Tổng hợp bí kíp Kiếm hiệp Kim Dung

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi khovicongaitq22, 26 Tháng mười một 2020.

  1. khovicongaitq22

    Bài viết:
    11
    Độc Cô Cửu Kiếm

    Độc Cô Cửu Kiếm là một bí kíp kiếm thuật tối thượng xuất hiện trong bộ Tiếu ngạo giang hồ, được sáng tạo ra từ nhân vật không xuất hiện mang tên Độc Cô Cầu Bại

    Nguồn gốc

    Độc Cô Cầu Bại là nhân vật chưa bao giờ xuất hiện thật sự trong các tiểu thuyết của Kim Dung, mà chỉ xuất hiện qua các huyền thoại bởi lời kể của các nhân vật khác, đây là một cao thủ có võ công đạt mức lư hỏa thuần thanh, đặc biệt là trình độ kiếm thuật vô địch. Ông ta tung hoành giang hồ suốt một đời mà chưa từng bị thất bại, không tìm được đối thủ của mình. Ông ta cô độc cho đến chết mà chỉ mong được một lần bại trận nên có tên là "cầu bại". Tuy nhiên, đôi khi cũng có thể hiểu chính những người sử dụng Độc Cô Cửu Kiếm là những "Độc Cô Cầu Bại".

    Nhân vật Độc cô Cầu bại xuất hiện qua lời kể của Phong Thanh Dương trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ và trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ khi con thần điêu (người bạn còn sống sót của Độc cô Cầu bại) đưa Dương Quá đến mộ Độc cô cầu bại và qua đó học được triết lý kiếm thuật. Có giả thuyết rằng Dương Quá sau khi ngộ ra triết lý kiếm thuật đã truyền lại cho đời sau 9 nguyên lý của "Độc Cô Cửu Kiếm". Điểm chung ở kiếm pháp của hai người thể hiện qua việc không sử dụng sự biến ảo của kiếm chiêu mà nằm ở chiêu kiếm càng đơn giản vô kỳ thì đối phương càng khó đối phó.

    Miêu tả

    Độc cô cửu kiếm được coi là triết lý đặc sắc của Đạo gia đề cao việc sử dụng kiếm thuật một cách linh hoạt, người luyện kiếm pháp này sẽ trở thành một cao thủ kiếm khách, có thể phá giải hết tất cả võ học trong thiên hạ. Luyện đến cảnh giới cuối cùng có thể dùng bất cứ thứ gì làm kiếm, đạt tới cảnh giới "vô chiêu thắng hữu chiêu".

    Trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, theo lời của Phong Thanh Dương thì "Độc Cô Cửu Kiếm" có 9 nguyên lý chính:

    • Tổng Quát Thức: Là các quy luật chung, các quy tắc biến hóa trong kiếm thuật: Di chuyển, quan sát, tấn công.. Các biến hóa trong tổng quát thức dựa trên các quy luật biến hóa của bát quái trong Kinh Dịch với 360 cách biến hóa.
    • Phá Kiếm Thức: Là các quy tắc phá giải tất cả các loại kiếm pháp.
    • Phá Đao Thức: Các quy tắc phá tất cả các loại đao pháp, từ đơn đao, song đao, đại đao, liễu diệp đao, quỷ đầu đao, trảm mã đao..
    • Phá Khí Thức: Dùng để hóa giải các đối thủ có nội công đã đến mức thượng thừa. Theo Phong Thanh Dương thì thức này rất trừu tượng và khó luyện, Lệnh Hồ Xung chưa sử dụng lần nào trong suốt bộ tiểu thuyết. Lúc dạy cho Lệnh Hồ Xung thì Phong Thanh Dương chỉ truyền thụ khẩu quyết.
    • Phá Chưởng Thức: Hóa giải các loại võ công sử dụng trực tiếp chân, tay, công lực. Bao gồm các loại quyền, cước, đoản đả, cầm nã, trảo thủ, chỉ pháp, chưởng pháp..
    • Phá Tiễn Thức: Dùng để phá các loại mũi tên, ám khí.. Muốn luyện thức này thì trước hết phải học nghe tiếng gió để phân biệt là ám khí gì ở phương nào bắn tới. Chẳng những chỉ dùng trường kiếm để gạt mọi thứ ám khí của địch nhân bắn tới mà còn mượn sức của đối phương để phản kích lại, tức là dùng món ám khí của địch nhân bắn tới để bắn ngược lại địch nhân. Một minh họa điển hình của chiêu thức này là Lệnh Hồ Xung dù mất hết nội lực vẫn sử dụng chiêu kiếm này đâm mù mắt 15 đại cao thủ vây quanh.
    • Phá Thương Thức: Quy tắc tấn công các đối thủ sử dụng thương, kích, côn, bổng, trượng, gậy..
    • Phá Tiên Thức: Hóa giải cương tiên, cương thích, trủy thủ, thiết bài, thiết giản, điểm huyệt..
    • Phá Sách Thức: Phá trường sách, nhuyễn tiên, tam thiết côn, thiết liễn, lưu tinh trùy..

    Tryền nhân

    Có hai nhân vật sử dụng thành thục là Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung.

    Lệnh Hồ Xung sau khi luyện thành đã trở thành một cao thủ kiếm khách, đánh bại rất nhiều cao thủ trong thiên hạ, dù vậy chàng vẫn không thể đánh bại Đông Phương Bất Bại đã luyện thành Quỳ Hoa bảo điển.

    Quỳ Hoa Bảo Điển

    Quỳ Hoa Bảo Điển là một môn võ công thượng thừa trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ của nhà văn Kim Dung

    Nguồn gốc

    Nguồn gốc của Quỳ Hoa Bào Điển (sách viết trong áo bào) được tiết lộ theo lời kể của Phương Chứng đại sư, chủ trì của Thiếu Lâm Tự, khi bàn việc cùng Lệnh Hồ Xung và Xung Hư đạo trưởng của phái Võ Đang trên đỉnh núi Hằng Sơn. Đây chính là bí kíp võ thuật thượng thừa do một cặp vợ chồng viết ra với tên người chồng có chữ "Quỳ", người vợ có chữ "Hoa" sáng tạo nên. Sau vì sáng tác bí lục này mà thành ra xích mích, cuối cùng cả hai vợ chồng đã đi ở ẩn, xa lánh cõi trần và pho bí lục võ công cũng chia làm hai bộ. Bộ của người chồng gọi là "Càn kinh" . Bộ của người vợ kêu bằng "Khôn kinh" .

    Trong một số bản sửa đổi thì Quỳ Hoa Bảo Điển do một thái giám tiền triều sáng tạo ra, có tên gọi là "Quỳ Hoa Lão Tổ" .

    Tiếu Ngạo Giang Hồ

    Sau một thời gian bị lưu truyền, bộ sách Quỳ Hoa Bảo Điển này vô tình truyền đến phái Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến. Cũng thời gian đó, có hai tiền nhân phái Hoa Sơn là "Nguyên Mẫn Túc" (sau này là tổ sư Khí Tông) và "Chu Tử Phong" (sau này trở thành tổ sư Kiếm Tông) cùng đến "Nam Thiếu Lâm" không biết bằng cách nào đọc lén được bộ sách rồi về Hoa Sơn tu luyện. Khi biết chuyện, trụ trì Nam Thiếu Lâm là "Hồng Diệp thiền sư" đã sai môn đồ của mình là Độ Nguyên đến Hoa Sơn khuyên hai người kia không nên rèn luyện "Quỳ Hoa Bảo Điển". Hai người kia tưởng lầm Độ Nguyên đã tinh thông bộ Bảo Điển nên đọc lại nhờ nhà sư kiểm chứng. Không ngờ Độ Nguyên thực ra không biết gì hết, nhưng cũng bị cuốn hút bởi bộ sách nên dụng tâm ghi nhớ, đêm về chép lại vào trong áo cà sa, sau đó hoàn tục trở thành Lâm Viễn Đồ, phát triển những kiến thức về kiếm thuật từ Quỳ Hoa Bảo Điển thành Tịch Tà Kiếm Phổ của họ Lâm nổi danh giang hồ.

    "Nguyên Mẫn Túc" và "Chu Tử Phong" cùng nhau tu luyện Quỳ Hoa bảo điển, nhưng mâu thuẫn về việc triết giải sách đã tranh cãi, dẫn đến việc chia rẽ phái Hoa Sơn thành hai trường phái là "Khí Tông" coi trọng việc rèn luyện nội công (Càn kinh) mà hậu duệ tiêu biểu sau này là Nhạc Bất Quần, Ninh Trung Tắc; và "Kiếm Tông" lấy việc rèn luyện kiếm chiêu làm trung tâm (Khôn Kinh) mà hậu duệ là Phong Thanh Dương vì không tranh đua đấu đá nên thoát nạn. Kết cục của việc này là mười đại trưởng lão của Nhật Nguyệt Thần Giáo kéo đến Hoa Sơn, cướp bộ sách Quỳ Hoa Bảo Điển về mình. Về sau, bộ sách truyền đến tay Đông Phương Bất Bại, là người duy nhất rèn luyện thành công bí kíp võ công này và trở thành cao thủ không ai địch nổi.

    Sau khi Đông Phương Bất Bại chết, Nhậm Ngã Hành đã tiết lộ chính ông ta đã bẫy Đông Phương Bất Bại bằng bộ sách này, và đã phá hủy cuốn sách, và cuối cùng bộ tuyệt học này hoàn toàn mất tích trên giang hồ.

    Đặc điểm

    Nguyên tắc luyện "Quỳ Hoa Bảo Điển" trước hết phải "Dẫn Đao Tự Cung", đây là loại võ công mang tính dương tà, khi luyện hơi nóng sẽ bốc lên ngùn ngụt vì vậy cần phải cắt đi bộ phận sinh dục để tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma.

    Đông Phương Bất Bại là giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo, cũng là người duy nhất luyện thành "Quỳ Hoa Bảo Điển" và trở thành đệ nhất cao thủ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Phải "dẫn đao tự cung" để tu luyện, vì thế Đông Phương Bất Bại cũng trở thành kẻ bán nam bán nữ. Đông Phương Bất Bại hàng ngày sống trong cung cấm như một hoàng hậu, ngồi thêu hoa, yêu một chàng trai là Dương Liên Đình, và đến chết vẫn cầu xin Nhậm Ngã Hành tha mạng cho Dương Liên Đình.

    Quỳ Hoa Bảo Điển nổi tiếng với thân pháp quỷ mị, xuất chiêu cực nhanh cùng với tuyệt kỹ ám khí "Tú Hoa Châm" mà vô địch. Quỳ Hoa Bảo Điển không phải không có sơ hở nhưng vì tốc độ quá nhanh chỉ để lại tàn ảnh nên có tìm được yếu điểm cũng không dễ dàng đánh trúng.

    Đông Phương Bất Bại sau khi luyện thành Quỳ Hoa Bảo Điển thì võ công phi phàm, một mình đấu trên cơ với bốn đại cao thủ. Chỉ có Lệnh Hồ Xung học được Độc Cô Cửu Kiếm nên có thể nhìn ra sơ hở của Đông Phương Bất Bại nhưng vẫn không thể đánh trúng y. Chỉ đến khi Nhậm Doanh Doanh tấn công Dương Liên Đình khiến Đông Phương Bất Bại mất tập trung thì mới bị Lệnh Hồ Xung đánh bại.

    Hấp Tinh Đại Pháp

    Hấp Tinh Đại Pháp là một môn nội công trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của nhà văn Kim Dung.

    Miêu tả

    Hấp Tinh Đại Pháp bắt nguồn từ tàn thiên (bản thiếu) của Bắc Minh Thần Công được truyền lại từ nước Đại Lý cùng với Hóa Công Đại Pháp của Tinh Túc phái sau đó dung hợp lại mà thành.

    Hấp Tinh đại pháp là một môn công phu tu luyện nội lực, sau khi luyện xong có thể "hút nội lực của đối phương vào chính bản thân mình" .

    Yếu quyết để luyện môn công phu này là trước tiên phải tự hóa tán công lực của bản thân: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng, lại giống như hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước. Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch" .

    Yếu quyết này đi ngược lại với phép tu luyện nội công thông thường: "Nguyên tắc căn bản của luyện nội công là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy" .

    Khuyết điểm

    Bộ võ công này mặc dù lợi hại nhưng nguy hiểm cũng cực cao vì có nhiều khuyết điểm:

    • Phải tán đi toàn bộ công lực trong cơ thể không còn có chút chân khí nào nếu như tán không hết hoặc là nội lực đi nhầm thì sẽ tẩu hỏa nhập ma. Nhẹ thì toàn thân tê liệt, nặng thì kinh mạch nghịch chuyển mà chết.
    • Sau khi tán công phải hấp thu nội lực của người khác để cho mình sử dụng. Bước này càng thêm khó khăn vì bản thân không có võ công lại phải đi hấp thụ nội lực của người khác chẳng khác nào lấy trứng chọi đá.
    • Lúc bắt đầu hấp thu sẽ không có cảm giác gì nhưng mà về sau thì những nội lực được hút vào cơ thể có thể sẽ đột nhiên cắn trả hút vào càng nhiều thì cắn trả càng mạnh.

    Hấp Tinh đại pháp tuy là hút nội lực của đối phương vào bản thân, nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma. Lần sau càng nghiêm trọng hơn lần trước.

    Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành sau này đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành, nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa Dịch Cân Kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.

    Dịch Cân Kinh

    Dịch Cân Kinh (易筋經) là bảo điển chí cao vô thượng của Thiếu Lâm Tự.

    Nguồn gốc

    Dịch Cân Kinh cùng với Tẩy Tủy Kinh là hai bộ công pháp do Đạt Ma tổ sư diện bích 9 năm sáng tạo ra, nhưng trải qua nhiều biến cố mà bị thất truyền nên Thiếu Lâm Tự sau này chỉ còn lưu lại Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh thì hoàn toàn biến mất.

    Dịch Cân Kinh vốn viết bằng chữ Phạn nên cho dù để ở Thiếu Lâm nhiều năm nhưng không ai luyện được. Sau này, nhị đệ tử của Đạt Ma là Tuệ Khả đại sư đã nhặt được bí kíp này. Khi đọc, ông chỉ thấy những từ ngữ rất uyên thâm được viết bằng tiếng Phạn nhưng không tài nào hiểu nổi, chỉ biết rằng chắc chắn đây không phải một loại sách tầm thường.

    Thế rồi, vị đại sư dắt theo cuốn kinh đi khắp giang hồ để tìm bậc cao nhân giải nghĩa. Nhưng ông đi suốt 20 năm dòng mà không thể có kết quả gì. Cho đến một ngày ông gặp nhà sư Thiên Trúc pháp hiệu Ban Thích Mật Đế trụ trì núi Nga Mi. Hai người lấy bí kíp ra để cùng nghiên cứu. Rốt cục sau 19 ngày, cả hai đã cùng giải mật được hết cuốn bí kíp.

    Miêu tả

    "Dịch Cân Kinh" hướng dẫn việc tập nội công, rèn luyện gân cốt, giúp chuyển đổi gân cốt và cơ bắp từ suy nhược thành sung mãn, khiến người luyện như được hoán gân chuyển cốt, tăng lên cả căn cơ nội công và tư chất luyện võ. Trong truyện đã từng miêu tả: "Dịch Cân Kinh được cho là tuyệt diệu ở chỗ bao quát tất cả kinh lạc của con người, liên hệ với tinh thần ngũ tạng, khắp mà không tan, đi mà không dứt, khí ở trong sinh, huyết ở ngoài thân. Luyện được rồi thì tâm động là nội lực tự phát như nước thủy triều dâng, giống như bơi thuyền trên sóng dữ, đợt sóng dâng lên hạ xuống thì thuyền lúc cao lúc thấp, không cần dùng sức" . Đây là môn luyện tập nội công chí tôn vô thượng, bởi lẽ nội công đã luyện thành thì có thể tùy tâm mà phát động. Địch yếu hay mạnh thì ta đều dễ dàng biến đổi để giành phần hơn như con thuyền trên nước, sóng dâng thì thuyền dâng theo.

    Tu luyện Dịch Cân Kinh cần chú trọng tĩnh tâm tuyệt đối, trong lòng không được nghĩ tới giết chóc hay ham muốn sức mạnh. Cưu Ma Trí vì nóng lòng tu luyện Dịch Cân Kinh để tăng cường nội công nên không những không luyện thành mà còn bị nội thương. Du Thản Chi và Lệnh Hồ Xung do không biết danh tính thực sự của Dịch Cân Kinh, chỉ nghĩ đây là pháp môn dưỡng sinh chữa bệnh nên không bị tẩu hỏa nhập ma.

    Xuất hiện

    Thiên Long Bát Bộ

    Trong truyện Thiên Long Bát Bộ, tương truyền Dịch Cân Kinh và Lục Mạch Thần Kiếm là hai pho võ công ngang nhau, thiên hạ vô đich, một về nội công, một về ngoại công. Dịch cân kinh xuất hiện là lúc A Châu giả trang vào Thiếu Lâm Tự trộm chân kinh làm quà mừng thọ Mộ Dung Phục, chẳng may bị dính một chưởng Kim Cang, tuy giảm bớt mấy thành do Kiều Phong ném tấm gương đồng che chở nhưng cũng khiến nàng suýt mất mạng. Nguyên sư đệ của Cưu Ma Trí là Ba La Tinh, Triết La Tinh đột nhập vào Thiếu Lâm trộm kinh mà bị giam giữ mấy chục năm. Sau này, khi A Châu chết, Dịch cân kinh cũng theo Tiêu Phong qua Liêu quốc, và bị đánh rơi, bị Du Thản Chi nhặt được. Dịch cân kinh là một quyển sách bằng giấy dầu mỏng không thấm của Thiên Trúc, trên có các hình vẽ các nhà sư trong các tư thế luyện công kì lạ (rất giống với Yoga) và các đường xanh đỏ là các đường khí vận hành trong người. Du Thản Chi vì bị trúng độc của con Băng Tầm mà luyện thành Dịch cân kinh và Hàn Băng độc chưởng.

    Sau này, trên Thiếu Lâm có vị đại sư già trông coi Tàng Kinh Các là người thông tuệ, tinh thông Phật pháp đã giảng giải về Dịch Cân Kinh: "Dịch cân kinh là môn nội công của phái Thiếu Lâm dùng để luyện tập cơ thể cường tráng, tinh thần minh mẫn. Thiếu Lâm có 72 tuyệt kỹ nhưng muốn luyện các môn tuyệt kỹ đó đến độ tinh vi ảo diệu thì phải có căn cơ nội công Dịch Cân Kinh, thì khi đạt trình độ thượng thặng mới không tổn hại cơ thể" . Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác vì không hiểu đạo lý đó mà mang thương tích, sau nhờ đại sư cứu chữa, quy y đầu Phật. Dịch Cân Kinh cuối cùng lại quay trở về Tàng Kinh Các, tiếp tục bị "đóng bụi" với thời gian.

    Tiếu Ngạo Giang Hồ

    Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lệnh Hồ Xung vì bị các nguồn nội lực khác nhau xung đột trong cơ thể, nguy cơ tử vong mà được Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh hi sinh đổi sự tự do của nàng để Thiếu Lâm Tự giam cầm, để Lệnh Hồ Xung được học Dịch Cân Kinh, tuy nhiên chàng từ chối. Sau này khi Hấp Tinh Đại Pháp gặp vấn đề, Phương Chứng đại sư đã mạo danh Phong Thanh Dương để truyền Dịch Cân Kinh cho Dịch Cân Kinh nhờ đó chàng đã giải trừ nguy cơ tẩu hỏa nhập ma do nội lực xung đột như Nhậm Ngã Hành.
     
    Nganha93Phan Kim Tiên thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng bảy 2024
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...