Chia sẻ Thời gian của con và cuộc hành trình của mẹ

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Nguyen Huong, 21 Tháng bảy 2018.

  1. Nguyen Huong

    Bài viết:
    449
    THỜI GIAN CỦA CON & CUỘC HÀNH TRÌNH CỦA MẸ!

    Mẹ chờ mong từng ngày để con ra đời..

    [​IMG]

    Khi con sinh ra, ngay phút đầu tiên, con và Mẹ cách ly nhau. Mãi những ngày sau khi về nhà, Mẹ mới biết điều đó. Bà ngoại chỉ nói Mẹ rất yếu, bị băng huyết, phải cách ly con đang ở tầng trên để bác sĩ chăm sóc đặc biệt.

    Về đến nhà, khi mọi người ăn cơm, Bà ngoại đặt con vào lòng Mẹ. Nhìn con nhoẻn miệng cười, trong lòng Mẹ yêu con biết bao..

    Chín tháng mang bầu con, Mẹ ngã lên ngã xuống bao lần. Nhưng cuối cùng Mẹ vẫn có con ra đời, lại đúng vào ngày sinh của Mẹ - Ngày 22/12 - Một sự trùng lập tuyệt vời. Mẹ yếu thì cũng có sao đâu? Con vẫn được 3, 1 kg cơ mà?

    Nhẹ nhàng bế con lên tay, Mẹ cho con bú. Từ khi con sinh ra đến hôm nay, Mẹ mới được tự tay bế con. Khi xoay người con, chiếc găng bé xíu tuột khỏi bàn tay của con, rơi xuống.. Mẹ hét lên: Tay con tôi làm sao thế này?

    Mẹ trâng trâng nhìn tay con. Ông ngoại ôm chặt cả Mẹ và con vào long. Ông vỗ nhẹ vào lưng Mẹ an ủi : Không sao đâu con! Nó là con trai mà! Mẹ lặng ôm con vào lòng đau đớn. Bàn tay phải của con không hề có ngón tay. Sao lại thế? Sao lại như thế?

    Mẹ khóc ròng trong những tháng con mới sinh. Bà ngoại nói: Nếu như thế sau này sẽ rất yếu. Mẹ bị hậu sản, xanh xao và không ngủ được. Nước mắt lúc nào cũng đẫm gối.

    Rồi con lớn lên từng ngày. Bù lại, con rất ngoan, ít khóc, trắng trẻo và khuôn mặt khôi ngô tuấn tú. Mẹ dần bình phục và càng yêu thương con hơn. Khi con lẫm trẫm biết đi. Trong chiếc cũi ông ngoại đóng, con luôn bị ngã dúi dụi, vì chỉ có một bàn tay, con không bám được vào thành cũi nên. Mẹ đã đỡ con lên. Ông ngoại không đồng ý. Ông nói: Con có theo nó 24 giờ mỗi ngày trong cả đời được không?

    Khi con vào mẫu giáo. Mẹ nhờ bạn giúp đỡ. Mẹ ngại nhất là khi con bị bạn bè trêu. Có hôm con về và nói: Mẹ ơi! Con không đi học nữa! Các bạn gọi con là Khánh cụt! Sao Mẹ lại để mất tay của con? Sao Mẹ lại quên tay con trong bụng của Mẹ.. Mẹ ơi? Mẹ nghẹn ngào ôm con vào long. Nước mắt Mẹ rơi đầy xuống tóc con. Con ơi Mẹ có muốn thế đâu? Mẹ không thể nào quên được con đã lấy bàn tay cụt đó lau nước mắt cho Mẹ và nói: Con không cần tay nữa đâu! Mai con đi học, đứa nào trêu, con lấy tay cụt đấm vào nó.

    Mẹ lại đưa con tới lớp và nói với cô giáo. Rồi 3 năm mẫu giáo đã qua trong lo lắng của Mẹ. Mẹ tự hào là con rất thông minh - Khi con đọc thuộc bài thơ "Như chú chim non" dài gần 3 trang giấy. Gần 200 chiếc xe máy ở sân trường Thực Nghiệm Hoa Hồng, mà con vẫn nhận ra xe của Mẹ..

    Rồi con vào tiểu học. Lại một cuộc đấu trí của Mẹ cùng con, lúc đưa con đến nhận lớp 1. Khi cô giáo bầu lớp trưởng, cô nói: Bạn nào cao lớn, đọc tốt, hô to thì xung phong lên đứng trên bục giảng. Con và hai bạn nữa chạy lên cùng thi đọc một câu chuyện. Giọng con rõ rang, mạch lạc. Nhưng khi con vừa dứt lời thì nhiều bạn trong lớp lên tiếng. "Bạn Khánh không làm lớp trưởng được, vì bạn Khánh cụt tay!" Con đã òa khóc trong nghẹn ngào: Cô giáo nói đọc to và rõ, chứ có nói tay cụt đâu? Con người cốt là cái đầu! Và con đã chạy ra khỏi lớp..

    Những ngày đầu tiên đến trường là cực hình của cả con và Mẹ. Con viết tay trái. Cô giáo vất vả với con và Mẹ cũng vậy..

    Rồi một lần, trong chuyến đi công tác về, Mẹ bị đau mật, buộc phải mổ cắt bỏ túi mật. Mẹ biết cơ địa Mẹ bị tạo sỏi mật, sỏi thận. Rồi còn đủ thứ bệnh: Huyết áp thấp, viêm xoang nặng, thiểu năng tuần hoàn não, nên rất yếu. Lần này thì buộc phải mổ. Mẹ sợ nhất là lúc mổ, nhỡ không may trong ca mổ ấy có chuyện gì thì ai sẽ lo cho con, vì biết đâu?

    Tỉnh lại sau ca mổ. Đầu tiên Mẹ lờ mờ nhìn thấy con. Bàn tay bé xíu của con đang đặt trong tay Mẹ. Con gọi: Mẹ ơi, Mẹ đừng có chết! Mẹ chết thì ai mua sữa cho con? Vì trong ý nghĩ của con khi đó, con thấy hàng ngày Mẹ đưa con đi học và vẫn thường mua sữa cho con. Khi bà ngoại đưa con về rồi, cô y tá trực nói với Mẹ: Em thương thằng cu nhà chị quá! Nó hỏi em: Khi mổ bụng Mẹ cháu, cô có thấy bàn tay của cháu không? Nó giơ tay lên, em nắm lấy tay nó và nói: Cô quên mất! Vậy để cô vào mổ bụng Mẹ cháu ra, tìm cho cháu nhé? Nó lắc đầu chị ạ..

    Mẹ muốn con sống không phải lúc nào cũng ám ảnh rằng mình là người khuyết tật. Năm nào Mẹ cũng đưa con đi làm từ thiện, đến những nơi có những đứa trẻ kém may mắn hơn mình.

    Rồi con vào trung học cơ sở. Mẹ đã chọn trường Nguyễn Tất Thành. Lại một cuộc chiến đấu mới và Mẹ tin là con sẽ chiến thắng. Mẹ đã chiến thắng chính Mẹ. Bởi con thấy đó: Mẹ không xinh xắn so với 4 người con của bà ngoại (Kiên - Quyết - Nhàn - Hạ). Từ một người không có khả năng nói trước đám đông, Mẹ trở thành cô giáo, thành nhà đào tạo, thành diễn giả. Con đã tự hào về Mẹ. Khi cùng Mẹ đi giảng khắp nơi, con đã từng nói: Sao Mẹ không về giảng ở trường của con? Và Mẹ đã về trường của con giảng chuyên đề "PHONG CÁCH DOANH NHÂN" cho các thày cô giáo của con nghe. Và ít ngày nữa, khi các con thi xong, Mẹ lại về trường con chia sẻ tiếp những chuyên đề mà nhà trường yêu cầu: Sức khỏe, Tương lai con trong tay bạn, hành trang đời người.

    Vừa rồi, một người bạn của Mẹ Ngô Quốc Hưng tâm sự với Mẹ: Em trân trọng chị và ngưỡng mộ cách dạy con của chị. Có một buổi chia sẻ trong giờ làm quen, em bắt tay con trai chị. Em tế nhị cố tình bắt tay trái của cháu (tay không khuyết tật), nhưng nó giơ tay cụt ra bắt. Em thấy mình mới là kém tế nhị..

    Hôm nay con TỰU TRƯỜNG - Đã đến một thời khăc quan trọng cho một bước trưởng thành của con rồi. Mẹ tin khuyết tật của bàn tay con vẫn còn may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác. Và con trai Mẹ hơn rất nhiều kẻ lành lặn thân xác mà khuyết tật về tâm hồn. Mẹ tin con – Giờ đây con đã cao gần bằng Mẹ rồi - Chàng trai của Mẹ!

    Mẹ Yêu con!

    Trần Thị Thanh Nhàn​
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười 2018
  2. Nguyen Huong

    Bài viết:
    449
    Đọc đi đọc lại vẫn thấy cảm động
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...