II-12: Thợ sửa xe đạp trở thành chủ rạp hát Bấm để xem Ngày nay, khi đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo, quận I, TP Hồ Chí Minh, người ta dễ dàng nhìn thấy một rạp hát khá bề thế, mang tên Hưng Đạo, nhưng có lẽ ít người biết rõ quá trình hình thành của nó. Vào khoảng thời gian bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần hai, Sài Gòn vẫn còn khá lạc hậu, với phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe đạp. Tại gốc giao lộ Générale Marchand và Galliéni (Nguyễn Cư Trinh và Trần Hưng Đạo ngày nay) thường ngày có cậu con trai khoảng 18-20 ngồi cặm cụi sửa xe đạp bên vệ đường. Thời đó, người dân chính gốc thành phố thất nghiệp dài dài, nói chi đến những dân nhập cư từ các tỉnh xa, do đó người ta xem việc một thanh niên ngồi sửa xe như vậy là chuyện bình thường. Những người thường lui tới con đường đó, đặc biệt là những khách hàng từng đôi ba lần đưa xe đến sửa, đều công nhận anh thợ sửa xe ấy là một chàng trai hiền hậu, dễ thương lại rất chăm chỉ, cẩn thận. Xe hư đâu sửa đó, sửa có chất lượng, chỉ lấy tiền công vừa phải, đôi khi với những khách hàng già cả, cậu ta tự nguyện sửa miễn phí "để làm quen". Lâu dần, khách hàng càng lúc càng đông, thậm chí có người bị hư xe ở xa cũng ráng dẫn bộ tới, để cậu sửa. Chàng trai ấy tên là Niệm. Một năm sau ngày ra nghề, người ta thấy chỗ bức tường phía sau lưng anh thợ sửa xe ngồi có treo lủng lẳng vài chiếc vỏ, ruột xe đạp, cùng với một ít những phụ tùng khác. Anh ta giải thích: "Để khi nào khách có nhu cầu thì mình thay cho tiện". Thời đó không có "chợ phụ tùng" hoặc các loại phụ tùng xe được bày bán khắp nơi như ngày nay, cho nên việc phục vụ linh hoạt của cậu Niệm này rất được bà con ủng hộ. Hai năm sau, khách hàng nhìn thấy có thêm một hai chiếc xe đạp ráp hoàn chỉnh, dựng ở đó. Cậu Niệm lại giới thiệu: "Nhân tiện ráp sẵn, nếu bà con nào có cần thì mình nhường lại, giá phải chăng". Tất nhiên là hàng của cậu ta ráp đến đâu bán được đến đó. Sau khi Nhật đảo chánh Pháp, trong lúc Sài Gòn đang hoảng loạn vì những cuộc dội bom của phi cơ đồng minh xuống thành phố, dân chúng lo chạy tránh bom, thì ở góc đường đó, chàng trai sửa xe vẫn cứ bám trụ với "cơ ngơi" của mình, gồm bốn chiếc xe đạp vừa mới ráp, cộng với một thùng phụ tùng mới. Với cậu, giữa cái chết do bom đạn và chết đói, cậu ta sợ chết đói hơn. Vả lại, trong đầu cậu trai nghèo này, hình như còn nuôi một hoài bão.. Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, cũng là lúc người ta ngạc nhiên khi thấy chàng trai dó đứng ra thuê hẳn một góc nhà (chỗ căn phố suốt mấy năm qua cậu ta vẫn ngồi phía trước hiên nhà để hành nghề) và khai trương bảng hiệu: "Nguyễn Thành Niệm, sửa xe và bán phụ tùng xe đạp". Thì ra, do khéo dành dụm trong nhiều năm qua, cậu ta đã có một số vốn nho nhỏ, đủ để "dựng tiệm". Cậu tâm sự với những người quen biết: "Cái nghèo nó làm cho mình phải bỏ dở chuyện học hành, mà không học thì khó bề lập thân. Bây giờ chỉ còn một cách là phải chí thú làm ăn, phải đi lên bằng con đường thương mãi..". Điều đó hoàn toàn đúng. Năm năm sau, đầu thập niên 50, cả một dãy phố từ đầu đường Nguyễn Cư Trinh chạy dọc theo Trần Hưng Đạo, đến gần đường hẻm Nguyễn văn Dụng, đã quy về một mối, do một người làm chủ: Nguyễn Thành Niệm! Cậu ta trúng nghề phụ tùng xe đạp là chủ yếu, nhưng cũng phải kể đến yếu tố cần kiệm và óc nhạy bén với thị trường. Chỉ trong vòng mười năm, từ một anh chàng sửa xe đạp tầm thường, Nguyễn Thành Niệm tậu được đến gần 30 căn phố mặt tiền đường Gallieni (Trần Hưng Đạo). Có người nói, sở dĩ Niệm mua được nhiều nhà như thế là bởi vì thời đó mọi người vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng do chiến tranh, bị lung lạc tinh thần, muốn bán rẻ nhà cửa để hồi hương lập nghiệp, nên giá nhà khá rẻ, và Niệm đã chộp đúng thời cơ. Con đường "lập thân" của Nguyễn Thành Niệm đã rộng mở. Anh ta chuyển sang kinh doanh đa dạng hơn, gồm cả phụ tùng xe gắn máy, xe hơi, máy móc cơ giới nói chung. Và thế là một Công ty nhập khẩu phụ tùng xe, máy được hình thành: Công ty Indo Comptoir Nguyễn Thành Niệm. Cuối thập niên 50, đây là một trong mười Công ty xuất nhập khẩu phụ tùng cơ giới lớn nhất của Sài Gòn và có cả những chi nhánh ở khắp Việt Nam, vươn ra tới Nam Vang, Vientian, Paksé (Lào). Nguyễn Thành Niệm trở thành một tỷ phú. Đầu thập niên 60, tại dãy phố góc đường Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo, cạnh trụ sở Công ty Nguyễn Thành Niệm, người ta thấy mọc lên một tòa nhà đồ sộ với chữ hiệu trên mặt tiền rất nổi: Rạp hát Hưng Đạo. Thì ra, đúng nơi mấy chục năm trước Niệm ngồi sửa xe đạp, giờ đã được dựng lên một rạp hát lớn nhất thành phố, lại do chính ông làm chủ. Có lần Nguyễn Thành Niệm đã nói với bạn bè: "Cuộc đời cũng giống như một sân khấu. Mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy thì càng hay.."
II-13: Lý Long Thân và cơn sốt chim cút Bấm để xem Ai đã từng ở Sài Gòn từ đầu thập niên 60 đến 1975, đều ít nhiều nghe nhắc đến Lý Long Thân. Tuy chỉ là một doanh nghiệp, nhưng tay này đã "vang danh" và có thế lực "nghiêng trời" vào thời ấy, chẳng riêng gì vùng Chợ Lớn, mà lan rộng khắp miền Nam. Vậy Lý Long Thân là người như thế nào? Muốn nói chính xác về "nhà kinh tế" này rất khó, bởi ông ta cũng giống như đa số thương gia người Hoa trên đất Việt, sống rất bí ẩn, mà hoạt động thương trường lại càng kín đáo, kỳ bí hơn. Nếu phải kể về một vụ việc điển hình, thì có lẽ nên nói đến "cơn sốt chim cút" ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70. Đầu tiên có nguồn tin: Chim cút đẻ ra vàng (). Tất nhiên là nhiều người đã cười mũi vào loại tin tức đó. Nhưng bỗng dưng nó trở thành sự thật, khi có những kẻ thập thò đi khắp ngõ hẻm rỉ tai và đề nghị mua ngay những cặp chim cút của ai đó đang đẻ trứng. Rồi một đồn mười, mười đồn trăm, cứ thế thị trường chim cút tăng lên vùn vụt. Và nó không dừng lại ở đó. Từng phút, từng giờ, ở đầu này, đầu nọ của thành phố Sài Gòn, đi đâu người ta cũng bàn tán chỉ môt đề tài: Chim cút. Ban đầu cút đẻ được giá, sau đến cút đực, cút con, ngay cả trứng cút cũng leo giá tận trời. Phải, đó là một cơn "đại hồng thủy" về cút xảy ra ở Sài Gòn mà có thể nói, là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới. Tin tức thuộc loại truyền miệng, tin vịt, thì loan đi nhanh hơn là tin qua hệ thống viễn thông. Những mẩu chuyện như "ông A nhờ nuôi được năm cặp chim cút đẻ mà trúng lớn, mua được căn nhà lầu bốn tầng" đã làm cho thiên hạ cứ sốt vó lên, bỏ cả công ăn việc làm, đổ xô chạy đi tìm mua chim cút. Có một vị nhà giàu đã dốc hết tiền của ra, mua cả ngàn con chim "thần" với giấc mộng sẽ làm trùm, kết quả là chỉ sau hai tuần, một ngàn con chim cút mua bằng một ngàn cây vàng, chỉ còn trơ lại.. một ngàn con chim cút rô-ti! Thì ra, chuyện "con chim cút đẻ ra vàng" chỉ là một trò bịp của bọn xỏ lá nào đó, chúng tung ra thủ đoạn để tự những người Sài Gòn tranh giành nhau, tự đẩy nhau vào thế phá sản. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, cơn sốt chim cút đã làm cho hàng ngàn người thất nghiệp, hàng vạn người điêu đứng, và làm cho hoạt động kinh tế ở một số đô thị miền Nam lúc đó bị chấn động, dĩ nhiên là trong một số lĩnh vực đủ cho ai đó thực hiện những ý đồ thâm độc. "Ai đó" chính là Lý Long Thân, một trùm tư bản vốn đã từ lâu khống chế nhiều hoạt động thương nghiệp của Chợ Lớn. Nhưng tại sao Lý Long Thân lại tung ra độc chiêu đó? Đơn giản vì chỉ có biến loạn thị trường thì "đòn" tiếp theo, địch thủ mới không đỡ được, đó là sự tăng giá sắt, thép, phân bón và cả lương thực, những thứ này vốn nằm trong vòng khống chế của nhà họ Lý và một số trùm khác. Chỉ cần một cú như "dịch chim cút" thôi, nền kinh tế dưới chế độ Sài Gòn đã nằm trong vòng "cương tỏa" của họ. Bởi vậy, như chính Bộ trưởng Kinh tế của chế độ Sài Gòn vào năm 1973 đã than thở: "Mọi chủ trương, mọi sắc luật của Chính phủ, chỉ cần một cơn 'sốt lên' của Chợ Lớn là bốc thành khói". Lý Long Thân là một tỷ phú mà tài sản không thể nào thống kê nổi. Nghe nói, ông ta có chân trong một tập đoàn tư bản của châu Á, chứ không riêng ở Sài Gòn. Tiền của, tài sản riêng của ông ta được gửi ở nhiều ngân hàng trên thế giới, để nếu cần, sẽ rút êm. Mà quả vậy, khi Sài Gòn được giải phóng năm 1975, Lý Long Thân biến mất dạng.
II-14: Trùm tài phiệt đỏ đen Sáu Ngọ Bấm để xem Trước khi Sài Gòn nổi lên một sòng bạc thuộc loại lớn nhất nhì Á châu, được gọi là Grand Monde (Đại Thế Giới), thì dân ở đây đã biết tới một tay trùm và hệ thống cờ bạc không bảng hiệu của ông ta, đó là Sáu Ngọ. Có người nói ông ta là Lê văn Ngọ, có người bảo là Nguyễn văn Ngọ, trong khi chính đương sự thì lại thích được gọi bằng cái tên Tây P. Ngọ, Sobnng, để dễ gọi, người ta thường gọi nôm na là Sáu Ngọ, hoặc thầy Sáu. Sáu Ngọ là ai mà nhiều người biết đến thế? Ông ta không phải là nhà chính trị, không phải Việt gian, cũng không phải là tay mại bản kiểu chú Hỏa, mà chỉ là một "trùm cờ bạc"! Ở Sài Gòn thời ấy, người ta thường có câu cửa miệng: "Cờ bạc mà được như Sáu Ngọ thì hãy nên cờ bạc!". Như thế đủ thấy "thầy Sáu" không phải là tự xưng, mà do chính bàn dân thiên hạ tặng cho ông, chỉ vì họ sánh Sáu Ngọ ngang hàng với nhiều loại thầy chú khác rất có máu mặt ở Sài Gòn. Phải nói rằng, dù chỉ là tay trùm cờ bạc, nhưng Sáu Ngọ đã được sự nể nang của hầu hết mọi người (tất nhiên mỗi người một kiểu nể), từ thường dân cho đến các thầy chú thứ thiệt! Bởi một lý do đơn giản, Sáu Ngọ nhờ cờ bạc mà thành cơ nghiệp. Và cũng từ cờ bạc ông ta đã, một cách nào đó, từng làm những cuộc đối đầu, gần như là sự thách thức với chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy! Sau thập niên 20, ở Sài Gòn còn lắm nhiễu nhương, người dân còn nhiều cơ cực, nên một trong những thú vui của họ là mê đỏ đen. Họ đánh bạc vừa mong đổi đời, cũng vừa thỏa tính ngông cuồng, do đó họ rất khoái có những tay "hảo hán" theo kiểu Sáu Ngọ. Thuở ấy, người dân Sài Gòn dù là dân giàu, mấy ai lên xe xuống ngựa được như Sáu Ngọ. Ông ta có đến bốn chiếc ô-tô riêng, mà chiếc nào cũng thuộc loại đắt tiền, lộng lẫy. Cứ sáng sáng, "thầy Sáu" diện đồ láng coóng, đầu đội nón nỉ, tay cầm ba-toong, bảo tài xế đưa đi một vòng Sài Gòn, ghé lại các nhà hàng loại xịn như La Pagode, Brodard, hay Continental, ngồi nhâm nhi cô-nhắc, mạc-ten, phì phà thuốc lá như một quan thuộc địa thứ thiệt! Sáu Ngọ khởi đầu sự nghiệp cũng bằng hai bàn tay trắng như những tay giang hồ hảo hán khác, nhưng đặc biệt hơn là ở chỗ ông ta biết mượn thời thế để phất lên. Ban đầu không nhiều tiền thì làm cò con, tổ chức những sòng bài rải rác ở các điểm khác nhau, trốn xâu, lậu thuế.. Dần dần có tiền tích trữ khá, Sáu Ngọ bung ra làm ăn táo bạo. Ông ta nắm được cái "bệnh" chung của hầu hết nhân viên công lực thời đó là khoái ăn của đút, cho nên hễ tổ chức nơi nào thì y như rằng làng lính nơi đó đều bị thầy Sáu mua đứt. Mua bằng cách nào, đó là một nghệ thuật riêng. Đầu tiên, thầy điều tra, biết được đối thủ của mình thuộc loại nào, thích ăn chơi như thế nào, đã có "phòng nhì, phòng ba" chưa.. Tùy theo tình trạng của mỗi người, các sách lược sẽ được áp dụng. Với cách đó, ít khi Sáu Ngọ thất bại, thậm chí với các quan chức người Pháp. Bởi vậy, chỉ sau một năm "kinh doanh", Sáu Ngọ đã nghiễm nhiên trở thành một bộ mặt bự trong làng. Vào lúc xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, cũng là lúc Sáu Ngọ lên ngôi "vua", đã tóm thâu hầu như trọn các sòng bài lớn nhỏ ở khắp vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Danh tiếng lẫy lừng như thế ắt có kẻ thù. Mà kẻ thù dữ dằn nhất của lão ta lại là người Pháp, tay biện lý Lafrique vốn thù ghét đỏ đen, nay lại nghe những chuyện thêu dệt về Sáu Ngọ, nên có ý chơi cho anh chàng A-na-mit này một trận lấy oai! Vừa nhậm chức chưa được bao lâu, chuyện đầu tiên Lafrique hành động là cuộc đột kích vào các sòng bạc của Sáu Ngọ. Lão chắc mẩm phen đó sẽ tận diệt cái gai mà bao nhiêu người trước không nhổ được. Nhưng.. mọi việc không như lão nghĩ. Chẳng hiểu sao tin báo rất đáng tin cậy mà Lafrique nắm được thì tất cả những địa điểm làm ăn của Sáu Ngọ đều đang hoạt động, vậy mà khi đột kích vào, hầu như nơi nào cũng trống không? Như thế là sao? Không lẽ bọn Sáu Ngọ biết độn thổ, hay phép tàng hình? Hay là.. Điều hoài nghi sau cùng của tay biện lý người Pháp đã đúng. Bởi vì, khi kiểm tra lại, Lafrique biết được rằng trong số nhân viên công lực, đã có người là "tay trong" của Sáu Ngọ. Mà không chỉ một vài người, họ rất đông. Có nghĩa là, Sáu Ngọ đã mua được những tai mắt bên trong các lực lượng an ninh, những người này sẽ báo cho ông ta mọi tin tức mỗi khi có các cuộc hành quân. Bởi vậy, biện lý Lafrique luôn thất bại. Không chịu bó tay, Lafrique thề sẽ diệt cho bằng được kẻ "tử thù", lão còn tuyên bố là nếu không thắng Sáu Ngọ, lão sẽ từ chức. Vậy mà cuối cùng lời thề đó đã không thực hiện, bởi vì Sáu Ngọ như những cánh tay ma, bị chặt cái này lập tức mọc ra cái khác. Thực ra, Sáu Ngọ còn có những chiêu rất ngoạn mục khác mà nhà cầm quyền Pháp không ngờ tới được. Đó là sự ăn chia sòng phẳng cho mọi tay em. Hễ đàn em nào trung thành, làm được việc, thì sẽ được hưởng lợi xứng đáng, thậm chí còn được cứu sinh mạng khi lâm nguy. Từ đó Sáu Ngọ nhận được sự đền ơn đáp nghĩa tận tình. Lúc ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, Sáu Ngọ sở hữu một lúc trên mười ngôi biệt thự ở khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, ngoài ra còn có các cơ ngơi khác ở nhiều nơi, trị giá tài sản rất lớn. Có tiền là có tất cả, Sáu Ngọ thậm chí còn mua được quốc tịch Pháp, được ưu tiên, miễn trừ một số mặt, và nhờ thế, ông ta đã giàu càng giàu thêm. Mãi đến khi sắp nổ ra cuộc thế chiến lần thứ hai, ảnh hưởng tới các cuộc làm ăn của Sáu Ngọ vẫn còn.. Lúc người Pháp cho phép thành lập Đại Thế Giới, thì những hoạt động của Sáu Ngọ mới tàn lụi dần. Công cuộc kinh doanh đỏ đen của Sài Gòn bước sang một kỷ nguyên Mới..
II-15: Tứ đại phú gia đất Sài Gòn Bấm để xem Nhất Sĩ Ai từng sống ở Sài Gòn trước đây, đều đã nghe câu nói: Nhất Sĩ, nhị Phương, tam Xường, tứ Định. Đó là bốn nhà giàu bậc nhất Sài Gòn, đồng thời cũng là tứ đại phú gia của cả Nam Kỳ lục tỉnh (Nam Bộ). Ngày nay, ít ai còn biết tường tận về ý nghĩa của sự xếp hạng trên, do đó, chúng tôi xin ghi lại, dựa theo những giai thoại dân gian, cũng như theo một số sách báo, tư liệu còn lưu truyền.. Sĩ là tên hiệu của Lê Phát Đạt, sinh quán ở Cầu Kho, thuộc địa phận Sài Gòn. Tên thuở thiếu thời của Đạt là Sĩ, mãi khi lớn lên, do có sự trùng hợp tên với một ông thầy dòng (Sĩ là một tín đồ Thiên Chúa giáo ngoan đạo, được theo học đạo ở nước ngoài) nên đã tự nguyện đổi tên thành Đạt, nhưng mọi người vẫn quen gọi là Sĩ. Khi trưởng thành, Sĩ về nước làm công chức cho chính quyền bảo hộ Pháp tại Sài Gòn, rồi ở tỉnh Tân An (Long An ngày nay). Là một công chức mẫn cán, lại giỏi tiếng Pháp, nên Sĩ được trọng dụng, leo từ trật thông ngôn lên tham biện. Thuở mới ra làm công chức, Sĩ chưa phải là nhà giàu. Mãi đến khi Sĩ được thuyên chuyển từ tỉnh Tân An trở lại Sài Gòn thì mới là giai đoạn phất lên của một nhân vật mà sau này đứng đầu bộ tứ "đại phú" đất phương Nam. Nguyên là, khi ấy đất đai ở vùng Sài Gòn, kể cả vùng nội thành còn hoang sơ, dân cư tản mát. Người Pháp kêu gọi ai có tiền, có sức thì khai khẩn, xây dựng nhà cửa, sẽ được nhà nước khuyến khích và dành cho nhiều ưu đãi. Sĩ (lúc ấy đã được phong chức huyện hàm, gọi là Huyện Sĩ) được dành cho đặc ân muốn mua bao nhiêu đất đai, ruộng vườn cũng được, với giá rẻ hơn người khác. Ban đầu, nghe nói Sĩ từ chối, nhưng các viên chức Pháp cố nài ép, đốc thúc nên sau cùng Sĩ phải nhận. Sĩ mua một số ruộng đất khá lớn ở tỉnh Tân An và một số đất đai ở Sài Gòn. Không ngờ sau đó ít lâu, khi cư dân bắt đầu đông đúc, giá đất ở những vùng mà Sĩ đã mua vọt lên cao không thể ngờ! Sĩ bán đất ruộng, chừa lại đất ở Sài Gòn, thu về những món tiền kếch xù. Rồi cứ thế, Sĩ trở thành một đại điền chủ, đại phú hộ, vượt xa các nhà giàu đương thời. Phú quý sinh lễ nghĩa, Sĩ quá thừa tiền bạc, nên hào phóng xây tặng cho họ đạo Chợ Đũi một ngôi nhà thờ được người dân Sài Gòn gọi là nhà thờ Huyện Sĩ (nhà thờ này ngày nay vẫn còn, tọa lạc tại góc đường Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng). Nhị Phương Phương là tên của Đỗ Hữu Phương, một hàm Tổng đốc thời Pháp bảo hộ đất Nam Kỳ. Nhắc đến Tổng đốc Phương, dân Sài Gòn ai cũng biết đó là một tay Việt gian cỡ lớn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Nhưng về mặt tài sản, thì Phương là một đại phú, đứng thứ nhì, chỉ sau Huyện Sĩ. Về nguồn gốc tài sản kếch xù của Đỗ Hữu Phương, có người nói là do vợ Phương, thường được gọi là Trần phu nhân, giỏi tài kinh doanh nên mới có được. Nhưng theo nhiều người "rành chuyện Sài Gòn" thì chính nhờ Nhà nước bảo hộ Pháp dành cho Phương quá nhiều đặc ân, nên tiền đẻ ra tiền, sản nghiệp đã lớn lại càng lớn, vợ Phương đúng ra chỉ là người khéo giữ của. Những giai thoại quanh nhị Phương đượm tính tiếu lâm, ngụ ý mỉa mai một con người phản dân hại nước. Trong số các giai thoại đó có câu chuyện sau đây, xin thuật lại, dựa theo tư liệu của cố học giả Vương Hồng Sển: "Tuy là người phục vụ đắc lực cho chính quyền Pháp, nhưng Tổng đốc Phương lại chỉ có vốn liếng Pháp thuộc" ba xí ba tú ". Do đó, vào một ngày kia, nhân dịp tết Tây, quan Tổng đốc nhà ta bèn nịnh quan Tây bằng một món quà béo bổ: Một con dê quay vàng ngậy! Biếu quà ăn mừng năm mới thì phải giới thiệu chủng loại con vật đã được quay vàng. Khổ nỗi, do trình độ tiếng Tây của Tổng đốc nhà ta quá khiêm nhường, nên thay vì phải nói là bouc hay chèvre để chỉ con dê, ông ta đã làm một màn pác-lê bồi như thế này: Lũy mêm xối xiên, dà na bắp, dà na cót (lui même chose chien, il y a barbe, il y a corne: Hắn giống như con chó, mà có râu, có sừng). Dù cho quan Tây có hiểu được sự mô tả của kẻ cúc cung tận tụy với mình, nhưng phải cố lắm mới kìm được một tràng cười vỡ bụng". Tam Xường Nhân vật đứng hàng thứ ba, gọi là tam Xường, tức Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan, gốc người Minh Hương (người Hoa ủng hộ Minh triều, lánh nạn Mãn Thanh sang Việt Nam). Ông là một trong số ít người sớm hòa nhập vào nền văn hóa Việt Nam, theo đạo Thiên Chúa và được học trường Collège des Interprètes (trường thông ngôn của Pháp), ra làm thông ngôn cho Chính phủ bảo hộ. Với trình độ tiếng Pháp giỏi, rành tiếng Việt, lại được trọng dụng, con đường hoạn lộ của ông tràn đầy tương lai. Nhưng bất ngờ vào năm vừa đầy 30 tuổi, Lý Tường Quan tự Xường đã bỏ việc, ra ngoài buôn bán. Ban đầu, ai cũng cho rằng ông Xường sai lầm, bởi thời buổi đó muốn nằm mơ cũng khó lòng được địa vị như ông. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, mọi dị nghị về ông đều tỏ ra thiếu chính xác. Bởi nghề kinh doanh lương thực và dịch vụ của ông tỏ ra đắc địa vào thời Sài Gòn vừa mới phát triển. Độc quyền cung cấp thịt cá, một công việc bị nhiều người xem thường, vậy mà chỉ trong vòng chưa đầy năm năm, Lý Tường Quan đã được mọi người gọi là bá hộ Xường (bá hộ là từ chỉ những nhà giàu lớn). Ông có sản nghiệp lớn, nhà đất nhiều. Dinh thự vào thời đó (cách nay trên một thế kỷ) tọa lạc đường Gaudot (đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) được nhiều người nể vì. Chỉ tiếc một điều là, khi ông chết rồi, số sản nghiệp còn lại đã bị con cháu tranh chấp, dẫn đến những vụ kiện tụng kéo dài nhiều thế hệ sau, đến nỗi hầu như xóa sach dấu vết vào những năm giữa thế kỷ XX này. Tứ Định Người đứng hàng thứ tư, tức tứ Định, là Trần Hữu Định, cũng được gọi là bá hộ Định. Là nhà giàu do tự bản thân gây dựng nên cơ đồ, không tham gia hàng ngũ công bộc của chính quyền bảo hộ thời đó. Bá hộ Định vốn là con một điền chủ gốc Chợ Lớn (thuở sinh thời, ông có ngôi nhà đồ sộ ở gần cầu Pialikao, gần chợ Kim Biên và Bình Tây ngày nay). Phải nói rằng, thời buổi ấy mà ông và bá hộ Xường được đứng trong hàng ngủ "tứ đại phú" quả là điều hi hữu. Bởi nếu không quyền thế, thì chỉ làm giàu thường thường là bậc trung thôi, khó leo lên tột đỉnh như Huyện Sĩ hay Tổng đốc Phương được. Vậy mà hai ông Xường và Định đã làm được và theo nhiều người, họ không hề thua kém bao nhiêu so với hai cự phú hàng đầu. Theo lời kể lại của những người am tường thời ấy, sở dĩ Bá hộ Định làm giàu nhanh là do đã sớm đứng ra làm một dịch vụ mà thời sau ông, chú Hỏa (Hui Bon Hoa) từng làm, đó là nghề mở tiệm cầm đồ (Mont de pieté). Nghề này đặc biệt dễ làm giàu, bởi nhiều người dân Sài Gòn vốn dĩ ăn tiêu rất phóng khoáng, có đồng nào "xào" đồng nấy, hết tiền thì có cái gì trong nhà đưa đi cầm cố, sau đó lại sắm món khác, và cứ thế.. Bởi vậy, dịch vụ cầm đồ tỏ ra đắc thời. Ông Định lại biết bành trướng nghề nghiệp, ông có nhiều hiệu cầm đồ ở khắp các khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Khi nhiều người nhận ra sự "trúng quả lớn" của ông qua nghề đó, thì ông đã nghiễm nhiên trở thành bá hộ, vượt xa mọi đối thủ có ý cạnh tranh. Của đẻ ra của, tiểu phú hộ đã trở thành đại phú chưa đầy mười năm. Đến khi ông mất, các con cháu ông không còn mặn mà ngó ngàng "Mont de pieté" nữa, lúc đó những thương nhân người Pháp và sau ít lâu, Hui Bon Hoa phất lên, mới tiếp nối con đường của ông và thành danh "chú Hỏa". Những con cháu của bá hộ Định đời sau, tuy không bằng được ông cha nhưng nghe nói cũng là nhưng đại phú, sống âm thầm hơn ở đất Sài Gòn. Ngày nay, khi Sài Gòn đang bước vào thời điểm thế kỷ XXI, hầu như mọi người ở đất này đã quên bốn con người vừa kể. Còn chăng là còn hai địa danh nhà thờ Huyện Sĩ và đường Tổng đốc Phương (nay là đường Châu văn Liêm). Việc nhắc đến họ cũng là sự phác họa lại vài nét chấm phá của một giai đoạn lịch sử Sài Gòn buổi sơ khai.
II-16: Hai "đại gia" người Hoa ở Sài Gòn Bấm để xem Wang Tai Nổi về những nhân vật Hoa kiều làm giàu ở Sài Gòn, người ta thường chỉ nhắc đến tên Hui Bon Hoa (chú Hỏa), chú Hỷ và Thông Hiệp Quách Đàm (chủ chợ Bình Tây), được xem như tam đại phú gia tiêu biểu, gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn vài thế kỷ trước. Song, Sài Gòn có hai người nữa mà tên tuổi của họ cũng thuộc hàng "đại gia" trong hàng cự phú Hoa kiều, mà vài lý do, đã ít được đề cập. Người thứ nhất là Wang Tai, mà cuộc đời gắn liền với ngành hàng hải và bến cảng của Sài Gòn năm xưa. Ít ai ở Sài Gòn biết được tên của ông ta theo âm Việt ngữ, ai cũng chỉ quen đọc theo âm của người Pháp, gọi là Wang Tai. Tài liệu liên quan đến ông này còn lưu lại rất ít, chỉ thấy ghi trong quyển Ký ức lịch sử của ông Trương Vĩnh Ký mấy dòng như sau: "Ở khoảng giữa của Sở Thương Chánh và nhà của ông Wang Tai là con kênh nhỏ" (sau đó kênh này bị lấp đi, trở thành đại lộ de la Some, tức Hàm Nghi ngày nay). Trong sách Sài Gòn năm xưa của cố học giả Vương Hồng Sển cũng chỉ ghi vắn tắt: "Wang Tai có nhà ở Sở Thương Chánh và ông là một thương gia tên tuổi nhất nhì buổi giao thời". Ai cư ngụ lâu năm ở Sài Gòn đều biết Sở Thương Chánh nói trên chính là dãy nhà mà ngày nay là trụ sở Hải quan TP. Hồ Chí Minh (nằm ở bến Bạch Đằng và góc đại lộ Hàm Nghi). Như vậy, ngôi nhà của ông Wang Tai nói trong sách của Trương Vĩnh Ký có thể nằm ở góc bên này của ngả ba Hàm Nghi - bến Bạch Đằng (trước 1955, ngôi nhà này vẫn còn, xây dựng giống như nhà của Sở Thương Chánh, hiện nay đã phá bỏ, đang xây khách sạn cao tầng). Không ai biết đích xác Wang Tai sống ở Sài Gòn vào năm nào. Chỉ thấy ghi trong vài cuốn sách rằng ông là nhân vật làm giàu lớn vào "buổi giao thời". Như vậy có thể đoán "buổi giao thời" ở đây là thời kỳ người Pháp mới chiếm Sài Gòn (1859). Cái tên Wang Tai gợi cho người đời sau nhớ đến tên của một nhân vật Hoa kiều khác, đó là Wang Tang (Huỳnh Tấn), một trong tứ trụ Hoa Duệ cầm đầu nhóm trung thần của nhà Minh chạy trốn giặc Mãn Thanh sang Việt Nam và được các chúa Nguyễn cho cư ngụ, lập nghiệp ở Cù lao Phố và Mỹ Tho. Phải chăng Wang Tai có liên hệ họ hàng với Huỳnh Tấn? Theo một tư liệu qua thu thập được từ một số vị lão niên từng sống lâu năm ở khu vực chợ Cũ và quận 4, thì ông Wang Tai đúng là một phú thương sống và làm giàu trong khoảng thời gian từ năm 1860 - 1890, gắn liền với các hoạt động của thương cảng. Theo các sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức và Ký ức lịch sử của Trương Vĩnh Ký ghi lại thì khi người Pháp phá thành Sài Gòn, họ đã thiêu hủy rất nhiều súng, đạn, quân dụng, đặc biệt là lúa gạo. Số lúa gạo ấy đủ sức nuôi từ sáu đến tám ngàn nhân khẩu trong vòng một năm. Trước khi lúa gạo bị đốt, có một nhóm phú thương Hoa kiều đứng ra xin mua, thay vì thiêu hủy. Họ đồng ý trả một giá rất cao, nhưng Đề đốc Rigault de Genouilly không đồng ý, e sợ rằng không khéo số lương thực ấy sẽ lọt vào tay quân Việt Nam. "Các thương nhân Hoa kiều" kể trên, theo lời kể của dân cố cựu ở Sài Gòn, có thể do Wang Tai đứng đầu. Bởi vì, vào thời ấy, nói về khả năng kinh tế tài chính thì Wang Tai nổi trội hơn cả. Ông này vốn kinh doanh lúa gạo ngay từ khi người Pháp chưa tới: Kinh doanh xuất khẩu đầu tiên ở các tỉnh phía Nam. Có thể Wang Tai đã muốn lợi dụng buổi nhiễu nhương ban đầu, khi quân Pháp còn xa lạ với thành phố Sài Gòn để đầu cơ, trục lợi. Nhưng con cáo già Rigault de Genouilly đã không nhường bước. Sau khi người Pháp tổ chức bộ máy cai trị, các nhân vật Hoa kiều cũng chính là những nhân tố quan trọng trong cuộc đẩy mạnh thương trường ở vùng Sài Gòn - Gia Định. Điều này cũng dễ hiểu, bởi từ bao đời, người Hoa ít chịu nhường bước ai trong thương mại. Wang Tai đã phất lên từ đó. Vùng thương cảng Sài Gòn lúc đầu chưa có vóc dáng như sau này, mà chỉ là một bến cảng thô sơ dành cho các ghe thuyền cập bến. Các thương thuyền chủ yếu từ Hồng Kông, Singapore và một số nước châu Âu tới, nhập hàng tiêu dùng như vải sợi, rượu, thuốc.. và xuất đi chủ yếu lúa, gạo và vài loại nông phẩm khác. Các loại hải sản và trà, cà phê mãi đến đầu thế kỷ XX mới bắt đầu xuất khẩu. Trước khi Quách Đàm đứng ra làm trùm ngành xuất khẩu lương thực, thì Wang Tai là người mở đường, coi như nhân vật tiên phong, mang danh nghĩa tập đoàn thương nhân Việt Nam. Cùng thời với Wang Tai còn có Tấn Phát, cũng là một thương nhân có cỡ, nhưng không bằng Wang Tai. Kể cả những thương nhân người Pháp như Dunlop, Sémare.. cũng nể mặt, lùi một chút.. Với lợi thế buổi ban đầu như thế, nhưng tiếc rằng chỉ đến đầu thế kỷ XX, do sự cạnh tranh từ nhiều đấu thủ mới hùng mạnh, thế lực hơn, nên vai trò của Wang Tai lu mờ dần, để rồi khi Thông Hiệp Quách Đàm nổi lên từ thập niên 20 thì Wang Tai chỉ còn là dĩ vãng.
Phần III: Các mỹ nhân làm điên đảo các đại phú - 1: Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn Bấm để xem Sài Gòn xưa đã có "tứ đại phú" (nhất Sĩ, nhị Phương, tam Xường, tứ Định), phải chăng cũng có "tứ mỹ nhân"? Quả là Sài Gòn từng có một bộ tứ người đẹp có tiếng như vậy. Cô Ba: "Hoa khôi mọi thời đại" Ai đã từng sống ở Sài Gòn trước thập niên 60 đều không thể không nghe tiếng cô Ba, người đẹp tiêu biểu của đất phương Nam. Cô chính là người có chân dung được in trên bao xà phòng hiệu Cô Ba, của hãng Trương văn Bền. Nhưng cô Ba là ai mà xinh đẹp và được ngưỡng mộ đến như thế? Thật ra, kể cả những người nay đã ở tuổi 70-80, từng sống ở Sài Gòn, cũng không thể biết mặt thật của người đẹp này. Vì cô là một hoa khôi được phong chức danh vào thập niên 90 của thế kỷ XIX! Không ai biết được tên tuổi thật của người đẹp, chỉ được truyền tụng bằng hai từ "Cô Ba" đặc trưng Nam Bộ. Nhưng chắc chắn một điều, cô là người Việt Nam đầu tiên được bầu là hoa hậu, được chính thức ghi danh trên báo chí Pháp ngữ ở Sài Gòn lúc ấy (thời điểm cuối thế kỷ XIX, Sài Gòn chỉ có vài tờ báo Việt, nhưng những tờ báo Pháp ngữ là được phổ biến rộng rãi, trong số này có tờ Le Courrier Saigonnais của Paul Blanchy và tờ Le Mekong của nhóm thân hữu ủng hộ toàn quyền Paul Doumer) và được người Pháp vô cùng ngưỡng vọng, bốc người đẹp lên tận mây xanh! Một nhà báo đã viết trên tờ Le Courrier Saigonnais rằng, nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới thì chắc chắn sẽ có thứ hạng cao! Các tay phong lưu người Pháp cũng đánh hơi được điều đó, chính thức mời cô Ba ký hợp đồng để bay sang Pháp, giới thiệu với mọi người bên kinh đô ánh sáng, rồi sau đó sẽ tạo điều kiện cho cô Ba tham dự kỳ thi hoa hậu thế giới sắp được tổ chức! Nghe nói gia đình cô Ba đã không đồng ý, có lẽ vì sợ mất con vào tay mấy lão Tây háo sắc. Mà bản thân cô Ba cũng phản đối, bởi cô cho rằng mình dự thi "hoa hậu" là để cho vui, để mọi người ngoại quốc biết là người Việt Nam cũng không thua kém ai, còn chuyện đi đua tài với năm châu, thì cô chưa nghĩ tới. Cô cũng cho rằng mỗi dân tộc có cái đẹp khác nhau, do đó đem ra so tài thì sẽ không chuẩn xác. Thật là một ý nghĩ khá tiến bộ! Về thân thế cô Ba, người ta chỉ được biết vắn tắt: Cô là con gái thứ của một viên quan nhỏ người Việt giúp việc cho chính quyền bảo hộ, được gọi là thầy Thông Chánh. Cô là người con gái đẹp không ai bì kịp, như lời mô tả của cố học giả Vương Hồng Sển trong quyển sách của ông: "Đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép (Bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: Xà bông cô Ba" (trích Saigon năm xưa).. Cô Ba Trà Không biết có phải ngẫu nhiên hay chăng, người đẹp thứ hai trong "tứ đại mỹ nhân" lại cũng thứ ba, gọi là cô Ba Trà. Vào khoảng 1923 - 1935, hầu hết dân chơi Sài Gòn đều nghe danh, biết mặt một người đẹp bậc nhất thời ấy, đó là cô Ba Trà. Thuở xưa, dân Sài Gòn thích gọi ai đó bằng thứ tên tộc, chứ ít khi gọi "Thu Hồng, Diễm Châu" như sau này. Danh xưng cô Ba Trà hầu như nằm lòng các vương tôn công tử thời đó, mà điển hình nhất là các chàng công tử Bạc Liêu, Mỹ Tho (Hắc công tử, Bạch Công tử). Ngoài ra, những người đeo bám theo sau cô Ba Trà còn có các quan chức Pháp, các tay quan chức người Việt nhiều tiền của và thế lực, trong số này nổi trội trên hết có Còm-mi Kính, một tay chơi có cỡ, từng mê và được cô Ba Trà mê lại. Họ thường đi đôi khắp những nơi ăn chơi, những chốn phồn hoa đô hội. Nói về sắc đẹp của cô Ba Trà, một tờ báo thời ấy đã mô ta như sau: "Mỗi cái nheo mắt của cô Ba thì hầu như tay chơi nào cũng cảm thấy tay chân rụng rời, mỗi khi cô cười, thì y như rằng rượu rót tràn, tiền tuồn ra.. Người ta đã không tiếc tiền của, kể cả nhà cửa, ruộng vườn và cả sinh mạng của mình nữa, để chỉ được kề cận bên người đẹp, nhìn người đẹp nheo mắt, nuốt lấy nụ cười như hoa nở của nàng.." Năm 1930, lúc kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng, vậy mà nghe nói chiều nào cô Ba Trà cũng được các vương tôn công tử chở trên xe Delage mui trần, đi dạo phố Catinat, Bonard (Đồng Khởi và Lê Lợi ngày nay) để khoe sắc, khoe hương, để lòe thiên hạ. Những người cao tuổi từng sống ở Sài Gòn thời ấy kể lại rằng, mỗi lần xe họ lượn qua như vậy, thì ở phía sau có vài chục chiếc xe kéo (một dạng xích lô do người kéo phía trước, thay vì ngồi đạp như bây giờ) chạy theo như một cuộc diễu hành! Gặp bữa nào cô Ba Trà đi với Hắc hay Bạch công tử thì coi như cánh kéo xe "ủng hộ viên" được trúng mánh, các công tử sẽ vứt xuống cho mỗi người vài cắc bạc (một cắc bạc thời ấy cũng đủ một bữa chợ). Cô Tư Nhị Cùng thời với cô Ba Trà còn có cô Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời.. Nếu so về nhan sắc thì khó nói ai hơn ai. Nếu cô Ba Trà quá nổi tiếng trong giới vương tôn, công tử, thì trái lại, cô Tư Nhị lại nổi tiếng hơn trong giới văn nhân, nghệ sĩ. Cô xuất thân "trường Đầm", có bằng diplôme và khi ra đời đã được những nhân vật có tầm cỡ trong giới báo chí thuở ấy săn đón và mời mọc tập tành viết báo. Tuy cô viết không giỏi, nhưng cũng được kể là người "biết viết lách", nên rất dễ được nể nang, mời mọc hết tiệc này đến lễ lộc nọ. Nghe nói cô có dòng họ với Lê Phát Thanh, một triệu phú thời đầu thế kỷ XX tại Sài Gòn, thừa hưởng cái gien nhan sắc của nhà họ Lê này, nên nhan sắc của cô được ví với cô con gái rượu Phát Thanh thời trước. Lê Phát Thanh làm giàu lớn ở Sài Gòn vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những năm đó, toàn quyền Paul Doumer đã làm cho sự nghiệp Thanh thêm vững. Qua giới thiệu, mai mối của Doumer, Lê Phát Thanh đã gả cô con gái rượu cực kỳ xinh đẹp cho một nhà báo Pháp tên là Julien Delpit. Về sau, do tiêu pha phung phí nên Delpit phá tán gần hết tiền bạc của bố vợ, đến nỗi vợ chồng phải dắt díu nhau trốn qua Lào để sinh cơ lập nghiệp.. Cô Tư Nhị nhờ quen biết nhiều văn nhân, chính trị gia, nên được họ đưa lên một vị trí đặc biệt hơn cô Ba Trà. Người ta đồn rằng Tư Nhị có thời đã là nhân tình của viên Toàn quyền Pháp. Về sau (khoảng năm 1940) nghe nói cô này chết trong nghèo túng ở một xóm nhỏ thuộc quận 5. Cô Sáu Hương Chỉ sau Ba Trà, Tư Nhị vài năm thì Sáu Hương nổi lên. Cô này được dân phong lưu thời đó tả lại: "Đẹp như Tây Thi! Cô có nước da trắng ngần, đôi mắt lá liễu sáng ngời, bờ môi mọng lúc nào cũng ươn ướt và luôn mỉm cười..". Sáu Hương cũng là người có học, xuất thân trường Áo Tím (Nguyễn thị Minh Khai ngày nay) và có thời được tôn là "hoa khôi trường Áo Tím". Vào đời, cô may mắn quen biết với một Pháp kiều già, vốn là quản lý cho nhà hàng Continental nổi tiếng, và được giúp đỡ vốn liếng. Có một giai thoại kể lại rằng, lúc mới quen Sáu Hương, quá mê nhan sắc của cô, nên lão Pháp kiều đã mạnh dạn hứa hẹn sẽ nhượng nhà hàng Continental cho cô Sáu! Thời ấy, nhà hàng Continental là một trong hai nhà hàng khách sạn bậc nhất của Sài Gòn (cái kia là Majestic), nên trước việc lão Tây buông ra lời hứa như thế, chẳng ít người đã cười vào mũi lão ta, cho là nói phét, nhưng lão Tây già đã quả quyết: "Các người không nhớ là ngày trước, khi công tước Duc de Montpensier mới sang Sài Gòn, ông cũng mời bà công tước Comtesse de B, đến ăn và hứa với bà rằng ông sẽ mua tặng bà nhà hàng Continental đó, đã mấy ai nghĩ là sự thật? Vậy mà chỉ một năm sau, ông ta đã làm được chuyện ấy.." Lời hứa của lão Pháp già chưa được thực hiện, không phải vì lão không có tiền, mà do lão chết đột ngột! Từ đó, cô Sáu Hương chẳng cần đến cái nhà hàng Continental mà cũng giàu và nổi tiếng. Bởi vì cô quá đẹp. Đẹp đến nỗi hầu hết những tay chơi, những triệu phú đều mê say, đeo bám như đỉa chung quanh cô. Họ thi nhau cung phụng cho người đẹp không thiếu một thứ gì, từ nhà lầu, xe hơi, cho đến những trương mục trong ngân hàng. Người ta đồn rằng, trong số những mỹ nhân thời đó, chỉ có Sáu Hương là giàu nhất! Tuy vậy, cô chỉ vang danh khoảng mười năm, rồi sau đó rút vào im lặng.. Chừng như cô biết dừng lại đúng lúc, trước khi nhan sắc tàn phai. Có người nói về sau cô Sáu Hương sống sung túc với người thân ở ngôi biệt thự vùng Bà Chiểu..
III-2: Cuộc thi tuyển hoa hậu đầu tiên tại Sài Gòn Bấm để xem Trong bài tứ đại mỹ nhân Sài Gòn, chúng tôi có nhắc đến cô Ba (biểu tượng xà bông Cô Ba), mỹ nhân được xem là hoa khôi chính thức đầu tiên của Sài Gòn. Tuy nhiên, cuộc thi tuyển hoa hậu đầu tiên tại Sài Gòn đã ra đời từ năm 1864.. Vào năm 1863, số người Pháp lưu trú tại Sài Gòn chưa tới 600, trong đó nữ chỉ chiếm một phần tư. Tình trạng "thừa nam thiếu nữ" như vậy dễ dẫn đến sự chểnh mang công việc của các Pháp kiều nam. Từ đó, ý định tổ chức các hình thức vui chơi, giải trí cho kiều dân nảy sinh. Thời điểm ấy, Sài Gòn chỉ có một rạp hát tạm trong ngôi nhà xây bằng gỗ của Thủy sư Đề đốc Bonard tại Place de l'Horloge (quảng trường đồng hồ), nơi này về sau chính là Vương cung thánh đường (nhà thờ Đức Bà ngày nay). Một sĩ quan cấp tá trong lực lượng hải quân Pháp nảy ra sáng kiến: Tại sao không tổ chức một cuộc tuyển lựa người đẹp trong giới Pháp kiều tại Sài Gòn? Viên thiếu tá ấy đem ý tưởng của mình trình với cấp trên và đem thỉnh ý Đề đốc Bonard. Thấy lạ, Bonard duyệt ngay. Tuy nhiên, khi phổ biến tin đó trong các cuộc họp mặt cuối tuần, nhiều Pháp kiều không đồng tình vì tổng số nữ Pháp kiều chưa tới 150 người, như vậy tìm đâu ra hoa khôi thật sự? Cuối cùng, "ý tưởng lạ" đó đã phải tạm gác lại. Nhưng viên thiếu tá hải quân vẫn chưa chịu thua. Ông được một người bạn gợi ý tiếp xúc với mấy người Hoa chuyên kinh doanh hàng hải để bàn tiếp kế hoạch tổ chức. Kể từ khi người Pháp đặt chân đến Sài Gòn (1859), trước khi họ tổ chức được các dịch vụ giải trí, chính nhóm người Hoa đã giúp họ rước các vũ công, gái điếm từ Singapore sang để giúp vui. Vào tháng 12 năm 1864, kế hoạch tổ chức cuộc thi tuyển lựa "hoa khôi Sài Gòn" được chính thức thông qua với một số quy định chính: - Con gái tuổi từ 18-20. - Chưa chồng. - Con của các viên chức làm việc cho nhà nước bảo hộ. - Thi ba phần trang phục: Áo đầm, áo dài Việt Nam và.. áo tắm. Chính cái khoản thứ ba của phần thi trang phục đó đã gây trở ngại lớn. Dư luận lên tiếng phản đối mạnh làm ban tổ chức phải chùn bước. Cuối cùng, một Hoa thương đưa ý kiến: Nên mời 20 cô gái Hoa cư ngụ ở Singapore sang làm nòng cốt cho cuộc thi, chấm cho họ đậu rồi công bố là con em của người Minh Hương tại Chợ Lớn. Xem ra cũng tạm ổn nên cuộc thi vẫn được tiến hành. Thời ấy chưa có các phương tiện truyền thông rộng rãi, nên nội dung cuộc thi chỉ được phổ biến trong giới Pháp kiều, Hoa kiều và một ít nơi công cộng trong thành phố. Dân địa phương không mặn mà lắm với cuộc thi quá lạ lẫm này, nên chỉ liếc qua các áp-phích quảng cáo rồi thôi.. Đúng ngày Giáng sinh năm 1864, cuộc thi "Hoa khôi Sài Gòn" bắt đầu tại quảng trường Đồng hồ. Tham dự cuộc thi gồm có 20 cô gái Hoa được đưa từ Singapore sang, 10 cô là con em của giới Hoa kiều tại Chợ Lớn. Kết quả: Hoa khôi là một cô gái Singapore, á khôi là con của một phú thương Hoa kiều tên W. Venchee. Kết quả thi chẳng có một tiếng vang nào, ngoại trừ tin tức được đăng trên một tờ báo Hoa ngữ tại Singapore. Người Pháp cũng không dám nhắc nhiều tới cuộc thi đó bởi họ sợ sự phê phán của người Sài Gòn. Song họ cũng không thể ngăn được. Một nhóm công chức người Việt Nam làm việc cho Pháp đã "nóng mũi", bàn với nhau trả đũa bằng cách tổ chức một cuộc thi chọn hoa khôi Sài Gòn thực sự. Trở ngại lớn nhất đối với họ lúc đó là không có quyền và phương tiện để tiến hành cuộc thi. May sao, một viên phó tham biện người Việt, vốn trước đó có du học bên Pháp, biết rành việc tổ chức thi hoa hậu, lại quen với vài quan chức ở Phủ Toàn quyền, nên đứng ra nhận nhiệm vụ môi giới. Người Pháp cũng muốn xoa dịu dân địa phương nên đã chấp thuận cho tổ chức một cuộc thi tuyển hoa khôi trong giới người Việt. Nhưng trong ban tổ chức đã có đến hơn phân nửa là các quan chức Pháp. Cuộc thi được quảng cáo khá rộng rãi trong các giới sinh sống tại Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vài tỉnh lân cận. Có gần 100 cô gái ghi tên dự thi. Trong điều lệ chỉ cho phép trình diễn một loại trang phục là áo dài Việt Nam. Kết quả là cô Ba, con gái của một thầy Thông Chánh, một quan chức người Việt phục vụ trong Chính phủ bảo hộ, đã trở thành hoa khôi. Chính người Pháp cũng phải ngưỡng mộ nhan sắc của tân hoa khôi. Họ xin chụp ảnh để gửi về đăng báo ở Pháp. Họ đề nghị cô Ba chụp ảnh với đồ tắm, nhưng đã bị cô cực lực phản đối. Họ lại chiêu dụ cô, mời cô tham gia cuộc thi hoa hậu toàn khối liên hiệp Pháp. Cô Ba đã không choáng ngợp trước ánh sáng phù hoa nên từ chối tất cả các đề nghị, kể cả những lời mời tham dự tiệc. Việc này đã làm các quan trên phật ý. Nhưng dù sao, người Pháp cũng hiểu rằng hoa khôi Sài Gòn làm như thế là đúng, bởi cô là người phụ nữ Việt Nam thuần túy, không dễ bị ảnh hưởng của văn minh phương tây. Họ phải tôn vinh cô bằng cách cho vẽ chân dung, in lên tem thư, gọi là Mademoiselle Ba (cô Ba). Vào năm 1868, khi người Pháp khởi công xây dựng nhà hát lớn ở phía trước Bồn Kèn (nhà hát thành phố ngày nay), vài người đã có ý định sẽ tổ chức cuộc thi mới để chọn người kế vị cô Ba. Song, trong lễ khai trương nhà hát vào năm 1900, cuộc thi hoa hậu này vẫn chưa được tổ chức. Khi đó, cô Ba đã trên 30 tuổi, sắc đẹp vẫn mặn mà, được mời làm khách danh dự. Người Sài Gòn xưa còn truyền khẩu rằng: Vào năm 1888, nhân lễ đón rước vua Cao Miên là Norodom, cô Ba dã được cử ra để dâng hoa, làm vua Miên ngây người trước sắc đẹp lạ thường. Nghe nói, về sau, hoa khôi Sài Gòn - cô Ba đã sánh duyên với một người Việt bình thường, sống một cuộc sống rất bình dị như tất cả mọi người, không bon chen, không bị Âu hóa.
III-3: Người đẹp của "Hòn ngọc Viễn Đông" Bấm để xem "Mốt Sài Gòn - Sài Gòn mốt" là cách nói để chỉ một phong cách ăn mặc hiện đại và tao nhã của người Sài Gòn vốn đã có truyền thống từ rất lâu. Tản mạn về cách ăn mặc, chúng tôi ghi lại đôi nét tiêu biểu của những người đẹp và đời sống thời trang ở vùng đất phương Nam. Đến thời trang "Hòn ngọc Viễn Đông" Sau thế hệ "cô Ba", giới trẻ Sài Gòn bước vào giai đoạn Tây phương hóa. Đó là thời kỳ những năm 1920 - 1945. Cùng với Hà Nội, vùng đất Sài Gòn - Gia Định là nơi quy tụ nhiều và đang hội nhập vào những trào lưu mới của châu Âu. Sài Gòn được khách nước ngoài đặt cho mỹ danh "Hòn ngọc Viễn Đông", bởi sự phát triển văn minh đô thị thì ít, mà chính là nét đẹp của phụ nữ Sài Gòn ăn chơi hào hoa phong nhã. Thời của những Sáu Ngọ, công tử Bạc Liêu, công tử Mỹ tho, (Hắc, Bạch công tử), cũng là thời của những mỹ nhân vang danh như cô Ba Trà, cô Tư Nhị, cô Sáu Hương. Đương thời người Pháp đã đem văn minh phương Tây vào Sài Gòn với nhiều loại hình, trong đó có mốt. Thời trang Tây lúc ấy phổ biến vẫn là robe, jupe.. đặc biệt là robe dài, cổ hở rất sâu. "Dân chơi" của Sài Gòn có một số chạy theo, nhưng đa số tỏ ra dị ứng. Bởi đạo đức Á Đông không cho phép họ nhắm mắt chạy theo thời trang lai căng. Do vậy chiếc áo dài vẫn là thứ quốc phục truyền thống được ưa chuộng và tôn vinh. Những mỹ nhân nổi tiếng, dù có điều kiện mặc đầm và chạy theo mốt phương Tây, nhưng hầu như hình ảnh tiêu biểu của họ vẫn là trang phục áo dài. Thời gian trước và sau thế chiến thứ nhất (1914-1918), thời trang phổ biến của phụ nữ Sài Gòn (và chung cả Nam Bộ) là áo dài cắt may theo phong cách hoàng tộc Huế. Từ năm 1930, cách ăn mặc đã chịu ảnh hưởng Hà Nội. Những năm 1930 -1945 là thời kỳ hoàng kim của áo dài "tay ráp", "tay phùng", đặc biệt là kiểu Le Mur (của Cát Tường). Các giai nhân thường cặp với Hắc, Bạch công tử như cô Ba Trà, Tư Nhị.. luôn luôn nổi bật trong áo dài lụa, gấm. Má đánh phấn hồng, môi đỏ son, tóc "tăng-gô" thả đuôi gà. Có hai loại "ăn diện". Gái khuê các, con nhà trâm anh thì áo dài kín đáo, trang điểm như vừa kể, chân mang hài nhung. Con gái "mới" thì đã biết đi giày cao gót, nhất là trong những lễ hội có khiêu vũ. Thời ấy, mốt sơn móng tay chưa phổ biến, nhưng các cô "tân thời" đã biết tỉa lông mày. Kiểu lông mày lá liễu (mỏng như lá liễu, vòng nguyệt) là thú "thời thượng" kéo dài trên 40 năm, và vẫn còn hợp thời cho đến thập niên 60. Đến cuối những năm 60, phụ nữ Sài Gòn mới chuộng cách kẻ lông mày đậm bằng bút chì sáp. Có thể nói, qua một chặng đường dài với nhiều thay đổi cách tân, trang phục của phụ nữ Sài Gòn vẫn là chiếc áo dài. Và nhìn lại thời trang của Sài Gòn xưa vẫn còn đọng lại ít nhiều đến ngày nay. Chiếc áo dài truyền thống đã sống qua nhiều thế kỷ với các cô gái Bến Nghé - Sài Gòn, và sẽ vẫn còn lâu dài nữa..
Phần IV: Những tản mạn về Sài Gòn xưa - 1: Chuyện phiếm về ba cái "Long mạch" của Sài Gòn Bấm để xem Long mạch - mạch rồng - thuộc khoa địa lý học Đông phương, được truyền tụng và phát triển mạnh ở Trung Hoa từ thời xa xưa. Ở ta, các truyền thuyết về long mạch phần nhiều đượm tính hoang đường, song vẫn còn nhiều người tin và từ đó nổi lên chuyện tìm long mạch của Sài Gòn từ hơn 300 năm trước cho đến thời cận đại.. Long mạch của Wang Tai Năm 1859, người Pháp chiếm Sài Gòn và bắt đầu xây dựng thành phố. Họ vẽ họa đồ đường nội ô và các công trình trọng điểm, đến năm 1868 giao cho một nhân vật người Hoa đứng ra thầu xây dựng: Ông Wang Tai, còn có tên phiên âm khác là Zhang Hongtai - âm Hán Việt: Trương Hoàng Phái. Trương Hoàng Phái còn có tên khác là Zhang Peilin (Trương Phát Lâm), vốn là người tỉnh Quảng Đông (Trung Hoa) chạy nạn Mãn Thanh sang Việt Nam trước năm 1850 và lập nghiệp tại vùng đất Bến Nghé. Sở dĩ người Pháp tin tưởng Wang Tai là do họ thấy tòa nhà của ông này xây dựng tọa lạc tại ngã ba sông Bến Nghé và rạch cầu Sâu (đầu con rạch này thuở ấy có hầm nhốt cá sấu để xẻ thịt bán như thịt bò, thịt lợn). Đó là tòa nhà ba tầng theo lối Singapore, Wang Tai đã xây dựng từ trước khi người Pháp tới. Thời ấy, đây là tòa nhà lớn, sang trọng và bề thế số một của Sài Gòn (về vị trí tòa dinh thự này, ngày nay bạn có thể nhận ra: Đó là chỗ trụ sở Hải quan TP Hồ Chí Minh, con rạch cầu Sấu giờ đã biến thành đại lộ Nguyễn Huệ). Ngoài danh tiếng của người giàu nhất nhì Sài Gòn - Bến Nghé thời ấy, Wang Tai còn là nhà thầu xây dựng có học nghề từ Singapore (Wang Tai còn kinh doanh nhiều ngành khác như vật liệu xây dựng, chủ rạp hát). Theo tài liệu xưa còn lưu lại thì Wang Tai đã tham gia xây dựng bưu điện Sài Gòn, nhà thờ Đức Bà và tòa nhà Tổng ngân khố (kho bạc hiện còn tồn tại trên đường Nguyễn Huệ). Năm 1868, trong khi chờ xây cất trụ sở, Hội đồng thị xã Sài Gòn đã đặt vấn đề mua lại tòa nhà nổi trên của Wang Tai với giá khá cao, nhưng ông này nhất quyết không bán. Một thương nhân người Hoa dám cưỡng lại lệnh của chính quyền bảo hộ Pháp quả là chuyện lạ. Nhiều người lo ngại cho Wang Tai, nhưng ông vẫn giữ được ý định và chỉ bằng lòng cho thuê một phần nhà để Hội đồng thị xã (Xã Tây) làm việc tạm. Lý do của vụ này khá bí ẩn, mãi về sau mới được tiết lộ: Wang Tai không thể bán ngôi nhà đó, bởi vì nó được xây trên long mạch! Thì ra, khi từ Quảng Đông di cư sang Bến Nghé, chạy từ đầu rạch cầu Sâu dọc theo bờ sông đến quá chỗ mà sau này Pháp cho dựng lên cột cờ Thủ Ngữ, được gọi là "Long Địa" (đất rồng). Lập nghiệp nơi đó sẽ phát to. Đặc biệt là khu đất nằm ở ngay góc bờ sông, Bến Nghé với rạch cầu Sấu cực tốt, nó chính là long mạch (vị trí hiện nay: Bến Bạch Đằng - Nguyễn Huệ) ! Wang Tai đã cho xây ngay bờ sông cách rạch Cầu Sấu 200m (cạnh cột cờ Thủ Ngữ sau này) rạp hát Quảng Đông, còn tòa nhà đúng long mạch thì có tên Tây là Hotel Wang Tai. Vô tình, Wang Tai làm ăn càng ngày càng phát đạt lên nên ông càng tin tưởng vào thế đất được thầy địa lý chỉ. Người Pháp rất "cay" vụ Wang Tai không nhượng nhà. Họ cố tìm mọi cách để ép ông, nhưng vẫn không lay chuyển được. Cuối cùng họ phải hạ độc thủ: Cuối năm 1879, Pháp vu cho Wang Tai tội phải liên đới chịu trách nhiệm về vụ một số người Hoa trong bang hội Quảng Đông dính líu tới tổ chức bị cấm Thiên Địa hội. Trước sức ép quá nặng của Pháp, năm 1880 Wang Tai đành phải nhượng lại Hotel Wang Tai. Người Pháp lập tức cho lấp con rạch cầu Sấu, biến thành Boulevard Churner (đại lộ Nguyễn Huệ sau này) và san bằng ngôi nhà ba tầng đồ sộ! Long mạch của Quách Đàm Thông Hiệp Quách Đàm cũng là một Hoa kiều, người đã làm giàu từ hai bàn tay trắng, với đôi quang gánh mua ve chai. Ông này khi bắt đầu có tiền đã nhờ thầy địa lý chỉ cho nơi có long mạch để xây nhà. Nơi đó chính là rạch Chợ Lớn (nằm ở khu vực đường Châu văn Liêm và Hải Thượng Lãn Ông ngày nay), xưa có ngã ba sông. Trọn đoạn đường từ cầu Chà Và chạy dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông tới bến xe Chợ Lớn và một nhánh rẽ chạy thẳng từ trước Bưu điện quận 5 theo dọc đường Châu văn Liêm hiện nay tạo thành một đoạn sông ba nhánh mà thầy địa lý gọi là Lưu hà phi long (nước chảy như rồng bay), về sau, khi nghe tin chính quyền thành phố có ý định lấp hai nhánh sông để mở đường bộ, ông Quách Đàm đã phản đối quyết liệt, thậm chí đã phải xây tặng Nhà nước bảo hộ ngôi chợ Bình Tây để đổi, nhưng cũng không giữ được cái long mạch trước nhà. Nghe nói do long mạch bị tắc, nên chỉ mười năm sau, tỷ phú Quách Đàm đã thân bại danh liệt, tài sản bị khánh kiệt.. Long mạch của Nguyễn văn Thiệu Tưởng đâu chuyện long mạch đã chết theo Wang Tai và Quách Đàm, nào ngờ nó vẫn còn đó cho đến tận thập niên 60. Thời Nguyễn văn Thiệu lên làm Tổng thống ngụy Sài Gòn, việc đầu tiên ông ta làm là nhờ thầy địa lý (rước từ Đài Loan sang) xem lại "thế đất" của "Phủ đầu rồng" (từ ngữ trên báo chí Sài Gòn gọi Phủ Tổng thống ngụy tức Dinh Độc Lập, ngày nay là Dinh Thống Nhất). Chẳng biết thầy địa lý nói sao với đại tá Y (viên sĩ quan này là chuyên gia về chiêm tinh đẩu số riêng cho Thiệu) mà ngay sau đó, Thiệu sai Y đứng ra trông coi xây dựng một kỳ đài ở chỗ Hồ Con Rùa ngày nay. Về danh nghĩa thì đó là Công trường quốc tế nhằm lập bia (con rùa đội bia) ghi công các quốc gia đã đóng góp giúp cho chế độ Việt Nam cộng hòa. Nhưng kỳ thực, tấm bia cao gần 20 m nằm trên lưng con rùa, phía trên cũng có hình bông hoa đang nở, chính là.. cái đuôi con rồng! Tại sao là đuôi rồng? Chính viên đại tá Y sau đó đã thú nhận: Thiệu rất tin dị đoan, ông ta nghe lời thầy địa lý Đài Loan nói rằng "Thủ đầu rồng" nằm trên một long mạch ngầm, mà đuôi chính là chỗ Công trường Quốc tế (hồ Con Rùa). Chỗ ấy ngay từ ngày người Pháp xây Dinh Norodom (tiền thân của Dinh Độc Lập), họ đã cho dựng một tháp nước (Chateau d'eau de Saigon). Đến năm 1921, tháp bị phá bỏ.. Sự phá bỏ tháp đồng nghĩa với chặt đứt cái đuôi (mạch) rồng. Do vậy, bằng mọi giá phải lắp lại cái đuôi cho nó (cái đuôi xòe trên lưng con rùa ở hồ Con Rùa), cũng có nghĩa là thêm cái đuôi cho đầu rồng (ám chỉ chế độ Thiệu), giúp cho nó vẫy vùng. Vẫy vùng đâu không thấy, chỉ thấy từ ngày khánh thành cái "đuôi rồng" ấy, chế độ Thiệu càng bị lung lay (nội bộ xâu xé nhau, nhân dân vùng tạm chiếm nổi lên chống đối mạnh) và trước những đòn tấn công như bão táp của lực lượng cách mạng, phải sụp đổ vào tháng 4 năm 1975!
IV-2: Võ Tòng đả hổ giữa Sài Gòn Bấm để xem Cách nay hơn 200 năm, Sài Gòn là vùng đất hoang sơ. Năm ấy cũng là một năm Dần (Tân Dần - 1771), vào lúc nửa đêm, tại làng Tân Kiêng (nay là khu Chợ Quán, thuộc Q. 5 - TP Hồ Chí Minh) bỗng nổi lên tiếng trống chiêng inh ỏi, với tiếng la thất thanh của lương dân bảo động: "Hổ về! Hổ về!". Đó là một "ông Hổ" thật, to lớn, hung dữ, đang đói khát tìm mồi.. Và đó không phải là lần đầu, mà như một thói quen, thỉnh thoảng hổ lại mò về quậy phá con người giữa chốn đô thành.. Chung quanh ngôi đình Tân Kiểng, Chợ Quán ngày trước là rừng, với kênh rạch chằng chịt, nguyên có tên là làng Tân Cảnh, nhưng do kỵ húy tên của Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) nên phải gọi trại ra là Tân Kiểng (địa danh bến đò Long Kiểng và vài nơi khác ở Sài Gòn có chữ Cảnh đều phải đổi ra như vậy). Trước khi Nguyễn Ánh bị anh em nhà Tây Sơn đánh đuổi chạy vào Nam, tới đóng đô ở Gia Định (Sài Gòn ngày nay) vào năm 1772, thì một năm trước đó, ngay tại làng Tân Kiểng này đã xảy ra một cuộc thư hùng có một không hai, giữa hai nhà sư và con mãnh hổ từng gây khiếp đảm nhiều người. Thuở ấy, nói chung toàn vùng Sài Gòn còn rất hoang vu. Khu làng Tân Kiểng nằm giáp ranh giữa Bến Nghé và Đề Ngạn (Chợ Lớn), nên có phần đông đúc dân cư hơn, nhưng chung quanh còn nhiều rừng cây, sông ngòi chằng chịt, nên cứ đêm đến là dân làng ai về nhà nấy, cửa đóng then cài. Vào một đêm tối trời cuối tháng Chạp, một phụ nữ làm nghề vựa lá lợp nhà, dậy sớm để nấu cơm cho chồng mang theo ghe đi chở lá, sau khi tiễn chồng ra bến xong, chị ta quay lên gian nhà nhỏ của mình ở đầu chợ Tân Kiểng. Bỗng chị đứng khựng lại, mồm há to định hét lên mà chẳng phát nên lời. Trước mặt chị lù lù một "ông ba mươi" đang chiếu cặp mắt như hai hòn lửa đỏ về phía chị! Con mãnh thú mỗi lúc càng tiến đến gần hơn. Vừa lúc ấy có một nhóm người xách đèn đi chợ sớm, họ vừa đi vừa nói chuyện làm kinh động, nên con mãnh hổ hơi chùn bước. Song, do quá sợ khi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, đám đông thay vì hô to cho hổ sợ thì lại ù té chạy. Hổ phóng tới và loáng cái đã mất dạng trong đám cành lá rậm rạp. Nó đã kịp vồ và mang theo người đàn bà xấu số kia vào rừng. Câu chuyện hổ vồ người giữa xóm dân cư làm kinh động cả vùng, chẳng những về đêm, mà ngay cả ban ngày, hầu như ai nấy đều nơm nớp lo sợ, chỉ đi thành đoàn, ít khi dám đi một mình. Làng xã cũng sợ hãi không kém, họ tổ chức những toán tráng đinh đi tuần đêm với mõ chiêng, cứ nghe động tịnh hơi cọp là đánh chiêng trống lên inh ỏi. Vậy mà nào có ngăn được tai họa. Vào tháng Giêng năm ấy, cũng tại địa điểm họp chợ, hổ lại về hai đêm liền, suýt nữa sát hại thêm nhân mạng. Phủ, huyện đã có thông báo treo giải thưởng khá lớn cho ai diệt trừ hổ dữ, nhưng đã qua nhiều tháng vẫn chẳng ai dám ra tay. Vào cuối tháng 4, lại xảy ra một tai nạn thảm khốc nữa. Lần này, hổ táo tợn hơn, đã xông thẳng vào một nhà ở phía nam chợ Tân Kiểng và vồ hai đứa trẻ đang nằm ngủ trên giường. Nỗi khiếp hãi đã lên tới tột cùng! Người dân ở chợ Tân Kiểng đã bắt đầu tính đến việc bỏ nhà đi lánh nạn. Đúng lúc đó có một nhà sư chùa Kim Tiên (chùa nằm ở bên kia cánh đồng bìa làng Tân Kiểng) xuất hiện và xin diệt hổ. Đó là sư Tăng Ân, không phải người địa phương, mà cư ngụ ở một ngôi chùa vùng Cần Giuộc đến tạm cư ở chùa Kim Tiên để bốc thuốc trị bệnh cho bá tánh. Ông xưa nay chỉ chuyên nghề thuốc, chưa tỏ rõ nghề võ, nên khi nghe ông xin đả hổ, mọi người đều không tin tưởng, lại có phần lo ngại. Họ khuyên nhà sư không nên liều lĩnh, song ông vẫn quyết tâm chuẩn bị đón hổ dữ. Theo lệ thường, cứ vào canh ba thì hổ từ cánh rừng bên cạnh mò ra chợ. Đêm đó cũng thế, nó nhanh như chớp, thoắt cái đã nhảy từ bờ mương cạn qua trước khu nhà vựa lá. Nơi đó có một "con mồi" đang nằm trùm chăn ngủ say. Hổ nhẹ nhàng bước tới, mắt long lên, móng vuốt vươn ra chuẩn bị hành động. Chợt.. vút một cái, cả khối đen đang trùm chăn lao bắn về phía trước với sức mạnh tối đa. Bị bất ngờ, hổ ta vươn vuốt chụp vào vật đang tấn công nó. Nhưng đòn tấn công đó chỉ là đòn giả, khi đến gần, bóng đen lạng sang một bên, đồng thời tung ra một đòn cầm nã thủ cực kỳ dũng mãnh. Đòn vừa ra đó đã trúng ngay đích, xé toạc một mảng da ở cổ con hổ dữ, làm cho nó kêu rông lên đau đớn. Càng đau, hổ càng hung tợn, lồng lên phản công ác liệt. Cuộc tử chiến chỉ chấm dứt sau khi có thêm một người nữa xuất hiện tiếp tay. Hổ bị hạ tại chỗ. Mọi người vui mừng vây quanh hai con người tài ba đó. Thì ra, một là nhà sư Tăng Ân, còn người kia chính là Trí Năng, đồ đệ của ông. Cả hai vừa cho dân làng mục kích một trình độ võ công ít ai ngờ được. Những chiêu thức đúng là võ thuật Thiếu Lâm tự. Tuy nhiên, chính sư Tăng Ân đã tiết lộ, võ công của ông và đồ đệ chính là võ Việt do ông đã dày công nghiên cứu và luyện thành. Từ hôm đó, chẳng riêng vùng Tân Kiểng, mà khắp Gia Định thành, ai cũng ca tụng nhà sư Tăng Ân đả hổ, họ ví ông tài nghệ siêu phàm như Võ Tòng trong truyện Thủy Hử đời Tống. Khi Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn vào Sài Gòn, đã đích thân đi tìm nhà sư, để cầu ông này giúp một tay. Tương truyền rằng sư Tăng Ân chỉ tiếp Nguyễn Ánh một lần, khéo léo từ chối lời mời, rồi sau đó tìm cách lánh mặt luôn, dù đã được hứa hẹn nhiều điều lợi lộc. Ngày trước, Sài Gòn chưa có hệ thống cống thoát nước, nhưng dưới nền chùa Kim Tiên đã có một đường hầm lớn, nối từ đó qua tận chùa Gia Điền ở Bàu Sen (thời đó, vùng bệnh viện Chợ Quán - Tân Kiểng nằm giữa một cánh đồng, một phía giáp với rừng cây, còn phía bên kia thì giáp với khu đầm lầy gọi là Bàu Sen, nơi ấy vẫn còn lưu lại địa danh đến ngày nay, tức khu vực Bàu Sen ở đoạn Nguyễn Trãi - Trần Bình Trọng và An Dương Vương, thuộc Q. 5 - TH). Nghe nói, do không muốn hợp tác với Nguyễn Ánh, nhà sư Tăng Ân đã âm thầm đào địa đạo đó, để lánh mặt khi cần. Cũng có người nói rằng nhà sư có chân trong một hội kín gì đó. Sau thời hổ lộng hành ở làng Tân Kiểng nói trên, hơn 100 năm sau, tức vào thời người Pháp xâm chiếm Sài Gòn, phát triển, đô thị hóa rộng lớn, vậy mà các thú hoang vẫn còn nhiều ở các vùng phụ cận. Nhiều sách báo, cũng như lời kể trong dân gian về hổ xuất hiện thường xuyên ở Nhà Bè, Thủ Đức, Bình Chánh.. Nhưng đến lúc ấy, các tin tức đó không còn làm cho người dân hoang mang nữa, mà trái lại, nó gây hấp dẫn với một số người thích săn bắn. Vào đầu thế kỷ XX, Hoàng tử Henri d'Orleans của Pháp, Thái tử Đan Mạch Waldemar và Công tước de Montpensier là những khách săn bắn thường xuyên có mặt ở Sài Gòn để tìm bắn hổ, voi. Tuy nhiên, dù với súng săn tối tân, vũ trang tận răng, nhưng họ đã không lập được kỳ tích như nhà sư Tăng Ân.