Đề bài: Viết đoạn NLXH ngắn về đức hy sinh Một công ty nọ muốn tuyển nhân viên với điều kiện: Làm việc 18 tiếng/ngày, không được nghỉ vào ngày chủ nhật, ngày lễ tết, yêu cầu phải có kỹ năng mềm như nấu nướng, giặt giũ, giảng dạy, ủi đồ, mức lương 0 đô-la. Mọi người ai cũng bất ngờ, nhưng cuối cùng đều nhận ra bên cạnh mình cũng có một "nhân viên" như vậy tất bật làm việc, không một lời ca thán hay bỏ nghề, đó là người mẹ. Đằng sau tình mẫu tử thiêng liêng, ấy là sự hy sinh. Con người chỉ hy sinh khi họ theo đuổi một lí tưởng vĩ đại hay khi họ nuôi dưỡng một tình yêu mãnh liệt. Người mẹ hy sinh thanh xuân, sức khỏe, sự nghiệp, tuổi thọ vì con cái. Người lính hy sinh xương máu cho Tổ quốc thân thương. Người giáo viên hy sinh giấc ngủ, thức đêm soạn giáo án chuyên đề thanh tra, thiết kế bài giảng vì học sinh. Người thành công hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức để đổi lấy những đôi giày vừa vặn với chân mình khi họ bước đi trên con đường chinh phục hoài bão. Bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào, để gặt hái được hoa thơm trái ngọt đều cần đến sự hy sinh. Hy sinh là tự nguyện nhận phần thiệt thòi, mất mát về mình nhằm nhường lại ưu đãi cho người khác, để thực hiện một nghĩa vụ hay mục tiêu cao cả. Người giàu lòng hy sinh là người trách nhiệm, vị tha, biết nghĩ cho người khác. Cuối tháng 2/2017, vị Thiếu tá quân đội Lê Hải N. Đã gặp phải tai nạn trong quá trình làm nhiệm vụ. Trước tiên lượng xấu, có biểu hiện chết não, gia đình anh đã quyết định hiến toàn bộ mô, tạng của anh cho y học, cứu sống cùng lúc 6 người đang cận kề cái chết. Cô bé Hải An 7 tuổi bị bệnh ung thư thần kinh từng làm lay động hàng triệu trái tim khi hiến tặng giác mạc trước khi qua đời. Nguyễn Văn Nam khi trông thấy năm em nhỏ đang bị đuối nước đã không ngần ngại nhảy xuống cứu các em, để rồi đuối sức và bị dòng nước nhấn chìm. Ba câu chuyện trên chỉ là một vài ví dụ trong số nhiều câu chuyện cảm động khác về những hy sinh thầm lặng mà cao quý cho công việc cứu đời - cứu người. Những người hùng của đời thực đã trao đi mạng sống hay một phần thân thể mình để mang đến cơ hội cho nhiều cuộc đời khác, thắp lên những hy vọng mới. Và xa hơn thế, là thắp lên niềm tin cho cộng đồng - niềm tin vào những giá trị nhân văn, vào tình cảm cao đẹp giữa con người với con người. Đó cũng chính là sức mạnh lan tỏa của sự hy sinh. Nếu con người không có đức tính này, thế giới sẽ ngập tràn sự thù hận, hiềm khích, đố kị, đấm đá lẫn nhau. Vậy nhưng, bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều người ham sống sợ chết, hay ích kỷ, thờ ơ, thấy trộm cắp liền ngó mặt làm ngơ, thấy tai nạn giao thông liền đứng lại quay clip. Sự vô cảm ấy không chỉ thiêu đốt tình người mà còn làm xã hội khó phát triển. Hay có những người hy sinh quá nhiều, mù quáng trong tình yêu, trong công việc mà bỏ bê bản thân. Sự hy sinh chỉ có ý nghĩa khi nó được đặt đúng chỗ. Nhà báo người Mỹ Henry Louis Mencken đã từng nói: "Hy sinh vì một tư tưởng chắc chắn là cao quý. Nhưng còn cao quý hơn biết bao nhiêu nếu người ta hy sinh vì tư tưởng đúng!". Vì vậy, hãy rèn cho mình đức hy sinh, từ những việc đơn giản nhất, bằng cách nhường nhịn, cảm thông, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trong điều kiện cho phép, đồng thời lan tỏa những tấm gương giàu đức hy sinh.