Trong cuốn sách "Tinh hoa xử thế", nhà văn Lâm Ngữ Đường có đúc rút một kinh nghiệm sống: "Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên con đường đời." Quả thật, khiêm tốn là một trong những phẩm chất đáng quý của con người, bởi nó tượng trưng cho sự kính nhường, thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, từ đó có cách ứng xử khéo léo và ý thức rèn luyện tu dưỡng để vững bước trên con đường chinh phục các mục tiêu. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, luôn nỗ lực tiến mãi không ngừng. Trong thái độ ứng xử, khiêm tốn còn chỉ những người "nghiêm khắc với mình, rộng lượng với người". Người có đức tính khiêm tốn sẽ luôn sống bình đạm, giản dị, không tự mãn về những gì mình có, không kiêu ngạo về những thành quả mình làm, luôn cẩn thận gìn giữ những giá trị mình nhận được. Hơn thế nữa, họ còn là hiểu rõ mình muốn gì, điểm yếu và thế mạnh của mình nằm ở đâu, từ đó luôn cố gắng trau dồi, học hỏi mỗi ngày. Họ không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng. Họ vui mừng vì thành công của bản thân nhưng sẽ không quá chìm đắm vào nó, và tự đốc thúc bản thân đạt được những thành tựu cao hơn. Nhờ có tính khiêm nhường, họ nói ít làm nhiều, suy nghĩ bình tĩnh cẩn trọng, không xốc nổi, hiếu thắng, từ đó chiếm được nhiều cảm tình, sự tin tưởng, tín nhiệm, ủng hộ từ những đối tác, đồng nghiệp và những người xung quanh. Người khiêm tốn không đề cao mình và hạ thấp người khác, không bon chen, so sánh thiệt hơn, nên bản thân luôn vô vi, an lạc và hạnh phúc. Họ sẽ không trốn chạy trước thử thách và sẵn sàng nhận lỗi, chịu trách nhiệm khi làm sai. Chính thái độ thẳng thắn đó giúp họ tiến bộ nhanh, tăng vốn kinh nghiệm và hoàn thành mọi việc một cách chu toàn. Không chỉ vậy, nhờ có tính khiêm tốn, họ ý thức được "Nhân vô thập toàn", không ảo tưởng để bị cuốn theo những tham vọng cá nhân, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến góp ý của người khác để hoàn thiện mình. Hơn nữa, sự khiêm tốn còn là mỏ neo giúp họ kiên định và vững vàng trước những lời xu nịnh của kẻ khác, không "gió thổi chiều nào theo chiều ấy". Người khiêm tốn sẽ góp phần làm xã hội văn minh, phát triển và phồn vinh. Thành ngữ có câu: "Sông sâu tĩnh lặng/ Lúa chín cúi đầu", ý chỉ người càng chín chắn, thành công sẽ càng tỏ ra khiêm tốn. Albert Einstein là tấm gương sáng cho phẩm chất này. Là một nhà bác học vĩ đại nhưng đứng trước những lời ngợi khen và tung hô của người khác, ông vẫn luôn khiêm nhường: "Tôi chỉ là người bình thường như bao người khác thôi, cũng sống và làm công việc mình yêu thích, sao lại gọi tôi là người nổi tiếng?". Hay Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc ta, sinh thời, trên cương vị là một vị chủ tịch nước, Bác vẫn gọi hết sức gần gũi và trân trọng những người cộng sự là cô, chú như người thân trong gia đình, ở trong ngôi nhà đơn sơ, sử dụng đồ dùng giản dị, vẫn nuôi cá, trồng hoa và chọn cho mình lối sống thanh bạch. Đối với các vị nhân sĩ, trí thức, khi tiếp chuyện Bác luôn xưng hô rất đúng mực. Là người đi nhiều biết rộng, là cây bút chuyên nghiệp sắc sảo, Bác luôn chỉ cho rằng mình "có ít nhiều kinh nghiệm làm báo" mà thôi. Nói chuyện với mọi người, Bác luôn sử dụng từ ngữ giản dị, dễ hiểu mà sâu sắc, không đao to búa lớn "hay" cao siêu huyền bí ". Ở Bác, ta không tìm thấy bất kỳ khoảng cách nào giữa vị lãnh tụ vĩ đại ấy với nhân dân. Trong thời đại ngày nay, thái độ khiêm tốn càng đóng vai trò quan trọng đối với thành công của mỗi người. Vì biển học mênh mông, trong khi đó sự hiểu biết của con người chỉ là một giọt nước bé nhỏ giữa đại dương bao la, chỉ có khiêm tốn, không ngừng học hỏi và tích lũy tri thức, ta mới tự mở ra cho mình nhiều cơ hội, khẳng định được tài năng và nâng cao giá trị của chính mình. Ngược lại, một kẻ tự phụ về học thức, không chịu học hỏi từ bất kỳ ai, không tiếp thu cái mới thì sẽ ngày một nông cạn, lạc hậu và không theo kịp được sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, khiêm tốn không đồng nghĩa với việc tự ti, luôn nghĩ mình kém cỏi, không bằng người khác. Đôi lúc ta cũng cần khéo léo thể hiện hết năng lực của mình, ví như để đạt được kết quả cao trong các kỳ thi tuyển dụng, hoặc để biết được trình độ bản thân đến đâu rồi. Để đạt tới sự chuẩn mực, đức khiêm tốn cần phải đặt trong mối quan hệ tương xứng với lòng tự tin. Đức khiêm tốn càng cao thì lòng tự tin phải càng lớn. Bởi tự tin chính là" cơ sở vật chất "cho khiêm tốn. Diễn giả người Mỹ Zig Ziglar từng nói:" Hãy khiêm nhường nhưng đừng nhút nhát; Hãy kiêu hãnh nhưng đừng kiêu ngạo. "Khi hiểu rõ giá trị của bản thân, khiêm tốn cũng là một sự tự trọng, ngay thẳng và kỉ luật. Tương tự, lòng tự tin cũng phải lấy khiêm tốn làm" cái neo "để không vượt quá hiện thực. Nếu không có" cái neo "này thì lòng tự tin dễ chuyển sang tự tôn rồi tự kiêu, tự phụ lúc nào không hay. Tuy nhiên, thực tế ngày nay, vẫn còn rất nhiều người" thùng rỗng kêu to ", có thái độ tự cao, tự đại, luôn tỏ ra hơn người khác trong mọi lĩnh vực. Không chỉ ngộ nhận về khả năng của mình, mà còn luôn" thổi phồng "những gì họ có, thích khoe khoang hào nhoáng trên mạng. Nhiều bạn trẻ ăn chơi đua đòi, ưa sĩ diện, hay hợm hĩnh, hơn thua khi bước vào một môi trường làm việc mới. Một trong" Tứ đại danh thần phục hưng cuối thời nhà Thanh "Tăng Quốc Phiên từng nói một câu thấm thía:" Xưa nay người tầm thường mà bại hoại, đều là vì tính 'lười'; người tài giỏi mà bại hoại, đều là vì tính 'kiêu'. ". Vì vậy, đừng tỏ ra ngạo mạn hay khoác lác, vì nó chỉ làm giảm giá trị của bản thân ta. Bản chất con ng ta là hướng đến cái" tôi ", khi đã có một số thành công nhất định, cái" tôi "của ta lại càng cao, nhưng" nước luôn chảy về chỗ trũng, đất hạ thấp thì thành biển ". Để rèn luyện đức tính khiêm tốn, hãy luôn nói năng hòa nhã, cẩn trọng, lễ độ, luôn kiên trì đối diện với các thử thách để nắm chắc ưu nhược điểm của mình và có cái nhìn toàn diện, khách quan với mọi vấn đề. Luôn bao dung, biết ơn và" thắng không kiêu, bại không nản ". Hãy tỉnh táo, nhã nhặn khi tiếp nhận những tình huống" thuận lợi bất ngờ"như: Được nâng lương, đề bạt, trúng số, nhận thừa kế.. và cả trong khi rượu bia, yến tiệc no say. Các cha mẹ cũng không nên ngợi khen và tâng bốc trẻ quá nhiều, mà rèn cho con thái độ khiêm tốn từ khi còn bé, Hơn nữa, bản thân mỗi chúng ta cũng cần phải tạo lập cho mình một mục đích sống mang ý nghĩa nhân văn cao cả và kiên trì học hỏi, cầu tiến, theo đuổi mục tiêu. Là học sinh cuối cấp, em thấy mình cần học nhiều hơn nữa, không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện nhân cách, không tự cho là bản thân đã biết đủ mà chủ quan, lười biếng. Khi được người khác phê phán, góp ý, em sẽ luôn bình tĩnh, nhẫn nại lắng nghe và tiếp thu những điều hợp lý, đồng thời làm một con sông nhanh nhẹn, tràn đầy nhiệt huyết, không ngừng chảy qua bao đồi núi để có thể trĩu nặng phù sa, hòa với biển khơi bao la mà trưởng thành.