Mùi Đu Đủ Xanh không phải là thử nghiệm nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng, mà là tác phẩm định hình phong cách nghệ thuật của anh. Bộ phim giống như một bức tranh sống động với bố cục đa tầng, mỗi góc nhìn sẽ cho thấy một ý nghĩa khác, với những cảm xúc khác. Phần nền là cuộc sống của hai gia đình thành thị, nơi cô bé nghèo Mùi được thuê làm người giúp việc. Nơi đó được bao phủ bởi không khí lắng đọng cổ kính, những con người trầm lặng, những mối quan hệ được ghìm nén qua từng lời kể. Trung tâm bức tranh là Mùi, được vẽ nên bởi những gam màu sáng trong. Mùi là hiện thân của nét đẹp thuần khiết tâm hồn, từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành. Câu chuyện trong phim được kể bằng phong cách chậm rãi (monotone) độc đáo của Trần Anh Hùng. Chậm từ cách tiến tiến triển của nhân vật. Rất ít lời thoại trong phim, và nếu có, thường được ngắt quãng bởi khoảng lặng giữa các nhân vật. Chậm từ những cách triển khai đầu mỗi cảnh phim, góc may thường đứng im rồi di chuyển dần theo hướng di chuyển của nhân vật. Chậm còn ở cách giải quyết xung đột, những mối quan hệ vừa bùng lên lại chợt nhạt đi, thế chỗ bởi những khung cảnh nội tâm. Cách kể này có thể gây khó khăn cho phần đông khán giả. Nhưng "chậm" không đồng nghĩa với "loãng", nếu để ý, ở những cảnh quay dài luôn có những dấu nhấn nhỏ bé, nằm ở ánh mắt, nét môi, chút ngập ngừng, cách bài trí những đồ vật.. tạo nên nét chấm phá cần thiết. Có người gọi Mùi Đu Đủ Xanh là chuyện tình mang "tính Phật" (Buddhist love story). Tình yêu ở đây không chỉ mang nghĩa tình yêu nam nữ. Phật giáo là tôn giáo phổ biến ở Việt Nam thời kì đó. "Tính Phật" trong phim đến từ tiếng gõ mõ của mẹ bà chủ nhà suốt phần đầu phim, từ bản nhạc nền đầy màu sắc tôn giáo, và đến từ tính cách nhân vật Mùi. Nét đẹp của Mùi được miêu tả qua tâm hồn thánh thiện và nụ cười mỉm duyên dáng. Nụ cười thể hiện từ góc quay phía trên gương mặt, đôi mắt to tròn thu hút, gợi nhớ đến nụ cười của cô gái Amélie trong bộ phim Pháp cùng tên (Amélie là bộ phim nổi tiếng sản xuất năm 2001). Đó là "chất Pháp" chung ảnh hưởng đến thủ pháp nghệ thuật (Trần Anh Hùng học tập tại nền điện ảnh lớn này). Nhưng nếu Amélie gợi đến nét hài hước cổ điển, thì nụ cười của Mùi lại mang đậm chất phương Đông bí ẩn. Tâm hồn Mùi còn đẹp qua cách cô bé khám phá và quí trọng thế giới thiên nhiên nhỏ bé, từ chú kiến tha mẫu bánh mì, chú ếch nhảy trên lá sen, tiếng chim giữa vườn khuya, thể hiện một phần niềm tin Phật giáo – biết tôn trọng và giữ gìn thế giới tự nhiên, vì đó là nơi thể xác con người tìm về khi cuộc sống trần tục hóa hư không. Chuyện phim còn thể hiện rất ý nhị những tính cách đáng quí của người phụ nữ Việt Nam. Nếu Mùi là hiện thân của những gì đẹp đẽ của tâm hồn thiếu nữ, thì bà chủ nhà lại mang dáng vóc truyền thống người phụ nữ Việt, nhân hậu và cam chịu. Bà vẫn nhẹ nhàng an ủi Mùi khi cô bé đánh rơi chiếc bình quí, tận tụy làm ăn chăm sóc con cái. Sự cam chịu thể hiện qua cảnh bà tự tay khoác áo cho chồng "đi dạo", sau đó nhận ra ông chồng đã lấy hết tiền chơi bời. Bà thể hiện tình yêu thương dành cho người con đã mất với Mùi, khi đứng ngắm nhìn cô bé đang ngủ rồi bật khóc. Lột tả được chừng ấy ý nghĩa chỉ trong một trường đoạn không phải điều dễ dàng, nhưng Trần Anh Hùng đã làm được, và làm rất tốt. Sẽ là thiếu sót nếu bỏ quên một điều đã tạo nên "bức tranh" tuyệt đẹp này, đó là màu sắc và góc máy. Dễ dàng nhận ra cách xử lý hình ảnh cực kì tỉ mỉ và trau chuốt. Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh quay khuôn mặt Mùi khi nhìn lên bức ảnh cô bé đã mất. Khuôn mặt ẩn trong bóng râm, một luồng sáng nhỏ hắt lên mái tóc, cảnh phía sau nhòe đi, làm bật lên đôi mắt rất có hồn của Mùi. Cả gương mặt hơi nghiêng dần. Một cảnh quay có giá trị nghệ thuật cao, "nói" lên nét đẹp của Mùi bằng một sự "im lặng" đầy ám ảnh. Màu sắc phim có tác dụng như một nhân vật ẩn, cực kì sống động. Tông màu vàng được sử dụng khá nhiều (sàn nhà, bức tường), xen lẫn với các màu sắc khác, tạo ra sự tương phản, nhưng chúng lại càng làm nổi bật nhau thêm. Hình ảnh chủ đề của phim, mủ đu đủ trắng chảy trên thân quả xanh, tạo ấn tượng thị giác rất mạnh. "Mùi" đu đủ xanh là thứ mùi dân dã, bình dị, mà khó quên, khơi gợi lên nét đẹp của Mùi, và nét đẹp của cả bộ phim. Tất cả cảnh phim được gói gọn trong một không gian gia đình hẹp, và đều được quay tại trường quay Bry, số 2 Đại lộ Europe, thành phố Paris. Tuy vậy, không vì thế mà mất đi không khí Việt của bộ phim. Ngược lại, những đồ vật nhỏ được sắp xếp có ý đồ, tạo nên sự thích thú khi được nhìn ngắm lại nếp sống của một thời đã xa. Đó vừa là khám phá của đạo diễn, vừa là khám phá của khán giả, khi nhìn vào đất nước từ đôi mắt của một người con xa quê hương. Nữ diễn viên người Pháp gốc Á Man San Lu trong vai Mùi lúc bé diễn xuất rất tốt. Trần Nữ Yên Khê, vợ của đạo diễn Trần Anh Hùng (là diễn viên chính trong tất cả các phim về Việt Nam của anh) cũng đã phối hợp ăn ý với cô bé, và thể hiện nhân vật Mùi khi trưởng thành với đầy đủ tính cách và nét quen thuộc. Điểm trừ của phim nằm ở ngôn ngữ nhân vật, trang trọng đến mức khiến người xem cảm giác kịch bản được viết bởi người chưa từng sống ở Việt Nam lâu năm. Nhịp phim quá chậm cũng là một cản trở, dù biết rằng phim nghệ thuật sẽ kén người xem. Thực tế cho thấy, người nước ngoài từng xem và biết nhiều về Mùi Đu Đủ Xanh hơn là người Việt. Dù thế nào, việc lọt vào danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar đã chứng minh cho chất lượng của phim và tài năng của đạo diễn Trần Anh Hùng. Cái thực của phim không hiển hiện ở bề mặt, mà nằm trong một khối nghệ thuật. Do đó, muốn cảm nhận được hương sắc của Mùi Đu Đủ Xanh, không chỉ cần tai và mắt, mà còn cần đến trí óc tư duy và một niềm cảm thông sâu sắc. Thông Tin Phim: Đạo diễn: Trần Anh Hùng Kịch bản: Trần Anh Hùng Nhà sản xuất: Les Productions Lazennec (1993) Thời lượng: 104 phút Ngôn ngữ: Tiếng Việt Diễn viên chính: Trần Nữ Yên Khê, Lư Mẫn San, Trương Thị Lộc