Hảo Hán Sài Gòn Dân Chơi Bến Nghé - Thượng Hồng

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Nhật Thiên Thanh, 11 Tháng mười hai 2019.

  1. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-3: Sài Gòn một thuở

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sài Gòn mà chúng ta đang sống ngày nay là một thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, đang phát triển, tiến lên công nghiệp hóa.. điều mà cách đây nửa thế kỷ, người ta không bao giờ hình dung nổi. Sài Gòn một thuở là hình ảnh khác xa những gì đang có ngày hôm nay. Chưa hiện đại, chưa văn minh cao, nhưng có một cái gì đó rất đặc trưng, rất khó quên.. Gợi lại những gì ngày nay không còn nữa, như một hồi ức đẹp, thiết nghĩ không phải là vô bổ.

    Phong cách Sài Gòn

    Ở đây muốn nói đến phong cách rất riêng của người Sài Gòn vào thời xa xưa ấy mà mãi đến nay vẫn còn có thể bắt gặp ở đâu đó. Chỉ xin kể một mặt nho nhỏ thôi: Cái cách kiếm tiền và cách sống.

    Thời đó (cách 50 năm về trước), cụm từ "tay làm, hàm nhai" đối với người Sài Gòn là một ý nghĩa "lãng mạn", dân lao động Sài Gòn đã làm và nhai có khác hơn các nơi trong nước. Một người đạp xích lô (trước kia là xe kéo) lam lũ, cực nhọc "cuốc" từng cuốc, kiếm từng đồng, từng cắc, vậy mà chiều chiều vẫn lai rai "ba sợi" với vài chai "la-de" (la bière La rue - hiệu bia nổi tiếng của hãng BGI thời đó) với tôm khô củ kiệu. Và sáng nào, dù "túng" hay không, bác phu xe vẫn thong thả chất "má bầy trẻ" cùng hàng lố con cái, ra ngồi "tiệm nước" (quán bán cà phê và thức ăn) để chén một bữa no nê. Hôm nào trúng mánh thì cà phê sữa, bánh bao hay hủ tiếu, còn như "thất" thì cũng cho mỗi nhóc tì một cái "giò cháo quẩy" chấm cà phê! Có người hỏi anh ta, tại sao không dành dụm, lại "hàm nhai" hết như thế? Anh ta vô tư trả lời: "Ăn hết rồi kiếm nữa, lo gì!".

    Đó là dân lao động, còn dân thầy, dân cậu thì sao? Tầng lớp này được chia ra làm mấy hạng: Loại "dân cậu" là thành phần giàu, ăn chơi sang, đi cao lâu (restaurant) nhảy đầm, đánh bạc. Loại "thầy chú" gồm đa số công chức, tư chức và "thầy chú" còn để ám chỉ dân áp phe, dân "cò bót" (cảnh sát, công an chìm, nổi). Có một khu vực rất đặc biệt ở Sài Gòn, mà ai đi sớm ngang qua đó, là thấy các "thầy chú" ngồi đầy ở các quán nước. Đó là khu Nguyễn Công Trứ (trước gọi là đường Le Fèvre) và chợ cũ đường Hàm Nghi (thời đó gọi là boulevard de la Some). Như một thông lệ, sáng nào họ cũng tụ tập, không thiếu mặt nào của dân áp phe kinh tế tài chánh, vì quanh đó là trụ sở các ngân hàng (có thời nó được gọi là Wall Street của Sài Gòn).

    Còn một nơi tụ hội nữa của các "thầy chú" có thời được gọi là "Radio Catinat", là các quán ở đường Catinat (Đồng Khởi bây giờ). Quán La Pagode, Continental, Givrai, Brodard là bốn nơi ngày nào cũng có mặt các tay thuộc cánh áp phe chính trị, dân nhà báo trong, ngoài nước. Họ gặp mặt trao đổi tin tức, tung tin thật có, vịt cồ có, đủ loại trên đời, để rồi từ đó truyền đi khắp nơi. Bởi vậy, dân Sài Gòn gọi đó là trụ sở của đài phát thanh, hay dễ nhớ hơn với cụm từ "Radio Catinat".

    Sài Gòn với những món ăn

    Người Sài Gòn làm nhiều, tiền nhiều, nhưng khoản ăn chơi đã chiếm một phần quan trọng trong sinh hoạt thường ngày của họ. Xích lô, xe kéo còn có máu ăn chơi kiểu đó, nói gì thành phần khác. Sài Gòn bốn mươi năm trước không có nhiều chốn ăn chơi như ngày nay. Nói về quán ăn thì có thể điểm tên một số "cao lâu" của người Hoa như: Đồng Khánh, Ngọc Lan Đình, Ái Huê, Đại La Thiên, Soái Kình Lâm, Á Đông, Bát Đạt, Tân Lạc Viên.. và không thể không kể tới các quán "bò bảy món". Đây là một đặc trưng của món ăn Sài Gòn, cũng như Hà Nội có chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây..

    "Đi ăn ngoài" của người Sài Gòn thời trước không kể các quán cơm thố của người Hoa thì hầu như người nào cũng thích đưa vợ con, bạn bè đi ăn bò bảy món. Nổi tiếng nhất và lâu đời nhất ở Sài Gòn từ trên nửa thế kỷ trước, là quán Au Pagolac (Chợ Lớn) và sau đó là Ánh Hồng (Phú Nhuận). Có người nhận xét rằng, nếu nói về món ăn chơi thì bò bảy món mới đúng nghĩa là để ăn chơi, vì với bảy món trong một bữa, mỗi món chỉ cần ăn một ít, ăn qua một lượt đã tới món khác, do đó, dù bảy món cùng một thứ thịt bò, vậy mà một người có thể thanh toán trọn vẹn cả repas (bữa ăn) một cách thoải mái mà không hề chán ngán.

    "Đi ăn đồng quê" là nói đến kiểu "đi ăn ngoài" ở ngoại thành của Sài Gòn thời trước. Sài Gòn trước đây không ngột ngạt người và xe như bây giờ, người ta vẫn thích chiều chiều chở nhau ra vùng ngoại ô Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức, vừa hóng gió, vừa thưởng thức các món đặc sản. Phú Lâm, Bình Chánh nổi tiếng với các quán Đồng Quê (ở Phú Định) và Ba Râu (Bình Điền) do có những đặc sản tôm cá rất ngon (món chạo tôm ở Đồng Quê có thể nói là ngon nhất thời đó). Hướng Nhà Bè thì nổi danh với các quán "thủy tạ" trên các ao cá, với các món "độc chiêu" là gỏi cá chìa vôi. Một thời, món cá này là một đặc sản được quảng cáo là "có một không hai", bởi nghe nói loại cá có cái tên rất lạ này chỉ thấy ở vùng nước mặn Nhà Bè, Phú Xuân (có thể một số nơi khác cũng có, nhưng với tên gọi khác). Thịt cá chìa vôi giòn, ngọt hơn cá chẻm, nên khi trộn gỏi, có vị rất ngon và lạ miệng. Người ăn thích nhất là ngồi trên sàn nhà, có thể nhìn thấy cá lội dưới ao, thích con nào chỉ con đó và sẽ được nhà hàng bắt lên làm ngay trước mặt, dọn ăn nóng sốt sau vài chục phút.

    Hướng Thủ Đức thì được dân chơi đêm ưa thích. Các cô cậu thì đi nhảy ở vũ trường đến một, hai giờ sáng, có thể thoải mái chở nhau lên tận Thủ Đức để ăn nem, hoặc bánh canh bột lọc. Thủ Đức còn có một quán ăn đặc sản rất được ưa chuộng là quán Con gà quay với món gà quay cơm nếp độc đáo.

    Sài Gòn với những cuộc chơi

    Có ăn thì phải có chơi, chơi lành mạnh cũng có, nhưng không nhiều, ngoài các Công viên Bách Thảo (Thảo Cầm Viên), Vườn Ông Thượng (Tao Đàn), người Sài Gòn thời ấy không có những Kỳ Hòa, Đầm Sen như ngày nay. Trò chơi dành cho người lớn thì lại không thiếu. Đó là các vũ trường và các sòng bạc. Những vũ trường tiêu biểu, tồn tại từ trước năm 1954, gồm có: Mỹ Phụng, Đại Nam, Tabarin, Văn Cảnh, Au Chalet Tour d'Ivoire (thuộc vùng Sài Gòn) và Melody (thuộc Chợ Lớn), các "dân chơi" đều thuộc nằm lòng những cái tên ấy và nhẵn mặt từng ngóc ngách vũ trường. Sau này vào thời kỳ Mỹ, mới có thêm các Queen Bee, Ritz, Maxim's..

    Nhưng nổi trội và hấp dẫn nhất có lẽ là các sòng bạc. Người Pháp đã dựng lên ba sòng bạc thuộc loại lớn nhất nước (nếu không muốn nói là lớn nhất Đông Nam Á) tại Sài Gòn từ trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, đó là Kim Chung, Đại Thế Giới và trường đua ngựa Phú Thọ.

    Gần 30 năm tồn tại, Kim Chung và Đại Thế Giới đã "thiêu" hàng vạn người mê đỏ đen. Người tán gia bại sản, kẻ thân bại danh liệt. Người ta ví đó là hai chốn địa ngục trần gian giữa hòn ngọc Viễn Đông. Còn trường đua Phú Thọ thì từ khi thành lập, chưa bao giờ là đấu trường thể thao như có người muốn gán cho nó. Đơn thuần, nó chỉ là cái lò sát phạt đỏ đen với bao mưu ma chước quỷ (làm độ, gian lận) chẳng khác gì Kim Chung, Đại Thế Giới (hai casino này đã bị xóa tên từ năm 1956), giờ đây nếu các bạn muốn biết nó ở đâu thì chính Khu Dân Sinh bây giờ là Kim Chung ngày trước, còn Đại Thế Giới đã trở thành Nhà văn hóa Quận 5 (đường Trần Hưng Đạo B).

    Dù không muốn, nhưng cũng không thể không nhắc tới những chôn lầu xanh đầy tai tiếng, nhớp nhúa một thời: Xóm Bình Khang (gần rạp hát Vườn Lài quận 10 ngày nay) dành cho khách mua hoa nội địa và khu Borden (giới bình dân thường gọi là Bọt-Đền) ở góc đường Galiéni (Trần Hưng Đạo) và Nguyễn Khắc Nhu (ngày nay là câu lạc bộ Trần Hưng Đạo và dãy nhà của công ty Bách Hóa thành phố), nơi chuyên phục vụ "hoa" cho lính viễn chinh Pháp. Dân hay quân vào các nơi đó, đều được mua vé công khai, giống như mua vé hát hay vé vào vườn Bách thú.

    Về giải trí văn hóa, thì có hai loại hình chính: Rạp xi-nê (chiếu phim) và rạp cải lương. Những rạp xi-nê đầu tiên giờ đã biến mất, như Catinat (ở trong hành lang bán tranh bây giờ, ngang hông khách sạn Caravelle phía đường Đồng Khởi), rạp Majestic (bây giờ là nhà hàng dancing Maxim's), rạp Long Thuận (góc đường Nguyễn An Ninh và Trương Định) và những rạp vẫn còn lưu lại dấu tích như Eden (Đồng Khởi), Casino (Sàigòn, Đakao), Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Nam Việt, Hồng Bàng, sau năm 1954, Sài Gòn mới có thêm Đại Nam (vào đầu thập niên 1960 có thêm Rex), còn khu Chợ Lớn thì có Oscar, Palace (Đồng Tháp và Đống Đa bây giờ) và một số rạp nhỏ khác.. về rạp cải lương, hát bội thì có Nguyễn văn Hảo (Công Nhân), Thành Xương (đầu đường Yersin, góc Colonel Grimau - Phạm Ngũ Lão) nay đã hư sập. Vào đầu thập niên 1960, mới có thêm hai rạp Hưng Đạo và Quốc Thanh. Các nhà hát lớn (nhà hát thành phố) thường được gọi là nhà hát Tây và rạp Norodom (rạp Thống Nhất, giờ trở thành hội trường xổ số kiến thiết) chủ yếu dùng để hòa nhạc.

    Về khách sạn thì chỉ có hai cái được gọi là "quốc tế" đó là Continental vào thập niên 1950 mới bắt đầu được xây dựng. Hầu hết các khách sạn ở Sài Gòn thời trước chủ yếu chỉ là những "phòng ngủ" nhỏ, được gọi nôm na là "nhà ngủ", để phục vụ cho dân bản xứ. Các nơi này luôn kết hợp ba thứ: Ngủ + gái bán dâm + động phù dung (á phiện). Dân anh chị hay các thầy nhà báo, thường hay ghé "nhà ngủ" làm vài "cặp" nhựa đen (chỉ thuốc phiện) trước khi đi hành sự, gọi là để lấy khí thế.

    Còn nhiều lắm những điều tốt có, xấu có của một Sài Gòn thời xa xưa.. Nhưng dù ở mặt nào, Sài Gòn vẫn có nhiều điều để nhớ, nhiều cái không thể nào quên.. Nếu có dịp nào đó, ta lại nói đến một số khía cạnh nữa của Sài Gòn một thuở..
     
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười hai 2019
  2. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-4: Những cuộc phiêu lưu tình ái của Hắc công tử, Bạch công tử

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chuyện Hắc công tử, Bạch công tử (công tử Bạc Liêu, công tử Mỹ Tho) ở Nam Bộ đã có nhiều người kể lại, dưới nhiều hình thức, với nhiều tình tiết, giai thoại.. Song có lẽ những chuyện chơi ngông và những cuộc phiêu lưu tình ái của họ là đề tài lý thú nhất, buồn cười nhất. Chúng tôi xin ghi lại hai cuộc tình được xem là tiêu biểu nhất của hai chàng công tử ăn chơi khét tiếng ở Miền Nam một thời..

    Cuộc tranh giành người đẹp của Ba Qui

    Lúc mới đặt chân lên đất Sài Gòn vào năm 1938, Trần Trinh Qui đã có ngay cái "hỗn danh" Tám Bò, thay vì Ba Qui theo đúng thứ của cậu ta trong gia đình. Về cái hỗn danh này, có người kể lại rằng, vào thời đó, người nông dân nào làm ruộng mà có được một đôi bò để kéo cày, thì được gọi là trung nông, được bốn đôi gọi là phú nông. Bốn đôi bò (8 con) trị giá bằng 4.000 giạ lúa, một tài sản khá lớn đối với mọi người; nhưng với Ba Qui (Trần Trinh Qui, con trai thứ của ông Hội đồng hàm Trần Trinh Trạch, đại nghiệp chủ ở Bạc Liêu) thì chỉ là con số lẻ. Khi ấy Ba Qui mới 18 tuổi, chân ướt, chân ráo đến "Hòn ngọc Viễn Đông", thường bị các vương tôn công tử thành phố coi là "công tử vườn". Có lẽ do vậy, nên trong một canh bạc với các đại phú thương, Ba Qui thay vì đặt tiền, đã đặt mỗi canh bạc bằng đơn vị "bốn đôi bò"! Kết quả, hôm đó cậu Ba đã thua đến mười lần bốn đôi như thế và cũng từ ấy, cậu ta nổi tiếng thành danh luôn là cậu "Tám Bò" (để bạn dễ hình dung, chúng tôi đưa ra con số so sánh: Hiện nay ở nông thôn miền Tây Nam bộ, nông dân bán một ngàn giạ lúa thì mua được một chiếc xe Dream, có nghĩa là, ngày xưa, mỗi lần Ba Qui thua bốn đôi bò, là vừa nướng vào sòng bạc khoảng 20 cây vàng).

    Nổi danh ở các chiếu bạc, nhưng ở các lĩnh vực khác, chàng công tử Bạc Liêu này vẫn chưa được nể trọng lắm. Bởi vậy, trước ngày sang Pháp du học theo lệnh của gia đình, Ba Qui đã "thề" trước bạn bè rằng, cậu ta sẽ trở thành trùm, dù cho phải bán hết ruộng muối và lúa của ông thân sinh ở Bạc Liêu!

    Sau năm năm "du học" trời Tây, Ba Qui trở lại Sài Gòn với cái bằng.. đăng-xê (dancer, khiêu vũ, hay còn gọi là nhảy đầm theo cách nói ở Nam Bộ). Và đúng như "lời nguyện".

    Ba Qui đã chơi.. "mát trời" nên lập tức khẳng định thế đứng của chàng công tử Bạc Liêu lắm của, chơi ngông và đào hoa số một! Mục tiêu đầu tiên khi vừa quy cố hương của cậu Ba là một người đẹp đang nổi tiếng như cồn trong giới vương tôn lúc đó, hoa khôi Tuyết Lan!

    Đúng ra Nguyễn thị Tuyết Lan chưa từng dự thi hoa hậu, cũng chẳng đạt được chức danh bà hoàng sắc đẹp, song bởi sắc đẹp của cô nghiêng nước đổ thành, nên được người ta tặng cho mỹ danh "hoa khôi". Vào năm 1943, ở Sài Gòn, Tuyết Lan là số một, là bà hoàng của mọi cuộc yến tiệc, vui chơi. Nhân tình của cô toàn là những tay cỡ bự, vừa giàu sụ lại vừa nhiều thế lực, nhưng chưa một ai độc chiếm được nàng. Thời đó, một đối thủ đáng gờm của Ba Qui là Phước George, tức Bạch công tử, hay còn gọi là công tử Mỹ Tho, người cũng đang ngắm nghía Tuyết Lan. Ba Qui biết mình phải làm gì để chiếm thế thượng phong, để được là kẻ chiến thắng trên tình trường! Cậu ta tuyên bố với bạn bè: "Moa sẽ chiếm cho bằng được Tuyết Lan, dù phải đổi cả sản nghiệp của ông già moa!".

    Nói là làm. Chỉ hai tuần sau khi về nước, Ba Qui đã tổ chức ngay một buổi dạ tiệc lớn chưa từng có ở ngôi biệt thự mới, tọa lạc tại đường Chasseloup Laubat. Khách mời hầu như không thiếu một ai và dĩ nhiên là phải có Bạch công tử Phước George!

    Và thật bất ngờ, đóa hoa tuyệt sắc xuất hiện bên cạnh chàng Hắc công tử Ba Qui, không ai khác hơn là nàng Tuyết Lan! Khi đến bắt tay Bạch công tử, Ba Qui cố tình trêu chọc: "Vợ chồng moa rất hân hạnh được Monsieur Phước George đến tệ xá!". Điều này có nghĩa là hoa khôi Tuyết Lan đã chấp nhận làm "Hắc phu nhân".

    Sau đó, mọi người đều biết chuyện, để chiếm được người đẹp, Hắc công tử đã mua tặng cho nàng ngôi biệt thự dùng làm nơi tổ chức dạ tiệc hôm ấy và có lẽ còn có cả ngàn đôi bò theo kiểu trị giá bò để đánh bạc! Bạch công tử tạm thua keo đầu. Tất nhiên là chàng Bạch ấm ức lắm, nhưng vốn là người hào hoa, lại tính toán thâm hơn, nên Phước George giả bộ như chẳng có gì xảy ra để âm thầm toan tính một cuộc phục thù, rửa hận. Cuộc rửa hận còn "lưu danh muôn thuở" mà như chúng ta đều nghe kể, đó là vụ Bạch công tử đốt tờ giấy bạc 100 đồng (cent piastres) để soi sáng cho Hắc công tử tìm tờ giấy 20 đồng (giấy "Hoảnh", tức vingt piastres, hai mươi đồng) trong một bữa tiệc do Bạch công tử mời, có mặt cả người đẹp Tuyết Lan!
     
  3. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-5: Gặp người tình nhỏ, tuổi Rồng của Bạch công tử

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hắc công tử và Bạch công tử gần như là một "huyền thoại" ở Sài Gòn xưa nói riêng và Nam Kỳ lục tỉnh nói chung. Chung quanh họ, người ta đã kể, viết biết bao nhiêu chuyện. Gần một thế kỷ đã qua đi, mọi chuyện gần chìm trong quên lãng.. vậy mà thật bất ngờ, chúng tôi đã gặp một người yêu của Bạch công tử..

    "Con rồng nhỏ" của Bạch công tử

    Ngồi trước mặt tôi là một phụ nữ đã 84 tuổi, song người ta vẫn gọi bà là cô. Cô Sáu Ngọc Sương. Cuộc gặp gỡ "cô Sáu" diễn ra vào buổi sáng ngày 6 tháng 12 năm 1999, tức sau hơn sáu mươi năm so với thời điểm mà người ta vẫn thường nhắc đến một con người: Bạch công tử của xứ Nam Kỳ lục tỉnh.

    Già, yếu, bước đi chậm, nhưng cô sáu Ngọc Sương vẫn còn cái nét mỹ nhân của một thời vàng son. Cô vào đề ngay khi tôi nhắc tới "Phước George" - chàng Bạch công tử.

    Phước George thường kêu tôi bằng "con rồng nhỏ". Bởi tôi tuổi Thìn. Ảnh tuổi Mão, lớn hơn tôi 13 tuổi. Khi gặp Phước George thì tôi mới 19 tuổi. Ngày đó, ai cũng nói con Sáu Ngọc Sương là người tình nhỏ của Bạch công tử. Nhìn căn phòng chưa đến chục mét vuông, trong khu dưỡng lão dành cho nghệ sĩ ở đường Âu Dương Lân, Q. 8, TP Hồ Chí Minh, tôi đoán người phụ nữ này sống một mình. Cô Sáu tâm sự:

    - Tôi không còn người thân nào cả, cũng may nhờ Nhà nước, nhờ Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố, nên tôi còn có chỗ nương thân qua ngày ở dây.

    - Nhưng ngày xưa, người ta còn nhớ khi cô Sáu sống với Phước George, cô đã có với ông ấy một đứa con?

    Giọng cô Sáu Ngọc Sương trầm xuống, đượm buồn:

    - Đúng là có một đứa con gái.

    - Cô ấy?

    - Nó vẫn còn sống. Năm nay 63 tuổi, đang sống ở Pháp.

    Sau một tiếng thở dài, cô Sáu tiếp:

    - Cái tên Ly Ly của nó chính là do Phước George đặt. Hồi ấy, ổng thương con bé lắm, nhưng cái máu trăng hoa đa tình của người ấy, khiến cho con nhỏ ngay từ lúc còn nằm trong nôi đã hầu như không thấy mặt cha.

    - Nhưng nhiều người lại nói rằng Phước George ít khi bỏ rơi người phụ nữ nào có con với ông ta?

    Cô Sáu Ngọc Sương lắc đầu:

    - Không phải đâu. Con người ấy đi đâu là "gieo rắc" đến đó. Đặc biệt là với người đàn bà nào ông ta thương thật lòng.

    Cô Sáu như cố nhớ lại một thời dĩ vãng đã xa, cái thời hoa mộng nhất của một cô gái nghèo, từ một tỉnh miền Trung vào đất Sài Gòn tìm chỗ dung thân..

    Sinh ra ở một vùng quê ven biển Phan Thiết, cho đến năm cô Sáu 17 tuổi thì có người bảo: "Chỉ có Sài Gòn mới thay đổi được cuộc đời cơ cực". Thế là cô Sáu tìm về vùng đất hứa. Nghèo, ít học, lại không nơi nương tựa, nên khi có người dìu dắt cho làm "tì nữ" của gánh hát, Sáu ưng ngay. Gánh hát đầu tiên trong đời cô gái trẻ là gánh Trần Đắc. Cũng ở đó, cô chọn cho mình một cái tên nghệ sĩ: Ngọc Sương, ghép với tên gọi là Sáu thành ra Sáu Ngọc Sương có từ dạo ấy.

    Đoàn Trần Đắc rã gánh và có lẽ do trời định, Sáu Ngọc Sương "đầu quân" cho gánh Huỳnh Kỳ. Cô gặp ông chủ Phước George - Bạch công tử và "con rồng nhỏ" đã bị con "mèo ngao" vồ lấy. Có người nói đó chỉ là cuộc tình trăng hoa của Phước George, bởi cùng thời ấy trong tay chàng công tử Bạch này có hàng chục, hàng trăm cô gái khác, trong số này có cả những giai nhân tuyệt sắc thời ấy như Lucie B, cô Ba Trà..

    Theo một người thân cận với Phước George, khi đã xế bóng, chính ông ta đã thú nhận: "Trong vô số những giai nhân, tôi thương con Sáu nhất. Nó không vụ lợi như nhiều người khác. Chỉ tiếc là ngày ấy tôi quá nhiều mối tình. Cái mà tôi cho má con Ly Ly chỉ là mối tình lẻ.."

    Ai là vợ chính thức của Bạch công tử?

    Khó mà trả lời chính xác. Bởi lúc sinh thời, chưa ai nghe nói Phước George cưới vợ bao giờ. Chỉ có các cuộc phiêu lưu tình ái gần như vô tận. Hơn chục giai nhân khá nổi tiếng thời ấy đã nói rằng họ là "madame George" và kê ra những đứa con mang dòng họ Lê (Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước).

    Hoa khôi Lucie B, từng một thời sống chính thức với Phước George, đi đâu cũng xưng là madame George, nhưng khi Phước cặp với cô Ba Trà, thì giai nhân chim sa cá lặn này lại dõng dạc tuyên bố: "Anh ấy chỉ có mình tôi!".

    Phước George quả đã gắn bó với cô Ba Trà một thời gian dài, tiêu tốn chẳng biết cơ man nào tiền của cho người phụ nữ này. Gánh hát Huỳnh Kỳ của Bạch công tử lập nên cũng chính là để vui lòng Ba Trà. Song sự thật chưa bao giờ Ba Trà là vợ của Phước George.

    Thời Phước George đi "phiêu lưu" ở Pháp, khi cặp bồ với nàng công chúa Nga lưu vong, tưởng chừng như ông đã có "vợ đầm", vậy mà chỉ một năm sau, Phước George lại về Sài Gòn và đi với hàng tá phụ nữ khác. Cuối năm 1941, khi vừa thoát nạn trong vụ đắm tàu ở Địa Trung Hải, Phước George đã thổ lộ với người bạn thân: "Mình suýt nữa chết thành ma không vợ. Nghĩ mà tức cười, bao nhiêu là nhân tình, đến khi cần chưa chắc có một ai nhỏ cho một giọt nước mắt!". Lời than vãn này không ngờ lại đúng với cuộc đời về chiều của Bạch công tử.

    Cô Sáu Ngọc Sương bùi ngùi kể lại đoạn kết rất buồn của người gây sóng gió một thời:

    - Lúc sống, chẳng ai "lên voi" bằng Phước George - Bạch công tử. Cả Nam Kỳ lục tỉnh đều biết tiếng, nghe tên, Tây đầm đều biết, vậy mà khi nằm xuống chẳng có một người thân chôn cất. Chết cô đơn, nghèo túng, âu cũng là nhân quả.

    Cô Sáu Ngọc Sương nói rằng ngày Phước George qua đời, ở tuổi trên 60, lúc đó đã là thời xế bóng, tàn tạ của một công tử ăn chơi khét tiếng Nam Bộ. Ông đã lãng phí qua những cuộc chơi mấy chục năm, đã đốt tiền vào các sòng bạc, tiệm nhảy và nhan sắc đàn bà.. để rồi khi cuối đời, trong tay chẳng còn chút gì. Bạn bè thương tình, đưa di thể về an táng ở quê nhà (huyện chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho). Loạn lạc nổi lên, chính người chôn Phước George cũng chẳng làm sao tìm lại được nấm mồ của ông ta ở đâu.

    Cô Sáu Ngọc Sương nói thật chậm, khi tiễn tôi ra về:

    - Tôi vẫn ao ước có ngày tìm được mộ anh Phước George, đốt cho ảnh nén nhang. Nhưng có lẽ không còn kịp nữa rồi. Tôi đã quá yếu..
     
  4. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-6: Chợ Hôm, Xóm Củi, Cầu Hoa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những chứng tích thành địa danh của Sài Gòn xưa, từ cuối thế kỷ XIX trở về trước, ngày nay còn lại rất ít, thậm chí có những nơi chỉ còn lại cái tên. Như chỗ hồ Con Rùa hiện thời. Ngày xưa, lúc người Pháp mới tới, một trong những công trình họ dựng lên đầu tiên là "Tháp cấp nước" gọi là "Château d'eau de Saigon" (xây năm 1878), mục đích trữ nước ngọt cung cấp cho cư dân thành phố. Thời đó, dân thành phố còn rất ít, độ vài trăm ngàn người, nên buổi đầu lượng nước chứa trong tháp còn đủ dùng. Song, sau đó dân tăng lên dần nên đến năm 1921, Thị trưởng thành phố đã phải ra lệnh phá bỏ, và biến nơi đó thành "Công trường chiến sĩ trận vong", được dân Sài Gòn gọi tắt là Công trường chiến sĩ. Công trường này cũng "thọ" không lâu. Đến giữa thập niên 60, Nguyễn văn Thiệu làm Tổng thống, công trường được đổi tên "Công trường viện trợ Quốc tế", với một công trình kiến trúc mới: Một hồ nước rộng, ở giữa có một vọng đài, và đặc biệt là một bia đá cao trên 20m, khắc tên những đồng minh của "chế độ Việt Nam cộng hòa" đã có công viện trợ tiền, của, súng đạn cho chính quyền Sài Gòn. Cái tên Công trường viện trợ quốc tế nghe dài ngoằng, khó nhớ, nên dân Sài Gòn lại đặt cho nó cái tên khác: Hồ Con Rùa, bởi bên dưới cái bia đá có đúc một con rùa thật to (kim quy đội bia). Cho mai đến sau này, cái tên "Hồ Con Rùa" gần như là tên chính thức.

    Về cái "Phủ đầu rồng" tức Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất), khởi thủy do người Pháp xây, dùng làm Dinh Toàn quyền. Lễ đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào ngày 23 tháng 2 năm 1863, hoàn thành sơ bộ vào năm 1869. Mãi đến năm 1875, mới hoàn tất phần trang trí bên trong. Viên Toàn quyền Đông Dương (người Pháp) ngụ ở đây, do đó được đặt tên là Dinh Toàn quyền, nhưng người Sài Gòn quen gọi nó là Dinh Norodom, có lẽ vì dinh này nằm trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Sau đó, dinh dành cho Quốc trưởng và Tổng thống. Đến năm 1961, trong cuộc chính biến giữa Ngô Đình Diệm với các phe phái, Dinh Độc Lập bị hai phi công của phe đối lập ném bom, phá hủy một phần lớn. Ngô Đình Diệm chuyển "Phủ Tổng thống" sang Dinh Gia Long (đây là Dinh phó soái trước kia), và cho xây lại dinh mới (do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ vẽ kiểu và chỉ huy xây dựng, hoàn thành khoảng giữa thập niên 60, duy trì mãi đến nay).

    Gần Dinh Độc Lập có Vương cung Thánh đường (thường gọi là nhà thờ Đức Bà). Nơi này trước khi xây ngôi thánh đường (khởi công ngày 7 tháng 10 năm 1877) nguyên là "Công trường Đồng Hồ" (Place de l'Horloge), nơi đặt một đồng hồ lớn, bốn mặt. Cách nhà thờ Đức Bà hơn 500m, nằm trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi), có "Nhà hát lớn", xây dựng vào năm 1898, khánh thành ngày 1 tháng 1 năm 1900.

    Đối diện với Dinh Độc Lập, ở đầu kia đường Norodom, ngay từ năm 1864, người Pháp đã cho lập Vườn Bách thảo (sau này nuôi thêm thú, nên đổi tên là Thảo Cầm Viên). Cách đó 500 mét là Thủy xưởng (Arsenal), sau đổi thành xưởng Bason.

    Dân Sài Gòn quá quen thuộc với Cầu Bông (vùng Đakao), nhưng chắc ít người biết trước kia nó có tên là cầu Cao Miên (vua Cao Miên thời trước thường ngự ở đây thưởng hoa, do hoa được trồng chung quanh nhà thủy tạ dựng ở nơi xây cầu ngày nay), sau đổi lại là Cầu Hoa. Qua thời Minh Mạng, vì kỵ húy tên một bà phi của vua (bà này tên Hoa) nên cầu được đổi thành cầu Bông.

    Cầu Kiệu (nối đường Hai Bà Trưng với Phú Nhuận) nguyên có tên là "Cầu Xóm Kiệu", bởi nơi đó, vào thời kỳ đầu thành lập Sài Gòn, là chỗ trồng và trữ kiệu (củ kiệu) cung cấp cho toàn thành phố.

    Cầu Kiệu bắc ngang qua con kênh mà sau này ta gọi là kênh Nhiêu Lộc (nối theo rạch Thị Nghè). Truy ra thì Nhiêu Lộc là tên vị quan nhà Nguyễn có công xây dựng thành phố Sài Gòn thuở sơ khai (có mộ chôn ở vòng rào sân bay Tân Sơn Nhất). Còn rạch Thị Nghè, là lấy tên con gái của ông Nguyễn Cửu Vân. Nguyên chồng bà này là một ông Nghè (đỗ nghè) giữ chức lại mục trong dinh Tả quân Lê văn Duyệt. Do thương chồng, hàng ngày phải từ nhà bên kia sông (phía làng Thanh Mỹ, chợ Thị Nghè ngày nay) đi làm ở trung tâm thành phố, nên bà đã xuất tiền riêng làm một cây cầu gỗ ngang qua sông, dân chung quanh gọi là cầu Bà Nghè, sau đổi thành Thị Nghè, về sau, cầu được xây dựng thành cầu đúc kiên cố.

    Cũng ở gần Thị Nghè, có nơi gọi là Văn Thánh. Nơi này theo tài liệu của ông Trương Vĩnh Ký thì là miếu thờ Đức Thánh Khổng Phu Tử, gọi là Văn Thánh Miếu. Hiện nay không còn dấu vết, chỉ còn địa danh Văn Thánh.

    Lăng Ông ở Bà Chiểu là mộ phần và nơi thờ cúng Tả quân Lê văn Duyệt. Ông Lê văn Duyệt từ trần năm 1832, đến năm 1835, do con nuôi là Lê văn Khôi làm loạn, nên bị vua Minh Mạng trị tội bằng cách san bằng ngôi mộ, trên nấm mộ còn bị xích sắt. Mãi đến năm 1848 mới được vua Tự Đức ân xá, cho xây lại như mộ cũ, còn đến hiện nay.

    Còn địa danh Lăng Cha Cả là để chỉ nơi phần mộ của Bá Đa Lộc (Évêque d'Adran), nằm ở đầu đường Trương Minh Giảng (nay là Lê văn Sỹ) và Võ Tánh (nay là Hoàng văn Thụ), chỉ còn lại cái tên gọi do quen miệng.

    Trở lại trung tâm Sài Gòn, nơi trước đây gọi là nhà thương Đồn Đất (hay là Hôpital Grall), nguyên buổi đầu đó là Hôpital Militaire (Dưỡng đường quân sự), sau đổi là Grall, dành cho người Pháp, sau dần dần thu nhận cả người Việt (ngày nay là Bệnh viện nhi đồng 2).

    Vườn Ông Thượng (nay là công viên văn hóa Tao Đàn), vốn xưa kia là "Ngự Hoa Viên" của thượng công Tả quân Lê văn Duyệt (thuở chưa xây Dinh Độc Lập, thì biệt thự của bà phu nhân Lê văn Duyệt nằm lọt trong vòng rào dinh sau này. Thời đó, oai danh của ông Lê văn Duyệt ở Sài Gòn - Gia Định rất lớn, nên những nơi nào lớn, đẹp thường được mang chức danh của ông. Gọi là Vườn Ông Thượng là vì thế. Còn một tên nữa, đó là "Vườn Bờ-rô". Về tên gọi này, cho đến nay vẫn chưa có ai giải thích chính xác là xuất xứ từ đâu? Theo một số giả thuyết do cố học giả Vương Hồng Sển ghi lại, thì có những từ được nghi là xuất xứ của "Bờ- rô" : Préau (sân chơi ở trường học hay tu viện), hoặc do chữ Moreau, lại có người cho rằng Bờ-rô chính là chữ pelouse (bãi cỏ) mà ra. Xem ra, thuyết sau cùng này có lẽ đúng hơn (pelouse = bãi cỏ).

    Trước 1960, trường Y Khoa Sài Gòn còn đặt tại số 28 Tastard (nay là Võ văn Tần), tức chỗ Nhà trưng bày tội ác chiến tranh hiện nay. Còn chỗ câu lạc bộ Phan Đình Phùng thì vốn là một vườn hoa mang tên Công viên Vạn Xuân.

    Khám đường Sài Gòn trước năm 1950 tọa lạc tại số 69 đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng), tức chỗ khu vực của Thư viện quốc gia sau này.

    Trường trung học Lê Quí Đôn ngày nay, xưa kia là trường học dạy cho con em người Pháp và các nhân vật bản xứ có quốc tịch Pháp, dân nhà giàu, được gọi là trường Chasseloup - Laubat, sau đổi lại là Jean Jacques Rousseau.

    Chợ Bến Thành trước khi được xây dựng (1913) nguyên là một ao sình lầy rộng lớn chạy dài qua gần cầu Ông Lãnh, người Pháp đặt tên là Marais Boresse (Đầm Bồ-rệt), sau được san lấp và cất chợ, để thay thế ngôi chợ cũ ở vùng Hàm Nghi - Phủ Kiệt sau này. Gọi là Bến Thành là vì cất trên bến trước cổng thành Sài Gòn.

    Khu vực chợ Đũi có từ xa xưa, vốn hồi đó là nơi chuyên bán đũi, lụa, phạm vi của chợ gồm khu Boresse lên tới đường Richaud (nay là Nguyễn Đình Chiểu) xuống tới ga xe lửa (gần nhà thờ Huyện Sĩ).

    Vùng bờ sông có cầu Ông Lãnh. Đây là chức danh của ông Lãnh binh triều Nguyễn. Còn cầu Muối thì do nơi đó xưa ở bến đậu thuyền, trên bờ có nhiều vựa muối, nên lâu ngày thành danh là chợ cầu Muối.

    Cách đó không xa là Cầu Kho. Có tên này là do từ thế kỷ XVII, nơi đó có nhiều kho chứa lương thực để cung cấp cho toàn thành phố, ngày nay vẫn còn một số dấu tích.

    Phía trên, đường Frèvre Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) có thành ô-ma camp des Mares), nơi đó thời Gia Long, Minh Mạng còn là chốn ao, vũng, cây cối hoang vu. Qua thời Pháp, quân đội Pháp dùng làm doanh trại, nên gọi là Camp des Mares (trại binh vũng lầy), sau 1954 là "Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia" Sài Gòn.

    Về địa danh "Đồng Tập Trận" (Pleine des tombeaux), được ghi nhận là trọn con đường Lý Thái Tổ và vùng phụ cận ngày nay, chạy dài lên tận khu vực gọi là Mả Ngụy (nay là hồ Kỳ Hòa và một phần đường 3-2). Tuy gọi là Đồng Tập Trận, chứ thực sự đó là bãi tha ma, nơi để bắn xử tội nhân. Ở gần đó, chỗ Ngã Bảy (sau rạp hát Long Vân) có ngôi nhà xưa mà thời trước gọi là "Vườn Bà lớn" hay "Vườn xoài" là biệt thự của phu nhân Tổng đốc Phương (tức Đỗ Hữu Phương).

    Tên gọi Chợ Quán là bởi xưa kia dân chúng họp chợ dưới những cây me đại thụ (gần bệnh viện Chợ Quán ngày nay), chung quanh có nhiều quán lều buôn bán tấp nập. Lâu dần thành tên, đến ngày nay tên Chợ Quán vẫn còn đó.

    Ở Sài Gòn cũng có Chợ Hôm, Chợ Mai như Hà Nội. Chợ Mai ở vào khu vực chợ Nancy hiện nay, xưa ở đó có con rạch gọi là rạch Bà Đô (sau lấp đi, chỗ Trần Hưng Đạo - Nguyễn văn Cừ). Còn Chợ Hôm thì hình như ở gần chợ Hòa Bình hiện thời. Một nơi bán sáng, một nơi họp chợ vào buổi tối.

    Đi sâu vào Chợ Lớn, có những địa danh nghe rất lạ như cầu Chà Và, chợ Xóm Củi. Gọi là cầu Chà Và vì xưa kia (thời Tây mới qua) có một số người gốc Java cư ngụ, chuyên bán vải, nên lâu ngày nơi đó được dân địa phương gọi là cầu Chà Và (Java). Còn Xóm Củi là vì nơi ấy là vựa củi lớn nhất của thành phố.

    Nơi được xem như trung tâm đô thị ngày xưa của Chợ Lớn, đó là khu phố Quảng Tông Cái (Quảng Đông Nhai), tên Pháp là Rue de Canton (đường Quảng Đông). Thời trước, các nhà buôn lớn của người Hoa đều tập trung ở đó.

    Chợ Lớn còn có những địa danh như cầu Xóm Chỉ (chuyên kéo chỉ), kênh Tàu Hủ (Arroyo Chinois) là con kênh nối liền đường thủy từ Bến Nghé (Sài Gòn) vào tận Chợ Lớn. Trên kênh này có những cây cầu như cầu Ông Lớn (Ông Lớn là gọi một cách tránh né tên tộc của Đỗ Hữu Phương), cầu Lò Gốm, Lò Siêu (sản xuất gốm, siêu) và đặc biệt có "kênh Vòng thành" (Canal de Centure). Kênh Vòng thành là một dự án táo bạo của Pháp thuở mới chiếm Sài Gòn. Thời ấy, Đô đốc Bonard truyền cho kỹ sư Coffyn vẽ họa đồ con kênh đào từ rạch Chợ Lớn đi vòng lên đồn Cây Mai, đi thẳng ra Đồng Tập Trận, xuyên tới tận Cầu Kiệu, tạo ra một con kênh vành đai, bao bọc Sài Gòn - Chợ Lớn vào giữa như một ốc đảo (có lẽ nhằm mục đích để kiểm soát và phòng thủ). Họ huy động đến 40.000 nhân công để đào con kênh, ngang 20m, sâu 6m, dài trên 6km. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan, nên dự án bị bỏ dở, kênh chỉ đào được một đoạn phía Chợ Lớn đến đồn Cây Mai (sau này đã bị lấp mất).

    Còn một con kênh nữa, từng có nhiều dấu ấn, đó là rạch Phố Xếp, tức chỗ ngã tư Tổng đốc Phương (nay là Châu văn Liêm) và Khổng Tử (xưa có tên Gaudot, rồi Bonhoure, hiện nay là Hải Thượng Lãn Ông). Trên bờ con kênh này có ngôi nhà rất to của ông Thông Hiệp Quách Đàm (chủ chợ Bình Tây), sau kênh bị lấp, ngôi nhà và cả ông chủ cũng đi vào quá khứ. Ngoài những địa danh kể trên, Sài Gòn - Chợ Lớn còn rất nhiều những địa danh khác nữa. Phần nhiều mang tên làng, thôn, xã, ấp thời xưa như Phú Thọ, Bình Quới, Phú Lâm, Tân Bình, Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì, Khánh Hội, Nhà Bè.. có địa danh còn lưu lại đến ngày nay, có nơi đã biến dạng, bị xóa tên, nhường cho các công trình mới, địa danh mới..
     
  5. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-7: Con đò Thủ Thiêm

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Dân cựu trào Sài Gòn đều thuộc lòng hai câu hò rất quen thuộc:

    "Bắp non mà nướng lửa lò

    Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm".

    "Con đò Thủ Thiêm" thường ví các cô gái tuổi đời chưa quá 20, ngày ngày chèo những chiếc đò ngang, đưa đón người qua lại giữa hai bên bờ con sông Sài Gòn, đoạn chảy qua bến chợ của thành phố Sài Gòn, mà người Pháp thời đó đọc là Pinghe, tức Bến Nghé. Thủ Thiêm là tên một làng, tuy chỉ cách trung tâm Sài Gòn chưa đầy năm trăm mét, nhưng ngày xưa đã được xem như là "Xóm nhà quê".

    Chính cái xóm nhà quê đó lại luôn là cầu nối giữa một bên là chốn phồn hoa đô hội, đang trên đà phát triển kể từ buổi khởi đầu, khi có cuộc Nam tiến của ông cha ta vào những ngày tháng lịch sử; và bên kia, dọc theo bờ sông nơi những lưu dân từ mọi miền đất nước tựu về tìm kế sinh nhai. Nơi ấy hàng ngày cung cấp cho đô thị Sài Gòn hàng ngàn thợ thuyền, những người ít học, nghèo tiền, nhưng lại tràn đầy sức lực, chịu thương chịu khó, góp phần cho hoạt động của các cơ xưởng như thủy quân công xưởng (Arsenal) - sau này là xưởng Bason - Sở thùng (sở vệ sinh), Nhà đèn (nhà máy điện chợ Quán).

    Con đò Thủ Thiêm đóng vai trò quan trọng và gây nhiều ấn tượng, bởi vì Sài Gòn xưa đường bộ ít, xe cộ chưa nhiều (ngày đầu chủ yếu là xe thô sơ, xe ngựa) nên chưa có cái mà sau này người ta gọi là "bến xe". Thử tưởng tượng nếu thời ấy không có những con đò nhỏ qua lại bến sông Thủ Thiêm, thì người hai bên đi lại bằng gì? Hai bên tuy cách nhau một dòng sông, vậy mà khác nào vạn dặm trùng dương. Hai câu hát trên đã ngụ ý nói rằng, dù ai có làm gì, nói gì, con đò Thủ Thiêm vẫn cứ đưa, vẫn muôn thuở cần cho mọi người.. Theo ông bà kể lại thì thuở xưa, bến đò phía bên Sài Gòn chưa được xây kè và cầu nổi lên xuống như ngày nay, mà chỉ là một bờ sông đất, có tạo những bậc lên xuống lót bằng ít đá xanh. Buổi đầu, từ cuối thế kỷ XVII đến những năm đầu thập niên 10-20 của thế kỷ XVIII, bến đò Thủ Thiêm đặt ở hai nơi: Một ở chỗ cột cờ Thủ Ngữ, còn bên kia ở gần xưởng Bason. Sau đó, có lệnh của quan Tổng trấn Gia Định, dồn hai bến làm một, đặt chỗ lên xuống ở bến phà hiện giờ. Lý do của việc di dời này được kể lại rằng: Ngày đó, tại bến sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng ngày nay) ở đầu kia (đường Loro - sau đổi là Cường Để và hiện thời là đường Tôn Đức Thắng) quá gần với cổng thành Sài Gòn (nằm ở khoảng đường Lê Thánh Tôn và Tôn Đức Thắng hiện nay), còn đoạn gần cột cờ Thủ Ngữ thì thuở ấy có xây hai tòa nhà trên sông, dành cho vua, gọi là Thủy Các và Lương Tạ. Nhà xây trên bè tre, theo kiến trúc Đông phương, kiểu dáng cung đình Huế.

    Theo tài liệu của cố học giả Vương Hồng Sển, thì ngày xưa, chỗ bến sông từ Thủy xưởng (Arsenal) đến cột cờ Thủ Ngữ được gọi chung là "Bến Ngự" (nơi vua ngự vui chơi, hóng mát), xuất phát từ tiếng Cao Miên gọi là Compongluong (người Việt ta âm ra là Tầm Phong Long) cũng có nghĩa là "bến vua". Vốn nơi này là chỗ dành riêng cho vua, quan và giới quý tộc ngày xưa lui tới, hóng mát giải sầu.. Đối diện với Bến Ngự là xóm Thủ Thiêm, hay còn gọi là xóm Thủy hoặc xóm Tàu Ô. Về hai địa danh này được giải thích rõ như sau: Nguyên chỗ đối diện với Thủy xưởng (Arsenal), phía bờ Thủ Thiêm, khi người Pháp chiếm Sài Gòn, họ đã vừa lập Arsenal, vừa lập Thủy Trại, là nơi chuyên đóng tàu chiến. Dân địa phương đặt xóm đó là "xóm Thủy Trại", sau đọc ngắn lại là "xóm Thủy". Còn từ "xóm Tàu Ô" là bởi vùng bờ sông Thủ Thiêm thuở người Pháp chưa đến chính là căn cứ địa của nhóm thương lái kiêm hải tặc đường biển gốc Tàu (Hoa) di chuyển trên những chiếc thuyền, buồm toàn một màu đen (nên gọi là Tàu Ô). Bọn này quy thuận chúa Nguyễn, được đặt cách cho sinh sống ở vùng Đồng Nai (Cù lao Phố) và vùng Gia Định, Sài Gòn (do việc này mà vùng Đề Ngạn - sau gọi là Chợ Lớn - mới thành nơi tập trung toàn người Hoa). Nhóm Tàu Ô cũng dùng Thủ Thiêm làm bàn đạp, quậy phá thành phố Sài Gòn. Sau này, khi người Pháp đã làm chủ thành phố, họ vẫn còn sợ sự quấy nhiễu đó, nên luôn đặt lực lượng hải quân trong tình trạng phòng thủ. Những khẩu đại pháo mà hiện nay ta còn thấy đặt ở dọc bờ sông trước doanh trại hải quân gần Bason và ở vài nơi khác, là tàn tích của công cuộc phòng thủ thời ấy.

    Khi xóm Tàu Ô tan rã, những chiếc thuyền với cánh buồm đen không còn nữa, thì Thủ Thiêm trở lại cuộc sống bình nhật của nó. Song, do bị ảnh hưởng bởi một thời gian dài sống chung với bọn cướp biển, nên dù muốn dù không, dân địa phương cũng chịu ảnh hưởng phần nào. Cộng thêm vào đó, các lưu dân từ khắp nơi tụ về, chuyên sống bằng nghề sông nước, cũng là nguyên nhân làm cho vùng Thủ Thiêm thêm đậm sắc đặc trưng là vùng "Thủy Trại" (một cách ám chỉ nói Thủ Thiêm là nơi quy tụ dân hành nghề hắc đạo bằng đường thủy). Người ta kể nhiều giai thoại về nghề "thủy tặc" ở một bên bờ sông của Sài Gòn này. Năm 1898, viên thuyền trưởng tàu buồm Hà Lan, sau một tuần cập bến Sài Gòn, khi về nước kể lại và sau đó được một báo ở Paris đăng tải. Chuyện rằng, vào một đêm, khi ông ta đang ngủ trong phòng riêng ở chiếc tàu của mình, bỗng nhìn thấy một bóng đen len lén bước vào. Ông choàng dậy định kêu lên, vì cho rằng hắn là kẻ trộm, nhưng bóng đen đó ra dấu thân thiện và lên tiếng khe khẽ như trấn an. Lúc đó, vị thuyền trưởng mới vỡ lẽ thì ra là một cô gái người bản xứ. Cô ta rất bạo dạn, bước thẳng tới chỗ ông và sà ngay vào lòng, gợi ý một chuyện mà bất cứ người đàn ông nào cũng biết. Đến khi trời gần sáng, lúc choàng tỉnh giấc, viên thuyền trưởng mới hay rằng cả tài sản trong túi quần của ông ta đã không cánh mà bay cùng với cô gái lạ! Một vài tàu khác, khi neo đậu ở đoạn sông Thủ Thiêm, cũng đều gặp những vị khách không mời: Họ leo lên từ dưới nước, sau khi cuỗm vài món đồ rồi nhảy xuống sông, lặn một hơi tới bờ bên kia. Lực lượng "thủy tặc" vùng Thủ Thiêm có tay nghề cao siêu hơn so với nhiều nơi. Theo nhận xét của các thủy thủ nước ngoài, thì dân Thủ Thiêm còn "trên cơ" dân cảng Aberdeen ở Hồng Kông.

    Tuy nhiên, dân "thủy tặc" Thủ Thiêm có một truyền thống rất đặc biệt: Lấy của chứ không hại người. Điều này được chính các thủy thủ nước ngoài xác nhận. Họ kể rằng, các thủy tặc sau khi lẻn lên tàu, đột nhập vào các phòng riêng, lấy trộm vài thứ rồi rút đi ngay. Lỡ gặp người, họ chỉ chống cự để thoát thân, khi không thoát được thì chấp nhận cho bắt giữ, không bao giờ dùng hung khí để chống trả. Điều này có người cho rằng, bởi họ tin tương, dù có bị bắt thì 30 giây sau, khi được giao lại cho lực lượng an ninh bến cảng hay tuần tra đường sông, họ cũng sẽ được thả dễ dàng.. Cho nên, họ không cần phải vay "nợ máu".

    Vào những năm toàn dân ta kháng chiến chống Pháp, những con đò nhỏ qua lại bến Thủ Thiêm đã từng vận chuyển cán bộ, vũ khí từ An Khánh, Thủ Thiêm vào nội thành Sài Gòn. Có người kể lại rằng vào năm 1948, trong một đêm mưa gió, có một con đò chở đầy tài liệu và vũ khí đưa từ bờ Thủ Thiêm sang Sài Gòn, khi đò sắp cập bến, cô lái đò phát hiện trên bờ có bọn "lính kín" mai phục. Rất bình tĩnh, cô lật ngay chiếc đò cho chìm, còn cô thì như một con rái cá, lặn một mạch mất dạng! Từ đó, bến đò Thủ Thiêm và những người chèo đò luôn là mục tiêu theo dõi của cảnh sát, mật vụ. "Bắp non mà nướng lửa lò, đố ai ve được con đò Thủ Thiêm", quả đúng với truyền thống của vùng bến đò lâu đời này. Ngày nay, dù bên cạnh bến đò ngang đã có một bến phà hiện đại hơn, phà lớn, chạy nhanh, chở được cả người lẫn xe cộ, nhưng người đi lại vẫn còn thích dùng những con đò nhỏ chèo tay, hay sử dụng máy "đuôi tôm" Lohler. Cách đây gần 40 năm, khi Sài Gòn còn bị tạm chiếm, có tin đồn chẳng biết xuất xứ từ đâu, rằng Nhà nước sẽ dẹp bỏ hai thứ ở bến Bạch Đằng, đó là cột cờ Thủ Ngữ và bến đò Thủ Thiêm, vì xét ra không còn cần thiết nữa. Dạo đó, nhiều người bàn tán xôn xao, đa số đều lo lắng, nhất là dân sống nhờ những con đò. Song, rất nhiều người khác am tường hơn, đã dám tiên đoán chắc nịch: "Dẹp cái gì thì dẹp, nhưng hai thứ đó vẫn còn mãi!".
     
  6. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-8: Sài Gòn "thời Trần"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhắc lại chuyện Sài Gòn xưa mà không ghi lại chuyện Sài Gòn "ăn" là một điều thiếu sót. Bởi vì, ngay từ thuở những di dân đầu tiên đến định cư và tạo nên một Sài Gòn ngày càng lớn rộng văn minh, cái ăn, cái mặc là những cái đi đầu. Thế cho nên thường ở cửa miệng nhiều người có câu: "Lo cái ăn rồi lo cái mặc". Và không hiểu do đâu và từ bao giờ, những món ăn nổi tiếng, đặc trưng của Sài Gòn thường gắn thêm biệt danh: "Đệ nhất thời Trần".

    Sài Gòn cùng giống như đa phần những miền đất phương Nam, phần nhiều những mặt của đời sống đều mang âm hưởng của nơi xuất phát, tức gốc rễ của các lưu dân. Tuy nhiên, về "văn hóa ẩm thực" thì lại có khác. Vì thế, nhiều người am tường phong cách Sài Gòn đã kết luận: Nghệ thuật ẩm thực của người Sài Gòn không cầu kỳ, tinh tế như miền Bắc hay nặng tính cung đình như Huế, mà mang đặc trưng của món ăn thực dụng, mộc mạc và đậm đà.

    Bánh xèo - "Đệ nhất thời Trần"

    Khi nói rằng bánh xèo là món "đệ nhất" của Sài Gòn, thì nhiều người phản đối, cho là không đúng, bởi bánh xèo là một món ăn rất bình thường, đâu có gì gọi là đặc trưng hay "thời Trần"? Nhưng, cái "đệ nhất" của bánh xèo là ở mặt khác.

    Còn nhớ, vào thập niên 1950 - 1960, tại đường La Caze (nay là Nguyễn Tri Phương) có một quán ăn chuyên bán đặc sản Nam Bộ có tên: Quán Hoa Lý. Đứng đầu thực đơn là món bánh xèo, rồi kế tiếp là chả giò, mì cuốn, bún, bánh đập, chạo tôm, bánh tằm bì.. Bố tôi là khách hàng ruột của quán, nên có lần ông kể: "Hoa Lý thành danh là nhờ món bánh xèo. Ở Sài Gòn, nếu kể về 'nghề bánh xèo' thì quán Hoa Lý đi đầu, không đâu sánh bằng".

    Sau này, khi có dịp tiếp xúc với người đang kinh doanh quán Hoa Lý (thuộc thế hệ con cháu của người sáng lập) tôi được biết thêm nhiều điều khá lý thú về món bánh xèo và phong cách kinh doanh của quán ăn đó. Theo lời kể của con cháu chủ nhân, ngay từ thập niên 30, khi Sài Gòn còn nhiều món ăn do người Pháp, người Hoa nấu, thì một người Việt Nam gốc miền Tây đã dám đứng ra cạnh tranh bằng chính món ăn dân tộc mình, mở quán ngay vùng trung tâm Hoa kiều (đường Nguyễn Tri Phương). Lúc đầu, nhiều người cho rằng quán ăn "đi lạc đường" đó sẽ sớm dẹp tiệm. Nào ngờ, lúc khai trương, nó đã đông khách.

    Món bánh xèo và "bạn hữu" của nó đã sớm chinh phục người Hoa Chợ Lớn. Họ đã thích thú ăn với nước mắm pha chế, thay vì chỉ quen dùng xì dầu như từ bao giờ.

    Nói về bánh xèo, cần ghi nhận thêm điều này: Cách chế biến bánh xèo của Sài Gòn có chút biến đổi, so với các nơi khác ở miền Nam. Bánh xèo Sài Gòn với nhân gồm tôm (tép) để nguyên con, thịt ba rọi (ba chỉ) xắt mỏng, thêm giá và tráng lớp trứng. So với nơi khác thì là tôm băm nhuyễn, củ sắn và đậu xanh nguyên hạt. Về rau ăn kèm, người Sài Gòn ăn bánh xèo với rau thơm, xà lách, nhưng đặc biệt có thêm cải bẹ xanh. Một dân sành ăn giải thích rằng: "Bánh xèo là món ăn nhiều mỡ, dễ ngán, nên khi ăn kèm với dưa chua trong nước mắm, mùi thơm của rau và đặc biệt là vị đắng của cải bẹ xanh sẽ làm cho vị được kích thích hơn, khoái khẩu hơn..".

    Suông - Món bún cao cấp

    Có lẽ chỉ có Sài Gòn mới có món ăn gọi là "suông" này. Đây là món bún, na ná như các loại bún khác ở Nam Bộ như bún nước kèn (nấu với cá), bún Rạch Giá (bún nước lèo, gồm tôm, thịt, cá.).. Song, bún suông lại là món ăn được chế biến riêng tại Sài Gòn. Có thể gọi đây là bún cao cấp, nhất là thời nay khi nó nấu với tôm! Thông thường trong mỗi tô bún hay hủ tiếu, người ta chỉ điểm thêm một hay vài con tôm loại vừa, chứ ít khi dùng toàn tôm như trong món suông. Tôm được giả nhuyễn, giống như cách làm chạo tôm, "suông" được người ăn tán thưởng bởi hương vị ngọt ngào đặc biệt của nó. Ở Sài Gòn có một nơi mà vào thập niên 1960 - 1970 được nhiều người nhớ đến mỗi khi muốn ăn món suông: Nhà hàng Thanh Thế (ở góc đường Nguyễn Trung Trực - Tạ Thu Thâu). Thợ nấu ở Thanh Thế có một bí quyết riêng, nên món "suông" của họ luôn được người sành ăn ưa chuộng.

    Vào thời điểm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Sài Gòn đã biết đến món "suông". Theo truyền khẩu thì người sáng chế ra món ăn đó là ông chủ khai sinh ra nhà hàng Thanh Thế.

    Chạo tôm - Món ăn đãi khách

    Là một trong những món "ăn chơi", song chạo tôm lại rất ít được đưa ra các bữa ăn thông thường. Thứ nhất, bởi vì đó là món ăn được chế biến khá cầu kỳ, cộng thêm vài bí quyết và đặc biệt là rất.. tốn tiền, bởi nó làm toàn bằng tôm. Mà phải là tôm lớn, đắt tiền. Người ta gọi chạo tôm là món ăn đãi khách bởi vì thế. Chỉ những khách quý mới được mời ăn món "thời Trần" đó. Mà các nhà hàng ở Sài Gòn không phải nơi nào cũng có chạo tôm, hoặc nếu có thì chưa chắc đã ngon, đã đạt yêu cầu của một món ăn thuộc hàng "quý tộc". Từ năm 1950, tại vùng ngoại ô Sài Gòn, quán Đồng Quê (Phú Định) đã khẳng định mình là một trong những quán tiên phong thực hiện thành công món chạo tôm. Đồng Quê được xem như tiêu biểu cho món ăn đặc sản ở Sài Gòn trong những năm từ 1950 đến mãi về sau này..

    Các món thịt bò

    Người Sài Gòn trước đây không chuộng cách ăn thịt bò tái, có lẽ phở Bắc sau này được "Sài Gòn hóa" và được dân Bến Nghé khoái khẩu, thực sự "nhập cư" Sài Gòn vào đầu thập niên 40, qua một con đường vòng: Từ Hà Nội, phở theo chân một nhóm thợ mộc gốc Bắc vào vùng Thuận An (Lái Thiêu), Thủ Dầu Một, để rồi sau đó nhập vào Sài Gòn và chinh phục được dân Nam.

    Năm 1954, khi có số đông người miền Bắc đến sinh sống tại Sài Gòn, người dân ở đây mới thực sự làm quen với phở Bắc. Những nơi vang danh thuở đó như phở Minh (hẻm rạp Casino Sài Gòn), phở 79 đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi), sau đó mới có phở Huyền, Hòa Pasteur, phở gà Hồng Hương (Nguyễn Thiện Thuật), phở Bình, phở Hiền Vương (nay là Võ thị Sáu). Một thế hệ mới người Sài Gòn lớn lên sau 1954 đã quen dần với món thịt bò theo kiểu Bắc. Họ chấp nhận theo phong cách ăn của hai miền. Nhưng dù sao thì dân nặng theo cái "gu" Sài Gòn vẫn khoái khẩu những món bò như chả đùm, bò nướng lá lốt, bò cuốn mở chài, bò đớp, bò viên.. Trong thực đơn gọi là "bò bảy món".

    Các món cá

    Sài Gòn là thủ phủ của miền Nam, cho nên cá, tôm là thức ăn chính. Và cá được chế biến đa dạng. Một trong những món ngon từ cá ở Sài Gòn là cá lóc nướng trui. Từ giữa thập niên 50 (khoảng 1954), nếu bạn nào sống ở Sài Gòn, ắt phải biết tới quán Biên Thùy, khu vực cầu Ông Lãnh. Nơi đây là chợ cá đồng nổi tiếng, nên người nghĩ ra việc mở quán ăn với thức ăn toàn cá, tôm là một sáng kiến hay. Bạn có thể tìm tới để thưởng thức món cá lóc nướng trui thơm, giòn và ngọt lịm, vì cá luôn tươi, sống, khách thích con nào cứ chỉ vào thùng, sẽ được chiều ngay. Dân sành ăn đều đồng ý rằng, con cá lóc ăn ngon nhất là món "nướng trui". Quán Biên Thùy nướng cá bằng lửa than, chứ thật ra, đúng điệu phải nướng bằng rơm: Xiên con cá bằng một cây que, rồi dựng đứng con cá lên (cắm một đầu que xuống đất), sau đó chất rơm rạ chung quanh và đốt. Qua hai lần rơm cháy hết là chín cá. Cá nướng theo kiểu này bảo đảm ngọt thịt hơn, vì còn nguyên vẩy, nguyên nhớt, khi lửa cháy bên ngoài, tất cả chất ngọt đều rút vào thịt bên trong. Dân Sài Gòn dù sang trọng đến đâu, dù đi Tây, đi Tàu về, vẫn khoái ăn món cá nướng theo kiểu hoang dã kể trên. Một món cá nữa, cũng được kể thuộc "thời Trần" của người Sài Gòn là cá chìa vôi. Loại cá này có nhiều ở vùng Nhà Bè, nên được dân địa phương khai thác, thu hút khách sành ăn bằng cách: Bắt cá thả vào ao, trên ao dựng một quán ăn. Khách có thể vừa ngồi ăn vừa chỉ bất cứ con cá nào đang lội dưới ao, chủ quán sẽ "thích thì chiều" lập tức. Gỏi cá chìa vôi được liệt vào danh mục "bát trân" (tám món ngon) của Sài Gòn.

    Những món "thời Trần" huyền thoại

    Gọi như vậy chỉ vì đó là những món ăn dù có thật, nhưng người bình thường ít khi gặp, ít có dịp được ăn. Những món này đúng ra là của người Hoa Chợ Lớn, nhưng đã trở thành "thời Trần Sài Gòn" từ hơn một thế kỷ qua.

    Trong thực đơn của đồng bào Sài Gòn gốc Hoa, có hai món được liệt kê vào hàng "Đệ nhất kỳ Trần", đó là óc khỉ và chân gà siêu lực. Món óc khỉ sống được "huyền thoại hóa", nào là món ăn của Thái hậu Từ Hi, của Đại tướng Miên Canh Nghiêu (nhà Thanh), cho nên khi nằm trong thực đơn ở những cao lâu vùng Chợ Lớn đã treo giá tận trời, chỉ những tay giàu tiền của mới thưởng thức được. Món "chân gà siêu lực" nặng tính cầu kỳ và huyền thoại hơn là thực tế. Vẫn ở các cao lâu vùng Chợ Lớn, gà là món ăn không đắt tiền, nhưng do việc chế biến món này nhiều công và hơi "lập dị", nên thực khách phải chấp nhận một mức giá khá "huyền thoại". Một con gà trống tơ sung sức, được tắm rửa sạch sẽ (đặc biệt là đôi chân) trước khi lên "đoạn đầu đài" : Cho con gà vào một cái sân rộng, có rào chung quanh, thả một con chó đã được huấn luyện trước để nó đuổi con gà chạy. Một con đuổi một con chạy, cho đến khi nào con gà kiệt sức, vừa ngã quỵ xuống, thì lập tức sẽ bị chặt phăng đôi chân và cho ngay vào một nồi súp đã nấu sẵn. Hai chân gà "siêu lực" (vì vận động đến tối đa sức lực) sẽ là món bổ dưỡng cực kỳ! Mỗi người ăn một cặp là.. đã đời luôn.

    Vẫn món gà đó, nhưng lại có cách chế biến thứ hai! Cho con gà lên một tấm vỉ sắt được nung cho nóng dần. Gà bị nóng nên phải chạy nhảy liên tục, cho đến lúc quỵ xuống và.. "phụp" một nhát, họ chặt lấy đôi chân!

    Còn có thể kể về hàng trăm món nữa, cũng đáng liệt vào "thời Trần" của Sài Gòn. Song, có lẽ chỉ vài món tiêu biểu như trên, cũng đã đủ để phác họa về phong cách ẩm thực của người dân Sài Gòn từ xa xưa đến ngày nay: Món ăn ngon không chỉ là món đắt tiền (như bánh xèo, cá nướng trui.), nhưng khi đã đắt tiền thì phải thật quý hiếm, cầu kỳ (như óc khỉ, chân gà.). Từ ba trăm năm trước cho đến giờ vẫn thế..
     
  7. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-9: Sài Gòn phố cũ, đường xưa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày nay, khi bạn qua lại trên những nẻo đường của TP Hồ Chí Minh, có khi nào bạn thắc mắc về "ngày xưa" của chúng? E rằng chỉ vài mươi năm nữa thôi, chẳng còn mấy ai nhớ về nguồn gốc của những nơi chốn mà cách đây vài trăm năm đã từng xảy ra bao sự kiện, bao kỷ niệm buồn vui.

    Đường trên, đường dưới và đường giữa

    Khi người Pháp khởi công xây dựng đường phố Sài Gòn, hình như họ chỉ chú trọng đến một khu vực thu hẹp gồm phạm vi các quận 1, 2, 3, 5 ngày nay. Cũng dễ hiểu, thời đó, thành phố Sài Gòn còn hoang sơ, làm sao đủ sức mở rộng một lúc đến 12 quận nội thành như bây giờ? Do đó, khi phóng đường, các kỹ sư đã nhắm vào các trục lộ chính đi từ Bến Thành (Sài Gòn) đến vùng Đề Ngạn (Chợ Lớn) của người Hoa. Hai trong những con đường được phóng đầu tiên là Đường Trên (Route Haute) và Đường Dưới (Route Basse). Cả hai đều do kỹ sư người Pháp Olivier de Puymanuel vẽ họa đồ.

    Đường Trên khởi đầu từ ngã sáu Sài Gòn, chia làm hai đoạn chạy thẳng vô Chợ Lớn. Đoạn đầu tiên mang tên Frèvre Louis (từ năm 1954 đổi là Võ Tánh). Đoạn thứ hai mang tên Marétchal Joffre (sau đổi thành Nguyễn Trãi - ngày nay cả đoạn Võ Tánh và Nguyễn Trãi đều thống nhất mang tên Nguyễn Trãi). Con đường cắt ngang, phân chia hai đoạn của Đường Trên trước đây tên là Rue de Nancy, sau 1954 đổi là Cộng Hòa, từ 1975 mang tên Nguyễn văn Cừ. Đường Trên là con đường huyết mạch, trước kia muốn đi từ Bến Thành vào Chợ Lớn, các loại xe cộ đều sử dụng, vì nó rộng lớn và thông suốt. Trên đường đi qua, có những di tích và địa danh như nhà thờ Huyện Sĩ, thành Ô Ma (Camp des Maret).

    Còn Đường Dưới (Route Basse) tức là đường mé sông, chạy từ Bến Nghé, dọc kênh Bến Nghé, chạy thẳng vô kênh Tàu Hủ (Arroyo - Chinois), ngoài tên gọi Route Basse, sau đó chính thức mang tên là Quay de Belgique (sau 1954 đổi là Bến Chương Dương và tên đó tồn tại đến ngày nay, còn đoạn thuộc Quận 5 thì mang tên Bến Hàm Tử). Cả hai con đường này, vào thế kỷ XIX, đều có đường xe hỏa chạy dọc theo, nối tận Bình Triệu, Lái Thiêu.

    Đã có Đường Trên, Đường Dưới, ắt phải có Đường Giữa? Vào đầu thế kỷ XX, các nhà thiết kế đô thị đã nghĩ đến kế hoạch mở một con đường quan trọng nữa, mà ngay lúc còn là đề án, nó được đặt tên là Route Centrale (Đường Giữa). Đường phóng khá lớn (lớn nhất Sài Gòn lúc đó), rộng 30m, cho nên khi hình thành, người dân Sài Gòn quen gọi là đường Ba Mươi. Đó chính là đại lộ Trần Hưng Đạo ngày nay (thời trước, tên là Boulevard - Galliéni).

    Thuở ban đầu, người ta dự tính cho con đường huyết mạch này bắt nguồn từ trước nhà hát lớn (nhà hát Thành Phố hiện nay) chạy qua trước mặt chợ Bến Thành, rồi đi thẳng vào Chợ Lớn, đúng nghĩa con đường xuyên trung tâm thành phố. Lúc đó, hai con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ còn là hai con kênh cạn, đầy sình lầy. Khi kênh được lấp xong, chẳng hiểu vì lý do gì, nơi khởi đầu của đường 30 lại chuyển đến trước giao lộ Trần Hưng Đạo và Calmette ngày nay. Thế là đoạn kênh rộng lớn trước nhà hát lớn chợ Bến Thành được mang tên là Boulevard Bonard (đại lộ Lê Lợi từ năm 1954). Theo những người cố cựu ở Sài Gòn, Đường Giữa trước khi lấp chỉ là những kênh, ao, đầm lầy, nhà cửa thưa thớt như cảnh quê. Những thành phần cặn bã xã hội như cướp giật, đĩ điếm, thường tụ tập chốn này, nhất là khu vực kênh Bà Đô (chỗ ngả tư Trần Hưng Đạo và Nguyễn văn Cừ hiện nay). Năm 1914, đường mới được mở, còn là đường đất, chỉ có xe thô sơ lui tới, đến năm 1928 mới được trải đá và sau tráng nhựa. Lễ khánh thành rất trọng thể, đồng thời với việc khai trương đường xe điện đầu tiên ở các tỉnh Nam Kỳ. Đường xe điện này chạy theo đường ray lắp đặt giữa tim đường, suốt từ Chợ Cũ Sài Gòn đến Chợ Lớn, là phương tiện vận chuyển công cộng được liệt vào loại hiện đại nhất thời đó. Đến năm 1953, khi hợp đồng khai thác mãn hạn, chính quyền Sài Gòn nhận thấy phương tiện xe điện không còn hữu dụng nữa, đã ra lệnh dẹp bỏ.

    Tên đường cũ, những kỷ niệm

    Con đường ngày nay mang tên Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thời xưa có tên là Luro, từ năm 1954 đổi là Cường Để (đoạn từ xưởng Ba Son đến giáp với đường Lê Duẩn bây giờ. Còn từ khúc quanh cuối xưởng Ba Son chạy đến cầu Quay, Khánh Hội, gọi là Bến Bạch Đằng). Đường Luro có xưởng hải quân (Arsenal) Ba Son, nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng từng làm công nhân. Ngoài ra, đó còn là địa điểm mà thời xưa, cổ thành Sài Gòn được xây dựng. Con đường lớn chạy từ cửa vườn Bách Thảo (Thảo Cầm Viên) đến trước Dinh Thống Nhất ngày trước mang tên là đại lộ Norodom, sau 1954 đổi thành Thống Nhất, hiện nay mang tên Lê Duẩn. Đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước mang tên là Rousseau, từ cuối đường này, chỗ thông Thảo Cầm Viên, là các con đường Lagrandière (Gia Long cũ, nay là Lý Tự Trọng), l'Espagne (Lê Thánh Tôn), cạnh đó là Mossard (Nguyễn Du), Lafont (Chu Mạnh Trinh), Grall (Đồn Đất). Tất cả đều cắt ngang con đường mang tên Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng) là con đường mà đầu dưới giáp bến Bạch Đằng, nơi dựng bức tượng của Đề đốc hải quân Pháp Rigault de Genouilly, người chỉ huy chiếc tàu chiến cho quân đổ bộ đánh phá thành Sài Gòn. Tượng bằng đồng dựng năm 1879, cao nghệu trên bờ sông như một bóng ma, dân Sài Gòn gọi là tượng "Một Hình". Năm 1945, khi nhân dân ta nổi lên giành chính quyền, sinh viên, học sinh và thợ thuyền đã hạ bệ pho tượng xuống, đem nấu chảy để đúc súng đạn bắn trả lại quân thực dân xâm lược.

    Song song với đường Paul Blanchy là con đường được xem như đẹp nhất Sài Gòn qua nhiều thời kỳ, cũng là con đường được trải nhựa đầu tiên ở thành phố này, nên được dân địa phương gọi là đường Keo Su, tên chính thức là đường Catinat, ngày nay được đặt tên Đồng Khởi. Ở đoạn cuối con đường, có một khách sạn đẹp nhất mang tên Majestic, còn đầu trên của nó lại tọa lạc một địa danh, mà tới ngày nay, mỗi khi nhắc đến, người Sài Gòn còn rùng mình, đó là "bót Catinat", nơi chính quyền thực dân giam giữ và tra tấn nhiều người Việt Nam yêu nước.

    Cũng trên đường Catinat này, ngoài nhà hát lớn, còn có những nơi chốn mà người Sài Gòn nào cũng còn nhớ, như nhà hàng khách sạn Continental, nhà hàng La Pagoide (nay là Trung tâm điều hành du lịch, ở góc Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi), Givral và Bodard. Riêng nhà hàng Givral ở góc đường Đồng Khởi và Lê Lợi, vào cuối thế kỷ XIX mang tên Café de la Musique, đến năm 1905 đổi chủ trở thành Pharmacie (hiệu thuốc tây) Solirène và sau cùng mới mang tên Givral như ngày nay. Khách sạn Caravelle mới được xây dựng vào cuối thập niên 50, do một người Pháp gốc Nga làm chủ.

    Đường Nguyễn Huệ, trước mang tên lão Đề đốc Charmer, nguyên là con kênh lấp chạy từ con sông Bến Nghé lên tận Hôtel de Ville (Tòa thị sảnh) thời chính quyền Sài Gòn gọi là Tòa Đô chánh, nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân Thành phố. Một số người dân Sài Gòn vẫn quen gọi đường Nguyễn Huệ là đường Kinh Lấp.

    Con đường lớn chạy từ Cột Cờ Thủ Ngữ (Paul de Blagueuers) lên giáp Công trường Quách thị Trang ngày nay, xưa có tên là Boulevard de la Somme (sau đổi là đại lộ Hàm Nghi). Cắt ngang Hàm Nghi và Lê Lợi là hai con đường xưa mang tên Pellerin (Pasteur) và MacMahon (rồi đổi là Charles de Gaulle), từ năm 1954 là Công Lý, hiện nay mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

    Khu vực chợ Bến Thành ngày nay, xưa là một vùng ao hồ nước đọng, được người Pháp gọi là Marais Boresse. Do đó, con đường Yersin hiện nay, xưa mang tên là đường Boresse (dân địa phương quen gọi là đường Bồ-Rệt). Con đường Nguyễn Thái Học trước kia có tên là Kitchener. Cắt ngang Kitchener, con đường chạy thẳng lên chợ Thái Bình là đường Colonel Grinnaud, nay là Phạm Ngũ Lão. Con đường Cống Quỳnh thì trước năm 1954 mang tên Arras, nhưng trước đó nữa, vào những năm đầu thế kỷ XIX, nó mang tên Blancshubé, lại còn có tên là Đường Nước Nhỉ, bởi nơi con đường chạy qua vốn là một con kênh cạn, có khe nước chảy rỉ rả quanh năm.

    Con đường lớn và dài, chạy từ cầu Thị Nghè đến giáp ngã sáu Nancy (Nguyễn văn Cừ ngày nay) đầu tiên mang tên Chasselop Laubat, rồi Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn thị Minh Khai. Nơi đó có ngôi trường trung học nổi tiếng một thời, mang cùng tên với con đường (ngày nay là trường trung học Lê Quí Đôn), nơi từng đào tạo nhiều nhân vật nổi tiếng sau này, trong đó có cả hoàng thân Norodom Shihanouk cũng từng theo học một thời gian.

    Song song với Chasselop Laubat là đường Richaud (sau đổi thành Phan Đình Phùng, bây giờ là Nguyễn Đình Chiểu), trước đây chỉ chạy từ kho đạn (Rạch Thị Nghè) đến chợ Vườn Chuối, đầu thập niên 1950 mới mở thêm đến giáp đường Lý Thái Tổ, xưa là đường Rachaud Prolongée, (Richaud nối dài). Đường Võ văn Tần ngày nay, trước gọi là đường Tastard (sau 1954 đổi lại là Trần Quí Cáp), vốn chỉ đến quá rạp hát Nam Quang một chút, năm 1953, mới kéo dài thêm đến giáp đường Cao Thắng.

    Con đường dài chạy từ ngã sáu Sài Gòn đến tận ngã tư Bảy Hiền, ngày trước, thời Minh Mạng đã có, gọi là đường Thuận Kiều, qua thời Pháp được đặt tên là đường Verdun, rồi Lê văn Duyệt, đến nay mang tên Cách mạng Tháng 8. Con đường cắt ngang Verdun chạy từ ngã bảy ra cầu Phan Thanh Giản, ngày trước có tên là Lizé, còn được gọi là đường Hai Mươi, sau đổi là Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ (đường General Lizé đầu tiên kéo dài suốt đến ngã sáu Chợ Lớn, mà sau này một đoạn mang tên là Minh Mạng, nay là Ngô Gia Tự).

    Những con đường quanh Verdun Chasselop Laubat gồm có đường Léon Combe (Sương Nguyệt Anh). Duran Ton (Bùi thị Xuân) ngày trước nổi tiếng là nhửng con đường yên tịnh và có những hàng cây ven đường đẹp nhất thành phố, một thời có ngôi nhà của công tử Bạc Liêu Trẩu Trinh Qui (Ba Qui). Rồi còn có đường Comlumbier Hồ Xuân Hương) nơi có ngôi trường Colette sơn đỏ nổi tiếng.

    Về phía Chợ Lớn, con đường Hùng Vương nối dài từ ngã sáu Nancy vô, trước đây mang tên Boulevard Frédéric Drouhet. Còn đường Trần Phú trước là Nguyễn Hoàng, và xưa nữa mang tên General Huntziger. Đường An Dương Vương ngày xưa chỉ chạy từ khoảng nhà thờ ngã sáu ra đến chợ An Đông, mang tên là Boulevard Thomson. Từ chỗ mũi tàu giáp với đường Trần Phú bây giờ, vào cuối thế kỷ XIX còn là con kênh chạy suốt đến đường Nancy, qua khu vực làng Thợ Đúc (Village des Fondeurs) cổ (nằm ở khu tứ giác Trần Bình Trọng - An Dương Vương - Trần Phú - Nguyễn văn Cừ ngày nay). Đại lộ Nguyễn Tri Phương bây giờ, thời Pháp có tên là Boulevard La Caze (dân quen gọi là đường La Cai), nơi kể từ lúc lập đường cho đến về sau này có truyền thống là đường phố buôn bán sầm uất, đặc biệt là dành cho người Hoa.

    Và còn nhiều nữa, hầu hết đường phố của Sài Gòn, Chợ Lớn, thời xưa đều mang tên Pháp, như đại lộ Khổng Tử có tên là đường Gaudot hay là Bonheure, đường Trang Tử là Quai de Fou-Kien, Jaccaréo là Tản Đà, đường Lý Thường Kiệt đoạn quận 5 ngày nay, trước kia mang tên Maréchar Foch còn đoạn từ góc trường đua Phú Thọ chạy qua chợ Tân Bình, xưa có tên là Rue des Rochetons (thời kỳ 1954-1975 tên là Nguyễn văn Thoại).. Nếu kể hết ra đây chắc còn lâu. Chỉ xin nhắc lại một số đường phố tiêu biểu, để ít nhiều bạn có thể hình dung lại phố phường Sài Gòn thuở sơ khai. So sánh với ngày nay, chắc bạn thấy một Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh - đã thay đổi nhiều, rất nhiều..
     
  8. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-10: Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa..

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những năm đầu thế kỷ này, Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ hầu như chưa quen với các loại xe có động cơ. Bởi vậy mới có mấy câu hát huê tình:

    "Cúc mọc bờ ao kêu bang cúc thủy

    Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa,

    Viết thơ thăm hết nội nhà,

    Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em!"

    Thời đó, muốn đi lại từ Sài Gòn tới các tỉnh phải dùng ghe tàu. Đi lại bằng tàu thuyền, nên khoảng cách 70 km giữa Sài Gòn và Mỹ Tho đã xem là xa lắm (xa đến nỗi chỉ có thể "viết thơ thăm hết nội nhà" chớ khó bề thăm viếng). Các tàu chở khách chạy bằng máy hơi nước đầu tiên do người Pháp đứng ra khai thác, sau đó đến người Hoa (người Việt Nam thì mãi đến những năm chiến tranh thế giới lần thứ hai mới chen chân vào lĩnh vực này).

    Vào những năm đầu thế kỷ XX đã có một chiếc xe hơi duy nhất được chở bằng tàu thủy qua Sài Gòn. Chiếc xe này vốn được một người Mỹ gốc Pháp (ông J. Whifer) đem dự triển lãm ở một nước châu Á, định chở về xứ, nhưng khi ghé bến Sài Gòn đã nổi hứng đem lên bờ và đặt tại trụ sở Port de Commerce (Sở Thương Chánh), chủ yếu để giới thiệu, chứ không lăn bánh. Chiếc Aston Martin, một loại xe rất độc đáo, đã sản xuất bằng thủ công nhưng đẹp và có tính năng ưu việt, là niềm tự hào của người Mỹ thời ấy.

    Đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, tại Sài Gòn đã có 14 chiếc xe hơi, chủ yếu là của Nhà nước bảo hộ dành cho các quan chức cấp cao. Mãi đến đầu thập niên 20, Sài Gòn và toàn Nam Kỳ lục tỉnh mới có gần 200 xe hơi, gồm các hiệu Delage, Panhard, Peugeot, Traction Citroen. Cũng chính thời điểm này, "dịch" chơi xe bắt đầu ở Sài Gòn. Nói là "dịch", vì nỗi đam mê này lây lan rất nhanh như một thứ bệnh. Người mở hàng là một cự phú gốc Mỹ Tho, ông Lê Công Xuân (bố đẻ của Lê Công Phước, tự Phước George, tức Bạch công tử).

    Khi ấy ông Xuân còn ở tuổi trung niên, sớm giàu lên nhờ điền sản của ông cha ở vùng Gò Công. Vào thời điểm đó, sau Sài Gòn, Mỹ Tho được kể là thành phố lớn thứ hai ở các tỉnh Nam Kỳ, do vậy những sinh hoạt ở đây cũng không thua kém Hòn ngọc Viễn Đông là bao. Đặc biệt là dân nhiều tiền của, có máu mặt, xuất phát từ Mỹ Tho nhiều hơn bất cứ nơi đâu.

    Lê Công Xuân có quốc tịch Pháp, được chính quyền thuộc địa ưu ái phong cho, nên dân Mỹ Tho quen gọi là Đốc phủ Xuân. Năm 1920, khi Thống đốc Nam Kỳ sử dụng chiếc xe Panhard lộng lẫy thì hình ảnh đó lọt vào mắt xanh cùa Xuân. Ông ta tuy nhà cửa ở Mỹ Tho, nhưng lưu ngụ, ăn chơi thì tại Sài Gòn (có người nói ông ta có "phòng nhì" ở đây). Phủ Xuân có tiếng là "chơi bảnh" nhất thời ấy, nên một khi cái gì đã "lọt mắt xanh" thì ông ta phải làm, phải có cho bằng được mới xong.

    Thuở ấy, giá mỗi chiếc xe hơi không dưới một ngàn đồng (giá vàng vào khoảng 10-20 đồng/lượng), là khoản tiền nằm mơ cũng không thấy đối với một dân thường và quá sức đối với một nhà giàu bậc trung. Vậy mà Đốc phủ Xuân đã com-măng (đặt hàng) một lúc hai chiếc Panhard như vậy (giống y chang xe của Thống đốc Nam Kỳ). Ông ta dành một chiếc để đi lại khi ở Sài Gòn, còn một chiếc đưa về Mỹ Tho dành cho "lệnh bà" đi "đậu chếnh" (đánh bạc). Người dân quê ngơ ngẩn nhìn mỗi khi "xe hơi" của Xuân chạy qua. Không như ngày nay mỗi khi có ô-tô chạy về làng, thì lũ trẻ bám theo sau xe mà hò hét, chỉ trỏ. Ngày xưa, mỗi khi thấy xe chạy vụt qua, trẻ con hết hồn vía, cắm đầu bán sống bán chết mà trốn và sợ như tà ma. Đến thập niên 30, ô-tô đã khá phổ biến. Sài Gòn đã xuất hiện đầy đủ các hiệu xe, chủ yếu là của Pháp, Đức, Anh. Những chiếc xe ngựa độc mã, song mã, xe mui kiếng (kính) từng ngự trị hàng thế kỷ ở đây, đành thưa dần nhượng bộ.

    Nhân đây cũng xin nói qua về thú sử dụng xe ngựa của dân Sài Gòn. Vào khoảng thế kỷ XVIII-XIX, người dân bình thường thì đi bộ, xe "thổ mộ" (do ngựa kéo, chở khách), chỉ các quan chức mới dùng các loại xe độc mã (một ngựa kéo), song mã (hai ngựa) và "xe kiếng". Xe một ngựa dành cho các vương tôn công tử, mệnh phụ, tiểu thư đi lại. Còn xe hai ngựa thì dành chở các quan nhân mặc phẩm phục, các phú hào có quyền thế. Còn xe kiếng (xe do ngựa kéo, mui gõ, chung quanh che kính kín gió như ô-tô thời sơ khai) thì dùng đưa đón các thượng khách Nhà nước, những gia đình quyền quý. Về sau này, phổ biến hơn, xe kiếng dành chở các tao nhân quan khách, mệnh phụ tiểu thơ đi dạo quanh thành phố..

    Vào gần cuối thập niên 30, Sài Gòn nổi lên những "dân chơi" có cỡ như Sáu Ngọ, Hắc công tử, Bạch công tử.. cùng là lúc "dịch chơi xe" bùng nổ mạnh. Người Sài Gòn vẫn còn nhớ chuyện các chàng công tử Mỹ Tho, Bạc Liêu chơi ngông; mỗi lần đi đâu, họ thường thuê vài chục chiếc xe kéo, sử dụng chỉ một chiếc, còn chiếc kia chở.. nón, cane (gậy) và số còn lại chạy xe không (nhằm diễu hành phô trương chơi). Cho nên khi có "mốt" chơi xe hơi thì mặc các chàng công tử chứng tỏ "hào khí dân chơi" của mình!

    Giai thoại kể rằng Bạch công tử Phước George một hôm đã phát biểu giữa buổi tiệc có đông người: "Trước đây ông già moa đã từng chơi trội hơn Thống đốc Nam Kỳ, thì nay moa cũng sẽ cho toàn cõi Nam Kỳ lục tỉnh này biết mặt thế nào là phong cách của Bạch công tử!". Vừa nói, anh ta vừa rút ra một tờ báo chuyên giới thiệu các kiểu ô-tô nổi tiếng thế giới, vừa chỉ vào một chiếc Rolls-Royce cực kỳ sang trọng. "Một tháng nữa, moa sẽ có chiếc xe này. Nó là độc nhất vô nhị ở Việt Nam".

    Hắc công tử Trần Trinh Qui cũng có mặt trong buổi ấy chỉ nhếch môi cười rồi quay đi.

    Ngay sáng hôm sau đã diễn ra cuộc đua sắm xe hơi của hai chàng công tử. Ba Qui (Hắc công tử) tuy không tuyên bố, nhưng từ sáng sớm đã thấy anh chàng có mặt ở hãng Chaener, ôm theo một bó bạc trên một trăm ngàn đồng để đặt một chiếc Rolls-Royce. Người nhận đặt hàng từ chối bởi lý do gì đó, nhưng Hắc công tử vẫn cương quyết đặt lại cả số tiền mang theo. Trưa hôm ấy, Bạch công tử Phước George cũng có mặt cùng mục đích với Ba Qui.

    Đúng một tháng sau, thay vì nhận được chiếc xe đặt mua, thì cả hai khách đều nhận một.. thư cảm ơn, đồng thời cũng để từ chối bán hàng của hãng Rolls-Royce! Lý do: Rolls-Royce chỉ bán theo một tiêu chuẩn nhất định. Ngoài tiêu chuẩn đó thì dù có mua giá nào, hãng cũng không bán! Tiêu chuẩn đó là: Chỉ bán cho những nhân vật tầm cỡ thế giới. Hai chàng công tử Việt Nam chỉ còn biết bặm môi tức tối và đành bằng lòng với hai chiếc Delage, hai chiếc Traction. Về sau, Hắc công tử còn mua đến hơn chục chiếc Traction, định kinh doanh xe khách, nhưng chưa kịp làm thì phải bỏ ngang vì lý do riêng. Bảy Viễn nổi lên sau này đã "thừa hưởng" sáng kiến của Ba Qui: Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông ta đã tổ chức được đoàn xe khách toàn hiệu Traction chạy đường Sài Gòn - Vũng Tàu, Sài Gòn - Đà Lạt..

    Có một giai thoại nữa liên quan đến Bạch công tử và cái thú chơi xe. Chuyện kể rằng, vào thời cực thịnh của mình, Bạch công tử có trong tay hàng tá giai nhân, từ cô Ba Ngoạn, Sáu Hương, đến cả những người đẹp dân chơi từ Hồng Kông, Singapore sang.. Song, nghe nói chàng ta lại si tình một cô gái quê ở Mỹ Tho (từ lúc Phước George 20 tuổi, trước khi được Đốc phủ Xuân cho đi du học ở Pháp). Cô gái ấy là nữ sinh Collège Mỹ Tho, nhưng nhà ở một xã hẻo lánh trên đường về Gò Công. Đúng hơn, đây là mối tình đơn phương: Chỉ chàng công tử con nhà giàu là nặng tình, còn phía nàng thì trước sau hơn chục lần đã từ chối lời tỏ tình, kể cả những món quà đắt tiền của chàng cũng bị trả lại, không hề làm lung lay trái tim người đẹp.

    Khi mua được xe hơi đời mới, Bạch công tử đích thân lái về tận quê nàng, định trước là khoe của, sau nữa mong nàng có thể siêu lòng mà ban cho chàng một chút tình cảm. Nào ngờ, ông bố của cô gái vốn là một nhà nho khí tiết đã không chút động lòng trước vật chất xa hoa, trái lại còn thẳng cánh.. mời khách ra về, cấm cửa không cho đưa xe hơi vào sân nhà ông! Tức khí, nhưng vốn si tình, sau đó Phước George còn đôi ba lần sai người đưa quà cáp đến biếu, cùng những lời nhắn gởi, hẹn hò nàng. Trước khi lên đường sang Pháp du học, Phước George bèn đổi sách lược. Thay vì trực tiếp diện kiến, chàng đã viết một lá thư tình tứ, trong đó đưa một đề nghị hết sức hấp dẫn: Sẽ đưa nàng cùng đi Pháp du học, nếu đồng ý thì phúc đáp và lên Sài Gòn gấp, Phước sẽ đợi.

    Thư gửi đi, Phước đợi mãi sáu tháng sau vẫn chưa thấy hồi âm. Ngày lên đường đã gần kề, Phước sốt ruột quá nên lại phải về quê một phen nữa. Nhưng, thật trớ trêu: Khi chàng đến nơi thì cũng là lúc.. lễ đưa dâu đang cử hành! Cô dâu không ai khác, là nàng. Phước bèn hỏi lá thư, nàng ngạc nhiên vì không hề nhận được, Phước George tóm lược nội dung thư cho nàng nghe khiến người đẹp hối tiếc thật sự. Nàng nói: "Gì chứ được đi Pháp thì dù ba em có ngăn, em cũng trốn đi!" (nghe mà rụng rời tay chân). Phước rủ nàng bỏ trốn, nhưng nàng lặng lẽ đáp: "Ván đã đóng thuyền, đành thôi.."

    Tới nhà "dây thép" (bưu điện) lục tìm, Phước George bắt gặp lá thư của mình nằm trong hộc tủ. Hỏi tại sao, chàng facteur (phát thư) đáp tỉnh bơ: "Thư đi như vậy là nhanh. Có cái còn phải mất cả năm!". Như vậy đó. Thời ấy, mọi cái đều như rùa, đặc biệt là ngành bưu điện. Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà trên thư có in hình.. một con rùa chở trên lưng một đống sách nặng nề!

    Từ Sài Gòn đi Mỹ Tho (70km), tàu thủy chạy gần một ngày mới tới. Không có điện thoại liên tỉnh, vào năm 1925 mới thiết lập "đường dây thép" (điện tín). Củng vào thời gian đó, đường tàu hỏa Sài Gòn - Mỹ Tho được khánh thành, toa đầu tiên được vinh dự mang tên Thống đốc đầu tiên của Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Cha con Bạch công tử là một trong số ít người bản xứ hãnh diện sắm được xe hơi chạy về làng (từ Sài Gòn về chỉ mất 2 giờ). Nhanh là vậy, bảnh là vậy, thế mà có bức thư tình gởi bưu điện mất hơn sáu tháng chưa tới nơi!

    Nhân nhắc tới chiếc xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (dân quen gọi là "xe lửa Mỹ") chợt nhớ tới hai câu ca:

    Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành,

    Tàu Tây hết chạy, anh mới đành xa em.

    Có ai ngờ, năm 1955, đường sắt nối dài Sài Gòn - Mỹ Tho đã hết đắc dụng, bị phá bỏ. Còn tàu Tây (tàu thủy) thì trước đó đã vắng bóng do các tay Phú Lăng Sa cút hết về nước. Ga xe lửa trước chợ Bến Thành cũng không còn hợp thời vào những năm 60. Hai câu hát một thời gây ấn tượng cũng mất luôn tác dụng:

    Mười giờ tàu lại Bến Thành.

    Súp lê vội thổi, bộ hành lao xao.

    Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Sài Gòn tiến bộ hơn lên, nhà cửa với xe cộ nhiều hơn, những chiếc xe từ Pháp (Peugeot, Citroen, Renault.), Đức (Mercedes, Volswagen.). Mỹ (Ford, Dodge, Chevrolet.), Anh (Moris, Paubard, Bnetley đã tràn ngập thị trường. Sẵn máu hào phóng, các dân chơi Sài Gòn lại càng nổi tiếng về chơi xe. Trung tâm Sài Gòn không còn nhà ga xe lửa (ga Bến Thành dời về Hòa Hưng), đường xe điện chạy từ Bến Thành vào Chợ Lớn đã bị gỡ bỏ vào năm 1954. Nhưng mãi đến đầu thập niên 60, khi những hãng xe đò thi nhau ra đời, đường sá mở mang gấp đôi ba lần, nhất là khi quốc lộ 1 được nới rộng, tráng nhựa phẳng phiu, thì người ta mới chính thức quên câu hát:

    Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa..
     
  9. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-11: Đua chó đuổi mèo trò chơi Sài Gòn xưa

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vừa chiếm Sài Gòn, người Pháp đã bắt tay ngay vào công cuộc thay đổi bộ mặt của thành phố, với nhiều công trình xây dựng, mở mang đường sá, đô thị.. Đến năm 1906, cái gọi là cờ bạc công khai mới thật sự xuất hiện ở đây. Năm đó, Pháp kiều Jean Duelos chở từ Hà Nội vào Sài Gòn tám con ngựa giống Ả Rập, loại ngựa tốt mã, lớn con, chạy đua giỏi. Mục đích của Duelos đã rõ: Sẽ tổ chức loại hình đua ngựa tại Sài Gòn.

    Thời ấy, dân Sài Gòn chưa hề biết kiểu đua ngựa theo cách của người Tây phương. Có chăng chỉ là nghe đồn về các cuộc đua ngựa từ Hà Nội (cũng do Jean Duelos tổ chức). Trước khi đặt chân đến Sài Gòn, Duelos đã khôn khéo cho phe cánh của mình xâm nhập trước. Những người này đã chọn vùng đất cao ở khu vực Phú Thọ Hòa để lập trường đua ngựa lần đầu tiên. Một số người Sài Gòn bắt đầu làm quen với môn chơi mới mẻ này, rồi sau đó thì say mê theo kiểu.. đỏ đen. Khi đã đam mê rồi thì không thể bỏ được và kịp đến khi Jean Duelos đem ngựa từ Bắc vào, một cơn sốt đua ngựa rộ lên không thể ngờ nổi, không ai can nổi. Chỉ trong vòng sáu tháng, với gần 200 cuộc đua, con số "hiến thân" đất Sài Gòn đã tăng đến phát sợ. Nhiều người vỡ nợ, tán gia bại sản do đua ngựa. Nhưng sức đam mê thì không giảm. Duelos hốt bạc triệu đợt ấy.

    Qua đến năm 1912, "đua ngựa" đã lên đến cao trào. Pháp kiều Monpezat tiếp bước Duelos làm trùm trường đua. Trường đua Phú Thọ ra đời trong hoàn cảnh ấy. Cũng vào năm này, một Pháp kiều khác, Ganesco, nguyên là con trai một nhà báo Pháp, nổi tiếng ở Paris, do bố quen thân với vị Thống đốc Nam Kỳ vừa nhậm chức là Rodier nên được gửi sang Sài Gòn phục vụ Dinh Thống đốc, chức chánh văn phòng. Nhưng giữ chức không lâu, Ganesco bỏ việc, theo nghề viết báo, bởi nhận thấy nghề báo ở Nam Kỳ đang có cơ phát triển. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, Ganesco lại bị thu hút bởi một cuộc làm ăn mới lạ và hấp dẫn: Tổ chức đua chó! Đã có đua ngựa, vậy tại sao không đua chó như các nước phương Tây đã làm?

    Ganesco đến thương lượng với người thầu trường đua Phú Thọ, dùng trường đua này cho việc đua chó. Monpezat (chủ trường đua ngựa) bài bác ngay ý tưởng của Ganesco, với lý do là: Người dân An Nam vốn không thích đua chó vì chưa quen và cùng bởi chó quá nhỏ con, chạy trông không hấp dẫn..

    Bị từ chối, Ganesco rất ức, nghĩ rằng Monpezat xấu bụng do sợ các cuộc đua chó sẽ làm ảnh hưởng đến đua ngựa, vì đua chó ít phải đầu tư vốn liếng hơn do chó giá rẻ, dễ nuôi, trò này giết chết các cuộc đua ngựa quá tốn kém và tổ chức phức tạp. Không chịu bó tay, Ganesco nghĩ ngay tới một địa điểm khác, có khả năng cạnh tranh với đua ngựa của Sài Gòn, mà lại thu hút được khách chơi từ Sài Gòn tới, đó là huyện Tầm Vu, thuộc tỉnh Tân An, nơi chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 50km. Nguyên trước đó không lâu, Ganesco từng có lúc ngồi ghế chánh tham biện ở Tân An nên có quan hệ thân thiện với nhiều viên chức địa phương, rất thuận lợi cho cuộc tổ chức cờ bạc này.

    Thế là Ganesco bày ra trò đua chó ở Tầm Vu. Trước ngày khai trương, Ganesco đăng "bố cáo" trên các báo Pháp ngữ xuất bản ở Sài Gòn, đồng thời yết bảng cáo thị ở trước mặt chợ Tầm Vu để "bá tánh tường lãm", nội dung cáo thị: Giải thích cách đua chó, nêu các luật lệ cuộc đua, cách thức đánh cá và trúng thưởng.

    Theo đó, đua chó khác với đua ngựa ở chỗ: Ngựa thì chạy với sự điều khiển của nài, còn chó thì không có ai điều khiển, chỉ chạy với con mồi nhử phía trước. Cách thức cụ thể như sau: Một đường đua rộng tương đương với đua ngựa, các con chó đua được nhốt trong cũi (lồng) xếp hàng ngang ở điểm xuất phát. Phía trước mặt chúng, cách mười mét là những con thỏ hoặc chuột bạch được buộc chặt vào một đầu cây sào di động. Khi có hiệu lệnh xuất phát cuộc đua, người ta đồng loạt thả chó ra khỏi chuồng, đồng thời cho cây sào di động chạy dọc theo đường đua, mang theo con mồi nhử phía trước. Nhưng đã tính toán trước, nếu lũ chó càng chạy nhanh, thì người ta di chuyển cây sào càng nhanh, để không bao giờ chó có thể bắt được mồi. Con chó đua nào đuổi khỏe, vượt qua mức quy định trước là thắng..

    Do mới lạ và hấp dẫn nên các cuộc đua chó của Ganesco nhanh chóng thu hút mạnh "tuyệt phích" (dân đánh cá ở cuộc đua ngựa, chó) từ Sài Gòn - Chợ Lớn, làm cho trường đua ngựa ở Sài Gòn phải lao đao.

    Trong cạnh tranh, chẳng ai kể tình đồng hương! Lão Tây Monpezat nóng mũi với thành công của Ganesco, nên nghĩ cách phá bĩnh. Trước tiên là đầu độc đàn chó đua ở Tầm Vu, làm cho lực lượng đàn chó này hao hụt đáng kể. Đó là những con chó berger nhập từ Đức, Pháp rất khỏe, rất khôn, đã được huấn luyện kỹ. Bị hao hụt chó, các cuộc đua bị ảnh hưởng mạnh. Cũng may, một vài giống chó địa phương đã kịp thích nghi, được đưa vào thế chỗ.

    Cuộc cạnh tranh bất chính không dừng lại ở đó. Một hôm, thỏ, chuột bạch được nuôi để làm mồi nhử chó đã bị đầu độc chết sạch. Việc này nguy hiểm hơn vụ hao hụt chó. Bởi thời ấy rất ít người nuôi thỏ ở các tỉnh Nam Kỳ, cả chuột bạch cũng thế, dẫn đến việc tìm vật thay hầu như không thể giải quyết tức khắc được. Ganesco đau đầu, nghĩ không ra con vật làm mồi thay cho thỏ, chuột bạch. Thay bằng chuột đồng thì không đủ sức hấp dẫn bằng hai tên "tiền bối" của chúng.

    May thay, có một quan chức địa phương hiến kế: Nên dùng mèo làm mồi nhử! Ý hay! Với con mèo sống ở đầu sào thì sức hấp dẫn với lũ chó cao hơn thỏ, chuột. Sở dĩ người phương Tây xưa nay không dùng mèo là do họ quý con vật nuôi thân thiết đó. Còn ở Nam Kỳ thời ấy, người ta còn dám ăn cả thịt mèo..

    Các cuộc đua chó với mồi nhử là mèo, thay vì chuột như thông lệ càng lúc càng hấp dẫn. Nhưng có một rắc rối nhỏ khi các báo tường thuật cuộc đua, họ vẫn quen gọi đó là cuộc đua chó bắt chuột (Ratadrome) thay vì phải gọi cho đúng là Chatadrome (chó bắt mèo). Hỏi tại sao không gọi cho chính xác, một nhà báo Pháp đã nói: "Nếu các anh muốn tiếp tục cuộc đua, thì cứ giữ tên cũ là Catadrome (chó bắt chuột). Chứ gọi đúng tên chó bắt mèo sẽ bị các hội bảo vệ vật nuôi phản đối, khó bề duy trì cuộc chơi!" Nghe có lý nên những nhà tổ chức đành chịu, mặc dù từ đó, các cuộc đua chó ở Tầm Vu chỉ dùng mèo làm mồi nhử.

    Về việc này, một người có ông nội từng cộng tác với Ganesco thời xưa thuật lại: Sở dĩ thời ấy Ganesco không dùng mồi giả (làm bằng gỗ hay vật nhân tạo) hình con thỏ, con chuột bạch để treo ở đầu sào, là bởi yêu cầu của tuyệt phích địa phương là đòi con mồi phải thật và còn sống.

    Năm 1913, trường đua ngựa ở Sài Gòn phát triển mạnh, nên cuộc cạnh tranh giữa nhóm này với nhóm đua chó ở Tầm Vu càng căng thẳng hơn (cần nói thêm một chi tiết: Tuy các cuộc đua chó được tổ chức ở Tầm Vu, Tân An, nhưng do những Pháp kiều từ Sài Gòn xuống làm ăn, và đa số dân tuyệt phích là người Sài Gòn - Chợ Lớn, nên người ta vẫn quen gọi là "đua chó Sài Gòn").

    Trong bất cứ cuộc cạnh tranh nào đều có người thắng kẻ bại. Mà người chiến bại lại là Ganesco. Trong lúc ông ta vượt qua bao cuộc phá bĩnh và cứ ngỡ là sẽ tồn tại lâu dài, chợt một "tai nạn nghề nghiệp" đã làm hỏng mọi việc làm ăn của ông ta. Nguyên vào một buổi đua "Đô Hội" (cuộc đua quy tụ những con chó đua hay nhất) có rất nhiều quan chức Pháp ở Sài Gòn về tham dự, giữa chừng, con mèo làm mồi bị xổng dây buộc, rơi xuống giữa đường đua và bị lũ chó đua hăng máu vật chết tươi, trước mắt hàng chục ngàn khán giả! Quá bất nhẫn, chính Thống đốc Rodier đã tức tốc ra lệnh dẹp ngay cái trò chơi độc ác này.

    Dù sau đó, Ganesco có lý giải, hứa thay đổi bằng con mồi giả, nhưng lệnh cấm đã ban hành, không rút lại. Thế là từ ấy, trò "Đua chó bắt mèo" tuyệt tích. Dù sao cũng thấy rõ khi đi "khai hóa văn minh", những kẻ thực dân không chỉ mang theo rượu, thuốc phiện để thực hiện ngu dân mà còn có cả những trò chơi đỏ đen để móc hầu bao dân bản xứ!
     
  10. Nhật Thiên Thanh

    Bài viết:
    180
    IV-12: Đại Thế Giới từ thiên đàng đến địa ngục

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Từ Sáu Ngọ đến Đại Thế Giới

    Sài Gòn vào những ngày đầu thế kỷ XX nổi lên những tay "yêng hùng", những tay lục lâm, nhưng lại thích tự xưng mình là hảo hán. Trong số này phải kể trước tiên là Tư Mắt và Sáu Ngọ mà chúng tôi đã nói khá kỹ ở trên. Giờ chỉ xin nhắc qua về Sáu Ngọ, một người có dính líu tới "lịch sử đỏ đen" của Sài Gòn.

    Người ta nói, người Pháp đến Việt Nam vào hạ bán thế kỷ XIX nhằm khai phá một nước chậm tiến, nhưng lại mang theo hai thứ họa lớn: Sự xâm lược đô hộ và một nếp sống sa đọa, ngoại lai. Sự sa đọa đầu tiên là nạn cờ bạc, hút xách. Nói như thế không có nghĩa là ở Việt Nam trước đó không có cờ bạc và các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, nếu có thì củng ở mức độ nhỏ, một thứ tệ nạn "nội địa". Phải đợi khi người Pháp có mặt, đồng thời được sự "tiếp tay" của một số người Hoa kiều, thì những gì của ngoại bang mới thực sự xâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là vùng đất phía Nam của nước ta (Sài Gòn là tiêu biểu). Người dân Sài Gòn đã bắt đầu nghe nói về những "thiên đàng" đỏ đen ở Macau, Monte-Carlo và Las Vegas. Và một hậu quả tất yếu của sự "lây nhiễm" này là sự ra đời của các sòng bạc, những nơi mang hình thức casino, và sự nổi lên của những "ông trùm", trong số này có Sáu Ngọ.

    Sáu Ngọ được dân Sài Gòn gọi bằng thầy Sáu, không phải do có chức tước gì, hay giàu sang phú hộ gì, mà chỉ vì là trùm. Ông ta nổi lên từ hàng dân đen, có máu giang hồ và có mộng làm "dân cậu". Đầu tiên "thầy Sáu" bắt chước Tây, đứng ra lập các Xẹc (Cerle - Câu lạc bộ giải trí) riêng cho người Việt Nam. Thực chất đây là các sòng bạc, được tổ chức lén lút, trong phạm vi hẹp, tuy nhiên mức sát phạt thì không nhỏ.

    Vào những năm đầu thế kỷ, hệ thống sòng bạc của Sáu Ngọ hiện diện khắp Sài Gòn - Chợ Lớn và các vùng phụ cận. Sáu Ngọ là chủ chứa, là trùm, hay gọi là "đầu nậu" cũng được, và nếu cần có thể gọi là "bố già" của một dạng mafia thời đó. Ông ta tổ chức băng nhóm những tay anh chị, du côn để bảo vệ công việc làm ăn, đồng thời để trấn áp những địch thủ dám phá bĩnh việc "kinh doanh" của thầy Sáu. Giống như kiểu mafia Ý, Sáu Ngọ gần như mua đứt làng lính, mua cả những quan tòa, biện lý người Pháp nổi tiếng dữ dằn, để vô hiệu hóa mọi cản trở hoạt động của ông ta. Sáu Ngọ còn chơi trội, dùng tiền mua luôn quốc tịch Pháp, lấy tên là Paul, và lộng hành càng dữ dội hơn.

    Đứng trước tình hình đó, một số quan tòa Pháp tỏ ra cứng rắn hơn, trong số này có biện lý Lafrique. Ông này quyết bằng mọi cách triệt hạ cho được Sáu Ngọ, đôi lần làm cho "Vua cờ bạc" phải điêu đứng. Nhưng rồi bằng nhiều mánh khóe, thủ đoạn, Sáu Ngọ vẫn tồn tại, và nạn cờ bạc vẫn lan rộng ở Sài Gòn, đến các tỉnh Nam Kỳ. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc ra đời một casino quy mô lớn hơn, đó là Đại Thế Giới và Kim Chung.

    Đại Thế Giới (Grand Monde) được người Pháp chính thức cho thành lập với lý do: Thà cho cờ bạc công khai, có lấy thuế, còn hơn để kiểu cờ bạc lén lút nhưng tràn lan như kiểu của Sáu Ngọ, vừa thất thu thuế, vừa bị xúc phạm đến quyền lực của Chính phủ bảo hộ Pháp.

    Cùng lúc thành lập với Đại Thế Giới có sòng bạc Kim Chung ở khu vực Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh (nay là khu Dân Sinh, phường Cầu Ông Lãnh, TP Hồ Chí Minh), nhưng Kim Chung có quy mô kém hơn, đối tượng chơi thuộc loại bình dân hơn Đại Thế Giới, nên mỗi khi nhắc tới casino tiêu biểu của Sài Gòn, người ta hay nói đến Đại Thế Giới.

    Đại Thế Giới tọa lạc trên đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo - Quận 5), trong một khuôn viên rộng mênh mông, vòng rào tường cao, cửa ra vào có bảo vệ mặc đồng phục canh gác cẩn mật, người ra vào tự do, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn vào, bởi muốn bước vào phải có tiền và bởi cái "sát khí" của thần đỏ đen luôn vừa quyến rũ thiên hạ, lại vừa hù dọa mọi người. Trên cổng lớn rực sáng ánh đèn néon, hàng chữ Grand Monde (Đại Thế Giới), như một lời xác nhận với mọi người dân Sài Gòn rằng, nơi đó là sòng bạc được Nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt!

    Ai là chủ nhân Đại Thế Giới?

    Phép hoạt động là của Nhà nước cấp, nhưng tư nhân điều hành. Ngay từ đầu khai trương, ai cũng tưởng Sáu Ngọ hay vài tay có máu mặt sở tại sẽ được cho đứng thầu, nhưng không, chủ thầu là một tay nào đó từ Hồng Kông đến. Sở dĩ người Pháp cho các tay Hồng Kông trúng thầu vì họ hiểu rằng, chỉ có những người từng am tường về tổ chức sòng bạc tầm cỡ thì mới có khả năng đưa Đại Thế Giới lên ngang tầm với các sòng bạc ở châu Á. Người trúng thầu vốn xuất thân từ các sòng bạc ở Macau, đã sành sỏi về tổ chức casino, do đó ông ta đã rập khuôn từ mọi hình thức đến mọi mánh khóe. Cùng kéo sang "miền đất hứa" mới với chủ còn có những cô hồ-lì (người đứng điều khiển cuộc chơi của từng môn đỏ đen, theo cách gọi của người Trung Hoa) xinh đẹp và sành điệu, thừa sức làm vừa lòng khách chơi, dù có bị thua cháy túi! Ngay từ lúc mới mở cửa, Đại Thế Giới đã thu hút ngay con số đỏ đen kỷ lục: Tuần lễ đầu luôn có một vạn người tới thử thời vận mỗi ngày, nhà chứa thu không dưới một triệu đồng (một triệu đồng bạc Đông Dương hồi đó hết sức lớn, bằng bạc tỷ bây giờ). Tiền nộp cho Nhà nước không phải ít, từ 200 nghìn, sau lên 300 nghìn và có lúc lên đến 500 nghìn/ngày, vậy chủ chứa vẫn hốt đậm hơn bất cứ ngành kinh doanh nào khác.

    Khách chơi lúc đầu còn giới hạn trong giới trung lưu, đến người nhiều tiền, lần hồi thu hút tới những giới bình dân, cả phu kéo xe, phu bốc vác bến tàu, vì có đủ hình thức chơi, từ hốt me, tài xỉu, đến roulette.. Người chơi không cần phải "động não" nhiều, và cũng không cần có nhiều vốn. Nhiều thua nhiều, ít thua ít, chỉ không đánh mới không thua! Vậy mà Đại Thế Giới như có bùa, như là ma túy gây nghiện, nó có thứ ma lực lạ lùng càng lúc càng lôi cuốn người chơi lao vào như con thiêu thân trước ánh đèn tự tìm cái chết mà ngỡ mình sắp động đến ánh sáng vinh quang.

    Thế là bước đầu người Pháp thắng một keo quan trọng. Loại được Sáu Ngọ một cách nhẹ nhàng, hiệu quả..

    Cuộc chiến đỏ đen

    Gọi là cuộc chiến vì không còn từ ngữ nào để dùng cho sát nghĩa hơn. Cuộc chiến giữa khách chơi và nhà cái, cuộc chiến giữa bản thân người chơi với gia đình họ, và cuộc chiến cực kỳ quyết liệt giữa những thế lực để giành quyền chi phối sòng bạc Đại Thế Giới. Từ ngày Đại Thế Giới mở ra, đã có không biết bao nhiêu gia đình chịu thảm cảnh. Có người là công chức cấp cao của Nhà nước, giàu sang tột bực, vậy mà chỉ trong vòng vài tuần "làm quen" với Grand Monde, đã nướng hết sản nghiệp vào đó, và tất nhiên là nướng luôn cả cuộc đời. Có những người vợ, những cô này bà nọ, chỉ vì ham vui, vào thử vài lần, rồi đam mê vào tiếp và.. cuối cùng lột hết vòng vàng nữ trang, lấy cắp cả tiền ở nhà "cúng" sạch cho sòng bạc, sau đó là "cúng" luôn cả cái ngàn vàng của mình! Thời đó cầu Bình Lợi (thuộc quận Bình Thạnh bây giờ) được xem là nơi kết liễu những cuộc đời bất hạnh, sau một đêm cháy túi ở Đại Thế Giới..

    Cả Sài Gòn, vùng phụ cận, cả Nam Kỳ lục tỉnh và cũng không thiếu người ở miền xa của đất nước đổ xô vào Sài Gòn, về với Đại Thế Giới lập lòe ánh sáng ma quái, để chơi trong thoáng giây, để khóc cạn nước mắt và cả để chết. Vậy mà Đại Thế Giới vẫn như một luồng thác lũ, không thể ngăn nổi. Trong khi đó một cuộc đổ xô khác, ở phía những thế lực muốn nắm Đại Thế Giới, cũng đến hồi quyết liệt. Hồi ông vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại, Đại Thế Giới lại như rồng lên mây, như được chắp thêm cánh bay. "Đức quốc trưởng" Bảo Đại đã được người Pháp giao lại nguồn lợi Đại Thế Giới, như là một món quà ân thưởng, làm cho ông vua sành cờ bạc này thích thú không gì bằng. Đệ nhị thế chiến nổ ra, tình hình sôi sục khắp nơi, nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến sòng bạc Đại Thế Giới, nếu không muốn nói là còn thêm sức để phất mạnh hơn ở tương lai.

    Giai đoạn "cao trào" nhất của Đại Thế Giới là thời điểm giới "yêng hùng lục lâm" và vài tay chính trị hàng đầu của chính quyền Sài Gòn chĩa mũi dùi vào sòng bài. Từ năm 1947 đến 1953, nhiều lần Đại Thế Giới nằm trong tầm ngắm của nhiều người. Đến khi xảy ra cuộc đối đầu chính trị giữa phe Ngô Đình Diệm với phe trung thành của vua Bảo Đại, thì rõ ràng có một người rắp tâm muốn nuốt chửng "cái máy hốt bạc này". Người đó là Bảy Viễn, thủ lĩnh nhóm Bình Xuyên. Vốn là tay "anh chị", từng nuôi mộng như Sáu Ngọ, nên khi được quyền lực trong tay, được "Hoàng đế cuối cùng" ủng hộ, được các tướng lãnh thân Pháp hậu thuẫn, Bảy Viễn đã làm một cuộc "đảo chánh", lật đổ sự thống trị của các nhà thầu người Hồng Kông khỏi lãnh địa Đại Thế Giới. Bình Xuyên đã trúng thầu khai thác Đại Thế Giới với giá 500 ngàn đồng mỗi đêm, thừa sức có tiền nuôi quân đóng bên kia cầu chữ Y của họ, và thả sức ăn tiêu, bỏ túi riêng. Đại Thế Giới như một mỏ vàng gần như vô tận, ai nắm được nó thì nắm được cả sức mạnh chính trị về tay mình. Đã có lúc người ta ngỡ là Bảy Viễn sẽ trở thành một nhân vật hàng đầu nhờ khai thác được nguồn béo bở đó. Kịp đến khi nổ ra cuộc "huynh đệ tương tàn" trong nội chính Chính phủ miền Nam lúc đó, giữa Ngô Đình Diệm và Bình Xuyên, cuối cùng Bình Xuyên bị thua, tan rã, và Đại Thế Giới cũng bị khai tử luôn. Những ngày đầu năm 1955 đã đánh dấu ngày tàn của Grand Monde, khi chính quyền thời đó trước áp lực của quần chúng, đã phải ngậm ngùi ký lệnh dẹp sòng bạc lớn Đông Nam Á.

    Người Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm mỗi khi đi ngang qua nơi vừa "thiên đàng" vừa "địa ngục" mà không còn nhìn thấy mấy chữ Grand Monde - Đại Thế Giới..

    - The End-
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...