Tình Vỡ (bản tứ tuyệt) Tình em như cánh chuồn chuồn Khi bay đậu lại nỗi buồn riêng tôi Dây trầu chưa quấn chợt rơi Vành trăng chợt vỡ để người chợt xa... 1994 (Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Tình yêu như cánh chuồn chuồn Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay. (ca dao) Hãy nói lời chia tay khi cả hai đều bình tĩnh và có thể nói chuyện trong sự hòa nhã, đó là lúc bạn có cơ hội tốt nhất và là cách chia tay người yêu nhẹ nhàng nhất, văn minh nhất. Bài thơ viết tặng một cô gái tên Hạnh.
Tình Vỡ Tình em như cánh chuồn chuồn Khi bay đậu lại nỗi buồn riêng tôi. Dây trầu chưa quấn chợt rơi Vành trăng chợt vỡ Để người chợt xa... 1994 (Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Tình yêu như cánh chuồn chuồn Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay. (ca dao) Hãy nói lời chia tay khi cả hai đều bình tĩnh và có thể nói chuyện trong sự hòa nhã, đó là lúc bạn có cơ hội tốt nhất và là cách chia tay người yêu nhẹ nhàng nhất, văn minh nhất. Bài thơ viết tặng một cô gái tên Hạnh.
Tiếng Chuông Chùa Trong Thạch Động Hà Tiên thu đến rồi em Đường lên Thạch Động chông chênh nắng vàng Mây chiều rủ gió lang thang Bẽ bàng lá giận khẽ khàng rụng rơi. Đá xanh xanh bám đỉnh trời Giọt tan lách tách ướt lời đưa trao Câu quen quen đến ngọt ngào Câu thương thương đến bứt nhàu cỏ may. Cầm tay rồi lại dắt tay Dìu nhau qua hết tháng ngày buồn tênh Nẻo lên .........lối xuống .................gập ghềnh Chuông rền Thạch Động ...................bồng bềnh khói sương. Hà Tiên 1997 (Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Thạch Động nằm tại phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và cách trung tâm khoảng 3km hướng Tây Bắc. Nơi đây nổi bật với khối đá vôi cao 50m, được phủ xanh bởi thiên nhiên, cây cối. Tên gọi Thạch Động bắt nguồn bởi Mạc Thiên Tích vịnh thơ ca về cảnh quan. Khi thấy buổi sáng mây bay trên miệng động nên tác giả đã gọi tên là Thạch Động Thôn Vân. Thạch Động là một danh lam thắng cảnh ở Hà Tiên. Tương truyền Thạch Động là nơi Đại Bàng giam giữ công chúa và cũng chính Thạch Sanh đã giết chết Đại Bàng để cứu công chúa tại đây. Những câu thơ cuối Thanh Trắc Nguyễn Văn đã cố ý xếp thành hình bậc thang và tạo hiệu ứng âm thanh trong câu thơ (tênh - gập ghềnh - rền - bồng bềnh), nhằm miêu tả đường lên Thạch Động chông chênh cùng với tiếng chuông chùa âm vang trong chiều...
Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ Phù Sa Của Gió Xin giới thiệu tuyển tập thơ Phù sa của gió - NXB Văn Nghệ ấn hành năm 2007. Thanh Trắc Nguyễn Văn góp mặt cùng với 11 tác giả thơ khác. Tuyển tập thơ Phù sa của gió hiện nay Thanh Trắc Nguyễn Văn không còn giữ quyển nào, nên không thể nhớ hết những bài thơ đã đăng trong Tuyển thơ. Năm 2007 nhà thơ Trần Ngọc Hưởng (Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam) có mời nhà thơ nữ Thái Thanh Nguyên và Thanh Trắc Nguyễn Văn tham gia vào Tuyển tập thơ Phù sa của gió do anh chủ biên. Mười một nhà thơ góp mặt trong tập thơ tuy có người không gặp mặt nhau ngoài đời nhưng đều biết nhau đã lâu. Thanh Trắc Nguyễn Văn nhiều lần đã có thơ cùng đăng chung trên một trang thơ của các Tạp chí hay các tờ báo trong và ngoài nước với các anh chị như nhà thơ Trần Ngọc Hưởng, nhà thơ nữ Thái Thanh Nguyên, nhà thơ Kha Ly Chàm, nhà thơ trẻ Trương Trọng Nghĩa.. Thanh Trắc Nguyễn Văn
Giọt Lệ Muộn Màng Cũng từ ngày ấy con khóc vùi trước cỏ Trước mộ bia đất lạnh, hương tàn Ngày mẹ mất là những ngày trốn học Con bỏ nhà theo lũ bạn đi hoang. Con đâu biết dưới mái tranh nghèo cũ nát Mẹ thương con, chịu vất vả tháng ngày Bát cơm trắng mẹ sớt dành cá thịt Con ăn thường nào nếm được đắng cay. Giờ lạc lõng giữa đường đời xuôi ngược Con lao đao khi đã mất mẹ rồi Hạt muối mặn mới hay còn vị chát Bát cơm người là nước mắt đầy vơi. Con ăn năn xin lạy quỳ trước mộ Lệ muộn màng xin được rưới cỏ tươi Lời mẹ dạy vọng vang từ cõi nhớ: Dẫu bơ vơ... Cũng phải sống Để thành người... 1996 (Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Giọt lệ đã là muộn màng thì dù có nuối tiếc, hối hận thế nào đi nữa cũng vẫn là muộn màng. Bài thơ viết từ tâm sự của một người bạn đồng hành trên một chuyến xe đò về Miền Tây. Một bạn đọc đã nói với tác giả, bạn thích nhất là 2 câu thơ: "Hạt muối mặn mới hay còn vị chát Bát cơm người là nước mắt đầy vơi.
Trong Nắng Ấm Xuân Hồng Con thắp một ngọn nến Sáng rực giữa đêm đông Nhớ ngày xưa mẹ khóc Lệ nến rơi đỏ hồng. Ngọn nến là ngọn lửa Sưởi ấm nỗi buồn con Thương mẹ đời cơ cực Xác thân mau héo mòn. Ngọn nến là ánh sáng Soi dắt đường tương lai Bao lần con vấp ngã Mẹ nâng dìu trong tay. Tuổi thơ nhiều lầm lỡ Một thời con rong chơi Giờ hiểu ra đã muộn Mẹ xa rồi mẹ ơi! Ngọn nến dần vắt kiệt Đâu hình bóng mẹ tôi? Chỉ còn là sáp lửa Sắp lụn tan trong đời. Chỉ còn là nước mắt Mẹ rơi rớt vì con Chỉ còn là mất mát Thấm nỗi đau trong hồn. Vầng dương rồi hé sáng Đã qua hết đêm đông Mẹ ơi, mình con khóc Trong nắng ấm xuân hồng... 1995 (Tuyển tập thơ Lời trần tình dâng mẹ cha – NXB Tổng hợp Đồng Tháp 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Có một ngọn nến trong trái tim bạn, sẵn sàng để được thắp sáng. (Rumi) Mẹ luôn là ngọn nến - tuy lẻ loi, yếu ớt - nhưng luôn sưởi ấm và soi sáng đường bước con đi. Bài thơ trước có tên là Ngọn nến đêm đông, khi đăng trên báo Áo trắng đổi tên thành Trong nắng ấm xuân hồng.
Đà Lạt Ta Về Đà Lạt ta về tìm trái thông Tìm thông chợt thấy má em hồng! Má em hồng quá thông không rụng Rụng xuống hồn ta chút gió dông! Đà Lạt ta về tìm trái mơ Mơ chẳng tìm ra đến tận giờ! Giận mình sao cứ lơ mơ mãi Mơ nhiều đêm lạnh vẫn bơ vơ! Đà Lạt ta về tìm trái tim Thuở xưa rơi rớt biết đâu tìm? Em nhặt được không thì trao lại Thương giùm gã ấy mắt lim dim! Đà Lạt 1995 (Tập thơ Hạ nhớ – NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Đà Lạt là thành phố tỉnh lỵ trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Lâm Viên, thuộc vùng Tây Nguyên, Việt Nam. Từ xa xưa, vùng đất này vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. Với độ cao 1.500 mét so với mực nước biển và được các dãy núi cùng quần hệ thực vật rừng bao quanh, Đà Lạt thừa hưởng một khí hậu miền núi ôn hòa và dịu mát quanh năm. Lịch sử hơn một thế kỷ cũng để lại cho thành phố một di sản kiến trúc giá trị, được ví như một bảo tàng kiến trúc châu Âu thế kỷ XX. Bài thơ được viết tặng cho một cô giáo dạy anh văn trẻ đẹp ở trường THPT Võ Thị Sáu, có tên thường gọi ở nhà là Hồng Mơ, trong một chuyến đi Đà Lạt.
Không Hiểu??? Không hiểu vì sao nhỏ bỗng buồn Sân trường u ám bỗng mưa tuôn! Kìa ai ngơ ngác, ai ngồi khóc Lệ ướt hoen mi, ướt ngập trường! Không hiểu vì sao nhỏ chẳng nhìn Ngập ngừng ta hỏi, nhỏ làm thinh! Giờ chơi nhỏ giận "xù" đâu mất Ta đợi người ta, ngóng một mình! Không hiểu vì sao nhỏ thích hờn Để chiều tan học thích cô đơn! Để ta lủi thủi theo người ấy Mưa ướt hai mình, ai ướt hơn? 1994 (Tập thơ Hoa Sứ Trắng – NXB Đà Nẵng 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Con gái nói có là không, còn nói không nghĩa là... không có gì hết! Tâm lý phụ nữ khi yêu có thể trở nên tức giận khi họ cảm thấy nhu cầu, mong muốn hoặc cảm xúc của họ không được quan tâm đúng mức. Bài thơ viết tặng cô Thủy, giáo viên giáo dục công dân, tại sân trường Võ Thị Sáu trong một cơn mưa. Hôm đó tác giả và cô Thủy nhìn thấy một em nữ sinh giận dỗi bạn trai rất lâu, mặc dù bạn trai cô gái đã phải luôn chạy theo để năn nỉ...
Cơn Sốt Đất Khi ta về cơn sốt đất đang cao Đồng tiền quẳng ra trên những đống gò ao bãi Quán xá lềnh khênh Nhạc tình rơi vãi Giữa dòng đời ai nghiêng ngả Ngả nghiêng? Từng ngôi nhà hối hả mọc chông chênh Vội thay mặt chủ sau mỗi lần được giá Vườn ruộng ông cha giờ cháu con đem mặc cả Tấc đất tấc vàng Trong hai tiếng bán buôn. Khi ta về nước mắt mẹ đang tuôn Một hố lầy hoang cũng giật giành xỉa xói Anh em nhìn nhau nghi ngờ soi mói Chửi rủa trước nhà Dao búa sau lưng. Mẹ một đời người vẫn buôn thúng bán bưng Thương đàn cháu đói lại đường xa chạy gạo Đất chưa hóa vàng đã từng giờ rỉ máu Bao nhân nghĩa cuộc đời theo nước lã trôi sông. Khi ta về biết em nhớ hay không? Hàng dâm bụt tuổi thơ đã không còn đó nữa Một bức tường vôi mảnh chai găm tua tủa Ngăn trở lòng người Cứa nát những vì sao. Ta bàng hoàng nghe vị đắng nỗi đau Đất cao giá biến nụ cười em băng giá! Người yêu cũ nay bỗng dưng xa lạ Hỏi tại người Hay tại đất Mẹ ơi? 2000 (Tuyển tập thơ Dấu Cỏ Người Xa – NXB Văn Hóa Dân Tộc 2004) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Khoảng trước năm 2000, ở nông thôn nhiều người dân bán đất và đã trở thành đại gia chỉ sau vài ngày... Đất biến thành tiền nhưng sau đó người ta mới biết những đồng tiền đó cũng có thể biến thành máu và nước mắt. Bài thơ được viết trong một chuyến đi của tác giả về miền Tây.