Nên đóng bỉm cho bé đến khi nào? Đối với gia đình có trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, chi phí mua tã dán không phải là con số nhỏ. Mặt khác, thói quen đóng bỉm sẽ khiến bé ỷ lại và khó tập thói quen kiểm soát việc đi vệ sinh của mình. Nói lời tạm biệt với những chiếc bỉm bức bí cũng là một cột mốc đáng nhớ của bé. Vậy làm cách nào để cai bỉm cho bé hiệu quả? Bỉm có thể coi làm một trong những phát minh vĩ đại dành cho các ông bố bà mẹ khiến cho công cuộc làm phụ huynh thực sự không còn là cuộc chiến. Tuy nhiên, làm thế nào để bỏ bỉm cho trẻ và đội tuổi nào bỏ bỉm là thích hợp nhất là một nỗi trăn trở của các bà mẹ. Chính các ông bố bà mẹ cũng phải điên đầu với những câu hỏi như "cứ dùm bỉm mãi như thế này thì con có bị ỷ lại mà không chịu học cách kiểm soát?" Trên thực tế, đây là những phân vân và thắc mắc hoàn toàn bình thường và như bao cột mốc khác của bé trong đời, việc bỏ bỉm cũng gắn liền với giai đoạn phát triển nhất định của bé. Không có chung một dấu ấn, một công thức cho các bé, tuy nhiên vẫn có một số kỹ thuật cho phép bố mẹ phát hiện ra thời điểm vàng, giúp bé bỏ bỉm một cách tự nhiên và dễ dàng nhất. Chỉ nên đóng bỉm cho trẻ khi trẻ từ sơ sinh cho đến khi bé được khoảng 1 - 2 tuổi. Dưới đây là một số cách giúp các bố mẹ cai bỉm cho bé nhanh chóng và hiệu quả. Không la mắng, quát tháo thúc giục bé Điều đầu tiên của việc bỏ bỉm vẫn là việc bé đã đến tuổi hay chưa, thói quen đi vệ sinh như thế nào, tuy nhiên, một trong những điều mà các bậc cha mẹ không nên làm là quát mắng hay nài nỉ với trẻ quá nhiều về vấn đề này. Bởi nếu không, kết quả mà cha mẹ nhận được có thể hoàn toàn ngược lại với mong muốn ban đầu. Gây áp lực cho trẻ có thể gây ra chấn thương về tâm lý cho bé và sẽ khiến quá trình bỏ bỉm mất nhiều công sức và thời gian hơn rất nhiều. Chính vì thế, nguyên tắc đầu tiên để bắt đầu công cuộc quá trình này đó là: Kiên nhẫn. Ngoài ra cha mẹ cũng cần phân tách rõ ràng giữa việc bỏ bỉm ngày và bỏ bỉm đêm để không đặt quá nhiều kì vọng. Tháo bỏ những chiếc bỉm bức bí vào ban ngày dễ dàng hơn rất nhiều. Trong khi đó công cuộc bỏ bỉm đêm có thể kéo dài đến hàng năm. Bỏ bỉm ngày Trước khi bắt đầu bỏ bỉm hãy theo dõi thói quen đi vệ sinh của trẻ. Dựa vào những gì quan sát được, bạn có thể thiết lập các quãng thời gian để chủ động cho bé đi vệ sinh, ví dụ 1 tiếng/lần, 2 tiếng/lần. Ở giai đoạn này, bạn nên sử dụng bô thay vì việc dùng nắp bồn cầu cho bé vì lựa chọn thứ hai gây bất tiện hơn. Ngoài ra, bạn nên tạo không gian riêng, thoải mái, cho phép bé giải trí trong lúc "giải quyết nỗi buồn" như chơi đồ chơi, xem sách với những hình ảnh màu sắc rực rỡ. Điều này khiến việc "đi bô" trở nên vui vẻ và dễ chịu với bé. Kinh nghiệm bỏ bỉm đêm cho bé Việc bỏ bỉm đêm đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Một trong những nguyên tắc quan trọng là trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ, không nên cho trẻ uống nước và bắt đầu giảm tần suất hoạt động. Ngay trước khi lên giường phải để bé đi vệ sinh. Một số người áp dụng việc gọi bé dậy giữa đêm để đi tè. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia phản đối hành động này bởi việc cắt ngang giấc ngủ ngon của bé tệ hơn rất nhiều so với việc một chiếc giường bị ướt. Trong những ngày thực hiện bỏ bỉm, để tránh phải thay đệm và ga giường thường xuyên, bạn có thể sử dụng thêm ga hoặc thảm chống thấm. Ở phần này, nguyên tắc là kiên nhẫn chờ đợi dấu hiệu thích hợp. Nếu bé có một tuần bỉm khô liên tục thì đây chính là thời điểm bé đã sẵn sàng nói lời tạm biệt với những chiếc bỉm. Thông thường nhu cầu mặc bỉm đêm của bé có thể kéo dài đến năm 4, 5 tuổi. Nếu đến 6 tuổi, bé vẫn phải dùng bỉm thì đây là lúc bạn nên tìm sự hỗ trợ của các chuyên gia, bác sĩ. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không cần phải quá lo lắng bởi sớm hay muộn thì bé cũng sẽ học được cách điều khiển cơ thể và nhu cầu. Tạo môi trường đi vệ sinh cho bé Nên chuẩn bị cho bé những chiếc bô có hình bé yêu thích hoặc nếu muốn bé đi vệ sinh trong nhà vệ sinh, các mẹ nên chuẩn bị nắp bồn cầu chuyên dụng dành cho bé. Trang trí nhà vệ sinh theo sở thích cũng là một cách hay giúp bé chủ động đi vệ sinh hơn. Cần lưu ý giữ cho nhà vệ sinh được khô ráo và sạch sẽ, nên có vật dụng chuyên dùng để bé dễ dàng leo lên bồn cầu mà không sợ bị té ngã nhé. Tập cho bé thói quen đi vệ sinh đúng giờ giấc Bố mẹ hãy tập cho bé thói quen đi vệ sinh theo giờ giấc. Cơ thể con người là một chiếc đồng hồ sinh học hoạt động rất hiệu quả dựa vào thói quen được rèn luyện qua từng ngày. Trẻ em cũng không ngoại lệ. Cứ đến một khung giờ cố định như sau khi thức dậy, trước khi đi ngủ, sau bữa ăn, sau giấc ngủ trưa, bạn hãy dẫn bé đi vệ sinh. Lâu dần, thói quen này sẽ giúp bé không còn tè dầm nữa, việc cai bỉm cũng sẽ hiệu quả hơn, thậm chí vào ban đêm. ST.