Bài văn nghị luận xã hội về sự trì hoãn Ai đó đã từng nói rằng "Đừng để lười biếng trở thành vết nhơ trên con đường thành công của bạn." Thực vậy, sự lười biếng và trì hoãn chẳng qua chỉ là việc trao đổi giữa niềm vui ngắn hạn và hối tiếc lâu dài. Sự trì hoãn đã trở thành một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại. Sự trì hoãn là hành vi hoãn lại công việc hay mất thời gian vào những việc không cần thiết, thay vì hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trong cuộc sống. Mặc dù ban đầu có thể có lợi thế là khá nhàn hạ, nhưng nó sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng. Đối với cá nhân, sự trì hoãn có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển bản thân và thành công trong công việc. Khi chúng ta trì hoãn, chúng ta trở nên lười biếng và mất đi động lực. Thói quen trì hoãn có thể dẫn đến việc hoàn thành công việc không đúng thời hạn hoặc không đạt kết quả tốt. Điều này có thể gây ra căng thẳng, áp lực và sự không hài lòng trong cuộc sống. Trì hoãn cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ xã hội. Khi chúng ta không thể hoàn thành nhiệm vụ theo đúng thời gian, không đáp ứng nhu cầu của người khác, chúng ta có thể gây thất vọng và mất lòng tin. Điều này có thể gây xao lạc và rạn nứt trong mối quan hệ cá nhân và cả công việc. Sự trì hoãn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của chúng ta. Cảm giác lo lắng, căng thẳng và áp lực có thể gia tăng khi chúng ta để mọi việc trì hoãn. Chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ và tự trách mình khi không thể đạt được những gì đã đề ra. Nếu tiếp tục trì hoãn, chúng ta có thể rơi vào tình trạng trầm cảm và mất niềm tin vào bản thân. Vì lợi ích của bản thân, chúng ta cần hạn chế và vượt qua sự trì hoãn. Phải cần nhận ra và chấp nhận rằng sự trì hoãn không mang lại lợi ích thực sự và chỉ tạo ra rủi ro và căng thẳng. Có rất nhiều người đã gặp phải thất bại trong cuộc sống do sự trì hoãn. Tôi có quen một người bạn, chị ấy lớn hơn tôi vài tuổi, là một sinh viên đại học. Chị ấy có thói quen thường xuyên trì hoãn làm việc, đặc biệt là trong việc hoàn thành bài tập và đồ án. Thay vì làm việc từ bài đầu và phân chia công việc thành nhiều phần nhỏ, chị thường đợi đến gần hạn mới bắt đầu. Hậu quả là chị thường phải gặp áp lực và căng thẳng lớn trong quá trình làm việc, và kết quả cuối cùng đã không được tốt như mong đợi. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của chị và đánh mất cơ hội hoàn thành tốt các khóa học. Không những thế, chị ấy đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng, không thể đáp ứng các mục tiêu xét tuyển vào các chương trình học cao hơn. Sự trì hoãn đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiền đồ của một con người như vậy đấy. Sự trì hoãn không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn ảnh hưởng đến xã hội và cộng đồng chung. Để đối phó với sự trì hoãn đòi hỏi sự tự nhận thức và quyết tâm. Bằng nỗ lực vượt qua sự trì hoãn, ta có thể đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Hãy luôn nhớ rằng "Cần cù là chìa khóa mở cánh cửa thành công."