Trong thời gian vừa qua, Among Us đang tựa game đang làm mưa làm gió với cộng đồng game thủ. Khỏi phải nói về độ hấp dẫn của trò chơi này khi mà các bạn có thể thấy nó xuất hiện ở hầu hết các bảng xếp hạng uy tín. Among Us đưa người chơi vào các đội gồm 4-10 người chơi sửa chữa một trạm vũ trụ bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ khác nhau. Trong khi tất cả cố gắng hoàn thành nhiệm vụ thì có những kẻ giết người trà trộn vào đám đông để bí mật hạ sát từng người một. Tựa game ban đầu được phát hành vào năm 2018, nhưng ở thời điểm ra mắt có rất ít người chơi tựa game này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, Among Us bất ngờ phổ biến trở lại trên Steam khi gần đạt 1, 5 triệu người chơi đồng thời trên các phiên bản khác nhau của game. Điểm nổi bật của Among Us là lối chơi chơi theo dạng "Ma sói" khiến mọi người phải lừa lọc nhau để giành chiến thắng. Mấu chốt của vấn đề là các bạn phải biết hoặc nhận ra ai là người nói thật, ai là người nói dối để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Đương nhiên, đây không phải chuyện đơn giản. Tuy nhiên, vẫn có một số phương pháp để các bạn nhận biết được ai nói dối. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các mẹo phát hiện người nói dối ở bài viết dưới đây nhé. Gây bất ngờ Với những người nói dối, họ thường dựng hoặc mường tượng một kịch bản có sẵn để trả lời các câu hỏi. Họ thường có xu hướng cố đoán trước câu hỏi để đưa ra câu trả lời hợp lý và tự nhiên nhất. Để chống lại điều trên, bạn phải đặt ra những câu hỏi ngoài dự tính (thậm chí là vu vơ) để làm loạn nhịp suy nghĩ của đối phương. "Cuối tuần này có phim gì hay?" hoặc "Tối qua M. U vì sao lại thua Crystal Palace?". Hãy đặt những câu hỏi như vậy với đối tượng bạn nghi ngờ. Họ sẽ phải lục lại trí nhớ và bắt đầu xao nhãng. Ngay lúc này, hãy đưa ra những câu hỏi mang tính mấu chốt kiểu như "Bạn vừa phá hoại cái kia đúng không?" hay "Bạn là kẻ đâm lén ở lượt trước?". Với người bình thường, họ sẽ lập tức phủ nhận một cách trực quan và ngắn gọn nhất. Với kẻ nói dối, sự phản biện thường khá do dự, rườm rà và nhiều chi tiết. Kẻ nói dối thường hay câu giờ Vì thường xuyên phải đưa ra những thông tin không đúng sự thật, kẻ nói dối sẽ cần nhiều thời gian hơn người bình thường để trả lời một câu hỏi trực diện. Thường thì khoảng từ 3 đến 5 giây để tạo kịch bản giả và lắp ghép chúng sao cho phù hợp nhất với hoàn cảnh. Khi bị hỏi: "Bạn có phải là impostor không" nhưng người nói dối thường có xu hướng trả lời kiểu: "Tôi mà là kẻ giết người á, bạn có nhầm không?" hay "Khoan đã, có sự nhầm lần ở đây, bạn có chắc chắn với điều đó không?". Mục đích của những câu trả lời này là để kẻ nói dối tìm kiếm thêm thời gian và đưa ra lý do hợp lý nhất. Chú ý cách phản biện Với những người nói thật, họ sẽ phản biện một cách trực diện, vào thẳng vấn đề. Cách thức phản biện cũng không quá gay gắt hay yếu đuối. Một câu trả lời ngắn gọn, đầy đủ thông tin, không quá rờm rà, cũng không quá cụt lủn, đấy chính là biểu hiện của người nói thật. Với những kẻ nói dối, như đã nói ở trên, vì cần thời gian để tạo ra bằng chứng giả, kịch bản giả nên họ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Người nói dối thường có xu hướng đưa ra những thông tin không liên quan hoặc nhắc lại thông tin từ câu hỏi. Bên cạnh đó, người nói dối cũng có xu hướng tạo ra sự "tự ái giả tạo" để che đậy các tình huống đuối lý. Ví dụ như: "Tôi không cần nói nhiều nữa, tôi không phải là impostor, tôi không làm thế, các bạn tin hay không thì tùy". Để ý sự thay đổi về thái độ Khi chơi với bạn bè của mình, bạn hãy chú ý đến thái độ và tính cách của họ. Thường thì một người có xu hướng giữ đúng tính cách từ ngoài đời vào trong game. Nếu bạn nhận ra bất kỳ sự thay đổi nào thì nhiều khả năng đó chính là người nói dối. Ví dụ như một người ít nói, trầm tính sẽ có xu hướng tự ái và ít phản biện khi bị nghi ngờ là impostor. Trong một ngày bạn thấy người bạn ít nói của mình liên tục đưa ra thông tin thì đấy nhiều khả năng là impostor. Nguồn tin: GameK