Hồi Thứ Hai Mươi - Đẹp Lương Duyên, Tần Hán Được Vợ Bấm để xem Hai tướng về trại báo tin cho Nhơn Quý biết đã bị lừa, đêm qua chỉ lấy nhầm lục lạc giả mà thôi. Thấy Nhơn Quý hết sức ưu phiền, Tần Hán liền nói: - Khi hạ sơn, sư phụ tôi có cho biết sẽ lấy Phiên nữ làm vợ. Nay quả có Điêu Nguyệt Nga, nhưng vì cái lục lạc ấy quá lợi hại thì chẳng biết có phải không? Tôi xin về núi hỏi lại cho rõ, nếu biết cách đối phó thì mới thắng được. Nhơn Quý bằng lòng nên Tần Hán đằng vân đi ngay cho kịp. Đậu Nhất Hổ thấy vậy phân vân nghĩ thầm: - "Mình cũng vì Tiết tiểu thư mà suýt mất mạng, chẳng hiểu có nhân duyên hay không? Chi bằng ta theo hắn nhờ hỏi dùm một thể." Nghĩ xong, Đậu Nhất Hổ liền độn thổ đuổi theo, đến một ngọn núi cỏ xanh tươi, tùng bá rậm rạp thì gặp nhau. Nhất Hổ bèn nói: - Sư đệ vì việc lương duyên mà về núi, nhân tiện hỏi dùm nhân duyên của tôi được không? Tần Hán chưa kịp đáp thì chợt có một lão nhân đầu tóc bạc phơ chống gậy đi tới, hỏi vì sao mà tới núi này. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ bèn tỏ thật là muốn biết việc nhân duyên khiến lão ấy cười ngất, nói: - Đây là Càn Khôn sơn, ta là Nguyệt lão cai quản việc nhân duyên. Hai ngươi muốn biết thì cứ hỏi ta, cần gì phải về núi cho xa? Đậu Nhất Hổ và Tần Hán nghe vậy cả mừng, theo lão nhân vào một động đá, lấy sổ ra xem xét. Trong sổ ghi rõ Đậu Nhất Hổ sánh duyên cùng Tiết Kim Liên còn Tần Hán thì lấy Điêu Nguyệt Nga rất rõ ràng. Nguyệt lão thấy Tần Hán có vẻ băn khoăn thì cười nói: - Sở dĩ nhân duyên của hai ngươi trắc trở là vì so ra tướng mạo của hai ngươi chẳng xứng với nhan sắc của người vợ tương lai. Bây giờ muốn việc thông suốt thì phải nhờ tới các tiên trưởng đứng ra mai mối mới xong. Hai người hết sức mừng rỡ, bái tạ Nguyệt lão xong thì chia tay, Tần Hán về núi còn Đậu Nhất Hổ trở lại quân doanh. Khi Tần Hán vừa vào động, Vương Thiền lão tổ hỏi ngay: - Ngươi về núi là vì việc của Điêu Nguyệt Nga có phải không? Tần Hán càng mừng thêm, vội quỳ xuống tỏ thật lòng mình. Vương Thiền lão tổ gật đầu nói: - Con với Điêu Nguyệt Nga có duyên trời định nhưng vì là đệ tử của Kim Đao thánh mẫu nên không thể sơ sài được, phải nhờ người đứng ra làm mai mối mới xong. Tần Hán nghe vậy nhảy tưng lên, lập tức theo sư phụ đằng vân đến động Trước Ẩn, xin vào ra mắt Kim Đao thánh mẫu. Nghe xong đầu đuôi, Kim Đao thánh mẫu có vẻ phân vân vì hình dung thấp lùn, tướng mạo xấu xí của Tần Hán. Chợt khi ấy đồng tử vào báo cho biết: - Có một thần nhân ba mắt đến cửa động xin vào nói chuyện. Thánh mẫu và lão tổ liền ra cửa nhìn xem, nhận ra đó là Nhân Huân sứ giả thì không dám coi thường, tiếp đón vào trà nước. Nhân Huân sứ giả nói ngay: - Nguyệt lão đã biên tên Đậu Nhất Hổ và Tiết Kim Liên, Tần Hán với Điêu Nguyệt Nga làm vợ chồng nhưng tôi e rằng hai vị tiểu thư chẳng khứng thuận với lẽ trời nên qua đây cho mượn hai báu vật là Mê Hồn sa và Biến Hình phù, hoàn tất hai mối lương duyên ấy. Kim Đao thánh mẫu thấy có sứ giả thiên đình đứng ra lo liệu thì không dám cãi, bằng lòng tác hợp việc hôn nhân. Nhân Huân sứ giả liền trao hai báu vật cho Tần Hán, dặn đưa Biến Hình phù cho Đậu Nhất Hổ sử dụng. Tần Hán chẳng còn gì mừng hơn, lập tức đằng vân về trại Đường giao một báu vật cho Đậu Nhất Hổ rồi dặn cách thi hành. Đậu Nhất Hổ nghe xong, hớn hở cầm Biến Hình phù đi ngay. Đêm hôm ấy, Tần Hán đằng vân đi qua ải Huyền Võ, trốn vào một chỗ tối, chờ bọn a hoàn đi ngủ hết mới rón rén bước tới gần giường gấm, lấy Mê Hồn sa nhắm mặt Nguyệt Nga quạt mấy cái khiến mĩ nhân ngủ như say như tỉnh, lửa dục bốc lên bùng bùng. Vừa lúc ấy Điêu Nguyệt Nga thấy có một nam nhân tướng mạo tươi tốt bước tới gần thì dằn lòng không nổi, ôm nhau mà vầy duyên cá nước, ngủ say đến tận sáng. Khi tỉnh dậy, Điêu Nguyệt Nga thấy Tần Hán nằm cạnh mình thì biết đã thất thân, ngồi bật dậy mặc quần áo rồi gục đầu khóc mãi không thôi. Điêu Ứng Tường nghe tiếng con khóc liền chạy vào, hỏi mấy câu mà Điêu Nguyệt Nga chẳng chịu trả lời. Tần Hán nằm trên giường thấy vậy liền nói vọng ra: - Nhạc phụ chớ giận, chúng con đã thành vợ chồng rồi. Xin từ từ sẽ ra bái lạy. Điêu Ứng Tường nổi giận, nhào tới nắm cổ Tần Hán lôi xềnh xệch ra ngoài, mắng như tát nước rồi sai quân mang ra chém đầu. Bọn quân sĩ chưa kịp xúm lại, chợt có một vị thánh mẫu cưỡi hạc từ trên trời bay xuống, gọi dừng tay lại. Điêu Nguyệt Nga nhìn lên, thấy sư phụ thì vội chạy ra làm lễ nghênh đón. Thánh mẫu liền nói với Điêu Ứng Tường: - Lệnh ái với Tần Hán vốn có túc thế lương duyên, vì thế sứ giả thiên đình mới cho mượn Mê Hồn sa để kết liễu mối tình cho xong chứ không phải là Tần Hán làm càn đâu. Vả lại Tần Hán là cháu của Tần Thúc Bảo, con của phò mã Tần Hoài Ngọc, là đệ tử của Vương Thiền lão tổ thì danh giá chẳng kém chi ai. Vì thế nếu tổng binh bằng lòng quy thuận triều Đường thì vẹn cả đôi bề, chẳng mất công danh phú quý mà còn được rể cao sang. Điêu Ứng Tường nhìn sang thấy Điêu Nguyệt Nga cúi mặt không nói thì biết không thuận không xong, nên gật đầu xin theo. Tần Hán mừng quá chạy ra làm lễ gọi nhạc phụ, hớn hở không sao tả xiết. Dù đã ưng thuận nhưng Điêu Ứng Tường thấy mặt Tần Hán vẫn còn tức giận, gằn giọng nói: - Ngươi thật súc sinh, vì thánh mẫu mà ta tha chết cho, nếu không đã mất mạng lâu rồi, còn nhơn nhơn đắc ý được sao. Ngươi mau về báo với Tiết nguyên soái sửa soạn sẵn sàng, đêm nay ta sẽ đưa con qua hợp cẩn. Tần Hán bái tạ, vội vàng quay về trại thuật lại mọi việc cho Nhơn Quý biết, cùng các tướng treo đèn kết sửa soạn tân phòng đâu đó. Đang khi bận rộn, chợt có quân sĩ vào báo là có Đào Hoa thánh mẫu đến muốn nói chuyện. Nhơn Quý biết đây là sư phụ của Tiết Kim Liên nên cùng con gái bước ra tận ngõ nghênh đón, mời ngồi trà nước. Đào Hoa thánh mẫu ngồi một chút liền đề cập đến việc chính: - Theo sổ Nguyệt lão thì lệnh ái nguyên soái với Đậu Nhất Hổ có tiền duyên với nhau từ kiếp trước. Nguyên soái lại có lời hứa trước kia thì nay nên nhân dịp vui này cho hai người nên duyên một thể, chẳng biết có được không? Nhơn Quý nghe vậy có vẻ không vui còn Kim Liên cũng cúi mặt buồn bã. Đào Hoa thánh mẫu ý hai người đều chê tướng mạo Đậu Nhất Hổ thấp lùn xấu xí, nên cười nói: - Nhất Hổ đã được sư phụ ban cho tiên dược cải hình biến tướng trở thành một trang nam nhi oai phong đường đường. Như thế chẳng lẽ không xứng đôi vừa lứa hay sao? Nhơn Quý giật mình, truyền gọi Đậu Nhất Hổ vào xem thử. Khi ấy Đậu Nhất Hổ giắt Biến Hình phù vào người nên hóa thành một tướng quân đường đường uy vũ, thân hình cao bảy thước. Nhơn Quý xem qua rất vừa ý, lại biết Đậu Nhất Hổ cũng là con cháu họ Đậu trước kia nên nhận lời ngay. Tiết Kim Liên thấy phụ thân bằng lòng thì cũng không dám cãi. Đào Hoa thánh mẫu thấy việc đã xong, từ biệt về núi, không ở lại dự tiệc vui của đệ tử. Đêm ấy nơi trại Đường tưng bừng không kể xiết, quân tướng được một bữa no say vui vầy. Sau khi động phòng xong, Đậu Nhất Hổ biến trở lại thấp lùn như cũ, nhưng Kim Liên biết đó là tiền duyên túc số, lại thấy Nguyệt Nga xinh đẹp hơn mình cũng ưng chịu Tần Hán thì không nghĩ ngợi gì cả. Chính Điêu Nguyệt Nga nhìn vào cái gương Kim Liên lấy Nhất Hổ cũng được an ủi đôi phần. Ngày hôm sau, Điêu Ứng Tường đón quân mà nhà Đường vào ải, dâng kế sách: - Đường đến kinh thành chẳng còn bao xa, tuy nhiên phía sau còn mười bảy trại đóng rải ra bốn phía, nếu chưa trừ hết mà vội tiến binh thì sau này rất khó vận lương thảo. Nhơn Quý gật đầu khen phải, chia binh tướng ra làm mười bảy đạo đi chiêu an, trại nào không thuận theo thì đánh phá thành bình địa. Trong vòng một tháng mười bảy trại đã dẹp yên, Nhơn Quý mới tính tới việc tiến binh thẳng tới kinh thành Tây Liêu. Khi ấy Lang vương là Hấp Tất Xích cũng đã nghe tin Điêu Ứng Tường gả con cho địch, dâng ải đầu hàng, hiện quân Đường đang rầm rộ tiếng đến thì kinh hãi đến chết giấc, hồi lâu mới tỉnh lại được. Lang vương chưa biết tính sao thì có một đại thần là Tây vương Tử Chi Tống bước ra tâu bày: - Nước đến đâu thì có đất ngăn đến đón. Tuy Tiết Nhơn Quý của đại Đường anh hùng cái thế thật nhưng chưa chắc đã hơn nổi Dương Phàm nơi Bạch Hổ quan. Vì thế xin bệ hạ cho thêm quân tướng ra đó chống giữ, khi nào có thời cơ sẽ khôi phục lại những ải quan đã mất. Lang vương chuẩn tấu, hạ lệnh cho các tướng theo đó thi hành. Trong khi ấy Nhơn Quý giao quyền trấn thủ Huyền Võ quan cho Điêu Ứng Tường, kéo hết đại quân đến Túc Dương hạ trại đóng binh. Đêm ấy Đậu Tiên Đồng hạ sinh một đứa con trai rất bụ bẫm đặt tên là Tiết Dũng. Nhơn Quý cả mừng cho quân nghỉ ngơi ba ngày mới kéo đến Báo Vĩ hạ trại, nơi ấy Kim Định lại hạ sinh được một đứa con trai hồng hào khỏe mạnh, được Liễu phu nhân đặt tên là Tiết Mãnh. Nhơn Quý cho quân nghỉ thêm ba ngày nữa, sau cùng mới rầm rộ kéo đến Bạch Hổ quan hạ trại. Ngày hôm sau, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ được lệnh của Nhơn Quý, đồng kéo quân đến trước thành khiêu chiến. Nguyên tướng giữ ải này là Dương Phàm, mặt đen như lọ nồi, mày lớn mắt to, sức mạnh muôn người khó địch, không những có võ nghệ cao cường mà còn được tiên gia truyền thụ pháp thuật lợi hại nên cả một vùng đất Tây Liêu chẳng ai dám đối địch. Nghe báo có quân Đường đến khiêu chiến, Dương Phàm vội nai nịt, cưỡi Ô Chuỳ mã, cầm Kim Điện đại đao hùng hổ xông ra đánh luôn. Một mình Dương Phàm đánh với hai tướng không thua kém nhưng thấy lâu không thắng được nên thừa cơ lấy bảo bối Kim Kỳ tử quăng lên. Đậu Nhất Hổ và Tần Hán không kịp phòng bị đã trúng Kim Kỳ tử, đau quá hè nhau bỏ chạy. Sau đó Nhơn Quý sai một lúc mười hai viên tướng ra đánh đều bại trận, hao tổn không biết bao nhiêu quân sĩ. Nhơn Quý cả giận dẫn Tần Mộng và La Chương điểm quân xông ra. Dương Phàm vừa thấy mặt Nhơn Quý liền mắng: - Con trai ngươi cướp vợ ta thì ta sẽ lấy đầu cha nó mà báo thù trả hận, như thế mới công bằng. Nhơn Quý nghe vậy không sao kiềm được cơn giận, múa kích đâm nhầu, có La Chương và Tần Mộng trợ chiến. Dương Phàm không sao chống nổi với ba tướng, vội lấy Kim Kỳ tử quăng lên. Nhơn Quý còn đang thất kinh hồn vía, chợt trên đầu xuất hiện một con Bạch hổ nhe răng múa vuốt vồ lấy Kim Kỳ tử ném xuống đất. Dương Phàm thấy bảo bối bị Bạch hổ ngăn trở thì cũng kinh hãi, vội hiện ba đầu sáu tay, mặt xanh nanh nhọn, múa đao chém vùn vụt. Khi ấy Nhơn Quý đã hoàn hồn, liền lấy Xuyên Vân tiễn ra bắn một phát trúng cái đầu bên trái. Dương Phàm kinh hoảng vội vàng thu phép quay ngựa chạy dài. Đêm hôm đó Dương Phàm ra ngoài xem thiên văn, thấy Bạch Hổ tinh rọi thẳng vào trại quân Đường thì biết Nhơn Quý là tinh tú ấy xuống trần, không thể dùng cách đánh thường tình mà giết được. Suy nghĩ một chút, Dương Phàm chợt nhớ ra nơi ấy có một ngọn núi tên là Bạch Hổ, mừng rỡ tự nghĩ: - "Tên núi này phạm vào bảng mạng của hắn thì là tử địa. Ngày mai ta sẽ giả thua dẫn dụ hắn lên núi ấy, chắc có thể giết được ngay."
Hồi Thứ Hai Mươi Mốt - Tiết Nhơn Quý Mãn Số Về Trời Bấm để xem Ngày hôm sau, Dương Phàm theo dự định kéo quân tới trước trại Đường khiêu chiến gọi đích danh Tiết Nhơn Quý ra đối địch. Hôm ấy Nhơn Quý cũng quyết giết cho được Dương Phàm nên sai quân chia làm bốn đạo, lập trận Nhất Tự Trường Xà rồi mới xông đến đánh với Dương Phàm. Hai người giao đấu kịch liệt hơn hai mươi hiệp mà không phân được thắng bại. Nhơn Quý thấy vậy liền giơ kích lên ra hiệu, tức thì bốn đạo quân trùng trùng áp lại vây hãm, quyết không cho Dương Phàm có đường thoát thân. Dương Phàm cả sợ, thấy hướng tây là nơi La Chương trấn giữ thì liền đánh thốc về phía đó, dùng Kim Kỳ tử ném luôn. La Chương bị bảo vật trúng vào mặt, đau quá nên ôm cổ ngựa bỏ chạy, để mặc Dương Phàm thoát khỏi vòng vây. Trình Giảo Kim khuyên không nên đuổi theo nhưng Nhơn Quý lắc đầu nói: - Dương Phàm ngu ngốc không chạy vào ải mà chạy vào rừng thì đúng là số chết tới nơi, lẻ nào bỏ qua cơ hội này? Nói xong, Nhơn Quý truyền quân tướng đuổi theo, riêng mình thì phóng ngựa chạy như gió thổi dẫn đầu. Thấy Nhơn Quý đuổi thẳng lên núi, Trình Giảo Kim hết sức kinh nghi, vội sai Tần Mộng chạy lên xin nguyên soái lui binh, xem xét xong hãy quyết chiến. Khi ấy Nhơn Quý đã đến một đường cùng, trên mặt và hai bên toàn là núi đá chập chùng. Nhơn Quý còn dang ngơ ngác tìm bóng dáng địch thủ thì đột ngột Dương Phàm xuất hiện đứng trên mõm núi, bốc đậu vãi xuống biến thành vô số binh ma tướng quỷ, mặt xanh tóc đỏ, gầm rú bao vây Nhơn Quý vào giữa. Nhơn Quý nổi giận, huy động lưỡi kích như rồng bay phượng múa, đánh vẹt bọn binh ma tướng quỷ ra hai bên, nhắm hướng Dương Phàm xông tới. Dương Phàm thấy vậy cười lớn, dùng phép ẩn thân đột ngột biến mất. Nhơn Quý giật mình, toan lui lại nhưng khi ấy bọn âm binh bao vây càng lúc càng nhiều chặn hết đường lui, đành phải ào một ngõ nhỏ. Được một đoạn, Nhơn Quý chợt thấy bên vách núi có một cái miếu đề sáu chữ "Bạch Hổ sơn thần chi miếu" thì liền xuống ngựa chắp tay cầu khấn một hồi. Sau đó Nhơn Quý quyết định đánh ngược trở ra nhưng âm binh quá đông, đánh đến tận lực vẫn chưa sao mở được một đường thoát thân. Khi ấy Đậu Nhất Hổ biết nhạc phụ đuổi theo lên núi thì thất kinh hồn vía, vội dẫn quân đi trợ tiếp. Chẳng ngờ âm binh dùng đá gỗ ném xuống rất dữ dằn nên đành phải quay về/ Liễu phu nhân nghe Đậu Nhất Hổ báo tinh thì hồn phiêu phách tán bởi vì đêm qua vừa nằm mộng thấy điềm không hay, vội vàng sai Tần Hán đằng vân về Chu Tước quan thả Đinh San ra. Nhờ có con ngựa đằng vân, Tiết Đinh San chỉ trong phút chốc đã đến trại Đường ra mắt mẫu thân rồi điểm quân mã kéo thẳng đến Bạch Hổ sơn. Tiết Đinh San chợt thấy Tần Mộng và Trình Giảo Kim đang cố sống chết đánh với một tướng mắt to trán lồi thì biết ngay là Dương Phàm, vội vàng thúc ngựa xông lên tiếp trợ. Riêng Dương Phàm thấy mặt Đinh San thì cơn giận nổi lên. Lớn tiếng mắng luôn: - Tên súc sinh cướp vợ người. Ngươi thật tới số mới đến đây nộp mạng cho ta. Hai tướng liền xông vào giao đấu kịch liệt. Được mười hiệp, Dương Phàm muốn giết Đinh San cho mau nên lấy Kim Kỳ tử ra quăng lên. Ngờ đâu Đinh San mặc Thiên Vương giáp nên Kim Kỳ tử chẳng làm gì được, lại phát ra một luồng hào quang làm chói mắt Dương Phàm. Đinh San thừa cơ hội ấy rút lấy roi thần quất một nhát khiến Dương Phàm hộc máu tươi, ôm cổ ngựa chạy thẳng về ải. Đinh San vì nóng lòng cứu phụ thân nên không đuổi theo, truyền quân lấy máu chó buộc vào đầu mũi tên bắn vãi vào đám âm binh, lập tức bao nhiêu binh ma tướng quỷ đều tan biến bằng hết. Khi ấy Nhơn Quý đi lang thang trong núi đã một ngày nên đói khát, đành phải trở lại miếu Bạch Hổ ngồi dựa bàn thờ cho đỡ mệt, ngủ quên lúc nào không hay. Tướng tinh của Nhơn Quý xuất hiện thành một con Bạch Hổ chạy ra ngoài miếu vừa đúng lúc Đinh San kéo quân tiến đến. Đinh San thấy hổ trắng thì liền giương cung bắn một phát trúng ngay giữa trán. Bạch Hổ rống lên một tiếng rồi cong đuôi chạy thẳng vào miếu mất dạng. Đinh San và chư tướng đuổi theo, đồng xuống ngựa vào miếu tìm xem Bạch Hổ chết hay chưa. Mọi người nhìn thấy Nhơn Quý nằm sõng sượt mũi tên cắm ngay trán thì đều thất kinh hồn vía, đứng sững như trời trồng. Thấy Đinh San ôm xác cha khóc lóc thảm thiết, Trình Giảo Kim liền đến quan sát, thở dài nói: - Nguyên soái đánh trận mệt mỏi nên mới xuất tướng tinh ra ngoài, nay bị thế tử bắn chết thì tội chẳng nhỏ đâu. Khi ấy Liễu phu nhân và Tiết Kim Liên hay tin thì cũng tới nơi, vừa ôm xác Nhơn Quý khóc ngất vừa chỉ mặt Đinh San mắng không tiếc lời. Đậu Tiên Đồng và Kim Định tuy biết đó là vô tình nhưng vẫn trách: - Tướng công định cưú phụ thân mà thành hại. Tuy nhiên triều đình đâu biết cho sự việc, thể nào cũng ghép vào tội đại nghịch bất đạo, làm sao mà sống nổi? Đinh San còn đang ngơ ngẩn không biết minh oan ra sao thì Vương Ngao lão tổ đoán biết mọi việc, đằng vân xuống Bạch Hổ sơn, nói với thế tử: - Đây là nhân quả từ lúc trước. Phụ thân con là bạch Hổ tinh xuất thế thì rất kỵ với các tên trùng nhau, đã thế nơi Bạch Hổ lại có Bạch Hổ miếu nên mới không thể cứu được. Nay con vô tình mang tôi giết phụ thân thì không tránh được tai nạn sắp tới, phải giao trả các bảo bối mà lo lập công chuộc tội, sau này mới được an nhàn vinh hiển. Đinh San không muốn như vậy nhưng cũng không dám trái lời, lấy các bảo bối ra đưa trả, tiễn sư phụ về núi. Khi ấy Liễu phu nhân đã sai quân tướng mang xác Nhơn Quý về trại tẩn liệm nên Trình Giảo Kim không còn gì để làm, cấp tốc lên ngựa về Trường An báo tin. Dương Phàm không biết việc này nên cứ ở trong ải tránh mặt, sau đó được một đạo nhân đến cho biết là theo lời thỉnh cầu của Tiên Đồng dạy phép luyện phi long phiêu. Vì thế Dương Phàm càng không ló mặt ra, suốt một thời gian chuyên tâm tu luyện phép mầu. Cùng thời gian đó ở Trường An, Thái Tông nằm ngủ trưa chợt thấy Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, La Thành và Mã Tam Bảo tiếp giá, đồng cúi đầu tâu: - Bệ hạ là Tử vi tinh giáng thế, nay lại có Tả tướng tinh và Hữu tướng tinh và Bạch Hổ tinh về trời thì bệ hạ cũng trở lại ngôi cũ. Xin bệ hạ thiết triều để chúng tôi bái kiến. Thái Tông liền theo Tần Thúc Bảo đến một tòa bảo điện đề bốn chữ "Bắc cực tử vi", trước cửa có Tả tướng tinh, Hữu tướng tinh và Bạch Hổ tinh quỳ tiếp đón. Thái Tông nhìn kỹ, nhận ra các tướng tinh đó là Từ Mậu Công, Nguỵ Trưng và Tiết Nhơn Quý thì rất kinh ngạc, phán hỏi: - Trẫm sai Bình Liêu vương đi chinh Tây, sao đã ban sư hồi triều mau như thế? Nhơn Quý bèn quỳ xuống tâu: - Tôi đang tiến binh tới Bạch Hổ quan, nhưng vì số trời không sao tránh được nên xin bệ hạ miễn tội, cắt cử người khác vậy. Thái Tông nghe nói đến đó liền đổ mồ hôi ướt áo, giật mình tỉnh dậy. Ngày hôm sau khi thiết triều chợt có quan Khâm thiên giám là Lý Vân Khai bước ra tâu: - Đêm qua hạ thần xem thiên văn thấy phía đất Tây Liêu có Bạch Hổ tinh sa xuống, lại thấy bên cạnh sao Bắc cực có hai tướng tinh rơi rụng ứng với điềm tướng quân nơi sa trường và đại thần trong triều mãn số, phải tâu trước với bệ hạ để sửa soạn cho kịp. Thái Tông nghe tâu chưa kịp phán hỏi gì, chợt có Hoàng môn quan cầm tấu chương của Nguỵ Hạc con của Nguỵ Trưng dâng lên, tiếp đó lại có biểu tấu của Từ Lương, con của Từ Mậu Công, cả hai đều tâu phụ thân mình đã đột ngột từ trần. Thái Tông ứa nước mắt, chưa kịp than khóc thì Hoàng môn quan lại chạy vào tâu: - Lỗ Quốc công Trình Giảo Kim từ Tây Liêu trở về, muốn kiến giá bệ hạ báo tin. Thái Tông nghĩ đến giấc chiêm bao hôm qua thì giật nảy cả mình, vội vàng truyền mời Trình Giảo Kim vào điện. Khi nghe biết Tiết Nhơn Quý chết thảm, Thái Tông không sao cầm được xúc động, nhào xuống dưới thềm khóc rống. Vì quá thương cảm, một lúc sau Thái Tông hộc máu tươi ra rồi băng hà, chẳng nói được lời nào. Thái tử Lý Trị nghe tin thất kinh hồn vía, vội vàng vào triều hợp cùng bá quan lo việc khâm liệm, xuống truyền nhân dân và quan lại đồng để tang thiên tử. Sau khi mọi việc xong xuôi Lý Trị lên ngôi lấy hiệu là Đường Cao Tông, cải niên hiệu thành Vĩnh Trung, lập Vương thị là chánh cung hoàng hậu, phong cho Lý Hiền là đông cung thái tử. Cao tông cũng nhớ ơn các công thần ngày xưa nên phong cho Nguỵ Hạc là tả thừa tướng, Tư Lương làm hữu thừa tướng. Khi đã ổn định triều chính, Cao tông quyết định phải hoàn thành việc bình Tây Liêu nên xuống lệnh ngự giá thân chinh, cho Lý Hiển làm giám quốc xùng với Ngụy Hạc ở lại Trường An. Còn Cao tông cùng với Từ Lương và Trình Giảo Kim thống suất binh mã nhắm hướng Tây Liêu thẳng tiến. Mẹ con Phàn Lê Huê biết tin thiên tử ngự giá thân chinh thì liền đón nơi Hàn Giang quan để khiếu oan, dâng văn trạng lên. Cao tông xem xong văn trạng liền phán với quần thần: - Tiết Đinh San quả là vong ân phụ nghĩa, giết cha bỏ vợ thì không thể tha thứ được, phải theo vương luật mà trừng trị làm gương cho các tướng khác. Trình Giảo Kim nhân cơ hội ấy nói vào: - Phàn Lê Huê chẳng những có tài trí mà còn là người biết trung nghĩa nên mới dâng ải đầu hàng. Hạ thần đã nhiều lần khuyên Đinh San nên nghĩ đến tình vợ chồng để có người giúp nước mà chẳng được, nay nếu bệ hạ trọng dụng thì hay biết mấy. Cao tông liền truyền chỉ triệu Phàn Lê Huê vào, thấy Phàn Lê Huê quả có dung mạo cao trọng hơn người thì rất vừa lòng đẹp ý, phán: - Khi nào trẫm đến Bạch Hổ quan sẽ xét xử việc này cho. Khi tiến quân đến Bạch Hổ quan, Cao tông lại nhận được biểu chương của Liễu phu nhân kể về cái chết của Nhơn Quý càng khiến nhà vua nổi cơn thịnh nộ, lập tức sai quân dẫn Đinh San ra ngoài xử lăng trì. Đinh San nghe vậy hồn phi phách tán, chết cứng cả người.
Hồi Thứ Hai Mươi Hai - Đinh San Ba Lần Cầu Nữ Tướng Bấm để xem Đậu Tiên Đồng và Kim Định nghe Cao tông phán truyền thì thất kinh hồn vía, mỗi người ôm một đứa con chạy ra pháp trường khóc ngất. Trình Giảo Kim thấy vậy liền bước ra tâu: - Hiện giờ chưa bình Tây Liêu xong nên quân tướng còn cần dùng tới. Để đối phó với Tô Bảo Đồng thì chỉ có Phàn Lê Huê đáng mặt đối địch mà thôi, vì thế hạ thần xin bảo tấu cho Đinh San khoi chết, truất các tước vị xuống làm thường dân, mặc thanh y đi bộ tới Hàn Giang quan cầu Phàn Lê Huê xuất binh. Nếu thành công thì cho ề quân ngũ đoái công chuộc tội, bằng thất bại thì chém đầu cũng chưa muộn. Cao tông bằng lòng, hạ chỉ cứ theo đó mà thi hành. Khi Đinh San đi rồi, Trình Giảo Kim lại tâu với Cao tông phong cho Phàn Lê Huê làm Đại tướng quân tước Oai Ninh hầu, ban cho cẩm bào ngọc đới theo đúng phẩm chức. Phàn Lê Huê được nhà vua trọng dụng thì rất vừa lòng, từ đó trở đi hết lòng luyện tập quân mã để chờ ngày xuất chiến. Riêng phần Tiết Đinh San lủi thủi đi bộ tới Hàn Giang quan, trải qua biết bao nhiêu khó nhọc, dầm mưa dải nắng mới tới nơi. Thấy hình dạng tiều tụy của Đinh San, bọn quân sĩ nhất định không cho vào, mặc cho Đinh San năn nỉ hết lời. Bất đắc dĩ Đinh San phải đứng chờ ngoài cổng, chẳng dám kêu khóc tiếng nào. Đinh San chờ đến sáng hôm sau mới thấy Phàn Lê Huê xuất quân đến giáo trường tập luyện. Phàn Lê Huê đội mũ phụng quan, mặc bào gấm, mang ngọc đới, cưỡi ngựa hoa tung hết sức oai phong, chung quanh có quân tướng tiền hô hậu ủng khiến cho Đinh San hổ thẹn quá chẳng dám nhìn lên. Phàn Lê Huê liếc một vòng, thấy Đinh San đứng nép bên đường thì liền dừng ngựa, truyền lệnh cho quân sĩ: - Tên mặc áo xanh kia đáng nghi lắm. Mau bắt hắn giải vào giáo trường cho ta xét hỏi. Bọn kỳ bài vâng lệnh, xúm lại trói Đinh San dẫn theo đoàn quân. Khi đến giáo trường, Phàn Lê Huê thăng trướng, truyền áp giải Đinh San đến trước mặt, bắt phải quỳ xuống. Đinh San tức quá nói luôn: - Ta phụng thánh chỉ đến đây triệu ngươi xuất binh, cũng coi như sứ thần, chẳng lẽ ngươi trở mặt không nhận ra sao mà bắt quỳ? Phàn Lê Huê gật đầu nói: - Thì ra ngươi là tên vong ân bội nghĩa đó sao? Nếu có thánh chỉ thì mau đưa ra để ta còn lập bàn hương án tiếp chiếu. Đinh San chỉ nghe khẩu dụ của Cao tông nên khi Phàn Lê Huê hỏi vậy thì cứng họng không đáp nổi một lời. Phàn Lê Huê lấy cớ ấy truyền nữ binh đè Đinh San ra đánh một trăm roi. Được năm mươi roi, Phàn Lê Huê thấy Đinh San đau quá chết giấc thì liền cho dừng lại, gọi một tên kỳ bài mà dặn: - Ngươi đưa thế tử về nhà chữa chạy cho khỏi vết thương rồi nói hắn phải xin được thánh chỉ thì ta mới chịu xuất quân. Tên kỳ bài vâng lệnh, cõng Tiết Đinh San về nhà tìm thuốc thang thoa vào các vết thương. Tiết Đinh San nhục quá chỉ muốn chỉ cho xong nhưng nghĩ lại mẹ già còn đó, nỗi oan giết cha chưa rửa sạch nên mím môi mà sống. Sau khi vết thương đã lành hẳn, Đinh San liền trở về Bạch Hổ quan xin thánh chỉ. Cao tông đã được Từ Lương dặn trước nên giả vờ giận dữ, mắng lớn: - Trẫm đã cho ngươi có dịp chuộc tội vậy mà về tay không thật là coi thường mệnh vua. Mau mang hắn ra chém đầu cho trẫm. Chờ quân sĩ xúm lại bắt trói, khi ấy Từ Lương mới bước ra tâu: - Thế tử là người anh hùng, rất có lợi cho việc chinh tây, vì thế hạ thần xin bảo tấu một lần nữa. Nay bắt Đinh San phải đi bảy bước lạy một cái, đến Hàn Giang quan cầu bằng được Phàn Lê Huê ra quân thì mới thôi. Cao tông nghe theo, truyền Đinh San theo đó thi hành. Từ Lương sợ Đinh San uất ức quá làm bậy nên bước xuống an ủi: - Tôi bảo tấu cho hiền đệ là muốn một công hai việc, vừa hóa giải mối giận hờn của Oai Ninh hầu vừa giúp cho hiền đệ có cơ hội đoái công chuộc tội. Vì vậy hãy cố gắng một phen. Đinh San rơi nước mắt cho biết Phàn Lê Huê đòi phải có thánh chỉ nhưng Từ Lương gạt đi, nói: - Đó là do Phàn tiểu thư quá tức giận hiền đệ nên làm khó vậy thôi. Nay hiền đệ bảy bước một lạy thì sẽ hồi tâm, còi đòi thánh chỉ làm chi nữa. Đinh San bất đắc dĩ phải nghe theo, đeo một cái túi mây sau lưng có để sẵn nhang đèn, cứ bảy bước giở xuống bái vọng một lạy, trăm bề khổ sở mới tới được Hàn Giang quan. Khi đến nơi, đầu gối của Đinh San đã sưng ù lên đỏ lòm, tay chân bủn rủn, chẳng còn chút khí lực nào. Đinh San chợ nhìn thấy viên môn treo cờ tang thì hết sức kinh nghi, hỏi ngay quân giữ cửa. Bọn này cho biết Oai Ninh hàu chẳng biết vì sao lâm bạo bệnh, đã chết ba ngày nay rồi. Đinh San nghe vậy thất kinh hồn vía, ngã ra bất tỉnh hồi lâu. Khi tỉnh dậy, Đinh San ngước mặt lên trời than dài rồi xin vào bái lạy linh cửu để tỏ tấm lòng trước khi trở về triều chịu chết. Phàn phu nhân ở trong nhà nghe tiếng Đinh San khóc rống thì liền chạy ra, chỉ mặt Đinh San mắng lớn: - Súc sinh! Ngươi vong ân bội nghĩa làm cho con ta tức đến sinh bệnh mà chết, nay còn dám vác mặt tới đây khóc lóc giả nhân giả nghĩa nữa sao. Nói xong, Phàn phu nhân truyền nữ binh cầm roi ra đánh. Đinh San sợ quá đành phải chạy ra ngoài, liều mạng trở về Bạch Hổ quan. Lúc ấy Phàn Lê Huê mới giở nắp quan tài bước ra, nói với mẹ: - Con giả chết để dọa hắn một phen, chẳng ngờ hắn sợ quá bỏ về triều. Nếu không tâu trước e rằng mắc tội khi quân. Phàn phu nhân khen phải, hối Phàn Lê Huê viết tấu biểu rồi sai người hỏa tốc mang về Bạch Hô quổn. Cao tông xem biểu xong cả cười, cùng với Trình Giảo Kim bàn việc đối xử với Đinh San. Vì thế khi Đinh San vào triều lạy khóc kể đầu đuôi thì Cao tông giả vờ nổi giận, mắng: - Ngươi thật là gian xảo. Lần trước đòi phải có thánh chỉ, lần này lại nói Oai Ninh hầu chết rồi thì không thể tin được. Nói xong, Cao tông truyền mang Đinh San ra chém đầu. Trình Giảo Kim liền bước ra bảo tấu lần nữa, tâu: Có lẽ Phàn tiểu thư chưa hết cơn tức giận nên mới bày ra vậy. Bây giờ bắt Đinh San cứ ba bước một lạy cầu cho Phàn tiểu thư sống lại thì mới tha chết. Cao tông bằng lòng, truyền lệnh xuống, Đinh San bái tạ xong vẫn muốn xin chiếu chỉ cho chính thức, Cao tông cũng nhận lời luôn, viết chiếu xuất binh giao cho Trình Giảo Kim mang đến Hàn Giang quan. Phàn Lê Huê nghe tin này thì cười nói: - Ta phải làm nhục hắn ba phen thì mới hả lòng, báo thù cho những lần khốn khổ trước. Trong khi ấy Đinh San không còn cách nào khác, cứ ba bước là lạy một lần không hề bỏ sót nên đi rất chậm. Trình Giảo Kim cầm chiếu chỉ đi ngựa nên vượt qua mặt nói với Đinh San: - Lão mà lạy như vậy chỉ nửa ngày là lăn ra chết, thế tử còn trẻ thì cố gắng một lần cho trót. Lão sẽ cầm chiếu thư đến khóc lạy, may ra Phàn tiểu thư sống lại chăng? Đinh San thấy Trình Giảo Kim nói xong lập tức thúc ngựa đi ngay thì rất nghi ngờ nhưng đành để trong lòng, chỉ cầu cho Phàn Lê Huê đừng chết thì mình mới bảo toàn được tính mạng. Vì thế Đinh San vẫn không bỏ một lạy nào, vất vả khổ sở vô cùng mới tới được Hàng Giang quan, ôm linh cửu Phàn Lê Huê mà khóc ngất, hết lời cầu hãy sống lại. Phàn Lê Huê nằm trong quan tài nghe vậy cũng hơi động lòng nhưng tức giận vẫn còn nên không chịu ra mặt. Đinh San khóc rống đến đêm thì mệt quá gục xuống ngủ ngay tại chỗ. Chợt có cơn gió lạnh thổi tới, Đinh San giật mình tỉnh dậy, tiếp tục khóc nói: - Tiểu thư ôi! Sao nàng không sống lại để cùng nhau hội ngộ? Đinh San khóc kể một hồi, chợt quan tài có tiếng động rồi Phàn Lê Huê mở nắp ra liếc Đinh San một cái tỏ vẻ vẫn chưa cam tâm. Đinh San vả mừng, vội dỡ Phàn Lê Huê ra khỏi quan tài, gọi a hoàn đến săn sóc tắm rửa. Phàn phu nhân nghe tin ấy chạy đến giả vờ cảm tạ trời đất, tíu tít hối thúc bọn a hoàn, chẳng thèm nhìn tới Đinh San vẫn còn đang quỳ xin tạ tội. Phàn Lê Huê thấy vậy hơi cảm động, chỉ mặt mắng luôn: - Dù cho ngươi nói thế nào đi chăng nữa thì vẫn là kẻ vong ân phụ nghĩa. Nếu không có thánh thượng thì ta quyết giết ngươi trả hận. Ngươi mau ra công quán báo cho Trình thiên tuế biết mai này ta sẽ đến soái đường tiếp chỉ, sửa soạn tiến binh. Đinh San nghe vậy cả mừng vô cùng, vội vàng bái tạ rồi đi ra công quán. Ngày hôm sau, Phàn Lê Huê lập hương án, tiếp nhận thánh chỉ xong liền bàn với Trình Giảo Kim: - Trước kia Tiết Ứng Luân bị Đinh San mắng nên mới bỏ đi. Nay tôi và thiên tuế kéo binh về trước phục chỉ, sai Đinh San phải đích thân đến đó tạ lỗi hay thuyết phục bằng được Ứng Luân mới thôi. Trình Giảo Kim nghe theo, sai Đinh San điểm một ngàn quân kéo tới Ngọc Túy sơn thu phục Tiết Ứng Luân.
Hồi Thứ Hai Mươi Ba - Phàn Lê Huê Đăng Đàn Phong Tướng Bấm để xem Khi Đinh San đi rồi, Phàn Lê Huê liền cùng Trình Giảo Kim điểm hết binh mã, phát pháo khai thành, thẳng tiến đến Bạch Hổ quan. Khi ấy Tiết Đinh San cũng vừa tới nơi, chưa kịp hạ trại thì đã bị Tiết Ứng Luân dẫn lâu la xuống chặn đường đòi tiền mãi lộ. Tiết Đinh San giục ngựa chạy tới trước bày tỏ sự tình nhưng Tiết Ứng Luân không tin, nói: - Nghĩa phụ của ta là thế tử oai phong lừng lẫy, làm tới nhị lộ nguyên soái chứ đâu có gầy ốm tồi tàn như ngươi? Ngươi dám cả gan mạo nhận thì thật đáng chết. Nói xong, Tiết Ứng Luân định múa thương xông vào đánh, Tiết Đinh San phải hết lời giải thích, khỉ ấy Tiết Ứng Luân mới nhận ra, vội bỏ thương xuống lạy mừng. Khi biết nghĩa phụ đến chiêu dụ mình về triều, Tiết Ứng Luân cả mừng lập tức sai phóng hỏa sơn trại, dẫn hết lâu la theo Đinh San nhắm hướng Bạch Hổ quan mà đi. Mấy ngày sau tới nơi, Tiết Ứng Luân vào chào lạy nghĩa mẫu, đoàn tụ rất vui vẻ. Ngày hôm sau, Trình Giảo Kim cầm chiếu chỉ đến, gọi mọi người quỳ giữa trung đường, lớn tiếng đọc: - Phàn Lê Huê anh hùng chẳng khác nhi, trí dũng song toàn thì phong làm Tây chinh đại nguyên soái, còn Tiết Đinh San biết hối lỗi thì tha tội chết, phong làm tham tướng dưới quyền điều động của đại nguyên soái. Hai người phải định việc hôn nhân cho xong rồi mới xuất chinh. Cả nhà bái lạy tạ ơn, chia nhau treo đèn kết hoa để đêm ấy Đinh San và Phàn Lê Huê thành thân. Hôm sau Phàn Lê Huê mặc nhung phục nguyên soái vào tạ ơn được Cao tông ban cho ba chung ngự tửu. Uống rượu ban xong, Phàn Lê Huê bái tạ vua rồi thẳng tới giáo trường thăng trướng, hội hết các vị tổng binh, tham tướng và các chức sắc khác đứng thành hai hàng, lớn tiếng nói: - Tôi tuân mệnh thánh thượng nắm giữ chức nguyên soái, thống lĩnh binh mã chinh tây thì là việc rất trọng đại. Vì thế quân tướng lớn nhỏ nhất nhất phải theo hiệu lệnh. Một là không được gian dâm, hai là không cướp đoạt của dân, ba là không vì sợ hãi mà lui bước, bất cứ ai vi phạm quân lệnh đều chém đầu chẳng tha. Thấy các tướng cúi đầu xin nghe theo, Phàn Lê Huê liền phân cho La Chương làm tiền bộ tiên phong, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ làm Tả chi hữu dực, Đinh San và Ứng Luân làm hậu ứng, Uất Trì Hiệu Hoài phụ trách vận lương, Tần Mộng và Uất Trì Thanh Sơn làm tiền hậu hộ vệ. Sau khi phân xong, Phàn Lê Huê cùng mới một đội nữ binh tiến ra trước rầm rộ nhắm hướng Bạch Hổ quan tiến thẳng. Khi ấy La Chương, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ đã kéo quân tới trước cửa ải, lớn tiếng khiêu chiến. Dương Phàm cũng đã luyện xong bảo bối nên chẳng hề sợ hãi, lập tức mở cửa xông ra, chỉ mặt ba tướng mắng lớn: - Các ngươi toàn là vô danh tiểu tốt thì đến đay làm gì? Mau gọi Phàn nữ tặc ra đây đối chiến với ta. La Chương nghe vậy cả giận, múa thương đâm tới một nhát rất mạnh. Tuy Dương Phàm gạt ra được nhưng chấn động cả cổ tay thì rất sợ hãi, lấy ngay phi đao vừa mới luyện ra đánh. La Chương không kịp đề phòng, bị phi đao bay trúng vai, đau quá nhào xuống ngựa. Dương Phàm vừa định xông tới cắt lấy thủ cấp thì Tần Hán và Đậu Nhất Hổ đồng xông lên ngăn lại. Dương Phàm thấy vậy cả giận, lấy phi phiêu quăng ra khiến hai tướng cả kinh, vội độn thổ chạy mất. Dương Phàm cả cười, thúc ngựa tiến tới trước trại khiêu chiến tiếp. Lúc đó Phàn Lê Huê đã lấy linh đan ra trị thương cho La Chương xong, vừa định nai nịt thì Đinh San và Ứng Luân cùng xin ra đánh. Phàn Lê Huê liền nói: - Dương Phàm gọi đích danh thì bản soái phải ra mặt, nếu không hắn sẽ cho là nhát sợ. Tuy nhiên hai tướng muốn đi thì đứng ngoài lựợc trận cũng được. Nói xong, Phàn Lê Huê và Đinh San, Ứng Luân điểm quân kéo ra. Đây là lần đầu Dương Phàm nhìn thấy mặt Phàn Lê Huê. Thấy nhan sắc của người mình định cưới xinh đẹp như Tây Thi tái sinh thì tiếc đến đứt ruột, bồi hồi nói: - Phàn Lê Huê! Trước kia ta với ngươi đã có lời hứa kết hôn, chỉ vì việc binh đao mà thành ra chia uyên rẻ thúy. Nay đã gặp mặt thì hãy xóa hết án hận thù, cùng nhau nói lại duyên tình có được không? Phàn Lê Huê hổ thẹn mắng lại khiến Dương Phàm cũng giận theo, gằn giọng nói: - Tiện tì! Ta không nỡ xuống tay mà cũng không để tâm chấp nhất những việc vừa qua, vậy mà ngươi không biết suy sét thì quả là đứa ác độc, vì thế mới dám ra tay giết cha giết anh đầu hàng quân địch. Nói xong, Dương Phàm múa Xích Đồng đao xông tới đánh luôn. Hai bên giao tranh hơn ba mươi hiệp không phân được thắng bai nên Dương Phàm nóng lòng sốt ruột, lấy phi phiêu quăng lên. Phàn Lê Huê lập tức giở Càn khôn phách ra, thâu phi phiêu vào đó. Dương Phàm hoảng sợ vội vàng quăng luôn một khúc mười mấy cái phi phiêu nữa nhưng đều bị Càn khôn phách thâu vào bằng hết. Dương Phàm thất kinh, giở luôn tà pháp cuối cùng ra, biến thành ba đầu sáu tay, mặt xanh nanh đỏ, thân hình cao hơn ba trượng, cầm sáu món binh khí, cùng với âm binh thần tướng xông vào đánh nhầu. Phàn Lê Huê cả cười, niệm chú rồi chỉ tay một cái, bao nhiêu binh ma tướng quỷ liền quay trở lại đánh cả Dương Phàm lẫn quân Liêu. Dương Phàm chưa kịp bỏ chạy thì Phàn Lê Huê đã nhanh tay quăng Trảm yêu kiếm lên chặt đức một đầu và một tay khiến Dương Phàm đau quá hết lên thất thanh rồi quay ngựa chạy thẳng vào ải đóng chặt cửa lại. Các tướng Đường thừa cơ hội đó cho quân tiến lên đánh giết một trận tơi bời. Chẳng ngờ Dương Phàm tịnh dưỡng hai ngày lại đến khiêu chiến lần nữa, hình như chưa sợ chút nào. Phàn Lê Huê hết sức cả giận, vì thế xông ra là đánh luôn. Lần này Dương Phàm cũng giỡ phép ra nhưng đều bị Phàn Lê Huê đánh cho tan tành, đành phải dùng đến chước cuối cùng là hiện thành ba đầu sáu tay, cùng với lũ âm binh tiến đánh. Phàn Lê Huê bèn lấy Hỏa hồ lô, thả một bầy quạ lửa đốt cháy bọn binh ma tướng quỷ, sau đó mới dùng phi đao chém đứt hết sáu tay của Dương Phàm. Thấy Dương Phàm nhào xuống đất nằm rên la thmả thiết, Phàn Lê Huê nhớ lại lời hứa hôn trước nên không nỡ xuống tay, quay ngựa bỏ đi. Chẳng ngờ khi ấy Tiết Ứng Luân vừa chạy tới, tiện tay chém đứt Dương Phàm làm hai đoạn. Trong xác của Dương Phàm chợt bắn ra một luồng hắc khí trúng ngay mặt Phàn Lê Huê làm cho nữ tướng xây xẩm mặt mày, nào luôn xuống đất. Nữ binh chẳng biết vì sao, cấp tốc xúm lại đỡ nguyên soái về trại, săn sóc một hồi lâu lâu mới tỉnh. Đó chính là hồn của Dương Phàm thác sinh vào người Phàn Lê Huê, sau này sinh ra Tiết Cương gây thành đại họa. Quân tướng tây Liêu thấy chủ tướng chết thì kinh hoảng bỏ chạy bằng hết, để mặc cho quân Đường phò Cao tông vào ải, treo bảng chiêu an bá tánh, dựng cờ Đại Đường. Sau khi kiểm điểm lương thảo, cho quân sĩ nghĩ ngơi ít ngày, Phàn Lê Huê từ biệt Cao tông, kéo quân nhắm hướng tây thẳng tiến, chẳng mấy chốc đã lên bờ Sa Giang. Đây là con sông rất lớn, dân cư trù phú đông đúc nên Phàn Lê Huê không cho tiến binh ngay, truyền hạ trại ở bờ bên này rồi sai Tần Hán bay qua tìm chách cướp lấy thuyền bè. Tần Hán vâng lệnh từ trên trời nhìn thấy dân chúng sinh hoạt nhộn nhịp chẳng khác gì Trung Nguyên, dưới bến có mấy ngàn chiến thuyền nhỏ thì rất mừng, tự nghĩ: - "Ta một thân một mình không thể nào cướp được số thuyền lớn như vậ, chi bằng dùng kế lừa bọn chúng một phen." Đang nghĩ ngợi, Tần Hán chợt thấy có một viên quan cầm lệnh tiễn đi xuống bến sông ra lệnh: - Quân nhà Đường đã tiến tới đây, chắc chắn không dự bị thuyền để qua sông. Vì thế các ngươi không được cho một chiếc thuyền nào rời bến, nếu vi phạm sẽ chém đầu. ThgeTần Hán vậy liền hạ xuống một cái thuyền đậu khuất phía sau, trộm một bộ quần áo giả làm quân Liêu, đuổi theo viên quan đó. Thấy Tần Hán đến gần, viên quan quát hỏi thì Tần Hán đáp bừa: - Tôi là gia tướng của lão gia, giả làm quân sĩ đi thám thính tình hình, còn tướng gia là ai mà tôi chưa biết mặt? Viên quan ngẩn người, đáp: - Ta cũng là thủ hạ của lão gia, cũng chẳng thấy mặt ngươi bao giờ. Tần Hán thừa dịp đó nói đông nói tây một hồi, cùng viên quan ăn uống trò chuyện hết sức vui vẻ. Rượu vào lời ra, viên tướng vui miệng cho biết: - Lão gia là phụ thân của Dương tướng quân ở Bạch Hổ quan, vì thế rất lo lắng cho con. Hôm nay lão gia đã sai người đến Bạch Lang sơn thỉnh Hồng Mao đạo nhân và Hắc Giải tiên trường, chắc là thừa sức đánh phá quân Đường báo thù cho con. Lão gia sợ quân Đường cướp thuyền qua sông nên mới sai tôi đi truyền lệnh không được nhổ neo. Tần Hán nghe vậy liền ép viên quan uống thật say, đến mức nằm gục trên bàn ngủ như chết, chẳng còn biết gì nữa. Tần Hán liền đổi y phục, chạy xuống trả tiền và dặn chủ quán đừng đánh thức bằng hữu của mình, sau đó xuống bến truyền lệnh: - Lão gia biết không thể chống nổi với quân Đường nên đã định đầu hàng. Vì thế các ngươi kéo toàn bộ qua sông mà đón quân tướng nhà Đường. Thuyền nào lẹ sẽ được thưởng, thuyền nào trái lệnh thì chém đầu. Bọn quân sĩ hết sức kinh ngạc vì lệnh trái ngược hẳn nhau nhưng vẫn tuân lệnh, giương buồm lên chạy thẳng qua bờ sông bên kia. Tần Hán chờ các thuyền đi hết thì đổi quần áo lại, bay trở lại báo cáo sự việc cho nguyên soái biết. Phàn Lê Huê cả mừng, truyền quân tướng dự bị đâu đó sửa soạn, hễ thấy thuyền đến lập tức xuống mà qua sông. Khi các thuyền Liêu đến nơi thì trời đã tối, vì thế đến canh ba mới đưa hết quân tướng nhà Đường qua sông. Phàn Lê Huê nhân lúc trời tối, lập tức sai La Chương dẫn quân đi cướp ải ngay lập tức. Phụ thân của Dương Phàm là Dương Hổ nghe quân sĩ báo tin thì thất kinh hồn vía, chẳng biết quân nhà Đường lấy thuyền đâu mà qua sông mau lẹ như vậy.
Hồi Thứ Hai Mươi Bốn - Tần Hán Vâng Lệnh Mượn Linh Kỳ Bấm để xem Dương Hổ còn chưa biết đối phó ra sao thì chợt có Hồng Mao đạo nhân và Hắc Giải tiên trưởng hạ sơn xuống ải. Nghe Dương Hổ kể lại việc quân Đường vượt sông khiêu chiến, hai đạo nhân nổi giận đùng đùng xin kéo quân ra đối chiến. Được Dương Hổ bằng lòng, cả hai bước ra trước ải, xõa tóc niệm chú, dùng gươm báu chỉ một cái, tức thì phi sa tẩu thạch nổi lên cuồn cuộn, đánh bọn quân sĩ nhà Đường vỡ tan. La Chương cũng hoảng sợ bỏ chạy. Phàn Lê Huê nghe báo hết sức tức giận, cùng bốn nữ binh tiến ra, niệm chú mấy tiếng khiến phi sa tẩu thạch biến mất. Khi ấy Phàn Lê Huê mới có thời gian nhìn kỹ hai đạo nhân, một người thì mặt đỏ, râu tóc cũng đỏ, còn một người kia mặt den, râu xanh xám rất quái dị. Hai đạo nhân thấy Phàn Lê Huê phá phép của mình thì đều nổi giận, chẳng thèm hỏi họ tên, xông tới đánh nhầu. Thấy Phàn Lê Huê chỉ có một mình, đầu tiên Đậu Tiên Đồng và Nguyệt Nga tiến lênrợ lực, sau đó có cả Kim Định và Kim Liên khiến hai đạo nhân không sao chống nổi, quay ngựa bỏ chạy. Thấy các nữ tướng nhất quyết đuổi theo Hồng Mao đạo nhân giận quá hiện nguyên hình là một con Hỏa long, quay đầu lại há miệng phun khói lửa ngùn ngụt. Phàn Lê Huê vội niệm chú gọi nước tràn đến dập tan ngọn lửa trong nháy mắt. Hồng Mao đạo nhân thất kinh hồn vía đứng sững như trời trồng. Phàn Lê Huê liền thúc ngựa xông tới nhưng Hắc Giải tiên trưởng chặn lại kịp, hóa thành một con cua đen khổng lồ, nhả nước bọt thành một lớp sương mờ cả trời đất. Phàn Lê Huê không nhìn rõ được đường lối nên đành thu quân về trại. Dương Hổ thấy hai đạo nhân chạy về đầu tóc tả tơi thì giận lắm, lập tức lên ngựa tiến ra trận, gọi tên Phàn Lê Huê mà mắng. Tiết Ứng Luân nghe Dương Hổ mắng nhiều câu vô lễ thì không sao nhịn được, xin lệnh rồi dẫn quân kéo ra, cả tiếng mắng lại. Hai bên đều tức giận, chỉ được mấy câu là xông vào giao đấu kịch liệt. Khi ấy Tần Hán và Đậu Nhất Hổ được Phàn Lê Huê sai ra hộ trận, đồn xông vào vây chặt lấy Dương Hổ. Hai đạo nhân thấy vậy cũng xông đến biến thành một cuộc hỗn chiến long trời lở đất. Được mấy hiệp, Hồng Mao đạo nhân dùng hỏa châu ném ra, trúng ngay mặt Tần Hán. Đậu Nhất Hổ chặn lại cũng bị trúng hỏa châu nên đều độn thổ trốn mất, chỉ còn lại một mình Tiết Ứng Luân. Phàn Lê Huê lập tức dẫn các nữ tướng xông vào giải cứu, quẩn thảo với ba tướng địch hết sức dữ dội. Không là người có sức mạnh trong bọn, trổ tài thần oai đập một chùy ngay đầu Dương Hổ, vỡ óc ra chết tốt. Hồng Mao đạo nhân kinh hoảng hiện nguyên hình, phun lửa ra định đốt chết Kim Định nhưng Phàn Lê Huê kịp thời niệm chú hóa nước chống lại. Hồng Mao đạo nhân chưa kịp biến thành hình người thì Phàn Lê Huê đã nhanh phóng phi đao ra chém thành hai đoạn. Một đoạn thân của Hỏa Long bay qua Trung Nguyên, một đoạn rơi ở Tây Liêu, sau này đều hóa thành Hỗn Thế ma vương. Hắc Giải tiên trưởng chỉ còn một mình thì không tham đánh, vội phun nước bọt làm sương mù mà rút quân về ải. Cả ngày hôm ấy sương mù vẫn không tan, chẳng thể nào thấy được vật gì ở xa nên Phàn Lê Huê rất lo lắng, thương nghị với các nữ tướng tìm cách phá làn sương mù nà thì mới có thể công phá quan ải được. Nguyệt Nga chợt nhớ ra, nói ngay: - Sư phụ tôi có một lá Ngũ Linh kỳ, có diệu dụng phá được sương mù. Nếu nguyên soái sai người đi mượn thì chống với yêu đạo dễ như trở bàn tay. Phàn Lê Huê nghe vậy cả mừng, sai Tần Hán đến Trước Ẩn sơn mượn cờ. Tần Hán tuân lệnh đi ngay, khi đằng vân đi ngang qua một ngọn núi tình cờ thấy hai viên tiểu tướng đang đánh nhau kịch liệt liền hạ xuống hỏi han tự sự. Khi biết chỉ vì một chút hiềm khích nhỏ, Tần Hán cười nói: - Ta là Tần Hán, đệ tử của Vương Thiền lão tổ, theo lệnh nguyên soái đi mượn cờ thần. Ta thấy hai vị đều là thiếu niên anh hùng, sao không tìm nơi lập công danh cho thỏa đời nam nhi trượng phu. Hai tiểu tướng nghe vậy liền xuống ngựa bái Tần Hán là sư phụ, xin được đi theo. Tần Hán hỏi họ tên thì biết đó là Lưu Nhân và Lưu Thoại thì bằng lòng nhận làm đệ tử, dặn dò cứ ở đó, sau khi xong việc sẽ về đón. Sau đó Tần Hán đằng vân thẳng đến Trước Ẩn sơn, ra mắt Kim Đao thánh mẫu xin mượn Ngũ Linh kỳ. Kim Đao thánh mẫu bằng lòng ngay, nói Phàn Lê Huê cứ lấy mà dùng về sau, bao giờ chinh Tây xong trả lại cũng được. Tần Hán mừng rỡ bay đến ngọn núi cũ chỉ đường cho hai đệ tử rồi cấp tốc đằng vân về trại cho kịp thời gian. Phàn Lê Huê cả mừng, lập tức nai nịt dẫn quân ra trước trận, dùng Ngũ Linh kỳ phất ba cái. Quả nhiên sương mù tan biến trong nháy mắt, lộ ra hình dáng một con cua đen khổng lồ nằm chết, chính là nguyên hình của Hắc Giải tiên trưởng. Quân Liêu thấy cả ba chủ tướng vong mạng thì chẳng còn hồn vía nào nữa, thi nhau chạy thục mạng nên Phàn Lê Huê chẳng cần đánh, ung dung dẫn quân vào ải. Mấy ngày sau Lưu Nhân và Lưu Thoại đến ra mắt, được Tần Hán dẫn vào giới thiệu với nguyên soái. Phàn Lê Huê nhìn thấy hai người đường đường chính chính thì rất hài lòng, cho cho theo dưới trướng của Tần Hán, bao giờ lập được công lao mới tuỳ theo mà phong chức tước. Sau này Lưu Thoại lấy ngự muội của vua Chân Đồng, còn Lưu Nhân lấy công chúa nước Thiên Trúc, đều được vinh hiển. Cho quân sĩ nghỉ ngơi ở thành Sa Giang vài ngày, chấn chỉnh đội ngũ xong, Phàn Lê Huê liền sai La Chương là tiên phong, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ làm Tả chi hữu dực, kéo quân thẳng đến Phụng Hoàng sơn. Trên núi này có xây một cái ải hết sức kiên cố, lại do ngự đệ của Lang vương là Ô Hắc Lợi trấn giữ nên khó ai đánh phái nổi. Phàn Lê Huê biết điều ấy nên không cho quân đánh vội, truyền hạ trại để cho các tướng thương nghị kế sách. Chẳng ngờ đêm ấy Ô Hắc Lợi âm thầm cho quân tiến đến gần, đột ngột pháo nổ xông vào cướp trại. Ô Hắc Lợi xông thẳng vào trung quân, nhưng chợt thấy trại bỏ trống không thì giật mình, biết là trúng kế mai phục của quân Đường nên vội vàng hạ lệnh rút lui. Chỉ chậm một chút, thình lình từ bốn phía có tiếng pháo nổ vang rồi quân tướng nhà Đường reo hò xông ra như kiến cỏ. Hai bộ tướng của Ô Hắc Lợi là Mang Tử Nha và Mang Tử Hải sợ quá, luống cuống tìm đường thoát thân, bị La Chương và Tiết Ứng Luân đâm chết ngay tại trận. Khi ấy Ô Hắc Lợi cũng không địch nổi với Tiết Đinh San nên thừa cơ hỗn loạn tìm đường bỏ chạy. Ứng Luân tình cờ thấy vậy liền thúc ngựa đuổi theo, chẳng ngờ đến một hẻm núi thì Ô Hắc Lợi biến mất tăm mà đường lối loạn xạ cả lên. Ứng Luân chẳng sao tìm được đường lui ra, đành quanh quẩn suốt đêm hôm ấy. Ngày hôm sau, Phàn Lê Huê còn đang lo lắng về số phận của Tiết Ứng Luân thì Ô Hắc Lợi lại dẫn quân đến khiêu chiến, thách thức nhiều lời phách lối. Phàn Lê Huê rất tức giận, sai La Chương ra đối địch. Tuy La Chương có sức mạnh như thần nhưng về võ nghệ kém hơn một chút nên chỉ cầm đồng với Ô Hắc Lợi chứ không sao thắng nổi. Thấy vậy Tần Hán và Đậu Nhất Hổ đồng thúc ngựa xông vào trợ chiến. Ô Hắc Lợi chống đỡ với ba tướng được mấy hiệp liền quay ngựa bỏ chạy. La Chương không đuổi theo nhưng hai tướng kia nhất định giết bằng được Ô Hắc Lợi lập công nên cắm đầu đuổi theo ráo riết. Ô Hắc Lợi chờ hai tướng tới gần, lén lấy một bảo bối gọi là Truy Hồn tán đưa lên rung mấy cái. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ tức thì mê man bất tỉnh, nhào khỏi lưng ngựa, bị quân Liêu bắt trói mang về ải. La Chương thấy bảo tán quá lợi hại thì không dám đuổi theo cứu giải, lui binh về báo cho Phàn Lê Huê biết. Về phần Tần Hán và Đậu Nhất Hổ bị trói vất ở dưới thềm, nghe bọn quân Liêu bàn tán thì biết Tiết Ứng Luân đang bị hãm trên núi không biết đường ra, chỉ trong bảy tám ngày sẽ đói mà chết. Vì thế Ô Hắc Lợi không thèm quan tâm đến Ứng Luân, quát quân sĩ dẫn giải hai tướng Đường ra trước thềm. Thấy hai tướng không chịu quỳ, Ô Hắc Lợi chỉ mặt mắng: - Các ngươi muốn chết hay sao mà không chịu quỳ? Hai tướng cười mà đáp lại: - Chúng ta đang muốn chết đây, có giỏi thì chém đầu thử coi. Ô Hắc Lợi nổi trận lôi đình, lập tức sai quân mang hai tướng ra ngoài chém đầu. Hai người chỉ chờ có thế, bọn quân sĩ vừa đè xuống đất thì liền cười ngất, độn thổ trốn mất biệt. Nhờ vậy Phàn Lê Huê biết được tinh của Ứng Luân, tức thì sai Đậu Nhất Hổ đem ít lương khô lên Phụng Hoàng sơn tìm kiếm, còn Tần Hán được sai đi trộm Truy Hồn tán. Hai tướng tuân lệnh đi ngay. Trong khi ấy Tiết Ứng Luân lẩn quẩn trong núi đã hai ngày nên bụng đói cồn cồn, sức lực gần như mất hết, còn đang cố tìm phương hướng thoát ra thì chợt nghe có tiếng cười thánh thót. Tiết Ứng Luân nhìn lên thấy đó là một bọn tiên nữ đang dạo chơi, đùa giỡn vui vẻ thì mừng rỡ lên tiếng kêu cứu: - Tôi là Tiết Ứng Luân, tướng nhà Đường, bị Ô Hắc Lợi vây hãm nơ đây. Nếu các vị biết tường lối thì xin chỉ giúp. Một tiên nữ đẹp như trăng rằm nói ngay: - Ta là công chúa, em gái của Ô Hắc Lợi đây. Ta vốn với ngươi có duyên tiền định, nếu ưng chịu thì mới cứu, bằng không mặc cho ngươi chết đói ở dưới đấy. Tiết Ứng Luân đang đói lả nên điều kiện gì cũng chấp nhận, huống chi đây là việc thành thân với tiên nữ. Thấy Tiết Ứng Luân bằng lòng, công chúa liền sai bọn a hoàn thòng dây xuống kéo lên, ngay đêm ấy đặt tiệc, làm lễ tế cáo trời đất rồi cùng Tiết Ứng Luân động phòng hoa chúc. Vì vậy Đậu Nhất Hổ kiếm hơn nửa ngày trời chẳng thấy tung tích Ứng Luân đâu, đành phải quay về báo lại. Riêng phần Tần Hán xui xẻo hơn, đêm ấy đằng vân qua ải tìm chỗ vắng hạ xuống, chờ bọn quân sĩ ngủ hết liền lẻn vào phòng của Ô Hắc Lợi. Tần Hán thấy Ô Hắc Lợi dựa ghế ngủ, Truy Hồn tán vẫn còn treo bên hông thì bậm môi rón rén đến gần, thò tay tháo dây đeo, chẳng ngờ chạm nhằm cái lục lạc khiến nó kêu lên mấy tiếng. Ô Hắc Lợi giật mình tỉnh dậy, Tần Hán chưa kịp trở bộ thì đã bị Ô Hắc Lợi chộp cổ bắt sống.
Hồi Thứ Hai Mươi Lăm - Lê Huê Mượn Linh Phù Phá Phép Bấm để xem Ô Hắc Lợi tưởng Tần Hán chỉ biết có phép độn thổ nên sai quân treo lên cành cây, chờ đến sáng thì kéo quân ra thách chiến. Điêu Nguyệt Nga nghe tin chồng bị bắt thì nóng lòng sốt ruột, xin được ra trận báo thù. Ô Hắc Lợi đang cả tiếng mắng nhiếc, chợt thấy một nữ tướng xinh đẹp tuyệt trần xông ra xưng là vợ của Tần Hán thì không sao nhịn được cười, nói: - Nàng xinh đẹp như vậy mà lấy một tên lùn thì đúng là uổng phí, đi theo ta có hơn không? Điêu Nguyệt Nga cả giận, múa song đao xông tới nhắm đầu Ô Hắc Lợi chém luôn. Ô Hắc Lợi có ý muốn bắt sống Điêu Nguyệt Nga về vui vầy nên đánh được mấy chục hiệp liền giả thua bỏ chạy, định bụng dùng Truy Hồn tán nhưng không ngờ Điêu Nguyệt Nga cũng đề phòng trước, lấy Nhiếp Hồn linh ra sử dụng. Hai bảo vật cùng tác động một lượt nên hai tướng đều nhào lăn bất tỉnh. Người nào được quân sĩ nấy xúm vào mang về cứu chữa. Khi ấy Tần Hán bị treo trên cành cây, thấy Ô Hắc Lợi đã ra khỏi ải thì liền niệm chú cho dây trói tuột ra, đằng vân bay về trại. Phàn Lê Huê thấy Tần Hán thoát thân thì cũng bớt lo buồn nhưng vẫn hối thúc Đậu Nhất Hổ cố đi tìm Ứng Luân lần nữa. Đêm ấy, Tần Hán lại đằng vân vào ải, vẫn thấy Ô Hắc Lợi ngồi ngủ trên ghế thì cười thầm, lén lấy ghẻ rách nhét vào lục lạc rồi mới nhẹ nhàng cởi dây. Cầm Truy Hồn tán trong tay, Tần Hán liền la lớn: - Có thích khách, mau dậy mà bắt. Dứt lời là đằng vân đi mất. Ô Hắc Lợi giật mình tỉnh dậy, thấy quân sĩ nhốn nháo tìm bắt thích khách thì cười, nói bọn chúng đi ngủ bởi vì đã đề phòng trước cất Truy Hồn tán thật vào một nơi rồi. Sáng hôm sau, nghe báo Ô Hắc Lợi đến khiêu chiến, Tần Hán hớn hở xin ra đánh ngay, cho rằng không còn gì để sợ. Điêu Nguyệt Nga thì không coi thường như vậy, cầm Nhiếp Hồn linh theo ra lược trận cho chồng. Nhìn hai tướng giao đấu một hồi, Điêu Nguyệt Nga chợt thấy Ô Hắc Lợi lấy Truy Hồn tán ra thì cũng rung Nhiếp Hồn linh một lượt, ba người lập tức nhào xuống đất mê man. Quân sĩ hai bên vội xúm lại mang chủ tướng về. Khi tỉnh dậy Tần Hán mới biết mình đã bị Ô Hắc Lợi lừa, tức tối vào thưa với Phàn Lê Huê: - Nguyên soái muốn phá được Truy Hồn tán thì phải nhờ sư phụ của tôi mới xong. Phàn Lê Huê cũng muốn cho mau kết thúc nên bằng lòng. Tần Hán liền đằng vân về động, được Vương Ngao lão tổ ban cho mười hai đạo linh phù chống lại. Phàn Lê Huê thấy Tần Hán thành công thì cả mừng, lập tức xuống lệnh cho các tướng chuẩn bị giao chiến. Sáng hôm sau, Phàn Lê Huê hội các tướng lại, phân công rõ ràng và đưa cho mỗi tướng một đạo linh phù. Chư tướng mừng rỡ ồ ạt kéo quân đến trước ải, gọi đích danh Ô Hắc Lợi ra giao chiến. Ô Hắc Lợi thấy quân Đường kéo kéo đến quá đông thì rất kinh sợ, tính kế "hạ thủ vi tiên", vừa ra khỏi ải là lấy Truy Hồn tán rung lên lia lịa. Các tướng nhờ có linh phù nên chẳng hề hấn gì, đồng áp lại một lượt khiến Ô Hắc Lợi mất hết hồn vía, quay đầu bỏ chạy. Phàn Lê Huê đá tính trước đường thoát thân của hắn, chặn đầu dùng phi đao quăng ra, chém Ô Hắc Lợi làm hai đoạn. Các tướng Liêu khác khiếp vía kinh hồn, vội vàng mở cửa ra đầu hàng. Phàn Lê Huê dẫn quân tướng tiến vào ải nhưng trong lòng vẫn nhớ tới Ứng Luân nên sai Đậu Nhất Hổ và Tần Hán dẫn quân sĩ đi tìm ngay. Khi ấy Ứng Luân ở Phụng Hoàng sơn đã được bảy ngày, túc duyên mãn hạn nên công chúa nói: - Thiếp chính là tiên ở núi này. Vì có duyên phận với tướng quân bảy ngày nên mới hiện thân cứu giúp, bây giờ thời hạn đã mãn phải chia tay mà thôi. Tiết Ứng Luân nghe vậy ứa nước mắt, một mực muốn bỏ trần gian để theo lên cảnh tiên nhưng tiên nữ thở dài lắc đầu, đưa ra khỏi cửa. Ứng Luân còn đang toan năn nỉ tiếp thì chợt trời đất tối sầm lại, phi sa tẩu thạch khủng khiếp. Một lát sau trời quan mây tạnh thì chẳng còn thấy tiên nữ hay nhà cửa đâu nữa. Ứng Luân còn đang bồi hồi thì nghe tiếng Đậu Nhất Hổ kêu réo, vội lên tiếng rồi chạy ra kể chuyện cho hai tướng biết. Đậu Nhất Hổ và Tần Hán nghe xong đều thở dài than cho thân hình thấp lùn của mình, chẳng được dể dàng như Tiết Ứng Luân. Phàn Lê Huê nghe Tiết Ứng Luân kể lại thì cười ngất, hứa sẽ tìm một người con gái xinh đẹp giống như tiên nữ làm mai mối cho nghĩa tử. Tiết Ứng Luân tạ ơn rồi lui ra, trong lòng không sao quên được bảy ngày ân ái thần tiên ấy. Ngày hôm sau, Phàn Lê Huê cho người về triều báo thiệp chiến thắng rồi nổ súng phát binh, nhắm hướng Kỳ Lân sơn thẳng tiến. Tướng trấn giữ ải này là em của Tô Bảo Đồng tên Tô Văn Thông, cũng được tiên gia truyền dạy cho nhiều pháp thuật lợi hại. Khi nghe quân báo có tướng Đường là Đậu Nhất Hổ đến trước ải khiêu chiến thì cả giận, lập tức dẫn quân xông ra. Đậu Nhất Hổ thấy Tô Văn Thông mặt xanh mỏ nhọn, tiếng nói như chuông vỡ thì chán quá chẳng thèm hỏi họ tên, xông vào đánh luôn. Được hơn ba mươi hiệp, Tô Văn Thông đuối cả tay chân liền lấy Hoa linh phiến nhắm Đậu Nhất Hổ quạt mấy cái. Đậu Nhất Hổ bị hơi nóng chẳng khác gì lò lửa thì kinh hoảng độn thổ xuống đất mà trốn. Tô Văn Thông không chịu tha, cứ nhắm dưới đất mà quạt đến khi đất cũng nóng đỏ lên thì mới thôi, kêu ngạo đến trước trại khiêu chiến tiếp. Phàn Lê Huê nghe Đậu Nhất Hổ thuật lại phép tắc của Tô văn Thông thì biết là không ai trị được, đích thân dẫn quân xông ra. Quả nhiên Tô Văn Thông lại dùng đến Hỏa Linh phiến, quạt lửa ra ngùn ngụt. Phàn Lê Huê đã đề phòng sẵn, niệm chú khiến nước dâng lên tràn ngập bao nhiêu lửa đều tắt ngúm. Phàn Lê Huê thấy Tô Văn Thông kinh hoảng luống cuống cả tay chân thì thừa cơ quăng phi đao ra chém tướng địch làm hai đoạn, xong xuôi mới thâu lấy Hỏa Linh phiến để sau này cần dùng tới. Ngay khi ấy chợt có đạo nhân mặt áo bát quái, mặt dài miệng nhọn, cầm bảo kiếm bay xuống, chỉ mặt Phàn Lê Huê mắng lớn: - Phàn Lê Huê! Ta với ngươi là đồng đạo mà sao ngươi nỡ giết hai đệ tử của ta? Phàn Lê Huê hết sức ngạc nhiên vì chưa hề thấy mặt đạo nhân này bao giờ, hỏi lại thì đạo nhân hậm hực cho biết: - Ta là Bát Quái đạo nhân. Trước kia ngươi theo sư phụ qua Võ Đang thăm sư phụ của ta là Hoàng Sơn lão mẫu, như thế chưa phải đồng đạo hay sao? Ngươi nhẫn tâm giết một lúc hai tên đệ tử là Ô Hắc Lợi và Tô Văn Thông thì thù này không thể không báo. Nói xong, Bát Quái đạo nhân múa kiếm xông tới đánh nhầu. Tuy nhiên suy về võ nghệ thì Bát Quái còn thua xa Phàn Lê Huê nên được mấy hiệp liền dùng tới tà pháp. Bát Quái đạo nhân há miệng thả ra vô số quạ lửa nhưng đều bị Phàn Lê Huê dùng nước dâng làm dập tắt hết. Nhân lúc bát Quái đạo nhân đang bối rối, Phàn Lê Huê định quăng phi đao ra giết chết cho tuyệt hậu hoạn. Chẳng ngờ Bát Quái đạo nhân rất nhanh nhẹn, tức thì độn thổ chạy mất nên Phàn Lê Huê đành phải thu quân về trại. Ngày hôm sau, khi Bát Quái đạo nhân đến khiêu chiến, Đậu Tiên Đồng nghĩ ra một kế nên xin Phàn Lê Huê cho xuất binh, cùng địch nhân giao chiến. Đậu Tiên Đồng chờ Bát Quái đạo nhân thả quạ lửa ra thì giả vờ sợ hãi bỏ chạy. Bát Quái đạo nhân đắc chí đuổi theo liền bị Đậu Tiên Đồng quăng Khổn Tiên thằng lên bắt trói chặt cứng, giải về trại. Phàn Lê Huê dùng linh phù dán vào trán, tức thì Bát Quái đạo nhân hiện nguyên hình thành một con rùa lớn. Phàn Lê Huê biết con rùa này từ Võ Đang trốn xuống trần nên không giết, sai nhốt vào một chỗ, khi bình Liêu xong sẽ mang về núi trả lại. Vừa khí đó bọn quân sĩ chạy vào báo tin: - Có một đạo nhân xưng tên là Trường Thọ đại tiên, đến trước cửa đòi báo thù cho Bát Quái đạo nhân, hiện đang lớn tiếng mắng chửi. Phàn Lê Huê liền sai Tiết Ứng Luân xuất trận nhưng giao tranh chưa được mấy hiệp thì Trường Thọ đại tiên há miệng phun ra vô số Hỏa Long khiến Tiết Ứng Luân bỏ chạy trối chết. Đậu Tiên Đồng vội thúc ngựa tiến ra chặn đường đánh với Trường Thọ đại tiên kịch liệt. Khi thấy Trường Thọ đại tiên giở phép phun Hỏa Long ra, Đậu Tiên Đồng cười nhạt, niệm chú hóa ra vô số Thủy Long, trong phút chóc thì bao nhiêu Hỏa Long đều biến mất tiêu. Trường Thọ đại tiên thấy vậy bay hồn mất vía, định quay ngựa chạy nhưng không còn kịp nữa. Đậu Tiên Đồng đã nhanh tay quăng Khổn Tiên thằng lên bắt trói giống như Bát Quái. Khi dẫn về trại, Phàn Lê Huê cũng dán linh phù lên trán để bắt Trường Thọ đại tiên hiện nguyên hình. Hóa ra đó là một con rắn lớn, nằm khoanh tròn mà thở. Phàn Lê Huê cũng sai quân nhốt con rắn vào một chỗ, chờ sau khi phá ải xong sẽ tính sau. Chợt thấy có quân sĩ chạy vào báo có Hắc Diện đạo nhân đến xin cầu kiến, lời lẽ ôn hòa khác hẳn hai đạo nhân trước. Phàn Lê Huê nghe vậy liền mời vào, lễ phép hỏi danh tính. Hắc diện đạo nhân dáp: - Bần đạo là Trương Đại đế nơi Bắc Cực. Phàn Lê Huê nghe vậy giật mình, vội mời Trương Đại đế lên ghế trên. Trương Đại đế từ chối, thong thả nói: - Nguyên soái không cần đa lễ. Vì hai tướng Quy, Xà lén trốn xuống trần quấy phá, hôm nay bị nguyên soái bắt được nên tôi phải đến xin nguyên soái vị tình mà tha cho bọn chúng. Phàn Lê Huê nghe xong lập tức sai quân sĩ mở trói cho hai tướng, dẫn ra trao trả cho Trương Đại đế. Thấy hai người cúi đầu hổ thẹn, Trương Đại đế liền mắng lớn bắt người phải bái lạy tạ ơn. Phàn Lê Huê nhân dịp đó hỏi Trương Đại đế về việc chinh Tây thì được tặng hai câu thơ:
Hồi Thứ Hai Mươi Sáu - Tiết Ứng Luân Phá Trận Mạng Vong Bấm để xem Phàn Lê Huê hạ trại xong, chưa kịp thương nghị thì sứ giả của Liêu đã cầm chiến thư tới thách phá trận. Phàn Lê Huê lập tức phê vào chiến thư, sau đó bàn với Đậu Tiên Đồng: - Khi còn trên núi tôi đã nghe chư tiên nói về trận Kim Quang này cực kỳ lợi hại. Nay Tô Bảo Đồng cầu viện được mấy vị đại tiên nên mới dám đứng ra lập trận, phải hết sức cẩn thận mới xong. Đậu Tiên Đồng xin vâng lệnh nhưng cho là bên mình cũng có nhiều người biết pháp thuật nên không hề sợ hãi. Vốn tính cẩn trọng nên hôm sau Phàn Lê Huê sai Tần Hán và Đậu Nhất Hổ xuất quân đánh ải chứ không phá trận ngay. Hai vị quốc sư nghe vậy hết sức tức giận, lập tức lên ngựa tiến ra đối chiến. Vốn đã biết nhau nên bốn tướng chẳng cần hỏi han câu nào, tức thì xông vào hỗn chiến dữ dội. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ đã biết báu vật của hai đạo nhân lợi hại ra sao nên vừa đánh vừa đề phòng, khi thấy Phi Bạt cùng phi đao bay ra thì lập tức thăng thiên, độn thổ trốn mất. Hai quốc sư thừa thắng cho quân tràn vào trại Đường nhưng bị Phàn Lê Huê và bốn nữ tướng chặng lại, rốt cuộc Thiết Bảng đạo nhân thoát khỏi Khổn Tiên Thằng còn Phi Bạt thiền sư bị Điêu Nguyệt Nga dùng Nhiếp Hồn linh làm cho mê man bất tỉnh. Điêu Nguyệt Nga cả mừng sai quân trói yêu đạo lại, dẫn về dâng công. Phàn Lê Huê liền sai chém đầu cho khỏi hậu loạn, chẳng ngờ sơ ý một chút yêu đạo độn thổ chạy mất khiến quân tướng đều kinh hãi. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ thấy vậy nói: - Bọn chúng quả có nhiều pháp thuật cao cường, vì thế đêm hôm nay xin nguyên soái cho chúng tôi vào ải làm nội ứng, như thế mới thắng nổi. Phàn Lê Huê khen phải, vì thế chờ đến canh ba, hai tướng độn thổ thẳng qua ải. Khi ấy Tô Bảo Đồng ở lại canh giữ trận còn hai quốc sư mệt mỏi nên đã đi ngủ từ sớm. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ liền trộm lấy hai bộ quần áo cùng kim bài đề tên Kim Long, Kim Hổ trà trộn vào bọn quân Liêu. Khi rõ đường đi lối lại, Tần Hán liền độn thổ về trại báo cho Phàn Lê Huê biết, riêng Đậu Nhất Hổ ở lại để chờ tới giờ tấn công sẽ tìm cách mở cửa đón vào. Báo tin xong Tần Hán độn thổ vào ải cùng với Đậu Nhất Hổ chia nhau ra người đi đốt kho lương thảo, kẻ mở cổng. Bọn quân Liêu không sao ngờ được kế sách này, còn đang mơ màng chưa tỉnh ngủ thì chợt tháy lửa cháy ngụt trời, kinh hoảng kêu la tán loạn. Tần Hán thừa lúc hỗn loạn chạy đến chặt xích mở tung cửa ải cho Đinh San và Ứng Luân kéo quân tràn vào đánh giết. Hai quốc sư giật mình thức dậy, biết không thể cứu vãn được nên đằng vân bay mất, để mặc quân tướng nhà Đường chiếm ải dễ dàng. Tô Bảo Đồng đang ở trong trận, chợt thấy phía ải có ngọn lữa thì toan hối thúc quân binh đi cứu, chẳng dẻ vừa sửa soạn xong thì hai hai vị quốc sự đẳng vân đến, thuật lại chuyện và xin chịu tội. Tô Bảo Đồng còn muốn hai vị quốc sự lập trận giúp mình nên không bắt tội, khuyên cùng nhau trấn thủ Lư Hoa hà cũng thừa sức không cho quân Đường vượt qua được. Sau khi chiếm ải rồi, Phàn Lê Huê mới cùng bốn nữ tướng đi quan sát trận thế, nơi nào cũng có hào quang sáng chói chứng tỏ bảo bối nhiều không xiết, mười phần lợi hại. Phàn Lê Huê biết khó phá nổi trận này, hội chư tướng lại bàn việc đi mượn một số bảo bối của tiên gia. Đinh San nghe vậy liền xin về Vân Mộng sơn, hứa sẽ mượn đủ mười bảo bối để đánh phá các cửa trận. Riêng Tiết Ứng Luân thấy ai ai cũng sợ hãi thì tức lắm, tự nghĩ: - "Trận Kim Quang có gì mà phải đi cầu khẩn người khác. Đêm nay ta lén kéo quân phá trận cho mọi người biết danh." Nghĩ vậy nên Ứng Luân về dinh của mình bàn với Lưu Nhân và Lưu Thoại. Hai tướng thấy không có quân lệnh thì rất ngại ngùng, rốt cuộc bị Ứng Luân mắng cho một trận nên bất đắc dĩ phải nghe theo, nai nịt đi theo Ứng Luân. Khi đến trước trận, Ứng Luân mới thấy sát khí xông lên lạnh cả người thì cũng hơi lo lắng nhưng đã lỡ không thể rút về, đành thúc ngựa xông thẳng vào đánh bừa. Thấy có quân địch xông vào, lập tức trận thế phát động, pháo nổ liên hồi rồi một viên tướng Liêu mặt đỏ răng nhọn oai phong tiến ra đánh với Ứng Luân. Quân Liêu quá đông vây phủ hàng hàng lớp lớp nên chẳng bao lâu quân nhà Đường chết gần hết, Ứng Luân muốn tìm đường thoát thân cũng đành bó tay. Khi ấy Lưu Nhân và Lưu Thoại đánh vào cửa Khảm, bị hai công chúa Kim Đào và Ngân Hạnh xông ra chặn lại, cùng nhau đánh nhầu một trận. Chợt năm vị đại tiên xuất hiện một lượt, đồng ném bảo bối ra khiến cho hai tướng vô cùng kinh hãi, luống cuống làm cho ngựa vấp vào nhau, đều nhào xuống đất, bị hai công chúa sai quân trói lại như bó giò. Năm vị đại tiên hạ xong Lưu Nhân, Lưu Thoại thì liền bay sang chỗ Ứng Luân đang giao chiến, từ trên trời đánh xuống như sấm sét. Ứng Luân không sao chống đỡ nổi, bị Thiết Bảng đạo nhân đánh trúng một côn vào đầu chết ngay lập tức, hóa thành con rồng bay về Phụng Hoàng sơn sum họp với tiên nữ. Về phần công chúa Kim Đào và Ngân Hạnh thấy tướng mạo Lưu Nhân Lưu Thoại đường đường khác hẳn nam nhân Liêu quốc thì sinh lòng yêu mến, bàn nhau khuyến dụ hái tướng lấy làm chồng. Hai công chúa liền nói: - Chúng tôi thấy hai tướng khí phách oai phong thì cũng muốn quy thuận nhà Đường nhưng chẳng biết biết cách nào tiến thân. Vì thế chị em chúng tôi xin được cùng hai vị kết bạn trăm năm, cùng nhau phò giúp đại Đường. Chẳng biết hai vị nghĩ sao? Lưu Nhân thấy hai công chúa đều xinh đẹp thì cũng yêu thích, nói với Lưu Thoại: - Hai công chúa muốn đầu nhà Đường cũng là việc đáng mừng, chúng ta lại được vợ thì không nên từ chối. Lưu Thoại nghe theo khiến hai công chúa hết sức vui mừng, lập tức cởi trói rồi ngay đếm ấy Lưu Nhân thành thân với Ngân Hạnh, Lưu Thoại vui vầy với Kim Đào. Trong khi ấy Phàn Lê Huê đã nghe tin ba tướng lén đi phá trận, Tiết Ứng Luân bỏ mạng còn Lưu Nhân và Lưu Thoại bị bắt thì rụng rời cả chân tay, khóc ngất một hồi. Các tướng vội xúm vào khuyên giải Phàn Lê Huê và Tần Hán, bàn chớ nên vọng động mà phải cố chờ Đinh San mượn bảo bối về mới đánh báo thù cho ba tướng được. Khi ấy Đinh San ở vân Mộng sơn được Vương Ngao lão tổ cho biết: - Số trời đã định cho nhà Đường cai trị Tây Liêu nên dù trận dữ đến đâu cũng chẳng cần đến bảo bối. Ngươi về nói với Phàn Lê Huê là chọn ngày Thanh Long và Hoàng Đạo, đánh thẳng vào cửa Sinh ở hướng Đông trận Kim Quang là phá được ngay. Tuy có chút nguy hiểm nhưng sẽ có quý nhân đến giải cứu. Đinh San cả mừng, bái tạ sư phụ xong, cấp tốc trở về trại báo cho Phàn Lê Huê biết tin mừng. Phàn Lê Huê bấm tay thấy rằng ngày hôm sau đúng là Thanh Long thì liền xuống lệnh cho quân tướng sửa soạn sẵn sàng.
Hồi Thứ Hai Mươi Bảy - Phàn Lê Huê Phá Trận Kim Quang Bấm để xem Ngày hôm sau, Tần Hán và Đậu Nhất Hổ theo lệnh Phàn Lê Huê kéo quân thẳng tới cửa trận phía Đông nổi trống gõ chiêng rầm rộ. Tô Bảo Đồng nghe báo liền cùng hai vị quốc sư xông ra, hạ lệnh phải giết sạch quân Đường mới được thôi. Tần Hán và Đậu Nhất Hổ vừa tiến vào trận thì bị Bảo Thọ và Lý Nhược Hư chặn lại, lấy bảo bối quăng lên. Hai tướng Đường sả sợ, vội vàng độn thổ chui xuống đất, chờ đạo nhân thâu bảo bối lại liền trồi lên. Hai tướng theo cách đó mà đánh khiến hai đạo nhân hết sức tức giận, chẳng sao đánh thắng nổi. Còn Điêu Nguyệt Nga và Kim Liên vào trận thì bị Triệu Công Minh và Kim Tuyên chặn đánh. Thấy bốn tướng giao tranh bất phân thắng bại, Tô Bảo Đồng ở phía sau liền lấy phi đao quăng lên tiếp trợ. May sao Phàn Lê Huê đến kịp niệm chú thâu phi đao vào túi. Tô Bảo Đồng tức giận, thúc ngựa xông lên đánh nhầu. Bốn nữ tướng thấy vậy đồng lấy bảo bối quăng lên một lượt khiến Tô Bảo Đồng thất kinh hồn vía, vội vàng hóa thành luồng hào quang chạy mất. Triệu Công Minh cũng độn thổ thoát thân, riêng Kim Tuyên không có phép nên bị Hồng Cẩm sách trói lại. Ngay khi ấy có ba vị tiên trưởng xông ra nhưng tức thì một trong ba là Hồng Lưu bị Phàn Lê Huê dùng Trảm Tiên kiếm chém chết nên hai vị kia hoảng sợ vô cùng, Đẩu Văn Quang cưỡi hạc còn Sơn Đào độn thổ, bỏ chạy chẳng dám quay lại nhìn. Phi Bạt thiền sư cả giận, từ trong trận lướt ra, mau lẹ lấy Phi Bạt ném lên. Phàn Lê Huê liền quăang Hỗn Nguyên kỳ bà ra đón đỡ, Phi Bạt không sao rơi xuống nổi. Bất đắc dĩ Phi Bạt thiền sư phải thâu phép lại cùng Phàn Lê Huê đánh vùi một trận. Một lúc sau tổng binh đạo nhân, Ngũ Hạc tiên nhân, Tô Bảo Đồng và Sơn Đào quay lại tiếp tay Phi Bạt thiền sư vây Phàn Lê Huê vào giữa. Phàn Lê Huê cả sợ, ta xung hữu đột quá sức nên chợt thấy đau quằn cả bụng, chân tay bủn rủn bởi vì động đến thai nhi. May sao khi ấy Đậu Tiên Đồng, Kim Định và Tiết Đinh San chạy đến cứu kịp, liên tay chống lại với đạo nhân. Chẳng ngờ Phàn Lê Huê càng đánh càng đau, đến nỗi chịu không nổi nhào luôn xuống ngựa. Đậu Tiên Đồng và Kim Định vội nhảy xuống cứu chứa, để một mình Đinh San đấu với mấy đạo nhân. Tô Bảo Đồng thấy vậy cả mừng, lập tức ra hiệu cho đồng bọn quăng bảo bối ra một lượt, chắc mẩm phen này giết Phàn Lê Huê dễ như chơi. Ngờ đâu Tô Bảo Đồng quăng bao nhiêu phi đao ra đều có luồng hào quang làm cho tiêu tán bằng hết. Các bảo bối của đạo nhân cũng bị hào quang này chiếu vào biến thành tro bụi, chẳng có hiệu lực chút nào. Các đạo nhân thấy vậy đều ngơ ngác nhìn nhau, không sao hiểu nổi Phàn Lê Huê có tài phép gì mà ghê gớm như vậy. Vừa lúc ấy Lưu Nhân và Lưu Thoại dẫn vợ và quân tướng xốc tới tiếp ứng. Tô Bảo Đồng thấy hai công chúa làm phản thì vừa sợ vừa tức, lúng túng tay chân nên rốt cuộc bị Đậu Tiên Đồng, Kim Định và hai công chúa vây hãm, bắt sống tại trận. Một lát sau tới lượt tổng binh đạo nhân và Phi Bạt thiền sư bị Khổn Tiên thằng trói chặt, cùng chung số phận với Tô Bảo Đồng. Thấy ba người cùng bị bắt, các đạo nhân kia thất kinh hồn vía, vội vàng bảo nhau người độn thổ, người cưỡi hạc chạy biệt tăm. Trận Kim Quang vì vậy tan vỡ, quân tướng nước Liêu tháo nhau chạy tán loạn, tiếng kêu khóc vang trời. Trong khi các tướng Đường truy đuổi đánh giết thì các nữ tướng xúm lại săn sóc Phàn Lê Huê, khi ấy mới biết thai nhi bị động quá mạnh, Phàn Lê Huê đã hạ sinh một đứa con trai ngay tại trận. Nhờ vậy huyết uế mới xông lên phá bằng hết các bảo bối của bọn đạo nhân. Tần Hán thấy hai đệ tử thì giận lắm, bắt quì xuống nghe hạch tội. Phàn Lê Huê cố gượng ngồi dậy, thấy hai công chúa xinh đẹp như hoa thì khen thầm, nói với Tần Hán: - Hai tướng lén lút xuất quân là tội rất lớn nhưng hôm nay cứu được bản soái thì có thể lấy công chuộc tội. Tần tướng quân không nên khe khắt quá mà làm hỏng việc chinh Tây. Tần Hán nghe vậy sai Lưu Nhân và Lưu Thoại quỳ xuống bái tạ nguyên soái, không bắt tội nữa. Phàn Lê Huê thấy trận đã phá xong, hạ lệnh cho ba quân rút về kinh thành, truyền mang Tô Bảo Đồng, Thiết Bảng đạo nhân và Phi Bạt thiền sư ra chém đầu. Chẳng ngờ bọn quân sĩ vừa dẫn ra pháp trường thì cả ba đều cười ngất hóa thành hào quang bay mất. Phàn Lê Huê thấy vậy buồn bã nói: - Ba tên này trốn thoát thì tất đại nạn của ta vẫn còn, bao giờ giết được chúng thì mới hết. Về phần hồn của Tiết Ứng Luân bay về Phụng Hoàng sơn sum họp cùng tiên nữ, hai người bàn nhau đến sông Lư Hoa làm thần ở đó. Ngờ đâu nơi đây có một con nghiệt long trổ thần oai bắt mất tiên nữ giấu vào một nơi. Vì thế hồn Ứng Luân đành phải hiện lên báo mộng, xin nghĩa mẫu ra tay giúp mình một phen. Phàn Lê Huê nghe vậy hết sức đau lòng, ứa nước mắt hỏi phải làm cách nào để giúp được. Ứng Luân đáp: - Việc ấy không khó. Ngày mai con sẽ dẫn dụ nghiệt long trồi lên mặt nước, nghĩa mẫu cho quân dùng tên mà bắn thì giết được nó ngay. Phàn Lê Huê biết Ứng Luân cũng là rồng nhưng màu vàng, nhỏ nhắn còn nghịch long màu đen, thân hình to lớn nên nhận lời ngay. Khi thức dậy, Phàn Lê Huê lập tức hội chư tướng lại tả tỉ mỉ hình dáng, ra lệnh phải cẩn thận không được bắn lầm. Chư tướng tuân lệnh, rầm rộ kéo nhau ra bờ sông, thủ sẵn cung tên chờ đợi. Quả nhiên một lúc sau sông nước bỗng nổi phong ba ầm ầm rồi hai con rồng vọt lên khỏi mặt nước quẫy lộn tranh đấu hết sức dữ dội. Chư tướng thấy vậy đồng nhắm con nghịch long màu đen bắn ra một lượt. Riêng Đinh San dùng Xuyên Vân tiễn bắn trúng cổ họng nghiệt long màu đen khiến nó chẳng sao chịu nổi, gieo mình xuống mặt nước chết ngay tại chỗ. Rồng vàng liền chui xuống nước, một lúc sau thì gió lặng sóng yên. Phàn Lê Huê cả mừng, sai quân vớt xác nghiệt long lên chặt nhỏ thành từng mảnh, đốt thành tro bụi rồi mới yên tâm hạ lệnh vượt sông. Từ đó vợ chồng Tiết Ứng Luân làm Long vương, cai quản sông Lư Hoa. Quân Đường vượt sông được mấy ngày thì đến Kim Ngưu sơn, trên đỉnh núi có một quan ải rất vững chắc do viên tổng binh là Chu Giai trấn thủ. Chu Giai vốn có sức mạnh muôn người khó địch lại được tiên gia truyền cho nhiều bí thuật, dưới trướng nắm đến mười muôn tinh binh nên được nghe tin quân Đường tiến đến không hề sợ hãi chút nào, lập tức cùng với hai phó tướng là Thanh Sư và Mã Hổ kéo quân ra đối địch. Chu Giai cùng với La Chương đánh trên ba mươi hiệp không phân được thắng bại thì rất nóng ruột, quát lớn một tiếng hóa thành ba đầu sáu tay, thân hình cao hơn ba trượng, hung hăng xông tới. La Chương cả kinh toan bỏ chạy nhưng cánh tay của Chu Giai chợt dài ra mấy trượng, bắt sống La Chương như lấy đồ trong túi, mang về ải. Phàn Lê Huê nghe báo cả kinh, xuống lệnh cho Lưu Nhân, Lưu Thoại xông ra tiếp cứu. Chu Giai toan quay lại đánh tiếp nhưng hai phó tướng đã thúc ngựa xông lên chặn lại, cùng Lưu Nhân, Lưu Thoại ác chiến. Được một lúc, hai tướng Liêu đồng quát lên một tiếng, Mã Hổ rùng mình biến thành con hắc hổ vồ Lưu Thoại, Thanh Sư rùng mình biến thành con sư tử chụp Lưu Nhân bắt sống mang về bản trận. Tần Hán và hai vị công chúa nghe tin này liền xin Phàn Lê Huê cho ra trận báo thù nhưng Phàn Lê Huê đánh tay bói quẻ biết ba người có số lớn chẳng hề hấn gì nên không cho. Hôm sau đích thân Phàn Lê Huê điểm quân tướng tiến đến trước ải khiêu chiến. Thấy ba tướng Liêu xông ra một lượt, ba tướng Đường là Đinh San, Đậu Nhất Hổ và Tần Hán đồng thúc ngựa tiến ra chia nhau giao chiến. Hai bên đánh nhau một lúc thì Thanh Sư và Mã Hổ hiện nguyên hình định bắt sống tướng địch như hôm trước nhưng Tần Hán và Đậu Nhất Hổ khác hẳn, mau lẹ độn thổ thoát được. Vì vậy Thanh Sư và Mã Hổ đành phải thu phép về xông vào tiếp trợ với Chu Giai vây đánh Đinh San. Kim Định và Đậu Tiên Đồng vội vàng xông ra giúp chồng, cà ba tướng Liêu đánh nhau dữ dội. Một lúc sau Chu Giai biến thành ba đầu sáu tay khiến con ngựa của Đinh San sợ quá hất chủ tướng nhào lăn xuống đất. Phàn Lê Huê liền cùng Điêu Nguyệt Nga và Tiết Kim Liên xông ra, Kim Liên đỡ đại huynh về trận còn Phàn Lê Huê quăng Tru tiên kiếm lên chém đứt một tay của Chu Giai. Tướng Liêu hét lớn lên một tiếng như sấm nổ, mọc thêm một tay khác rất kỳ lạ. Cánh tay ấy tuy đã bị Tru Tiên kiếm chém đứt nhưng vẫn cửa động như thường, chộp lấy Tru Tiên kiếm rồi tiếp tục đuổi theo đánh tiếp. Điêu Nguyệt Nga kinh hãi vô cùng, vội lấy Nhiếp Hồn linh ra rung mấy cái cứu nguy. Chu Giai xẩy xẩm mặt mày nhào xuống ngựa nhưng vẫn còn cố dùng phép độn thổ chạy thoạt về trại. Đậu Tiên Đồng thấy quân mình thắng thế thì liền quăng Khổn Tiên thằng lên trói nghiến Mã Hổ và Thanh Sư mang về trại xét xử. Khi nghe Phàn Lê Huê truyền lệnh chém đầu, hai tướng Liêu hồn bay phách tán, vội quỳ xuống dập đầu van xin tha tội. Phàn Lê Huê hỏi ra mới biết Mã Hổ là Điện Tiền tướng quân, còn Thanh sư chính là con thú Văn Thù bồ tát cưỡi nên nghĩ lại công lao tu luyện của hai người, bằng lòng tha chết. Hai tướng bái lạy tạ ơn rồi đằng vân bay đi mất.
Hồi Thứ Hai Mươi Tám - Nhất Hổ Trộm Kiếm Vào Chuồng Sắt Bấm để xem Phàn Lê Huê không chém được Chu Giai mà còn bị mất kiếm thần thì buồn bã vô cùng. Thấy vậy Tần Hán và Đậu Nhất Hổ xin lẻn vào ải trộm lại báu vật lập công, Phàn Lê Huê cũng không biết cách nào nên bằng lòng cho hai tướng tùy ý thi hành. Hai tướng liền lui ra, đợi đến đêm thì độn thổ vào ải nghe ngóng. Khi ấy Chu Giai chưa ngủ, ngồi than thở với vợ: - Hiện giờ đất Tây Liêu này chỉ còn ba ải là Kim Ngưu sơn, Đồng Mã sơn cà Ngọc Long sơn là hết. Ta chỉ sợ không giữ được quan ải, rốt cuộc vua cũng chết mà tôi thần cũng tan tác mà thôi. Phu nhân nghe vậy khuyên nhủ đừng ra quân nữa, cứ cố thủ cho chắc chắc rồi truyền tiệc giải sầu. Đang ăn uống, Chu Giai chợt nghe có làm gió lạ thổi tới thì liền đánh tay bói một quẻ, biết được đêm nay có người lẻn vào ải thì cùng với vợ bàn tính, lập một cái chuồng sẵn sàng, phía trước treo Tru Tiên kiếm của Phàn Lê Huê làm mồi nhử, khi nào bắt được gian tế nhốt vào đó cho hết độn thổ hay thăng thiên. Vì vậy khi Đậu Nhất Hổ độn thổ vào ải nhìn thấy Tru Tiên kiếm treo trước cửa thì mừng thầm nhưng chợt có tiếng quân Liêu reo hò ầm ĩ thì vội chui xuống ẩn mặt. Hóa ra khi ấy Tần Hán vừa đằng vân bay xuống, vội lấy kiếm nên chạm nhằm mấy cái lục lạc reo lên om sòm. Quân Liêu đã chực sẵn, lập tức xông ra vây chặt lấy Tần Hán, nhất quyết bắt cho bằng được. Đậu Nhất Hổ thấy vậy không đành lòng, trồi lên trợ lực một tay để giải vây. Chẳng ngờ vợ của Chu Giai từ trong chạy ra bất ngờ dùng Kim Hoàn ném trúng mặt khiến Đậu Nhất Hổ nhào lăn xuống đất. Chu Giai nhảy lại bắt sống Đậu Nhất Hổ bỏ vào chuồng, sau đó mới quay lại bắt Tần Hán quăng xuống đất, hô quân sĩ trói lại. Tần Hán thừa dịp ấy độn thổ chạy biệt tăm. Phàn Lê Huê nghe Tần Hán chạy về báo tin thì nửa mừng lấy lại được bảo kiếm, nửa lo cho số mạng của Đậu Nhất Hổ. Nghe vậy Kim Liên xin đi cứu chồng nhưng Phàn Lê Huê không bằng lòng vì sợ lại sa vào tay của Chu Giai thì càng khó cho mình hơn. Ngày hôm sau, Phàn Lê Huê cho Tần Hán, Kim Liên và Điêu Nguyệt Nga xuất quân khiêu chiến nhưng không yên tâm, một chút sau dẫn cả Đậu Tiên Đồng và Kim Định theo hộ trận. Chu Giai nghe quân báo cả giận muốn ra đánh ngay nhưng Kim Hoàn phu nhân ngăn lại, tự mình dẫn quân khai thành đối chiến. Kim Hoàn chưa kịp nói câu nào thì chợt Tần Hán từ dưới đất vọt lên đánh ngay. Không và Điêu Nguyệt Nga thấy vậy đồng áp lại tiếp tay khiến Kim Hoàn hết sức lúng túng, vội lấy ra ba cái kim hoàn sáng chói, đánh bị thương một lúc ba tướng. Thấy Kim Hoàn đuổi theo, Phàn Lê Huê cả giận, thúc ngựa ngăn lại, cùng nhau giao chiến. Đậu Tiên Đồng sợ nư tướng Liêu dùng kim hoàn như trước nên ra tay ngay, lấy Khổn Tiên thằng quăng lên. Kim Hoàn phu nhân bị bất ngờ nên không tránh kịp, đành chịu bị bắt. Chu Giai nghe báo cả sợ, vội vàng điểm quân đuổi theo cứu vợ nhưng bị ba nữ tướng Đường áp lại đánh nhầu, không sao tiến lên được. Chu Giai nóng lòng quá, hiện ra ba đầu sáu tay bắt luôn Kim Định và Đậu Tiên Đồng, còn Phàn Lê Huê nhờ có phép ẩn thân nên thoát khỏi. Chu Giai dẫn Kim Định và Đậu Tiên Đồng về ải, chẳng biết vì sao không thấy thành lũy đâu mà lại có một tòa lầu nguy nga sừng sững trước mặt. Tuy chưa biết nơi này là gì nhưng Chu Giai vẫn không hề sợ hãi, kéo hai nữ tướng tiến vào. Thình lình có tiếng sét nổ vang rồi hơn mười tướng quỷ mặt xanh răng nhọn xông ra vây Chu Giai vào giữa, hung hăng múa võ khí đánh nhầu. Được một lúc Chu Giai trúng một búa vào tay nên bấn loạn tinh thần, bị lũ tướng quỷ bắt giải đến trước mặt Phàn Lê Huê. Hóa ra Phàn Lê Huê dùng phép di sơn hải đảo vây bắt Chu Giai. Chưa hết kinh sợ, chợt hai nữ tướng mình vừa bắt sống là Kim Định và Đậu Tiên Đồng chạy vào chỉ mặt quát mắng, xin giết quách cho xong nhưng Phàn Lê Huê lắc đầu, thong thả hỏi: - Chu Giai, nếu hôm nay bản soái tha chết thì có bằng lòng về đầu nhà Đường không? Chu Giai xoay chuyển ý nghĩ tìm cách lừa gạt Phàn Lê Huê nên gật đầu nói luôn: - Nếu nguyên soái tha cả vợ thì tôi xin nguyện quy thuận, bằng trái lời sẽ bị loạn đao phân thây. Phàn Lê Huê nghe vậy liền thâu phép di sơn, tha chết cho hai vợ chồng. Tiết Đinh San thấy vậy hết sức băn khoăn, hỏi lại thì Phàn Lê Huê thở dài đáp: - Vì Chu Giai chưa tới số chết, nếu hắn chịu đầu hàng thật thì may cho nhà Đường lắm. Chờ mãi không thấy động tĩnh gì, Phàn Lê Huê nổi giận định kéo quân công phá ải nhưng Tần Hán khuyên can, xin được đi thám thính trước xem những tướng bị bắt ra sao. Được Phàn Lê Huê chấp thuận, đêm ấy Tần Hán đằng vân qua ải, ngồi trên nóc nhà nghe ngóng. Khi ấy vợ chồng Chu Giai đang bàn tính phân vân, nửa muốn quy thuận cho đúng lời thề, nửa sợ phản bội thì mang tiếng là kẻ vong ân bội nghĩa với Tô Bảo Đồng. Chợt khi ấy có quân vào báo: - Ngoài ải có một đạo nhân mặt đỏ, ba xon mắt, tự xưng là Giả Hùng tiên ở Giang sơn Liên Hoàn động đến cầu kiến. Giả Hùng tiên chính là sư phụ nên Chu Giai cả mừng, lật đật hối quân nghênh đón vào. Giả Hùng tiên thong thả cho biết: - Hôm trước Tô quốc cữu có đến thỉnh ta xuống núi phá quân Đường nhưng chưa đi được. Hiện nay ta đã luyện xong hai ngọn Cương tiên nên mới hạ sơn giúp các người. Giả Hùng tiên nói xong chợt nhìn tháy Đậu Nhất Hổ bị treo trong chuồng thì hỏi ngay đó là ai. Khi biết Chu Giai định nhốt Đậu Nhất Hổ cho đến chết đói, Giả Hùng tiên cười nói: - Hắn là đệ tử của tiên nhân thì chết đói sao được. Phải dùng lửa đốt thì mới chết. Tần Hán nghe vậy vô cùng kinh hoảng, vội độn thổ về báo cho Phàn Lê Huê biết. Đậu Tiên Đồng nghe vậy khóc rống lên khiến Phàn Lê Huê càng thêm lúng túng, bất đắc dĩ phải tạm đưa cho Tần Hán một đạo linh phù dán vào chuồng sắt để cứu Đậu Nhất Hổ. Tần Hán tuân lênh cấp tốc bay qua ải, dán bùa xong thì liền bay vọt lên mây vì sợ bị quân Liêu phát hiện. Tần Hán chợ thấy Vương Thiền đứng trên mây thì vội quỳ xuống làm lễ. Vương Thiền nói ngay: - Ta biết Đậu Nhất Hổ hôm nay gặp nạn nên đến cứu. Vốn lá bùa vừa rồi là Hải Đảo phù chỉ có công hiệu một giờ ba khắc mà thôi, vì thế ta phải đi mượn San Hô bình, để xem bọn chúng làm gì cho biết. Tần Hán nghe vậy mới yên tâm đứng cạnh sư phụ nhìn xuống. Khi ấy quân Liêu đã nổi lửa ngùn ngụt nhưng nhờ có linh phù nên Đậu Nhất Hổ chẳng thấy nóng chút nào, hối thúc bọn quân sĩ quạt cho mạnh thêm. Chu Giai thất kinh, vội hỏi sư phụ tại sao như thế. Giả Hùng tiên biết ngay là có Hải Đảo phù nên ung dung sai quân sĩ chất thêm củi, chắc chắn sau một giờ ba khắc thì Đậu Nhất Hổ sẽ thành tro. Chẳng ngờ bọn quân Liêu ra sức đốt một ngày đêm mà Đậu Nhất Hổ vẫn còn cưòi nói vọng ra: - Hết củi rồi sao mà chẳng đốt thêm nữa? Giả Hùng tiên vô cùng kinh nghi nhưng không biết tại sao nên hối thúc quân sĩ đốt thêm, đến khi hết cả củi lẫn cỏ khô trong ải mà Đậu Nhất Hổ chẳng hề hấn chút nào. Bất đắc dĩ Giả Hùng tiên sai quân giam Đậu Nhất Hổ vào cái chuồng sắt khác rồi cùng Chu Giai đi nghỉ. Khi ấy Vương Thiền mới nói với Tần Hán: - Sư huynh của ngươi mắc đại hạn một trăm ngày, sau này sẽ có người cứu. Tiễn sư phụ về núi xong xuôi, Tần Hán liền bay về trại thuật lại mọi việc cho Phàn Lê Huê biết. Phàn Lê Huê cả mừng. Ngày hôm sau, hội các tướng lại thương nghị việc công phá quan ải. Hai công chúa Kim Đào và Ngân Hạnh nhất quyết xin được ra trận lập công. Phàn Lê Huê bằng lòng nhưng không yên tâm nên sai vợ chồng Tần Hán theo hộ trận. Khi ấy Chu Giai đang bực tức việc không giết được Đậu Nhất Hổ nên vừa nghe khiêu chiến là xông ra ngay. Giả Hùng tiên theo lược trận, thấy hai công chúa xinh đẹp thì nổi lòng tà dâm, niệm chú nổi một cơn gió bát cả hai về động, sau đó mới trở lại trận. Phàn Lê Huê được Tần Hán báo tin, tức giận vô cùng sai Đinh San, Đậu Tiên Đồng, Kim Định và Kim Liên đồng xông ra đánh báo thù. Giả Hùng tiên thấy ba trong bốn phu nhân đều là trang tuyệt sắc thì không sao nhịn được, mở lời trêu ghẹo. Bốn nữ tướng ả giận, hô nhau múa võ khí vây đánh dữ dội khiến Giả Hùng tiên không sao chống lại nổi, lấy roi thần quất luôn. Đinh San và Kim Định bị trúng đòn, thổ huyết ôn cổ ngựa chạy dài. Đậu Tiên Đồng thấy vậy quăng Khổn Tiên thằng lên. Giả Hùng tiên biết đây là bảo bối lợi hại, hóa thành luồng hào quang bay mất. Phàn Lê Huê thấy vết thương của Kim Định và Đinh San rất nặng, nằm mê man như chết thì buồn bã vô cùng, toan về núi toan xin sư phụ ban cho linh đan. Đậu Tiên Đồng liền nói: - Sư Phụ của tôi là Hoàng Hoa thánh mẫu cũng có nhiều tiên đan, để tôi đi thỉnh cho gần. Khi Đậu Tiên Đồng đi rồi, Phàn Lê Huê bàn bới các tướng: - Trên đầu yêu đạo có một luồng hắc quang thì chắc là thú dự thành tinh. Hắn bay về hướng tây thì chắc hang động ở đó, có ai dám đi thám thính hay không? Tần Hán lập tức xin đi, đằng vân qua hướng tây chừng vài ngàn dặm thì thấy từ chân núi có một luồng hắc quang xông lên, cả mừng đáp xuống ẩn vào sau một tảng đá nghe ngóng. Lúc có hai con tiểu yêu từ thạch động đi ra cười nói rất vui vẻ vì được sai đi mua sắm rượu thịt về làm lễ cưới cho đại vương. Tần Hán nghe vậy nổi xung thiên, lẻn vào đập phá tan tành bàn tiệc cùng các đồ vật trang hoàng, gặp tiểu yêu nào là giết liền. Giả Hùng tiên nghe tiẻu yêu vào báo thì cả giận, múa roi chạy ra loạn đả với Tần Hán một hồi, sau đó há miệng phun khói độc ra nhưng Tần Hán có nhiều kinh nghiệm nên kịp thời đằng vân chạy thoát. Tần Hán thấy Giả Hùng tiên không đuổi theo mà quay vào động đóng chặt cửa để chờ giờ thành thân với hai công chúa thì nóng lòng sốt ruột vô cùng, tiện thể bay thẳng về Vân Mộng sơn cầu cứu sư phụ. Tần Hán vừa đến cửa động thì Vương Thiền tiễn khách ra, đó là vị thần ba mắt rất danh tiếng, chính là Nhị Lang thần Dương Tiễn.
Hồi Thứ Hai Mươi Chín - Nhị Lang, Thánh Mẫu Trổ Thần Oai Bấm để xem Tần Hán cả mừng, quỳ sụp xuống bày tỏ đầu đuôi câu chuyện. Vương Thiền nghe xong lắc đầu nói: - Giả Hùng tiên là con gấu ngựa thành tinh, hắn lại ăn trộm bàn đào của vương mẫu nên sống đến mấy ngàn năm. Giả Hùng tiên luyện được cặp roi rất lợi hại, đến ra cũng không địch lại thì biết làm sao? Thấy Tần Hán kêu khóc năn nỉ hết lời mà Vương Thiền vẫn từ chối, Dương Tiễn nổi giận, trợn mắt nói: - Giả Hùng tiên tuy lợi hại thật nhưng dù sao vẫn là yêu đạo, thần thông làm sao sánh với thần tiên chúng ta được. Vương huynh đã e sợ thì để Dương Tiễn này ra tay trị cho hắn một phen, giúp cho hai công chúa thoát tai nạn. Vương Tiễn mừng rỡ bái tạ, tiễn chân Dương Tiễn lên đường. Thật ra Vương Thiền cố ý nói khích để Dương Tiễn tức giận mà ra tay giùm mình, vì thế chờ Dương Tiễn đi rồi liền cười lớn nói nhỏ cho Tần Hán biết kế sách của mình. Tần Hán bái tạ sư phụ rồi hớn hở đằng vân theo Dương Tiễn. Khi ấy Dương Tiễn bay nhanh hơn nên đã đến chỗ từ lâu, hối thúc Tần Hán mau đến cửa động khiêu chiến. Chẳng ngờ Giả Hùng tiên chẳng chịu ra, nhất định động phòng cho thỏa mãn rồi tính sau nên Tần Hán chửi mắng đến khả cả cổ mà không được tích sự gì, đành xin Dương Tiễn giúp cho. Dương Tiễn gật đầu sai Tần Hán núp ngoài cửa động chờ mà đánh, còn mình thì biến thành con muỗi theo khe đá bay vào động. Thấy Giả Hùng tiên ngồi trên ghế, Dương Tiễn hiện nguyên hình quát lớn: - Yêu đạo! Có ta đến đây. Nói xong, Dương Tiễn nhắm Giả Hùng tiên đâm một giáo. Giả Hùng tiên đang nóng lòng thưởng thức mây mưa, liên tiếp bị người phá thì nổi giận, nghiến răng múa roi vùn vụt. Dương Tiễn liền hóa ra vô số thiên binh thần tướng xúm lại loạn đấu. Giả Hùng tiên không sao chống nổi đành phải từ từ thối lui ra ngoài cửa động tìm đường chạy trốn. Tần Hán núp ngoài cửa động, vừa thấy Giả Hùng tiên là giơ côn đập một cái thật mạnh trúng đầu. Vậy mà Giả Hùng tiên vẫn hóa thành hào quang trốn về hướng tây nam. Dương Tiễn chạy ra nghe Tần Hán kể lại thì chắt lưỡi nói: - Yêu đạo này chưa tới số chết. Bây giờ ngươi vào động cứu hai công chúa rồi phóng hỏa đốt rụi cho nó hết nơi ở. Tần Hán tuân lời, chạy vào động thi hành, sau đó hai công chúa được Dương Tiễn nổi cơn gió đưa về doanh trại quân Đường. Phàn Lê Huê thấy hai công chúa trở về thì rất mừng nhưng vẫn lo lắng cho Đậu Tiên Đồng đi xin thuốc chưa, tiện thể nhờ Tần Hán đi luôn cho chắc. Nguyên Đậu Tiên Đồng cưỡi ngựa đằng vân qua một ngọn núi thì chợt thấy có hai viên tướng, một mặt đỏ, một mặt đen đang giao chiến ác liệt, người nào cũn võ nghệ cao cường nên không phân được thắng bại. Đậu Tiên Đồng lấy làm tiếc rẻ nên than một câu. Hai viên tướng nghe tiếng than thì dừng tay lại, nói với nhau: - Chẳng biết tại sao có tiên nữ hiện xuống đây, huynh đệ chúng ta bắt về làm áp trại phu nhân vậy. Tướng mặt đen khen phải rồi cùng tướng mặt đỏ thúc ngựa tiến lại. Đậu Tiên Đồng nổi giận, cùng hai tướng giao tranh kịch liệt nhưng tướng mặt đỏ có thần thông kỳ lạ, trong chớp mắt biến thành một ngọn lửa bao phủ lấy Đậu Tiên Đồng rồi mang về động giam vào một chỗ. Tuớng mặt đỏ muốn bức hiếp Đậu Tiên Đồng thành thân ngay đêm ấy nhưng tướng mặt đen khuyên can, nói: - Tiên nữ không phải như người thường, đại ca chẳng nên ép uổng. Để đó đệ sẽ đứng ra khuyên giải nếu thuận tình thì chẳng hay hơn sao? Tướng mặt đỏ nghe theo. Khi ấy Tần Hán đã đến động của Hoàng Hoa thánh mẫu, hỏi thăm thì biết Đậu Tiên Đồng không về núi, thất kinh hồn vía thuật lại việc Phàn Lê Huê sai đi xin thuốc về chữa trị cho Đinh San và Kim Định. Hoàng Hoa thánh mẫu nghe xong nói: - Ngươi theo đường cũ mà tìm đệ tử của ta, khi nào thấy ta mới cho thuốc. Bất đắc dĩ Tần Hán phải nghe theo, đằng vân theo lối cũ. Quả nhiên khi bay qua ngọn núi ấy thì nghe có tiếng Tiên Đồng mắng chửi vang vọng. Nguyên viên tướng mặt đen vỗ dành Tiên Đồng hết lời nhưng Tiên Đồng không ưng chịu, lớn tiếng chửi mắng om sòm như vậy. Tướng mặt đen giận quá niệm chú mang Tiên Đồng giam vào sau núi. Tần Hán liền lao xuống, vừa quát tháo vừa múa côn đánh liền. Tướng mặt đen đánh trả nhưng không sao chống với Tần Hán nổi, vội kêu lớn cho tướng mặt đỏ chạy ra giải cứu. Tướng mặt đỏ biết Tần Hán là tay lợi hại nên biến thành ngọn lửa khổng lồ toan chụp địch nhân vào đó. Tần Hán hoảng sợ bay vọt lên cao nhưng bất ngờ lao xuống nhanh như chớp, đập trúng một côn vào vai viên tướng mặt đỏ. Viên tướng mặt đen kinh hãi vô cùng, hiện nguyên hình là một con trâu nước đen mun, phun nước ra trắng xóa một vùng. Tần Hán độn thổ giỏi nhưng không biết độn thuỷ nên đành phải đằng vân chạy ra sau núi tìm cách cứu Đậu Tiên Đồng. Hai viên tướng lập tức chạy đến đánh đuổi, còn đang đánh với Tần Hán thì chợt có Hoàng Hoa thánh mẫu xuất hiện, quát lớn: - Loài súc sinh! Chớ hại đệ tử của ta. Hai viên tướng không biết mặt thánh mẫu, xông lại đánh luôn. Thánh mẫu tức giận vô cùng, lập tức niệm chú gọi thần tướng xuống trợ giúp. Trong nháy mắt có hai viên thần tướng mặc kim giáp từ trên mây hạ xuống chờ lệnh. Thánh mẫu vái chào hai thần tướng, nói: - Xin nhờ Thủy Hỏa song thần trổ thần thông ra thâu Ngưu tinh cho tôi. Hai thần tướng tuân lệnh, chỉ Ngưu tinh quát lớn bắt nằm phục xuống, lấy dây ra xỏ mũi dẫn đi. Tần Hán cả mừng mở trói cho Đậu Tiên Đồng rồi cùng quỳ xuống bái tạ. Thánh mẫu ban cho hai hoàn kinh đan rồi mới từ biệt bay về núi. Nhờ vậy chẳng mấy chốc Đinh San và Kim Định khỏi vết thương, tỉnh tảo khỏa mạnh như thường. Phàn Lê Huê hết sức hài lòng, truyền mở tiệc khao thưởng. Tần Hán được người này khen ngợi đến người kia cảm tạ thì khoái chí, hứa chắc đêm nay thể nào cũng tìm cách cứu La Chương và hai đệ tử còn bị giam trong ải. Vì thế sau khi uống rượu xong, Tần Hán càng phấn khởi, chờ đến canh ba liền đằng vân vào trong ải, đến cạnh chuồng sắt an ủi Nhất Hổ rồi mới lần vào ngục thất. Khi ấy La Chương đang nói chuyện với Lưu Nhân và Lưu Thoại: - Ta nghe nói Chu Giai rất hiếu sắc vừa rồi mới bắt được một thiếu nữ tên là Triệu Phù Dung. Hắn ra sức ép uổng nhưng Phù Dung đã chồng nên nhất định giữ trinh bạch. Nay nếu chúng ta tìm được cách nào liên lạc với Phù Dung thì có thể chiếm ải dễ như bỡn. Tần Hán nghe vậy liền nhảy ra hô lớn khiến ba tướng giật bắn cả người. Khi thấy đó là Tần Hán, ba tướng mới hoàn hồn, năn nỉ xin cứu mạng. Tần Hán đáp: - Hiện giờ quân Liêu canh giữ rất nghiêm nhặt, một mình ta không làm gì được nhưng vừa rồi các vị bàn kế đó rất hay, để ta về thương nghị với nguyên soái. Thể nào cũng phá được ải cứu các vị ra. Tần Hán nói xong từ giã bay về trại, thuật đầu đuôi cho Phàn Lê Huê biết, cùng nhau sửa soạn kế sách. Khi ấy ba tướng cũng ra sức mua chuộc viên quản ngục là Ốc Lợi để nội công ngoại kích. Vốn Ốc Lợi cũng có ý muốn đầu nhà Đường nên nhận lời ngay, về nhờ vợ là Liên thị tìm cách gặp mặt Phù Dung, bàn kế phục rượu Chu Giai nghe theo, giả vờ ưng thuận khiến Chu Giai hết sức vui mừng, quyết định đêm hôm ấy mở tiệc ở phòng Phù Dung ăn uống rồi hợp cẩn luôn. Phù Dung tuy rất nhát sợ nhưng vì muốn thoát tay tên hiếu sắc nên giở hết lời ngon ngọt ra ép uổng Chu Giai uống đến say mèm, nằm lăn trên giường mà ngày như sấm. Phù Dung thừa cơ sai a hoàn đến ngục thất thả Lưu Thoại, Lưu Nhân ra. Hai tướng đang sẵn căm tức, theo a hoàn đến phòng Phù Dung, thấy Chu Giai đang ngủ say thì liền dùng kiếm chém nát như tương. Ốc Lợi theo kế cũng thả khiêu chiến ra, cùng nhau đánh thẳng ra ngoài. Ngay khi ấy Phàn Lê Huê dẫn đại quân tới trước ải, nổi trống gõ chiêng rung trời động đất rồi tràn vào như nước vỡ bờ. Trước đó Tần Hán đã đằng vân vào thả Nhất Hổ ra, cùng nhau giết hết bọn quân gác cổng nên quân Đường tiến vào chẳng bị ngăn trở chút nào. Kim Hoàn phu nhân nghe tiếng reo hò liền cầm kiếm chạy đến phòng Phù Dung tìm chồng, khi thấy thân thể Chu Giai nát bét như tương thì khóc ngất, dùng kiếm tự vẫn luôn. Phàn Lê Huê tiến binh vào ải kiểm điểm xong xuôi, truyền ban thưởng cho Ốc Lợi và Phù Dung và sai người chôn cất Kim Hoàn phu nhân tử tế. Nghỉ ngơi mấy ngày, Phàn Lê Huê cho quân tướng tiến thẳng đến Đồng Mã sơn. Chẳng ngờ vừa đi một đoạn đường thì gặp cơn bão tuyết lớn, trời đất mịt mù chẳng thấy đường đi nên phải cho hạ trại giữa đường. Lúc ấy hai đứa con của Đinh San là Tiết Dũng và Tiết Mãnh đều lên sáu tuổi, diện mạo trắng trẻo dễ coi, còn Tiết Cương lên ba tuổi, chẳng biết tại sao diện mạo đen xì, đường nét như dạ xoa. Đinh San không hề biết đó là do hồn Dương Phàm nhập vào thai nhi mà thành người để sau này làm hại họ Tiết báo thù. Nửa tháng sau tuyết mới tan hết, đại quân tiếp tục lên đường, vất vả trèo đèo lội suối hơn nửa tháng thì đến Đồng Mã quan.