[Tiểu Thuyết] Tiết Đinh San Chinh Tây - Tô Chẩn

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 4 Tháng mười một 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Tiết Đinh San Chinh Tây

    upload_2022-10-26_14-2-34.png

    Tác giả: Tô Chẩn

    Thể loại: Lịch sử, quân sự

    NXB Đồng Nai

    Biên soạn: Đại Lăn

    Nguồn: Gacsach​

    Giới thiệu

     
    Nguyễn Ngọc Nguyênchiqudoll thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Nhất - Lý Đạo Tông Mưu Hại Anh Hùng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Để đền ơn Tiết Nhơn Quý đã xả thân giúp việc chinh Đông đại thắng, Đường Thái Tông sai Trình Giảo Kim đến huyện Long Môn, phủ Giáng Châu đốc thúc việc xây dựng vương phủ cho xứng đáng với tước Bình Liêu vương. Khi mọi việc đã xong, Trình Giảo Kim vào triều phụng mệnh cho Thái Tông rồi về phủ, hớn hở nói với vợ là Bùi phu nhân:

    - Chuyến này tính ra lời được ba muôn bạc trắng. Phải chi có hoài như vậy thì đỡ biết mấy.

    Trình Thiết Ngưu nghe tin phụ thân về thì liền ra lạy mừng, dẫn cả đứa con mới lên mười ba tuổi là Trình Tống ra chào ông. Hôm sau nữa đến lượt Tần Hoài Ngọc, La Thông, Đoàn Lâm đồng thời đến hỏi thăm. Riêng Từ Mậu Công bận đi phát chẩn cho dân ở Hán Dương, còn Uất Trì Cung thì theo lệnh đến Chân Định lên đồng cầu Phật, vì thế không đến được.

    Mấy ngày sau, Chu Thanh cùng bảy anh em kết nghĩa với Tiết Nhơn Quý đến chúc mừng, nhân tiện hỏi thăm về gia thất của đại ca. Tiết Nhơn Quý đã cùng người xưa sum họp vui vẻ. Chu Thanh liền xin Trình Giảo Kim tâu giúp cho các anh em đồng được đến Sơn Tây trấn thủ, hằng ngày gần gũi nghĩa huynh cho thỏa tình. Trình Giảo Kim bằng lòng ngay, hôm sau vào triều tâu với Thái Tông.

    Nhà vua vốn biết mấy anh em của Nhơn Quý tình sâu nghĩa nặng nên chuẩn tấu, hạ chỉ cho tám tổng binh cùng đến Sơn Tây trấn nhậm, dưới quyền điều động của Bình Liêu vương Tiết Nhơn Quý. Kể từ đó không những phủ Giáng Châu mà cả một vùng Sơn Tây đều được thái bình, dân chúng an lạc, trộm cướp gần như biến hẳn.

    Trong khi ấy vợ của Lý Đạo Tông là con gái của Trương Sĩ Quý, sắc đẹp tuyệt trần nên được Lý Đạo Tông hết sức yêu chiều, gọi bằng Trương mỹ nhân. Vốn oán hận Tiết Nhơn Quý về việc tố cáo tội lỗi làm cả nhà bị hành hình, nay lại thấy Thái Tông ân sủng phong chức tước cao trọng, ban thưởng trọng hậu, Trương mỹ nhân càng tức tối ra sức xúi bẩy chồng tìm cách báo thù cho mình.

    Lý Đạo Tông chiều vợ đẹp, cố ý truy tìm sơ hở nhưng thấy Tiết Nhơn Quý được triều thần mến mộ, lại chẳng có lỗi gì nên không sao thi hành được. Bị Trương mỹ nhân hối thúc quá, Lý Đạo Tông bất đắc dĩ phải bàn với vợ:

    - Ta đã hết sức mà không sao tìm được lỗi lầm gì của Nhơn Quý, vì thế bây giờ chỉ còn mỗi cách là dùng "Mỹ nhân kế" mà thôi. Hiện nay Lý Loan Phụng mười bảy tuổi, hoa nhường nguyệt thẹn thì có thể đưa ra làm mồi nhử Nhơn Quý vào tròng.

    Vì Lý Loan Phụng là con riêng của Lý Đạo Tông nên Trương mỹ nhân bằng lòng ngay, gọi một tên gia nhân tâm phúc là Trương Nhân đến bàn bạc. Trương Nhân vốn có họ với Trương mỹ nhân, là con người hiểm độc xưa nay, tâm tính giảo hoạt, chuyên bày mưu kế hãm hại người khác nên rất được vợ chồng Lý Đạo Tông tin dùng.

    Nghe Trương mỹ nhân muốn đưa tiểu thư Lý Loan Phụng ra làm "Mỹ nhân kế", Trương Nhân suy nghĩ một hồi rồi ghé tai chủ nhân thưa rõ nên hãm hại như thế nào cho chắc chắn. Trương mỹ nhân nghe Trương Nhân nói xong thì mừng ra mặt, khen là diệu kế, ngay đem hôm ấy nhân tiệc rượu thì cho Trương Nhân ra mắt Lý Đạo Tông thưa cặn kẽ những điều vừa bàn với mình lúc sáng. Trương Nhân liền bàn:

    - Nhơn Quý đã có Liễu vương phi và Phàn vương phi đẹp như tiên nữ, lại có nghĩa tào khang từ khi còn khổ cực thì khó có thể dùng sắc đẹp mà lay động được hắn. Chi bằng đại vương giả chiếu của thiên tử gạt Nhơn Quý đến Trường An rồi nửa đường đón vào vương phủ phục rượu. Khi nào Nhơn Quý quá say, đại vương ép phải từ bỏ vợ con, lấy tiểu thư làm vương phi. Nhơn Quý thuận lòng thì đó là bước đầu để hắn mang tiếng với thiên hạ. Nếu nghịch ý thì bắt trói nghiến lại rồi tâu với thiên tử là Nhơn Quý ỷ công lao, vào vương phủ làm loạn. Chẳng lẽ thánh thượng không nể mặt đại vương mà lại đi bênh vực cho Nhơn Quý hay sao.

    Lý Đạo Tông nghe xong gật đầu khen phải:

    - Kế ấy được lắm, thuận cũng chết, mà nghịch cũng chết.

    Nói xong, đêm hôm ấy Lý Đạo Tông viết giả một tờ chiếu thư, sai Trương Nhân đóng vai sứ giả triều đình đem đến Giáng Châu.

    Nhơn Quý trị nhậm ở Sơn Tây rất nhàn nhã, nghe có thánh chỉ đến liền lập bàn hương án nghênh tiếp. Thấy chiếu chỉ cho biết Thái Tông đang bất an, muốn triệu về triều gấp để bàn việc cơ mật, Nhơn Quý vội vàng thu xếp theo Trương Nhân đi ngay.

    Nhơn Quý rất tận tâm với việc nước nên cắm cúi đi rất mau, mấy ngày sau đã đến địa phận Trường An. Trương Nhân dẫn Nhơn Quý theo con đường ngang qua phủ Quang Thiên của Thành Thanh vương Lý Đạo Tông, khi ấy đã có bọn gia tướng chờ sẵn, mời vào trà nước rồi hãy vào triều. Nhơn Quý ngay tình, lại nể Lý Đạo Tông là thúc phụ của Thái Tông nên vội xuống ngựa vào ra mắt. Lý Đạo Tông giả vờ thân thiết, cười nói:

    - Bình Liêu vương từ trước tới nay lập công lao cho nhà Đường rất nhiều nên không những thế tử nhớ nhung mà triều thần cũng mong đợi. Tôi cũng chẳng khác, nên hôm nay có chút tiệc mặn, xin Bình Liêu vương ăn uống một chút rồi hãy vào chầu.

    Nhơn Quý nhất quyết từ chối, cho rằng trước khi triều kiến mà ăn uống say sưa thì không phải phép, nhưng Lý Đạo Tông rồi Trương Nhân thay phiên nhau thuyết phục kéo dài thời gian. Trương Nhân thấy trời sụp tối liền nói:

    - Thành Thanh vương có tình với ngài thì từ chối mãi sao được. Vả lại bây giờ trời tối rồi, nếu vào chầu thì e có điều dị nghị, xin Bình Liêu vương ở lại một đêm cho phỉ tình rồi ngày mai vào chầu cũng không muộn.

    Nghe vậy bất đắc dĩ Nhơn Quý phải nhận lời. Lý Đạo Tông cả mừng, mời Nhơn Quý và Trương Nhân ngồi vào bàn tiệc, truyền kỹ nữ ca múa, rót rượu dâng lên liên miên. Nhơn Quý vì nể mặt Lý Đạo Tông và sứ giả triều đình nên cứ uống tràn. Thật ra Nhơn Quý tự biết tửu lượng của mình nên chẳng nghĩ đến say nhưng không ngờ Trương mỹ nhân nóng ruột muốn trả thù nên ngầm bỏ luôn việc ép gả con, lén bỏ thuốc mê vào rượu. Tiết Nhơn Quý uống đến canh hai thì mê man, say vùi như người chết rồi. Lý Đạo Tông thấy vậy định sai quân trói Nhơn Quý lại để ngày mai vào triều vu cáo, Trương mỹ nhân liền ngăn lại, nói:

    - Vương gia làm như vậy tất lòi đuôi ra. Trước mặt thánh thượng, lỡ Nhơn Quý khai là theo chiếu chỉ thì tội giả mạo chẳng nhỏ, trong triều lại có Lỗ quốc công hết lòng che chở cho hắn thì vu cáo không dễ dàng đâu.

    Trương Nhân nghe vậy cũng kinh hồ bởi vì mình ngu dại đóng giả làm thiên sứ triều đình, vội ghé tai Lý Đạo Tông bàn phải làm như vậy như vậy.. Thật ra đó không phải là kế sách vẹn toàn nhưng Lý Đạo Tông túng đường đành phải nghe theo, truyền quân sĩ khiêng Tiết Nhơn Quý bỏ vào phòng tiểu thư. Lý Loan Phụng vừa thẹn vừa tức, rơi nước mắt than rằng:

    - Phụ thân ta nghe lời tên khốn họ Trương làm nhơ danh phận gái, có sống cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai nữa.

    Nói xong, Lý Loan Phụng khóc ngất một hồi, đập đầu vào tường mà chết. Khi nghe a hoàn báo tin dữ, Lý Đạo Tông chết cứng cả người, còn Trương mỹ nhân thì mừng thầm bởi vì Lý Loan Phụng chẳng phải là con ruột của mình, có chết thì càng dễ vu oan giá họa cho Tiết Nhơn Quý, không ai còn làm chứng được nữa.

    Một lúc sau Lý Đạo Tông hoàn hồn, nghiến răng sai giải Tiết Nhơn Quý đến đình uý, truyền lệnh tra khảo tàn khốc, một mặt viết biểu để ngày mai dâng Thái Tông. Đình uý vâng lệnh Thành Thanh vương, mặc cho Tiết Nhơn Quý đang mê man bất tỉnh vẫn cứ dùng mọi thứ hình cụ tra khảo, đến đổ cả nước sôi vào mũi mà Tiết Nhơn Quý vẫn chưa lai tỉnh.

    Tần Hoài Ngọc biết tin ấy thất kinh hồn vía, than lớn:

    - Thành Thanh vương là bậc thân vương mà sao làm loạn triều cương như vậy? Dù bất cứ ai có tội gì đi nữa cũng phải đưa ra trước triều đình phân xử, lẽ nào được quyền tra khảo?

    Than xong, Tần Hoài Ngọc lập lức cho thị vệ đến đình uý ra lệnh cho việc ngừng tra tấn Bình Liêu vương. Đình uý sợ oai Thành Thanh vương nhưng cũng nể mặt phò mã cho nên nghe lời nghe, sai quân y lệnh, nhờ vậy Tiết Nhơn Quý không đến nỗi táng mạng. Sáng hôm sau, Thái Tông thiết triều, hoàng thúc Lý Đạo Tông đã cầm sẵn sớ tâu dâng lên nhà vua kiện tụng việc Nhơn Quý uống rượu quá chén, xông lên lầu Tuý Vân ép uổng con gái mình, không được thỏa mãn thì liền lấy nghiên mực đập đầu cho đến chết, tử thi chưa quàn để còn làm chứng. Thái Tông đọc sớ tấu không sao nhịn được tức giận quát lớn:

    - Tiết Lễ cậy công làm điều càn rỡ, đánh chết ngự muội thì không thể tha thứ được. Chiếu theo luật Tiêu Hà để lại, phải chém đầu răn chúng.

    Nói xong, Thái Tông lập tức xuống lệnh mang Nhơn Quý ra pháp trường. Tần Hoài Ngọc. La Thông và Uất Trì Bảo Khánh thấy nhà vua nổi cơn lôi đình thì chỉ biết nhìn nhau, không dám bước ra bảo tấu. Trình Giảo Kim vội đuổi theo quan chỉ huy ngăn lại rồi vào điện quỳ xuống tâu hỏi:

    - Vì tội gì bệ hạ định chém đầu Bình Liêu vương?

    Thái Tông liền lấy sớ tấu ra cho bá quan cùng xem, sau đó cười gằn, hỏi Trình Giảo Kim:

    - Như vậy có đáng chém đầu hay chưa? Các vương công đại thần chưa cho là xứng đáng thì cứ ra hỏi xem Tiết Lễ vì cớ gì đánh chết lệnh muội của trẫm?

    Nghe vậy, Tần Hoài Ngọc và các tiểu vương cả mừng vội kéo nhau ra ngoài kêu gọi. Ngờ đâu Nhơn Quý bị thuốc mê quá mạnh nên vẫn gục đầu như chết rồi, chẳng nghe hay trả lời gì được. Trình Giảo Kim thấy vậy nghĩ thầm:

    - "Hiện giờ người bị tra tấn quá sức nên chẳng còn nói được. Chi bằng ta tìm kế tâu thánh thượng giam vào ngục, sau đó sẽ tính toán việc cứu sau."

    Nghĩ vậy nên Trình Giảo Kim vào triều tâu xin Thái Tông:

    - Khi chinh Đông, Nhơn Quý cứu giá nơi Việt Hổ, ba tháng mười ngày lại về Trường An giúp thái tử thì công lao ấy chẳng thể quên được. Xin bệ hạ dung thứ một trăm ngày để trả nghĩa, sau đó chém đầu sau cũng chưa muộn.

    Thái Tông qua cơn giận dữ cũng bớt nóng, phán:

    - Nhơn Quý có công rất lớn, nhưng trẫm đã trả ân bằng sắc phong Bình Liêu vương, như vậy đã là công bằng rồi. Nay Nhơn Quý giết ngự muội thì không thể tha chết được, tuy nhiên nể lời Trình vương huynh, trẫm sẽ giam lại ba tháng mười ngày, không ai nói gì thêm nữa.

    Phán xong, Thái Tông lập tức bãi triều, phất tay áo đi vào trong. Khi nghe chồng kể lại mọi việc, Trương mỹ nhân lo lắng nói:

    - Thiếp tưởng là thù nhà đã trả, dè đâu tướng quân chẳng làm gì nên chuyện. Trong một trăm ngày ấy thế nào bọn chúng không tìm cách cứu Nhơn Quý thoát tội?

    Lý Đạo Tông đang bận lo việc mai táng cho Lý Loan Phụng nên không cãi lời vợ, toan tính trong vài ngày nữa sẽ nhắc lại việc này cho Thái Tông quyết định.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  4. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Hai - Tướng Quân Bị Khốn Nơi Ngục Thất

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hơn nửa ngày sau, Nhơn Quý mới giã thuốc mê, thấy người đau nhức vô cùng, thì biết đã trúng kế của Lý Đạo Tông, trong lòng hết sức ân hận. Trong khi đó, các tiểu vương cùng các quan có tình với Nhơn Quý tụ họp tại phủ của Trình Giảo Kim để bàn kế cứu giúp nhưng rốt cục đều bó tay. Trình Giảo Kim cũng không biết phải tâu xin thế nào nên thở dài nói với mọi người vào thăm Nhơn Quý hỏi han trước xem sự tình ra sao rồi mới quyết định.

    Tần Hoài Ngọc và Uất Trì Bảo Khánh nghe vậy liền rủ nhau tới thiên lao thăm viếng. Hai người thấy Tiết Nhơn Quý phải đeo gông xiềng xích, mình mẩy đầy những vết sẹo tra khảo thì đau lòng rơi nước mắt. Nhơn Quý cũng không cầm được giọt lệ, nghẹn ngào thuật lại từ khi nhận chiếu chỉ gọi cho đến say rượu chẳng còn biết gì. Khi ấy Tần Hoài Ngọc mới biết rõ, thất kinh nói:

    - Đại ca đã trúng kế của họ Lý rồi, bởi vì vợ kế của lão chính là con gái của Trương Sĩ Quý. Trước nay thánh thượng không hề đau ốm gì, sao lại phải cho sứ giả đi triệu đại ca về? Chắc chắn họ Lý ép cho gái tự vận để lấy cớ hại trung thần báo thù dùm cho vợ. Tuy nhiên chúng tôi không biết cách nào minh oan, may sao nhờ Lỗ quốc công nên mới tạm hoãn được một trăm ngày, xin đại ca cố đợi vậy.

    Nói xong, hai người từ biệt chia tay. Nhơn Quý lưu luyến chẳng muốn dời chân. Ngờ đâu Trương Nhân đã cho tay chân rình mò mọi động tĩnh, nghe báo hai vị tiểu vương vào thăm Nhơn Quý thì liền chạy đi mách với Lý Đạo Tông. Tên gian thần này cũng sợ cơ mưu bị lộ nên lập tức xuống lệnh cho ngục quan, cấm tuyệt bất cứ người nào vào thăm, thân sơ hay quyền chức gì cũng vậy.

    Truyền lệnh xong, Lý Đạo Tông vẫn chưa yên tâm, vội vã vào cung xin Thái Tông ban lệnh cho mọi người tuân theo. Thái Tông nể mặt thúc phụ nên bằng lòng ngay, triệu quan chỉ huy và ngục quan đến phán:

    - Nhơn Quý là khâm phạm, vì thế bất cứ ai cũng không được giáp mặt trò chuyện, trái lệnh thì sẽ ghép vào tội đồng mưu.

    Khi ấy Tần Hoài Ngọc và Uất Trì Bảo Khánh đang cùng Nhơn Quý trò chuyện, chợt có ngục quan vào cúi đầu thưa việc Thái Tông vừa ban chỉ không cho ai vào thăm. Bất đắc dĩ hai người phải lui ra, trong lòng hết sức lo lắng cho tính mạng của Nhơn Quý. La Thông đến sau nên không được vào thăm đành phải lén lút sai gia nhân mang cơm nước cho Nhơn Quý.

    Trong ý Lý Đạo Tông muốn dùng lệnh cấm này mà cho Nhơn Quý chết đói, nghe biết việc La Thông thì liền hỏi Trương Nhân:

    - Bọn chúng cứ lén lút mang cơm nước vào cho Nhơn Quý thì biết đến bao giờ hắn mới chết được? Theo ngươi thì phải làm sao?

    Trương Nhân thưa:

    - Bằng hữu của Nhơn Quý rất đông mà toàn là vương công đại thần, vì thế ngục quan cũng khó mà làm việc. Bây giờ chỉ còn mỗi cách đại vương chịu khó đứng ra canh giữ, vất vả chừng năm ngày là xong.

    Lý Đạo Tông lưỡng lự vì sợ mất danh tiếng của mình, nhưng Trương mỹ nhân nóng lòng sốt ruột nên hết sức thúc hối, bất đắc dĩ phải nghe theo, ngày hôm sau bắt đầu ngồi trước thiên lao, đến giờ cơm nước thì có gia đinh mang đến. Thật thương cho Nhơn Quý, con người vốn dĩ sức ăn bằng mười người khác, nay vừa bị đòn tra tấn vừa chịu đói thì đứng ngồi không nổi, nằm dài mà than thở.

    Các tiểu vương thấy vậy hội ở nhà Tần Hoài Ngọc bàn tán xôn xao nhưng rốt cuộc cũng không tìm ra phương kế nào qua mặt Thành Thanh vương được. Một người đang nhíu mày suy nghĩ, chợt có một tiểu nhì chừng tám chín tuổi, diện mạo rạng rỡ tựa trăng rằm, mặc áo hoa từ nhà sau đi lên cười nói:

    - Ai cũng cao lớn, sức khỏe muôn người mà chịu để Tiết thúc chịu đói ư? Nếu muốn thì tôi xin ra sức giúp một phen.

    Tần Hoài Ngọc nhìn lại, thấy đó là Tần Mộng, con thứ của mình thì quát lớn, đuổi ra nhà sau. Nguyên Tần Hoài Ngọc có hai đứa trai, một là Tần Hán, khi lên ba tuổi đi chơi hoa viên thì bị một cơn gió lạ cuốn đi mất, sau đó công chúa sinh hạ được Tần Mộng yêu quý như trứng mỏng.

    Tần Mộng bị phụ thân mắng thì cười, bỏ ra nhà sau, sai gia tướng gọi tiểu anh hùng cùng trang lứa mình là La Chương, Uất Trì Thanh Sơn, Đoàn Nhân, Trình Tông đến bàn chuyện. Tất cả đều khoảng tám, chín tuổi, chỉ trừ Trình Tông lớn hơn, mười ba tuổi, vì thế hàng ngày thường đùa giỡn với nhau ở sân sau, không ai để ý.

    Tần Mộng thấy anh em đã đến đủ mặt thì liền cho biết việc Thành Thanh vương định hãm hại Nhơn Quý. Sau khi bàn xong, năm tiểu anh hùng liền kéo nhau thẳng đến thiên lao. Lý Đạo Tông chưa kịp quát gọi quân đĩ đuổi đi thì đã bị Tần Mộng nhảy tới thộp cổ áo đấm cho mấy cái. Mấy anh em kia người thì đánh bọn quân sĩ nhào lăn, kẻ xúm lại phụ Tần Mộng một tay nhổ gần hết nửa hàm râu của Lý Đạo Tông.

    Lý Đạo Tông kêu gào khan cả tiếng mà chẳng tên quân nào dám xông vào can thiệp, vì đều biết các tiểu anh hùng là con nhà danh gia thế phiệt, đành phải gượng bò ra kiệu, sai gia đinh khiêng chạy về vương phủ.

    Tần Mộng hớn hở chia tay anh em rồi ra vườn sau đập đầu vào đá, lấy tay tự đấm vào mũi khiến mặt mày bê bết những máu rồi chạy thẳng vào phòng công chúa, lăn nhào xuống đất mà khóc. Công chúa cả kinh, gạn hỏi thì Tần Mộng mếu máo thưa:

    - Con vô tình đi ngang qua thiên lao, bị Lý hoàng thúc xông ra đánh tơi bời. Chẳng biết vì sao nữa!

    Công chúa nghe xong lửa giận phừng phừng, lập tức truyền xe kiệu, đưa Tần Mộng thẳng điện Bao Thân, trình với hoàng hậu. Vừa lúc ấy Thái Tông về tới, hoàng hậu và công chúa liền ra đón tiếp. Thái Tông còn đang ngạc nhiên vì sự có mặt bất ngờ thì công chúa đã quỳ sụp xuống kêu xin về việc Tần Mộng bị người ta đánh.

    Thái Tông sầm mặt hỏi:

    - Ai dám cả gan đánh ngự tôn của trẫm?

    Công chúa bèn gọi Tần Mộng ra. Khi ấy Tần Mộng vẫn để nguyên các vết màu, thấy Thái Tông thì bật khóc rống rồi sụt sùi thưa:

    - Tiểu tôn nghe đồn Thành Thanh vương cấm không được đem cơm nước vào ngục cho Bình Liêu vương, tất cả đều đổ bỏ nên tiểu tôn hiếu kì đến xem. Chẳng ngờ Thành Thanh vương nổi giận sai quân đánh tiểu tôn đến suýt chết, may nhờ mau chân mới thoái nổi.

    Thái Tông nghe vậy liền xem các vết thương của Tần Mộng, thấy quả là do bị đánh chứ không giả dối thì liền khuyên nhủ:

    - Chắc có lẽ cháu gây chuyện gì đó mới bị đánh, chẳng lẽ Thành Thanh vương dám ỷ thế như vậy ư?

    Công chúa vội tâu:

    - Xin phụ vương xét lại. Tần Mộng mới có tám tuổi, lẽ nào dám chọc ghẹo hay gây sự với hoàng thúc.

    Hoàng hậu cũng nói vào khiến Thái Tông hết sức bối rối, truyền bày tiệc đãi đằng công chúa và sai ngự y lấy thuốc chữa trị cho Tần Mộng. Sáng hôm sau, chờ Thái Tông lâm triều, Lý Đạo Tông viết sẵn một tờ biểu, dâng lên thưa kiện. Thái Tông nhìn thấy Thành Thanh vương mất nửa hàm râu, một mắt bầm tím, áo bào rách mấy chỗ thì nghi ngờ tự nghĩ:

    - "Không lẽ một đứa trẻ như Tần Mộng mà đánh được người lớn đến nông nỗi này, chắc là hoàng thúc đánh người rồi tự vặt râu xé áo để chạy tội chẳng sai."

    Nghĩ xong, Thái Tông chợt hỏi:

    - Tần Mộng dám tới dinh hoàng thúc gây sự hay sao?

    Lý Đạo Tông giật mình, bị hỏi bất ngờ thì lúng túng đáp bừa:

    - Tôi tình cờ đi ngang qua thiên lao, Tần Mộng đứng chờ ở đó từ bao giờ, nhảy ra đánh luôn, chắc là đã có âm mưu từ trước.

    Thái Tông nghe vậy nhíu mày phán:

    - Nhơn Quý trong trăm ngày sẽ bị chém là vương pháp của triều đình, tại sao hoàng thúc lấy lòng riêng mà đến ngăn cản người đưa cơm nước? Trẫm không trách tội hoàng thúc nhưng từ giờ trở đi đừng đặt điều tâu xin làm rối loạn nữa.

    Phán xong, Thái Tông vất trả tờ biểu, truyền bãi triều, khiến Lý Đạo Tông vừa nhục vừa tức, về nhà sinh thành bệnh, phải gần tháng mới khỏi. Bọn Tần Hoài Ngọc nhân dịp ấy tha hồ sai gia đinh tiếp tế cơm rượu cho Nhơn Quý. Thấy Tần Hoài Ngọc trách con dám đụng tới hoàng thúc, La Thông liền cản lại, cười nói:

    - Tần Mộng tuy tuổi còn nhỏ nhưng trí xảo chẳng ai bằng, nhờ nó mà chúng ta cứu được tính mạng của Tiết đại ca, không cảm ơn thì thôi, sao còn trách mắng làm chi?

    Tần Mộng xá một cái, cười nói:

    - La thúc luận rất đúng, – rồi chạy mất, khiến ai nấy đều kinh ngạc.

    Khi ấy Vương Mậu Sinh ở Long Môn cũng đã nghe tin, nói với Phàn viên ngoại và hai vị phu nhân:

    - Tôi chưa biết phải làm thế nào nhưng phen này quyết xuống Trường An sống chết với giặc già Lý Đạo Tông một phen.

    Nói xong, Mậu Sinh vào sau thay áo quần rồi rơi nước mắt từ giã mọi người trong vương phủ ra đi. Vương Mậu Sinh lặn lội mấy ngày thì tới Trường An, đứng ngoài Ngọ Môn chờ đợi. Quả nhiên Trình Giảo Kim bãi chầu trở về thì nhìn thấy, gọi về phủ của mình ở tạm. Mậu Sinh quỳ xuống, lắc đầu thưa:

    - Thành Thanh vương vì nghe lời Trương mỹ nhân mà toan hại chết Bình Liêu vương là việc động trời, không thể để yên được. Vì thế tôi quyết ở đây dâng sớ minh oan, bao giờ thánh thượng chấp nhận thì thôi, bằng không cũng sẽ liều mạng với gian thần một chuyến.

    Trình Giảo Kim liền khuyên:

    - Cả triều toàn là vương công đại thần còn không xin được tội cho Bình Liêu vương được huống gì là nhà ngươi. Bây giờ ngươi nên vào ngục thăm hỏi Nhơn Quý, ta và các đại thần sẽ lo liệu kế sách cứu Bình Liêu vương sau.

    Vương Mậu Sinh nghe theo, vào ngục thăm Nhơn Quý. Thấy Mậu Sinh không phải vương công đại thần, ngục quan hạch sách rất khó khăn, rút cuộc nhờ tiền bạc mang theo khá nhiều nên Mậu Sinh mới được toại nguyện. Mậu Sinh cùng Nhơn Quý than thở mãi cho tới chiều tối thi mới bịn rịn chia tay, về phủ Trình Giảo Kim nghỉ ngơi.

    Riêng Trình Giảo Kim hứa hẹn với Mậu Sinh như vậy nhưng thật ra không biết tìm ra cách nào mà giải cứu cho Nhơn Quý được, túng thế phải viết thư cho người hỏa tốc đi Hán Dương nhờ cậy Từ Mậu Công. Mấy ngày sau thư hồi đáp của Từ Mậu Công gửi về nhưng chỉ vỏn vẹn mấy hàng: "Đủ mặt bá quan văn võ mà không xong thì tôi cũng thành ra vô dụng, đừng trông đợi làm gì." Trình Giảo Kim đọc xong tức quá trợn mắt quát lớn:

    - Tên lỗ mũi trâu biết hiền thần bị hại mà vẫn thảnh thơi được thì thật là ăn hại triều đình, còn nhờ cậy gì được nữa?

    Khi ấy Tần Hoài Ngọc có mặt, vội khuyên:

    - Xin thúc thúc đừng nóng nảy mà sinh ra nhiều việc lôi thôi, Hắc quốc công sắp về tới nơi, may ra sẽ có biến chuyển.

    Trình Giảo Kim nghe vậy mới nguôi giận, nhưng chờ thêm mấy ngày nữa, thời hạn trăm ngày gần đến mà chưa thấy Uất Trì Cung về, thế lại bắt đầu lo lắng, ngồi đứng chẳng yên.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  5. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Ba - Uất Trì Cung Ngăn Vua Chết Uổng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguyên Uất Trì Cung vâng lệnh Thái Tông qua phủ Chân Định lên cốt Phật đồng để cầu xin quốc thái dân an, nhận được thư của Trình Giảo Kim thì giận lắm, tiếc vì đường xa cách trở nên chậm trễ hết mấy ngày. Khi về tới phủ, Uất Trì Cung nghe Uất Trì Bảo Lâm thuật rõ đầu đuôi thì càng nổi giận xung thiên mắng lớn:

    - Ngày mai ta mang Đả vương tiên vào chầu, nhất định bắt thánh thượng phải thả Nhơn Quý ra, trừng trị Lý Đạo Tông. Nếu không sẽ dùng tới roi vàng của tiên vương ngay.

    Uất Trì Cung vốn tính nóng như lửa nên đêm ấy chẳng chợp mắt chút nào, chưa đến canh tư đã vào triều đứng chờ. Bá quan lục tục kéo đến, thấy Uất Trì Cung thì mừng rỡ, cho là phen này Nhơn Quý sẽ được giải nỗi oan. Uất Trì Cung cũng vui vẻ đáp lại:

    - Tôi cũng vì việc này mà bôn ba về đây, xin các vị cùng tâu một lượt thì việc ắt thành.

    Vừa lúc đó Lý Đạo Tông đi tới, nghe vậy chỉ mặt Uất Trì Cung mắng luôn:

    - Tên mặt đen kia! Tiết Lễ phạm tội giết người mà ngươi còn hòng che chở cho hắn sao?

    Uất Trì Cung thấy mặt Lý Đạo Tông thì lửa giận phừng phừng nổi dậy, chỉ mặt mắng lại khiến Lý Đạo Tông hổ thẹn cùng với bá quan, hậm hực hăm dọa:

    - Ngươi dám mắng cả thân vương thì là tội không thể dung thứ, chút nữa ta quyết tâu với thánh thượng phân thây ngươi ra.

    Nghe vậy Uất Trì Cung không còn dằn được nữa, hét rầm trời:

    - Trước khi ta bị phân thây thì hãy móc đôi mắt của nhà ngươi trước.

    Lý Đạo Tông thấy Uất Trì Cung xông tới thì hết sức kinh hoàng, vội vàng đưa tay lên che đôi mắt. Vì thế hai ngón tay của Uất Trì Cung chỉ móc trúng miệng Lý Đạo Tông, làm gãy hai cái răng cửa, máu phún ướt cả râu.

    Thật ra Uất Trì Cung quá nóng giận mà làm bừa, thấy vậy cũng giật mình nhưng việc đã lỡ rồi chẳng làm sao cứu vãn được nữa. Chợt Trình Giảo Kim bước lại nói với Lý Đạo Tông:

    - Tên mặt đen dữ quá, dám đánh thân vương gãy răng. Ngài đưa đây cho tôi cầm, chút nữa sẽ làm vật chứng.

    Lý Đạo Tông đang đau đớn, nghe vậy chẳng suy nghĩ, đưa hai cái răng gãy ra. Trình Giảo Kim cười ngất, vất hai cái răng ra ngoài vườn mất tăm. Lý Đạo Tông cả kinh, khi ấy mới biết Trình Giảo Kim về một phe với Uất Trì Cung, hậm hực hăm dọa sẽ tâu Thái Tông giết hết cả. Trình Giảo Kim vẫn cười:

    - Đại vương bị ngã ngựa gãy hai cái răng, sao lại đổ cho tôi?

    Nói xong, Trình Giảo Kim quay lại phân bua, xin bá quan làm chứng là Lý Đạo Tông bị ngã ngựa. Bá quan chẳng biết bênh ai, ậm ừ cho qua chuyện. Lý Đạo Tông thấy vậy đành ngậm tức, chờ Thái Tông lâm triều bước ra tâu ngay:

    - Uất Trì Cung vô phép tự ý về kinh đô, lại đánh tôi gãy hai cái răng, xin bệ hạ minh xét.

    Thái Tông nhận ra Uất Trì Cung cầm sớ tấu, thì biết ngay định tâu xin cho Nhơn Quý, vua toan hỏi thì Uất Trì Cung bước ra cãi lại:

    - Thành Thanh vương đến trước Ngọ Môn thì bị ngã ngựa gãy mất hai cái răng, bá quan đều trông thấy rõ ràng, xin bệ hạ đừng nghe lời vu cáo.

    Thái Tông không biết tin ai, đành phải hỏi bá quan. Trước mặt Thái Tông, bá quan không sợ bị Lý Đạo Tông hiếp đáp nữa nên đều làm chứng lời Uất Trì Cung đúng sự thật. Thái Tông nghe xong lạnh nhạt nói Lý Đạo Tông về nghỉ ngơi đi, không xét xử. Lý Đạo Tông vừa tức vừa thẹn, lui về phủ mà lòng đầy căm hận. Khi ấy Thái Tông mới nói với Uất Trì Cung:

    - Tiết Nhơn Quý gian dâm không được nên ra tay giết chết ngự muội, tội ấy chết trăm lần cũng chưa xứng. Trẫm đã hạ lệnh ai xin tội cho Nhơn Quý thì ghép vào đồng mưu nhưng nghĩ tình của vương huynh nên chẳng chấp, cứ chém đầu Nhơn Quý là hết mọi phiền phức.

    Phán xong, Thái Tông lập tức xuống lệnh sai chi huy quan dẫn Nhơn Quý ra pháp trường.

    Mậu Sinh đứng ở ngoài thấy vậy thất vọng vô cùng, vừa khóc mếu máo vừa sửa soạn lễ vật đi theo cúng kiến tiễn hồn. Uất Trì Cung xin tội không xong, còn khiến cho Nhơn Quý bị chém đầu ngay thì không còn nhịn nữa, sai quân mang Đả vương tiên vào cho mình.

    Thái Tông vội vàng truyền lệnh lui chầu, tất tả đi vào hậu cung. Tuy Uất Trì Cung cầm roi vàng theo kịp nhưng không lẽ xuống tay đánh chết nên đành đứng ngoài cửa kêu lớn:

    - Tiết Nhơn Quý có công lao chinh đông vất vả mười hai năm, lại mấy lần cứu giá. Nếu bệ hạ xuống tay quá nặng e rằng chấn động đến quân tướng triều đình. Xin bệ hạ xét lại!

    Uất Trì Cung chờ một lát, chợt có nội thị mang chiếu của Thái Tông đưa ra, nhất quyết không tha chết cho Nhơn Quý. Uất Trì Cung giận đến tím mặt, quát lớn:

    - Trên Đả vương tiên có đề mấy chữ: "Thượng đả hôn quân, hạ đả gian thần". Nếu ta không ra tay thi hành thì mai sau xã tắc còn nhiều nghiêng ngả.

    Quát xong, Uất Trì Cung lấy roi vàng đả mạnh một cái, định phá cửa mà vào. Chẳng ngờ cửa cung cấm xây dựng rất chắc chắn nên roi vàng gãy luôn thành mười tám khúc, văng tứ tung trước sân. Uất Trì Cung thất kinh hồn vía tự nghĩ thầm:

    - "Trước kia tiên vương có di chúc" Tiên tại nhân đả tại, tiên đoạn nhân diệt vong ". Ta ỷ có roi vàng mới dám xông vào cung cấm, nay roi vàng đã bị gãy thì tất mạng chẳng còn, chi bằng tính trước thì hay hơn."

    Uất Trì Cung liền quỳ trước cửa lạy hai mươi bốn cái làm lễ vĩnh biệt rồi đập đầu vào tường mà chết. Thái Tông nghe nội thị tâu báo thì thất kinh, vội chạy ra nhìn xác Uất Trì Cung khóc ngất, truyền gọi Trình Giảo Kim và ba người con của Uất Trì Cung vào lo liệu việc tẩm liệm, lệnh cho các bá quan cùng để tang. Trình Giảo Kim hết sức đau lòng nhưng cố nhịn tức giận, nhân dịp ấy quỳ xuống tâu xin:

    - Uất Trì Cung vì xin tội cho Tiết Nhơn Quý mà tự vẫn. Xin bệ hạ nghĩ công lao của hai người ấy mà gia hạn thi hành án tử, đến mùa thu năm sau mãn tang rồi hãy gia hình.

    Thái Tông nghe tâu phải lý thì nghe theo, truyền giam Nhơn Quý một năm nữa. Nhơn Quý nghe tin Uất Trì nghĩa phụ vì mình mà chết thì khóc ngất một hồi, chảy cả máu mắt ra. Riêng Mậu Sinh mừng thầm trong bụng, hết lời khuyên giải rồi hợp cùng bọn đao phủ đưa Nhơn Quý về ngục thất.

    Khi tang lễ đã xong, Thái Tông phong cho Uất Trì Bảo Lâm làm Hắc quốc công thế tập chức của phụ thân, Uất Trì Bảo Khánh làm Trần Lưu công, Uất Trì Bảo Hoài làm Bình Dương tổng binh. Ngày tháng đưa thoi, Thái Tông đã được Lý Đạo Tông nhắc nhở trước nên một hôm lâm triều liền phán truyền việc hành hình Tiết Nhơn Quý.

    Lần này Trình Giảo Kim cùng bá quan đều cứng lưỡi, không ai dám tâu một câu. May sao khi ấy Từ Mậu Công đã đoán quẻ biết được mọi chuyện, cấp tốc từ Hán Dương trở về. Từ Mậu Công sợ hỏng việc nên đứng ở pháp trường chờ sẵn, truyền cho tả đao khoan thi hành lệnh rồi mới vào triều yết kiến Thái Tông, tâu:

    - Hạ thần theo lệnh bệ hạ đến Hán Dương phát chẩn. Nay việc đã xong, dân chúng no đủ nên mới về triều phục mệnh. Vừa rồi hạ thần đi qua pháp trường, thấy Bình Liêu vương sắp bị chém đầu, chẳng biết tội gì vậy?

    Thái Tông nghi ngờ Từ Mậu Công cũng muốn xin tha cho Nhơn Quý nên vội thuật hết mọi việc, lấy nghiêm lệnh không ai được can gián ra để bịt miệng Từ Mậu Công. Chẳng ngờ Từ Mậu Công vẫn ung dung như thường, tâu:

    - Bệ hạ có nghiêm lệnh thì tôi cũng có chiếu chi của triều đình tha cho Bình Liêu vương.

    Thái Tông bật cười cho rằng mình hạ chiếu bao giờ đâu mà Từ Mậu Công dùng nó để tha chết cho Nhơn Quý. Từ Mậu Công liền tâu:

    - Trước đây ba năm, khi còn ở Việt Hồ thành, bệ hạ mong mỏi được thấy mặt hiền thần, nhưng tôi tâu rằng phải ba năm sau mới được, nếu gặp ngay thì hiền thần sẽ bị tù tội ba năm. Bệ hạ nghe xong liền hạ chỉ, dù cho hiền thần có phạm tội giết người đi nữa thì cũng tha thứ. Có lẽ bệ hạ đã quên mất lời mình nên giam Bình Liêu vương vào ngục hơn năm nay. Tôi lấy chiếu chí ấy ra mà tha cho Nhơn Quý, chẳng lẽ không đúng hay sao?

    Thái Tông nghe vậy sững sờ, phân vân không muốn tha chết cho Nhơn Quý. Từ Mậu Công nhìn được ý này, tâu xin:

    - Tạm thời bệ hạ hãy giam Nhơn Quý thêm một năm nữa rồi quyết định sau cũng được.

    Thái Tông thấy như vậy vẹn toàn, không sai lời hứa của mình mà cũng không mất lòng hoàng thúc nên chuấn tấu ngay. Trình Giảo Kim thấy Từ Mậu Công tâu một lời làm cho tình hình biến chuyển, nhà vua sắp tha chết cho Nhơn Quý, Từ Mậu Công lại tâu xin giam lại thì sửng sốt vô cùng, bước tới hỏi:

    - Quân sư thật bất nhân, sao không tiện dịp xin tha cho Nhơn Quý?

    Từ Mậu Công ghé nhỏ nói:

    - Thời vận của Nhơn Quý chưa đến, nếu tha ngay bây giờ thì mất hết chức tước. Chi bằng chờ thêm một năm nữa cho hết vận hạn, tôi cam đoan Nhơn Quý chẳng những được tha mà còn phục chức hơn xưa nữa. Như vậy chẳng hơn hay sao?

    Trình Giảo Kim nghe vậy hết sức vui mừng, lén báo cho mọi người biết rồi chia tay. Quả nhiên đến năm sau có sớ tâu từ biên cương gởi về cho biết nước Hấp Mê ở Tây Liêu vừa mới phong cho Tô Bảo Đồng là chức Tảo Đường Diệt Khẩu đại nguyên soái. Nội mấy chữ ấy cũng rõ ý nghĩa rồi, vậy mà vua Hấp Mê còn ngang ngược phái sứ thần đến triều đình nhà Đường dâng một bài thơ đầy lời lẽ khiêu khích:
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  6. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Tư - Đường Thái Tông Ngự Giá Thân Chinh

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nửa tháng sau, Nhơn Quý đã chỉnh đốn xong binh mã, vào triều tâu xin Thái Tông định ngày xuất chinh đồng thời sai Mậu Sinh về Sơn Tây báo tin cho gia đình, gọi tám anh em kết nghĩa đến Trường An phụ giúp một tay. Thái Tông vẫn chưa nguôi giận vì bài thơ khiêu khích, lập tức xuống chiếu đói bá quan văn võ đến giáo trường để làm lễ trao ấn soái cho Nhơn Quý.

    Sau khi nhận ấn soái xong, Nhơn Quý lên Thoại Phong câu chạy đến trước ba mươi vạn quân, phong cho Tần Hoài Ngọc làm tiên phong, Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh làm phó tiên phong, Trình Thiết Ngưu, Đoàn Lâm và Đặng Hiền là tùy giá tổng binh, theo phò Thái Tông. Trong khi ấy ở triều đình, Thái Tông liền trao quyền trị nước cho thái tử Lý Trị và thừa tướng Nguỵ Trưng, còn bao nhiêu theo mình hộ giá chinh Tây, xong xuôi cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến thẳng giáo trường. Tiết Nhơn Quý nghênh đón nhà vua ngự trên đại trướng, rồi quay lại hỏi Trình Giảo Kim:

    - Trước kia Trình thiên tuế có hứa bắt giết Lý Đạo Tông tế cờ, sao bây giờ không thấy hắn đâu cả?

    Trình Giảo Kim vì muốn được việc nên hứa bừa, bây giờ không biết làm sao nên đành nói:

    - Nguyên soái cứ phát lệnh tiễn ra, tôi sẽ đi bắt Lý Đạo Tông đến đây tế cờ.

    Tiết Nhơn Quý bằng lòng ngay. Riêng Trình Giảo Kim cầm lệnh tiễn vừa đi vừa lo lắng, nghĩ thầm:

    - "Lý Đạo Tông thấy mặt ta thì chẳng dám thò đầu ra khỏi phủ, chi bằng phải nhờ người khác hay hơn".

    Vì thế Trình Giảo Kim liền chạy đi tìm Tần Hoài Ngọc than thở:

    - Trước kia ta lỡ lời nhận việc bắt Lý Đạo Tông tế cờ xuất quân nhưng nay lão ấy trốn miết trong phủ không làm sao bắt được. Vì thế nhờ ngươi vờ đến cáo từ, nhân dịp túm tóc hắn giao cho con cọp mới sổng chuồng thì con thỏ già này mới thoát chết nổi.

    Tần Hoài Ngọc xin nghe theo, cầm lệnh tiễn đi thẳng đến Lý vương phủ, nói dối là vừa mới lãnh chức tiên phong nên đến cáo biệt. Lý Đạo Tông định từ chối nhưng nể mặt phò mã nên gắng gượng mở cửa mời vào. Tần Hoài Ngọc chẳng chần chờ, vừa thấy mặt Lý Đạo Tông là ra lệnh cho quân sĩ xông đến trói nghiến lại ngay, đem giải về giáo trường.

    Trương Nhân vốn tới số chết cho nên lén chạy theo nghe ngóng tin tức để có gì còn báo tin cho chủ nhân là Trương mỹ nhân biết. Ngờ đâu Nhơn Quý nhìn qua là nhận ra Trương Nhân chính là người đã làm sứ giả thiên triều đến Giáng Châu triệu mình về kinh, truyền quân trói lại tại chỗ. Nhơn Quý dẫn giải Trương Nhân đến trước mặt Thái Tông, quỳ xuống tâu:

    - Chính tên này đã giả làm thiên sứ triệu hạ thần về triều, sao đó cũng chính hắn ép uổng vào Thành Thanh vương ăn uống phục rượu. Xin bệ hạ tra hỏi thì biết rõ ngay.

    Trương Nhân tuy giảo nhưng rất nhát sợ, thấy mặt Nhơn Quý thì đã hồn bay mất vía, chẳng đợi Thái Tông tra hỏi đã khai hết sự thật từ đầu đến đuôi, chẳng giấu chút nào. Thái Tông nghe xong nổi trận lôi đình, đập bàn quát lớn:

    - Bọn ngươi vì chút thù riêng mà bày mưu độc, không những làm hại đến lương tướng mà còn làm trẫm mất mặt vì kết tội oan hiền thần ba năm. Bây giờ có hối hận cũng chẳng làm sao cứu vãn được nữa.

    Mắng xong, Thái Tông lập tức xuống lệnh chém đầu Trương Nhân, ban cho Trương mỹ nhân được thắt cổ. Riêng phần Lý Đạo Tông, Thái Tông vẫn chưa dứt thể tình, nói với Nhơn Quý:

    - Oan uổng của nguyên soái đã được tỏ tường. Trẫm nghĩ tình hoàng thúc tuổi cao già yếu, vì nghe lời tiểu nhân nên giết cả con mình chẳng còn ai kế tự thì đáng tội lắm rồi. Mong nguyên soái nể mặt trẫm dung thứ cho hoàng thúc được sống thêm vài năm nữa vậy.

    Nhơn Quý cúi đầu tâu:

    - Hạ thần chỉ cốt được bệ hạ rõ lòng trung, nay họ Trương đã chết thì đù thỏa mãn rồi, không nhất thiết phải đòi hoàng thúc đền tội làm gì nữa.

    Trình Giảo Kim nghe xong thất kinh nghĩ thầm:

    - "Đến như Nhơn Quý làm tước vương, được thánh thượng yêu chiều hết mực mà Lý Đạo Tông còn có thể vu oan giá họa suýt chết thì sau này tất tính đến mạng ta. Phải tìm cách nhổ cỏ tận gốc thì mạng già này mới an toàn được."

    Trình Giảo Kim liền lấy cớ yên lòng ba quân, nhất quyết xin chém đầu Lý Đạo Tông nhưng Thái Tông phân vân không nghe theo.

    Thấy vậy, Trình Giảo Kim giở trò khác, ghe tai Thái Tông nói nhỏ:

    - Nếu bệ hạ muốn đôi đường vẹn toàn thì sai người lấy cái chuông đồng úp hoàng thúc lại, nói giả là giết bằng cách ấy chứ không nỡ nhìn đầu rơi máu chảy. Như thế Nhơn Quý và ba quân yên lòng ra đi, sau đó bệ hạ lén sai quân mở chuông ra, không chết ai cả.

    Thái Tông nghe vậy rất mừng, bằng lòng nghe theo. Trình Giảo Kim liền tâu:

    - Chùa Nghiêm Minh ngoài thành Trường An có một đại hồng chung rất lớn, có thể dùng vào việc này được. Xin giao hoàng thúc cho tôi là mọi việc êm đẹp.

    Được Thái Tông ý tấu, Trình Giảo Kim lập tức dẫn Lý Đạo Tông đến chùa Nghiêm Minh, sai quân tháo đại hồng chung xuống úp Lý Đạo Tông vào trong. Tuy đây là nhục hình nhưng Lý Đạo Tông biết tội mình nên không dám kháng cự, đành ngồi im mà chịu. Khi nhốt xong, Trình Giảo Kim sai quân tìm củi khô chất chung quanh, nổi lửa đốt luôn ngôi chùa, mặt cho Lý Đạo Tông kêu la khản giọng. Khi thấy chuông đồng đỏ rực, Trình Giảo Kim biết chắc xương cốt Lý Đạo Tông đã ra tro mới dẫn quân về tâu với Thái Tông:

    - Tôi vừa mới giam hoàng thúc vào chuông thì chẳng biết tại sao chùa phát hỏa. Tôi cho quân sĩ hết sức cứu chữa nhưng không kịp nữa, đành đứng ngoài nhìn hoàng thúc tử nạn. Ngẫm lại đúng là tội khó tha, đến trời cũng không dung thứ được.

    Thái Tông tuy rất thương xót hoàng thúc cũng không thể dừng việc xuất quân, rơi lệ sai người chôn cất Lý Đạo Tông và xây dựng lại chùa.

    Nhơn Quý tế cờ xong, liền nổi pháo tiến quân, ba mươi muôn quân mã rầm rộ kéo ra khỏi thành Trường An, chẳng bao lâu đã tới biên cương, chỉ còn cách Giới Bài thuộc Tây Liêu chừng mấy trăm dặm.

    Khi ấy Tô Bảo Đồng đã nghe tin nhà Đường chém sứ thần, vội điều động một số lớn quân mã đến ải Giới Bài trấn giữ. Tướng trấn thủ ải này là Hắc Liên Độ, thân cao hơn trượng, mặt đỏ râu vàng, cầm siêu đao nặng một tạ hai yến, sức mạnh hơn người, võ nghệ cao cường, dưới trướng lại có nhiều bộ tướng tài giỏi nên không hề sợ hãi. Khi nghe báo tướng tiên phong là Tần Hoài Ngọc kéo binh đến trước ải, Hắc Liên Độ cười nhạt nói:

    - Quốc cữu đang muốn mang quân lấy Trung Nguyên, chẳng ngờ bọn chúng không biết thân phận dám đến đây thì đúng là tận số rồi.

    Tuy nói cứng nhưng Hắc Liên Độ vẫn đích thân đốc thúc quân sĩ lấy thêm gỗ đá, làm thêm cung tên sẵn sàng, không hề chểnh mảng chút nào. Tần Hoài Ngọc tuy đến trước nhưng được lệnh của Nhơn Quý nên chỉ cho hạ trại đóng binh, không khiêu chiến. Ba hôm sau, đại quân mới tới nơi, vừa kịp lúc tám tổng binh kết nghĩa của Nhơn Quý cũng vừa đến. Nhơn Quý cả mừng hỏi ngay:

    - Tướng nào dám ra đánh trận dầu?

    Tần Hoài Ngọc hăng hái xin đi, mở cửa trại tiến ra, có Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh phò tả hữu. Hắc Liên Độ nghe báo có quân Đường đến khiêu chiến cũng tức thì điểm quân xông ra. Tần Hoài Ngọc thấy tướng Liêu mặt đỏ râu vàng, oai phong lẫm liệt thì lớn tiếng hỏi ngay:

    - Nguơi mau xưng danh tính ra rồi chịu chết cho mau, Tần Hoài Ngọc này không thèm đánh với bọn tiểu tốt vô danh.

    Hắc Liên Độ trợn mắt đáp lại:

    - Ta là bộ tướng của Tô nguyên soái, vang danh thiên hạ, tên là Hắc Liên Độ. Ngươi biết danh rồi còn không xuống ngựa đầu hàng hay sao?

    Tần Hoài Ngọc mắng lại:

    - Ta là Hộ quốc công phò mã Tần Hoài Ngọc, mấy lần làm cho bọn Đông Liêu mất mật kinh hồn. Chính ngươi nghe danh thì nên xuống ngựa quy hàng mới phải.

    Hắc Liên Độ nghe vậy cười ngất nói:

    - Tưởng ai, hóa ra là con của Tần Thúc Bảo. Đến cha ngươi cũng không dám lớn lối như vậy. Mau về báo cho Lý Thế Dân và Tiết Nhơn Quý đầu hàng đi, dâng đất Trung Nguyên thì khỏi chết uổng mạng.

    Tần Hoài Ngọc nghe vậy nổi giận, huy động cây thương như mưa bay gió thổi, loang loáng đủ sáu mươi bốn đường rồi xông lại nhắm Hắc Liên Độ đánh luôn. Hắc Liên Độ cũng múa siêu đao như mây bay nước chảy, đón đỡ chặt chẽ, cùng Tần Hoài Ngọc giao đấu kịch liệt. Thật là rồng phượng gặp nhau, kỳ phùng địch thủ.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  7. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Năm - Nơi Giới Bài Ba Tướng Đoạt Ải

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai tướng giao đấu hơn bốn mươi hiệp không phân thắng bại, vì thế Hắc Liên Độ rất sốt ruột, vội truyền lệnh cho các bộ tướng xông lên trợ giúp. Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh thấy vậy liền thúc ngựa xông ra chặn lại, gây thành một cuộc hỗn chiến kinh động cả trời đất. Các tiểu tướng càng đánh càng hăng, Uất Trì Bảo Khánh trổ thần oai chỉ trong một lúc đã chém hơn mười bộ tướng, còn lại đều bỏ chạy hết làm Hắc Liên Độ thất kinh hồn vía, đường đao lúng túng hẳn.

    Khi ấy hai anh em Uất Trì lại xông vào tiếp trợ cho Tần Hoài Ngọc nên Hắc Liên Độ trúng liên tiếp mấy trượng, cố ôm cổ ngựa bỏ chạy nhưng không thoát, bị Tần Hoài Ngọc bồi thương vào lưng, chết ngay trên lưng ngựa. Hoài Ngọc cắt lấy thủ cấp xong liền thúc ngựa xông vào chiếm ải. Quân Tây Liêu như rắn mất đầu, tranh nhau bỏ chạy thục mạng. Vì thế Tần Hoài Ngọc chiếm ải rất dễ dàng, dựng cờ Đại Đường xong liền nghênh đón Thái Tông và Tiết nguyên soái vào kiểm điểm.

    Trận đầu đại thắng khiến Thái Tông mừng rỡ vô hạn, hết lời khen ngợi ba tướng, truyền mở tiệc khao thưởng suốt đêm hôm ấy. Hôm sau Nhơn Quý truyền lệnh tiến binh đến ải Kim Hà. Ải này do một tướng tên là Hốt Nhĩ Mê trấn thủ, thân hình cao hơn trượng, đầu lớn răng dài, râu vàng tóc đỏ hết sức quái dị, sức mạnh còn hơn cả cọp voi. Tuy ghê gớm hơn người nhưng khi nghe báo quân Đường chiếm Giới Bài quá mau, Hốt Nhĩ Mê không khỏi kinh hoàng, vội cho người đến Tỏa Dương báo cho Tô nguyên soái biết, đồng thời đốc thúc canh phòng chặt chẽ.

    Khi đóng trại xong, Uất Trì Bảo Lâm liền bước ra thưa với Nhơn Quý:

    - Phò mã đã lập công đầu, xin nguyên soái cho tôi được theo gương lập chút công lao dâng cho thánh thượng.

    Nhơn Quý khen ngợi, bằng lòng. Chợt Tần Hoài Ngọc cũng xin đi, Nhơn Quý bèn nói:

    - Lệnh đã ban thì không thể rút lại được, vì thế phò mã chỉ có thể theo trận mà thôi.

    Tần Hoài Ngọc bằng lòng, cùng với Uất Trì Bảo Lâm điểm quân kéo thẳng đến trước ải khiêu chiến. Hốt Nhĩ Mê nghe báo liền nai nịt cưỡi ngựa xông ra. Bảo Lâm thấy tướng Liêu hình dung dữ tợn, tiếng nói như chuông vẫn không sợ chút nào, quát hỏi:

    - Ngươi mau xưng tên đi.

    Hốt Nhĩ Mê đáp:

    - Thật là tiểu tốt vô danh nên mới không biết ta là Kim Hà quan đại tướng Hốt Nhĩ Mê bộ tướng thân cận của Hồng Mao Đại Lực Tô nguyên soái.

    Bảo Lâm cười ngất nói:

    - Người nào chức danh càng dài dòng thì càng vắn số, ngươi chưa biết thế sao mà còn chưa xuống ngựa chịu chết?

    Hốt Nhĩ Mê vốn tính như lữa, nghe vậy không thèm hỏi danh tánh địch thủ, giục ngựa xông tới đánh luôn. Chẳng ngờ Bảo Lâm muốn trổ tài cho Thái Tông biết nên vận sức đánh rất hăng, Hốt Nhĩ Mê chỉ cầm cự được hơn mười hiệp là đuối cả tay chân, giục ngựa bỏ chạy.

    Bảo Lâm nhờ có con ngựa chạy rất mau, trông chớp mắt đã đuổi kịp, ban cho Hốt Nhĩ Mê một thương vào lưng, nhào xuống ngựa chết tốt. Bảo Lâm mau lẹ nhảy xuống cắt lấy thủ cấp tướng địch rồi quân sĩ tràn vào cướp ải. Tần Hoài Ngọc đứng ngoài lược trận thấy vậy cũng nổi trống cho quân tiến lên, khí thế như trời long đất lở, chiếm được ải Kim Hà như trở bàn tay.

    Thái Tông và Nhơn Quý liền sai quân nhổ trại tiến vào ải, nhổ bỏ hết cờ Tây Liêu, dựng cờ Đại Đường rồi mở tiệc khao thưởng, hết lời khen ngợi các tiểu tướng quân anh dũng phi thường. Ngày hôm sau, quân mã nhà Đường tiếp tục tiến binh rầm rộ kéo tới trước ải Tiếp Thiên đóng binh hạ trại. Uất Trì Bảo Khánh liền xin với Nhơn Quý:

    - Đại huynh tôi và phò mã đã lập công trạng, vì vậy ải này xin nhường cho tôi.

    Tần Hoài Ngọc cho biết tướng trấn ải này còn ghê gớm hơn Hắc Liên Độ và Hốt Nhĩ Mê mấy lần, nhưng Bảo Khánh nhất định xin đi.

    Nhơn Quý nghe vậy liền nói:

    - Tướng quân muốn thế cũng được nhưng bản soái sẽ dẫn quân ra lược trận. Nếu có gì thì tiếp trợ, bằng không tất cả công lao đều ghi cho tướng quân hết.

    Bảo Khánh vâng lời, nai nịt xong, lập tức nhảy lên lưng ngựa, kéo quân đến trước ải thách chiến. Nguyên tướng giữ ải này tên là Đoàn Cửu Thành, mặt đen râu đỏ, sử dụng một cây lang nha bổng hết sức thuần thục. Đoàn Cửu Thành nghe quân báo có một tướng nhỏ tuổi đến khiêu chiến thì nổi giận, cầm lang nha bổng cưỡi ngựa tiến ra.

    Bảo Khánh đang nóng ruột trổ tài nên chẳng thèm hỏi han tiếng nào, múa thương đánh luôn. Tuy Đoàn Cửu Thành dùng lang nha bổng rất nhuần nhuyễn nhưng vẫn không sao địch nổi với đường thương như gió táp mưa sa của Bảo Khánh, sơ hở một chút liền bị trúng thương vào cổ họng. Thấy chủ tướng nhào xuống nhựa chết tốt, quân Liêu kinh hoảng kéo nhau bỏ chạy về hướng Tỏa Dương thành, để mặc cho quân Đường thong thả tiến vào chiếm ải. Thái Tông nghe báo cả mừng, cùng quần thần di giá vào ải, cầm tay Bảo Khánh khen ngợi rồi cho toàn quân nghỉ ngơi vài ba ngày trước khi tiếp tục hành binh tới Tỏa Dương thành.

    Tỏa Dương thành là đại địa của Tây Liêu, hơn trăm dặm, nhà cửa nhân dân đông đúc nên đích thân nguyên soái Tô Bảo Đồng có theo học Lý Đạo Phù tiên trưởng, luyện được chín lưỡi phi đao, ba lưỡi phi phiêu cùng mấy loại tà phép nữa trấn giữ. Hiện giờ Tô Bảo Đồng quyền thế còn hơn cả Liêu chúa nhưng vì hận thù cha ông nên còn muốn lấy Trung Nguyên, đạp đổ nhà Đường mới bằng lòng. Tuy vậy khi nghe báo quân Đường tiến quá nhanh, Tô Bảo Đồng cũng không khỏi lo lắng, vội mời hai vị quốc sư đến thương nghị.

    Trong hai vị quốc sư này thì một người chính là Thiết Bảng đạo nhân. Khi La Thông tảo bắc, Thiết Bảng đạo nhân bị Uất Trì Cung đánh cho một trận tơi bời nên chạy trốn qua Tây Liêu đầu dưới trướng của Tô Bảo Đồng. Vì quốc sư kia là Phi Bạt thiền sư, thân hình thấp bè.

    Tô Bảo Đồng mời hại vị quốc sư tới dinh, mời ngồi xong liền nói:

    - Tôi toán tính hưng phạt Đường để trả thù cho cha ông, không ngờ nhà Đường lại hung hăng phong cho Tiết Nhơn Quý làm nguyên soái tấn công Tây Liêu chúng ta trước. Bọn chúng đã chiếm đoạt ba ải, nay mai sẽ đên Tỏa Dương thành này. Vì thế tôi muốn cùng hai vị bàn bạc kế sách, không những đánh bại quân Đường mà còn có thể tiến thẳng tới Trường An cho thỏa tâm nguyện.

    Phi Bạt thiền sư nghe xong liền khoe:

    - Chỉ sợ bọn chúng không dám đến đây vuốt râu hùm mà thôi. Nếu bọn chúng không tự lượng sức, tôi xin ra trận dùng bảo pháp đánh một trận thì đến trăm ngàn quân tướng cũng thành tro bụi hết, chẳng phải lo lắng.

    Thiết Bảng đạo nhân cũng khoe:

    - Phi Bạt nói đúng lắm. Nếu bọn chúng dám kéo quân tới đây tôi sẽ dâng một kế nhỏ giam bọn chúng vào lưới, khi đó tha hồ cho nguyên soái kéo quân mã đến chiếm Trường An, mặc sức mà báo thù.

    Tô Bảo Đồng nghe rất mừng, hỏi lại kế sách nào thì Thiết Bảng đạo nhân cho biết:

    - Đó là kế không thành. Khi nào vua tôi nhà Đường kéo quân tới thì nguyên soái cứ bỏ trống thành, phao tin đã kéo về Hàn Giang quan. Chờ khi nào bọn chúng vào thành xong đưa quân trở lại bao vây. Nếu bọn chúng toan phá vây thì nguyên soái dùng phi đao, anh em chúng tôi dùng bảo pháp đánh chết chẳng còn manh giáp. Bằng cứ cố thủ thì chỉ trong ba tháng là thành ma đói chết.

    Tô Bảo Đồng suy nghĩ rồi theo kế sách của Thiết Bảng đạo nhân, trưyền tướng thi hành, kéo hết về ải Hàn Giang. Bọn quân thám thính nhà Đường thấy ra Tỏa Dương thành bỏ trống liền cấp tốc chạy về báo tin. Tiết Nhơn Quý nghe xong cười nói:

    - Chắc bọn chúng thấy quân ta tiến nhanh quá nên sợ hãi bỏ chạy. Tuy nhiên việc bảo giá rất quan trọng cho nên không thể khinh suất, phải nhờ các tướng đem quân vào trước xem động tĩnh ra sao đã.

    Từ Mậu Công thì không lạc quan như vậy, rất sợ lại bị trúng kế lần nữa giống như Việt Hổ thành trước kia. Trình Giảo Kim liền nói với Nhơn Quý:

    - Theo tôi thì không phải là kế không thành đâu. Bọn Tây Liêu nghe tin thánh thượng thân chinh thì đều vỡ mật bay hồn, còn đâu tâm trí để trù tính mưu kế.

    Nhơn Quý gật đầu nghe theo, truyền ba quân kéo hết vào thành chiếm đóng. Từ Mậu Công đánh tay biết đây là vận hạn của Thái Tông nhưng chẳng dám nói ra, cứ để mặc Nhơn Quý làm gì thì làm. Nhơn Quý cũng khá cẩn thận, cho quân kiểm điểm lương thảo, thấy thừa đủ ăn vài năm thì mới an tâm, dẫn các tướng ra ngoài thành đón Thái Tông nhập thành.

    Thật ra Tô Bảo Đồng không hề cho quân chạy về Hàn Giang mà mai phục rất kín bốn chung quanh, khi thấy vua tôi nhà Đường vào thành xong lập tức cho nổi pháo hiệu, từ bốn bề rùng rùng kéo tới vây hãm, cờ xí ngập trời, đao thương chói mắt, trùng trùng điệp điệp không chỗ chen chân. Thái Tông nghe tin này thất sắc kinh hồn nhưng Nhơn Quý vẫn bình tĩnh, tâu xin:

    - Dù kế không thành cũng không thể phút chốc mà đánh bại chúng ta được. Xin bệ hạ lên địch lâu quan sát tình hình trước rồi sẽ liệu thế đối phó sau.

    Thái Tông nghe theo, cùng bá quan văn võ lên mặt thành nhìn xuống. Nhà vua thấy quân Liêu sát khí đằng đằng, đông đến gần trăm muôn, vây phủ chặt chẽ đến con ong cái kiến cũng không bay qua lọt thì bất giác than thầm trong bụng.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  8. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Sáu - Tô Bảo Đồng Trổ Oai Giết Tướng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tô Bảo Đồng đang chỉ huy quân sĩ bao vây chợt thấy trên mặt thành xuất hiện cờ long phụng thì biết có Thái Tông ngự giá quan sát, lớn tiếng gọi:

    - Lý Thế Dân! Ngươi có nhớ việc trước kia không? Ông ta là Tô Định Phương và bá phụ Tô Lân có tội gì mà ngươi xử chém? Ngươi lại làm nhục phụ thân ta là Tô Phụng, xử đánh đòn bốn chục roi, vì thế phải chạy qua nước Tây Liêu này tính bề phục hận. Nếu ngươi chưa chịu đưa La Thông ra đây thì ta nhân nhượng cho sống thêm ít ngày nữa.

    Thái Tông nghe Tô Bảo Đồng mắng một hồi thì chẳng biết trả lời sao, đành nhìn Nhơn Quý và Từ Mậu Công tỏ vẻ rất kinh sợ. Nhơn Quý thấy vậy vội trấn an:

    - Xin bệ hạ đừng lo lắng, hạ thần xin xuất binh giết tên hỗn xược kia là tự nhiên quân Liêu tan vỡ ngay.

    Được Thái Tông cho phép, Nhơn Quý liền về soái phủ hội chư tướng lại thương nghị việc đối chiến với Tô Bảo Đồng. Tần Hoài Ngọc vẫn còn hăng hái nên xin ra trận lần nữa. Nhơn Quý chấp thuận nhưng biết tài nghệ của Tô Bảo Đồng cao cường hơn mấy tướng kia nên nói:

    - Phò mã ra trận thì được rồi song phải cho anh em Uất Trì đi theo lược trận thì bản soái mới yên tâm.

    Tần Hoài Ngọc xin tuân theo, cùng với Uất Trì Bảo Lâm và Uất Trì Bảo Khánh điểm quân kéo ra. Tô Bảo Đồng chưa hề biết mặt ba tướng nên quát hỏi ngay. Tần Hoài Ngọc bèn lớn tiếng đáp lại:

    - Đường triều phò mã tiên phong Tần Hoài Ngọc là ta. Ngươi đã nghe danh rồi thì mau xuống ngựa đầu hàng đi.

    Tô Bảo Đồng cười ngất, nói:

    - Tưởng là ai, hóa ra là con của Tần Quỳnh. Ngươi chớ tưởng lấy danh tiếng cha ngươi dọa dẫm ta nổi.

    Tần Hoài Ngọc nổi giận mắng lại:

    - Còn ngươi thì có ra gì? Giống phản chúa bán nước thì hay ho lắm sao mà chường mặt ra khoe khoang?

    Tô Bảo Đồng nổi giận, múa đao xông tới đánh luôn. Tần Hoài Ngọc không hề sợ hãi, huy động thương pháp đón đỡ, hai bên giao chiến kịch liệt hơn năm mươi hiệp mà chưa phân được thắng bại. Tô Bảo Đồng tự nghĩ:

    - "Mới ra trận đầu mà không thắng thì thiên hạ sẽ chê cười. Chi bằng ta dùng phi đao kết thúc cho mau thì hay hơn".

    Nghĩ vậy nên Tô Bảo Đồng đánh vài hiệp nữa rồi trá bại, toan giục ngựa bỏ chạy. Tần Hoài Ngọc thừa biết, đứng một chỗ cười mà nói:

    - Tô Bảo Đồng! Ngươi tự xưng là anh hùng thì đừng dùng quỷ kế, có giỏi thì đường đường mà giao tranh với ta.

    Tô Bảo Đồng chợt nhìn thấy sau lưng Tần Hoài Ngọc có vật gì đó chớp sáng thì liền hỏi ngay. Tần Hoài Ngọc đáp:

    - Ngươi chưa biết vật ấy hay sao? Đó là Kim Trang giản của phụ thân ta để lại. Một cây giản này xây dựng nên cơ nghiệp nhà Đường, giết mười tám tên phản vương, tảo bắc chinh đông, thiên hạ nghe tên nó đều khiếp vía kinh hồn.

    Tô Bảo Đồng lắc đầu nói:

    - Ta không tin được một cây giản tầm thường như thế lại có hào quang làm chói mắt người khác. Nếu ngươi thật tình thì cho ta xem thử có đúng là Kim Trang giản hay không.

    Tần Hoài Ngọc tưởng Tô Bảo Đồng là danh tướng thì rất trọng danh dự nên rút Kim Trang giản đưa ra ngay. Chẳng ngờ Tô Bảo Đồng xem qua mốt chút rồi gật đầu nói:

    - Kim Trang giản quả tốt thật. Ngươi cho ta rồi phải không?

    Vừa nói, Tô Bảo Đồng vừa thúc ngựa bỏ chạy khiến Tần Hoài Ngọc thất kinh, vội mắng lớn rồi giục ngựa đuổi theo. Tô Bảo Đồng chạy được một đoạn thì quay lại, nói:

    - Ta thử chơi một chút mà ngươi làm gì dữ dằn vậy? Ta trả cho ngươi đó.

    Nói dứt câu, Tô Bảo Đồng liền nhắm mặt Tần Hoài Ngọc ném cặp giản một cách rất mau.

    Tần Hoài Ngọc bị bất ngờ nên không sao tránh kịp, bị cặp giản đánh trúng mặt, nhào xuống ngựa chết tươi. Tô Bảo Đồng toan thúc ngựa lại chặt lấy thủ cấp nhưng anh em Uất Trì kịp thời phóng ngựa xông ra cản trở, cướp xác Tần Hoài Ngọc chạy về thành.

    Nhơn Quý nghe tin dữ thất kinh hồn vía vội báo cho Thái Tông biết. Nhà vua nghe tin đau đớn đến chết ngất người đi, khi tỉnh dậy vẫn khóc mãi không thôi. Từ Mậu Công hết lời khuyên giải, Thái Tông mới tạm nguôi ngoai, cho người tẩn liệm Tần Hoài Ngọc theo vương lễ, bá quan đều phải để tang.

    Ngày hôm sau Nhơn Quý nóng lòng báo thù cho Tần Hoài Ngọc nên sai anh em Uất Trì ra trận, dặn dò đừng nương tay hay hỏi han gì cho mất công, cố đánh chết càng mau càng tốt. Hai anh em tuân lời, chờ Tô Bảo Đồng tiến ra là đồng xông vào đánh ngay. Một mình Tô Bảo Đồng không sao đưong cự nổi với hai tướng nên thừa cơ rảnh tay thì liền thò tay vào hồ lô lấy hai lưỡi phi đao quăng lên, miệng đọc thần chú.

    Hai lưỡi phi đao bay vụt lên không phát ra am thanh chói tai rồi nhắm anh em Uất Trì lao xuống nhanh như chớp giật. Hai tướng không sao trở tay kịp, nhào xuống ngựa chết tốt.

    Làn này không có ai ngăn trở nên Tô Bảo Đồng ung dung cắt thủ cấp của anh em, bêu đầu trước trại làm hiệu lệnh.

    Nhơn Quý nghe báo tin này hết sức tức giận, lập tức nai nịt toan ra báo thù cho ba tướng. Chợt có Uất Trì Hiệu Hoài chạy đến, khóc lóc nói:

    - Tô tặc giết chết hai anh của tôi thì thù ấy không đội trời chung. Xin nguyên soái cho tôi ra trận báo thù rửa hận.

    Nhơn Quý chưa kịp nói thì Hiệu Hoài đã nhảy lên lưng ngựa, chạy thẳng ra cửa thành. Nhơn Quý đành phải cấp tốc điểm ba ngàn quân thiết kỵ đuổi theo trợ giúp. Hiệu Hoài chạy đến chỗ Tô Bảo Đồng đang đứng, chẳng nói chẳng rằng, nghiến răng đâm liền một thương. Tô Bảo Đồng giật mình, tuy thấy Hiệu Hoài còn nhỏ tuổi nhưng chẳng dám khinh thường, múa đao đón đỡ rất cẩn thận.

    Giao chiến hơn ba mươi hiệp, thấy tiểu tướng càng đánh càng liều mạng, sức lực càng tăng nên Tô Bảo Đồng nghĩ thầm:

    - "Đến một đứa trẻ con mà ta không đánh thắng nổi thì còn mặt mũi nào nữa. Phải dùng phi đao để thủ thắng cho xong."

    Nghĩ xong, Tô Bảo Đồng liền trá bại bỏ chạy. Hiệu Hoài toan đuổi theo, chợt nghe tiếng thu binh thì dừng ngựa tự nghĩ:

    - "Chắc là nguyên soái sợ ta trúng kế của Tô tặc nên mới nổi chiêng gọi về. Tuy nhiên sống chết tùy số mệnh, chẳng lẽ thấy đại thù trước mặt mà bỏ qua được sao?"

    Vì vậy Hiệu Hoài lập tức thúc ngựa đuổi theo. Tô Bảo Đồng thấy vậy cả mừng chờ Hiệu Hoài tới gần thì liền lấy phi đao quăng lên. Hiệu Hoài nghe âm thanh chói tai, nhìn lên thì phi đao đã tới trước mặt, thất thanh than lớn:

    - Thù anh không thể trả được rồi!

    May sao khi ấy có Mai Chương thiên tôn bay ngang qua, biết số của Hiệu Hoài không chết vì phi đao mà sau này tu hành thành đệ tử nhà Phật nên chỉ tay một cái, thu mất phi đao.

    Tô Bảo Đồng thấy phi đao tự nhiên mất tiêu thì kinh hãi quát tháo:

    - Tiểu tử! Ngươi làm cách gì mà lấy phi đao của ta vậy? Mau trả ra đây.

    Khi ấy Hiệu Hoài mới biết là phi đao chẳng hại được mình xoay chuyển ý nghĩ rồi chỉ mặt Tô Bảo Đồng quát lớn:

    - Phiên tặc! Ngươi có phép thì ta cũng thần thông, há lại sợ phi đao của ngươi?

    Tô Bảo Đồng nghe vậy không sao tin được, liên tiếp phóng ra ba lưỡi phi đao nữa nhưng đều bị Mai Chương thiên tôn thâu hết. Tô Bảo Đồng thấy vậy thất kinh hồn vía, tự nghĩ nếu phóng phi đao tiếp sẽ chẳng còn nên cắm đầu thúc ngựa chạy thẳng về trại. Hiệu Hoài khi nào bỏ qua, vừa thúc ngựa đuổi theo thì trên mây có tiếng gọi:

    - Uất Trì tướng quân không nên đuổi theo mà trúng kế của Tô Bảo Đồng. Ngày sau có nhiều dịp báo thù.

    Hiệu Hoài nhìn lên, thấy thiên tôn mặc kim giáp thì biết đó chính là người vừa trổ thần thông thâu hết các phi đao cứu mình, vội xuống ngựa dập đầu bái tạ, rồi tuân lời, quay ngựa trở về.

    Ngày hôm sau, mọi người còn đang chộn rộn lo liệu việc tẩn liệm cho các vị tướng quân thì lại nghe quân báo có Tô Bảo Đồng kéo quân tới khiêu chiến. Nhơn Quý không sao nhịn nổi, truyền cho các tướng khác ở lại hộ giá, còn mình thì dẫn tám anh em tổng binh kết nghĩa điểm ba ngàn quân mở cửa thành xông ra. Tiết Nhơn Quý thấy mặt Tô Bảo Đồng thì cơn giận nổi dậy, chỉ mắng tràn:

    - Tô tặc! Ngươi đã biết ta là ai thì mau xuống ngựa đầu hàng đi. Ngọn phương thiên họa kích của ta đã từng đánh chết trên trăm vạn quân ở Đông Liêu, đến nỗi Cáp Tô Văn nguyên soái cũng không địch nỗi phải tự cắt đầu đền tội thì ngươi tưởng có thể chống lại được sao mà còn ngồi đó?

    Tô Bảo Đồng cười nhạt, mắng lại rồi múa đao nhắm đầu Nhơn Quý chém một nhát thật mạnh. Nhơn Quý dùng kích đỡ rất nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm cho lưỡi đao bật ngược trở lại. Tô Bảo Đồng tê chồn cả cánh tay, buột miệng khen lớn:

    - Quả là thần lực! Tiếng đồn về Tiết man tử này chẳng sai chút nào.

    Từ đó trở đi Tô Bảo Đồng không dám để lưỡi đao đụng chạm tiếp với kích của Nhơn Quý nữa, dùng hoa đao mà đánh. Chẳng ngờ Nhơn Quý cũng huy động phương thiên họa kích chẳng kém chút nào, lưỡi kích như rồng bay phượng múa không những đón đỡ được hết những đường hoa đao của Tô Bảo Đồng mà hình như càng đánh càng mạnh thêm một chút.

    Tô Bảo Đồng cố gắng giao chiến được hơn bốn mươi hiệp thì tay chân bủn rủn, đao pháp loạn xạ, thừa cơ Nhơn Quý đang chuyển bộ liền thúc ngựa chạy dài. Tiết Nhơn Quý muốn báo thù cho ba tướng quân nên lập tức ra hiệu cho quân tràn lên đánh giết, còn mình thì thúc ngựa đuổi theo Tô Bảo Đồng ráo riết.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2022
  9. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Bảy - Nguyên Soái Trúng Phi Phiêu Thọ Nạn

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tô Bảo Đồng thấy Nhơn Quý quyết không tha mình thì rất tức giận, thò tay vào hồ lô lấy ra một ngọn phi đao ném lên không, miệng niệm thần chú lâm râm. Nhơn Quý đã có đề phòng từ trước, mau lẹ lấy Xuyên Vân tiễn ra nhắm phi đao bắn một mũi. Tên thần chạm vào phi đao phát ra một tiếng nổ như sấm sét, lưỡi phi đao liền tan thành tro bụi.

    Tô Bảo Đồng thấy vậy nửa kinh hãi nửa tức giận, còn lại năm mũi phi đao đều quăng lên hết một lượt. Nhơn Quý cũng hoảng sợ vì trong mình chỉ còn bốn mũi Xuyên Vân tiễn, một mũi đã mất vì Tinh Tinh Đảm cắp đi ở Ma Thiên Lãnh. Trong lúc bối rối, Nhơn Quý cứ bắn liều cả bốn mũi Xuyên Vân tiễn ra. Tuy chỉ có bốn nhưng Xuyên Vân tiễn là báu vật của Cửu Thiên Huyền Nữ nên rất thần thông, bay lượn một hồi phá tan bằng hết năm lưỡi phi đao.

    Tô Bảo Đồng thấy vậy kinh hãi vô cùng, than thầm trong bụng:

    - "Không ngờ Tiết man tử lại có thần thông như thế. Nay không dùng tới phi phiêu thì chắc khó mà thắng được hắn."

    Tô Bảo Đồng nghĩ xong liền thò tay vào áo lấy phi phiêu quăng lên. Tuy phi phiêu cũng là lưỡi đao nhưng khác với phi đao, vừa bay lên trời lập tức có sấm sét vang động, trời đất tối đen cả lại rồi biến thành một con đại xà, giương nanh múa vuốt, há cái miệng đỏ lòm đầy những răng lổm chỏm ra nhắm đầu Nhơn Quý mà táp.

    Nhơn Quý vội vung kích lên đón đỡ nhưng phi phiêu có thần thông nên nặng như núi Thái Sơn, chỉ hơi dừng lại một chút rồi vẫn đè xuống như trước. Nhơn Quý kinh hồn mất vía, vội vàng dùng sức hất mạnh một cái rồi quay ngựa chạy thẳng về thành. Nhơn Quý chưa kịp vào thành thì phi phiêu đã bay xuống đánh nhằm vào vai một cái rất mạnh. Không sao gượng nổi, Nhơn Quý nhào luôn xuống ngựa, may mà tám anh em kịp vực dậy, truyền quân dùng cung tên bắn xuống như mưa mới đưa được Nhơn Quý vào thành. Tô Bảo Đồng biết không thể xông phá nổi trận mưa tên nên đành phải thu quân về trại.

    Chu Thanh và các anh em mang Nhơn Quý vào thành an toàn nhưng thấy hơi thở của đại ca gần như đứt đoạn thì rất sợ hãi, vội báo cho Thái Tông biết. Nhà vua thất kinh hồn vía, liền cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến xem thương thế ra sao. Từ Mậu Công quan sát một hồi, tâu:

    - Thánh thượng còn hồng phúc lớn nên nguyên soái mới bị phi phiêu, nếu là phi đao thì đã mất mạng rồi. Phi phiêu tuy là bảo vật của thần tiên được chế luyện rất độc nhưng dù sao vẫn còn có thể chữa chạy được.

    Thấy Thái Tông vẫn chưa yên tâm, Từ Mậu Công tâu tiếp:

    - Đêm qua hạ thần xem thiên tượng rất kỹ. Hung tai của nguyên soái rồi sẽ có người đến cứu, bây giờ hung khí đang sung mãn, không thể làm gì khác được.

    Thái Tông nghe vậy vội hỏi:

    - Quân sư có biết bao giờ hung khí mới hết không?

    Từ Mậu Công cúi đầu tâu:

    - Vì hung khí đang phát khởi nên hạ thần e rằng nguyên soái phải chết đi sống lại năm lần, đúng một năm mới hết. Bây giờ trước mắt phải cắt bỏ chỗ thịt bầm đó, đừng cho độc ngấm vào thì mới giữ được tính mạng, chờ người đến cứu.

    Thái Tông nghe vậy liền quay lại phủ dụ Nhơn Quý cố chịu đau để cho Từ Mậu Công chữa trị. Từ Mậu Công lấy trong túi ra một lưỡi dao nhỏ cắt sâu hơn hai phân mà chỗ vết thương vẫn chưa thấy máu tươi chảy ra khiến cho Nhơn Quý hết sức đau đớn, cố nghiến răng mà chịu. Từ Mậu Công thở dài nói:

    - Phi phiêu này do bảy loại độc dược tẩm luyện nên ngấm rất sâu, nguyên soái phải chịu đau thêm chút nữa. Bao giờ tôi cắt thấy máu tươi thì mới được.

    Nhơn Quý gật đầu bằng lòng nhưng lần này Từ Mậu Công cắt vào rất sâu nên đau đớn vô cùng. Đến khi máu tươi bắt đầu chảy ra thì Nhơn Quý không sao chịu nổi nữa, hét lên một tiếng rồi nhắm mắt như người chết rồi, hơi thở cũng đoạn tuyệt. Thái Tông thấy vậy khóc rống một hồi, nghẹn ngào nói:

    - Nguyên soái đã chết rồi, còn đâu mà chờ người đến cứu nữa.

    Từ Mậu Công nói:

    - Xin bệ hạ yên lòng. Tuy nguyên soái chẳng còn hơi thở nhưng đó là do độc chất hoành hành, chưa phải chết thật đâu.

    Nói xong, Từ Mậu Công sai quân lấy thuốc bôi vào vết thương, hạ lệnh không ai được bàn tán xôn xao làm kinh động tinh thần ba quân.

    Sau đó Từ Mậu Công đưa Thái Tông về cung nghỉ ngơi, truyền các tổng binh phải luân phiên canh giữ và thay thuốc cho đều đặn, khi nào Nhơn Quý tỉnh lại thì báo cho mình biết.

    Thật ra khi ấy hồn vía Nhơn Quý đã lìa khỏi xác, mơ màng thấy mình cưỡi Thoại Phong câu phóng ra khỏi thành Tỏa Dương. Chợt thấy Tô Bảo Đồng, Nhơn Quý liền thúc ngựa chạy đến quát lớn:

    - Tô tặc! Ngươi dám dùng phi phiêu giết ta thì thù này quyết phải trả!

    Chẳng ngờ Tô Bảo Đồng không đánh mà cắm đầu bỏ chạy hoài. Nhơn Quý đuổi theo đến một tòa thành thì chẳng còn thấy bóng dáng của Tô Bảo Đồng đâu nữa. Nhơn Quý nhìn lên thấy cửa thành đề ba chữ "Âm Dương giới", âm phong xông lên mù mịt, lại có ngưu đầu mà diện đi lại canh gác thì ngạc nhiên nghĩ thầm:

    - "Nơi này chính là địa phủ. Chẳng biết tại sao ta lại chạy đến đây được."

    Nhơn Quý nghĩ xong toan quay về đường cũ, ngờ đâu trong thành bỗng có tiếng chiêng trống nổi lên rồi Cáp Tô Văn dẫn một toán âm binh tiến ra quát lớn:

    - Tiết Nhơn Quý! Ta đợi ngươi ở đây đã lâu, nay quyết báo thù rửa hận. Ngươi có chạy cũng không thoát đâu.

    Nhơn Quý nhìn kỹ, thấy đó quả là Cáp Tô Văn thì cười nhạt đáp:

    - Lúc sống ngươi còn không làm gì được bản soái, huống hồ bây giờ đã chết.

    Cáp Tô Văn nghe vậy nổi giận, múa Xích Đồng đao xông lại chém luôn. Hai người giao chiến được mấy hiệp thì Cáp Tô Văn bại trận chạy dài. Nhơn Quý đuổi theo, dùng Bạch Hổ tiên quất trúng lưng khiến Cáp Tô Văn hộc máu tươi ra nhưng vẫn cố chạy vào cửa thành. Khi Nhơn Quý đuổi tới, bọn đầu trâu mặt ngựa đã đóng chặt cửa lại nên tức giận quát tháo:

    - Các ngươi mau đưa Cáp Tô Văn ra, nếu không bản soái sẽ đập nát cửa thành.

    Bọn đầu trâu mặt ngựa nghe vậy hết sức sợ hãi, vội mở cửa thành ra nhưng một mực chối là không có Cáp Tô Văn. Nhơn Quý càng thêm tức giận, quất ngựa chạy thẳng vào trong thành quyết tìm bằng được Cáp Tô Văn. Một lúc sau Nhơn Quý đến trước cửa một tòa điện lớn có đề ba chữ "Sum La điện" thì cả mừng, tự nghĩ:

    - "Sum La điện là nơi Diêm vương làm việc, ta vào hỏi thì chắc tìm được Cáp Tô Văn ngay."

    Khi ấy Diêm vương đang ngồi xét xử, có đầu trâu mặt ngựa đứng hầu hai bên, dưới thềm là vô số hồn vía các tội phạm trên thế gian. Nhơn Quý thấy vậy không khỏi bùi ngùi nghĩ thầm:

    - "Lúc sống mà bất nhân bất nghĩa, phạm nhiều tội lỗi thì chết phải chịu đau khổ. Tuy nhiên ta phải tìm Cáp Tô Văn trước đã."

    Nghĩ vậy nên Nhơn Quý xấn xổ bước vào lớn tiếng nói với Diêm vương:

    - Bản soái tên là Tiết Lễ, người huyện Long Môn, có công cứu giá nên được thánh thượng phong làm Bình Liêu vương, nay vâng lệnh chinh Tây, chẳng ngờ bị Tô Bảo Đồng dùng phi phiêu đánh trọng thương. Bản soái đang đi tìm Tô Bảo Đồng báo thù thì bất ngờ gặp Cáp Tô Văn đón đường giao chiến. Hắn bại trận bỏ chạy vào thành này mất dạng, vì thế nếu đại vương biết ở đâu thì chỉ dùm bản soái.

    Diêm vương lắc đầu đáp:

    - Cáp Tô Văn là Thanh Long tinh giáng trần, không thuộc âm ty nên chẳng có tên trong sổ, làm sao xuất hiện nơi đây được.

    Nhơn Quý nghe vậy nổi giận đùng đùng quát lớn:

    - Rõ ràng bản soái vừa mới giao chiến với hắn, nếu còn giấu diếm thì đừng trách bản soái vô tình.

    Diêm vương nghe vậy vội vàng lấy sổ ra tra xét nhưng rốt cuộc vẫn không thấy tên. Thấy Nhơn Quý toan giật sổ để tự mình xem, Diêm vương cười nói:

    - Nguyên soái đừng làm vậy mà phạm tội với thiên đình. Nếu muốn nhìn thấy Cáp Tô Văn thì cũng không khó gì, miễn sao khi trở về trần gian đừng làm tiết lộ cơ trời là được. Bây giờ hãy theo tôi lên Nghiệp Cảnh đài thì rõ.

    Diêm vương nói xong liền dẫn Nhơn Quý lên Nghiệp Cảnh đài, sai quỷ sứ mở cửa cho xem. Cánh cửa vừa mở, giang sơn Trung Nguyên đầy vẻ gấm vóc đã hiện ra trước mặt. Diêm vương liền nói:

    - Nguyên soái nhìn cửa phía tây sẽ thấy gia quyến hiện giờ ra sao.

    Nhơn Quý nghe theo, quả nhiên thấy rõ ràng hai vị phu nhân đang ngồi trong Bình Liêu vương phủ khóc lóc thảm thiết, còn Kim Liên thì đọc binh thư. Nhơn Quý ứa nước mắt thương cảm thở than một hồi rồi theo lời Diêm vương nhìn qua cửa phía tây. Hướng này hiện hiển rõ ràng tòa thành Tỏa Dương, Đường Thái Tông ngồi giữa mặt mũi buồn bã vô cùng, còn Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim hầu hai bên, người nào cũng đăm chiêu suy nghĩ.

    Nhơn Quý nhìn qua soái phủ, thấy có một người đang nằm trên giường của mình thì rất ngạc nhiên, vội hỏi cho biết. Diêm vương cười nhẹ đáp:

    - Đó chính là xác của nguyên soái, chẳng lẽ chính mình không nhận ra được sao?

    Nhơn Quý giật mình cất tiếng than:

    - Hóa ra ta đã lìa trần rồi, còn mong gì gặp lại thánh thượng nữa.

    Nói xong, Nhơn Quý không nén nổi buồn thương, khóc ngất một hồi. Diêm vương vội khuyên:

    - Số nguyên soái chưa hết, chút nữa tôi sẽ đưa về trần gian, xin đừng khóc lóc làm gì.

    Khi ấy Nhơn Quý mới chợt nhớ ra Diêm vương coi về việc sống chết, có thể giúp mình trở về trấn gian, vậy mà mình có nhiều cử chỉ mạo phạm nên sợ hãi quỳ xuống nói:

    - Tôi đã nhiều lời mạo phạm đến ngài, nếu không chấp thì xin giúp được về dương gian ít năm nữa phò vua giúp nước.

    Diêm vương gật đầu bằng lòng. Nhơn Quý lại chợt nhớ đến Tần Hoài Ngọc và anh em Uất Trì nên hỏi xem hiện giờ họ có phải xuống âm ty không. Diêm vương đáp:

    - Ba người này sống nhân nghĩa, thác oanh liệt nên đã về trời hưởng phúc rồi. Nguyên soái không cần phải lo lắng cho họ, hãy nhìn vào cửa phía đông thì sẽ thấy hậu quả của những hành vi tác oai tác quái nơi trần gian.

    Nhơn Quý nghe lời nhìn qua cửa đông, quả nhiên thấy một tòa đài cao hơn sáu trượng, phía trong đặt lung xa giam giữ một viên tướng, giáp trụ rõ ràng nhưng tay chân bị xiềng xích rất nặng nề, người thì lả đi hình như đã đói từ nhiều ngày vậy. Nhơn Quý ngạc nhiên thì Diêm vương cho biết:

    - Đó chính là người nguyên soái đang đi tìm, cần gì phải hỏi tôi.

    Nhơn Quý giật mình nói mau:

    - Chẳng lẽ là Cáp Tô Văn? Vừa rồi hắn mới giao chiến với tôi hết sức hung hăng, trong chớp mắt biến thành một tù nhân đói khổ thế sao?

    Diêm vương bèn giải thích:

    - Người vừa đánh với nguyên soái chẳng phải là Cáp Tô Văn thật. Bởi vì nguyên soái bị trúng phi phiêu nên hồn vía hoảng loạn, tưởng ra như vậy chứ không phải cảnh thật.

    Nhơn Quý gật đầu hỏi tiếp:

    - Cáp Tô Văn bị xử tội gì mà chịu hình phạt thảm khốc như thế, bao giờ mới được tha?

    Diêm vương đáp:

    - Khi trước nguyên soái xuống địa huyệt thả con thanh long ra, đáng lẽ hắn phải biết cải tà quy chính. Ngờ đâu còn mang oán hận đến đầu thai tạo nên sát nghiệp quá lớn, giết hơn mấy chục muôn sinh mạng nên sau khi chết đi bị trời giam giữ một chỗ đền tội, khi nào thật tâm hối cải thì mới thả ra, về ngôi tinh tú như cũ.

    Nhơn Quý nghe xong thở dài một cái hỏi:

    - Ngài có thể cho biết kết thúc của tôi ra sao không?

    Diêm vương phân vân một lúc rồi bằng lòng mở cửa phía bắc cho Nhơn Quý xem. Nhơn Quý nhìn vào thấy một tòa thành rất lớn, đề ba chữ "Bạch Hổ quan". Từ trong cửa ải có một vị đại tướng diện mạo dữ dằn, thân hình cao hơn một trượng, cầm đại đao xông ra đánh với một tướng mặc áo giáp trắng, sử dụng phương thiên họa kích. Hai tướng đánh nhau một lúc thì tướng mặc áo giáp trắng đuối thế, quay mình bỏ chạy, từ trên đầu xuất ra một con bạch hổ. Chợt có một viên tiểu tướng tuổi chừng mười bảy mười tám, cưỡi ngựa lướt mây bay tới, giương cung bắn một phát trúng nhằm ngực bạch hổ. Khi ấy trời đất bỗng tối sầm lại, gió cát bay chạy hết sức cuồng loạn.

    Đến khi trời sáng ra thì bạch hổ chẳng còn mà vị tướng mặc áo giáp trắng nằm chết trên đất, mũi tên vừa rồi cắm ngay ngực. Một lúc sau viên tiên đồng ngọc nữ từ trên trời hiện xuống, đỡ viên tướng giáp trắng ấy lên ngựa, đón lên trời. Viên tiểu tướng kia chẳng biết vì sao than khóc vang trời, nghiến răng xông đến đánh với viên tướng hung ác nhưng không sao địch lại. Chợt lại có một viên nữ tướng diện mạo xinh đẹp tuyệt trần từ đâu chạy ra chém tên tướng hung ác ấy làm hai đoạn.

    Nhơn Quý xem xong chẳng hiểu được chút nào, quay lại nhờ Diêm vương giải thích. Diêm vương liền cho biết:

    - Viên tướng có diện mạo dữ tợn ấy là Dương Phàm. Vì là Phi Đẩu Ngũ Quỷ tinh giáng trần nên sức muôn người khó địch.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
  10. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Tám - Tiết Nhơn Quý Bệnh Tình Nguy Cấp

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nghe Tiết Nhơn Quý hỏi đến viên tướng mặc giáp trắng, Diêm vương nói ngay:

    - Chính là nguyên soái, còn ai khác nữa? Còn bạch hổ là tướng tinh của nguyên soái, mỗi khi nguy cấp thì mới xuất hiện.

    Nhơn Quý giật mình hỏi tiếp:

    - Như vậy hóa ra tôi là Bạch Hổ tinh xuống trần? Tiểu tướng kia là ai, có tài gì mà bắn chết được tôi?

    Lần này Diêm vương cười đáp:

    - Tiểu tướng ấy là Tiết Đinh San, con trưởng của nguyên soái.

    Nhơn Quý ngẩn người ra suy nghĩ một lúc, chợt nhớ lại thì nói ngay:

    - Phải rồi, chính là hài tử bắn nhạn ở Đinh sơn mấy năm trước. Sao nó sống lại được mà giết tôi, chẳng lẽ nó không biết tôi là phụ thân hay sao?

    Diêm vương thở nhẹ giải thích:

    - Trước kia nguyên soái cứu con mà thành giết thì nay Tiết Đinh San cũng thế, muốn cứu phụ thân mà thành ra hại mạng. Tiết Đinh San được thần tiên cứu sống, sau này cha con sẽ gặp nhau nhưng cũng vì thế mà thành oan oan tương báo, gieo nhân nào gặp quả nấy thôi.

    Nói xong, Diêm vương sai quỷ sứ dẫn hồn về dương thế, ở lâu nơi chốn địa phủ chẳng tiện. Nhơn Quý vẫn còn bâng khuâng trong lòng, bái tạ xong liền theo tên quỷ ra khỏi điện Sum La. Chợt có một nữ lão nhân đứng ngang đường dâng chén trà giải khát. Nhơn Quý không biết đó chính là loại trà lú hồn, uống xong lập tức quên hết các việc vừa qua.

    Nhơn Quý toan hỏi tên quỷ sứ còn bao lâu nữa thì chợt có tiếng reo mừng:

    - Nguyên soái đã tỉnh lại rồi!

    Nhơn Quý vội mở mắt ra nhìn, quả nhiên tám anh em kết nghĩa đều đứng chung quanh, người nào cũng nhìn mình tỏ vẻ hết sức vui mừng. Thái Tông nghe tin này vô cùng hớn hở, cùng Từ Mậu Công và Trình Giảo Kim đến ngay soái phủ thăm hỏi, nghẹn ngào nói:

    - Nguyên soái mê man mấy ngày nay làm cho trẫm ăn ngủ chẳng yên. Nay trời đất cho qua cơn nguy ngập thì cừ yên tâm mà tịnh dưỡng, đừng nghĩ gì đến chinh chiến mà tổn hại tâm thần.

    Nhơn Quý nghe vậy liền hỏi về chiến sự mấy ngày qua. Từ Mậu Công cho biết:

    - Tuy mấy hôm liền Tô Bảo Đồng có dẫn quân đến khiêu chiến nhưng vì không còn phi đao nên khí thế cũng giảm sút, chẳng hung hăng như trước.

    Nhơn Quý liền quay lại nói với các anh em:

    - Hiện giờ tôi đã khỏe rồi, các hiền đệ nên ra sức đốc thúc quân sĩ canh phòng cho cẩn mật, chẳng nên ra trận mà thiệt mạng oan uổng. Khi nào tôi khỏi hẳn sẽ cùng hắn đối địch sau.

    Tám vị tổng binh xin nghe theo. Từ Mậu Công cũng đưa Thái Tông về cung nghỉ ngơi.

    Khi ấy Tô Bảo Đồng khiêu chiến luôn mấy ngày không được thì thay đổi sách lược, dặn dò các bộ tướng:

    - Các ngươi cứ vây cho chặt, ta sẽ nhân lúc này về núi tu luyện lại chín lưỡi phi đao.

    Dặn xong, ngày hôm sau Tô Bảo Đồng lên ngựa đi liền. Khi ấy Từ Mậu Công đoán quẻ cũng biết được chuyện này nhưng vẫn ngán ngại Thiết Bảng đạo nhân và Phi Bạt thiền sư nên không dám xuất quân phá vòng vây, chờ Nhơn Quý khỏi hẳn rồi mới tính phương kế vẹn toàn được.

    Tuy Nhơn Quý đã tỉnh nhưng vết thương bị nhiễm độc quá sâu, phải uống thuốc hơn ba tháng mà chưa hết hẳn.

    Nhờ thời gian kéo dài nên Tô Bảo Đồng đủ thời gian luyện lại chín lưỡi phi đao, nhân tiện ghé kinh đô xin Liêu chúa cấp cho mình một số quân tướng, rầm rộ kéo tới Tỏa Dương thành hợp sức bao vây. Tô Bảo Đồng biết Tiết Nhơn Quý chưa khỏi hẳn nên cũng không cần khiêu chiến cho mệt, cùng hai vị quốc sư trấn giữ cửa đông rất chắc chắn, không cho bất cứ ai thoát về Trung Nguyên cầu cứu.

    Thái Tông chưa hết lo lắng về bệnh tình của Nhơn Quý, nay lại được biết Tô Bảo Đồng đã luyện lại phi đao và thêm quân vây hãm thì thất kinh hồn vía, vội cùng Từ Mậu Công lên thành quan sát địch tình. Từ Mậu Công thấy trùng vây càng chặt chẽ thêm thì tâu với Thái Tông:

    - Hiện giờ quân Liêu quá đông mà nguyên soái chưa khỏi hẳn thì dù có xuất hết quân cũng không chống nổi. Vì thế phải cho người về triều lấy quân tướng thì mới mong thoát được tình thế nguy cấp này.

    Thái Tông gật đầu tán thành nhưng thở dài não nuột nói:

    - Quân sư tính vật rất đúng nhưng biết ai là người có thể phá được trùng vây?

    Từ Mậu Công thong thả tâu:

    - Hạ thần biết một lão tướng có thể hoàn thành được việc này, chỉ sợ không chịu đi mà thôi.

    Thái Tông sốt ruột hỏi thì Từ Mậu Công cười ruồi đáp:

    - Chính là người vượt vòng vây lần thứ nhất khi tảo bắc và lần sau ở Đông Liêu. Tuy nhiên bệ hạ phải dùng kế khích tướng thì may ra lão tướng ấy mới nhận lời.

    Thái Tông nghe vậy biết ngay là ai, truyền gọi Trình Giảo Kim đến phán bảo:

    - Quân sư muốn tiến cử Trình vương huynh vuợt vòng vây về triều cầu cứu, chẳng biết vương huynh có hết lòng vì trẫm không?

    Trình Giảo Kim thất sắc, quì xuống tâu:

    - Ai là trung thần mà không hết lòng vì quân vương, nhưng hiện giờ tôi tuổi già sức yếu, mà muốn về Trường An thì phải ra cửa phía đông, làm thế nào qua mặt mấy lưỡi phi đao của Tô Bảo Đồng được? Đó là quân sư muốn giết tôi chứ chẳng phải tiến cử.

    Thái Tông liền theo kế khích tướng của Từ Mậu Công, gật đầu nói:

    - Phải lắm! Trẫm cũng thấy Trình vương huynh tuổi cao sức yếu, thương pháp lại chẳng bằng nổi các tiểu vương thì còn đánh chác gì với Tô Bảo Đồng nữa. Trẫm rất sợ vương huynh nộp mạng cho hắn làm nhục đến triều Đường, nhưng quân sư cứ tiến cử nên đành phải hỏi chứ biết chắc là vương huynh làm sao dám xông pha như trước kia?

    Từ Mậu Công nói thêm vào:

    - Sở dĩ hạ thần tiến cử là vì đoán quẻ biết Trình vương huynh phúc lớn thọ nhiều. Như mấy lần trước vẫn vượt thoát được mà có sao đâu?

    Trình Giảo Kim tức quá cãi lại:

    - Lão mũi trâu này nói một mà chẳng biết hai. Khi tảo bắc thì Tô Luân Xa đóng binh không đúng khuôn phép, lại được Tạ Ánh Đăng giúp đỡ nên mới vượt thoát. Còn khi chinh đông, Cáp Tô Văn đã mất phép phi đao nên ta mới đánh dạt được mà chạy. Nay Tô Bảo Đồng lợi hại hơn vậy nhiều lần thì đi chẳng tiếc gì, chỉ sợ mang nhục cho nhà Đường mà thôi.

    Thái Tông gật đầu khen, nói tiếp:

    - Đó là Trình vương huynh quá khiêm nhượng nên mới cho Tô Bảo Đồng là lợi hại. Thật ra vương huynh thừa sức vượt vòng vây nhưng trẫm không muốn là vì sợ Tô Bảo Đồng chê nhà Đường hết người, phải dùng tới mấy lão già làm trò cười cho thiên hạ.

    Trình Giảo Kim nghe vậy tức quá, râu tóc vểnh lên, nói ngay:

    - Sao hắn dám chê bọn lão tướng chúng tôi làm trò cười cho thiên hạ? Tuy tôi đã cao tuổi nhưng mỗi ngày còn ăn hết một đấu gạo, chống cự cả ngàn quân, còn hơn mấy tướng trẻ nhiều. Đã vậy tôi quyết ra đi một phen cho hắn biết mặt.

    Thái Tông thấy Trình Giảo Kim trúng kế cười thầm, lập tức viết chiếu giao cho. Trình Giảo Kim hăm hở cầm búa tiến ra cửa thành, còn cố ngoái lại dặn Từ Mậu Công:

    - Quân sư cứ lên thành mà xem võ nghệ của lão tướng này.

    Nói xong, Trình Giảo Kim từ biệt các quan văn võ rồi nói với con là Trình Thiết Ngưu:

    - Phụ thân đi chuyến này chẳng biết may rủi ra sao, con ở lại thành cố gắng hộ giá lập công để đừng hổ thẹn với danh tiếng họ Trình nhà ta từ bấy lâu nay.

    Từ biệt con xong, Trình Giảo Kim lên ngựa truyền quân sĩ ra mở cửa thành. Từ Mậu Công chờ Trình Giảo Kim ra khỏi lập tức sai quân đóng cửa thành lại, hộ giá Thái Tông lên địch lâu quan sát. Trình Giảo Kim quay lại thấy cửa thành đóng thì tức quá, lớn tiếng mắng:

    - Tên mũi trâu bội bạc, chưa gì đóng cửa thì lỡ có gì ta làm sao chạy vào được. Rõ ràng hắn có thù oán với ta chi đây mới lập mưu dùng tay quân Liêu giết cho bõ ghét.

    Trong khi Trình Giảo Kim còn đang mắng chửi Từ Mậu Công thì quân tướng Tây Liêu đã nhìn thấy, hô hoán nhau xông lại vây chặt. Trình Giảo Kim vào cửa chết thì gắng gượng quát lớn:

    - Các ngươi có mau về báo cho Tô Bảo Đồng nguyên soái là có Lỗ quốc công Trình Giảo Kim muốn nói chuyện hay không?

    Tô Bảo Đồng nghe báo Trình Giảo Kim chỉ đi có một mình thì hơi kinh ngạc, lập tức cưỡi ngựa xông ra mắng lớn:

    - Ngươi thật cả gan mới dám ra đây. Có chuyện gì thì nói cho mau để còn chịu chết.

    Trình Giảo Kim vênh mặt nói:

    - Bởi vì phi đao của ngươi quá lợi hại mà quân Đường chúng ta không mang theo tướng tài nên khó chống cự nổi. Ta vâng lệnh vua Đường về Trường An triệu vài ba tướng tài đến đây giết ngươi, vì thế ta muốn nói cho biết trước mà đề phòng.

    Tô Bảo Đồng cười gằn nói:

    - Ngươi có giỏi thì vượt qua trùng vây thử xem.

    Trình Giảo Kim không thèm để ý, đặt điều nói tiếp:

    - Hiện giờ ở Trường An chúng ta còn hai danh tướng, một có thể lên trời, một có thể xuống đất như chơi. Ngoài ra ta còn một đứa tiểu tôn sử dụng cây búa sáu mươi người khiêng. Nếu ta mời hết đến đây thì các ngươi chẳng còn đất để mà chôn. Ngươi sợ thì giết ta đi, đừng để ta thoát mà rước lấy cái chết oan uổng.

    Tô Bảo Đồng nghe vậy nghĩ thầm:

    - "Trên đời này làm gì có người nào tài ba như thế. Chắc vua tôi nhà Đường hết lương nên lấy cớ cho người về Trường An. Ta cứ cho hắn đi rồi cướp hết lương thảo xem làm gì được".

    Nghĩ vậy nên Tô Bảo Đồng bằng lòng cho Trình Giảo Kim đi qua trùng vây. Trình Giảo Kim lại kèo nài bằng được một lệnh tiễn rồi mới chịu đi, đắc ý chạy thẳng về Trường An. Lý Trị nghe báo Trình Giảo Kim một mình một ngựa trở về thì biết là có việc chẳng lành, vội vàng ra đón tiếp.
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
  11. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,080
    Hồi Thứ Chín - Tiết Đinh San Giật Bảng Cầu Hiền

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lý Trị nghe báo Trình Giảo Kim có đem theo chiếu chỉ thì liền bày hương án đón tiếp. Trình Giảo Kim làm lễ xong liền dâng mật chỉ lên, cho biết:

    - Từ khi long giá thân chinh, bước đầu đánh đâu thắng đó, chém luôn mấy tướng Tây Liêu. Chẳng dè khi đến Tỏa Dương thành thì bị trúng kế không thành. Tần phò mã cùng anh em Uất Trì hết lòng phá trùng vây đều bị phi đao của Tô Bảo Đồng mà thác. Ngay như Tiết nguyên soái cũng bị trúng phi phiêu trọng thương. Vì tình hình nguy cấp như vậy nên tôi liều mình vượt trùng vây về xin cứu viện, xin điện hạ đọc chiếu thì sẽ rõ ngay.

    Lý Trị bước xuống ngai tiếp chiếu, đọc xong hết sức lo lắng, bàn với bá quan:

    - Phụ vương ta bị vây hãm nơi Tỏa Dương thành, muốn ta xuất binh cứu viện nhưng truyền phải treo bảng cầu hiền làm tướng chứ không được dùng người trong triều. Làm như vậy rất mất thời gian mà chẳng biết có hiền tài nào xuất hiện hay không.

    Trình Giảo Kim nghe vậy liền đổ riệt cho Từ Mậu Công bày tính mưu kế, tính hại chết các tướng mới chịu thôi. Lý Trị không để ý, suy nghĩ một hồi đành phải theo lời dặn của phụ vương, truyền cho treo bảng cầu hiền.

    Khi ấy ở Vân Mộng sơn, Thủy Liêm động, Tiết Đinh San được Vương Ngao lão tổ đem về nuôi dạy, rèn luyện binh thư, tập tành đủ thập bát môn võ nghệ, lại được truyền thụ một số phép tắc rất cao cường. Vương Ngao lão tổ đánh tay tính đã bảy năm, biết Bạch Hổ tinh gặp nạn lớn nên gọi Đinh San đến nói:

    - Phụ thân ngươi là Tiết Nhơn Quý hiện mắc nạn nơi Tỏa Dương thành, triều đình vì thế phải treo bảng cầu hiền. Ngươi hãy mau mau xuống mà lập công, để khỏi hổ danh là đứa con bất trung bất hiếu. Ngươi đi chuyến này còn gặp được lương duyên tốt đẹp, đó là số mạng trời đất đã định sẵn vậy.

    Tiết Đinh San thật không muốn hạ sơn, rất thích tu hành học phép trường sinh bất lão nhưng nghe sư phụ dạy thì phân vân thưa lại:

    - Đệ tử xin tuân theo nhưng tự biết phép tắc chưa thành thuộc nhiều thì làm sao chống cự lại với Liêu tướng. Nếu thất bại e hại đến danh tiếng của sư phụ mất.

    Vương Ngao gật đầu nói:

    - Quả các tướng Tây Liêu rất lợi hại. Vì thế ta sẽ ban cho mười bảo bối để hộ thân, lập công với đời. Đó là Thái Tuế hài, Tỏa Tử Thiên Vương giáp, Lợi Thủy Vân hài, Phương Thiên họa kích, Hỗn Lợi kiếm, Hoàng Võ tiên, Mễ Tú bào, Bảo Đạo cung, Giá Vũ Hành Vân long câu và ba mũi Xuyên Vân tiễn.

    Khi Tiết Đinh San nhận mười bảo bối, Vương Ngao lão tổ nói thêm:

    - Ngươi nhất thiết không cho ai biết có các bảo bối này. Ngươi nên ghi nhớ bốn câu:
     
    Nguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...