Tự Truyện Phật Tâm - Thập Nhị Liên Hoa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hắc Liên, 5 Tháng năm 2019.

  1. Hắc Liên

    Bài viết:
    566
  2. Hắc Liên

    Bài viết:
    566
    Chương 1: Tâm đã muốn nào ngại khó khăn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Rằm tháng giêng, phật tử nô nức tụ hội về chùa chiền.

    Tôi không quy y tam bảo cũng không chay trường, ngày rằm cũng như mồng một tôi không thường về chùa cầu khấn. Bởi tôi nghĩ: Trong tâm có phật độ ta, chỉ cần tâm ta lương thiện!

    Rằm tháng giêng, cái năm 2016 đáng nhớ ấy, tôi lái xe hóng mát một vòng men theo bờ đâm Ô Loan, lúc vòng xe quay đầu rời khỏi Ô Loan thì trời đã chập tối. Đường nông thôn thiếu ánh điện, cách vài trăm mét mới dựng một cột đèn. Đi hơn cả cây số, tôi bỗng thấy có người phụ nữ mặc bộ đồ nâu rộng thùng thình đang đi bộ ngược hướng đằng trước. Khi lái xe lại gần, tôi ngạc nhiên, có sửng sốt, tôi vội tắt máy. Tôi liền đánh tiếng hỏi: "Dì Tám! Trời tối rồi sao lại đi đâu vậy?"

    Tôi nhìn bộ đồ nâu dì mặc trên người, thầm đoán được chút ít. Dì Tám cũng ngạc nhiên, nhìn tôi rồi cười nói: "Luyến hả, dì đi lên chùa Quán Câu."

    "Ôi trời trời, Sao không ai chở hay sao mà đi bộ? Dì lên xe, cháu chở đi!"

    Dì liền xua tay nói: "Con bận việc thì về đi, để dì đi bộ cũng được."

    Tôi nhăn mặt: "Dì nghĩ sao vậy? Đi bộ từ đây lên đó hơn hai chục cây số. Leo lên cháu chở đi, trời cũng tối om rồi!"

    Dì Tám lưỡng lự một lúc mới leo lên xe của tôi. Tôi cua xe rẽ theo hướng chùa Quán Câu.

    Dì Tám chính là em gái của mẹ tôi, nhà chỉ có bốn anh chị em, dì Tám là em gái út. Dì lớn hơn tôi một giáp, tính ra hai người chúng tôi đều cùng tuổi Thìn. Tôi lại tò mò hỏi: "Tối rồi, sao còn đi chùa? Nếu không gặp cháu chẳng lẽ cứ đi bộ sao? Mà đi lên đó rồi lại đi bộ về à?"

    Dì ngồi ở phía sau, chòm người tới nói: "Mình mộ đạo thì bất kể đường xá, chùa Quán Câu này lâu rồi chưa lên, rằm đây ở nhà không yên."

    Tôi liền nói: "Cả ngày đi mấy chùa gần nhà lạy phật rồi mà!"

    Dì cười: "Tự nhiên trong tâm muốn đi cho bằng được!"

    Tôi à ừ vài câu lại chú tâm lái xe.

    Đi gần hai mươi cây số, phía trước mặt tôi chính là một con dốc loằng ngoằng, ngôi chùa nằm dưới con dốc ấy. Dì Tám nói, chùa này dì cũng không biết tên, vì chùa nằm dưới dốc Quán Câu nên người dân quen gọi là chùa Quán Câu.

    Đặt chân vào sân viện, không thấy một bóng người, tôi thầm nghĩ chắc tối quá phật tử đã ra về hết. Thật như những gì tôi đoán, phật tử chùa này không đông đúc.

    Trụ trì chùa Quán Câu mời chúng tôi ra sau viện, có chú tiểu nhỏ liền hối hả bưng trà rót nước rồi nép mình bên cạnh thầy.

    Nhìn chiếc bàn gỗ tròn mộc mạc chắc nịch, sau lại ngó ra bên ngoài lại thấy vườn rau, còn ở đằng xa những cây lúa chen chúc trên khoảng đất rộng, tôi thẫn thờ.

    Liền nghe thấy giọng trầm trầm của thầy: "Cái bàn này là thầy đóng từ mấy năm trước." Thầy lại nói: "Năm nay trồng ít lúa thôi, có mình thầy với mấy đứa nhỏ làm không xuể."

    Tôi cười rồi "dạ" một tiếng, hớp ngụm nước trà còn trong vắt.

    Dì Tám hóa ra là lần thứ hai lên chùa Quán Câu, dì cùng thầy trò chuyện rất lâu. Tôi ngồi bên nghe có chỗ hiểu chỗ không thông. Đoạn, thầy quay qua liền hỏi tôi:

    "Con có biết Chú Đại Bi không?"

    Tôi gật đầu: "Dạ có, hồi ở công ty cũ có người bạn tặng cho con một quyển sách, bên trong có bài Chú Đại Bi."

    Tôi lại một mạch nói tiếp: "Nhưng con chỉ thuộc hai ba câu đầu thôi!"

    Tôi có điều thắc mắc bèn hỏi thầy: "Thầy ơi! Con ít khi về chùa lắm, bình thường cũng không nghĩ tới chùa chiền gì đâu, nhưng có vài ba lần mơ thấy ngài Quán Thế Âm là sao hả thầy?"

    Dì Tám nhìn tôi đầy kinh ngạc, thầy thì vẫn điềm tĩnh, ôn tồn nói: "Con không phải phật tử nên sẽ không hiểu được, nằm mộng thấy ngài Quán Thế Âm thì có rất nhiều cách lý giải. Nếu như là phật tử thì họ sẽ sợ hãi."

    Điều thầy nói, tôi chẳng hiểu gì cả. Xong thầy lại quay sang giảng cho tôi nghe một tràng dài đạo pháp, tôi ngờ nghệch gật đầu cho có lệ. Tôi chỉ hiểu đại khái đoạn: Phật không phân biệt giới tính nam hay nữ, sở dĩ về sau có ngài Quán Thế Âm hóa thân bề ngoài là nữ vì thế gian này của chúng ta luôn phân biệt nam và nữ, phật độ người nam thì người nữ cũng không ngoại lệ.

    Trò chuyện tầm một tiếng đồng hồ, thầy bảo tôi và dì lên bên trên lạy phật. Lúc ra về thầy liền cầm một quyển sách nhỏ đưa cho tôi, tất nhiên bên trong có bài Chú Đại Bi.

    Trên đường quay về, tôi lại hỏi dì Tám, vì sao phải đi bộ lên chùa, dì có thể tự đi 'xe ôm' hoặc nhờ người chở dì, dì có thể gọi tôi chẳng hạn. Dì không đồng ý, chỉ nói: "Ước nguyện của mình thì mình đi chứ nhờ ai? Thì cuối cùng cũng tới nơi đó thôi."

    "Nếu không có cháu, chắc chắn dì đi bộ nửa đêm mới tới chùa."

    Tôi vẫn như trước, không tán thành cái cách đi bộ của dì.

    "Con nhỏ này! Thường ngày dì không làm điều ác, không lừa đảo, không gian dối ai, ra đường tất nhiên có người giúp. Nếu không có cháu, dì cũng sẽ được người khác chở, không thì đi bộ tới chùa trễ hơn tiếng đồng hồ chứ mấy!"

    Không làm điều ác, không lừa đảo, không gian dối ai. Tôi ngẫm nghĩ câu nói này của dì Tám cùng với việc thầy đã nói: "Phật tử sẽ sợ hãi nếu nằm mộng gặp ngài Quán Thế Âm."

    Tôi trước giờ không làm điều ác, không lừa đảo ai. Còn gian dối ư? Tôi suy nghĩ mãi hai từ 'gian dối' này! Liệu những việc tôi làm có thể gọi là gian dối hay không?

    Người ta nói, thương nhân chính là gian thương. Mà gian thương thì không ai không lừa dối, cách khá gần hai từ 'lừa đảo'. Tôi có thể được xem là một 'con buôn', buôn hàng của người này bán cho kẻ khác. Nhưng tôi không có gian dối, bởi vậy lợi nhuận mà tôi kiếm được thua xa những người cùng nghề.

    Hai từ 'gian dối' cứ làm tôi trăn trở mãi. Xong có lần, một người bạn cùng giới buôn có nói: "Tao cảm thấy cuộc đời này khổ lắm! Tại sao mình phải suốt ngày lo kiếm tiền? Tiền nhiều thì để làm gì? Hết cho cha mẹ lại đến con cái, đến chết cũng không mang theo được. Mày thấy tao ngu không? Chắc sau này tao phải cúng hết cho chùa để bù lại tội lừa gạt!"

    Tôi ngạc nhiên hỏi: "Lừa gạt?"

    Bạn tôi liền nói: "Suốt ngày nói dối người này, lừa dối người kia. Tôm gần chết mà nói là tôm mạnh khỏe, thả xuống sẽ không sao? Rồi nói xấu người này, nói xấu người nọ. Nói người này buôn tôm yếu, ham giá rẻ kiếm lời, để họ nhảy sang bên mình. Haiz! Đời này của tao nói dối quá nhiều!"

    Cuộc sống mà! Vì miếng cơm ai mà chẳng làm như vậy đâu! Bạn tôi lắc đầu nhìn tôi nói: "Mày có nước lên chùa đi tu, làm như mày khi nào mới giàu lên?"

    Lúc ấy tôi vừa mới bước chân vào cái nghề buôn tôm hùm giống, đoạn đầu gặp nhiều gian nan. Thu nhập kém hẳn nhiều người, tôi nghĩ mình phải gây dựng một chữ 'tín', con giống tôi cung cấp hoàn toàn khỏe mạnh, yếu chết tôi để lại, thua lỗ tôi tự bù. Hai năm sau đó, khách hàng của tôi đột nhiên tăng mạnh dần, đến hiện tại tôi vẫn có lần bù lỗ, ngược lại tinh thần của tôi vô cùng thư thái. Tôi vẫn nhớ những gì dì Tám nói: "Không làm điều ác, không lừa đảo, không gian dối ai."

    Ba tôi cũng hay nói rằng: "Ăn ít no lâu, ăn nhiều mau đói."

    Những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm gặp nhiều rủi ro thua lỗ, giới đi buôn số người cũng giảm xuống. Tôi nghĩ, bất kể là ngành nghề gì, chỉ cần bản thân mình làm ăn chính đáng, đặt chữ 'tâm' chữ 'tín' đi đầu, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, thì khách hàng họ sẽ cho ta lợi nhuận lâu dài.

    Đời người kéo dài bao lâu? Tôi nghĩ, khi ta sống thì hãy sống hết mình, thực hiện điều mà tâm ta mong muốn dẫu có trãi qua bao khó khăn. Cũng giống như dì Tám của tôi, bản thân dì không biết lái xe máy, dì cũng chẳng biết đi xe đạp, dì muốn lên chùa Quán Câu thì cứ cuốc bộ mà đi. Tôi cũng vậy, tôi muốn làm ăn 'trong sạch' thì cứ làm thôi.
     
    CaoSGHạ Nguyên Tử thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng ba 2022
  3. Hắc Liên

    Bài viết:
    566
    Chương 2: Gieo nhân sẽ gặt quả

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào một ngày cuối tháng sáu của năm 2016, tôi nhận được điện thoại của một người quen cũ, hóa ra là chị Thúy, người đã từng là đồng nghiệp của tôi. Chị Thúy đã sang Nga từ năm 2012, thỉnh thoảng chị có gọi vài cuộc điện thoại về, lần này trở về chị không hề báo tin cho gia đình vì chị muốn tạo bất ngờ!

    Nghĩ tới chị Thúy, tôi thường cảm khái, chuyện đời quả thật vô vàn điều bất ngờ mà chúng ta thường không nghĩ tới.

    Năm 2011, tôi chân ướt chân ráo bước chân vào công ty An Hải với vai trò kỹ thuật viên kiêm thông dịch viên. Gặp chị Thúy lúc ấy, tôi biết chị không ưa gì tôi, bởi chị là một kỹ thuật tay ngang. Tôi mới ra trường, kinh nghiệm hầu như không có, có lẽ hầu hết mọi người trong công ty đều có chung suy nghĩ: Vì tôi hơn họ ở chỗ tôi có thể thành thạo nói chuyện cùng vị giám đốc người Nga nên mới được ưu ái nhận vào.

    Thông thường 'lính mới' luôn bị 'lính cũ' bắt nạt! Tôi cũng không tránh khỏi. Dù vậy, qua ba tháng đầu nỗ lực làm việc, thành quả lao động của tôi cũng được nhìn nhận, và tất nhiên chị Thúy đã thay đổi cách nhìn về tôi, chúng tôi liền trở nên thân thiết.

    Ba tháng đầu tiên làm việc, tôi thường chứng kiến cái cảnh chồng của chị ấy say khướt rồi đến trước cổng công ty la hét, chửi rủa chị Thúy, tôi dần tìm hiểu mới biết được hoàn cảnh của chị. Chị Thúy lớn hơn tôi hai tuổi, cưới chồng từ năm hai mươi, đã có một bé gái bốn tuổi. Chồng của chị ấy là một kẻ lười biếng, suốt ngày rượu chè, trai gái.

    Khi đến nhà chị Thúy, tôi vô cùng bàng hoàng. Đây gọi là nhà ư? Một cái chòi nhỏ rách nát, giống như một cái khung được bao bọc bởi mấy chục miếng mút màu xám tro. Vì tôi đến bất ngờ, chị thấy tôi, chị ngạc nhiên, buông bỏ cả cái mùng đang chấp vá. Nước mắt chị lan tràn khắp mặt khi nhìn một mớ túi lới túi nhỏ tôi mang tới.

    Chị nghẹn ngào hỏi: "Làm sao em biết nhà chị? Mà tới đây làm chi?"

    Tôi cười cười, cố ý không nhìn tới đôi mắt đỏ âu của chị, "Có cái miệng để làm gì? Hỏi là ra ngay!"

    Nhà của chị Thúy ngược hướng đường tới công ty, mỗi ngày chị phải thức dậy sớm để đi bộ gần cả tiếng đồng hồ mới tới nơi. Mọi hôm tôi vẫn thấy chị đi bộ đến chỗ làm, tôi cứ nghĩ nhà chị ở khu xóm Phước Đồng gần công ty, nào biết nhà chị cách xa vậy. Thế là những ngày sau đó tôi ghé ngang nhà chị, đèo chị đi cùng.

    Chị Thúy ngồi sau xe, đập tay lên vai tôi rồi nói: "Luyến, lát nghỉ trưa đi cùng chị tới chỗ này không?"

    "Đi đâu vậy?" Tôi hỏi.

    Chị nói: "Đi thăm bà cụ kia, mấy bữa nay con Ngân bệnh nên chị chưa ghé qua, không biết bà cụ có ai cho ăn không?"

    Tôi từng nghe cô đầu bếp ở nhà ăn kể, tính của chị Thúy rất tội, tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng lại có tính thương người. Chị hay tìm tới những người già neo đơn để chăm sóc họ. Có người bị bệnh ghẻ lỡ đầy mình, con cái không dám cũng không thèm ngó tới, vậy mà chị lại tìm tới chăm sóc họ.

    Tôi hỏi chị: "Chị Thúy, chị đã khổ rồi, thân mình còn lo chưa xong sao lại chạy đi lo cho người khác. Họ có con cái, cháu chắt họ lo chứ?"

    Chị "hừ" một tiếng rồi nói: "Sau này chị có già, có bệnh, có dơ dáy, ước gì cũng có người lo cho chị. Với lại, sao chị thấy thương người ta quá!"

    Gần một năm tôi làm bạn với chị Thúy, cũng đã nhiều lần tôi theo chân chị tìm tới nhiều người khốn khổ. Tôi mới biết được thế nào là giúp người đúng cách, không cần bạn phải phô trương đi từ thiện quyên góp cho các tổ chức, không cần phải bỏ ra đống tiền để phóng sinh, chỉ cần tâm của bạn phát thiện thì nơi đâu cũng có thể là nơi bạn ban phát. Tôi thường nghĩ, chị Thúy làm nhiều việc tốt đẹp như vậy tại sao chị lại khổ đến thế! Nhà của chị chỉ là một cái chòi nhỏ, tiền bạc lúc nào cũng thâm thiếu lại có thêm một ông chồng 'xấu tệ'. Liệu những gì chị làm có được phước báo? Tôi nghĩ, chị Thúy làm theo cái tâm của chị mách bảo chứ chẳng cần gì phước báo. Chị thường nói: "Tự nhiên cảm thấy muốn làm mấy việc đó, với lại chị thấy tâm tình thỏa mái lắm!"

    Tôi hiểu những gì mà chị nói, ví như những lúc bé Ngân nhận được chút quà ít ỏi tôi mang đến, bé sẽ vui mừng đến phát khóc. Lúc ấy, tôi nhìn nụ cười của bé Ngân mà lòng cũng ngọt theo.

    Tôi tin trên đời này có nhân quả!

    Cuối năm 2011, chị Thúy ly hôn chồng, chị bế con về nhà mẹ đẻ ở. Tất cả mọi người trong công ty vui mừng thay chị.

    Đầu năm 2012, tôi bất ngờ khi chính tai mình nghe được lời nói từ 'sếp lớn', tôi kinh hô trước mặt vị sếp lớn của mình: "What?"

    Chuyện là thế nào đây? Vị sếp lớn của tôi cười nói rằng, bạn của ông ấy thầm mến chị Thúy hơn một năm nay rồi, bạn của ông ấy không ngại chị Thúy đã từng ly hôn, cũng không ngại chuyện chị đã có một đứa con gái. Hóa ra cái người đàn ông đã để mắt đến chị Thúy là tên Lev ấy.

    Tại sao tôi lại không nghĩ tới chứ? Anh Lev hơn chị Thúy ba tuổi, anh là người Nga, cũng là một kỹ sư nuôi trồng thủy sản, anh không hề biết tẹo nào chút tiếng việt. Ấy vậy mà lại yêu đơn phương chị Thúy?

    Lúc chồng cũ của chị Thúy tới trước cổng công ty quát tháo chị, anh Lev khua tay múa chân nói một tràng tiếng Nga mà chẳng ai hiểu. Những lúc chị Thúy ngồi một mình chống cằm tại nhà ăn, tôi lại thấy anh đứng bên ngoài chăm chú nhìn vào. Hóa ra anh đã yêu chị!

    Giữa năm 2012, chị Thúy kết hôn cùng anh Lev trước sự ngỡ ngàng của vô số người. Cuối năm ấy, chị theo anh qua nước Nga xa xôi. Sang năm sau chị báo tin cho tôi biết, chị đã sinh một bé gái, anh Lev đặt tên bé là May. Tôi vui mừng thay chị, chị cũng chưa bao giờ nghĩ cuộc đời chị lại có lúc được hạnh phúc. Tôi nói: "Tâm của chị tựa như Bồ Tát, những gì chị gặt được đều do chị gieo nhân tốt"

    Chị cười và động viên tôi: "Tương lai em cũng sẽ hạnh phúc, nhớ đừng bao giờ làm điều sai trái nghe chưa?"

    "A di đà phật! Chắc em còn chưa có giác ngộ được"

    Chị Thúy "ha ha" cười lớn tiếng.

    Thập Nhị Liên Hoa
     
    CaoSGHạ Nguyên Tử thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng năm 2019
  4. Hắc Liên

    Bài viết:
    566
    Chương 3: Thiện Lương

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thiện lương là gì? Bạn đã bao giờ tự hỏi bạn có tính thiện?

    Con người khi mới sinh ra, đã mang bản tính lương thiện. Trong bạn, trong tôi, luôn tồn tại một 'tính thiện'.

    * * *

    Sau khi chị Thúy theo chồng sang Nga, tôi có thêm một người bạn mới. Người bạn này của tôi rất 'đặc biệt' theo cách nghĩ của tôi.

    Tôi còn nhớ rõ cái ngày đầu tiên tôi gặp Lễ, em mặc một chiếc quần âu cũ kĩ kết hợp áo sơ mi caro cũng chẳng mới gì, cậu nhóc nhìn qua mới chỉ mười bảy mười tám. Quả thật, Lễ mới chỉ mười tám tuổi.

    "Chị, em tới chỗ chị lau chà bể."

    Lễ gãi đầu, ngượng ngùng nhìn tôi.

    Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy 'lính mới'. Quần âu, áo sơ mi, mặc nguyên bộ này đi vệ sinh bể? Tôi liền nói:

    "Em mới vào làm hả? Làm thời vụ hay chính thức?"

    "Làm thời vụ thôi chị, khi nào cần lau chùi quét dọn thì em mới tới làm."

    Giọng nói của em the thé, tay vẫn cứ gãi đầu bối rối. Nhìn dáng em cao gầy, tuổi còn nhỏ như vậy lại xin làm việc nặng nhọc, tôi liền cảm mến em ngay từ lần đầu gặp!

    Sau mấy tháng quen thân, tôi hỏi em vì sao đi làm công việc vệ sinh lại ăn mặc chỉnh chu thế? Em gãi đầu nói:

    "Ngày đầu ra mắt cho lịch sự mà chị."

    Ban đầu quý mến em, về sau tôi lại thấy thương em. Em không có mẹ, ba em đã tái hôn, em sống với bà ngoại. Em nghỉ học từ năm lớp 9, kinh nghiệm làm việc vô cùng phong phú. Em từng làm chân chạy bàn cho quán bún phở, từng phụ bếp ở quán cơm, từng đi theo chú bác phụ hồ, cũng từng đi chăn bò mướn. Mới mười tám tuổi, em đã nhọc nhằn như thế đó.

    Em nói: "Nay bà ngoại em yếu rồi, không còn đi cắt rau cho người ta nữa, em phải lo cho bà mà chị."

    Có lần, Lễ cầm chiếc kéo của cô đầu bếp tới trước mặt tôi, em nói: "Chị, chị tỉa lại tóc cho em với, tóc nay sao nhanh dài quá!"

    Lại có lần em hỏi tôi: "Chị có đem theo kim không? Khâu giúp em cái túi bị rách."

    Tôi có hỏi em, tại sao lại bám theo tôi chơi? Công ty này thiếu gì người đâu? Em nói: "Em ở gần nhà chị Thúy, thấy chị hay đi chung với chị Thúy nên tự nhiên mến chị."

    Hóa ra Lễ là hàng xóm của chị Thúy, tôi lúc ấy mới biết.

    Một lần tôi đi làm sớm hơn mọi ngày, tôi thấy Lễ đi bộ đằng trước, trên tay còn xách lủng lẳng một ổ, à không, là nửa ổ bánh mì. Sau khi em ngồi lên xe, liền mở bọc, lấy bánh mì ra nhai ngấu nghiến. Tôi đùa em: "Ăn nửa ổ trước lấy sức đi bộ, gần tới công ty làm tiếp nửa ổ nạp lại năng lượng hả?"

    "Đâu có! Nửa ổ chia cho ông Tư, còn nửa ổ em ăn." Lễ nói.

    Tôi thờ thẩn người chốc lát, cách nhà Lễ mấy căn là ngôi nhà lụp sụp của ông Tư, lúc trước chị Thúy hay ghé qua chăm ông, nay không biết con cháu ông có thường ghé qua hay không?

    Tôi hỏi: "Con cháu ổng có thường tới chăm ổng không?"

    Lễ nói: "Thỉnh thoảng ghé qua, để lại cơm rồi đi. Lâu lâu có mấy người cháu tới giặt quần áo cho ổng."

    "Có người chăm là mừng rồi." Tôi gật đầu nói.

    Thằng nhỏ vừa nhai bánh vừa nói: "Đều là quả báo mà chị, nhưng cũng thấy tội ổng, ổng già rồi, lú lẫn rồi có nhớ gì nữa đâu."

    Đúng vậy, gieo nhân nào thì gặt ngay quả đó. Nghe nói, ông Tư lúc còn trẻ rất điển trai, lại là công tử con nhà giàu, bản tính phong lưu. Ông từng bỏ vợ bỏ con, gom góp hết tài sản của cha mẹ để lại để chạy theo 'bồ nhí', đến khi số tài sản vơi dần, người tình cũng bỏ ông mà đi. Vốn công tử nhà giàu, ăn chơi đã quen làm sao có thể lao động nặng nhọc, rồi ông lại lao mình vào lô đề, nợ nần chồng chất. Đến khi trốn chạy quay trở về quê hương thì 'thân tàn ma dại', sống vất vưởng ở cái nhà đắp đất thịt, con cái hận ông nhưng vì công cha sâu nặng, họ không nỡ bỏ mặt ông, thỉnh thoảng lại thay phiên nhau tới chăm.

    Tôi không ngờ, Lễ lại là người nối tiếp hành động cao đẹp của chị Thúy, một cậu nhóc mới mười tám tuổi lại có thể hiểu sâu và rõ hai từ "nhân quả". Em nói: "Biết đâu ông trời cũng tội nghiệp em."

    Có thể Lễ không thật tâm như chị Thúy, cũng có thể em hi vọng và trông đợi phước báo sẽ tìm đến em như tìm đến chị Thúy. Dẫu cho tâm của em có bao nhiêu cái suy nghĩ, bao nhiêu điều chờ mong nhưng hành động của em đã là hành động tốt đẹp, chia sẻ yêu thương, chia sẻ thứ em có, dẫu có ít ỏi.

    Một năm sau đó, tôi nghĩ làm, tôi không còn gặp Lễ nữa. Tôi nghe nói, Lễ đã đi Sài Gòn làm.

    Rất lâu sau, có lẽ là ba năm sau đó, tôi tình cờ gặp được em trên Facebook, em kể: "Em vào Sài Gòn, đi theo người lớn phụ hồ trong này kiếm tiền nhiều hơn ở quê, sau em cũng học chút ít việc xây sửa, giờ em đã ăn theo công thợ chính rồi chị, một ngày được gần ba trăm nghìn."

    Lễ không ăn chơi tiêu xài, tiền kiếm được đều gửi về cho bà ngoại. Em nói: "Đợi vài năm nữa kiếm được kha khá, em về quê luôn. Ở đây bon chen phức tạp, ở quê là sướng nhất."

    Lễ khi mới mười tám tuổi đã cần cù lao động, tính tình thiện lương, nhiệt thành giúp đỡ người khó khăn hơn cả em. Sau bao nhiêu năm em vẫn vậy, vì em thiện lương nên ở đâu cũng có người yêu mến giúp đỡ, vì em thiện lương nên thợ cả mới truyền nghề cho em, sớm cho em lên thợ xây chính thức. Tôi không biết phước báo đã đến với em chưa, nhưng tôi đã nhìn thấy được tương lai của em không còn mờ mịt như trước.

    Theo tôi, thiện lương chính là hành trang theo chúng ta trên chặng đường đời. Vì từ lúc chúng ta bắt đầu cất tiếng khóc chào đời, thiện lương đã ngự trị trong ta.

    End

    Thập Nhị Liên Hoa
     
    CaoSG thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng ba 2022
  5. Tinh Tổng Bạch Cốt Tinh kinh nhất diễn đàn!!!

    Bài viết:
    453
    Nhận xét từ BGK cuộc thi sáng tác truyện ngắn 2019:

    BGK @LangCa

    Bài viết đơn giản! Nhưng giá trị nhân văn rất lớn! Có một số chỗ dùng dấu, ngắt câu không đúng. Nhưng nhìn chung bài viết rất tốt! Chân thật!

    BGK @CaoSG

    Thông điệp rõ ràng, tiết tấu nhẹ nhàng, chậm chậm đến có phần dửng dưng với danh lợi. Tuy nhiên, khi kết hợp với ngữ cảnh lại hài hòa, phù hợp.

    Khuyết: Truyện mang tính chất tự sự, kể lại chuyện đã xảy ra trong quá khứ với tình tiết rất thật. Chính vì vậy, độ sáng tạo trong tác phẩm (theo mị) gần như không có. (*Trừ thang điểm sáng tạo)

    BGK @Leon

    Ưu điểm:

    - Trình bày truyện của chị khá tốt, rất rõ ràng. Câu từ chau chuốt, gợi hình khá.

    - Nội dung nói tới phật tại tâm của nhân vật chính cũng như những sự việc, may mắn xảy ra với những con người thân thiết xung quanh nhân vật chính làm nổi bật mục đích chính của truyện về những lời răn dạy của phật cho chúng sinh.

    Nhược điểm:

    - Tiêu đề truyện khó gây ấn tượng vì với mảng truyện này việc tiếp cận giới trẻ rất khó.

    - Tình tiết truyện chưa thực sự nổi bật, khá bình thường khiến cho câu chuyện sẽ trôi tuột qua và ít đọng lại trong tâm trí người đọc.
     
    Hắc Liên thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...