Tóm tắt nội dung các tác phẩm văn 12

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Slyaz, 23 Tháng sáu 2021.

  1. Slyaz

    Bài viết:
    16
    HỌC KỲ I

    TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

    - HỒ CHÍ MINH-

    Nội dung:

    - Nêu nguyên lí chung về quyền bình đẳng, tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người và các dân tộc.

    Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mĩ, Pháp nhằm đề cao những giá trị của tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo. Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, HCM suy rộng ra về quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc. Đây là một đóng góp riêng của Người vào lịch sử tư tưởng nhân loại.

    - Tố cáo tội ác của thực dân Pháp:

    + Thực dân Pháp đã phản bội và chà đạp lên chính nguyên lí mà tổ tiên họ xây dựng.

    + Vạch trần bản chất xảo quyệt, tàn bạo, man rợ cảu thực dân Pháp bằng những lí lẽ và sự thật lịch sử không thể chối cãi. Đó là những tội ác về chính trị, kinh tế, văn hóa.. ; là những âm mưu thâm độc, chính sách tàn bạo. Sự thật đó có sức mạnh lớn lao, bác bỏ luận điệu của thực dân Pháp về công lao "khai hóa", quyền "bảo hộ" Đông Dương. Bản tuyên ngôn cũng khẳng định thực tế lịch sử: Nhân dân ta nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước VN Dân chủ Cộng hòa.

    + Những luận điệu khác của các thế lực phản cách mạng quốc tế cũng bị phản bác mạnh mẽ bằng những chứng cớ xác thực, đầy sức thuyết phục.

    - Tuyên bố độc lập: Tuyên bố thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, kêu gọi toàn dân đoàn kết chống lại âm mưu của thực dân Pháp, kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của VN và khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền độc lập, tự do ấy.

    TÂY TIẾN – Quang Dũng-

    Nội dung

    - Bức tranh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội nhưng vô cùng mĩ lệ, trữ tình và hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân trong cảm xúc "nhớ chơi vơi" về một thời Tây Tiến:

    + Vùng đất xa xôi hoang vắng, hùng vĩ, dữ dội, khắc nghiệt, đầy bí hiểm nhưng vô cùng thơ mộng trữ tình.

    + Cảnh đêm liên hoan rực rỡ lung linh, chung vui với bản làng xứ lạ.

    + cảnh sông nước miền Tây một chiều sương giăng hư ảo.

    + Hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân: Gian khổ, hi sinh mà vẫn ngang tàng, tâm hồn vẫn trẻ trung, lãng mạn.

    - Bức chân dung về người lính Tây Tiến trong nỗi "nhớ chơi vơi" về một thời gian khổ mà hào hùng:

    + Vẻ đẹp lẫm liệt, kiêu hùng, hào hoa, lãng mạn;

    + Vẻ đẹp bi tráng.

    VIỆT BẮC

    (trích) – TỐ HỮU -

    Nội dung

    - Tám câu thơ đầu: Khung cảnh chia tay và tâm trạng của con người.

    + Bốn câu trên: Lời ướm hỏi, khơi gợi kỉ niệm về một giai đoạn đã qua, về không gian nguồn cội, nghĩa tình; qua đó, thể hiện tâm trạng của người ở lại.

    + Bốn câu thơ tiếp: Tiếng lòng người về xuôi bâng khuâng lưu luyến.

    - Tám mươi hai câu sau: Những kỉ niệm về Việt Bắc hiện lên trong hoài niệm.

    + Mười hai câu hỏi: Gợi lên những kỉ niệm ở Việt Bắc trong những năm tháng đã qua, khơi gợi, nhắc nhớ những kỉ niệm trong những năm cách mạng và kháng chiến. VB từng là chiến khu an toàn, nhân dân ân tình, thủy chung, hết lòng với cách mạng và kháng chiến.

    + Bảy mươi câu đáp: Mượn lới đáp của người về xuôi, nhà thơ bộc lộ nỗi nhớ da diết với VB; qua đó, dựng lên hình ảnh chiến khu trong kháng chiến anh hùng và tình nghĩa thủy chung. Nội dung chủ đạo là nỗi nhớ VB, những kỉ niệm về VB (bốn câu đầu đoạn khẳng định tình nghĩa thủy chung son sắt; hai mươi tám câu tiếp nói về nỗi nhớ thiên nhiên, núi rừng và con người, cuộc sống nơi đây; hai mươi hai câu tiếp theo nói về cuộc kháng chiến anh hùng; mười sáu câu cuối đoạn thể hiện nỗi nhớ cảnh và người VB, những kỉ niệm về cuộc kháng chiến)

    ĐẤT NƯỚC

    (Trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm)

    Nội dung

    - Phần 1: Nêu lên cách cảm nhận độc đáo về quá trình hình thành, phát triển của đất nước; từ đó khơi dậy ý thức về trách nhiệm thiêng liêng với nhân dân, đất nước.

    + Đất nước được hình thành từ những gì nhỏ bé, gần gũi, riêng tư trong cuộc sống của mỗi con người.

    + Đất nước là sự hòa quyện không thể tách rời giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc.

    + Mỗi người phải có trách nhiệm với đất nước

    - Phần 2: Tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" được thể hiện qua ba chiều cảm nhận về đất nước.

    + Từ không gian địa lý;

    + Từ thời gian lịch sử;

    + Từ bản sắc văn hóa.

    Qua đó, nhà thơ khẳng định, ngợi ca công lao vĩ đại của nhân dân trên hành trình dựng nước và giữ nước

    SÓNG

    (XUÂN QUỲNH)

    Nội dung

    - Phần 1: Sóng và em- những nét tương đồng:

    + Cung bậc phong phú, trạng thái đối cực phức tạp, đầy bí ẩn, nghịch lí.

    + Khát vọng vươn xa, thoát khỏi những gì nhỏ hẹp, chật chội, tầm thường.

    + Đầy bí ẩn

    + Luôn trăn trở, nhớ nhung và bao giờ cũng thủy chung son sắt.

    - Phần 2: Những suy tư, lo âu, trăn trở trước cuộc đời và khát vọng tình yêu:

    + Những suy tư, lo âu, trăn trở trước cuộc đời: Ý thức được sự hữu hạn của đời người, sự mong manh của hạnh phúc.

    + Khát vọng sống hết mình trong tình yêu: Khát vọng hóa thân thành sóng để bất tử hóa tình yêu.

    NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

    (trích- NGUYỄN TUÂN)

    Nội dung

    - Sông Đà trên trang văn của Nguyễn Tuân hiện lên như một "nhân vật" có hai tính cách trái ngược:

    + Hung bạo, dữ dằn: Cảnh đá "dựng vách thành", những đoạn đá "chẹt" lòng sông như cái yết hầu; cảnh "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè"; những hút nước sẵn sàng nhấn chìm và đập tan chiếc thuyền nào lọt vào; những thạch trận, phòng tuyến sẵn sàng "ăn chết" con thuyền và người lái đò;..

    + Trữ tình, thơ mộng: Dòng chảy uốn lượn của con sông như mái tóc người thiếu nữ Tây Băc kiều diễm; nước sông Đà biến đổi theo mùa, mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng; cảnh vật hai bên bờ sông Đà vừa hoang sơ nhuốm màu cổ tích vừa trù phú, tràn trề nhựa sống;..

    Qua hình tượng sông Đà, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu mến tha thiết đối với thiên nhiên đất nước. Với ông, thiên nhiên cũng là một tác phẩm nghệ thuật vô song của tạo hóa. Cảm nhận và miêu tả sông Đà, Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự tài hoa, uyên bác và lịch lãm. Hình tượng sông Đà là phông nền cho sự xuất hiện và tôn vinh vẻ đẹp của người lao động trong chế độ mới.

    - Hình ảnh người lái đò:

    + Là vị chỉ huy "cái thuyền sáu bơi chèo" trong cuộc chiến đấu không cân sức với thiên nhiên dữ dội, hiểm độc (sóng, nước, đá, gió.). Bằng trí dũng tuyệt vời và phong thái ung dung, tài hoa, người lái đò "nắm lấy bờm sóng" vượt qua trận "thủy chiến" ác liệt (đá nổi, đá chìm, ba phòng tuyến trùng vi vây bủa.) thuần phục dòng sông. Ông nhìn thử thách bằng cái nhìn giản dị mà lãng mạn; bình tĩnh và hùng dũng ngay cả lúc đã bị thương.

    + Nguyên nhân chiến thắng của ông lái đòi: Sự ngoan cường, dũng cảm và nhất là kinh nghiệm sông nước.

    Hình ảnh ông lái đò cho thấy NT đã tìm được nhân vật mới: Những con người đáng trân trọng, ngợi ca, không thuộc tầng lớp đài các "vang bóng một thời", mà là những người lao động bình thường- chất "vàng mười của Tây Bắc". Qua đây, nhà văn muốn phát biểu quan niệm: Người anh hùng không chỉ có trong chiến đấu mà còn có trong cuộc sống lao động thường ngày.

    AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG?

    (Trích- HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG)

    Nội dung

    - Thủy trình của Hương giang:

    + Ở nơi khởi nguồn: Sông Hương có vẻ đệp hoang dại, đầy các tính, là "bản trường ca của rừng già", là "cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", là "người mẹ phù sa của một nền văn hóa xứ sở".

    + Đến ngoại vi thành phố Huế: Sông Hương như "người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại" được người tình mong đợi đến đánh thức. Thủy trình của sông Hương khi bắt đầu về xuôi tựa "một cuộc tìm kiếm có ý thức" người tình nhân đích thực của một người con gái đẹp trong câu chuyện tình yêu lãng mạn nhuốm màu cổ tích.

    + Đến giữa thành phố Huế: Sông Hương như tìm được chính mình "vui hẳn lên.. mềm hẳn đi như một tiếng" vâng "không nói ra lời của tình yêu. Nó có những đường nét tinh tế, đẹp như" điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế ", như" người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya "..

    + Trước khi từ biệt Huế: Sông Hương giống như" người tình dịu dàng và chung thủy ". Con sông" như nàng Kiều trong đêm tình tự "," trở lại tìm Kim Trọng "để nói một lời thề trước lúc đi xa..

    - Dòng sông của lịch sử và thi ca:

    + Trong lịch sử, sông Hương mang vẻ đẹp của một bản hùng ca ghi dấu bao chiến công oanh liệt của dân tộc.

    + Trong đời thường, sông Hương mang vẻ đẹp giản dị của" một người con gái dịu dàng của đất nước ".

    + Sông Hương là dòng sông thi ca, là nguồn cảm hứng bất tận cho các năn nghệ sĩ.

    HỌC KỲ II

    VỢ CHỒNG A PHỦ

    (Trích- TÔ HOÀI)

    Nội dung

    - Nhân vật Mị

    + Cuộc sống thống khổ: Mị là cô gái trẻ đẹp, yêu đời nhưng vì món nợ" truyền kiếp ", bị bắt làm" con dâu gạt nợ "nhà thống lí Pá Tra, bị đối xử tàn tệ, mất ý thức về cuộc sống (lời giới thiệu về Mị, công việc, không gian căn buồng của Mị.)

    + Sức sống tiềm tàng và khát vọng hạnh phúc: Mùa xuân đến (thiên nhiên, tiếng sáo gọi bạn, bữa rượu.), Mị đã thức tỉnh (kỉ niệm sống dậy, sống với tiếng sáo, ý thức về thời gian, thân phận.) và muốn đi chơi (thắp đèn, quấn tóc.). Khi A Sử trói vào cột, Mị" như không biết mình đang bị trói ", vẫn thả hồn theo tiếng sáo.

    + Sức phản kháng mạnh mẽ: Lúc đầu, thấy A Phủ bị trói, Mị dửng dưng" vô cảm ". Nhưng khi nhìn thấy" dòng nước mắt chảy xuống hai hõm má đã xám đen lại: Của A Phủ, Mị xúc động nhớ lại mình, đồng cảm với người, nhận ra tội ác của bọn thống trị. Tình thương, sự đồng cảm giai cấp, niềm khát khao tự do mãnh liệt.. đã thôi thúc Mị cắt dây trói cứu A phủ và tự giải thoát cho cuộc đời mình.

    - Nhân vật A Phủ

    + Số phận éo le, là nạn nhân của hủ tục lạc hậu và cường quyền phong kiến miền núi (mồ côi cha mẹ, lúc bé đi làm thuê hết nhà này đến nhà khác, lớn lên nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ).

    + Phẩm chất tốt đẹp: Có sức khỏe phi thường, dũng cảm; yêu tự do, yêu lao động; có sức sống tiềm tàng mãnh liệt..

    - Giá trị tác phẩm:

    +Giá trị hiện thực: Miêu tả chân thực số phận cực khổ của người dân nghèo, phơi bày bản chất tàn bạo của giai cấp thống trị ở miền núi.

    +Giá trị nhân đạo: Thể hiện tình yêu thương, sự đồng cảm sâu sắc với thân phân đau khổ của người dân lao động miền núi trước Cách mạng; tố cáo, lên án, phơi bày bản chất xấu xa, tàn bạo của giai cấp thống trị; trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khả năng cách mạng của nhân dân Tây Bắc;..

    VỢ NHẶT

    (Trích) - KIM LÂN-

    Nội dung

    - Nhân vật Tràng: Là người lao động nghèo, tốt bụng và cởi mở (giữa lúc đói, anh sẵn lòng đãi người đàn bà xa lạ), luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc. Câu nói đùa có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về "đã ẩn chứa niềm khát khao tổ ấm gia đình và Tràng đã" liều "đưa người đàn bà xa lạ về nhà. Buổi sáng đầu tiên khi có vợ, thấy nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, Tràng cảm thấy yêu thương và gắn bó, có trách nhiệm với gia đình, nhận ra bổn phận ơhair lo lắng cho vợ con sau này. Anh cũng nghĩ tới sự thay đổi cho dù vẫn chưa có ý thức thật đầy đủ (hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng trên đê Sộp).

    - Người" vợ nhặt ": Là nạn nhân của nạn đói. Những xô đẩy dữ dội của hoàn cảnh đã khiến" thị' chao chát, thô tục và chấp nhận làm "vợ nhặt". Tuy nhiên, sâu thẳm trong con người này vẫn khát khao một mái ấm. "Thị" là một con người hoàn toàn khác khi trở thành người vợ trong gia đình.

    - Bà cụ Tứ: một người mẹ nghèo khổ, rất mực thương con; một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha; một con người lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng.

    Ba nhân vật có niềm khát khao sống và hạnh phúc, niềm tin và hi vọng vào tương lai tươi sáng ở cả những thời khắc khó khăn nhất, ranh giới mong manh giữa sự sự sống và cái chết. Qua các nhân vật, nhà văn muốn thể hiện tư tưởng: "dù kề bên cái đói, cái chết, người ta vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vong ở tương lai".

    RỪNG XÀ NU

    -NGUYỄN TRUNG THÀNH-

    Nội dung

    - Hình tượng cây xà nu:

    + Cây xà nu đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thấn của người dân làng Xô Man.

    + Cây xà nu tượng trưng cho phẩm chất và số phận của nhân dân Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng. Vẻ đẹp, những thương tích mà RXN phải gánh chịu, những đặc tính của xà nu.. là hiện thân cho vẻ đẹp, những mất mát đau thương, sự khao khát tự do và sức sống bất diệt của dân làng Xô Man nói riêng, đồng bào Tây Nguyên nói chung.

    - Hình tượng nhân vật Tnú:

    + Tnú là người gan góc, dũng cảm, mưu trí.

    + Tnú là người có tính kỉ luật cao, tuyệt đối trung thành với cách mạng.

    + Tnú có một trái tim yêu thương và sục sôi căm thù giặc: Sống rất nghĩa tình và luôn mang trong tim ba mối thù: Thù của bản thân, thù của gia đình, thù của buôn làng.

    + Cuộc đời bi tráng và con đường đến với cách mạng của người dân Tây Nguyên, góp phần làm sáng tỏ chân lí của thời đại: Dùng bạo lực cách mạng để tiêu diệt bạo lực phản cách mạng, đấu tranh vũ trang là con đường tất yếu để tự giải phóng.

    - Hình tượng rừng xà nu và Tnú có mối quan hệ khăng khít, bổ sung cho nhau. RXN chỉ được giữ được màu xanh bất diệt khi có những con người biết hi sinh như Tnú; sự hi sinh của những con người như Tnú góp phần làm cho những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.

    CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

    -NGUYỄN MINH CHÂU-

    Nội dung

    - Hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh

    + Một "cảnh đắt trời cho" là cảnh thuyền lưới vó ẩn hiện trong biển sớm mờ sương có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào.. Với người nghệ sĩ, khung cảnh đó chứa đựng "chân lí của sự hoàn thiện", làm dấy lên trong Phùng những xúc cảm thẩm mĩ, khiến tâm hồn anh như được gột rửa, thanh lọc.

    + Một cảnh tượng phi thẩm mĩ (một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi; gã đàn ông to lớn, dữ dằn), phi nhân tính (người chồng đánh vợ một cách thô bạo, đứa con thương mẹ đã đánh lại cha.) giống như trò đùa quái ác, làm Phùng "ngơ ngác" không tin vào mắt mình.

    Qua hai phát hiện của người nghệ sĩ, nhà văn chỉ ra: Cuộc đời chứa đựng nhiều nghịch lí, mâu thuẫn; không thể đánh giá con người, cuộc sống ở dáng vẻ bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu, phát hiện bản chất bên trong.

    - Câu chuyện của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện:

    + Đó là câu chuyện vè cuộc đời nhiều bí ẩn và éo le của một người đàn bà hàng chài nghèo khó, lam lũ..

    + Câu chuyện đã giúp người nghệ sĩ Phùng hiểu về người đàn bà hàng chài (một phụ nữ nghèo khổ, nhẫn nhục, sống kín đáo, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời, có tâm hồn đẹp đẽ, giàu đức hi sinh và lòng vị tha) ; về người chồng của chị ( "bất kể lúc nào thấy khổ quá" là lôi vợ ra đánh) ; chánh án Đẩu (có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lí nhưng kinh nghiệm sống chưa nhiều) và về chính mình (sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận, suy nghĩ).

    Qua câu chuyện về cuộc đời người đàn bà hàng chài và cách ứng xử của các nhân vật, nhà văn muốn gửi đến người đọc thông điệp: đừng nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện; phải đánh giá sự việc, hiện tượng trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều.

    - Tấm ảnh được lựa chọn trong "bộ lịch năm ấy" :

    + Mỗi lần nhìn kĩ vào bức ảnh đen trắng, người nghệ sĩ thấy "hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai" (đó là chất thơ, vẻ đẹp lãng mạn của cuộc đời, cũng là biểu tượng của nghệ thuật). Và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ anh cũng thấy "người đàn ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh" (đó là hiện thân của những lam lũ, khốn khó, là sự thật cuộc đời)

    + Ý nghĩa: Nghệ thuật chân chính không thể tách rời, thoát li cuộc sống. Nghệ thuật chính là cuộc đời và phải vì cuộc đời.

    HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

    (Trích) - LƯU QUANG VŨ-

    Nội dung

    - Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và xác hàng thịt:

    + Hồn Trương Ba có một cuộc sống đáng hổ thẹn khi phải sống chung với thể xác dung tục và bị sự dung tục đồng hóa.

    + Lời cảnh báo của tác giả: khi con người phải sống trong dung tục thì sớm hay muộn những phẩm chất tốt đẹp cũng sẽ bị cái dung tục ngự trị, lấn át và tàn phá. Vì thế, phải đấu tranh để loại bỏ sự dung tục, giả tạo để cuộc sống trở nên tươi sáng hơn, đẹp đẽ và nhân văn hơn.

    - Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba với người thân:

    + Trong thân xác anh hàng thịt, Hồn Trương Ba dù không muốn vẫn phải làm những điều trái với tư tưởng của mình để thỏa mãn đòi hỏi của thể xác.

    + Những người thân trong gia đình người thì xa lánh, sợ hãi, thậm chí ghét bỏ, ghê tởm (cái Gái) ; người lại buồn bã, đau khổ (vợ Trương Ba) ;.. song, tất cả đều không giúp gì được và Hồn Trương Ba rơi vào sự hụt hẫng, cô đơn. Vì thế, Hồn Trương Ba phải lựa chọn một thái độ dứt khoát.

    - Màn đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Đế Thích

    + Hồn Trương Ba không chấp nhận cảnh sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Ông muốn được sống theo đúng bản chất của mình: "Tôi muốn được là tôi toàn vẹn".

    + Đế Thích khuyên hồn Trương Ba nên chấp nhận. Hồn Trương Ba kiên quyết từ chối và kêu gọi Đế Thích sửa sai bằng việc làm cho cu Tị sống lại.

    Qua màn đối thoại, ta thấy vẻ đẹp tâm hồn của con người trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo, bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, tự nhiên. Đó chính là chất thơ trong kịch của LQV.

    - Kết thúc vở kịch, Hồn Trương Ba chấp nhận cái chết, một cái chết làm sáng bừng lên nhân cách đẹp đẽ của Trương Ba, thể hiện sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp và sự sống đích thực.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...