Review Phim Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh - Victor Vũ - Thế Giới Quan Của Những Đứa Trẻ Hồn Nhiên

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi MTrang1102, 23 Tháng bảy 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Phim: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

    Đạo diễn: Victor Vũ.

    Thể loại: Tâm lý, tình cảm.

    Năm phát hành: 2015

    Thời lượng phim: 92 phút.

    Diễn viên chính: Thịnh Vinh, Trọng Khang, Thanh Mỹ, Lê Vinh, Trương Tử Liên, Nguyễn Anh Tú..

    Chuyển thể: Tiểu thuyết "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

    Reviewer: MTRang

    [​IMG]

    Bộ phim điện ảnh chuyển thể khiến mình tâm đắc nhất từ trước cho đến nay là bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Victor Vũ, chưa một bộ phim nào khiến mình ngã mũ thán phục từ cảnh quay, nhạc phim cho đến diễn xuất của dàn diễn viên nhí đều xuất sắc và mang tính điện ảnh cực kì cao.

    Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhưng bỏ qua vấn đề so sánh giữa bản chuyển thể và bản tiểu thuyết, thì bộ phim điện ảnh mang đậm những hình ảnh và ngôn ngữ điện ảnh đặc thù mà khiến bản thân mình cực kì tâm đắc. Bộ phim từng xuất sắc nhận giải thưởng lớn ở Cánh Diều Vàng Việt Nam và giải thưởng ở Liên hoan phim Việt Nam, ngoài giải thưởng trong nước, phim xuất sắc nhận giải thưởng quốc tế cho Liên hoan Phim quốc tế Toronto (TIFF) năm 2016 và từng đoạt giải ở hạng mục "Phim hay nhất" ở Liên hoan Phim quốc tế Silk Road 2015 ở Phúc Châu - Trung Quốc. Các giải thưởng trong và ngoài nước, đặc biệt là giải thưởng cho đạo diễn và quay phim xuất sắc nhất càng thêm khẳng định sự trau chuốt của chính đạo diễn, bằng những khung hình điện ảnh mang đậm phong cảnh đặc trưng của Việt Nam. Thậm chí, địa danh dùng để làm bối cảnh cho phim là vùng đất Phú Yên với những khung hình yên bình và đặc biệt cảnh đồng cỏ xanh mướt đã khiến vùng đất sau khi phim được khởi chiếu đã đem lại cho khán giả sự bồi hồi và đặt tên cho vùng đất Phú Yên là "vùng đất hoa vàng cỏ xanh", sự xuất sắc của bộ phim đã quảng bá nước ta đến cho bạn bè thế giới và thu hút nhiều du lịch đối với "vùng đất hoa vàng cỏ xanh" đầy nên thơ, yên bình và trong trẻo.

    [​IMG]

    Vùng đất Phú Yên hiện lên trong phim đẹp một cách nao lòng.​

    Câu chuyện của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" cũng vô cùng hồn nhiên và trong trẻo khi kể về những câu chuyện thời thơ ấu với những xung đột và cảm xúc của trẻ nhỏ vùng quê nghèo ở miền Trung, bên cạnh là những câu chuyện về gia đình, về quê hương và về tình anh em, bạn bè. Phim tập chung xoay quanh ba nhân vật, đầu tiên là người anh hai Thiều (do Thịnh Vinh đảm nhận), em trai của Thiều là bé Tường (do Trọng Khang đảm nhận) và cô bé cùng lớp mà Thiều thầm mến là Mận (do Lâm Thanh Mỹ đảm nhận). Câu chuyện xoay quanh kể về những ngày tháng tuổi thơ của ba nhân vật chính. Thiều và em trai Tường sống những ngày tháng tuy nghèo đói nhưng luôn tươi vui và hồn nhiên yêu thương nhau, về sau Thiều cảm nắng cô bạn gái cùng lớp tên Mận, và hàng loạt những tình huống có đau buồn có lẫn hạnh phúc đơn sơ dưới góc nhìn của những cô cậu bé tiểu học. Câu chuyện đơn giản nhưng khi xét về cốt truyện và tâm lý trẻ thơ, ta mới thấu hiểu rõ sự chân thực mà câu chuyện khắc họa, mang nhiều ý nghĩa về vùng quê miền Trung nghèo mộc mạc và ở đó bọn trẻ hồn nhiên với tâm hồn trong sáng đang dần trưởng thành trong chính ngôi làng nhỏ bé của mình.

    Đầu tiên, cách mà hình ảnh con Cóc tía xuất hiện ở đầu câu chuyện cho mình thấy cách kể chuyện cực kì tinh tế của nhà làm phim, thông qua con Cóc tía, ta hiểu được rất rõ tính cách của hai nhân vật anh em Thiều và Tường. Cậu bé Tường vốn tính tình hiền lành, tốt bụng và sống nội tâm, cậu bé chỉ trò chuyện cùng con Cóc tía xù xì xấu xí, cậu kể câu chuyện về con Cóc tía vô cùng sống động, đưa khán giả là những người lớn như chúng ta được hòa nhịp vào câu chuyện của bọn trẻ từ đây, ta bắt buộc phải hiểu cốt truyện theo tư duy của những đứa trẻ hồn nhiên. Bên cạnh em mình là Thiều, cậu bé có tư duy và suy nghĩ khá phức tạp hơn, phải nói cậu là nhân vật trẻ con đầy chân thật nhất với nhiều tính cách bồng bột, nghịch ngợm, hào hiệp và khá tinh quái, cậu bé rất yêu em trai mình và mọi bí mật hầu như chỉ có hai anh em cậu cùng biết. Sẽ không có gì thay đổi cho đến khi, Thiều cảm thấy ghen tỵ và vô cùng khó chịu khi chứng kiến cô bé cùng lớp mình thầm thích lại chỉ chơi cùng em trai mình, từ chi tiết nhỏ khi cậu làm ngơ để người lớn bắt mất con Cóc tía của em mình, cũng bộc lộ cho thấy sự ích kỷ của một cậu học sinh lớp 7 với nhiều sự xung đột trong lòng mình. Đoạn Cóc tía bị bắt đi cũng bỏ lại trong lòng Tường một nỗi tổn thương rất nhiều, rằng người lớn không bao giờ hiểu được tâm trạng thất vọng ấy lớn ra dường nào khi chính cậu coi Cóc tía là bạn, còn người lớn chỉ coi nó là một món ăn.

    [​IMG]

    Tiếp theo là nhân vật Thiều, đây là nhân vật mà đạo diễn gửi gắm để mang tiếng nói và quan điểm của tác giả, đây là nhân vật cũng được xem chủ chốt và tất cả cốt truyện đều được đặt dưới góc nhìn của Thiều, người xâu chuỗi lại tất cả những câu chuyện rời rạc từ bên lề như chuyện tình của chị Vinh và chú Đàn và những câu chuyện của người lớn trong phim. Thông qua cái nhìn non trẻ và ngây thơ của một cậu nhóc Thiều chỉ mới lớp 7 với nhiều tính cách bốc đồng, đạo điễn đã kể lên câu chuyện ngây ngô một cách vô cùng chân thật và gần gũi, cách nhìn và cảm nhận của một đứa trẻ về thế giới của người lớn. Dưới cái nhìn của nhân vật Thiều, đạo diễn đã xuất sắc kể nên câu chuyện về lũ trẻ ở những tháng ngày yên bình trong vùng quê nghèo đơn sơ, dẫu cuộc đời vẫn luôn khắc nghiệt và nghèo đói, thì lũ trẻ con vẫn ở trong một thế giới riêng của mình, vẫn hồn nhiên giữa cái khó khăn.

    Trái ngược với khung cảnh ngây ngô, nghịch ngợm trong thiên nhiên trong lành tươi sáng của lũ trẻ thì ở giữa phim, khung cảnh chuyển biến đột ngột, những khung hình vô cùng lắng đọng người xem kéo đến dồn dập, bắt đầu từ việc Mận khóc trước đám cháy nức nở, đám lửa rực cháy trong sự hỗn loạn của người lớn, những đứa trẻ chỉ biết thẫn thờ và khóc theo người lớn. Rồi đến cảnh bọn trẻ chứng kiến một tình yêu của người lớn, nó vô cùng phức tạp, theo góc nhìn ngu ngơ khi nhìn chị Vinh và chú Đàn cùng nhau bỏ trốn để thoát khỏi sự ngăn cản của gia đình, bọn trẻ vẫn nghĩ cuối cùng tình yêu của họ cũng đã tìm được một cái kết đẹp, bọn trẻ mơ về những câu chuyện hoàng tử và công chúa rồi nghĩ tình yêu là điều gì đó thật đẹp đẽ và dễ chịu, ắt hẳn trong chính chúng ta là một người lớn cũng hiểu tình yêu chưa bao giờ đơn giản như một trò chơi "vợ chồng" của lũ trẻ hay rủ nhau chơi. Cho đến cảnh Thiều phải đi bới móc đồng ruộng đã trơ trọi hoang sơ do cơn lũ và mất mùa để lụm từng củ khoai, thậm chí tranh nhau cùng lũ trẻ khác để đem khoai về cho Mận và Tường đang ở nhà, khung cảnh hoang tàn cùng sự liều lĩnh theo bản năng của tụi nhỏ mang đến cảm giác rất nặng n. Và nối tiếp là khung cảnh Thiều mang khoai về cho em trai, lại bắt gặp Mận và Tường đang lén lút ăn một món gì đó rất ngon, xâu chuỗi lại tất cả sự phẫn uất trước đấy, Thiều mang tâm trạng tức giận đến tột đỉnh, em dùng cây chỉ vội đánh rất mạnh vào người Tường cho hả cơn giận, rồi lại đau đớn nhận ra tất cả chỉ là do Tường với Mận tự tưởng tượng ra món ăn ngon đó vì đói.

    [​IMG]

    Kết cấu kể chuyện tường tận, từ những chi tiết trước đó được thể hiện qua từng khung hình vô cùng tinh tế và đẹp đến nao lòng, nó khiến người xem luôn phải nhớ đến từng khung đoạn, để rồi khi sự kiện bất ngờ ập đến, ta dễ dàng xâu chuỗi lại tâm lý nhân vật mà đạo diễn đã khắc họa, để hiểu tại sao một đứa trẻ lại hành động bộc phát như vậy, ta rõ ràng có thể trách Thiều nông nỗi, không thương em mình, nhưng mỗi đứa trẻ khi trưởng thành đều phải học cách chuộc lại lỗi lầm. Thiều đã dần nhận ra lỗi sai của mình, thậm chí đứa trẻ đã vô cùng dằn vặt và hối hận khi thấy Tường một mực không khai ra ai đánh mình, mà chỉ bảo là té. Ở Tường, đạo diễn không kể quá sâu nhưng thoáng qua bằng cách nhìn của Thiều, ta rõ ràng thấy Tường là đứa trẻ vô cùng tình cảm, cậu yêu thương anh trai mình vô bờ, tình cảm vĩ đại ấy dù cho có bị phản bội thì đứa trẻ như Tường vẫn một mực tin vào anh trai mình. Vì sau cùng, lỗi không nằm ở những đứa trẻ trong câu chuyện, lỗi nằm ở sự khắc nghiệt của cuộc sống thôn quê nghèo đói

    Nỗi đau và biến cố xảy đến với những đứa trẻ tạm thời ngưng lắng đi, đạo diễn lại cho kể tiếp cốt truyện trần thuật của mình qua đứa trẻ Thiều một cách sâu lắng và dễ chịu trở lại, không còn thấy giọt nước mắt của đứa trẻ nào. Đạo diễn kể về quá trình hai anh em trở về thân thiết hơn xưa, cậu bé Thiều học cách chuộc lại lỗi lầm và thương em mình chân thành hơn rất nhiều. Để đưa sự hồn nhiên trở lại, nhân vật "công chúa" xuất hiện trong cuộc sống của hai anh em, "công chúa" giúp Tường khỏe mạnh hơn từng ngày, và phong Tường là "phò mã". Tò mò trước một "công chúa" kì lạ, hai anh em Tường lập kế hoạch đi theo tìm hiểu, và phát hiện thật ra đó là nhỏ Nhi, tưởng chừng đã chết vào ba năm trước nhưng cô bé vẫn sống với một tâm trí không bình thường. Cách kể chuyện từ tốn và vô cùng chậm rãi ở phân đoạn này là một thông điệp chữa lành mà đạo diễn muốn gửi gắm sau biết bao biến cố. Nhưng bên cạnh đó vẫn có gì đó nghèn nghẹn về một tuổi thơ của đứa trẻ bất hạnh, nó thể hiện qua khung cảnh xiếc xe máy trên một cái vòng hình trụ và gặp tai nạn, nó như là một vòng đời quẩn quanh của con người nơi đây vậy, từ những đứa trẻ trong trẻo và bình yên rồi cũng có lúc phải học cách trưởng thành, sống một cuộc đời có cả bi thương lẫn hạnh phúc.

    Sự chữa lành thể hiện qua cách mà ba đứa trẻ quan tâm dành cho nhau, đó là khi "công chúa" Nhi làm nguồn động viên tinh thần chữa lành chân cho "phò mã" Tường, hay khi cả hai anh em cùng nhau tập đi đứng mỗi ngày, rồi lại cùng nhau hào hiệp ra tay giúp nhỏ Nhi trước bọn trêu chọc, điều kì diệu cho sự chữa lành mà cả Tường và Thiều dành cho Nhi cũng đã đến, cô bé bỗng nhiên nhớ lại và hết bệnh, một kết cục rất có hậu, cho ta thêm niềm tin trong cuộc sống. Câu chuyện phò mã và công chúa của Tường chỉ tô đậm thêm sự ngây ngô và niềm tin mãnh liệt của tụi trẻ về một kì tích sẽ luôn luôn xuất hiện.

    [​IMG]

    Niềm tin mãnh liệt nhất của thời thơ ấu là kì tích sẽ luôn luôn xuất hiện.​

    Tổng thể bộ phim được đánh giá là kể những câu chuyện rời rạc để mang đến cho người xem một chuyến tàu tuổi thơ vô cùng trong trẻo và mơ mộng. Tuy nhiên, cách kể chuyện lại mang đến một thông điệp vô cùng ý nghĩa về cách đứa trẻ trưởng thành ra sao. Với các sự kiện ban đầu, đạo diễn cho ra những khung hình vô cùng bình yên và nhẹ nhàng, chậm rãi, cho chúng ta bắt đầu chờ đón để lên chuyến tàu của tuổi thơ, rồi đi đến những khung cảnh cánh đồng diều bao la bát ngát, xuyên qua rừng tre xanh có con suối thanh bình vô cùng thoáng đãng, và kể cho ta nghe vô số câu thơ của trẻ thơ cùng những câu chuyện mơ mộng của ngày ấy. Khi người xem mãi đắm chìm vào từng khung hình, thì đột nhiên sự xung đột kéo đến, ta mới biết những đứa trẻ cũng biết buồn và tổn thương ra sao. Phải nói, những khung hình u buồn, nhạc phim tuổi thơ cũng khiến ta chạnh lòng hơn khi nhìn những đứa trẻ nghèo đang vừa vật lộn với khó khăn vừa phải tiếp tục hành trình tuổi thơ của mình.

    Kể đến đây, vài câu chuyện của tuyến nhân vật phụ vẫn còn bỏ ngỏ, cho ta nhiều câu hỏi về cuộc sống của bé Mận sẽ ra sao sau khi cùng mẹ đi tìm cha, liệu tình yêu chị Vinh và chú Đàn về sau sẽ ra sao khi trốn gia đình bỏ làng quê nghèo để đến với nhau. Câu chuyện bỏ ngỏ để chúng ta tự vẽ nên cho họ một cuộc sống mà chính khán giả mong muốn.

    [​IMG]

    Lối quay phim và diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên nhí vô cùng ấn tượng đã tái hiện lại cho người xem một tuổi thơ có đầy đủ cung bậc cảm xúc, sự hồn nhiên và dễ thương của bọn trẻ khiến người xem yêu mến từng cử chi và lời nới của các em, tất cả đều toát lên vẻ tự nhiên và đầy cảm xúc hoài niệm. Chuyện như một mảng miếng kí ức, cứ qua từng khung hình từng câu chuyện, ta lại gợi nhớ đến kí ức của chính mình vì mọi thứ thể hiện trên màn ảnh rộng quá đỗi chân thật. Cả bối cảnh đều trau chuốt cho từng ngôi nhà tranh lợp lá nghèo, ngôi trường cấp hai đơn giản với bộ bàn ghế thân quen, cho đến cánh đồng diều và miền quê nghèo Việt Nam được lột tả chân thực đến mức gây choáng ngợp. Cho đến đạo cụ được lựa chọn rất tinh tế, chiếc áo sơ mi trắng lấm lem nhiều bùn đất và có cả chiếc áo ngả vàng do sự tinh nghịch của bọn trẻ, chiếc khăn quàng đỏ thắm đầy hoài niệm của đám học trò, được ngắm nhìn hình ảnh tuổi thơ chân thành đến thế là nhờ công của đạo diễn Victor Vũ, ông là đạo diễn vô cùng xuất sắc và tỉ mỉ, mang đến cho ta một khoảng thời gian thưởng thức điện ảnh vừa ngập tràn tuổi thơ vừa ngập tràn cảm xúc.

    Thưởng thức bộ phim là khoảng thời gian chúng ta được lên một chuyến tàu có một không hai quay trở về tuổi thơ lần nữa.

    -HẾT-​
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng bảy 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...