Cảm nhận về đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi, …/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi luiss462, 8 Tháng một 2023.

  1. luiss462

    Bài viết:
    8
    Cảm nhận về đoạn thơ: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi.. /Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    [​IMG]

    Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phương Trì, huyện Đan Phương, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là một nhà thơ đa tài với đủ các thể loại sáng tác, hoạt động nghệ thuật như thơ ca, nhạc, họa.. Không chỉ vậy ông còn từng là một chiến sĩ của binh đoàn Tây Tiến – một đơn vị được thành lập vào năm 1947, hoạt động chủ yếu ở vùng rừng thiêng nước độc của Tây Bắc. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên trí thức Hà Nội giống như Quang Dũng, sống và chiến đấu trong những điều kiện rất thiếu thốn, gian khổ và đặc biệt là bệnh sốt rét hoành hành khiến đời sống đã khổ nay còn khổ hơn. Nhưng bằng tất cả ý chí, sự can trường, tinh thần lãng mạn của người chiến sĩ đoàn binh Tây Tiến vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chính vì khoảng thời gian sinh hoạt cùng toàn đội có nhiều kỉ niệm như vậy nên khi ông chuyển sang đơn vị khác công tác, ông vẫn nhớ về đơn vị cũ cùng những đồng đội đã từng chiến đấu, nhà thơ đã không khỏi xúc động mà viết lên bài thơ "Nhớ Tây Tiến", sau đó ông đã đổi tên thành "Tây Tiến".

    Bài thơ "Tây Tiến" của ông được in trong tập "Mây đầu ô" (1986). Bài thơ với 34 câu thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi nhớ da diết của tác giả về đồng đội trong những chặng đường hành quân gian khổ, đầy thử thách, hi sinh trên cái nền thiên nhiên của Tây Bắc, Bắc Bộ hùng vĩ, dữ dội. Đồng thời nó còn thể hiện những kỉ niệm đẹp về tình quân dân và khắc sâu lí tưởng chiến đấu của người lình Tây Tiến. Với cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng luôn gắn bó với nhau đoạn thơ sau đã làm rõ được nỗi nhớ về những chặng đường hành quân của bộ đội Tây Tiến và khung cảnh rừng núi miền Tây Bắc:


    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    * * * Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    Thật vậy, mở đầu bài thơ là một tiếng gọi nao lòng, một nỗi nhớ thương, nỗi nhớ nén chặt, bỗng trào dâng của tác giả về Tây Tiến:

    "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

    Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi".

    Nhắc đến Tây Tiến là ta có thể hình dung ra một cảnh tượng thiên nhiên núi rừng thơ mộng, trữ tình nhưng ẩn sau nó là vẻ đẹp hoang sơ với đầy những hiểm nguy đang rình rập. Đây cũng là nơi mà Quang Dũng nhớ đến. Nhớ không chỉ về khung cảnh nơi đây mà còn nhớ đến những người đồng đội đã vào sinh ra tử với mình. Mặc dù nhan đề đã được lược bỏ từ "nhớ" nhưng ở ngay hai câu thơ trên ta đã bắt gặp từ "nhớ" đến hai lần. Một nỗi nhớ không được miêu tả cụ thể nhiều mà "nhớ chơi vơi". Từ "chơi vơi" được tác giả sử dụng rất khéo léo, rất đắt vì nó có thể khái quát nên một nỗi nhớ không thể định hình, đong đếm được, vừa đem lại cảm giác nhẹ nhàng lại vừa nặng trĩu trong lòng. Cùng với từ "ơi" bắt vần với từ láy "chơi vơi" làm cho âm điệu câu thơ trở nên tha thiết, sâu lắng, bồi hồi đã góp phần tạo nên nỗi nhớ không thể nguôi ngoai trong tâm trí của Quang Dũng về Tây Tiến, về đồng đội.

    Nỗi nhớ ấy còn được khắc họa cùng với thiên nhiên miền núi Tây Bắc với bao kỉ niệm đẹp một thời chinh chiến ngày xưa dạt dào cảm xúc trở lại làm xao xuyến hồn người chiến sĩ:

    "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

    Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

    Sài Khao, Mường Lát là những địa danh vời vợi, nghìn trùng đã từng in dấu chân của đoàn chiến binh Tây Tiến. Trong "sương lấp", trong "đêm hơi" mù mịt, lạnh lẽo đoàn quân dũng sĩ phải vượt qua những nẻo đường hành quân vô cùng gian khổ nhưng bất ngờ thay, trên đường hành quân của họ lại xuất hiện "hoa về trong đêm hơi". Điều này đã khiến cho cái mệt mỏi, cái gian khổ như tan biến hết. Sáu thanh bằng liên tiếp diễn tả cái nhẹ nhàng, cái lâng lâng trong tâm hồn người lính trẻ đi tới đích sau những chặng đường dài đầy thử thách.

    Tuy thiên nhiên nơi đây đẹp, hùng vĩ, bi tráng nhưng con đường đi để có thể trải nghiệm, khám phá nơi đây lại vô cùng hiểm trở và ngoặt nghèo, khó khăn:

    "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

    Heo hút cồn mây súng ngửi trời

    Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

    Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi".

    Đọc xong câu thơ, người đọc như mường tượng ra con đường mà người chiến sĩ phải đi qua và sự kiên trì, lạc quan của họ. Địa hình nơi đây "khúc khuỷu" với những con dốc "thăm thẳm" không thấy điểm cuối. Câu thơ "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" được chia làm hai nửa như xẻ đôi địa hình cho ta hình dung tới một con đường với một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Chính cách ngắt nhịp đó càng làm toát lên nỗi vất vả của người lính Tây Tiến. Trong bốn câu thơ trên, có một hình ảnh mang đậm chất thơ đó là "súng ngửi trời". Đứng trên dịa hình, nơi mây mù che phủ, người lính hành quân với dúng vác trên vai, nòng súng chĩa lên trời khiến những người phía sau như thấy được súng đang "ngửi trời". Qua bốn câu thơ tuy ngắn ngủi với bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã thành công dựng lên cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiểm trở, hùng vĩ nhưng lại mang nét lãng mạn. Đối lập với cái dữ dội của dốc núi, vực thẳm là hình ảnh "nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Câu thơ được dệt bằng những thanh bằng liên tiếp, gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan, yêu đời. Trong màn mưa rừng, tầm nhìn của người chiến binh Tây Tiến vẫn hưỡng về những bản mường, những mái nhà dân hiền lành và yêu thương, nơi mà các anh sẽ đến, đem xương máu và lòng dũng cảm để bảo vệ và gìn giữ.

    "Anh bạn dãi dầu không bước nữa

    Gục lên nòng súng mũ bỏ quên đời!".

    Chỉ với hai câu thơ ngắn đã làm toát lên sự khốc liệt của chiến tranh. Trong gian khổ "dãi dầu", trong những ngày dài hành quân và chiến đấu có bao đồng đội thân yêu đã "bỏ quên đời", bỏ quên đồng chí, bạn bè, nằm lại vĩnh viễn nơi chân đèo, gác núi. Bốn chữ "gục lên mũ súng" như thể hiện một sự hi sinh vô cũng bi tráng, ngã xuống, gục xuống trên đường hành quân giữa trận đánh khi súng vẫn còn cầm trên tay, mũ còn đội trên đầu. Mặc dù nhà thơ đã thay thế từ "chết", từ "hi sinh" bằng cụm từ "không bước nữa", "gục lên", "bỏ quên đời" nhưng nó vẫn trào lên bao nỗi xót xa thương tiếc. Tuy vậy, hai câu thơ không vì sự mất mát của đồng đội mà trùng xuống: Người chiến sĩ ngã xuống để bảo vệ tổ quốc là một điều đáng tự hào, ta không nên đau buồn quá mà hãy ca ngợi họ như một sự biết ơn vì đã hi sinh bản thân để đất nước được độc lập, tự do như ngày hôm nay.

    Tạm gác nỗi buồn về những người đồng đội đã hi sinh nơi chiến trường, Quang Dũng đã đưa người đọc đến với một chiều không gian khác, một thời gian khác:

    "Chiều chiều oai linh thác gầm thét

    Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người".

    "Chiều chiều", "đêm đêm" là hai khoảng thời gian luôn có những tiếng gầm thét, những âm thanh ấy đã khẳng định cái bí mât, cái uy lực khủng khiếp ngàn đời của chống rừng thiêng. Chất hào sảng trong các bài thơ của tác giả được thể hiện rất nhiều qua hai câu thơ: Lấy ngoại cảnh núi rừng miền Tây Bắc hiểm trở để tô đậm, khắc họa chí khí anh hùng của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn tượng khá sâu đậm: Gian nan, khó khăn đến đâu thì đoàn quân vẫn tiến bước, người nối người, băng lên phía trước khiến cho uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá trị của con người được nâng lên một tầm vóc mới. Cấu trúc thơ tân kỳ độc đáo, dùng các động từ mạnh "gầm thét" thể hiện cái dữ dội, hùng vĩ, hoang sơ của vùng núi Tây Bắc. Nhà thơ viết "đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người", nơi rừng thiêng nước độc lại còn có sự hiện diện của ác thú càng làm cho con đường chinh chiến thêm nguy hiểm hơn.

    Đến với hai câu thơ cuối của khổ thơ, ta đã không còn được thấy núi cao rừng rậm nữa mà thay vào đó là hình ảnh ấm áp nghĩa tình quân dân lan tỏa từ nồi cơm của đồng bào:

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

    Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".

    Cảnh tượng thật đầm ấm. Sau bao nhiêu gian khổ băng rừng, vượt núi, lội suối, trèo đèo thì cuối cùng những người lính cũng được nghỉ chân ở một bản làng, quây quần bên nồi cơm đang bốc khói. Từ cảm thán "nhớ ôi" đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, khôn nguôi của tác giả cũng như những người lính Tây Tiến đối với người dân Tây Bắc. Những hình ảnh "cơm lên khói", "thơm nếp xôi" là những hương vị đặc biệt của Tây Bắc thể hiện tình cảm khăng khít, thủy chung của đồng bào nơi đây với chiến sĩ và cách mạng. Nó cũng khiến cho mọi mệt mỏi trên khuôn mặt những người lính xua tan đi hết, tươi tỉnh hẳn lại. Chắc chắn những kỉ niệm trên sẽ không thể phai nhòa trong tâm trí những người chiến sĩ Tây Tiến. Đây cũng là hai câu thơ nhói lòng khi tác giả hồi tưởng lại cảnh xưa đồng thời kết thúc đoạn thơ, một bài thơ Tây Tiến có âm điệu nhẹ nhàng, tha thiết, gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc ở đoạn thơ tiếp theo.

    Khổ thơ quả là một bức tranh chân thực, sống động về người lính Tây Tiến: Dù có khó khăn nhưng họ đã vượt qua bằng nghị lực bằng niềm lạc quan phơi phới vốn có của tuổi trẻ. Không những thế, ta còn cảm nhận được sự gắn bó, nỗi nhớ da diết của tác giả về những ngày đồng cam cộng khổ cùng những đồng chí trong đoàn quân Tây Tiến. Có thể nói, ngoài nội dung khổ thơ thì đặc sắc nghệ thuật, các sử dụng phối hợp nhiều câu thơ vẫn trắc vẽ nên khung cảnh hoang vắng cũng với sự kết hợp hài hòa của những câu thơ, cách dùng điệp từ, ngắt câu, địa danh cụ thể đã góp phần làm nổi bật lên nỗi nhớ về những chặng đường hành quân của bộ đội Tây Tiến và khung cảnh núi rừng miền Tây Bắc trong lòng và tâm trí của nhà thơ.
     
    LieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng một 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...