Bài văn phân tích nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Ba đồng một mớ mộng mơ - Nguyễn Ngọc Tư

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 25 Tháng ba 2025.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    81
    Đề bài: Anh/chị hãy phân tích nội dung và nghệ thuật truyện ngắn "Ba đồng một mớ mộng mơ" của Nguyễn Ngọc Tư bằng bài văn khoảng 800 chữ.

    Bài làm tham khảo​

    Nguyễn Ngọc Tư là một nữ nhà văn tài năng và có nhiều đóng góp quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam với nhiều tác phẩm gây được tiếng vang lớn. Giọng văn của Nguyễn Ngọc Tư đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, chìm nổi, "cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh". Truyện ngắn của chị thường mang đậm tính chân thực và sắc sảo, xây dựng hình ảnh nhân vật một cách đa chiều, sống động giúp người đọc hiểu hơn về cuộc sống thông qua những câu chuyện đầy cảm xúc. Và "Ba đồng một mớ mộng mơ" là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách sáng tác của người nghệ sĩ ấy.

    Chủ đề chính của truyện là cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt của những người dân lao động ở vùng quê Nam Bộ, đặc biệt là những người phụ nữ phải vật lộn để mưu sinh trong một xã hội đầy thử thách. Đoạn truyện xoay quanh nhiều suy nghĩ của nhân vật "chị" giữa cuộc sống đời thường trong sự đối lập giữa hiện thực và ước mơ. Qua đó, tác phẩm khắc họa được những ước mơ, hy vọng mong manh của con người, đặc biệt là những mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn, mặc dù họ phải đối mặt với những thực tế đầy khó khăn, nghèo đói. Nhà văn sử dụng lối viết nhẹ nhàng nhưng đầy cảm xúc, qua đó bày tỏ sự cảm thông với những con người bình dị trong xã hội.

    Truyện là tình huống nhận thức tỉnh ngộ của "chị" khi nhận ra rằng mộng mơ lãng mạn lại quá khó khăn, thậm chí đắt đỏ với những người xung quanh chị. Tình huống truyện đã đặt "chị" vào mối quan hệ với những người từ ngoài xã hội đến trong gia đình để thể hiện niềm mong mỏi khát khao của nhân vật được sống một cuộc đời dịu êm, thoát khỏi những áp lực của cuộc sống đời thường. Tình huống giữa chị với một đứa trẻ mà chị gặp khi tham gia vào nhóm tình nguyện. Đó là một đứa trẻ tật nguyền còn nhiều năng lượng sống, năng lực nhận thức cũng rất hạn chế. Nhà văn đã miêu tả đứa bé bằng những hình ảnh đáng thương, tội nghiệp "Xương nó nhô ra mẩu nào cũng bén ngót. Miệng liên tục đớp không khí, nước dãi ri rỉ chảy ra bên khóe môi sần sùi". Nó cứ níu lấy chị, "mắt ầng ậc nước", tỏ ra quyến luyến khi chị sắp đi. Niềm mơ mộng trong chị trỗi dậy khi biết đứa trẻ này đã hai mấy tuổi mà như lên năm và chị mơ mộng quá mức nên tưởng rằng cách nó níu kéo, cách nó nhìn chị da diết là tình cảm của một chàng trai dành cho chị. Chỉ cho đến khi nó kéo sát chị vào để cố nói lên một tiếng "TIỀN" thì chị mới thoát ra khỏi sự mộng mơ. Lúc ấy, chị mới hiểu thì ra bên trong một đứa trẻ tàn tật là gánh nặng của gia đình, nó không có ước mơ đẹp đẽ tròn trịa mà chỉ thốt lên một chữ tiền giống như đây là lẽ sống của nó và mong muốn đẹp đẽ không đủ để vượt qua thực tế đầy cay đắng. Tình huống đặt cô gái ấy vào cuộc sống gia đình cho chị thấy hết sự lạc lõng, cô đơn của một người mộng mơ như chị, chị quan tâm mẹ chồng, các em chồng bằng việc mua sắm một số thứ để mẹ và các em có cuộc sống vui vẻ hơn nhưng những thứ chị mua thì mẹ chồng không dùng, bà cất nồi cơm điện, không mặc bộ quần áo vì sợ rằng nó sáng quá. Đến cái bình hoa vải chị mua về để ngôi nhà sáng hơn thì mẹ chồng chị cũng cất đi, dường như bà không quan tâm đến việc làm đẹp mà chỉ quanh quẩn với ý nghĩ ăn no mặc đủ là được, bà tiếc của, tiếc tiền là vậy nhưng đến những đứa em chồng chị cũng không khác gì. Chị mua truyện tranh cho chúng, những thứ làm chúng háo hức phải là cái bánh mì. Với bọn trẻ, được ăn vui hơn hẳn là những thứ thú vị trong truyện tranh. Người mẹ chồng và những đứa em chồng đưa chị trở về với cuộc sống đời thường rằng bộ quần áo mới, truyện tranh hãy dẹp lại cho những thứ thiết thực của đời thường là đường, nước mắm, bột ngọt.. Cuộc sống này không có chỗ cho những mộng mơ của chị và những việc chị đã làm dại trở nên vô nghĩa.

    Truyện không chỉ thành công về nội dung, mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Điểm nhìn trần thuật toàn tri, ngôi kể thứ ba được tác giả vận dụng một cách tinh tế để thể hiện diễn biến tâm trạng, dòng hồi tưởng của nhân vật. Giọng điệu kể chuyện nhẹ nhàng, nhưng chất chứa nỗi buồn, xót xa. Giọng điệu trữ tình được thể hiện qua nhiều câu văn cảm. Có thể nói, những nét nghệ thuật ấy đã góp phần tạo chiều sâu trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật, thể hiện được nỗi khao khát, mong muốn của con người và phản ánh hiện thực cuộc sống.

    Có thể nói, đây là truyện ngắn đầy cảm xúc, vừa sâu sắc vừa gần gũi, đặc sắc về nội dung và nghệ thuật. Nguyễn Ngọc Tư không chỉ khắc họa sự đối lập giữa mơ mộng và thực tế mà còn gợi mở những bài học nhân sinh ý nghĩa. Đọc tác phẩm, ta không chỉ cảm thông với nhân vật chị mà còn suy ngẫm về chính mình trong cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa và giá trị cuộc sống.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...