Thuyết minh về Chùa Một Cột

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 9 Tháng tư 2022.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    [​IMG]

    Nhất trụ thiền môn cảnh kì lạ

    Nghìn xưa lưu dấu đến ngày nay

    Hồi chuông nhắc nhở ngân khuya sớm

    Tiếng mõ khuyên lơn vọng tối ngày..

    Tĩnh lặng già lam người sám hối

    Yên bình cổ tự khách quy y

    Như sen một đóa vươn thơm ngát

    Vãn cảnh chân dừng chẳng muốn đi.

    Các bạn có biết, bài thơ trên của tác giả Tâm Không Vĩnh Hữu đang vịnh đến cảnh gì không? Ấy là cảnh Chùa Một Cột – nét tâm linh huyền bí giữa lòng thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

    I. Vị trí địa lí

    [​IMG]


    Như một đài sen diễm lệ vươn mình lên khỏi mặt nước, như một biểu tượng uy nghiêm, nhiệm màu thoát tục giữa trần gian, Chùa Một Cột mang trong mình dòng sinh khí trường tồn của dân tộc, trải qua gần ngàn năm thăng trầm, biến chuyển của lịch sử, trên cả bình diện văn hóa và tâm linh. Chùa Một Cột vì thế trở thành quốc tự, thành biểu tượng của đất Thăng Long xưa và của thủ đô HN ngày nay, trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế.

    Dưới thời vua Lý, Chùa Một Cột tọa lạc tại thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây Hoàng thành Thăng Long. Ngày nay, chùa nằm tại công viên phía sau phố Ông Ích Khiêm, thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

    Khuôn viên chùa Một Cột ngày nay gồm hai phần chính, là Cổng Tam Quan và Liên Hoa Đài.

    Cổng Tam Quan là nơi đầu tiên du khách đặt chân đến trong chuyến tham quan Chùa Một Cột. Bước qua Cổng Tam Quan là một đền thờ phục vụ cho việc tụng kinh của tăng ni phật tử. Thực chất, đây là công trình mở rộng mới được đưa vào xây dựng trong vài năm trở lại đây nhằm phục vụ nhu cầu đến thăm viếng, thờ cúng của người dân dịp lễ Tết. Cổng Tam Quan gồm hai tầng với ba lối đi, cửa giữa là lối đi chính.

    Liên Hoa Đài là phần trung tâm của Chùa Một Cột, có diện tích là 3x3m.

    Bên ngoài chùa Một Cột có trồng một cây bồ đề. Đó là món quà của Tổng thống Ấn Độ trồng tặng Việt Nam năm 1958, tính đến nay cây đã được 64 năm tuổi, cành lá xum xuê, xanh mát. Bồ đề là loài cây mang ý nghĩa Phật giáo và triết lý nhân sinh, khiến không gian lắng đọng chất tâm linh.

    II. Lịch sử hình thành và tên gọi gắn với truyền thuyết

    [​IMG]


    Câu chuyện về Chùa Một Cột trên đất Thăng Long được bắt đầu từ 1 giấc mơ vương tự.

    Truyền thuyết kể rằng, khi còn là Thái tử, Lý Thái Tông mãi vẫn chưa có con trai nối dõi. Một đêm, Thái tử nằm mộng thấy Đức Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ngồi trên tòa sen sáng rực, với tay gọi ngài lên và ban cho 1 tiên đồng trắng trẻo, đáng yêu. Khi tỉnh dậy, Thái tử kể lại với quần thần, nhiều người cho là điềm bất thường, nhưng riêng nhà sư Thiền Tuệ lại khuyên xây chùa, dựng cột đá như trong chiêm bao, thờ Phật Bà Quan Âm để mọi việc được bình yên và cũng để cầu nguyện thái tử có người nối dõi.

    Mùa đông năm 1049, chùa được khởi công xây dựng, các nhà sư được vời đến làm lễ, đi vòng quanh tụng kinh kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu, nghĩa là "phúc lành dài lâu".

    Hằng năm cứ đến ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua Lý lại tới chùa làm lễ tắm Phật. Sau đó là lễ phóng sinh, nhà vua đứng trên một đài cao trước chùa thả một con chim bay đi, rồi nhân dân cả thành cùng tung chim bay theo/ trong tiếng reo vui của một ngày hội lớn.

    [​IMG]

    Sách sử ghi chép, thời vua Lý Anh Tông sau này, nhà vua hay đến chùa hương khói cầu tự. Không lâu sau Hoàng hậu hạ sinh một Hoàng tử khôi ngô. Cho rằng công đức Phật ban cho, vua Lý cho tu sửa lại chùa và dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh chùa Một Cột để tạ ơn.

    Mỗi triều đại tu sửa đều nhân theo đó, cùng hưởng phúc hà sa.

    Trải qua gần ngàn năm triền miên chiến tranh loạn lạc và quy luật thành – trụ – dị – diệt của thời gian, Chùa Một Cột đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1954, giặc Pháp khi rút khỏi Hà Nội đã đặt mìn phá hủy chùa, nhằm gây hoang mang dư luận. Cả một di tích liệt hạng của Hà Thành sụp đổ sau một tiếng nổ long trời lở đất.

    Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu chùa Một Cột, xây dựng lại chùa theo kiến trúc cũ để lại từ thời Nguyễn. Ngày nay, Chùa Một Cột chỉ còn là dư ảnh của Liên Hoa Đài thời Lí xa xưa.

    III. Đặc điểm, kiến trúc

    [​IMG]

    Văn bia Đại Việt quốc Lý đời vua Lý Nhân Tông mô tả kiến trúc chùa Diên Hựu như sau: "Đào ao sen Linh Chiểu, giữa ao vọt lên một cột đá. Trên đỉnh cột đặt hoa sen ngàn cánh, trên hoa đặt vững một tòa điện tía. Trong điện đặt tượng Quan Âm dát vàng. Bên ngoài ao có hành lang vẽ vây quanh, bên ngoài vòng hành lang là ngòi nước biếc, mỗi mặt đều bắc cầu vồng đi thông vào. Nơi cây cầu ở sân phía trước, hai bên đầu cầu có hai ngọn bảo tháp lợp ngói lưu ly".

    Vòng ngoài của Chùa Một Cột là các khoảnh ao vuông tượng trưng cho âm, và cột hình tròn tượng trưng cho dương, trong âm có dương, trong dương có âm. Đây là quy luật tuần hoàn tương sinh, tương khắc của vũ trụ. Vẻ đẹp ấy vừa uy nghi cổ kính, vừa mang phong thái nhẹ nhàng thanh thoát của cõi Phật.

    Hiện nay, Chùa Một Cột chỉ còn lại cột trụ, đài Liên Hoa và mái chùa. Cột trụ của chùa là hai cột đá chồng lên nhau thành một khối. Hệ thống những thanh gỗ từ thân trụ vươn ra, tạo thành bộ khung sườn kiên cố đỡ ngôi chùa bên trên, giống như một đóa sen vươn thẳng lên từ mặt hồ, thoát khỏi thế tục.

    Từ thiết kế đối xứng đó, bên trên tạo thế thẳng đứng tại trọng tâm của cột. Hệ thống các mối mộng được đục chính xác từng ly nối vừa khít với nhau, tạo nên thế đứng vững chắc như bàn thạch, đồng thời tạo hiệu ứng đài sen lãng mạn. Mái chùa có 4 đầu đao cong được đắp hình rồng, lợp ngói vảy truyền thống màu đỏ phủ lớp rêu phong, được chế tác kì công, tỉ mỉ. Trên đỉnh có biểu tượng "lưỡng long chầu nguyệt" - hai con rồng uốn mình quay đuôi về phía nhau nhưng đầu đều hướng về trăng – biểu trưng cho sức mạnh tiềm ẩn và sự sinh sôi, âm dương hài hòa.

    Nội thất bên trong Liên Hoa Đài được bài trí lộng lẫy sang trọng. Án thờ nhỏ bên trên đặt tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay mạ vàng. Xung quanh bày biện nhiều đồ thờ: Đôi lục bình gốm sứ, bình cắm hoa sen, bộ ấm chén thờ, lư hương bằng đồng. Trên trần phía trong cùng đặt tấm hoành phi ghi 3 chữ vàng "Liên Hoa Đài" trên nền sơn đỏ.

    IV. Hình ảnh Chùa Một Cột trong thơ ca nhạc họa

    [​IMG]

    Vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của Chùa Một Cột còn được khắc họa trong những câu thơ.

    Đây là bài thơ Diên Hựu tự của thiền sư Huyền Quang, được nhà thơ Trương Việt Linh dịch ra như sau:

    Đêm thu chùa điểm tiếng chuông vang

    Lá đỏ hàng phong sóng nguyệt vàng

    Bóng tháp sẫm đôi tay ngọc buốt

    Hình chim in ngược mảnh gương hàn

    Muôn duyên khôn bận, thành ngăn tục

    Nửa điểm nào lo, mắt mở toang

    Phải trái như nhau tường nghĩa ấy

    Cung ma, nước Phật cũng y chang.

    Chùa Một Cột ngày nay dù chỉ là một di tích nhỏ so với tổng thể từng có trước đây, nhưng công trình này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ nghìn xưa. Người Hà Nội vẫn luôn tự hào về danh lam này. Khách du lịch khi đến đây đều không khỏi bất ngờ trước kiến trúc độc đáo của chùa Một Cột.

    Năm 2015, một phiên bản ngôi chùa đặc biệt này đã được cộng đồng người Việt tại Mỹ dựng lên tại tiểu bang California; và trước đó, một phiên bản khác cũng được người Việt tại Nga xây giữa lòng thành phố Moscow, hay ở Đà Lạt, Sóc Trăng, Sài Gòn. Có thể thấy, Chùa Một Cột đã trở thành hình ảnh gợi nhớ quê nhà, khắc sâu trong tâm thức của mỗi người Việt dù ở đâu trên trái đất này.

    V. Vai trò, ý nghĩa của Chùa Một Cột

    [​IMG]

    Thời Lê Trung Hưng, chùa Một Cột xuống cấp trầm trọng, "ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột". Không bao lâu nhà Lê mất, Thăng Long mất vị trí là kinh đô. Năm Gia Long thứ bốn, cảnh chùa càng thêm hoang phế. Người ta đào ao dưới chùa, thấy bùn đất trong ao lẫn vô số kim sắt, điều này có lẽ lí giải phần nào chùa Một Cột là một phần huyết mạch giang sơn bị trấn yểm, cho thấy chùa Một Cột mang lại sự may mắn và an lành cho Quốc chủ và Long thành.

    Chùa Một Cột ngày nay, còn đâu Hồ thơm Linh Chiểu với ao tròn Bích Trì lượn vòng quanh bởi những chiếc cầu phi kiều diễm lệ vươn ngang mặt hồ xanh biếc?

    Còn đâu khí chất của cột đá xám vút cao mọc giữa mặt hồ, kiêu hãnh nâng tòa sen nghìn cánh?

    Còn đâu bảo tháp hai tòa và mái điện lưu ly?

    Và đâu nữa, Chuông Quy Điền - một trong tứ đại khí của nướcc Đại Vệt hùng cường thuở Lí Trần. Ngày ấy, chuông ở tháp Báo Thiên gần Hồ Gươm theo sử sách nặng chừng 7 tấn vẫn chưa được liệt vào hàng đại khí. Thử hỏi chuông Quy Điền còn to nặng đến nhường nào.

    Sử sách ghi lại, năm 1108, Nguyên Phi Ỷ Lan sai người đúc một chiếc chuông lớn đặt tên là "Giác thế chung" với ý nghĩa thức tỉnh lòng thế nhân. Chuông đúc xong nặng quá không treo lên được, để dưới mặt đất thì đánh không kêu. Người ta đành bỏ chuông xuống một thửa ruộng sâu bên chùa Nhất Trụ, ruộng này có nhiều rùa, do đó có tên là Quy Điền chuông. Đến thế kỷ 15, giặc Minh xâm lược, chiếm thành Hà Nội. Năm 1426, nghĩa quân Lam Sơn vây kín thành. Quân Minh thiếu thốn đạn dược, liền phá chuông Quy Điền lấy đồng. Quân Minh thua trận, nhưng chuông Quy Điền thì không còn nữa.

    Tất cả đã lùi sâu trong quá vãng xa xăm. Nhưng chùa Một Cột ngày nay vẫn tiếp nối, giữ gìn những hồn cốt vàng son của quá khứ và tự hào bởi bề dày văn hóa tâm linh.

    Để hiểu hết ý nghĩa to lớn của chùa Một Cột, chúng ta cùng quay về hình bóng xa xưa của ngôi chùa.

    [​IMG]

    Cụ thể, chúng ta hiểu rằng, thứ nhất, Tượng Phật mình vàng là tượng của Đức Như Lai. Màu vàng là màu giải thoát, tức là ngài đã đạt được đỉnh cao của trí tuệ, là một con người toàn năng.

    Thứ hai, màu đỏ thẫm trên mái chùa không âm u quỷ khí, mà dồi dào sinh khí. Từ thời nguyên thủy, người ta nhận thấy rằng cứ cầm một vật nhọn đâm vào con vật là thấy cái chất màu đỏ chảy ra hết thì con vật chết. Từ đó trong kiến trúc, người ta làm cái màu đỏ sẫm là để cầu sinh lực vũ trụ tràn về trần gian.

    Thứ ba, bông hoa sen nghìn cánh có ý nghĩa như một tấm đệm tâm linh lúc người ta ngồi tọa thiền, để nhằm khai mở các trí tuệ con người, khiến kẻ hành giả trở nên thông tuệ, biết được tất cả trong ngoài, to nhỏ, xa gần, biết được nhận thức của muôn loài.

    Khi người ngoại quốc đến tham quan chùa Một Cột, họ đã coi đó như 1 cái tổ chim, vì nó quá nhỏ bé. Nhưng đến khi những nhà Nghiên cứu giải mã về những ý nghĩa ấy, họ đã thốt lên rằng, "Tôi không thể ngờ được cái chùa bé nhỏ như vậy lại chứa đựng một ý nghĩa mênh mông ngang tầm trái đất". Và rõ ràng với một ý nghĩa to lớn chứa đựng trong 1 thân hình bé nhỏ ấy, chùa Một Cột đã trở thành 1 biểu tượng vô song trong tạo hình nhà Lý.

    Liên Hoa đài là đài sen vĩnh cửu của đất Thăng Long ngàn năm văn vật, biểu tượng hoa sen là kết tinh những gì cao quý, thanh tao. Nơi nào có sen, nơi ấy Phật ngự. Và thật diệu kỳ, những bông sen khi mới nở, vừa như có quả lại như có nhân, tựa như giáo lí của nhà Phật, vì lẽ đó, chùa Một Cột trong dáng hình một đóa sen tượng trưng cho cõi thiền bất nhiễu vô ưu.

    Bên cạnh những ý nghĩa to lớn, chùa Một Cột còn bình dị, mộc mạc, thân thuộc như chốn quê. Bên trong chùa có những bức điêu khắc thể hiện đời sống, tín ngưỡng, tập tục của người Việt xưa, có giá trị văn hóa phi vật thể vô cùng lớn lao, góp phần tô đậm bản sắc của dân tộc và đất nước Việt Nam. Bởi đó mà trong tâm thức mỗi người, chúng ta đều thể hiện lòng thành kính với Chùa Một Cột thiêng liêng.

    VI. Đánh giá của hội đồng khoa học nghiên cứu di sản

    [​IMG]

    Hình ảnh Chùa Một Cột được in nổi trên mặt đồng xu kim loại mệnh giá 5 nghìn đồng và được các công ty du lịch Việt quảng bá trên khắp năm châu. Năm 1962, Chùa Một Cột hiện đại đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày 10/10/2012, tại Faridabad, Ấn Độ, Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục "Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á" cho chùa Một Cột. Hiện Chùa đang được làm hồ sơ gửi sang Liên minh Kỷ lục Thế giới để được công nhận là "Ngôi Chùa có kiến trúc độc đáo nhất Thế giới".

    VII. Cách bảo tồn, công tác bảo tồn tu sửa, tuyên truyền

    [​IMG]

    Hằng năm, cứ vào những ngày lễ tết, nhân dân ta thường đến Chùa Một Cột tham quan, ngưỡng vọng, chiêm bái. Ngôi chùa tượng trưng cho những con người trong sạch không bị cám dỗ bởi danh lợi, giống như bông hoa sen dù ở trong bùn đất vẫn nở hoa thơm ngát. Đồng thời, khu di tích cũng trở thành một địa chỉ giáo dục lịch sử, văn hóa và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho con dân đất Việt.

    Chùa Một Cột không chỉ là "báu vật" cha ông truyền lại, mà còn là tấm gương phản chiếu lịch sử hình thành vùng đất, con người, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc và có khả năng cố kết cộng đồng bền chặt. Di sản văn hóa không dễ hình thành, lại dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biển mất nhanh chóng. Theo thời gian, ngôi chùa sẽ dần mục hỏng. Vì vậy, những người đến tham quan hãy có ý thức bảo vệ ngôi chùa, đi đứng nhẹ nhàng để ngôi chùa giữ được khí chất thanh tịnh, không vứt rác bừa bãi hay tự ý đụng chạm vào những đồ dùng quý hiếm.

    Thế hệ mai sau cần gìn giữ những di tích văn hóa mang ý nghĩa lịch sử. Bởi đây không chỉ đơn thuần là lưu giữ những kiến trúc cổ, mà còn liên quan đến cả nền văn hóa của 1 dân tộc, là sợi dây kết nối ngàn đời.

    [​IMG]
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...