Bình giảng bài thơ Lầu hoàng hạc - Thôi hiệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 15 Tháng tư 2020.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Bình giảng bài thơ "lầu Hoàng Hạc" - Thôi Hiệu

    Tác giả: Love cà phê sữa.

    Nói đến thành tựu rực rỡ của văn học nhân loại, ta không quên nhắc đến sự đóng góp to lớn của văn học Trung Quốc thời đại nhà Đường- thơ Đường. Có thể nói, thơ Đường là nguồn vô tận cho sự sáng tạo nghệ thuật, ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học các nước, đặc biệt là Việt Nam. Theo dòng chảy lịch sử, các tác phẩm thời đại nhà Đường vẫn luôn làm say đắm lòng người, ghi ấn tượng sâu sắc với độc giả. Với hơn 300 năm phát triển, thơ Đường có hàng vạn, hàng ngàn bài thơ. Nếu như chọn mười nhà thơ tiêu biểu thì chắc chắn không có tên tuổi của Thôi Hiệu. Nhưng, để chọn mười bài thơ hay nhất thì ta không thể bỏ qua "Lầu Hoàng Hạc" của ông. Vậy, điều gì đã làm nên sức hút của tác phẩm, khiến Lí Bạch- tiên thi nhà Đường phải sững sờ tới mức "làm rơi bút không dám đề thơ"?

    Không đúng như tên gọi "Lầu Hoàng Hạc", cả bài thơ không nói gì về "lầu" cả, mà tập trung diễn tả nỗi sầu, một nỗi niềm không sao tả xiết. Bốn câu thơ đầu của bài thơ gợi lên sự hoài niệm quá khứ:

    "Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

    Thử địa không dư hoàng hạc lâu

    Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

    Bạch vân thiên tải không du du".

    (Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

    Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

    Hạc vàng đi mất từ xưa,

    Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)

    Có thể nói, lầu Hoàng Hạc đã hấp dẫn biết bao du khách tìm đến bởi vẻ đẹp thiên nhiên, bởi vẻ đẹp của câu chuyện huyền thoại xa xăm. Thôi Hiệu đang đứng trên lầu Hoàng Hạc, đáng lẽ với tâm hồn của một người thi sĩ, ông sẽ vẽ nên bức tranh đẹp lung linh về cảnh vật nơi đây. Nhưng không, đứng trước không gian bao la của mảnh đất Vũ Xương, nhà thơ bỗng hồi niệm về một cái đã có và đã mất "Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc lâu" (Người xưa cưỡi hạc bay đi rồi). Tương truyền rằng, xưa kia Phí Văn Vi- một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sông thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán và dừng chân trên "Đồi Rắn" để nhìn ngắm cảnh đẹp cảnh đẹp Trường Giang và Ngũ Hồ khói sương diễm lệ. Người đời sau từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi mà xây nên Hoàng Hạc lâu. Người xưa từng từng cưỡi hạc về đây giờ đã trở thành xa xăm, chỉ còn lại trên mảnh đất Vũ Xương trống trải này, trơ lại lầu Hoàng Hạc chơi vơi "Thử địa không dư hoàng hạc lâu". Lầu Hoàng Hạc lẻ loi, trơ trọi hay chính là nỗi niềm, tâm trạng của nhà thơ- vừa cô đơn, cảm thấy mình nhỏ bé trước bao la, vừa thất vọng khi câu chuyện về người thần tiên mãi là huyền ảo.

    Hai câu đầu mở ra sự trống vắng, hụt hẫng của người ngắm cảnh. Ta không chỉ ấn tượng với tâm trạng nhà thơ ẩn sâu sau lớp vỏ ngôn từ. Đặc biệt, trong hai câu thơ đầu, Thôi Hiệu đã sử dụng phép đối, thực chất là không cần, nhưng lại làm nổi bật lên sự đối lập giữa cái ra đi mãi mãi với cái ra đi còn lại, cái vô cùng với cái hữu hạn, cái hư với cái thực. Qua đó thể hiện một cách sinh động niềm nuối tiếc quá khứ và nỗi suy tư về hiện tại.

    [​IMG]

    Hai câu thơ tiếp theo chất chứa nỗi niềm day dứt, bâng khuâng trong hoài niệm của con người:


    "Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

    Bạch vân thiên tải không du du."


    Cả ba câu thơ liên tiếp đều nhắc đến lầu Hoàng Hạc, "hoàng hạc" cứ trở đi trở lại đến ba lần, nhưng chỉ có một lần là thực. Cánh hạc vàng trở về trong suy ngẫm, trong tưởng tượng chỉ càng tô đậm thêm niềm khắc khoải, chỉ làm tăng thêm sự thấm thía, mất mát, nuối tiếc đến quặn lòng. Hơn nữa, hoàng hạc còn là ẩn dụ cho hình ảnh con người. Con người tồn tại trong thời gian hạn hẹp giữa sự mênh mông vô tận của thời gian, đối lập với cái vô tận của vũ trụ. "Hạc vàng" gợi ta liên tưởng đến Phí Văn Vĩ từng xuất hiện hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, con người ấy đã biến mất, đã tan nát cùng cỏ cây. Hàng ngàn năm sau, khi tác giả đặt chân đến hoàng hạc lâu, đám mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xưa kia vẫn còn đó, mà con người thì biến đâu mất? Âm vang của câu thơ như gợi lên tâm trạng buồn, nỗi niềm hoài cổ, đâu đó chất chứa nỗi trăn trở, sự thắc mắc không nguôi. Tại sao con người lại không thể vĩnh hằng cùng thiên nhiên, vũ trụ bao la? Tại sao con người phải chịu đựng sự luân hồi của kiếp người? Vì sao vậy? Nhưng, tất cả đều không thể, vũ trụ bao la, bất biến thế đấy nhưng con người sẽ không tồn tại nếu điều đó xảy ra. Tất cả cũng chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nỗi khắc khoải đó thật giống với tâm trạng của thiền sư Mãn Giác:

    "Xuân khứ bách hoa lạc

    Xuân đáo bách hoa khai

    Sự trục nhãn tiền quá

    Lão tòng đầu thượng lai".

    Từ không gian tâm tưởng cõi tiên, nhà thơ trở về hiện tại với sự thất vọng, nỗi lòng buồn nhớ quê hương. Ta có thể nhận thấy sự khác biệt giữa cảnh sắc bốn câu thơ cuối với bốn câu thơ đầu. Từ cõi tiên về cảnh thực, từ cấu tứ lấy ý làm chủ quyền sang lấy cảnh làm chủ, từ trạng thái mông lung, huyền ảo sang màu sắc tươi sáng rõ nét. Về hình thức thơ, từ phá cách quay về tuân thủ nghiêm chỉnh. Điểm khác biệt không hề gây đột ngột, bất ngờ bởi dù có suy nghĩ miên man về quá khứ, bị lôi cuốn bởi truyền thuyết thì rốt cuộc, Thôi Hiệu cũng phải quay về thực tại. Sự đối lập giữa con người và vũ trụ, giữa cái hữu hạn và vô cùng ở phần đầu có ý nghĩa với hiện tại mà thi nhân đang phải đối mặt.

    "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

    Nhật mộ hương quan hà xứ thị

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu."

    (Hán Dương sông tạnh cây bày,

    Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

    Quê hương khuất bóng hoàng hôn.

    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai)

    Trở về câu thơ, hai từ "lịch lịch", "thê thê" vốn là hai từ láy miêu tả đặc điểm tính chất của sự vật. Hàng cây trên đất Hán Dương phản chiếu mồn một trên dòng sông xanh. Trên bãi Anh Vũ, cỏ thơm ngào ngạt, mơn mởn. Cảnh vật hiện ra trước mặt đầy sức sống, tinh khôi, gợi nhớ về thực tại, đánh thức người lữ khách về lại với lòng mình, không cần tìm đến cái đẹp huyền ảo đâu xa mà ngay bên chúng ta. Và đó cũng là lúc nhà thơ nhận ra mình đang xa cách cố hương. Thời gian chuyển sang khắc hoàng hôn, lữ khách tự hỏi đâu là chốn quê. Đó là tiếng thở dài não ruột. Khói sóng gợi cảnh sum họp gia đình, đứng trước nó, Thôi Hiệu chạnh lòng nhớ chốn quê. Mượn lầu Hoàng Hạc, nhà thơ thể hiện tình cảm với quê hương trong nỗi nhớ. Có thể nói, từ "sầu" là nhãn tự của cả bài thơ, là kết tinh nỗi buồn không gian, thời gian. Chữ "sầu" gói trọn nỗi đau của đời người, của thời đại. Phải chăng, đó là sự nuối tiếc trước một thời vàng son và thất vọng trước buổi xế chiều của Thịnh Đường?

    Bài thơ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu "Mười bài thơ hay nhất mọi thời đại". Với sự sáng tạo nghệ thuật qua việc phá bỏ quy tắc niêm luật, kết hợp với tâm trạng sâu lắng của Thôi Hiệu đã tạo nên kiệt tác cho nhân loại. Bài thơ sẽ sống mãi trong lòng bạn đọc bất chấp cả quy luật băng hoại của thời gian.
     
    Ngoc Pig, Cute pikachu, elaina27 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng năm 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. phunne1806 Tra Nữ

    Bài viết:
    41
    Bài viết hay lắm
     
  4. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều!
     
  5. Mộ Thiện

    Bài viết:
    63
    Nói thật mình cũng mê mấy thể loại văn thơ lắm nhưng bài thơ này mình chưa đọc bao giờ. Mình thấy bạn bình giảng bài "Lầu Hoàng Hạc" này tỉ mỉ lắm, những chuyện như vầy mình thua, tại mình chỉ có thể đọc và hiểu đôi chút thôi chứ làm được như vậy là chuyện không thể với mình. Mình đoán chắc chắn bạn là người rất am hiểu về những thể loại thơ ca thế này lắm đúng không?

    Đúng là viết những thể loại bình giảng thơ ca này thì sẽ ít người đọc lắm nhưng để viết được như bạn thì cũng ít người làm được lắm. Chúc bạn thành công thêm nhe. Mình sẽ ủng hộ bạn.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  6. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều nhé! Bài này mình viết hồi học lớp 10, mình nghĩ mấy thể loại phân tích như thế này ít người đọc lắm nhưng dù sao cũng đăng để nghe lời nhận xét từ mọi người. Cảm ơn bạn nhiều vì đã đọc bài viết của mình!
     
    Mộ Thiện thích bài này.
  7. VyLaura123 A Nguyệt

    Bài viết:
    125
    Hi, Love ca phê sữa

    Ngày xưa khi học đến phần phân tích thơ VN hay thơ Đường, mình luôn bị lôi cuốn bởi từng đường thơ ý họa mà nhà thơ đã tức cảnh sinh tình, hoặc đem nỗi lòng mình gửi gắm vào. Mỗi nhà thơ đều có phong cách diễn đạt riêng, và người đọc cũng có cách hiểu riêng về nó.

    Mình đã đọc về bài viết của bạn. Mình có đôi nét nhận xét về đoạn phân tích thơ Hoàng Hạc lâu của bạn.

    Trước tiên, bài viết của b khá ấn tượng vì hôm nay b ptich một bài thơ Đường của nhà thơ Thôi Hiệu.

    Cũng lâu rồi, mình không ptich một văn học, thơ ca, chỉ đọc rồi ngẫm nghĩ thôi^-^. Nên không thể nhận xét gì nhiều.

    Chỉ có chút sai chính tả: "Bạch vân thiên tải không du du", khúc đầu b ghi đúng nhưng vô ptich, bạn ghi "Bạch văn thiên tải.." ---> đổi văn thành vân thôi^-^

    Có chút mình cũng hơi thắc mắc.

    Theo mình thấy thì bạn phân tích cả 8 câu thơ trong bài HHL. Nên mình nghĩ khúc đầu nên ghi ra cả bài thơ rồi hãy ptich. Tại không ai nhớ rõ cả bài thơ đâu.

    Bốn câu thơ đầu bạn có ghi, nhưng bốn câu thơ cuối bạn k ghi vào.

    "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

    Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

    Nhật mộ hương quan hà xứ thị

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu."​

    Mình hơi hoang mang là b chỉ ptich bốn câu đầu thôi hay có cả 4 câu thơ cuối. Nhưng khi thấy b ptich: "Lịch lịch", với "thê thê" và có gộp tả ptich bốn câu thơ cuối.

    Nếu vậy người đang đọc sẽ khó hiểu, nhìn lại đoạn thơ trên nhưng k thấy có cụm từ ấy trong bài.

    Cuối cùng, cách dẫn lối n đọc của bạn vào đoạn ptich thơ khá hay, k hề gây nhàm chán, từ ngữ bình dị dễ hiểu, dễ tiếp cận người đọc.

    Chỉ bấy nhiêu thôi. ^-^

    Chúc bạn thành công!
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  8. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều nhé! Mình sẽ sửa lỗi sai và trích dẫn thơ vào bài phân tích!
     
  9. SAN HAI

    Bài viết:
    27
    Mình nghĩ bạn nên dịch thơ ra á. Chứ thơ toàn hán việt, mình không có cơ sở để đọc hiểu phân tích.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  10. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Mình sẽ bổ sung thêm!
     
  11. luionlee

    Bài viết:
    31
    Đây là bài thơ duy nhất của văn học nước ngoài mình còn thuộc. Bạn bình giảng rất hay và kiến thức uyên âm. Mình thích nhất 2 câu cuối:

    Nhật mộ hương quan hà xứ thị

    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

    Ngày xưa thì mỗi một làng đều có cái "hương quan" (cổng làng). Trong tiếng Hán, chữ "thị" trong tên người con gái nhìn rất giống chiếc cổng làng, nên khi con gái đi lấy chồng xa, mỗi khi đọc tên mình, đều nhớ đến cổng làng, nhớ về quê hương, cha mẹ. Những bạn gái có chữ "thị" là tên rất đẹp và ba mẹ rất thương đó.

    Chúc các bạn học giỏi nhé.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...