Truyện Ngắn Chong Chóng Xốp Màu - Hy Minh Tuệ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hy Minh Tuệ, 9 Tháng mười một 2020.

  1. Hy Minh Tuệ

    Bài viết:
    16
    [​IMG]

    Chong Chóng Xốp Màu

    Tác giả:
    Hy Minh Tuệ

    Thể loại: Truyện ngắn

    * * *​

    "Không bao giờ bơi được".

    Tôi - cũng chỉ vì sợ nước và sợ độ sâu, làm thầy dạy tôi bực mình và buông ra mấy lời như vậy. Cũng đúng thôi, không trách thầy được, tôi đáng bị như vậy. Thầy nản tôi, bảo không vượt qua được thì lên bờ đi, tôi cũng nản tôi, lên bờ và lết sang phần nước mà tôi có thể đứng được. Tôi đứng yên ở chỗ đó, vừa buồn vì đôi ba lời nói vô ý nhưng xát muối lòng tôi, vừa mệt mỏi vì phải đối diện với nỗi sợ nhưng không thành. Thầy tôi vẫn chỉ dạy cho mấy đứa nhóc từng tí một, hoặc là chán tôi nên không còn buồn để ý hoặc có nhìn tôi nhưng chắc có lẽ vì tôi cận nặng. Tôi cứ lặng lẽ bơi phần nước nông, mặc cho nước cứ đọng trong kính mắt, nước mắt của tôi và nước của bể bơi len lỏi vào, tôi gồng để thôi khóc trước đám nhóc và phụ huynh, bơi một cách chậm chạp, tay tôi mỏi nhừ, hơi còn chẳng đủ, nhưng vẫn cố bơi sang bên kia bể. Đủ vắng để tôi khóc mà không ai biết. Tôi cứ bơi qua bơi lại như thế cho tới khi mặt trời lặn khỏi nóc nhà. Giờ giải lao, tôi đã khóc thật lâu trong nhà vệ sinh, nên khi đi thay đồ, tôi thấy choáng và nhức mắt. Mấy đứa nhóc cứ nhìn lén tôi. Phụ huynh tụi nó cũng thế. Chắc là.

    Tôi về nhà đã là sáu giờ tối, mẹ tôi đưa tôi hai trăm ngàn, bảo tôi hãy đi mua cơm ngoài ăn đi, mẹ tôi nay về trễ không muốn nấu. Tôi cũng ừ, rồi thôi. Tôi lấy xe đi ra chợ cũ, cái chợ này tầm mười, hai mươi năm trước thì đây là cái duy nhất của thị trấn này, nhưng từ khi các tòa nhà mọc lên, trung tâm được xây lại, những con người ở đây chỉ thích những thứ hiện đại, những thứ mà, mới mẻ. Dần dần, "chợ cũ" cũng là mảnh giấy sót lại trong lòng những già và vô tình những đứa trẻ của thời tôi gọi "chợ cũ" như tên một phường, tên một khu vực. Tôi đi ngang qua khu vui chơi chỉ mới bị bỏ hoang vài năm trở lại đây. Đó từng là trung tâm vui chơi của thị trấn này, nhà nào hôm nay đi ăn bánh xèo vỉa hè nức tiếng ở khu "chợ cũ" cũng đều cho con em mình vào trong đó cả, trong đó chỉ có đôi ba trò nhà phao, câu cá với cả vẽ tượng và rắc kim tuyến lên tờ giấy trắng có in keo để kim tuyến dính vào. Vui chứ, hồi đấy nhà phao là nơi tôi thích nhất, tôi dù rất ghét, sợ và ám ảnh cảm giác chới với không nơi bám vào, nhưng nhà phao lại đem lại cho tôi cảm giác như bị người khác đánh đập, hành hạ vì phải lăn lóc né tránh khắp nơi, tôi khi ấy còn nhỏ nhưng mấy điều dị hợm như vậy làm tôi cảm thấy thoải mái và ổn hơn. Trước khu vui chơi bị bỏ hoang đó, tự nhiên lại xuất hiện một bác bán chóng chóng dạo. Mấy cái chong chóng đó nó khác xưa quá! Ngày xưa thật nhạt màu và ống bằng tre, còn bây giờ, cánh chong chóng được thay từ bìa cứng sang xốp nhựa, sắc xanh, đỏ, vàng, tím, rực rỡ, rực rỡ lắm! Đến cái ống trụ còn được quấn quanh bằng dải đề-can lấp lánh nữa, huống chi! Nhưng, biết sao được khi lũ trẻ giờ chỉ thích điện thoại và điện thoại, tôi cũng cùng thời với tụi nó, cũng không may mắn hơn là mấy. Vì tuổi thơ tôi chỉ có sách vở, chỉ có những hòn bi ve ít ỏi, chỉ có những nắp chai tôi ví như người dân và những hộp người ta vứt đi tôi ví như nhà cửa. Còn có những hạt cây nổ tôi lén trốn học ra sau sân hái lẹ, vờ đau bụng, đem vào phòng tắm nghịch cả tiếng đồng hồ, có những chiếc thuyền giấy nhỏ bé mà tôi xé ra từ những văn bản đánh máy in ra bị lỗi của mẹ tôi và cũng có, những người bạn trong trí tượng tưởng là "tay trái" và "tay phải", lâu lâu lại có "chân trái" và "chân phải" góp mặt cùng "chung vui" với tôi mỗi khi tôi ở nhà một mình, đợi mẹ về. Và tuổi thơ tôi không có hình ảnh của chong chóng. Tôi ghé vào, chọn cái màu đỏ và cam, nhưng vì bị tắc nghẽn, hư đâu đó nên ông ấy bảo tôi chọn cái khác. Tôi vớ đại màu trắng và tím, quay được, và tôi mua với giá hai chục ngàn.

    Tự mua, nó không còn hứng thú và vui vẻ bằng cái lúc đợi mòn mỏi cả một tháng để trông bốtôi đi làm xa nhà về, mua cho tôi món gì đó nữa, dù vậy, tôi vẫn có thể nở nụ cười ít ỏi trong ngày khi mà lần đầu trong đời được cầm cây chóng chóng, dù ở cái tuổi mà năm sau theo pháp luật, tôi có thể lập gia đình. Ông chú có vẻ bất ngờ và trơ mắt là nhìn tôi một lúc lâu, chắc ông ấy tưởng tôi mua cho em út hay cháu chắt, chứ không nghĩ là tôi lại tự mua cho một đứa như tôi lúc đó - nhìn như một đứa đã già và ra chất "thanh niên thành phố". Tôi mua cho đứa trẻ trong tôi, tôi muốn an ủi nó, vì cả một ngày dài tồi tệ, vì một tuổi thơ thiếu thốn.

    Tôi cười tít mắt.

    Lái con xe tay ga của mẹ chạy vài vòng đường "sân bay cũ", nơi ít người qua lại, để cầm cây chong chóng, đưa lên cao rồi hạ xuống. Chong chóng xoay nhìn vui, tôi thích thú tới mức chạy thật chậm, để xem "vận tốc" chóng chóng "biến thiên" như nào. Người chạy ngoài đường nhìn tôi. Tôi cũng kệ, tôi không còn đủ sức để bận tâm nữa.

    Bỗng nhiên tôi thấy một chiếc xe đạp cũ kĩ, nhỏ bé.

    Một bà già tóc lơ phơ, bận lên mình bộ đồ bộ màu tím đã sờn, cầm trên tay cọc vé số, lặng lẽ đạp từ từ trên con đường nhỏ mà hai bên chỉ toàn quán nhậu sang chảnh. Tôi chạy ngang qua, dự là về nhà luôn, nhưng tôi chẳng buồn đem chong chóng về nhà, môi trường xung quanh tôi, không phù hợp với một cái chong chóng sặc sỡ. Tôi vòng xe lại không thêm một chút do dự. Chạy theo bà già đó. Tôi đuổi kịp, dừng cạnh, đưa bà lão đó:

    - Chong chóng nè bà.

    - Hả?

    - Chong chóng!

    - À ừ, để xíu đem về cho con bé..

    Bà nhận là tôi chạy đi rồi, có kịp nghe hết câu đâu.

    Tại vì tôi đã cay nồng sống mũi và suýt khóc rồi. Tự nhiên tôi thèm có bà, bà tôi mất cả rồi, ông tôi, tôi chỉ có thể biết qua những tấm ảnh trắng đen bọc plastic chụp đã lâu mà thôi.

    Không biết, con bé cầm cái chong chóng đó, có cười tươi và hứng khởi khi được bà đưa cho hay không, chứ là tôi, tôi sẽ cầm chạy cả nhà để xem nó quay. Theo một cách hồn nhiên của lũ trẻ con.

    Hết
     
    AmiLee, Phan Kim TiênUất Phong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 9 Tháng mười một 2020
Trả lời qua Facebook
Đang tải...