó là ăn trộm! - Anh Khánh khẳng định.

    - Không phải đâu! - Tôi kêu lên.

    Anh Khánh nheo mắt ngó tôi:

    - Sao mày biết là không phải?

    - Sao không biết! Nếu ăn trộm thì nó phải lấy trộm cái gì chứ! Ở đây nó chỉ nhặt lá thả xuống giếng thôi!

    Nói xong, tôi ngạc nhiên nhận ra mình đã bênh vực cho con nhỏ kia một cách hăng hái. Những điều tôi nói không thuyết phục được anh Khánh. Anh hừ giọng:

    - Mày ngu quá! Không có ai khùng đến mức chui vào vườn người ta chỉ để nhặt lá thả xuống giếng chơi cho vui. Đích thị nó là ăn trộm. Nó chỉ làm bộ như vậy để đánh lừa mày thôi.

    Tôi phản đối:

    - Nó có đánh lừa gì em đâu?

    Anh Khánh nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại:

    - Hóa ra đến giờ mày vẫn chưa biết là mày bị lừa! Con nhỏ đó nó giả bộ khùng khùng để rủi mày có bắt gặp nó ở trong vườn mày sẽ không nghĩ nó là kẻ gian, còn nếu như mày không trông thấy nó hoặc nó không bị con sáo làm cho hoảng sợ thì trước sau gì nó cũng mò vào tận trong nhà để đánh cắp một vài món gì đó.

    Lời giải thích của anh Khánh chắc nịch như đinh đóng cột. Nghe anh nói, tôi có cảm tưởng như con nhỏ đó đã từng vào nhà tôi ăn cắp mấy lần rồi. Thấy vì cái tật bép xép của mình mà nó bị gán cho tội ăn trộm, tự nhiên tôi thấy tội nghiệp con nhỏ đó quá chừng.

    Tuy nhiên, tôi không muốn cãi nhau với anh Khánh. Tôi biết cãi nhau một hồi, thế nào anh cũng át giọng tôi. Xưa nay vậy. Tôi cũng không định nói chuyện đó cho ba mẹ tôi biết. Bởi vì đằng nào ba mẹ tôi cũng sẽ đứng về phía anh Khánh. Tôi vốn biết rõ tâm tính của ba mẹ tôi. Chắc chắn hai người sẽ không bao giờ tin rằng có một người lẻn vào vườn của người khác mà lại không có một ý đồ ám muội nào. Và thế là con nhỏ khùng khùng kia sẽ bị kết tội thêm một lần nữa.

    Tôi đã định ém nhẹm mọi chuyện, không ngờ trong bữa ăn tối anh Khánh lại lôi ra. Tôi chỉ biết ngồi im thin thít và giương cặp mắt lo âu lên nhìn mọi người.

    Quả đúng như tôi nghĩ, nghe anh Khánh kể xong, mẹ tôi liền quắt mắt nhìn tôi:

    - Sao con ngốc quá vậy! Lần sau nếu thấy có ai chui vào vườn, con phải hô hoán lên cho mọi người chạy tới tóm cổ nó.

    Tôi thanh minh, giọng yếu ớt:

    - Nhưng con nhỏ hồi chiều đâu phải là ăn trộm.

    Tôi chưa nói dứt câu, mẹ tôi đã nạt ngang:

    - Làm sao con biết nó không phải là ăn trộm?

    Mẹ tôi giống hệt anh Khánh. Tôi đành câm miệng như hến. Nhớ đến cung cách phân tích hùng hồn của anh Khánh khi nãy, tôi cảm thấy lạnh người và biết rằng mình không thể chứng minh được điều mẹ tôi đòi hỏi.

    Thấy tôi ngồi im, mẹ tôi nói tiếp:

    - Tụi ăn trộm bây giờ chúng khôn lắm! Có khi chúng đi một bọn bốn, năm dứa và chúng cho một đứa vào trước dò la động tĩnh. Hễ thấy êm êm là chúng hè nhau ùa vào! - Rồi mẹ tôi tặc lưỡi kết luận - Con nhỏ hồi chiều có thể là đứa dò thám trong bọn.

    Trong khi mẹ tôi luận tội, tôi cắm cúi và cơm, cổ họng như nghẹn lại.

    Ngay từ đầu, ba tôi dường như chẳng để ý gì đến cuộc trò chuyện đang diễn ra giữa mẹ con tôi. Tôi thấy ông nghe với vẻ lơ đãng. Nhưng khi mọi người nói xong, ông chợt nhỏm người lên và như thường lệ, giành cho mình quyền nói lên tiếng nói quyết định cuối cùng:

    - Sắp tới tao thả trong vườn một, hai con béc-giê là xong! Dãy hàng rào cũng phải xây lại cho kiên cố nhưng còn chờ cải tạo xong khu vườn đã.

    Lời tuyên bố của ba tôi khiến tôi rầu rĩ khôn cùng. Tôi vốn yêu chó, nhưng đó là những con chó hiền lành và gần gũi như con Mực, con Vện của ngoại tôi. Còn giống chó béc-giê, tôi chúa ghét. Hồi ở dưới ngoại, mỗi lần có việc đi ngang nhà lão Cả Tiệm, thấy bầy chó béc-giê hung dữ và to đùng như bầy sư tử trong nhà lão xồ ra là tôi tái xanh mày mặt và vắt giò lên cổ chạy như bị ma đuổi. Vậy mà bây giờ, ba tôi lại tính nuôi cái giống quái vật đó ở trong vườn và mọi chuyện xảy ra chỉ vì cái con nhỏ bị nghi là ăn trộm kia.

    - Có nuôi thì nuôi chó thường thôi ba! - Cuối cùng, tôi đánh bạo đề nghị - Chó béc-giê trông dữ thấy mồ!

    Ba tôi hắng giọng:

    - Hừm! Thằng này nói lạ! Chó dữ thì ăn trộm mới sợ chứ! Vả lại nhà mình mà nuôi chó thường coi sao được! Bác Tám, chú Tư mày đều toàn là nuôi chó béc-giê!

    Biết có năn nỉ cũng chẳng được, tôi lại cúi xuống tiếp tục và cơm. Dường như tôi muốn ngậm đầy cơm trong miệng để khỏi phải phát biểu lôi thôi, chẳng ai nghe đã đành mà có khi còn bị mắng nữa không chừng.

    Nhưng cái ngày lắm chuyện đó chưa kết thúc với tôi. Trước khi đi ngủ, tôi còn nhận được một mệnh lệnh từ mẹ tôi:

    - Ngày mai thằng Kha phải kiếm mấy cây cọc bịt cái lỗ hổng chỗ hàng rào đó lại nghe chưa!
     
  5. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 04

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mẹ tôi kêu tôi bịt cái lỗ hổng chỗ hàng rào nhưng tôi cứ nấn ná hoài chưa chịu ra tay. Trong thâm tâm tôi có ý đợi xem con nhỏ đó có trở lại "thăm" tôi lần nào nữa không. Mặc cho anh Khánh bảo nó là tên trộm và mẹ tôi bảo nó là tên dò thám, tôi vẫn chẳng thấy nó giống như vậy chút nào. Với tôi, nó luôn luôn là một đứa hiền lành. Nó chỉ mắc mỗi cái tật khùng khùng giống như tôi mà thôi.

    Sau ngày hôm đó, chiều nào tôi cũng ở lì ngoài vườn đến tối mịt trong một tâm trạng mong ngóng hồi hộp. Tôi ngồi bệt trên cỏ, lưng tựa vào gốc khế, sách mở trên tay nhưng tôi chẳng đọc được chữ nào, mắt cứ đăm đăm nhìn về phía lỗ hổng bí mật, thấp thỏm chờ đợi một cái đầu có khuôn mặt ngăm ngăm nhô ra. Suốt mấy ngày liền, tôi đợi dài cả cổ nhưng chẳng được tích sự gì. Có thể chuyện xảy ra hôm nọ đã khiến con nhỏ kia sợ hãi đến mức không bao giờ dám quay trở lại khu vườn này nữa. Hoặc cũng có thể nó là một hình bóng không thực và những điều mà tôi ngỡ chính mắt tôi trông thấy kia chỉ là những ảo ảnh trong một giấc mơ chiều.

    Thế rồi tôi quên béng đi mất. Quên con nhỏ nọ. Quên cả việc rào lại hàng rào. Mẹ tôi nhắc nhở hai, ba lần, tôi chỉ ừ ào cho qua. Tôi biết mẹ tôi chẳng bao giờ cất công ra tận cuối vườn để kiểm tra việc làm của tôi. Vả lại, mẹ đang chờ đội quân bảo vệ ba tôi đang lùng mua. Với những con chó béc-giê hung hãn đó trong vườn thì cái lỗ hổng nhỏ nhoi kia chẳng có gì đáng ngại.

    Một tuần lễ sau, đúng vào lúc tôi không ngờ nhất, con nhỏ hôm trước lại đột nhiên xuất hiện. Lúc đó, tôi đang ngồi vắt vẻo trên cành ổi, vừa đọc sách vừa nhai đậu phộng. Tôi bỏ đầy một túi đậu phộng cứ thế thuận tay bốc cho vào miệng, nhai chóp chép suốt cả buổi chiều.

    Trong khi tôi đang say sưa thưởng thức mùi mực in và mùi đậu phộng thì tai bỗng nghe một tiếng "rắc" vang lên. Tôi giật mình, tay bám chặt cành ổi rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi lập tức quay nhìn về phía hàng rào có cái lỗ hổng và mắt như bỗng hoa lên. Không biết tự bao giờ, con nhỏ kia đang tìm cách chui vào vườn qua lối đi bí mật. Nó đã đặt được một chân vào bên trong và đang loay hoay gỡ nốt chân kia khỏi đám dây leo quấn quít. Có lẽ tiếng động tôi vừa nghe thấy là do nó dẫm phải một khúc cây mục nào đó dưới chân.

    Thoạt đầu do sửng sốt, tôi định kêu lên nhưng rồi tôi kịp trấn tĩnh và quyết định ngồi im trên cây ổi xem thử lần này nó định làm gì.

    Sau khi lọt hẳn vào bên trong hàng rào, con nhỏ đứng yên tại chỗ một lúc và lấm lét nhìn quanh. Có lẽ nó sợ bị bắt gặp. Đến khi thấy bốn bề đều yên tĩnh, nó liền rón rén đi về phía giếng. Đứng dòm xuống giếng một hồi, nó nhặt một cánh bông khế rơi vương vãi trên thành giếng ngậm trong miệng rồi lại đi loanh quanh các gốc cây như hôm trước. Suốt một hồi lâu, nó cứ thơ thơ thẩn thẩn như vậy.

    Tôi ngồi lắc lư trên cành ổi, bụng đã thấy sốt ruột nhưng vẫn cố nín thở để không gây ra tiếng động. Lúc này tôi cứ sợ con sáo quỷ quái của tôi sẽ nổi hứng lên và cất giọng phá bĩnh như hôm nọ, nhưng hình như bữa nay nó hiểu được nỗi lo của tôi nên từ nãy đến giờ vẫn một mực ngậm tăm.

    Đi lòng vòng chán, con nhỏ lại ngồi bệt xuống đất. Nó nhặt một nhánh cây khô bẻ làm nhiều đoạn ngắn rồi cắm trước một mô đất nhỏ cạnh gốc mận, hệt như người ta cắm nhang trước mộ. Tôi trố mắt theo dõi từng hành động của nó với một tâm trạng đầy lo âu và nghi hoặc. Dám con nhỏ này tính chơi trò khấn vái để ếm bùa gì tôi đây. Càng nghĩ ngợi tôi càng hoang mang và vì vậy tôi càng dán mắt chặt vào nó, không dám lơi lỏng một tí ti.

    Bây giờ thì nó đã đứng dậy và ngước mắt nhìn lên các vòm lá. Tôi thóp bụng ngồi im, tim đập thình thịch trong ngực, cứ sợ nó phát hiện ra. Nhưng con nhỏ không nhìn lên cây ổi. Nó ngắm nghía các chùm mận một hồi rồi bước lại bám gốc mận trèo lên. Tôi ngạc nhiên thấy nó trèo cây không thua gì tôi, nom cứ nhanh như sóc.

    Nhìn nó leo thoăn thoắt, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Hóa ra nó lẻn vào vườn là để hái trộm mận. Mà con nhỏ này cũng màu mè thật, hái trộm mận thì hái ngay từ đầu cho rồi, còn bày đặt đi tới đi lui làm tôi hồi hộp muốn đứng tim.

    Nhưng con nhỏ không hái mận. Leo lên tới chạc ba giữa lưng chừng cây, nó không buồn leo lên nữa mà đứng săm soi cái gì đó ở trên thân cây, mặt mày có vẻ thích thú lắm.

    Tôi bám cành ổi nhướng cổ dòm qua một hồi vẫn không đoán ra cái nó đang ngắm nghía là vật gì. Vì vậy vẻ mặt tươi hơn hớn của nó khiến tôi thắc mắc vô cùng. Chẳng lẽ một con sâu bám trên cây lại có thể làm nó vui thích đến như vậy.

    Trong khu vườn lúc này có tất cả là hai người và một con sáo. Tôi đeo cây ổi, con nhỏ đeo cây mận, con sáo đeo cây khế. Vậy mà không khí vẫn yên tĩnh như không có một bóng người.

    Đeo trên cây chán, con nhỏ lại tụt xuống đất và lại đi loang quanh trên bãi cỏ. Lúc này, sau một hồi gồng mình ngồi yên không dám nhúc nhích, tôi đã thấy ê ẩm cả người. Vả lại nhìn điệu bộ con nhỏ, tôi biết nó cũng chẳng còn giở trò gì mới mẻ nữa ngoài cái trò đi loanh quanh ngó phát chán kia, tôi bèn quyết định xuất đầu lộ diện.

    Đợi cho nó đi ngang gốc ổi, tôi hắng giọng kêu:

    - Ê!

    Bị gọi bất thần, con nhỏ hớt hải nhìn quanh.

    Thấy nó đảo mắt tìm kiếm một cách vô vọng, tôi lại lên tiếng:

    - Mày ngó đi đâu vậy? Tao ở trên cây đây nè!

    Con nhỏ giật mình ngước lên và khi nhìn thấy tôi đang ngồi vắt vẻo trên cây ổi, nó sợ xanh cả mặt và dợm chân định chạy. Sợ nó biến mất như lần trước, tôi vội vàng trấn an:

    - Mày cứ ở chơi đi, tao không bắt mày đâu!

    Vừa nói tôi vừa đu cây tụt xuống. Nhưng thấy nó có vẻ lưỡng lự, sợ nó vùng chạy bất tử, tôi nói thêm:

    - Mày mà chạy, tao tụt vội theo, rủi sút tay té gãy cổ là mày đi tù à nghen!

    Nghe tôi hù, con nhỏ sợ run, đứng chôn chân tại chỗ.

    Xuống tới đất, tôi bước lại gần nó, tò mò hỏi:

    - Mày ở đâu đến đây vậy?

    Con nhỏ như chưa hết sợ hãi. Nghe tôi hỏi, nó rụt rè chỉ tay ra phía ngoài hàng rào:

    - Em ở đằng kia.

    Tôi nhìn theo tay chỉ của nó, hừ mũi:

    - Mày chỉ như vậy có trời mới biết là mày ở đâu!

    Thấy tôi trách, nó đứng im re, những ngón chân dí dí trên mặt đất. Tôi hỏi lại:

    - Mày chui vào vườn tao chi vậy?

    Nó ấp úng:

    - Em vào.. chơi.

    Tôi nhún vai: - Trong vườn tao có gì đâu mà chơi?

    Con nhỏ ngước nhìn tôi với ánh mắt long lanh:

    - Nhưng nó giống với khu vườn nhà em. Tôi thở phào:

    - Thì ra vậy!

    Nhưng rồi tôi lại thắc mắc:

    - Vậy sao mày không chơi trong khu vườn của mày?

    Con nhỏ chớp mắt, giọng buồn bã:

    - Khu vườn của em ở tận dưới quê.

    Tôi gật gù, vẻ thông cảm:

    - €, tao hiểu rồi. Thì ra trước đây mày ở dưới quê.

    Và tôi liếc nó, giọng thân mật:

    - Như vậy là mày giống tao. Hồi trước tao cũng sống với bà ngoại tao ở dưới quê.

    Con nhỏ reo lên:

    - Hay quá hén!

    Giọng điệu vui vẻ của nó khiến tôi bất giác mỉm cười. Con nhỏ này ngộ thật, mới đây nó còn sợ xanh mặt mà bây giờ đã tươi tỉnh reo ầm lên rồi!

    Trong khi tôi đang ngẫm nghĩ xem nên hỏi tiếp nó câu gì thì nó bỗng nói:

    - Em thích khu vườn của anh ghê!

    Sự thú nhận thành thực của nó khiến tôi vô cùng khoái chí. Tôi cười nói:

    - Điều đó mày không nói tao cũng biết. Hôm trước tao đã thấy mày lẻn vô đây một lần rồi.

    Con nhỏ giật mình và đỏ mặt nhìn tôi:

    - Anh có nhìn thấy em hả?

    - Ừ.

    - Lúc đó anh nấp ở đâu?

    Tôi nheo nheo mắt:

    - Đố mày biết!

    Con nhỏ sáng mắt lên:

    - Trên cây ổi chứ gì?

    Tôi bĩu môi:

    - Mày đoán trật lất! Đâu phải lúc nào tao cũng ngồi trên cây ổi!

    Rồi tôi chỉ tay về mé vườn bên trong:

    - Tao nấp chỗ mấy cây mít kia kìa! Tao thấy mày thả chiếc lá xuống giếng rõ ràng.

    Nghe tôi nhắc đến chuyện cũ, con nhỏ liền mỉm cười. Chợt nó ngó tôi, nhăn mặt trách:

    - Bữa đó anh làm em sợ hết hồn.

    Tôi trố mắt:

    - Tao có làm gì đâu. Tao nấp hoài một chỗ, đến khi mày về rồi tao mới ló đầu ra kia mà.

    Con nhỏ liếc tôi:

    - Thì anh nấp một chỗ. Nhưng mà anh hét ầm lên.

    Tôi chưng hửng:

    - Tao có hét hồi nào đâu.

    Con nhỏ "xí" một tiếng:

    - Vậy chứ ai kêu "có khách, có khách"?

    - €, tao nhớ ra rồi! - Tôi bật cười và chỉ tay lên cây khế - Bữa đó không phải tao mà là con này kêu nè!

    Con nhỏ thắc mắc nhìn theo tay chỉ của tôi và khi phát hiện ra chiếc lồng sáo treo toòng teng trên cây khế, nó reo lên, giọng ngạc nhiên pha lẫn thích thú:

    - Ôi, con nhồng! Hay quá hén!

    Thấy nó nói trật, tôi khịt mũi chỉnh liền:

    - Mày ngốc quá! Đây là con sáo chứ không phải con nhồng. Con nhồng mỏ đỏ. Còn con sáo mỏ vàng.

    Rồi tôi nhìn nó, chê:

    - Vậy mà mày nói mày từng ở dưới quê!

    Con nhỏ đưa tay vuốt tóc, vẻ bối rối:

    - Thì em từng ở dưới quê chứ sao!

    Tôi hất mặt:

    - Ở dưới quê sao mày bảo con sáo là con nhồng?

    Nó đỏ mặt, lí nhí:

    - Tại em nói lộn.

    Nói xong, nó cúi gầm mặt xuống đất, vẻ biết lỗi. Tự dưng tôi thấy tội tội cho nó, vì vậy tôi liền nhẹ nhàng cầm lấy tay nó và dịu dàng nói:

    - Mày lại đây tao kêu con sáo của tao nói cho mày nghe. Nó khôn lắm. Nó nói được đủ thứ.

    Thấy tôi quảng cáo về con sáo ghê quá, con nhỏ hết buồn liền. Nó để yên bàn tay nó trong tay tôi và để tôi dắt đi.

    Tới dưới gốc khế, tôi ngửa mặt dòm lên lồng sáo, hùng hồn ra lệnh:

    - Sáo ơi, chào đi!

    Nghe tiếng tôi, con sáo mừng rỡ nhảy nhót lung tung khiến chiếc lồng chao qua chao lại. Nhưng nó vẫn chưa chịu lên tiếng chào tôi. Có lẽ nó đang phân vân không biết nên "chào anh Kha" hay "chào anh Khánh".

    Tôi đứng dưới ngóc cổ chờ đợi, hồi hộp muốn rụng tim. Mặc dù bây giờ con nhỏ này chưa biết tên tôi là Kha hay Khánh nhưng nếu nó còn tới chơi nhiều lần, chắc chắn nó sẽ biết. Vì vậy nếu con sáo của tôi chơi trò phản chủ, nó cao hứng "chào anh Khánh" thì hỏng bét. Nhất là lúc nãy tôi đã trót hí hửng khoe tài của nó.

    Nhưng con sáo của tôi vẫn chẳng chịu chào hỏi gì cả. Nó chỉ lo nhảy tới nhảy lui trong lồng. Đợi một hồi, thấy nó vẫn một mực giả điếc trong khi con nhỏ cứ nhìn tôi lom lom ra ý hỏi, tôi nổi sùng, giục:

    - Sáo ơi, mày chào tao đi chứ!

    Rồi sợ nó lộn Kha với Khánh, tôi nhắc tuồng:

    - Tên tao không dấu sắc à nghen!

    Tôi nói vừa dứt câu, con sáo đã vọt miệng:

    - Chào anh Kha, chào anh Kha!

    Sự đối đáp suông sẻ của con sáo khiến tôi mừng quýnh. Tôi liền quay sang con nhỏ, mặt mày rạng rỡ:

    - Mày thấy chưa! Tao đã bảo con sáo của tao khôn lắm mà!

    Con nhỏ thán phục ra mặt:

    - Đúng là khôn thật! Nó còn biết cả dấu sắc nữa!

    Trước lời khen của con nhỏ, tôi ậm à ậm ừ như đang ngậm nếp dẻo trong mồm, không thừa nhận cũng không ra phủ nhận. Tôi biết con sáo của tôi cóc có biết dấu sắc, dấu huyền gì sất. Nó chỉ có mỗi cái tài nói đại, trúng trật đã có.. trời lo. Nhưng tôi đã lỡ bốc nó lên tận mây xanh rồi, nếu bây giờ để lộ cái tội "mù chữ" của nó ra, tôi sợ rằng uy tín của nó lẫn của tôi sẽ bị giảm sút đáng kể. Còn nếu như thừa nhận sự thông thái của nó thì chắc chắn chẳng bao lâu nữa con nhỏ sẽ phát hiện ra nó là một nhà thông thái dỏm. Lúc đó lại càng bẽ mặt. Tốt nhất chỉ có cách đánh bài lờ.

    Con nhỏ không hiểu được tâm trạng rối rắm của tôi, nó cứ xuýt xoa luôn mồm:

    - Con sáo thông minh ghê!

    Rồi nó cầm tay tôi lắc lắc:

    - Anh bảo nó chào em đi!

    Bây giờ tôi mới sực nhớ là tôi chưa hỏi tên con nhỏ. Tôi bèn nheo mắt nhìn nó:

    - Tao đã biết tên mày đâu mà bảo con sáo chào!

    Nghe tôi nói, con nhỏ ngẩn người ra:

    - Ừ hén! - Rồi nó dẩu môi, trách - Ai bảo từ nãy giờ anh không thèm hỏi tên em chi!

    Tôi bối rối:

    - Không phải là không thèm hỏi. Mãi nói chuyện, tao quên khuấy đi mất.

    Nó quay mặt đi chỗ khác, "hứ" một tiếng:

    - Hỏi tên mà quên!

    Tôi gãi đầu, chữa thẹn:

    - Thì bây giờ tao hỏi:

    Rồi thấy nó vẫn không quay mặt lại, tôi ngập ngừng nói:

    - Tao hỏi hén?

    - Ừ.

    Tôi nuốt nước bọt:

    - Vậy chứ mày tên gì?

    Đợi tôi hỏi xong, nó quay phá (t người lại, cười toe:

    - Em tên Hồng Hoa!

    Tôi vỗ tay, reo lên:

    - Ôi, hóa ra mày là công chúa!

    Hồng Hoa tròn má (t:

    - Công chúa gì?

    - Công chúa Hồng Hoa chứ công chúa gì! Thế mày chưa đọc cuốn "Truyện cổ Grim" à?

    Hồng Hoa lắc đầu:

    - Chưa.

    Tôi gật gù:

    - Hèn gì mày không biết chuyện công chúa Hồng Hoa!

    Hồng Hoa lại lắc tay tôi:

    - Anh kể cho em nghe đi!

    Tôi nhăn mặt:

    - Kể ngay bây giờ à?

    - Ừ, ngay bây giờ.

    Tôi nhìn lên vòm lá mỗi lúc một sẫm màu, chép miệng nói:

    - Trời sắp tối rồi, tao kể làm sao kịp?

    Hồng Hoa chẳng thèm quan tâm đến chuyện đó. Nó khẩn khoản:

    - Không kịp thì anh kể một nửa cũng được!

    Thấy nó năn nỉ tha thiết quá, tôi đành gật đầu:

    - Thôi được rồi! Lại đằng giếng ngồi tao kể cho nghe!

    Vừa nói tôi vừa cầm tay nó kéo đi.

    Hai đứa ngồi trên thành giếng mát lạnh, rêu bám vào gót chân và bông khế thỉnh thoảng rơi xuống đậu hững hờ trên tóc. Trên các vòm cây, lá bắt đầu đi ngủ. Chúng thong thả rủ mình xuống như những cánh dơi đang im lặng đeo mình chờ bay vào đêm tối. Trong bóng hoàng hôn chập choạng, gió đã bớt rụt rè hơn, chúng lướt đi xào xạc trên cỏ và những giọt nắng cuối ngày còn sót lại đang nhẩn nha thắp nốt buổi chiều trên những ngọn cây cao trong vườn. Thả hồn vào khung cảnh êm đềm đó, tôi khẽ liếc vẻ mặt nôn nao của Hồng Hoa và mỉm cười kể:

    - Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa, xinh thật là xinh..
     
  6. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 05

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm qua, mải say sưa kể chuyện, tôi quên dặn Hồng Hoa là chiều nay tôi phải đi học thêm, mãi đến năm giờ mới về. Vì vậy tôi sợ mới ba, bốn giờ, nó đã lò mò tới, không thấy tôi, nó lại quay về.

    Bụng lo ngay ngáy, vừa tan học xong, tôi đã ba chân bốn cẳng chạy vù về nhà. Quẳng vội cái cặp lên bàn, tôi hấp tấp phóng ra vườn.

    Tôi vừa đi vừa dòm dác và đúng như tôi nghĩ, chẳng thấy bóng dáng Hồng Hoa đâu. Chung quanh tôi chỉ có tiếng rì rào thổi qua kẽ lá. Tự dưng tôi thấy buồn hiu. Trước đây, tôi vẫn chơi lang thang một mình ngoài vườn, lòng bao giờ cũng thanh thản, nhẹ nhàng. Nhưng từ ngày gặp Hồng Hoa, tôi mới biết rằng trên đời không có gì buồn hơn là chơi một mình. Tôi có một ông anh. Nhưng anh Khánh lại rất ít khi đặt chân ra vườn. Anh lại nghỉ buổi sáng, đi học buổi chiều, giờ giấc tréo ngoe. Hơn nữa, tôi với anh cũng không hợp tính nhau. Anh có những trò chơi của riêng mình và đối với anh, không có gì đáng chán hơn là suốt ngày cứ quanh quẩn dưới mấy gốc cây. So ra, Hồng Hoa hợp với tôi hơn. Nói chuyện với nó chỉ mới có một lần, tôi đã thấy vô cùng gần gũi và vì vậy chiều nay không gặp nó, lòng tôi cứ nao nao.

    Tôi đi tha thẩn dọc hàng rào và tới chỗ "lối đi bí mật", tôi ngồi thụp xuống, nghiêng nghiêng ngó ngó. Không hiểu sao tôi cứ có cảm giác Hồng Hoa đang nấp đâu đây phía ngoài hàng rào và tôi chỉ cần chờ thêm một vài phút nữa là nó sẽ cười phá lên và nghịch ngợm chui vào.

    Nhưng mặc cho tôi chờ sốt cả ruột, nó vẫn chẳng thèm xuất hiện.

    Ngồi một hồi phát chán, lại mỏi cẳng tôi đứng dậy và đi lại chỗ giếng đá. Đúng lúc đó, con sáo đãng trí của tôi lại nổi hứng kêu ầm ĩ:

    - Có khách! Có khách!

    Tôi giật mình, quay phắt về phía hàng rào, tưởng Hồng Hoa thình lình xuất hiện. Đến khi biết bị lỡm, tôi nổi sùng giơ tay về phía con sáo, đe:

    - Khách đâu mà khách! Mày mà còn kêu bậy, tao bỏ đói ráng chịu à nghen!

    Con sáo không tỏ vẻ gì lo lắng trước sự hăm dọa của tôi. Nó lại vui vẻ kêu:

    - Chào anh Kha! Chào anh Kha!

    Thấy nó gọi đúng tên mình, tôi khoái chí, quên béng giận hờn. Và cũng nhờ nó bất thần chào tôi như vậy, tôi mới sực nhớ ra hôm qua tôi đã quên dạy cho nó chào người bạn mới.

    Tôi liền bước lại gần nó, nói:

    - Bây giờ tao dạy cho mày một câu mới nghen!

    Rồi không đợi nó đồng ý hay không, tôi tiếp luôn:

    - Chào Hồng Hoa! Nói đi! Chào Hồng Hoa!

    Con sáo tỏ ra bướng bỉnh tợn. Nó đứng im re, lại còn trố mắt nhìn tôi như thể muốn xem tôi định nổi giận đến mức nào. Biết không thể làm gì được nó, tôi đành nhẫn nại nhắc đi nhắc lại cho nó chú ý:

    - Chào Hồng Hoa! Chào Hồng Hoa!

    Con sáo của tôi tính nết hệt trẻ con. Nếu có thứ gì ngon ngon trọng vào mồm nó thì dụ nó học được ngay. Kẹt một nỗi, lúc này tôi không có gì trong tay để làm đồ dùng dạy học. Thế là gần một tiếng đồng hồ, tôi cứ phải mỏi miệng lặp đi lặp lại câu chào mới cả trăm lần để bắt nó nhớ.

    Có lẽ thấy tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại và sắp sửa đứt hơi đến nơi, con sáo của tôi động lòng trắc ẩn nên cuối cùng nó đồng ý hạ mình nhắc lại cái câu chào đáng chán kia. Cứ vậy, một thầy một trò, kẻ nghểnh cổ trông lên, kẻ cúi đầu nhìn xuống, hai bên nói qua nói lại chỉ mỗi một câu cho đến tận tối mịt.

    Tối đó, tôi đi ngủ với một tâm trạng hân hoan khó tả. Nằm trằn trọc trên giường, tôi cứ hình dung ra cảnh gặp gỡ ngày mai với Hồng Hoa. Tôi sẽ ra lệnh cho con sáo chào Hồng Hoa trước sự ngạc nhiên của nó. Chắc nó sẽ thích thú lắm.

    Và đằng nào nó cũng sẽ lại xuýt xoa: "Con sáo thông minh ghê!" cho mà xem. Tôi nói đâu có sai.

    Chiều hôm sau, tôi có mặt ngoài vườn từ sớm.

    Tôi đem theo cuốn sách để đọc nhưng rốt cuộc tôi chẳng đọc được chữ nào. Chốc chốc, tôi lại liếc mắt về phía hàng rào, bụng thấp tha thấp thỏm.

    Tôi cứ liếc chừng như vậy đến lần thứ một trăm thì Hồng Hoa xuất hiện. Thấy cái đầu nó thập thò chỗ lỗ hổng, tôi mừng rơn, vội chạy lại giúp nó chui qua.

    Tôi vừa gỡ sợi dây leo vướng trên tóc nó vừa hỏi:

    - Chiều hôm qua mày có đến không?

    - Có. Nhưng em đứng ngoài hàng rào.

    - Sao mày không chui vô?

    Hồng Hoa chớp mắt:

    - Em đứng ngoài em dòm vô một hồi. Không thấy anh, thế là em về.

    - Ừ, tao quên dặn mày. Chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu, tao phải đi học thêm, năm giờ mới về! - Tôi nói, giọng áy náy.

    - Vậy mà anh không chịu nói trước, làm hôm qua em đứng đợi mỏi chân thấy mồ!

    Tôi chép miệng:

    - Thì tao đã nói rồi. Tao quên.

    Rồi tôi quay sang Hồng Hoa, nói tiếp:

    - Nhưng hôm nào tao đi học thì mày cứ vào chơi một mình, đâu có sao!

    Hồng Hoa rụt cổ:

    - Xí, ai lại chơi một mình!

    Tôi bĩu môi: - Mày đừng có làm bộ! Hôm trước mày chẳng chui vào đây chơi tha thẩn một mình là gì!

    Hồng Hoa hứ một tiếng:

    - Hôm trước khác! Tại hôm trước em chưa quen anh!

    Tâm trạng của nó giống hệt như tâm trạng của tôi. Vì vậy nghe nó nói, tôi cảm động vô cùng. Tôi khịt mũi:

    - Vậy thì đợi năm giờ, tao đi học về, mày đến chơi với tao.

    - Không được! - Hồng Hoa lắc đầu - Giờ đó em phải ở nhà nấu cơm.

    - Xạo đi mày! Hôm trước mày nghe tao kể chuyện công chúa Hồng Hoa đến tối mịt mới về kia mà!

    Hồng Hoa cười, giải thích:

    - Tại vì hôm đó ba mẹ em đi công chuyện về trễ, em không phải nấu cơm sớm như mọi ngày.

    Thấy nó không thể sắp xếp công việc để đến chơi mỗi ngày với tôi được, tôi chán quá bèn hỏi sang chuyện khác:

    - Ba mày làm nghề gì vậy?

    - Ba em làm giáo viên.

    - Giáo viên hả? Hay quá hén! Ba mày dạy ở trường nào? - Chợt tôi bỗng sáng mắt, reo lên - Có khi ba mày dạo ở trường tao không chừng!

    Hồng Hoa đưa tay ngắt một cọng cỏ, giọng buồn buồn:

    - Ba em nghỉ dạy ba, bốn năm nay rồi.

    Tôi há hốc mồm:

    - Sao lại vậy? Bộ ba mày về hưu rồi hả?

    Hồng Hoa cắn môi:

    - Ba em đâu đã đến tuổi về hưu. Tại ba em không có hộ khẩu nên người ta không cho đi dạy.

    Tôi gật gù ra vẻ hiểu biết:

    - Hóa ra là chuyện hộ khẩu! Chuyện này gay đấy! Thế còn mẹ mày?

    - Mẹ em sao?

    - Mẹ mày làm nghề gì?

    Hồng Hoa lộ vẻ lúng túng:

    - Mẹ em hả? Người ta bảo mẹ em làm nghề.. tự do.

    Tôi chẳng biết nghề tự do là cái nghề quái quỉ gì nhưng cũng gật đầu đại:

    - Hay quá hén! Té ra mẹ mày làm nghề tự do!

    Tôi khen hay mà chẳng hiểu sao nét mặt Hồng Hoa cứ dàu dàu. Chắc ba mẹ nó có chuyện buồn nên nó không muốn ai nhắc đến! Tôi nhủ bụng như vậy và hỏi lảng sang chuyện khác để giúp nó nguôi ngoai:

    - Buổi chiều mày hay đi chơi, như vậy là mày học buổi sáng hén?

    Nào ngờ Hồng Hoa lắc đầu:

    - Em nghỉ học lâu rồi.

    Nó trả lời bằng một giọng buồn thỉu buồn thiu.

    Dòm mặt nó, tự nhiên tôi cảm thấy nao nao trong lòng. Tôi hỏi chuyện học, tính làm cho nó vui, không dè lại làm nó buồn thêm.

    - Sao mày phải nghỉ học vậy? - Tôi hỏi, giọng bùi ngùi.

    Hồng Hoa không đáp. Nó chớp mắt và quay mặt đi chỗ khác.

    Tôi đoán mò:

    - Lại chuyện hộ khẩu nữa chứ gì?

    Hồng Hoa vẫn không quay mặt lại nhưng tôi thấy nó khẽ gật đầu. Tôi định tìm lời an ủi nó nhưng nghĩ mãi chẳng biết nói gì. Loay hoay một hồi, tôi đành chép miệng:

    - Ai ở dưới quê lên cũng vậy thôi! Tao nghe người ta bảo nhập hộ khẩu khó lắm!

    Vừa nói tôi vừa nhìn Hồng Hoa và thấy đôi vai mảnh khảnh của nó hình như đang rung lên. Chắc là nó khóc! Tôi nghĩ thầm và cảm thấy lòng xốn xang vô kể. Nhưng tôi không dám bước tới. Tôi chỉ đứng im buồn rầu nhìn nó và nghĩ xem có cách gì giúp nó hay không.

    Chợt tôi reo lên:

    - A, phải rồi! Để tao nhờ ba tao nhập hộ khẩu giùm cho gia đình mày! Ba tao làm lớn lắm, lại quen toàn các ông to, chắc là nhập được!

    Tôi vừa nói dứt câu, Hồng Hoa quay mặt lại. Tôi càng hí hửng:

    - Vậy hén! Để tối nay tao nói với ba tao!

    Nào ngờ Hồng Hoa không chịu. Nó đưa tay quẹt nước mắt, đáp:

    - Thôi, khỏi! Ba em nộp giấy tờ lâu rồi, chắc trước sau gì người ta cũng cho nhập.

    Tôi nhíu mày:

    - Nhưng đợi tới lúc đó, mày lớn rồi, làm sao đi học được nữa?

    Hồng Hoa lộ vẻ băn khoăn:

    - Em cũng chẳng biết! - Rồi nó cắn môi, quả quyết - Thì em cứ.. đi học đại!

    Tôi định tọt miệng "Mày lớn tồng ngồng, sức mấy người ta nhận mày vô học" nhưng may sao, tôi tốp lại kịp. Nếu tôi ngứa mồm nói ra, chắc Hồng Hoa càng buồn gấp bội.

    Câu chuyện giữa hai đứa tôi lại rơi vào im lặng. Không khí tĩnh mịch đến mức có thể nghe rõ tiếng còi xe từ tít ngoài đường vọng vào, và đôi khi tôi tưởng như nghe được cả tiếng cây uể oải vặn mình trong vườn.

    Tôi hít một hơi đầy lồng ngực để mong giảm bớt cảm giác nặng nề. Đồng thời tôi cũng tự trách mình, sao tự dưng đi hỏi chuyện về gia cảnh Hồng Hoa làm gì cho rắc rối không biết.

    Đang lúng túng chưa biết nên làm gì để phá vỡ bầu không khí nặng nề đó, bỗng dưng tôi sực nhớ đến con sáo, liền hớn hở khoe:

    - € nè, con sáo của tao biết chào mày rồi nghen!

    Hồng Hoa tươi ngay nét mặt:

    - Chào em hả?

    Tôi gật đầu:

    - Ừ, hôm qua tao dạy nó suốt cả buổi chiều.

    Bỗng Hồng Hoa "hứ" một tiếng:

    - Suốt buổi chiều đâu mà suốt buổi chiều! Hôm qua anh đi học đến năm giờ mới về kia mà!

    Tôi gãi đầu, ấp úng:

    - Thì vậy! Nhưng mà từ năm giờ trở đi, tao dạy nó nói đến tận tối mịt.

    Rồi tôi liếc Hồng Hoa, nhăn mặt trách:

    - Mày sao ưa bắt bẻ quá! Tao nói lộn có chút xíu mà mày cũng cãi tới cãi lui!

    Hồng Hoa cười:

    - Ai bảo anh nói lộn chi!

    Không thèm cãi nhau với nó, tôi rảo bước lại phía gốc khế cạnh giếng nước, nói:

    - Mày lại đây tao bảo nó chào mày cho nghe!

    Không đợi tôi gọi đến lần thứ hai, Hồng Hoa vội vã chạy lại đứng bên cạnh tôi.

    Tôi dòm con sáo, hắng giọng bảo:

    - Sáo ơi, chào đi!

    Con sáo của tôi hôm nay dễ thương hết biết! Tôi vừa nói xong, nó vui vẻ đáp lại liền:

    - Chào anh Kha! Chào anh Kha!

    Vừa chào nó vừa nhảy tưng tưng quang lồng cánh đập cả vào các thanh gỗ.

    Tôi khoái chí khen:

    - Giỏi lắm! Nhưng thôi, mày đừng chào tao nữa! Mày chào người đứng bên cạnh tao đây nè!

    Tôi chỉ tay vào người Hồng Hoa. Nhưng con sáo không thèm dòm tôi mà đưa mắt ngắm nghía mấy trái khế đong đưa trước mặt nó.

    Tôi kiên nhẫn nhắc:

    - Chào đi chứ! Hôm qua tao dạy mày những gì, mày còn nhớ không?

    Con sáo không màng trả lời tôi. Nó cứ nhảy qua nhảy lại, mắt thì nhìn tận đâu đâu, ra vẻ ta đây không còn nhớ gì hết, nhà ngươi đừng có mà hỏi han lôi thôi.

    Tôi giận tím ruột nhưng không biết làm sao. Hồng Hoa đứng bên cạnh hết nhìn con sáo lại quay sang nhìn tôi khiến tôi không dám liếc nó một cái.

    Suy tính một hồi, thấy không có cách nào hơn là năn nỉ, tôi đành phải cất giọng dịu dàng:

    - Sáo ơi, chào đi chứ! Mày ngoan lắm mà! Nói câu gì hôm qua tao dạy mày đó!

    Không biết cảm động trước cái giọng nịnh nọt của tôi hay vì nhảy lâu mỏi cẳng, con sáo của tôi liền đứng yên, cúi đầu nhìn xuống.

    Tôi mừng rơn, gạ:

    - Chào đi! Chào Hồng.. gì đó!

    Nghe tôi nhắc tuồng, con sáo hình như chợt nhớ ra. Nó liền hoan hỉ kêu lên:

    - Chào Hồng Hoa! Chào Hồng Hoa!

    Tôi thở phào và quay sang Hồng Hoa, giọng hí hửng:

    - Mày thấy chưa! Tao đã bảo con sáo của tao khôn lắm mà!

    Hồng Hoa tỏ ra thích thú không kém gì tôi. Nó nhìn con sáo bằng ánh mắt hân hoan và khen lấy khen để:

    - Con sáo ngoan ghê!

    Sự trầm trồ của Hồng Hoa khiến tôi nở từng khúc ruột.

    Nhưng tôi chưa kịp tận hưởng trọn vẹn niềm vui do sự thông minh của con sáo đem lại thì cũng chính nó, cái con sáo chết tiệt đó, đã chơi tôi một vố đau hơn trời giáng.

    Hồng Hoa mới vừa khen nó ngoan, lời khen chưa kịp tan trong gió, nó đã chứng minh ngược lại liền. Không biết có phải vì ghét Hồng Hoa về cái tội chưa biết gì về nó mà cũng bày đặt khen, hay vì giận tôi hôm qua bắt nó học đến mệt lử mà không chịu bắt cho nó một con cào cào nào, con sáo của tôi thình lình la to lên cái tiếng bậy bạ trước đây nó học được của anh Khánh.

    Tiếng kêu của nó bất ngờ như sét đánh ngang tai. Tôi bàng hoàng cả người, mặt đỏ như ớt chín. Tôi giận con sáo đến nỗi muốn lấy đá ném cho nó một phát vào đầu. Cái từ ngữ khủng khiếp kia đã lâu rồi tôi ít nghe nó nói, cứ tưởng nó sắp sửa quên béng đi rồi. Không ngờ nó chọn đúng lúc có mặt Hồng Hoa để đem cái tiếng ác ôn đó ra "chơi xỏ" tôi.

    Dòm sang bên cạnh, thấy Hồng Hoa đưa hai tay bịt lỗ tai lại, tôi như muốn chui ngay xuống đất.

    Mãi một lúc sau, Hồng Hoa mới chịu bỏ tay xuống. Và nó nhăn mặt liếc sang tôi, trách:

    - Anh dạy con sáo nói bậy!

    Tôi tặc lưỡi:

    - Tao đâu có dạy, tại nó bắt chước người ta.

    Hồng Hoa dòm tôi lom lom, giọng nghi ngờ:

    - Người ta nào? Em chỉ thấy con sáo chơi với một mình anh.

    Thấy nó cứ khăng khăng đòi lên án tôi, tôi đã tính buộc miệng kể tội của anh Khánh. Nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, tôi cảm thấy ngượng ngùng, bèn thôi. Và tôi nói một câu bâng quơ:

    - Tao đã nói con sáo bắt chước người ta, mày không tin thì thôi!

    Tôi vừa nói vừa nghiêm mặt lại. Thấy vậy, Hồng Hoa sợ hết hồn. Nó vội vàng mỉm cười:

    - Em tin.

    Tôi cũng cười theo:

    - Mày tin tao là đúng. Chứ hồi chơi với tao đến giờ, mày thấy tao nói bậy lần nào chưa?

    Hồng Hoa xịu mặt:

    - Em đã bảo em tin anh rồi mà! Hỏi hoài!

    Nói xong, Hồng Hoa lại cười ngay. Miệng nó cười tươi thật tươi. Và tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy hai lúm đồng tiền trên má nó. Những lúm đồng tiền trông có duyên đáo để. Vậy mà mấy bữa nay tôi không biết để chọc cho nó cười coi chơi!
     
  7. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 06

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hóa ra cái nghề.. tự do của mẹ Hồng Hoa là nghề bán cháo lòng.

    Tôi biết được điều đó hoàn toàn là do ngẫu nhiên.

    Một hôm, nhân mẹ tôi ra chợ, tôi lò dò đi theo để chọn mua cho mình một hộp chì màu vừa ý.

    Đang len lỏi giữa chợ, đột nhiên tôi nhìn thấy một con nhỏ trông quen quen đang ngồi rửa bát cạnh một gánh cháo lòng. Tôi bước lại gần, trố mắt dòm kỹ và mừng rỡ kêu lên:

    - Hồng Hoa!

    Nghe kêu, Hồng Hoa giật mình ngó lên. Thấy tôi, mặt nó thoáng lộ vẻ bối rối.

    - Anh đi đâu đây? - Nó hỏi, giọng không được tự nhiên.

    Tôi vui vẻ:

    - Tao đi chợ với mẹ tao. Tao định mua một hộp chì màu.

    Hồng Hoa ngó quanh:

    - Mẹ anh đâu?

    - Mẹ tao đằng kia kìa! - Tôi chỉ tay về phía quầy rau.

    Hồng Hoa nhìn theo tay chỉ của tôi:

    - Đâu?

    - Đó! Mẹ tao mặc áo đỏ đó!

    Hồng Hoa chép miệng:

    - Mẹ anh trông đẹp quá hén?

    - Ừ.

    Rồi tôi quay lại nhìn nó:

    - Mày làm gì ở đây vậy?

    Hồng Hoa đáp, vẻ ngượng nghịu:

    - Em phụ với mẹ em.. bán cháo.

    Tôi liếc người đàn bà đang ngồi trước gánh cháo, khẽ hỏi:

    - Mẹ mày đó hả?

    Hồng Hoa gật đầu.

    Đúng lúc đó mẹ Hồng Hoa quay lại và bắt gặp ánh mắt của tôi. Tôi liền gật đầu:

    - Chào bác.

    Mẹ nó mỉm cười:

    - Chào cháu. Cháu là bạn của Hồng Hoa hả?

    Tôi gật đầu, lí nhí:

    - Dạ.

    Và tôi liếc sang Hồng Hoa, cười bẽn lẽn.

    Nhưng hôm đó, tôi không nói chuyện với Hồng Hoa được nhiều. Hai đứa tôi mới hỏi han nhau dăm ba câu, mẹ tôi đã gọi giật:

    - Kha ơi! Lẹ lên chứ!

    Tôi đành phải chào hai mẹ con Hồng Hoa rồi hấp tấp rảo bước theo mẹ tôi.

    - Ai vậy? - Đợi tôi lại gần, mẹ tôi hỏi:

    - Bạn con.

    - Bạn cùng lớp hả?

    Phân vân một thoáng, tôi thấy nói thật không tiện, có khi bị mắng nữa không chừng, bèn gật đầu đại:

    - Dạ, bạn cùng lớp.

    Sau lần gặp gỡ bất ngờ đó, Hồng Hoa không đến khu vườn của tôi nữa. Suốt một tuần, chiều nào tôi cũng ngồi ngoài vườn đợi nó một cách vô vọng. Trong những thời khắc dài dằng dặc đó, bất cứ một tiếng động nhỏ nào cũng làm tôi giật mình ngoái cổ nhìn về phía hàng rào quen thuộc. Tôi cứ ngỡ là nó đến. Nhưng tiếp ngày sau đó, bao giờ tôi cũng rơi vào một nỗi thất vọng mênh mông.

    Tôi không thể tự giải thích được, vì sao Hồng Hoa lại "bỏ rơi" tôi trong nhiều ngày liên tiếp như vậy. Tôi cố nhớ xem tôi có làm gì để nó phải giận tôi không, nhưng tôi vẫn không tài nào nhớ ra. Hay là Hồng Hoa ốm? Đôi khi tôi đâm ra nghĩ ngợi vẩn vơ, trong đầu tưởng tượng toàn cảnh kinh hãi và thế là tôi bỗng lo cuống cả người.

    Nếu biết nhà Hồng Hoa ở đâu thì tôi đã tới tìm nó rồi. Đằng này, tôi mù tịt. Hôm trước tôi hỏi, nó chỉ bâng quơ ra đường, có trời mới biết.

    Chẳng biết làm gì để giải khuây, tôi lôi dế ra đá. Nhưng trò đá dế cũng chẳng khiến tôi vui lên được chút nào. Nếu trước đây, tôi say mê xem những con dế trổ tài bao nhiêu thì lúc này, những màn múa máy của chúng lại khiến tôi hờ hững bấy nhiêu. Những con cá vàng thong thả vẫy những chiếc đuôi dài trong khi uể oải lượn lờ trong bể trông càng đáng chán hơn. Trông chúng cứ lừ đừ làm sao! Tôi đã buồn, dòm bọn cá, tôi càng buồn hơn.

    Chỉ có con sáo tôi có thể tạm đánh bạn được trong lúc này.

    Nhờ cái miệng léo nhéo của nó mà khu vườn đỡ vắng vẻ và những buổi chiều bớt trống trải hơn. Nhưng con sáo của tôi lại không được tế nhị lắm. Thỉnh thoảng nó kêu lên lảnh lót "Chào Hồng Hoa, chào Hồng Hoa" khiến lòng tôi bâng khuâng khôn tả. Trái tim tao đâu phải bằng sắt, sáo ơi!

    Trong những buổi chiều đi tha thẩn một mình trong vườn như vậy, tôi chợt nhìn thấy mô đất nhỏ hôm trước Hồng Hoa bẻ cây cắm xuống như để "ếm bùa" tôi. Tôi dòm dỏ, quan sát một hồi vẫn không đoán ra cái mô đất đó là cái mô đất.. gì. Thoạt đầu, tôi định đào lên coi. Nhưng rồi tôi lại nghĩ dưới đó chắc chẳng có quái gì, đào bới chỉ tổ nhọc xác, bèn thôi.

    Không thèm nghiên cứu mô đất, tôi trèo lên nghiên cứu cây mận. Tôi nhớ hôm trước Hồng Hoa đã trèo lên ngắm nghía cái gì trên này. Tôi trèo lên tới chạc ba Hồng Hoa đứng hôm đó và lướt mắt dọc thân cây. Hóa ra trên cây có một hình vẽ, có lẽ được khắc bằng mảnh chai. Hình vẽ hình như được khắc từ khá lâu nên đường nét trông rất mờ nhạt. Cũng có những nét vẽ mới, còn tươi, chắc là do Hồng Hoa lấy móng tay rạch chồng lên.

    Tôi nheo mắt ngó một hồi vẫn không hiểu được hình vẽ đó là hình vẽ gì, bông hoa không ra bông hoa, mặt trời không ra mặt trời, chỉ toàn là những nét ngoằn ngoèo. Dòm một hồi mỏi mắt, tôi ôm cây tụt xuống, miệng lẩm bẩm: "Tưởng gì! Cái hình vẽ xấu hoắc mà nó cũng leo lên ngắm ngắm nghía nghía cả buổi!".

    Đúng vào lúc tôi sực nhớ đến khu chợ bữa trước và định chạy ra đó hỏi thăm tin tức về Hồng Hoa thì nó lại bất ngờ xuất hiện.

    Tiếng động khẽ phía hàng rào khiến tôi quay phắt lại và khi nhìn thấy Hồng Hoa đang lính quýnh chui ra khỏi mớ dây leo, tim tôi như muốn ngừng đập.

    Sau một thoáng bàng hoàng, tôi kêu lên mừng rỡ và định ùa chạy về phía nó. Nhưng ngay lúc đó, một nỗi giận hờn vô cớ không biết từ đâu dâng lên làm nghẹn cổ tôi và ghìm chân tôi lại. Và thế là tôi đứng im tại chỗ, môi mím chặt.

    Chui khỏi hàng rào, Hồng Hoa bước thẳng lại chỗ tôi đứng. Đi chưa tới nơi, nó đã láu táu hỏi, giọng vui vẻ:

    - Anh đang làm gì đó?

    Tôi càng mím chặt môi lại, không thèm trả lời.

    Hồng Hoa lại gần và khi phát hiện ra vẻ quạu quọ trên gương mặt tôi, nó lo lắng hỏi:

    - Anh sao vậy?

    Tôi cứ đứng trơ trơ, không hó hé nửa tiếng.

    Ngần ngừ một lát, Hồng Hoa lại cất giọng rụt rè:

    - Anh giận em hả?

    - Nhìn đôi mắt lo âu đến sắp khóc của nó, tôi cảm thấy nguôi nguôi được đôi chút, bèn đáp:

    - Ừ.

    - Em làm gì mà anh giận em? - Giọng Hồng Hoa buồn buồn.

    Tôi đáp, giọng giận dỗi:

    - Mày để tao chơi một mình cả tuần nay mà bảo là không làm gì!

    Hồng Hoa chớp mắt:

    - Em bận chứ bộ!

    Tôi khịt mũi:

    - Xạo đi mày! Mày trốn tao thì có!

    Vừa nói tôi vừa nhìn Hồng Hoa. Bắt gặp ánh mắt tôi, nó cúi nhìn xuống đất, không trả lời. Thấy vậy, tôi hỏi tới:

    - Mày trốn tao, đúng không?

    Hồng Hoa vẫn im lặng cắn môi. Thái độ của nó càng khiến tôi thắc mắc:

    - Nhưng tại sao mày lại trốn tao?

    Lúc đầu Hồng Hoa không chịu nói. Nó cứ lắc đầu hoài. Tôi phải gặng hỏi một hồi, nó mới ấp úng giải thích:

    - Tại em.. mắc cỡ.

    Giải thích như nó càng khó hiểu thêm. Tôi ngơ ngác:

    - Mắc cỡ chuyện gì?

    Hồng Hoa đỏ mặt:

    - Thì chuyện em.. bán cháo lòng ngoài chợ đó.

    Tôi phì cười:

    - Mày ngốc lắm! Bán cháo có gì phải mắc cỡ! Dì Sáu tao ở dưới quê cũng bán cháo vậy!

    Rồi tôi tặc lưỡi, hít hà:

    - Cháo lòng ngon thấy mồ! Tao thích ăn cháo lòng lắm!

    Hồng Hoa cười khúc khích:

    - Cháo lòng mà ngon?

    Tôi trợn mắt:

    - Chứ gì nữa!

    Hồng Hoa rùn vai:

    - Em chẳng thấy ngon chút nào! Hôm nào bán ế, mẹ cũng kêu em ăn. Ăn hoài ngán tận cổ!

    Tôi cười:

    - Đó tại mày ăn hoài. Lâu lâu ăn một lần như tao mới thấy ngon! - Rồi tôi nheo mắt nhìn nó - Hôm nào tao ra chợ ghé mày ăn nghen!

    Lời đề nghị của tôi khiến Hồng Hoa giật mình. Nó lắc đầu nguầy nguậy:

    - Thôi, thôi, không được đâu!

    - Sao lại không được?

    Hồng Hoa nhăn nhó:

    - Em bảo không được là không được chứ sao! Kỳ lắm!

    Tôi nhún vai:

    - Có gì đâu mà kỳ!

    Thấy tôi giở bài lì, Hồng Hoa nghinh mặt:

    - Anh mà ghé ra đó một lần, em nghỉ chơi anh luôn!

    Tới lượt tôi giật thót. Đòn của Hồng Hoa đúng là đòn độc. Tôi đành phải hạ giọng năn nỉ:

    - Tao nói đùa vậy thôi chứ tao không ra chỗ mày đâu! Mày đừng nghỉ chơi với tao nghen!

    - Ừ. Nhưng mà anh hứa đi!

    - Hứa gì?

    - Hứa không ra chỗ em.

    - Thì tao đã nói rồi. Tao hứa.

    Rồi tôi nhìn nó, nói:

    - Cả mày nữa, mày cũng phải hứa với tao.

    - Hứa sao?

    Tôi nghiêm giọng:

    - Hứa không được để tao chơi một mình nữa. Hứa chiều nào tao nghỉ học, mày cũng đến chơi với tao.

    Hồng Hoa cười tươi:

    - Em hứa.

    Khi Hồng Hoa cười, hai cái lúm đồng tiền lộ ra trên má trông dễ thương ác! Càng dễ thương hơn nữa sau khi nó đã hứa sẽ không "bỏ rơi" tôi như những ngày vừa qua, nó sẽ đến thăm khu vườn thường xuyên để tôi khỏi phải dài cổ trông chờ. Thấy tôi nhìn nó đăm đăm, Hồng Hoa hỏi:

    - Làm gì anh ngó sững em vậy?

    Tôi bâng khuâng:

    - Mày cười có mấy cái lúm đồng tiền trông dễ thương quá!

    Hồng Hoa "xí" một tiếng và xấu hổ quay mặt đi:

    - Em không thèm cười với anh nữa đâu!

    Tôi cười hì hì:

    - Kệ mày! Mày không cười thì tao chọc cho mày cười!

    Hồng Hoa ngúng nguẩy:

    - Em không cười!

    Nó nói vậy nhưng tôi biết nó không thể làm nghiêm với tôi được. Hễ tôi chọc là nó cười ngay, mặc dù trong lòng nó đang có lắm chuyện buồn.

    Đang nghĩ ngợi lan man, tôi sực nhớ đến cái mô đất khi nãy, liền hỏi:

    - €, mấy hôm nay tao quên hỏi mày! Cái mô đất đó là mô đất gì vậy?

    Hồng Hoa tỏ vẻ ngạc nhiên:

    - Mô đất nào?

    Tôi chỉ tay vào mô đất:

    - Mô đất này nè! Hôm trước tao thấy mày cắm mấy cái que gì đó!

    Hồng Hoa ấp úng:

    - €, đó là nấm mộ.

    Tôi giật thót:

    - Nấm mộ? Nấm mộ gì mà nhỏ xíu vậy?

    - Ừ.

    Tôi gãi đầu:

    - Ừ là sao? Mày chôn cái gì dưới đó vậy?

    - Em chôn con Mi-mi.

    - Mi-mi?

    Hồng Hoa nói, giọng buồn bã:

    - Ừ, đó là con mèo nhỏ của em. Nó ốm. Rồi nó chết. Em khóc suốt một tuần.

    Tôi không giấu được sự thắc mắc:

    - Nhưng tại sao mày lại chôn trong vườn của tao? Mà mày chôn khi nào?

    Hồng Hoa lộ vẻ bối rối. Nó trả lời, giọng lúng túng:

    - Em đâu có chôn nó.. ở đây. Em chôn nó trong khu vườn của em ở dưới quê. Nhưng nấm đất này lại trông giống hệt.. mộ của Mi-Mi.

    Lời giải thích của Hồng Hoa khiến tôi nhẹ nhõm cả người.

    Tôi thở phào:

    - Vậy mà tao cứ tưởng mày cắm mấy cây que để ếm bùa tao!

    Hồng Hoa tròn mắt:

    - Em ếm bùa anh làm gì?

    Tôi ngớ người ra:

    - Thì tao đâu có biết! Tao chỉ tưởng vậy thôi!

    Hồng Hoa lườm tôi:

    - Tưởng gì kỳ vậy?

    Tôi chỉ biết nhe răng cười. Rồi tôi lại hỏi:

    - Còn hình vẽ trên cây mận?

    - Sao?

    - Hình vẽ gì vậy?

    - Em đâu có biết.

    Tôi nhăn mặt:

    - Xạo đi mày! Hôm trước tao thấy mày trèo lên cây mày xem rõ ràng!

    - Thì em có xem.

    Tôi hỏi, giọng nghi ngờ:

    - Như vậy mày phải biết đó là hình gì và do ai vẽ chứ?

    Hồng Hoa lắc lắc mái tóc:

    - Làm sao em biết được? Em trèo lên cây mận chơi và tình cờ nhìn thấy hình vẽ vậy thôi!

    Tôi tặc lưỡi:

    - Chỉ vậy thôi hả?

    - Ừ, vậy thôi!

    Tôi thở một hơi dài. Hóa ra nó cũng chẳng biết gì về xuất xứ của hình vẽ lạ lùng kia. Nó cũng giống như tôi thôi. Vậy mà hôm trước nó làm ra vẻ lén lén lút lút trông phát ớn. Hình vẽ lại xấu tệ, thế mà nó cứ thích thú đứng xem cả buổi. Thật tôi chưa thấy ai kỳ cục hơn con nhỏ này. Ba mẹ tôi và anh Khánh mỗi khi nổi dóa lên thường mắng tôi là thằng khùng, nhưng xem ra Hồng Hoa còn khùng hơn tôi.
     
  8. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Kể từ hôm hứa với tôi, Hồng Hoa đến thăm khu vườn của tôi khá thường xuyên. Trừ các buổi chiều tôi đi học, các buổi chiều còn lại Hồng Hoa đều đến chơi với tôi. Cuộc sống của tôi trong những ngày này bỗng thay đổi hẳn, nó trở nên ấm áp và đẹp đẽ biết bao! Cả khu vườn cũng vậy. Dường như lá xanh hơn, còn gió thì reo vui suốt ngày trên những vòm lá biếc.

    Chúng tôi càng ngày càng thân nhau hơn. Tôi bê cả chồng sách ra vườn và chúng tôi nằm lăn ra bãi cỏ, mỗi đứa một cuốn sách trong tay, say mê đọc đến khi những dòng chữ nhòe đi trong bóng chiều chập choạng. Những lúc đó, mải cắm đầu vào trang sách, không ai nói với ai một lời nào, chỉ có tiếng lá xạc xào đuổi nhau trên cỏ, nhưng không hiểu sao lòng tôi dâng lên một cảm giác hân hoan khó tả và tôi cứ mong cuộc sống ngưng đọng lại mãi ở giây phút êm đềm này.

    Cũng có khi tôi và Hồng Hoa chụm đầu vào đọc chung một cuốn sách. Hồng Hoa nghỉ học từ hồi lớp năm nên nó đọc chậm rì. Đọc xong một trang sách, lần nào tôi cũng phải chờ nó đọc xong phần của nó mới được giở qua trang kế tiếp. Đợi một hồi, sốt ruột, tôi lại phải giục:

    - Đọc lẹ lên chút coi!

    Hồng Hoa bao giờ cũng trả lời bằng câu:

    - Anh chờ em chút xíu nữa đi! Gần xong rồi!

    Tôi nhăn nhó:

    - Gần xong đâu mà gần xong! Mày đọc lâu thấy mồ!

    Hồng Hoa nuốt nước bọt:

    - Gần xong thật mà! Còn chừng bảy, tám dòng nữa thôi!

    Bảy tám dòng của nó bằng bảy, tám chục dòng của người ta. Và thế là tôi lại gắt:

    - Đọc sách chung với mày chán ơi là chán! Mày đọc cứ như rùa bò!

    Thấy tôi nổi cáu, Hồng Hoa chớp mắt, giọng biết lỗi:

    - Ừ, thôi anh lật qua trang mới đi!

    Tôi liếc nó, áy náy:

    - Nhưng mày đã đọc xong đâu?

    Hồng Hoa mỉm cười:

    - Kệ nó! Em đọc chừng đó cũng được rồi!

    Nghe cái giọng hiền hòa của nó, lòng tôi tự dưng mềm hẳn đi. Tôi chẳng còn buồn giục nó nữa:

    - Thôi, mày cứ đọc cho xong đi! Tao chờ thêm một chút nữa vậy!

    Hồng Hoa khẽ lắc đầu:

    - Anh cứ lật qua đọc đi! Đừng đợi em! Em đọc chậm lắm!

    Tôi lại gắt:

    - Tao đã bảo tao đợi mày là tao đợi kia mà! Mày chưa đọc xong, tao cũng chẳng thèm đọc phần của tao đâu!

    Trước sự nạt nộ của tôi, Hồng Hoa không dám hé môi nói lại nửa tiếng. Nó đành im lặng cúi xuống đọc tiếp.

    Trong khi chờ đợi, tôi ngả đầu trên cỏ, vẩn vơ nhìn những con chim sâu nhỏ hơn nắm tay vừa thoăn thoắt chuyền cành vừa kêu lích chích luôn mồm. Đôi khi tôi lại thích thú nhìn ngắm những tia nắng nhấp nháy trên vòm lá, những lúc như vậy tôi cố tình nheo mắt lại để thấy những tia nắng trở nên lung linh hơn.

    Thỉnh thoảng, tôi liếc sang Hồng Hoa. Mặc dù ngoài miệng bảo đợi nhưng thấy nó dò dẫm từng chữ trên trang sách, không biết đời nào mới xong, tôi không nén được tiếng thở dài ngán ngẩm.

    Rốt cuộc, không thể nào kiên nhẫn hơn được, tôi đành lên tiếng đề nghị:

    - Thôi để tao đọc cho mày nghe hén?

    Hồng Hoa mở to mắt:

    - Anh đọc?

    Tôi gật đầu:

    - Ừ, tao đọc. Tao sẽ đọc to lên cho hai đứa cùng nghe, mày chịu không?

    Hồng Hoa chịu liền. Nó gật đầu, mặt mày hớn hở.

    Thế là từ hôm đó, chiều nào tôi cũng đọc sách cho Hồng Hoa nghe. Khi thì ngồi trên thành giếng, khi tựa lưng vào gốc mận, lúc lại nằm dài trên cỏ, Hồng Hoa luôn luôn xúm xít bên tôi. Sách mở trên tay, tôi vừa đọc vừa cố sửa giọng cho diễn cảm, còn Hồng Hoa thì nghểnh cổ nghe, chốc chốc lại tặc lưỡi xuýt xoa.

    Đọc sách cho Hồng Hoa nghe vài lần, tôi đã biết rõ tính nó. Nó chỉ thích các câu chuyện có hậu trong đó người tốt luôn luôn thắng còn kẻ xấu bao giờ cũng thua. Lần nào cũng vậy, hễ tôi đọc tới chỗ nhân vật tốt lâm nạn hay gặp phải những nghịch cảnh là nó bắt đầu khụt khịt mũi. Cái giọng sụt sịt lẵng nhẵng của nó nhiều lúc khiến tôi phát bực, phải gắt lên:

    - Mày có im đi không! Mày cứ làm ầm ĩ như vậy làm sao tao đọc tiếp được!

    Thấy tôi nổi khùng, Hồng Hoa đưa tay quệt nước mắt và cố mím chặt môi lại để khỏi bật ra tiếng nấc. Dòm điệu bộ của nó, tôi thấy tội tội, bèn an ủi:

    - Mày ngốc quá! Có gì đâu mà khóc! Tới đoạn này thì thằng Hạt Tiêu bị bắt cóc nhưng lát nữa tới phần sau, người ta đã cứu nó ra rồi và nó lại trở về với mẹ nó. Còn bọn cướp thì bị tóm sạch không sót một tên.

    Hồng Hoa tươi ngay nét mặt. Nó mỉm cười và nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:

    - Thật không? Sao anh biết?

    Tôi nhún vai:

    - Tao đã đọc cuốn này cả chục lần, sao lại không biết!

    Hồng Hoa có vẻ bẽn lẽn:

    - Vậy mà em cứ lo lo..

    Nhờ tôi kể trước đoạn kết, Hồng Hoa mới thôi sụt sùi và lặng yên nghe tôi đọc tiếp.

    Nhưng đọc sách hoài cũng chán, chúng tôi chuyển sang trò chơi khác. Tôi rủ Hồng Hoa:

    - Tao với mày chơi đá dế đi! Mày một con tao một con, đá nhau xem bên nào thắng!

    Nào ngờ Hồng Hoa lắc đầu:

    - Thôi, em không chơi trò đá dế đâu!

    Tôi ngạc nhiên:

    - Sao vậy?

    Hồng Hoa cười:

    - Con gái ai lại chơi trò đó!

    Tôi hừ giọng:

    - Có sao đâu! Con gái con trai gì chơi chẳng được!

    Nhưng Hồng Hoa tỏ ra chẳng mê trò đá dế của tôi chút nào. Nó vẫn một mực từ chối:

    - Với lại, xem hai con dế đá nhau em thấy ghê ghê làm sao!

    - Có gì đâu mà ghê! Tại mày là con gái, mày nhát gan đó thôi!

    Tôi có ý nói khích nó để nó đồng ý chơi với tôi. Không ngờ nó gật đầu, giọng thản nhiên:

    - Ừ, em nhát gan hồi nào đến giờ.

    Tôi đành thở dài xuôi xị:

    - Vậy thì thôi!

    Sợ tôi buồn, Hồng Hoa lại rụt rè đề nghị:

    - Hay mình chơi đá gà đi!

    Tôi trố mắt:

    - Gà đâu mà đá?

    - Không phải là gà thật! - Hồng Hoa chớp mắt - Đá gà là đá cỏ gà ấy mà!

    Tôi bĩu môi:

    - Tưởng gì! Cái trò này hồi ở dưới quê tao chơi hoài!

    Nói vậy nhưng tôi vẫn cùng với Hồng Hoa lom khom đi tìm cỏ gà quanh giếng đá và dọc các hàng rào. Trong vườn tôi, cỏ gà không nhiều nhưng một lát sau, hai đứa cũng hái được ba, bốn cọng.

    Không biết sao Hồng Hoa nó gặp hên quá chừng. Các cọng cỏ gà trên tay nó cọng nào cọng nấy trông dẻo dai và chắc nịch, còn các cọng của tôi thì nom èo uột chẳng ra làm sao. Quả đúng như tôi lo ngại, đá nhau một hồi, những "con gà" của tôi rụng đầu ráo trọi.

    Hồng Hoa toàn thắng, bèn hí hửng rủ tiếp:

    - Chơi nữa không?

    Tôi vứt cọng cỏ xơ xác còn nằm trên tay xuống đất, giọng gây sự:

    - Tao không thèm chơi với mày nữa đâu! Mày ăn gian!

    Hồng Hoa tròn mắt:

    - Em ăn gian hồi nào?

    Tôi cộc lốc:

    - Hồi nãy.

    Hồng Hoa thấp thỏm:

    - Hồi nãy là hồi nào?

    Tôi nhún vai và quay mặt đi:

    - Hồi nãy là hồi đi hái cỏ gà chứ hồi nào! Mày giành mày hái toàn cọng lớn, chỉ chừa cho tao những cọng bé xíu.

    Nghe tôi trách, Hồng Hoa có vẻ áy náy:

    - Em đâu có giành với anh! Em với anh cùng hái kia mà!

    Tôi lúng túng chép miệng:

    - Thì mày không giành! Nhưng mày khôn mày hái toàn cọng lớn!

    Thấy tôi cứ nằng nặc kết tội nó, Hồng Hoa bối rối phân trần:

    Thì nhìn thấy cỏ gà là em bứt đại, em có lựa cọng lớn cọng nhỏ gì đâu!

    Khi nãy cùng đi hái chung, quả là tôi chẳng thấy nó lựa chọn gì thật. Nhưng không hiểu sao nó lại vớ được những cọng cỏ ngon lành quá xá! Chắc là tại nó "mát tay" hơn tôi, nói theo kiểu ngoại tôi thường nói. Nghĩ vậy, nỗi hờn dỗi trong lòng tôi bay biến đâu mất. Và tôi liền dịu giọng "giải oan" cho nó:

    - Ừ thì mày không lựa.

    Hồng Hoa mừng quýnh:

    - Vậy là em không ăn gian hén?

    Tôi hiền khô:

    - Ừ, không ăn gian.

    Hồng Hoa hắng giọng:

    - Vậy thì anh quay mặt lại đi!

    Tôi quay mặt lại và thấy Hồng Hoa đang cười khoe hai cái lúm đồng tiền. Tôi liền nhe răng cười theo, lòng nhẹ nhõm. Nhưng dường như Hồng Hoa muốn làm tôi cụt hứng cho bõ ghét chơi. Nó đột ngột rủ:

    - Chơi tiếp hén?

    Tôi giật thót, nụ cười biến mất:

    - Đá cỏ gà nữa hả?

    - Ừ, - Hồng Hoa gật đầu, rồi hình như kịp nhận ra nỗi kinh hoàng trong mắt tôi, nó vội vàng trấn an - Nhưng lần này, hái xong, mình chia đều cọng lớn cọng nhỏ cho hai bên.

    Tôi thở phào như người sắp chết đuối vớ phải cái phao. Tuy nhiên, không muốn để lộ cho Hồng Hoa thấy sự mừng rỡ quá đáng của mình, tôi làm bộ gật gù:

    - Ừ, mày muốn vậy cũng được!

    Hồng Hoa chẳng buồn để ý đến bộ tịch vờ vịt của tôi. Đối với nó, hễ tôi vui là nó vui rồi. Vì vậy, vừa thấy tôi bằng lòng chơi tiếp, nó đã hớn hở nắm tay tôi kéo đi:

    - Giờ anh với em đi tìm cỏ gà nữa hén!

    Thế là tôi với nó lại lui cui đi hái cỏ gà và đá đến tận tối mịt.

    Nhưng trò chơi Hồng Hoa thích nhất vẫn là trò chuyện với con sáo trên cây khế. Con sáo của tôi dạo này tỏ ra thân thiết với Hồng Hoa lắm. Bây giờ không cần tôi phải nhắc, hễ thấy mặt Hồng Hoa là nó bô bô "Chào Hồng Hoa" khiến Hồng Hoa thích chí vô cùng. Gặp tôi, con sáo cũng chào nhưng kiểu chào của nó trông thờ ơ phát ghét. Lúc vui nó nói "Chào anh Kha", lúc buồn nó kêu "Chào anh Khánh". Nó cứ lầm lẫn muôn đời.

    Hồng Hoa đã dạy cho con sáo thêm nhiều câu mới. Bây giờ con sáo đã nói được "tối rồi", "cười đi".. Nó còn nói "nghỉ chơi anh ra". Cứ mỗi lần nó nói câu đó, Hồng Hoa lại ôm bụng cười ngặt nghẽo. Không hiểu sao trước một ông thầy oai phong như tôi, con sáo học tập có vẻ uể oải và lơ đễnh. Ngược lại, trước cái giọng thủ thỉ nghe phát chán của Hồng Hoa, nó lại tỏ ra ngoan ngoãn hết biết. Thậm chí mới đây, Hồng Hoa còn tập cho nó hát. Và khi nghe nó bập bẹ câu "Đào vừa ra hoa.." trong bản Ca-chiu-sa, tôi đã trố mắt lên vì ngạc nhiên và thích thú.

    Trong những ngày này, khu vườn của tôi giống như một thiên đường nhỏ bé. Ở đó, tuổi thơ của tôi và Hồng Hoa đã tình cờ gặp nhau và sự hồn nhiên, tấm lòng trong sáng cùng mối đồng cảm với thiên nhiên đã khiến chúng tôi mỗi ngàt thêm quyến luyến nhau hơn.
     
  9. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Suốt một thời gian dài, tôi với Hồng Hoa chỉ chơi loanh quanh ở ngoài vườn. Hồng Hoa chưa bao giờ đặt chân vào nhà tôi và tôi có cảm giác Hồng Hoa dường như e ngại điều đó.

    Có lần tôi rủ:

    - Tao với mày vô nhà chơi đi!

    Hồng Hoa lắc đầu:

    - Thôi, em không vô nhà đâu! Chơi ở ngoài vườn thích hơn!

    - Nhưng vô nhà tao cho mày xem bể cá của tao. Xem xong, chạy ra liền.

    Hồng Hoa tỏ vẻ ngần ngừ:

    - Vô sao được mà vô! Mẹ anh biết em chui hàng rào mẹ anh la chết!

    Tôi nhún vai:

    - Tưởng gì! Nếu muốn cho mẹ tao khỏi la thì dễ ợt! Bây giờ mày chui trở ra rồi chạy vòng đến đằng trước nhà, tao sẽ đón mày vô. Mẹ tao đâu có biết.

    Hồng Hoa vẫn lắc đầu:

    - Em không vô đâu.

    - Sao vậy?

    - Thì em không thích chứ sao!

    Tôi nổi sùng:

    - Bộ mày chê nhà tao hả?

    Hồng Hoa chớp mắt:

    - Em đâu có chê nhà anh.

    - Vậy sao mày không vô nhà chơi?

    Hồng Hoa ấp úng:

    - Tại em.. thích chơi ngoài vườn hơn.

    Tôi hắng giọng:

    - Thì tao cũng thích chơi ngoài vườn vậy! Nhưng đây là tao với mày xem bể cá. Xem chút xíu thôi. Rồi lại chạy ra vườn.

    Đề nghị của tôi chẳng lay chuyển được Hồng Hoa tí ti. Nó liếc tôi, nói:

    - Vậy sao anh không bê bể cá ra đây?

    Tôi tức điên:

    - Bê sao được mà bê! Bể cá nặng ì, mỗi lần đem đi đâu, tao toàn phải nhờ người lớn bê giùm.

    Hồng Hoa chép miệng:

    - Vậy thì thôi.

    Tôi trố mắt:

    - Thôi là sao?

    Hồng Hoa tỉnh khô:

    - Thôi thì khỏi xem bể cá chứ sao!

    Thái độ bướng bỉnh của Hồng Hoa khiến tôi giận phát khóc. Tôi vùng vằng quay mặt đi chỗ khác và không thèm nói chuyện với nó suốt cả tiếng đồng hồ. Thấy tôi giận dỗi ghê quá, Hồng Hoa sợ xanh cả mặt. Nó cứ cầm tay tôi lay lay và năn nỉ luôn miệng:

    - Thôi đừng giận em nữa!

    Hồng Hoa năn nỉ tôi hàng trăm câu, nhưng chẳng có câu nào nhắc đến chuyện vô nhà xem bể cá, vì vậy tôi càng giận và mặt mày mỗi lúc mỗi lầm lì tợn. Chẳng biết làm sao, cuối cùng Hồng Hoa đành phải chạy lại cầu cứu con sáo. Nghe nó xúi giục một hồi, con sáo của tôi liền hùa theo nó, ré lên "cười đi! Cười đi!". Thế là tôi bật cười. Tức ghê!

    Lần khác, tôi khoe với Hồng Hoa căn phòng của tôi. Tôi nói:

    - Lên phòng tao chơi không? Phòng tao đẹp lắm!

    Hồng Hoa nheo mắt:

    - Phòng anh có những gì?

    Tôi ấp úng:

    - Phòng tao hả? Phòng tao cũng chẳng có gì.. đặc biệt. Cũng bàn, cũng ghế, cũng tủ.. như người ta thôi.

    - Vậy sao anh bảo đẹp?

    Tôi tặc lưỡi:

    - Tao nói đẹp là tao nói chuyện khác. Phòng tao có cửa sổ mở ra vườn.

    Hồng Hoa gật gù:

    - Vậy là anh ở căn phòng tuốt phía sau?

    Tôi vui vẻ:

    - Ừ, tao ở căn phòng phía sau. Đứng chỗ cửa sổ phòng tao, mày có thể nhìn thấy rõ những ngọn cây trong vườn.

    Hồng Hoa buột miệng khen:

    - Thích quá hén!

    Tôi liếc nó:

    - Mày lên chơi không?

    Hồng Hoa không trả lời câu hỏi của tôi. Nó trầm ngâm một lát rồi lại hỏi:

    - Cửa sổ phòng anh có nan hoa bằng sắt không?

    - Có.

    - Nan hoa bằng ngôi sao phải không?

    - Ừ. Sao mày biết? - Tôi ngạc nhiên.

    Hồng Hoa cắn môi:

    - Em chỉ đoán vậy thôi! Nhà bạn em cũng có khung cửa sổ y hệt vậy.

    Tôi tò mò:

    - Nhà bạn mày ở đâu?

    - Ở đằng kia kìa! - Hồng Hoa vung tay chỉ bâng quơ ra đường theo cái kiểu cách mơ hồ trước nay của nó rồi không để tôi kịp gặng hỏi, nó nói tiếp - Nhà bạn em cũng hai tầng, có cầu thang hình vòng cung chạy sát tường.

    Tôi reo lên:

    - Cầu thang nhà tao cũng in hệt như vậy! Ngộ quá hén!

    Hồng Hoa nhún vai:

    - Thì em đã bảo hai ngôi nhà giống nhau mà lại!

    Tôi hắng giọng:

    - Thế mày có biết cầu thang nhà bạn mày có bao nhiêu bậc không?

    - Sao lại không biết! Lần nào lên xuống cầu thang mà em chẳng đếm!

    Tôi hồi hộp:

    - Thế bao nhiêu bậc?

    - Hai mươi bốn bậc.

    Tôi thè lưỡi:

    - Đúng là nhà bạn mày giống hệt nhà tao. Cầu thang nhà tao cũng hai mươi bốn bậc.

    Từ khi phát hiện ra Hồng Hoa có một người bạn và người bạn của nó lại có một ngôi nhà xinh đẹp không khác gì ngôi nhà của tôi, tự dưng tôi đâm ra cụt hứng, không tha thiết đến chuyện rủ Hồng Hoa vào nhà chơi nữa. Tôi định khoe khoang căn phòng của mình, hóa ra nó đã từng chơi hằng giờ trong một căn phòng giống y như vậy. Đang chán nản, chợt tôi sáng mắt lên:

    - Nhưng cửa sổ ở nhà bạn mày chắc gì mở ra vườn?

    - Cũng mở ra vườn.

    Câu trả lời thản nhiên của Hồng Hoa khiến tôi thất vọng ghê gớm. Tôi hỏi, giọng chán nản:

    - Nhà bạn mày cũng có vườn giống như nhà tao hả?

    - Ừ.

    Tôi cố vớt vát:

    - Nhưng khu vườn của tao dù sao cũng đẹp hơn chứ?

    Hồng Hoa lắc đầu:

    - Hai khu vườn đẹp bằng nhau.

    Thấy Hồng Hoa không chịu bênh vực khu vườn của tôi, tôi nổi đóa:

    - Vậy sao mày không chơi ở nhà bạn mày, đến đây làm chi?

    Hồng Hoa thở dài. Nó nói, giọng buồn thiu:

    - Từ lâu rồi bạn em đâu còn ở đó nữa!

    Tôi trợn tròn mắt:

    - Ủa sao vậy? Bộ bạn mày bán nhà dọn đi nơi khác hả?

    Hồng Hoa không đáp mà lặng lẽ nhìn xuống đất. Bao giờ buồn bã, nó cũng nhìn xuống đất. Tôi nhìn nó, giọng bâng khuâng:

    - Nếu bạn mày đã bán nhà thì mày đến đây chơi với tao, có gì mà phải buồn!

    Hồng Hoa ngước nhìn tôi bằng ánh mắt long lanh:

    - Anh cho em đến đây chơi hoài hoài nghen?

    - Ừ, chơi hoài hoài!

    - Anh hứa đi!

    - Hứa gì?

    - Hứa cho em đến đây chơi hoài hoài.

    Tôi khịt mũi:

    - Cần gì phải hứa! Trước nay mày chẳng đến đây chơi hoài là gì!

    Hồng Hoa chớp mắt:

    - Nhưng còn mai mốt?

    - Mai mốt sao?

    - Mai mốt biết đâu anh không cho em đến chơi nữa!

    Tôi mỉm cười:

    - Làm gì có chuyện đó! Tao mong mày đến chơi với tao thấy mồ!

    Hồng Hoa vẫn chưa yên tâm. Nó dòm tôi lom lom:

    - Biết đâu mai mốt anh có nhiều bạn mới, lúc đó anh sẽ không chới với em nữa!

    Tôi hừ mũi:

    - Cần gì phải mai mốt! Bây giờ tao cũng có cả đống bạn vậy! Nhưng tao vẫn thích chơi với mày hơn.

    Hồng Hoa lộ vẻ sung sướng:

    - Thật không?

    - Thật.

    - Tại sao anh lại thích chơi với em? - Hồng Hoa nheo mắt tinh nghịch hỏi.

    Tôi chép miệng:

    - Tại vì mày thích dạo chơi trong vườn như tao. Mày cũng thích nhặt hoa khế thả vào lòng giếng. Mày biết.. trèo cây. Rồi.. rồi mày cũng thích nằm lăn ra trên cỏ như tao, không sợ dơ quần áo..

    Nghĩ ngợi loay hoay một hồi, tôi đâm ra bối rối chẳng biết phải kể thêm gì nữa. Tôi ú ớ vài ba tiếng rồi tắc tịt, đành quay sang Hồng Hoa, nhe răng cười.

    Hồng Hoa chắc cũng chẳng cần tôi kể nhiều thêm nữa. Chỉ riêng việc tôi thú nhận tôi thích chơi với nó, và khen nó có nhiều điểm giống tôi, đủ khiến mặt mày nó rạng rỡ lên rồi. Vì vậy, vừa thấy tôi quay sang cười với nó, nó liền đáp lại bằng một nụ cười còn tươi gấp mấy lần nụ cười.. ruồi của tôi.

    Nhìn nụ cười xinh như hoa của nó, tôi chợt nhớ ra:

    - Tao thích chơi với mày còn vì nụ cười lúm đồng tiền của mày nữa. Mày cười dễ thương ghê!

    Đang cười, nghe tôi khen, Hồng Hoa lập tức mím môi lại. Nhưng rồi không nhịn được, nó lại bật cười khúc khích. Nhưng lần này, nó ngó lơ đi chỗ khác. Tôi vẫn đứng yên, lặng lẽ nhìn Hồng Hoa từ phía sau. Bất giác tim tôi như thót lại khi những tia nắng chiều đột ngột xuyên qua kẽ lá và phủ quanh mái tóc Hồng Hoa một đường viền sáng lung linh và rực rỡ đến nao lòng. Trước mắt tôi, mái tóc Hồng Hoa dường như đang bốc cháy. Xa hơn nữa mới là hoàng hôn.
     
  10. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chạy lại, khoe:

    - Lẹ lên, tao cho mày xem cái này nè!

    - Cái gì vậy? - Hồng Hoa tò mò hỏi, giọng thích thú.

    - Con sáo.

    - Con sáo sao?

    - Thì lại đây đi!

    Vừa nói tôi vừa nắm tay Hồng Hoa hấp tấp kéo lại chỗ gốc khế. Chúng tôi chạy chưa tới nơi, con sáo đã nhanh nhẩu cất tiếng chào. Nhưng nó chỉ chào mỗi Hồng Hoa, còn tôi thì nó chẳng thèm đếm xỉa tới. Tôi đã quen với cái trò "nịnh đầm" của nó nên chẳng buồn giận dỗi. Tôi chỉ nhắc:

    - Còn tao nữa chi!

    Con sáo vừa nhảy nhót vừa liếc tôi, ý chừng đang cân nhắc xem có nên chào tôi không. Sau một hồi lưỡng lự, nó tỏ ra biết điều:

    - Chào anh Kha!

    Tôi khoái chí, nhắc tiếp:

    - Còn cái câu gì tao mới dạy mày hôm qua đó!

    Con sáo đứng nghệch mặt, ra chiều ngẫm nghĩ. Dòm bộ tịch của nó, tôi đoán chắc nó đứng tới già cũng không nhớ ra cái câu tôi vừa dạy. Tôi đành phải gỡ bí cho nó:

    - Dễ.. dễ.. dễ.. gì?

    Như sực nhớ ra, con sáo liền buột miệng:

    - Dễ thương ghê!

    Chỉ đợi có vậy, tôi quay sang Hồng Hoa, cười toe:

    - Nó khen mày đó!

    Hồng Hoa nửa thinh thích nửa mắc cỡ. Nó lườm tôi:

    - Anh dạy nó câu gì đâu không!

    - Vậy mà gì đâu! Nó..

    Đang nói, thốt nhiên tôi nhìn sững gương mặt Hồng Hoa, ngạc nhiên hỏi:

    - Mặt mày bị sao vậy?

    - Bị gì đâu?

    Tôi chỉ tay vôi vết bầm trên má nó:

    - Vậy mà kêu không! Bầm tím đây nè!

    Hồng Hoa đưa tay xoa xoa vết bầm, lúng túng:

    - €, cái này là.. do em bị té.

    Tôi bán tính bán nghi:

    - Thật không? Mày té ở đâu vậy?

    - Em té ở nhà.

    Câu trả lời của Hồng Hoa khiến tôi càng thắc mắc:

    - Ở nhà mà té? Tao không tin!

    - Thật mà.

    - Mày nói xạo! Chắc là mày đánh nhau với ai!

    Hồng Hoa chớp mắt: - Em đâu có biết đánh nhau.

    Tôi tặc lưỡi:

    - Nếu vậy chắc có ai đánh mày.

    Lần này Hồng Hoa không cãi. Nó đứng im. Tôi càng nghi:

    - Ai đánh mày phải không?

    Hồng Hoa vẫn không hé môi. Chỉ có đôi mắt nó rưng rưng. Như vậy đúng là nó bị ai đánh rồi! Tôi nhủ thầm và lo lắng hỏi:

    - Ba mày đánh mày phải không?

    Hồng Hoa khẽ lắc đầu.

    - Hay mày bị mẹ đánh?

    Hồng Hoa vẫn lắc đầu.

    Tôi nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của nó, giọng hoang mang:

    - Vậy chứ ai?

    Hồng Hoa im lặng một lúc rồi thẩn thờ đáp:

    - Anh Quý em.

    Tôi thở dài:

    - Hóa ra là anh mày! Mày có một ông anh mà tao đâu có biết!

    Hồng Hoa khịt mũi:

    - Anh Quý không phải là anh ruột em. Anh Quý là con ông bác.

    Tôi gật gù:

    - Thì ra vậy! - Rồi tôi mím môi, hỏi - Bộ thằng đó hung hăng lắm hả?

    Hồng Hoa nhăn mặt:

    - Anh em mà anh gọi là thằng đó!

    Tôi hừ mũi:

    - Tao cứ gọi nó là thằng! Ai bảo nó đánh mày chi! - Tôi liếc Hồng Hoa, mắt nheo nheo - Nó đánh mày thì lần sau nó đến chơi, mày đừng cho nó vô nhà.

    - Nhà nào?

    - Thì nhà mày chứ nhà nào! Mày hỏi lãng xẹt!

    Giọng Hồng Hoa bùi ngùi:

    - Em đâu có nhà! Gia đình em hiện nay đang ở đậu nhà ông bác kia mà!

    Tôi sửng sốt:

    - Chứ nhà mày đâu?

    - Thì em đã nói anh nghe rồi! - Giọng Hồng Hoa thoáng lộ vẻ bối rối - Nhà em ở.. dưới quê!

    Tôi sực nhớ ra:

    - €, mày có nói mà tao quên! - Rồi tôi thở dài, chép miệng - Nhà mày khổ quá hén!

    Câu nói của tôi có lẽ khiến Hồng Hoa động lòng. Những giọt nước lệ nãy giờ kềm giữ bỗng trào ra khỏi mắt và chảy thành giòng trên má nó. Trước tình cảm đó, tôi không dám nhìn Hồng Hoa mà vội đưa mắt ngó vẩn vơ lên tàng cây mận. Trên đó, những chiếc lá nằm im phắt, không buồn cựa mình, dường như chúng đang lặng lẽ lắng nghe câu chuyện buồn bã của Hồng Hoa.

    Mắt vẫn không rời những chiếc lá trên cao, tôi bồi hồi hỏi:

    - Sao nó đánh mày?

    Tiếng Hồng Hoa sụt sịt bên tai tôi:

    - Ảnh giật sách của em, em không cho. Thế là ảnh đẩy em đập mặt vào cạnh bàn.

    Tôi nghe Hồng Hoa nói mà bụng cứ tức sôi lên. Không biết làm gì cho nguôi ngoai, tôi quay ra cằn nhằn Hồng Hoa:

    - Nó giật sách của mày thì mày cứ đưa đại cho nó! Ai bảo mày giật lại chi cho nó đánh mày!

    - Thì những lần trước ảnh giật em đâu có cản. Nhưng đây là cuốn "Cu Li Lùn" anh cho em mượn.

    Tôi hắng giọng:

    - Mày ngốc quá! Sách của tao thì cũng như sách của mày thôi. Đọc xong, nó trả lại chứ lo gì!

    Hồng Hoa đưa tay quệt nước mắt, nói:

    - Ảnh không có trả lại đâu!

    Tôi ngạc nhiên:

    - Sao lại không trả? Không trả thì nó làm gì?

    - Ảnh toàn là đem vứt ở đâu đâu! - Hồng Hoa buồn bã đáp - Có khi ảnh xé đôi cuốn sách rồi ném vào thùng rác.

    Tôi nghiến răng:

    - Đồ mất dạy!

    Khi nỗi tức tối đã lắng dịu bớt, tôi nhìn thẳng vào mặt Hồng Hoa, giọng băn khoăn:

    - Chắc là thằng đó nó không ưa mày phải không?

    Hồng Hoa lặng lẽ gật đầu.

    - Mày có gây sự gì với nó không?

    - Không! Em có làm gì ảnh đâu!

    Tôi phân vân hỏi:

    - Vậy sao nó ghét mày dữ vậy?

    Hồng Hoa có vẻ ngần ngừ trước câu hỏi của tôi. Nó ấp a ấp úng định trả lời nhưng rồi cuối cùng nó im bặt. Tôi càng sốt ruột:

    - Sao vậy?

    Hồng Hoa đỏ mặt, giọng ngập ngừng:

    - Ảnh bảo em là đồ.. không nhà không cửa, sống bám gia đình ảnh.

    Tôi tặc lưỡi:

    - Chỉ vậy mà nó ghét mày?

    Hồng Hoa cắn môi:

    - Ảnh bảo gia đình em dọn đến ở làm nhà ảnh chật chội. Rồi bác em lại hay mua quà cho em. Thế là ảnh bảo bác em thương em hơn ảnh.

    Tôi phấp phỏng:

    - Như vậy chắc là nó đánh mày hoài?

    Hồng Hoa chớp mắt, không trả lời. Nhưng nhìn vẻ mặt dàu dàu của nó, tôi cũng có thể hình dung ra những trò hiếp đáp mà nó phải chịu đựng trong thời gian qua. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp Hồng Hoa vô cùng. Tuy nhiên, tôi không thể giúp đỡ gì nó được, ngoài nỗi xót xa dâng ngập lòng tôi. Mãi một lúc lâu, tôi mới ngậm ngùi hỏi:

    - Sao mày không nói cho ba mày biết?

    - Em có nói.

    Tôi hồi hộp:

    - Ba mày bảo sao?

    - Ba em bảo em phải tập nhường nhịn và chịu đựng.

    Tôi thất vọng ra mặt:

    - Chịu đựng thế quái nào được! Thế mày có nói với mẹ mày không?

    - Có.

    Tôi thấp thỏm:

    - Mẹ mày có bảo mày chịu đựng không?

    Giọng Hồng Hoa nghẹn ngào:

    - Mẹ em không nói gì cả. Mẹ em chỉ ngồi khóc.

    Nghe Hồng Hoa đáp, tôi vừa buồn vừa giận. Nếu như tôi là ba mẹ của Hồng Hoa, tôi đã đánh thằng khốn nạn kia một trận nhừ xương rồi. Chẳng hiểu sao ba mẹ Hồng Hoa lại hiền lành quá xá như vậy! Đang rầu rĩ, chợt tôi nghĩ ra một kế liền reo lên:

    - Sao mày không méc với bác mày? Nếu bác mày biết chuyện, chắc chắn thằng mất dạy kia sẽ nhừ đòn và nó sẽ hết dám hành hạ mày.

    Tôi tưởng Hồng Hoa sẽ mừng rỡ trước diệu kế của tôi, nào ngờ nó lắc đầu:

    - Em không dám.

    Tôi nhún vai:

    - Gì mà không dám! Mày cứ méc đại đi!

    Hồng Hoa vẫn lắc đầu nguậy nguậy:

    - Thôi, em không dám đâu! Ảnh mà bị đòn, ảnh sẽ trả thù em chết!

    Tôi hùng hổ:

    - Mày đừng sợ! - Vừa nói tôi vừa nắm chặt tay lại - Nó mà trả thù mày, tao sẽ cho nó mền xương!

    Thấy tôi lăm le nhảy vào vòng chiến, Hồng Hoa sợ xanh mặt. Nó nói giọng khẩn khoản:

    - Thôi, thôi, anh đừng có đánh nhau với ảnh! Ba mẹ em không bằng lòng đâu! Ba em bảo ở nhờ nhà người ta, không nên gây gổ. Ba hay nói với em là một sự nhịn chín sự lành.

    Tôi gầm gừ:

    - Nhịn sao được mà nhịn!

    Mặc dù nói vậy nhưng nhìn vẻ mặt hốt hoảng của Hồng Hoa, lòng tôi cũng dần dần bình tĩnh lại. Ừ hén, mình đánh thằng con ông bác nó, rủi ông bác nó nổi sùng đuổi cả nhà nó ra đường thì gia đình nó biết ở đâu! Nghĩ loay hoay một hồi, lòng tôi bỗng xìu như bún và tôi ngán ngẩm nói:

    - Nếu mày sợ thì thôi, tao không thèm đánh nhau với nó đâu!

    Nghe tôi tuyên bố "tha tội" cho ông anh của nó, Hồng Hoa mừng lắm. Nó còn hỏi:

    - Anh nói thật chứ?

    - Trước giờ tao có nói dối mày lần nào đâu! - Tôi đáp với giọng uể oải.

    Trong khi tôi chán nản bao nhiêu thì Hồng Hoa lại tỏ ra tươi tỉnh bấy nhiêu. Nó quên mất vết bầm trên má. Nó cũng quên cả nỗi buồn bị hành hạ. Đối với nó, chỉ cần tôi hứa không can thiệp vào chuyện gia đình nó là nó vui rồi. Vì vậy, trong khi những giọt nước mắt chưa kịp khô trên má, Hồng Hoa đã mỉm cười nhìn tôi, vẻ cảm kích.

    - Chẳng hiểu sao sống vậy mà mày sống được! Tao mà là mày, tao bỏ nhà đi quách!

    Hồng Hoa "hứ" một tiếng:

    - Nói như anh!

    Tôi nói là nói cho bỏ tức thôi chứ thật ra, nếu rời khỏi nhà tôi cũng chẳng biết đi đâu. Cùng lắm, tôi bỏ về dưới quê ở với ngoại tôi. Nhưng sống với ngoại, đằng nào ba mẹ tôi cũng lần ra và bắt tôi về. Thế thì cũng như không. Hồng Hoa chắc chẳng khác gì tôi. Thậm chí nếu bỏ nhà đi, nó còn gặp khó khăn nhiều hơn tôi gấp bội, bởi nó là con gái. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, tôi vẫn chẳng tìm ra được cách nào giúp nó và điều đó khiến tôi khổ sở ghê gớm. Chẳng lẽ nó cứ phải chịu đựng, chịu đựng hoài như lời khuyên của ba nó? Tôi tự hỏi và bỗng dưng cảm thấy mũi lòng trước câu hỏi của mình. Và bất giác, tôi quay lưng chạy vào nhà. Thấy tôi vùng chạy, Hồng Hoa cuống quít gọi theo:

    - Anh Kha! Anh đi đâu vậy?

    Tôi vừa chạy vừa ngoái đầu lại, đáp:

    - Mày chờ tao chút xíu!

    Tôi vào nhà lục lọi tủ thuốc của mẹ tôi và lát sau tôi cầm ra đưa cho Hồng Hoa một lọ dầu nóng:

    - Cho mày nè!

    Hồng Hoa rụt rè cầm lấy chai dầu và trố mắt hỏi:

    - Chai gì vậy?

    - Dầu nóng! - Tôi nhìn nó bằng ánh mắt dịu dàng - Khi nào bị đánh đau, mày xoa dầu này lên vết bầm là nó hết đau ngay.

    Hồng Hoa cầm khư khư chai dầu trên tay. Và không biết nó nghĩ ngợi điều gì mà mắt nó lại rưng rưng. Còn tôi, tôi cũng nghe cay xè nơi sống mũi. Rồi vừa nói vừa cố khụt khịt để che giấu sự xúc động, tôi dặn nó:

    - Còn sách của tao, mày thích cuốn nào thì cứ đem về đọc. Thằng kia có giật thì mặc nó giật, đừng giằng co với nó làm chi.

    Hồng Hoa ngước nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:

    - Ảnh sẽ vứt sách của anh mất!

    - Kệ nó! Mất thì tao mua cuốn khác! - Tôi mỉm cười trấn an - Với lại, những cuốn sách này tao đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng rồi.

    Hồng Hoa nhìn tôi với vẻ tin cậy và đột ngột nó cầm lấy tay tôi. Tôi từng nắm tay Hồng Hoa dắt nó đi chơi tha thẩn trong vườn hàng trăm lần nhưng phải đợi đến bây giờ, tôi mới ngạc nhiên nhận ra sự mềm mại của bàn tay nó. Và bàn tay mềm mại đáng yêu đó hiện đang nằm khép nép và run rẩy trong tay tôi như một con chim non lạc tổ đang cần vô cùng sự ấm áp chở che.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...