Kỹ Năng Buông Bỏ - Leo Babauta

Discussion in 'Tổng Hợp' started by Hoài Dương, Jun 22, 2018.

  1. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 10: Đối mặt với sự mất mát
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Một trong những thứ khó đối diện nhất chính là sự mất mát, ví dụ như mất việc làm, mất nhà cửa, mất người thân.

    Tuy nhiên, ta cũng chịu ảnh hưởng bởi những mất mát nhỏ hơn hàng ngày, ví dụ như mất hợp đồng, mất sức khỏe tạm thời, mất đi viễn cảnh về thằng tôi thành đạt khi đang phải hứng chịu thất bại.

    Những mất mát dù lớn hay nhỏ đều khiến ta khổ. Sự đau khổ vì mất mát là một phần của cuộc sống, nhưng không nhất thiết phải tác động mạnh đến đời ta như ta nghĩ. Ta hay có thói quen kéo dài sự đau khổ một cách không hề đáng.

    Ví dụ:

    - Li cà phê tôi thích bị vỡ. Đây là một sự mất mát, và tôi thất rất buồn, dĩ nhiên. Tuy nhiên, lúc này tôi có thể buông bỏ và tiếp tục sống, khi đó nỗi đau vỡ li không ảnh hưởng gì lắm. Tuy nhiên, thói thường là tôi sẽ nổi điên với bất kì kẻ nào dám làm vỡ cái li yêu dấu của tôi, thậm chí cạch mặt họ một thời gian. Tôi sẽ tự hỏi: "Trời ơi, tại sao lại là cái li của mình?" Và bắt đầu khổ sở một thời gian, thầm mong cái li bỗng vẹn nguyên, lòng thì trách cứ cuộc đời bất công vô đối. Nỗi đau kéo dài hoàn toàn là do tôi, chứ không phải là vì cái li vỡ. Tôi cứ níu kéo cái viễn cảnh lí tưởng (tôi vẫn còn cái li lành), mà không chấp nhận thực tại là nó đã vỡ rồi.

    - Amir mất việc. Dĩ nhiên đây là một biến cố lớn, và dĩ nhiên đời anh sẽ không còn được như lúc trước. Mất việc là một cú đấm thẳng vào cái tôi, nên việc Amir đau khổ cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng ngay lúc này, anh có thể buông bỏ sự mất mát, chấp nhận thực tại mới (thất nghiệp), và tìm cách bước tiếp. Anh có thể tìm việc mới, tìm nơi ở mới rẻ hơn, bán bớt xe xịn và đi xe đạp... Hoặc anh có thể nổi điên lên vì mất việc, dằn vặt, đau khổ. Nỗi đau này tiếp tục ảnh hưởng đến những cuộc phỏng vấn trong tương lai, thậm chí khiến anh không có những quyết định sáng suốt nữa. Anh có thể bắt đầu cãi nhau với bạn gái vì cảm thấy phẫn uất.(1) Sự khổ sở này do Amir tạo ra, chứ không phải là do mất việc.

    (1)Ngay tại thời điểm viết dòng này, dịch giả vừa được nhóc bán quán cà phê thông báo là bị chôm nón bảo hiểm.

    - Tomas, chồng của Petra có người mới và đâm đơn li dị. Dĩ nhiên là Petra đau đớn và giận dữ vì bị phản bội, vì mất đi một người chồng, một người bạn tâm giao. Điều này hoàn toàn tự nhiên, và không có gì sai trái khi Petra cảm thấy đau khổ hay giận dữ. Thực tế là nhiều người chọn cách chối bỏ cảm xúc của mình thay vì chấp nhận, khiến mọi thứ tệ hơn nhiều. Tuy nhiên, sau phản ứng đầu tiên đó, Petra có thể chọn, hoặc buông bỏ cuộc sống trong quá khứ (một người phụ nữ có gia đình với anh chồng Tomas ở bên) và chấp nhận thực tại mới (một phụ nữ vừa li dị), sau đó tìm những hành động phù hợp, làm mới cuộc đời và bản thân. Cơ hội làm mới này đồng nghĩa với sự tự do. Hoặc là Petra có thể chìm đắm trong nỗi đau mất mát và nỗi tủi nhục khi bị phản bội. Petra có thể thầm ước cuộc đời mình khác đi, tự hỏi tại sao Tomas không yêu mình nữa, thầm theo dõi Facebook anh hàng ngày và ngồi rủa bạn gái mới của anh. Cô có thể cay đắng cả tháng trời, ăn để bớt buồn, bắt đầu thừa cân và mất đi sức khỏe, không còn muốn hẹn hò ai vì vẫn còn dính với Tomas. Cô bắt đầu chán ghét bản thân mình và nghĩ mình xấu xí. OK, những gì tôi mô tả có thể hơi quá đà, nhưng nhiều người vẫn hay chọn cách này và trải qua những trạng thái tương tự. Petra đã làm tổn thương chính mình khi không chịu buông bỏ.

    - Cha của Justin sắp mất vì bệnh ung thư. Dĩ nhiên Justin rất đau buồn, bởi vì anh phải đối mặt với nỗi đau mất cha trong vòng một năm nữa. Tuy nhiên, nỗi đau của anh có thể sẽ khiến cha anh càng khó vượt qua thời điểm khó khăn này hơn, bởi thay vì tập trung tìm cách giúp cha, anh lại tập trung vào nỗi đau của riêng mình. Thay vì tận hưởng những khoảnh khắc còn cha bên mình và chấp nhận thực tại, anh lại nghĩ đến những điều sẽ xảy đến trong tương lai, và không thể buông bỏ nỗi đau này. Lẽ ra anh đã có thể buông bỏ tương lai, cũng như những viễn cảnh mà anh mơ ước (cha anh không phải chết), và chấp nhận thực tại, chấp nhận nỗ đau của mình. Anh có thể chấp nhận rằng người cha đang dần mất đi sự sống này là người cha duy nhất anh có (anh không còn người cha khỏe mạnh trước kia nữa), và trân trọng ông trong hiện tại. Justin có thể nhìn thấu những nỗi đau mà cha anh đang phải trải qua, chấp nhận và thông cảm với ông. Justin có thể trân trọng từng phút giây anh có với cha, trân trọng sức khỏe của chính mình, trân trọng những gì cha đã cho anh trong suốt quãng đời mình.

    Tuy sự mất mát rất khó đối diện và cực kì đau khổ, nhưng dù sự mất mát ấy có lớn đến đâu, ta vẫn có thể tự mình kéo dài hay rút ngắn thời gian đau đớn phụ thuộc vào kĩ năng buông bỏ của chính mình.

    Ta có thể buông bỏ sự mất mát như thế nào? Đầu tiên chỉ cần chấp nhận cảm xúc hiện tại của bản thân. Buồn bực, đau đớn khi mất mát không có gì xấu cả. Tuy nhiên, sau quãng thời gian đau buồn ban đầu này, ta có thể nhìn nhận rằng mình đang bám víu lấy quá khứ cũng như các viễn cảnh phi thực tế trong tương lai, thay vì chấp nhận thực tại. Và chính sự bám víu này lại làm ta đau đớn.

    Nhìn thẳng vào nỗi đau sẽ giúp ta buông bỏ, bởi ta có lựa chọn: hoặc tiếp tục bám víu vào quá khứ và đau khổ, hoặc buông bỏ, chấp nhận thực tại và bớt buồn hơn.

    Sau đó, ta có thể tập trung chú ý vào thực tại và nhìn thấy mặt tích cực của cuộc sống. Hãy trân trọng những thứ ta có trước mắt và tìm kiếm cơ hội gầy dựng lại. Hãy tìm kiếm sự cảm thông cho chính mình và những người xung quanh đang phải chịu nỗi đau tương tự. Hãy chấp nhận cuộc sống mới, bởi đó là cuộc sống duy nhất ta đang có trong thời khắc này.

    Những điều đơn giản ấy chính là kĩ năng buông bỏ, và kĩ năng này sẽ giúp ta đối diện với bất kì mất mát nào.

    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  2. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 11: Phát triển kỹ năng buông bỏ
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Như vậy là ta đã thấy những lợi ích của việc buông bỏ. Giờ đây ta sẽ bắt đầu tìm hiểu cách thức buông bỏ. Những thứ tôi nói ở trên quá là tuyệt vời đi, nhưng làm thế nào ta có thể phát triển kĩ năng này? Không ai bỗng dưng biết buông bỏ cả.

    Dĩ nhiên, ta phải luyện tập.

    Để luyện tập một kĩ năng, ta nên phân chia kĩ năng lớn thành các kĩ năng nhỏ hơn, và tập trung nghiên cứu, luyện tập từng kĩ năng nhỏ trước khi kết hợp lại thành một kĩ năng lớn hoàn chỉnh.

    Ví dụ, một vũ công phải tập nhiều bước nhảy khác nhau trước khi kết hợp lại thành một động tác. Ở đây cũng vậy, ta sẽ phân kĩ năng buông bỏ thành những kĩ năng nhỏ và luyện tập từng cái một. Sau đó ta sẽ kết hợp hết lại thành kĩ năng buông bỏ hoàn chỉnh.

    Dưới đây là danh sách các kĩ năng nhỏ:

    1.Nhận biết dấu hiệu: Khi ta đang bám víu vào một thứ gì đó tiêu cực, sẽ luôn có những dấu hiệu nhỏ xuất hiện để cảnh báo, ví dụ như một cơn giận, hay sự thiếu quyết đoán. Kĩ năng đầu tiên là phải nhận biết các dấu hiệu này.

    2.Nhận biết viễn cảnh lí tưởng: Ta đang bám víu vào viễn cảnh lí tưởng nào mà lại xuất hiện các dấu hiệu?

    3.Nhận biết tác hại: Liệu viễn cảnh lí tưởng ấy có khiến ta đau khổ, khiến quan hệ với người khác xấu đi, hay làm ta buồn bực?

    4.Buông bỏ bằng tình yêu: Nếu viễn cảnh lí tưởng gây hại cho ta, thì buông bỏ chính là một hành động thể hiện tình yêu thương và sự cảm thông (với bản thân và với người khác).

    5.Nhận thức thực tại: Khi đã buông bỏ các viễn cảnh lí tưởng, hãy tập trung sự chú ý vào thực tại. Chấp nhận và phản ứng một cách phù hợp.

    Tất cả những kĩ năng nhỏ này kết hợp lại sẽ thành ra kĩ năng buông bỏ. Quá trình luyện tập không chỉ dừng lại ở đó. Sẽ vẫn còn những câu hỏi về cách hành động phù hợp sau khi buông bỏ. Ta cũng sẽ bàn đến vấn đề này ở những chương sau.

    Tuy nhiên, đầu tiên hãy tập trung nghiên cứu các kĩ năng nhỏ, sau đó bàn về cách luyện tập từng kĩ năng để phát triển kĩ năng buông bỏ hoàn chỉnh.




    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  3. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 12: Kỹ năng thứ nhất - Nhận biết dấu hiệu
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Kĩ năng đầu tiên chính là nhận biết rằng mỗi khi bản thân đang bám víu những thứ tiêu cực, sẽ luôn có những dấu hiệu xuất hiện cho thấy ta đang đau khổ.

    Những dấu hiệu này có nghĩa là ta phải luyện kĩ năng buông bỏ.

    Những dấu hiệu đó là gì? Có rất nhiều, nhưng dưới đây là những dấu hiệu phổ biến nhất:

    -Giận dữ.

    -Bực bội.

    -Khó chịu.

    -Stress.

    -Buồn bã

    -Ganh tị.

    -Đau đớn.

    -Muốn được đúng.

    -Công kích người khác.

    -Chần chừ, thiếu quyết đoán.

    -Ao ước rằng mọi thứ khác đi.

    -Cảm thấy bị xúc phạm.

    -Muốn công bằng.

    -Nóng nảy.

    Cảm thấy như trên hoàn toàn không có gì sai. Ta không thể ngăn bản thân không cảm thấy những cảm xúc đó được. thậm chí, tránh né cảm xúc còn làm mọi thứ tồi tệ hơn. Vậy nên đầu tiên là phải biết rằng, cảm thấy những cảm xúc tiêu cực không sai, và nên chấp nhận những cảm xúc ấy.

    Tuy nhiên, những cảm xúc này là dấu hiệu ta đang có vấn đề. Ngay khi cho phép bản thân trải nghiệm những cảm xúc đang có, ta vẫn có thể kiềm chế thay vì nổi điên mà làm việc gì đó sau này ta phải hối tiếc. Thay vào đó, ta có thể bắt đầu buông bỏ để không phải đau khổ như thế.

    Ta có thể luyện kĩ năng nhận biết dấu hiệu như thế nào? Đây là cả một quá trình, nhưng bước đầu tiên là tự cam kết với bản thân mình sẽ cố gắng thành thực nhìn nhận mỗi khi có dấu hiệu xuất hiện. Nếu tự nhìn nhận chính mình, bạn sẽ rất ngạc nhiên là mình rất hay cảm thấy bực bội, khó chịu hay giận dữ, nhất là khi đang ở chỗ có nhiều người.

    Cứ nhận biết như vậy thôi. Bạn chưa cần phải thực hiện những bước tiếp theo. Cứ luyện tập nhận biết khoảng vài ngày, cho tới khi thành thục trước đã.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  4. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 13: Kỹ năng thứ hai - Nhận biết viễn cảnh lý tưởng
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Giờ thì ta đã có thể nhận biết các dấu hiệu. Phần tiếp theo là nhìn sâu vào trong bản thân để truy tìm nguyên nhân tạo ra các dấu hiệu này.

    Nguyên nhân không phải ngẫu nhiên. Nếu ta tức giận, thì không phải là lỗi của người đối diện. Có thể họ đã làm gì đó, nhưng đó là chuyện của thế giới khách quan bên ngoài, như lá rụng, như gió thổi, như hòn đá rơi mà thôi. Những việc ấy vẫn xảy ra, nhưng cơn giận của ta lại đến từ việc không muốn những thứ khách quan ấy xảy ra.

    Chính vì ta không muốn những điều ấy xảy ra, ta mới giận dữ hay buồn bực.

    Hãy tưởng tượng bản thân chỉ là một cái camera, quay lại tất cả những thứ diễn ra xung quanh một cách vô tư, không tham vọng, không ước muốn. Lúc này, bất kì hành động nào của bất kì ai cũng không thể làm ta giận được, bởi ta chỉ là một công cụ quan sát thế giới khách quan mà thôi. Ta hoàn toàn không có nhu cầu điều chỉnh thế giới theo ý mình.

    Dĩ nhiên, trên thực tế, ta không phải là cái camera. Ta có những kì vọng, những viễn cảnh lí tưởng của riêng mình. Chính những kì vọng, những lí tưởng này tạo nên sự giận dữ và buồn bực.

    Những kì vọng và lí tưởng này không trở thành sự thật, bởi nếu nó là thực, thì ta sẽ không nổi giận. Đó chỉ là những ảo vọng về một thực tế ta hằng khát khao mà thôi. Ảo vọng thì phi thực tế, và khiến ta bắt đầu nóng nảy.

    Vậy thì, hãy nhìn sâu vào bản thân một chút: Ta đang bám víu vào viễn cảnh nào khiến những dấu hiệu nảy sinh?

    Đôi khi sẽ rất khó nhìn được bản thân ta đang níu kéo viễn cảnh nào, nhưng nếu đã luyện tập quen, thì dần dần ta sẽ nhìn nhận dễ dàng hơn.

    Dưới đây là một số viễn cảnh lí tưởng điển hình:

    1.Những người khác phải tử tế.

    2.Những người khác phải công bằng.

    3.Những người khác phải tôn trọng, không được sỉ nhục ta.

    4.Những người khác phải lạc quan, không được phàn nàn hay tâm trạng.

    5.Ta phải thành công với những thứ mình làm.

    6.Ta phải luôn thấy dễ chịu và hoàn thành mọi việc dễ dàng.

    7.Đời ta phải toàn niềm vui và không có những nỗi đau.

    8.Ta giỏi thay đổi thói quen.

    9.Người ta phải chạy đàng hoàng, không lạng lách, đánh võng trên đường.

    10.Khi ta cần cái gì là có cái đó.

    11.Nhà cửa phải gọn gàng, những người ở cùng hay làm việc cùng luôn ngăn nắp.

    12.Con của ta phải luôn nghe lời.

    13.Người yêu, bạn bè phải luôn ủng hộ mọi ý tưởng của ta.

    14.Người ta phải nhận ra sự thông minh của ta ngay lập tức, và muốn thuê ta liền.

    15.Những người thân yêu phải không bao giờ rời xa ta.

    16.Những người ta yêu phải yêu ta như ta yêu họ.

    Trên đây chỉ là ví dụ thôi. Có hàng trăm hàng nhìn những viễn cảnh lí tưởng như thế trong đầu ta. Ta có thể nhận ra ngay, bởi mỗi khi có người động chạm vào lí tưởng này, hoặc khi thực tế phũ phàng đi ngược lại với kì vọng, ta sẽ không vui. Mà thường thì lí tưởng của ta lại hay đi ngược lại với thực tế.

    Sau một thời gian luyện tập nhận biết dấu hiệu, hãy thử nhìn sâu vào trong bản thân mình và nhận biết các viễn cảnh lí tưởng - nguyên nhân của các dấu hiệu. Hãy luyện tập cho đến khi bạn có thể nhận ra các viễn cảnh lí tưởng này một cách dễ dàng.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  5. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 14: Kỹ năng thứ ba - Nhận biết tác hại
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Ta đã nhận biết được các dấu hiệu cũng như các viễn cảnh lí tưởng tạo nên các dấu hiệu ấy. Tuy nhiên, giận dữ, buồn bực, ganh tị hay đau khổ có gì sai? Chẳng phải đó là một phần của cuộc sống con người hay sao?

    Không sai, đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống, và những cảm xúc đó không hề sai. Tuy nhiên, hành động dựa trên những cảm xúc này, cũng như bám víu các cảm xúc tiêu cực có thể làm nỗi đau kéo dài cho tới khi sức khỏe ta giảm sút, các mối quan hệ dần xấu đi, thậm chí có thể khiến ta cảm thấy chán ghét chính mình.

    Cảm xúc không hề xấu, các viễn cảnh cũng vậy. Đó là một phần rất tự nhiên của con người. Tuy nhiên, nếu các viễn cảnh lí tưởng gây hại đến ta và những người xung quanh, có lẽ là ta nên buông bỏ nó đi.

    Nếu các viễn cảnh lí tưởng giúp ta làm nên những điều tốt đẹp, thì ta không cần phải buông bỏ. Có nhiều viễn cảnh lí tưởng sẽ giúp ta trở nên rộng lượng, vị tha hơn. Có những lí tưởng ấy trong đầu không hề sai trái. Mà tôi cũng không nghĩ rằng ta có thể tránh không có bất kì một lí tưởng nào trong đầu được.

    Tuy nhiên, nếu các viễn cảnh lí tưởng này bắt đầu gây hại cho ta và người khác, thì buông bỏ sẽ rất có lợi.

    Ngay khi nhận ra các dấu hiệu và các viễn cảnh là căn nguyên của các dấu hiệu, thì hãy tự hỏi liệu các viễn cảnh này có gây hại hay không. Trong trường hợp viễn cảnh là nguyên nhân tạo nên sự nóng nảy hay những trạng thái cảm xúc tiêu cực khác, thì đa phần những viễn cảnh lí tưởng ấy là tiêu cực.

    Khi nhận ra những tác hại của viễn cảnh trong mình, bạn sẽ thấy buông bỏ cũng là một hành động mang tính cảm thông với bản thân mình. Đó là hành động giúp chấm dứt nỗi đau. Buông bỏ có thể rất đau đớn, vì dù gì thì các viễn cảnh này cũng là một phần rất lớn thuộc về chúng ta. Tuy nhiên, nỗi đau khi buông bỏ không lớn bằng nỗi đau mà những viễn cảnh này có thể gây ra nếu ta cứ khăng khăng không thả tay.

    Hãy luyện tập nhận biết các tác hại, sau khi nhận biết các dấu hiệu và viễn cảnh tiêu cực.

    Bước này dễ thôi, bạn sẽ giỏi ngay mà.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  6. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 15: Kỹ năng thứ tư - Buông bỏ bằng tình yêu
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Buông bỏ là một hành động mang tính vị tha nếu viễn cảnh ta đang có gây hại cho bản thân và mọi người xung quanh.

    Đây là cách buông bỏ bằng sự vị tha và tình yêu:

    Đầu tiên, hãy thật tâm mong muốn bản thân và mọi người được hạnh phúc.

    Nhận biết rằng các viễn cảnh mình đang có đang gây ra nỗi đau.

    Muốn kết thúc nỗi đau bằng cách buông bỏ các viễn cảnh phi thực tế.

    Nếu bản thân vẫn không muốn buông bỏ các viễn cảnh lí tưởng, thì thử thay vì tập trung vào việc khao khát đạt được các viễn cảnh này, thì hãy tập trung vào những lợi ích khi có thể buông bỏ được.

    Cứ để tâm hồn và trái tim thư giãn, để các viễn cảnh kia tự trôi đi. Lồng ngực thả lỏng, ta sẽ hít thở được sâu hơn.

    Cảm giác ấm áp sẽ lớn dần, và ta sẽ có thể buông bỏ đi những thứ trước đây ta vẫn khư khư giữ ở bên.

    Giờ đây ta là một con người khác, giảm bớt đi một viễn cảnh (ít nhất trong hiện tại, bởi các viễn cảnh thường sẽ quay trở lại). Con người này hoàn toàn khác biệt so với con người trước đây. Nói cách khác, ta đã gầy dựng lại một con người mới, bình tâm và cảm thông hơn.

    Hãy trở thành con người mới.

    Một khi đã buông bỏ những viễn cảnh lí tưởng (dĩ nhiên cần luyện tập nhiều), thì câu hỏi là, rồi sao nữa? Ta sẽ bàn đến việc này ở chương tiếp theo (Nhận thức thực tại) và chương 18 (Hành động sau khi buông bỏ).
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  7. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 16: Kỹ năng thứ năm - Nhận thức thực tại
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Giờ thì ta đã buông bỏ thành công. Không phải lúc nào cũng dễ, và dĩ nhiên ta vẫn phải tập đi tập lại. Nhưng cứ giả sử như ta đã thành công.

    Đã đến lúc hướng sự chú ý đến thực tại và nhìn nhận bản chất của nó.

    Hãy chấp nhận thực tại, và phản hồi một cách phù hợp. Ví dụ, bạn vừa thất vọng vì con trai mình không làm như lời cha mẹ, và những viễn cảnh lí tưởng làm bạn buồn bực. Bạn đã buông bỏ viễn cảnh lí tưởng ấy. Và bây giờ, bạn phải hướng sự chú ý của mình vào con, và nhìn nhận thực tế ấy. Con bạn là một người tốt, với những hi vọng và khát khao hạnh phúc. Nó chỉ không rõ mình phải làm gì trong một thế giới hỗn loạn như thế này mà thôi. Đó là thực tại của con bạn.

    Bạn có thể chối bỏ hoặc chấp nhận thực tế về con mình. Hãy thử cảm thông với con khi con gặp chuyện. Hãy thử chấp nhận chính con người con mình, và hạnh phúc vì được sống cùng con.

    Có rất nhiều thứ bạn có thể làm, một khi chịu nhìn nhận đúng bản chấp con mình. Nhưng trước hết, rõ ràng bạn phải hướng sự chú ý vào con, thay vì vào bản thân, để hiểu nó rõ hơn

    Cách làm này có hiệu quả không chỉ với người khác, mà còn đối với chính ta nữa. Thay vì so sánh thực tế bản thân với lí tưởng, thì hãy nhìn nhận bản thân mình trong thực tại.

    Và mọi thứ trong cuộc sống cũng tương tự: nó rất ít khi giống với lí tưởng. Nhưng dù vậy, cuộc sống vẫn rất tuyệt vời.

    Hãy hướng sự chú ý vào thực tại, và nhìn nhận đúng bản chất. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm nữa, tuy nhiên giờ hãy cứ luyện tập 5 kĩ năng nhỏ này đã.




    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  8. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 17: Luyện tập các kỹ năng
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Ta có 5 kĩ năng nhỏ cần luyện tập và kết hợp lại thành một kĩ năng hoàn chỉnh.

    Dưới đây là một số lời khuyên trong quá trình luyện tập:

    1. Đầu tiên, hãy cam kết luyện tập chỉ một vài phút mỗi ngày. Chẳng ai có thể luyện tập đàng hoàng nếu không có cam kết mạnh mẽ. Tuy nhiên, cam kết loại này rất dễ, sẽ chẳng mất nhiều thời gian, và chỉ cần nhớ là bạn có thể luyện được rồi. Hãy cam kết, điều này rất quan trọng. Cam kết sẽ giúp bạn vui vẻ hơn, và đối mặt với sự thay đổi tốt hơn, ít thiếu quyết đoán, có quan hệ xã hội tốt hơn. Hãy cam kết với người xung quanh, ví dụ như người thân hoặc người đáng tin tưởng nào đó chẳng hạn. Cam kết với bản thân cũng tốt, nhưng nếu muốn làm thật sự, thì nên cam kết với người khác rằng mình sẽ luyện tập hàng ngày.

    2.Đặt ra thời gian luyện tập. Chỉ một vài phút vào buổi sáng, buổi tối hay vào bữa ăn trưa. Nếu không đặt ra thời gian cụ thể, bạn sẽ không làm đâu.

    3.Hãy đặt những dấu hiệu ghi nhớ. Chắc chắn bạn sẽ quên làm. Thế nên hãy đặt mấy mảnh giấy ghi nhớ lên laptop, đánh dấu vào lịch, vào điện thoại, hay nhờ người khác nhắc nhở. Cứ đặt những vật ghi nhớ ở những nơi ta thường nhìn. Điều này rất quan trọng. Nhiều người hay bỏ qua bước này, và rồi quên luôn.

    4.Ngồi luyện tập hàng ngày. Hãy bắt đầu ngay từ mai, chỉ 2-3 phút thôi. Hãy nói với người thân khi làm xong. Luyện thế này: hãy nghĩ về một số dấu hiệu bạn thấy gần đây cho thấy bạn đang níu kéo gì đó. Trong ít nhất vài hôm, hãy cố gắng nhớ lại những dấu hiệu này. Khi đã nhìn nhận giỏi hơn, hãy cố tìm hiểu mình đang bám víu những lí tưởng nào. Sau đó vài ngày, hãy luyện tập nhìn nhận các tác hại của lí tưởng. Sau đó vài ngày nữa, luyện tiếp bước buông bỏ. Cuối cùng, hãy luyện nhìn nhận thực tại.

    Bạn không cần phải luyện từng kĩ năng một, nếu thấy dễ. Nếu bạn giỏi nhận biết các dấu hiệu, lí tưởng và tác hại, bạn có thể luyện buông bỏ ngay.

    Nâng cao: Một khi đã làm tốt các bước trên, hãy thử bỏ một ít thời gian thực hiện bài tập sau hàng ngày:

    Hãy nhìn nhận thực tế rằng mình sẽ chết một ngày nào đó. Mọi người xung quanh cũng sẽ chết. Tất cả động thực vật cũng sẽ chết. Tất cả những đồ vật xung quanh cũng sẽ vỡ tan. Đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên của cuộc sống. Mọi thứ luôn vận động, cái mới sẽ luôn thay thế cái cũ. Không có cái gì là bất biến. Hãy nhìn mọi thứ thay đổi, chết đi, vỡ tan, và đang được sinh ra.

    Sau đó, ta sẽ nhận ra việc cố giữ mọi thứ bất biến là vô nghĩa. Bất kì điều gì cũng là tạm thời, và muốn giữ mọi thứ không đổi chỉ khiến ta đau khổ mà thôi. Ta sẽ nhận ra rằng, muốn bất kì thứ gì đó không chết đi cũng không khiến nó không chết được. Chỉ là trong quá trình đó, bản thân ta chuốc lấy đau buồn mà thôi. Biết buông bỏ và chấp nhận bản chất của mọi thứ, không quá níu kéo những thứ luôn luôn đổi thay ấy sẽ khiến ta bình tâm và vui vẻ hơn. Hãy trân trọng khi ta không cảm thấy quá gắn kết vào những điều này. Hãy nhìn vào vẻ đẹp bản chất luôn luôn thay đổi, và chấp nhận sự biến chuyển không ngừng.

    Bài tập nâng cao khác: Thời gian luyện tập buông bỏ mỗi ngày này chỉ là khởi đầu thôi. Một khi đã thành thục ở từng bước, hãy cam kết rằng sẽ nhận biết các dấu hiệu ngay khi nó xuất hiện trong suốt cả ngày, chứ không chỉ trong lúc luyện tập. Dĩ nhiên bạn có thể bỏ qua, nếu bạn có thể thực hiện một cách tự nhiên ngay tại mỗi thời điểm.

    Khi đã nhìn nhận được các dấu hiệu ngay khi xuất hiện, hãy làm tiếp các bước tiếp theo. Sau một thời gian, bạn sẽ làm tốt tất cả các bước ngay ở mỗi thời điểm, nhất là ở những thời điểm không quá cực điểm. Khi cảm xúc quá mạnh, ta sẽ rất khó buông bỏ, thế nên cứ cảm nhận cảm xúc ấy, nhưng cố đừng phản ứng cho đến khi bình tĩnh và có thể buông bỏ.

    Trong trường hợp bạn khó buông bỏ: Thường thì buông bỏ rất khó. Bạn có thể thử mấy thứ sau:

    -Luyện tập cái dễ trước: Hãy thử luyện buông bỏ những đồ vật bạn không cần trước.

    -Luyện với liều lượng thấp: Hãy thử luyện buông bỏ viễn cảnh về một căn nhà sạch sẽ một cách hoàn mĩ chỉ một ngày thôi, không cần luyện mãi mãi ngay từ đầu.

    -Luyện tập với những người bạn thân thuộc và tin tưởng: Nếu gặp những người bạn đang ghét thì sẽ rất khó buông bỏ. Hãy luyện với những người thân quen trước, sẽ dễ dàng hơn nhiều.

    -Luyện buông bỏ một ham muốn nào đó, ví dụ như mua sắm hoặc uống một ít rượu trong chỉ 5 phút thôi. Sau đó luyện thêm 5 phút nữa. Sau đó cứ đi mua.

    -Luyện buông bỏ những thứ gây xao nhãng trong chỉ 10 phút mỗi lần. Ngồi tập trung vào việc quan trọng - ví dụ như viết lách - và đừng để bản thân xao nhãng. Buông bỏ xao nhãng tạm thời, nhìn nhận viễn cảnh lí tưởng (có thể là bản thân ta đang muốn làm việc dễ dàng và dễ chịu) cũng như các tác hại đi kèm.

    -Nâng cấp quá trình luyện tập: Nếu thấy bản thân quên hoặc tránh né luyện tập, bạn có thể thử mấy cách sau:

    -Báo cáo hàng ngày cho một người thân quen. Hãy email nhau những ghi chép hay báo cáo cho nhau mỗi tuần 2 lần chẳng hạn.

    -Lên kế hoạch luyện tập cho cả tuần. Cuối tuần hãy xem lại xem mình có làm theo kế hoạch hay không, và những thứ gì cản trở bản thân làm theo kế hoạch. Hãy thử nghĩ xem mình có thể làm gì để loại bỏ các cản trở này trong tương lai.

    Cải tiến kế hoạch cho tuần sau bằng cách thêm vào những cách thức loại bỏ cản trở.

    Nếu cam kết làm theo quá trình này, ta sẽ có thể luyện tập ngày càng tốt hơn.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  9. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 18: Sau khi buông bỏ
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Buông bỏ và nhìn nhận mọi thứ một cách thực tế không phải là xong. Câu hỏi cần giải quyết tiếp theo là sau khi đã buông bỏ và chú ý vào thực tại thì cần làm gì nữa.

    Dưới đây là một số gợi ý:

    - Chấp nhận thời điểm hiện tại, trân trọng và tận hưởng nó.

    -Chấp nhận con người thật của những người xung quanh, tận hưởng những giờ phút bên họ. Dĩ nhiên là với sự chấp nhận.

    -Chấp nhận con người thật và hài lòng với chính bản thân mình.

    -Nhìn nhận theo hướng này: mọi người (ngay cả bản thân ta) cũng có những hành động tiêu cực vì đang gặp khó khăn, đau khổ. Hãy cố cảm thông với họ.

    -Nhìn nhận rằng khi hai người đang giận dữ, quan trọng là cả hai đang có những vấn đề cần giải quyết hơn là chỉ chăm chăm tức tối lẫn nhau. Buông bỏ các viễn cảnh lí tưởng, buông bỏ luôn sự nóng giận sẽ giúp cả ta và người đối diện giải quyết được vấn đề một cách bình tĩnh và cảm thông hơn.

    -Buông bỏ các lí tưởng, nhìn nhận thực tại và phản ứng thích hợp. Đừng hoang tưởng rằng mọi thứ đều chống lại mình, bạn sẽ phản ứng với thực tại một cách hiền hòa hơn.

    -Sống trong thực tại mà không phán xét. Hãy sống và tận hưởng, không cố gắng giải quyết vấn đề hay đạt được thành tựu gì cả trong chỉ một vài phút thử xem.

    -Buông bỏ khao khát kiểm soát mọi thứ, cứ để mọi thứ diễn ra như thế. Sống trong thực tại mà không cứ tìm cách kiểm soát cuộc sống.

    -Nhìn nhận bản chất bất ổn định của thực tại. Hãy ngắm nhìn sự thay đổi, những dòng chảy của cuộc sống trong từng phút giây. Đây là một quá trình học hỏi rất tuyệt vời và có thể giúp con người ta khai sáng.

    Dĩ nhiên vẫn còn những cách luyện tập nâng cao khác. Trên đây chỉ là một số gợi ý để bạn có thể biết mình nên làm gì sau khi đã buông bỏ những thứ không quan trọng kia đi.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
  10. Hoài Dương

    Messages:
    177
    Chương 19: Những nhầm lẫn về buông bỏ
    Bấm để xem
    Đóng lại

    Nhiều người hiểu sai và phản đối ý tưởng buông bỏ, chủ yếu vì nó trái ngược với cách tư duy thông thường. Ta đã quen với việc kiểm soát mọi thứ, cố gắng làm một điều gì đó xảy ra, cố gắng chiến đấu vì sự công bằng và lẽ phải, cố gắng hướng người khác sao cho họ biết hành động đàng hoàng, cố gắng làm cả thế giới và cả bản thân tốt đẹp hơn mỗi phút mỗi giây.

    Nói ngắn gọn, chấp nhận hay buông bỏ không tồn tại trong thế giới quan ấy.

    Tuy nhiên, sự cảm thông, tình yêu, nỗi đau và sự nóng giận luôn là một phần cách nhìn ấy. Giờ hãy thử xem việc buông bỏ và chấp nhận thực tại như một công cụ để đối mặt với những cảm xúc kể trên.

    Những hiểu nhầm về buông bỏ:

    1. Buông bỏ không có nghĩa là bỏ cuộc. Ví dụ, bạn đang cãi nhau. Buông bỏ viễn cảnh lí tưởng nghe cứ như bạn phải bỏ cuộc và để người khác chiến thắng. Tuy nhiên, thực tế là bất kì trận cãi nhau nào cũng không nhằm để thắng, mà là để giải quyết vấn đề và củng cố các mối quan hệ. Nếu có thể buông bỏ những nguyên nhân khiến bản thân nóng giận, bạn sẽ có thể nói năng từ tốn và cảm thông hơn, tập trung vào vấn đề (chứ không phải tập trung vào sai lầm của mỗi người) và cách giải quyết. Thậm chí bạn cũng có thể nói về các vấn đề về cảm xúc một cách cảm thông, thay vì đổ hết nóng giận lên đầu người đối diện. Buông bỏ không phải là bỏ cuộc, mà có nghĩa là tìm cách giải quyết vấn đề theo cách phù hợp hơn.

    2. Buông bỏ không có nghĩa là cam chịu làm nạn nhân. Nếu có người làm gì đó có hại cho bạn, dĩ nhiên là không vui chút nào. Và dĩ nhiên bạn sẽ đau đớn, tức giận, ức chế. Cảm thấy như thế hoàn toàn không có gì sai, thậm chí nên để bản thân cảm nhận nữa là đằng khác. Tuy nhiên, ẩn sâu trong đó luôn là khao khát trả thù - đây là thứ có hại cho cả bản thân lẫn người đối diện. Dù trả đũa luôn rất sướng, nhưng không làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Ta sẽ chẳng vui vẻ gì hơn. Thậm chí, nếu không trả đũa được, ta sẽ không thỏa mãn và còn ức chế nặng hơn trước. Thay vào đó, ta có thể đơn giản buông bỏ đi nỗi đau (sau khi đã cảm nhận) và bắt đầu tự hồi phục.

    Điểm quan trọng là không được trả thù. Quá trình tự hồi phục sẽ giúp ta vui vẻ hơn, thay vì đau buồn vì tội lỗi của người khác trong suốt quãng đời còn lại của mình.

    3.Buông bỏ không có nghĩa là không tiến bộ. Nhiều người hay nghĩ rằng họ cần các lí tưởng để phát triển, và rằng buông bỏ các lí tưởng đồng nghĩa với việc không tiến bộ. Đầu tiên là thế này, nếu các lí tưởng có ích cho bạn, thì không cần buông bỏ làm gì; nhưng nếu các lí tưởng bắt đầu có hại, thì nên thử buông bỏ đi, dù rất khó. Thứ hai, bạn chỉ thật sự cần sự tiến bộ nếu nghĩ bản thân hiện tại không đủ tốt. Thật sự là bạn đã có tất cả những thứ cần thiết để vui vẻ rồi. Bạn sẽ đủ tốt ngay khi biết cách buông bỏ các lí tưởng mà bạn đặt ra cho bản thân mình, để chấp nhận bản chất thực sự của chính mình. Con người thật của mỗi chúng ta luôn rất đặc biệt và tuyệt vời. Sau khi đã chấp nhận bản thân, bạn vẫn luôn có thể thiết lập các thói quen mới, không phải để cải tiến bản thân hướng đến một lí tưởng nào hết, mà là vì bạn thấu hiểu chính mình và thế giới xung quanh.

    4.Buông bỏ không có nghĩa là để người khác thoát tội sau khi làm việc xấu. Đúng, nhiều người cư xử rất chán, và dĩ nhiên bạn sẽ muốn họ phải trả giá. Tuy nhiên, nếu cứ chạy vòng vòng đòi hỏi công lí, bạn sẽ luôn nóng giận, và chẳng thay đổi được ai cả. Chẳng ai thay đổi vì bị bạn hét vào mặt hết. Họ có thể sẽ thay đổi nếu bạn buông bỏ sự nóng giận và nói chuyện một cách thấu hiểu về vấn đề họ đang gặp phải.

    Mà cũng có thể họ sẽ chẳng thay đổi. Nhưng dù là hướng nào, thì việc buông bỏ sự nóng giận cũng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn thôi.

    5. Buông bỏ không có nghĩa là để nhà cửa bừa bộn. Nếu bạn có viễn cảnh về một căn nhà ngăn nắp (hay những thứ tương tự), bạn sẽ có thể bực bội, nóng giận khi người khác không giúp bạn dọn dẹp. Thế là bạn bắt đầu cằn nhằn, gắt gỏng. Hành động như thế không hề làm bạn vui hơn, hay khiến cho mối quan hệ giữa hai người tốt đẹp lên. Tuy nhiên, liệu bạn có cần phải làm hết mọi việc dọn dẹp, hay bây giờ bạn sẽ cứ để nhà thành chuồng heo? Không cần phải vậy. Đầu tiên, nếu có thể buông bỏ viễn cảnh rằng mọi người luôn có ý thức giữ nhà sạch sẽ, bạn sẽ có thể buông bỏ cơn giận. Khi đó, bạn có thể bình tĩnh chấp nhận tính cách mỗi người (và thấy rằng họ đang gặp vấn đề trong việc xây dựng thói quen giữ nhà cửa sạch sẽ). Nhìn nhận bản chất mỗi người sẽ giúp ta cải thiện quan hệ với họ, đồng thời có thể nói chuyện và bàn cách giải quyết một cách bình tâm và thân thiện hơn. Nhưng nếu họ không muốn giải quyết thì sao? Khi đó, bạn đơn giản có thể chấp nhận rằng mình không kiểm soát được người khác, và tập trung vào những việc bạn có thể kiểm soát. Mọi thứ chỉ khó chịu khi ta nghĩ mình phải kiểm soát được mọi người. Lúc này, bạn có thể tìm cách đạt một thỏa thuận về vệ sinh nhà cửa với bạn cùng phòng, để tạm thời cải thiện tình hình. Bạn cũng có thể từ từ tìm cách dọn đi nếu bạn cùng phòng quá khó chịu đựng. Hiệu quả nhất là làm gương cho họ, tiếp tục thuyết phục một cách bình tĩnh về chuyện nhà cửa, và thể hiện thiện chí đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả đôi bên. Dù sau khi buông bỏ bạn có thể vẫn phải tự dọn, nhưng ít nhất là tự dọn mà không bực bội.

    6. Buông bỏ không có nghĩa là không xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn là một ý tưởng tuyệt vời, nhưng nếu chính viễn cảnh lí tưởng chủ quan về thế giới ấy (rằng ai cũng cư xử đúng mực và luôn tập trung vào những vấn đề ta muốn) lại khiến ta bực bội, thì đã đến lúc buông bỏ rồi. Hãy chấp nhận rằng thế giới thực không hề lí tưởng, và đó cũng chính là điểm đặc biệt của thế giới khách quan. Đó là lúc ta có thể bình tâm lại, chấp nhận thực tại, và thấy rằng những con người xung quanh mình cũng đang gặp nhiều vấn đề rắc rối. Ta sẽ có thể cảm thông với họ hơn, từ đó tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

    7.Buông bỏ không có nghĩa là cho người khác đúng trong khi họ đang sai. Một trong những nguồn cơn giận dữ lớn nhất đó là muốn khẳng định rằng mình đúng và người khác sai. Đây là thứ khiến ta và cả những người xung quanh trở nên bực bội và cứng đầu. Viễn cảnh này làm mọi người không vui, và làm vỡ tan những mối quan hệ giữa người với người. Ta có thể buông bỏ lí tưởng rằng mình đúng, thay vào đó, chấp nhận rằng giữa mọi người đang có bất đồng quan điểm. Ta có thể phản hồi với sự bất đồng này một cách bình tâm và thân thiện hơn không? Liệu việc đập vào mặt người khác cho họ thấy rằng ta đúng có quan trọng lắm không? Thay vào đó, cứ giữ một mối quan hệ tốt và từ từ tìm cách giải quyết bất đồng có hay hơn hay không?

    8.Buông bỏ không có nghĩa là chối bỏ các chuẩn mực xã hội. Ai cũng nên đối xử với người khác một cách tôn trọng. Dĩ nhiên ai cũng nên công bằng, và cũng dĩ nhiên là không ai nên chạy cắt đầu xe người khác. Đó là những chuẩn mực xã hội phổ biến. Vậy liệu có phải buông bỏ có nghĩa là xóa bỏ luôn các chuẩn mực ấy hay không? Không, ta không buông bỏ chuẩn mực, ta chỉ buông bỏ lí tưởng rằng ai ai cũng tuân theo chuẩn mực mọi nơi mọi lúc mà thôi. Trên thực tế, rất nhiều người làm theo chuẩn mực, và cũng rất nhiều người đạp lên trên chuẩn mực mà sống. Những người này đang gặp vấn đề, nhưng không có nghĩa là họ được phép cư xử tồi tệ như thế, mà có nghĩa là ta có thể hiểu, cảm thông và tìm cách giải quyết cùng họ một cách thân thiện hơn. Và ta cũng có thêm sức mạnh của sự tha thứ nữa. ta có thể giúp họ điều chỉnh hành vi, và nếu không giúp được (chuyện này thường xảy ra hơn), thì ta cũng có thể buông bỏ sự bực bội. Ta có thể thảo luận nhóm về các chuẩn mực và thống nhất, nhưng cũng nhớ rằng không phải tất cả mọi người cũng sẽ tuân theo 100%. Và chuyện đó cũng bình thường thôi.

    Vẫn còn rất nhiều lầm tưởng khác về buông bỏ, nhưng bạn có thể nhìn thấy điểm chung trong tất cả những ý trên: mọi thứ bắt đầu từ việc buông bỏ viễn cảnh lí tưởng, chấp nhận thực tại để có thể cư xử phù hợp và không phải đau khổ, buồn bực không cần thiết.

    Sự thay đổi vĩ đại về cách sống ấy không phải là khó, nếu ta chịu khó luyện tập mỗi ngày một chút thôi.
    Còn nữa
     
    Last edited: Jun 25, 2018
Thread Status:
Not open for further replies.
Trả lời qua Facebook
Loading...