Truyện Ngắn Nàng Lọ Lem - Minthur Thea Lê

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Minthur Thea Lê, 23 Tháng chín 2021.

  1. Minthur Thea Lê

    Bài viết:
    12
    Nàng Lọ Lem

    [​IMG]

    Tác giả: Minthur Thea Lê

    Thể loại: Truyện đồng nhân cổ tích


    Giới thiệu: Dựa trên nền của câu chuyện cùng tên trong tuyển tập Truyện cổ Grimm

    Tại một quốc gia xa xôi nọ, có một thương nhân giàu có. Ông có một người vợ giỏi giang, xinh đẹp và một con gái nhỏ đáng yêu, ngoan ngoãn. Chẳng may, người vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Khi cảm thấy mình gần đất xa trời, người vợ gọi con gái đến bên giường và dặn dò:

    "Con yêu của mẹ, con phải sống lương thiện, chăm chỉ và thạo một nghề con nhé. Rồi mọi điều hạnh phúc sẽ đến với con!" Nói xong lời trăn trối, bà nhắm mắt qua đời.

    Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến cô bé vô cùng đau lòng. Người cha thương nhân lại thường xuyên xa nhà, khiến cho cô bé cảm thấy cô đơn, bởi vậy, ngày nào cô cũng ra mộ mẹ ngồi buồn bã.

    Nhưng ghi nhớ lời mẹ dạy, cô gái nhỏ vẫn luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ và nết na khiến ai vừa gặp cũng yêu mến. Hơn nữa, do thích tạo ra những bộ trang phục xinh đẹp, nên cô bé xin cha cho mình học dệt may quần áo từ người họ hàng, vốn là chủ của một tiệm may nổi tiếng trong vùng.

    Mùa đông tới, tuyết phủ đầy trên mộ người mẹ nom như một tấm khăn trắng. Và khi ánh nắng trời xuân hòa tan đi chiếc khăn tuyết ấy, người cha lấy vợ hai.

    Người vợ kế của cha là một góa phụ nổi tiếng xinh đẹp. Người cha chọn bà ta với mong muốn bà sẽ chăm sóc con gái mỗi khi ông vắng nhà bởi bà đã có kinh nghiệm nuôi dạy hai cô con gái riêng.

    Thời gian đầu khi mới về nhà chồng, người vợ kế tỏ ra yêu thương cô con riêng của chồng hết mực. Tất cả những gì tốt đẹp, sang quý đều dành riêng cho cô bé. Điều này khiến người cha hài lòng còn hai cô con ruột của bà lại vô cùng ghen ghét, khó chịu.

    Có một lần đi chợ phiên, người cha hỏi ba cô gái nhỏ muốn quà gì. Cô con riêng thứ nhất nói muốn quần áo đẹp, cô con riêng thứ hai nói muốn trang sức quý.

    "Còn con, con muốn gì nào?" Người cha hỏi con gái mình.

    "Thưa cha, cha hãy chọn cho con một tấm da bền chắc mà cha thích ạ!"

    Người cha mang về cho hai người con riêng của vợ quần áo và trang sức quý trọng. Khi đi ngang qua sạp bán da thú, ông nhìn trúng vài tấm da màu nâu đen khá tốt nên chọn một tấm mua về. Đến nhà, ông chia quà cho ba đứa bé. Cô gái nhỏ cám ơn rồi trở về phòng tự tay cắt, may cho cha mình một đôi giày da với mong muốn đôi chân cha sẽ thật thoải mái trong những chuyến đi xa. Người cha vô cùng cảm động với món quà này.

    Nhìn lại cảnh chung sống hòa hợp giữa con gái riêng và ba mẹ con người vợ kế, ông càng cảm thấy sung sướng. Những tưởng mọi chuyện sẽ vẫn khiến người cha hài lòng như thế mãi, tiếc thay, vài năm sau, trong một chuyến đi buôn trên biển, bão đánh dập thuyền, toàn bộ hàng hóa và cả tính mạng của người cha đều đã chìm vào đại dương.

    Tin cha mất khiến cô con gái vô cùng kinh hoàng và đau khổ, cô chạy ào ra mộ mẹ và ngồi khóc thảm thiết, nước mắt chảy xuống tưới ướt những cành hoa mà cô bé trồng trước mộ mẹ. Trong khi đó, ba mẹ con người vợ kế lại mừng rỡ đến mức hét toáng lên rồi cười to, bởi vì từ nay, cả gia sản giàu có của người cha đều sẽ thuộc về bọn họ.

    Người vợ kế nghĩ: "Từ nay ta sẽ không còn phải giả vờ lấy lòng đứa con riêng của chồng nữa!"

    Hai đứa chị kế nghĩ: "Từ nay chúng ta sẽ có quần áo đẹp, trang sức đẹp mà không cần phải nhìn mặt của hai cha con ấy nữa!"

    Và từ đó, cô bé mồ côi sống một cuộc đời khốn khổ.

    Người vợ kế cùng hai người con riêng hùa nhau nói: "Không thể để con ngan ngu ngốc kia ngồi lì trong nhà mãi thế được! Muốn ăn bánh phải kiếm lấy mà ăn. Ra ngay, con làm bếp!"

    Chúng lột sạch quần áo đẹp và mặc vào cho cô bé một chiếc áo choàng cũ kỹ màu xám rồi đưa cho cô một đôi guốc mộc.

    "Hãy nhìn cô công chúa đài các thay hình đổi dạng kìa!" Cả ba mẹ con reo lên nhạo báng và đẩy cô bé xuống bếp.

    Bắt đầu từ ngày hôm đó, cô phải làm lụng vất vả từ sáng sớm đến tối mịt, những công việc vốn cho người hầu đều trở thành việc của cô gái nhỏ. Thế chưa đủ, hai đứa chị kế còn nghĩ mọi cách để hành hạ, chế giễu, chửi rủa để rồi sau một ngày làm việc mệt lã, cô cũng không được phép nằm trên giường, mà phải ngủ ngay bên cạnh bếp lò.

    Bởi lúc nào cũng ở bên tro bụi nên nom cô trở nên càng lem luốc. Thấy vậy, ba mẹ con người vợ kế hả hê mà đặt cho cô cái tên Lọ Lem, ngụ ý "cô gái nhỏ dính tro bếp".

    Lại một năm nữa trôi qua, Lọ Lem vẫn giống như khi còn là cô gái nhỏ hạnh phúc ngày bé, vẫn ghi khắc lời mẹ dặn, phải sống sao cho lương thiện, chăm chỉ và cố gắng học tốt nghề may vá với người họ hàng mỗi lần vào thị trấn mua hàng hóa.

    Mãi cho đến khi gia sản của người cha bị ba mẹ con người vợ kế tiêu xài gần một nửa vào tiệc tùng, bài bạc và những thú vui xa sỉ khác, người vợ kế bắt Lọ Lem vào thị trấn để tìm việc làm kiếm tiền nuôi bọn họ thì Lọ Lem mới trở thành một thợ may chân chính. Tại thị trấn, cô được họ hàng chăm sóc và chỉ bảo tận tình.

    Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cô gái nhỏ ngày nào đã đến tuổi trưởng thành, nhưng vì từ nhỏ đã vất vã và ăn uống thiếu thốn khiến cơ thể Lọ Lem trông nhỏ bé hơn những người đồng trang lứa rất nhiều.

    Cô không còn chạy ra mộ mẹ ngồi khóc nức nở nữa, bây giờ, cô đã biết mỉm cười đối mặt với những khó khăn, thử thách. Thái độ lạc quan với mọi chuyện của Lọ Lem khiến tất cả những người biết đến cô đều ngạc nhiên và sau đó càng thích ở gần cô hơn. Tất nhiên, trừ ba mẹ con người vợ kế. Họ chỉ thích khi Lọ Lem đem tiền lương về đưa cho họ. Chỉ những lúc ấy, Lọ Lem không phải nghe thấy những lời chửi rủa ác độc.

    Một ngày nọ, nhà vua ra lệnh mở hội ba ngày liền và mời tất cả các cô gái trong độ tuổi trưởng thành đến để hoàng tử chọn làm vợ. Tin tức truyền ra khiến cả vương quốc rộn ràng hẳn lên, các tiệm dệt, tiệm may đều tất bật, bận rộn và tất cả những người thợ may lành nghề đều được tăng lương để cấp tốc may ra những bộ váy đẹp nhất theo yêu cầu của các cô gái sắp dự hội tại hoàng cung.

    Lọ Lem không có váy mới để đi dự tiệc bởi lẽ chính cô là một trong những người thợ may đang bận rộn ấy. Chợt nhớ đến chiếc váy xinh đẹp của mẹ, dù đã không còn mới nhưng vẫn được bảo quản rất tốt, Lọ Lem quyết định trở về nhà và lấy nó để mặc đi dự hội.

    Thế nhưng, ngay khi Lọ Lem về tới nhà, hai người chị kế gọi cô đến bảo:

    "Mau chải đầu, đánh giày cho chúng tao, buộc dây giày cho chặt để chúng tao đi dự hội ở cung vua."

    Lọ Lem làm xong những việc đó rồi lên gác mái, tìm ra bộ váy của mẹ, sửa lại cho vừa người rồi mặc vào, đi xuống lầu. Ba mẹ con người vợ kế nhìn chằm chằm vào bộ dạng dù mặc đồ cũ vẫn không giấu được vẻ xinh đẹp của Lọ Lem, hai người chị kế ghen ghét đến lại chửi ầm lên, còn bà mẹ kế ý thức được nếu như để cô đi sẽ khiến hai đứa con ruột của mình bị lu mờ. Nghĩ vậy, bà ta nói:

    "Đồ Lọ Lem, đồ con làm bếp, đồ con người hầu mà cũng đòi đi dự hội! Giày, quần áo không có mà cũng đòi đi nhảy. Tao đã đổ một đấu đậu biển lẫn với tro, nếu mày nhặt xong thì tao cho mày đi!"

    Lọ Lem đổ đấu đậu biển trên tay vào một thau nước, rồi rửa sạch lớp tro lẫn trong đậu đi, sau đó đổ đậu biển đã sạch vào chiếc đấu ban đầu cũng được rửa sạch.

    "May là bà ấy chỉ bảo ta nhặt đậu biển mà không phải nhặt cả đậu Hà Lan lẫn đậu biển như khi còn bé!" Lọ Lem mừng thầm trong khi mang đậu cho người vợ kế của cha. Nhưng bà ấy bảo:

    "Không được đi đâu cả, đồ Lọ Lem! Mày làm gì có quần áo đẹp mà đi, người ta sẽ nhạo báng mày cho coi!" Vừa nói, bà vừa đưa tay xé rách một mảnh vải trên chiếc váy của cô, thấy vậy, hai người con riêng cũng hăm hở lao vào xé rách càng nhiều mảnh vải hơn.

    "Thấy chưa, mày không đi cùng được đâu đồ Lọ Lem ạ! Vì mày làm gì có quần áo mà đi chứ!" Bà ta nhấn mạnh lần nữa rồi bà quay lưng, cùng hai đứa con kiêu ngạo vội vã ra đi.

    Khi không còn một ai ở nhà, Lọ Lem ra mộ mẹ, thở dài nói:

    "Mẹ ơi, con xin lỗi vì chiếc váy của mẹ đã bị làm hư rồi! Đáng lẽ con không nên về đây mới phải! Con buồn quá!"

    "Ella!"

    Đột nhiên, một giọng nói kêu gọi quen thuộc vang lên đằng xa. Đó là tiếng của người họ hàng, Lọ Lem ngạc nhiên đi về phía bà chào đón, rồi càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy một chiếc xe ngựa xa hoa đứng kế bên bà.

    "Hãy nghe ta, con yêu! Ta đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho con! Hãy sửa soạn lên đường và cho ba mẹ con lũ ác độc đó biết con xinh đẹp đến thế nào đi!"

    Người họ hàng đưa cho Lọ Lem một bộ váy thêu vàng, thêu bạc và một đôi hài lụa thêu chỉ bạc. Cô thật ngạc nhiên khi nhận ra chúng lại chính là những món đồ mà bà giao cho cô làm trong những ngày bận rộn này. Nhờ sự giúp đỡ của bà, Lọ Lem được sửa soạn trông như một nàng công chúa. Cô bước vào chiếc xe ngựa sang trọng do chồng của bà đánh xe, chẳng mấy chốc, chiếc xe đã một mạch lao thẳng đến cung điện.

    Sự xuất hiện của Lọ Lem khiến cả cung điện như sáng bừng lên, tất cả mọi người nhìn chằm chằm vào bộ váy vàng phát sáng của cô với vẻ kinh ngạc và ao ước. Ba mẹ con người vợ kế hoàn toàn không nhận ra cô, họ cứ tưởng đó là nàng công chúa ở một nước xa lạ nào tới, vì trang phục và trang sức trên người cô trông cao sang và quý giá quá! Mấy mẹ con không ngờ đó là Lọ Lem, đinh ninh là cô đang ở nhà ngồi khóc vì không được đi dự hội.

    Đúng lúc này, hoàng tử đi về phía cô và mời khiêu vũ. Do đã được mẹ chỉ dạy từ nhỏ nên Lọ Lem khiêu vũ rất đẹp, cô và hoàng tử trở thành cặp đôi nhảy đẹp nhất đêm nay. Nhảy xong vài điệu nhạc, hoàng tử dắt Lọ Lem ra vườn đi dạo, hai người trò chuyện rất hợp ý nhau.

    Lọ Lem bị ấn tượng bởi sự lịch lãm và uyên bác của hoàng tử, còn hoàng tử lại rất thích vẻ đẹp và sự chân thành toát ra từ con người cô. Hoàng tử nhận ra cô không phải là một công chúa, Lọ Lem cũng không giấu giếm việc này. Hai người đều ở cạnh nhau cho đến khi gần nửa đêm, cô nói nên về nhà, hoàng tử muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai vì vậy chàng nói:

    "Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về!"

    Nhưng vì e ngại những phiền phức khi bị mẹ con người vợ kế phát hiện, Lọ Lem từ chối và hẹn chàng vào ngày hôm sau. Hoàng tử thất vọng, nhưng chàng tôn trọng ý kiến của cô nên chỉ đứng đấy nhìn cô đi.

    Buổi vũ hội kết thúc trong niềm tiếc nuối vô hạn của ba mẹ con người vợ kế, khi trở về nhà, họ luôn miệng bàn về sự xuất hiện của nàng công chúa xinh đẹp đã chiếm mất vị trí bạn nhảy của hoàng tử mà họ ao ước.

    Khi nhìn thấy Lọ Lem mặc quần áo nhem nhuốc đang nằm bên đống tro, vì quá bực mình, hai người chị kế lao vào chửi mắng cô trút giận rồi mới lên lầu nghỉ ngơi. Thấy vậy, người vợ kế cũng chửi đổng vài câu rồi theo lên lầu. Từ lúc cho Lọ Lem ra ngoài kiếm tiền nuôi cả nhà, họ đã không còn đánh đập cô nữa.

    Hôm sau, hội lại mở. Khi ba mẹ con người vợ kế đi rồi, vợ chồng người họ hàng lại xuất hiện đem đến cho cô bộ váy thứ hai cô làm. Bộ váy này còn đẹp hơn bộ hôm trước.

    Khi Lọ Lem xuất hiện trong buổi vũ hội, cô đẹp rực rỡ làm ai ai cũng ngẩn người ra ngắm. Hoàng tử đã đợi cô từ lâu liền cầm tay cô và chỉ lại khiêu vũ với một mình cô thôi.

    Trong khi trò chuyện với nhau, hoàng tử bị ấn tượng bởi những điều thú vị và khó khăn mà cô kể về cuộc sống của thường dân, Lọ Lem cũng ấn tượng lòng bác ái của hoàng tử khi chàng chia sẻ những ý tưởng sẽ bàn với vua giúp đỡ dân chúng.

    Hai người đều ở cạnh nhau cho đến khi gần nửa đêm, cô nói nên về nhà, hoàng tử rất muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai vì vậy chàng lại nói:

    "Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về!"

    Nhưng vì e ngại mẹ con người vợ kế, Lọ Lem lại từ chối và hẹn chàng vào ngày hôm sau. Hoàng tử rất thất vọng, nhưng chàng tôn trọng ý kiến của cô nên chỉ đứng đấy nhìn cô đi.

    Buổi vũ hội lại kết thúc trong niềm tiếc nuối vô hạn của ba mẹ con người vợ kế, khi trở về nhà, họ lại bàn về sự xuất hiện của nàng công chúa xinh đẹp đã chiếm mất vị trí bạn nhảy của hoàng tử mà họ ao ước. Nỗi ghen tị và buồn bực khiến họ như phát điên. Khi nhìn thấy Lọ Lem mặc quần áo nhem nhuốc đang nằm bên đống tro, vì quá bực mình, hai người chị kế lại tiếp tục lao vào mắng chửi cô trút giận rồi mới lên lầu nghỉ ngơi. Thấy vậy, người vợ kế lại chửi đổng vài câu rồi theo lên lầu.

    Đến ngày thứ ba, ba mẹ con người vợ kế vừa đi khỏi, vợ chồng người họ hàng lại xuất hiện. Hôm nay Lọ Lem sẽ mặc bộ váy áo đẹp nhất trong ba bộ cô tự tay làm và đó cũng là bộ váy áo đẹp nhất trong buổi vũ hội, trông cô xinh đẹp và quý giá y như một nàng công chúa khiến mọi người chỉ có thể ngước nhìn.

    Đêm nay, hoàng tử lại chỉ khiêu vũ với cô. Hai người lại tiếp tục trò chuyện vui vẻ với nhau. Hoàng tử thật sự thích thú và thán phục khi biết được tất cả trang phục mà cô mặc ba đêm nay đều do chính cô làm ra. Cô kể cho hoàng tử nghe về câu chuyện của bản thân mình với một thái độ lạc quan, tích cực mà chẳng có chút trách móc, thù hận nào. Vì thế, hoàng tử càng đánh giá Lọ Lem cao hơn.

    Mặc dù chỉ thông qua ba ngày tiếp xúc ngắn ngủi, nhưng hoàng tử hoàn toàn rõ ràng thiếu nữ trước mắt không chỉ đẹp trong nhan sắc mà còn đẹp ở tâm hồn. Lọ Lem biết qua hôm nay, cô và hoàng tử sẽ không còn gặp nhau nữa nên mặc kệ sự khác biệt về thân phận, suốt buổi, cô chỉ mỉm cười hạnh phúc khi hai người nhìn nhau.

    Hai người lại ở cạnh nhau cho đến khi gần nửa đêm, cô nói nên về nhà, hoàng tử đã cực kỳ muốn biết cô thiếu nữ xinh đẹp này là con cái nhà ai lắm rồi, vì vậy chàng lại nói:

    "Để tôi đi cùng, tôi muốn đưa cô về!"

    Nhưng vì e ngại mẹ con người vợ kế, Lọ Lem lại từ chối và nói lời từ biệt với chàng. Hoàng tử cực kỳ thất vọng, nhưng chàng tôn trọng ý kiến của cô nên chỉ đứng đấy nhìn cô đi.

    Đến khi trông thấy hình bóng cô sắp biến mất khỏi tầm nhìn, hoàng tử như hạ quyết tâm, đuổi theo Lọ Lem.

    Hoảng hốt vì nhận ra hoàng tử đuổi theo, Lọ Lem tăng tốc chạy thật nhanh, bởi vì quá vội cô vấp phải bậc thang, suýt té ngã, chiếc hài văng sang một bên. Nhìn nhìn hoàng tử sắp đuổi kịp, Lọ Lem cắn môi do dự vài giây rồi bỏ lại chiếc hài, leo vào xe ngựa, lao thẳng ra ngoài hoàng cung, chẳng mấy chốc đã mất hút.

    Hoàng tử nhặt chiếc hài lên ngắm thì thấy chiếc hài nhỏ nhắn, xinh đẹp được thêu bằng chỉ vàng trông rất tinh xảo. Tối hôm đó, hoàng tử thưa chuyện với vua cha rằng đã phải lòng nàng Lọ Lem và tỏ ý mong muốn cưới cô làm vợ. Vì thương con trai nên dù không hài lòng lắm với thân phận thường dân của Lọ Lem, đức vua vẫn gật đầu đồng ý. Cũng trong đêm, hoàng tử cho người dựa vào lời kể của Lọ Lem mà tìm ra nhà của nàng.

    Hôm sau, hoàng tử mang chiếc hài đến nhà của Lọ Lem và bảo:

    "Ta chỉ lấy người đó làm vợ, người chân đi vừa chiếc hài này."

    Ba mẹ con người vợ kế mừng lắm, vì hai cô đều có đôi bàn chân đẹp. Cô cả mang hài vào buồng thử trước mặt mẹ, nhưng cô không đút ngón chân cái vào được vì hài nhỏ quá.

    Người vợ kế bèn đưa cho cô một con dao và bảo:

    "Cứ chặt phăng ngón cái đi. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì cần gì phải đi bộ nữa!"

    Nghe thế, cô cả liền chặt đứt ngón cái, cố nhét chân vào hài rồi cắn răng chịu đau đến ra mắt hoàng tử.

    Hoàng tử nhìn xuống chân cô, nhận ra điều bất thường, bèn nói: "Đây không phải là cô dâu thật!"

    Rồi chàng đưa hài cho cô em thử. Cô em vào buồng thử hài thì may sao các ngón đều lọt cả, nhưng cái gót lại to quá.

    Người vợ kế lại đưa cô con dao và bảo: "Cứ chặt phăng đi một miếng gót chân. Khi con đã là hoàng hậu rồi thì chẳng bao giờ phải đi chân đất nữa!"

    Nghe thế, cô em liền chặt một miếng gót chân, cô đút chân vào hài, cắn răng chịu đau, ra gặp hoàng tử.

    Hoàng tử nhìn xuống chân cô, nhìn thấy máu đã thấm ướt cả chiếc hài, chàng không vui nói: "Đây cũng không phải là cô dâu thật! Gia đình còn có con gái nào khác không?"

    Người vợ kế đáp:

    "Thưa hoàng tử, không ạ! Trong nhà chỉ còn một con làm bếp!"

    Hoàng tử bảo bà cứ gọi cô ấy ra đi. Người vợ kế lại nói:

    "Thưa hoàng tử, không thể thế được. Nó dơ bẩn lắm không thể cho nó ra mắt hoàng tử được."

    Hoàng tử nghe thế, vẫn khăng khăng nhất định đòi gọi Lọ Lem lên kỳ được. Cô rửa mặt mũi tay chân, đến cúi chào hoàng tử. Hoàng tử nhìn cô mỉm cười, đưa cho cô một chiếc hài giống y hệt chiếc hài chàng đã đưa cho hai cô chị kế ban nãy nhưng nhìn kĩ sẽ phát hiện nó tinh xảo hơn. Thì ra, chàng đưa cho bọn họ thử giày giả.

    Lọ Lem ngồi lên ghế đẩu, rút bàn chân ra khỏi chiếc guốc nặng chình chịch, cho chân vào chiếc hài thì vừa như in. Khi cô đứng dậy, hoàng tử lại mỉm cười, vui vẻ nói:

    "Cô dâu thật đây rồi!" Nói rồi Hoàng tử bế Lọ Lem lên ngựa, trở về hoàng cung.

    Ba mẹ con người vợ kế mặt tái đi vì hoảng sợ và tức giận. Hóa ra Lọ Lem chính là cô công chúa bí ẩn xinh đẹp mà họ cực kỳ ghen ghét kia. Hóa ra hoàng tử chỉ lừa gạt bọn họ mà thôi. Từ đầu, chàng đã biết người chàng muốn tìm là ai rồi và dùng việc thử giày để trả thù giúp Lọ Lem, trả thù những hành động xấu xa mà ba mẹ con người vợ kế đã gây ra cho cô.

    Kể từ sau ngày hôm ấy, trải qua mấy tháng tìm hiểu lẫn nhau, hoàng tử càng cảm thấy Lọ Lem chính là người vợ lí tưởng của mình. Cô lương thiện, chăm chỉ và có tài hoa trong nghề may vá. Hơn hết, mặc dù sống trong sự xấu xa của ba mẹ con người vợ kế nhưng tính cách trong sáng của cô vẫn chưa bị ô nhiễm. Để rồi, sau tất cả những tổn thương, Lọ Lem lựa chọn cho mình sự vị tha.

    Trước khi cùng hoàng tử trở về cung điện làm lễ cưới, Lọ Lem nói với ba mẹ con người vợ kế:

    "Tôi sẽ để lại căn nhà này cho ba người, vì tôi biết nếu tôi dựa thế của hoàng tử mà đuổi ba người đi thì ba người sẽ chịu khổ sở trong một thời gian dài!"

    "Mày không hận bọn tao sao? Mày không trả thù à? Bọn tao không tin mày sẽ ngu như vậy! Bây giờ mày sắp làm vợ hoàng tử rồi, sắp muốn làm gì thì làm rồi! Đâu còn sợ bọn tao nữa!" Ba mẹ con ghen ghét nói.

    Lúc này, Lọ Lem đã không còn là cô gái mặc áo choàng màu xám cũ kỹ, mái tóc vàng rối tung sau đầu, cả khuôn mặt và thân mình đều dính đầy tro bếp, chân mang guốc mộc nặng chình chịch nữa. Cô đã trở thành một quý cô xinh đẹp mặc bộ trang phục tinh xảo do chính tay mình làm ra.

    "Tôi không hận. Tôi tha thứ cho ba người!" Lọ Lem nở một nụ cười nhẹ nhàng.

    "Tôi tha thứ không phải vì tôi yếu đuối, sợ hãi. Mà vì tôi mạnh mẽ hơn ba người. Tôi đủ mạnh để không bị sự thù hận che mờ lí trí. Tôi sẽ không đối xử với ba người như cái cách mà ba người đã đối xử với tôi. Vì tôi biết, chúng ta khác nhau. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của cha nên tôi cho phép vợ kế của ông ở trong ngôi nhà này đến cuối đời. Nhưng tôi sẽ không chu cấp tiền bạc cho ba người nữa. Hãy tự kiếm sống bằng chính sức lao động của mình."

    Đám cưới của Lọ Lem và hoàng tử diễn ra trong sự hoan nghênh nồng nhiệt của cả đất nước. Lần đầu tiên, trong lịch sử của vương quốc, hoàng hậu tương lai là một thường dân. Mặc dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong giới quý tộc, nhưng sau tất cả, đám cưới vẫn được đúng hạn diễn ra trong sự chúc phúc của toàn thể thần dân trong nước.

    Khi thân thế khúc chiết của Lọ Lem được công khai, trong mắt người dân, cô trở thành một người đáng được trân trọng và yêu thương.

    Chuyện hôn nhân của Lọ Lem và hoàng tử dẫu có những khó khăn trong cách biệt về địa vị, quan điểm sống, nên không phải lúc nào cũng là màu hồng vui vẻ nhưng bởi vì tình yêu chân thành và sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, cả hai người đều nhất quyết nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời.

    Thật ứng với câu: "Từ đấy về sau, hoàng tử và Lọ Lem sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi!"


    - Hết -
     
    Yeyebis thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...