Review Sách Bay Lên Từ Cánh Đồng - Trương Trọng Nghĩa

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi dongda, 8 Tháng năm 2021.

  1. dongda

    Bài viết:
    39
    Hình ảnh người cha trong "Bay lên từ cánh đồng"

    Tác giả: Trương Trọng Nghĩa

    Thể loại: Thơ

    Tình trạng: Đã xuất bản

    Reviewer: Lê Quang Huy

    [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của dongda

    [​IMG]

    Trong các mối quan hệ tình cảm gia đình, tình mẹ con xưa nay vẫn là nguồn cảm hứng muôn thuở của thi ca. Người Việt Nam xem trọng tình mẫu tử, bởi người mẹ thường bao dung, độ lượng, chịu nhiều vất vả hi sinh hơn cả. Hình ảnh người cha xuất hiện qua văn chương nghệ thuật ít hơn, nhưng đã đi vào tác phẩm thì thường gây được những cảm xúc mạnh mẽ, mang lại cho người đọc những nỗi niềm lớn lao về tình phụ tử thiêng liêng.

    Thơ của Trương Trọng Nghĩa như lời của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hồ Thế Hà "nặng sâu tình người, tình quê hương, xứ sở". Tuy nhiên, bên cạnh, hình ảnh một vùng quê đi vào nhiều bài thơ của tác giả với những diễn đạt độc đáo còn đó những câu thơ cảm động về tình yêu thương con của những người cha.

    Với nhà thơ, điều lớn lao nhất mà người cha truyền tới cho con chính là phải biết quý trọng mảnh đất nơi mình sinh ra cùng với với truyền thống tốt đẹp của quê hương. Đó chính là hành trang mà người cha đã chuẩn bị cho con ngay từ những ngày đầu con chập chững bước vào đời, khi mà nền kinh tế thị trường vừa tác động đến vùng nông thôn:

    Cha thường bảo đất quê luôn nghĩa tình

    Đất không phụ người mà chỉ người phụ đất

    "Nhà nông vất vả bội phần con ạ!"

    Khi hạt gạo còn nhọc nhằn mồ hôi, nước mắt

    Đất lành nhưng rồi đàn chim cũng vỗ cánh bay đi. (Bay lên từ cánh đồng)

    Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện: Hạt gạo mồ hôi, nước mắt đã miêu tả cụ thể nỗi vất vả của người nông dân Nam Bộ xưa nay. Với cách tư duy giàu hình ảnh của người nông dân chân chất và lối diễn đạt mộc mạc, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa đã miêu tả thật chân thực, sinh động cuộc sống lao động cần cù của người nông dân khi trước mắt họ là biết bao nhiêu là khó khăn, gian nan thử thách, để rồi đưa ra tâm tình nhắn nhủ của người cha dành cho con "Nhà nông vất vả bội phần con ạ!" nghe mới thấm thía làm sao. Chân thực từng câu chữ, nhờ đó cả khổ thơ là nỗi lòng của những người mẹ, người cha giữa cuộc sống đời thường có con đi học xa nhà, nơm nớp lo sợ con mình hư hỏng bởi những cám dỗ xa hoa nơi chốn thị thành đầy bất trắc.

    Nét độc đáo của bài thơ này còn ở hình ảnh chiếc sừng trâu treo nơi góc nhà, đó không phải là vật trang trí mà lời nhắc nhở khéo léo của người cha trong bối cảnh trai tráng bỏ làng lên phố.

    Chiếc sừng trâu cha tôi còn treo nơi góc nhà

    Để nhắc nhớ cháu con về một thời gian khó

    Một thời con trâu cái cày, đồng sâu ruộng cạn

    Giờ trai tráng bỏ làng lên phố

    Đêm đêm cha thao thức cùng tiếng vạc sành nỉ non (Bay lên từ cánh đồng)

    Đó là điểm nhấn của người cha dành cho con "về một thời gian khó/Một thời con trâu cái cày, đồng sâu ruộng cạn". Qua đây người cha còn muốn nhắn nhủ với con rằng sống phải có tình, có nghĩa, thuỷ chung với quê hương, biết chấp nhận vượt qua mọi gian lao thử thách bằng ý chí và niềm tin của mình. Người con từ đó được ra đời không chỉ là xuất phát từ sự kết tinh tình yêu của cha mẹ mà còn xuất phát từ là tình cảm rộng lớn của quê hương. Và quê hương đã cho con nghĩa tình, đã bao bọc, chở che con.

    Thấu hiểu tình cảm của người cha với mình, người con khi xa quê cũng đau đáu hướng về gia đình mỗi khi mưa bão (Gởi quê)

    Con không về nước lại lên nhanh

    Ba có kịp kê đồ đạc trong nhà lên gác?

    Mưa suốt đêm càng lúc càng nặng hạt

    Se thắt lòng con..

    Bốn câu thơ là cảm xúc của đứa con hiếu thảo cảm nhận về ân nghĩa sinh thành. Người con biết rằng từ nay việc đồng áng, cửa nhà sẽ dồn nặng lên vai cha. Mạch thơ trần thuật mà sâu lắng, thấm đẫm cảm xúc niềm thương yêu nén nghẹn trong lòng làm "Se thắt lòng con..".

    Nỗi niềm của người con xa quê nhớ về cha cũng được nhà thơ thể hiện trong bài "Những cánh diều ở quảng trường". Hình ảnh con diều được cha làm ừ những tờ giấy báo, giấy tập lại hiện về. Từng cánh diều bay vút lên cao mang theo ước mơ, hoài bão của người cha với đứa con của mình. Nhiều khi gió to cánh diều chao đảo trên bầu trời xanh thẳm rồi lại từ từ hạ xuống khiếng cả đám phải ùa nhau đi cuốn dây và.. bắt đầu thả lại.

    Con thả lên trời những mơ ước lớn lao

    Cũng như ba một thời

    gửi gắm vào cánh diều bao hoài bão

    Rồi một ngày khi con khôn lớn

    Cánh diều sẽ mang con đến những chân trời mới.

    Cánh diều mang dấu ấn của quê hương, tuổi thơ và là nơi gửi gắm những ước mơ, khát vọng được bay cao, bay xa của nhiều đứa trẻ, hồn nhiên, trong trẻo đến lạ thường. Để từ đó tác giả kết bài với hai câu lục bát:

    Mai này nhớ tiếng sáo diều

    Nhắc con thơ ấu những chiều cùng cha..

    Khi đã có gia đình, nhìn nhận được nhiều chuyện vui buồn trong cuộc sống người con càng thấm thía ảnh hưởng của người cha đến cuộc sống của một đứa trẻ. Tác giả "đúc kết" được rằng làm cha không hề dễ dàng và làm cha như thế nào để hiểu và giúp con cái mình phát triển tài năng lại càng khó hơn. Bài thơ "Ngày con chào đời" như là lời tâm tình của người con trai lần đầu làm cha. Ngay từ bốn câu đầu, nhà thơ đã lột tả được niềm vui khi đứa con mới chào đời:

    Vụng về đôi bàn tay ba run run

    Lóng ngóng đón con từ phòng mổ

    Ôi thiên thần bé nhỏ đang hồn nhiên khóc chào đời

    Đâu hay ba cũng vỡ òa niềm hạnh phúc con ơi!

    Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu tính chất tạo hình "vụng về", "run run", "lóng ngóng", nhà thơ đã dựng lên trước mắt người đọc hình ảnh của một người cha khi lần đầu đón nhận đứa con của mình. Cho dù tác giả không nói ra, nhưng chúng ta vẫn thấy được nụ cười hạnh phúc, ánh nhìn yêu thương của người cha dành cho con mình. Ngay từ lúc ấy, người cha trẻ, cũng như cha mình ngày trước, hình dung khi con mình lớn lên, mong muốn con: Phải sống có tình, có nghĩa, thủy chung với quê hương, đất nước bằng giọng điệu triết lí sâu sắc

    Đây mặt đất bao la từ đôi tay ba dang rộng

    Cho con vững bước vào đời

    Đây khoảng trời của con

    có bóng hình tuổi thơ ba trong đó

    Và lời ru của bà, của mẹ sẽ lớn dần theo con

    Thì ra, đằng sau những lặng lẽ, thâm trầm của cha là biết bao yêu thương, biết bao mong mỏi, biết bao hi vọng, biết bao đợi chờ. Từ đây, không khí gia đình thật ấm áp, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười nói của trẻ thơ như hiện ra trước mắt tác giả được bộc lộ hết chỉ qua bốn câu thơ.

    Rồi nhà mình sẽ ngập tiếng cười

    Là vì con đấy công chúa nhỏ!

    Là vì ngày con đến

    Đong cho đầy yêu thương

    Những câu thơ của một nhà thơ, tác giả đã giải thích hộ cho mọi người rằng: Cha rất yêu con gái. Rằng đối với cha, con gái có ý nghĩa thân thiết ngự trị vào tất cả là gia đình, là ngôi nhà thân thương. Có thể nói, bài thơ "Ngày con chào đời" là lời tâm sự cùa người cha, giàu cảm xúc, tuy cách diễn tả mộc mạc nhưng vẫn giúp người đọc cảm nhận được hết cái thần và hồn của nó.

    Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa có rất ít bài viết riêng về cha. Nhưng khi mỗi câu thơ nhắc về người cha lại có nhiều chi tiết ăn sâu trong tiềm thức cùng với suy nghĩ và cảm xúc của mình, người con đã khắc họa hình ảnh người cha thật sinh động, gần gũi, thân thuộc. Đối với người làm thơ, có lẽ chỉ có thơ mới thể hiện hết được những suy tư, cảm xúc mà văn xuôi nhiều khi bất lực. Dù từng câu, chữ của tác giả khi nói về cha chưa phải là đặc sắc, phong phú nhưng bước đầu, Trương Trọng Nghĩa đã thành công khi làm lay động nhiều trái tim người đọc nhờ vào cảm xúc chân thật của từng bài thơ.

    ---HẾT---​
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...