Trốn Chạy Cơn Mưa Đời Tác giả: Dana Lê Thể loại: Truyện ngắn Cuộc thi Nét bút tuổi xanh – Tuần thứ mười Chủ đề: Mưa Lộp bộp... Lộp bộp... Mưa đêm lại ầm ầm kéo đến. Nháy mắt xung quanh đã bị bao trùm bởi một màn nước trắng xóa. Nó cùng mẹ ngồi co ro dưới gầm cầu. Mẹ nó, người đàn bà gầy nhom chỉ còn da bọc xương đang cẩn thận dùng tấm áo cũ kĩ ẩm ướt khoác lên thân hình yếu ớt của nó. Nó thoi thóp. Toàn thân nó không ngừng run rẩy. Đã hai ngày rồi nó chỉ có duy nhất một ổ bánh mì không nhét vào cái bụng đói meo. Nó đói lắm. Nó lạnh nữa. Nó tưởng chừng bản thân nó có thể chết đi bất cứ lúc nào. Kít! Tiếng phanh xe gần trong gang tấc. Là ai? Hay có người cũng giống mẹ con nó, trong cơn mưa đêm đang tìm chỗ trú chân. Nó khó khăn run run đôi mi, cố gắng nhấc lên hai mí mắt nặng trịch. Ánh đèn pha của chiếc xe gắn máy rọi thẳng vào mắt nó. Chói quá! Hai mắt nó nhòe đi, ý thức cũng dần dần mơ hồ. Trong cơn mê man, nó cảm giác cả người như bay bổng. Một đôi tay cứng cáp bế nó lên, ôm nó vào lòng. Ấm quá! Thứ hơi ấm diệu kì lần đầu tiên nó cảm nhận được sau gần tám năm sống trên đời. Mưa còn rơi không nhỉ? Nó không biết. Nhưng nó không còn cảm thấy lạnh nữa, hoặc ít ra nó đã ấm hơn từ lúc này. *** Bốn năm sau. Đang ngồi cọ cọ chà chà mấy cây xiên thịt cháy két đen thui, nó giật mình bởi tiếng sấm từ đâu vọng lại. Ngẩng đầu nhìn lên bầu trời đen kịt, hai mắt nó bỗng dưng tối hẳn. Mùa mưa lại đến, hèn gì mấy hôm nay không khí oi bức thấy rõ. Nắng nóng người ta mong ngóng cơn mưa như trẻ con mong mẹ đi chợ về. Nhưng nó ghét mưa, đơn giản vì mưa gợi lại cho nó những kí ức đau buồn. "Nhóc con, nhanh tay lên còn về nhà. Mày lại muốn dầm mưa để giả bệnh trốn việc sao?" Tiếng chủ quán thịt nướng từ bên trong vang ra. Nó nhìn ông ta ngao ngán. Không trả lời, nó cúi đầu tiếp tục công việc còn dở dang. Hơn bảy giờ tối, nó lững thững đi bộ về nhà trên con đường quen thuộc. Trên bầu trời đêm sấm chớp chốc chốc lại nổi lên. Những tia chớp nảy lửa liên tục lóe sáng, soi tỏa con đường tối đen như mực không ánh đèn. Hôm nay quán đông khách, nó được về sớm hơn bình thường một chút. Bù lại có hôm buôn bán ế ẩm, phải tới gần mười giờ đêm nó mới được chủ quán thả về nhà. Đã vậy tiền công còn bị cắt xén một nửa, ông ta thay tiền bằng hai ba cái đùi gà hoặc cùng lắm là miếng ba rọi bị nướng quá lửa. Nghĩ cũng thấy bất công, nhưng thôi nó không thích so đo với lão già keo kiệt bủn xỉn đó. Quan trọng hơn, nó không muốn gây thêm rắc rối cho cha dượng. Cha dượng nó, người đàn ông đã xuất hiện trong đêm mưa gió bốn năm về trước, hiện tại lại phải cưu mang hai mẹ con nó như đeo gông vào người. Công việc ở quán thịt nướng là do ông ấy năn nỉ ỉ ôi người ta rất lâu, người ta mới đồng ý. Lúc đầu, người được nhận vào làm là mẹ nó, nhưng mấy năm gần đây, bệnh tình mẹ nó ngày một trở nặng, xót mẹ, nó bảo bà ở nhà lo cơm nước để nó đi làm kiếm tiền thay bà. "Mẹ, con về rồi." Đẩy mạnh cánh cửa bằng gỗ kêu kẽo kẹt, nó bước vào nhà, miệng như thường lệ nói lớn để thông báo. Không ai đáp trả, bên dưới ánh đèn vàng mờ tối, nó chẳng nhìn thấy thứ gì rõ ràng. Mò mẫm đi thêm vài bước, nó với tay bật nhanh công tắc bên phải. Ánh sáng bất chợt khiến hai mắt nó nhòe đi, qua vài giây, nó đảo mắt quan sát xung quanh. Không có ai ở nhà. Cha dượng vẫn chưa về. Hôm nay ông tăng ca hay lại đang la cà nơi đâu tìm men rượu giải sầu? Mẹ nó đâu? Đưa tay mở lên chiếc lồng bàn đậy kín hai phần cơm nguội lạnh đặt giữa bàn, nó thở dài, im lặng xoay người bước ra khỏi nhà. ... Tí tách... Tí tách... Mưa từng hạt từng hạt nhẹ nhàng rơi xuống chảy dài trên sườn mặt non nớt của nó. Nó ngẩng đầu nhìn lên, nháy mắt đôi chân như tăng nhịp. Con đường dẫn ra bờ sông nhỏ hẹp đầy sỏi đá, hôm nay trời mưa, đường trơn trợt lại khó đi vạn phần. Từ ngày hai mẹ con nó dọn về đây sống cùng cha dượng, cơ hồ chiều nào mẹ nó cũng ra bờ sông thơ thẩn một mình. Bà đang nhớ ai? Bà đang chờ ai? Nó thật sự không tài nào hiểu nổi. Không phải cha dượng rất tốt với bà sao? Ông ta cũng yêu thương nó như con ruột. Vậy thì bà còn mong đợi điều gì? Lẽ nào bà vẫn tin rằng người đàn ông bội bạc đó sẽ quay lại tìm bà sau khi chính ông ta đã vứt bỏ mẹ con bà suốt mười mấy năm trời hay sao? Càng nghĩ, nó càng thấy tức cho cha dượng. Vốn dĩ ông không có nghĩa vụ phải yêu thương chăm sóc nó như con ruột. Vốn dĩ, nếu buổi tối bốn năm trước ông không chạy xuống gầm cầu cứu nó thoát chết thì biết đâu, hiện tại ông đã có cuộc sống hạnh phúc hơn nhiều. Ông là người đàn ông tốt. Ít ra với mẹ con nó, ông chính là người tốt nhất trên đời. Người ta ghét bỏ, xua đuổi mẹ con nó giữa đêm mưa gió như đuổi tà, nhưng ông thì sao, ông mang mẹ con nó về nhà, cứu nó thoát chết, cho mẹ con nó chỗ ăn chỗ ngủ. Ông vất vả tìm việc cho nó, tận tình chăm sóc mẹ nó khi bà sức yếu trở bệnh. Trong cái nhà này, thử hỏi ai là người đáng thương hơn? Nhớ lại ánh mắt tuyệt vọng của cha dượng mỗi khi ông nhìn thấy bóng dáng thẫn thờ trông ngóng ai kia từ mẹ, nó biết rằng ông đã chấp nhận sự thật. Ông chấp nhận mình là kẻ thua cuộc, chấp nhận bản thân chỉ có thể chiếm được thể xác của bà, mãi mãi cũng không có được trái tim cùng tình yêu từ bà ấy. Chắc ông cũng buồn nhỉ? Nếu không ông cũng chẳng tìm đến men say để có thể giải thoát bản thân khỏi ngục tù giam cầm của số phận trớ trêu. Biết đến bao giờ nó mới lại nhìn thấy nụ cười chân thành trên gương mặt khắc khổ của người đàn ông đó? Biết đến bao giờ chính nó mới có được một gia đình hạnh phúc trọn vẹn đây? ... "Mẹ, mẹ ơi, mẹ đang ở đâu?" Nó gào thét trong cơn mưa đầu mùa. Gió từ dưới sông thổi lên từng đợt. Nó rùng mình. Cái lạnh như cắt da cắt thịt khiến nó run rẩy. Chỗ mẹ nó hay ngồi, hôm nay vẫn không tìm thấy bà ở đó. "Mẹ! Mẹ ở đâu? Mẹ có nghe con gọi không?" Nó tiếp tục gào lên, nước mưa chảy vào cuống họng, đắng chát, nó cúi người ho lên sặc sụa. "Mẹ! Mẹ ơi, con..." Nó té sấp mặt, chân nó vấp phải hỏm đá ven đường. Máu túa ra, nó nhăn mặt rên rỉ, nước mưa cùng nước mắt làm tầm nhìn nó trở nên nhòe nhoẹt. Ánh đèn pin trên tay nó quơ loạn xạ trong không trung, bên dưới ánh sáng yếu ớt, nó mơ hồ nhìn thấy đôi dép lê cũ kĩ mẹ nó hay mang thường ngày. "Mẹ!" Nó ôm lấy đôi dép, lồm cồm bò dậy rồi điên cuồng lao ra phía dòng sông nước đang chảy xiết. Một đôi tay cứng cáp không biết từ đâu vươn tới ôm chặt lấy eo nó. Mạnh mẽ, dứt khoát, đôi tay ấy như gọng kìm giữ toàn thân nó ở yên một chỗ. "Lân, bình tĩnh lại. Lân, con có nghe cha nói không?" Giọng người đàn ông khản đặc vang lên, hòa trong tiếng mưa giọng nói ấy như đang kìm nén một nỗi đau không ai thấu. "Không, buông ra. Mẹ... mẹ của con... Mẹ..." Nó ra sức giãy giụa, cố gắng thoát khỏi vòng tay ấm áp từng làm nó thích thú. Sau một lúc giằng co, toàn thân nó mềm nhũn. Nó trượt dần rồi quỵ hẳn trên mặt đất, đôi mắt đỏ ngầu nhìn theo ánh sáng từ chiếc đèn pin cha dượng đang đội trên đỉnh đầu. Ở giữa dòng sông, khuất sau lớp màn mưa mờ ảo, một mảnh vải trắng đang lềnh bềnh trôi dọc trên mặt nước tối màu. *** Đám tang của mẹ nó không được tổ chức. Sau khi cái xác được mọi người trong xóm hợp sức vớt lên, cha dượng quyết định mang bà đi hỏa táng. Tro cốt của bà được ông rải ra dòng sông quen thuộc, như tâm nguyện lúc bà còn sống, ông để bà ở đó mãi chờ đợi một người. Một ngày mệt mỏi với đủ thứ chuyện bủa vây, nó và cha dượng quay về nhà trong tình trạng sức cùng lực kiệt. Nhìn mâm cơm hôm trước vẫn còn nguyên nơi đấy, nó thở dài lui cui dọn hết xuống nhà sau. "Con tắm rửa trước đi, cha con mình ra ngoài kiếm gì đó nhét vô bụng cho đỡ đói." Nó ngẩng đầu nhìn cha dượng, trông ông có vẻ bình tĩnh lạ thường. Nó không đọc đươc suy nghĩ của ông, nhưng nhìn sâu vào đôi mắt đục ngầu đó, nó thấy được một tia yếu ớt của sự giải thoát chợt lóe lên rồi vụt tắt. Có lẽ cái chết của mẹ nó là sự giải thoát cho cả hai. Nhưng rồi cuộc đời nó sẽ tiếp tục như thế nào? Nó phải làm sao khi không có mẹ bên cạnh? Không đợi nó đáp lời, cha dượng một mình lủi thủi bước ra ngoài. Nó đưa mắt nhìn theo dáng người mộc mạc ấy, người đàn ông chỉ mới ngoài ba mươi nhưng dường như thời gian và khổ cực đã khiến ông già thêm cả chục tuổi. Gặp được nhau e cũng là duyên nợ, chia ly rồi âu cũng hết nợ duyên. Nợ? Của nợ? Nó thở dài, ủ rũ bước ra sau nhà. ... Những ngày dài lặng lẽ trôi theo dòng xoáy của số phận. Nó vẫn đều đặn phụ nướng thịt ở quán ăn gần nhà, cha dượng vẫn làm việc ở nhà máy nhưng đêm về ông lại làm bạn với men say. Hai cha con ngày càng ít nói chuyện với nhau, dường như có một khoảng trống vô hình đang dần dần hiện hữu, lúc đầu mờ nhạt rồi sau đó lại rõ lên từng ngày. Một ngày cuối tháng năm trời mưa như trút nước, nó đang ngủ thì bị cơn ác mộng quen thuộc làm cho giật mình. Liếc vội sang chiếc giường đối diện, cha dượng đang nằm co ro ở đó. Ông ngáy rất to, dường như cơn say khiến đầu óc ông phần nào buông lỏng. Nó bó gối thu mình ngồi nơi góc tối, tiếng mưa rơi lộp bộp khiến tâm trí nó ngày càng mơ hồ. Dạo gần đây nó hay mơ thấy mẹ. Hầu như ngày nào đang say giấc nó cũng bị hình ảnh gương mặt trắng toát cùng cơ thể cứng đờ của mẹ dọa cho giật mình. Nó sợ hãi. Nó ám ảnh. Lần đầu tiên trong cuộc đời nó suy nghĩ đến việc vứt bỏ hết mọi thứ để trốn chạy. Mẹ nó, người đã sinh ra nó, người thân duy nhất trên đời này của nó cuối cùng cũng bỏ nó ra đi. Vậy thì người đàn ông kia, người nó gọi một tiếng "cha" tại sao phải nuôi nó từng ngày? Nó không muốn! Nó không muốn bám riết vào người đàn ông ấy. Nó không muốn trở thành gánh nặng của ông ấy. Ông không đáng phải cùng nó chịu khổ. Ông xứng đáng có được hạnh phúc như cái tên ông đang mang. Dằn vặt, đấu tranh, cuối cùng nó cũng đưa ra quyết định. Để lại một tờ giấy với vài dòng chữ nguệch ngoạc cùng phân nửa số tiền nó tích góp suốt mấy năm làm thêm, nó khoác lên người chiếc áo mưa mỏng dính, đội lên đầu chiếc mũ tai bèo phai màu, nó xuyên màn mưa dứt khoát chạy ra khỏi nhà. Phóng nhanh trên con đường mòn trơn trợt, một tia sét lóe lên khiến bước chân nó khựng lại hồi lâu. Hai vai nó run lên cầm cập, máy móc xoay đầu, hình ảnh ngôi nhà gắn bó bốn năm hiện lên rồi nháy mắt tan biến. Nó ngập ngừng, không biết bản thân sẽ đi đâu về đâu. Nhưng một điều nó có thể chắc chắn, ngôi nhà đó đã không còn là nhà của nó. Không, nơi đó vốn dĩ chưa bao giờ là nhà của nó. Chỉ là nó tham lam, bấu víu chút tình thương mà nó luôn khao khát thèm thuồng. Mưa. Từng giọt rơi mạnh vả thẳng vào mặt nó. Đau rát. Nó ghét mưa! Mưa cuốn mẹ nó đi mất, mưa chỉ tạo nên cho nó những kí ức đau buồn. Phải rồi, nó phải chạy, chạy đi thật xa, chạy đến khi trời quang mây tạnh. Đến nơi không còn mưa, nó sẽ thôi không còn buồn. *** Nhiều năm về sau. Nó, hiện tại đã trở thành một chàng trai cao to khỏe mạnh với vẻ ngoài ưa nhìn. Trong một lần quay lại thành phố khảo sát mặt bằng mở chi nhánh quán ăn theo lệnh bà chủ, trái tim vốn trầm tĩnh bao nhiêu năm bỗng run lên khi nó vô tình đi ngang qua đoạn đường nhỏ hẹp dẫn vào nhà cha dượng. Nó xuống xe, một mình thả bộ dọc theo đường mòn. Cây cối xơ xác và nhà dân thưa thớt, đó là tất cả những gì kí ức nó còn lưu giữ. Ngạc nhiên thay, hiện tại mọi thứ vẫn vẹn nguyên như thế, cứ như rằng, ngày nó rời đi chỉ mới vừa hôm qua. Thật tò mò không biết sau ngày nó bỏ đi, cha dượng đã sống tiếp như thế nào. Hoặc có thể, ông cũng không còn sống ở đây nữa. Chẳng mấy chốc, nhà của cha dượng đã hiện rõ trong tầm mắt. Cửa và mấy bức tường dường như đã được thay mới gần đây, nhìn màu sơn chắc hẳn vẫn chưa trải qua bao mùa mưa gió. Chậm rãi, nó đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ. Bên trong vắng tanh, mọi thứ đều vô cùng tươm tất. Đây thật sự là nhà của cha dượng sao? Nó nghi ngờ. Nếu bình thường ông sống một mình, hẳn quần áo phải phủ kín khắp nhà đến khi không còn lối đi mới thôi. Chắc ông ấy đã không còn sống ở đây. Nó nghĩ, nhanh tay khép lại cánh cửa và xoay người. Bộp! Với thính giác nhạy bén, nó theo phản xạ nắm chặt khúc cây sắp rơi xuống vai mình, đôi mắt hoang mang đáp lại ánh nhìn đầy cảnh giác của đứa bé gái đang đứng đối diện. "Anh là ai? Ăn trộm sao? Tôi... tôi sẽ la lên đấy." Cô bé hùng hổ cất giọng, dù đã cố gắng nhưng nhóc con vẫn không che giấu được chút run rẩy sợ hãi nơi cánh tay. "Anh không phải ăn trộm." Nó mỉm cười, nhẹ giọng trấn an cô gái nhỏ. "Nói láo. Rõ ràng anh đã lẻn vào nhà tôi." "Anh chưa vào mà. Anh chỉ mở cửa và đứng bên ngoài nhìn thử." Nó dùng chút sức giật lấy khúc cây từ tay cô bé quăng ra xa. Chậm rãi, nó ngồi xổm trước mặt cô nhóc: "Em nói, đây là nhà em sao?" "Tất nhiên, đây là nhà của tôi mà." Cô nhóc cau mày, dường như không vui khi bị người khác nghi ngờ. "Vậy em sống ở đây lâu chưa? Em sống cùng với ai?" "Tôi sống ở đây từ khi tôi sinh ra. Đương nhiên tôi sống với ba mẹ rồi. Mà anh hỏi mấy chuyện đó làm gì?" Nó trầm mặc trước thái độ bài xích từ cô nhóc. Nhưng chợt nghĩ đến điều gì, hai mắt nó lại lập tức lóe lên: "Vậy... vậy ba em tên gì?" "Ba tôi tên Phúc, Phạm Văn Phúc. Anh hỏi nhiều quá đấy. Giờ thì trả lời đi, anh là ai? Tại sao lại lén lút lẻn vào nhà tôi?" Phạm Văn Phúc. Đúng là ông ấy. Tên cha dượng của nó. Khẽ chớp mắt nhìn cô bé khoảng sáu bảy tuổi trước mặt, nó mỉm cười tự nhiên mở ví móc ra một tấm thẻ ngân hàng đặt vào tay cô nhóc: "Bé con, đưa cái này cho ba em giúp anh, mật khẩu là ngày sinh của ông ấy." Nói rồi, nó đứng dậy dứt khoát rời đi. Cô nhóc nào đó ngơ ngác nhìn tấm thẻ trên tay, đôi mắt to tròn khẽ chớp, cô cất giọng nói với theo sau lưng nó: "Nhưng... đây là gì? Anh... anh là ai?" Nó khựng lại, suy nghĩ một chút nó quay đầu, nhoẻn miệng cười tươi: "Anh tên Lân. Nguyễn Minh Lân, cứ nói như thế ông ấy sẽ biết. Còn đó là... là tiền anh đã nợ ông ấy trước đây, hôm nay anh mang đến trả." "Anh... anh không đợi ba tôi về sao?" "Không cần." Nó quay mặt thong thả bước tiếp: "Có lẽ, anh và ông ấy đã không còn lý do để gặp nhau nữa rồi." Lời nói của nó khẽ khàng để mặc gió cuốn đi. Ngẩng đầu nhìn lên bầu trời trong xanh vời vợi, chậm rãi giơ tay, nó che đi ánh sáng gay gắt chiếu thẳng từ mặt trời. Sau cơn mưa trời sẽ quang mây tạnh Mưa đi rồi, hạnh phúc sẽ đến nhanh. Cha à! Có lẽ cha đã tìm được hạnh phúc của đời mình. Cảm ơn cha đã hoàn thành mong muốn trước khi rời đi của con. Tạm biệt cha! Không hẹn gặp lại. HẾT
Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi thứ Mười. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau: Giám khảo 1: Câu chuyện của bạn làm tôi suy nghĩ rất nhiều về tình cảnh cha dượng và con riêng của vợ. Ở nhiều khía cạnh cuộc sống sẽ có các trường hợp cảm động xảy ra. Nếu xem trên tivi hay báo chí bạn sẽ thấy. Tình cảm cha dượng đột nhiên vỡ òa khi con riêng của vợ xem mình là cha. Thật sự lúc đó tôi rất cảm động. Hiển nhiên, câu chuyện của bạn ngay từ đầu đã gợi cho tôi một cái kết có vẻ không mấy vui. Tôi thấy sự sòng phẳng trong mối quan hệ tình cảm của các nhân vật này. Chúng ta phải chấp nhận rằng đây là sự thật cuộc sống. Nó không giống như phim. Tôi cũng đã hình dung người cha dượng không gắng công đi tìm con riêng của vợ. Ông ấy còn trẻ và còn tương lai phía trước. Và đúng như dự liệu, ông đã có một gia đình khác. Còn con riêng của vợ thì xem như trả xong món nợ ân tình. Thế là xong một cơn mưa cuộc đời. Mọi thứ gột rửa và đứa trẻ năm nào giờ đã trưởng thành, đã có cuộc sống yên bình. Thật sự đã vui hay chưa? Với tôi, dòng truyện hiện thực luôn khiến tôi ám ảnh. Bởi nó đánh động vào tâm khảm con người. Người mẹ khổ sở vì mối tình xưa, người cha dượng chấp nhận cưu mang và hiểu mình chỉ là kẻ đến sau. Ông ta thật đáng thương nên phút cuối, ông ta có được gia đình hạnh phúc. Xem như người tốt sẽ gặp lành. Cậu con trai vốn đã ra đời sớm, làm việc trong quán nên người cha dượng có vẻ yên tâm khi cậu bỏ nhà đi. Cũng có thể ông ta lo lắng hoặc cảm giác tội lỗi khi không bảo bọc cho con của vợ. Cái đó là độc giả nghĩ nhưng nếu xét về cách bạn miêu tả nội tâm nhân vật này thì hẳn ông ấy chắc tự an ủi mình và tỏ ra lạc quan, tin tưởng cậu con trai sẽ ổn thôi. Nói thế nào thì câu chuyện này nó thực quá nên nó không vui lắm. Đột nhiên trong tim mỗi người có một vết xướt nhẹ, không đau nhưng làm ta lặng lẽ khi nghĩ về nó. Quan trọng là khi xem xong truyện, độc giả khó lòng xem lại. Lý do đơn giản: Nó làm chúng ta đau lòng! Giám khảo 2: diễn tả tốt, câu chuyện ý nghĩa Giám khảo 3: nếu nói rõ vì sao người mẹ phải đợi người cha vô tình thì sẽ trọn vẹn hơn