Review Sách Những Đứa Trẻ Hiểu Chuyện Thường Không Có Kẹo Ăn - Nguyên Anh

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Ôn An Na, 26 Tháng mười một 2023.

  1. Ôn An Na

    Bài viết:
    75
    Tên tác phẩm: Những đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn

    Tác giả: Nguyên Anh

    Reviewer: Ôn An Na

    [​IMG]

    Những đứa trẻ sinh ra trong sự bảo bọc của cha mẹ và người thân có thể làm nũng để được người lớn dỗ dành, nhưng đâu phải ai cũng may mắn như vậy. Có những đứa trẻ luôn nghe lời người lớn, chấp nhận sự sắp đặt của người khác mà không màng cảm nhận của bản thân như thế nào, "Khi người lớn yêu cầu chúng làm gì đó, chúng sẽ vui vẻ làm theo. Không phàn nàn, không oán trách, lại càng không phản kháng cự lại". Từ khi sinh ra, chúng đã không thể sống như ý mình mong muốn. Nữ tác giả Nguyên Anh là người chữa lành cho những tâm hồn bị tổn thương từ thuở bé, tiếp sức cho họ bước tiếp trên đường đời.

    Một đứa trẻ gồng mình quá mức để làm hài lòng người khác. Khi đó nhận thức còn chưa hoàn thiện, như một trang giấy trắng mặc người tô vẽ. Còn người lớn lại vô tâm buộc đứa trẻ phải hiểu chuyện, vì nguyện vọng của gia đình, vì cách giáo dục của cha mẹ để đứa trẻ nghĩ rằng phải hy sinh và san sẻ cho người khác. Không một ai cảm thông và thấu hiểu cho một đứa trẻ chưa lớn, không được nói ra nguyện vọng của mình, không được đòi hỏi gì ở ba mẹ, phải nhẫn nhịn, phải nói lời xin lỗi, phải vâng lời ba mẹ. Khi có thêm em, ba mẹ thường nói, vì em nhỏ nên phải thương em, phải nhường nhịn em, mà không ai nói rằng, con cũng chỉ là đứa trẻ, con cũng cần được nhường nhịn, yêu thương.

    "Thật ra, chúng cố gắng nỗ lực như vậy chỉ vì yêu thương bạn, không muốn mất bạn mà thôi. Chúng trưởng thành sớm, cẩn thận che đi sự yếu đuối, buông thả, giấu đi những ước vọng bé nhỏ trong lòng cùng nỗi mong mỏi được tự do rong chơi chạy nhảy như những đứa trẻ khác".

    Vì trưởng thành trong thế giới như vậy, bạn luôn phải ẩn nhẫn vì người khác, bởi vậy nên bạn cho rằng đó là điều hiển nhiên, rồi tự làm tổn thương chính mình, mất rất lâu để chữa lành vết thương đó.

    Vì trẻ hiểu chuyện luôn chịu thiệt, luôn làm theo lời ba mẹ nên khi trẻ đến tuổi nổi loạn, ương bướng, không còn muốn nghe lời ba mẹ nữa, muốn có chính kiến, sự độc lập và tự quyết định cho mình, ba mẹ không thấu hiểu con, xem đó là ngỗ nghịch. Trong thời gian đó, có thể xảy ra mâu thuẫn giữa hai thế hệ, ba mẹ can thiệp vào cuộc sống của con cái mà không quan tâm đến cảm nhận của con cái. Những uất ức của đứa trẻ tích tụ qua nhiều năm giống như trái bom nổ chậm, chờ dịp nổ tung. Nữ nhà văn cho rằng: "Nếu cha mẹ không may là người thắng cuộc thì xin chúc mừng, bạn đã sinh ra một đứa trẻ yếu đuối, thiếu chính kiến độc lập và quen dựa dẫm vào người khác. Chúng lớn lên với thân xác của một con người trưởng thành, nhưng tinh thần lại yếu đuối, mong manh như một đứa trẻ. Bạn có được chiến thắng nhất thời, nhưng bạn cũng phải đối mặt với gánh nặng lâu dài."

    Trên thế gian có người cha người mẹ nào không thương con đâu chứ, chẳng qua họ thương quá mức, suy nghĩ, lo lắng cho con quá nhiều, đến từng miếng giấc ngủ cho con nên có những sai lầm khó có thể vãn hồi:

    "Kiểm soát khiến việc nuôi dạy con trẻ trở nên dễ dàng, đơn giản hơn, bởi vậy càng khiến bậc làm cha mẹ không tình nguyện chuyển giao quyền lực. Khi con trẻ lớn dần, bắt đầu tự ý thức, có mong muốn tự lập, một số phụ huynh vẫn không muốn từ bỏ sự kiểm soát với con mình. Các bậc phụ huynh này thường luôn miệng cho rằng" vì muốn tốt cho con "," vì quá yêu thương con ", nhưng thực chất họ đang kiểm soát cuộc sống của con cái, phủ nhận nhân cách độc lập của trẻ, can thiệp và cản trở sự trưởng thành tự lập của chúng, đồng thời gây nên những tổn thương tinh thần dai dẳng cho con cái".

    Cuốn sách là chuỗi câu chuyện xảy ra ngoài đời thực, của chính tác giả và tác giả chứng kiến ngoài đời thực. Mình thích nhất cách Nguyên Anh phân tích tâm lí nhân vật, giống như được hòa quyện vào nhân vật, cả đứa trẻ và ba mẹ. Từ góc nhìn cùa đứa trẻ, ta thấy được những sai trái trong cách hành xử của bậc phụ huynh, từ đó thay đổi cho phù hợp với hiện tại. Trong gia đình, cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu mâu thuẫn trong gia đình. Khi đó, chúng ta phải giao tiếp, nói ra những khó chịu trong lòng, chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt để thêm thấu hiểu, đặt vào vị trí của nhau để cảm thông.

    Nguyên Anh viết cuốn sách "Những đứa trẻ hiểu chuyện thường không có kẹo ăn" mong muốn được xoa dịu những trái tim trầy xước, để bạn bước tiếp con đường mình đã và đang đi với tinh thần thoải mái.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...