Chào mọi người, hôm nay mình muốn chia sẻ với mọi người về trải nghiệm năm nhất của mình – bài viết này hướng tới những bé tân sinh viên bởi nội dung sẽ xoay quanh cách mình học những môn đại cương trên đại học. Trước khi vào nội dung chính, mình cũng muốn chia sẻ thật lòng về cảm xúc những ngày đầu bước chân vào cánh cổng Đại Học. Mình đã rất buồn khi trượt hết nguyện vọng vào ngôi trường ước mơ của mình thời cấp 3. Khi chưa biết kết quả chính thức, mình rất háo hức lên Hà Nội tìm phòng trọ quanh trường và sẵn tìm luôn một công việc part-time để làm quen với cuộc sống sinh viên. Nhưng ngày điểm chuẩn được công bố, mình chết lặng và đứng tại chỗ làm việc mà bật khóc, mình trượt rồi! Nhập học vào một ngôi trường mà trước đó mình chưa tìm hiểu nhiều và chỉ coi nó là nguyện vọng lót, cảm xúc của mình lúc đó cũng không vui vẻ gì, ngày nhập học mình còn bị ngã xe ở sân trường ĐH, huhu, đến cả trường học cũng bắt nạt mình ư? Thật may vì những cảm xúc tiêu cực ấy không theo mình quá lâu, sau một đêm thức để suy nghĩ về những cố gắng của mình ba năm cấp 3, mình cũng vực lại được tinh thần, học ở đâu cũng là học mà, quan trọng ở bản thân chúng ta mà thôi, huống chi ngôi trường mình đỗ cũng là một trong những trường top đầu về kinh tế miền Bắc. Và sau một năm, mình cảm thấy rất may mắn vì ngày đó đã đỗ vào trường mình mà không phải là một ngôi trường nào khác, mình biết, mình thực sự hợp với nơi này! 1. Chủ động với kiến thức Mình đưa ý này lên đầu, bởi TỰ HỌC chiếm 80% thời gian học của mình. Lên ĐH, phần lớn kiến thức sẽ phải tìm hiểu trước và sau cùng, giảng viên sẽ là người chốt lại những kiến thức đó cho mình. Sau khi xác định những môn trong một học kỳ, mình sẽ bắt đầu chuẩn bị đầy đủ giáo trình và những tài liệu liên quan (thường sẽ là tài liệu ebook của một số trường mình quan tâm, với mình là tài liệu bên NEU và FTU ạ). Mình sẽ đọc qua một lượt giáo trình trường mình, lần đọc lướt này dù chưa hiểu được nội dung trong sách nhưng ít nhất làm như vậy sẽ giúp mình hiểu tổng quát về môn học. Bước tiếp theo là Take notes những gì bản thân thấy quan trọng trong môn học. Mình chia ra khoảng 1-2 buổi tối sẽ ghi chép 1 chương của môn (Tùy lượng kiến thức của từng chương). Nói thật khi lên giảng đường mình ít khi ghi chép lắm, thời gian trên lớp mình sẽ tập trung đọc lại giáo trình và chú tâm vào những gì giảng viên hỏi để có thể trả lời, đồng thời ghi chú những phần giảng viên lưu ý thêm. Nhờ việc chuẩn bị bài trước mà khi lên lớp mình tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn hẳn, và mình cũng tập trung hơn, cái kiểu mà đã chuẩn bị bài trước rồi thì đi học tự tin lắm, tự tin trả lời được những câu giảng viên hỏi trong khi các bạn còn đang suy nghĩ ý hehe. Mà chuẩn bị bài rồi thì cũng không được chủ quan nhe, tại việc mình tự tìm hiểu trước nó là một phần thôi, cái quan trọng là nghe xem giảng viên nói gì về kiến thức đó, từ đó hiểu bản chất chứ không phải ghi chép thụ động máy móc. 2. Linh hoạt với từng môn học . Mỗi môn mình lại có một cách tiếp cận riêng ngoài việc chuẩn bị chung như mục 1 mình đề cập đến. Với những môn như Toán Kinh tế 1, Toán Kinh tế 2, Kinh tế Vi mô, Kinh tế Vĩ mô.. không còn cách nào tốt hơn là làm bài tập cả. Có một sự thật là mình luôn cố gắng làm nhiều bài tập nhất có thể với những môn như này. Làm bài tập chỗ nào không hiểu thì tìm kiếm trên bác google những bài tương tự để làm theo, tiện download thêm đề nếu có thời gian. Mình thường sẽ làm chi tiết những bài đầu và về sau sẽ nháp ra ý tưởng thôi. Thêm vào đó, trường mình kiểm tra và thi vẫn chủ yếu là hình thức tự luận, ngoài việc chú ý trình bày ra thì mình vẫn luyện thêm những dạng bài trắc nghiệm nữa, cái này là chủ yếu là tài liệu của bạn cùng phòng với mình, bạn ấy học bên NEU. Môn mang tính thực hành cao như Tin học Đại cương, tưởng khó mà khó không tưởng haha. Trường mình 2 bài kiểm tra trong kỳ dưới hình thức lấy điểm thực hành, nên việc làm những bài tập thực hành trong sách rất quan trọng. Dù có tiết thực hành nhưng mình vẫn làm trước bài ở nhà, đến đó thì ngồi.. nói chuyện với bạn: Vv. Khi làm trước những bài thức hành như vậy sẽ gặp tình trạng không biết làm khi chưa có sự hướng dẫn của giảng viên, nhưng chúng ta rất may mắn khi sinh ra trong thời đại cái gì không rõ có thể hỏi bác Google, chịu khó tìm kiếm và làm theo là được, nếu vẫn không làm được thì để đó, chuyển qua bài khác, bài không làm được thì lên lớp thay vì buôn chuyện ta có thể hỏi lại giảng viên cách làm. Cuối kỳ bên mình thi trắc nghiệm lý thuyết với 60 câu trong 60 phút và điểm của các bạn thường không cao. Lúc ký nộp bài máy chấm mình được 8.0/10 thì thầy coi thi cũng khá bất ngờ, thầy bảo coi thi từ sáng mà các bạn chỉ được tầm 6đ. Và cách mình học thì.. mình sẽ nói rõ ở phần "Ôn thi kết thúc học phần". Nhóm những môn còn lại mình gộp chung lại là Pháp luật Đại Cương, Triết học Mác – Lênin, Kinh tế Chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học.. Mình gộp chung nhóm này lại vì đặc điểm của nó là nhiều chữ và mình từng rất sợ =_=. Là một đứa theo ban Xã hội nhưng thú thật mình sợ những môn nhiều chữ như này lắm. Nhưng sợ thì vẫn phải học chứ biết làm sao. Khi mình sợ điều gì, mình sẽ cố gắng tiếp xúc với nó nhiều hơn cho đến khi hết sợ thì thôi. Cách học cho những môn này là đọc nhiều và làm bài tập trắc nghiệm thật nhiều. Không biết các bạn cảm thấy sao về hình thức trắc nghiệm, mình thì thấy học trắc nghiệm tuy nhiều câu hỏi nhưng sẽ giúp mình hiểu kiến thức tốt hơn là ngồi đó học thuộc mấy chục trang giấy và quên sau đó 1 ngày. 3. Gây ấn tượng với giảng viên. Điểm thành phần của chúng ta có cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào giảng viên mọi người ạ. Ngoài việc gặp được những giảng viên "thiên thần" thông cảm với sinh viên, thì chúng ta còn phải học cách đối mặt mới những giảng viên khó tính, mà dù thế nào đi nữa thì gây ấn tượng tốt với thầy cô sẽ giúp chúng ta có một kỳ học thuận lợi. Nếu được, hãy cố gắng ứng cử các vị trí nổi bật trong lớp như: Lớp trưởng, lớp phó, bí thư và cả nhóm trưởng nữa. Đây là cách thức giúp bạn nổi bật hơn giữa 80 sinh viên trong lớp hay thậm chí là 160 sinh viên ngồi chung trong 1 giảng đường. Nếu không tranh được những vị trí đó, thì cũng đừng lo vì ta có thể gây ấn tượng bằng một cách hiệu quả hơn, đó là tích cực tham gia xây dựng bài. Một số giảng viên có quy định cộng điểm cho sinh viên phát biểu, và thậm chí có những giảng viên sẽ cho điểm dựa vào "độ quen mặt" – tức là thầy cô quen mặt thì cuối cùng điểm của ta còn cao hơn điểm thực tế ta làm bài kiểm tra luôn mọi người ạ. Mà việc được giảng viên nhớ đến cũng giúp tinh thần chúng ta đi học thoải mái hơn. Mình nhớ kỳ 1 năm nhất giảng viên môn kinh tế của mình đã quy đổi 3 lần phát biểu = 1 điểm, kỳ đó mình hăng hái xây dựng bài lắm, cuối cùng nhận được 21 tích = 7 điểm. Mà rồi mình đã không cần đến điểm cộng đó, bởi nhờ quy định của thầy mà mình chủ động hơn trong việc học, điểm thành phần của mình cũng full 10 mà chưa xài tới điểm cộng: >> 4. Có một team đủ mạnh Tin không vui cho những bạn lười teamwork như mình trước đây (thật ra bây giờ mình vẫn vậy mà đỡ hơn), đó là lên ĐH sẽ phải hoạt động nhóm rất nhiều! Có những môn học điểm số chủ yếu phụ thuộc vào teamwork. Hãy cố gắng làm quen những người bạn ngay từ những buổi đầu và xây dựng cho mình một team đoàn kết, tích cực. Trong nhóm không cần phải có ngay những "học bá" đâu, vì lên ĐH mọi thứ đều setup lại hết, ai cũng như ai, quan trong tìm người chủ động và tích cực thôi. Nhưng mà ai có ý định làm leader thì nhớ ngắm mấy bạn có khả năng thiết kế Slide rồi kéo nó về team nhá. Cả năm nhất thì mỗi môn mình lại có một team riêng hehe, hơi kì vì bỏ đồng đội cũ nhưng thật ra do vài tình huống mà cả team không chung được với nhau. Nhưng nhờ quá trình làm việc nhóm với nhiều người mà mình học hỏi thêm được nhiều điều lắm, cũng có thêm những chiến hữu tốt để năm hai cùng nhau đăng ký tín chỉ rồi tiếp tục đồng hành với nhau. 5. Ôn thi kết thúc học phần Mấy câu nói như "Làm chủ môn A trong một đêm" cũng không còn xa lạ với mọi người đâu nhỉ? Bài thi kết thúc học phần chính là đầu điểm quan trọng nhất quyết định GPA môn học đó của chúng ta, vì vậy muốn điểm cao thì phải đầu tư cho bài này nhiều hơn. Vì trong cả quá trình học mình cũng đã cố gắng rất nhiều rồi nên phần ôn thi này cũng không quá vất vả nhồi nhét, quan trọng là tin tưởng vào kiến thức mình có! Không biết mọi người sao chứ mình thích đọc giáo trình lắm ấy, trước khi bắt tay vào ôn thi cho môn nào đó, mình vẫn thường đọc lại cả quyển giáo trình đó một lần, làm như vậy mình sẽ hệ thống lại được môn này mình đã được học những gì. Nếu lúc nào chăm chỉ thì mình còn vẽ mindmap ghi những nội dung trọng tâm của môn học nữa, nhưng mà cũng ít, vì mình không thích vẽ mindmap chút nào huhu. Chúng ta sẽ làm tốt hơn với những gì mình quen thuộc nhỉ, mình luôn có suy nghĩ như vậy nên bước vào thời gian ôn thi hết học phần, mình thường tìm kiếm trên các group và đi xin đề của anh chị đã học qua môn này. Trường mình có những group đề thi vô cùng uy tín luôn, trên đó còn share những tài liệu đã tổng hợp về môn học, nhưng phải chọn lọc, vì người ta cũng có thể có những nhầm lẫn trong đó, giảng viên trường mình thì không thích những trung tâm ôn thi rồi share tài liệu như vậy, nhưng mình là người học, tham khảo thêm thì cũng tốt. Làm độ 3-4 đề thi của môn đó là đủ tự tin đi thi rồi, môn nào còn lăn tăn phần trình bày thì mình sẽ làm nhiều hơn một chút và trình bày đẹp đẽ ra giấy A4 cho dễ nhìn dễ nhớ. Thật ra mình thấy đề thi trường mình có phần đơn giản hơn các trường xung quanh (đấy là mình nói những môn mình đã học qua ạ), nhưng mình không ngại đọc thêm tài liệu các trường khác dù trường mình không thi đến phần đó. Mình đọc tài liệu ở nhiều nơi về môn học đó và vào trang web: tracnghiem.net để làm trắc nghiệm xem kiến thức của mình đã ổn chưa. Việc học khó sẽ giúp đi thi dễ hơn. Tuy nhiên, với những phần kiến thức ngoài trường mình dạy mà mình có đọc cũng không nhớ được thì mình vẫn thẳng tay bỏ qua mà không tham lam bắt bản thân phải học hết đâu. 6. Chia sẻ để nhận được nhiều hơn Đến đây thì bài viết của mình đã khá dài rồi, nên phần này là kinh nghiệm mà mình tâm đắc nhất trong suốt quá trình đi học của mình dành cho những bạn kiên nhẫn đọc tới đây. Đọc phần trên thì mọi người có thể nghĩ mình học cũng nhiều ấy nhỉ, nhưng thực ra thời gian học của mình không nhiều lắm đâu, bởi ngoài đi học trên trường thì mình có đi làm thêm (6h/buổi – tuần 5 buổi), học tiếng Anh (mình học để thi IELTS) và học thêm tiếng Trung (mình học vì thích thôi). Mình ghi nhớ kiến thức chủ yếu nhờ quá trình đi chia sẻ kiến thức mình có. Mình thích việc giảng lại bài cho người khác (Sang năm hai học onl ở nhà một mình nên toàn tự giảng cho chính mình), giúp mọi người giải đáp những thắc mắc phần lý thuyết và bài tập. Khi mọi người hỏi mình, mình cũng phải xem xét lại vấn đề trong câu hỏi, có những câu mình cũng còn lăn tăn, nhưng nếu không ai hỏi thì mình sẽ bỏ qua luôn. Còn khi có bạn hỏi mình, mình sẽ cố tìm bằng được lời giải, không tự tìm hiểu được thì đi nhờ, mình có những anh chị cực đáng yêu lúc nào cũng nhiệt tình hỗ trợ. Mình hiểu bài là một chuyện, giải thích cho bạn bè cùng hiểu lại là một chuyện khác, khi ta giúp người khác hiểu được vấn đề, thì lúc đó ta mới thực sự hiểu bài! Có những hôm 1h sáng lên giường đi ngủ rồi mà có người ib nhờ, mình cũng sẽ ngồi dậy giúp họ xử lý, có lẽ vì sự nhiệt tình này mà mình có thêm được nhiều bạn bè hơn, cuộc sống ĐH cũng trở nên thú vị hơn. Trên đây là những chia sẻ của mình về cách mà mình đã học trong năm vừa qua, dù không thể so với nhiều người nhưng mình nghĩ mọi người có thể tham khảo, đặc biệt là những tân sinh viên còn bối rối với môi trường ĐH. Mỗi người đều có cách học riêng phù hợp với bản thân, không nên áp đặt những gì người khác làm lên chính bản thân rồi tự gây áp lực. Cường độ học tập và công việc của mình như trên vì mình đã quen với điều đó từ những năm cấp 3, nhưng dù đã quen như vậy thì bản thân mình cũng có những lúc mệt mỏi, chán nản muốn bỏ hết tất cả. Năm nhất mình dành để bù đắp những sai sót của kỳ thi THPTQG, nỗ lực tìm lại sự tự tin trong chính mình. Cấp 3 mong chờ ngày đỗ ĐH để viết một bài chia sẻ lại kinh nghiệm ôn thi, nhưng cuối cùng lại không dám chia sẻ gì vì thành tích của mình không cao. Còn thời điểm hiện tại, nhận lời khích lệ từ nhỏ bạn thân thì mình đã có đủ niềm tin để viết một bài tâm huyết như này với mong muốn chia sẻ với mọi người để chúng ta cùng nhau tiến bộ. Một lý do cực kỳ quan trọng để mình viết bài này là nhắc nhở bản thân không được chủ quan, luôn cố gắng để có thể tiến bộ hơn. Nếu không, khi đọc lại bài này, mình sẽ cảm thấy rất xấu hổ với chính mình và cả với mọi người nữa ạ. THANKS FOR READING