GIÁ TRỊ THỰC TIỄN CỦA TÁC PHẨM LÝ HOẶC LUẬN CỦA MÂU TỬ Tác giả: Diệu Đạt Mỗi giai đoạn lịch sử đều có những nét riêng và những thành tựu nổi bật về các mặt trong đời sống xã hội. Văn học cũng thế. Nó cũng có những đặc tính riêng khi xuất hiện và tồn tại trong xã hội thuộc một giai đoạn lịch sử nào đó. Đặc biệt, chúng ta không thể không nói đến những tác phẩm thuộc mảng văn học Phật giáo vì những giá trị thực tiễn mà mỗi tác phẩm mang lại. Mâu Tử, một người Hán thông thạo cả Nho và Đạo, lại là người có thái độ rất dứt khoát trong việc lên án những yếu kém của hai hệ tư tưởng này mà đề cao tư tưởng Phật giáo. Lý hoặc Luận là một tác phẩm tiêu biểu của Mâu Tử đã có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chung giải phóng dân tộc của người Giao Châu. Sự đối đáp giữa Nho sĩ và Mâu Tử qua tác phẩm Lý hoặc Luận đã để lại những bài học vô cùng quý giá mà sau đây người viết sẽ dùng phương pháp phân tích để làm nổi bật một số vấn đề liên quan đến đời sống của hành giả, người viết xin mời người đọc cùng khám phá những điều mới mẻ và bổ ích đó qua tác phẩm Lý hoặc Luận. Nếu như các chiến sĩ ngày đêm cầm kiếm để bảo vệ tổ quốc thì các nhà văn, nhà thơ sẽ dùng ngòi bút để chống lại kẻ thù. Với kiến thức sâu rộng và tài lập luận sắc bén, Mâu Tử đã lý giải tường tận những thắc mắc của Nho Sĩ về giáo lý nhà Phật đồng thời đả phá mạnh mẽ vào hệ tư tưởng Nho giáo, một hệ tư tưởng vốn tồn tại khá bền vững trong lòng người Hán khi luôn cho rằng chính họ là trung tâm của vũ trụ. Điều này hiển nhiên tác động mạnh mẽ đến cách nghĩ của người dân Giao Châu thời bấy giờ đối với phong kiến Phương Bắc và có niềm tin vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, vào công cuộc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài việc góp phần vào sư thành công trong quá trình bản địa hóa của người dân Giao Châu, tác phẩm Lý hoặc Luận cũng để lại nhiều bài học sâu sắc mà người đời sau cần phải suy ngẫm và nhìn nhận lại chính mình. Đầu tiên, Mâu Tử đã giải thích về Phật và Đạo Phật. Ông đã nêu ra một Đức Phật quyền năng: "Phật là nguyên tổ của đạo đức, đầu mối của thần minh". Mâu Tử cũng giải thích "Phật là giác". Qua đó, chúng ta có thể thấy Phật giáo khi du nhập vào đất Giao Châu đã có những thay đổi để thích ứng với người dân bản địa, tức là họ đã hiểu rằng Đức Phật cũng giống như những vị thần nhưng khác ở chỗ: Phật ở gần con người và những giáo lý của Ngài giúp cho họ có hạnh phúc trong hiện tại. Mâu Tử nói Nho sĩ không nên "thấy ít, lạ nhiều" khi có ý nghi ngờ về tướng tốt của Đức Phật bởi vì kiến thức mà chúng ta có được chỉ như hạt cát giữa sa mạc rộng lớn, và những gì ta có thể thấy cũng chẳng khác gì "ếch ngồi đáy giếng". Thế nên, đừng vội phán xét hay bảo thủ quan điểm cạn cợt của mình trước những điều mình mới lạ. Cũng vậy, nếu hành giả dùng sự thiếu hiểu biết của mình để nhìn nhận vấn đề nào đó thì rất khó để tiếp nhận được được vấn đề vì chỉ thấy lạ nhiều hơn quen mà thôi. Mâu Tử giải thích thêm: "Đạo là nói dắt dẫn vậy, dắt dẫn người đến chỗ vô vi". Câu trả lời này của Mâu Tử rất rõ ràng, cụ thể vì dựa trên nội dung của giáo lý Đạo Phật. Đạo ở đây có công năng dẫn dắt người đến chỗ giải thoát và giải thoát này không dựa trên đường đi mà dựa vào trí tuệ, nhờ trí tuệ này giúp chúng ta phân tích mọi sự vật, hiện tượng cho đến lúc không còn phân tích được nữa, nên con người rất tự tin và không sợ hãi, hay nói khác hơn, Đạo dẫn dắt người đến chỗ vô vi, nhưng vô vi ở đây không nhầm lẫn với tư tưởng của Lão giáo mà là Niết –bàn của nhà Phật. Niết-bàn là đối tượng của Đạo và ai có đạo người ấy sẽ thấy Niết –bàn. Chứ không nói chung chung như trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử trả lời: "Đạo khả đạo, phi thường đạo Danh khả danh, phi thường danh" Khái niệm này rất khó hiểu, rất trừu tượng không đáp ứng được yêu cầu của quần chúng và không giải thích rõ vấn đề về Đạo. Nho sĩ tiếp tục có câu hỏi rất nông cạn với ý muốn đè hệ tư tưởng khác xuống để tôn vinh tư tưởng của mình lên, khi cho rằng khái niệm Đạo của nhà Phật là hư vô, khó hiểu. Mâu Tử nhấn mạnh "không thể lấy tập tập quen làm trọng, ít thấy làm khinh". Nghĩa là có những vấn đề nhiều người cho rằng là đúng nhưng chưa chắc thật là đã đúng với chân lý, cái đúng đó chỉ đúng trên số đông và chúng ta thường theo số đông mà đồng tình quan điểm với họ, cũng giống như người học Phật, nếu không có chánh kiến thì rất dễ ngộ nhận, cho rằng cái sai là đúng. Ví như cùng ở trong liêu, mọi người đều giải đãi trong công phu tu tập dần thành thói quen, chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhiễm thói xấu này nếu thiếu đi sự tinh tấn. Nếu không có sự nỗ lực học tập thì đến lúc nào đó chúng ta sẽ không còn kính trọng kinh điển, dẫn đến xem nhẹ kinh điển vì không hiểu ý sâu xa của giáo lý Phật-đà và chúng ta đã ngầm gieo hạt giống bất thiện mà không hay biết. Thời mạt pháp không phải do kinh điển bị đốt sạch, diệt sạch.. mà mạt pháp ở đây là xuất phát từ tư duy của hành giả bị lệch lạc, không còn đủ trí tuệ để tiếp nhận giáo lý nữa, dẫn đến chỗ dù kinh sách còn ở đó nhưng bị xem là vô hình nên gọi là mạt pháp. Đây là điều đáng báo động khi xu thế của Tăng, Ni trẻ ngày nay luôn xem nhẹ những điều cốt yếu từ kinh điển và xem trọng vật chất bên ngoài, lợi dưỡng cá nhân thấp hèn. Theo Mâu Tử, giáo pháp của Chư Phật "ví như đến sông uống nước, uống no tự đủ". Đây được xem là cách trả lời khôn khéo khi ông gián tiếp khẳng định Nho sĩ là người quá kém cỏi nên hiển nhiên sẽ không bao giờ hiểu hết được giáo lý nhà Phật. Kinh Phật luôn sâu và rộng hơn các hệ tư tưởng từ các bậc thánh của Trung Hoa thời xưa, và chân lý của đạo Phật luôn là "chiếc phao cứu sinh" cho những kẻ cùng khổ đang chìm đắm trong biển sanh tử. Nếu hành giả đang an trú trong chánh pháp thì tự khắc sẽ tự biết đủ, biết tận hưởng nguồn năng lượng tràn đầy từ chánh pháp đang rưới mát thân tâm từng ngày. Nếu hành giả không thường xuyên tưới mát tâm mình bằng chánh pháp thì chẳng khác nào kẻ khát nước, gặp nước lại không chịu uống và sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường vậy. Lại nữa "kinh Phật tuy nhiều, đều quy về một mối" Nghĩa là kinh Phật được ví như nước ở con sông rộng lớn nhưng không dư thừa và mỗi người sẽ có cách tu tập khác nhau như: Tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền, trì chú.. nhưng chung quy đều đưa đến sự an lạc trong hiện tại và là nhân của sự giải thoát ở tương lai. Mâu Tử tiếp tục khẳng định "đức không gầy là bọn ương ngu". Chữ "gầy" ở đây là nghĩa hành giả phải biết gây dựng phước đức cho mình để làm hành trang vững bước trên con đường giác ngộ ở phía trước, nếu không như thể chẳng khác gì kẻ vừa ương bướng, vừa ngu si mà ở trong chánh pháp của Chư Phật. Mâu Tử nói: "Vợ con, tài sản là vật thừa ở đời, thân sạch vô vi là huyền diệu của Đạo vậy". Xuất gia theo Phật lý tưởng đẹp nhất của đời người, là bước đầu ra khỏi nhà thế tục, nhà phiền não, nhà tam giới. Chư Tổ cũng có dạy: "Hủy hình thủ khí tiết Cắt ái từ sở thân Xuất gia hoằng thánh đạo Thệ độ nhất thiết nhân" Nghĩa là khi đã có nhân duyên đến với đạo Phật, hành giả đã mạnh mẽ cạo bỏ râu tóc, cắt ái, ly gia để theo lý tưởng siêu việt của đạo mầu thì việc duy trì nòi giống không còn là việc quan trọng. Họ hy sinh hạnh phúc cá nhân để hướng đến hạnh phúc của số đông, hạnh phúc của toàn nhân loại. Đó là hành động cao quý mà không phải ai cũng làm được và hành động ấy luôn có ngọn đèn hiếu hạnh dẫn đầu soi đường chỉ lối, họ xem tất cả chúng sanh bình đẳng như nhau, và họ đang ngày đêm đóng con thuyền trí tuệ thật chắc để chèo lái nó đưa tất cả chúng sanh từ bờ mê sang bờ giác, từ sanh tử đến Niết-bàn. Nếu đã, đang và sẽ đi trên lý tưởng ấy hành giả sẽ cảm thấy được sự huyền diệu của đạo vậy. Mâu tử nói thêm "Sa môn tu đạo đức để đổi niềm vui đời phù du, về thục hiền để thay cho nỗi sướng vợ con". Đời sống của bậc Sa môn khác biệt và nhiều ý nghĩa là vậy. Họ sống có giới đức, giới hạnh, thuần hậu và hiền hòa "không buông lòng mình, không thả tính mình" trong từng sát na, họ trân trọng từng khoảnh khắc được tu, được hành theo chánh pháp của chư Phật, đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc bất tận đang thấm nhuần thân cùa họ. Để tiếp nối các bậc tiền nhân đi trước, để xứng đáng là hàng "chúng trung tôn", là bậc thầy mô phạm, Tăng, Ni sinh trẻ ngày nay cần phải nhìn nhận lại chính mình, không nên vì lý do nào đó mà ở trong đạo Phật lại tư tưởng đến tình yêu nam, nữ hay nhận người khác làm mẹ nuôi, anh, chị, em nuôi.. rồi xao lãng việc làm chính yếu của đời mình là tu và học Phật pháp, uổng phí thời gian cho một kiếp người lại gieo thêm chủng tử bất thiện mà phải chịu luân hồi sanh tử. Khi nói về "lễ chế" và "thực chất của đạo". Mâu Tử mong muốn Nho Sĩ không nên nhìn vào vẻ đẹp của lễ chế mà bỏ quên thực chất của đạọ vì đó chỉ là "thấy bên ngoài mà chưa biết bên trong". Thực chất của đạo đó là khổ, là chân lý của cuộc đời. Nhìn xa ra một chút, hành giả có thể hiểu được, nếu vào trong đạo mà không sống thật với đạo thì chúng ta chẳng khác gì những kẻ ngoại đạo. Do đó, điều cốt yếu là bản thân cần phải sống thực với đạo, không nên quan trọng hình thức mà bỏ qua nội dung, nghĩa là nên soi xét vào nội tâm của mình mà nhìn nhận được sự đúng, sai và sửa lỗi sai tập làm điều lành chứ không nên trau chuốt vẻ bề ngoài, "giả trang thiền tướng" mà thực chất chỉ như cái vỏ bọc xinh xắn chứa đựng những thứ rác rưởi mà thôi. Mâu Tử nói về "ý nghĩa của đạo sống chết, mục đích của các điều lành giữ". Khi đã có cái nhìn khách quan về đạo Phật, mọi người sẽ thấy được sự thật của cuộc đời, ai rồi cũng sẽ chết. Một khi vay mượn của "tứ đại" (đất, nước, gió, lửa) để cấu thành nên con người thì đến một lúc nào đó chúng ta cũng hóa thành tro bụi. Có gì chắc thật cho kiếp sống nhân sinh ngắn ngủi? Có chăng chỉ là nghiệp lành hay dữ mà thôi. Chúng ta là phàm phu thì chỉ có thể làm hai việc, đó là: Việc ác sanh thì không làm cho nó sanh và việc thiện chưa sanh thì làm cho nó sanh khởi. Đó là điều chúng ta nên làm ngay lúc này để tạo duyên lành giúp ta tự tin vượt qua những cám dỗ của cuộc đời về vật chất, về ái dục. Không nên có sự nghi ngờ vào chánh pháp, vào khả năng giác ngộ của mình bởi vì "người ngu mờ ám ở chỗ việc thành, người hiền trí tính trước khi chưa manh nha". Tóm lại, cuộc đối đáp giữa Mâu Tử và Nho sĩ đã dẫn dắt chúng ta đi sâu vào đạo Phật hơn, hiểu được sức mạnh của chân lý và giá trị bản thân trong cuộc đời này. Trước tiên, hành giả phải luôn tôn kính Tam bảo, phải có niềm tin vào chánh pháp, giữ gìn giới luật nghiêm minh, và đặc biệt là phải tinh tấn trong việc tu và học Phật pháp để thanh lọc phiền não, nhiễm ô trong vườn tâm, tích cực gieo trồng những hạt giống thiện lành, và nhổ tận gốc những cỏ dại ác pháp khi nó vừa manh nha. Đồng thời, phải mạnh mẽ đứng lên chung tay bảo vệ Phật pháp trước hành động phi pháp của kẻ thiếu hiểu biết, hoặc những thế lực thù địch cố ý gây chia rẽ nội bộ Tăng già để góp phần đem ánh sáng Phật pháp tiếp tục lan tỏa đến muôn nơi để mọi người chung vui niềm hạnh phúc. Làm được như vậy hành giả sẽ ngày càng thăng hoa trên lộ trình giác ngộ, giải thoát cho tự thân và tha nhân.