Bình giảng bảy câu thơ đầu tiên của bài thơ tống biệt - Tản đà

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 26 Tháng sáu 2020.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: Bình giảng 7 câu thơ đầu trong bài thơ "Tống biệt" của Tản đà.

    Từ thuở thơ ca xuất hiện đã đem đến hơi thở ấm áp cho hành tinh xanh xanh những đại dương và điệp trùng núi non. Thơ chưa bao giờ chịu thừa nhận quy luật băng hoại của cuộc đời mà chỉ riêng nó vẫn âm thầm, lặng lẽ để lại dư âm sâu lắng trong lòng bạn đọc. Đó có thể là niềm vui, là nỗi buồn, là tâm sự thầm kín muôn thuở. Nhắc đến chùm thơ về đề tài chia ly, ta không thể không đề cập đến thi phẩm "tống biệt" của Tản Đà. Có thể nói, đây là bài thơ hay, gây ám ảnh với độc giả mọi thời đại. Trải qua biết bao nhiêu thế kỉ với sự thăng trầm của mỗi thời đại khác nhau mà "tống biệt hành" vẫn gây dấu ấn khó phai, in đậm như một vết thương lòng về cuộc chia ly, vĩnh biệt.

    Nhắc đến Tản Đà, người ta nghĩ ngay đến cây bút phóng khoáng, xông xáo khó ngờ. Ông được coi là gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại, là ngọn cờ tiên phong mở đường cho sự phát triển của phong trào thơ mới. Những tác phẩm của ông vừa độc đáo, vừa lãng mạn lại thêm một chút ngông nghênh của một con người ưa tự do với cái tôi cá thể riêng biệt đã đem đến một làn gió mới với độc giả, làm phong phú, đa dạng thêm nền văn học nước nhà. Tản Đà để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, trong đó có "cảnh vui nhà nghèo", "cảm thu tiễn thu", "chơi hòa bình", "muốn làm thằng cuội" là nổi tiếng hơn cả. Tất nhiên, trong số đó ta không thể bỏ qua "tống biệt". Đây là bài thơ được cho là hay nhất của tiên sinh, được trích trong vở chèo "thiên thai" sáng tác năm 1922.

    Từ xa xưa, đề tài chia ly, vĩnh biệt đã trở thành cảm hứng sáng tác vô tận cho rất nhiều nhà thơ. Chẳng hạn, đến với "chinh phụ ngâm", ta bắt gặp cuộc tiễn đưa chồng đẫm nước mắt của người chinh phụ khi chồng đi đánh giặc. Hay, đó là niềm xót xa, đắng cay của Vũ Nương tiễn chồng đi lính trong "chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Và, gần đây nhất là cảm xúc lưu luyến, tiếc nuối, buồn khôn xiết của Lý Bạch tiễn Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng. Chia ly là thế ấy, chưa bao giờ là niềm vui mà chỉ là những giọt nước mắt chua đắng gây cảm giác cô đơn, lẻ loi một cách ghê sợ. Không ai muốn mình phải trải qua tình cảnh đó. Và, trong "tống biệt" cũng như vậy, đó là cuộc chia biệt bất đắc dĩ của Lưu Thần, Nguyễn Triệu với tiên nữ ở cõi mộng.

    Tương truyền rằng, Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Hán nhân tiết Đoan Dương vào núi Thiên Thai hái thuốc bị lạc lối về. Hai người tao ngộ tiên nữ, kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì hai chàng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần là không thể quay lại, song vẫn không níu giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn hồi hương thấy quang cảnh khác hẳn xưa, thì ra họ đã xa nhà bảy đời. Buồn bà, hai người trở lại thiên thai thì không thấy tiên nữ đâu nữa. "Tống biệt" xoay quanh cuộc chia ly đầy lưu luyến của Lưu, Nguyễn với hai nàng tiên.

    Đến với hai câu thơ đầu tiên:

    "Lá đào rơi rắc lối thiên thai,

    Suối tiễn, oanh đưa những ngậm ngùi".

    Hai câu thơ đầu mở ra không gian đau buồn, chua xót, ngậm ngùi trong buổi chia ly không biết đến bao giờ có thể gặp lại. "Lá đào" gợi ta liên tưởng đến sự tươi mới, nét đẹp tưởng chừng như bất diệt, vĩnh hằng ở thiên thai, cõi mộng. Nhưng, lá đào ấy lại rơi một cách lụi tàn, héo úa, thiếu sức sống và cứ trải dài triền miên trên con đường hai nàng tiên tiễn đưa chồng. Dường như cảnh đã nhuốm màu tâm trạng. Chốn thiên thai tưởng như vui sướng, hạnh phúc lắm, sao giờ đây lại trở nên đau thương đến như vậy? Thiên thai đã từng tràn ngập niềm vui, hạnh phúc khi hai tiên nữa còn trong vòng tay ấm êm của Lưu, Nguyễn. Giờ lại tràn ngập bóng tối khi hai chàng quay trở về chốn nhân gian. Lá đào rơi rắc lối như bàn tay níu kéo, như tấm lòng tiên nữ mong chồng đừng biệt ly, rời xa chốn này. Bởi một khi đã ra khỏi thiên thai thì không biết bao giờ có duyên gặp lại. Những chiếc lá héo úa cứ trải dài gợi ta liên tưởng đến chuỗi ngày đôi bên sẽ phải chịu đựng sự xa cách đau đớn cõi lòng. Ngay trong câu thơ đầu, không gian đau buồn đã bao trùm lên cảnh vật, lên không gian. Những thứ tưởng chừng đẹp nhất, vĩnh hằng cùng thời gian nay lại héo úa, tàn lụi như quy luật bất biến của thiên nhiên.

    "Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi"

    Suối thì làm sao mà biết tiễn? Oanh thì làm sao biết đưa ngậm ngùi? Cách nhân hóa càng tô đậm sự luyến tiếc, xót xa của người đi, kẻ ở lại. Vẫn là con suối đó, nơi tiên nữ và Lưu, Nguyễn đã từng có những khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Không ngờ rằng, chính con suối này lại là nơi hai người đưa tiễn, chia ly. Dòng suối trong như tâm hồn người tiên nữ tiễn đưa người chồng. Thật quá đau xót! Và, cả những chú chim oanh hót líu lo, ríu rít đã từng góp phần vào hạnh phúc của tiên nữ giờ đây cũng phải "ngậm ngùi" xót xa. Những động từ "tiễn", "đưa" chỉ càng khắc sâu thêm cuộc chia ly sớm muộn sẽ đến dù đôi bên không hề muốn. Từ "ngậm ngùi" đặt cuối câu thơ thứ hai có vai trò không khác gì dấu chấm lặng. Đó là tâm trạng, là tiếng lòng của người ở lại. Để "suối tiễn", "oanh đưa", tiên nữ dường như muốn gợi lại kỷ niệm đẹp, hạnh phúc đã qua để níu chân người ra đi. Nhưng, với lòng nhung nhớ quê hương sâu nặng, Lưu, Nguyễn đành phải trở về nhân gian. Tất cả những cố gắng níu giữ của tiên nữ chỉ toàn thu lại được những đắng cay, xót xa không nói nên lời.

    Đau khổ, tiếc nuối biết bao! Nhưng, họ vẫn quyết định từ bỏ cõi mộng mà trở về thực tại để rồi giật mình nhận ra:

    "Nửa năm tiên cảnh,

    Một bước trần ai."

    Thời gian trôi qua nhanh quá, mới đây mà đã nửa năm rồi. Theo quan niệm người phương Đông, một ngày trên tiên cảnh là một năm trên trần gian. Lưu, Nguyễn không hề nhận ra điều đó, để đến lúc trở về, mọi thứ đã trở nên xa lạ, đã trải qua bảy đời mà hai người vẫn không hay. Nơi tiên cảnh, hạnh phúc bao trùm cả không gian, thời gian kể từ khi Lưu, Nguyễn xuất hiện. Họ say mê, chìm đắm trong cõi mộng lung linh, huyền ảo cùng hai tiên nữ. Chính vì thế mà không quan tâm đến thời gian. Nửa năm không phải là quãng thời gian ngắn, nhưng lại chẳng thể giữ chân người ra đi khi trong họ đã xác định được phương hướng. Không gian, thời gian bao trùm một nỗi xót xa, tuyệt vọng, đắng cay. Tất cả đều nhuốm màu tâm trạng của hai cô tiên nữ xinh đẹp sắp xa chồng. Quả là "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Đến với câu thơ tiếp theo, "một bước" gợi cho ta hai liên tưởng. Một bước lạc lối đã đưa Lưu, Nguyễn đến thiên thai- nơi của bình yên và hạnh phúc. Để rồi kết thúc, một bước này lại đưa con người trở về dương thế "trần ai" - nơi chứa đựng muôn vàn nỗi thống khổ. Khoảng cách giữa cõi hư- thực chưa bao giờ lại trở nên gần gũi đến thế, chỉ cần "một bước" trở về với thực tại. Quá tiếc nuối, Lưu, Nguyễn đã bộc bạch tâm sự:

    "Ước cũ, duyên thừa có thế thôi"

    Ước mơ, khát vọng có được một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, ấm êm nay trở thành "ước cũ" (ước mơ trong quá khứ). Những thứ Lưu, Nguyễn mong muốn có được đã quá dễ dàng nhờ cuộc sống thiên thai nên cũng trở nên lu mờ, nhàm chán. Ứơc muốn xưa kia cháy bỏng bao nhiêu giờ bỗng chốc trở thành "ước cũ", nhường chỗ cho khát vọng trở lại cuộc sống trần thế, trở lại mảnh đất quê hương. Họ coi những thứ xung quanh mình là hư vô, kiềm lòng buông bỏ tất cả để trở về dương thế. Con người thay đổi một cách chóng mặt. Tình duyên xưa kia mặn nồng, âu yếm, thiết tha bao nhiêu thì giờ lại bị coi là "tình thừa". Chữ "thừa" được thêm vào câu thơ như diễn tả niềm hối hận của Lưu, Nguyễn khi lạc lối vào thiên thai. Dù biết trước sẽ có ngày li biệt bởi cõi thực- mộng luôn tách rời, biết trước thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là tất yếu thì cũng chẳng thể thay đổi được. Từ hối hận để rồi đến tiếc nuối, không nỡ rời xa. Tất cả đành chỉ coi là "ước cũ", "duyên thừa". Sự phũ phàng khiến người ta không khỏi nhói đau. Có thể nói, "có thế thôi" đặt cuối câu thơ như giọng văn đầy ngông cuồng mà vẫn rất sâu lắng của bậc thi nhân Tản Đà. Quả thật, chất thơ của ông không thể nhầm lẫn vào đâu cho được.

    Hai câu thơ tiếp theo nói lên quy luật tự nhiên:

    "Đá mòn rêu nhạt,

    Nước chảy hoa trôi."

    Nếu đọc kỹ, ta thấy có sự đổi ngược về ý nghĩa, "đá mòn", "rêu nhạt" là tác động thời gian lên sinh vật, "nước chảy hoa trôi" là lộ trình vô tận của thời gian. Nếu sắp xếp đúng thì phải là thời gian với lộ trình vô tận tác động mạnh mẽ lên muôn vật, muôn loài. Nhưng, Tản Đà đã rất tinh tế, cố ý đảo ngược để nhấn mạnh thêm quy luật thời gian. Đó là tài năng văn chương xuất chúng. Trở lại với câu thơ, ta thấy một quy luật tất yếu: Đá rồi cũng sẽ phải mòn, rêu rồi cũng sẽ nhạt chứ không thể xanh tươi mãi. Đó là quy luật tất yếu không ai có thể thay đổi được. Như câu thơ của Thiền sư Mãn Giác trong "cáo tật thị chúng" :

    "Xuân qua trăm hoa rụng,

    Xuân đến trăm hoa tươi."

    Có quy luật ấy thì vạn vật mới tồn tại, những gì mới nhất cũng trở nên cũ kỹ, tình cảm sâu đậm đến nhường nào rồi cũng sẽ có lúc nhạt nhòa, mờ phai. "Nước chảy hoa trôi" diễn tả thời gian cứ trôi đi mãi, không quay lại hay chậm, nhanh hoặc dừng lại. Nước thì không bao giờ cạn, mạch chảy của nước như dòng thời gian đang trôi. Hình ảnh "hoa trôi" vô định, mất phương hướng cũng như Lưu, Nguyễn phải lựa chọn giữa đi hay ở lại, trở về hay tiếp tục cuộc sống thiên thai. Câu thơ gợi ta nhớ đến kiệt tác "truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du:

    "Hoa trôi man mác biết là về đâu"

    Như vậy, quy luật của thời gian đã nhấn chìm tất cả, mọi thứ rồi cũng sẽ héo tàn, mờ phai, cả con người cũng vậy, cũng thay đổi theo dòng chảy vĩnh hằng.

    Chỉ với bảy câu thơ đầu bài thơ, ta đã hiểu được phần nào cuộc chia ly không hẹn ngày gặp lại giữa tiên nữ và Lưu, Nguyễn. Chia biệt từ xưa tới nay chưa bao giờ là vui, chưa bao giờ là hạnh phúc mà chỉ toàn đem lại nỗi khổ đau cho người ở lại, kẻ ra đi. Như Thâm Tâm đã từng bộc bạch:

    "Đưa người ta không đưa qua sông,

    Sao có tiếng sóng ở trong lòng."

    Hay, Lí Bạch cũng đã từng tâm sự:

    "Bóng buồm đã khuất bầu không,

    Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời."

    Nhắc đến thành công của thi phẩm, ta không quên nhắc đến tài năng nghệ thuật của tiên sinh Tản Đà. Giọng thơ sâu lắng, suy tư nhưng cũng không làm mất đi tính ngông rất riêng trong thơ ông. Cũng cần nói đến là sự tài tình trong việc sử dụng những động từ mạnh "tiễn", "đưa" làm nổi bật tâm trạng của nhân vật trữ tình. Hay, việc sử dụng những từ cùng trường liên tưởng. Nói tóm lại, bài thơ đã xây dựng thành công trên cả hai phương diện về "ý" và "lời", xứng đáng là bài thơ hay nhất về đề tài chia biệt.

    "Cái chết để lại một trái tim đau đớn không ai chữa lành. Tình yêu ra đi để lại một vùng ký ức không ai có thể đánh cắp" (Richard Puz). Cuộc chi biệt của tiên nữ và Lưu, Nguyễn vẫn dâng trào một cảm xúc khó tả với bạn đọc mọi thời đại, đến cuối cùng họ cũng không được gặp lại nhau. Chính vì dư âm đó mà trải qua biết bao thế kỉ, cuộc chia tay đau buồn này vẫn gây thương nhớ như một vết thương lòng. Cũng chính tác phẩm này đã chứng minh được tài năng văn chương của Tản Đà- ngọn cờ tiên phong của phong trảo Thơ mới.
     
    Last edited by a moderator: 26 Tháng sáu 2020
  2. Đăng ký Binance
  3. phunne1806 Tra Nữ

    Bài viết:
    41
    Hay lắm ạ
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  4. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn nhiều!
     
  5. Hà Khánh ly

    Bài viết:
    7
    Bài viết rất hay
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  6. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn bạn đã theo dõi và ủng hộ bài viết của mình
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...