Trước khi trả lời câu hỏi này, thì bạn phải nhớ rằng cây muốn tồn tại, sinh trưởng, phát triển.. thì cần đủ nước và các ion khoáng. Đối với cây sống trên cạn, muốn lấy được nước và ion khoáng thì cây cần phải có hệ rễ khỏe mạnh. Bây giờ ta sẽ tìm hiểu cấu tạo bên ngoài của hệ rễ cây trên cạn trước nhé! Cấu tạo bên ngoài của hệ rễ Ta thấy, rễ cây trên cạn cấu tạo gồm: Rễ chính, rễ bên, lông hút, miền sinh trưởng kéo dài, đỉnh sinh trưởng. Đặc biệt có miền lông hút rất phát triển. Hình thái của rễ cây trên cạn thích nghi với chức năng hướng tới nguồn nước, hấp thụ nước và ion khoáng. Rễ cây sinh trưởng nhanh về chiều sâu, phân nhánh về chiều rộng, tăng nhanh số lượng lông hút để hấp thụ được nhiều nước và muối khoáng. Và rễ cây trên cạn hấp thụ nước và ion khoáng chủ yếu qua miền lông hút. Trong môi trường quá ưu trương, quá axit, thiếu oxi lông hút rất dễ gãy và tiêu biến. Nên câu trả lời của câu hỏi là: Khi đất bị ngập nước, oxi trong không khí không thể khuếch tán vào đất, rễ cây không thể lấy oxi để hô hấp. Nếu như quá trình ngập úng kéo dài, các lông hút trên rễ sẽ bị chết, rễ bị thối hỏng, không còn lấy được nước và các chất dinh dưỡng cho cây, làm cho cây bị chết.